BỘ TÀi chính



tải về 1.61 Mb.
trang10/20
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích1.61 Mb.
#482
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   20
Điều 56. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu nhưng phải xuất khẩu trả lại cho khách hàng nước ngoài, xuất khẩu sang nước thứ ba hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan

1. Trường hợp hàng hóa đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu

a) Nơi làm thủ tục xuất khẩu: tại Chi cục hải quan đã làm thủ tục nhập khẩu lô hàng đó. Trường hợp hàng xuất khẩu qua cửa khẩu khác thì được làm thủ tục chuyển cửa khẩu đến cửa khẩu xuất.

b) Hồ sơ hải quan gồm:

b.1) Văn bản giải trình của doanh nghiệp về việc xuất khẩu hàng;

b.2) Tờ khai hàng hoá xuất khẩu: nộp 02 bản chính;

b.3) Tờ khai hàng hoá nhập khẩu trước đây: nộp 01 bản chụp, xuất trình bản chính;

b.4) Văn bản chấp nhận nhận lại hàng của chủ hàng nước ngoài (nếu hàng xuất khẩu trả lại cho chủ hàng bán lô hàng này): nộp 01 bản chính hoặc bản chụp;

b.5) Hợp đồng bán hàng cho nước thứ ba hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan (nếu hàng xuất khẩu sang nước thứ ba hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan): nộp 01 bản chụp.

b.6) Quyết định buộc tái xuất của cơ quan có thẩm quyền (nếu có): 01 bản chụp.

c) Thủ tục hải quan thực hiện như đối với với lô hàng xuất khẩu theo hợp đồng thương mại. Hàng xuất khẩu phải kiểm tra thực tế hàng hoá. Công chức hải quan làm nhiệm vụ kiểm tra hàng hoá phải đối chiếu mẫu lưu hàng hoá lấy khi nhập khẩu (nếu có lấy mẫu); đối chiếu mô tả hàng hoá trên tờ khai nhập khẩu với thực tế hàng hoá xuất khẩu; ghi rõ số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hoá xuất khẩu và việc xác định sự phù hợp giữa hàng hoá thực xuất khẩu với hàng hoá trước đây đã nhập khẩu.

d) Cơ quan hải quan ra quyết định không thu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu trả lại hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan quy định tại khoản 1 Điều này, nếu tại thời điểm làm thủ tục xuất khẩu trả lại xuất khẩu sang nước thứ ba hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan người khai hải quan nộp đủ bộ hồ sơ không thu thuế theo hướng dẫn tại Điều 117 Thông tư này và cơ quan hải quan có đủ cơ sở xác định hàng hóa xuất khẩu là hàng đã nhập khẩu trước đây.

2. Trường hợp hàng hóa chưa làm thủ tục nhập khẩu đang nằm trong khu vực giám sát hải quan, nhưng do gửi nhầm lẫn, thất lạc, không có người nhận hoặc bị từ chối nhận, nếu người vận tải hoặc chủ hàng có văn bản đề nghị được tái xuất (trong đó nêu rõ lý do nhầm lẫn, thất lạc hoặc từ chối nhận) thì Chi cục trưởng hải quan tổ chức giám sát hàng hóa cho đến khi thực xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam ngay tại cửa khẩu nhập.

Điều 57. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá bán tại cửa hàng miễn thuế

Việc quản lý hải quan đối với hàng hoá bán tại cửa hàng kinh doanh miễn thuế thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.

Điều 58. Thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính và vật phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh

Thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính và vật phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh thực hiện theo Thông tư này và các Thông tư số 99/2010/TT-BTC ngày 09/7/2010 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính; Thông tư số 100/2010/TT-BTC ngày 09/7/2010 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đường hàng không quốc tế; Quyết định số 93/2008/QĐ-BTC ngày 29 tháng 10 năm 2008 của Bộ Tài chính ban hành quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hoá, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đường bộ.

Điều 59. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá đưa vào, đưa ra kho ngoại quan

1. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá từ nước ngoài hoặc từ các khu phi thuế quan vào kho ngoại quan.

a) Hàng hoá gửi kho ngoại quan

Hàng hoá theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP được gửi kho ngoại quan.

b) Hồ sơ nộp cho Hải quan kho ngoại quan bao gồm:

b.1) Tờ khai hàng hoá nhập/xuất kho ngoại quan: 02 bản chính.

b.2) Hợp đồng thuê kho ngoại quan: 01 bản chụp (trừ trường hợp chủ hàng đồng thời là chủ kho ngoại quan).

Trường hợp hợp đồng thuê sử dụng cho nhiều lần nhập kho ngoại quan thì chỉ yêu cầu nộp một lần khi đăng ký tờ khai hàng hóa nhập, xuất kho ngoại quan đầu tiên và nộp phụ lục hợp đồng thuê kho cho lần kế tiếp.

Thời hạn hàng hóa gửi kho ngoại quan được tính từ ngày hàng hóa nhập kho ngoại quan.

b.3) Giấy uỷ quyền nhận hàng (nếu chưa được uỷ quyền trong hợp đồng thuê kho ngoại quan): 01 bản chính;

b.4) Vận đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương hoặc tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan đối với trường hợp hàng hóa đưa khu phi thuế quan gửi kho ngoại quan: 01 bản chụp;

b.5) Bản kê chi tiết hàng hoá (riêng ô tô, xe máy phải ghi rõ số khung và số máy): 01 bản chụp.

b.6) Các chứng từ khác theo yêu cầu quản lý của Bộ, ngành có liên quan.

c) Thủ tục hải quan

c.1) Đăng ký tờ khai hàng hoá nhập kho ngoại quan.

c.2) Hải quan kho ngoại quan đối chiếu số container, số niêm phong đối với hàng hoá nguyên container; số kiện, ký mã hiệu kiện đối với hàng đóng kiện với bộ chứng từ, nếu phù hợp và tình trạng niêm phong, bao bì còn nguyên vẹn thì làm thủ tục nhập kho; nếu phát hiện chủ hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hải quan thì phải kiểm tra thực tế hàng hoá.

c.3) Công chức hải quan giám sát hàng nhập kho ngoại quan ký xác nhận hàng hoá đã nhập kho vào tờ khai hàng hoá nhập/xuất kho ngoại quan, nhập máy theo dõi hàng hoá nhập/xuất kho.

2. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá từ nội địa đưa vào kho ngoại quan

a) Hàng hoá gửi kho ngoại quan:

a.1) Các loại hàng hóa quy định tại khoản 3 Điều 25 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP;

a.2) Hàng hóa từ kho ngoại quan đã được đưa vào nội địa để gia công tái chế, sau đó đưa trở lại kho ngoại quan theo chỉ định của nước ngoài.

b) Hồ sơ hải quan:

b.1) Tờ khai hàng hoá nhập/xuất kho ngoại quan: 02 bản chính;

b.2) Hợp đồng thuê kho ngoại quan 01 bản chụp (trừ trường hợp chủ hàng đồng thời là chủ kho ngoại quan).

Trường hợp hợp đồng thuê sử dụng cho nhiều lần nhập kho ngoại quan thì chỉ yêu cầu nộp một lần khi đăng ký tờ khai hàng hóa nhập, xuất kho ngoại quan đầu tiên và nộp phụ lục hợp đồng thuê kho cho lần kế tiếp.

b.3) Giấy uỷ quyền gửi hàng (nếu chưa được uỷ quyền trong hợp đồng thuê kho ngoại quan): 01 bản chính, nếu bản fax phải có ký xác nhận và đóng dấu của chủ kho ngoại quan;

b.4) Tờ khai hàng hoá xuất khẩu theo từng loại hình tương ứng, kèm bản kê chi tiết (nếu có): nộp 01 bản chụp, xuất trình bản chính (bản lưu người khai hải quan);

b.5) Quyết định buộc tái xuất của cơ quan có thẩm quyền (đối với trường hợp buộc tái xuất): 01 bản chụp.

c) Thủ tục hải quan:

c.1) Kiểm tra tính hợp lệ của các chứng từ trong bộ hồ sơ; đăng ký tờ khai và làm thủ tục nhập kho ngoại quan như đối với hàng hoá từ nước ngoài đưa vào gửi kho ngoại quan nêu tại điểm c khoản 1 Điều này.

c.2) Xác nhận “hàng đã đưa vào kho ngoại quan” trên tờ khai hàng hoá xuất khẩu theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Thông tư này.

3. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá từ kho ngoại quan đưa ra nước ngoài, đưa vào các khu phi thuế quan:

a) Hồ sơ hải quan gồm:

a.1) Tờ khai hàng hoá nhập, xuất kho ngoại quan: nộp 01 bản chính;

a.2) Tờ khai hàng hoá xuất khẩu (trừ hàng hoá từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan): nộp 1 bản chụp;

a.3) Giấy uỷ quyền xuất hàng (nếu không ghi trong hợp đồng thuê kho): 01 bản chính;

a.4) Phiếu xuất kho: 01 bản chính.

b) Thủ tục hải quan:

b.1) Hải quan kho ngoại quan đối chiếu bộ chứng từ khai báo khi xuất kho với chứng từ khi làm thủ tục nhập kho và thực tế lô hàng, nếu phù hợp thì làm thủ tục xuất.

b.2) Hàng hóa từ kho ngoại quan xuất đi nước ngoài chỉ được xuất qua các cửa khẩu quốc tế; cửa khẩu chính hoặc các địa điểm khác do Thủ tướng Chính phủ quy định.

b.3) Hàng hoá của một lần nhập kho khai trên tờ khai hàng hoá nhập/xuất kho ngoại quan được đưa ra khỏi kho ngoại quan một lần hoặc nhiều lần. Trường hợp hàng đưa ra khỏi kho và đưa ra nước ngoài nhiều lần, qua nhiều cửa khẩu khác nhau trong cùng một thời điểm thì được sử dụng tờ khai hàng hoá nhập/xuất kho ngoại quan bản chụp có đóng dấu xác nhận của Chi cục hải quan kho ngoại quan để làm thủ tục chuyển cửa khẩu từ kho ngoại quan đến cửa khẩu xuất.

b.4) Kết thúc việc xuất kho ngoại quan, Chi cục hải quan quản lý kho ngoại quan căn cứ Biên bản bàn giao hàng hóa chuyển cửa khẩu và Bảng kê hàng hóa chuyển cửa khẩu từ kho ngoại quan ra cửa khẩu xuất có xác nhận của Hải quan cửa khẩu xuất để xác nhận hàng hóa đến cửa khẩu xuất tại ô 35 tờ khai hàng hóa nhập, xuất kho ngoại quan; trường hợp kho ngoại quan tại cửa khẩu xuất thì hải quan kho ngoại quan xác nhận ngay sau khi xếp hàng lên phương tiện.

4. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá từ kho ngoại quan nhập khẩu vào nội địa

a) Hàng hoá từ kho ngoại quan được đưa vào nội địa trong các trường hợp sau:

a.1) Hàng hoá nhập khẩu được đưa vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 Nghị định 154/2005/NĐ-CP;

a.2) Hàng hoá được đưa vào nội địa để gia công, tái chế;

a.3) Máy móc, thiết bị của nhà thầu nước ngoài đưa vào nội địa để thi công hoặc của doanh nghiệp thuê để thực hiện hợp đồng gia công, khi kết thúc hợp đồng đã tái xuất và gửi kho ngoại quan được đưa vào nội địa để thực hiện hợp đồng thuê tiếp theo;

a.4) Hàng hóa đã làm thủ tục xuất khẩu, gửi kho ngoại quan được nhập khẩu trở lại nội địa theo loại hình tương ứng.

b) Hàng hóa không được đưa vào kho ngoại quan trong các trường hợp sau đây:

b.1) Hàng hóa quy định tại điểm c khoản 2 Điều 26 Nghị định 154/2005/NĐ-CP;

b.2) Hàng hóa theo quy định phải làm thủ tục nhập khẩu tại cửa khẩu;

b.3) Hàng hóa thuộc Danh mục hàng tiêu dùng hoặc Danh mục hàng không khuyến khích nhập khẩu của Bộ Công Thương.

c) Thủ tục hải quan:

c.1. Người khai hải quan thực hiện thủ tục nhập khẩu theo từng loại hình tương ứng, sau đó chủ kho thực hiện thủ tục xuất kho ngoại quan.

c.2. Trường hợp hàng gửi kho ngoại quan làm thủ tục nhập khẩu vào nội địa nhiều lần thì hồ sơ hải quan đối với từng lần nhập khẩu được chấp nhận bộ chứng từ bản chụp (gồm vận đơn, bản kê chi tiết hàng hóa, giấy chứng nhận xuất xứ) có đóng dấu xác nhận của Hải quan kho ngoại quan, bản chính của các chứng từ do Hải quan kho ngoại quan lưu.

c.3. Kết thúc việc xuất kho ngoại quan, Chi cục hải quan quản lý kho ngoại quan căn cứ Biên bản bàn giao hàng hóa chuyển cửa khẩu, tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu để xác nhận hàng hóa đến cửa khẩu xuất tại ô 35 tờ khai hàng hóa nhập, xuất kho ngoại quan.

d) Hải quan kho ngoại quan giám sát việc xuất hàng hoá ra khỏi kho ngoại quan và xác nhận trên tờ khai hàng hoá nhập, xuất kho ngoại quan.

5. Giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển từ kho ngoại quan đến cửa khẩu xuất

a) Trách nhiệm của chủ hàng/chủ kho ngoại quan

a.1) Lập Danh mục hàng hóa xuất khẩu chuyển từ kho ngoại quan ra cửa khẩu xuất (theo mẫu số 47/BKCCK-KNQ/CFS/2013 phụ lục III ban hành kèm Thông tư này): 03 bản;

a.2) Vận chuyển hàng hóa đúng tuyến đường, thời gian đã được cơ quan hải quan xác nhận trên Biên bản bàn giao hàng hóa. Trường hợp không đúng tuyến đường, thời gian, trước khi hàng hóa được vận chuyển đến cửa khẩu xuất, chủ hàng/chủ kho ngoại quan phải có văn bản thông báo cho Chi cục hải quan quản lý kho ngoại quan và Chi cục hải quan cửa khẩu xuất biết để theo dõi, giám sát.

a.3) Bảo quản hàng hóa nguyên trạng niêm phong hải quan trong suốt quá trình vận chuyển.Trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố bất khả kháng làm suy chuyển niêm phong hải quan hoặc thay đổi nguyên trạng hàng hoá thì người vận tải/chủ kho ngoại quan phải áp dụng các biện pháp để hạn chế tổn thất và báo ngay cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc Chi cục hải quan nơi gần nhất để lập biên bản xác nhận hiện trạng của hàng hoá.

b) Trách nhiệm của Chi cục hải quan quản lý kho ngoại quan:

b.1) Xác nhận trên 02 bản Danh mục hàng hóa xuất khẩu chuyển từ kho ngoại quan ra cửa khẩu xuất; Niêm phong hàng hóa và lập 03 Biên bản bàn giao hàng hoá chuyển cửa khẩu (theo mẫu số 46/BBBG-CCK/2013 phụ lục III ban hành kèm Thông tư này), trong đó phải ghi đầy đủ các thông tin về thời gian xuất phát, tuyến đường và các thông tin khác làm căn cứ để Hải quan cửa khẩu xuất tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu, xử lý; niêm phong hồ sơ hải quan (gồm: 02 Biên bản bàn giao; 02 bản Danh mục hàng hóa xuất khẩu chuyển từ kho ngoại quan ra cửa khẩu xuất và bản chụp tờ khai hàng hóa nhập, xuất kho ngoại quan) cho chủ kho/người vận tải để vận chuyển đến cửa khẩu xuất;

b.2) Fax Biên bản bàn giao hàng hóa cho Chi cục hải quan cửa khẩu xuất trước 17giờ hàng ngày để phối hợp theo dõi, quản lý.

b.3) Theo dõi thông tin phản hồi từ Chi cục hải quan cửa khẩu xuất. Trường hợp quá thời hạn vận chuyển hàng hóa (do thương nhân đăng ký trên Biên bản bàn giao hàng hóa) mà chưa nhận được thông tin phản hồi hoặc nhận được thông tin của Chi cục hải quan cửa khẩu xuất về việc hàng hóa quá hạn chưa đến cửa khẩu xuất, Chi cục hải quan quản lý kho ngoại quan chịu trách nhiệm phối hợp với Chi cục hải quan cửa khẩu xuất và thông báo cho Đội Kiểm soát hải quan thuộc Cục hải quan quản lý kho ngoại quan để truy tìm lô hàng.

c) Trách nhiệm của Chi cục hải quan cửa khẩu xuất:

c.1) Kể từ khi nhận được thông tin hàng hóa chuyển cửa khẩu theo Biên bản bàn giao do Chi cục hải quan quản lý kho ngoại quan fax đến, Chi cục hải quan cửa khẩu xuất có trách nhiệm theo dõi thông tin các lô hàng vận chuyển đến cửa khẩu xuất theo Biên bản bàn giao.

c.2) Sau khi thương nhân tập kết đủ lượng hàng tại khu vực cửa khẩu xuất, công chức hải quan kiểm tra, đối chiếu tình trạng niêm phong hải quan, xác nhận thông tin và trình Lãnh đạo Chi cục ký xác nhận trên 02 Biên bản bàn giao.

c.3) Fax Biên bản bàn giao cho Chi cục hải quan quản lý kho ngoại quan biết. Trường hợp có thông tin nghi vấn lô hàng xuất kho vi phạm pháp luật hải quan thì Chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu xuất quyết định kiểm tra thực tế hàng hóa và xử lý kết quả kiểm tra như đối với hàng chuyển cửa khẩu.

c.4) Lưu 01 Biên bản bàn giao và gửi 01 Biên bản bàn giao đã xác nhận cho Chi cục hải quan cửa khẩu quản lý kho ngoại quan để lưu hồ sơ.

c.5) Công chức hải quan cửa khẩu xuất giám sát hàng hóa từ khi tiếp nhận cho đến khi xuất hết, xác nhận trên Danh mục hàng hóa xuất khẩu chuyển từ kho ngoại quan ra cửa khẩu xuất, trình Lãnh đạo Chi cục ký xác nhận (ký tên, đóng dấu và ghi rõ ngày, tháng, năm) và gửi lại cho Chi cục hải quan quản lý kho ngoại quan để lưu giữ, thanh khoản tờ khai.

c.6) Trường hợp hết thời hạn vận chuyển hàng hóa nhưng hàng hóa chưa đến cửa khẩu xuất, trước 08 giờ sáng ngày làm việc tiếp theo, Chi cục hải quan cửa khẩu xuất có trách nhiệm phản ánh lại thông tin lô hàng vận chuyển không đúng tuyến đường, thời gian đã đăng ký cho Chi cục hải quan quản lý kho ngoại quan để phối hợp trong việc truy tìm lô hàng.

6. Thủ tục vận chuyển hàng hoá từ kho ngoại quan này sang kho ngoại quan khác trên lãnh thổ Việt Nam

a) Chủ hàng hoặc đại diện hợp pháp của chủ hàng phải có đơn gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố (nơi có kho ngoại quan đang chứa hàng) giải quyết.

b) Thủ tục hải quan đưa hàng hoá từ kho ngoại quan này sang kho ngoại quan khác áp dụng thủ tục đối với hàng chuyển cửa khẩu.

c) Thời gian của hợp đồng thuê kho ngoại quan được tính từ ngày hàng hoá được đưa vào kho ngoại quan đầu tiên.

7. Quản lý hải quan đối với hàng hoá chuyển quyền sở hữu trong kho ngoại quan

a) Việc chuyển quyền sở hữu hàng hoá gửi kho ngoại quan do chủ hàng hoá thực hiện khi có hành vi mua bán hàng hoá theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại.

b) Sau khi đã chuyển quyền sở hữu hàng hoá, chủ hàng hoá (chủ mới) hoặc chủ kho ngoại quan (nếu được uỷ quyền) khai, nộp cho Chi cục hải quan quản lý kho ngoại quan những chứng từ sau:

b.1) Tờ khai hàng hóa nhập, xuất kho ngoại quan: 02 bản chính

b.2) Văn bản thông báo về việc chuyển quyền sở hữu hàng hoá đang gửi kho ngoại quan từ chủ hàng cũ sang chủ hàng mới: 01 bản chính

b.3) Hợp đồng mua bán hàng hoá giữa chủ hàng mới và chủ hàng cũ của lô hàng gửi kho ngoại quan: 01 bản chụp

b.4) Hợp đồng thuê kho ngoại quan của chủ hàng mới: 01 bản chụp

Chi cục hải quan quản lý kho ngoại quan lưu các chứng từ nêu trên cùng với hồ sơ nhập kho ngoại quan của lô hàng để theo dõi và thanh khoản hàng hoá nhập, xuất kho ngoại quan.

c) Sau khi đăng ký tờ khai hàng hóa nhập, xuất kho ngoại quan mới, Chi cục hải quan quản lý kho thực hiện việc thanh khoản tờ khai hàng hóa nhập, xuất kho ngoại quan cũ.

d) Thời hạn hàng hoá gửi kho ngoại quan được tính kể từ ngày hàng hoá đưa vào kho ngoại quan theo hợp đồng thuê kho ký giữa chủ kho ngoại quan và chủ hàng cũ.

8. Thủ tục thanh lý hàng tồn đọng trong kho ngoại quan thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.

9. Quản lý hải quan đối với hàng hoá gửi kho ngoại quan

a) Trường hợp chủ kho ngoại quan được chủ hàng ủy quyền thực hiện các dịch vụ trong kho ngoại quan thì chủ kho ngoại quan phải được công nhận là đại lý hải quan, khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan phải xuất trình thẻ nhân viên đại lý hải quan.

b) Chi cục hải quan quản lý kho ngoại quan thường xuyên kiểm tra hoạt động của kho ngoại quan; yêu cầu chủ kho ngoại quan phải có sơ đồ xếp hàng hóa trong kho và sắp xếp hợp lý các khu vực chứa hàng hoặc khu vực thực hiện các dịch vụ trong kho.

c) Chi cục hải quan quản lý kho ngoại quan bố trí công chức chuyên trách thực hiện việc giám sát kho ngoại quan và các hoạt động của kho ngoại quan; Hàng hoá vận chuyển từ cửa khẩu nhập về kho ngoại quan, từ kho ngoại quan đến cửa khẩu xuất, từ kho ngoại quan này đến kho ngoại quan khác phải chịu sự giám sát hải quan;

d) Hàng hóa từ kho ngoại quan đưa ra cửa khẩu để xuất đi nước ngoài phải được thực xuất khẩu trong vòng 15 ngày kể từ ngày xuất kho, trường hợp quá 15 ngày nhưng chưa thực xuất khẩu nếu người khai hải quan có văn bản đề nghị, được lãnh đạo Chi cục hải quan cửa khẩu xuất xác nhận và hàng hóa còn trong thời hạn gửi kho ngoại quan thì Chi cục hải quan cửa khẩu xuất có văn bản thông báo cho Chi cục hải quan quản lý kho ngoại quan về tình trạng hàng hóa gửi kho ngoại quan và giám sát hàng hóa cho đến khi thực xuất hết; trường hợp hàng hóa hết thời hạn gửi kho ngoại quan nhưng chưa thực xuất khẩu thì Chi cục hải quan cửa khẩu xuất bàn giao lô hàng cho Chi cục hải quan quản lý kho ngoại quan để tiến hành xử lý theo hướng dẫn tại khoản 7 Điều này.

đ) Định kỳ 06 tháng một lần, chậm nhất không quá 15 ngày kể từ ngày hết kỳ báo cáo, chủ kho ngoại quan phải báo cáo bằng văn bản cho Cục trưởng Cục Hải quan nơi có kho ngoại quan về thực trạng hàng hoá trong kho và tình hình hoạt động của kho (theo mẫu số 45/BC-KNQ/2013 phụ lục III ban hành kèm Thông tư này).

e) Thanh khoản tờ khai hàng hoá nhập kho ngoại quan:

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thực xuất khẩu, chủ kho ngoại quan phải nộp tờ khai hàng hóa nhập, xuất kho ngoại quan để Chi cục hải quan quản lý kho ngoại quan để xác nhận hàng hóa đến cửa khẩu xuất và thanh khoản tờ khai hàng hóa nhập, xuất kho ngoại quan. Việc xác nhận và thanh khoản tờ khai hàng hóa nhập, xuất kho ngoại quan phải căn cứ vào Biên bản bàn giao hàng chuyển cửa khẩu và Danh mục hàng hóa xuất khẩu chuyển từ kho ngoại quan ra cửa khẩu xuất có xác nhận của hải quan cửa khẩu xuất.

g) Định kỳ mỗi năm một lần, Cục Hải quan tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động của kho ngoại quan và việc chấp hành pháp luật hải quan của chủ kho ngoại quan, báo cáo kết quả kiểm tra về Tổng cục Hải quan. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Cục Hải quan tiến hành kiểm tra đột xuất kho ngoại quan.

Điều 60. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới

Thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới thực hiện theo hướng dẫn của liên Bộ Công Thương-Tài chính -Giao thông vận tải - Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Y tế và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới.

Điều 61. Giám sát hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu

1. Nguyên tắc chuyển cửa khẩu

Thủ tục chuyển cửa khẩu được thực hiện đồng thời với thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và theo quy định tại Điều 16, Điều 18 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP. Khi làm thủ tục hải quan, Chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai căn cứ các thông tin về hàng hóa, địa điểm chuyển cửa khẩu trên tờ khai hải quan để thực hiện chuyển cửa khẩu.

2. Giám sát đối với hàng hóa chuyển cửa khẩu

a) Đối với hàng xuất khẩu:

a.1) Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu lập Biên bản bàn giao hàng chuyển cửa khẩu (theo mẫu số 46/BBBG-CCK/2013 phụ lục III ban hành kèm Thông tư này), giao cho người khai hải quan, kèm bản chính tờ khai hải quan đã làm xong thủ tục hải quan (bản của người khai hải quan) để chuyển đến hải quan cửa khẩu xuất

a.2) Chậm nhất 01 giờ kể từ khi tiếp nhận hồ sơ hải quan và hàng hóa do Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu chuyển đến, công chức Hải quan cửa khẩu xuất phải thực hiện xong việc tiếp nhận hồ sơ và hàng hoá, ký xác nhận Biên bản bàn giao.

b) Đối với hàng nhập khẩu:

b.1) Chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan chuyển tờ khai hải quan cho người khai để chuyển đến hải quan cửa khẩu nhập.

b.2) Chậm nhất 04 giờ kể từ khi tiếp nhận hồ sơ hải quan, công chức Hải quan cửa khẩu nhập phải thực hiện xong việc tiếp nhận hồ sơ, bàn giao hàng hóa và tờ khai hải quan, trường hợp hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra thực tế thì lập 02 bản Biên bản bàn giao hàng chuyển cửa khẩu giao người khai hải quan chuyển đến hải quan nơi đăng ký tờ khai để làm tiếp thủ tục.

3. Hàng hoá nhập khẩu được chuyển cửa khẩu và hàng hoá xuất khẩu chuyển cửa khẩu của doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý của Cục Hải quan tỉnh, thành phố nhưng không có Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu hoặc có Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu nhưng ở xa cửa khẩu/cảng không thuận tiện cho doanh nghiệp có hàng chuyển cửa khẩu thì Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố lựa chọn và giao nhiệm vụ cho Chi cục hải quan phù hợp làm thủ tục chuyển cửa khẩu.

4. Hàng hoá là thiết bị văn phòng (bàn, ghế, tủ và văn phòng phẩm...) hoặc hàng hóa nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại nhưng phục vụ trực tiếp cho hoạt động của chính doanh nghiệp nếu đóng chung container với nguyên liệu nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu thì được đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu để làm thủ tục chuyển cửa khẩu.

5. Hàng hoá nhập khẩu có vận đơn ghi cảng đích là cảng nội địa (tiếng Anh là Inland Clearance Depot, viết tắt là ICD):

a) Hàng hoá nhập khẩu có vận đơn ghi cảng đích là cảng nội địa (ICD) không được chuyển cửa khẩu về các địa điểm làm thủ tục hải quan, địa điểm kiểm tra thực tế hàng hoá ngoài cửa khẩu. Trừ các trường hợp có quy định khác của Thủ tướng Chính phủ.

b) Đối với hàng hoá nhập khẩu của DNCX; nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu hoặc thực hiện hợp đồng gia công có vận đơn ghi cảng đích là ICD thì doanh nghiệp được làm thủ tục chuyển cửa khẩu từ ICD về Chi cục hải quan quản lý DNCX, Chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai nhập sản xuất xuất khẩu, nơi doanh nghiệp thông báo hợp đồng gia công để làm tiếp thủ tục hải quan. Đối với hàng hoá thuộc diện phải kiểm tra thực tế, nếu doanh nghiệp đề nghị được kiểm tra thực tế ngay tại ICD thì Chi cục hải quan ICD tiến hành kiểm tra thực hàng hoá theo đề nghị của Chi cục hải quan quản lý DNCX, Chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai nhập sản xuất xuất khẩu, nơi doanh nghiệp thông báo hợp đồng gia công.

6. Chuyển cửa khẩu đối với hàng hoá gửi kho ngoại quan/CFS

a) Hàng hoá đã làm thủ tục xuất khẩu gửi kho ngoại quan/CFS được chuyển cửa khẩu từ kho ngoại quan/CFS ra cửa khẩu xuất;

Hàng hoá từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan được chuyển cửa khẩu từ cửa khẩu nhập về kho ngoại quan theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 18 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP, trừ hàng hoá phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập theo quy định của pháp luật.

b) Hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất được chuyển cửa khẩu từ kho ngoại quan/CFS về địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu.

c) Giám sát hải quan:

c.1) Đối với hàng hoá vận chuyển từ địa điểm làm thủ tục hải quan đến kho ngoại quan/CFS và ngược lại, Chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai lập Biên bản bàn giao hàng chuyển cửa khẩu để bàn giao nhiệm vụ giám sát, quản lý cho Chi cục hải quan quản lý kho ngoại quan/CFS;

c.2) Trường hợp hàng hoá vận chuyển từ kho ngoại quan/CFS đến địa điểm làm thủ tục hải quan, chủ kho ngoại quan/CFS lập Bảng kê hàng hóa chuyển cửa khẩu từ kho ngoại quan ra cửa khẩu xuất (theo mẫu số 47/BKCCK-KNQ/CFS/2013 phụ lục III ban hành kèm Thông tư này) nộp cho Chi cục hải quan quản lý kho ngoại quan/CFS để xác nhận, niêm phong hải quan và thực hiện việc giám sát, quản lý hải quan giữa các Chi cục hải quan có liên quan.

c.3) Việc giám sát hàng hóa vận chuyển từ kho ngoại quan đến cửa khẩu xuất thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều 59 Thông tư này.

7. Việc giám sát hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu từ cửa khẩu nhập về khu phi thuế quan, hàng hoá xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra cửa khẩu xuất và hàng hoá mua bán, trao đổi giữa các khu phi thuế quan với nhau thực hiện như đối với hàng chuyển cửa khẩu nhưng phải niêm phong hải quan.

8. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu làm thủ tục đăng ký tờ khai tại Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu, nếu Chi cục hải quan cửa khẩu phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì tiến hành kiểm tra thực tế tại cửa khẩu.

9. Giám sát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu

Giám sát hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu được thực hiện bằng niêm phong hải quan hoặc phương tiện kỹ thuật khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định cụ thể.

a) Các trường hợp hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu phải niêm phong hải quan:

a.1) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu thuộc loại phải kiểm tra thực tế thì phải được chứa trong container hoặc trong các loại phương tiện vận tải đáp ứng được yêu cầu niêm phong hải quan theo quy định tại Điều 14 Nghị định 154/2005/NĐ-CP;

a.2) Đối với các lô hàng nhỏ, lẻ nếu không chứa trong container/phương tiện vận tải đáp ứng yêu cầu niêm phong hải quan thì thực hiện niêm phong từng kiện hàng;

a.3) Đối với các lô hàng nhỏ, lẻ của nhiều tờ khai nhập khẩu cùng vận chuyển về một địa điểm ngoài cửa khẩu mà doanh nghiệp có văn bản đề nghị được ghép và vận chuyển chung trong một container/phương tiện vận tải thì lãnh đạo Chi cục hải quan cửa khẩu nhập chấp nhận, niêm phong và ghi rõ trong biên bản bàn giao.

b) Trường hợp không phải niêm phong hải quan: Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu khi làm thủ tục hải quan được miễn kiểm tra thực tế hàng hoá.

c) Trường hợp không thể niêm phong hải quan:

c.1) Đối với hàng hóa là hàng rời thì phải làm thủ tục hải quan tại Chi cục hải quan cửa khẩu. Trường hợp làm thủ tục hải quan tại Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu thì việc kiểm tra thực tế hàng hoá do Chi cục hải quan cửa khẩu thực hiện theo đề nghị của Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu.

c.2) Đối với hàng hóa siêu trường, siêu trọng, hàng cồng kềnh không đáp ứng điều kiện niêm phong hải quan và do yêu cầu bảo quản đặc biệt không thể kiểm tra thực tế tại cửa khẩu thì được làm thủ tục hải quan tại Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu; Khi lập Biên bản bàn giao, Chi cục hải quan cửa khẩu nhập phải mô tả cụ thể tình trạng hàng hóa, phương tiện vận chuyển và chụp ảnh nguyên trạng hàng hóa, phương tiện gửi cho Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu.

10. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa đã làm thủ tục xuất khẩu nhưng thay đổi cửa khẩu xuất

a) Trường hợp hàng hóa đã làm xong thủ tục xuất khẩu nhưng chưa vận chuyển đến cửa khẩu xuất hoặc kho CFS:

Doanh nghiệp gửi Chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai xuất khẩu:

a.1) Đơn đề nghị thay đổi cửa khẩu xuất (theo mẫu số 48/TĐ-CKX/2013 phụ lục III ban hành kèm Thông tư này): 02 bản chính;

a.2) Văn bản thông báo thay đổi cửa khẩu xuất hàng của người nhận hàng hoặc hãng vận tải hoặc bên thuê gia công: 01 bản chụp.

a.3) Văn bản cho phép thay đổi cửa khẩu xuất của cơ quan cấp giấy phép đối với hàng hóa xuất khẩu phải có giấy phép (trong giấy phép đã ghi rõ cửa khẩu xuất) hoặc văn bản của UBND tỉnh cho phép xuất hàng qua cửa khẩu xuất mới (đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ khi thay đổi cửa khẩu xuất sang cửa khẩu xuất mới thuộc thẩm quyền cho phép của UBND tỉnh): 01 bản chụp, xuất trình bản chính để đối chiếu;

b) Trường hợp hàng hóa đã làm xong thủ tục xuất khẩu, đã đưa vào khu vực giám sát hải quan thuộc cửa khẩu ghi trên tờ khai hải quan hoặc hàng hóa xuất khẩu chuyển cửa khẩu đã vận chuyển đến kho CFS thuộc Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu quản lý:

Doanh nghiệp gửi Chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan các loại giấy tờ như nêu tại điểm a khoản này.

Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện thay đổi cửa khẩu xuất.



tải về 1.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   20




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương