BỘ TƯ pháp ban chỉ ĐẠo thực hiện thí ĐIỂm chế ĐỊnh thừA phát lại số: 2104/btp-bcđ



tải về 40.29 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích40.29 Kb.
#15170

BỘ TƯ PHÁP


BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI



Số: 2104/BTP-BCĐ


V/v triển khai thí điểm Thừa phát lại

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


Độc lập - Tự do - Hạnh phúc



Hà Nội, ngày 17 tháng 6 năm 2015

Kính gửi:

- Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long;

- Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.


Thời gian qua, Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại ở Trung ương (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo Trung ương), Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành liên quan đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thí điểm thực hiện. Tuy nhiên, qua kiểm tra, thấy rằng việc triển khai tại một số địa phương còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Để thực hiện có hiệu quả, nhất là giai đoạn chuẩn bị tổng kết, báo cáo Chính phủ, Quốc hội, Ban Chỉ đạo Trung ương đề nghị Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại các tỉnh, thành phố (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố) và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tại địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo trước đây của Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan; có giải pháp nhằm giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động Thừa phát lại, trong đó quan tâm thực hiện một số nội dung sau:

1. Thực hiện tốt nội dung chỉ đạo tại Văn bản số 296/BTP-BCĐ ngày 28/01/2015 của Ban Chỉ đạo Trung ương. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức trong việc triển khai thực hiện thí điểm; nâng cao hiểu biết và tiếp cận của người dân với dịch vụ này. Từ nay đến tổng kết việc thí điểm, cần tập trung phổ biến, tuyên truyền ở cấp cơ sở với nhiều hình thức thiết thực hơn (phát thanh, phát hành tài liệu rộng đến các địa bàn dân cư, kể cả những địa bàn Văn phòng Thừa phát lại không đặt trụ sở...); mở đợt cao điểm tuyên truyền về Thừa phát lại, trong đó, tạo điều kiện để các cơ quan thông tin, truyền thông viết bài, đăng tin về hoạt động của Thừa phát lại; mời các cơ quan báo chí tại địa phương tham dự các cuộc họp giao ban, hội nghị về Thừa phát lại để đăng tin, viết bài nhằm quảng bá cho công tác thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn.

2. Kiểm tra, đôn đốc và kịp thời chấn chỉnh những sai sót trong việc triển khai thực hiện của các cơ quan, đơn vị tại địa phương, đặc biệt là thực hiện tốt việc phân chia địa hạt, chuyển giao văn bản của Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự cho Văn phòng Thừa phát lại tống đạt; phối hợp, hỗ trợ Thừa phát lại trong việc tổ chức thi hành án ... nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại.

3. Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tại địa phương thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghề nghiệp cho các Thừa phát lại nhằm đảm bảo hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại được hiệu quả, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

4. Quan tâm chỉ đạo các cơ quan, Ban, ngành ở địa phương tổ chức tổng kết việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại theo nội dung Kế hoạch số 1876/KH-BCĐ ngày 02/6/2015 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện tiếp tục thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội.

5. Về một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Thừa phát lại

5.1. Đối với tống đạt văn bản

- Thời gian qua, qua kiểm tra, Ban Chỉ đạo Trung ương nhận thấy việc thực hiện chuyển giao văn bản của một số Tòa án, Cơ quan Thi hành án dân sự cho Thừa phát lại tống đạt tại các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, không thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, cụ thể: một số Tòa án, cơ quan Thi hành án chưa chuyển giao, chuyển giao không đầy đủ các loại văn bản theo quy định cho Thừa phát lại tống đạt; chưa phân công đầu mối để giao, nhận văn bản cho Thừa phát lại tống đạt; yêu cầu thêm các thủ tục ngoài quy định của pháp luật tố tụng, thi hành án dân sự về tống đạt… Bên cạnh đó, một số Văn phòng Thừa phát lại từ chối nhận văn bản tống đạt, tống đạt chưa đáp ứng về thời gian, thủ tục. Vì vậy, để khắc phục những tồn tại, thiếu sót trên, Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm cần chỉ đạo Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại và các cơ quan, ban, ngành ở địa phương thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật và các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp về vấn đề này.

- Qua công tác kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương thấy rằng, một số Văn phòng Thừa phát lại ký hợp đồng cộng tác viên với những người không đủ tiêu chuẩn là Thư ký nghiệp vụ theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 15 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 135/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 61/2009/NĐ-CP) để giúp Thừa phát lại thực hiện việc tống đạt văn bản. Để khắc phục tình trạng này, Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo Sở Tư pháp tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, quản lý về tổ chức, nhân sự và hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại tại địa phương, đảm bảo hoạt động của các Văn phòng được thực hiện đúng trình tự, pháp luật quy định, tránh sai sót có thể xảy ra.

- Do các quy định về tạm giam, chấp hành hình phạt tù có tính đặc thù, trong khi Thừa phát lại đang trong giai đoạn thí điểm nên tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương tháng 9/2014 đã thống nhất, trước mắt chưa giao văn bản tống đạt cho các đương sự đang bị tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù cho Thừa phát lại thực hiện.

- Về chi phí tống đạt trên địa bàn cấp quận nơi đặt trụ sở của Tòa án, Cơ quan thi hành án có văn bản tống đạt: Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/2/2014 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính (sau đây gọi tắt là Thông tư 09) quy định: Tòa án nhân dân, Cục Thi hành án dân sự phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính cấp tỉnh nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận với các Văn phòng Thừa phát lại để thống nhất, quyết định cụ thể mức chi phí tống đạt theo mức: Trong phạm vi cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại không quá 65.000 đồng/việc (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng); ngoài phạm vi cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát nhưng trong địa bàn cấp tỉnh không quá 130.000 đồng/việc (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng). Như vậy, trường hợp tống đạt trong địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại thì áp dụng mức chi phí không quá 65.000 đồng/việc. Trường hợp tống đạt trong địa bàn cấp huyện nơi đặt trụ sở Tòa án, Cơ quan thi hành án có văn bản tống đạt, nhưng ngoài địa bàn cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại thì áp dụng mức chi phí không quá 130.000 đồng/việc.

5.2. Đối với lập vi bằng

- Về phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng: phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng đã được quy định tại Điều 25 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và hướng dẫn tại Công văn số 4003/BTP-TCTHADS ngày 19/9/2014 của Bộ Tư pháp. Để tránh gây nhầm lẫn cho người yêu cầu, khi lập vi bằng có liên quan đến hoạt động công chứng, chứng thực, Ban Chỉ đạo Trung ương hướng dẫn rõ hơn như sau: "Thừa phát lại chỉ lập vi bằng để ghi nhận các sự kiện, hành vi liên quan đến các hợp đồng, giao dịch mà không chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch. Thừa phát lại cần ghi vào vi bằng nội dung: Vi bằng này không thay thế văn bản công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực".

Bên cạnh đó, khi nhận được vi bằng gửi đến để đăng ký, nếu xét thấy vi bằng không đúng thẩm quyền, phạm vi theo quy định thì Sở Tư pháp cần trao đổi, hướng dẫn để các Văn phòng Thừa phát lại rút kinh nghiệm, thực hiện tốt hơn nội dung này.

- Về mức chi phí lập vi bằng: một số Văn phòng Thừa phát lại có ý kiến, mức phí lập vi bằng hiện nay của các Văn phòng Thừa phát lại trong cùng tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm không thống nhất dẫn đến phản ứng của khách hàng. Về vấn đề này, khoản 2 Điều 7 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định: “Chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án do người yêu cầu và văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận theo công việc thực hiện hoặc theo giờ làm việc. Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu có thể thỏa thuận thêm về các khoản chi phí thực tế phát sinh”; khoản 1 Điều 16 Thông tư 09 quy định: “Văn phòng Thừa phát lại quy định và niêm yết công khai khung giá về chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án, trong đó xác định rõ mức tối đa, mức tối thiểu, nguyên tắc tính. Trên cơ sở khung giá đã niêm yết, người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận về chi phí thực hiện theo công việc hoặc theo giờ làm việc và các khoản chi phí thực tế phát sinh gồm: chi phí đi lại; phí dịch vụ cho các cơ quan cung cấp thông tin; chi phí cho người làm chứng, người tham gia hoặc chi phí khác, nếu có”. Như vậy, pháp luật hiện nay không quy định cụ thể mức chi phí lập vi bằng của các Văn phòng Thừa phát lại mà để các Văn phòng tự thỏa thuận với khách hàng và phụ thuộc vào chi phí thực tế phát sinh của mỗi vi bằng. Do đó, chi phí lập vi bằng được thực hiện theo quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Thông tư 09.

- Về lập vi bằng đối với sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức đang thi hành công vụ, tại Công văn số 4003/BTP-TCTHADS ngày 19/9/2014, Bộ Tư pháp đã hướng dẫn: “không lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức đang thi hành công vụ, trừ trường hợp sự kiện, hành vi đó rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của người yêu cầu lập vi bằng”. Đây là nội dung đã được cân nhắc, phù hợp với bối cảnh hoạt động Thừa phát lại đang trong giai đoạn thí điểm, nhất là chuẩn bị tổng kết và báo cáo Chính phủ, Quốc hội vào cuối năm 2015. Bên cạnh đó, xuất phát từ tình hình thực tiễn hoạt động lập vi bằng thời gian qua, Ban Chỉ đạo Trung ương hướng dẫn bổ sung như sau: “Thừa phát lại không lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức đang thi hành công vụ, trừ trường hợp sự kiện, hành vi đó rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích của người yêu cầu lập vi bằng hoặc theo đề nghị của cán bộ, công chức, cơ quan, tổ chức để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình”.

5.3. Về trực tiếp tổ chức thi hành án

- Đối với trường hợp cưỡng chế thi hành án cần huy động lực lượng bảo vệ ở ngoài địa bàn cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại, khoản 1 Điều 40 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định “Trong trường hợp cưỡng chế thi hành án cần huy động lực lượng bảo vệ, Văn phòng Thừa phát lại phải báo cáo, xin ý kiến của Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại”. Như vậy, khi cần tổ chức cưỡng chế thi hành án ở ngoài địa bàn cấp huyện nơi đặt Văn phòng thì Văn phòng Thừa phát lại có văn bản đề nghị Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh để có chỉ đạo thực hiện, đồng thời báo cáo Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm Thừa phát lại để có sự phối hợp chỉ đạo. Trên cơ sở ý kiến của Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh, Văn phòng Thừa phát lại lập kế hoạch cưỡng chế, báo cáo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, kèm theo hồ sơ thi hành án để Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự xem xét, phê duyệt kế hoạch cưỡng chế và ra quyết định cưỡng chế thi hành án.

- Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm cần thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các Văn phòng Thừa phát lại trong việc thực hiện các Quyết định, kế hoạch cưỡng chế đã được ban hành và phê duyệt theo Điều 40 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP.

- Nhằm thúc đẩy kết quả trực tiếp tổ chức thi hành án của các Văn phòng Thừa phát lại, ngày 25/5/2015, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có Văn bản số 1567/TCTHADS-NV3 gửi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và một số Ngân hàng đề nghị cân nhắc chuyển giao các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà bên được thi hành án là Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và các Ngân hàng cho các Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành. Tuy nhiên, một số Văn phòng Thừa phát lại từ chối nhận chuyển giao bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật do các tổ chức tín dụng chuyển giao. Vì vậy, Ban Chỉ đạo Trung ương đề nghị Ban Chỉ đạo các tỉnh,

thành phố chỉ đạo các Văn phòng Thừa phát lại cần cố gắng, nỗ lực hơn nữa, tự trau dồi năng lực, kỹ năng trực tiếp tổ chức thi hành án để khi có yêu cầu thì thực hiện tốt nội dung này.

5.4. Về các đề nghị sửa đổi, bổ sung thể chế, do thời gian thí điểm không còn dài, nên trước mắt cần vận dụng, thực hiện tốt các quy định hiện hành theo tinh thần chỉ đạo tại Văn bản số 296/BTP-BCĐ ngày 28/01/2015 của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Nhận được văn bản này, đề nghị Ban Chỉ đạo các địa phương thực hiện thí điểm và UBND Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương tổ chức quán triệt, chỉ đạo, hướng dẫn các Sở, ban, ngành và Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn thực hiện. Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương và Bộ Tư pháp để có biện pháp giải quyết.

(Xin gửi kèm Văn bản số 296/BTP-BCĐ ngày 28/01/2015 của Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại Trung ương)./.



Nơi nhận:

- Như trên;

- Bộ trưởng (để b/c);

- TANDTC, VKSNDTC (để p/h);

- UBND/Ban Chỉ đạo THTĐCĐTPL các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm;

- TAND, Sở Tư pháp, Cục THADS các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm (để t/h);

- Các VPTPL (để t/h);

- Lưu: VT, TCTHADS.




TM. BAN CHỈ ĐẠO

KT. TRƯỞNG BAN

PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC


(đã ký)

THỨ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Nguyễn Thúy Hiền






Каталог: cacchuyenmuc -> thuaphatlai -> Lists -> VanBanTaiLieu -> Attachments
cacchuyenmuc -> VĂn phòng phụ lục II: TÌnh hình xây dựng văn bảN, ĐỀ Án của bộ TƯ pháp trình chính phủ, thủ TƯỚng chính phủ trong tháng 02 NĂM 2016
cacchuyenmuc -> ĐẢng bộ khối các cơ quan tw
cacchuyenmuc -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
cacchuyenmuc -> VĂn phòng phụ lục I: TÌnh hình xử LÝ thông tin báo chí theo chỉ ĐẠo của bộ trưỞNG
cacchuyenmuc -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
cacchuyenmuc -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
cacchuyenmuc -> BỘ TƯ pháp số: 1464/QĐ-btp cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
cacchuyenmuc -> BỘ TƯ pháp cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
cacchuyenmuc -> BỘ TƯ pháp số: /QĐ-btp cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 40.29 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương