Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo đánh giá tình hình thực thi Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật như sau



tải về 0.68 Mb.
trang1/5
Chuyển đổi dữ liệu15.08.2016
Kích0.68 Mb.
#20600
  1   2   3   4   5

BỘ NÔNG NGHIỆP

VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN



CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc







BÁO CÁO

TỔNG KẾT THỰC HIỆN

PHÁP LỆNH BẢO VỆ VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT

(Kèm theo Tờ trình số 110/TTr-CP ngày 19/3/2013 của Chính phủ)

Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 08/8/2000 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2001. Kể từ khi có hiệu lực thi hành đến nay, Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật thực sự góp phần quan trọng, là cơ sở pháp lý trong việc phòng trừ sâu bệnh, ngăn chặn kịp thời dịch hại, bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy xuất khẩu nông sản thực phẩm, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật; góp phần ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn.



Những kết quả rất đáng ghi nhận mà ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua khẳng định ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của Pháp lệnh đối với sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, trong quá trình thi hành Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật hiện hành nhận thấy rằng có nhiều quy định của Pháp lệnh chưa đáp ứng được nghĩa vụ, quy định của các hiệp định, hiệp ước quốc tế mà Việt Nam phải thực hiện khi đã gia nhập tổ chức thương mại thế giới. Mặt khác một số nội dung của Pháp lệnh chưa phù hợp và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật.


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo đánh giá tình hình thực thi Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật như sau:

Phần thứ nhất

KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LỆNH

BẢO VỆ VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT


I. TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHÁP LỆNH BẢO VỆ VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT

1. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật

Triển khai thực hiện Pháp lệnh, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành hữu quan, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã khẩn trương ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh, trong đó có phải kể đến các văn bản quan trọng, làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện. Trong đó:

a) Trình Chính phủ ban hành 04 Nghị định của Chính phủ:

+ Nghị định số 58/2001/NĐ-CP ngày 03/6/2001 ban hành Điều lệ Bảo vệ thực vật, Điều lệ kiểm dịch thực vật và Điều lệ quản lý thuốc bảo vệ thực vật;

+ Nghị định số 26/2003/NĐ-CP ngày 19/3/2003 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BV&KDTV.

+ Nghị định số 02/2007/NĐ-CP ngày 05/01/2007 về kiểm dịch thực vật (thay thế Điều lệ Kiểm dịch thực vật ban hành kèm theo Nghị định số 58/2001/NĐ-CP ngày 03/6/2001 của Chính phủ).

+ Nghị định số 153/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Nông nhiệp và PTNT (trong đó có quy định về thanh tra chuyên ngành BV&KDTV).

b) Ban hành theo thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: hơn 20 thông tư, quyết định của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh, Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh.

c) Văn bản do địa phương ban hành: (Phụ lục I). Theo báo cáo UBND và Hội đồng nhân dân tỉnh, trong thời gian từ năm 2002 đến nay đã ban hành tổng số 34 văn bản QPPL và trên 200 văn bản khác như kế hoạch, chương trình, đề án để triển khai thực hiện Pháp lệnh.

d) Cùng với các văn bản theo hệ thống pháp luật về BV&KDTV, nhiều Luật, pháp lệnh mới hoặc sửa đổi, bổ sung có liên quan tới công tác quản lý BV&KDTV cũng đã được ban hành như: Luật tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật hóa chất, Luật đa dạng sinh học ... và các văn bản dưới luật cũng được ban hành kèm theo. Tất cả các văn bản nói trên đã tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý BV&KDTV, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

đ) Rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL: Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng số văn bản pháp luật có liên quan tới BV&KDTV lên tới hàng trăm văn bản, trong đó:

+ Văn bản trong nước: 10 luật, 6 pháp lệnh, 12 Nghị định, 47 quyết định, thông tư, thông tư liên tịch.

+ Văn bản hợp tác với nước ngoài: 8 công ước, 8 hiệp định song phương, 6 ghi nhớ thoả thuận song phương;

2. Việc xây dựng, ban hành, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật

a) Việc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật

Việc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, chuyển đổi tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã được Bộ quan tâm triển khai. Trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật đã có:

- Ở Trung ương từ năm 2002 - 2007: 74 tiêu chuẩn ngành, 65 tiêu chuẩn cơ sở trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, khảo nghiệm thuốc BVTV, chất lượng thuốc BVTV và dư lượng thuốc BVTV trên nông sản. Thực hiện Luật tiêu chuẩn quy chuẩn năm 2006, Cục BVTV đang làm thủ tục chuyển các tiêu chuẩn này thành quy chuẩn quốc gia (QCVN), tiêu chuẩn quốc gia (TCVN). Trong năm 2008, 2009 đã xây dựng được 41tiêu chuẩn quốc gia, 43 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và 65 tiêu chuẩn cơ sở, trong đó chủ yếu là các tiêu chuẩn, quy chuẩn về thuốc BVTV và kiểm dịch thực vật.

- Các địa phương: số lượng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ban hành còn rất ít, chủ yếu áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn do cấp trung ương ban hành. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương chỉ có 04 tỉnh ban hành với tổng số 05 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Tuy nhiên, số lượng tiêu chuẩn, quy chuẩn để quản lý vẫn còn thiếu so với yêu cầu, tiến độ ban hành, rà soát chuyển đổi tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành thành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia còn chậm.

b) Về áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật:

Nhìn chung, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về BV&KDTV vẫn còn thiếu, nhiều tiêu chuẩn đã lạc hậu không còn phù hợp; tiến độ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý. Sự chậm chễ nói trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là nguồn kinh phí đầu tư cho việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia còn rất hạn chế; thủ tục chuyển đổi/xây dựng ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn chưa rõ ràng; nguồn nhân lực xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu, lại không có chuyên môn sâu về lĩnh vực tiêu chuẩn.



3. Công tác tuyên truyền phổ biến Pháp lệnh BV&KDTV

Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về BV&KDTV luôn được đặt ở vị trí quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về BV&KDTV. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BV&KDTV, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân; tập huấn kiến thức cho nông dân về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả. Tính bình quân hàng năm (từ năm 2002 -2011) đã tập huấn được 28.305 cán bộ, công chức, viên chức; 33.200 cán bộ UBND các cấp; 415.786 người sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV và 3.284.761 lượt nông dân, Chi tiết (Phụ lục II kèm theo).

Hoạt động truyền thông được tổ chức với nhiều nội dung, hình thức phong phú như:

- Xây dựng chủ đề khác nhau để tuyên truyền về BV&KDTV, đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực quản lý thuốc BVTV là vấn đề bức xúc, nổi cộm và nhạy cảm trong công tác BV&KDTV.

- Huy động các kênh truyền thông đại chúng như truyền hình, Đài Tiếng Nói Việt Nam, các báo viết tăng cường đăng tải các thông tin về BV&KDTV. Tham gia các chương trình giải đáp thắc mắc của nông dân qua chương trình “Nhịp cầu nhà nông” của Đài truyền hình Cần Thơ, Chương trình “Nông nghiệp và Nông thôn” của đài truyền hình Trung ương và các đài địa phương. Thông qua các chương trình truyền hình này giúp bà con nông dân những hiểu biết cơ bản về pháp luật BV & KDTV, về sử dụng an toàn, có hiệu quả các loại thuốc BVTV. Xây dựng các phóng sự tuyên truyền về sản xuất và kinh doanh rau an toàn trên VTV1 và VTV2.

- Phối hợp các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Chi cục BVTV các tỉnh và thành phố tổ chức Hội thi “Sử dụng thuốc BVTV an toàn, có hiệu quả" trên cây chè và trên cây rau tại một số tỉnh trọng điểm. Thông qua các tiểu phẩm văn nghệ, các hình thức đố vui, các câu hỏi kiến thức và giao lưu với khán giả những nội dung chính của pháp luật BV & KDTV đã được chuyển tải đến bà con nông dân một cách nhẹ nhàng, dễ nhớ, dễ hiểu. Các cuộc thi này đã được phát trên truyền hình địa phương và nhiều buổi trên VTV2 của Đài truyền hình Việt Nam.

- Phổ biến thông tinh trên trang web của Cục BVTV: www.ppd.gov.vn nhằm giới thiệu, đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về BV&KDTV, các thông tin BVTV, kiểm dịch thực vật, thuốc BVTV của Việt Nam và thế giới.

Tuy nhiên, hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật vẫn bộc lộ một số hạn chế. Nội dung tuyên truyền giáo dục chưa chuyên sâu cho các nhóm đối tượng, từng vùng miền; chưa chú trọng việc giáo dục đạo đức kinh doanh và ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh đối với cộng đồng. Vì vậy, có tình trạng người sản xuất, kinh doanh do lợi ích trước mắt, sẵn sàng bỏ qua hoặc không thực hiện đúng các quy định về BV&KDTV gây ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng.



II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC SAU 10 NĂM THỰC HIỆN PHÁP LỆNH

1. Pháp lệnh ra đời là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả quản lý của ngành nông nghiệp; cơ sở pháp lý để Bộ trình hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật….

- Thúc đẩy công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày càng có hiệu quả, tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp….

1. Về hệ thống tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về BV&KDTV

a) Về tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về BV&KDTV

Từ năm 1993 đến nay (từ khi triển khai thực hiện Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 1993, Pháp lệnh này đã được thay thế bằng Pháp lệnh năm 2001), bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về BV&KDTV đã được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương.

- Ở Trung ương: Bộ Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm quản lý nhà nước về BV&KDTV trên phạm vi toàn quốc, nhiệm vụ này đã được Bộ giao cho Cục BVTV. Tổ chức bộ máy của Cục BVTV gồm:

+ Bộ máy quản lý của Cục (có 9 phòng).

+ Bộ phận thường trực Cục tại thành phố Hồ Chí Minh.

+ 18 đơn vị trực thuộc Cục.

- Ở địa phương, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý nhà nước về BV&KDTV trong phạm vi địa phương. Tham mưu giúp UBND tỉnh là Sở Nông nghiệp và PTNT. Trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này tại các tỉnh là Chi cục BVTV tỉnh, thành phố.

Chi cục BVTV được tổ chức theo ngành từ tỉnh đến huyện, có:

+ Các phòng chức năng thuộc Chi cục.

+ Các Trạm BVTV huyện, thị, thành phố.

Theo thống kê sơ bộ, đến nay toàn quốc có 591 trạm BVTV cấp huyện hoặc liên huyện (chiếm 91,75 % số cấp huyện), trong đó 506 trạm (chiếm 92,39% tổng số trạm) thuộc Chi cục BVTV tỉnh.

+ Trạm KDTV nội địa, một số tỉnh có cả các trạm KDTV biên giới. Đến nay trên toàn quốc có khoảng 72 trạm KDTV trong đó một số tỉnh có 2 - 4 trạm KDTV.

+ Một số tỉnh đã có mạng lưới BVTV tại cơ sở, mỗi xã có 01 cán bộ mạng lưới hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách của tỉnh, theo báo cáo có 9/50 tỉnh có cán bộ mạng lưới xã, với mức trợ cấp thấp nhất là 150.000 đồng/tháng/người, cao nhất 500.000 đồng/tháng/người (Hà Nam, Bình Dương, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Tây Ninh, Ninh Thuận, Quảng Nam, Hậu Giang, Thành phố Hà Nội). Một số tỉnh dùng lực lượng khuyến nông xã tham gia công tác BVTV.

b) Về nhân lực.

Theo thống kê của các Chi cục BVTV tỉnh, tổng số cán bộ của tổ chức BVTV cấp tỉnh, huyện là 3.777 người: Hiện đang công tác tại văn phòng Chi cục là 40,7%, công tác tại huyện là 54%, công tác tại xã là 5,3%

Cán bộ các Chi cục hầu hết được đào tạo đúng chuyên ngành trồng trọt và BVTV. Tuy nhiên, do lịch sử để lại, số lượng cán bộ trình độ trung cấp, cao đẳng tại các Chi cục còn tương đối cao:

Theo kết quả điều tra số lượng cán bộ có trình độ đại học và trên đại học của hệ thống các Chi cục 78,8% (8% có trình độ trên đại học) trong đó công tác tại các văn phòng Chi cục chiếm 42%; tại các huyện là 57%:



c) Về hệ thống tổ chức kiểm nghiệm, trang thiết bị kỹ thuật trong công tác BV&KDTV

Tổ chức kiểm nghiệm, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước về BV&KDTV đã được tăng cường. Đến nay, mạng lưới kiểm nghiệm đang từng bước được kiện toàn từ TW đến địa phương. Ở TW có 02 Trung tâm Kiểm định và khảo nghiệm thuốc BVTV phía Bắc và phía Nam, 02 trung tâm KDTV sau nhập khẩu và 01 trung tâm giám định KDTV. Ở địa phương một số tỉnh cũng đã thành lập Trung tâm kiểm định chất lượng nông sản trực thuộc Chi cục BVTV (thành phố Hồ Chí minh, Hà Nội,...). Trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác BV&KDTV đã được trang bị như kính hiển vi, kính lúp, tủ định ôn, tủ sấy, testkit, projecter, ...tuy nhiên ở nhiều địa phương các trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác này vẫn còn thiếu và lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu công tác trong giai đoạn hiện nay nên nhiều Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục BVTV xây dựng Đề án tăng cường năng lực ngành BVTV đến năm 2015.

Hiện tại, công tác BV&KDTV cũng đã được xã hội hóa trong một số hoạt động dịch vụ kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước (dịch vụ BVTV, các cơ sở kiểm nghiệm chất lượng, dư lượng thuốc BVTV, xây dựng mạng lưới cộng tác viên BVTV tự nguyện…). Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa được đẩy mạnh, nhiệm vụ quản lý nhà nước giao cho các cơ quan quản lý khá nặng nề, trong khi nguồn kinh phí nhà nước cấp còn hạn chế; chưa có cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực từ các đoàn thể, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp... đặc biệt là trong hoạt động giám sát của cộng đồng trong công tác BVTV.

2. Về đầu tư và sử dụng ngân sách cho công tác BV&KDTV

Theo số liệu thống kê từ báo cáo của 50 tỉnh, thành phố, kinh phí cho công tác quản lý BV&KDTV trong 8 năm từ 2002 đến năm 2011 cho thấy, kinh phí chi cho công tác quản lý BV&KDTV bình quân hàng năm của mỗi tỉnh khoảng 1,3 tỷ đồng được huy động từ nhiều nguồn khác nhau như: Nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân,... Kinh phí cho công tác BV&KDTV cũng đã được các địa phương đầu tư ngày càng tăng lên (năm 2002 bình quân trên 600 triệu đồng/tỉnh, năm 2011 là trên 2 tỷ đồng/tỉnh).

Kinh phí chi cho ban hành văn bản chiếm 0,5% mức kinh phí chi cho công tác BV&KDTV của tỉnh; chi cho công tác thanh kiểm tra chiếm 5,7%; chi cho công tác tuyên truyền chiếm 4,9%.

Tuy nhiên, với mức đầu tư, phân bổ kinh phí nói trên thì khó có thể đảm đương được các nhiệm vụ quản lý về BV&KDTV.



3. Về bảo vệ thực vật

Nước ta là một nước chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên Chính phủ, Bộ Nông nghiệp &PTNT và các địa phương rất quan tâm đến công tác BV&KDTV. Hệ thống ngành BVTV đã thực hiện tốt các quy định của pháp luật về công tác điều tra phát hiện, nên đã nắm chắc diễn biến của tình hình thời tiết, sinh trưởng của cây trồng và các sinh vật hại chính. Thông báo và dự báo thời gian phát sinh, gây hại, đề xuất biện pháp phòng trừ dịch hại kịp thời, hiệu quả nên đã bảo vệ tốt được sản xuất, đảm bảo giữ vững an ninh lương thực quốc gia và phục vụ cho xuất khẩu.

- Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về công tác BVTV, hàng năm các cấp đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo sản xuất như công điện của Chính phủ, chỉ thị, công điện, công văn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, văn bản tỉnh, ủy, UBND tỉnh

- Công tác phòng, trừ dập dịch được triển khai kịp thời, chặt chẽ, quyết liệt và đồng bộ từ trung ương đến địa phương như: Kiện toàn và thành lập Ban chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh các cấp, tổ chức hội nghị chuyên đề, thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra phòng chống dịch tại các tỉnh trọng điểm, vùng dịch, huy động lực lượng của hệ thống chính trị, các nhà khoa học, các doanh nghiệp tham gia phòng chống dịch. Từ Trung ương đến địa phương đã có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho việc phòng trừ dập dịch (hỗ trợ cho bà con nông dân thuốc BVTV, tiền tiêu hủy lúa, giống,…).

- Xây dựng nhiều mô hình trình diễn cộng đồng tham gia phòng chống dịch hại. Duy trì và mở rộng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), chương trình 3 giảm, 3 tăng, ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI).

4. Về Kiểm dịch thực vật (Phụ lục III)

* Công tác kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu

- Công tác KDTV thông thoáng, phục vụ kịp thời cho công tác xuất nhập khẩu đặc biệt là xuất nhập khẩu nông lâm sản, giống cây trồng, phục vụ tốt kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu theo chủ trương của Chính phủ.

- Theo số liệu thống kê, hàng hóa nông sản xuất nhập khẩu đã kiểm dịch được trung bình hàng năm là 543.731lô hàng với trọng lượng 24.676.669 tấn, số lượng này ngày càng tăng (năm 2002 là 105.128 lô với trọng lượng là 8.321.514 tấn đến năm 2011 là 2.723.000 lô với trọng lượng là 36.500.000 tấn). Trong đó:

+ Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như gạo, cà phê, tiêu, điều, sắn lát, ngô, thực phẩm chế biến, mây tre đan, cho đến nay chưa có trường hợp nào khiếu kiện về KDTV.

+ Trên hàng hóa nhập khẩu đã phân tích, giám định mẫu sinh vật gây hại nhanh, chính xác, qua đó đã phát hiện khoảng 536 lần (bình quân mỗi năm), trong năm 2005 là nhiều nhất trên 1259 lần chủ yếu là đối tượng KDTV trên khoai tây. Tất cả các lô hàng bị nhiễm dịch hại KDTV đã được xử lý triệt để trước khi nhập khẩu và theo dõi chặt chẽ.

- Đã triển khai thực hiện việc đánh giá nguy cơ dịch hại (PRA) trên vật thể nhập khẩu theo quy định của Nghị định số 02/2007/NĐ-CP ngày 05/01/2007 của Chính phủ, trong năm 2008, 2009 đã hoàn thành gần 30 báo cáo PRA trên hạt keo tai tượng, hạt bobo nhập từ Australia, củ khoai tây giống nhập từ Scotland, hạt ngô giống nhập từ Thái Lan, quả xoài tươi nhập từ Nam Phi...

- Xúc tiến thương mại quả tươi Việt Nam vào thị trường các nước như Mỹ, Nhật, Đài Loan ...

- Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động xông hơi, khử trùng theo đúng quy định. Bình quân hàng năm đã khử trùng gần 3.298 lô hàng có yêu cầu với trọng lượng trên 1,7 triệu tấn đảm bảo chất lượng.

- Có sự phối hợp chặt chẽ giữa KDTV trung ương với KDTV địa phương, KDTV nội địa với KDTV đối ngoại trong việc cấp giấy phép KDTV đối với giống cây trồng nhập khẩu, thông báo lô hàng bị nhiễm dịch hại KDTV ở các cửa khẩu.

* Công tác kiểm dịch thực vật nội địa

- Công tác kiểm dịch thực vật nội địa đã được tăng cường, tổ chức kiểm dịch thực vật nội địa ở Chi cục BVTV các tỉnh có chuyển biến tích cực theo hướng chuyên trách và thực hiện có hiệu quả.

- Các Chi cục BVTV tỉnh đều tiến hành nghiêm túc công tác điều tra giống cây trồng nhập nội, điều tra, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch hại trên giống cây trồng nhập nội. Kết quả trong những năm qua chưa phát hiện dịch hại lạ. Thường xuyên kiểm tra KDTV đối với lô giống cây trồng nhập về địa phương.

- Hàng năm đã tiến hành điều tra bình quân trên 1500 lượt kho hàng nông sản với trọng lượng khoảng 1,5 triệu tấn, qua đó đã phát hiện được 44 dịch hại thông thường và khoảng từ 3 - 5 đối tượng KDTV. Khi phát hiện có đối tượng KDTV thì các Chi cục KDTV vùng đều kết hợp với Chi cục BVTV các tỉnh tiến hành điều tra trong kho và ngoài đồng để khoanh vùng bao vây, tiêu diệt.



5. Về Quản lý thuốc BVTV (Phụ lục IV)

Trong những năm qua công tác quản lý thuốc BVTV ở nước ta dần đi vào nề nếp. Mọi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này về cơ bản tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật BV&KDTV.

- Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đăng ký thuốc BVTV, đã tiếp nhận trung bình 1.089/năm hồ sơ đăng ký thuốc (năm 2002 là 436 hồ sơ, năm 2011 là 1.436 hồ sơ), cấp giấy phép khảo nghiệm thuốc BVTV trung bình 797 giấy phép/năm (năm 2002 là 262 giấy phép, năm 2011 là 870 giấy phép).

- Thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng thuốc BVTV, bình quân hàng năm đã tiến hành lấy trên 5.000 mẫu thuốc nhập khẩu/năm để kiểm tra chất lượng, trung bình khoảng 38 mẫu/năm không đạt tiêu chuẩn chất lượng nhập khẩu (chiếm khoảng 10% số mẫu kiểm tra), các lô hàng nhập khẩu không đạt chất lượng đều được xử lý tái xuất hoặc tái chế theo đúng quy định.

- Thường xuyên lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc BVTV lưu thông trên thị trường, bình quân hàng năm đã tiến hành lấy 687 mẫu thuốc BVTV để kiểm tra chất lượng. Kết quả: Tỷ lệ mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng là 7% (49/687 mẫu kiểm tra).

- Hiện nay, cả nước ta có 27.634 cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc BVTV (trung bình mỗi tỉnh có trên 400 cửa hàng, có tỉnh số cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV lên đến gần 1000, và phân bổ khắp trên địa bàn huyện, thị của tỉnh); 97 cơ sở, nhà máy, công ty sản xuất, gia công, sang chai đóng gói, kinh doanh thuốc BVTV (phân bố trên 25/63 tỉnh, thành phố). Các hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc BVTV đều đã được các địa phương quản lý theo đúng quy định pháp luật BV&KDTV như: Cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc BVTV, thông qua nội dung quảng cáo thuốc BVTV trên địa bàn…



6. Về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật BV&KDTV

a) Về tổ chức thanh tra chuyên ngành BV&KDTV

- Hệ thống thanh tra chuyên ngành BV &KDTV được thành lập từ năm 1994 theo Pháp lệnh BV&KDTV năm 1993, trong đó:

+ Từ năm 1994 đến 2005: Hệ thống thanh tra chuyên ngành BV&KDTV ở trung ương thuộc Cục Bảo vệ thực vật (thành lập Phòng Thanh tra chuyên ngành); ở địa phương thuộc Chi cục BVTV tỉnh, thành phố (thành lập bộ phận hoặc Phòng Thanh tra).

+ Từ năm 2005 đến nay (sau khi có Luật Thanh tra): Hệ thống thanh tra chuyên ngành BV&KDTV ở Trung ương có Thanh tra Cục thuộc Cục BVTV và ở địa phương thuộc Chi cục BVTV tỉnh, thành phố. Tuy nhiên đến cuối năm 2009 có một số tỉnh thanh tra chuyên ngành BV&KDTV đã chuyển về Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang).



b) Kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính (Phụ lục V)

Hoạt động kiểm tra, thanh tra về BV&KDTV trong thời gian qua đã được tăng cường; đã kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về BV&KDTV, tịch thu và tiêu hủy nhiều thuốc BVTV.



- Kết quả kiểm tra, thanh tra: Hàng năm thanh tra chuyên ngành BV&KDTV đã tiến hành từ 500 - 600 đợt thanh tra việc thực hiện pháp luật BV&KDTV, cụ thể:

+ Thanh tra, kiểm tra trong việc sử dụng thuốc BVTV của người sản xuất được khoảng 5.000 lượt hộ nông dân/năm, tỷ lệ vi phạm khoảng 25 % (giảm từ 39,2% năm 2002 xuống còn 28,2% năm 2011, trong đó chủ yếu là sử dụng thuốc BVTV không đúng quy trình kỹ thuật chiếm 73%, không đảm bảo thời gian cách ly khoảng 20% trong tổng số vi phạm.

+ Thanh tra, kiểm tra các quy định về kiểm dịch thực vật, xông hơi khử trùng mỗi năm được khoảng 500 cơ sở, trong đó tỷ lệ vi phạm khoảng 18% các cơ sở được kiểm tra, hành vi vi phạm chủ yếu là không khai báo về kiểm dịch thực vật, buôn bán giống cây trồng, thiếu giấy chứng nhận KDTV, không đủ điều kiện xông hơi, khử trùng theo quy định,…

+ Thanh, kiểm tra trong sản xuất, buôn bán thuốc BVTV mỗi năm được khoảng 14.000 cơ sở, tỷ lệ vi phạm giảm từ 25 % năm 2002 xuống còn 16,46 % năm 2011, trong đó hình thức vi phạm chủ yếu là buôn bán thuốc BVTV không đủ điều kiện theo quy định (chiếm khoảng 40%), hành vi sản xuất, buôn bán thuốc có nhãn không đúng quy định (chiếm khoảng 20%).

+ Bước đầu đã kiểm tra, kiểm soát được mức dư lượng thuốc BVTV trong rau, quả, chè, góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện chương trình kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trên rau, quả, chè, trong năm 2008 -2009 đã lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc BVTV như sau: 48/412 mẫu rau kiểm tra có dư lượng thuốc BVTV vượt quá mức giới hạn tối đa cho phép (chiếm 11,65% mẫu kiểm tra); 15/99 mẫu quả kiểm tra có dư lượng thuốc BVTV vượt quá mức giới hạn tối đa cho phép (chiếm 15,15%); 65/65 mẫu chè kiểm tra đều không phát hiện hoặc phát hiện có dư lượng thuốc BVTV dưới ngưỡng quy định tối đa cho phép.

Các địa phương (Chi cục BVTV) cũng đã tiến hành lấy mẫu nông sản tại các vùng sản xuất để phân tích kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trong năm 2011 đã lấy 6.084 mẫu để kiểm tra dư lượng thuốc BVTV, trong đó có 326 mẫu có dư lượng vượt mức cho phép (chiếm 5,36%). Do kinh phí còn hạn chế nên hầu hết các Chi cục chỉ sử dụng phương pháp kiểm tra nhanh (Teskit) để kiểm tra chất lượng rau, quả.



- Về xử lý vi phạm hành chính: Hàng năm thanh tra chuyên ngành BV&KDTV đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính từ 2000 - 3000 trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật BV&KDTV, với số tiền thu phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách nhà nước trung bình trong 8 năm qua mỗi năm là gần 2 tỷ đồng, trong đó năm 2010 và 2011 là trên 4 tỷ đồng.

- Về xử lý hình sự: Theo báo cáo của Chi cục BVTV, việc phát hiện và chuyển sang cơ quan điều tra đối với hành vi vi phạm pháp luật về BV&KDTV còn ít. Trong 8 năm qua, chỉ năm 2002 có 6 vụ buôn bán, vận chuyển thuốc BVTV giả, thuốc cấm sử dụng, thuốc ngoài danh mục tại Lâm Đồng, Ninh Thuận, Hưng Yên, Thừa Thiên - Huế, thành phố Hà Nội chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra và đã bị xử lý hình sự, còn từ năm 2003 đến nay không có vụ vi phạm nào về pháp luật BV&KDTV chuyển sang cơ quan điều tra.

Thực tiễn công tác xét xử vẫn tồn tại một số bất cập như căn cứ để chuyển các vi phạm pháp luật sang xử lý hình sự; nên một số vụ vi phạm không đủ căn cứ để chuyển sang xử lý hình sự.



Каталог: DuThao -> Lists -> DT TAILIEU COBAN -> Attachments
Attachments -> BỘ TƯ pháp số: 151 /bc-btp cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> Phần thứ nhất ĐÁnh giá TÌnh hình tổ chức thực hiện luật hợp tác xã NĂM 2003
Attachments -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôn cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> Danh mỤc LuẬt/NghỊ đỊnh thư cỦa các quỐc gia/khu vỰc đưỢc tham khẢo trong quá trình xây dỰng DỰ thẢo luật tài nguyên, môi trưỜng biỂn và hẢi đẢo
Attachments -> CHÍnh phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> CHÍnh phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> BỘ giao thông vận tải cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> 1- tình hình gia nhập công ước quốc tế về an toàn – vệ sinh lao động
Attachments -> BÁo cáo tổng hợp kinh nghiệm nưỚc ngoài a. Nhận xét chung

tải về 0.68 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương