Bộ luật Dân sự quy định, nếu lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố thì gọi là cho vay nặng lãi



tải về 70.34 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu15.01.2018
Kích70.34 Kb.
#36064

BỘ TƯ PHÁP

VĂN PHÒNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Hà Nội, ngày 08 tháng 9 năm 2015



ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 07/9 ĐẾN SÁNG NGÀY 08/9/2015

Trong ngày 07/9 đến đầu giờ sáng ngày 08/9/2015, một số báo đã có bài phản ánh những thông tin liên quan đến công tác tư pháp như sau:



I- THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Báo Vietnamnet có bài: Mắc bẫy tín dụng đen: Nhiều người nghèo "bỗng dưng" mất nhà. Bài báo phản ánh: Tại Hội thảo Giải cứu người nghèo khỏi bẫy "tín dụng đen" do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển và Công ty Luật Trường Lộc tổ chức tổ chức chiều 7/9 đã có một số nạn nhân than thở: "Khi gia đình chúng tôi đang ở, bỗng thấy cán bộ của một số ngân hàng đến xem xét để thu hồi nhà đất của chúng tôi. Lúc này mới biết tài sản của mình bị người cho mình vay tiền sang tên, đem thế chấp cho ngân hàng."

Theo các chuyên gia, pháp luật hiện hành đang có nhiều kẽ hở, từ thủ tục công chứng hợp đồng, sang tên chuyên nhượng đến các chế tài xử lý vẫn chưa nghiêm cả về hành chính lẫn hình sự, nên người cho vay “tín dụng đen” đã lợi dụng để vi phạm mà không bị xử lý.

Bộ luật Dân sự quy định, nếu lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố thì gọi là “cho vay nặng lãi.” Trong khi đó, Điều 163 của Bộ luật Hình sự quy định, hành vi cho vay lãi nặng bị xem là phạm tội khi: lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên và có tính chất chuyên bóc lột.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO phân tích, mặc dù mức cho vay nặng lãi cao hơn 150% so với lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước công bố, nhưng vẫn chưa cao quá gấp 10 lần lãi suất mà pháp luật quy định, nên không xử lý theo pháp luật.

Trong thực tế thì từ năm 2011 đến nay nhiều tổ chức tín dụng đang “đứng ngoài” quy định này khi có rất nhiều khoản vay đã vượt mức trần lãi suất, vượt cả ngưỡng được luật cho phép là 13,5% nhưng vẫn không bị xử lý. Do đó khó có thể xử lý các cá nhân ngoài tổ chức tín dụng cho vay lãi suất cao.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cũng cho rằng, thực tế các giao dịch cho vay ngoài không bao giờ ghi "mức lãi suất” mà đó chỉ là giao dịch miệng nên rất khó chứng minh. Ngoài ra, việc chứng minh “có tính chất chuyên bóc lột” là điều khó khăn vì bản thân các giao dịch này thường được thể hiện dưới dạng thoả thuận dân sự như uỷ quyền, đặt cọc, vay tài sản... và đều được tự nguyện thực hiện, không lừa dối, cưỡng ép...

Để “tín dụng đen” không có đất tồn tại, các chuyên gia pháp lý, luật sư đều nhấn mạnh đến việc nâng cao khả năng quản trị tài chính, giúp người dân có được những kiến thức cơ bản về quản trị dòng tiền, quản trị rủi ro.

Thượng tá Trần Thị Thúy, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm-Bộ Công an nhấn mạnh, những hệ lụy từ “tín dụng đen” đang gây hại rất lớn cho xã hội. Cho nên, các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý, siết chặt các hoạt động cho vay, huy động vốn tự phát, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân nâng cao hiểu biết pháp luật, nhận biết và có ý thức cảnh giác cao trước những phương thức thủ đoạn của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”.

Về phía lực lượng công an sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, trong đó tập trung rà soát, nắm tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; khẩn trương điều tra xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật với những vụ việc đã xảy ra…

Còn theo giảng viên Luật Trần Quang Vũ, nên áp dụng mức mà Bộ luật Hình sự đưa ra là “trên 10 lần mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định” thì phải chịu trách nhiệm hình sự, không nên bó hẹp trong “mức lãi suất không quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố...” như Bộ Luật dân sự.

Về vấn đề này, Văn phòng Bộ đề xuất Tổng cục Thi hành án dân sự, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế theo dõi.

2. Báo Quân đội nhân dân có bài: TP Hồ Chí Minh thí điểm cấp lý lịch tư pháp qua bưu điện. Bài báo phản ánh: UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch triển khai Đề án thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến trên địa bàn thành phố.

Đề án được giao cho Sở Tư pháp TP chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP thí điểm thực hiện trong thời gian từ năm 2015 - 2017. Trên cơ sở thí điểm đề án này, TP Hồ Chí Minh cũng nghiên cứu khả năng nhân rộng áp dụng mô hình đối với các thủ tục hành chính khác.

Hiện Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu giải pháp ứng dụng CNTT trong việc phối hợp tra cứu, xác minh thông tin LLTP để cấp phiếu LLTP. Trong đó, việc trang bị, nâng cấp đường truyền mạng sẽ được nghiên cứu để tối ưu hóa khâu cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu điện, cũng như đăng ký phiếu LLTP trực tuyến. Riêng cơ sở vật chất kỹ thuật công nghệ để thực hiện đề án sẽ được trang bị ngay trong quý III năm nay.

Đối với công tác nhân sự, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cho biết, đã cử cán bộ công chức trực tiếp thực hiện công tác tiếp nhận hồ sơ và cấp phiếu LLTP đi dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Dự kiến, việc thực hiện thí điểm cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính sẽ chính thức được triển khai từ quý III năm nay.

Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Trung tâm Lý lịch tư pháp theo dõi.

3. Báo Đại đoàn kết có bài: Góp ý phương thức đổi mới Thừa phát lại. Bài báo phản ánh ý kiến góp ý của Luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Pháp luật-Dân chủ, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam:

Theo định nghĩa đã được nêu ra trong các văn bản hướng dẫn thì Thừa phát lại được hiểu là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự bao gồm: “Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự; Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án”.

Việc giải thích nêu trên có phần rối rắm, đặc biệt là về mối quan hệ giữa thừa phát lại với cơ quan thi hành án. Trong xét xử mới có các bên đương sự là nguyên đơn và bị đơn. Trong thi hành án thì có: bên phải thi hành án và bên được thi hành án. Dùng cụm từ “…tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự” là không rõ là theo yêu cầu của bên phải thi hành án hay bên được thi hành án. Vì nhiều lẽ, bên phải thi hành án chắc không yêu cầu thi hành án.

Qua thực tiễn thí điểm cho thấy, các Văn phòng Thừa phát lại chỉ làm được nhiều hơn việc tống đạt và lập vi bằng. Còn việc xác minh điều kiện thi hành án và thi hành án thì hầu như chưa làm được gì. Điều này là tất yếu. Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức xã hội. Họ không thể làm các việc đòi hỏi phải có quyền lực hành chính. Hơn nữa việc giao cho Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự, vô hình trung đã tạo cớ cho các cơ quan thi hành án dân sự lẩn tránh trách nhiệm. Các bản án đã có hiệu lực pháp luật phải được thực thi một cách rốt ráo để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng được thi hành án và để bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật. Đó là chức năng, nhiệm vụ và lý do để tổ chức ra cơ quan thi hành án dân sự. Cơ quan thi hành án dân sự phải chủ động và bằng mọi biện pháp hợp pháp thực thi đầy đủ bản án đã có hiệu lực thi hành.

Qua tổng kết hoạt động thí điểm cho thấy rằng hoạt động của Thừa phát lại đã góp phần giảm bớt sự quá tải trong hoạt động chuyên môn của Tòa án thông qua việc tống đạt các mệnh lệnh của Tòa án đối với các bên đương sự. Nó cũng góp phần đảm bảo thuận lợi cho các việc giải quyết tranh chấp dân sự thông qua việc lập các vi bằng. Nói chung đây là cách xã hội hóa một phần các công việc của Tòa án. Tuy nhiên, hiện nay chế định Thừa phát lại vẫn còn xa lạ đối với công chúng. Nhiều người chưa quen nhìn nhận và sử dụng Thừa phát lại như một dịch vụ trong lĩnh vực tư pháp như lập vi bằng để hỗ trợ cho việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức mình.

Nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thừa phát lại trong giai đoạn thí điểm, Nghị định quy định Văn phòng Thừa phát lại được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy vậy các Văn phòng Thừa phát lại vẫn gặp nhiều khó khăn về tài chính vì thu không đủ bù chi. Về quan điểm có ý kiến cho rằng coi hoạt động Thừa phát lại là một loại hình bổ trợ tư pháp chưa thật ổn. Công việc của loại hình này mang tính chất hỗ trợ chứ không phải bổ trợ. Nó cũng khác với hình thức Trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Việc có công nhận nó là loại hình bổ trợ tư pháp hay không thì cần phải nghiên cứu thêm. Mối quan hệ giữa cơ quan thi hành án với thừa phát lại như đã quy định trong Nghị định của Chính phủ cũng chưa thật rành mạch.

Ngay tên gọi “Thừa phát lại” cũng rất khó hiểu, cần nghiên cứu để đặt tên cho phù hợp với nội dung công việc của nó. Có thể thay bằng cụm từ “Văn phòng hỗ trợ Tư pháp và Hỗ trợ viên Tư pháp” thì dễ hiểu hơn cụm từ Thừa phát lại. Dẫu vậy, về thực tiễn, Nhà nước cần khuyến khích và tạo điều kiện cho hoạt động thừa phát lại (tạm gọi theo tên cũ, chừng nào chưa được thay bằng tên mới) phát huy được tác dụng. Vì đây là cách xã hội hóa hoạt động tư pháp đã được áp dụng ở nhiều nước khác.

Về vấn đề này, Văn phòng Bộ đề xuất Tổng cục Thi hành án dân sự theo dõi.

II- PHẢN HỒI CHÍNH SÁCH

1. Đời sống và Pháp luật có bài: Bảo hiểm y tế học đường tăng vọt: Người dân còng lưng gánh phí. Bài báo phản ánh: Năm nay phí bảo hiểm y tế bỗng dưng tăng vọt gấp 1,5 lần khiến những người dân nghèo, nhà nhiều con phải còng lưng gánh phí.

Năm nay do đặc thù hầu hết thẻ bảo hiểm y tế của học sinh năm 2014-2015 có thời hạn vào 30/9/2015, nên các trường đều thông báo mức đóng bảo hiểm y tế mới cho 15 tháng kể từ ngày 1/10/2015 đến ngày 31/12/2016. Số tiền phải đóng là 543.375 đồng.

Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội cho rằng, với mức đóng bảo hiểm y tế như hiện nay, học sinh phải đóng tiền bảo hiểm còn cao hơn cả tiền học phí. Bởi mức học phí các trường công lập ngoại thành khoảng 20.000 đồng/ học sinh/ tháng, các trường công lập nội thành mức học phí 40.000 đồng/ học sinh/ tháng. Như vậy, mỗi năm học, học sinh chỉ đóng học phí khoảng 200-400 nghìn đồng. “Mà đi học thì tiền đóng học là chủ yếu, ai lại đóng bảo hiểm cao hơn học phí như thế”, vị hiệu trưởng này nói.

Nhiều phụ huynh có con đang theo học tại trường tiểu học Võ Văn Tần, quận 12 (TPHCM) thắc mắc khi phải đóng phí bảo hiểm y tế với giá cao. Chị H, có con đang theo học lớp 3 tại trường này cho biết: “Khi thấy con đưa giấy thông báo mới đọc sơ qua thì các khoản phí hầu như không thay đổi, trường không bắt buộc con mua sách vở hay những vật dụng khác trong trường.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết năm học này trùng với thời điểm chuyển tiếp bảo hiểm y tế theo năm học sang bảo hiểm y tế theo năm tài chính nên tính nộp thành 15 tháng, thay vì 12 tháng như trước đây.

Theo tính toán của Bảo hiểm xã hội TPHCM, mức đóng bảo hiểm y tế tăng từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở là 1.150 nghìn đồng. Như vậy, số tiền phải đóng là 776.250 đồng, trong đó học sinh đóng 70% nên số tiền cần đóng là 543.375 đồng. “Đến năm 2017 sẽ thu lại bình thường theo năm tài chính là 12 tháng”- ông Cao Văn Sang- Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM nói.

Về vấn đề này, Văn phòng Bộ đề xuất Vụ Pháp luật hình sự - hành chính theo dõi.

2. Báo Tuổi trẻ online có bài: Vì sao đủ sức khỏe mới được bán tạp hóa?. Bài báo phản ánh: Quanh dự thảo thông tư của Bộ Công thương quy định cá nhân, hộ gia đình buôn bán tạp hóa phải làm nhiều loại giấy tờ, trong đó có giấy khám sức khỏe, nhiều ý kiến lên tiếng. Đối tượng áp dụng của dự thảo thông tư này là: Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.

Theo ghi nhận tại nhiều cửa hàng tạp hóa, phân phối sữa, bánh kẹo ở TP.HCM, các chủ kinh doanh nói với TTO họ không ủng hộ quy định này.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, những cơ sở nhỏ lẻ với số lượng rất lớn thì ai sẽ là người tổ chức các lớp vận động, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận rồi kiểm tra, xử lý.

“Chắc chắn không một cơ quan nào làm xuể. Mục đích là hợp lý nhưng nhìn vào thực tế, các bên cần ngồi lại vì chẳng lẽ sẽ xử phạt và khi nào thì xử phạt hết các trường hợp như ông cụ bán kẹo ven đường vì không có giấy khám sức khỏe?”, ông Hưng nhận định.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM - cho biết với điều kiện thực tế và thói quen về thương mại, quản lý ở VN vốn không có những quy chuẩn rạch ròi thì quy định này rất khó khả thi. Ngược lại còn gây khó dễ cho hộ kinh doanh nhiều hơn là để đảm bảo chất lượng dịch vụ tiêu dùng.

Một chuyên gia nguyên lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội cho rằng nhiều yêu cầu của dự thảo thông tư là khó khả thi, các biện pháp quản lý cũng khó hiệu quả, nhân lực đi kiểm tra, đặc biệt là các cán bộ địa phương trình độ đánh giá an toàn thực phẩm chưa có hoặc không đồng đều... nên chưa thể đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, mục tiêu của thông tư khó đạt được.

Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế theo dõi.

3. Báo Tài chính có bài: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế: Minh bạch, dễ hiểu và dễ thực hiện. Bài báo phản ánh: Tại Hội thảo “Lấy ý kiến DN góp ý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) tổ chức mới đây, hầu hết các chuyên gia, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp (DN) tham dự cho rằng, nhiều điều đã được chỉnh lí mang tính bao quát hơn, giúp DN hiểu rõ, tránh phải tra cứu nhiều hoặc hiểu lầm về câu chữ…

Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế theo dõi.

III- THÔNG TIN KHÁC

1. Báo điện tử Chính phủ đưa tin: Bộ Nội vụ công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2014. Bộ Nội vụ vừa công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2014 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả xác định PAR INDEX cấp bộ tập trung vào 2 nhóm điểm bao gồm: Nhóm thứ nhất, đạt kết quả PAR INDEX trên 80% gồm 5 bộ, cơ quan ngang bộ là: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ.

Nhóm đạt kết quả PAR INDEX từ trên 70% đến dưới 80% gồm 14 bộ, cơ quan ngang bộ là: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ.

7/19 bộ, cơ quan ngang bộ có kết quả PAR INDEX tăng đều qua 3 năm gồm; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tăng 7,57 điểm; Bộ Tài nguyên và Môi trường, tăng 8,94 điểm; Bộ Nội vụ tăng 5,67 điểm; Bộ Tài chính tăng 4,51 điểm; Bộ Xây dựng tăng 4,18 điểm; Bộ Giao thông vận tải tăng 1,25 điểm; Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng 1,96 điểm.

Các bộ: Tư Pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương có kết quả PAR INDEX giảm đều từ năm 2012 qua 2013 cho tới năm 2014.

Kết quả PAR INDEX của năm 2014 cũng cho thấy lần đầu tiên có tỉnh đạt Chỉ số CCHC trên 90% là 3 thành phố trực thuộc Trung ương Đà Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội. Có đến 44 tỉnh, thành phố đạt kết quả tốt từ 80% trở lên, gấp đôi số lượng năm 2013 (PAR INDEX năm 2013 có 22 tỉnh đạt kết quả trên 80%, con số này trong năm 2012 là 19 tỉnh, thành).

Có 32 tỉnh /63 tỉnh có kết quả PAR INDEX tăng đều qua 3 năm. Đáng chú ý là tỉnh Đồng Nai, tăng 14,49 điểm, Hòa Bình tăng 13,43 điểm, Lạng Sơn tăng 12,45 điểm, Kiên Giang tăng 11,74 điểm, Lâm Đồng tăng 11,72 điểm và tỉnh Quảng Bình tăng 11,65 điểm.

31/63 tỉnh có kết quả PAR INDEX tăng và giảm không đều qua các năm. Trong đó, tỉnh Vĩnh Long có kết quả giảm đều từ năm 2012 qua 2013 và cho tới năm 2014 (năm 2013 giảm 4,91 điểm so với 2012 và năm 2014 giảm 1,66 điểm so với năm 2013).

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thông qua Chỉ số CCHC cần có những biện pháp cụ thể để khắc phục những điểm yếu, những lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần cho điểm thấp qua đánh giá để có biện pháp nâng chỉ số CCHC cho những năm tiếp theo. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết: “Thông qua triển khai hàng năm, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục theo dõi, rút kinh nghiệm và có điều chỉnh cần thiết về Chỉ số CCHC, hướng đến có được Chỉ số CCHC ngày càng hoàn thiện, phù hợp hơn”.

2. Báo điện tử VOV có bài: Tăng cường quản lý chất cấm trong chăn nuôi. Bài báo phản ánh: Theo văn bản vừa được Bộ trưởng Cao Đức Phát ký ban hành, Bộ NN-PTNT yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng trong tỉnh tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những nguy ngại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng, uy tín của ngành chăn nuôi Việt Nam; thông tin kịp thời cho dư luận biết về tình hình và danh tính của các đối tượng vi phạm.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị xử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi theo các quy định của pháp luật, trong đó có Điều 155 Bộ Luật hình sự quy định đối với hành vi sản xuất kinh doanh, sử dụng hàng cấm gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Báo Vietnam Plus đưa tin: Nhật Bản sắp công bố quy định mới về kiểm soát nhập cư. Bộ Tư pháp Nhật Bản vừa tiến hành soạn thảo dự thảo quy định về kiểm soát nhập cư mới. Quy định này được xem xét và đánh giá lại 5 năm một lần hoặc lâu hơn.

Dự thảo có đề cập đến việc Tokyo sẽ đồng ý tiếp nhận những người nước ngoài có kiến thức và trình độ cao xin nhập cư. Dự thảo nói rằng những người lao động này là cần thiết để giúp duy trì và phát triển xã hội, cũng như nền kinh tế Nhật Bản.

Bộ Tư pháp sẽ tham vấn với các cơ quan khác của Chính phủ Nhật Bản nhằm giúp đảm bảo cung cấp đủ số lượng lao động nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng sẽ thắt chặt các quy định đối với các hồ sơ xin nhập cư không phù hợp. Động thái trên được áp dụng là do Nhật Bản gần đây phải tiếp nhận một số lượng ngày càng tăng các hồ sơ đăng ký xin làm việc hoặc định cư tại nước này.

4. Báo Đất Việt có bài: Dàn siêu xe của Dũng "mặt sắt": Đã tiến hành đấu giá. Bài báo phản ánh: Hôm 7/9, ông Đặng Công Thành, Trưởng phòng xử lý vi phạm (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải Quan) cho biết lô xe 143 ô tô vi phạm pháp luật nhưng không xác định được chủ sở hữu nên lực lượng chức năng tổ chức đấu giá được khoảng 107 tỷ đồng.

Theo Chi Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 17 đến 19/8, đơn vị này đã tổ chức tiếp nhận từ Cơ quan CSĐT (C45 - Bộ Công an) một số tang vật của vụ án gồm 56 chiếc xe ô tô. Số tang vật này đang được trông coi, bảo quản tại khu công nghiệp Cái Lân (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), chờ xử lý sau khi được phía Tòa án quyết định.

5. Báo Tiền phong đưa tin:

- Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ngày 7/9 tuyên bố, Ukraine sẽ phải thanh toán đầy đủ số nợ với Nga, Moscow không tham gia vào quyết định của câu lạc bộ các chủ nợ. "Khoản cho vay của Nga là nợ quốc gia. Đối với nợ quốc gia có các thủ tục giải quyết đặc biệt. Chúng tôi sẽ không tham gia đàm phán với chính phủ Ukraine về phần này…", ông Siluanov nói.

- Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 7/9 cho biết, quốc gia này sẽ tiếp nhận hơn 20.000 người di cư trong vòng 2 năm tới, đồng thời kêu gọi các nước thành viên của Liên minh châu Âu cần thống nhất một chính sách chung để giải quyết vấn đề người tị nạn.

- Bộ Ngoại giao Nga ngày 7/9 đã lên án những thông tin truyền thông "xuyên tạc và bịa đặt" nói rằng nước này đã thay đổi lập trường về Syria hay tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad.

- Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hy Lạp ngày 7/9 cho biết, Mỹ đã đề nghị nước này từ chối cho Nga sử dụng không phận để chuyển hàng cứu trợ tới Syria.

- Một máy bay không người lái của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã tiêu diệt 3 phần tử Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, trong đó có 2 đối tượng là người Anh.

- Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 7/9 cho biết: Pháp sẽ triển khai các máy bay giám sát tới Syria để đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

- Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Khalid al-Obeidi đã thoát chết trong một vụ ám sát bằng súng bắn tỉa gần thị trấn điểm nóng giao tranh Baiji thuộc tỉnh Salahudin, miền Bắc Iraq.

- Ngày 7/9, Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử (IAEA) Yukiya Amano cho biết các hình ảnh vệ tinh về cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên cho thấy nước này tiếp tục mở rộng chương trình hạt nhân.

- Tối 7/9, một chiếc máy bay Airbus 320 của hãng Hàng không quốc gia Ấn Độ (Air India - AI) đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay nội địa Delhi do trục trặc kỹ thuật.

Trên đây là thông tin báo chí trong ngày 07/9 và đầu giờ sáng ngày 08/9/2015, Văn phòng Bộ xin báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, chỉ đạo./.


Nơi nhận:

- Bộ trưởng (để báo cáo);

- Các Thứ trưởng (để báo cáo);

- Lưu: LTQHCC.



VĂN PHÒNG BỘ





Каталог: cacchuyenmuc -> ttdh -> Lists -> DiemTinBaoChi -> Attachments
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 70.34 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương