BỘ lao đỘng thưƠng binh



tải về 117.76 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích117.76 Kb.
#15654

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH

VÀ XÃ HỘI




CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: /BC-LĐTBXH

Hà Nội, ngày tháng năm 2016
















BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc


Thực hiện Chương trình công tác năm 2015 của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ban hành ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi tắt là dự thảo Nghị định). Để xây dựng luận cứ cho các chính sách sẽ được ban hành, Ban Soạn thảo đã tiến hành đánh giá tác động đối với các phương án được đề xuất nhằm tìm ra một cơ sở chung cho các phương án được lựa chọn có lợi nhất. Trên tinh thần đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin báo cáo Chính phủ như sau:



I. GIỚI THIỆU CHUNG

1. Bối cảnh xây dựng dự thảo Nghị định

Theo thống kê của Bộ Công an năm 2015, tổng số người nghiện ma túy trên toàn quốc có thông tin quản lý là 200.134 người. 100% các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương, gần 90% quận, huyện và hơn 70% xã, phường, thị trấn trong cả nước đã có người nghiện ma túy. Có 10 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS, trong đó cao nhất là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và tỉnh Sơn La. Số người nghiện sử dụng Heroine đang giảm dần, hiện nay là khoảng 70%, số người sử dụng ma túy tổng hợp, chất kích thích dạng Amphetamine, Ketamine, Cocaine, Cần sa ... đang tăng, điển hình như: Lao Bảo (Quảng Trị) 98%; Đà Nẵng 85%; Tây Ninh 61%. Phần lớn người sử dụng ma túy tổng hợp gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó nhiều trường hợp đã có hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng.

Thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, về công tác áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Chính phủ đã ban hành: Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi tắt là Nghị định số 221/2013/NĐ-CP); Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 111/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các cấp, công tác xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua quá trình thực hiện cũng cho thấy một số bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tính đến hết năm 2014 cả nước chỉ đưa được 336 người vào cơ sở cai nghiện theo quyết định của Tòa án nhân dân.

Trước tình hình đó, ngày 26/12/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, trong đó hướng dẫn việc thành lập Cơ sở xã hội để tiếp nhận người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ đề nghị đưa vào có cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Sau một loạt các biện pháp tháo gỡ khó khăn, đến hết tháng 8/2015 các các Cơ sở cai nghiện trên cả nước đã tiếp nhận 4.504 học viên cai bắt buộc theo quyết định của Tòa án, tăng 4.168 học viên so với cuối năm 2014, nhưng cũng chỉ chiếm 2,25% người nghiện có hồ sơ quản lý (4.504/200.1341), trong đó chỉ có 21,1% (907/4.504 người) là người có nơi cư trú ổn định.

Với những kết quả đã đạt được như hiện nay, nhìn chung chưa đáp ứng đươc yêu cầu thực tiễn, việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn nhiều khó khăn, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội liên quan đến người nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Để tạo thuận lợi, khắc phục những tồn tại hiện nay, ngày 14 tháng 9 năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP; giao Bộ Tư pháp chủ trì trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP.

2. Tiêu chí lựa chọn vấn đề và phương pháp đánh giá tác động

2.1. Tiêu chí lựa chọn vấn đề cần đánh giá tác động

Việc lựa chọn vấn đề cần đánh giá tác động dựa trên các tiêu chí sau:

- Là các quy định hiện hành nhưng cần được sửa đổi cho phù hợp thực tiễn và việc sửa đổi hiện còn có một số quan điểm và cách giải quyết khác nhau;

- Là các nội dung được đề xuất bổ sung và việc quy định bổ sung này có thể tạo ra những thay đổi đáng kể công tác cai nghiện phục hồi, do đó, đòi hỏi phải phân tích, đánh giá kỹ trước khi lựa chọn.

2.2. Các vấn đề được lựa chọn để đánh giá tác động

Căn cứ các tiêu chí lựa chọn nêu trên, Ban Soạn thảo đã xác định và chọn ra 04 vấn đề quan trọng cần phân tích và xác định phương án giải quyết cho từng vấn đề, cụ thể là:

(1) Xác định đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

(2) Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

(3) Điều kiện đối với người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện;

(4) Chế độ lao động đối với học viên của cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2.3. Phương pháp đánh giá tác động

Trên cơ sở các vấn đề được lựa chọn, Ban Soạn thảo thống nhất đưa ra 8 phương án để xem xét, theo đó mỗi vấn đề có thể có một giải pháp có tính chất vạch ranh giới (giữ nguyên hiện trạng) để so sánh tác động của các giải pháp sửa đổi với tình trạng hiện có để tìm hiểu rõ hơn tác động khi có sự thay đổi.

Trong mỗi phương án, việc phân tích lượng hoá các tác động được sử dụng tối đa trong phạm vi thời gian và nguồn lực cho phép. Tuy nhiên, Ban Soạn thảo nhận thức rằng, một số tác động quan trọng không thể lượng hoá được, nhưng phải được mô tả định tính chính xác nhất có thể và kết luận phải được kèm theo các giả định lô-gic. Lợi ích và chi phí của mỗi phương án sẽ được so sánh và đề xuất các lựa chọn dựa trên tính toán có lợi nhất.



II. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH SỬA ĐỔI THEO CÁC VẤN ĐỀ LỰA CHỌN

1. Vấn đề: Xác định đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

1.1. Thực trạng vấn đề

Đối tượng bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định tại Điều 3 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP và bị giới hạn bởi Điều 5 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định về đối tượng không lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

a) Điều 32 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP chỉ quy định lại mà chưa cụ thể hóa khoản 13 Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính để thực hiện. Điều kiện, tiêu chí xác định người “đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn” chưa cụ thể, giới hạn chưa rõ ràng, dẫn đến việc áp dụng thiếu thống nhất.

b) Điểm g Khoản 5 Điều 18 Nghị định 111/2013/NĐ-CP quy định: người nghiện bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải đăng ký cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng hoặc tham gia chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Điều 5 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định không lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đang tham gia các chương trình cai nghiện ma túy tại cộng đồng và người đang tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc bằng thuốc thay thế. Song thực tế hiện nay phần lớn các địa phương trên cả nước chưa tổ chức cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng do khó khăn từ rất nhiều nguyên nhân khách quan, còn vấn điều trị thay thế thì tỷ lệ bỏ chương trình và tỷ lệ sử dụng ma túy song song khá cao, dẫn đến tình trạng hiện nay nhiều người đang tham gia cai nghiện tại cộng đồng hoặc đang tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc bằng chất thay thế vẫn tiếp tục sử dụng trái phép các chất ma túy mà không thể lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Xét về mặt ý thức cũng như về mặt pháp luật thì người đang tham gia cai nghiện tại cộng đồng hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế mà tiếp tục sử dụng ma túy là không tuân thủ chương trình, vi phạm pháp luật hành chính, và khả năng hoàn thành các chương trình cai nghiện tại cộng đồng hoặc điều trị thay thế là rất thấp, cần phải xử lý để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và tổ chức cai nghiện bắt buộc để giúp người nghiện cách ly môi trường ma túy, cai nghiện, phục hồi sức khỏe và khả năng lao động.

Như vậy, Khoản 2 Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP không phù hợp thực tiễn và cũng không phù hợp với với Khoản 2 Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính, cần phải bãi bỏ. Tuy nhiên, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính, người nghiện được cách ly với môi trường ma túy và đồng thời cũng chịu hạn chế một số quyền công dân. Do đó, việc quy định về đối tượng lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cần phải được phân tích, đánh giá và cân nhắc cẩn trọng, với những tiêu chí xác định chính xác, cụ thể và phù hợp thực tiễn.



1.2. Mục tiêu của chính sách

Bảo đảm việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là phù hợp nhất đối với tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người nghiện.

Bảo đảm các quy định về xác định đối tượng chỉ có một các hiểu duy nhất và được thực hiện một các thống nhất trên toàn quốc.

1.3. Các phương án lựa chọn: Có 02 phương án cho vấn đề này

Phương án 1A: Giữ nguyên hiện trạng tức là chấp nhận tình trạng thiếu thống nhất có thể dẫn đến sai sót trong việc xác định đối tượng lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đồng thời chấp nhận tình trạng nhiều đối tượng đang cai nghiện tại cộng đồng hoặc đang tham gia điều trị thay thế vẫn ngang nhiên sử dụng ma túy ngoài cộng đồng, thách thức dư luận.

Phương án 1B:

Xác định người “đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn” là người đã có quyết định áp dụng biện pháp và đã tổ chức thực hiện nhưng không nhất thiết là đã hoàn thành, trên cơ sở đó sửa đổi theo hướng:

- Quy định chi tiết khoản 1 Điều 96 và khoản 2 Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính, để xác định rõ đối tượng là người đã chấp hành xong, nhưng chưa đến thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

- Bổ sung 01 khoản vào Điều 3 quy định việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người bị đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do tái sử dụng trái phép chất ma túy hoặc do bỏ trốn không chấp hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy.

Để bảo đảm tính thống nhất, phải đồng thời: bãi bỏ Điều 5 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP; bãi bỏ khoản 3 Điều 16 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP; bãi bỏ đoạn 2 Điều 37 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP.

1.4. Đánh giá tác động của các phương án

1.4.1. Phương án 1A:

a) Tác động tiêu cực

* Đối với Nhà nước: Sau 2 năm thực hiện Nghị định số 221/2013/NĐ-CP chỉ có 2,25% người nghiện có thông tin quản lý được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, . Nhiều người nghiện đã được giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đang cai nghiện tại cộng đồng hoặc đang tham gia điều trị thay thế vẫn ngang nhiên sử dụng ma túy ngoài cộng đồng, thách thức dư luận. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội liên quan đến ma túy vẫn gia tăng, làm nhà nước phải tăng cường đầu tư cả nhân lực, vật lực và tài chính cho công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội bảo đảm an ninh trật tự xã hội.

* Đối với người dân: Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội gia tăng, an ninh trật tự xã hội không được bảo đảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân; số người nghiện ngoài cộng đồng lớn, tức là cầu về ma túy lớn làm cho xã hội mất một khoản tiền không nhỏ vào ma túy và nhà nước phải tăng chi ngân sách cho các nỗ lực giảm cung và giảm cầu ma túy.

b) Tác động tích cực: Giữ nguyên hiện trạng tức là không có bất cứ sự thay đổi nào, không mang lại lợi ích gì cho nhà Nhà nước cũng như người dân.

1.4.2. Phương án 1B:

b) Tác động tích cực

* Đối với Nhà nước: Hạn chế tình trạng trốn tránh không thực hiện quyết định hoặc vi phạm cam kết trong quá trình chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; hạn chế tình trạng người đang tham gia cai nghiện tại cộng đồng hoặc đang tham gia điều trị thay thế vẫn tiếp tục sử dụng trái phép ma túy, thách thức dư luận mà không thể lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; làm tốt công tác áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ có tác động tốt đến công tác cai nghiện tự nguyện; gia tăng số người được cai nghiện, học văn hóa, rèn luyện tay nghề, phục hồi kỹ năng lao động đã bị suy giảm do nghiện ma túy sẽ phục hồi được một lực lượng lao động đông đảo.

* Đối với người dân: Người nghiện và gia đình người nghiện sẽ có cuộc số tốt hơn khi người nghiện được cai nghiện phục hồi.

b) Tác động tiêu cực: Sửa đổi, bổ sung theo Phương án 1B sẽ làm gia tăng khối lượng công việc nhưng không làm quá tải đối với các cơ quan tham gia quá trình lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; không làm phát sinh chi phí đáng kể cho cơ quan Nhà nước cũng như người dân khi tham gia vào quá trình lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

1.5. Kết luận và kiến nghị

Qua phân tích định tính và cân nhắc giữa tác động tích cực và tác động tiêu cực cho phép đi đến kết luận: Phương án 1B là phương án tối ưu nhất, phù hợp thực tiễn, rõ ràng, thống nhất, dễ thực hiện.



2. Vấn đề thứ hai: Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trùng lắp, không phù hợp Điều 103 Luật xử lý vi phạm hành chính, gây khó khăn trong thực hiện.

2.1. Thực trạng vấn đề

a) Hồ sơ đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định

Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định về hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định phải có tới 09 thành phần hồ sơ, trong đó: “Biên bản về hành vi sử dụng trái phép ma túy” là không cần thiết và sẽ rất khó khăn trong việc lập hồ sơ nếu buộc phải bắt quả tang khi hành vi sử dụng trái phép ma túy; “Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy” trùng lặp với “Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy”; “Giấy xác nhận hết thời gian cai nghiện ma túy tại gia đình hoặc cai nghiện ma túy tại cộng đồng hoặc tài liệu chứng minh bị đưa ra khỏi chương trình điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế” và “Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc giao cho gia đình quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp” là đòi hỏi ngoài quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và để chứng minh cho quy định loại trừ đã được đề nghị bãi bỏ (Khoản 2, Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP); “Văn bản đề nghị của cơ quan lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” là đòi hỏi ngoài quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và không phải là thành phần hồ sơ vì không phải là tài liệu làm căn cứ để chứng minh đối tượng xử lý.

Như vậy, chỉ có: “Bản tóm tắt lý lịch”; “Phiếu trả lời kết quả về tình trạng nghiện ma túy hiện tại”; “Bản tường trình của người vi phạm hoặc của người đại diện hợp pháp của họ”; “Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy”là cần thiết và phù hợp điểm a khoản 1 Điều 103 Luật xử lý vi phạm hành chính.

b) Hồ sơ đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định

Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định về hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định có 06 thành phần hồ sơ, trong đó: “Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc giao tổ chức xã hội quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp” và “Văn bản đề nghị của cơ quan lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” là đòi hỏi ngoài quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và không phải là thành phần hồ sơ vì không phải là tài liệu làm căn cứ để chứng minh đối tượng xử lý.

Từ những bất cập nêu trên, cần phải sửa đổi vấn đề này để đảm bảo sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp của các quy phạm thủ tục.

2.2. Mục tiêu của chính sách

Bảo đảm trình tự, thủ tục lập hồ sơ thuận lợi, chính xác, khách quan và đầy đủ cơ sở pháp lý để xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đúng đối tượng.



2.3. Các phương án lựa chọn

Phương án 2A: Việc lựa chọn phương án cho Vấn đề thứ nhất sẽ quyết định việc sửa đổi Điều 9 Nghị định 221/2013/NĐ-CP. Nếu lựa chọn phương án giữ nguyên hiện trạng (1A) cho vấn đề thứ nhất thì phương án tất yếu là giữ nguyên hiện trạng cho vấn đề thứ hai, do đó ta không cần phân tích chi phí và lợi ích cho phương án này.

Phương án 2B: Nếu lựa chọn phương án (1B) cho vấn đề thứ nhất thì phương án sửa đổi, bổ sung cho vấn đề thứ hai sẽ là: bãi bỏ những thành phần hồ sơ trùng lặp, không phù hợp với Điều 103 Luật xử lý vi phạm hành chính.

2.4. Đánh giá tác động của phương án 2B

a) Tác động tích cực

* Đối với Nhà nước: Việc cắt giảm 4/9 loại giấy tờ trong hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định và 2/6 loại giấy tờ trong hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định có thể cắt giảm gần 40% thời gian cũng như chi phí lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

* Đối với người dân: Giảm tầm xuất làm việc giữa cơ quan, người có thẩm quyền với người dân, qua đó giảm chi phí (thời gian, công sức, tiền bạc) của người dân khi tham gia vào quá trình lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

b) Các tác động tiêu cực: Không tạo ra tác động tiêu cực, không làm phát sinh chi phí cho Nhà nước cũng như người dân khi tham gia vào quá trình lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2.5. Kết luận và kiến nghị

Qua phân tích lợi ích và chi phí, giữa tác động tích cực và tác động tiêu cực có thể kết luận: phải sửa đổi, bổ sung Điều 3, bãi bỏ Điều 5 trên cơ sở đó sửa đổi Điều 9 Nghị định 221/2013/NĐ-CP theo phương án nêu trên là tối ưu, phù hợp thực tiễn, đảm bảo tính khả thi, rõ ràng, thống nhất, dễ thực hiện.



3. Vấn đề thứ ba: Điều kiện đối với người có thẩm quyền xác định người nghiện ma túy.

3.1. Thực trạng vấn đề

Điều 10 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định: Người có thẩm quyền xác định người nghiện ma túy phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy. Quy định nêu trên có sự mâu thuẫn và rất khó khăn khi thực hiện, vì:

- Các cơ sở có hoạt động y tế thuộc hệ thống thi hành pháp luật về hình sự và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật khám bệnh, chữa bệnh. Do đó, người làm việc tại các cơ sở này không nhất thiết phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh, nên họ không thể xác định tình trạng nghiện ma túy kể cả họ là bác sĩ điều trị nghiện.

- Nếu đòi hỏi bác sĩ, y sỹ phải có “chứng chỉ” mới được xác định tình trạng nghiện thì rất khó tìm được người đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện, nhất là ở cấp xã vì việc tổ chức cấp chứng chỉ rất phức tạp, và hiện nay theo hướng dẫn của Bộ Y tế4 thì chỉ có một số ít các viện của ngành Y tế thực hiện việc tập huấn và cấp chứng chỉ.

Tuy nhiên, việc xác định người nghiện ma túy có tính chất quyết định đến việc họ có phải là đối tượng lập hồ sơ đưa vào cơ sơ cai nghiện bắt buộc hay không, do đó việc quy định điều kiện đối với người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện cần phải cân nhắc cẩn trọng đề vừa bảo đảm yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ vừa bảo đảm tính thực tiễn, khả thi.

3.2. Mục tiêu của chính sách: Giải quyết vấn đề bất cập hiện nay là thiếu người có đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện, đồng thời vẫn bảo đảm việc xác định tình trạng nghiện kịp thời, chính xác, khách quan.

3.3. Các phương án lựa chọn

Có 01 phương án giải quyết vấn đề này đó là sửa đổi, bổ sung Điều 10 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP cụ thể như sau:



    - Bổ sung người làm việc tại cơ sở y tế của ngành công an; cơ sở y tế quân dân y; phòng y tế của các cơ sở cai nghiện được thành lập theo quy định của pháp luật (không giới hạn là phòng y tế của cơ sở cai nghiện bắt buộc) được xác định tình trạng nghiện ma túy;

    - Bổ sung trường hợp người có “chứng nhận” tập huấn về chẩn đoán, điều trị cắt cơn nghiện ma túy được xác định tình trạng nghiện;

    - Bổ sung quy định về việc tổ chức xác định tình trạng nghiện ma túy “được thực hiện tại nơi quản lý người cần phải xác định tình trạng nghiện”;

    - Bãi bỏ điều kiện “phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh”.



    3.4. Đánh giá tác động của phương án

    a) Tác động tích cực

    * Đối với Nhà nước:

    - Mở rộng đối tượng là bác sĩ, y sĩ làm việc ở các cơ sở y tế khác nhau được tham gia xác định tình trạng nghiện sẽ huy động được lực lượng lớn y, bác sỹ hiện có, tiết kiệm được ngân sách đào tạo nhân lực theo yêu cầu.



- Quy định việc tổ chức xác định tình trạng nghiện ma túy được thực hiện tại nơi quản lý người cần phải xác định tình trạng nghiện sẽ tiết kiệm nhân lực, thời gian và kinh phí đưa người cần phải xác định tình trạng nghiện đến cơ sở y tế mà vẫn bảo đảm được kết quả chính xác, khách quan, vì việc xác định tình trạng nghiện không đòi hỏi máy móc, thiết bị phức tạp và việc quản lý người trong quá trình xác định tình trạng nghiện sẽ thuận lợi, an toàn hơn.

    - Bổ sung người có “chứng nhận” tập huấn về chẩn đoán, điều trị cắt cơn nghiện ma túy được xác định tình trạng nghiện sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí đào tạo và cấp chứng chỉ.

    - Bãi bỏ điều kiện “phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh” là phù hợp pháp luật và phù hợp thực tiễn, giải quyết được vấn đề vướng mắc hiện nay là bác sĩ điều trị nghiện có thể không được xác định tình trạng nghiện.



* Đối với người dân: Tạo thuận lợi cho người dân khi phải tham gia vào quá trình lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

b) Các tác động tiêu cực: Quy định trường hợp người có “chứng nhận” tập huấn về chẩn đoán, điều trị cắt cơn nghiện ma túy được xác định tình trạng nghiện có thể phát sinh hiện tượng tiêu cực trong tổ chức tập huấn, cấp chứng nhận. Do đó, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát đối với công tác tổ chức tập huấn, cấp chứng nhận.



3.5. Kết luận và kiến nghị

Qua phân tích, cân nhắc giữa lợi ích và chi phí, giữa tác động tích cực và tác động tiêu cực cho phép kết luận: việc sửa đổi, bổ sung như phương án nêu trên là tối ưu, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, rõ ràng, dễ thực hiện; bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của chính sách khi được ban hành.



4. Vấn đề thứ tư: Chế độ lao động đối với học viên chưa giúp ích cho học viên cải thiện tình trạng sức khỏe và phục hồi kỹ năng lao động.

4.1. Thực trạng vấn đề

Người nghiện ma túy thường gặp vấn đề về thần kinh, suy kiệt về thể chất, thiếu tự tin và suy giảm khả năng lao động. Do đó, việc tổ chức cho người cai nghiện lao động là cần thiết. Lao động trong cơ sở cai nghiện nhằm mục đích trị liệu, giúp học viên nhận thức được giá trị của lao động và phục hồi kỹ năng lao động đã bị suy giảm do nghiện ma túy. Quy định về chế độ lao động đối với học viên hiện nay (Điều 27 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP) chưa giúp ích cho học viên cải thiện tình trạng sức khỏe và phục hồi kỹ năng lao động đã bị suy giảm do nghiện ma túy, cụ thể là:

- Quy định thời gian lao động của học viên “không quá 03 giờ/ngày” sẽ tạo thói quen bất thường cho người lao động, dẫn đến họ khó rèn luyện kỷ luật lao động và kỹ năng lao động. Đồng thời, việc tổ chức sản xuất rất khó khăn nên hiện nay phần lớn các cơ sở cai nghiện không tổ chức được hoạt động lao động.

- Quy định “Học viên được hưởng tiền công lao động phù hợp với kết quả lao động của họ”, đây là quy định về quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động cũng như trách nhiệm quản lý nhà nước của giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhưng quy định này thiếu cụ thể, chưa bảo đảm được quyền của người lao động cũng như trách nhiệm của người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, việc tổ chức cho học viên lao động là một vấn đề nhạy cảm, liên quan đến việc thực hiện các quyền công dân và các quy định về chống lao động cưỡng bức của ILO. Do đó, quy định việc tổ chức cho học viên lao động cần phải được phân tích kỹ, đánh giá và lựa chọn một cách cẩn trọng.

4.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề

Sửa đổi, bổ sung Điều 27 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP để hoạt động lao động của học viên tại cơ sở cai nghiện bắt buộc thực sự giúp học viên phục hồi nhận thức và kỹ năng lao động đã bị suy giảm do nghiện ma túy, đồng thời bảo đảm việc tổ chức cho học viên lao động là phù hợp pháp luật về lao động.



4.3. Các phương án lựa chọn

Phương án 4A: Giữ nguyên hiện trạng tức là chấp nhận tình trạng quy định về lao động của học viên tại cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ tồn tại trên văn bản, không phù hợp thực tiễn, thiếu vắng các quy định cụ thể để kiểm soát các hoạt động lao động và vấn đề thực hiện pháp luật về lao động tại cơ sở cai nghiện bắt buộc bị bỏ ngỏ.

Phương án 4B: Cho phép học viên được tự nguyện tham gia lao động ngoài thời gian chữa bệnh, học tập, sinh hoạt và thời gian lao động trị liệu; quy định mục đích của lao động là giúp học viên nhận thức được giá trị của lao động và rèn luyện tay nghề, phục hồi kỹ năng lao động đã bị suy giảm do nghiện ma túy; quy định điều kiện sức khỏe của học viên khi tham gia lao động; quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động tại cơ sở cai nghiện bắt buộc phải phù hợp với pháp luật về lao động.

4.4. Đánh giá tác động của các phương án

4.4.1. Tác động của phương án 4A (giữ nguyên như hiện hành)

a) Về chi phí:

* Đối với Nhà nước: Các chi phí để quản lý, cai nghiện, chữa bệnh giáo dục, dạy nghề cho học viên phải đầu tư hàng năm mà mục tiêu giúp học viên phục hồi được nhận thức và kỹ năng lao động đã bị suy giảm do nghiện ma túy không đạt được. Các chi phí giải trình và các chi phí cơ hội khác nếu phát sinh các quan ngại về vấn đề lao động cưỡng bức tại Cơ sở cai nghiện bắt buộc.

* Đối với doanh nghiệp: Nếu có quan ngại về vấn đề lao động cưỡng bức tại Cơ sở cai nghiện bắt buộc, sẽ có thể phát sinh các rào cản thương mại từ các quốc gia xuất, nhập khẩu làm ảnh hưởng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

* Đối với người dân: Khi ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp sẽ làm thu hẹp thị trường lao động, người dân có thể sẽ mất việc làm hiện tại và cơ hội việc làm trong tương lai.

a) Về lợi ích: Giữ nguyên hiện trạng không những không tạo được lợi ích cho nhà nước, cho người dân mà còn tạo tác động tiêu cực đáng kể cho học viên, cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ tiết kiệm được ngân sách cho việc sửa đổi, bổ sung Điều 27 Nghị định 221/2013/NĐ-CP và cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật sau khi sửa đổi, bổ sung.



4.4.2. Tác động của phương án 4B

a) Các tác động tích cực

* Đối với Nhà nước: Nếu sửa đổi theo Phương án 4B, đồng thời tổ chức thực hiện tốt thì sẽ bảo đảm được mục tiêu giúp học viên phục hồi được nhận thức và kỹ năng lao động đã bị suy giảm do nghiện ma túy; Hạn chế tối thiểu các quan ngại liên quan đến vấn đề lao động cưỡng bức tại Cơ sở cai nghiện bắt buộc; học viên tham gia lao động có thể tạo thu nhập cho chính họ, qua đó có thể giúp cho bản thân và gia đình họ, đồng thời Nhà nước có thể giảm được ngân sách chi cho khẩu phần ăn của học viên.

* Đối với doanh nghiệp: Nếu không phát sinh các quan ngại liên quan đến vấn đề lao động cưỡng bức tại Cơ sở cai nghiện bắt buộc, sẽ hạn chế tối thiểu các rào cản thương mại từ các quốc gia nhập khẩu thì sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ tăng. Người nghiện phục hồi được kỹ năng lao động doanh nghiệp sẽ có cơ hội sử dụng đa dạng các nguồn lao động, hạ giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

* Đối với người dân: Học viên tại Cơ sở cai nghiện tham gia lao động có thể tạo thu nhập cho chính họ, qua đó có thể giúp bản thân và gia đình họ giảm các khoản chăm sóc, thăm nuôi họ. Khi doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh sẽ làm mở rộng thị trường lao động, người dân sẽ có nhiều cơ hội việc làm.

b) Các tác động tiêu cực: Cho phép học viên được tự nguyện tham gia lao động ngoài thời gian chữa bệnh, học tập, sinh hoạt và lao động trị liệu không những tạo lợi ích cho nhà nước, cho người dân mà còn không tạo ra tác động tiêu cực đáng kể nào cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nhà nước phải chi một khoản ngân sách để sửa đổi, bổ sung Điều 27 Nghị định 221/2013/NĐ-CP và cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật sau khi sửa đổi, bổ sung.



4.5. Kết luận và kiến nghị

Sau khi phân tích, cân nhắc giữa lợi ích và chi phí, giữa tác động tích cực và tác động tiêu cực của từng phương án cho thấy Phương án 4B là tối ưu, xét về ngắn hạn cũng như dài hạn chắc chắn lợi ích sẽ lớn hơn chi phí.



IV. KẾT LUẬN CHUNG

Kết quả đánh giá tác động của các vấn đề được phân tích và trình bày theo từng phương án, nhưng điều này không có nghĩa là các vấn đề được đánh giá trên đây không có mối liên hệ với nhau. Trên thực tế, lợi ích của các phương án đều dựa trên giả thiết rằng đã lựa chọn các phương án tốt nhất cho các vấn đề khác nhau. Sự sửa đổi của mỗi vấn đề đều có tác dụng làm tăng cường lợi ích của các vấn đề khác. Do đó, Báo cáo này sẽ hỗ trợ cho việc quyết định chọn các sửa đổi khác nhau theo kiểu “trọn gói” nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho hoạt động quản lý nhà nước và lợi ích cao nhất cho cộng đồng. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ xem xét quyết định./.



Nơi nhận:

- Thủ Tướng Chính phủ;

- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các Thành viên Chính phủ;

- Văn phòng Chính phủ;

- Bộ Tư pháp;

- Lưu VT, Cục PCTNXH (03 bản).


KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Trọng Đàm




1 Số liệu 200.134 - Báo cáo của Bộ Công an năm 2015.

2 Điều 3 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP

“1. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện. 2. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy nhưng không có nơi cư trú ổn định.”



3 Khoản 1 Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính: “1. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định”.

4 Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BYT-LĐTBXH.


Каталог: tintuc -> Lists -> ChiDaoDieuHanh -> Attachments -> 1761
Attachments -> BỘ TÀi chính cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> BỘ CÔng an số: 411/bc-bca cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> Điều Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 103/2013/NĐ-cp ngày 12/9/2013 quy định về xử phạt VI phạm hành chính trong hoạt động thủy sản
Attachments -> Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2016
Attachments -> BỘ TƯ pháp số: 1215/btp-pbgdpl v/v tăng cường quản lý về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> BỘ TƯ pháp cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng số: 1470/tb-vp cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> DỰ thảO ngày 16/12/2014
1761 -> BỘ lao đỘng – thưƠng binh và XÃ HỘi số: /pctnxh-lđtbxh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 117.76 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương