BỘ giáo dục và ĐÀo tạo tài liệu giáo dục về TÀi nguyên và MÔi trưỜng biểN, ĐẢo cho học sinh trung học phổ thôNG



tải về 0.93 Mb.
trang1/11
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.93 Mb.
#30674
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Tài liệu

GIÁO DỤC VỀ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

BIỂN, ĐẢO CHO HỌC SINH

TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

(Lưu hành nội bộ)

Hà Nội, năm 2011

VŨ ĐÌNH CHUẨN

ĐẶNG DUY LỢI - NGUYỄN THỊ MINH PHƯƠNG - PHÍ CÔNG VIỆT

NGUYỄN TRỌNG ĐỨC - ĐỖ ANH DŨNG

Tài liệu

GIÁO DỤC VỀ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

BIỂN, ĐẢO CHO HỌC SINH

TRUNG HỌC PHỔ THÔNG



MỤC LỤC Trang

Chủ đề 1. BIỂN ĐÔNG VÀ VÙNG BIỂN VIỆT NAM

1. Khái quát về Biển Đông 4

2. Vùng biển Việt Nam 7

3. Một số vấn đề cơ bản của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 19

4. Định hướng phát triển kinh tế biển, đảo Việt Nam 22

Chủ đề 2. VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN TỔNG HỢP CÁC NGÀNH KINH TẾ

BIỂN, ĐẢO Ở VIỆT NAM

1. Khai thác tổng hợp các ngành kinh tế biển 26

2. Khai thác và nuôi trồng hải sản 27

3. Khai thác tài nguyên khoáng sản 37

4. Phát triển du lịch biển, đảo 42

5. Phát triển giao thông vận tải biển 70

6. Khai thác các loại tài nguyên khác: thủy triều, gió biển 76

Chủ đề 3. KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG BIỂN, ĐẢO TẠI CÁC VÙNG KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA NƯỚC TA

1. Biển, đảo vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng 79

2. Biển, đảo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ 86

3. Biển, đảo vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long 94



Phụ lục 102



Chủ đề 1

BIỂN ĐÔNG VÀ VÙNG BIỂN VIỆT NAM

1. Khái quát về Biển Đông

1.1. Vị trí, giới hạn của Biển Đông

Với diện tích hơn 3447 nghìn km2, Biển Đông là một biển lớn, đứng thứ ba trong các biển của thế giới. Chiều dài của Biển Đông là khoảng 1900 hải lí (từ vĩ độ 3oN đến vĩ độ 26oB), chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 600 hải lí (từ kinh độ 100oĐ đến kinh độ 121oĐ).

Từ ranh giới phía bắc nằm giữa bờ biển Phúc Kiến (Trung Quốc) và điểm cực Bắc đảo Đài Loan, bờ Biển Đông chạy men theo lục địa châu Á xuống bờ biển Việt Nam, tiếp xúc với bờ biển Campuchia, Thái Lan, sang bờ đông bán đảo Mã lai, qua Xingapo, sang bờ phía bắc đảo Xumatra, tới đường ranh giới phía nam ở khoảng vĩ tuyến 3oN, giữa các đảo Banca và Bêlitung (Inđônêxia), kéo sang đảo Calimantan, rồi vòng lên bờ biển phía tây của quần đảo Philippin và trở về đường ranh giới phía Bắc. Như vậy, có 9 quốc gia nằm ven bờ Biển Đông: Việt Nam, Trung Quốc, Philipin, Malaixia, Brunây, Xingapo, Inđônêxia, Thái Lan, Campuchia.

Hình 1.1. Bản đồ Đông Nam Á

Biển Đông là một biển nửa kín vì các đường thông ra đại dương đều có các đảo và quần đảo bao bọc. Từ Biển Đông muốn ra đại dương hay sang các biển xung quanh, người ta phải đi qua các eo biển: Phía Bắc, qua eo biển Đài Loan để sang biển Hoa Đông và qua eo biển Basi để ra Thái Bình Dương. Phía Đông, qua eo biển Balabac để sang các biển Xulu và Xêlêbet. Phía Nam, qua các eo biển Carimanta và Gaxpa sang biển Giava. Phía tây, qua eo biển Malắcca để sang biển Anđaman rồi thông ra Ấn Độ Dương.

1.2. Một số đặc điểm tự nhiên của Biển Đông

Biển Đông có địa hình phức tạp. Độ sâu trung bình là 1140m, nơi sâu nhất đạt 5559m. Nhìn chung, Biển Đông sâu ở phía đông giáp Philippin và ở vùng trung tâm, nông ở phía tây và phía nam giáp Việt Nam, Malaixia… Vùng có độ sâu trên 2000m chiếm khoảng 1/4 diện tích. Thềm lục địa của Biển Đông khá bằng phẳng. Vùng thềm lục địa có độ sâu dưới 200m chiếm hơn 1/2 diện tích; trong đó, vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan, eo biển Đài Loan chỉ có độ sâu dưới 100m.

Khí hậu Biển Đông mang tính chất nhiệt đới gió mùa, chịu sự chi phối của 2 hệ thống khí áp: áp cao Xibia vào mùa đông và áp thấp Ấn Độ- Mianma vào mùa hạ. Tuy nhiên, khí hậu có sự khác biệt giữa khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam. Ở phía Bắc, vào mùa đông (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) có gió mùa Đông Bắc thống lĩnh, tốc độ gió trung bình 4- 6m/giây, mạnh nhất là 20- 24m/s; vào mùa hạ (từ tháng 5 đến tháng 10), gió thịnh hành là gió mùa Nam hoặc Đông Nam, cũng có khi là Tây Nam, tốc độ gió trung bình 3- 5m/s, mạnh nhất là 20- 22m/s. Ở phía Nam, vào mùa đông không chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, khi này gió thịnh hành là gió Mậu dịch Đông Bắc, tốc độ gió trung bình 5- 7m/s, mạnh nhất là 18- 20m/s; vào mùa hạ, gió thịnh hành là gió mùa Tây Nam, tốc độ trung bình 4- 6m/s, mạnh nhất là 20- 22m/s.

Nhìn chung, Biển Đông là một biển vùng nhiệt đới, có nhiệt độ cao. Nhiệt độ trung bình của nước tầng mặt trên toàn Biển Đông là khoảng 27- 28oC. Tuy nhiên, nhiệt độ có sự thay đổi theo vĩ độ và theo mùa. Xu thế chung của nhiệt độ nước Biển Đông là tăng dần từ bắc xuống nam. Vào mùa đông, ở phần phía bắc nhiệt độ trung bình là 22- 24oC, ở phần phía nam nhiệt độ trung bình là 25- 27oC. Vào mùa hạ, nhiệt độ tầng mặt của Biển Đông tương đối đồng đều, trung bình khoảng 29- 30oC.

Mỗi năm trung bình có 9- 10 cơn bão hoạt động trên Biển Đông, trong đó khoảng 4- 5 cơn hình thành tại chỗ, số còn lại là từ vùng Tây Thái Bình Dương đổ bộ vào. Mùa bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông thường từ tháng 5 đến hết tháng 10. Trong các tháng đầu mùa, bão hoạt động ở các vĩ độ thấp, sau đó tiến dần lên các vĩ độ cao hơn, vào các tháng 8- 9 bão có thể hoạt động ở các vĩ độ tương đối cao (20- 22oB), từ tháng 10 vị trí bão lại có xu hướng lùi dần về các vĩ độ thấp. Thời gian tồn tại trung bình của các cơn bão là vào khoảng 4- 5 ngày, khi dài nhất lên tới 11 ngày và khi ngắn nhất chỉ 2 ngày là tan. Những cơn bão và áp thấp nhiệt đới hình thành trên Biển Đông có đường đi đặc biệt phức tạp và chuyển hướng nhiều lần hơn so với những cơn bão từ Tây Thái Bình Dương đi vào.

Độ muối của nước Biển Đông chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố như: chế độ gió mùa, sự trao đổi nước giữa Biển Đông với Thái Bình Dương và với các biển lân cận, nước của các con sông đổ ra… Vì vậy, độ muối của nước Biển Đông thay đổi theo mùa và theo điều kiện địa phương ven. Nhìn chung, độ muối ven bờ thấp hơn ngoài khơi khoảng 2‰. Ở ngoài khơi, vào mùa đông, phần phía bắc có độ muối 33,5- 34,5‰, phần phía Nam có độ muối 32,5- 33‰; vào mùa hạ, phần phía Bắc có độ muối 33- 33,5‰, phần phía nam có độ muối 32- 32,5‰.

Hoàn lưu nước trên Biển Đông chịu ảnh hưởng lớn của gió mùa và của địa hình bờ biển. Trong mùa đông, gió mùa Đông Bắc tạo nên một hải lưu chảy theo hướng Đông Bắc- Tây Nam dọc bờ biển Việt Nam, đó là dòng nước lạnh, tốc độ trung bình khoảng 60- 70m/s. Ngoài khơi có dòng nghịch lưu hướng Tây Nam- Đông Bắc, rõ nhất ở phía Nam thuộc vùng biển Malaixia- Inđônêxia và ở phía Bắc thuộc vùng biển Philippin. Tất cả tạo thành hải lưu vòng tròn mùa đông chảy ngược chiều kim đồng hồ. Mùa hạ, gió mùa Tây Nam tạo nên hải lưu chảy theo hướng Tây Nam- Đông Bắc, chảy sát bờ biển Trung Bộ Việt Nam, càng lên vĩ độ cao càng lệch sang hướng đông, tốc độ trung bình khoảng 30m/s. Ngoài khơi có dòng nghịch lưu chảy theo hướng Đông Bắc- Tây Nam, rõ nhất là ở bộ phận phía Nam Biển Đông. Tất cả tạo thành hải lưu vòng tròn mùa hạ, chảy thuận chiều kim đồng hồ.

1.3. Vị trí địa chiến lược và tiềm năng kinh tế của Biển Đông

- Tầm quan trọng về địa chiến lược của Biển Đông

Biển Đông có tuyến đường giao thông huyết mạch, nối các nền kinh tế trên bờ Thái Bình Dương với các nền kinh tế trên bờ Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Đây là tuyến hàng hải quốc tế nhộn nhịp thứ hai thế giới nếu tính theo tổng lượng hàng hóa thương mại chuyển qua hàng năm.

Mỗi ngày có khoảng 150- 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30000 tấn trở lên. Ven Biển Đông có trên 530 cảng biển, trong đó có 2 cảng vào loại lớn và hiện đại bậc nhất thế giới là cảng Xingapo và cảng Hồng Công.

Nhiều nước châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Xingapo, Trung Quốc…) có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào giao thông trên Biển Đông. Có tới 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua tuyến đường này. Khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc, 55% lượng hàng hóa xuất khẩu của các nước ASEAN là qua Biển Đông. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới được thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó đi qua Biển Đông. Lượng dầu mỏ và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama.

Quanh Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước (eo biển Malắcca, eo biển Xunđa, eo biển Lômbôc…). Eo biển Malắcca nằm giữa đảo Xumatra (Inđônêxia) và bán đảo Mã Lai, nối Biển Đông với Ấn Độ Dương, dài hơn 800 km, rộng gần 38 km (nơi hẹp nhất chỉ 1,2 km). Dưới góc độ giá trị kinh tế và chiến lược, tầm quan trọng của eo biển Malắcca sánh ngang với kênh đào Xuyê hoặc kênh đào Panama. Eo Malắcca tạo nên hành lang hàng hải chính giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nối 3 nước đông dân nhất thế giới là Ấn Độ, Inđônêxia và Trung Quốc. Vì vậy, đây được coi là điểm điều tiết giao thông đường biển quan trọng nhất châu Á. Nơi đây, mỗi năm có hàng chục nghìn tàu thuyền qua lại, bao gồm tàu chở dầu, tàu chở công ten nơ, tàu đánh cá. Khoảng 400 tuyến đường biển và 700 cảng biển trên thế giới phải nhờ eo Malắcca để quan hệ với cảng Xingapo. Theo số liệu năm 2006- 2007 của Bộ Năng lượng Hoa Kì, gần 1/3 số dầu mỏ của thế giới được vận chuyển bằng tàu thuyền qua eo biển này, biến nó trở thành 1 trong 2 tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới (sau tuyến đường biển qua eo Hooc mut).

- Tiềm năng kinh tế của Biển Đông

Biển Đông là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh, đặc biệt là các tài nguyên sinh vật, khoáng sản, du lịch…

Xung quanh Biển Đông có các nước đánh bắt và nuôi trồng hải sản quan trọng của thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Inđônêxia, Philippin. Cả khu vực, đánh bắt khoảng 7- 8% tổng sản lượng đánh bắt cá của toàn thế giới.

Biển Đông được coi là 1 trong 5 bồn trũng chứa nhiều dầu khí lớn nhất thế giới. Các khu vực thềm lục địa có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Brunây- Xaba, Xaraoăc, Malay, Patani Thái, Nam Côn Sơn, Mê Công, Sông Hồng, cửa khẩu Châu Giang. Hiện nay, hầu hết các nước trong khu vực đều là những nước khai thác và sản xuất dầu khí từ biển, trong đó Inđônêxia là thành viên của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Hoa Kì, lượng dự trữ dầu đã được kiểm chứng ở Biển Đông là 7 tỉ thùng, với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Còn theo đánh giá của Trung Quốc thì trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỉ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỉ thùng. Ngoài ra, theo các chuyên gia Nga thì khu vực các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa còn chứa đựng tài nguyên khí đốt đóng băng.



2. Vùng biển Việt Nam

2.1. Các vùng biển và thềm lục địa

Không gian sinh sống của con người trên Trái đất chủ yếu gồm 3 bộ phận: đất, biển, trời.

Lãnh thổ quốc gia trên đất liền bao gồm mặt đất (kể cả hồ, ao, sông, suối…), vùng trời phía trên và lòng đất bên dưới, nằm trong phạm vi đường biên giới quốc gia được xác định qua thực tế quản lí hoặc các điều ước quốc tế. Đường biên giới quốc gia trên đất liền được coi là ổn định, bền vững và bất khả xâm phạm; mặc dù, trên thực tế vẫn có sự tranh chấp và biến động ở đường biên giới giữa nhiều quốc gia trên thế giới.

Giới hạn và độ cao của vùng trời thuộc lãnh thổ quốc gia cũng như độ sâu của lòng đất bên dưới tuy không được xác định chính xác là bao nhiêu kilômét, nhưng với khả năng kĩ thuật của nhân loại hiện nay thì mỗi quốc gia hoàn toàn có thể thực hiện chủ quyền của mình trong những phạm vi nhất định tới giới hạn tối đa là lớp khí quyển nằm dưới quỹ đạo vệ tinh địa tĩnh và tới độ sâu cho phép thuộc bề dày của vỏ Trái Đất nằm bên dưới lãnh thổ của mình.

Vùng biển của quốc gia ven biển được quy định bởi Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển được các nước kí kết vào năm 1982 (gọi là Công ước 1982), phê chuẩn vào ngày 16-11-1994 và từ đó bắt đầu có hiệu lực pháp luật quốc tế. Việt Nam phê chuẩn Công ước 1982 vào năm 1994. Theo Công ước về Luật Biển năm 1982 thì một quốc gia ven biển sẽ có 5 vùng biển là: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Nội thủy

- Là vùng nước nằm phía bên trong đường cơ sở và giáp với bờ biển. Đường cơ sở là do quốc gia ven biển vạch ra. Theo Tuyên bố ngày 12-5-1977 của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì đường cơ sở của Việt Nam là đường gãy khúc nối liền 11 điểm, từ điểm A1 (Hòn Nhạn, quần đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang) đến điểm A11 (đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị).



Điểm

Vị trí địa lí

Vĩ độ (Bắc)

Kinh độ (Đông)

0

Nằm trên ranh giới phía Tây Nam của vùng nước lịch sử của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Campuchia







A1

Tại Hòn Nhạn, quần đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang

9o15’0

103o27’0

A2

Tại Hòn Đá Lẻ ở Đông Nam Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau

8o22’8

104o52’4

A3

Tại Hòn Tài Lớn, Côn Sơn, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu

8o37’8

106o37’5

A4

Tại Hòn Bông Lang, Côn Sơn, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu

8o38’9

106o40’3

A5

Tại Hòn Bảy Cạnh, Côn Sơn, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu

8o39’7

106o42’1

A6

Tại Hòn Hải, Phú Quý, tỉnh Bình Thuận

8o58’0

109o05’0

A7

Tại Hòn Đôi, tỉnh Khánh Hòa

12o39’0

109o28’0

A8

Tại mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên

12o53’8

109o27’2

A9

Tại Hòn Ông Căn, tỉnh Bình Định

13o54’0

109o21’0

A10

Tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

15o23’1

109o09’0

A11

Tại đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị

17o10’0

107o20’6

- Vùng nội thủy được xem như bộ phận lãnh thổ trên đất liền, có chế độ pháp lí của đất liền, nghĩa là được đặt dưới chủ quyển toàn vẹn, đầy đủ và tuyệt đối của quốc gia ven biển. Tàu thuyền nước ngoài muốn vào ra vùng nội thủy phải xin phép nước ven biển và phải tuân theo luật lệ của nước đó. Nước ven biển có quyền không cho phép tàu thuyền nước ngoài vào vùng nội thủy của mình.

Trong vùng nội thủy, quốc gia ven biển sẽ thực hiện đầy đủ quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp giống như trên đất liền. Mọi luật lệ do quốc gia ven biển ban hành đều được áp dụng cho vùng nội thủy mà không có một ngoại lệ nào.





Hình 1.2. Các vùng biển quốc gia của Việt Nam

theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982

Lãnh hải

- Là lãnh thổ biển, nằm ở phía ngoài nội thủy. Ranh giới ngoài của lãnh hải được coi là đường biên giới quốc gia trên biển. Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 quy định chiều rộng của lãnh hải là 12 hải lí tính từ đường cơ sở. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng tuyên bố: “Lãnh hải của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam rộng 12 hải lí, tính từ đường cơ sở”.

- Quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn, đầy đủ trong vùng lãnh hải, song không tuyệt đối như nội thủy. Tàu thuyền của các quốc gia khác được hưởng quyền qua lại không gây hại trong lãnh hải của nước ven biển.

Tàu thuyền nước ngoài đi qua không gây hại trong lãnh hải tức là không được tiến hành bất kì hoạt động nào dưới đây:

+ Đe dọa hoặc dùng vũ lực chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của quốc gia ven biển hay dùng mọi cách khác trái với các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được nêu trong Hiến chương Liên Hợp Quốc.

+ Luyện tập hoặc diễn tập với bất kì kiểu loại vũ khí nào.

+ Thu thập tình báo gây thiệt hại cho quốc phòng hay an ninh của quốc gia ven biển.

+ Phóng đi, tiếp nhận hay xếp lên tàu các phương tiện bay.

+ Phóng đi, tiếp nhận hay xếp lên tàu các phương tiện quân sự.

+ Xếp hoặc dỡ hàng hóa, tiền bạc hay đưa người lên xuống tàu trái với các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, y tế hoặc nhập cư của quốc gia ven biển.

+ Gây ô nhiễm cố ý và nghiêm trọng, vi phạm Công ước.

+ Đánh bắt hải sản.

+ Nghiên cứu hay đo đạc.

+ Làm rối loạn hoạt động của mọi hệ thống giao thông liên lạc hoặc mọi trang thiết bị hay công trình khác của quốc gia ven biển.

+ Mọi hoạt động khác không trực tiếp quan hệ đến việc đi qua.

Nước ven biển không được ngăn cản hay phân biệt đối xử trong việc đi qua không gây hại của tàu thuyền bất cứ nước nào, nhưng xuất phát từ nguyên tắc chủ quyền quốc gia đối với lãnh hải và để bảo vệ an toàn cho tàu thuyền qua lại, nước ven biển có thể quy định cho các tàu thuyền nước ngoài đi theo những tuyến phân luồng giao thông riêng. Nước ven biển có quyền ban hành các luật lệ để kiểm soát và giám sát việc đi lại đó, cũng như truy tố, xét xử những người có hành động phạm pháp để bảo vệ quyền lợi của nước mình, phù hợp với luật pháp quốc tế.



Vùng tiếp giáp lãnh hải

- Là vùng biển nằm ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải. Công ước quốc tế về Luật Biển nêu rõ: “Vùng tiếp giáp lãnh hải không thể mở rộng quá 24 hải lí kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải”, nghĩa là chiều rộng của vùng tiếp giáp lãnh hải không vượt quá 12 hải lí tính từ đường ranh giới ngoài của lãnh hải. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố: “Vùng tiếp giáp lãnh hải của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vùng biển tiếp liền phía ngoài của lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng là 12 hải lí, hợp với lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 24 hải lí kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải Việt Nam”.

- Vì vùng tiếp giáp lãnh hải nằm ngoài vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển, nên quốc gia ven biển chỉ được thực hiện thẩm quyền hạn chế trong một số lĩnh vực nhất định đối với các tàu thuyền nước ngoài. Trong vùng tiếp giáp lãnh hải, quốc gia ven biển có quyền tiến hành các hoạt động kiểm soát, nhằm:

+ Ngăn ngừa những vi phạm đối với các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, y tế hay nhập cư trên lãnh thổ hoặc lãnh hải của mình.

+ Trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định nói trên xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải của mình.

Vùng đặc quyền kinh tế

- Là vùng biển nằm ở phía ngoài lãnh hải và hợp với lãnh hải thành một vùng biển, có chiều rộng không vượt quá 200 hải lí tình từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố: “Vùng đặc quyền kinh tế của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp liền lãnh hải Việt Nam và hợp với lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 200 hải lí kể từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam”. Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng đặc thù, trong đó quốc gia ven biển thực hiện thẩm quyền riêng biệt của mình nhằm mục đích kinh tế được Công ước về Luật Biển 1982 quy định.

- Vùng đặc quyền kinh tế có chế độ pháp lí riêng do Công ước về Luật Biển 1982 quy định về các quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển cũng như quyền tự do của các quốc gia khác. Cụ thể là:

+ Đối với các quốc gia ven biển:



  • Quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền về việc thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lí các tài nguyên thiên nhiên sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước bên trên đáy biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế.

Đối với các tài nguyên không sinh vật, quốc gia ven biển tự khai thác hoặc cho phép quốc gia khác khai thác cho mình nhưng đặt dưới quyền kiểm soát của mình. Đối với các tài nguyên sinh vật, quốc gia ven biển tự định ra tổng khối lượng có thể đánh bắt được, tự đánh giá khả năng thực tế của mình trong việc khai thác các tài nguyên sinh vật biển và ấn định số dư, từ đó cho phép các quốc gia khác khai thác số dư này trên cơ sở của các điều ước hoặc các thỏa thuận liên quan.

  • Quốc gia ven biển có quyền tài phán về việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình nghiên cứu khoa học về biển, bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Quốc gia ven biển có quyền thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các quy định luật pháp của mình.

  • Quốc gia ven biển có nghĩa vụ thi hành các biện pháp thích hợp để bảo tồn và quản lí nhằm làm cho việc duy trì các nguồn lợi sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế của mình khỏi bị khai thác quá mức.

+ Đối với các quốc gia khác:

  • Được hưởng quyền tự do hàng hải, hàng không.

  • Được tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm, khi đặt phải thông báo và thỏa thuận với quốc gia ven biển.

  • Được tự do sử dụng biển vào các mục đích khác hợp pháp về mặt quốc tế.

Khi thực hiện những quyền tự do này, các nước ngoài phải tôn trọng những luật lệ của nước ven biển và luật pháp quốc tế nói chung.

Thềm lục địa

- Là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải là 200 hải lí, khi bờ ngoài của rìa lục địa ở khoảng cách gần hơn. Trong trường hợp bờ ngoài của rìa lục địa kéo dài tự nhiên vượt quá khoảng cách 200 hải lí tính từ đường cơ sở thì quốc gia ven biển có thể xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa với một khoảng cách không vượt quá 350 hải lí tình từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2500m một khoảng cách không vượt quá 100 hải lí. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố: “Thềm lục địa của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam mở rộng ra ngoài lãnh hải Việt Nam cho đến bờ ngoài của rìa lục địa; nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải Việt Nam không đến 200 hải lí thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lí kể từ đường cơ sở”.

- Chế độ pháp lí của thềm lục địa:

+ Quốc gia ven biển thực hiện các quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, tài nguyên không sinh vật như dầu khí, tài nguyên sinh vật như cá, tôm...) của mình. Những quyền chủ quyền trên là đặc quyền của quốc gia ven biển, nghĩa là nếu quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa của mình hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa thì không ai khác được quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia ven biển.

+ Tất cả các quốc gia khác đều có quyền lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm ở thềm lục địa. Quốc gia đặt cáp hoặc ống dẫn ngầm phải thoả thuận với quốc gia ven biển về đường đi của ống dẫn hoặc cáp.

+ Khi quốc gia ven biển tiến hành khai thác thềm lục địa ngoài 200 hải lí kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải thì phải có một khoản đóng góp theo quy định của Công ước.

+ Quốc gia ven biển khi thực hiện quyền đối với thềm lục địa không được đụng chạm đến chế độ pháp lí của vùng nước phía trên hay của vùng trời trên vùng nước này, không được gây thiệt hại đến hàng hải hay các quyền tự do của các quốc gia khác đã được Công ước thừa nhận.

+ Quốc gia ven biển có đặc quyền cho phép và quy định việc khoan ở thềm lục địa vào bất kì mục đích gì.



2.2. Đảo và quần đảo trong vùng biển Việt Nam

Theo Công ước về Luật Biển năm 1982 thì đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước. Quần đảo là một tổng thể các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau chặt chẽ đến mức tạo thành một thể thống nhất về địa lí, kinh tế và chính trị hay được coi như thế về mặt lịch sử.

Có những đảo và quần đảo nằm gần bờ của nước ven biển, nhưng cũng có những đảo và quần đảo nằm ngoài biển khơi, cách xa bờ (ví dụ: các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).

Về mặt pháp lí, các đảo và quần đảo thuộc chủ quyền của một quốc gia giống như đất liền. Trong trường hợp đảo hay quần đảo nằm gần bờ, luật quốc tế cho phép kéo đường cơ sở đi qua các đảo ngoài cùng để vạch đường cơ sở thẳng cho nước ven biển, từ đó định ra bề rộng của lãnh hải. Vì vậy, nhờ các đảo gần bờ mà vùng nước nội thủy ở phía trong đường cơ sở được nới rộng và lãnh hãi cũng được mở rộng ra ngoài biển. Trường hợp đảo và quần đảo ở ngoài khơi xa đất liền thì người ta áp dụng chế độ pháp lí đảo theo Công ước Luật biển quy định. Theo đó, mỗi đảo đều có vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng của mình như đối với quốc gia lục địa ven biển. Nếu các đảo của quần đảo ngoài khơi ở gần nhau (không xa hơn một khoảng cách gấp đôi lãnh hải, tức là 24 hải lí) thì các đảo ấy, coi như hợp thành một thể thống nhất trên thực tế vì lãnh hải của các đảo ấy gắn liền với nhau và một quần đảo như vậy cũng có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng của nó. Tuy nhiên, những đảo tồn tại dưới dạng tảng đất, đá hoang, không có người ở hoặc không có đời sống kinh tế riêng thì chỉ có lãnh hải mà không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Trên vùng biển nước ta có hơn 4000 hòn đảo lớn nhỏ. Các đảo này hoặc nằm rải rác một mình như đảo Bạch Long Vĩ, đảo Lý Sơn... hoặc họp thành nhóm như quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, quần đảo Thổ Chu... Nhiều đảo trên vùng biển nước ta có diện tích và điều kiện tự nhiên thuận lợi cho dân cư sinh sống và phát triển kinh tế - xã hội, thường xuyên giao lưu kinh tế, văn hóa với đất liền và với các đảo khác. Về mặt hành chính, nhiều vùng đảo được tổ chức thành các huyện đảo. Đến năm 2006, nước ta có các huyện đảo: huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng), huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang), huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Sau đây là một số quần đảo và đảo trên vùng biển nước ta:



Каталог: userfiles -> file
file -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
file -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
file -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
file -> CỦa bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin về việc thành lập tạp chí di sản văn hóa thuộc cục bảo tồn bảo tàng bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin
file -> BỘ VĂn hoá, thể thao và du lịCH
file -> UỶ ban quốc phòng và an ninh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> Số: 38/2009/QĐ-ttg CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> BỘ VĂn hoá, thể thao và du lịch cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)
file -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII

tải về 0.93 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương