BỘ giáo dục và ĐÀo tạO ĐẠi học huế trưỜng đẠi học khoa học phạm thị hà



tải về 2.93 Mb.
trang2/24
Chuyển đổi dữ liệu06.06.2018
Kích2.93 Mb.
#39500
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24

1.1.2. Tình hình nghiên cứu tại Việt Nam

Sự ra đời của hai công trình về việc khảo sát các hiện tượng trật tự từ O-S-V và V-S trong tiếng Việt của Lý Toàn Thắng là “Tìm hiểu thêm về loại câu N2-N1-V” và “Bàn thêm về kiểu câu P-N trong tiếng Việt” thể hiện việc đi tìm sự chế định đối với các kiểu trật tự từ đã nêu bằng cách căn cứ vào cấu tạo hình thức, sự chi phối ngữ nghĩa đối với hình thái cú pháp, xem xét vị thế thông tin của những thành tố trong câu và sơ đồ phân đoạn thực tại của câu. Qua đó, tác giả liệt kê ra những trường hợp nào cho phép đảo và những trường hợp nào không được phép đảo.

Theo quan điểm của Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Thái Hòa (2009), “đảo ngữ” được xem là một trong những phép nhấn mạnh các thành phần câu và phép đảo ngữ tu từ được hình thành khi đảo vị trí các thành phần câu mà nội dung thông báo không thay đổi. Có ba dạng đảo ngữ sau: đảo vị ngữ ra trước chủ ngữ, đảo bổ ngữ động từ lên đầu câu và đảo trạng ngữ lên đầu câu, nhằm mục đích tạo hiệu ứng nhấn mạnh. Theo ông, “một trật tự được coi là trật tự đảo nếu trong hai thành phần câu có liên hệ với nhau về mặt cú pháp một thành phần (thành phần phụ thuộc) bị đổi vị trí: vị ngữ đối với chủ ngữ, bổ ngữ trực tiếp đối với vị ngữ... Chức năng tu từ của đảo ngữ là làm thay đổi tiết tấu của câu, làm giàu âm hưởng, gợi màu sắc biểu cảm - cảm xúc, gây ấn tượng mạnh. Theo cuốn sách “99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt” (1995), Đinh Trọng Lạc có nêu ra 11 trường hợp đảo ngữ là:

- Đảo vị ngữ - động từ ra trước chủ ngữ:

Ví dụ: Đã tan tác những bóng thù hắc ám

Đã sáng lại trời thu tháng tám. (Tố Hữu)

- Đảo vị ngữ - tính từ ra trước chủ ngữ.

Ví dụ: Xanh om cổ thụ tròn xoe tán

Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ. (Hồ Xuân Hương)

- Đảo bổ ngữ - khách thể lên đầu câu làm cho sự vật hiện tượng nổi bật hẳn lên và gây cảm giác về một cái gì quan trọng trong cảm xúc.

Ví dụ: Những cuộc vui ấy, chị còn nhớ rành rành. (Ngô Tất Tố)

- Đảo bổ ngữ phương thức của vị từ lên trước vị từ hoặc ra sau vị từ, hoặc ra xa vị từ nhằm làm cho sự miêu tả, tường thuật tăng thêm tính hình tượng, gây nhiều hứng thú (vì tránh được sự đơn điệu trong kết cấu).

Ví dụ: Chí Phèo đứng lại nhìn nó, và hắn bỗng nghiêng ngả cười. (Nam Cao)

- Đảo lên đầu câu bổ ngữ phương thức của từ, chuyển nó thành bổ ngữ phương thức của câu (nêu lên cái phương tiện, điều kiện được hiểu như một thức công cụ hay cách thức được sử dụng khi sự việc nêu ở nòng cốt câu diễn ra) đem lại cho câu văn tính biểu cảm rõ rệt.

Ví dụ: Rồi rưng rức cô khóc không ra tiếng. (Nguyễn Công Hoan)

Đảo bổ ngữ câu chỉ phương thức hay bổ ngữ câu chỉ tình huống – sự vật lên đầu câu hoặc ra cuối câu, hoặc để sau chủ ngữ, nhằm làm cho sự tường thuật trong khoa học và chính luận trở nên sinh động hơn (tránh sự đơn điệu) và diễn đạt được tinh tế hơn những sắc thái nhấn mạnh khác nhau.

Ví dụ: Với sự đồng tình và ủng hộ của anh em, cuộc kháng chiến cứu quốc của Việt Nam nhất định thắng lợi. (Hồ Chí Minh)

- Đảo bổ ngữ của câu chỉ nguyên nhân nhằm nêu bật mối quan hệ nguyên nhân – hệ quả trong hai vế câu:

Ví dụ: Con gà tốt mã vì lông

Răng đen vì thuốc, rượu nồng vì men. (Ca dao)

- Đảo bổ ngữ của câu chỉ mục đích từ vị trí sau nòng cốt câu lên vị trí trước nòng cốt câu, nhằm nêu bật mối quan hệ mục đích – sự việc trong hai vế câu:

Ví dụ: Để mở rộng tuyên truyền (...) ông Nguyễn và những đồng chí của ông ra tờ báo “Người cùng khổ”. (Trần Dân Tiên)

- Đảo vị trí của vị từ khi vị từ là những từ chuyên dùng với ý nghĩa tồn tại (như: có, còn) và những từ tượng thanh, tượng hình (như: róc rách, lác đác, lốm đốm). Với những ngữ cảnh khác nhau, cần miêu tả sự kiện như bức tranh tĩnh vật, câu đặc biệt – vị từ với ý nghĩa tồn tại, định vị, đem lại cho câu văn tính biểu cảm, cảm xúc rõ rệt:

Ví dụ: Trong nhà lô nhô mấy ông cụ khăn áo chỉnh tề. (Ngô Tất Tố)

- Đảo vị trí của vị từ khi vị từ là những từ chuyên dụng với ý nghĩa biểu hiện như xuất hiện, hiện ra, biến mất... và những từ chỉ sự tự dời chuyển, tự vận động như: chạy, đi, nhảy, vọt, tiến, nổ, nở, mọc... từ vị trí cuối câu (sau danh từ chủ thể) lên vị trí giữa câu (trước danh từ chủ thể, và sau giới ngữ chỉ vị trí), chuyển kiểu câu miêu tả bình thường thành kiểu câu miêu tả đặc biệt hiển hiện, nhằm làm sống lại dưới mắt người đọc/nghe sự xuất hiện (hoặc tiêu biến) của sự vật hiện tượng.

Ví dụ: Đằng xa trong mưa mờ đã hiện ra bóng những nhịp cầu sắt uốn cong, vắt qua dòng sông lạnh. (Nguyễn Đình Thi)

- Đảo vị trí của vị từ khi vị từ là động từ chỉ hành động hoặc tính từ, từ vị trí sau danh từ - chủ thể lên vị trí trước danh từ - chủ thể (và sau giới ngữ chỉ vị trí) chuyển kiểu câu tường thuật bình thường thành kiểu câu nêu sự việc trong chỉnh thể (hành động hay trạng thái gắn liền với vật như là tự diễn ra) ghi lại sự kiện như trong một bức ảnh chụp.

Ví dụ: Ánh xuân lướt cỏ xanh tươi

Bên rừng thổi sáo một hai kim đồng. (Thế Lữ)

Với công trình “Tiếng Việt - sơ khảo ngữ pháp chức năng”, Cao Xuân Hạo (1991) đã nhận xét rằng câu trong tiếng Việt trật tự bình thường là phần đề đứng trước và phần thuyết đứng sau. Tuy nhiên có một số trường hợp trong đó trật tự này bị đảo ngược. Ông đưa ra một số ví dụ để minh họa cho điểm này là:



Đẹp biết bao

những lời chân thực ấy!

Thuyết

Đề

Theo Cao Xuân Hạo, trật tự Đề - Thuyết ở ví dụ trên bị đảo ngược. Ông giải thích rằng sự đảo vị trí này thường xảy ra trong các câu cảm thán. Ông cũng mạnh dạn gợi ý rằng trong những tình huống tương tự phép đảo trật tự đề - thuyết có tính phổ quát cho mọi ngôn ngữ. Theo ông, phép đảo trật tự đề thuyết có tính phổ quát cho mọi ngôn ngữ và “phép đảo bao giờ cũng có một tác dụng làm thay đổi một cái gì về phương diện tình thái và nhất là sắc thái cảm xúc”.

Trong khi đó, Diệp Quang Ban (1998) lại cho rằng: “Không phải trong mọi trường hợp chúng ta đều có thể nói đến hiện tượng đảo”.

Đáng chú ý là quan điểm khác của Nguyễn Minh Thuyết (1983) cho rằng chính sự sắp xếp chủ ngữ, vị ngữ, và bổ ngữ với tư cách là những thành phần chính cấu tạo nên câu tiếng Việt đã tạo thành năm công thức câu với ba thành tố có tính khả thi là: CVB, CBV, BCV, BVC và VBC. Điều đó chứng minh có khả năng di chuyển các thành tố trong câu. Và theo tác giả, thành tố đứng đầu câu biểu thị chủ đề câu nói, có thể được chuyển về vị trí ban đầu chính là thành tố được đảo trí (chứ không được xem là khởi ngữ).

Theo Trần Ngọc Thêm (1999), “hiện tượng đảo V-C là một hiện tượng có lí do chứ không phải là điều xảy ra được với bất kì một động từ đặc trưng nội động nào” và “ đảo được chỉ có thể là những động từ nội động ít nhiều có chứa nét tồn tại như: xuất hiện, hiện ra, đi ra, nhảy ra, vọng ra, hiện lên, mọc lên, trôi qua...” So với câu tồn tại, câu đặc trưng đảo vị - chủ “mượn hình thức gần với hình thức của câu tồn tại để đưa vào văn bản những đối tượng mới dưới dạng những cách thức vận động cụ thể”. Ví dụ mà ông minh họa là: “Ở trong, lù lù đi ra hai cái bóng vệ quốc quân”. Loại câu này khác với câu tồn tại ở chỗ chúng có thể đảo được trật tự của hai thành phần sau và trở lại hình thức chủ - vị thông thường (“Ở trong, hai cái bóng vệ quốc quân lù lù đi ra”)

Gần đây nhất Hoàng Văn Vân (2002) đã trình bày những nghiên cứu sâu hơn về khái niệm cú tiếng Việt trong “Ngữ pháp kinh nghiệm của cú tiếng Việt: Mô tả theo quan điểm chức năng hệ thống”. Ông đã khảo sát ngữ pháp kinh nghiệm của các quá trình quan hệ như: quá trình hành động, quá trình phóng chiếu và quá trình tồn tại. Sự miêu tả của ông đã chỉ ra rằng có các tiêu chí ngữ nghĩa và ngữ pháp từ vựng để phân biệt các quá trình. Tuy nhiên, vì chúng là “một phần của một trường ngữ nghĩa đơn lẻ” (Halliday, 1994) nên có thể có một số trường hợp mập mờ. Một trong những trường hợp mập mờ có thể được thấy là trong các quá trình quan hệ sở hữu và quá trình quan hệ chu cảnh. Trong trường hợp của các quá trình quan hệ chu cảnh, người ta không biết rõ liệu thành phần như ngoài sân trong Ông tôi ở ngoài sân có liên quan đến một lớp các thành viên hay không; nghĩa là, liệu Ông tôi thuộc về lớp những người ở ngoài sân hay chỉ là một thành viên duy nhất được định vị ở đó. Sự phân biệt càng khó dần khi chúng ta gặp phải cú như: Hôm qua là chủ nhật. Trong cú này dường như có cả hai đặc điểm quy gán và đồng nhất. Là cú quy gán, nó có thể xuất hiện không cần sự có mặt của hệ từ như: Hôm qua chủ nhật. Và trong trường hợp này sự đảo vị trí của hai thành phần trong cú dường như bị đánh dấu. Tuy nhiên hệ từ xuất hiện thì sự đảo vị trí của hai thành phần trong cú là không đánh dấu và cú có thể được giải thích là cú đồng nhất. Do đó người ta có thể nói hoặc: Hôm qua là chủ nhật hoặc: Chủ nhật là hôm qua. Trong trường hợp của cú sở hữu, việc xác định liệu: Bài viết ấy là của Thành, là cú quy gán hay cú đồng nhất cũng là việc làm khó khăn. Nó có thể được giải thích là cú quy gán bởi vì nó có thể xuất hiện không cần sự hiện diện của hệ từ và trong trường hợp này sự đảo vị trí của hai thành phần trong cú dường như là không thể thực hiện được. Ví dụ: Của Thành bài viết này. Nó cũng có thể được giải thích là cú đồng nhất với lí do là khi có mặt thì hai thành phần của cú có thể đổi vị trí được cho nhau.

Một công trình nghiên cứu liên quan đến câu đảo ngữ là luận án tiến sĩ ngữ văn của tác giả Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (2004) với đề tài “Khảo sát cấu trúc – ngữ nghĩa của hiện tượng đảo ngữ trong tiếng Anh và tiếng Việt”, luận án nghiên cứu đảo ngữ tiếng Anh trong mối quan hệ gắn bó giữa hai bình diện cấu trúc và ngữ nghĩa, xem đảo ngữ không chỉ là một hiện tượng thuộc về cấu trúc nội tại của câu xét trên bình diện cú pháp mà còn là một hiện tượng có quan hệ mật thiết với diễn ngôn, với việc tổ chức diễn ngôn của người nói/viết. Luận án đã hệ thống hóa và miêu tả chi tiết tất cả các mô hình đảo ngữ tiếng Anh trong câu trần thuật. Luận án cũng đã khảo sát ba chức năng của đảo ngữ tiếng Anh: chức năng giới thiệu thực thể trong diễn ngôn, chức năng nhấn mạnh và chức năng liên kết. Các chức năng này là sự cụ thể hóa phần nghĩa phi miêu tả của đảo ngữ. Căn cứ vào quan niệm của J.Lyons [1995, tr.193], luận án cho rằng đảo ngữ tiếng Anh là một phương tiện mã hóa và ngữ pháp hóa một số thành tố phi nội dung mệnh đề thuộc về nghĩa của câu.



Một công trình luận án tiến sĩ có đề cập đến hiện tượng đảo ngữ là “Nghiên cứu phương tiện nhấn mạnh trong tiếng Anh có liên hệ với tiếng Việt (qua trật tự cú pháp)” của tác giả  Huỳnh Thị Ái Nguyên (2005) đã tìm ra các phương tiện nhấn mạnh thông tin dưới dạng các cấu trúc trong hai ngôn ngữ Anh và Việt. Theo đó, phương tiện nhấn mạnh có thể được xác định dựa trên cơ sở cấu trúc thông tin của câu lấy thông tin chủ đề và thông tin tiêu điểm làm trọng tâm. Các phương tiện nhấn mạnh cũng chính là các phương tiện tiêu điểm hóa phần thông tin quan trọng trong câu mà trong rất nhiều trường hợp là phần thông tin mới đối với người nghe. Phần thông tin tiêu điểm có thể nằm ở phần Đề hoặc phần Thuyết và câu có thể chúa đến hai tiêu điểm. Nhấn mạnh tương phản cũng được xét như là nhấn mạnh thông tin. Lý thuyết đánh dấu của Jakobson và phát triển theo Dik được sử dụng làm cơ sở cho việc xác định các điều kiện cho một phương tiện được gọi là nhấn mạnh. Luận án cho rằng trật tự cú pháp của câu có liên quan đến trật tự của cấu trúc thông tin và cấu trúc câu có đánh dấu có thể nằm ở hai dạng tiền đảo (cấu trúc chuyển lên phía trước một thành phần vốn đứng sau động từ) và hậu đảo (cấu trúc chuyển về phía sau một thành phần vốn đứng trước động từ). Ngoài ra, luận án cũng chứng minh rằng câu bị động trong tiếng Anh có thể được dùng để mang ý nghĩa nhấn mạnh.

Trong luận án này, tác giả sẽ kế thừa các công trình nghiên cứu về câu đảo ngữ nói trên và tiếp tục nghiên cứu phát triển câu đảo ngữ theo hướng tiếp cận ngữ pháp chức năng của M.A.K HAlliday. Đó là câu đảo ngữ được xem xét dưới góc độ đảo trật tự các vai nghĩa hay các tiêu điểm thông tin do mục đích giao tiếp điều chỉnh và chi phối. Vì vậy mà các thành phần câu không xuất hiện theo cấu trúc chuẩn.

1.2. Cơ sở lí thuyết liên quan đến luận án

1.2.1. Thành phần câu

Thành phần câu là những từ tham gia nòng cốt câu (bắt buộc có mặt để đảm bảo tính trọn vẹn của câu) hoặc phụ thuộc trực tiếp vào nòng cốt câu. Những từ tham gia nòng cốt câu là thành phần chính của câu, gồm chủ ngữ, vị ngữ, và bổ ngữ bắt buộc của vị ngữ. Những từ ngữ phụ thuộc vào toàn bộ nòng cốt câu là thành phần phụ của câu. (Nguyễn Văn Hiệp, 1992).

Có 2 quan điểm về thành phần câu trong tiếng Anh và tiếng Việt:

- Câu có 2 thành phần: Chủ -Vị

- Câu bao gồm: Chủ -Vị -Bổ hoặc Tân ngữ và Bổ ngữ/hoặc Bổ ngữ bao gồm Tân ngữ và Bổ ngữ), và Trạng ngữ.

Luận án theo quan điểm thành phần câu bắt buộc gồm: Chủ-Vị-Tân ngữ-Bổ ngữ và Trạng ngữ.

1.2.1.1. Các thành phần câu tiếng Anh

+ Chủ ngữ

Theo Halliday (2002), “chủ ngữ” là tên gọi một chức năng ngữ pháp thuộc một kiểu nào đó. Các chức năng xoay quanh ba định nghĩa lớn, có thể tóm tắt như sau: cái mà là mối quan tâm lớn của thông điệp; cái mà thuộc về nó một cái gì đó được khẳng định (nghĩa là, là cái mà chân lí của lập luận được dựa vào); kẻ gây ra hành động. Ba định nghĩa này xác định các khái niệm khác nhau và khi các chức năng khác nhau này được các nhà ngữ pháp nhận ra như là những chức năng tách biệt thì chúng được gọi tên như ba loại chủ ngữ khác nhau là: Chủ ngữ tâm lí; chủ ngữ ngữ pháp và chủ ngữ logic.

Không có khái niệm chung cho “Chủ ngữ” mà thuộc về nó ba khái niệm này là ba biến thể khác nhau. Chúng không phải là ba kiểu của bất kì khái niệm nào; chúng là ba sự vật khác nhau. Có ba tên gọi riêng biệt liên hệ cụ thể với các chức năng có liên quan:

- Chủ ngữ tâm lí: Đề ngữ

- Chủ ngữ ngữ pháp: Chủ ngữ

- Chủ ngữ logic: Hành thể

Mỗi nét nghĩa hình thành nên một hình thể chức năng khác nhau, tạo ra một mạch riêng biệt trong tổng ý nghĩa của cú như sau: (i) Các chức năng của Đề ngữ trong cấu trúc của cú như là một thông điệp. Cú có ý nghĩa là một thông điệp, một lượng tử thông tin; Đề ngữ là xuất phát điểm của thông điệp. Nó là thành phần người nói chọn để “làm căn cứ” cho điều mà mình sắp nói. (ii) Chủ ngữ đóng chức năng trong cấu trúc của cú như là sự trao đổi. Cú có ý nghĩa như là một sự trao đổi, một sự giao dịch giữa người nói và người nghe; Chủ ngữ là sự bảo hành cho sự trao đổi. Nó là thành phần người nói thực hiện để chịu trách nhiệm cho tính hợp lệ của điều mà mình đang nói. (iii) Hành thể đóng chức năng trong cấu trúc của cú như là sự thể hiện. Cú có ý nghĩa là một sự thể hiện, một sự giả thích một quá trình nào đó trong kinh nghiệm đang diễn ra của con người; Hành thể là tham tố tích cực trong quá trình. Nó là thành phần người nói mô tả như là người thực hiện hành động.

Bằng việc tách các chức năng Đề ngữ, Chủ ngữ và Hành thể riêng ra, chúng ta đã có thể chỉ ra rằng cú là một thực thể hỗn hợp. Nó được hình nên ba bình diện cấu trúc, mỗi bình diện giải thích một loại ý nghĩa khu biệt.

+ Động từ - Vị ngữ

Động từ miêu tả hành động, trạng thái của sự vật, sự việc. Nói cách khác, chính là hành động của chủ ngữ. Động từ là thành phần không thể thiếu của một câu.

Thời và thể là những phạm trù ngữ pháp cơ bản của động từ, thường gắn chặt với chức năng vị ngữ của chúng. Trong tiếng Anh, tùy thuộc vào Thức, vị ngữ là động từ được chia ở những thời và thể nhất định, và ngược lại, việc một động từ trong câu được chia ở những thời và thể nhất định chứng tỏ động từ ấy là vị ngữ.

Theo Halliday (1994), chúng ta có thể phân loại vị ngữ (mà Halliday gọi là vị tố/predicator) theo 6 kiểu quá trình mà vị ngữ đó đóng vai trò trung tâm, đó là: - Các quá trình vật chất (material), phản ánh thế giới vật lí. - Các quá trình tinh thần (mental), phản ánh thế giới ý thức. - Các quá trình quan hệ (relational), phản ánh các mối quan hệ trừu tượng. - Các quá trình hành vi (behavioural), chuyển tiếp giữa các sự thể vật chất và các sự thể tinh thần. - Các quá trình ngôn từ (verbal - tức sử dụng ngôn từ, bao gồm nói năng và cảm nghĩ), chuyển tiếp giữa các quá trình tinh thần và các quá trình quan hệ. - Các quá trình tồn tại (existential - gồm sự tồn tại, sự xuất hiện, sự tiêu biến), chuyển tiếp giữa các quá trình vật chất và các quá trình quan hệ.



+ Tân ngữ

Tân ngữ là từ hoặc cụm từ chỉ đối tượng bị tác động bởi chủ ngữ. Có 2 loại tân ngữ là tân ngữ trực tiếp và tân ngữ gián tiếp:



- Tân ngữ gián tiếp (indirect object) là tân ngữ chỉ đồ vật hoặc người mà hành động xảy ra đối với (hoặc dành cho) đồ vật hoặc người đó. Tân ngữ gián tiếp có thể đứng sau tân ngữ trực tiếp ngăn cách bởi một giới từ hoặc cũng có thể đứng trước tân ngữ trực tiếp mà không có giới từ. Giới từ thường dùng ở đây là for và to.

Ví dụ: I gave Jim the book. --> Jim là tân ngữ gián tiếp, the book là tân ngữ trực tiếp = I gave the book to Jim.

- Tân ngữ trực tiếp (direct object) là người hặc vật đầu tiên nhận tác động của hành động.

Chú ý: Không phải bất cứ động từ nào trong tiếng Anh cũng đòi hỏi tân ngữ đứng sau nó là một danh từ. Một số động từ yêu cầu tân ngữ đằng sau nó là một động từ khác. 

Tân ngữ có thể là: Danh từ (Noun); Tính từ dùng như sanh từ (Adjective used as Noun);. Đại từ (Pronoun); Danh động từ (Gerund); Động từ nguyên thể (Infinitive); Cụm từ (Phrase); và Mệnh đề (Clause).

+ Trạng ngữ

Downing và Locke (1995) đã chia trạng ngữ tiếng Anh thành ba loại: adjuncts, disjunct và cọnjunct, tạm dịch theo thứ tự là “phụ ngữ”, “biệt ngữ” và “liên ngữ”. Trong đó, “phụ ngữ” có tư cách thành phần câu ngang bằng với những thành phần câu khác như chủ ngữ và bổ ngữ, còn “biệt ngữ” và “liên ngữ” thể hiện một mối quan hệ mang tính “ngoại vi” đối với cấu trúc câu. Về phương diện ngữ nghĩa, “biệt ngữ” nêu lên thái độ hay sự bình phẩm của người nói đối với nội dung được biểu đạt, trong khi đó “liên ngữ” phản ánh cách thức người nói tạo ra sự liên kết giữa các bộ phận trong diễn ngôn. Về phương diện cú pháp, biệt ngữ và liên ngữ có tính độc lập hơn so với phụ ngữ. Biệt ngữ và liên ngữ là các phương tiện biểu thị tình thái, đi kèm với nội dung mệnh đề, còn phụ ngữ thì tham gia vào việc biểu thị nội dung mệnh đề, tức nghĩa sự tình của câu.



1.2.1.2. Các thành phần câu tiếng Việt

+ Chủ ngữ

Theo Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Văn Hiệp (1998), chủ ngữ là bộ phận của nòng cốt câu biểu thị chủ thể ngữ pháp của vị ngữ, tạo ra cùng vị ngữ một kết cấu có khả năng nguyên nhân hóa. Như vậy, xét về mặt hình thức, chủ ngữ có hai đặc điểm:

- Là thành tố bắt buộc, không thể bị lược bỏ mà không ảnh hưởng đến tính trọn vẹn của câu. Nhờ đặc điểm này, ta có thể phân biệt chủ ngữ với những thành tố nằm ngoài nòng cốt câu như trạng ngữ, khởi ngữ trong trường hợp các thành tố ấy đứng đầu câu.

- Cùng vị ngữ tạo ra một kết cấu có khả năng nguyên nhân hóa. Nhờ đặc điểm này, ta có thể phân biệt chủ ngữ với bổ ngữ, một thành tố khác của nòng cốt câu, trong trường hợp thành tố ấy là thể từ.

Đối với các ngôn ngữ không biến hình như tiếng Việt, Diệp Quang Ban (2009) cho rằng: Chủ ngữ là yếu tố đứng trước vị ngữ, chủ ngữ nêu ra cái đề tài mà câu đề cập và hàm chứa hoặc có thể chấp nhận các đặc trưng (động hoặc tĩnh) và các kiểu quan hệ sẽ được nói đến ở vị ngữ.

+ Vị ngữ và vị tố

Theo Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Văn Hiệp (1998), vị ngữ là bộ phận của nòng cốt câu có thể chen thêm phó từ chỉ thời – thể hoặc cách thức vào phía trước, và trong trường hợp bộ phận này gồm hơn một từ thì vị ngữ là từ chính của bộ phận ấy.

Bằng cách chọn các phó từ chỉ thời – thể làm tiêu chí xác định vị ngữ của câu tiếng Việt, chúng ta đã có thể vạch ra mối liên hệ giữa vị ngữ trong tiếng Việt và trong một số ngôn ngữ khác. Dù được biểu thị bằng từ loại hay kiểu kết cấu nào, vị ngữ cũng thể hiện tính tình thái. Vị ngữ trong tiếng Việt gồm ba loại là:

- Những vị ngữ nối kết trực tiếp với chủ ngữ, không cần đến hệ từ ở cả hình thức khẳng định lẫn hình thức phủ định. Đó là những vị ngữ do động từ, tính từ đảm nhận. Khả năng làm vị ngữ của động từ không hạn chế. Còn về tính từ thì chúng chỉ có thể làm vị ngữ với điều kiện có các từ biểu thị ý nghĩa tình thái mạnh (như đã, đang, sẽ, rất, quá, lắm...) đi kèm hoặc có chủ ngữ mang ý nghĩa xác định.

- Những vị ngữ nối kết với chủ ngữ nhờ hệ từ ở cả hình thức khẳng định lẫn hình thức phủ định. Đó thường là hệ từ là.

- Những vị ngữ ở hình thức khẳng định nối kết trực tiếp với chủ ngữ, còn ở hình thức phủ định thì nối kết với chủ ngữ nhờ hệ từ.

Vị tố là yếu tố chính của câu, cả về phương diện nghĩa biểu hiện (chỉ sự việc) và phương diện cú pháp (trừ trường hợp trước vị tố có động từ tình thái hoặc trợ động từ bị động). Về nghĩa biểu hiện, vị tố nêu đặc trưng hoặc quan hệ của sự thể được nói đến trong câu; về vị trí, vị tố đứng trực tiếp sau chủ ngữ (nếu có chủ ngữ). Về cú pháp, các yếu tố cú pháp khác quây quần xung quanh vị tố. Vị tố gắn bó với các yếu tố xung quanh nó theo những mức độ khác nhau, và trên cơ sở đó mà phân định những lớp yếu tố xét theo mối quan hệ với các chức năng cú pháp trong câu: các yếu tố nằm trong cấu trúc cú pháp của câu và trực tiếp diễn đạt sự thể, các yếu tố không nằm trong cấu trúc cú pháp và nhìn chung không diễn đạt sự thể trong câu chứa chúng. Trong tiếng Việt, vị tố có thể do một từ hoặc một cụm từ làm thành, cũng có khi do một dãy động từ, một dãy tính từ, hoặc một câu bị bao (giáng cấp) đảm nhiệm.

Về mặt nghĩa, vị tố chi phối (ấn định) các chức năng chủ ngữ, tân ngữ, tân ngữ gián tiếp, bổ ngữ.



+ Tân ngữ và tân ngữ gián tiếp

Tân ngữ và tân ngữ gián tiếp (còn gọi là bổ ngữ trực tiếp và bổ ngữ gián tiếp) là những yếu tố do ý nghĩa của động từ chuyển tác ở vị tố ấn định theo quan hệ chuyển tác. Quan hệ chuyển tác là thứ quan hệ chuyển tác động từ hành động của động từ chuyển tác diễn đạt ở vị tố đến thực thể nêu ở tân ngữ. Tân ngữ là yếu tố chỉ thực thể chịu tác động của hành động ở vị tố do động từ chuyển tác đảm nhiệm và có vị trí đứng sau động từ đó. Tân ngữ gián tiếp là yếu tố chỉ thực thể nhận vật trao do nghĩa của động từ ở vị tố ấn định, vị trí của tân ngữ gián tiếp cũng nằm sau động từ chuyển tác. Vị trí của tân ngữ và tân ngữ gián tiếp có thể trao đổi cho nhau.



+ Bổ ngữ

Bổ ngữ cũng là yếu tố do ý nghĩa của vị tố ấn định nhưng theo quan hệ không chuyển tác, vị trí của bổ ngữ là đứng sau vị tố. Bổ ngữ bổ sung ý nghĩa do vị tố đòi hỏi, làm cho vị tố hoạt động được trong câu. Nói cách khác, bổ ngữ là thành phần câu có mặt do sự đòi hỏi của sự thể nêu ở vị tố (động từ, tính từ, từ chỉ quan hệ) nằm trong vị ngữ, theo tên gọi, bổ ngữ là phần “thêm cho đủ”, tức là nếu không có nó thì sự việc diễn đạt trong câu chưa trọn vẹn (không kể trường hợp tỉnh lược bổ ngữ).

Phần lớn bổ ngữ do vị tố đòi hỏi và có quan hệ nghĩa với động từ, tính từ hoặc với thành phần khác trong câu. Có thể phân biệt các loại bổ ngữ chính sau đây:

- Tân ngữ (còn gọi là bổ ngữ trực tiếp) - đích thể (thực thể chịu tác động trực tiếp của hành động nêu ở động từ làm vị tố)



- Tân ngữ gián tiếp (còn gọi là bổ ngữ gián tiếp) – tiếp thể (thực thể nhận vật trao)

- Bổ ngữ - ngôn đích thể (bổ ngữ của động từ nói năng)

- Bổ ngữ hiện tượng – cảm thể (bổ ngữ của động từ cảm nghĩ)

- Bổ ngữ cảnh huống (phân biệt với trạng ngữ là bộ phận đi kèm, trợ gia)

- Bổ ngữ của chủ ngữ

- Bổ ngữ của tân ngữ

- Bổ ngữ của bổ ngữ

Trong quan hệ với nghĩa biểu hiện, bổ ngữ được xét về các vai nghĩa. Bổ ngữ giữ những vai nghĩa khác nhau, biến động theo từng sự việc được phản ánh trong câu.

Theo Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Văn Hiệp (1998), bổ ngữ là một loại thành phần chính, cùng với chủ ngữ và vị ngữ tham gia cấu tạo nòng cốt câu. Chính bản chất ngữ pháp của động từ vị ngữ quyết định có hay không có bổ ngữ trong nòng cốt câu, nếu có thì có bao nhiêu và thuộc loại nào.

Vị trí thường gặp của bổ ngữ là đứng sau vị tố (động từ hoặc tính từ ở vị ngữ), trong những điều kiện nhất định bổ ngữ cũng có thể đứng trước động từ, tính từ.

Bổ ngữ được thể hiện trước hết bằng các thực từ như danh từ, số từ, động từ, tính từ, đại từ nhân xưng, đại từ thay thế (cho danh từ, động từ, tính từ)

Về cấu tạo, bổ ngữ có thể là một từ, một cụm từ chính phụ hay một cụm từ đẳng lập hợp, hoặc giới ngữ.



+ Trạng ngữ (gia ngữ)

Về phương diện cú pháp, trạng ngữ “đi kèm” (không nằm trong) cấu trúc cơ sở (hay nòng cốt) của câu; về phương diện nghĩa, trạng ngữ nêu cái cảnh huống, trong đó sự việc được phản ánh trong cấu trúc cơ sở của câu diễn ra. Trạng ngữ cùng với cấu trúc cơ sở của câu làm thành “cấu trúc cú pháp của câu”, phân biệt với các yếu tố “nằm ngoài” cấu trúc cú pháp của câu được gọi là “phần biệt lập”.

Trạng ngữ, cũng như bổ ngữ, về mặt nghĩa có thể phân biệt theo các vai cụ thể mà thực thể nêu ở trạng ngữ đảm nhiệm. Phần lớn các vai nghĩa của trạng ngữ trùng với nhiều vai nghĩa của bổ ngữ cảnh huống (chu cảnh).

1.2.2. Trật tự từ

Có nhiều quan điểm khác nhau về trật tự từ. Tuy nhiên, tiếng Anh và tiếng Việt đều coi trật tự từ như là một phương tiện ngữ pháp (là một phương thức quan trọng biểu thị chức năng cú pháp của từ) và trật tự từ đóng một vai trò rất quan trọng khác là biểu thị sự phân đoạn thực tại, biểu thị tình cảm, cảm xúc của người nói/viết. Không có một ngôn ngữ nào mà trật tự từ của nó hoàn toàn cố định cũng như không có ngôn ngữ nào mà trật tự từ của nó hoàn toàn tự do.

Trật tự từ tiếng Anh và tiếng Việt bình thường được đa số công nhận là:

- Chủ -Vị

- Chủ -Vị -Bổ/ Tân/ Trạng.

Luận án theo quan điểm này.

1.2.2.1. Trật tự từ trong tiếng Anh theo quan điểm ngữ pháp chức năng hệ thống

R.E.Asher (1994) cho rằng trong lịch sử ngôn ngữ học, trật tự từ được nhận thức như là một hiện tượng có tính chất kép: Cái thứ nhất liên quan đến ngữ pháp còn cái thứ hai liên quan đến văn phong. Nếu nhận thức là một hiện tượng liên quan đến ngữ pháp thì trật tự từ là một phương tiện mã hóa các mối quan hệ về mặt ngữ pháp. Các mối quan hệ ngữ pháp tồn tại trong các thành phần nguyên liệu của các ngôn ngữ khác nhau và sự phân loại theo các mối quan hệ ngữ pháp chủ yếu nhất là sự phân chia thành ngôn ngữ tổng hợp tính và ngôn ngữ phân tích tính. Trong các ngôn ngữ tổng hợp tính, mối quan hệ giữa các từ được diễn tả bằng các dạng thức của từ hoặc các biến thể. Trong khi đó, ở các ngôn ngữ phân tích tính, mối quan hệ giữa các từ được diễn tả bằng các từ phụ trợ/bổ sung các vị trí của các từ. Nói cách khác, các ngôn ngữ phân tích tính thường sử dụng các phương tiện hay hình thức ngữ pháp bên ngoài của từ như: các từ chức năng, trật tự từ và giọng điệu. Chính vì vậy, trật tự từ được sử dụng như là phương tiện ngữ pháp quan trọng trong các ngôn ngữ phân tích tính như tiếng Anh và tiếng Việt.

Trong hướng tiếp cận trật tự các thành tố của ngữ pháp chức năng, S.C. Dik (1989) cho rằng “trật tự thành tố là mô hình trật tự thành tố thực trong các ngôn ngữ là kết quả của ba lực chính trung hòa nhau phần nào đó, cho nên một hệ trật tự thành tố nào đó nhất thiết phải được đặc trưng bằng một tổng áp lực (a certain amount of tension). Dưới đây là ba lực đó: a) Quyền ưu tiên của các thành tố có đặc trưng chức năng bất biến trong cùng một vị trí cấu trúc; b) Quyền ưu tiên của việc gán một số vị trí đặc trưng (đặc biệt là vị trí đầu cú) cho những phạm trù thành tố đã được chỉ định và cho những thành tố giữ chức năng Đề hay Tiêu điểm; c) Quyền ưu tiên của những thành tố xếp theo trật tự từ trái sang phải theo độ phức tạp phạm trù tăng dần. Theo ưu tiên này, vị trí phổ biến nhất của một đại từ là trước danh ngữ, và vị trí phổ biến của cú phụ là nằm sau hầu như tất cả các loại thành tố khác. Ưu tiên thứ nhất được lí giải trong ngữ pháp chức năng bằng việc xây dựng một hoặc nhiều mô hình chức năng xác định vị trí mà các thành tố với cương vị chức năng đã cho đảm nhận trong những điều kiện cụ thể. Ưu tiên thứ hai được lí giải bằng việc bổ sung những “vị trí đặc biệt” vào các mô hình chức năng trên và bằng việc đưa ra những qui tắc để chỉ định loại thành tố nào và trong những điều kiện nào thì có thể được đặt vào những vị trí đặc biệt đó. Ưu tiên thứ ba được xác định theo “Trật tự ưu tiên phổ quát của các thành tố” (Language Independent Preferred Order of Constituents, LIPOC). Ngữ pháp chức năng của Simon C. Dik (1989) cũng cho rằng việc sắp xếp trật tự các thành tố không phải là một thuộc tính “bề sâu” của các ngôn ngữ tự nhiên, mà là một phương tiện biểu đạt thuộc về bề mặt và được sử dụng, trong một chừng mực nhất định để mã hóa các mối quan hệ bề sâu thành các trình tự bề mặt. Vì vậy, một trong những hệ quả quan trọng của điều này là: “Bởi vì trật tự không phải là một thuộc tính bề sâu của các ngôn ngữ tự nhiên, nên không có lí do gì để cho rằng chỉ có một trật tự “cơ bản” đơn nhất đối với một ngôn ngữ. Cách tiếp cận của ngữ pháp chức năng đối với việc sắp xếp trật tự từ hoàn toàn tương thích với sự cùng tồn tại của nhiều mô hình khác nhau, được sử dụng trong những điều kiện khác nhau và vì những mục đích khác nhau” [11].

Khi bàn về khái niệm “trật tự từ”, Douglas Biber (1999; 898) cho rằng: Trật tự từ là sự sắp xếp các từ ngữ trong một câu hoặc trong một đoạn văn sao cho chúng có nghĩa, về đặc điểm trật tự từ có thể thay đổi được trong một câu miễn sao chúng vẫn đảm bảo được về mặt ngữ pháp. Trật tự từ hay sự thay đổi trật tự từ là hiện tượng xuất hiện những “đường phân định” đối với một ngôn ngữ như tiếng Anh và phải được xem xét trên nền tảng được cấu tạo cơ bản và thể loại trật tự từ mà tiếng Anh phụ thuộc. Tuy nhiên, sự xuất hiện những “đường phân định” là quyền sở hữu phổ quát của ngôn ngữ mà người nói/ người nghe có thể sản sinh lần lượt từng từ một lần, từ câu này sang câu khác... và bởi vậy cũng tuân theo các quy luật tự nhiên - điểm xuất phát luôn luôn có ảnh hưởng đến sự giải thích cho những điều theo sau nó. Trật tự từ thường được dùng để chỉ trật tự các yếu tố trong câu, các yếu tố đó thường được nhận biết bởi các cụm từ hay mệnh đề chứ không phải là mỗi từ như: chủ ngữ, động từ, tân ngữ vị ngữ hay trạng ngữ.

Dưới góc độ của “lý thuyết phân đoạn thực tại câu”, trật tự từ là một phương tiện chủ yếu để thể hiện thông tin thực tại của câu. Sự thay đổi trật tự từ phản ánh mối quan hệ giữa phân đoạn thực tại và phân đoạn cú pháp. Khi sự phân đoạn thực tại xung đột với sự phân đoạn cú pháp thì nó sẽ làm thay đổi sự bố trí bình thường của các thành phần trong câu. Lý thuyết phân đoạn thực tại đặt cơ sở trên ý tưởng về sự khác biệt có tính nguyên tắc giữa hai cách phân tích câu: cách phân chia hình thức câu thành chủ ngữ và vị ngữ để làm rõ cấu trúc ngữ pháp của câu và cách phân chia câu ra thành “chủ đề” và “thuật đề” hoặc “chủ đề”, “chuyển đề” và “thuật đề” để làm sáng tỏ phối cảnh chức năng của câu. Việc thay đổi trật tự từ trong câu có liên quan đến mối quan hệ giữa phân đoạn thực tại và phân đoạn cú pháp.

Như vậy, trật tự từ trong tiếng Anh có chức năng xác định ý nghĩa trong câu. Việc thay đổi trật tự từ có những hiệu quả nhất định, có tác dụng nhấn mạnh một bộ phận nào đó trong câu.



1.2.2.2. Trật tự từ trong tiếng Việt theo quan điểm ngữ pháp chức năng hệ thống

Cũng giống như với tiếng Anh, các nhà ngôn ngữ học cũng đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm “trật tự từ” trong tiếng Việt dựa trên những cơ sở lí luận khác nhau.

Trong cuốn “Lý thuyết trật tự từ trong cú pháp”, Lý Toàn Thắng (2004) cho rằng: khi đảo vị trí các thành tố trong một kết cấu cú pháp, tuy điều đó có thể không vi phạm đến tính “đúng/sai” của mối quan hệ ngữ pháp, nhưng lại đưa tới một hệ quả khác: làm cho kết cấu cú pháp với trật tự từ mới được cảm nhận như có sắc thái nhấn mạnh hơn hoặc biểu cảm, tu từ hơn (hay nói cách khác – “bị đánh dấu”). Theo các nhà nghiên cứu, có bốn loại quy tắc trật tự từ chủ yếu sau:

- Quy tắc chức năng: sử dụng khi sự đối lập giữa hai phạm trù ngữ pháp được thực hiện nhờ vào sự khác biệt vị trí của hai yếu tố (tham gia vào kết cấu cú pháp).

- Quy tắc phi chức năng: Sử dụng khi trật tự các yếu tố của kết cấu có thể dao động do những điều kiện phi ngữ pháp. Nói cách khác, sự biến đổi trật tự từ ở đây không phá vỡ tính ngữ pháp của kết cấu, không làm sai lệch kiểu quan hệ ngữ pháp giữa các yếu tố và không làm tăng hay giảm số lượng các quan hệ ngữ pháp đó.

- Quy tắc kèm: Sử dụng khi vị trí các yếu tố của kết cấu được xác định bởi một quy tắc nhất định, nhưng việc vi phạm đó không làm biến đổi kết cấu thành một kết cấu mới với quan hệ cú pháp khác mà chỉ làm cho kết cấu đó trở nên “ít ngữ pháp hơn” hay “không ngữ pháp bằng”. Trong trường hợp này, trật tự từ chỉ là một nét “kèm” của mô hình cú pháp của phát ngôn.

- Quy tắc yếu: Sử dụng khi sự thay đổi trật tự đã cho của các yếu tố (vốn do những điều kiện phi đặc thù gây ra) đều gợi lên ấn tượng “bị đánh dấu” của phát ngôn mới được tạo ra. Tương ứng với bốn quy tắc trật tự từ là bốn kiểu loại trật tự từ sau:

+ Trật tự từ ứng với quy tắc chức năng được gọi là trật tự từ cố định.

+ Trật tự từ ứng với quy tắc phi chức năng được gọi là trật tự từ tự do.

+ Trật tự từ ứng với quy tắc kèm được gọi là trật tự từ chấp thuận.

+ Trật tự từ ứng với quy tắc yếu được gọi là trật tự từ hành dụng.

Theo quan điểm của Diệp Quang Ban (2009): Câu có cấu tạo “thuận – nghịch” là một kiểu câu cũng có tính chất khá riêng biệt của tiếng Việt. Cấu tạo “thuận – nghịch” chỉ là cái nhãn để gán cho kiểu câu có khả năng biến đổi cấu trúc nghĩa biểu hiện trong khi vẫn giữ nguyên cấu trúc nghĩa cú pháp. Trường hợp thuận là trường hợp chủ thể logic làm chủ ngữ, trường hợp nghịch là trường hợp chủ thể logic làm bổ ngữ. Nói cách khác là yếu tố chỉ chủ thể logic có thể làm chủ ngữ đứng trước vị tố trong trường hợp này, mà cũng có thể làm bổ ngữ đứng sau vị tố trong trường hợp khác.

Ví dụ: (A) Nước đầy thùng. → (B) Thùng đầy nước.

Về mặt ngữ pháp, nếu thừa nhận trật tự từ là phương thức ngữ pháp quan trọng thì phải coi câu A và B là bình đẳng với nhau, cái này không phải là nghịch đảo của cái kia. Yếu tố đứng đầu đều là chủ ngữ của câu. Hai chủ ngữ này được phân biệt tiếp về mặt nghĩa biểu hiện: nước ở (A) là chủ ngữ về ngữ pháp và là đương thể (carrier – vật mang trạng thái “đầy”) về mặt nghĩa biểu hiện, tức nước là chủ thể logic; thùng ở (B) là chủ ngữ về ngữ pháp và là “vật chứa” xét về nghĩa biểu hiện, tức không phải là chủ thể logic trong trường hợp này. Cấu trúc cú pháp và cấu trúc nghĩa biểu hiện của hai câu (A, B) được phân tích như sau:



Câu A

Nước

đầy

thùng

CTCP

chủ ngữ

vị tố

bổ ngữ

CTNBH

đương thể (chủ thể logic)

thuộc tính

vị trí




Câu B

Thùng

đầy

nước

CTCP

chủ ngữ

vị tố

bổ ngữ

CTNBH

vị trí

thuộc tính

đương thể (chủ thể logic)


tải về 2.93 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương