BỘ giáo dục và ĐÀo tạO ĐẠi học huế trưỜng đẠi học khoa học phạm thị hà


Phủ định sự nhấn mạnh đề đánh dấu biểu hiện qua các tham tố



tải về 2.93 Mb.
trang16/24
Chuyển đổi dữ liệu06.06.2018
Kích2.93 Mb.
#39500
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   24

4.3.2.2. Phủ định sự nhấn mạnh đề đánh dấu biểu hiện qua các tham tố đảo trong câu bị động có yếu tố phụ trợ

Để thể hiện thái độ phủ định sự nhấn mạnh bằng chủ đề đánh dấu biểu hiện qua các tham tố Bị thể, Lợi thể, Tiếp thể, Hiện tượng, Phát ngôn, và Tiếp ngôn thể đảo (trong câu bị động có yếu tố phụ trợ), cả tiếng Anh và tiếng Việt bắt buộc phải có mặt của yếu tố phủ định trong câu. Tuy nhiên, trong mỗi ngôn ngữ vị trí xuất hiện của yếu tố phủ định cũng khác nhau mặc dù chúng cùng tồn tại trong phần Thuyết.

Ví dụ {4: 23}

Tiếng Anh

Tiếng Việt

cấu trúc bị động

... a few more houses had (not) been hit by shell fire... [1]

... Cả làng ấy đã (không) bị máy bay Mỹ hủy diệt hoàn toàn... [22]

Trong tiếng Anh, yếu tố phủ định (not) xuất hiện sau tác tử động từ (had), còn trong tiếng Việt yếu tố phủ định (không) xuất hiện trước động từ bị động (bị) như trong ví dụ trên.

4.3.3._Kiểu_3:_Nhấn_mạnh_đề_đánh_dấu_biểu_hiện_qua_các_tham_tố_đảo_thuộc_quá_trình_hiện_hữu_trong_câu_tồn_tại_có_thành_phần_đảo_về_phía_sau'>4.3.3. Kiểu 3: Nhấn mạnh đề đánh dấu biểu hiện qua các tham tố đảo thuộc quá trình hiện hữu trong câu tồn tại có thành phần đảo về phía sau

Đối với kiểu này, điểm khác biệt đáng lưu ý là trong tiếng Anh có sự xuất hiện của chủ ngữ giả (there) làm đề đánh dấu. Trong tiếng Việt các vị từ tồn tại có thể chiếm giữ vị trí của đề đánh dấu. Số liệu thu thập được cho thấy tỷ lệ câu đảo ngữ tiếng Anh của sơ đồ này chiếm 15.8 % và tiếng Việt chiếm 38.6 %.

4.3.3.1. Khẳng định sự nhấn mạnh đề đánh dấu biểu hiện qua các tham tố đảo thuộc quá trình hiện hữu trong câu tồn tại có thành phần đảo về phía sau

Trong tiếng Anh, để thể hiện cấu trúc đảo ngữ thông qua quá trình tồn tại, nhất thiết phải có sự hiển lộ của chủ ngữ giả “there”. Chủ ngữ giả “there” thường đứng trước vị từ tồn tại để hợp thức hóa sự hiện diện của Chủ ngữ đồng thời đóng vai trò làm Đề. Trong khi đó, câu tồn tại tiếng Việt được thể hiện bằng sự xuất hiện của chính vị từ tồn tại ở đầu câu và làm Đề ngữ cho cấu trúc. Ngoài ra, các vị từ tồn tại như “có”, “còn” được sử dụng rất phổ biến trong tiếng Việt. Các quan niệm về loại câu tồn tại có chứa những vị từ này cũng khác nhau. Chúng được xem xét một cách bình đẳng với những nhóm vị từ tồn tại khác trong tiếng Việt. Trong khi đó, sự thể hiện tương đương của những vị từ này trong tiếng Anh lại phụ thuộc vào chủ ngữ giả “there”. Yếu tố chu cảnh làm khung đề cho câu đảo ngữ tiếng Anh và tiếng Việt cũng có nét khác biệt về cấu tạo. Trong tiếng Việt, Khung đề thời gian và Chu cảnh bắt buộc chỉ thời điểm hay Thời đoạn/Thời lượng. Khung đề thời gian là một danh ngữ còn Chu cảnh bắt buộc chỉ thời điểm là một trạng ngữ do một kết từ dẫn nhập. Trong tiếng Anh không có hình thức thể hiện này.



Ví dụ {4: 24}

Tiếng Anh

Tiếng Việt

cấu trúc đảo trong câu tồn tại

... There were many mulberry trees in the fields... [1]

... một bóng người... [11]

Trong ví dụ trên, đề đánh dấu trong câu tồn tại tiếng Anh chính là chủ ngữ giả (there) còn đề đánh dấu trong câu tồn tại tiếng Việt chính là vị từ tồn tại (có). Phần Thuyết chứa chủ ngữ trong tiếng Anh bao gồm vị từ tồn tại được thể hiện bằng động từ (be) và Hiện Hữu thể (many mulberry trees) là sự phản ánh của sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan, có thể cùng với chu cảnh tùy chọn. Trong khi đó, phần Thuyết trong câu tồn tại tiếng tiếng Việt bao gồm tham tố Hiện Hữu thể (một bóng người) và có thể có thêm chu cảnh tùy chọn.

Trong tiếng Việt, thể loại từ vựng làm vị từ tồn tại trong các cấu trúc đảo ngữ cũng đa dạng hơn trong tiếng Anh. Đó là những trạng từ/cụm trạng từ cũng được chấp nhận làm vị từ tồn tại cho câu đảo ngữ tiếng Việt, đặc biệt là những trạng từ tượng thanh, tượng hình miêu tả âm thanh hay hình ảnh của sự vật hiện tượng trong thế giới. Điều này không được tìm thấy trong tiếng Anh. Hơn nữa, loại câu đảo ngữ chứa trạng từ miêu tả này làm vị từ tồn tại trong tiếng Việt chiếm tỷ lệ lớn và được sử dụng rất nhiều trong các tác phẩm văn học nghệ thuật. Tác dụng của chúng là tạo nhiều ấn tượng và cảm xúc cho người đọc/nghe đặc biệt là khi chúng được xuất hiện ở vị trí đầu câu.

Ví dụ: {4: 25}... Nhao nhao quanh Pao những cơn khát máu, những riết róng báo thù. ... [11]

Cụm trạng từ tượng thanh “Nhao nhao quanh Pao” đứng ở vị trí đầu câu và làm Đề đánh dấu trong câu đảo ngữ trên nhằm nhấn mạnh đặc điểm của sự vật, hiện tượng đóng vai HHT: những cơn khát máu, những riết róng báo thù tồn tại trong phần Thuyết. Tuy vậy, khi có sự xuất hiện của chu cảnh bắt buộc thì chính yếu tố chu cảnh này đóng vai trò làm Đề trong câu tồn tại của tiếng Anh và cả tiếng Việt. Chủ ngữ giả (there) trong tiếng Anh và vị từ tồn tại trong tiếng Việt phải nhường chỗ cho chu cảnh bắt buộc của phần Đề để lui về hiện diện trong phần Thuyết.



Ví dụ {4: 26}

Tiếng Anh

Tiếng Việt

cấu trúc đảo trong câu tồn tại

... To the south there was a small branchroad across the fields with thick trees on each side... [1]

... Phía xa xăm kia còn bao nhiêu mùa xuân và năm tháng nữa ...[17]

Đứng đầu câu tồn tại và giữ vai trò làm Đề đánh dấu trong câu tiếng Anh và tiếng Việt là các chu cảnh bắt buộc (To the south và Phía xa xăm kia). Phần Thuyết trong câu tồn tại tiếng Anh bao gồm chủ ngữ giả (there) vị từ tồn tại (was), Hiện Hữu thể (a small branchroad) và chu cảnh tùy chọn (across the fields with thick trees on each side). Trong khi đó, Thuyết của câu tồn tại tiếng Việt bao gồm: vị từ tồn tại (còn) và Hiện Hữu thể (bao nhiêu mùa xuân và năm tháng nữa).

4.3.3.2. Phủ định sự nhấn mạnh đề đánh dấu biểu hiện qua các tham tố đảo thuộc quá trình hiện hữu trong câu tồn tại có thành phần đảo về phía sau

Đối với câu tồn tại khi không có yếu tố chu cảnh làm Đề ngữ, kiểu phủ định sự nhấn mạnh ở chủ đề đánh dấu biểu hiện qua các tham tố đảo thuộc quá trình tồn tại trong câu tồn tại có thành phần đảo về phía sau trong tiếng Anh và tiếng Việt có sự khác biệt đáng chú ý: Yếu tố phủ định (no/not) trong câu tồn tại tiếng Anh sẽ xuất hiện trong phần Thuyết và đứng sau các vị từ tồn tại (be). Phần Đề chính là chủ ngữ giả (there) còn yếu tố phủ định (không) trong câu tồn tạo tiếng Việt sẽ xuất hiện đầu câu và chiếm vai trò làm Đề trong cấu trúc. Phần Thuyết được xác định từ vị từ tồn tại và các tham tố tiếp theo sao nó.

Ví dụ {4: 27}

Tiếng Anh

Tiếng Việt

cấu trúc đảo trong câu tồn tại

... There was no underbrush in the island of pine trees... [3]

...không có dấu vết của lòng độ lượng hay sự chán nản... [23]

Trong ví dụ trên, đối với tiếng Anh, Đề đánh dấu vẫn được xác định là chủ ngữ giả (there), phần Thuyết bao gồm vị từ tồn tại (was), yếu tố phủ định (no), tham tố Hiện Hữu thể (underbrush) và chu cảnh tùy chọn (in the island of pine trees). Đối với tiếng Việt, chính yếu tố phủ định (không) là Đề đánh dấu, phần Thuyết chứa vị từ tồn tại (có) và Hiện Hữu thể (dấu vết của lòng độ lượng hay sự chán nản).

4.3.4. Kiểu 4: Nhấn mạnh đề đánh dấu biểu hiện qua các tham tố đảo trong cấu trúc câu có thành phần đảo về phía trước

Đây là kiểu có sự khác biệt lớn giữa hai ngôn ngữ.xét cả mặt định tính lẫn định lượng. Trong tiếng Anh, yếu tố chêm xen khi kết hợp với tham tố đảo phải thông qua quá trình quan hệ (be) và tạo nên ranh giới Đề - Thuyết, tham tố còn lại thường được thể hiện bằng một quá trình nào đó. Đối với tiếng Việt, yếu tố chêm xen có thể kết hợp với tham tố đảo mà không cần thông qua quá trình quan hệ, tham tố còn lại làm phần Thuyết thường được biểu hiện bằng một cấu trúc chuyển tác. Số liệu thu thập được cho thấy tỷ lệ câu đảo ngữ tiếng Anh chiếm 16.2 % và tiếng Việt chỉ chiếm 1.2%.

4.3.4.1. Khẳng định sự nhấn mạnh tham tố đảo trong các quá trình

Cấu trúc đảo ngữ tiếng Anh còn được ghi nhận bởi sự xuất hiện của chủ ngữ giả “it”. Chủ ngữ giả “it” xuất hiện trong cấu trúc đảo ngữ tiếng Anh thông qua các quá trình vật chất, hành vi, tinh thần và quan hệ. Mục đích của việc sử dụng “it” là nhằm kết hợp và nhấn mạnh một tham tố nào đó để tạo hiệu ứng truyền đạt thông tin đến người đọc/nghe một cách sớm nhất. Vai nghĩa đứng sau các quá trình biểu hiện trong cấu đảo ngữ có chủ ngữ giả “it” cũng rất đa dạng như cảm thể, nghiệm thể, hiện tượng, tiếp thể, đối thể, cương vực... Yếu tố chêm xen nhấn mạnh “it” luôn chiếm giữ vị trí Đề ngữ và được phân chia ranh giới với phần Thuyết thông qua vị từ tồn tại “be” trong mọi mô hình này. Tham tố đảo thứ hai trong câu đảo có mô hình khẳng định sự nhấn mạnh nội dung thông tin liên quan đến một tham tố trong các quá trình được thể hiện thông qua bằng chính quá trình. Thành phần câu hiển lộ cho các vai nghĩa này cũng rất phong phú về mặt cú pháp. Có khi vai nghĩa được đội lốt bằng một danh từ/cụm danh từ/ ngữ đoạn danh từ hoặc vị từ/ngữ đoạn vị từ hoặc danh động ngữ... Ngoài ra, để biểu đạt ý tương đương tiếng Việt của câu tiếng Anh có chủ ngữ giả “it” thì phải lược bỏ chủ ngữ giả “it” và xác định chủ ngữ của câu tiếng Anh khi muốn diễn đạt nó bằng ý tiếng Việt tương đương. Trong tiếng Việt không tồn tại chủ ngữ giả “it”.



Ví dụ {4: 28}

Tiếng Anh

Tiếng Việt

Câu chứa tham tố đảo kết hợp với yếu tố chêm xen

... It would be interesting to know who was the father of Emmie Slattery’s baby... [6]

... Ngay từ hồi đó mình đã biết rõ... [17]

Trong ví dụ trên, chủ ngữ giả it xuất hiện ở vị trí đầu câu nhằm thay thế vị trí cho cụm vị ngữ to know who was the father of Emmie Slattery’s baby. Câu có ý nghĩa tương đương với câu đảo ngữ trên là: To know who was the father of Emmie Slattery’s baby would be interesting. Như vậy, đối với trật tự thuận trong câu tiếng Anh sẽ không có sự xuất hiện của chủ ngữ giả it. Nhưng vì mục đích muốn nhấn mạnh đặc điểm (interesting) mà tham tố này được đề cập trước cùng với yếu tố nhấn mạnh (it) thông qua vị từ quan hệ (would be). Tuy vậy, phần Đề trong câu tiếng Anh chỉ được xác định là yếu tố nhấn mạnh (it). Phần Thuyết là phần còn lại của câu được xác định từ động từ (would). Đây là hiện tượng đảo ngữ chỉ tồn tại trong tiếng Anh và ranh giới Đề – Thuyết có sự khác biệt so với tiếng việt.

Trong khi đó, vì mục đích muốn nhấn mạnh đến tham tố chỉ thời gian (từ hồi đó) trong câu tiếng Việt mà tác giả đã đưa nó lên vị trí đầu câu kết hợp với yếu tố chêm xen (ngay) làm cho tính chất nhấn mạnh càng được nâng cao đồng thời làm cho chúng giữ vai trò làm Đề. Phần Thuyết được tạo nên từ một cụm chủ - vị (mình đã biết rõ).



4.3.4.2. Phủ định sự nhấn mạnh tham tố đảo trong các quá trình

Kiểu phủ định sự nhấn mạnh nội dung thông tin liên quan đến một tham tố trong các quá trình trong câu có yếu tố chêm xen nhấn mạnh được thể hiện bằng sự xuất hiện của các yếu tố phủ định no/not ... (trong tiếng Anh) và không/chẳng... (trong tiếng Việt).



Ví dụ {4: 29}

Tiếng Anh

Tiếng Việt

Câu chứa tham tố đảo kết hợp với yếu tố chêm xen

... It was no task for him to learn to fight with cut and slash and the quick wolf snap... [4]

... Ngay cả những bức tranh cha cũng không để lại... [17]

Trong ví dụ trên, vì muốn nhấn mạnh sự phủ định đối với tham tố (task) mà tác giả đã chêm xen yếu tố phủ định (no) vào trước tham tố đảo này cùng với yếu tố chêm xen nhấn mạnh (it) tạo thành một cụm chứa tham tố đảo nhấn mạnh phủ định (It was no task for him) tương đương với cụm tham tố thứ hai (to learn to fight with cut and slash and the quick wolf snap). Tuy vậy, về phương diện cấu trúc Đề – Thuyết phần Đề vẫn được xác định chỉ bao gồm chủ ngữ giả (it). Phần còn lại trong cấu trúc chính là phần Thuyết. Trong câu tiếng Việt, yếu tố phủ định (cũng không) cũng được thêm vào để làm cho câu có mô hình phủ định sự nhấn mạnh nhưng yếu tố được nhấn mạnh (những bức tranh) kết hợp với yếu tố chêm xen nhấn mạnh (Ngay cả) tạo thành Đề đánh dấu trong cấu trúc. Phần Thuyết được thể hiện bằng một cấu trúc chuyển tác có chứa yếu tố phủ định (cha cũng không để lại).

4.3.5._1.__Khẳng_định_sự_nhấn_mạnh_đề_đánh_dấu_biểu_hiện_qua_các_tham_tố_đảo_có_yếu_tố_chêm_xen_phụ_trợ'>4.3.5. Kiểu 5: Nhấn mạnh đề đánh dấu biểu hiện qua các tham tố đảo có yếu tố chêm xen phụ trợ (cấu trúc câu)

Chúng tôi cũng tìm thấy sự khác biệt xét trên cả mặt định tính lẫn định lượng đối với kiểu loại này trong cả hai ngôn ngữ. Trong tiếng Anh, yếu tố chêm xen khi kết hợp với tham tố đảo phải thông qua quá trình quan hệ (be) và tạo nên phần Đề, tham tố còn lại thường được thể hiện bằng một cấu trúc chuyển tác và đóng chức năng làm phần Thuyết. Đối với tiếng Việt, yếu tố chêm xen có thể kết hợp với tham tố đảo mà không cần thông qua quá trình quan hệ và tạo nên phần Đề, tham tố còn lại làm phần Thuyết được biểu hiện bằng một cấu trúc chuyển tác. Số liệu thu thập được cho thấy tỷ lệ câu đảo ngữ tiếng Anh chiếm 7 % và tiếng Việt chỉ chiếm 1.8 %.



4.3.5.1. Khẳng định sự nhấn mạnh đề đánh dấu biểu hiện qua các tham tố đảo có yếu tố chêm xen phụ trợ

Đối với kiểu khẳng định sự nhấn mạnh ở chủ đề đánh dấu biểu hiện qua các tham tố đảo có yếu tố chêm xen phụ trợ (cấu trúc câu) trong tiếng Anh và tiếng Việt chúng tôi nhận thấy một số điểm khác biệt đáng lưu ý sau:



Trong tiếng Anh, qua nguồn ngữ liệu khảo sát được, chúng tôi nhận thấy tham tố mang tính “tiền đảo” được kết hợp với yếu tố chêm xen nhấn mạnh (it) thông qua quá trình quan hệ “be” luôn được biểu hiện dưới dạng một (cụm) danh ngữ. Các yếu tố này kết hợp với nhau tạo thành Đề đánh dấu. Một thành phần bắt buộc phải tồn tại trong kiểu này là yếu tố chu cảnh được biểu hiện bằng liên từ “that”. Ở vị trí tiếp theo là một cấu trúc chuyển tác được biểu hiện thông qua cụm trật tự chủ – vị làm nên phần Thuyết.

Đối với tiếng Việt, tham tố mang tính “tiền đảo” được kết hợp với yếu tố chêm xen nhấn mạnh (chính/ngay cả) thông qua quá trình quan hệ “là/thì” luôn được biểu hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau: đó có thể là một (cụm)danh/động/giới/trạng/tính ngữ... Các yếu tố này kết hợp và tạo thành Đề ngữ có đánh dấu. Vị trí tiếp theo tham tố đảo này là một cấu trúc chuyển tác trong đó các tham tố và quá trình có thể hoán đổi vị trí cho nhau cùng tồn tại trong phần Thuyết.

Ví dụ {4: 30}

Tiếng Anh

Tiếng Việt

Câu chứa tham tố đảo kết hợp với yếu tố chêm xen (cấu trúc câu)

... It was the cherished belief of each that he did more than his share of the work, and neither forbore to speak this belief at every opportunity...[4]

... Chính là ở cái lúc tưởng như tuyệt vọng này, trong Pao lại dâng lên một niềm khát khao sống thật mạnh mẽ... [11]

Ví dụ trên cho thấy, trong tiếng Anh, tham tố đảo và cũng là thông tin được nhấn mạnh chính là cụm the cherished belief of each. Nó được kết hợp với yếu tố nhấn mạnh (it) và quá trình quan hệ (was) tạo thành Đề ngữ trong cấu trúc. Vị trí tiếp theo là yếu tố chu cảnh that và một cấu trúc chuyển tác được biểu hiện qua các quá trình vật chất, tinh thần, hành vi... theo trật tự chuẩn mực nhất định (he did more than his share of the work, and neither forbore to speak this belief at every opportunity) làm thành Thuyết nhằm thuyết giải cho Đề.

Trong câu tiếng Việt, tham tố đảo và được nhấn mạnh là một trạng ngữ (ở cái lúc tưởng như tuyệt vọng này), cùng với yếu tố nhấn mạnh (chính) và quá trình quan hệ (là) tạo thành Đề đánh dấu. Phần Thuyết bao gồm một cấu trúc chuyển tác có trật tự đảo quá trình vật chất (dâng lên) và Hành thể (một niềm khát khao sống) cùng với các chu cảnh tùy chọn.



4.3.5.2. Phủ định sự nhấn mạnh đề đánh dấu biểu hiện qua các tham tố đảo có yếu tố chêm xen phụ trợ

Kiểu phủ định sự nhấn mạnh liên quan đến một tham tố trong các quá trình trong câu có yếu tố chêm xen nhấn mạnh (cấu trúc câu) cũng được thể hiện bằng sự xuất hiện của các yếu tố phủ định no/not ... (trong tiếng Anh) và không/chẳng... (trong tiếng Việt). Tuy nhiên, vị trí của các yếu tố phủ định được thêm vào có sự khác nhau giữa hai ngôn ngữ. Từ đó, cấu trúc mới được sản sinh ra cung có sự khác nhau giữa hai ngôn ngữ.

Thông thường, yếu tố phủ định (no/not) trong tiếng Anh được thêm vào trước tham tố đảo được nhấn mạnh và sau cụm yếu tố chêm xen nhấn mạnh (it) và quá trình quan hệ (be). Yếu tố phủ định (không/chẳng...) có thể được thêm vào ở những vị trí khác nhau trong câu tiếng Việt vì tiếng Việt là ngôn ngữ không biến hình. Các yếu tố ngôn ngữ ít bị ràng buộc và qui định lẫn nhau.

Tiểu kết

Chương bốn đã tập trung trình bày và nêu bật những nét tương đồng cũng như những điểm khác biệt của câu đảo ngữ tiếng Anh và tiếng Việt trên cả năm kiểu loại cơ bản: Nhấn mạnh nhằm hàm ý đối lập một tham tố được đảo làm phần Đề đánh dấu trong câu có thành phần câu đảo không có yếu tố phụ trợ; nhấn mạnh đề đánh dấu biểu hiện qua các tham tố Bị thể, Lợi thể, Tiếp thể, Hiện tượng, Phát ngôn, và Tiếp ngôn thể đảo trong câu bị động có yếu tố phụ trợ; nhấn mạnh đề đánh dấu biểu hiện qua các tham tố đảo thuộc quá trình hiện hữu trong câu tồn tại có thành phần đảo về phía sau; nhấn mạnh đề đánh dấu biểu hiện qua các tham tố đảo trong cấu trúc câu có thành phần đảo về phía trước; và nhấn mạnh đề đánh dấu biểu hiện qua các tham tố đảo có yếu tố chêm xen phụ trợ (cấu trúc câu). Ở mỗi kiểu, chúng tôi đã nêu bật những điểm tương đồng và những nét khác biệt giữa hai ngôn ngữ. Chúng tôi đã tìm thấy sự khác biệt nhiều hơn sự tương đồng trong cấu trúc đảo ngữ của hai ngôn ngữ về mặt định tính và định lượng. Sự khác biệt lớn nhất là đảo ngữ tiếng Anh có các cấu trúc đảo bán phần, còn đảo ngữ tiếng Việt không có hiện tượng này. Cấu trúc đảo ngữ tiếng Anh có sự đa dạng hơn về chức năng nghĩa biểu hiện. Nhiều quá trình chuyển tác tham gia vào cấu trúc đảo ngữ tiếng Anh hơn trong tiếng Việt. Đặc biệt hơn, chúng tôi tìm thấy vai trò của các tác tử tình thái trong tiếng Anh rất quan trọng. Đảo ngữ tiếng Anh chịu sự chi phối rất lớn từ các tác tử tình thái trên cả ba chức năng biểu hiện của câu là nghĩa biểu hiện, nghĩa liên nhân, và nghĩa văn bản. Trong khi đó, đảo ngữ trong tiếng Việt không có sự ảnh hưởng này.

Có thể nói, câu đảo ngữ trong tiếng Anh và trong tiếng Việt có những nét tương đồng cũng như sự khác biệt về mọi phương diện. Điều này cũng dễ dàng nhận thấy bởi mỗi ngôn ngữ trên thế giới đều có những nét đặc trưng riêng... Thậm chí người ta vẫn có thể tìm thấy sự khác biệt ngay trong sự tương đồng.

Dựa vào cấu trúc Chủ - Vị (C-V), có thể nhận thấy câu đảo ngữ trong tiếng Anh được phân thành hai loại cụ thể là: đảo toàn phần và đảo bán phần. Trong khi đó, đảo ngữ tiếng Việt chỉ tồn tại loại cấu trúc đảo toàn phần vì tiếng Việt là ngôn ngữ không biến hình, động từ trong tiếng Việt không có hiện tượng chia Thì như trong tiếng Anh. Nếu quan sát trật tự của ngữ đoạn vị từ và danh ngữ trong vị ngữ làm Thuyết của câu, có thể nhận thấy một số cấu trúc đảo toàn phần trong tiếng Anh tương đương với tiếng Việt.

Về mặt định tính, sự khác biệt về cấu trúc đảo ngữ giữa hai ngôn ngữ lớn hơn là sự tương đồng.

Cấu trúc đảo ngữ là cấu trúc mang chủ đề được đánh dấu. Do đó, ngữ cảnh cho phép sử dụng câu trần thuật có cấu trúc đảo hạn hẹp hơn so với các loại cấu trúc thông thường khác. Nhìn chung, cấu trúc đảo ngữ được sử dụng nhiều trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật bởi chức năng vốn có của câu đảo ngữ là biểu đạt cảm xúc, tạo ấn tượng, nhấn mạnh đối với người đọc/nghe. Hơn nữa, tiếng Việt còn có những cấu trúc đảo với vị từ miêu tả là những từ chỉ âm thanh, màu sắc, hình dáng. Vì vậy, đảo ngữ trong tiếng Việt có khả năng miêu tả sự vật, hiện tượng hay con người một cách sống động và phong phú hơn trong tiếng Anh.
KẾT LUẬN
Từ việc phân tích và miêu tả câu đảo ngữ tiếng Anh và tiếng Việt ở chương 2 và chương 3, và việc so sánh đối chiếu câu đảo ngữ giữa hai ngôn ngữ này trên ba bình diện nghĩa biểu hiện thông qua cấu trúc chuyển tác các quá trình, nghĩa tình thái và cấu trúc đề – thuyết theo hướng tiếp cận ngữ pháp chức năng hệ thống của MAK. Halliday, luận án đi đến những kết luận sau:

1. Đảo ngữ tiếng Anh và tiếng Việt là hiện tượng ngữ pháp được sử dụng khá phổ biến trong quá trình học tập, giảng dạy cũng như trong giao tiếp hàng ngày. Kết quả khảo sát cho thấy đảo ngữ luôn có sự đa dạng về cấu trúc và linh hoạt trong quá trình vận dụng bởi nó đề cập đến hiện tượng không theo qui tắc trong câu. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng ngôn ngữ của người nói/viết (mục đích phát ngôn) trong những hoàn cảnh nhất định mà người nói/viết sản sinh ra những kiểu lời nói/ phát ngôn nhất định và không bị lệ thuộc vào các nguyên tắc ngôn ngữ.



2. Dựa vào việc tổng hợp, phân tích các nguồn ngữ liệu thu thập được, chúng tôi đã tổng hợp được năm kiểu khái quát về các hình thức đảo ngữ trong tiếng Anh cũng như tiếng Việt. Luận án đã chứng minh sự thay đổi trật tự các vai nghĩa thông qua sự thể hiện các cấu trúc chuyển tác các quá trình. Tương ứng với mỗi kiểu câu đảo ngữ, chúng tôi đã miêu tả và phân tích hiện tượng đảo ngữ trên ba hình thức chủ yếu: Khẳng định sự nhấn mạnh phần đề đánh dấu biểu hiện qua các tham tố được đảo trong các quá trình; Phủ định sự nhấn mạnh phần đề đánh dấu biểu hiện qua các tham tố được đảo trong các quá trình; và nghi vấn sự nhấn mạnh phần đề đánh dấu biểu hiện qua các tham tố được đảo trong các quá trình.

3. Căn cứ vào kết quả khảo sát, xét về phương diện nghĩa của câu với chức năng biểu hiện chúng tôi nhận thấy: Câu đảo ngữ trong tiếng Anh cũng như tiếng Việt được thể hiện trên tất cả các cấu trúc chuyển tác thông qua các quá trình vật chất, quá trình hành vi, quá trình phát ngôn, quá trình tinh thần, quá trình quan hệ và quá trình tồn tại.

4. Xét trên bình diện nghĩa của câu với chức năng là lời trao đổi, câu đảo ngữ trong tiếng Anh cũng như tiếng Việt đều thể hiện tinh thần, thái độ và là sự tương tác giữa người nói/viết và người nghe/đọc. Ngôn ngữ được xem là công cụ để biểu hiện hành vi, cảm xúc, nhưng đồng thời cũng được xem là một hành động của con người. Nghĩa tình thái được các nhà ngôn ngữ học Anh và Việt có chung một quan niệm là các ý nghĩa thể hiện mục đích phát ngôn của người nói, hay nói theo lý thuyết hành vi ngôn ngữ, kiểu mục đích tại lời mà người nói thực hiện (hỏi, ra lệnh, yêu cầu, bác bỏ, khuyên, mời...) gắn trực tiếp với chiều tương tác liên nhân của giao tiếp, với kiểu tác động của người nói đến người đối thoại. Câu có trật tự cú pháp đảo ngược thường gắn với dụng ý mang tính cá nhân. Nói cách khác, nó hình thành do những mục đích riêng của người nói/viết. Bình diện nghĩa liên nhân của câu đảo ngữ tiếng Anh và tiếng Việt đều thể hiện ở tính nhấn mạnh vì nhấn mạnh liên quan đến sự tác động của người nói/viêt đối với người nghe/đọc. Loại nhấn mạnh này bao hàm mối quan hệ người nói - người nghe và liên quan đến sự xúc cảm hay sự mong đợi. Nó làm nổi bật một bộ phận thông tin mà người nói cho là gây ngạc nhiên đối với người nghe, hoặc nó có thể báo cho người nghe biết rằng người nói đang có những xúc cảm mạnh mẽ.

5. Tiếng Anh có cấu trúc đảo ngữ đối với chủ ngữ giả “there” trong sơ đồ nhấn mạnh chủ đề đánh dấu biểu hiện qua các tham tố đảo thuộc quá trình tồn tại trong câu tồn tại có thành phần đảo về phía sau, và chủ ngữ giả “it” xuất hiện trong các mô hình nhấn mạnh chủ đề đánh dấu biểu hiện qua các tham tố đảo trong cấu trúc câu có thành phần đảo về phía trước và nhấn mạnh chủ đề đánh dấu biểu hiện qua các tham tố đảo có yếu tố chêm xen phụ trợ (cấu trúc câu). Trong khi đó, tiếng Việt không có các chủ ngữ giả này. Chúng tôi cũng tìm thấy sự khác biệt khi xác định vị từ tồn tại trong kiểu nhấn mạnh chủ đề đánh dấu biểu hiện qua các tham tố đảo thuộc quá trình tồn tại trong câu tồn tại có thành phần đảo về phía sau trong tiếng Việt. Cụ thể là vị từ tồn tại trong tiếng Việt có sự đa dạng hơn về thể loại khi nó được xác định bao gồm cả các từ biểu thị ý nghĩa tồn tại như: có, còn..., từ chỉ tư thế sự vật như: treo, nằm, ngồi..., các từ chỉ lượng như: nhiều, ít, đầy..., các từ tượng thanh hay tượng hình như: nhao nhao, bồm bộp ...

6. Trong tiếng Anh, khi biểu hiện nghĩa liên nhân, thái độ nghi vấn được nhận diện nhờ việc đảo trật tự vị trí của chủ ngữ và động từ. Hình thức biểu hiện nghĩa liên nhân của câu thông qua sự hiện diện của thành phần Thức với hai tiểu thành phần là Chủ ngữ và tác tử Hữu định. Trật tự của Chủ ngữ và Hữu định hiện thực hóa các cấu trúc đảo ngữ trong tiếng Anh về phương diện nghĩa liên nhân. Xét trên phương diện nghĩa liên nhân, đảo ngữ tiếng Anh bắt buộc phải có sự thể hiện của thành phần Hữu định đứng trước Chủ ngữ trong câu.

Thành phần Hữu định có chức năng làm cho nhận định trở nên hữu định. Nó đưa nhận định trở lại thực tế, chịu sự chi phối của con người và khiến con người phải có sự trao đổi với nhau. Tính Hữu định trong tiếng Anh được diễn đạt thông qua các tác tử động từ có thể là thời gian, có thể là tình thái. Các tác tử thời gian được phân chia thành ba giai đoạn: quá khứ, hiện tại và tương lai. Các tác tử tình thái được phân chia thành ba cấp độ: thấp, trung bình và cao. Trong tiếng Việt các tác tử tình thái không bị chia theo ngôi và số vì tiếng Việt là ngôn ngữ không biến hình và biến cách.

7. Việc nắm vững và sử dụng hiệu quả các cấu trúc đảo ngữ sẽ giúp người học đa dạng hóa và làm phong phú thêm cách diễn đạt ngôn ngữ nhằm phục vụ cho những mục đích giao tiếp nhất định. Chúng tôi tin rằng kết quả của luận án sẽ góp phần giúp những người dạy và học tiếng Anh cơ sở để hiểu thấu đáo hơn về sự đa dạng của các loại câu đảo ngữ trong tiếng Anh và tiếng Việt.

Sau cùng, chúng tôi thấy có một vài vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu như sau:

Đảo ngữ trong các thể loại văn bản khác nhau.

Đảo ngữ theo hướng tiếp cận ngôn ngữ học tri nhận.



Luận án là kết quả nghiên cứu trong một thời gian dài với nhiều nỗ lực và sự cố gắng liên tục của chúng tôi. Tuy nhiên, những thiếu sót là không thể tránh khỏi. Chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của các Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà ngôn ngữ học, các đồng nghiệp và những người quan tâm đến đề tài.


tải về 2.93 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương