BỘ CÔng an số: 411/bc-bca cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 40.99 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích40.99 Kb.
#4150


BỘ CÔNG AN


Số: 411/BC-BCA



CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2015

BÁO CÁO

Sơ kết thi hành Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất
Ngày 02/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2013/NĐ-CP quy định quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất (Nghị định số 112/2013/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành từ ngày 17/11/2013. Sau hai năm triển khai thực hiện, Nghị định số 112/2013/NĐ-CP đã đạt được những kết quả nhất định giúp cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính, xác minh tình tiết của vụ vi phạm, trên cơ sở đó làm căn cứ quyết định xử lý công minh, triệt để, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quyết định xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thi hành Nghị định số 112/2013/NĐ-CP cũng gặp những khó khăn, vướng mắc làm hạn chế hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính. Để đánh giá những kết quả đạt được và khó khăn, vướng mắc rút ra nguyên của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 112/2013/NĐ-CP, Bộ Công an tiến hành sơ kết hai năm triển khai thi hành Nghị định số 112/2013/NĐ-CP, kết quả như sau:

I. CÔNG TÁC TRIỂN KHAI VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN:

1. Công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 112/2013/NĐ-CP

Ngay sau khi Nghị định số 112/2013/NĐ-CP được ban hành, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động cập nhật và kịp thời tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị, trong đó, tập trung chủ yếu vào lực lượng quản lý hành chính về trật tự xã hội và các đơn vị nghiệp vụ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng tích cực phối hợp với chính quyền cơ sở tuyên truyền, phổ biến thông qua hệ thống loa tuyên truyền tại địa bàn cơ sở nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân. Các nội dung trọng tâm được phổ biến, quán triệt bao gồm quy định về tạm giữ, áp giải người theo thủ tục hành chính, áp dụng hình thức xử phạt trục xuất và người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo quy định của pháp luật. Qua triển khai, cán bộ, chiến sĩ đã nắm được nội dung cơ bản của Nghị định, trình độ nhận thức pháp luật được nâng lên.



2. Công tác giám sát, kiểm tra thực hiện Nghị định số 112/2013/NĐ-CP

Lãnh đạo Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương đã quan tâm, chỉ đạo đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp nêu trên.

Các biện pháp giám sát, kiểm tra được thực hiện thông qua Báo cáo định kỳ 06 tháng, 01 năm về tình hình xử lý vi phạm hành chính; hoạt động kiểm tra hồ sơ, kết quả công tác đột xuất, định kỳ của các đơn vị nghiệp vụ; công tác đăng ký hồ sơ nghiệp vụ của các đơn vị…

Qua triển khai thực hiện tại nhiều địa phương cho thấy biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính là biện pháp thường xuyên được áp dụng, chiếm tỷ lệ cao; Công an các đơn vị, địa phương thường xuyên theo dõi, tập hợp, bảo đảm xử lý đúng các hành vi vi phạm, vận dụng đúng pháp luật, không để sót hành vi vi phạm; hồ sơ xử lý vi phạm đều được lập, quản lý và lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ và quy định của ngành, phục vụ tốt công tác nghiên cứu và khai thác.



3. Thực tiễn áp dụng biện pháp tạm giữ, áp giải người theo thủ tục hành chính và áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo quy định của Nghị định số 112/2013/NĐ-CP

Sau hai năm triển khai thi hành Nghị định số 112/2013/NĐ-CP, công tác tạm giữ người theo thủ tục hành chính, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính của Công an các đơn vị, địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, phòng ngừa tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, kết quả như sau:

- Tạm giữ người theo thủ tục hành chính (Điều 11 Nghị định số 112/2013/NĐ-CP) là 4.093 người, trong đó, tập trung chủ yếu vào trường hợp tạm giữ người do hành vi gây rối trật tự công cộng (Khoản 1) và gây thương tích cho người khác (Khoản 2); trường hợp áp dụng tạm giữ người theo Khoản 3 Điều 11 (Người có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều 20 Luật phòng, chống bạo lực gia đình và Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống bạo lực gia đình) là rất ít. Một số địa phương có trường hợp tạm giữ nhiều như Bình Dương (289 người), Bắc Ninh (310 người), Hà Nội (1.034 người), Kiên Giang (415 người).

- Áp giải người vi phạm (Điều 24 Nghị định số 112/2013/NĐ-CP) là 392 người, trong đó tập trung chủ yếu vào trường hợp áp giải người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính (Điểm a Khoản 1) và đưa trở lại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 2 Điều 132 Luật xử lý vi phạm hành chính (Điểm b Khoản 1). Một số địa phương có trường hợp áp giải người vi phạm nhiều như Cao Bằng (38 người), Hà Nội (38 người), Hậu Giang (43 người), Quảng Ngãi (38 người).

- Áp dụng hình thức xử phạt trục xuất là 217 người, trong đó tập trung chủ yếu tại các địa phương như Lào Cai (96 người), thành phố Hồ Chí Minh (91 người).

- Trường hợp người nước ngoài bị tạm giữ theo thủ tục hành chính ít được áp dụng.



4. Đánh giá chung về kết quả thực hiện Nghị định số 112/2013/NĐ-CP

Việc triển khai thực hiện các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 112/2013/NĐ-CP được Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, kịp thời. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thường xuyên được lãnh đạo các đơn vị quan tâm chỉ đạo. Cán bộ, chiến sĩ trong quá trình giải quyết vụ việc cũng có sự giải thích, thông báo đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, bị áp giải để chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Nhìn chung, việc áp dụng các biện pháp tạm giữ, áp giải người theo thủ tục hành chính và áp dụng hình thức xử phạt trục xuất trong thời gian qua được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, không có trường hợp vi phạm dẫn đến bị khiếu nại, tố cáo. Các đơn vị nghiệp vụ luôn nâng cao tinh thần, trách nhiệm, khắc phục các khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ; qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.



II. KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VÀ NGUYÊN NHÂN

Nghị định số 112/2013/NĐ-CP đã cụ thể hóa các biện pháp xử phạt trục xuất, tạm giữ người theo thủ tục hành chính, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành các biện pháp nêu trên vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc, một số quy định chưa phù hợp, chưa đáp ứng tình hình thực tế, cụ thể như:



a) Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính

Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 112/2013/NĐ-CP có 03 loại hành vi được áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính đó là: gây rối trật tự công cộng; gây thương tích cho người khác; người có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều 20 Luật phòng, chống bạo lực gia đình và Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều hành vi vi phạm hành chính xảy ra cần được ngăn chặn, xử lý, xác minh nhưng không thuộc các trường hợp được tạm giữ hành chính, trong khi các trường hợp này chưa đủ căn cứ để áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác, gây khó khăn cho công tác xác minh và xử lý tiếp theo. Có thể kể đến một số hành vi vi phạm như: đánh bạc, tàng trữ trái phép chấp ma túy, trộm cắp tài sản, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ… chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, các đối tượng không có nơi cư trú ổn định; vụ, việc cần định giá tài sản, xác minh, thu thập chứng cứ, làm rõ mức độ vi phạm mới đủ căn cứ, quyết định mức độ xử lý, cần phải thực hiện việc tạm giữ hành chính để xác minh, củng cố tài liệu, hồ sơ và các hành vi vi phạm khác nhưng lại không được tạm giữ hành chính, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 122 Luật xử lý vi phạm hành chính là không quá 12 giờ, trường hợp cần thiết thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm, nhưng thực tế cho thấy có nhiều trường hợp vi phạm cần xác minh, làm rõ nhân thân, chứng cứ và hồ sơ liên quan đến đối tượng vi phạm thì thời hạn tạm giữ như trên là không đủ để cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục cần thiết, gây khó khăn cho các lực lượng trong việc quản lý đối tượng vi phạm và áp dụng các hình thức xử lý thay thế khác.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tạm giữ theo thủ tục hành chính, hiện nay, Công an các đơn vị, địa phương nhiều nơi chưa có nhà tạm giữ phục vụ công tác tạm giữ hành chính, một số trường hợp phải tạm giữ hành chính ở phòng làm việc; ở đơn vị có buồng tạm giữ hành chính thì cơ sở vật chất còn chưa bảo đảm; chế độ, chính sách đối với người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính còn chưa có hướng dẫn cụ thể để áp dụng.



b) Về áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính

Việc áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính đã được quy định cụ thể tại Mục 2 Chương III Nghị định số 112/2013/NĐ-CP, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ thường sử dụng phương pháp tuyên truyền, giải thích, vận động để đối tượng vi phạm tự nguyện chấp hành yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Trong một số trường hợp đối tượng có hành vi chống đối, cán bộ, chiến sĩ mới phải áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc đối tượng chấp hành. Tuy nhiên, để giúp các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ thực hiện tốt các quy định về áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình áp giải người vi phạm giúp cho các lực lượng thuận lợi hơn trong quá trình công tác, xử lý giải quyết tốt các tình huống đột xuất có thể xảy ra trên thực tế.



c) Về hình thức xử phạt trục xuất

Qua thực tiễn triển khai cho thấy việc áp dụng hình thức xử phạt còn một số vướng mắc như trường hợp người nước ngoài phải thi hành án phạt tù, sau khi mãn hạn tù sẽ bị trục xuất nhưng phải chờ làm các thủ tục liên quan về hộ chiếu, thị thực, mua vé máy bay… nên cần thời gian để thực hiện. Trong khi đó, việc quản lý người nước ngoài trong thời gian này chưa có hướng dẫn cụ thể, nhiều trường hợp họ vẫn phải ở trong khuôn viên của trại tạm giam trong lúc chờ xuất cảnh.



III. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

Để thực hiện tốt các quy định của pháp luật về áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, tạm giữ người theo thủ tục hành chính, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

1. Thực hiện sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 112/2013/NĐ-CP về biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính, theo đó, có thể mở rộng phạm vi đối tượng bị tạm giữ theo thủ tục hành chính đối với các hành vi vi phạm khác chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự như đánh bạc, trộm cắp tài sản, chống người thi hành công vụ… nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn hiện nay.

2. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành đối với các trường hợp đặc biệt như: hướng dẫn việc thi hành hình phạt trục xuất đối với các đối tượng người nước ngoài không có kinh phí để rời khỏi Việt Nam; trường hợp không xác định được quốc tịch của người nước ngoài bị trục xuất; hướng dẫn về quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ cho công tác trục xuất hoặc buộc xuất cảnh…

3. Bổ sung kinh phí xây dựng nhà tạm giữ theo thủ tục hành chính và tăng cường cơ chế, chính sách và trang thiết bị cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính.

4. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là các chế tài áp dụng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, phòng ngừa tội phạm; đồng thời, phải tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế, cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng khác có liên quan để nâng cao trình độ, kinh nghiệm, cập nhật kịp thời các quy định pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm hành chính.

Trên đây là Báo cáo sơ kết hai năm thi hành Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 quy định quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.

Nơi nhận:

- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);

- Đ/c Bộ tr­ưởng (để báo cáo);

- Các đ/c Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);

- Văn phòng Chính phủ;

- Các Tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ Công an (để t/h);

- Công an các tỉnh, tp trực thuộc Trung ương (để t/h);

- L­­ưu: VT, V19.



KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

Thượng tướng Bùi Văn Nam




Каталог: tintuc -> Lists -> ChiDaoDieuHanh -> Attachments
Attachments -> ĐẢng bộ khối các cơ quan tw
Attachments -> BỘ TÀi chính cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> Điều Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 103/2013/NĐ-cp ngày 12/9/2013 quy định về xử phạt VI phạm hành chính trong hoạt động thủy sản
Attachments -> Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2016
Attachments -> BỘ TƯ pháp số: 1215/btp-pbgdpl v/v tăng cường quản lý về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> BỘ TƯ pháp cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng số: 1470/tb-vp cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> DỰ thảO ngày 16/12/2014
Attachments -> VĂn phòng số: 1503/vp-tv về việc giới thiệu sách tiếng Việt mới tại Thư viện CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 40.99 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương