An ninh lưƠng thực thực phẩm và dinh dưỠng ở việt nam trong bối cảnh biếN ĐỔi khí HẬU, NĂng lưỢng sinh học và khủng hoảng tài chính toàn cầu hoặc: nguy cơ MẤt an ninh thực phẩm do các biếN ĐỘng về TỰ nhiên và kinh tế XÃ HỘI



tải về 110.35 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích110.35 Kb.
#19206
AN NINH LƯƠNG THỰC - THỰC PHẨM VÀ DINH DƯỠNG Ở VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, NĂNG LƯỢNG SINH HỌC VÀ KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU

Hoặc: NGUY CƠ MẤT AN NINH THỰC PHẨM

DO CÁC BIẾN ĐỘNG VỀ TỰ NHIÊN VÀ KINH TẾ XÃ HỘI

Phạm Thị Lan Anh1, Phạm Văn Hoan2, Nguyễn Đức Minh3

1 Ths. Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, 2 PGS. TS. , 3 Ths. Viện Dinh dưỡng - Bộ Y tế

I. Giới thiệu

An ninh thực phẩm (ANTP) là một vấn đề mang tính toàn cầu. Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp Quốc năm 1948 “mỗi người đều có quyền hưởng tiêu chuẩn sống đầy đủ về thể chất và phúc lợi của bản thân và gia đình, bao gồm lương thực và thực phẩm” trên thực tế cho đến ngày nay mới chỉ được cải thiện một phần. Tình trạng đói lương thực và thiếu các thực phẩm cần thiết hay được gọi là tình trạng mất an ninh thực phẩm đã và đang còn là thách thức lớn đối với toàn nhân loại. ANTP đã được đặc biệt quan tâm sau cuộc khủng hoảng lương thực Thế giới 1972-1974 và nạn đói ở Châu Phi 1984-1985. Ban đầu, an ninh thực phẩm (ANTP) chủ yếu chỉ được phân tích ở cấp Quốc gia và Quốc tế. Nhưng ngay từ những năm 80 của thế kỷ XX, ANTP đã được xem xét ở mức hộ gia đình và cá thể, phân tích khả năng tiếp cận với đầy đủ thực phẩm đa dạng và an toàn cho mọi thành viên gia đình ở mọi nơi mọi lúc để đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe tốt (1, 3, 4). Theo tổ chức nông nghiệp và thực phẩm của Liên hợp quốc (FAO), con người có dinh dưỡng và sức khỏe tốt vừa là biểu hiện sự thành công của công cuộc phát triển kinh tế xã hội, đồng thời cũng là đầu vào thiết yếu cho quá trình phát triển.

Mặc dù nền kinh tế Thế giới không ngừng phát triển, lương thực thực phẩm dồi dào có thể thỏa mãn nhu cầu ăn uống cho mọi người, nhưng vẫn còn những bộ phận lớn dân cư ở các nước đang phát triển, như châu Phi, châu Á và châu Mỹ la tinh vẫn không đủ thực phẩm để đảm bảo nhu cầu năng lượng và protein, dẫn đến suy dinh dưỡng protein-năng lượng (PEM) và thiếu vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển dẫn đến các bệnh thiếu vi chất dinh dưỡng (thiếu I ốt và bướu cổ, thiếu Vitamin A và khô mắt, thiếu máu do thiếu sắt,…). Hội nghị thượng đỉnh về dinh dưỡng tại Roma tháng 12/1992 (2) đã xác định nghèo và thiếu kiến thức là các nguyên nhân hàng đầu của nạn đói và suy dinh dưỡng - một thảm họa của loài người. Bên cạnh đó, hàng trăm triệu người mắc các bệnh mạn tính không lây do thừa ăn và ăn uống không hợp lý. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do phân phối lương thực thực phẩm không đồng đều, hay quyền được hưởng lương thực thực phẩm chưa được thực hiện một cách công bằng. Hội nghị đã ra lời kêu gọi toàn Thế giới tập trung nhân tài vật lực để cải thiện tình trạng ANTP, thanh toán nạn đói và suy dinh dưỡng (SDD) - niềm hổ thẹn của Thế giới văn minh và phát triển. Tiếp sau đó, Hội nghị thượng đỉnh về LTTP thế giới, tổ chức ở Roma tháng 11/1996 với sự tham gia của hơn 100 người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ đã thông qua Tuyên bố Roma và Kế hoạch hành động 7 điểm nhằm chống lại đói nghèo và SDD, cam kết hướng tới an ninh lương thực quốc gia và toàn cầu và khẳng định "Quyền có lương thực và không bị đói là một trong những quyền cơ bản của con người".

Ở Việt nam từ năm 1993-1994 với sự hỗ trợ kỹ thuật của FAO, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn (MARD) đã phối hợp với các ngành liên quan xây dựng chương trình ANTP quốc gia. Sau hơn 20 năm đổi mới, sản xuất LTTP nói chung và lương thực nói riêng Việt Nam đã xác định đảm bảo ANTP Quốc gia. Đại hội Đảng lần thứ 8 chỉ rõ "Phát triển nông nghiệp toàn diện hướng vào đảm bảo ANLT Quốc gia trong mọi tình huống, tăng nhanh nguồn thực phẩm và rau quả, cải thiện chất lượng bữa ăn, giảm SDD".

Mục tiêu chiến lược ANLT quốc gia đến năm 2020 là: “Đảm bảo vững chắc ANLT ở từng hộ gia đình và trên phạm vi toàn quốc trong mọi tình huống bằng việc đẩy mạnh phát triển sản xuất lương thực, chủ yếu là lúa và ngô trên cơ sở ổn định diện tích đất lúa nước, tăng cường thâm canh tăng năng suất, sản lượng, tăng hiệu quả và thu nhập cho người sản xuất LT, tăng khả năng tiếp cận đủ lương thực của mọi người dân trong mọi tình huống”.

II. Các biến động tự nhiên và xã hội gây mất ANTP:

Hiện nay, ở tầm quốc gia, nước ta đã có được an ninh lương thực, nhưng có thể nói chưa đảm bảo chắc chắn an ninh thực phẩm hộ gia đình và cá thể đặc biệt là an ninh dinh dưỡng (ANDD). Nguy cơ mất ANTP và dinh dưỡng hộ gia đình càng cao trong bối cảnh thay đổi khí hậu năng lượng sinh học và khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trước hết, thay đổi khí hậu và năng lượng sinh học đã và đang tạo ra vô số thảm họa thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, động đất, dịch bệnh và quan trọng hơn là thay đổi hệ sinh vật và sinh thái. Điều đó, lẽ tự nhiên sẽ cùng với sự tàn phá (cả vô tình lẫn hữu ý) của con người như săn thú, phá rừng, nhiều đất đai chuyển từ nông nghiệp sang sản xuất nhiên liệu, dân số tăng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vấn nạn khói, bụi và nước thải, ... làm xuống cấp và hủy hoại môi trường. Nhất là gần đây, khủng khoảng năng lượng và tài chính đã gây ra không ít khó khăn cho việc sản xuất lương thực thực phẩm, giá lương thực tỷ lệ thuận với giá năng lượng lên cao, nguồn dự trữ lương thực thế giới giảm thấp kỷ lục. Như là hậu quả tất yếu, hàng loạt vấn đề về an ninh lương thực thực phẩm, dinh dưỡng và sức khỏe đã và đang đe dọa tính mạng và đời sống của nhân loại, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, mà theo dự báo của Liên Hợp quốc, Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng nước biển dâng cao.

Bằng chứng của mất ANTP và dinh dưỡng hộ gia đình ở Việt nam là hiện nay vẫn còn một bộ một phận lớn các hộ gia đình nghèo (khoảng 3 triệu người), tỷ lệ thiếu dinh dưỡng (thường được gọi là SDD) trẻ em và bà mẹ vẫn rất cao, nhất là ở các vùng sâu, xa, và những vùng hay gặp thiên tai. SDD và bệnh tật càng thể hiện rõ rệt trong hoặc sau thiên tai như bão, lũ lụt, lốc xoáy, hạn hán, đặc biệt là trong bối cảnh thay đổi khí hậu, năng lượng sinh học và khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ví dụ mới nhất là những cơn lũ quét và bão lụt vừa qua (ở Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Tĩnh, …) đã làm hàng trăm người bị chết và mất tích, hàng nghìn ngôi nhà bị cuốn phăng hoặc bị hủy hoại, tổn thất về kinh tế hàng ngàn tỷ đồng; Một số bộ phận dân cư các tỉnh này bị cô lập và bị thiếu đói / mất ANLTTP. Sau thiên tai, nhiều người dân vốn đã nghèo lại bị nghèo thêm; Khả năng tiếp cận với thực phẩm cần thiết trở thành nỗi lo của mọi nhà và mọi người. Hậu quả nhãn tiền nhất là trẻ em và bà mẹ bị thiếu dinh dưỡng và luôn bị đe dọa của bệnh tật và tử vong. Nếu may mắn thoát khỏi SDD, thì trong tương lai những trẻ em này cũng không thể phát huy hết tiềm năng phát triển về tầm vóc thể lực cũng như trí tuệ, dẫn đến học vấn thấp, khả năng lao động cống hiến cho gia đình và xã hội sẽ thấp, đồng thời lại có nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính nguy hiểm khi trưởng thành và lại sinh ra thế hệ kế tiếp bị suy dinh dưỡng hoặc dị tật (16).

Trong khi thiếu dinh dưỡng tiếp tục còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng thì tỷ lệ thừa dinh dưỡng biểu hiện bằng thừa cân - béo phì (TC-BP), rối loạn chuyển hóa và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, ung thư, v.v. đang gia tăng rất nhanh, nhất là ở các vùng đô thị. Rõ rang là trong giai đoạn chuyển tiếp về kinh tế, Việt Nam đang phải đương đầu với gánh nặng kép về SDD.



III. Ảnh hưởng của mất ANTP đến tình trạng dinh dưỡng trẻ em và bà mẹ Việt Nam

1. Tình trạng thiếu dinh dưỡng trầm trọng ở trẻ em dưới 5 tuổi và bà mẹ

1.1. Thiếu DD ở trẻ em dưới 5 tuổi

Xét về xu hướng, tỷ lệ SDD ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua đã giảm khá nhanh (bảng 1). Tuy nhiên, theo phân loại của WHO, SDD thể nhẹ cân (từ 51,5% năm 1985 xuống còn 21,5% năm 2007) vẫn ở mức cao và SDD mạn tính - thể thấp còi (đã giảm từ xấp xỉ 60% xuống còn 34%) vẫn xếp vào loại rất cao, trong khi đó SDD cấp tính chưa giảm, vẫn còn khoảng 7%.



Bảng 1. Tiến triển tỷ lệ SDD ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam từ 1985 đến 2007 (*)

Năm

SDD thể nhẹ cân (%)

SDD thể thấp còi (%)

SDD thể gày còm (%)

1985

51,5

59,7

7,0

1990

44,9

56,5

9,3

1995

40,7

46,9

11,6

2000

33,8

36,5

8,6

2005

25,5

29,6

6,9

2007

21,2

33,9

7,1

(*) Nguồn: Số liệu giám sát DD của Viện Dinh dưỡng 1985-2007

Trong năm 2007 tỷ lệ SDD ở trẻ dưới 5 tuổi vẫn cao, SDD nhẹ cân 21,2%, đặc biệt là SDD thể thấp còi 33,9% và gầy còm cấp tính 7,1% (bảng 2). Tỷ lệ SDD cao nhất ở những vùng sâu, vùng cao hay gặp thiên tai như Tây nguyên, miền núi phía Bắc và ven biển miền Trung. Bảng 2. Tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi năm 2007 theo vùng sinh thái và theo khu vực*



SDD trẻ em theo vùng sinh thái năm 2007

N

Nhẹ cân

Tháp còi

Gầy còm

Toàn quốc Nation-wide

100.020

21,2

33,9

7,1

9 tỉnh ĐB sông Hồng Red River Delta

14.271

18.3

29,8

6,7

13 tỉnh Đông Bắc Northeast

20.168

23,8

36,2

7,6

4 tỉnh Tây Bắc Northwest

5993

27.2

37.6

7.6

6 tỉnh Bắc Trung Bộ North Central Coast

9171

25.0

36.2

7.6

6 tỉnh Nam Trung Bộ South Central Coast

9016

20.7

33.2

7.6

4 tỉnh Tây Nguyên Central Highlands

6112

31.0

42.3

7.8

9 tỉnh Đông Nam Bộ Southeast

14245

17.9

28.1

6.6

13 tỉnh ĐB sông Cửu Long Mekong River Delta

19777

20.7

30.8

7.5

SDD trẻ em theo khu vực (data 2005)*

Thành thị/Urban

19.6

21.9

4.7

Nông thôn/Rural

29.3

34.1

7.5

Chung/Total

25.2

29.6

6.9

* Nguồn: Số liệu giám sát DD hàng năm - Viện Dinh dưỡng.

Số liệu năm 2005 tại bảng 2 cũng cho thấy suy dinh dưỡng trẻ em ở nông thôn cao hơn hẳn thành phố. Căn cứ vào tỷ lệ SDD năm 2007, ước tính trong tổng số 9.400.000 trẻ dưới 5 tuổi ở Việt Nam có khoảng gần 2.000.000 bị SDD nhẹ cân, 3.200.000 trẻ bị SDD thấp còi và 630.000 trẻ bị SDD gầy còm do thiếu/đói hoặc mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính.



1.2. Thiếu DD ở bà mẹ có con dưới 5 tuổi

Tỷ lệ bà mẹ bị thiếu năng lượng trường diễn (CED) vẫn còn rất cao, 22,6%, tập trung chủ yếu ở nông thôn, và cao nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng, 26% (bảng 3). Đây là nguy cơ của SDD bào thai và cân nặng sơ sinh thấp. Các nghiên cứu gần đây của Viện Dinh dưỡng đã khẳng định rằng thiếu năng lượng trường diễn của bà mẹ là một trong số các nguyên nhân dẫn đến SDD trẻ em.



Bảng 3. Tình trạng thiếu và thừa dinh dưỡng của bà mẹ có con dưới 5 tuổi theo vùng sinh thái và theo khu vực năm 2007

Vùng - Region/ Khu vực - Area

Thiếu DD: CED (%)

Thừa DD: TC-BP (%)

ĐB sông Hồng Red River Delta

26.1

1.7

Đông Bắc Northeast

23.8

1.1

Tây Bắc Northwest

24.1

0.7

Bắc Trung Bộ

North Central Coast

23.4

1.2

Nam Trung Bộ South Central Coast

21.5

3.9

Tây Nguyên Central Highlands

20.5

2.1

Đông Nam Bộ Southeast

22.1

4.3

ĐB sông Cửu Long Mekong River Delta

22.3

6.1

Khu vực thành thị Urban

19.2

4.3

Khu vực nông thôn Rural

23.4

2.8

Chung Total

22.6

3.0

* Nguồn: Số liệu giám sát DD - Viện Dinh dưỡng.

Ngoài SDD protein năng lượng, các bệnh thiếu vi chất DD (thiếu vitamin A tiền lâm sàng, thiếu máu do thiếu sắt, thiếu I ốt, folic, kẽm, …) vẫn đang còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng.



2. ANTP và thừa dinh dưỡng

2.1. Biến động về tiêu thụ thực phẩm hộ gia đình ở Việt Nam:

Tăng thu nhập kinh tế, những biến đổi về cơ cấu ngành nghề lao động, hoạt động thể lực và thói quen ăn uống trong thời kỳ chuyển tiếp đã tác động rõ rệt đến cơ cấu ăn uống của nhân dân. Các cuộc điều tra của Viện Dinh dưỡng từ 1985 đến 2005 cho thấy bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam đã và đang có xu hướng giảm chất bột, tăng nguồn thức ăn gốc động vật (thịt, cá, trứng - sữa) và chất béo (hình 1).





Hình 1. Xu h­ướng mức tiêu thụ một số loại thực phẩm 1985-2005*

* Nguồn: Số liệu điều tra DD của Viện Dinh dưỡng 1985-2005

2.2. Thừa cân - béo phì ở trẻ em:

Năm 2000, hầu như chưa có thừa cân và béo phì (TC-BP) ở trẻ dưới 5 tuổi. Nhưng đến năm 2007, TC-BP ở trẻ em < 5 tuổi đã là 6,2% trên phạm vi toàn quốc (bảng 4). Ở nông thôn TC-BP mới xuất hiện nhưng xu hướng tăng lại nhanh hơn thành thị. Các yếu tố nguy cơ của TC-BP ở trẻ em đã được xác định là mất cân bằng về ANTP như trẻ không được nuôi dưỡng hợp lý, đặc biệt là nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung; Thu nhập kinh tế hộ tăng, sử dụng nhiều thức ăn nhanh, thức ăn giầu chất béo và tâm lý sợ nuôi con không đủ chất dẫn đến thừa dinh dưỡng. Ngoài ra, thiếu thời gian/ địa điểm vui chơi, xem TV quá nhiều và ít hoạt động thể lực, thiếu sự chăm sóc nuôi dưỡng trực tiếp của bố mẹ, không thường xuyên theo dõi và tư vấn tăng trưởng cũng dẫn đến TC-BP.



Bảng 4. Tỷ lệ TC-BP ở trẻ dưới 5 tuổi (Cân nặng/Chiều cao > + 2SD) năm 2007*

STT

No

Tỉnh

Province/City

N

Chung (%)

Total

Giới/Sex

Trai/Boy (%)

Gái/Girl (%)

1

Hà Nội

1552

6.9

6.0

7.2

2

Hải Phòng

1479

11.8

11.9

11.7

9

Ninh Bình

1484

7.1

7.0

7.3

16

Yên Bái

1494

9.9

9.8

9.9

18

Phú Thọ

1548

9.7

9.7

9.6

22

Quảng Ninh

1595

10.8

10.6

10.9

24

Sơn La

1436

9.9

9.8

9.8

43

Hồ Chí Minh

1797

14.1

14.0

14.0

46

Bình Phước

1519

10.1

10.0

10.1

49

Đồng Nai

1483

11.0

11.0

11.0




Chung/Total

96074

6.1

6.0

6.2

* Nguồn: Số liệu giám sát dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng 2007

2.2. Thừa cân - béo phì ở người trưởng thành:

Trong khi tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn (CED) ở phụ nữ vẫn còn cao, đã xuất hiện TC-BP ở người trưởng thành đang tăng nhanh (9), nhất là ở các vùng đô thị (bảng 4 và hình 2, 3).





Hình 2. Thừa cân béo phì ở người trưởng thành Việt nam (BMI>23) theo tuổi, giới



Hình 3. Tỷ lệ thừa cân béo phì theo khu vực nông thôn và thành thị
3. Các bệnh mạn tính đang tăng nhanh và sự thay đổi mô hình bệnh tật ở Việt Nam:

Tăng thu nhập kinh tế, các biến động về tiêu thụ thực phẩm cùng với những thay đổi về hoạt động thể lực và lối sống đã và đang là nguy của hàng loạt các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và dẫn tới các thay đổi lớn về cơ cấu bệnh tật. Các nghiên cứu gần đây trên người trưởng thành Việt Nam cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp vào đầu những năm 60 mới chỉ là 1%, năm 2008 đã tăng lên 27,4% (10). Hội chứng rối loạn chuyển hóa ở năm 2005 tại Hà nội là 13,1% (11). Đái tháo đường týp 2 ở người > 15 tuổi tại Hà nội đầu thập kỷ 90 thế kỷ 20 mới là 1,6%, nay đã tăng tới 4,9% và đang có xu hướng tăng nhanh ở các đô thị lớn, tỷ lệ rối loạn dung nạp đường huyết là 5,9% (12, 13). Riêng TP HCM tỷ lệ ĐTĐ týp 2 đã điều chỉnh theo cơ cấu dân số là 3,7% (14).





Hình 4. Biến đổi mô hình bệnh tật ở Việt Nam từ 1970 đến 2005

Thống kê hàng năm của Bộ Y tế đã cho thấy, trong suốt giai đoạn từ 1976 đến 1986, cơ cấu mắc bệnh ở Việt nam gần như không thay đổi: các bệnh lây nhiễm chiếm trên một nửa tổng số mắc (55,5% năm 1976 và 59,2% năm 1986). Bắt đầu từ năm 1995, 1996 đã có sự thay đổi về cơ cấu mắc bệnh: các bệnh lây nhiễm có xu hướng giảm, các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương, ung thư, …. Cùng với các bệnh ngộ độc, chấn thương, tại nạn có xu hướng gia tăng rõ rệt, nhất là từ năm 1999 trở lại đây. Bệnh không lây nhiễm tăng từ 39% năm 1986 lên 41,9% năm 1996, lên 53,7% năm 1999 và 60,8% năm 2005. Như vậy, đứng về mặt cơ cấu mắc bệnh, từ 1986 đến nay, các bệnh không lây nhiễm đã tăng gần 2 lần, và hiện đã chiếm trên 60%. Có thể nói thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 là thập kỷ bắt đầu đối mặt với các bệnh không lây nhiễm ở nước ta (hình 4).



IV. Khuyến nghị về các giải pháp chính đảm bảo ANTP và dinh dưỡng:

Thế giới đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực để chống nạn đói và suy dinh dưỡng, nhất là trong bối cảnh thay đổi khí hậu, năng lượng sinh học và khủng hoảng tài chính toàn cầu. Gần đây Liên Hợp Quốc (LHQ) đã tổ chức phiên họp cấp cao tại Roma với lãnh đạo các quốc gia để có biện pháp đối phó với cuộc khủng khoảng lương thực thế giới (theo BBC London, ngày 3/6/2008). Phiên họp lần này không chỉ tìm ra những khả năng giúp đỡ lương thực cho những quốc gia, những người đang khó khăn, người nghèo mà còn đưa ra giải pháp nhằm thoát khỏi cuộc khủng khoảng này. Chủ Tịch Ngân Hàng Thế Giới Robert B. Zoellick đã đề nghị: “Ngân hàng thế giới, cùng với Chương Trình Lương Thực Thế Giới (WFP) và Tổ Chức Nông Nghiệp và Thực Phẩm của Liên Hợp quốc (FAO) nhanh chóng hỗ trợ các mạng lưới an sinh để trợ giúp những người khó khăn, giúp phát triển nông nghiệp ở những nước nghèo. Chủ Tịch Ngân Hàng Thế Giới cũng đề xuất Hoa Kỳ và các nước Âu Châu qui định về thuế nhiên liệu sinh học, tránh khai thác sử dụng cây lương thực để sản xuất nhiên liệu sinh học. Các nước G-8 và các nước đang phát triển cùng tạo ra nguồn lương thực dự trữ toàn cầu. Ðể giúp cho thực thi kế hoạch này, Ngân Hàng Thế Giới sẽ trợ cấp nhanh 1,2 tỉ USD để giải quyết những vấn đề trước mắt, sau đó tăng hỗ trợ cho nông nghiệp và các hoạt động liên quan tới lương thực thực phẩm từ 4 tỉ đến 6 tỉ USD trong năm tới.

Để hưởng ứng lời kêu gọi của LHQ, Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực trong thúc đẩy sản xuất đảm bảo ANLTTP và triển khai các biện pháp giảm thiểu thiệt hại thiên tai. Trong bối cảnh chúng ta đang phải đương đầu với các thách thức lớn về ANTP và dinh dưỡng, cần có các chính sách và biện pháp toàn diện phối hợp liên ngành sau đây:

1. Tăng cưỡng dự trữ LTTP ở mọi cấp độ để kịp thời cứu trợ LTTP giải quyết nạn thiếu/đói ăn trong / ngay sau thiên tai cho các vùng gặp thiên tai, vùng khó khăn và đề phòng thất bát do bão, lũ lụt, hạn hán gây ra.

2. Thực hiện có hiệu quả Chiến lược an ninh lương thực quốc gia (Bộ NN&PTNT) nhằm củng cố ANLTTP quốc gia, đảm bảo ANTP và dinh dưỡng hộ gia đình.

a) Sẵn có LTTP thường xuyên liên tục và bất kể ở đâu, trong mọi điều kiện.

b) Cung cấp thực phẩm ổn định, vững bền cho các hộ gia đình.

c) Các hộ gia đình tiếp cận bền vững với LTTP có chất lượng và an toàn vệ sinh.

3. Thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia dinh dưỡng 2001-2010 (NNS) của Bộ Y tế (6) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22 tháng 2 năm 2001, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống SDD trẻ em (PEMC) và KHHĐQG đảm bảo VSATTP đến 2010 (7).

a) Cam kết phối hợp liên ngành thực hiện NNS và PEMC

Căn cứ phối hợp liên ngành:


  • Quyết định số 21/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22 tháng 2 năm 2001 về việc ký phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001 -2010.

  • Mục tiêu và kế hoạch giảm suy dinh dưỡng trẻ em hàng năm.

  • Chức năng, nhiệm vụ và Chương trình hành động của các ban/ngành.

Mục tiêu của công tác phối hợp liên ngành:

  • Nâng cao nhận thức và trách nhiệm về công tác dinh dưỡng cho cán bộ các cấp uỷ đảng, chính quyền và các ban/ngành/đoàn thể liên quan.

  • Định hướng các hoạt đông đặc thù dựa vào chức năng, nhiệm vụ của từng ban/ngành/đoàn thể, tiến tới xã hội hóa công tác dinh dưỡng.

Các biện pháp:

Những năm qua, trong khuôn khổ NNS và PEMC, Ủy ban các vấn đề XH Quốc hội, Ban Khoa giáo TW, Hội LH Phụ nữ, Cục Quân nhu Bộ QP, Bộ GD&ĐT, Bộ NN&PTNT, Bộ LĐTB&XH, Hội NDVN, Hội LHPNVN, Cục quân nhu, TW Đoàn TNCS HCM, ... đã có nhiều hoạt động phối hợp cùng ngành y tế trong công tác tuyên truyền giáo dục, hoạch định chính sách, lồng ghép mục tiêu DD với xóa đói giảm nghèo, ANLT, triển khai mô hình điểm về dinh dưỡng. Trong những năm tới, các biện pháp cụ thể sau đây là cần thiết:



  • Thực hiện việc đưa các mục tiêu, chỉ tiêu dinh dưỡng và nội dung hoạt động vào nghị quyết và chương trình hành động của các cấp uỷ đảng, chính quyền và các Ban/ngành/đoàn thể cũng như các chương trình can thiệp, các dự án hỗ trợ phát triển của các cấp.

  • Lồng ghép các nội dung dinh dưỡng trong các hội nghị, hội thảo và các lớp tập huấn nhằm tăng cường nhận thức, kỹ năng tuyên truyền vận động xã hội và trách nhiệm của cán bộ các cấp về công tác dinh dưỡng.

  • Phối hợp chặt chẽ với Ngành Y tế trong việc đào tạo, nâng cao kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, vận động, tư vấn cho cán bộ Ban/ngành các cấp về các vấn đề ANTP dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; Xây dựng, đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình liên ngành "Cải thiện tình trạng ANTP và dinh dưỡng, giảm suy dinh dưỡng".

  • Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành nông nghiệp, thị trường, thương mại, y tế theo dõi biến động cân bằng thực phẩm, trên cơ sở nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam (15) đảm bảo ANTP hộ gia đình bền vững cả về số lượng và chất lượng thực phẩm .

  • Các ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ với Ngành Y tế triển khai tổng điều tra dinh dưỡng định kỳ 5 năm một lần (dự kiến cuộc điều tra tới vào năm 2009), điều tra và can thiệp khẩn cấp trong/sau thiên tai, giám sát cả tình hình SDD và thừa cân-béo phì, chủ động đề phòng và xử trí các bệnh mạn tính không lây liên quan dinh dưỡng trong thời kỳ chuyển tiếp.

b) Triển khai có hiệu quả các hoạt động dinh dưỡng ở tuyến cơ sở:

  • Mất ANTP/thiếu dinh dưỡng ở phụ nữ có thai sẽ dẫn đến kém phát triển của thai nhi - suy dinh dưỡng bào thai và cân nặng đẻ ra thấp dưới 2500 gam (LBW). Theo khuyến nghị mới nhất của Lancet Series 2007 (16-19), cần tập trung ưu tiên các can thiệp dinh dưỡng vào hai giai đoạn then chốt (“two windows”) cho hai đối tượng nguy cơ cao nhất là bà mẹ có thai và trẻ em dưới 24 tháng tuổi.

  • Trong thực tế, tỷ lệ CED ở Việt Nam còn rất cao, đặc biệt là ở các vùng nông thôn nơi tập trung gần 70% nhóm đối tượng này. Do đó để chủ động phòng chống SDD bào thai, cân nặng sơ sinh thấp và SDD đầu đời, góp phần cải thiện tăng trưởng tầm vóc chiều cao, đồng thời ngăn ngừa TC-BP và các bệnh mạn tính không lây trong tương lai, cần xây dựng và triển khai các chương trình can thiệp dinh dưỡng và sức khỏe cho lứa tuổi vị thành niên và tiền hôn nhân, nghĩa là can thiệp sớm vào cửa sổ can thiệp thứ 3 (the third window).

  • Đẩy mạnh các hoạt động thông tin giáo dục và truyền thông cải thiện kiến thức và thực hành chăm sóc dinh dưỡng sức khỏe để toàn dân thực hiện “Mười lời khuyên ăn uống hợp lý” (Ban hành theo quyết định số 05/2007/QĐ-BYT, ngày 17 tháng 01 năm 2007 của Bộ Y tế), đặc biệt là các bà mẹ và người chăm sóc trẻ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Maxwell S. Frankenberger R. (1992). Household food security: Concept, Indicators, Measurement. A technical review, UNICEF-IFAD.

  2. FAO-WHO (1992). World Declaration and Plan of Action on Nutrition. International Conference on Nutrition, Rome.

  3. Frankenberger T.R. and M.K.Mecaston, CARE, USA (1998), The household livelihood security concept. FAO, Food, Nutrition and Agriculture, No 22, pp. 30-31.

  4. Hindle, R.E. (1990). “The World Bank approach to food security analysis”. IDS Bulletin 21(3).

  5. Maxwell, S. (1990). Food security in developing countries: issues and options. IDS Bull. 21(3), pp. 2-13.

  6. Bộ Y tế - Viện Dinh dưỡng (2001). Chiến lược Quốc gia Dinh dưỡng 2001-2010. Nhà xuất bản Y học Hà Nội.

  7. Bộ Y tế. Kế hoạch hành động quốc gia đảm bảo Vệ sinh an toàn thực phẩm đến 2010 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20/2/2006, QĐ số 43/2006/QĐ-TTg).

  8. Viện Dinh dưỡng (2003). Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2000. Nhà xuất bản Y học Hà nội.

  9. Viện Dinh dưỡng (2006). Tổng điều tra béo phì toàn quốc 2005. Nhà xuất bản Y học Hà nội.

  10. Phạm Gia Khải, Nguyễn Lân Việt, Phạm Mạnh Hùng và cs. (2008). Dịch tễ học cao huyết áp và các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch phổ biến nhất ở Việt Nam: Thống kê và số liệu mới nhất. Biên bản Hội thảo Việt-Mỹ-Nhật về dinh dưỡng và chuyển hóa. Chủ đề béo phì và hội chứng chuyển hóa. Hà nội 30-31/10/2008: 31-32

  11. Lê Thị Hợp, Lê Bạch Mai, Nguyễn Công Khẩn (2008). Tình trạng béo phì và Hội chứng rối loạn chuyển hóa ở Việt Nam. Biên bản Hội thảo Việt-Mỹ-Nhật về dinh dưỡng và chuyển hóa. Chủ đề béo phì và hội chứng chuyển hóa. Hà nội 30-31/10/2008: 8.

  12. Hà Huy Khôi, Nguyễn Công Khẩn (2008). Các thành tố chính của Chiến lược dinh dưỡng dự phòng các bệnh mạn tính ở Việt Nam. Biên bản Hội thảo Việt-Mỹ-Nhật về dinh dưỡng và chuyển hóa. Chủ đề béo phì và hội chứng chuyển hóa. Hà nội 30-31/10/2008: 17-24.

  13. Tạ Văn Bình (2003). Dịch tễ học bệnh đái tháo đường, các yếu tố nguy cơ và các vấn đề liên quan đến quản lý bệnh đái tháo đường. NXB Y học Hà nội.

  14. Shigeru Yamamoto (2008). Tình hình đái tháo đường týp 2 tại cộng đồng Việt Nam. Biên bản Hội thảo Việt-Mỹ- Nhật về dinh dưỡng và chuyển hóa. Chủ đề béo phì và hội chứng chuyển hóa. Hà nội 30-31/10/2008: 12.

  15. Bộ Y tế (2007). Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam. Nhà xuất bản Y học Hà Nội.

  16. Shrimpton R. (2006). Life circle and gender perspective on the double burden of malnutrition survival. The Lancet, January 2008: 41-64.

  17. Victoria C. G. et al. (2008). Maternal and Child Undernutrition: Consequances for adult health and human capital. The Lancet, January 2008: 23-40.

  18. Bhutta A. Z. et al. (2008). Maternaland child Undernutrition 3. What work? Interventions for maternal and child undernutrition and survival. The Lancet, January 2008: 41-63.

  19. Bryce J. et al. (2008): Maternaland child Undernutrition 4. Maternaland child Undernutrition: effective action at national level. The Lancet, January 2008: 65-81.





tải về 110.35 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương