Đa dạng sinh họC ĐỘng vật không xưƠng sống hang đỘng khu vực phong nha kẻ BÀNG, việt nam ts. Phạm Đình Sắc



tải về 110.08 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu04.09.2016
Kích110.08 Kb.
#31660
ĐA DẠNG SINH HỌC ĐỘNG VẬT KHÔNG XƯƠNG SỐNG HANG ĐỘNG KHU VỰC PHONG NHA - KẺ BÀNG, VIỆT NAM
TS. Phạm Đình Sắc

Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật

ThS. Đinh Huy Trí

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Louis Deherveng, Anne Bedos



Bảo tàng lịch sử Tự nhiên Paris, Pháp

MỞ ĐẦU

Howarth (1983) đã chỉ ra rằng động vật không xương sống sống trong hang động không chỉ đa dạng về số loài và số lượng cá thể mà còn rất đặc trưng về hình thái và mang tính đặc hữu cao. Do sự cách biệt với môi trường bên ngoài, cùng với sự khác biệt về chế độ ánh sáng cũng như ẩm độ, hình thành những loài chuyên biệt thích nghi với điều kiện sống trong hang động. Chính vì vậy, rất nhiều taxon mới đã được ghi nhận ở các hang động khắp nơi trên thế giới.

Bên cạnh đó, nhiều loài động vật không xương sống đang bị đe dọa bởi các tác động của con người, có nguy cơ biến mất nếu không được bảo tồn. Do nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương, nhiều hang động đã và đang được khai thác, phục vụ các hoạt động du lịch. Sự phát triển của du lịch không chỉ phá vỡ cấu trúc tự nhiên của hang mà còn ảnh hưởng đến khu hệ động vật sống trong hang động.

Với trên 300 hang động lớn nhỏ đã được phát hiện tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, được xem như những bảo tàng thiên nhiên sống, là nơi cư trú của nhiều loài động vật không xương sống bản địa và hết sức đặc biệt nhưng chưa được nghiên cứu (Pham Dinh Sac et al., 2011).

Việc phát hiện và mô tả các taxon mới cho khoa học chính là chứng minh tính chất đặc hữu của khu hệ động vật không xương sống ở vùng, là việc làm cấp thiết, làm sáng tỏ giá trị tiềm ẩn của đa dạng sinh học ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng.

Song song với việc phát hiện mới cho khu hệ và mô tả các taxon mới, vấn đề nghiên cứu để đề xuất các giải pháp bảo tồn nơi sinh sống của các loài động vật không xương sống này là vô cùng quan trọng.

Nghiên cứu tập trung làm rõ giá trị đa dạng sinh học động vật không xương sống trong hang động tại khu vực nghiên cứu, đào tạo các nhà quản lý và các thành viên Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong việc khám phá khu hệ động vật không xương sống trong hang động – một lĩnh vực còn mới mẻ ở Việt Nam, nâng cao nhận thức cho các nhà hoạch định chính sách, góp phần làm cơ sở cho việc quản lý và sử dụng bền vững hệ thống hang động khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng.

ĐỊA ĐIỂM VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Thu thập mẫu vật:

Sử dụng các phương pháp điều tra, thu mẫu chuẩn đối với các động vật không xương sống hang động bao gồm: phương pháp sử dụng đèn để quan sát, và thu bắt mẫu vật bằng tay; dùng rây để thu mẫu vật hoạt động trong rác, hay sỏi đất vụn ở nền hang; bẫy hố và bẫy Berlese được sử dụng để thu động vật không xương sống hoạt động trên bề mặt nền hang động và các nhóm sống trong đất.

Mẫu vật được bảo quản trong dung dịch cồn 70%, lưu giữ tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và các bảo tàng quốc tế để phục vụ công tác nghiên cứu. Định loại mẫu vật trong phòng thí nghiệm sử dụng kính lúp soi nổi Olympus.

Địa điểm khảo sát:

Khảo sát được tiến hành trong 2 đợt: đợt 1 vào tháng 8/2011, đợt 2 vào tháng 11/2011.

Khảo sát đợt 1 được tiến hành trong 10 ngày, từ 04-15 tháng 8 năm 2011, tại khu vực vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Mười ba (13) hang được lựa chọn để khảo sát bao gồm: hang 17, hang 18, hang Ba Đa, hang Lờ Đờ, động Phong Nha, hang Tượng, hang Cầu Chày, hang Sót, hang E, hang E cạn, động Thiên Đường, hang 11, hang Sơn Đoòng cửa sau.

Khảo sát đợt 2 cũng được tiến hành trong 10 ngày, từ 18 đến 28 tháng 11 năm 2011. Tám hang được lựa chọn để khảo sát bao gồm 5 hang ở khu vực mở rộng (hang Rục, hang Cha Ra, hang Đá Vôi, hang Mu Ngành, hang Mò O); và bổ sung thêm 3 hang ở vùng lõi (động Tiên Sơn, hang Tối, hang Núi Đôi).

Các hang động được chọn chia ra hai loại, bao gồm các hang động bị tác động bởi con người và các hang động tự nhiên.

Bên trong mỗi một hang động được chia ra một số vùng sinh học khác biệt: ngoài cùng là vùng cửa hang, tiếp theo là vùng chuyển tiếp, và cuối cùng là vùng tối. Các vùng này tương ứng với chế độ ánh sáng và các điều kiện môi trường khác nhau (Humphreys 2000). Khảo sát được tiến hành ở cả ba vùng để xác định nơi cư trú chính của động vật không xương sống ở trong hang.



KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

1. Đa dạng động vật không xương sống hang động tại Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng và khu vực mở rộng:

Kết quả khảo sát khu hệ động vật không xương sống hang động tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và khu vực mở rộng đã thu được 730 cá thể trưởng thành bao gồm 83 loài, 55 họ, 24 bộ, 7 lớp động vật không xương sống (bảng 1). Trong đó, 48 loài có đời sống chuyên biệt với môi trường hang động, 25 loài có thể mới cho khoa học.



Bảng 1. Đa dạng động vật không xương sống hang động khu vực

Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình


Lớp/Bộ

Số họ

Số loài

Loài chuyên biệt hang động










Số loài

Tỷ lệ (%)

Arachnida – Lớp hình nhện

20

32

18

56,25

Acari

1

2

2




Araneae

14

20

7




Opiliones

1

2

2




Pseudoscorpiones

2

5

4




Schizomida

1

1

1




Scorpionida

1

2

2




Crustacea – Lớp giáp xác

4

7

6

85,71

Decapoda

1

1







Isopoda

3

6

6




Gastropoda – Lớp chân bụng

2

2







Achatinoidea

1

1







Pupilloidea

1

1







Entognatha – Lớp không cánh

6

7

4

57,14

Collembola

5

6

4




Diplura

1

1







Insecta – Lớp côn trùng

12

18

9

50,00

Blattodea

1

1







Coleoptera

4

7

5




Diptera

1

1







Hemiptera

1

1

1




Heteroptera

1

1







Hymenoptera

1

2







Lepidoptera

1

1







Orthoptera

1

3

3




Psocoptera

1

1







Myriapoda – Lớp nhiều chân

9

15

11

73,33

Chilopoda

1

1







Diplopoda

8

14

11




Oligochaeta – Lớp giun ít tơ

2

2







Haplotaxida

2

2






















Tổng số

55

83

48

57,83

Trong số 83 loài động vật không xương sống ghi nhận được, có 35 loài thuộc nhóm vãng lai, tức là những loài được tìm thấy phổ biến bên ngoài hang động, 48 loài còn lại (chiếm 57,83%) thuộc nhóm thích nghi chuyên biệt với môi trường hang động (bảng 1).

Các loài động vật tìm thấy trong hang động bao gồm 2 nhóm: nhóm vãng lai và nhóm chuyên biệt hang động (Howarth 1973). Nhóm vãng lai (Accidentals) là nhóm phổ biến ở ngoài hang, là những động vật mà hang động không phải là môi trường sống chính của chúng; chúng thâm nhập vào hang do các yếu tố khách quan như sự hấp dẫn của nguồn thức ăn hay di chuyển thụ động bởi gió, lũ lụt,… Nhóm thích nghi chuyên biệt với môi trường hang động (Troglobites, Troglophiles) là những động vật bắt buộc phải có những thích nghi riêng biệt như không có hoặc tiêu giảm các sắc tố trên cơ thể, hay đối với mắt; bay nhảy kém, nhưng phát triển các thích nghi phụ và chuyên biệt (Barr 1968, Poulson and White 1969). Những loài này hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn thức ăn và điều kiện sinh sản ở trong hang động. Chúng ở vùng hang sâu nơi mà các điều kiện là ổn định nhất.

Lớp hình nhện chiếm ưu thế về số lượng cá thể thu được; với 6 bộ bao gồm bộ nhện (Araneae), bộ bọ cạp (Scorpionida), bộ chân dài (Opiliones), bộ giả bọ cạp (Pseudoscrpionida), bộ bọ cạp roi (Schizomida), bộ ve bét (Acarina).

Bộ nhện (Araneae) đã ghi nhận được 14 họ tại 21 hang động khu vực Phong Nha Kẻ Bàng, bao gồm họ Oonopidae (1 loài), Sparassidae (1 loài), Amaurobiidae (2 loài, trong đó 1 loài mới cho khoa học), Araneidae (2 loài), Ctenidae (1 loài), Gnaphosidae (1 loài), Pholcidae (1 loài), Linyphiidae (3 loài, trong đó 1 loài mới cho khoa học), Leptonetidae (1 loài mới cho khoa học), Symphytognathidae (2 loài, trong đó 1 loài mới cho khoa học), Telemidae (1 loài mới cho khoa học), Tetrablemmidae (1 loài mới cho khoa học), Theridiidae (3 loài).

Bộ bọ cạp (Scorpionida): hai loài bọ cạp mới của một giống mới (Vietbocap Lourenco & Pham, 2010) đã được công bố. Loài mới được đặt tên khoa học là Vietbocap thienduongensis (Lourenco & Pham, 2012). Tên tiếng Việt của loài bọ cạp này là bọ cạp Thiên Đường (do được phát hiện trong động Thiên Đường). Trước đó, một loài mới được phát hiện tại động Tiên Sơn, tên khoa học là Vietbocap canhi (Lourenco & Pham, 2010). Hai loài bọ cạp này thuộc họ Pseudochactidae. Cho đến nay, trên toàn thế giới, họ Pseudochactidae mới phát hiện được 4 loài thuộc 3 giống: 1 loài thuộc giống Troglokhammouanus (phát hiện ở Lào), 1 loài thuộc giống Pseudochatas (phát hiện ở Uzbekistan và Tajikistan), và 2 loài thuộc giống Vietbocap (vừa mới phát hiện ở Việt Nam). Đây là những loài chuyên biệt, thích nghi với điều kiện sống trong hang động. Sự cách biệt với môi trường bên ngoài, cùng với sự khác biệt về chế độ ánh sáng cũng như ẩm độ đã khiến hình thành loài đặc hữu cho khu vực.

Bộ chân dài (Opiliones): Opiliones là nhóm có mặt thường xuyên trong các hang động, chúng hoạt động trên vách của hang động ở những nơi ẩm ướt. Tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng ghi nhận được 2 loài chuyên biệt hang động.

Bộ giả bọ cạp (Pseudoscrpionida): tại Phong Nha - Kẻ Bàng đã thu thập được 5 loài giả bọ cạp, trong đó có 4 loài mới cho khoa học thuộc họ bọ cạp giả mù Chthoniidae. Đây là ghi nhận đầu tiên về họ Chthoniidae cho khu hệ động vật của Việt Nam.

Bộ bọ cạp roi (Schizomida): thu thập được một loài có đời sống chuyên biệt trong hang động. Thuộc nhóm ăn thịt. Nhóm này chủ yếu ở vùng khí hậu nhiệt đới ấm áp và ẩm ướt ở khu vực Đông Nam Á. Nhóm này rất ít được ghi nhận và nghiên cứu.

Bộ ve bét (Acarina): hai loài chuyên biệt trong hang động. Thuộc nhóm loài ăn thịt. Chúng có mặt phổ biến trong các hang động của khu vực Đông Nam châu Á, chuyên biệt trong hang động và trải qua giai đoạn tự do ký sinh các loài dơi trong một phần chu kỳ cuộc sống của chúng.

Giáp xác cạn (Isopoda): Isopoda có mặt phổ biến ở hang động trên thế giới bởi một số lượng lớn các loài. Chúng thực hiện các hoạt động phân huỷ rác. Ba họ (Armadillidae, Philosciidae, Styloniscidae) đã có mặt trong hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, Chúng thuộc nhóm sống chuyên biệt trong hang động. Bao gồm 6 loài; họ Armadillidae: 2 loài, họ Philosciidae: 3 loài, họ Styloniscidae: 1 loài.

Giáp xác nước (Decapoda): chỉ có một loài cua được thu thập tại động Phong Nha và động Thiên Đường.

Lớp chân bụng (Gastropoda): bao gồm 2 nhóm là Achatinoidea (1 loài) và Pupilloidea (1 loài).

Lớp côn trùng (Insecta): ghi nhận được 12 họ, 18 loài côn trùng, với 5 loài mới cho khoa học. Đặc biệt, một phát hiện đáng chú ý của cuộc khảo sát là đã phát hiện ra một một loài sống chuyên biệt trong hang thuộc phân họ Trechinae, họ Carabidae. Phát hiện này đặc biệt ý nghĩa và có giá trị là một loài mới và một giống mới thuộc phân họ Trechinae đã được phát hiện tại hang Cha Ra. Phát hiện này mở rộng hướng phân bố của phân họ này về phía Nam, từ lâu được coi là được chỉ xuất hiện trong khu vực cận nhiệt đới.

Lớp nhiều chân (Myriapoda): đã ghi nhận được 14 loài cuốn chiếu và 1 loài rết trong hang động khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó có 8 loài được xác định là mới cho khoa học.

Lớp giun ít tơ (Oligochaeta): tại các hang động khảo sát, chúng tôi thu được một số cá thể giun đất thuộc 2 họ Megascolecidae và Octochaetidae. Tuy nhiên, những loài giun này có mặt ở khu vực cửa hang động, không phải là những loài có đời sống chuyên biệt trong hang động.

2. Sự phân bố của các loài động vật không xương sống hang động khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng:

Kết quả khảo sát ở 21 hang động khu vực vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và khu vực mở rộng đã chỉ ra những khác nhau chính trong sự quần tụ của khu hệ động vật không xương sống là những khác nhau ấn tượng trong đa dạng loài, số lượng cá thể, và giá trị đa dạng sinh học (chỉ ra bởi các loài mới cho khoa học) giữa các nhóm hang động.

Nhóm 1 là các hang 17, hang 18, động Tiên Sơn, hang Ba Đa, hang Cầu Chày, hang Rục, và hang Mu Ngành có số lượng cá thể, số loài cũng như giá trị đa dạng sinh học thấp. Các hang động thuộc nhóm này với kích cỡ nhỏ (chiều dài và chiều rộng hạn chế). Bên cạnh đó, cấu trúc các hang động trong nhóm này đơn giản, ít ngóc ngách. Các đặc điểm này là điều kiện bất thuận cho sự phát sinh, phát triển và tồn tại của các loài động vật không xương sống trong hang động.

Nhóm 2 là hang Tượng, hang Lờ Đờ, hang Sót, hang 11, hang Tối, hang Núi Đôi, Hang E, và hang E cạn. Các hang động này có kích thước quần thể ở mức trung bình.

Các hang động thuộc nhóm 3 là động Phong Nha, động Thiên Đường, hang Sơn Đoòng cửa sau, hang Cha Ra, hang Đá Vôi, và hang Mò O khác biệt hoàn toàn so với các hang động nhóm 1. Các hang động này có mức độ đa dạng sinh học cao hơn so với các hang động khác. Các hang động thuộc nhóm 3 với kích thước lớn cả về chiều dài và chiều rộng, cấu trúc phức tạp với nhiều ngóc ngách. Đây là những đặc điểm thuận lợi cho sự tồn tại và phát triển của các loài động vật không xương sống trong hang động.

Bên cạnh đó, các ghi nhận trong khảo sát cũng chỉ ra những khác nhau ấn tượng trong đa dạng loài và số cá thể giữa các vùng phát triển du lịch và vùng tự nhiên trong cùng một hang động. Các hang động điển hình của phát triển du lịch bao gồm động Phong Nha, động Tiên Sơn, và động Thiên Đường. Những khu vực du lịch bị tác động mạnh bởi các hoạt động đi lại của người du lịch, không định rõ các đường mòn đi qua các tuyến du lịch. Điều này hạn chế nơi ở của khu hệ động vật hang động. Một lượng lớn rác thải ở các khu du lịch, và sự xuất hiện của những thùng rác trong hang động cũng ảnh hưởng lớn đến sự quần tụ của động vật hang động ở khu vực này. Nhiều loài động vật không xương sống ghi nhận được ở khu vực du lịch là những loài phổ biến, có mặt cả ở khu vực ngoài hang động. Ngược lại, khu vực tự nhiên chứa đựng giá trị đa dạng sinh học cao với sự phong phú của loài và số lượng cá thể. Hơn nữa, hầu hết các loài mới cho khoa học đều được phát hiện tại khu vực tự nhiên.



3. Các mối đe dọa và các mối quan tâm trong công tác quản lý đối với động vật không xương sống hang động tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và khu vực mở rộng

Hiện nay, một số hang động có gia trị đa dạng sinh học cao như động Tiên Sơn, động Thiên Đường, hang Tối, động Phong Nha, ... đã và đang có các hoạt động khai thác phát triển du lịch. Đặc biệt, khảo sát của chúng tôi đã ghi nhận 2 loài bọ cạp mới tại động Thiên Đường và động Tiên Sơn. Làm thế nào để vừa khai thác phát triển du lịch mà vẫn bảo tồn được các giá trị đa dạng sinh học là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Các loài dơi và chim coi hang động như ngôi nhà của mình. Các loài động vật này tạo nên thành phần phân động vật ưa thích của một số động vật không xương sống hang động. Tiếng la hét trong hang động, thú vui tự nhiên của con người là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự quần tụ tự nhiên của dơi và chim. Những động vật này cung cấp nguồn năng lượng quan trọng cho một số loài động vật không xương sống hang động. Một sự thay đổi của quần thể dơi và chim sẽ gây ra sự biến đổi sâu sắc đến sự quần tụ của khu hệ động vật trong hang động.

Có một bộ phận du khách không tôn trọng quy tắc đề ra bởi VQG về ăn uống, hút thuốc trong hang động. Điều này tạo nên một lượng không nhỏ rác rưởi được tìm thấy trong hang động như chai uống nước, hộp nước hoa quả, hộp bia, tiền may mắn, quần áo, vỏ trứng, vỏ lạc,… Những thứ này lôi kéo các loài dịch hại vào trong hang động, ảnh hưởng đến các loài động vật sống trong hang động.

Khảo sát đã tìm thấy loài chuột có mặt ở các hang động có phát triển hoạt động du lịch. Rõ ràng chúng đang tồn tại trong hang, đây là vấn đề lớn cần chú ý. Các thùng rác đặt trong hang động cũng là nguồn thức ăn cho các loài có hại, cần được di chuyển ra ngoài hang động.

Hệ thống chiếu sáng hiện nay ở một số hang động du lịch là không có lợi cho việc tạo nên nơi sống thích hợp cho khu hệ động vật hang động. Nguồn ánh sáng nhân tạo bất biến là ảnh hưởng có hại cho quần thể dơi và chim ở trong hang. Hệ thống chiếu sáng hiện tại tạo nên một thế giới kỳ ảo kích thích du khách đến thăm quan hang động, càng làm tăng thêm độ ồn ảnh hưởng đến quần thể dơi và chim trong hang động.

Ánh sáng nhân tạo là một vấn đề khác tạo ra sự chiếu sáng không thích hợp trong hang. Sự phát triển của tảo, rêu, hay dương xỉ trong hang động sẽ làm tăng nguồn thức ăn nhân tạo. Vấn đề này có thể được cải tiến bằng cách giảm thời gian chiếu sáng cũng như loại đèn sử dụng.

Bởi vì không xác định rõ đường đi ở một số hang động du lịch nên nền của hang động bị dẫm đạp lên, kết quả là phá huỷ các hệ sinh thái tự nhiên. Việc khách du lịch di chuyển sang đi ở những đường đi tách biệt với nền hang là việc làm cấp thiết.



KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Tình trạng đa dạng sinh học của động vật không xương sống hang động tại Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng

Khảo sát này chỉ ra tiềm năng cho một khu hệ mang tính đặc hữu cao với nhiều loài hiếm và có ý nghĩa được xác định. Với 730 cá thể trưởng thành bao gồm 83 loài, 55 họ, 24 bộ, 7 lớp động vật không xương sống đã được ghi nhận từ 21 hang động. Trong đó, 48 loài có đời sống chuyên biệt với môi trường hang động, 25 loài có thể mới cho khoa học.

Khảo sát đã ghi nhận nhiều kết quả đặc biệt: hai loài bọ cạp mới của một giống mới (Vietbocap) đã được công bố. Bên cạnh đó, rất nhiều loài mới đã được ghi nhận tại các hang động khảo sát.

Đánh giá mối đe dọa

Nhiều loài đặc hữu cho khu vực được phát hiện tại các hang động Phong Nha - Kẻ Bàng. Một số loài ghi nhận được ở các hang động có các hoạt động phát triển du lịch, ví dụ hai loài bọ cạp mới thuộc giống Vietbocap ở động Thiên Đường và động Tiên Sơn. Nơi sống của chúng đang bị thu hẹp do các tác động bởi con người. Các loài này đang bị đe dọa, có nguy cơ biến mất nếu không được bảo tồn.



Các khuyến nghị đối với kế hoạch Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng

Các kết quả của khảo sát này là cơ sở để đưa ra một số đề xuất rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học ở hệ thống hang động trong tương lai:

- Đối với các hang động đã, đang, và có kế hoạch khai thác phát triển các hoạt động du lịch cần làm những lối đi phân cách để khách du lịch khi thăm hang không làm ảnh hưởng đến môi trường sống ở nền hang - nơi sống quan trọng của nhiều loài động vật học không xương sống.

- Cần dọn sạch lượng rác thải lưu cữu trong hang vì số rác thải này sẽ kéo theo các loài chuột và chúng sẽ tiêu diệt các loài động vật không xương sống trong hang.

- Di dời các thùng rác ra ngoài vì các thùng rác sẽ kéo theo các loài chuột (như lý do trên) và chúng cũng lôi cuốn các loài côn trùng từ bên ngoài làm ảnh hưởng đến sự đa dạng và phân bố của các loài côn trùng và nhện trong hang.

- Nghiêm cấm việc ăn, uống trong các hang động vì những thức ăn thừa, rơi vãi sẽ kéo theo các loài chuột vào trong hang.

- Giảm thiểu tiếng ồn trong các hang động nhằm hạn chế sự tác động đến các quần thể dơi và chim chuyên cư trú trong hang động, những quần thể này thải ra một lượng phân lớn, giúp duy trì sự đa dạng của quần xã côn trùng trong hang. Vì thế, nếu không giảm được tiếng ồn, các quần thể dơi và chim này sẽ biến mất kéo theo sự phá hủy của cả hệ sinh thái côn trùng chuyên sống dựa vào nguồn phân trong hang.

- Nghiêm cấm việc hút thuốc trong các hang động vì khói thuốc sẽ tác động gây hại đến các quần thể dơi và chim, còn các đầu mẩu thuốc lá và các vỏ bao sót lại cũng là nguồn rác thải trong các hang động.

- Thay đổi việc chiếu sáng trong các hang động vì ánh điện kích thích sự sinh trưởng của các loài thực vật hướng sáng (những loài thực vật sinh trưởng nhờ ánh sáng nhân tạo trong các hang động). Những loài thực vật hướng sáng này cung cấp thức ăn cho nhiều loài côn trùng sống bên ngoài hang động, và do đó làm ảnh hưởng đến sự đa dạng và phân bố của các loài động vật không xương sống trong hang.

Các đề xuất trên khẳng định thêm các đề xuất của Timothy Moulds, Renee Mouritz, và Phạm Đình Sắc (2010), với mục đích ngăn chăn sự suy thoái của hệ thống hang động, và bảo đảm duy trì một di sản thiên nhiên thế giới, cùng với việc bảo tồn được giá trị đa dạng sinh học trong hang động của vùng.



Các hành động được khuyến nghị

- Khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng hiện có hàng trăm hang động, khảo sát này mới được tiến hành ở 21 hang động, phản ánh một phần rất nhỏ giá trị đa dạng sinh học của vùng. Cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu toàn diện để có thể đánh giá sự đa dạng của khu hệ động vật hang động tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Việc làm này sẽ góp phần tăng thêm sự hiểu biết của chúng ta về sự đa dạng sinh học và những loài đặc hữu tại đây.

- Việc cần làm trước khi tiến hành việc phát triển du lịch tại các hang động mới, cần phải tiến hành việc đánh giá toàn diện sự đa dạng sinh học trong hang động nhằm cung cấp những dẫn liệu cơ bản để có thể kiểm soát những ảnh hưởng đến khu hệ động vật có trong đó. Những nghiên cứu cơ bản này cũng sẽ chỉ ra những sinh cảnh quan trọng cần chú trọng bảo tồn trong mỗi hang động và chỉ ra cần phải ưu tiên bảo vệ những loài sinh vật quan trọng nào.

- Nhiều loài động vật mới được tìm thấy trong quá trình khảo sát nhưng chưa được công bố do thời gian có hạn và số lượng mẫu vật không đủ. Cần tiếp tục thu thập thêm mẫu vật, mô tả và công bố để khẳng định giá trị đa dạng sinh học của vùng.



Tài liệu tham khảo:

  1. Barr, T. C. J., 1968. Cave ecology and the evolution of troglobites. Evolutionary Biology 2. Dobzhansky, T., Hect, M. and Steere, W. New York, Appleton-Century-Crofts. 2: 35-102.

  2. Howarth, F. G., 1973. The cavernicolous fauna of Hawaiian lava tubes, 1. Introduction. Pacific Insects 15: 139-151.

  3. Humphreys, W. F., 2000. Background and glossary. Ecosystems of the world. Subterranean ecosystems. Wilkens, H., Culver, D. C. and Humphreys, W. F. Amsterdam, Elsevier. 30: 3-14.

  4. Wilson R. Lourenco & Dinh-Sac Pham, 2010. A remarkable new cave scorpion of the family Pseudochactidae Gromov (Chelicerata, Scorpiones) from Vietnam. Zookeys, 71: 1-13

  5. Poulson, T. L. and White, W. B., 1969. The cave environment. Science 165: 971-981.

  6. Pham Dinh Sac, Phung Thi Hong Luong, Nguyen Thi Dinh, 2011. Preliminary study on biodiversity of cave spider in the Phong Nha – Ke Bang National Park, Quang Binh province. Báo cáo khoa học hội nghị côn trùng học quốc gia lần thứ 7. Nhà xuất bản Nông nghiệp: 235-239.

  7. Wilson R. Lourenco & Dinh-Sac Pham, 2012. A second species of Vietbocap Lourenço & Pham, 2010 (Scorpiones: Pseudochactidae) from Vietnam. Comptes Rendus Biologies, 335: 80-85.








Vietbocap canhi ở động Tiên Sơn

Vietbocap thienduongensis ở động Thiên Đường

Hình 1: Hai loài bọ cạp mới cho khoa học phát hiện được ở Phong Nha Kẻ Bàng
Каталог: 3cms -> upload -> khcn -> File -> SachKhoaHoc -> 410 Nam -> tailieu8
tailieu8 -> Tác động của Di sản thế giới Phong Nha Kẻ Bàng
tailieu8 -> MỘt số KẾt quả nghiên cứu bưỚC ĐẦu về thảm thực vật và HỆ thực vật tại vùng mở RỘng của vưỜn quốc gia phong nha kẻ BÀNG
tailieu8 -> Kinh nghiệm quản lý, BẢo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh hạ long trong sự phát triển kinh tế XÃ HỘi tỉnh quảng ninh ban quản lý Vịnh Hạ Long
tailieu8 -> TỈnh quảng bình tác giả báo cáo: cn. Lê Trọng Trãi
tailieu8 -> Nghiên cứu khoa học tại vưỜn quốc gia phong nha kẻ bàng sau 10 NĂm công nhận là di sản thế giới và ĐỊnh hưỚng thS. Đinh Huy Trí
tailieu8 -> ĐẶC ĐIỂm và khả NĂng khai thác loại hình du lịch sinh thái này tại di sản thiên nhiên thế giớI
tailieu8 -> GIÁ trị NỔi bậT ĐỊa chấT, ĐỊa mạo của khu vực di sản thiên nhiên thế giới phong nha kẻ BÀNG
tailieu8 -> GIÁ trị NỔi bật của khu hệ thú VƯỜn quốc gia phong nha kẻ BÀng hưỚng đẾn tiêu chí X về Đa dạng sinh học của khu di sản thiên nhiên thế giớI (unesco) pgs. Ts. Nguyễn Xuân Đặng, cn. Nguyễn Xuân Nghĩa
tailieu8 -> MỘt số nghiên cứu khoa học và Ứng dụng tiến bộ khoa học và CÔng nghệ HỔ trợ cho việc phát triển kinh tế XÃ HỘi vùng đỆm khu vực phong nha kẻ BÀng ts. Võ Khắc Sơn

tải về 110.08 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương