7 thói quen để thành đạt (The 7 Habits of Highly Effective People)



tải về 102.14 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích102.14 Kb.
#25905
Mình xin trân trọng giới thiệu với cả nhà cuốn sách “7 thói quen để thành đạt (The 7 Habits of Highly Effective People)” của tác giả Stephen R. Covey. Mình có thói quen đọc sách để giải quyết một vấn đề nhất định của công việc nhưng chưa bao giờ đọc hết một quyển nào cả. Đây là cuốn sách đầu tiên mà mình đọc hết tất cả các mục và tất cả các trang (471 trang) :d Khi đọc lướt qua lời nói đầu, mục lục và tiểu sử tác giả, mình nhận thấy đây cũng là quyển sách đáng để đọc và ngẫm nghĩ. Đọc xong, mình thấy trở thành người hiệu quả cũng không phải là đơn giản chút nào nếu mọi thứ ta làm đều là cảm tính, không tuân theo những nguyên tắc đúng đắn. Dường như, mình cũng có những thói quen này nhưng mức độ đạt được còn thực sự khiêm tốn và tự nhận thấy phải tiếp tục rèn luyện bản thân không ngừng để các thói quen này thực sự đi vào cuộc sống ở mức độ cao hơn.

Đầu tiên, mình tóm tắt qua đôi điều hấp dẫn về cuốn sách này và về tác giả. Với hơn 20 triệu bản phát hành, được dịch ra hơn 40 thứ tiếng trên khắp thế giới và được bình chọn là một trong 10 cuốn sách về quản trị có giá trị nhất từ trước tới nay. TS. Stephen R. Covey là một nhà giáo dục, một chuyên gia tư vấn về quản lý con người và là bậc thầy về rèn luyện tính cách, khả năng lãnh đạo và các vấn đề tâm lý cuộc sống. Ông tốt nghiệp MBA tại ĐH Havard và Tiến sỹ về hành vi học tại ĐH Bringham Young. Ông nhận được 7 bằng tiến sỹ danh dự của các trường đại học danh tiếng và được tạp chí Time công nhận là một trong 2 người Mỹ có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Ông là sáng lập viên và là Phó chủ tịch của Cty FranklinCovey có văn phòng tại 123 nước. Cty chuyên cung cấp dịch vụ đào tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, các công cụ nâng cao năng suất lao động và đánh giá tổ chức, tập thể và cá nhân.

Vậy 7 thói quen chúng ta cần rèn luyện ở đây là gì để tạo nên sự thành công? Chúng bao gồm: (i) Luôn chủ động, (ii) Bắt đầu từ mục tiêu đã được xác định, (iii) Ưu tiên cho điều quan trọng nhất, (iv)Tư duy cùng thắng, (v) Lắng nghe và thấu hiểu, (vi) Đồng tâm hiệp lực và (vii) Rèn giũa bản than. 3 thói quen đầu là các thói quen của thành tích cá nhân – sẽ làm tăng sự tự tin một cách đáng kể, giúp hiểu bản thân hơn với những ý nghĩa sâu xa về bản chất, giá trị và năng lực cống hiến. 3 thói quen tiếp theo nói về thành tích tập thể, giúp hàn gắn và xây dựng lại các mối quan hệ quan trọng đã bị xói mòn hay sắp bị phá vỡ, còn các mối quan hệ tốt đẹp sẽ sâu sắc, vững chắc hơn và sáng tạo hơn. Theo một cách nghĩ khác, 3 thói quen đầu là “hứa và giữ lời hứa” và 3 thói quen sau là “khuyến khích người khác cùng tham gia và cùng nhau tìm ra giải pháp tối ưu”. Thói quen thứ 7 sẽ đem lại sức sống mới cho 6 thói quen đầu tiên và giúp bạn thực sự trở thành người độc lập và có được hiệu quả trong các mối quan hệ tương hỗ.

Cảm nhận đầu tiên của mình khi đọc những trang đầu của quyển sách này là như đang đọc TRIẾT HỌC. Dường như tác giả đã gửi gắm những tư tưởng triết học hay những phát hiện của ông mang tính quy luật tự nhiên khách quan của tự nhiên khi vận dụng 7 thói quen đó. Và cảm giác đó bắt đầu khi đọc đến mục “Ảnh hưởng của mô thức”. Thuật ngữ “Mô thức” có xuất xứ từ tiếng Hy Lạp và được hiểu ở đây là mô hình, lý thuyết, nhận thức, giả thuyết hay khung tham chiếu. “Mô thức” là cách chúng ta “nhìn” thế giới bằng nhận thức, sử dụng hiểu biết và theo cách lý giải của riêng chúng ta. Mô thức là nguồn gốc của thái độ và hành vi. Vì vậy việc thay đổi thái độ và hành vi bên ngoài sẽ không mấy hiệu quả nếu không xem xét lại các mô thức cơ bản hình thành thái độ và hành vi của chúng ta và tất nhiên, việc thay đổi được mô thức không đơn giản vì nó diễn ra rất chậm chạp và đầy khó khăn. Vì vậy, chúng ta chỉ đạt được thành công lớn lao khi thay đổi những mô thức cơ bản của chính chúng ta. Còn Khái niệm Triết học mà chúng ta đã từng học là “Triết học là một hệ thống tri thức lý luận chung nhất của con người về thế giới, về bản thân con người và vị trí của con người trong thế giới đó”. Triết học còn có vai trò thế giới quan và phương pháp luận trong đời sống xã hội. Trong đó, thế giới quan là toàn bộ những quan điểm, quan niệm của con người về thế giới xung quanh, về bản thân con người, về cuộc sống và vị trí của con người trong thế giới đó. Phương pháp luận là lý luận về phương pháp, là hệ thống các quan điểm, các nguyên tắc chỉ đạo con người tìm tòi, xây dựng, lựa chọn và vận dụng các phương pháp trong nhận thức và trong thực tiễn. Trong triết học, phương pháp luận và thế giới quan không tách rời nhau. Khi so sánh một số khái niệm trên, chúng ta có thể cảm nhận được phần nào tính triết học của cuốn sách này. Hay nói cách khác, những điều tác giả đề cập là cội nguồn của những nguyên tắc đúng đắn – là những quy luật tự nhiên. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về những thói quen này để hiểu rõ hơn tư tưởng của những thói quen này – lấy nguyên tắc làm trọng tâm và lấy tính cách con người làm nền tảng nhằm mang lại sự thành đạt của cá nhân và sự thành công trong mối quan hệ giữa con người với nhau.

Để giúp người đọc dễ hiểu những nguyên tắc được trình bày trong cuốn sách, tác giả đã phân tích rất chi tiết ý nghĩa và bản chất của những thói quen với những ví dụ thực tế trong cuộc sống và công việc cũng như tình huống minh họa sinh động. Đọc đến đâu, mình đều cố gắng liên hệ những thói quen mà tác giả nêu ra với chính những thói quen của mình trong cuộc sống. Có vẻ như mình mới đạt được những thói quen tác giả tổng kết ở mức độ nửa vời. Ví dụ như “tính luôn chủ động”, nhiều khi mình cực kỳ chủ động trong công việc nhưng đôi khi mọi thứ lại rất ì ạch và bị động đối phó với nhiệm vụ được giao vì động cơ làm việc lúc đó xuống quá thấp hoặc đôi khi mình bị cảm xúc chi phối ảnh hưởng lớn đến chất lượng công việc. Chỉ khi deadline đến thì mô tơ trong mình bắt đầu quay tít. Về “mục tiêu và ưu tiên cho điều quan trọng nhất”, do bị “bệnh nghề nghiệp” nên mọi thứ mình làm đều bắt đầu từ mục tiêu và đặt ưu tiên. Nghề của mình liên quan đến nghiên cứu/điều tra/khảo sát và xây dựng/quản lý dự án trong lĩnh vực y tế nên mọi thứ đều phải xuất phát từ mục tiêu tức là làm điều đó để đạt được gì. Tuy nhiên, lắm lúc mình cũng lạc lối vì quên đi “giá trị cốt lõi” hay “vai trò” của bản thân trong cuộc sống này là gì hoặc đặt ưu tiên này thì lại dành thời gian làm việc khác vô bổ vì không cưỡng lại được những “cám dỗ” trong cuộc sống. Về “tư duy cùng thắng”, cơ bản mình có tư duy này vì cho rằng đa phần mối quan hệ của chúng ta sẽ trở lên tương thuộc khi chúng ta có sự độc lập. Nhưng đôi khi mình cũng rất hiếu thắng trong “đàm phán”. Về “lắng nghe và thấu hiểu”, lắm lúc mình cũng hay lắng nghe nhưng chẳng thấu hiểu và “suy bụng ta ra bụng người” hoặc thậm chí chẳng thèm lắng nghe, nói gì đến thấu hiểu. Kỹ năng này chắc phải được “bồi bổ” thêm. Về “đồng tâm hiệp lực”, quan điểm của mình là thiếu nó thì khó mà thành đại sự vì mọi người đều có sự khác biệt về suy nghĩ và năng lực. Ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu riêng, quan trọng là chúng ta cần kết nối được điểm mạnh của nhau để hạn chế những điểm yếu. Nghĩ như vậy là một chuyện nhưng thời gian mới kiểm nghiệm được nói và làm có đi đôi với nhau hay không. Về “rèn giũa bản thân”, quả là không đơn giản tý nào khi ta cần rèn luyện để giúp các thói quen trên trở lên ngày càng hoàn thiện ở mức độ cao hơn. Thói quen này giúp ta xây dựng năng lực cá nhân được cải thiện không ngừng. Đó là một vài sự liên hệ nhỏ trong vô vàn hạn chế của chính bản thân mình. Để hiểu rõ hơn các thói quen này và cách rèn luyện, mời các bạn đọc chi tiết những phân tích của tác giả trong cuốn sách này. Mình hy vọng các bạn sẽ tìm được nhiều điều bổ ích và lý thú trong cuốn sách này.

Chốt lại cảm nhận về cuốn sách này của mình là phải chăng triết học là một môn học đáng để nghiên cứu một cách nghiêm túc khi còn ngồi trên ghế nhà trường? Liệu nó có quá khó đối với sinh viên còn chưa có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm cuộc sống? Liệu chăng mình nên lôi sách triết học ra để nghiên cứu lại và ngẫm nghĩ về nó bằng cách gắn nó vào những gì mình đã trải qua sau khi rời ghế nhà trường để đối mặt với thực tế của cuộc sống “cơm áo gạo tiền”? Liệu chăng mình có đang dở hơi khi đặt ra những câu hỏi đó? Về cuốn sách này, một vài câu hỏi nữa đặt ra về tính ứng dụng của cuốn sách là “liệu bạn có tin 7 thói quen là những nguyên tắc đúng đắn và sẽ có kế hoạch rèn luyện chúng không và cuốn sách liệu có làm thay đổi cuộc sống của bạn không”?

____________________________________________________________________________________

Dưới đây là nội dung tóm tắt của cuốn sách mà mình tự tổng hợp cho bản thân, gửi cả nhà tham khảo

Trước khi tìm hiểu sâu 7 thói quen này, ta cần hiểu thói quen là gì? Về cơ bản, tính cách của chúng ta bắt nguồn từ những thói quen. Đó là một chuỗi phản ứng dây chuyền từ suy nghĩ dẫn đến hành động, tạo nên tói quen và định hình tính cách và cuối cùng tạo nên số phận. Do đó thói quen là yếu tố quan trọng và mang tính bền vững. Trong cuốn sách này thói quen là giao điểm của tri thức, kỹ năng và khát vọng. Trong đó, tri thức là một mô thức lý thuyết, tức là làm gì và tại sao; kỹ năng là làm như thế nào; còn khát vọng là động cơ, là muốn hành động. Chúng ta cần cả 3 yếu tố này để tạo nên thói quen. Thói quen là thứ có thể học và cũng có thể từ bỏ nhưng đòi hỏi phải có một quá trình và quyết tâm cao.



Thói quen 1 – Luôn chủ động:

Những người ở thế chủ động có thể tạo ra sự cân bằng cho mình dù điều kiện khách quan suôn sẻ hay trở ngại thì tâm trạng và công việc vẫn tiến triển vì họ được thúc đẩy bởi giá trị của bản thân. Họ đặt giá trị lên trên cảm xúc. Họ được thúc đẩy bởi những giá trị đã được suy nghĩ thấu đáo chọn lọc và tiếp thu. Một vài câu nói để minh họa cho tính chủ động như “Không ai có thể làm tổn thương bạn nếu bạn không đồng ý” hay “Họ không thể lấy đi sự tự trọng của chúng ta nếu chúng ta không cho họ cái quyền đó”. Qua đó, có thể thấy chính sự tự nguyện cho phép hay đồng tình của chúng ta khiến ta đau khổ hơn nhiều so với bản thân sự việc xảy ra. Hay một câu nói khác “Số phận của tôi ngày hôm nay chính là do sự lựa chọn của tôi ngày hôm qua”. Những kinh nghiệm khó khăn nhất mà chúng ta đã trải qua lại trở thành lò tôi luyện tính cách, phát triển sức mạnh bên trong, đêm lại cho ta quyền tự do để xử lý các tình huống khó khăn trong tương lai và thúc đẩy người khác làm theo mình. Những hoàn cảnh khó khăn thương tạo ra các thay đổi về mô thức. Điều quan trọng nhất là cách chúng ta phản ứng như thế nào đối với những gì chúng ta trải nghiệm. Những người nắm thế chủ động làm bất cứ việc gì cần thiết, phù hợp với các nguyên tắc đúng đắn để hoàn thành công việc. Tính chủ động sẽ đi xuyên suốt cùng với 6 thói quen đầu tiên trong cuốn sách này.

Để biết mức độ ta chủ động tới đầu thì cần xem xét xem chúng ta tập trung thời gian và sức lực của mình vào đâu. Để hiểu điều này, chúng ta cần hiểu rõ hai khái niệm: “Vòng tròn quan tâm” và “Vòng tròn ảnh hưởng”. Khi quan sát các sự vật nằm trong vòng tròn qua tâm, ta thấy rằng có những mối quan tâm nằm trong và nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta. Những gì chúng ta kiểm soát được sẽ gom vào một vòng tròn nhỏ hơn gọi là “Vòng tròn ảnh hưởng”. Người chủ động tập trung vào nỗ lực của mình vào “Vòng tròn ảnh hưởng” tức là những sự việc mà có thể kiểm soát được. Do vậy, ta cần tập trung vào mở rộng “Vòng tròn ảnh hưởng” để tăng tính chủ động. Có hai cách để kiểm soát bên trong “Vòng trỏn ảnh hưởng” là kiểm soát trực tiếp (những vấn đề liên quan đến hành vi của chính chúng ta) và nằm trong 3 thói quen đầu và kiểm soát gián tiếp (những vấn đề liên quan đến hành vi của người khác) nằm trong 3 thói quen tiếp theo. Ngay tại trung tâm của “Vòng tròn ảnh hưởng” là khả năng cam kết và giữ lời của chúng ta. Khả năng đưa ra và thực hiện cam kết đối với bản thân là yếu tố cốt lõi nhất của quá trình xây dựng các thói quen cơ bản cho sự thành đạt. Kiến thức, kỹ năng và khát vọng đều nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta.

Thói quen 2 – Bắt đầu từ mục tiêu đã xác định:

Điều này nghĩa là xuất phát bằng một sự hiểu biết rõ ràng về đích đến của bạn hay bạn biết nơi mình muốn đến và hiểu mình đang ở đâu để luôn đi đúng hướng. Cuộc sống của chúng ta sẽ khác đi nếu chúng ta nhận thức được điều gì thực sự quan trọng và giữ những hình ảnh đó trong tâm trí.

Thói quen này được dựa trên nguyên lý mọi sự vật đều được sáng tạo hai lần: Lần thứ nhất là sáng tạo tinh thần và lần thứ hai là sáng tạo vật chất. Hay theo quy tắc của thợ mộc là “hai lần đo, một lần cắt” nghĩa là phải suy nghĩ kỹ trước khi hành động, tức là sự sáng tạo đầu tiên phải thực sự đúng với cái bạn muốn có hay phải bắt đầu công việc với một mục đích đã xác định rõ ràng.

Bắt đầu từ mục tiêu đã xác định nghĩa là thực hiện các vai trò khác nhau trong cuộc đời với những giá trị và phương hướng rõ ràng. Điều đó có nghĩa là phải bắt đầu cuộc sống hàng ngày bằng những giá trị nào đó để khi đối diện với những thăng trầm, thách thức cuộc đời, ta có thể hành xử bằng nhân phẩm của mình mà không cần phải hành động theo cảm tính hoặc bị hoàn cảnh tác động.

Cách hiệu quả nhất để để thực hiện thói quen này là thiết lập một bản tuyên ngôn sứ mệnh cá nhân hay một triết lý hoặc một niềm tin. Tuyên bố đó cho biết bạn muốn trở thành người như thế nào (tính cách), sẽ làm gì (cống hiến, thành tích), lấy giá trị và nguyên tắc nào làm nền tảng. Bản tuyên ngôn này là “bản hiến pháp” cá nhân. Về cơ bản, “hiến pháp” là điều không thay đổi. Bản tuyến ngôn dựa trên những nguyên tắc đúng đắn, trở thành một chuẩn mực cho mỗi người, làm cơ sở để đưa ra những quyết định lớn, là phương hướng cho cuộc đời mà không phụ thuộc vào hoàn cảnh sống hay cảm xúc. Khi nhận thức được sứ mệnh, ta sẽ có được nền tảng của tính chủ động, tầm nhìn và những giá trị để dẫn dắt cuộc đời. Đó cũng là cơ sở để đặt ra mục tiêu ngắn hạn cũng như dài hạn.

Để viết được bản tuyên ngôn này, ta phải bắt đầu từ trung tâm của “Vòng tròn ảnh hưởng” bao gồm những mô thức cơ bản nhất mà qua đó ta có thể nhìn ra thế giới. Tại trung tâm này, ta xử lý tầm nhìn và những giá trị của mình, sử dụng khả năng tự nhận thức để xem xét các “bản đồ” chỉ dẫn. Bất cứ cái gì nằm tại trung tâm của cuộc sống sẽ là nguồn gốc cho sự an toàn, định hướng, khôn ngoan và năng lực của chúng ta. An toàn là biểu hiện của bạn về giá trị cá tính, nền tảng tình cảm, lòng tự trọng và các thế mạnh của bạn. Định hướng là nguồn gốc các phương hướng cuộc sống. Bản đồ dẫn đường bao gồm các nguyên tắc, cá tiêu chuẩn ngầm chi phối những quyết định và hành động. Khôn ngoan là tầm nhìn tương lai và nhận thức về sự cân bằng, sự am hiểu đối với cách áp dụng các nguyên tắc khác nhau trong cuộc sống và sự liên hệ giữa chúng. Khôn ngoan bao gồm khả năng phán đoán, suy xét và hiểu biết. Năng lực là khả năng hành động, là tiềm lực để hoàn thành một công việc nào đó, bao gồm cả khả năng vượt qua những thói quen cố hữu để hình thành những thói quen ở mức độ cao hơn, có hiệu quả hơn. Bốn yếu tố này phụ thuộc lẫn nhau. An toàn và định hướng đem lại sự khôn ngoan thật sự là chất xúc tác giải phóng năng lực. Khi bốn nhân tố này kết hợp hài hòa và bổ sung cho nhau sẽ tạo nên sức mạnh to lớn có thể sản sinh ra một nhân cách cao quý, một tính cách cân bằng và một con người toàn vẹn.

Cuốn sách còn giải thích chi tiết theo 4 yếu tố trên về các trọng tâm khác nhau trong cuộc sống: Phối ngẫu, gia đình, tiền bạc, công việc, tài sản, hưởng lạc thú, bạn/thù, tôn giáo, hướng về bản thân. Thông thường trọng tâm của cuộc sống là sự kết hợp cùng một lúc các trọng tâm với nhau. Điều lý tưởng là có thể tạo ra một trọng tâm rõ ràng để bạn có thể đạt được an toàn, định hướng, khôn ngoan và năng lực ở mức độ cao nhằm giúp luôn chủ động và kết hợp hài hòa mọi mặt cuộc sống. Để phát triển vững chắc 4 yếu tố này, ta cần hướng cuộc sống vào các nguyên tắc đúng đắn. Sự an toàn xuất phát từ việc hiểu rằng những nguyên tắc đúng đắn không bao giờ thay đổi. Nguyên tắc là những chân lý cơ bản và sâu xa. Khôn ngoan và định hướng lấy nguyên tắc làm trọng tâm xuất phát từ “bản đồ” đúng đắn, từ bản chất của sự vật trong hiện tại, quá khứ và tương lai. Năng lực cá nhân được tạo ra khi sống theo nguyên tắc là sức mạnh của một người biết tự nhận thức, có tri thức và luôn chủ động, không bị hạn chế bởi thái độ, hành vi của người khác hay bởi tác động của hoàn cảnh và môi trường. Khi 4 yếu tố này đạt được ở mức độ ổn định và bền vững, ta sẽ có được nền tảng cho sự chủ động và thành đạt. Các nguyên tắc đều gắn liền với hệ quả tự nhiên. Khi sống phù hợp, ta sẽ thu được kết quả tích cực và nếu xem thường thì sẽ nhận lấy hậu quả. Vì vậy, càng biết nhiều các nguyên tắc đúng đắn, ta càng có nhiều lựa chọn để hành động khôn ngoan.

Hãy nhớ rằng mô thức là nguồn gốc hình thành thái độ và hành vi. Nếu trọng tâm của chúng ta không làm chúng ta trở thành một người luôn chủ động thì cần phải thay đổi mô thức để chuyển sang trọng tâm khác. Là người lấy nguyên tắc là trọng tâm, bạn luôn cố gắng tách mình ra khỏi những cảm xúc do hoàn cảnh để đánh giá các phương án khác nhau trong cuộc sống.

Trách nhiệm cá nhân hay tính luôn chủ động đóng vai trò quan trọng trong sự sáng tạo lần thứ nhất. Là người chủ động, ta có thể quyết định trở thành loại người nào và làm gì trong cuộc sống của mình. Chúng ta có thể viết ra một bản tuyên ngôn sứ mệnh cá nhân nhưng đòi hòi phải suy ngẫm, phân tích, cân nhắc kỹ lưỡng và thường được viết đi viết lại nhiều lần để có thể hoàn chỉnh. “Bản hiến pháp” này thể hiện nhất quán tầm nhìn và các giá trị của bạn. Nó trở thành tiêu chuẩn để bạn đối chiếu và đánh giá mọi khía cạnh cuộc sống. Lập ra hay sửa chữa, bổ sung bản tuyên ngôn sẽ làm bạn thay đồi vì nó buộc bạn phải suy nghĩ về các ưu tiên của mình một cách thấu đáo, thận trọng và gắn liền với hành động với niềm tin của bạn.

Để làm tăng khả năng sáng tạo lần thứ nhất, ta cần hiểu được cách khai thác khả năng não phải với hai chức năng là trí tưởng tượng và nhận thức. Về cơ bản, bán cầu não trái có ưu thế về logic/ngôn từ, còn bán cầu não phải có ưu thế về trực giác và sáng tạo. Bán cầu não trái xử lý lời nói bán cầu não phải xử lý hình ảnh; bán cầu não trái xử lý bộ phận và chi tiết, bán cầu não phải xử lý tổng thể và cá mối quan hệ giữa các chi tiết. Bán cầu não trái xử lý tư duy theo tuần tự, bán cầu não phải xử lý tư duy đồng thời và kết hợp. Bán cầu não trái gắn với thời gian, bán cầu não phải tự do về thời gian. Thực tế, bán cầu não trái chiếm phần lớn ưu thế. Vì vậy nhiệm vụ của chúng ta là cần phải tăng cường khai thác được tiềm năng của bán cầu não phải. Nhiệm vụ này chắc không đơn giản chút nào?

Có hai phương pháp để khai thác tiềm năng của bán cầu não phải: (i) Mở rộng viễn cảnh cuộc sống, (ii) Hình dung và quyết tâm thực hiện. Với phương pháp 1, đôi khi chúng ta bị bứt ra khỏi môi trường, cấu trúc tư duy của bán cầu não trái sang phải bởi một trải nghiệm bất ngờ (cái chết của người thân, căn bệnh hiểm nghèo, tai ương nghịch cảnh…) và chúng ta tự hỏi: “Điều gì mới thực sự quan trọng nhất? Tại sao tôi phải làm điều tôi đang làm?”. Nếu là người chủ động, bạn sẽ không phải trông chờ vào hoàn cảnh hay sự giúp đỡ của người khác mới có thể mở rộng viễn cảnh cuộc sống. Chẳng hạn, dựa vào sức mạnh của trí tưởng tượng. Lập tức mọi thứ được đặt vào một viễn cảnh khác hẳn với những giá trị trước đây không nhận thấy nay bỗng xuất hiện rõ nét. Khi ta thực hiện quyết tâm tìm ra điều gì là quan trọng nhất đối với cuộc sống, trở thành con người như thế nào và muốn làm gì thì lúc đó ta bắt đầu có tư duy ở tầm cao hơn hiện tại và tương lai. Với phương pháp 2 đòi hỏi cần có kỹ năng lãnh đạo bản thân. Đây là một quá trình liên tục nhằm duy trì tầm nhìn và những giá trị để điều chỉnh nhịp sống phù hợp với những gì bạn cho là quan trọng nhất. Với nỗ lực đó, sức mạnh của bán cầu não phải sẽ có ích cho bạn khi bạn muốn gắn kết tuyên ngôn sứ mệnh cá nhân vào cuộc sống. Phương pháp này xuất hiện một cách tự nhiên từ nền tảng tư duy có mục đích và các nguyên tắc đã trở thành tầm quan trọng trong cuộc sống. Phương pháp này là các hình thức của lập trình hóa và cần phù hợp với trọng tâm cuộc sống.

Viết được bản tuyên ngôn sứ mệnh của mình thông qua các vai trò quan trọng trong cuộc sống sẽ đem đến cho sự cân bằng và hài hòa. Khi nhận diện được các vai trò khác nhau, bạn có thể nghĩ về các mục tiêu dài hạn cho từng vai trò. Lúc này, bạn cần đến bán cầu não phải để có được trí tưởng tượng, sáng tạo, nhận thức và nguồn cảm hứng. Một mục tiêu hữu hiệu chủ yếu tập trung vào kết quả hơn là hoạt động. Nó chỉ ra vị trí bạn đang đứng, đích đến, cách đi đến đích và thời gian bao lâu. Nó thống nhất những nỗ lực và nguồn lực của bạn, đem lại ý nghĩa và mục đích cho hành động của bạn. Cuối cùng nó có thể biến thành thói quen hàng ngày để bạn trở thành người luôn chủ động, biết chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, biết nỗ lực để hoàn thành tuyên ngôn sứ mệnh cá nhân.



Thói quen 3 – Ưu tiên cho điều quan trọng nhất:

Thói quen thứ 1 cho rằng “Bạn là người sáng tạo mọi thứ” và chịu trách nhiệm đối với mọi hành vi”. Nó dựa vào bốn khả năng thiên phú của con người – trí tưởng tượng, lương tâm, ý chí độc lập và đặc biệt là khả năng tự nhận thức. Thói quen thứ 2 là sự sáng tạo lần thứ nhất về mặt tinh thần. Nó dựa vào trí tưởng tượng – khả năng nhìn xa trông rộng – và lương tâm tức là khả năng phát hiện ra tính đơn nhất của con người về mặt tinh thần luân lý và các chuẩn mực đạo đức mà chúng ta có thể hoàn thiện một cách tốt nhất.

Thói quen thứ 3 là sự sáng tạo lần thứ hai nhưng là sáng tạo về mặt vật chất. Đó là sự hoàn chỉnh, thực hiện hóa và bộc lộ tự nhiên các thói quen 1 và 2. Đó là bài tập về ý chí độc lập, được thực hiện hàng ngày hàng giờ để trở thành một người sống có trọng tâm. Các thói quen 1 và 2 là tiền đề cho thói quen 3. Ý chí độc lập giúp con người chủ động hành động hơn là bị động đối phó, thực hiện một cách có kế hoạch những gì đã hoạch địch. Mức độ phát triển của ý chí độc lập trong cuộc sống hàng ngày được đo bằng tính trung thực. Đó là khả năng đưa ra và giữ gìn các cam kết đối với chính mình, để “lời nói đi đôi với việc làm”. Quản lý hiệu quả là ưu tiên cho điều quan trọng nhất. Trong khi lãnh đạo quyết định điều gì là quan trọng nhất thì quản lý sẽ đưa những điều quan trọng nhất này lên hàng ưu tiên số một để thực hiện thường xuyên. Quản lý đi liền với kỷ luật trong quá trình thực hiện công việc.

Thói quen thứ 3 liên quan đến quản trị thời gian và tư duy đúng đắn ở đây là tổ chức và thực hiện nhiệm vụ theo các thứ tự ưu tiên. Cuốn sách cũng chỉ ra những hạn chế của các thế hệ lý thuyết về quản trị thời gian. Có 4 thế hệ lý thuyết quản trị thời gian: (i) thế hệ 1 – đặc trưng là mảnh giấy ghi chú hay bảng liệt kê công việc, (ii) thế hệ 2 – các loại lịch công tác và sổ ghi chép các cuộc hẹn (thể hiện sự nhìn xa hơn để lập kế hoạch), (ii) thế hệ 3 – thêm vào các thế hệ trước tầm quan trọng của việc xác định các thứ tự ưu tiên, làm sáng tỏ các giá trị và so sánh giá trị tương đối của mọi hoạt động dựa trên mối quan hệ giữa chúng đối với các giá trị đó cũng như tập trung vào việc xác định các mục tiêu cụ thể ngắn, trung và dài hạn để phân bố hài hòa thời gian với sức lao động phù hợp với các giá trị đặt ra, (iv) thế hệ 4 – “quản trị thời gian” là một tên gọi sai – thách thức ở đây không phải là quản trị thời gian mà là quản lý bản thân. Có được hài lòng là do kỳ vọng và thực hiện. Và kỳ vọng làm trong vòng tròn ảnh hưởng.

Thế hệ thứ 4 tập trung vào bảo tồn, nâng cao các mối quan hệ và thành tích hay tập trung vào mục tiêu duy trì sự cân bằng P/PC (Product - Sản phẩm/Production Capacity - Năng lực sản xuất). Một hành động có thể được xác định bằng một trong hai yếu tố: khẩn cấp và quan trọng. Khẩn cấp là đòi hỏi sự chú ý ngay lập tức và luôn làm ta bị động. Những vấn đề quan trọng liên quan đến kết quả công việc. Nếu điều gì đó quan trọng, nó sẽ có ích cho sứ mệnh, các giá trị và mục tiêu hàng đầu của bạn. Hệ thứ 4 tiến bộ hơn ở các điểm: lấy nguyên tắc làm trọng tâm, dẫn dắt bởi lương tâm, xác định rõ sứ mệnh duy nhất bao gồm các mục giá trị và mục tiêu lâu dài, cân bằng cuộc sống và phạm vi hoạt động lớn hơn cùng với sự điều chỉnh hàng ngày nếu cần và giúp gắn bó với các giá trị sâu sắc nhất thông qua việc xem xét các vai trò then chốt.

Ma trận quản trị thời gian gồ 4 phần: (i) vừa khẩn cấp vừa quan trọng, (ii) không khẩn cấp nhưng quan trọng, (iii) khẩn cấp nhưng không quan trọng và (iv) vừa không khẩn cấp vừa không quan trọng. Người thành đạt sẽ đứng ngoài phần tư thứ ba và tư vì dù khẩn cấp hay không chúng đều không quan trọng. Họ cũng sẽ thu hẹp tối đa phạm vi phần tư thứ thất bằng cách dành nhiều thời gian hơn cho phần tư thứ hai. Phần thứ hai là trung tâm của việc quản lý hiệu quả bản thân. Người thành đạt chú tâm vào cơ hội, nuôi cơ hội nhưng bỏ đói các vấn đề. Họ tư duy từ xa. Họ giữ cho P và PC cân bằng bằng cách tập trung vào các hoạt động quan trọng nhưng không khẩn cấp. Những hoạt động xây dựng năng lực ở mức độ cao nằm ở phần tư thứ hai.

Tiêu điểm của phần tư thứ hai là một mô thức lấy nguyên tắc làm trọng tâm. Nếu các ưu tiên xuất phát từ trọng tâm hướng về nguyên tắc và sứ mệnh cá nhân, nếu chúng đã ăn sâu vào con tim và khối óc bạn thì bạn sẽ coi phần tư thứ hai là nơi tất yếu để đầu tư toàn bộ thời gian. Người tổ chức các hoạt động thuộc phần tư thứ hai cần có 6 tiêu chí quan trọng sau: (i) tính chặt chẽ - hài hòa thống nhất và gắn kết giữa tầm nhìn và sứ mệnh, giữa vai trò và mục tiêu, giữa các ưu tiên và kế hoạch, giữa ý muốn và kỷ luật (ii) tính cân bằng – cân bằng trong cuộc sống nhận diện được các vai trò khác nhau, (iii) tập trung vào phần tư thứ hai – tổ chức cuộc sống theo lịch tuần, (iv) khía cạnh “con người” – người lấy nguyên tắc làm trọng tâm suy nghĩ dưới góc độ tính hiệu quả trong việc xử lý mối quan hệ với con người, (v) tính linh hoạt, (vi) tính gọn nhẹ.

Chúng ta hoàn thành mọi việc thông qua sự giao phó – cho thời gian hoặc cho người khác. Nếu giao phó cho thời gian, nghĩ đến hiệu suất, nếu cho người khác, nghĩ đến hiệu quả. Việc chuyển giao trách nhiệm cho những người có kỹ năng và đào tạo khiến bạn có điều kiện dành thời gian và sức lực cho các hoạt động khác hữu ích hơn. Vì sự giao phó cần có người khác nên đó là một chiến thắng chung của tập thể. Chìa khóa để quản lý hiệu quả là sự giao phó. Giao phó ủy quyền dựa trên kết quả công việc thay vì phương pháp làm việc. Nó cho người khác quyền lựa chọn phương pháp và để họ tự chịu trách nhiệm về kết quả. Phương pháp này mất nhiều thời gian lúc ban đầu nhưng đó là sự đầu tư thời gian cần thiết. Giao phó ủy quyền được thực hiện đúng đắn thì cả hai bên sẽ có lợi, sẽ làm được nhiều việc hơn với thời gian ít hơn. Giao phó ủy quền đòi hỏi cam kết thực hiện theo yêu cầu của 5 yếu tố sau:



  1. Kết quả mong muốn: tập trung vào việc gì chứ không phải bằng cách nào, tập trung vào kết quả chứ không phải phương pháp. Phương pháp này đòi hỏi tốn nhiều thời gian và lòng kiên nhẫn.

  2. Định hướng: Xác định thông số mà người được giao phó cần phải thực hiện. Không nên nói với họ cần phải làm gì, để họ học hỏi từ những sai lầm của mình và người khác. Hãy để họ có trách nhiệm về kết quả công việc và được làm bất cứ điều gì cần thiết trong phạm vi được ủy quyền.

  3. Các nguồn lực: Nhận diện các nguồn lực bao gồm nhân lực và tài chính, trình độ kỹ thuật… để đạt được kết quả mong muốn

  4. Xác định trách nhiệm: Đặt ra các chuẩn mực để đánh giá kết quả hoạt động và xác định thời gian tiến hành công việc báo cáo, đánh giá.

  5. Các hệ quả: Chỉ rõ điều gì sẽ xảy ra, bao gồm cả phần thưởng vật chất và tinh thần.

Thói quen thứ 4 – Tư duy cùng thắng

Tư duy cùng thắng là một triết lý về mối quan hệ tương tác giữa con người với con người, gồm 6 mô thức của mối quan hệ tương tác: Cùng thắng, Thắng/Thua, Thua/Thắng, Thua/Thua, Chỉ có thắng, Thắng/Thắng hoặc “không giao kèo”. “Cùng thắng”: tìm kiếm lợi ích chung trong mọi sự tương tác giữa con người với nhau, tất cả các bên đều hài lòng về quyết định và cam kết cùng thực hiện kế hoạch. “Thắng/Thua”: trong lãnh đạo, tư duy này là quan điểm độc đoán chuyên quyền – Người lãnh đạo có khuynh hướng sử dụng chức vụ, quyền lực, sự tín nhiệm… để đạt mong muốn. “Thua/Thắng”: không có chuẩn mực nào cả - không đòi hỏi, không kỳ vọng, không tầm nhìn. Trong đàm phán, tư duy này được coi là sự đầu hàng hay từ bỏ. Trong lãnh đạo, đó là tính dễ dãi hay nuông chiều. “Thua/Thua”: Khi hai người có tư duy thắng/thua gặp nhau tức là đều kiên quyết, bướng bỉnh và ích kỷ giao tiếp thì kết cục sẽ là thua/thua. Tư duy này là triết lý của người bị phụ thuộc hoàn toàn và không tìm được lối thoát riêng cho mình. Đó là những người bất hạnh. “Chỉ có thắng”: thắng-thua không quan trọng, quan trọng là có được cái họ muốn. Việc lựa chọn phương án có hiệu quả nhất tùy thuộc vào thực tiễn nên vấn đề là làm thế nào để nhận ra điều đó chính xác. Thực tế, đa số các tình huống đều là quan hệ tương thuộc, do đó, tư duy cùng thắng là phương án phù hợp nhất.

Tư duy cùng thắng là thói quen lãnh đạo giữa người với người, bao hàm sự vận dụng một trong các khả năng thiên phú đặc biệt của con người như tự nhận thức, trí tưởng tượng, lương tâm và ý chí độc lập. Sự tin cậy lẫn nhau và tài khoản tình cảm là cốt lõi của tư duy cùng thắng. Không có sự tin cậy thì điều ta làm chỉ là thỏa hiệp, chúng ta sẽ không cởi mở, học hỏi, giao tiếp lẫn nhau và không sáng tạo thực sự. Nếu tài khoản tình cảm có số dư ở mức độ cao thì độ tin cậy không còn là vấn đề. Tính cách của bạn càng chân thật, mức độ chủ động càng cao, nhiệt tình hướng đến giải pháp cùng thắng càng nhiều thì ảnh hưởng của bạn đến người khác càng mạnh. Mối quan hệ theo phương thức cùng thắng với mức độ tin cậy cao là bàn đạp lý tưởng là bàn đạp lý tưởng cho đồng tâm hiệp lực (Thói quen 6). Nó giúp phối hợp năng lực của cả hai bên để tạo nên sức mạnh sáng tạo và liên kết, giúp hiểu biết thấu đáo các vấn đề và giải quyết chúng sao cho cùng có lợi.

Những thỏa thuận cùng thắng bao trùm một phạm vi rộng của sự tương tác có tính tương thuộc. Trong thỏa thuận cùng thắng, năm nhân tố sau cần được thể hiện một cách rõ ràng: kết quả mong muốn, chỉ dẫn, nguồn lực, kế hoạch, tổng kết đánh giá. Đa số chúng ta thường có xu hướng kiểm soát các phương pháp. Chúng ta sử dụng phương pháp giao phó mệnh lệnh. Nhưng các thỏa thuận theo nguyên tắc cùng thắng có tiêu điểm là kết quả, giúp giải phóng tiềm năng to lớn của cá nhân và tạo ra sự hiệp lực hơn, đồng thời trong quá trình đó xây dựng PC (Năng lực sản suất) thay chỉ vì tập trung vào P (sản phẩm). Thỏa thuận cùng thắng này xác lập những kỳ vọng rõ ràng ngay từ đầu cho cả hai bên. Nguyên tắc cùng thắng đặt trách nhiệm lên từng cá nhân trong việc hoàn thành các kết quả cụ thể với sự định hướng rõ ràng và những nguồn lực sẵn có. Hệ thống cùng thắng sẽ tạo ra môi trường hỗ trợ lẫn nhau, củng cố các thỏa thuận trong công việc đối với cả nhóm, tập thể và gia đình.



Thói quen thứ 5 – Lắng nghe và thấu hiểu

Một nguyên tắc quan trọng trong lĩnh vực quan hệ giao tiếp giữa người với người trước hết là lắng nghe và thấu hiểu. Nguyên tắc này là chìa khóa để có được cuộc giao tiếp hiệu quả. Bạn không thể thành công nếu chỉ dựa vào kỹ thuật giao tiếp vì khi phát hiện ra điều này, người ta sẽ nghĩ bạn giả dối hoặc đóng kịch và sẽ thắc mắc tại sao bạn lại làm như vậy, động cơ của bạn là gì. Cuối cùng, họ sẽ cảm thấy bạn không đáng tin cậy để có thể cởi mở với bạn. Tính cách bộc lộ tự nhiên con người thật của bạn, chứ không phải dựa vào lời người khác nói về bạn, hay phụ thuộc vào ý muốn của bạn.

Đa số chúng ta lắng nghe không phải để thấu hiểu người khác mà để đối đáp. Chúng ta cũng hay có thói quen “suy bụng ta ra bụng người” để phán xét cuộc sống của người khác. Chúng ta thường “lắng nghe” người khác nói với một trong bốn thái độ: làm ngơ, giả vờ lắng nghe, lắng nghe có chọn lọc, chăm chú lắng nghe, lắng nghe và thấu hiểu. Lắng nghe và thấu hiểu là mức độ cao nhất, đi vào bên trong khung tham chiếu của người khác, nhìn sự việc thông qua họ, nhìn thế giới theo cách của họ, hiểu mô thức của họ, cảm nghĩ của họ. Khi lắng nghe thấu hiểu, bạn cần nghe bằng mắt và cả con tim.

Các kỹ năng phẩn nổi của sự lắng nghe thấu hiểu có bốn giai đoạn phát triển. Giai đoạn đầu tiên và kém hiệu quả nhất là “nhắc lại nguyên văn”. Lúc này, bạn chưa chưa đánh giá, thăm dò, khuyên bảo hay lý giải nhưng chí ít, bạn cũng đã thể hiện sự quan tâm đối với người khác nói ra. Giai đoạn thứ hai là “lặp lại nội dung theo kiểu suy diễn”. Hiệu quả có tăng lên nhưng vẫn bị hạn chế trong phạm vi giao tiếp bằng lời nói. Giai đoạn thứ ba là “bày tỏ cảm xúc”. Giai đoạn thứ tư bao gồm cả giai đoạn thứ hai và ba “cố gắng tìm hiểu bản chất vấn đề”. Khi một người đang bị tổn thương tình cảm, nếu bạn đang thực sự lắng nghe và thấu hiểu, bạn sẽ ngạc nhiên nhận ra rằng người ấy nhanh chóng bộc lộ nỗi lòng. Các kỹ năng sẽ không phát huy hiệu quả nếu chúng không xuất phát từ ý muốn chân thành là để thấu hiểu. Lắng nghe thấu hiểu đòi hỏi thời gian nhưng không mất nhiều bằng thời gian để khắc phục và sửa chữa những sai lầm.

Chạm được vào tâm hồn người khác là một bước tiến quan trọng để bạn có thể xây dựng được mối quan hệ lâu dài. Mỗi khi giao tiếp với người khác bạn nên lột bỏ lăng kính chủ quan của mình và thực sự cố gắng hiểu họ. Ngay cả khi người đó không muốn chia sẻ những vấn đề riêng tư, bạn cũng nên thấu hiểu. Hãy nhìn cuộc sống qua cách nhìn của mỗi người.

Thói quen thứ 6 – Đồng tâm hiệp lực

Đồng tâm hiệp lực là hoạt động cao nhất trong cuộc sống, là sự tập hợp và vận dụng cùng lúc tất cả các thói quen từ 1 đến 5, là sự huy động 4 khả năng thiên phú của con người. Đồng tâm hiệp lực là điều cốt yếu của mô thức lãnh đạo lấy nguyên tắc làm trọng tâm. Để có được tinh thần đồng tâm hiệp lực, mỗi cá nhân phải có sự an toàn nội tâm mạnh mẽ, phải dũng cảm rời bỏ “vỏ ốc” của mình để đương đầu với những thách thức. Mỗi người sẽ tự mở ra những khả năng mới của chính họ. Cuộc sống của gia đình chính là một cơ hội để vận dụng nguyên tắc này. Bản chất của nó là đề cao sự khác biệt – tôn trọng sự khác biệt, phát huy các thế mạnh và bù đắp nhược điểm của nhau. Đó là sự khác biệt về trí tuệ, tình cảm và tâm lý giữa những con người khác nhau. Thực tế, ai cũng có cái nhìn riêng về thế giới, thực tại khách quan và theo quan điểm riêng của họ.

Người thành đạt cần có sự khiêm nhường và biết tôn trọng người khác để nhận ra những giới hạn nhận thức của mình và để đánh giá cao những nguồn lực phong phú thông qua sự tương tác với tập thể. Người đó coi trọng sự khác biệt bởi ví nó làm tăng thêm kiến thức và sự hiểu biết.

Bản chất của tự nhiên là đồng tâm hiệp lực. Sinh thái là từ mô tả một cách căn bản về chủ nghĩa đồng tâm hiệp lực trong tự nhiên – tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều có mối liên hệ với nhau. Mối quan hệ mật thiết giữa các bộ phận cũng là một sức mạnh của văn hóa đồng tâm hiệp lực. Nếu mọi người tham gia một cách tích cực, chân thành và kiên định trong việc phân tích và giải quyết vấn đề thì sự sáng tạo và cam kết của họ đối với những gì họ tạo ra càng được phát huy nhiều hơn.

Khi giao tiếp với tinh thần này, bạn sẽ mở cửa con tim, khối óc và hành vi của mình cho những khả năng và lựa chọn mới. Chỉ với niềm tin cậy lẫn nhau, trong một thời gian ngắn, người ta cũng thể tạo dựng được sự đồng tâm hiệp lực. Bạn càng đáng tin cậy và chân thành bao nhiêu thì càng có nhiều người tìm đến bạn.

Thói quen thứ 7 – Rèn giũa bản thân

Thói quen thứ 7 nằm xung quanh các thói quen khác trong mô thức 7 thói quen giúp cho các thói quen khác được vận dụng vào thực tế cuộc sống.

Thói quen thứ 7 là PC (năng lực sản xuất) của cá nhân. Nó đổi mới bốn mặt của con người bạn – thể chất, tinh thần, trí tuệ và quan hệ xã hội/tình cảm. Rèn giũa bản thân nghĩa là rèn luyện cả 4 mặt của con người một cách thường xuyên, nhất quán và hợp lý. Để làm được điều này, chúng ta phải luôn chủ động. Dành thời gian để rèn giũa bản thân là hoạt động thuộc phần tư thứ hai, mang tính chủ động. Cần phải thúc đẩy PC cho cá nhân cho đến khi nó trở thành bản chất thứ hai, mội thói quen lành mạnh. Vì nó nằm ở giữa vòng tròn ảnh hưởng nên chỉ có chúng ta mới có thể điều khiển được. Đây là đầu tư lớn nhất chúng ta có thể thực hiện trong đơi – đầu tư vào chính mình để đương đầu với cuộc sống và cống hiến cho cuộc sống.

Rèn luyện thể chất là luôn quan tâm chăm sóc cơ thể mình – ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, thư giãn và luyện tập sức khỏe thường xuyên. Luyện tập là hoạt động thuộc phần tư thứ hai mà đa số chúng ta không làm thường xuyên vì không cấp bách. Vì không làm nên sớm muộn gì ta cũng rơi vào phần tư thứ nhất – đối phó với các vấn đề sức khỏe và khủng hoảng xảy ra. Rèn luyện sức khỏe là rèn luyện cho cơ thể ba phẩm chất: sức chịu đựng, sự dẻo dai và sức mạnh. Sức chịu đựng có được từ bài tập tay chân, làm tăng hiệu quả hoạt động của tim mạch. Sự dẻo dai có được nhờ tập luyện co giãn. Sức mạnh có được nhờ tập luyện sức bền của cơ bắp. Bản chất của sự tăng cường thể chất là để duy trì và nâng cao hiệu suất làm việc, thích nghi và thụ hưởng.

Rèn giũa tinh thần mang lại sự định hướng cho cuộc sống và có quan hệ chặt chẽ với thói quen 2. Văn học, âm nhạc hay sự giao tiếp với thiên nhiên cũng là cách làm đổi mới tinh thần. Khi dành thời gian để suy tư về những trọng tâm và ý nghĩa của cuộc sống, ta cũng cảm thấy tinh thần được tươi trẻ hơn. Đó là lý do tại sao tuyên ngôn sứ mệnh cá nhân lại quan trọng.

Trí tuệ của chúng ta phát triển tới đâu đa phần phụ thuộc vào việc học tập. Học tập không ngừng và mở rộng chi thức là phương pháp tự đổi mới tinh thần hiệu nghiệm. Không có cách nào tăng cường và mở rộng sự hiểu biết tốt hơn việc tạo thói quen thường xuyên đọc sách – hoạt động thuộc góc phần tư thứ hai. Qua đó, bạn có thể tiếp cận được với những tư tưởng lớn trên thế giới qua các thời đại. Những cuốn sách có giá trị sẽ giúp chúng ta mở rộng nhận thức về văn hóa, đổi mới tinh thần cũng như thanh lọc tâm hồn. Viết cũng là một phương pháp hiệu quả để “rèn giũa” trí tuệ. Duy trì việc ghi chép hàng ngày những suy nghĩ, những trải nghiệm, những ý tưởng và những điều đã học sẽ giúp tâm trí minh mẫn, nhạy bén và chính xác. Điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng tư duy rõ ràng và sự hiểu biết thấu đáo.

Quan hệ xã hội/tình cảm tập trung vào các nguyên tắc lãnh đạo bản thân, giao tiếp thấu hiểu và hợp tác sáng tác.

Quá trình tự đổi mới bao gồm đổi mới cân bằng cả 4 mặt của con người: thể chất, tình thần, trí tuệ, quan hệ xã hội/tình cảm. Mặt nào cũng quan trọng ngang nhau và phát huy hiệu quả tối ưu khi được xử lý cân bằng và thông minh. Bỏ qua mặt nào cũng tạo ra áp lực kìm hãm chống lại sự thành công và phát triển.



Càng phát huy tính luôn chủ động (thói quen 1), bạn càng lãnh đạo bản thân (thói quen 2) và quản lý bản thân (thói quen 3) hiệu quả trong cuộc sống. Càng quản lý bản thân (thói quen 3) hiệu quả thì bạn càng có nhiều hoạt động tự đổi mới thuộc phần tư thứ 2 (thói quen 7). Càng cố gắng lắng nghe và thấu hiểu (thói quen 5) bạn càng dễ đi đến giải pháp cùng thắng (thói quen 4 và 6). Càng cải thiện được bất cứ thói quen nào dẫn đến tính độc lập (thói quen 1,2 và 3) thì bạn càng thu được nhiều kết quả trong các tình huống có tính tương tác (thói quen 4, 5 và 6). Và rèn giũa bản thân (thói quen 7) là quá trình tự đổi mới tất cả các thói quen đó. Thành tích cá nhân hàng ngày là chìa khóa để phát triển 7 thói quen và điều này hoàn toàn nằm trong Vòng tròn ảnh hưởng của bạn. Đó cũng là nền tảng cho thành tích tập thể, là cơ sỏ để bạn rèn giũa bản thân về mặt quan hệ xã hội/tình cảm.

Đổi mới là nguyên tắc để tiến lên và thay đổi theo đường xoắn ốc. Lương tâm là khả năng thiên phú có thể cảm nhận được sự đồng nhất hay khác biệt giữa chúng ta với những nguyên tắc đúng đắn. Rèn luyện lương tâm cũng quan trọng đối với những cá nhân thực sự tự chủ và thành đạt. Lương tâm không ngừng được rèn luyện sẽ là động lực đưa chúng ta đi theo con đường của sự tự do, an toàn, khôn ngoan và sức mạnh của bản thân. Phát triển theo đường xoắn ốc đòi hỏi chúng ta phải học tập, cam kết và thực hiện cam kết trên các bình diện ngày càng cao.
Каталог: 2012
2012 -> Những câu nói tiếng Anh hay dùng hằng ngày
2012 -> I. NỘi dung quy hoạch cao đỘ NỀn và thoát nưỚc mặt bản đồ hiện trạng cao độ nền và thoát nước mặt
2012 -> BÀI 1: KỸ NĂng thuyết trình tổng quan về thuyết trình 1 Khái niệm và các mục tiêu
2012 -> Người yêu lạ lùng nhất
2012 -> Thi thử ĐẠi họC ĐỀ thi 11 MÔN: tiếng anh
2012 -> SÔÛ giao thoâng coâng chính tp. Hcm khu quaûn lyù giao thoâng ñOÂ thò soá 2
2012 -> Commerce department international trade
2012 -> Những câu châm ngôn hay bằng tiếng Anh
2012 -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO ĐỀ thi tuyển sinh đẠi họC 2012 Môn Thi: anh văN – Khối D
2012 -> Tuyển tập 95 câu hỏi trắc nghiệm hay và khó Hoá học 9 Câu 1

tải về 102.14 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương