20 NĂm quan hệ việt nam – MỸ VÀ HỢp tác trong vấN ĐỀ phụ NỮ



tải về 104.65 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích104.65 Kb.
#11789
20 NĂM QUAN HỆ VIỆT NAM – MỸ

VÀ HỢP TÁC TRONG VẤN ĐỀ PHỤ NỮ
2015 là một năm có ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ Việt – Mỹ, đánh dấu 40 năm kết thúc hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ và 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Vắn tắt điểm lại lịch sử quan hệ Việt – Mỹ, nhất là lịch sử đương đại trong thế kỷ 20, là điều cần thiết để chúng ta có cơ sở vững tin hướng tới tương lai trong quan hệ giữa hai nước, vì lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam, trong đó có lợi ích của chị em phụ nữ Việt Nam.

1. Sơ lược lịch sử và quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ

Nếu tính đến lịch sử hàng ngàn năm của Việt Nam thì không thể nói rằng Việt Nam và Mỹ đã có quan hệ từ lâu. Nhưng nếu xét đến lịch sử mới hơn 200 năm của nước Mỹ, khoảng cách nửa vòng trái đất giữa hai nước, điều kiện đi lại và trao đổi thông tin trên thế giới hồi thế kỷ 18, đặc biệt nếu tính tới việc nước ta từng “chưa có tên trên bản đồ thế giới” như nhiều vị lãnh tụ của chúng ta thường nói, thì có thể khẳng định rằng quan hệ Việt – Mỹ đã bắt đầu từ khá sớm, và điều lý thú là quan hệ đó lại bắt đầu từ phía Mỹ.

Sử sách còn ghi chép việc trong giai đoạn 1784-1789, nghĩa là chỉ khoảng mươi năm sau khi nước Mỹ tuyên bố độc lập, Công sứ Mỹ tại Pháp khi đó Thomas Jefferson1 (Thô-mát Giép-phơ-xơn) đã chủ động gặp Hoàng tử Cảnh (khi đó mới 7 tuổi, thay mặt Triều đình Huế, đi cùng linh mục Pigneau de Béhaine (Pi-nhô đờ Bê-hen) sang Pháp tìm ngoại viện chống nghĩa quân Tây Sơn) để xin giống lúa Việt Nam về gieo trồng tại miền quê Carolina của ông. Sau cuộc gặp Hoàng tử Cảnh, Jefferson viết thư về nước: “Tôi rất hi vọng sẽ tìm được giống lúa cạn của xứ Cochinchina (tức Nam kỳ); vị hoàng tử trẻ tuổi của xứ sở này vừa mới rời nước Pháp đã cam đoan với tôi là sẽ gửi nó cho chúng ta…” Tiếc là sau khi về nước, tình hình đất nước rối ren đã không cho phép Hoàng tử Cảnh thực hiện lời hứa với Công sứ Jefferson.

Ngày 03/9/1783, với Hiệp ước Paris, Mỹ được hoàn toàn độc lập khỏi Anh. Những năm tháng sau đó được chứng kiến nhiều nỗ lực của Mỹ tiếp cận, tìm kiếm cơ hội giao thương với Việt Nam.

Đặc biệt, năm 1832, thuyền trưởng Edmund Roberts (Ét-mun Rô-bớt) đến Việt Nam đem theo một bức quốc thư của Tổng thống Mỹ Andrew Jackson (An-đờ-ru Giách-xơn) để đặt vấn đề kiến lập quan hệ bang giao giữa hai nước. Tuy nhiên, thuyền trưởng Roberts (Rô-bớt) không được diện kiến Vua Minh Mạng vì Triều đình Huế cho rằng bức thư của Tổng thống Mỹ không hợp thức về ngoại giao khi không viết rõ niên hiệu Minh Mạng của nhà Vua cũng như quốc hiệu Đại Nam của đất nước theo qui định điển lễ ngoại giao phương Đông.

Năm 1836, chính thuyền trưởng Edmund Roberts (Ét-mun Rô-bớt) lại một lần nữa tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội giao thương nhưng cũng không thành. Nguyên nhân sâu xa khiến các ý định tiếp xúc này từ phía Mỹ bị thất bại là do chính sách “bế quan tỏa cảng” của Triều đình Huế đối với phương Tây.

Ngoại giao hòa bình không thành. Mỹ liên kết với các đồng minh phương Tây tiến hành chính sách “ngoại giao pháo hạm”. Đúng 100 năm trước ngày Việt Nam tuyên bố độc lập, năm 1845, thuyền trưởng Percival (Pơ-xi-vơn) chỉ huy tàu chiến USS Constitution tiến vào Vịnh Đà Nẵng, bắt cóc một số quan lại của Triều Nguyễn để yêu cầu Triều Nguyễn thả một linh mục Pháp bị bắt giam ở Huế, bắn đại bác thị uy trước khi rời hải phận Đại Nam.

Về phía ta, nỗ lực đầu tiên tiếp cận Mỹ được triển khai tháng 8/1873 khi Bùi Viện được Vua Tự Đức cử sang Mỹ qua ngả Hồng Công, Nhật Bản, ghé San Francisco (Xan Phờ-ran-xít-cô) và tới Washington D.C. gặp Tổng thống Mỹ Ulysses Grant (U-ly-xít Gờ-ran). Tuy nhiên, do không mang theo Ủy nhiệm thư, ông Bùi Viện không thể ký kết những văn bản quan trọng thiết lập bang giao giữa hai nước.

Sau đó 2 năm, khi Bùi Viện tới Washington D.C. lần thứ hai năm 1875, Hòa ước Giáp Tuất Việt – Pháp đã khẳng định vị trí của Pháp ở Việt Nam với vùng đất thuộc địa Nam Kỳ và vùng đất bảo hộ Bắc Kỳ và Trung Kỳ, đặt chính quyền Việt Nam hoàn toàn dưới chế độ bảo hộ của Pháp, chính thức khép lại cơ hội mở cửa ngoại giao Việt – Mỹ trong thế kỷ 19.

Nửa đầu thế kỷ 20, nước Mỹ ngày càng trở nên mạnh hơn, thể hiện vị thế ngày càng lớn hơn trong chính sự quốc tế. Với lòng yêu nước mãnh liệt, đau đáu ước mơ giải phóng dân tộc khỏi xiềng xích thực dân, và với tầm nhìn xa trông rộng về chính trường thế giới, trên con đường cứu nước, Bác Hồ đã tới Mỹ, đọc Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và khâm phục lý tưởng tự do của những người khai sinh nước Mỹ. Chính với tầm nhìn ấy, ngay từ đầu những năm 1940, Người ở Tân Trào đã chỉ đạoViệt Minh trao đổi thông tin và hợp tác huấn luyện với cơ quan tình báo của Mỹ (OSS) để cùng chống Nhật. Ngày 02/9/1945, trong Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác nói: ‘Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc’. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Chỉ một tháng rưỡi sau đó, ngày 17/10/1945, Chính phủ của Hồ Chí Minh đã cấp Giấy phép thành lập Việt – Mỹ Thân hữu Hội với tư cách một trong hai tổ chức hữu nghị nhân dân song phương với nước ngoài đầu tiên của nước Việt Nam mới. Trong thư gửi Ngoại trưởng Mỹ James Byrnes (Giêm Bơn) ngày 01/11/1945, thay mặt nhân dân Việt Nam, Bác Hồ bày tỏ “tha thiết mong muốn tạo lập được mối quan hệ với nhân dân Mỹ”. Tiếp đó, ngày 16/02/1946, Người viết thư cho Tổng thống Mỹ Harry Truman (Ha-ri Tru-mần), khẳng định “mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Mỹ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”.

Đáng tiếc, một lần nữa, do nhiều nguyên nhân có tính lịch sử, Việt Nam và Mỹ lại chưa thể có quan hệ tốt đẹp với nhau. Hơn thế nữa, sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất hòng cứu thực dân Pháp khỏi thua trận, và việc Chính quyền Mỹ đổ người đổ của, trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, xâm lược Việt Nam, tàn phá Lào và Căm-pu-chia… đã đặt hai quốc gia Việt Nam và Mỹ vào vị trí đối đầu nhau suốt hàng chục năm.

Đối với Việt Nam, cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã giành thắng lợi hoàn toàn ngày 30/4/1975. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà thế giới thường gọi là “Chiến tranh Việt Nam”, đất nước ta bị tàn phá nặng nề, ít nơi nào không có vết tích bom đạn Mỹ, ít gia đình nào không có người thân bị tác động trực tiếp bởi cuộc chiến này. Khoảng 3 triệu người bị chết, hơn 4,5 triệu người bị thương. Chỉ trong 10 năm 1965-1975, đã có hơn 15 triệu tấn bom mìn, đạn pháo và các loại đạn dược khác trút xuống Việt Nam. Khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc Da cam/đi-ô-xin, nhiều nạn nhân là trẻ em thế hệ thứ hai, thứ ba. Và trong 40 năm kể từ khi cuộc chiến kết thúc, vẫn còn ước chừng 600.000 tấn vật liệu chưa nổ, gây ô nhiễm khoảng 6 triệu héc-ta đất canh tác, tương đương hơn 21%, giết chết hơn 42.000 người. Về phía Mỹ, cuộc chiến tranh Việt Nam đã khiến hơn 58.000 binh sĩ Mỹ bỏ mạng, làm nước Mỹ vô cùng hao tiền tốn của. Lần đầu tiên thua trong một cuộc chiến tranh ở nước ngoài, một mặt xã hội Mỹ chia rẽ sâu sắc, mặt khác một số thế lực cực đoan, thù địch ở Mỹ tiếp tục tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của ta, chống phá những cố gắng của nhân dân ta khôi phục và phát triển đất nước sau chiến tranh. Lệnh bao vây, cấm vận kinh tế-thương mại do Chính quyền Mỹ áp đặt với Việt Nam từ năm 1964 và thực hiện tới tận đầu năm 1994, thực sự là một cuộc chiến tranh không tuyên bố, gây thiệt hại to lớn cho Việt Nam về nhiều mặt, kéo lùi tiến trình phát triển hàng chục năm. Những vấn đề như dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc tiếp tục là trở ngại trong quan hệ song phương Việt – Mỹ. Tiến trình đi tới bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ không hề dễ dàng, kéo dài 20 năm từ 1975 đến 1995.

Tháng 3/1977, Tổng thống Mỹ Carter cử đặc phái viên Leonard Woodcock (Lê-ô-nát Út-cóc), Chủ tịch một tập đoàn ô tô Mỹ, sang Việt Nam, từ đó mở ra kênh đàm phán về bình thường hóa quan hệ tại Paris (Pháp). Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền dẫn đầu đoàn Việt Nam và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Richard Holbrooke (Ri-chác Hon-bờ-rúc) dẫn đầu đoàn Mỹ.

Tháng 9/1978, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đến Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York để tiến hành các cuộc đàm phán. Sau nhiều tuần thảo luận, phía Mỹ cho biết chưa sẵn sàng cho bình thường hóa. Lí do công khai phía Mỹ đưa ra là vấn đề “nạn kiều” và tình hình xung đột đang leo thang tại Cam-pu-chia. Nhưng lí do thực sự là Mỹ e ngại việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến tiến trình bình thường hóa quan hệ của Mỹ với Trung Quốc.

Tháng 7/1987, tướng John Vessey (Giôn Ve-xi) với tư cách Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (Rô-nan Ri-gần) sang Việt Nam gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Nội dung người Mỹ “mất tích trong khi làm nhiệm vụ” (MIAs) được dư luận Mỹ rất quan tâm; nhiều thông tin ngụy tạo về “tù binh Mỹ còn sống và bị giam cầm ở Việt Nam” được tung ra. Hai bên bắt đầu đợt đàm phán nhiều vòng, cả ở Việt Nam và Mỹ.

Tháng 4/1991, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Salomon (Ri-chác Xa-lô-mon) trao cho phía Việt Nam bản lộ trình 4 bước tiến tới bình thường hóa quan hệ.

Tháng 9/1991, Hiệp định Paris về Cam-pu-chia bắt đầu.

Tháng 11/1991, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Mai từ Việt Nam sang New York, cùng Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Solomon (Ri-chác Xa-lô-mon) đàm phán về bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Cuộc bầu cử Tổng thống năm 1992 đã đưa ông Bill Clinton (Bin Cờ-lin-tơn) vào Nhà trắng. Tháng 7/1993, Tổng thống Bill Clinton đồng ý để các định chế tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể cho Việt Nam vay tiền. Tháng 02/1994, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Và tháng 7/1995, cùng với việc trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và ký kết Hiệp định khung về hợp tác với Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam và Mỹ đã chính thức bình thường hóa quan hệ. Kể từ đây, lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, chúng ta có quan hệ bình thường với tất cả các nước lớn trên thế giới.

2. Quan hệ Việt – Mỹ sau 20 năm bình thường hóa quan hệ

Có nhiều mốc lớn trong quan hệ song phương kể từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, nổi bật nhất phải kể đến quyết định của Tổng thống Bill Clinton (Bin Cờ-lin-tơn) tháng 3/1998 bãi bỏ Luật Jackson Vanik (Giách-xơn Va-nich) đối với Việt Nam2; tháng 7/2000, hai nước ký Hiệp định thương mại song phương (BTA); tháng 5/2006, hai nước ký Hiệp định về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); và tháng 7/2013, hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức nước Mỹ.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước (1995-2015), hai bên đã tổ chức nhiều hoạt động quan trọng, trong đó có trao đổi các đoàn cấp cao, đặc biệt có đoàn của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ theo lời mời của của Chính quyền Tổng thống Barack Obama (Ba-rach Ô-ba-ma)vào tháng 7/2015, ký kết và đàm phán các thỏa thuận, hiệp định hợp tác mới trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hợp tác y tế - môi trường – nhân đạo, hợp tác tại các diễn đàn đa phương nhằm đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững trên thế giới, trong đó có vấn đề biển Đông.

Nhìn tổng quan, trong 20 năm bình thường hóa quan hệ, hai nước đã đi một bước dài.



Về chính trị, ngoại giao: Hai nước đã thiết lập nhiều cơ chế đối thoại thường niên (11 cơ chế đối thoại chính trị - an ninh); đã trao đổi nhiều đoàn các cấp, kể cả cấp cao, trong đó Tổng thống Bill Clinton (Bin Cờ-lin-tơn) đã thăm Việt Nam năm 2000 và Tổng thống George Bush (Gióc Bút) đã thăm Việt Nam năm 2006. Về phía Việt Nam là các chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2008, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013 và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ theo lời mời của chính quyền Mỹ vào tháng 7/2015. Đặc biệt, trong chuyến thăm Mỹ năm 2013 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên đã ra Tuyên bố chung, đề cập toàn diện những nguyên tắc và nội hàm của quan hệ hai nước, trong đó có tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Về kinh tế-thương mại: Trước khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận, Việt Nam không xuất khẩu gì sang Mỹ; chỉ nhập từ Mỹ 7 triệu đô-la Mỹ. 20 năm sau đó, mặc dù vẫn chịu tác động của cuộc khủng hoảng 2008-2009, kim ngạch thương mại hai chiều Việt-Mỹ đã tăng lên 36,3 tỷ USD năm 2014, trong đó ta xuất 30,6 tỷ USD. Sau khi tạm để EU chiếm vị trí là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam trong 2 năm 2013-2014, đến 4 tháng đầu năm nay, Mỹ đã trở lại là thị trường xuất lớn nhất của ta, khẳng định tốc độ tăng kim ngạch thương mại hai chiều trung bình 20%/năm trong suốt hàng chục năm qua. Mỹ hiện tại cũng là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Trung Quốc, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 29 của Mỹ.

Về khoa học - công nghệ: Hai nước đã thành lập Ủy ban hỗn hợp hợp tác khoa học –công nghệ và ký hiệp định hợp tác và nhiều thỏa thuận khác trên một số lĩnh vực như năng lượng hạt nhân, biến đổi khí hậu, hải dương học và nước biển dâng.. Ngoài ra, năm 2012 Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Viện Hàn lâm khoa học – công nghệ Việt Nam đã ký tuyên bố ý định chung về hợp tác nghiên cứu công nghệ không gian.

Về hợp tác an ninh-quốc phòng: Giữa Bộ Quốc phòng hai nước và giữa Bộ Công an Việt Nam với các cơ quan đối tác Mỹ như Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cục Tình báo Trung ương (CIA), Cơ quan Phòng chống Ma túy (DEA)... đã ký một số văn bản hợp tác quan trọng như tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thảm họa, phòng chống tội phạm, chống khủng bố...

Về giáo dục-đào tạo: Hiện nay, có khoảng 16.500 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường của Mỹ, tăng gấp đôi so với năm 2008, đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu Đông Nam Á và thứ 8 trong số các nước có sinh viên du học tại Mỹ.Mỹ đã quyết định thành lập trường Đại học Fulbright phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam với số vốn đầu tư ban đầu là 20 triệu USD trong đó dạy Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright.

Về du lịch: Số du khách Mỹ vào Việt Nam đạt khoảng 450.000, đứng thứ 4 sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Về hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh: Phía Mỹ đã có nỗ lực trong việc tham gia xử lý vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, tẩy độc ở một số điểm nóng về ô nhiễm chất độc Da cam/đi-ô-xin và cung cấp thông tin, tư liệu giúp tìm kiếm cán bộ, chiến sĩ của ta mất tích trong thời gian chiến tranh. Cụ thể, trong 20 năm qua, các tổ chức phi chính phủ (NGO) của Mỹ đã dành 80 triệu USD để hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn. Tính đến tháng 6/2014, Việt Nam và Mỹ đã thực hiện thành công 115 đợt hoạt động hỗn hợp, hơn 131 đợt trao trả hài cốt, nhờ đó phía Mỹ đã nhận dạng được gần 1.000 trường hợp (693 trường hợp ở Việt Nam 250 trường hợp từ Lào, 32 trường hợp từ Campuchia và 3 trường hợp từ Trung Quốc trên tổng số 1.983 trường hợp bị mất tích trong đó có 1.319 người mất tích tại Việt Nam). Phía Mỹ đã giúp thu thập, chia sẻ thông tin với Việt Nam về khoảng 1.000 trường hợp bộ đội Việt Nam bị mất tích, trao trả các kỷ vật. Việt Nam đã phối hợp rất chặt chẽ với Mỹ, với tinh thần trách nhiệm, tính nhân văn, nhân đạo cao cả. Đến nay phía Mỹ đã cung cấp hơn 38 triệu đô-la nhằm hỗ trợ giải quyết vấn đề bom mìn chưa nổ.

Rõ ràng, quan hệ Việt – Mỹ trên mọi lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực kinh tế thương mại có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục nóng lên thì việc gia nhập TPP quan trọng không chỉ góp phần tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư song phương, mà còn góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Có thể thấy, những thành tựu trong thời gian qua của hai nước đã tạo đà để hai bên tiếp tục đưa quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, giữa hai nước còn tồn tại một số khác biệt, nhất là trong vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do báo chí... Phía Mỹ tiếp tục nêu quan ngại, gây sức ép yêu cầu Việt Nam đáp ứng một số quan tâm của Mỹ, tuy nhiên hai bên vẫn duy trì đối thoại hàng năm nhằm tăng cường hiểu biết, thu hẹp bất đồng và tăng cường hợp tác vì lợi ích chung của hai dân tộc.

Những vấn đề này chắc chắn đòi hỏi hai nước cần có những quyết tâm lớn để vượt qua, tiến tới thực hiện thành công các quan hệ đối tác toàn diện vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực và trên thế giới.



3. Quan hệ nhân dân Việt Nam – Mỹ

* Trong thời gian chiến tranh

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, quan hệ nhân dân giữa Việt Nam và Mỹ nhìn chung vẫn là một mối quan hệ hữu nghị, hợp tác thân thiện. Việc Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ cho phép thành lập Việt – Mỹ Thân hữu Hội ngay từ rất sớm, giữa lúc còn đang phải đứng trước bao nhiêu thách thức trong-ngoài trong những ngày đầu giành chính quyền một mặt phản ánh tầm nhìn và trí tuệ của các nhà lãnh đạo Việt Nam đối với vị trí, vai trò và tiềm năng hợp tác với nước Mỹ, mặt khác cho thấy nhu cầu của người dân Việt được tiếp cận, liên hệ và giao lưu với nhân dân của một đất nước xa xôi về địa lý nhưng có nhiều điểm chung về ước nguyện hòa bình, hợp tác, phát triển. Về phía Mỹ, tình cảm của nhân dân Mỹ với nhân dân Việt Nam thể hiện rõ nhất trong những năm tháng cả nước Việt Nam dồn sức chiến đấu chống các lực lượng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.



Trong thời kỳ đó, ngay trong lòng nước Mỹ, một phong trào chống chiến tranh đã lớn mạnh từng ngày, thu hút sự tham gia của người dân thuộc mọi tầng lớp trong xã hội, từ thanh niên, sinh viên cho đến các nhà hoạt động xã hội, chính trị, tôn giáo và từ thiện, từ giới văn nghệ sĩ đến các bác sỹ, mục sư, nhà khoa học, cựu chiến binh.... Nhiều thanh niên Mỹ đã trả lại hoặc đốt thẻ quân dịch, từ chối đi lính trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Rất nhiều cuộc tuần hành, biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam đã diễn ra trên khắp nước Mỹ. Có thể kể ra một số ví dụ tiêu biểu như:

  • Ngày 17/4/1963: Cuộc biểu tình rầm rộ giữa thủ đô Washington D.C. của hơn hai vạn sinh viên từ các bang của Mỹ phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Chính quyền Mỹ. Những người tham gia biểu tình đã cùng hô vang các khẩu hiệu: “Chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam”, “Rút quân đội Mỹ về nước”, “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Chúng tôi sẽ không bao giờ đánh nhau ở Việt Nam”…

  • Ngày 18/12/1964: Sinh viên ở bang California biểu tình chống chiến tranh xâm lược của Chính phủ Mỹ ở Việt Nam.

  • Ngày 06/8/1965: Khoảng 600 người biểu tình ngồi trước Nhà trắng đòi Chính quyền Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.

  • Năm 1969: Những người biểu tình phản đối chiến tranh, đi đầu là phụ nữ, ngang nhiên tiến vào trại lính ở Fort Dix và hát những bài hát kêu gọi quân đội Mỹ đừng đi chết một cách vô ích tại Việt Nam. Trong dòng người biểu tình vì chính nghĩa ấy, hình ảnh một người phụ nữ vô danh cài bông hoa lên họng súng của những binh lính Mỹ đã trở thành kinh điển, đại diện cho tinh thần phản chiến của nhân dân Mỹ.

  • Trong hai ngày 06 và 07/4/1969: Trên 32 thành phố lớn khắp nước Mỹ, mà rầm rộ nhất là ở San Fransisco, New York và Chicago, diễn ra đồng loạt những cuộc biểu tình phản đối kéo dài chiến tranh, đòi rút quân Mỹ về nước. Hai mươi vạn người diễu hành trong cả ngày 06/4/1969 trên đường phố chính ở San Fransisco khiến giao thông trong thành phố tắc nghẽn.

  • Giữa tháng 10/1969: Cuộc "tiến công mùa Thu" bùng nổ, diễn ra với quy mô rộng lớn và có cơ sở xã hội rộng rãi chưa từng thấy trên 1.200 thành phố, thị xã, thị trấn của 53 bang ở nước Mỹ. Hơn một triệu quần chúng lại xuống đường, hô vang các khẩu hiệu: "Đả đảo Tổng thống nuốt lời hứa", "Rút ngay tất cả quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam về nước”…

  • Ngày 15/11/1969: tại Washington D.C. đã nổ ra cuộc biểu tình phản đối dữ dội cuộc thảm sát ở Sơn Mỹ, thu hút sự tham gia của nhiều quân nhân, giáo viên và học sinh các trường trung học Mỹ.

  • Ngày 21/4/1971: Hai nghìn cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam biểu tình trước Trụ sở Quốc hội Mỹ tại Washington D.C. đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược Đông Dương.

  • Ngày 24/7/1971: Nửa triệu nhân dân Mỹ tuần hành dọc đại lộ Pennsylvania đến Trụ sở Quốc hội Mỹ tại thủ đô Washington D.C. để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Cũng phải kể tới hoạt động đặc thù chống chiến tranh của các nhà hoạt động chính trị-xã hội và giới văn nghệ sỹ ở Mỹ thông qua nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh và hàng trăm cuộc nói chuyện, hội thảo, tọa đàm trên khắp nước Mỹ về đất nước, con người và sự tàn khốc của cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, lên án cuộc chiến tranh do Chính quyền Mỹ tiến hành ở Việt Nam, kêu gọi quân nhân Mỹ đào ngũ, phản chiến vì hòa bình và công lý.

Một nét đặc biệt so với các phong trào phản đối chiến tranh trong lịch sử phản chiến ở những nơi khác trên thế giới là việc nhiều công dân Mỹ đã tự thiêu, dũng cảm hi sinh thân mình, coi đó là tuyên bố đanh thép nhất biểu thị thái độ của mình phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ, trong đó tiêu biểu là anh Roger (Rô-giơ, 1944-1965), một công nhân Ki-tô giáo tại New York; anh John Kopping ( Giôn Cốp-pinh,1934-1967), một cựu binh hải quân Mỹ tại thành phố San Diego; anh Arthur Zinner (A-thơ Gi-nơ), một sinh viên; hay cụ bà Alice Herz (A-litx Hơt,1882-1965), người đã được Nhà nước Việt Nam truy tặng Huân chương Hữu nghị tại Đại hội Quốc tế ngữ châu Á lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội tháng 8/1999...

Trong số những người Mỹ đã tự thiêu để phản đối chiến tranh Việt Nam, tên tuổi Norman Morrison (No-man Mo-ri-xơn, 1933-1965), một tín đồ giáo phái Quaker, có lẽ được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam bởi lẽ hành động tự thiêu của anh diễn ra ngay trước Lầu Năm Góc - Trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ, trước mặt cô con gái bé bỏng Ê-mi-ly, đã tạo nguồn xúc động để nhà thơ Tố Hữu sáng tác bài thơ “Ê-mi-ly con” được đông đảo người Việt Nam một thời thuộc lòng. Khi vợ ông – bà Ann Welsh Morrison (An Guên Mo-ri-xơn) - cùng gia đình lần đầu tiên sang Việt Nam tháng 5/1999 và được nghe từ những lãnh đạo cấp cao tới người dân bình thường của Việt Nam bày tỏ biết ơn những người Mỹ phản chiến, nghe họ đọc lại bài thơ “Ê-mi-ly con”, bà đã phải nhiều lần rơi nước mắt cảm động.

Một trường hợp khác là ông Tom Hayden (Tôm Hây-đờn), người đã đến Việt Nam năm 1965 cùng hai nhà hoạt động hòa bình Mỹ khác bất chấp lệnh cấm của Chính phủ Mỹ. Trở về nước, ông cùng Slaughton Lynn (Xờ-lót-tơn Lin) viết cuốn “Phía bên kia” năm 1966 và tham gia cuộc gặp gỡ nhân dân Việt – Mỹ tại Bratislava (Tiệp Khắc) năm 1967 đòi hòa bình ở Việt Nam. Cùng với vợ là Nghệ sĩ Jane Fonda (Giên Phon-đa), ông là thành viên sáng lập “Chiến dịch hòa bình cho Đông Dương”. Từ 1972 đến 1975, ông đi khắp nước Mỹ, tổ chức triển lãm tranh cổ động, chiếu phim tài liệu về Đông Dương và nói chuyện tại hàng trăm thành phố đòi Chính phủ Mỹ cắt bỏ ngân sách cho cuộc chiến. Năm 1973, ông đã tham gia thuyết trình về Việt Nam trong 6 tuần tại Hạ viện Mỹ. Từ đó tới nay, ông đã trở lại Việt Nam nhiều lần, mà lần gần đây nhất là tháng 12/2012 để cùng chúng ta kỉ niệm lần thứ 40 chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” được thế giới biết đến dưới tên gọi chiến dịch “Ném bom Lễ Giáng sinh”.

Có những người Mỹ bằng cách riêng của mình còn đã khiến cả thế giới phải chấn động, như Don Luce (Đon Lúc) đã lên tiếng tố cáo hệ thống trại giam Chuồng Cọp ở Côn Đảo năm 1970 khi đi phục vụ một đoàn Nghị sỹ Mỹ tới miền Nam Việt Nam, hay phóng viên chiến trường Nick Út tháng 6/1972 đã chụp và cho đăng báo tấm ảnh cô bé Kim Phúc bị bom na-pan đốt cháy tại Trảng Bàng, một bức ảnh thời sự vô giá đã đem lại giải thưởng Pulitzer cho tác giả.

Và còn nhiều nhiều ví dụ khác nữa.

Nếu nói rằng “Trong thời kỳ nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý khắp các châu lục đã hình thành một mặt trận rộng lớn chưa từng có trên toàn thế giới đoàn kết với Việt Nam, chống cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ”3, thì cũng có thể nói rằng “phong trào phản chiến tại nước Mỹ đã trở thành cuộc chiến ngay trong lòng nước Mỹ. Đó không chỉ là một nguồn cổ vũ, động viên và hỗ trợ quý báu cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam mà còn trở thành một sức ép chính trị hết sức mạnh mẽ đối với chính giới Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Đoàn kết với Việt Nam và ủng hộ Việt Nam trở thành lương tri của thời đại, trở thành một sức mạnh hết sức to lớn, góp phần vào các thắng lợi chính trị, quân sự và ngoại giao của Việt Nam, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, dẫn đến việc ký kết Hiệp định Paris kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trong những tháng ngày hào hùng đó, hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu bạn bè quốc tế đã hình thành một “thế hệ Việt Nam” – “thế hệ Hồ Chí Minh” trên thế giới, nhịp nhàng phối hợp trong từng chiến dịch đoàn kết với Việt Nam vì thắng lợi cuối cùng để có một Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất”4.

* Trong thời gian xây dựng hòa bình

Trong những nỗ lực chung ở cấp độ Nhà nước vì sự phát triển của quan hệ Việt – Mỹ trong 20 năm qua, nhân dân hai nước đã có những đóng góp hết sức thiết thực và quan trọng cho sự hiểu biết lẫn nhau, giao lưu văn hóa, hợp tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết hậu quả chiến tranh, tái thiết phát triển đất nước của Việt Nam, thông qua những phương thức phong phú, thực sự “dân”, như trao đổi học giả, nghiên cứu, trí thức, cựu chiến binh, sinh viên, các hội thảo, tọa đàm, chương trình “ở nhà dân”, chương trình tìm hiểu Việt Nam, tìm hiểu nước Mỹ…

Các tổ chức phi chính phủ (NGO) của Mỹ đã tích cực nỗ lực góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh,thực hiện các dự án về y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường, phát triển, nông thôn, xóa đói giảm nghèo, cứu trợ nhân đạo, cứu hộ thiên tai... Viện trợ giải ngân cho Việt Nam của các NGO Mỹ thường chiếm từ 40-50% tổng viện trợ cho Việt Nam (trong 10 năm vừa qua, các NGO của Mỹ có tổng giá trị giải ngân cao nhất, đạt trên 1 tỷ USD). Các NGO của Mỹ cũng tích cực tham gia khắc phục ô nhiễm môi trường, rà phá bom, mìn, vật liệu chưa nổ, hỗ trợ nạn nhân chiến tranh, người khuyết tật và người nhiễm chất độc Da cam/Đi-ô-xin Việt Nam. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội, NGO và bạn bè Mỹ đã tích cực tham gia vận động Quốc hội và Chính phủ Mỹ dành cho Việt Nam quy chế tối huệ quốc, đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo, phản đối những luận điệu sai trái, bóp méo đối với Việt Nam trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo và những vấn đề hai nước còn có những khác biệt, tăng cường quan hệ giữa nhân dân hai nước, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Nhiều cá nhân, tổ chức Mỹ đã được Nhà nước, các cơ quan, tổ chức Việt Nam trao tặng Huân, Huy chương hữu nghị và kỷ niệm chương vì những đóng góp cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Trong số những cá nhân này, phải kể tới bà Judith Ladinsky (Giu-đít La-din-xờ-ki,1938-2012), nguyên là Giáo sư khoa Y tế Dự phòng của Trường Đại học Wisconsin, bang Madison, Giám đốc Tiểu ban Khoa học Y tế của Ủy ban Hợp tác Khoa học với Việt Nam. Bà là người Mỹ đầu tiên được Chính phủ Việt Nam tặng Huy chương Hữu nghị vì những đóng góp to lớn cho lĩnh vực y tế, khoa học, giáo dục, đào tạo Việt Nam trong những năm sau chiến tranh và thống nhất đất nước thông qua các dự án y tế nông thôn, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Bà đã tạo điều kiện cho nhiều y bác sĩ của Việt Nam sang Mỹ thực tập để nâng cao trình độ, giúp hàng trăm học sinh, sinh viên, cán bộ nghiên cứu của Việt Nam giành được học bổng sang học tập, nghiên cứu tại các trường đại học của Mỹ và tổ chức các kỳ thi TOEFL tại Việt Nam cho hơn 1.200 sinh viên Việt Nam. Bà được đánh giá là “người bắc cầu cho hợp tác khoa học Mỹ - Việt”, “người phụ nữ đạt kỷ lục về mức độ quan tâm đến sức khỏe của người Việt Nam”, “nhà ngoại giao không chính thức”, và “người thật sự là đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam”. Năm 2012, Giáo sư Judith Ladinsky qua đời sau một cơn đột qụy. Theo nguyện vọng cuối cùng của bà trước khi mất, tro cốt của bà đã được mai táng ở Việt Nam, một đất nước mà bà hết lòng yêu mến và đã hiến dâng tất cả sự nghiệp khoa học của mình.

Cũng phải kể đến ông George Mizo (Gióc Mi-giô,1945-2002), một cựu chiến binh Mỹ, từng phản chiến khi tham chiến tại Việt Nam, sau đó lên tiếng đấu tranh cho hòa bình và dành thời gian giúp đỡ người dân Việt Nam. Năm 1986, ông sáng lập Hội Cựu chiến binh vì hòa bình, gồm các cựu chiến binh Mỹ, Pháp, Ca-na-đa, Nhật Bản và Anh. Năm 1975, ông và vợ vận động quyên góp xây dựng Làng Hữu nghị Vân Canh để giúp điều dưỡng nạn nhân chất độc Da cam/đi-ô-xin Việt Nam. Ủy ban Quốc tế Làng Hữu nghị do ông đồng sáng lập năm 1991 đã bầu ông làm Chủ tịch Ủy ban. Sau khi ông mất năm 2002, vợ ông đã được bầu giữ chức Chủ tịch thay ông.

Susan Schnall (Xu-giần Chơ-non) là một người phụ nữ Mỹ đặc biệt. Ngay từ khi còn làm nữ y tá chữa bệnh cho thương binh từ chiến trường Việt Nam trở về, trung uý hải quân Mỹ Susan Schnall quyết định phải làm một việc gì đó theo cách của riêng mình để góp phần nhanh chóng chấm dứt chiến tranh. Ngày 12/10/1968, bà đã tổ chức rải truyền đơn từ máy bay của một người bạn trên vùng Vịnh San Francisco, thông báo về một cuộc tuần hành vì hoà bình của các cựu chiến binh và lính Mỹ tại các căn cứ quân sự vùng vịnh, tại một tàu sân bay và bệnh viện Hải quân Oak Knoll nơi bà làm việc. Trong trang phục quân đội, bà luôn hô vang khẩu hiệu “Hãy đưa những người con trai nước Mỹ còn sống trở về” và tích cực tham gia biểu tình phản đối chiến tranh. Vì những hành động đó, tháng 02/1969, bà đã bị bắt, đưa ra Toà án binh, bị kết án 6 tháng tù giam và sa thải khỏi lực lượng vũ trang. Sau khi bị sa thải, bà vẫn tiếp tục ủng hộ Việt Nam thông qua các hoạt động tuyên truyền phản chiến tại các căn cứ quân sự và gây quỹ ủng hộ một số bệnh viện ở Việt Nam. Bà hiện là thành viên của nhiều tổ chức tiến bộ của Mỹ như: Phụ nữ vì Hoà bình, Giao lưu Toàn cầu, Chiến dịch Cứu trợ và Trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc Da cam Việt Nam, và Hội Cựu Chiến binh vì Hòa bình.

Trong số những người Mỹ nói chung và những phụ nữ Mỹ có gắn bó với Việt Nam nói riêng, phải kể tới bà Lady Borton (Lây-đi Bo-tần). Bà là nhà văn, nhà báo và nhà hoạt động từ thiện Mỹ. Từ năm 1969, bà đến Việt Nam và tham gia các hoạt động nhân đạo nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam. Từ năm 1993-2004, là Trưởng Văn phòng đại diện của tổ chức Quaker tại Việt Nam, bà đã chỉ đạo thực hiện các dự án thủy lợi, nước sạch, giúp vốn cho phụ nữ nghèo cải thiện đời sống, giúp hiệu đính tiếng Anh cho các cơ quan báo chí, xuất bản ở Việt Nam, tổ chức nhiều cuộc giao lưu giữa các hội nhà văn và nhà xuất bản Mỹ và Việt Nam. Bà cùng Họa sỹ David Thomas (Đê-vít Thô-mát) cho xuất bản cuốn sách “Hồ Chí Minh – Một chân dung” nhân dịp kỷ niệm 113 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 2003) và giúp Bảo tàng Hồ Chí Minh biên soạn cuốn sách “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931-1933 (Tư liệu và hình ảnh)” với những tư liệu mà bà thu thập được từ nhiều nước. Bà được Chính phủ Việt Nam tặng Huy chương Hữu nghị năm 1998.

Là một nhà hoạt động xã hội Mỹ, bắt đầu tham gia các hoạt động chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và chống phân biệt chủng tộc từ khi mới 13 tuổi, bà Merle Ratner (Mơn Rát-nơ) còn là đồng sáng lập Ủy ban Đoàn kết với Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào từ năm 1975. Từ năm 2004, ngay sau khi các nạn nhân chất độc Da cam/đi-ô-xin Việt Nam khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp hóa chất độc cho quân đội Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam, bà đã tham gia thành lập và là đồng Chủ tịch Chiến dịch Cứu trợ và Trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc Da cam Việt Nam. Bà là cầu nối trao đổi nhiều đoàn thăm viếng lẫn nhau giữa Việt Nam và Mỹ. Bà đặc biệt quan tâm và tích cực ủng hộ các hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đã đi thăm hơn 30 Hội Phụ nữ các cấp tại các tỉnh, thành Việt Nam. Bà được Hội tặng Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam” năm 2010 và được Hội Nạn nhân chất độc Da cam/đi-ô-xin Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì Nạn nhân Da cam Việt Nam” năm 2013.

Với số tiền nhuận bút của cuốn sách - luận án tiến sĩ lịch sử về nhà nữ toán học người Nga Sophia Kovalevskaia (Xô-phi-a Cô-va-lép-xờ-cai-a) - một trong số những nhà nữ khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 19, và sự ủng hộ của một số nhà khoa học ở Mỹ, năm 1985, GS.TS Ann Koblitz (An Ko-bờ-lít), người Mỹ và chồng bà GS.TS Neal Koblitz (Nin Ko-bờ-lít) đã thành lập Quỹ Kovalevskaia (Cô-va-lép-xờ-cai-a) nhằm mục đích động viên, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của phụ nữ ở những nước đang phát triển dưới hình thức trao giải thưởng cho các nhà khoa học nữ xuất sắc thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Bước đầu quỹ giải thưởng chỉ có ở Việt Nam, sau đó được phát triển sang Nicaragua, El Salvador, Peru, và Nam Phi. Uỷ ban giải thưởng Kovalevskaia của Việt Nam có Chủ tịch là Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước. Hội LHPN Việt Nam là cơ quan thường trực và có đại diện của một số bộ, ngành và các nhà khoa học tham gia. Mỗi năm Uỷ ban xét trao giải thưởng cho 2 cá nhân/tập thể là các nhà nữ khoa học tự nhiên xuất sắc. Đến năm 2014, đã có 40 cá nhân và 17 tập thể được nhận giải thưởng Kovalevskaia tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cứ hai năm một lần, Uỷ ban giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam do Hội LHPN Việt Nam chủ trì tổ chức gặp mặt nữ sinh viên xuất sắc của các trường đại học trong cả nước với các tập thể và cá nhân đã nhận giải thưởng Kovalevskaia, qua đó truyền cho các em thêm nhiều kinh nghiệm và niềm say mê khoa học. Ngoài việc trao giải thưởng cho các nhà khoa học nữ, Quỹ Kovalevskaia còn hỗ trợ nhiều hoạt động khác cho phụ nữ Việt Nam như học bổng cho các tài năng trẻ trong khoa học tự nhiên; tổ chức các hội thảo “Phụ nữ và Khoa học”, “Phụ nữ và Nông nghiệp”… Xét những đóng góp to lớn của ông bà GS. TS Neal và Ann Koblitz cho sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam đã trao huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ” – phần thưởng cao quý nhất của Hội – cho ông bà vào năm 2004. Ông bà cũng đã được trao tặng Huân chương Hữu nghị vì những đóng góp của ông bà cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước nhân dịp Lễ kỷ niệm 25 năm giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam (1985 - 2010).

Là một trong số những cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam thời kỳ 1967-1968, ông Chuck Searcy (Chắc Sơ-xi) sớm nhận thức rằng cuộc chiến tranh tại Việt Nam là sai lầm kinh khủng đối với nước Mỹ. Ông tham gia Quỹ Cựu Chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam (VVAF), phản đối chiến tranh và tham gia các hoạt động nhân đạo tại Việt Nam. Từ năm 2.000, ông là đại diện của Quỹ Tưởng niệm Cựu Chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVMF). Ông đặc biệt quan tâm tới vấn đề bom, mìn và vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh và dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết vận động nguồn tài trợ để thực hiện các dự án rà phá bom mìn và hỗ trợ nạn nhân bom mìn ở Quảng Trị, tỉnh được coi là bị ô nhiễm nặng nề nhất do bom, mìn và vật liệu chưa nổ sau chiến tranh, cũng là nơi có số nạn nhân bom, mìn nhiều nhất.

Ông Mike Boehm (Mai Bô-hem) cũng là một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, về nước năm 1969. Năm 1992, sau nhiều trăn trở, ông quyết định trở lại Việt Nam để từ đó như con thoi bay qua bay lại nửa vòng Trái đất góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh. Cùng nhiều cựu chiến binh Mỹ khác, ông quyên góp tiền ủng hộ xây dựng các công trình phúc lợi ở Việt Nam như trạm xá ở Đồng Nai, công viên Hòa Bình ở Sơn Mỹ... Được sự ủy nhiệm của tổ chức Madison Quakers (Ma-đi-xơn Quếch-kơ), ông đã cấp vốn vay cho hàng trăm phụ nữ Quảng Ngãi để chăn nuôi, sắm ngư cụ đánh bắt hải sản. Sự gắn bó với chị em nghèo ở Quảng Ngãi đã giúp Mike Boehm được Hội Phụ nữ Quảng Ngãi "kết nạp" làm "hội viên danh dự" từ nhiều năm qua. Câu chuyện cuộc đời ông và hành trình hàn gắn đã được đạo diễn Trần Văn Thủy giới thiệu trong phim tài liệu nổi tiếng “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai”.

Và danh sách những người Mỹ bạn của Việt Nam còn rất dài nữa.



4. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các bạn bè, đối tác Mỹ

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội) từ cuối những năm 1990 đến nay đã hợp tác với một số tổ chức, cá nhân Mỹ và được hỗ trợ các chương trình, dự án về phòng chống HIV/AIDS, nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng chống buôn bán người, thúc đầy quyền của người cao tuổi, học bổng cho học sinh nghèo, xe lăn cho người khuyết tật …. Tổng giá trị viện trợ của các tổ chức NGO Mỹ thường chiếm khoảng từ 25-30% tổng giá trị viện trợ hàng năm của các NGO nước ngoài cho Hội. Đã có một số dự án lớn và có hiệu quả cao như dự án “Cải thiện vệ sinh dựa vào kết quả đầu ra” do tổ chức Đông Tây hội ngộ tài trợ (gần 5,5 triệu đô-la Mỹ), dự án “Thúc đẩy quyền của người cao tuổi thiệt thòi ở Việt Nam” do Atlantic Philanthropy tài trợ (3,6 triệu đô la Mỹ).

Trong số bạn bè Mỹ, nhiều người đã dành tình cảm đặc biệt cho phụ nữ Việt Nam và luôn theo dõi, ủng hộ cho các hoạt động của Hội. Cụ bà Beatrice Eisman (Bi-trít-xơ Ây-xơ-mần), một nhà hoạt động động xã hội của Mỹ, thành viên Tổ chức Chiến dịch Cứu trợ và Trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc Da cam Việt Nam, người đã để lại một phần tài sản cho hoạt động của Hội trong di chúc sau khi mất; vợ chồng triệu phú Mỹ Janet McKinley (Gien-nít Mac-Kin-li) và Goerge Miller (Gióc Mi-lơ) đã hỗ trợ, bảo lãnh Quỹ TYM vay vốn từ tổ chức tín dụng vi mô (MCE), Oxfam Mỹ với tổng số vốn trị giá khoảng 2 triệu đô-la Mỹ từ năm 1995-2011… Đây chỉ là hai trong số nhiều người bạn Mỹ đã có những đóng góp cụ thể cho Hội, cho Việt Nam và cho quan hệ Việt – Mỹ.

Sau 20 năm bình thường hóa, quan hệ giữa hai nước đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng có thểcần khai phá nhằm phát triển sự hợp tác trên mọi mặt, đúng tinh thần Tuyên bố chung cấp cao Việt – Mỹ tháng 7/2013 về thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước và Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa Kỳ vào tháng 7/2015, đồng thời đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11 năm 2011 đã nêu và trên tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 7/2015.

Trong bối cảnh đó, các cấp Hội cần tuyên truyền để cán bộ, hội viên hiểu về quá trình phát triển của quan hệ Việt – Mỹ; chủ động giới thiệu với bạn bè về đất nước, con người và thành tựu của ta trong việc phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao phúc lợi xã hội, bảo đảm quyền bình đẳng giới, không ngừng cải thiện điều kiện sống, làm việc và địa vị của phụ nữ. Mỗi cán bộ, hội viên của Hội cần là một người nắm chắc tình hình phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội, từ đó giới thiệu để góp phần nâng cao sự hiểu biết của chính giới, công chúng và phụ nữ Mỹ về Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và hợp tác của nhân dân, phụ nữ Mỹ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta, góp phần thúc đẩy sự hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Mỹ.

Đồng thời, chị em cũng cần nhận rõ và kiên quyết đấu tranh với những cá nhân, tổ chức và hành động không thiện chí và ý đồ can thiệp vào công việc nội bộ của ta, xuyên tạc đường lối, chính sách và pháp luật của ta, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị, phá hoại công cuộc xây dựng đất nước, kiên quyết không chấp nhận những tổ chức, cá nhân và dự án không phù hợp với lợi ích của quốc gia, dân tộc của ta. Làm tốt những điều này chính là góp phần thiết thực tăng cường tình cảm hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Mỹ, bảo đảm hiệu quả của sự hợp tác Việt – Mỹ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc của ta./.


Ban Quốc tế, TW Hội LHPN Việt Nam – Tháng 9/2015
Tài liệu tham khảo:

  1. Tạp chí Việt - Mỹ: số 43 năm 2011, số 56 năm 2013, số 58 và 59 năm 2014, số 61 năm 2015; Chuyên san của Tạp chí Việt - Mỹ năm 2012 và năm 2014.

  2. Việt Nam và những tấm lòng bè bạn”, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, 2006.

  3. Tài liệu lưu trữ của TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.




1 Ngài Thomas Jefferson sinh năm 1743, mất năm 1826, là Tổng thống thứ 3 của Mỹ từ 1801 đến 1809, là người soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập bất hủ của Mỹ do Tổng thống George Washington đọc ngày 04/7/1776.

2 Đây là luật do Hạ viện Mỹ thông qua từ năm 1974 nhằm ngăn cản quan hệ thương mại của Mỹ với các nước xã hội chủ nghĩa

3 Trích “Việt Nam và những tấm lòng bè bạn”, NXB Chính trị Quốc gia, 2006.

4 Sách đã dẫn.


Каталог: PortalFolders -> ImageUploads -> HLHPN -> 1055
ImageUploads -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
ImageUploads -> Mẫu số 10 Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2010/tt-blđtbxh ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội CƠ quan có thẩm quyền công ty
ImageUploads -> CỤc thống kê tp hải phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
ImageUploads -> CỤc thống kê tp hải phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
ImageUploads -> Nghị định của Chính phủ số 107/2004/NĐ-cp ngày 01 tháng 4 năm 2004 quy định số lượng Phó Chủ tịch và cơ cấu thành viên Uỷ ban nhân dân các cấp
ImageUploads -> BỘ XÂy dựng
ImageUploads -> Nghị ĐỊnh của chính phủ SỐ 75/2006/NĐ-cp ngàY 02 tháng 8 NĂM 2006 quy đỊnh chi tiết và HƯỚng dẫn thi hành một số ĐIỀu của luật giáo dụC
ImageUploads -> HỘI ĐỒng nhân dân quận kiến an số: 25 /2006/nq – HĐND­3
1055 -> HỘi liên hiệp phụ NỮ việt nam và những ngưỜi bạN ĐỨc khái quát quan hệ Việt Nam – Đức

tải về 104.65 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương