20 năm hoạt động thông tin tín dụng ngân hàng Việt Nam



tải về 120.17 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.01.2018
Kích120.17 Kb.
#35930
20 năm hoạt động thông tin tín dụng ngân hàng Việt Nam

Lê Anh Tuấn1

Năm 1992 là một mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu sự hình thành và phát triển của nghiệp vụ thông tin tín dụng trong hệ thống Ngân hàng Việt Nam. Sự ra đời nghiệp vụ này xuất phát từ yêu cầu thực tế khách quan của hoạt động Ngân hàng Việt Nam và quá trình học tập kinh nghiệm quốc tế. Bền bỉ và quyết liệt suốt 20 năm qua, hoạt động thông tin tín dụng đã tạo dựng và khẳng định được uy tín, vị thế của mình, góp phần vào sự phát triển và an toàn của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Ðồng hành cùng 20 năm phát triển của nghiệp vụ thông tin tín dụng, với vai trò đầu mối hệ thống, Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) đã có bước phát triển nhanh, trở thành kênh thông tín dụng tin cậy, phục vụ cho công tác hoạch định chính sách của Ngân hàng Nhà nước; đồng thời, giúp các tổ chức tín dụng ngăn ngừa và hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Kết quả hoạt động của CIC không chỉ được hệ thống ngân hàng Việt Nam đánh giá cao mà còn được các tổ chức quốc tế ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc.


Một số kết quả nổi bật

Xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy trình nghiệp vụ đồng bộ

Từ khi ra đời đến nay, hoạt động thông tin tín dụng đã được Chính phủ và NHNN tạo lập một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chế nghiệp vụ khá đồng bộ và tương đối hoàn thiện, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của các đơn vị, cá nhân trong hệ thống thông tin tín dụng; phát triển đúng hướng, sẵn sàng hội nhập quốc tế. Các Nghị định, Quyết định, Thông tư đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong hoạt động Ngân hàng.

Về hoạt động thông tin tín dụng ngân hàng Việt Nam, cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động này là Quyết định số 51/2007/QÐ-NHNN ngày 31/12/2007 ban hành quy chế hoạt động thông tin tín dụng. Quyết định này đã tạo một hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động thông tin tín dụng tại Việt Nam trong suốt thời gian qua. Ðứng trước các yêu cầu ngày càng chặt chẽ và phức tạp của ngành ngân hàng, NHNN hiện đang nghiên cứu, dự thảo Thông tư quy định về hoạt động thông tin tín dụng thay thế cho Quyết định 51 nhằm xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia phong phú, đa dạng, cập nhật, bảo đảm cho việc cung cấp dịch vụ thông tin tín dụng có chất lượng cao.

Về hoạt động thông tin tín dụng tư nhân, hiện nay Việt Nam đã hoàn thành cơ sở pháp lý về hoạt động thông tin tín dụng tư nhân thông qua việc ban hành Nghị định số 10/2010/NÐ-CP ngày 12/2/2010 của Chính phủ về hoạt động thông tin tín dụng và Thông tư số 16/2010 ngày 24/06/2010 của Thống đốc NHNN hướng dẫn thi hành Nghị định này. Nghị định và Thông tư đã quy định khá chi tiết về điều kiện, thủ tục hoạt động thông tin tín dụng tư nhân, các nguyên tắc hoạt động đáp ứng yêu cầu minh bạch về thông tin, các quy định về bảo vệ quyền lợi của khách hàng vay và hoạt động thanh tra giám sát hoạt động thông tin tín dụng.



Xây dựng Hệ thống thông tin tín dụng điện tử tiên tiến, hiện đại, hiệu quả

Thời kỳ đầu, việc thu thập, cung cấp dữ liệu chủ yếu là thủ công, báo cáo truyền tin thường tắc nghẽn, tốc độ chậm, cơ sở dữ liệu phân tán nhiều cấp. Hệ thống thông tin tín dụng điện tử được CIC đưa vào sử dụng từ cuối năm 2001, nhanh chóng mang lại hiệu quả, tạo khả năng phát triển mạnh mẽ. Ðến nay, mở rộng hệ thống tới tất cả các chi nhánh TCTD trên cả nước; hàng triệu thông tin được cập nhật hàng ngày; hơn 99% giao dịch thu thập, khai thác thông tin tự động. Hệ thống các trang Web CIC đã được thiết kế, vận hành phù hợp với nhu cầu sử dụng thông tin của từng đối tượng khác nhau với trên 20.000 người sử dụng. Từ hệ thống này, người sử dụng có thể đăng nhập và khai thác trực tiếp những sản phẩm thông tin khác nhau, với độ tin cậy cao. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến, hệ thống hiện đại, các TCTD đã và đang khai thác thông tin tức thời, từng giờ, từng phút để xem xét cấp tín dụng cho khách hàng vay.

Hệ thống thông tin tín dụng Việt Nam mang đặc trưng tập trung, thống nhất, kết cấu hợp lý, có sự tổ chức chặt chẽ từ Ngân hàng Nhà nước Trung ương đến các TCTD. Ðó là ưu điểm, đúng xu hướng mà nhiều ngân hàng châu Âu, nhiều nước lựa chọn

Xây dựng Kho dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia quy mô lớn

- Năm 1999: Kho dữ liệu chỉ có khoảng gần 4.000 hồ sơ khách hàng với tổng dư nợ 30 - 50 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng dư nợ cho vay.

- Từ năm 2000 - 2004: Kho dữ liệu của CIC tăng từ 52.000 đến 608.000 hồ sơ khách hàng (HSKH), tăng trưởng liên tục (bình quân 101% năm). Tổng dư nợ tăng từ hơn 100 tỷ lên 300 tỷ đồng, chiếm 70% tổng dư nợ cho vay. Xây dựng quy trình công nghệ tự động, đưa công nghệ tin học mới như Kho dữ liệu (DataWare House) vào ứng dụng. Dữ liệu lịch sử trong nghiệp vụ này đã lên tới 3 năm, theo thông lệ quốc tế là 5 năm.

- Từ 2005 đến nay: Kho dữ liệu của CIC tăng từ 610 nghìn lên trên 23 triệu HSKH, tốc độ tăng trưởng nhanh (bình quân trên 300% năm). Tổng dư nợ đạt gần 95% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Dữ liệu lịch sử đã tăng lên tối thiểu là 5 năm. Thể hiện tiềm lực phát triển cao, do hội đủ khá nhiều điều kiện, kể cả công nghệ, cơ chế nghiệp vụ, năng động, chủ động đổi mới cơ chế hoạt động. Ðây là thành tích xuất sắc giúp CIC hội nhập quốc tế, thực hiện thành công việc chấm điểm, xếp hạng tín dụng khách hàng vay của các tổ chức tín dụng.



- Về chất lượng và tính cập nhật thông tin: Thông tin của CIC được kiểm tra và cập nhật thường xuyên 3 ngày một lần các thông tin phát sinh; số liệu dư nợ của từng TCTD được CIC kiểm tra chéo thường xuyên với số liệu trên bảng cân đối kế toán của TCTD do Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cung cấp. Do vậy chất lượng và tính cập nhật thông tin tại kho dữ liệu của CIC được đảm bảo.

- Nhằm khuyến khích, nâng cao trách nhiệm của các TTTD trong việc báo cáo thông tin, từ năm 2011, Giám đốc CIC đã ký Quyết định số 109/QÐ-TTTD ban hành các chỉ tiêu chấm điểm xét thưởng đối với các TCTD trong việc chấp hành chế độ báo cáo thông tin. Ðây là một trong những bước đổi mới giúp cho chất lượng thông tin gửi về CIC được đầy đủ và chính xác hơn.

- Không chỉ thu thập thông tin về dư nợ, thời gian qua, CIC còn mở rộng thêm các loại thông tin thu thập như: thông tin về thẻ tín dụng, thông tin tài chính doanh nghiệp, thông tin lãnh đạo doanh nghiệp, thông tin về doanh nghiệp FDI và dự án đầu tư… Ngoài ra, các thông tin về vi phạm pháp luật thuế, doanh nghiệp giải thế, phá sản... từ các tổ chức khác như Tổng cục Thống kê, Hải quan và các cơ quan thuế cũng được CIC thu thập để bổ sung vào kho dữ liệu.

Phục vụ quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan Nhà nước khác

Từ năm 2000, hệ thống thông tin tín dụng đã thu thập, tổng hợp và cung cấp báo cáo cho Ban Lãnh đạo NHNN, Thanh tra NHTW, các Vụ, Cục có liên quan, các đơn vị NHNN cấp tỉnh, thành phố, Quốc hội, Chính phủ, Tổng Cục An ninh kinh tế và các tổ chức khác theo quy định của Thống đốc NHNN. Báo cáo tổng hợp tình hình dư nợ các Tập đoàn Kinh tế, Tổng Công ty, ngành kinh tế, báo cáo tổng hợp theo địa phương, vùng, miền, tình hình tài chính của các công ty, nhà đầu tư nước ngoài… đều được CIC tạo lập và cung cấp kịp thời.

Ðịnh kỳ hàng tuần, CIC cung cấp cho Ban Lãnh đạo NHNN, Cơ quan Thanh tra giám sát, Vụ Tín dụng “Báo cáo thông tin về khách hàng vay vượt 15% vốn tự có của Tổ chức tín dụng”. Kết quả, từ năm 2009 đến nay, CIC đã cung cấp mỗi năm 124 Báo cáo phục vụ Ban Lãnh đạo và các đơn vị.

Tạo thành một kênh thông tin tín dụng tin cậy cho các tổ chức tín dụng

Tốc độ khai thác sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng những năm gần đây tăng mạnh. Nhiều tổ chức tín dụng đã xác định, báo cáo thông tin từ CIC là cần thiết trước khi xem xét, quyết định cấp tín dụng. Chia sẻ thông tin mang lại hiệu quả cả về thời gian, chi phí và ngăn ngừa rủi ro. Thông tin tiêu cực giúp các TCTD tránh được rủi ro. Hiệu quả mang lại của thông tin tín dụng chưa thể cân đo đong đếm bằng tiền riêng biệt, nhưng thật đáng kể. Trong danh mục đa dạng các sản phẩm của CIC, 04 nhóm sản phẩm chủ yếu được các tổ chức thường xuyên khai thác sử dụng như sau:



- Sản phẩm báo cáo quan hệ tín dụng khách hàng vay: Năm 1999, CIC mới chỉ cung cấp được 564 bản thông tin bằng văn bản. Năm 2000 - 2004, đã cung cấp thông tin điện tử tăng 12 lần (từ 1.168 tăng lên 14.452 bản). Năm 2005 - 2007 tăng gần 7 lần (từ 38.115 tăng lên 290.085 bản). Từ năm 2008 đến nay tăng gấp 4,5 lần (từ 388.305 lên 1.700.000 báo cáo). Chất lượng thông tin ngày càng nâng cao rõ rệt, tỷ lệ sai sót dưới 0,01%, thời gian trả lời trong vòng 24 tiếng. Ðể đảm bảo quyền lợi cho khách hàng vay và TCTD, CIC đã ban hành quy định về khiếu nại, thắc mắc về chất lượng sản phẩm.

- Sản phẩm Cảnh báo tín dụng:

Bản tin Thông tin tín dụng ban đầu chỉ được phát hành với số lượng rất ít, nội dung chưa cao. Tuy nhiên, đến năm 2005, CIC đã phát hành hơn 29.000 cuốn, năm 2006 là 41.000 cuốn; năm 2007 nâng lên 3 kỳ/tháng; từ tháng 7 năm 2008 nâng lên 4 kỳ/tháng với số lượng phát hành lên trên 100.000 cuốn năm 2009. Ðây là ấn phẩm đặc thù có số lượng và chất lượng thông tin luôn được độc giả đánh giá cao.

Từ năm 2009 - 2011, CIC có phát hành cuốn Bản tin Thông tin tín dụng định kỳ 2 tuần/1số, cung cấp trên 20.000 cuốn bản tin giấy cho Ban Lãnh đạo NHNN, Thủ trưởng các đơn vị NHNN và NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố. Trong đó, CIC công bố danh sách các khách hàng vay có dư nợ lớn, khách hàng vay có nợ quá hạn, khách hàng vi phạm về thuế, khách hàng giải thể, phá sản… Tuy nhiên, để đảm bảo tính bảo mật thông tin, từ năm 2012, CIC đã chuyển sang phát hành Bản tin điện tử để quản lý chặt chẽ người sử dụng, đảm bảo an toàn, bí mật thông tin.

Từ năm 2010, CIC cũng phát triển Trang tin Cảnh báo tín dụng điện tử (www.cib.vn) và chính thức đưa vào hoạt động năm 2011 để cung cấp thông tin cho các đơn vị, Chi nhánh NHNN thông tin định kỳ hàng tháng: Cảnh báo các TCTD có nợ quá hạn lớn; Cảnh báo các Chi nhánh TCTD có nợ quá hạn lớn; Cảnh báo khách hàng vay cá nhân và doanh nghiệp có nợ quá hạn lớn...Sản phẩm này được các đơn vị khai thác sử dụng thường xuyên. Hiện nay, CIC đã cấp 3.201 user khai thác thường xuyên cho 681 chi nhánh TCTD và các đơn vị NHTW, chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố.

- Sản phẩm Xếp hạng tín dụng:

Năm 2002, Thống đốc cho phép CIC được triển khai thí điểm xếp hạng tín dụng (XHTD) doanh nghiệp và năm 2004, CIC chính thức được Thống đốc NHNN cho phép thực hiện nghiệp vụ XHTD doanh nghiệp. Ðến 2006, CIC đã chỉnh sửa bổ sung lại quy trình XHTD cho phù hợp hơn với thực tế và chuẩn quốc tế. Bình quân hàng năm đã xếp hạng được trên 10.000 doanh nghiệp. Xếp hạng tín dụng ngày càng nâng cao chất lượng, được các TCTD và nhiều tổ chức khác, doanh nghiệp sử dụng ngày càng nhiều. Trên cơ sở này, CIC đã có nhiều ấn phẩm chuyên sâu về các ngành Dệt may, Da giầy, các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán...

Mở rộng quan hệ, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, hội nhập quốc tế

- Hệ thống thông tin tín dụng Việt Nam nói chung và uy tín của CIC ngày càng được nâng cao. Từ đầu năm 2005, CIC đã là đối tác trực tiếp kết nối mạng cơ sở dữ liệu trên 100 triệu doanh nghiệp toàn thế giới với Hãng thông tin Quốc tế D&B để có quyền tra cứu nhanh. Bên cạnh đó, CIC còn hợp tác với một số hãng thông tin khác như BOL, ACP, InfoCredit để thu thập thông tin về các doanh nghiệp nước ngoài có ý định quan hệ kinh tế với các doanh nghiệp của Việt Nam.

- Với NHTW Pháp, Trung tâm Thông tin tín dụng Ðài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, ThaiLans, Tập đoàn TransUnion (Mỹ), Tập đoàn NICE (Hàn Quốc), NICE D&B,... CIC đã tổ chức những hội thảo, khảo sát học tập, tập huấn cho hơn 2.000 lượt cán bộ tín dụng, cán bộ thông tin tín dụng về quản trị rủi ro, xếp hạng tín dụng và kỹ thuật xử lý thông tin.

- Với WB, IMF, ADB, IFC và nhiều tổ chức thông tin, nhiều tập đoàn công nghệ thông tin có quan hệ hỗ trợ CIC, tham gia các hội thảo quốc tế, hợp tác giải quyết nhiều công việc có tầm chiến lược phát triển thông tin tín dụng Việt Nam, sẵn sàng cho hội nhập thông tin quốc tế.

- Ðồng thời, CIC chủ động phối hợp với các NHTM nhà nước tổ chức nhiều đoàn khảo sát, học tập trao đổi kinh nghiệm với các ngân hàng, tổ chức thông tin nước ngoài để mở rộng quan hệ và nâng cao trình độ cán bộ.

- Năm 2012, CIC đã xây dựng Ðề án liên doanh, liên kết phát triển sản phẩm trình Thống đốc phê duyệt. Dự kiến, thời gian tới, CIC sẽ tiến hành liên doanh, liên kết với một số hãng tin, đơn vị nước ngoài để phát triển mạnh hơn các sản phẩm thông tin tín dụng hiện có.



Ðổi mới phương thức dịch vụ và cơ chế tài chính

- Từ năm 2003, căn cứ quy định mức thu dịch vụ cung cấp thông tin theo Quyết định của Thống đốc NHNN, các tổ chức tín dụng ký hợp đồng kinh tế với CIC để nâng cao trách nhiệm hai bên. Mức thu dịch vụ được tính trên nguyên tắc chia sẻ thông tin trong hệ thống. NHNN tính toán đầu tư 50%, còn 50% tính vào chi phí dịch vụ do các tổ chức tín dụng khai thác thông tin chi trả. Giá một bản tin chỉ bằng 40% so với bản tin cùng loại trung bình các nước, thấp hơn giá bản tin tương tự trong nước. Từ khi phải trả tiền thì chất lượng và hiệu quả sử dụng thông tin tăng lên rõ rệt.

- Năm 2009, CIC là đơn vị đầu tiên của NHNN được Thống đốc cho phép thực hiện cơ chế mới theo Nghị định 43 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và tài chính của đơn vị sự nghiệp. Theo đó, CIC được tự chủ và tự chịu trách nhiệm về biên chế và tài chính. Ðây là bước tiến lớn trong chặng đường 10 năm của CIC, chuyển từ đơn vị 100% do ngân sách cấp, nay đã tự đảm bảo 100% chi phí lao động thường xuyên.

- Từ chỗ hoạt động của CIC chủ yếu dựa vào bao cấp của NHNN. Năm 2004 thu hơn 2 tỷ VND, thực hiện mạnh các biện pháp giảm chi, tỷ lệ thu/chi của CIC đạt 30%. Năm 2005, NHNN chỉnh sửa quyết định giảm mức thu dịch vụ thông tin xuống 10%, nhưng thu hơn 4 tỷ VND, tỷ lệ thu/chi đạt 45%. Năm 2006, thu hơn 6 tỷ VND, thu/chi đạt 60%. Năm 2007, thu đạt 13,6 tỷ VND, CIC cân bằng được thu - chi. Từ năm 2008, CIC đã hoàn thành cân bằng thu - chi và có tích luỹ.

- Như vậy, sau hơn 3 năm thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính, CIC đã chủ động sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước giao hiệu quả hơn để thực hiện nhiệm vụ; đồng thời chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tạo điều kiện tăng nguồn thu, tiết kiệm chi và đảm bảo bù đắp nhu cầu tiền lương cho cán bộ viên chức.

Ðịnh hướng phát triển trong thời gian tới

- Hoàn thiện nghiệp vụ thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, xây dựng và phát triển CIC trở thành một Trung tâm Thông tin tín dụng công theo tiêu chuẩn quốc tế.

- Tạo môi trường pháp lý đồng bộ, hoàn thiện hệ thống pháp lý không chỉ cho hoạt động của CIC mà còn cho cả hệ thống thông tin tín dụng phát triển.

- Phát huy mạnh hơn những nguồn lực hiện có, tập trung triển khai tốt cấu phần trong dự án FS-MIMS (về hiện đại hoá ngân hàng trung ương và hệ thống thông tin quản lý); năng động, chủ động, sáng tạo, áp dụng hiệu quả công nghệ mới.

- Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hoạt động theo hướng tăng cường chặt chẽ quản lý nhà nước và phát triển mạnh dịch vụ, thương mại; Tăng cường đào tạo chuyên sâu cho cán bộ nghiệp vụ, có kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia phân tích đánh giá các hoạt động kinh tế theo ngành, theo lĩnh vực hoạt động khác nhau.

- Nâng cao chất lượng, quy mô Kho dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia đến 2020 lên 40 triệu HSKH.

- Tăng cường phối hợp trao đổi và cung cấp thường xuyên thông tin với các Vụ, Cục, đơn vị NHNN, Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố.

- Tăng cường biện pháp mạnh, đề xuất về xử phạt hành chính trong lĩnh vực ngân hàng đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành đúng quy định cung cấp và khai thác sử dụng thông tin. Kết hợp khen thưởng, kích thích các chủ thể tham gia cung cấp và báo cáo TTTD. Kết hợp hài hoà phương thức bắt buộc với giảm mức thu dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng thông tin và đáp ứng tốt mục tiêu chia sẻ thông tin tín dụng.

- Tăng cường liên kết, hợp tác trong và ngoài nước, mở rộng nguồn tin, đi sâu nghiên cứu, học tập, phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng; xây dựng văn hoá CIC, nâng cao uy tín, đạo đức nghề nghiệp, khách quan, trung thực, không vụ lợi.

- Góp phần tích cực vào việc nâng cao văn hoá tín dụng của toàn xã hội thông qua việc tuyên truyền, vận động về yêu cầu, lợi ích của hoạt động TTTD đến các TCTD, các tổ chức, cá nhân khác.



Hành trình hơn 20 năm qua là một chặng đường dài với thật nhiều biến động, không ít thăng trầm nhưng cũng thật đáng tự hào bởi những dấu ấn đậm nét, những thành quả to lớn đã được ghi nhận trong lịch sử hình thành và phát triển của hoạt động thông tin tín dụng. Nhìn lại những chặng đường đã qua để thêm niềm tin xây dựng và phát triển hoạt động thông tin tín dụng thực sự trở thành một kênh thông tin tin cậy, góp phần đắc lực cho hoạt động tín dụng nhằm ngăn ngừa, hạn chế rủi ro, cung cấp thông tin phục vụ nhiệm vụ quản lý của NHNN đảm bảo an toàn, phát triển bền vững hệ thống ngân hàng, góp phần cho sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.

1 Trưởng phòng NCPT, Trung tâm Thông tin tín dụng

Каталог: webcenter -> contentattachfile

tải về 120.17 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương