1. Cơ sở khoa học, ý nghĩa thực tiễn của đề tài


CHƯƠNG 3. MỘT SỐ BIỆN PHÁP TẠO MÔI TRƯỜNG PHÁT TRIỂN CÁC QUỸ ĐẦU TƯ MẠO HIỂM TẠI VIỆT NAM



tải về 416.79 Kb.
trang9/9
Chuyển đổi dữ liệu05.09.2016
Kích416.79 Kb.
#31693
1   2   3   4   5   6   7   8   9

CHƯƠNG 3. MỘT SỐ BIỆN PHÁP TẠO MÔI TRƯỜNG PHÁT TRIỂN CÁC QUỸ ĐẦU TƯ MẠO HIỂM TẠI VIỆT NAM

3.1. Biện pháp vĩ mô

3.1.1.Hoàn thiện môi trường pháp lý để khuyến khích hoạt động ĐTMH


Đầu tiên, cần thấy rằng ĐTMH là một trong những động lực phát triển nền kinh tế đất nước nên cần xây dựng một hệ thống pháp lý sao cho vừa khuyến khích được vốn ĐTMH trong quá trình đổi mới, vừa bảo vệ quyền tài sản của các cổ đông thành viên góp vốn vào quỹ ĐTMH, mà vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động này.

Hiện tại, các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động ĐTMH tại Việt Nam đã được hình thành như luật doanh nghiệp, luật các tổ chức tín dụng, luật đầu tư nước ngoài, các quy định chứng khoán và TTCK, ... các văn bản pháp luật điều chỉnh việc thành lập hoạt động của các loại hình công ty và các hoạt động đầu tư khác nhau, đó chính là môi trường cho hoạt động của các quỹ ĐTMH. Tuy nhiên, vẫn chưa có một quy định pháp luật cụ thể nào điều chỉnh trực tiếp đến cơ chế tổ chức cũng như hoạt động của các quỹ ĐTMH.

Theo kinh nghiệm thực tế của nhiều quốc gia trên thế giới, các quy định của pháp luật và quản lý Nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền với quỹ ĐTMH không chặt chẽ, khắt khe như đối với các quỹ đầu tư tập thể. Lý do của việc này là do cơ chế tự chào mời của các nhà đầu tư khi tham gia vào quỹ. Chính vì vậy, các quy định về mục tiêu đầu tư, giới hạn đầu tư, cơ chế giám sát để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư thường do các nhà đầu tư của quỹ và các bên có liên quan tự thỏa thuận. Các văn bản pháp luật Nhà nước thường chỉ quy định những vấn đề cơ bản và những điều khoản mà các bên tham gia không được phép vi phạm. Do đó, Chính phủ cần ban hành một Nghị định riêng quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, hoạt động của quỹ ĐTMH và các bên có liên quan.Cụ thể là các quy định về:

-Quy mô vốn và phạm vi đầu tư;

-Thủ tục thành lập quỹ ĐTMH;

-Tiêu chuẩn các nhà đầu tư tham gia góp vốn vào quỹ;

-Quyền lợi và nghĩa vụ nhà đầu tư;

-Các nguyên tắc trong việc xác định giá trị danh mục đầu tư;

-Các nguyên tắc điều chỉnh xung đột và lợi ích các bên có liên quan.

Ngoài ra, có thể thấy rằng, về tổng thể, mô hình các quỹ ĐTMH áp dụng tại Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể dựa trên cơ sở sửa đổi một số điểm của mô hình các quỹ đầu tư dạng thành viên. Chính phủ có thể áp dụng mô hình quỹ thành viên trong Nghị định 144/2003/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung một số điểm cho phù hợp với mục tiêu của quỹ ĐTMH. Cụ thể, có 2 điểm chính cần sửa đổi, đó là:

-Giới hạn số lượng người đầu tư và khoản tiền đầu tư tối thiểu khi tham gia vào quỹ đầu tư;

-Không khống chế tỷ lệ đầu tư tối thiểu 60% giá trị tài sản quỹ vào chứng khoán đối với danh mục đầu tư của quỹ mạo hiểm.

Quỹ ĐTMH thường đầu tư vào các DN công nghệ cao. Do đó, luật sở hữu trí tuệ cũng là một vấn đề cần được quan tâm vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến trình độ phát triển khoa học công nghệ và sự phát triển thị trường vốn mạo hiểm. Vì khi quỹ ĐTMH đầu tư vào các DN công nghệ cao, mới khởi sự thì tài sản của các DN này chủ yếu là các phát minh, ý tưởng mới, nếu luật quy định không chặt chẽ thì có nguy cơ những tài sản này sẽ không còn, mà sẽ trở thành nguy cơ để những người trục lợi tận dụng cơ hội kiếm lời. Do đó, để bảo đảm cho hoạt động ĐTMH lành mạnh, Nhà nước cũng cần hoàn thiện về pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích của nhà đầu tư trong quá trình đổi mới khoa học công nghệ. Đồng thời, Nhà nước cũng cần tiến hành xử phạt nghiêm đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm tạo môi trường đầu tư lành mạnh thúc đẩy quá trình nghiên cứu và phát minh sản phẩm.

Về lâu dài, cần tiến tới xây dựng một hệ thống luật pháp hoàn chỉnh, trực tiếp điều chỉnh hoạt động ĐTMH bên cạnh, hoặc song song với các văn bản pháp luật khác. Điều này sẽ giúp tăng cường hiệu lực thi hành của các quy định và giải quyết được triệt để các xung đột với các quy định của luật khác.


3.1.2.Các biện pháp khuyến khích về tài chính dành cho các nhà ĐTMH


Cùng với việc tạo lập cơ sở pháp lý và tạo lập môi trường kinh doanh cho các nhà ĐTMH, các biện pháp khuyến khích về tài chính dành cho các nhà ĐTMH cũng đóng vai trò hết sức quan trọng.

  • Chính sách ưu đãi về thuế:

Với tình hình thực tế tại Việt Nam hiện nay, các chính sách về thuế đối với hoạt động của các quỹ đầu tư nói chung chưa thực sự rõ ràng. ĐTMH tức là gánh chịu rủi ro rất lớn, có thể được lợi nhuận cao nhưng cũng có thể thất bại, chính vì yếu tố rủi ro cao hơn nên thiết nghĩ Nhà nước cần có một chính sách ưu đãi về thuế phù hợp. Chính vì vậy, Nhà nước nên có các chính sách:

- Miễn thuế thu nhập đối với các quỹ ĐTMH: Việc miễn thuế thu nhập sẽ giúp thu hút được các nhà đầu tư vào quỹ. Nếu không có ưu đãi này, việc thu hút vốn sẽ rất khó khăn và các nhà đầu tư sẽ tự mình đầu tư thay vì việc tham gia vào quỹ ĐTMH. Cùng với đó, Chính phủ cũng nên xem xét việc không đánh thuế thu nhập với những người gia ĐTMH, đặc biệt trong giai đoạn đầu để tạo điều kiện cho quỹ ĐTMH phát triển;

- Miễn thuế VAT và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty quản lý quỹ thực hiện quản lý quỹ ĐTMH: Điều này sẽ khuyến khích các công ty quản lý quỹ tham gia nhiều vào hoạt động quản lý quỹ mạo hiểm hơn, giúp hoạt động ĐTMH được thực hiện và quản lý ngày càng chuyên nghiệp.


  • Chính sách ngoại hối:

Chính sách ngoại hối thuận lợi có tác động đến lĩnh vực ĐTMH vì:

-Khuyến khích các quỹ ĐTMH nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam;

-Khuyến khích tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia góp vốn vào các quỹ ĐTMH thành lập trên thị trường Việt Nam.

Một chính sách ngoại hối hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài được thể hiện ở sự ồn định tỷ giá hối đoái và cơ chế chuyển vốn ra nước ngoài.



Hiện tại, tỷ giá đồng Việt Nam tương đối ổn định so với các loại ngoại tệ mạnh, có thể tạo ra sức hấp dẫn để thu hút các luồng vốn nhưng cơ chế chuyển vốn và lợi nhuận ra ngoài lại là một trở ngại đáng kể đối với các nhà đầu tư nước ngoài do chưa có quy định rõ ràng, cụ thể. Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ cần ban hành những quy định cụ thể về vấn đề này.

3.1.3.Phát triển và hoàn thiện thị trường vốn


Thứ nhất, đảm bảo sự phát triển ổn định, lành mạnh và bình đẳng giữa các chủ thể tham gia TTCK. Sự phát triển của thị trường vốn có vai trò hết sức quan trọng đến hoạt động ĐTMH. Nếu thị trường vốn phát triển sẽ tạo điều kiện nâng cao việc cấp vốn cho các DN công nghệ cao, tạo điều kiện tốt cho các quỹ ĐTMH thực hiện các hoạt động đầu tư. Đối với nguồn cung ứng vốn cho hoạt động ĐTMH thì nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài là ưu tiên hàng đầu. Vì thế, với các nhà đầu tư nước ngoài, Nhà nước nên mở rộng giới hạn tỷ lệ nắm giữ cổ phần cho họ. Hiện nay, nghị định 01/2014/NĐ-CP ngày 03/01/2014 quy định tỷ lệ nắm giữ cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài là không quá 30% đối với các DN chưa niêm yết và 49% đối với các DN đã niêm yết, nếu nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ vượt quá 49% tổng số cổ phần phát hành ra công chúng trước khi niêm yết, đăng ký giao dịch thì phải thực hiện bán cổ phiếu để đảm bảo tỷ lệ nắm giữ của bên nước ngoài là tối đa 49%. Điều này cũng làm hạn chế quy mô về vốn giải ngân cho các dự án tài trợ vốn và nhất là hoạt động của các quỹ ĐTMH. Do đó, Chính phủ nên cân nhắc việc nới lỏng tỷ lệ giới hạn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài để khuyến khích hoạt động ĐTMH.

Thứ hai, đảm bảo sự phát triển cân đối trong cơ cấu tài chính ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.Trong thời gian vừa qua, việc huy động vốn của các DN chủ yếu thông qua tài chính gián tiếp, tức là qua hệ thống ngân hàng. Mà việc thu hút vốn nhàn rỗi từ người cho vay chủ yếu dưới hình thức tiền gửi ngắn hạn và trung hạn mà không có hình thức dài hạn trong khi nhu cầu của DN chủ yếu là vốn dài hạn. Vì vậy, DN bị giới hạn vay vốn dài hạn do ngân hàng phải đảm bảo giữa tỷ lệ đi vay và cho vay trung và dài hạn. TTCK là nơi DN có thể dễ dàng đi vay vốn dài hạn cho mục tiêu đầu tư dự án lớn có thời gian hoàn vốn nhiều năm.

Giữ vững sự ổn định của TTCK: Để hoạt động của các quỹ ĐTMH tại Việt Nam hoạt động hiệu quả, TTCK cần phải được vận hành theo quy luật của thị trường, hạn chế tối đa sự can thiệp trực tiếp bằng các công cụ quản lý của Nhà nước. Cần phải có lộ trình từng bước xây dựng, tiến tới để thị trường tự vận hành theo quy luật và để các nhà đầu tư chủ động quyết định và chịu trách nhiệm về vấn đề kinh doanh của mình. Mặt khác, Ủy ban chứng khoán Nhà nước phải quản lý được và công khai số lượng cổ phiếu cần giải chấp của các công ty chứng khoán, các ngân hàng. Đồng thời, việc phát hành cổ phiếu tăng vốn của các công ty cổ phần cần phải có cơ chế kiểm tra giám sát, khắc phục tình trạng huy động vốn trái phép khi lợi dụng sự nới lỏng của cơ chế để phát hành cổ.

Ngoài ra, một mặt vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam (FDI) và nguồn vốn ODA đã giảm sút đáng kể, trong khi đó vốn vay từ ngân hàng có những khó khăn nhất định đã dẫn đến các DN phải có khả năng tự chủ trong việc tạo nguồn vốn cho mình. Phát hành trái phiếu thông qua TTCK là hình thức huy động vốn có nhiều ưu việt hơn so với các hình thức khác như mở rộng đối tượng cho vay, nên DN thuận lợi hơn trong việc huy động vốn lớn, thời hạn cho vay dài, giảm chi phí so với vay ngân hàng. Hiện các DN và các dự án đầu tư đã tìm cách phát hành trái phiếu của DN và các trái phiếu công trình cho dự án đầu tư để huy động vốn.


3.1.4. Bổ sung các quy định pháp luật liên quan tới an ninh mạng và hạ tầng Internet – Viễn thông ở Việt Nam


Do đối tượng chủ yếu của các quỹ ĐTMH là các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng internet và giải pháp trực tuyến. Chính vì vậy, với tình trạng an ninh mạng ở Việt Nam không được đảm bảo đã gây ra những băn khoăn và lo ngại không nhỏ cho các quỹ ĐTMH. Hiện nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam đang được hoàn thiện, do đó nhiều nội dung còn chung chung nên khó áp dụng trong một số tình huống cụ thể, vì vậy xảy ra những bất cập và lúng túng cho các cơ quan khi xử lý tội phạm công nghệ mạng. Nhà nước cần sớm hoàn thiện và ban hành các quy định pháp luật chặt chẽ cũng như đảm bảo việc pháp luật được thực thi hiệu quả để bảo vệ lợi ích chính đáng của các công ty khởi nghiệp, quỹ ĐTMH và người tiêu dùng.

3.1.5. Xây dựng hệ thống đánh giá tiêu chuẩn hợp lý đối với các DN nhận vốn ĐTMH tại Việt Nam


Việc đánh giá điều kiện của DN thể hiện ngay trong khâu đầu tiên của quy trình ĐTMH là lựa chọn dự án. Trên thực tế, hiệu quả của hoạt động ĐTMH phụ thuộc nhiều vào sự thành công của các dự án đầu tư. Hay nói cách khác, những người đầu tư và nhà quản lý sẽ được hưởng lợi nhuận nếu những dự án mà họ đầu tư hoạt động tốt và mang lại lợi nhuận tốt. Dự án tốt sẽ mang lại hiệu quả cho DN, các nhà ĐTMH và các nhà quản lý từ đó sẽ khuyến khích nhiều nhà đầu tư cung cấp vốn cho ĐTMH và nhiều nhà DN muốn nhận được nguồn vốn mạo hiểm. Chính vì vậy, việc lựa chọn dự án ban đầu đóng vai trò quan trọng trong hoạt động ĐTMH. Các quỹ đầu tư căn cứ vào những tiêu chí nhất định để lựa chọn dự án như đã được đề cập chi tiết ở trên.

Tuy nhiên, những căn cứ trên chưa thực sự cụ thể để các DN có thể tiếp cận và tìm biện pháp đáp ứng. Tác giả kiến nghị quỹ cần đưa ra những tiêu chí cụ thể hơn nữa và công khai hóa các thông tin này trên những phương tiện truyền thông. Một website cho hoạt động ĐTMH của IDGVV là cần thiết để các DN Việt Nam có thể tìm kiếm thông tin và cơ hội vốn cho mình tại quỹ này.

Mặt khác, quỹ cũng cần xem xét lại một số tiêu chí chưa phù hợp với DN Việt Nam. Chính vì thế, các DN Việt Nam dù rất cần vốn nhưng vẫn có tâm lý e ngại khi xin cấp vốn từ các quỹ ĐTMH. Việc khắc phục những hạn chế này trong việc mở rộng đối tượng đầu tư là mong muốn của DN Việt Nam để có cơ hội phát triển hơn nữa khi được nhận nguồn vốn tài trợ từ các quỹ ĐTMH.

3.1.6.Thực hiện đồng bộ các chính sách khác


- Nhà nước nên bổ sung chức năng giám sát của ngân hàng đối với các quỹ ĐTMH: Đối với các quỹ hoạt động theo mô hình tín thác, quỹ ĐTMH cần có sự giám sát của ngân hàng. Hiện nay, ngân hàng đã có chức năng giám sát đối với quỹ đầu tư chứng khoán và nên bổ sung chức năng giám sát đối với quỹ ĐTMH;

- Bãi bỏ quy định mức trần đóng bảo hiểm xã hội, sửa đổi các chính sách hưu trí, cho phép người lao động chọn lựa giữa cơ chế hưu trí của Nhà nước với các chương trình bảo hiểm hưu trí của các công ty bảo hiểm, qua đó tạo thị trường cho lĩnh vực bảo hiểm hưu trí và tăng hiệu quả thu hút vốn của các quỹ hưu trí doanh nghiệp;

- Phát triển cơ sở hạ tầng thông tin như: phát triển cơ sở dữ liệu thông tin về khoa học công nghệ quốc gia, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao; thành lập các trung tâm đánh giá công nghệ; nâng cao khả năng ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh các trung tâm thông tin nhằm giảm chi phí xã hội và hạn chế phân tán thông tin;

- Nhà nước cần xây dựng các chiến lược cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Thực tế là hoạt động R&D ở nước ta chưa phát triển như một số nước trong khu vực, tuy nhiên hoạt động này là một yếu tố không thể thiếu để hình thành nên hoạt động đầu tư vốn mạo hiểm, chính những ý tưởng, sáng kiến, phát minh là cơ sở để các nhà đầu tư tìm thấy một cơ hội đầu tư với một hy vọng về sự thành công của chúng trong tương lai. Do đó, chú trọng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển cũng là tạo môi trường hấp dẫn cho các nhà ĐTMH.


3.2. Biện pháp vi mô

3.2.1.Đối với các nhà quản lý quỹ ĐTMH


Như đã trình bày ở chương 1, khi góp vốn vào quỹ ĐTMH thì mục tiêu của các nhà đầu tư là nhằm tìm kiếm các khoản thu nhập cao hơn mức trung bình trong tương lai. Vì vậy, những khoản đầu tư của quỹ thường hàm chứa những yếu tố rủi ro cao. Lợi nhuận cao của quỹ chỉ có thể đạt được khi những yếu tố rủi ro đó được quản lý một cách có hiệu quả. Người quản lý quỹ phải biết rằng có rất nhiều khoản đầu tư bị thất bại do công tác kế hoạch yếu kém và thiếu một tầm nhìn chiến lược. Các chuyên gia quản lý vốn mạo hiểm thường hay bị sa lầy vào những vấn đề cụ thể mà quên mất đi bức tranh tổng thể. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra cho các công ty quản lý quỹ khi tham gia quản lý quỹ ĐTMH là phải xác định rõ ràng được mục tiêu của họ trong quá trình đầu tư và tìm kiếm, sàng lọc những cơ hội đầu tư hợp lý, đồng thời họ cũng cần xây dựng một đội ngũ nhân viên có năng lực, am hiểu sâu về ĐTMH, am hiểu sâu về thị trường đầu tư cũng như hiểu rõ luật pháp liên quan đến hoạt động ĐTMH và các nguồn luật liên quan khác để hoạt động ĐTMH có hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, về cơ cấu đầu tư, về danh mục đầu tư của quỹ nên có sự đa dạng, không nên chỉ đầu tư vào một hoặc một vài DN. Việc tập trung và đa dạng hóa đầu tư vào các công ty này sẽ giúp giảm bớt mức rủi ro có thể gặp phải của quỹ đầu tư khi kinh nghiệm của các công ty quản lý quỹ chưa nhiều.

Thời hạn đầu tư của các quỹ ĐTMH thường là trung và dài hạn, tuy nhiên các công ty quản lý quỹ cần chú ý đến thời hạn của khoản đầu tư và thời hạn kết thúc hoạt động của quỹ. Nếu thời hạn của khoản đầu tư dài hơn so với thời hạn hoạt động của quỹ thì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho các công ty quản lý quỹ khi thực hiện thoát vốn để hoàn trả cho nhà đầu tư.

Mặc dù quỹ mạo hiểm có thể đầu tư vào các công ty với mức độ khác nhau, tuy nhiên, để đảm bảo tính an toàn, hiệu quả của vốn đầu tư, các chuyên gia quản lý vốn mạo hiểm của Việt Nam cần có sự chủ động trong quan hệ với các công ty nhận đầu tư thông qua các cuộc trao đổi, thông tin và thỏa thuận. Thông thường, người quản lý quỹ sẽ tham gia vào hội đồng quản trị của công ty nhận đầu tư hoặc đóng vai trò là nhà tư vấn tài chính. Việc tham gia hội đồng quản trị không nhất thiết phải chiếm đa số, nó phụ thuộc vào mức độ trưởng thành của công ty nhận đầu tư và phần vốn góp của quỹ. Với kinh nghiệm thu thập được từ việc đầu tư vào công ty khác, các chuyên gia quản lý vốn mạo hiểm có thể tác động tới sự phát triển của công ty nhận vốn đầu tư để nâng cao giá trị của nó.

Một yếu tố quan trọng nữa cần chú ý khi thực hiện đầu tư là xác định khả năng của các nhà quản lý DN. Nếu quỹ đầu tư vào một công ty có năng lực quản lý yếu kém cần thiết phải có sự thay đổi về quản lý sau khi đầu tư. Các DN trong giai đoạn mới hình thành và phát triển thường phụ thuộc rất lớn vào một số nhân vật quản lý chủ chốt. Vì vậy, việc sử dụng những người có khả năng điều hành đóng vai trò rất quan trọng. Việc thay đổi quản lý sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức. Để làm được điều này, đòi hỏi quỹ phải đầu tư nắm giữ phần lớn cổ phần của công ty tiếp nhận vốn đầu tư.

3.2.2. Đối với các DN nhận vốn ĐTMH


Mặc dù rất nhiều DN có nhu cầu huy động vốn mà các quỹ ĐTMH sẵn sàng đầu tư nhưng rất ít các DN có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định theo yêu cầu của quỹ. Chính bản thân các DN là nguyên nhân trực tiếp cuối cùng và quan trọng nhất cho một quyết định ĐTMH của các quỹ ĐTMH và các nhà ĐTMH. Trên cơ sở các tiêu chí cụ thể, các nhà ĐTMH sẽ xem xét kỹ trước khi rót vốn đầu tư vào DN, do vậy, các DN cần chuẩn bị một bản kế hoạch kinh doanh hoàn hảo để trình bày với nhà đầu tư. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở nước ta chưa có đủ khả năng đưa ra dự thảo về những bản kế hoạch kinh doanh với đầy đủ những đánh giá về tiềm năng và dự báo về kết quả kinh doanh cũng như các mục tiêu tài chính và quản trị DN.

DN cũng nên trao đổi một cách thẳng thắn và chia sẻ thông tin với các chuyên gia ĐTMH. Quan trọng hơn cả là phải cùng nhau tạo dựng mối quan hệ tin cậy và hợp tác lẫn nhau. Thông thường, các chuyên gia ĐTMH có rất nhiều kinh nghiệm thực tế trong quản lý và điều hành nên có thể tư vấn giúp đỡ các DN trong lúc trao đổi về ý tưởng và đề án kinh doanh. Trên cơ sở đó, DN có thể phát triển thêm ý tưởng và triển khai tốt những kế hoạch kinh doanh của mình.

Ban lãnh đạo của DN cũng cần phải đưa ra cho các quỹ ĐTMH ngoài ý tưởng là một bản kinh doanh thuyết phục và cụ thể sẽ đạt được những gì sau khi nhận được vốn ĐTMH. Các quỹ ĐTMH thấy rằng các DN Việt Nam có năng lực chuyên môn kỹ thuật nhưng lại yếu về khả năng thương mại, đầu óc tính toán kinh doanh, trong khi các nội dung này lại là những tiêu chí cần thiết trong việc xét duyệt đầu tư hay không của các quỹ ĐTMH. Năng lực quản lý là tiêu chí quan trọng nhất trong việc xác lập ví trí của DN và marketing DN ra thị trường. Chính vì vậy, các DN Việt Nam ngoài việc không ngừng bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, còn phải nâng caao kỹ năng quản lý và quản trị DN. Đây là một yếu tố tạo sự tin tưởng của các quỹ ĐTMH và thành công trong quá trình kinh doanh.

Chương 3 trên đây đã đề cập đến một số biện pháp cho hoạt động ĐTMH tại Việt Nam. Tại nước ta, thị trường vốn mạo thực sự rất cần sự hợp tác thiện chí giữa bên nhà ĐTMH và phía DN. Nhà nước cũng cần tạo hành lang pháp lý phù hợp cho hình thức vốn mạo hiểm phát triển thông qua việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, môi trường định chế công, các thể chế tài chính,… Bên cạnh đó, tạo ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư bằng các chính sách ưu đãi cụ thể như: về hạ tầng, về thủ tục đầu tư, hỗ trợ hệ thống thông tin và nguồn nhân lực. Với các chính sách đó, trong tương lai gần, thị trường ĐTMH tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ.


KẾT LUẬN


Qua 3 chương, luận văn đã làm rõ được đặc điểm và cơ chế hoạt động của ĐTMH và mô hình quỹ ĐTMH, tầm quan trọng và ảnh hưởng của mô hình quỹ ĐTMH đối với Việt Nam và thực trạng hoạt động của các quỹ ĐTMH tại Việt Nam. Luận văn cũng tổng hợp kinh nghiệm phát triển ĐTMH và quỹ ĐTMH trên thế giới, đồng thời đưa ra một số biện pháp nhằm tạo môi trường phát triển quỹ ĐTMH tại Việt Nam.

Với các nước trên thế giới, qua kinh nghiệm có thể thấy ngành ĐTMH nói chung và quỹ ĐTMH nói riêng đã phần nào khẳng định được vai trò và vị thế của mình trong sự phát triển của nền kinh tế. Tại mỗi quốc gia, với các đặc điểm về môi trường chính trị, kinh tế, pháp luật, … quỹ đầu tư lại có những hình thức biểu hiện, hay nói cách khác là được cơ cấu tổ chức theo những mô hình khác nhau.

Ở Việt Nam, việc hình thành và phát triển quỹ ĐTMH cũng không nằm ngoài quy luật chung đó. Tuy nhiên chúng ta cũng không thể áp dụng máy móc những kinh nghiệm nước ngoài mà phải có những cân nhắc, lựa chọn cho phù hợp với tình hình đặc thù chung của Việt Nam. Để loại hình đầu tư này phát huy hết ưu điểm đối với thị trường tài chính, đối với quá trình đổi mới khoa học công nghệ và hơn cả là đối với nền kinh tế đất nước, các doanh nghiệp và nhà nước ta cần có sự quyết tâm nỗ lực lớn. Trước hết, là việc hình thành bộ khung pháp lý ban đầu cho loại hình này, sau đó là nghiên cứu ban hành các chính sách khuyến khích ĐTMH phát triển. Phía các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có sự thay đổi về cơ cấu quản lý, quy mô công ty cho phù hợp và nhất là biết nuôi dưỡng các ý tưởng kinh doanh để tạo sự hấp dẫn với các nhà ĐTMH.

Để phát triển hoạt động ĐTMH đòi hỏi mất một thời gian dài và sự quyết tâm nỗ lực lớn của Chính phủ và doanh nghiệp sao cho phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


  • Tài liệu tiếng Việt

1. Bộ Khoa học công nghệ và môi trường (2001), Nghiên cứu triển khai quỹ đầu tư mạo hiểm phát triển công nghệ cao ở Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, Hà Nội.

2. Mạnh Bôn (14/4/2003), Tìm vốn đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ, Tạp chí Đầu tư chứng khoán, số 175.

3. Bảo Giang (2005), IDG Việt Nam khó giải ngân, vì sao?, Tạp chí Đầu tư chứng khoán số 304, tr.18

4. Trần Thị Thái Hà (tháng 10/2003), Vốn mạo hiểm và vai trò của Chính phủ trong việc hình thành thị trường vốn mạo hiểm, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế số 305, tr 40-49.

5. Hải Lý (2008), Làn sóng thứ hai, Thời báo kinh tế Sài Gòn số 22.

6. Nguyễn Nghiêm Thái Minh (2006), Vốn mạo hiểm-lời giải cung ứng vốn cho các doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí hội nhập và phát triển số 43.

7. Trần Nguyên Nam (2004), Với Việt Nam, các quỹ ĐTMH phát triển công nghệ cao… “còn xa”, Tạp chí Tài chính số 7, tr.38-40.

8. Nguyễn Nghĩa (2007), Đầu tư mạo hiểm – động lực phát triển công nghệ cao, Tạp chí hoạt động Khoa học số 07.

9. Nguyên Thảo (2004), Quỹ ĐTMH phát triển công nghệ cao ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính số 8, tr.45-46.

10. GS. TS Lê Văn Tư (2003), Thị trường chứng khoán, NXB Thống kê, Hà Nội.



  • Tài liệu tiếng Anh

11. Asian Venture Capital Journa (2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014), ACVJ KPMG Asian Private Equity Investment Report.

12. Adam Sack and John McKenzie (1998), Establising a Venture Capital firm in Vietnam.

13. Cheryl Smith (2008), Venture Capital meets Hi-tech, E-journal USD May, America.

14. Chet Holmes (2008), Entrepreneur training, how to get a customer, America.

15. Dragon Capital Group (2009, 2010,2011,2012,2013,2014), Vietnam Enterprise Investment Ltd.


  • Website

16. http://www.action.vn/infographic-the-gioi-dau-tu-mao-hiem-2014.html

17. Top 14 Venture Capital Firms, www.alltopstartups.com

18. http://www.benchmark.com/list/company/ipo

19. http://cafef.vn/201101115CA31/cac-quy-cua-dragon-hien-co-tong-nav-dat-gan-102-ty-usd

20. Website quỹ ĐTMH Dragon Capital: www.dragoncapital.com

21. Website quỹ ĐTMH IDG Ventures Capital Việt Nam: www.idgvv.com

22. Website tập đoàn Intel: www.intel.com

23. Webistie quỹ ĐTMH Mekong Capital: www.mekongcapital.com

24. Website hiệp hội đầu tư mạo hiểm Đài Loan: www.tvca.com

25. Website quỹ ĐTMH Vina Capital: www.vinacapital.com






tải về 416.79 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương