1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh phản ánh: Sáng qua (9-4), đại diện các ngân hàng tại tp. Hcm đã có cuộc đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong việc vay vốn hỗ trợ lãi suất



tải về 52.94 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu03.06.2018
Kích52.94 Kb.
#39361

BỘ TƯ PHÁP

VĂN PHÒNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc





Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2009


ĐIỂM TIN BÁO CHÍ SÁNG NGÀY 10/4/2009

Trong buổi sáng ngày 10/4/2009, một số báo chí đã có bài phản ánh những vấn đề lớn của đất nước và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:



I- THÔNG TIN VỀ NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC

1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh phản ánh: Sáng qua (9-4), đại diện các ngân hàng tại TP.HCM đã có cuộc đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong việc vay vốn hỗ trợ lãi suất. Nhiều doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo nên muốn được vay tín chấp. Tuy nhiên, phương thức này cũng đòi hỏi rất nhiều điều kiện, doanh nghiệp khó đáp ứng được.

Ông Lê Kiên Hòa, Phó Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng hiện nay, các ngân hàng thương mại vẫn chưa có điều kiện cụ thể cho các doanh nghiệp vay theo phương thức tín chấp. Thông thường thì ngân hàng có các loại cho vay tín chấp đối với cán bộ, công nhân viên, còn gọi là cho vay không có tài sản đảm bảo. Mỗi ngân hàng có chính sách tín dụng riêng, do vậy việc quyết định có cho vay tín chấp hay không là chuyện riêng của từng ngân hàng. Theo ông Hòa, hiện nay BIDV đã có hệ thống đánh giá xếp hạng tín dụng nội bộ. Căn cứ vào các chỉ tiêu tài chính và các chỉ tiêu phi tài chính của doanh nghiệp, khách hàng BIDV xác định một khung điểm rồi xác định các hạng doanh nghiệp thành hạng AAA, hạng AA, hạng A; hạng BBB, hạng BB, hạng B... Trong khung này, đối với AAA, AA thì có thể vay 100% vốn mà không cần tài sản đảm bảo, A thì 50% phải có tài sản đảm bảo và 50% không cần tài sản đảm bảo, BBB thì 30% không có đảm bảo và 70% có đảm bảo...

Ông Phạm Ngọc Huệ - đại diện Công ty vận tải biển Gia Hải cho biết doanh nghiệp của ông đã nộp đơn xin bảo lãnh vay vốn được ba tuần. Trong sáu điều kiện để được bảo lãnh, công ty đã đáp ứng được năm điều kiện. Trong đó, điều kiện cuối cùng là phải sử dụng 100% giá trị tài sản hình thành từ vốn vay bảo lãnh và vốn chủ sở hữu để thế chấp đảm bảo bảo lãnh tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam thì vẫn còn vướng mắc. “Hiện nay, chúng tôi cần phải dùng tiền để mua dầu và trả lương cho công nhân. Mà mua dầu làm nguyên liệu cho tàu chạy rồi tiêu hao ngoài biển thì làm sao mà thế chấp” - ông Huệ nói.

Trả lời trường hợp này, ông Bùi Hải Dương, Phó Giám đốc thường trực Sở Giao dịch 2, Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh TP.HCM, cho biết: “Trong quá trình chứng minh tính hiệu quả của dự án này tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, nhiều ý kiến của các thành viên cho rằng phương án này chưa khả thi lắm. Bởi vì qua việc thẩm định, chúng tôi thấy phương thức kinh doanh của Công ty vận tải biển Gia Hải vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa rõ ràng nên không thuyết phục. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng không đáp ứng được tính hiệu quả của phương án sản xuất. Do đó, chúng tôi không thể phát hành chứng thư bảo lãnh được”.

Theo ông Dương, hiện nay trong 31 hồ sơ xin bảo lãnh của các doanh nghiệp mà Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhận được thì chỉ có thể phát hành chứng thư bảo lãnh cho hai hồ sơ. Đây là một con số khiêm tốn so với nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do rất ít doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện để bảo lãnh tín dụng này.

2. Báo Thanh niên phản ánh: Tại hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Quy hoạch đô thị do Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN tổ chức hôm qua 9.4, một số chuyên gia gợi ý dự luật nên bổ sung các điều khoản về quy hoạch các khu vực nông thôn có tốc độ đô thị hóa mạnh.

Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội xây dựng VN cảnh báo: Trong những năm qua, do không được quan tâm đúng mức, trong các đô thị hiện nay, kể cả đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM đều hình thành các "phường - làng" với đặc trưng là nhiều nhà ổ chuột kiểu mới không thấy ánh sáng mặt trời, xây dựng tùy tiện, đường phố là các ngõ ngách nhỏ, hệ thống cấp thoát nước hết sức tồi tệ, người già và trẻ nhỏ không có chỗ vui chơi, dạo mát. Hiện nay tình trạng phố hóa các xóm làng một cách tự phát diễn ra rất mạnh. Vì vậy, theo ông Hùng, quy hoạch đô thị không thể tách rời các điểm dân cư nông thôn nằm bao quanh các đô thị, đưa quy hoạch điểm dân cư nông thôn vào dự thảo luật là một việc cấp bách.



Báo cũng phản ánh: Đa số các phát biểu trong hội thảo khoa học về vai trò của công nghiệp khai thác bauxite - sản xuất alumina - nhôm hôm qua 9.4 tại Hà Nội đều đồng ý cần thiết tận dụng nguồn tài nguyên này để phát triển kinh tế đất nước, đồng thời quan ngại về việc làm thế nào để có thể khai thác và chế biến quặng đạt hiệu quả.

Hội thảo đã thu hút đông đảo sự tham gia của các cơ quan, tổ chức liên quan, các nhà nghiên cứu khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước. Các ý kiến đã đề cập khá toàn diện nhiều vấn đề liên quan đến tác động của dự án khai thác bauxite và sản xuất alumina đối với các mặt kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên cũng như cả nước.

Sau khi bác bỏ quan điểm cho rằng các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên có thể tác động đến vấn đề an ninh, GS Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và khoa học - Bộ Công an nói rằng, điều làm ông lo lắng chính là dự án chưa thể hiện quan điểm phát triển kinh tế bền vững. Ngay hiệu quả kinh tế, bản thân TKV cũng chưa định lượng được đầy đủ. Ý kiến này sau đó nhận được sự đồng tình của PGS-TS Phạm Bích San, Phó tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật VN. "Trong bối cảnh hiện nay chỉ nên tập trung vào xây dựng một nhà máy thí điểm ở Tân Rai (Lâm Đồng). Chưa nên vội triển khai xây dựng Nhà máy Nhân Cơ vì không khả thi bởi thị trường alumina trên thế giới chưa ổn định, hơn nữa chúng ta chưa có những chuẩn bị chu đáo và cần thiết để đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và lực lượng nhân công" - ông San phát biểu.

Kết luận hội thảo, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khẳng định, chủ trương khai thác quặng bauxite và sản xuất alumina tại Tây Nguyên là hoàn toàn đúng đắn. "Chúng ta biết phát huy tiềm năng của Tây Nguyên, nhưng chúng ta cũng không thể phát triển với bất cứ giá nào. Để phát triển được, khai thác được thành công tiềm năng ấy, thì chúng ta phải có những giải pháp quản lý và thực hiện hết sức chặt chẽ và hiệu quả” - Phó thủ tướng nói. Ông quả quyết: “Chúng ta phải bảo đảm phát triển bauxite thành một ngành công nghiệp. Chúng ta phải biến nó thành động lực cho Tây Nguyên phát triển chứ đầu tư mà để lại đói nghèo cho nhân dân thì không được". Phó thủ tướng giao cho các bộ, ngành liên quan thực hiện nghiên cứu đánh giá tình hình để đề xuất điều chỉnh lại quy hoạch phát triển vùng thăm dò khai thác chế biến bauxite, ngành công nghiệp bauxite cho phù hợp với tình hình hiện nay.



Báo cũng phản ánh: Hôm qua 9.4, Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội đã họp phiên mở rộng. Tại phiên họp, lãnh đạo Bộ Tài chính đã trình bày một số vấn đề về tình hình kinh tế, thu, chi ngân sách, trong đó có đề cập tới phương án thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Luật Thuế TNCN chính thức có hiệu lực từ 1.1.2009, nhưng trước diễn biến của tình hình kinh tế, để thực hiện chính sách kích cầu, Chính phủ cho phép giãn thời gian nộp thuế từ ngày 1.1.2009 đến hết ngày 31.5.2009. Trong phương án trình hôm qua, Bộ Tài chính đề nghị miễn thuế TNCN trong 6 tháng đầu năm 2009. Đối với hoạt động đầu tư vốn, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế trong thời gian từ năm 2009 và cả năm 2010, trong đó có đầu tư chứng khoán. Bộ Tài chính cũng đề xuất, 6 tháng cuối năm 2009, tất cả các trường hợp thuộc đối tượng hưởng thu nhập từ tiền công tiền lương sẽ được giảm 200.000 đồng trong số tiền thuế phải nộp, trường hợp nếu phải nộp dưới 200.000 thì được miễn.



3. Báo Sài Gòn giải phóng phản ánh: Những ngày qua, dư luận ở Cà Mau đang quan tâm đến tình trạng bất thường trong việc thực hiện chủ trương hỗ trợ khó khăn cho ngư dân theo Quyết định 289 của Chính phủ. Những hiện tượng bất thường mà ngư dân phản ảnh là “cò thủ tục”, có tàu cá được hỗ trợ 2 lần, hỗ trợ không đúng đối tượng như quy định.

Tìm hiểu vấn đề này tại cửa biển Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), quả nhiên có nhiều “chuyện lạ”. Ông Hồ Văn Quý, ở khóm 6, thị trấn Sông Đốc là người vừa nhận tiền hỗ trợ dầu theo Quyết định 289 của Chính phủ. Tuy nhiên, ông không có tàu biển đang hoạt động như quy định.

Ông Quý thành thật nói rằng, mình chỉ có xuồng đánh bắt biển bằng máy đuôi tôm – theo quy định thì trường hợp tàu có công suất máy dưới 40CV vẫn được hỗ trợ nhưng phải là máy dầu. Việc ông được nhận tiền hỗ trợ là vì có người hàng xóm đến thúc ông làm thủ tục để nhận tiền hỗ trợ của nhà nước! Tuy nhiên, số tiền 20 triệu đồng mà nhà nước hỗ trợ, ông nhận có 3 triệu đồng. Số tiền 17 triệu đồng còn lại là ông “cò hồ sơ” bỏ túi! “Cò hồ sơ” mà ông Quý nói là người đã đến bày cho ông và trực tiếp đi làm hoàn tất các thủ tục hồ sơ để nhận tiền hỗ trợ. Người dân còn chỉ rõ nhiều trường hợp khác không có tàu cá những vẫn được hỗ trợ trơn tru, như hộ ông Tài làm thợ tiện, ông Hải mua bán ve chai, lông vịt…

Trong khi đó, những ngư dân thực thụ lại cũng bị xén bớt bởi nạn “cò hồ sơ”. Ông Phan Văn Đấu ở khóm 6 thị trấn Sông Đốc là một “điển hình”, sống bằng nghề khai thác biển nhiều năm. Thế nhưng, số tiền 20 triệu đồng nhà nước hỗ trợ, ông chỉ nhận được 7 triệu đồng. Ông cho biết vì bị “cò hồ sơ” lấy. Trước đó, ông Đấu bị một “cò hồ sơ” đến vòi vĩnh rằng nếu ông tự làm sẽ rất khó, có khi không được nhận nếu chậm trễ qua đợt. Ông Đấu hoang mang, cuối cùng chấp nhận ăn chia với “cò hồ sơ”. Trường hợp như ông không phải ít. Tuy nhiên vì “sợ bị trả thù” nên nhiều ngư dân chấp nhận yên lặng trong thiệt thòi.

Về những vấn đề trên, ông Châu Công Bằng, Thanh tra Sở NN-PTNT Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện những bất ổn trong hỗ trợ dầu theo Quyết định 289 của Chính phủ từ cuối năm 2008”. Do có quy chế phát ngôn, ông Bằng không chấp nhận cung cấp kết quả kiểm tra bước đầu của cơ quan thanh tra nông nghiệp. Tuy nhiên, ông cho biết có những bất ổn xung quanh các vấn đề “cò thủ tục”, một tàu được nhận 2 lần, một số trường hợp là không đúng đối tượng nhận. Và những sai phạm này không chỉ xảy ra ở thị trấn Sông Đốc mà ở hầu hết các cửa biển của tỉnh Cà Mau. Trong đó, sai phạm nhiều là ở các cửa biển như Cái Đôi Vàm, cửa Cái Cám huyện Phú Tân; cửa biển Gò Công xã Việt Khái, huyện Phú Tân và Khánh Hội, huyện U Minh.

Cơ quan chức năng cũng đang vào cuộc để điều tra làm rõ những vụ việc mà dư luận đang bức xúc.



II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài Chở khách du lịch: Tài xế phải có bằng A ngoại ngữ?”. Bài báo phản ánh: Hôm qua (9-4), Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp Bộ Giao thông Vận tải họp bàn về dự thảo thông tư hướng dẫn điều kiện kinh doanh vận chuyển khách du lịch và cấp biển hiệu ôtô đủ tiêu chuẩn vận chuyển khách du lịch. Theo đó, tài xế xe chở khách du lịch phải có giấy chứng nhận tập huấn sơ cứu y tế. Riêng tài xế xe trên 45 chỗ, ôtô caravan, ôtô hai tầng phải có thêm giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức sử dụng và điều khiển thiết bị giám sát hành trình. Xe vận chuyển khách du lịch phải có niên hạn dưới 15 năm.

Đặc biệt, dự thảo thông tư vẫn đặt ra điều kiện tài xế phải có bằng A tiếng Anh (hoặc ngoại ngữ khác) trở lên. Ban soạn thảo cho rằng quy định như vậy sẽ giúp tài xế có thể giao tiếp được với khách nước ngoài. Trong quá trình di chuyển, du khách có thể nhắc nhở nếu phát hiện tài xế có biểu hiện vi phạm giao thông. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tỏ ra không đồng tình với ý kiến này. Bà Ngô Phương Thịnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận chuyển ABC, cho biết hiện nay hầu hết xe chở khách du lịch đều có hướng dẫn viên đi kèm. Những người này đa phần thông thạo ngoại ngữ, có thể giao tiếp tốt nên không nhất thiết yêu cầu tài xế xe có chứng chỉ ngoại ngữ.

Ông Mai Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP Hà Nội nêu thực tế ngay Sở này cũng có rất nhiều người chưa có bằng A tiếng Anh. “Muốn lấy bằng A một cách nghiêm túc phải học mất sáu tháng. Điều này sẽ khiến các đơn vị lâm vào tình cảnh thiếu tài xế, đồng thời dễ làm nảy sinh tiêu cực, tài xế sẽ lách luật bằng cách mua bằng giả về để đạt chuẩn” - ông Dũng nói.

Bà Đinh Thị Phương Thùy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Mai Linh, góp ý cần đưa vào dự thảo quy định xe chở khách du lịch phải có dây an toàn (seat belt) cho du khách. Hiện nay, nhiều xe du lịch không chú ý tới dây an toàn nên không đầu tư trong khi ở nhiều nước khác, trên xe buýt cũng có thiết bị này. Theo bà Thùy, du khách sẽ cảm thấy yên tâm hơn nếu các xe đều có dây an toàn.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng cho biết Bộ sẽ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận và các ngành chức năng để xây dựng dự thảo thông tư cho phù hợp thực tế.

Báo cũng có bài “Nhiều văn bản ban hành cấp bách vi phạm luật”. Bài báo phản ánh: Tại tọa đàm về văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chủ trì sáng qua (8-4), nhiều ý kiến nhận định: Hiện có rất nhiều quyết định vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chủ yếu là do thời điểm văn bản có hiệu lực thường sớm hơn 45 ngày như luật định.

Ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho biết có những văn bản liên quan đến điều chỉnh giá cả xăng dầu, điện, lãi suất hay thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng... được ban hành và áp dụng ngay mà không lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì những quyết định này là vi phạm. Tuy nhiên, ông Tụng băn khoăn: “Nếu chờ lấy ý kiến hoặc là khi ban hành văn bản đến 45 ngày sau những quy định về việc tăng giá xăng, dầu mới có hiệu lực thì chắc chắn sẽ dẫn đến hiện tượng đầu cơ. Thế nhưng theo luật thì chỉ có những văn bản quy định các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai, dịch bệnh thì mới có thể có hiệu lực từ ngày công bố hoặc ký ban hành. Do vậy, vấn đề đặt ra là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và cả Nghị định 24 hướng dẫn thực hiện luật này cũng chưa giải quyết được hết vấn đề pháp lý khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật”.

Kết luận buổi tọa đàm, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp nghiên cứu những tiêu chí xác định thế nào là quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó cần phải rà soát để xây dựng báo cáo những vướng mắc khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để trình Thủ tướng vào cuối quý II năm nay. Dự kiến Bộ sẽ ban hành thông tư hướng dẫn việc văn bản thuộc lĩnh vực nào thì được áp dụng ngay sau ngày ký để đảm bảo việc điều hành chính sách của Chính phủ mà không phạm luật.

2. Báo Sài Gòn giải phóng có bài “TPHCM sẽ có 3 – 5 văn phòng thừa phát lại”. Bài báo phản ánh: Ngày 9-4, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 224/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại (TPL) tại TPHCM”. Theo kế hoạch, trong quý 3-2009, tại TPHCM sẽ thành lập 3 – 5 văn phòng TPL. Nếu hoạt động TPL thuận lợi thì sau đó sẽ xem xét thành lập thêm.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính, với các công việc như tống đạt văn bản của tòa án và của cơ quan thi hành án dân sự (THADS), vi bằng - văn bản ghi nhận một sự kiện, một hành vi và có thể được dùng làm chứng cứ trong xét xử, xác minh điều kiện thi hành án, trực tiếp tổ chức thi hành các bản án quyết định của tòa án…, hoạt động của TPL vừa đem lại lợi ích cho người dân vừa giảm tải công việc của các cơ quan tư pháp.

Dù vậy, theo ý kiến của nhiều đại biểu, một số nội dung trong dự thảo nghị định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí điểm tại TPHCM chưa phù hợp thực tế. Chẳng hạn, quy định Trưởng THADS TPHCM phải phê duyệt trong trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế có huy động lực lượng là không khả thi, bởi lẽ THADS không phải là cấp trên của văn phòng TPL.

Bên cạnh đó, việc văn phòng TPL được quyền yêu cầu cơ quan công an hỗ trợ khi tổ chức cưỡng chế thi hành án là không hợp lý. Ngoài ra, dự thảo nghị định chưa quy định cụ thể mức bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với các văn phòng TPL, các hình thức xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động TPL…



3. Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh có bài Chuyện trái khoáy ở Long An: Thi hành án dân sự theo yêu cầu của con nợ?”. Bài báo phản ánh: Mang đơn khiếu nại đến Báo CATP, chị Cao Thị Thu Hà - đại diện cho 8 người được thi hành án (THA) cùng ngụ xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, Long An - bức xúc trình bày: theo quyết định tại các bản án dân sự sơ thẩm, phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật thì bà Đặng Thị Ngọc Nương (SN 1963, trú ấp 9, xã Lương Hòa) có trách nhiệm trả cho chị và các nguyên đơn gồm: Nguyễn Thị Sen, Đinh Thị Lan Anh, Nguyễn Hồng Giàu, Đỗ Thị Hảo, Trần Lệ Thủy, Nguyễn Thị Hạnh và Huỳnh Trung Giang tổng số tiền trên 300 triệu đồng. Riêng khoản nợ 80 triệu đồng của chị Hà, ông Nguyễn Văn Kỷ (SN 1965, chồng bà Nương) được tòa xác định là đồng bị đơn nên phải chịu trách nhiệm liên đới. Bà Nương đã nộp trước 204 triệu đồng (lấy số tròn) tại cơ quan THA từ rất lâu để trả cho chị và số người trên nhưng ông Huỳnh Cao Ngoạt - Trưởng thi hành án dân sự (THADS) huyện Bến Lức - lại viện lý do TAND huyện đang thụ lý vụ ly hôn của vợ chồng ông Kỷ nên không thể chi tiền theo đơn yêu cầu của chị được. Chiếu theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 thì chuyện vợ chồng ông ta chia tay chẳng ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ thi hành bản án đã có hiệu lực nên lý do ông Ngoạt đưa ra trong quyết định (QĐ) giải quyết khiếu nại của chị là quá kỳ cục.

Căn cứ hồ sơ và luật quy định, luật sư Nguyễn Vinh Huy - Giám đốc Công ty luật Thịnh Trí (trụ sở đặt tại số 98J Lê Lai, Q1) - khẳng định bức xúc của chị Hà hoàn toàn có cơ sở vì các lý do sau: Một là, việc ông Kỷ - bà Nương ly hôn không thuộc vào các trường hợp là căn cứ hoãn THA theo điều 26 và khoản 5 điều 41 Pháp lệnh THA về trường hợp có tranh chấp tài sản đang kê biên. Hai là, trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán” (nước ngọt) với chị Hà, ông Kỷ cũng là con nợ nên không loại trừ nghĩa vụ THA... Trả lời chúng tôi về vấn đề này, ông Ngoạt cho biết: Sau khi bà Nương nộp 204 triệu đồng, ngày 21-10-2008 vợ chồng bà có văn bản thỏa thuận về việc phân chia tài sản để THA, theo đó ông Kỷ đồng ý cho THADS huyện Bến Lức chi trả tiền cho 8 người được THA với điều kiện khi ra tòa ly hôn ông được hưởng một số tài sản gồm nhà và đất. Ngay sau đó, chúng tôi có thông báo cho những người được THA biết sẽ tổ chức chi trả tiền vào ngày 23-10, nhưng sang ngày hôm sau (22-10), ông Kỷ đột ngột gửi đơn xin hoãn với lý do ngày 19-8-2008, TAND huyện đã thụ lý đơn ly hôn của ông nên việc chi tiền bắt buộc phải tạm dừng(!). Tuy nhiên, ngày 19-3 vừa qua (do những người được THA khiếu nại nhiều nơi - PV), chúng tôi tổ chức họp liên ngành và thống nhất ý kiến của đại diện TAND huyện là sẽ chi trả tiền cho những người được THA vì thấy không ảnh hưởng đến việc xét xử ly hôn của vợ chồng ông Kỷ. Cũng theo ông Ngoạt, vì là khoản nợ chung của cả hai vợ chồng ông Kỷ nên chị Hà được chi đủ 80 triệu đồng, những người còn lại nhận theo tỷ lệ và việc chi tiền sẽ tiến hành khi nào THADS huyện Bến Lức nhận được văn bản chỉ đạo nghiệp vụ của cơ quan THADS tỉnh.

Từ trình bày của ông Ngoạt, chúng tôi nhận thấy người dân chẳng nói ngoa khi cho rằng Trưởng THADS huyện Bến Lức làm việc theo yêu cầu của con nợ. Tòa đã tuyên, án có hiệu lực, tiền đã nộp, cớ sao THADS huyện Bến Lức lại cứ chần chừ, khi thì đợi xét xử ly hôn, lúc lại chờ chỉ đạo nghiệp vụ của cấp trên để giữ khư khư hơn 200 triệu đồng không chịu trả cho dân? Gần nửa năm trời đã trôi qua, người được THA còn phải mỏi mòn đến bao giờ?

Trên đây là điểm báo sáng ngày 10/4/2009, Văn phòng xin báo cáo Lãnh đạo Bộ./.



Nơi nhận:

- Bộ trưởng;

- Các thứ trưởng;

- Lưu TH.

VĂN PHÒNG BỘ






Каталог: cacchuyenmuc -> ttdh -> Lists -> DiemTinBaoChi -> Attachments
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 52.94 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương