1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh phản ánh: Ngày 19-10 diễn ra hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam họp kỳ thứ XI khóa X



tải về 54.24 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích54.24 Kb.
#31082


BỘ TƯ PHÁP

VĂN PHÒNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc





Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2009


ĐIỂM TIN BÁO CHÍ SÁNG NGÀY 20/10/2009

Trong buổi sáng ngày 20/10/2009, một số báo chí đã có bài phản ánh những vấn đề lớn của đất nước và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:



I- THÔNG TIN VỀ NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC

1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh phản ánh: Ngày 19-10 diễn ra hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam họp kỳ thứ XI - khóa X. Theo báo cáo của hội, trong nhiệm kỳ khóa X (2004-2009), các cấp hội đã có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Đặc biệt, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, mang lại hiệu quả tích cực.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho rằng Hội Luật gia Việt Nam cần tiếp tục đổi mới về nội dung và hình thức hoạt động, phấn đấu trở thành một tổ chức lớn mạnh, có uy tín trong hệ thống chính trị-pháp lý của nước nhà. Hội cần tích cực mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo hội làm tốt công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (2009-2014) của hội, dự kiến tổ chức cuối năm nay.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, đội ngũ hội viên Hội Luật gia Việt Nam tăng từ 28.400 lên 40.500 hội viên.

Báo cũng phản ánh: Theo Chinhphu.vn, nhận lời mời của Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 15 tại Hua Hin, Thái Lan, từ 23 đến 25-10. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ tham dự các hội nghị liên quan gồm Cấp cao ASEAN+1 với từng nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ; Cấp cao ASEAN+3 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Cấp cao Đông Á (EAS).

Chương trình nghị sự chính của những cuộc họp thượng đỉnh lần này là thảo luận các biện pháp xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Dự kiến các nhà lãnh đạo sẽ thành lập ủy ban liên chính phủ về nhân quyền của khu vực, thông qua tuyên bố chung về biến đổi khí hậu, thông qua tuyên bố về hợp tác giáo dục.



Báo cũng phản ánh: Gói kích cầu thứ nhất của Chính phủ được thực hiện từ đầu năm nay và dự kiến việc hỗ trợ lãi suất ngắn hạn kết thúc vào cuối năm. Hiện có nhiều luồng ý kiến trái chiều về việc có nên thực hiện gói kích cầu thứ hai. Dự kiến Chính phủ sẽ bàn thảo về vấn đề này vào cuộc họp thường kỳ cuối tháng 10 và công bố quyết định cuối cùng vào đầu tháng 11.

Chính phủ có nên bổ sung một gói kích cầu nữa trong thời gian tới? Ông Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế và xã hội quốc gia, cho rằng tình thế mới đòi hỏi phải có chính sách và biện pháp mới. Nếu gói kích cầu thứ hai được đưa ra mà không cân nhắc thận trọng tác động tích cực cũng như ảnh hưởng xấu của nó sẽ làm gia tăng sự bất ổn, rủi ro cho nền kinh tế. Ông Ân lo ngại nếu tiếp tục hỗ trợ lãi suất như thời gian qua thì sẽ làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), môi trường đầu tư không công bằng, không minh bạch.

Theo phân tích của ông Ân, cơ chế hỗ trợ lãi suất một mặt giúp DN giảm chi phí cho vay, tạo điều kiện giảm giá thành sản phẩm nhưng mặt khác, cơ chế này lại đẩy tăng trưởng tín dụng lên mức cao, lãi suất huy động cao hơn lãi suất cho vay nên đã làm méo mó khối lượng huy động vốn. Nếu không có gói hỗ trợ lãi suất thì cũng không thể gây sốc. Bởi mục tiêu giải cứu đã rất rõ, các DN đã chủ động biết rằng hết năm nay là chính sách hỗ trợ ngắn hạn không còn. Đã giải cứu thì phải nhanh và khẩn trương nên không thể kéo dài. Bên cạnh đó, không phải mọi DN đều trông chờ ở chính sách hỗ trợ lãi suất này. Vì thực tế chỉ có khoảng 20% số DN được hỗ trợ lãi suất nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn được cải thiện.

“Theo tôi, chính sách cụ thể thế nào còn phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế trong nước và thế giới. Tuy nhiên, nếu tình hình kinh tế trong nước chưa ổn định thì Chính phủ vẫn nên có những biện pháp hỗ trợ để nền kinh tế tiếp tục phát triển bền vững. Nhưng biện pháp hỗ trợ phải mới, cách thức hỗ trợ cũng nên có sự cải tiến. Nền kinh tế vẫn cần có các biện pháp kích thích kinh tế bằng chính sách như cải cách hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi chứ không nên kích thích bằng tiền” - ông Ân nhận định.



2. Báo Hà Nội mới phản ánh: Hôm nay 20-10, tại hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội, Quốc hội khóa XII khai mạc Kỳ họp thứ 6. Với nhiều nội dung quan trọng, dự kiến kỳ họp sẽ kéo dài hơn thường lệ (đến 27-11).

Quốc hội sẽ nghe và thảo luận các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2009; thảo luận và quyết định kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2010. Quốc hội cũng sẽ nghe các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo; các báo cáo kết quả giám sát của UB TVQH, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội… Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua 8 luật; cho ý kiến 10 dự án luật khác. Đặc biệt, Quốc hội sẽ nghe báo cáo về tình hình thực hiện 4 công trình quan trọng quốc gia, gồm: Dự án Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất, Thủy điện Sơn La, dự án trồng mới 5 triệu héc-ta rừng và dự án đường Hồ Chí Minh.



3. Báo Sài Gòn giải phóng phản ánh: Ngày 19-10, 1 ngày trước phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã công bố tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII. Tổng cộng đã tập hợp được 1.687 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Tuy các nhóm giải pháp kích cầu của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng, từng bước đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, dần dần hồi phục và tăng trưởng ở mức phù hợp, nhưng đông đảo cử tri và nhân dân vẫn cho rằng, do có nhiều quy định chưa thật sự phù hợp nên các hộ nông dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác vẫn khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ cụ thể (bao gồm cả chính sách hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất mua máy móc thiết bị). Nhu cầu của phần lớn các hộ nông dân muốn được hỗ trợ để có vốn lưu động sản xuất, trong khi quy định phải trả hết nợ cũ mới được vay mới, do đó nhiều người không đủ điều kiện để được vay nguồn vốn ưu đãi này.

Liên minh Các hợp tác xã Việt Nam và Hiệp hội Các làng nghề Việt Nam cho rằng, chỉ có dưới 10% các hội viên, tổ chức thành viên của các tổ chức này có nhu cầu đã được vay từ các nguồn vốn kích cầu. Vì vậy, mong muốn của cử tri và nhân dân là Chính phủ cần chỉ đạo kiểm tra, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan về hiệu quả của các gói kích cầu trước khi đưa ra các giải pháp mới. Kịp thời chấn chỉnh việc cho vay không đúng đối tượng và sử dụng không đúng mục đích nguồn vốn ưu đãi này. Ngân hàng cải tiến hơn nữa các quy định nhằm đơn giản các thủ tục vay vốn nhất là đối với khu vực nông thôn. Đồng thời, Chính phủ nên kéo dài thời hạn cho vay ưu đãi đến hết năm 2010.

Cử tri cũng cho rằng, việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường của các địa phương, các ngành chức năng rất chậm chạp. Hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường vẫn hàng ngày thải ra môi trường sống một lượng rất lớn chất thải các loại chưa qua xử lý. Nhiều phương tiện giao thông quá cũ nát không đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải...

Cử tri lo lắng về sự ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng đối với sông Tiền, sông Hậu do có quá nhiều bè nuôi cá trên sông và các cơ sở sản xuất vẫn hàng ngày xả chất thải chưa qua xử lý xuống các dòng sông; việc một số địa phương ở miền Trung khai thác cát trắng, quặng titan ảnh hưởng đến rừng phòng hộ ven biển; việc đề xuất khai thác than tại khu vực đồng bằng sông Hồng... Vì vậy, Chính phủ cần có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm và xử lý đối với những đơn vị, tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường. Xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm kể cả rút giấy phép hoạt động hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người gây ra nguồn ô nhiễm nguy hiểm.

Vấn đề tăng giá nước sinh hoạt và giá điện trong khi chất lượng chưa đảm bảo cho người tiêu dùng cũng gây bức xúc. Việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu nói trên cần có lộ trình và bước đi thích hợp để không làm ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, người nghèo, người có thu nhập thấp. 

Tình trạng nhiều cơ quan, doanh nghiệp của Nhà nước quản lý và sử dụng đất đai, nhà xưởng, kho bãi không đúng mục đích gây lãng phí nghiêm trọng tại các đô thị, nhất là tại TPHCM và Hà Nội cũng gây nhiều bức xúc cho nhân dân. Đông đảo cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các địa phương điều tra, khảo sát đầy đủ hiện trạng sử dụng đất công, kiên quyết thu hồi cho Nhà nước diện tích đất đai bị chiếm dụng trái phép hoặc sử dụng sai mục đích, chấn chỉnh công tác quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị.

Cử tri cả nước vẫn tiếp tục lo ngại về các giải pháp để phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao, nhất là các lĩnh vực đầu tư từ ngân sách, từ nguồn vốn nước ngoài thủ tục còn rườm rà dễ phát sinh tham nhũng. Một số quy định về quản lý, sử dụng đất đai, về chi tiêu ngân sách, mua sắm tài sản công, về thuế chưa sát hợp với thực tế và yêu cầu phòng ngừa tham nhũng. Một số vụ tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân nhưng chậm được giải quyết. Vì vậy, Quốc hội và Chính phủ cần ban hành các quy định chặt chẽ và có tính minh bạch cao đối với một số lĩnh vực như đầu tư, xây dựng cơ bản, quy hoạch sử dụng đất, đấu thầu, chi tiêu ngân sách, thuế... để phòng ngừa tham nhũng.

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ nên trình bày báo cáo về kết quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tại các kỳ họp Quốc hội. Các cơ quan bảo vệ pháp luật tập trung giải quyết dứt điểm những vụ án tham nhũng lớn và đưa tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân theo dõi, giám sát.

Báo cũng phản ánh: Chiều 19-10, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, đã chủ trì phiên họp thứ 21 của Ban chỉ đạo..

Phiên họp tập trung thảo luận 3 đề án: Thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực, Tòa án phúc thẩm, Tòa án thượng thẩm, đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án Nhân dân tối cao; tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát trong tiến trình cải cách tư pháp; mô hình cơ quan điều tra cấp huyện và đổi mới hệ thống cơ quan điều tra phù hợp với việc đổi mới tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, các cơ quan thuộc khối tư pháp cần tiếp tục thảo luận, điều chỉnh các đề án để làm sao phải nêu bật được tính cải cách, tính đồng bộ và lộ trình triển khai của những đề án này.

II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Báo Gia đình.net có bài "Chuyện khó tin: Người bố không được thừa nhận". Bài báo phản ánh: Bà con cô bác, hàng xóm láng giềng... ai cũng biết anh là bố của đứa trẻ. Kết quả giám định ADN cũng cho thấy rằng, các mẫu phân tích giữa anh và đứa bé trùng nhau 100%. Anh đã đi gõ cửa khắp nơi nhưng không cơ quan hành pháp nào dám thừa nhận anh vì trái luật. Vợ anh thì vẫn đi biền biệt không hẹn ngày về. Đứa bé, mặc dù được lớn lên trong vòng tay cha nhưng lại phải chịu "cảnh con hoang" chỉ vì giấy khai sinh không có tên bố.

Anh là Nguyễn Đức Long, sinh ngày 8/3/1976 tại 35A Đoàn Thị Điểm, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội. Vợ anh là Nguyễn Thị Thu Thuỷ, SN 1977 tại phường Nam Đồng (quận Đống Đa, Hà Nội). Cũng như bao đôi lứa thanh niên khác, anh Long chị Thuỷ quen nhau, yêu nhau rồi tiến tới hôn nhân bằng lễ cưới. Nhưng ở đời lại lắm chuyện trái ngang...Mặc dù coi anh Long là chồng nhưng chị Thuỷ lại làm đăng ký kết hôn giả (diện hợp đồng) với một người nước ngoài có quốc tịch Đức cách đó 5 năm. Mục đích của tờ giấy đăng ký kết hôn này là để được xuất ngoại và nhập cư hợp pháp. Song do gặp nhiều trục trặc, chị Thủy phải chờ đợi một thời gian dài và không thể thực hiện mơ ước của mình. Cho đến khi gặp anh Long, cảm thấy tâm đầu ý hợp, hai bên đã tình nguyện đi đến hôn nhân. Đám cưới được tổ chức linh đình. 6 tháng sau, ngày 21/9/2005, bé Nguyễn Thị Phương Anh ra đời. Sinh con được 8 tháng thì chị Thuỷ bỏ nhà ra đi. Từ đó đến nay, sau gần 4 năm, chị Thuỷ không một lần quay về.

Suốt 4 năm nay, anh Long mòn mỏi chờ đợi vợ trong vô vọng. Cảnh "gà trống nuôi con", anh Long phải trải qua những năm tháng cực nhọc nhất. Những lúc con khóc vì khát sữa, vì nhớ hơi mẹ... anh Long chỉ biết ngồi ôm con mà khóc. Trong thời gian này, anh Long mới phát hiện giấy khai sinh của con không có tên mình. Nghĩ đến quyền lợi của cả 2 cha con, anh Long ra phường Nam Đồng xin làm lại giấy khai sinh để bổ sung phần khai về người cha nhưng không ai chấp nhận. Bởi theo qui định của pháp luật, trong trường hợp không có giấy kết hôn, muốn ghi tên cha trong giấy khai sinh, bắt buộc phải có sự đồng ý của người mẹ.

Để có được tên mình trong giấy khai sinh của con, anh Long đã tìm mọi cách để liên lạc với chị Thủy qua điện thoại, nhưng anh luôn bị né tránh và không nhận được sự hợp tác từ vợ. Cực chẳng đã, ngày 24/8/2006, anh Long đành phải tới "gõ cửa" TAND quận Đống Đa. Tại đây, anh Long được hướng dẫn làm đơn xin truy nhận cha, con. Nhưng vì lý do mẹ đứa bé vắng mặt nên không ai giải quyết cho anh. Vì thế, anh Long tìm đến Văn phòng Luật trên đường Nguyễn Thái Học để xin được tư vấn. Luật sư đảm bảo sẽ làm được giấy khai sinh có tên anh, nhưng với điều kiện anh phải chi... 20 triệu đồng.

Một nách “gà trống nuôi con” bằng nghề thủ công, anh Long không biết xoay trở đâu ra 20 triệu đồng nên lại phải quay về TAND quận Đống Đa để xin trình bày. Lần này, TAND quận Đống Đa lại hướng dẫn anh làm "Đơn khởi kiện về việc truy nhận cha cho con", đồng thời yêu cầu anh đi làm xét nghiệm AND. Anh Long đã mang cuống rốn của con lên Trung tâm phân tích AND và công nghệ di truyền ở Vĩnh Phúc. Đã vui mừng không thể tả được khi xét nghiệm đã khẳng định: Anh chính là bố của đứa trẻ. Vậy nhưng, sau 3 lần Tòa hẹn anh lên làm việc, hồ sơ "xin truy nhận cha, con" của anh Long lại phát sinh một sự thiếu sót nào đó. Lần hẹn gặp ngày 6/10/2009, cán bộ TAND quận Đống Đa tỏ ra nghi ngờ về kết quả giám định AND của anh Long. Lần hẹn ngày 9/10/2009, Toà lại bảo "đơn kiện" của anh không hợp lệ, vì người khởi kiện vắng mặt. Cùng đường, anh Long tìm đến Báo GĐ&XH kêu cứu.

Hôm chúng tôi tìm đến nhà anh Long khi anh đang tất bật nấu cơm, trong lúc bé Phương Anh đang ngồi xem phim hoạt hình. Tiếp chúng tôi, anh cho biết: "Toà án đã trả lại hồ sơ, tôi không biết mình phải làm gì nữa đây để cho con mình có bố hợp pháp? Tôi không thể nhập tịch được cho cháu. Suốt 2 năm nay con tôi phải đóng tiền học trái tuyến mặc dù cháu sinh ra và lớn lên ở đây".

Chị Mai, hàng xóm kế cận nhà anh Long cho biết: "Tôi sống ở đây hàng chục năm nay nên biết rất rõ cảnh "gà trống nuôi con" của Long. Long cực nhọc một mình nuôi con như vậy suốt 4 năm nay, kể cả Long không phải là bố ruột thì cũng đã có thể được làm bố rồi. Huống chi đã có kết quả xét nghiệm ADN. Cháu Phương Anh sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, điều đó ai cũng biết. Mẹ cháu bỏ đi, hiện tại cháu chỉ có bố mà bố lại không được đứng tên trong giấy khai sinh thì tôi thấy cháu quá thiệt thòi".

Hiện tại bé Phương Anh đang không được hưởng cái quyền được có bố. Việc không công nhận "cha" cho cháu, trong khi mẹ bỏ đi biền biệt, chính là sự tước bỏ quyền cơ bản của một đứa trẻ. Sự lạnh lùng của điều luật là đương nhiên. Nhưng điều đáng sợ nhất chính là sự lạnh lùng từ phía những người thực thi pháp luật. Điều đó đã khiến cho một sự thật không được trả lại cho sự thật, một người bố không được thừa nhận là bố, một đứa trẻ có cha nhưng phải chịu phận "con hoang". Ai sẽ trả lời câu hỏi này?



2. Báo Tổ quốc có bài Góp ý Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục: Bộ không nên “ôm” quá nhiều. Bài báo phản ánh: Ngày 20/10, Bộ GD-ĐT trình quốc hội Luật sửa  đổi bổ sung một số  điều của Luật giáo dục. Đã có rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học đầu ngành được đưa ra để bàn về vấn đề này.

Trong Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục mới nhất (ngày 8/10), có 20 nội dung được  đề cập đến cần được sửa đổi bổ  sung. Luật sẽ sửa đổi liên quan đến 22 điều, bổ sung thêm 3 điều mới của Luật Giáo dục có hiệu lực từ năm 2006, phù hợp với yêu cầu của hội nhập quốc tế. Việc sửa đổi, bổ sung dựa trên ba nguyên tắc: phù hợp với một số chủ trương, chính sách đổi mới trong lĩnh vực giáo dục; lựa chọn những vấn đề bức xúc, cấp thiết trong thực tiễn để đưa vào sửa đổi, bổ sung; Nội dung sửa đổi, bổ sung phải tạo sự thống nhất, đảm bảo đồng bộ với quy định của Hiến pháp, các bộ luật và luật hiện hành. Tuy nhiên, đa số các đại biểu đều cho rằng, Luật quy định phân cấp, phân quyền hơn nữa.

GS.TSKH Đỗ Sanh, Hội Cơ học Việt Nam cho rằng trong điều 16 của Luật sửa đổi, bổ sung có ghi: “Nhà nước có kế hoạch xây dựng và nâng cao phẩm chất đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nhằm phát huy vai trò và trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm sự phát triển sự nghiệp giáo dục”. Rõ ràng đây là “ôm đồm” cho khối công lập hay cả tư thục. Nâng cao chất lượng đội ngũ nên đưa vào quy định chất lượng và các trường phải chịu trách nhiệm. Với cách làm hiện nay thì lấy đâu ra chất lượng. Theo GS. Đỗ Sanh trong đào tạo tiến sĩ cũng cần phải có điều chỉnh. Cụ thể ở khoản 4 điều 38, cách đặt vấn đề về thời gian như thế vẫn theo lối tư duy cũ. Cần phải chuyển “đào tạo tiến sĩ gắn với đề tài khoa học”. Kinh phí đề tài nghiên cứu khoa học sẽ chu cấp cho nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ. Một điều quan trọng nữa được GS. Sanh nhấn mạnh đó là nên quy định cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh phải phải có trách nhiệm toàn diện đối với nghiên cứu sinh kể cả quản lý hành chính. Nếu không đây sẽ là kẽ hở (không nhỏ) để xuất ra các tiến sĩ rởm”.

Cũng về vấn đề phân cấp, phân quyền, GS.TS.Nguyễn Xuân Hãn, ĐH QG Hà Nội cho rằng việc đổi mới thi cử diễn ra liên tục hàng chục năm nay, lúc thì giao việc thi cử về cho các trường còn Bộ thì “bán giấy thi, giao chỉ tiêu-như cấp Cota trong xuất nhập khẩu hàng hóa”, lúc thì thu về Bộ, để thực hiện thi cử theo phương thức ba chung- chung đề, chung đơt và xử lý kết quả chung. Gần đây lại có chủ trương hai kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi ĐH&CĐ tại các nước châu Á tổ chức riêng rẽ, còn ta dự kiến  gộp làm một và sẽ bỏ kỳ thi vào ĐH&CĐ. Tại khu vực châu Á, Nhật Bản đã gộp hai kỳ thi, không thành công, nên họ giữ kỳ thi ĐH&CĐ, còn thi tốt nghiệp họ tiến hành kiểm tra nhẹ nhàng, tiến đến bỏ kỳ thi này. Trung Quốc cũng theo xu hướng này.

Theo PGS. Văn Như Cương về thi cử, tại sao Bộ không giao quyền cho các trường ĐH tổ chức thi. Theo ông, mỗi trường có đặc trưng riêng do đó, họ sẽ ra đề theo yêu cầu khác nhau. Còn thi tốt nghiệp, tại sao sau 12 năm học, không cấp cho học sinh một “cái giấy thông hành” nhẹ nhàng mà để hàng triệu học sinh phải thi cùng ngày, cùng giờ trở thành gánh nặng cho xã hội? Đối với Luật sửa đổi bổ sung lần này, PGS.Văn Như Cương đề nghị cần phân quyền nhiều hơn nữa cho các trường đồng thời phải có những chế tài xử lý cụ thể.

Các nhà khoa học cũng tập trung thảo luận về chất lượng, quản lý và phân cấp thực hiện trong lĩnh vực giáo dục. GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn kiến nghị: "Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi" là miễn học phí, không thu thêm bất kỳ khoản nào. Theo GS. Đỗ Sanh, để đạt được các điều đưa ra, cái quan trọng nhất, then chốt nhất mà bản sửa đổi không thấy được đó là tính cơ bản và phải tập trung quanh tính cơ bản, làm rõ tính cơ bản. Hai yêu cầu tập trung vào các vấn đề cơ bản là giáo dục con người cần hướng vào hai mục tiêu xây dựng nhân cách và xây dựng tư cách.

Mặt khác, GS. Trần Đình Long đề nghị Bộ GD nên xây dựng giáo trình chuẩn từ ĐH đến phổ thông. Một giáo trình duy nhất cho đất nước Việt Nam. Giáo trình ấy sẽ được cập nhật, sửa chữa phù hợp với sự phát triển của thế giới. Nên có hội đồng tư vấn để giúp Bộ GD&ĐT vấn đề này. GS. Long cũng cho rằng quyết định thành lập trường và quyết định tuyển sinh là hai quyết định khác nhau. Cần có sự phân biệt để tránh tình trạng những ngôi trường ba không như hiện nay. Cũng theo GS. Trần Đình Long, những qui định trong luật hiện hành chưa làm được điều này, thậm chí cách qui định trong Luật giáo dục hiện nay còn tạo ra đường vòng cho nhiều vấn đề, kẽ hở dẫn đến xảy ra những tiêu cực trong mua bán bằng cấp, thành lập trường ĐH…

Trên đây là điểm báo sáng ngày 20/10/2009, Văn phòng xin báo cáo Lãnh đạo Bộ./.



Nơi nhận:

- Bộ trưởng;

- Các thứ trưởng;

- Lưu TH.

VĂN PHÒNG BỘ



Каталог: cacchuyenmuc -> ttdh -> Lists -> DiemTinBaoChi -> Attachments
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 54.24 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương