1. Báo Điện tử vtc phản ánh: Sai phạm cả chục ngàn tỷ đồng tại 8 cơ quan đơn vị



tải về 68.13 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích68.13 Kb.
#31083

BỘ TƯ PHÁP

VĂN PHÒNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc







Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2009

ĐIỂM TIN BÁO CHÍ SÁNG NGÀY 10/7/2009

Trong buổi sáng ngày 10/7/2009, một số báo chí đã có bài phản ánh những vấn đề lớn của đất nước và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:



I. Thông tin về những sự kiện nổi bật của đất nước:

1. Báo Điện tử VTC phản ánh: Sai phạm cả chục ngàn tỷ đồng tại 8 cơ quan đơn vị. Chiều 9/7/2009, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tổ chức họp báo công bố kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2009.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, TTCP đã có kết luận 8 cuộc thanh tra (từ năm 2008 chuyển sang), gồm: Tổng cục Thuế; Cục thuế TP. Hà Nội; Cục thuế TP. HCM: Công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương 25; Công ty cổ phần dược phẩm Vimedimex; Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam; Dự án Khu tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học, quận 1, TP.HCM; Cổ phần hoá doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hoá.

  Qua thanh tra tại 8 đơn vị này, TTCP đã phát hiện thiếu sót, sai phạm trên 11 nghìn tỷ đồng, 149 nghìn USD và 21.500 cổ phần. Đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý hơn 7 nghìn tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 11 tập thể, 24 cá nhân và kiến nghị chuyển cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ 3 vụ việc.

  Qua thanh tra, TTCP nhận định tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước. Trong công tác cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, việc xác định giá trị doanh nghiệp, việc bán đấu giá cổ phần, việc quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hoá, việc bán đấu giá cổ phần, việc quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hoá, việc đầu tư tài chính sau cổ phần hoá có nhiều đơn vị không thực hiện đúng quy định, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước, làm thiệt hại lợi ích của người lao động.

  Ngoài ra, Thanh tra các bộ, ngành và địa phương đã triển khai 6.900 cuộc thanh tra. Qua đó đã phát hiện sai phạm hơn 9 nghìn tỷ đồng và 8 nghìn m2 đất. Kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước hơn 430 tỷ đồng, trên 6.000 m2 đất. Kiến nghị xử lý hành chính 275 tập thể, 1.044 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 26 vụ việc và 33 cá nhân.

  Cũng trong 6 tháng đầu năm, TTCP đã triển khai 8 cuộc thanh tra theo kế hoạch năm 2009, gồm: Thanh tra cổ phần hoá tại VNPT và EVN; Công ty cổ phần du lịch tại Hà Nội và TP.HCM; Thanh tra Quỹ bảo hiểm bắt buộc của Bảo hiểm Xã hội; Thanh tra việc khai thác khoáng sản trên địa bàn Nghệ An; Thanh tra quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất một số dự án công nghiệp, đô thị trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Thanh tra quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, việc thực hiện các dự án công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung và khu thể thao du lịch tại Đồng Nai; Thanh tra quản lý, sử dụng đất tại tỉnh Quảng Bình.

  Theo Tổng TTCP Trần Văn Truyền, số cuộc thanh tra của TTCP trong 6 tháng đầu năm ít hơn năm ngoái, nhưng thanh tra chuyên ngành và thanh tra ở các địa phương lại tăng lên.

  Trả lời báo chí về việc một số nguồn tin nước ngoài cáo buộc quan chức Việt Nam nhận hối lộ trong một số dự án như vụ PCI, in tiền Polymer…, Tổng TTCP Trần Văn Truyền cho biết, hiện mới chỉ có vụ PCI là phía Nhật cung cấp tài liệu điều tra và đến nay phía Việt Nam đã chi khoảng 1 tỷ đồng để dịch 4.000 trang tài liệu do phía bạn cung cấp, những vụ khác chưa có một chứng cứ gì ngoài những thông tin đăng trên mạng Intenet. 

Ông Truyền nói Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao, trước hết là bằng con đường ngoại giao, thu thập thông tin và đề nghị phía nước ngoài cung cấp chứng cứ, tài liệu để xác minh. “Nếu nói ngẫu nhiên, tùy hứng thì không có căn cứ nào để xét”, người đứng đầu TTCP nhấn mạnh.

2. Báo Điện tử Vietnamnet có bài: “Việt Nam -Thái Lan trao đổi kinh nghiệm ứng phó khủng hoảng”. Hôm nay (10/7), Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay, chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Thái Lan trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Abhisit Vejjajiva trên cương vị Thủ tướng Thái Lan và là chuyến thăm, chào xã giao theo thông lệ các nước ASEAN.

Ông Abhisit Vejjajiva sinh năm 1965, có bằng tiến sĩ danh dự về luật, thạc sĩ triết học kinh tế. Ông trở thành Thủ tướng thứ 27 của Vương quốc Thái Lan từ 17/12/2008. Tháp tùng ông Abhisit có Phó Thủ tướng Thái Lan, tổng thư ký và cố vấn của Thủ tướng cùng Chủ tịch Hội các đại diện thương mại Thái Lan...

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng, dự kiến, trong thời gian ở thăm Việt Nam, Thủ tướng Thái Lan sẽ hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và tiếp kiến Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.

Thủ tướng Thái Lan và các nhà lãnh đạo Việt Nam trao đổi kinh nghiệm ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu và các biện pháp tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam - Thái Lan trong khuôn khổ song phương, trong ASEAN cũng như tại các diễn đàn hợp tác tiểu vùng, khu vực và đa phương.



II. Những thông tin liên quan đến công tác tư pháp:

1. Báo Người lao động có bài: “Truy tố ông Vũ Đình Thuần và 22 bị can”. Hôm qua, 9-7, VKSND Tối cao đã tống đạt cáo trạng, truy tố 23 bị can trong vụ án tham nhũng xảy ra tại Ban Điều hành Đề án 112 và các đơn vị liên quan. Đứng đầu vụ án này là nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đình Thuần, nguyên trưởng Ban Đề án 112.


Trước đó, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng (C37, Bộ Công an) đã có kết luận điều tra bổ sung vụ án này. Trong đó, bị can Vũ Đình Thuần (SN 1942) và Lương Cao Sơn, nguyên phó giám đốc Trung tâm Tin học Văn phòng Chính phủ (VPCP), ủy viên thư ký Ban Điều hành Đề án 112, được đình chỉ điều tra tội danh “Tham ô tài sản”; bị can Nguyễn Thúy Hà, giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Tin học ISA, được thay đổi tội danh từ “Tham ô tài sản” sang tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Do đó, cáo trạng của VKSND Tối cao đã truy tố bị can Vũ Đình Thuần và 19 bị can khác về tội "Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ" theo điều 281 Bộ Luật Hình sự. Ba bị can khác bị truy tố về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi" theo điều 291 Bộ Luật Hình sự.

Từ năm 2001 – 2005, Đề án 112 được nhà Nhà nước đầu tư 685 tỉ đồng, trong đó Ban Điều hành 112 chi gần 278 tỉ đồng. Chỉ riêng các giao dịch với Công ty ISA, cơ quan điều tra khẳng định các bị can đã tham ô 510 triệu đồng, trong đó ông Thuần được chi 200 triệu đồng, ông Sơn được 130 triệu đồng, bà Nguyễn Thúy Hà được 100 triệu đồng, 80 triệu đồng còn lại được chi cho một người có tên là Phạm Thị Ngọc.

Cụ thể, trong việc thực hiện gói thầu mua sắm phần mềm bản quyền với Công ty ISA cho Đề án 112, bà Nguyễn Thúy Hà đã gặp ông Lương Cao Sơn để thỏa thuận rằng nếu công ty của bà trúng thầu thì sẽ “lại quả” cho ông Sơn hơn 300 triệu đồng.

Sau thỏa thuận ngầm này, ông Sơn nhiều lần đề nghị ông Thuần mua sắm phần mềm bản quyền nhưng không được đồng ý. Mãi đến tháng 8-2004, ông Sơn trình bày về khoản lại quả mới được ông Thuần đồng ý. Khi có kế hoạch, bên cạnh hợp đồng mua sắm bản quyền phần mềm, Ban Điều hành Đề án 112 còn ký 23 hợp đồng tin học với Công ty ISA trị giá nhiều tỉ đồng để rút ruột.

Các bị can khác vẫn bị truy tố như tội danh ban đầu. Trong đó, 2 em ruột của bị can Lương Cao Sơn bị truy tố về tội “Lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”. Cụ thể, bị can Lương Cao Phi (cán bộ NXB Xây dựng, Bộ Xây dựng) đã ký hợp đồng với Công ty In Khuyến học in ấn tài liệu chiếm hưởng 350 triệu đồng; bị can Lương Cao Phong (giám đốc Trung tâm Thẩm định và Tư vấn thông tin, Công ty Tin học Xây dựng), đã môi giới để công ty này ký với ban điều hành 15 hợp đồng kinh tế gồm đào tạo tin học và dịch vụ, trục lợi 113 triệu đồng.

Trong các “phi vụ” làm ăn với Tổng Công ty Sách VN, 2 bị can Thuần – Sơn đã “giúp” cho bà Ngô Thị Nhâm, phó Phòng Kinh doanh Tổng Công ty Sách VN và các bị can chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng bằng việc chia nhỏ công việc để tránh đấu thầu, ký hợp đồng mà không đàm phán, tìm hiểu đối tác, không xây dựng hồ sơ, tổ chức đấu thầu theo quy định. 

Tổng Công ty Sách VN đã ký với ông Vũ Đình Thuần 13 hợp đồng cung cấp sách trị giá gần 2,8 tỉ đồng và đều có phần “lại quả”. Tương tự, NXB Tư pháp (Bộ Tư pháp) do ông Nguyễn Đức Giao làm giám đốc đã ký 28 hợp đồng với ông Vũ Đình Thuần để in ấn tài liệu. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông Giao đã chỉ đạo cấp dưới rút tiền để "lại quả" cho một số thành viên Ban Điều hành Đề án 112.

Cơ quan điều tra xác định bị can Lương Cao Sơn hưởng lợi 139 triệu đồng, bị can Hoàng Đăng Bảo (thư ký của ông Vũ Đình Thuần) hưởng lợi gần 38 triệu đồng...

Tại cáo trạng, VKSND Tối cao nhận định ông Vũ Đình Thuần giữ vai trò chính trong việc quyết định ký và thực hiện 129 hợp đồng giữa Ban Đề án 112 với các đối tác. Việc làm này đã vi phạm quy chế đấu thầu, gây thiệt hại 4,6 tỉ đồng cho Nhà nước.


Báo cũng phản ánh: 7.000 phụ nữ, trẻ em bị bán ra nước ngoài. Đã xuất hiện nhiều vụ tổ chức đánh cướp trẻ để đưa sang Trung Quốc bán, thậm chí buôn bán cả trẻ còn trong bào thai


Những thông tin trên được đưa ra tại hội nghị “Cao điểm tấn công tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em” do Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội phía Nam (C14B) - Bộ Công an tổ chức vào hôm qua, 9-7, tại TPHCM.

Theo C14B, từ năm 2005 đến nay, cả nước phát hiện hơn 3.000 đối tượng gây ra 1.600 vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em (PNTE). Số nạn nhân là 4.300 người, chưa kể thông qua môi giới hôn nhân, môi giới cho - nhận con nuôi. 


Riêng 6 tháng đầu năm 2009, cả nước xảy ra 191 vụ, 362 đối tượng bán 417 người. Đáng chú ý, tại một số tỉnh phía Bắc đã xảy ra nhiều vụ chiếm đoạt, bắt cóc hoặc đánh cướp trẻ em, trẻ sơ sinh đưa sang Trung Quốc bán. 

Nghiêm trọng hơn, gần đây đã xuất hiện tình trạng buôn bán trẻ còn trong bào thai. Trong năm 2008 và quý I/2009, Công an tỉnh Quảng Ninh đã triệt phá 7 vụ án dạng này, Công an TP Hà Nội triệt phá 3 vụ.

Cũng theo hội nghị, hoạt động môi giới hôn nhân trái phép tại các tỉnh ĐBSCL với người nước ngoài diễn ra nhiều. Tại TPHCM, từ đầu năm 2009 đến nay, công an đã phát hiện 5 vụ, xử lý 26 đối tượng tổ chức cho người Hàn Quốc xem mặt 300 cô gái đến từ các tỉnh, chủ yếu từ khu vực ĐBSCL, để chọn làm vợ. Tội phạm buôn bán PNTE chủ yếu là những đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, có nhiều tiền án, tiền sự, câu kết để tạo nên đường dây buôn người khép kín. Công an VN cũng đã phát hiện một số đường dây tội phạm người Việt, Séc, Nga, Hồng Kông, Singapore... tổ chức đưa phụ nữ từ VN ra nước ngoài để bán cho các ổ mại dâm.

Cá biệt, có vụ một phụ nữ VN (SN 1982) bị lừa qua Singapore bán cho một ông già trên 70 tuổi. Sau khi “chán”, ông này bán cô ta cho một động mại dâm và bị phát hiện.

Đến nay, cả nước có 7.000 PNTE đã bị bán ra nước ngoài. Trong số này, theo cơ quan công an, không ít phụ nữ hành nghề mại dâm, nợ nần... bị lừa bán. Gần 60% số nạn nhân tự trở về, 19% được giải cứu, 21% do nước ngoài trao trả.

Trước tình hình tội phạm buôn bán PNTE diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, C14B - Bộ Công an triển khai đợt cao điểm tấn công loại tội phạm này từ ngày 15-7 đến 15-9 trên toàn quốc.



2. Báo Tuổi trẻ có bài: “Môi giới hôn nhân trái phép cho người nước ngoài: Xử lý hình sự mới đủ sức răn đe”. Theo bài báo, ngày 7-7, Công an TP.HCM lại phát hiện một vụ tổ chức “xem mắt” chọn vợ cho người nước ngoài. Những kẻ vi phạm cứ như cóc bắt bỏ đĩa do luật pháp xử phạt quá nhẹ. Vụ “xem mắt” 50 cô gái nói trên xảy ra tại P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân. Các cô gái phải thoát y, phải chịu để cho những người đàn ông Hàn Quốc sờ soạng, kiểm tra. Theo thống kê, chỉ từ đầu năm đến nay các cơ quan chức năng đã phát hiện sáu vụ “xem mắt”, với trên 500 lượt cô gái “trình diễn” cho những người Hàn Quốc, Đài Loan lựa chọn.

Giấc mơ chồng ngoại” và sự tủi nhục

Tiếp xúc với chúng tôi, T. (20 tuổi, quê ở Thốt Nốt, Cần Thơ) cho biết đây không phải là lần đầu cô bị phát hiện, bị lập danh sách vì đã tham gia “trình diễn”. Nhà T. trước đây cũng không đến nỗi nào nhưng năm 2006, khi gia đình cô nuôi mấy hầm cá bị thua lỗ phải vay mượn nợ và cầm cố đất, cô phải theo người dắt mối lên Sài Gòn mong kiếm chồng ngoại để giúp gia đình.

Đầu năm 2008, T. được mẹ con Vòng A Mùi (Q.Bình Tân) tiếp nhận nuôi ăn ở. Từ cô gái quê, T. học cách ăn mặc, trang điểm để bắt mắt các ông “chồng” tương lai. Mọi chi phí sinh hoạt đều được ghi nợ vào một cuốn sổ, nếu lấy được chồng ngoại Mùi sẽ trừ lại từ số tiền T. nhận được của chồng. Thế nhưng hơn một năm nay T. đã nhiều lần “ra mắt” nhưng vẫn chưa được người nào chọn. Cứ mỗi lần được “dự tuyển”, T. phải trả tiền xe ôm và phí đăng ký khoảng 500.000 đồng.

T. nói lúc mới ở dưới quê người ta nói lên đây lấy được chồng ngoại sẽ tổ chức đám cưới ở nhà hàng, được ra nước ngoài sinh sống, họ hàng nở mày nở mặt, lại có tiền trả nợ. Đến nay sau nhiều lần bị bắt, được cán bộ giáo dục, T. mới biết đó chỉ là ảo mộng.

Tôi hỏi: “Biết vậy sao cô không về quê đi?”. Im lặng một lúc T. mới nói: “Đời em đã lỡ rồi, giờ không về quê được nữa, không lấy được chồng ngoại chắc em chết mất. Cả năm nay bà chủ tính chi phí lo cho em đã gần 20 triệu đồng rồi, về quê thì lấy tiền đâu trả nợ cho người ta. Vì vậy em cứ ở đây cầu may”. Vậy là cứ mỗi lần bị phát hiện, bị đưa về địa phương T. lại bị giới chủ đón lên để chờ cơ hội tiếp.

Trong số các cô gái chúng tôi tiếp xúc, Trần Thị H. (26 tuổi, quê Vĩnh Long), người tham gia cuộc “thi tuyển” ngày 8-4 tại P.9, Q.8 đã làm chúng tôi không khỏi bất ngờ khi nói trong nước mắt: “Các anh cứ đưa hình em lên báo đi, để gia đình em biết đi lấy chồng nước ngoài đổi đời là như thế nào”. H. tâm sự rằng thật sự không muốn để người ta xúc phạm như vậy nhưng cô không thể không làm. Chúng tôi hỏi có phải vì gia đình nghèo buộc phải đi lấy chồng ngoại để đổi đời không, H. chỉ khóc tức tưởi và không trả lời.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các cô gái được “xem mắt” đều có trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị các “chân rết” của bọn môi giới dụ dỗ bằng viễn cảnh sung sướng, đổi đời khi được ra nước ngoài. Chính những người đi trước, sống cuộc sống đầy tủi nhục vì phải làm vợ những người đàn ông nghèo khó nơi vùng sâu heo hút của nước ngoài, khi trở về cũng nói dối vì nhiều lý do. Họ dựng lên viễn cảnh tươi đẹp khiến các cô gái và gia đình tin tưởng. Các cô không hiểu rằng những người đàn ông tới VN tìm vợ kiểu này hầu hết đều nghèo khó, không đủ điều kiện để lấy một người vợ bản xứ.

Chưa kể nhiều trường hợp các cô gái còn bị bán vào động mại dâm hay “làm vợ” cho nhiều người. Nhiều cô gái không chỉ là nạn nhân của nghèo đói, thiếu hiểu biết, thất học, mà còn là nạn nhân của chính gia đình mình. Với ảo mộng về một cuộc sống giàu có, chính cha mẹ các cô gái đã góp phần vào việc biến con mình thành món hàng để bọn môi giới trục lợi.

Phạt hành chính như gãi ngứa!

Trung tá Phan Chí Hùng, đội trưởng Đội phòng chống tệ nạn xã hội và phòng chống buôn bán phụ nữ - trẻ em thuộc PC14, Công an TP.HCM, khẳng định: “Hiện chỉ có nghị định 150 của Chính phủ quy định việc xử lý hành chính các đối tượng này. Theo đó, các đối tượng môi giới chỉ bị xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng/lần đầu vi phạm, đến 2 triệu đồng nếu tái phạm.

Luật hình sự chưa có điều khoản nào để xử lý nên chưa đủ sức răn đe các đối tượng môi giới. Đó là chưa tính tới các trường hợp có dấu hiệu việc buôn bán người ra nước ngoài làm mại dâm nhưng chỉ xử lý hành chính, khiến các đối tượng môi giới coi thường và tái phạm nhiều lần”. Theo hồ sơ của PC14, hiện toàn TP có 33 đối tượng tổ chức môi giới, trong đó có nhiều người bị bắt nhiều lần, nhưng do việc xử lý như gãi ngứa nên “lờn thuốc”.

Điển hình như các đối tượng tổ chức cuộc “trình diễn” tại Q.Bình Tân nói trên đã bị phát hiện, xử phạt nhiều lần. Thế nhưng lần này Công an Q.Bình Tân cho biết cũng chỉ... phạt tiền và lại “hoàn tất hồ sơ” để đưa vào diện quản lý, giáo dục tại địa phương mà thôi!? Thực tế, mỗi cuộc môi giới hôn nhân trái phép thành công người môi giới thu khoảng 10.000 USD, nhưng gia đình các cô gái chỉ nhận khoảng 500 USD. Lợi nhuận quá lớn mà mức chế tài lại nhẹ như lông hồng nên khi bị bắt, bọn chúng chỉ mỗi việc đóng tiền phạt rồi ung dung ra về.



Cần bổ sung luật

Trao đổi với chúng tôi, luật sư (LS) Nguyễn Minh Thuận cho rằng việc tổ chức những buổi “coi mắt” mà các cô gái phải thoát y, để cho người ngoại quốc sờ nắn, kiểm tra là vi phạm nghiêm trọng thuần phong mỹ tục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người VN. Theo điểm O, khoản 3, điều 7, nghị định 150/2005/NĐ-CP ngày 12-12-2005 của Chính phủ thì hành vi này chỉ bị phạt từ 1-2 triệu đồng. Số tiền này chẳng có ý nghĩa gì đối với khoản tiền vài ngàn USD mà kẻ môi giới thu được.

LS Thuận bức xúc: “Theo tôi, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm đánh giá lại tính chất nghiêm trọng của hành vi này để ban hành các quy định xử lý nghiêm hơn, nặng hơn, thậm chí xử lý bằng pháp luật hình sự. Có như vậy mới đủ sức răn đe, giáo dục. Tôi cũng rất bất ngờ là vấn nạn này đã xảy ra từ nhiều năm nay và tình trạng ngày một nghiêm trọng nhưng luật pháp VN lại không kịp thời điều chỉnh, bổ sung để có biện pháp ngăn chặn”.

Đồng quan điểm này, LS Đặng Trường Thanh (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng cần thiết phải nhanh chóng bổ sung luật để xử lý hình sự đối với những người môi giới nhằm trục lợi. “Hôn nhân là mang tính chất tự nguyện. Mặc dù phong tục của người Việt ta từ xưa có sự mai mối trong hôn nhân, nhưng việc làm của các ông mai bà mối ngày xưa hoàn toàn hợp đạo lý, vì hôn nhân chỉ diễn ra khi chú rể, cô dâu thấy hợp nhau và tự nguyện lấy nhau”- LS Thanh nhấn mạnh.

UBND TP.HCM cũng đã giao Sở Tư pháp phối hợp với Công an TP nghiên cứu pháp luật, điều ước và các thông lệ quốc tế tham mưu để ủy ban kiến nghị Quốc hội bổ sung hành vi trái pháp luật này vào Bộ luật hình sự.

3. Báo Sài gòn giải phóng tiếp tục loạt bài “Luật sư - Từ thực tế nhìn lại” với “Bài 3: Những “con sâu” trong nghề luật”.

Đạo đức nghề nghiệp luật sư (LS) là tiêu chí quan trọng hàng đầu trong việc đánh giá chất lượng LS. Đa số LS đều có ý thức tôn trọng, tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp; tuân thủ pháp luật, làm tròn trách nhiệm với thân chủ, với Nhà nước, với xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp LS lợi dụng sự hiểu biết luật pháp của mình để… vi phạm pháp luật, lợi dụng danh nghĩa LS để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia.



Từ hứa “chạy án” để lừa đảo...

Năm 2005, tại TPHCM, Cơ quan Điều tra Bộ Công an bắt quả tang LS Lê Bảo Quốc (thuộc Đoàn LS tỉnh Hà Tĩnh) đang nhận 2 tỷ đồng và 30.000 USD từ một đương sự với lời hứa sẽ “chạy” thi hành bản án dân sự phúc thẩm số 81/DSPT của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM. Từ đây, cơ quan điều tra làm rõ hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật của vị LS tham tiền, mất đạo đức này.

Lợi dụng những mối quan hệ trong công việc, Quốc lừa bịp, dùng những lời lẽ khoe khoang làm cho thân chủ của mình tưởng rằng Quốc có khả năng “chạy án”, “thay trắng đổi đen”, lật ngược tình thế có lợi cho họ. Thế nhưng, sau khi hợp đồng dịch vụ được ký kết, Quốc bỏ mặc thân chủ, không thèm ra tòa bảo vệ quyền lợi cho thân chủ và cũng không thực hiện lời hứa của mình.

Nghiêm trọng hơn, Quốc còn sử dụng thông tin của thân chủ mình để “làm tiền” phía đương sự đối ngược. Hành vi của Quốc đã làm hoen ố hình ảnh, uy tín giới LS chân chính. Đáng buồn thay, đây không phải là trường hợp duy nhất LS vi phạm pháp luật.

Tháng 10-2008 và tháng 5-2009 vừa qua, LS Lê Quốc Trung (Đoàn LS TP Hà Nội), LS Nguyễn Thị Quốc Khánh (Đoàn LS tỉnh Lâm Đồng) bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tháng 3-2009, LS Lê Trần Luật (Đoàn LS tỉnh Ninh Thuận) bị xử phạt 4 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng không thời hạn giấy đăng ký hoạt động vì đã sử dụng giấy tờ giả, không báo cáo hoạt động theo luật định, trốn thuế, chiếm đoạt tiền của thân chủ.

Ngược với loại LS này là những LS lợi dụng kẽ hở pháp luật “tư vấn” cho thân chủ một cách trái pháp luật, không quan tâm đến lợi ích chung. Khi thân chủ bị bắt, họ xúi thân chủ không khai báo sự thật. Khi ra bào chữa trước tòa, họ đưa ra những lý lẽ không có căn cứ để yêu cầu hội đồng xét xử tuyên thân chủ họ vô tội; thậm chí không ngần ngại cho rằng thân chủ mình lẽ ra không bị xử lý hình sự nếu… không có sự can dự của báo chí.

Dường như họ đã cố tình quên rằng hoạt động nghề nghiệp của LS nhằm góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

... đến đòi thay đổi chế độ

Một điều cần phải thừa nhận rằng dù đã được chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần nhưng đến nay hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện. Là những người am hiểu pháp luật, các LS dễ dàng nhận biết điều này. Thế nhưng thay vì dùng kiến thức của mình góp ý để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật thì một số người lại lợi dụng uy tín nghề nghiệp và tiếng nói của mình trên các diễn đàn hành nghề để chỉ trích Đảng, Nhà nước, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc nhằm đả kích chính quyền, mà điển hình là các LS Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân (Đoàn LS TP Hà Nội)…

Đặc biệt, trong vụ án Lê Công Định (LS của Đoàn LS TPHCM), dư luận và giới trí thức luật hết sức bất bình trước việc Lê Công Định lợi dụng việc tranh tụng tại tòa trong một số vụ án để công khai chống lại Nhà nước, phổ biến và tuyên truyền quan điểm của các thế lực thù địch đòi lật đổ chế độ và lập ra các đảng phái chính trị nhằm thu hút lực lượng, phô trương thanh thế.

Theo nguồn tin riêng của chúng tôi từ Tổng cục An ninh Bộ Công an, từ các vụ án liên quan đến một số LS chống đối Nhà nước ta vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra đã tìm ra manh mối cho thấy các tổ chức phản động ở nước ngoài đang nhắm đến đối tượng trong giới trí thức luật để lôi kéo, kích động và thậm chí dùng đồng tiền mua chuộc LS, phục vụ cho lợi ích của chúng là chống phá Nhà nước ta.

Trong vụ án Lê Công Định còn cho thấy âm mưu của kẻ địch đã không từ một thủ đoạn nào, kể cả việc tìm mọi cách đưa Lê Công Định tham gia vào cơ cấu quyền lực tại các cơ quan dân cử, để từ đó dễ bề hoạt động và gây ảnh hưởng tư tưởng “tự do, dân chủ, nhân quyền” theo kiểu của chúng. Tất cả những âm mưu và thủ đoạn này của chúng đều được người dân âm thầm theo dõi, phát hiện và tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật đến cơ quan điều tra nhằm kịp thời đấu tranh, ngăn chặn.

Những “con sâu” này sẽ bị pháp luật nghiêm trị, nhưng đó chỉ là một số cá biệt, không phải là hình ảnh đại diện cho giới LS – những người đang ngày đêm đem kiến thức, nhiệt huyết của mình phục vụ cho người dân, cho nền pháp chế XHCN.

Tuy nhiên, để LS có thể thực hiện tốt nhất vai trò của mình, Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ Tư pháp cần xây dựng chương trình đào tạo phù hợp cũng như có các biện pháp khuyến khích sinh viên luật, tập sự hành nghề LS tự đào sâu kiến thức, nâng cao trình độ ngoại ngữ. Đặc biệt, bồi dưỡng nâng cao trách nhiệm công dân, đạo đức nghề nghiệp đối với LS góp phần bảo vệ công lý và pháp chế XHCN; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức.

4. Báo Điện tử Đài tiếng nói Việt Nam phản ánh: Nguyễn Văn Lý bị bắt, xét xử và kết án tù vì vi phạm pháp luật Việt Nam. Ngày 9/7, trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài về việc một nhóm Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ kêu gọi Chủ tịch nước Việt Nam trả tự do cho Nguyễn Văn Lý, Người pháp ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nói:

“Nguyễn Văn Lý bị bắt, xét xử và kết án tù vì vi phạm pháp luật Việt Nam, hoàn toàn không phải vì lý do tôn giáo hay chính kiến. Phiên toà xét xử Nguyễn Văn Lý đã được tiến hành công khai, quyền của bị cáo tại phiên toà được bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam. Việc xem xét tha tù cho phạm nhân được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng các quyền tự do dân chủ của người dân và tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện các quyền của mình nhưng cũng xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại an ninh, trật tự ổn định của đất nước. Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin về tội danh của Nguyễn Văn Lý để các Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ hiểu rõ tình hình”.

Trả lời câu hỏi, đề nghị khẳng định thông tin trên các báo Việt Nam về việc Nguyễn Tiến Trung và Trần Anh Kim đã bị bắt tại Việt Nam vì có những hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng cho biết: Ngày 7/7/2009, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố, bắt, tạm giam Trần Anh Kim và Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an đã khởi tố, bắt, tạm giam Nguyễn Tiến Trung để điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.



Trên đây là điểm báo sáng ngày 10/7/2009, Văn phòng xin báo cáo Lãnh đạo Bộ./.

Nơi nhận:

- Bộ trưởng;

- Các thứ trưởng;

- Lưu TH.

VĂN PHÒNG BỘ

Каталог: cacchuyenmuc -> ttdh -> Lists -> DiemTinBaoChi -> Attachments
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 68.13 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương