Đề Tài 1 Những Cơ Sở Tâm Lí Cho Việc Trưởng Thành Nhân Bản Và Tâm Lí



tải về 69.28 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu25.04.2018
Kích69.28 Kb.
#37114
Đề Tài 1

Những Cơ Sở Tâm Lí

Cho Việc Trưởng Thành Nhân Bản Và Tâm Lí

Của Linh Muc.

Paul Nguyễn Đình Vịnh, ofm


Trong con mắt của người giáo dân và ngay cả đối với những người ngoài Công giáo, LM phải là một người trưởng thành về mọi mặt. Đặc biệt khi tiếp xúc với một LM, người ta thường đánh giá trên mặt nhân bản trước hết, vì đó là mặt dễ biểu lộ nhất và dễ thấy nhất. Khoa TLH ngày nay cho ta thấy rằng mọi chiều kích tiến triển đều là một quá trình hay nói đúng hơn là một tiến trình vẫn còn tiếp diễn. Mọi tiến trình đều đặt nền tảng trên sự tăng trưởng tâm-thể-lí. Mọi tiến trình đều đòi hỏi thời gian và công trình tập luyện và giáo dục. Trong quá khứ, nhất là sau thời của Sigmund Freud có một sự rạn nứt giữa Tâm lí và Tôn giáo - Tâm linh. Giáo hội đã từng lên án lí thuyết phân tâm của Freud là duy vật, là giải trừ tâm linh, và tiền thân của phong trào trần-tục-hoá. Một câu nói nổi tiếng của Freud đã được nhắc đi nhắc lại: “Tôn giáo có thể là rối nhiễu tâm lí ám ảnh phổ quát của nhân loại” (Religion would thus be the universal obsessional neurosis of humanity) (Freud, The future of an illusion, in The standard Edition of the Complete Psychological Work of Sigmund Freud, ed. James Strachez with Anna Freud. London, Hogarth Press, 1961, 21-43). Câu nói này thường được đồng hoá với câu nói của K. Marx: “Tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng”. Có lẽ điều thái quá của S. Freud là đã quá chú trọng và đào sâu khía cạnh vô thức và đi quá sâu vào bản năng tính dục mà quên đi hay bỏ qua khía cạnh tâm linh, chiều kích cao cả của con người (Pals, Seven Theories of Religion, ch.2, pp. 77 – 81).

Các bạn bè và học trò của S. Freud đã kịp thời thay đổi và điều chỉnh lại những thái quá của Freud. Ngay từ thời của S. Freud, nhà Tâm thần học Roberto Assagioli đã nhấn mạnh đến khía cạnh tâm linh trong chữa trị tâm lí và đã sáng lập trường phái Tâm lí Tổng hợp (Psychosynthesis) nhằm cân bằng đời sống tâm lí và tâm linh. Ông đã đưa vào khoa học tâm lí ý niệm siêu thức, để nói lên phần cao cả của con người. Con người luôn vươn lên một cái ngã cao hơn cái ngã thường ngày. Carl Jung chú trọng đến vô thức tập thể, các nguyên mẫu, các kí hiệu, và nghiên cứu các hiện tượng tâm linh, nghiên cứu về nhân cách một cách toàn diện.

Trong những thập niên 50 và 60 của thế kỉ 20, làn sóng “thứ 3” đã trỗi dậy trong lịch sử Tâm lí học như là một phong trào phản kháng lại Phân tâm học và Thuyết hành vi. Trường phái Tâm lí học nhân văn và hiện sinh nhấn mạnh đến tính độc đáo duy nhất của mọi hữu thể, tự do và trách nhiệm của cá nhân trên cuôc đời của mình. Có lẽ cũng từ phong trào này Tôn giáo và Tâm lí dần dần đối thoại và xích lại gần nhau để đem lại hạnh phúc và ý nghĩa cho cuộc nhân sinh. Trong quá trình Huấn luyện các tu sĩ và LM việc học Triết học, Tâm lí, Văn hoá là điều hết sức cần thiết để hiểu các thực tại nhân sinh và con người và là nền tảng cho việc học Thần học. Tâm lí học hiện đại đã đóng góp một phần rất lớn trong việc tìm hiểu nhân cách và giáo dục nhân bản.

TÔNG HUẤN PASTORES DABO VOBIS

“Không có đào tạo nhân bản thoả đáng, thì việc đào tạo linh mục trong toàn bộ sẽ bị thiếu hụt mất nền tảng cần thiết” (PDV, 43). Tông huấn đã xem việc đào tạo nhân bản là nền tảng của mọi nền đào tạo linh mục (PDV, 40). Các linh mục được mời gọi trở nên “hình ảnh sống động” của Đức Giêsu Kitô là Đầu và Mục tử. Đức Kitô đã nhập thể và đã làm người để con người có thể nhìn lên Ngài như một mẫu gương tuyệt vời của một con người sung mãn về mọi mặt.



Trong bốn chiều kích huấn luyện (đào tạo Nhân bản, Thiêng liêng, Trí thức và Mục vụ) thì TH Pastores dabo vobis đã đặt đào tạo nhân bản làm đầu và nền tảng, vì nếu không có nhân bản thì cả toà nhà huấn luyện có thể bị sụp đổ. Trong các văn kiện gần đây về huấn luyện các tu sĩ trẻ, Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô còn nhắc đến đào tạo văn hoá vì “thách đố gay gắt nhất mà việc huấn luyện phải đương đầu nẩy sinh từ các gía trị của nền văn hoá toàn cầu hoá hôm nay” (HT - XPLTĐKT, 18). Nghĩa là việc đào tạo nhân bản phải chú trọng đến môi trường hiện tại mà người trẻ đang lớn lên và sẽ lãnh nhận trách nhiệm trong tương lai gần. Họ phải biết về văn hoá và môi trường của thời đại mình để có thể làm chứng nhân cho Chúa trong bối cảnh hiện tại. So với Sắc Lệnh Về Đào Tạo LM của Công đồng Vatican II, thì TH- PDV có nhiều điểm mới. Trong SL-ĐTLM, huấn luyện về tu đức được đặt lên hàng đầu “phải chú trọng đến việc huấn luyện tu đức – Việc huấn luyện phải liên kết chặt chẽ với việc trau dồi học vấn và huấn luyện mục vụ, nhất là phải được thực hiện nhờ sự trợ giúp của cha Linh hướng” (ĐTLM, 8). Có lẽ vào thời của Công Đồng bối cảnh gia đình còn cố kết chặt chẽ và ảnh hưởng của giáo dục gia đình còn mạnh mẽ trên các chủng sinh, và các Tiểu chủng viện còn tồn tại ở nhiều nơi. Việc giáo dục nhân bản và trưởng thành về mặt tâm lí chỉ được nhắc tới khi nói đến huấn luyện mục vụ cho các chủng sinh. Công đồng đặc biệt chú trọng đến kỉ luật trong việc huấn luyện : “Không những phải coi kỉ luật trong đời sống Chủng viện như là môt trợ lực vững chãi của đời sống cộng đoàn và bác ái, và hơn nữa, còn như một thành phần thiết yếu trong tất cả công cuộc huấn luyện để đạt được tinh thần tự chủ, phát triển được sự trưởng thành vững chãi về nhân cách, rèn luyện được những tư cách khác giúp ích rất nhiều cho hoạt động của Giáo hội được qui củ và kết quả” (ĐTLM, 11). Khi huấn luyện hoàn toàn theo tiêu chuẩn giáo dục Kitô giáo, CĐ cũng nhắc nhở “phải sử dụng các phát minh mới mẻ của khoa tâm lí lành mạnh và khoa sư phạm để bổ túc cách thích đáng” (ĐTLM, 11). Ở đây sắc lệnh nói đến khoa “tâm lí lành mạnh” có lẽ là để phân biệt với khoa tâm bệnh học thường được nói đến vào thời điểm đó. Ngày nay một trào lưu tâm lí mới trong thế kỉ 21 là trường phái tâm lí tích cực (Positive Psychology) chuyên nghiên cứu các khía cạnh tích cực của tâm lí con người và đưa ra những phương pháp luyện tập để con người đạt tới hạnh phúc và thể hiện chính mình. Tuy nhiên, Công đồng cũng nhắc đến huấn luyện nhân bản: “... Nhờ nền giáo dục khéo tổ chức cũng phải nhằm huấn luyện cho các chủng sinh đạt được mức trưởng thành nhân bản khả đáng, nhất là mức trưởng thành đã được kiểm nghiệm trong một đức tính cương nghị, trong khả năng quyết định chín chắn, và một óc phê phán xác đáng về con người và về các biến cố” (ĐTLM, 11). CĐ Vatican II nhấn mạnh đến đào tạo nhân bản qua việc giữ kỉ luật, còn PDV lại nhấn mạnh đến “tự do và trách nhiệm”, một sự trưởng thành dựa trên tự do quyết định, ý thức và trách nhiệm. Tông huấn PDV đã có điểm nhấn mới và xem việc giáo dục nhân bản là một phần quan trọng trong tiến trình huấn luyện chủng sinh và thường huấn đối với các linh mục.

Tông huấn PDV đã nêu ra mục đích, nội dung và hướng đi của việc huấn luyện nhân bản cho các chủng sinh và các linh mục.



  1. Mục đích: trở nên “hình ảnh sống động” của Đức Kitô là Đầu và Mục tử - là đấng đã sống thân phận con người, một con người lí tưởng, một con người thành toàn, một con người của mọi người và cho mọi người. Trở nên nhịp cầu nối kết mọi người.

  2. Nội dung:

    • Trau dồi nhân cách: một nhân cách quân bình, mạnh mẽ, và tự do.

    • Vun trồng một tập hợp những đức tính nhân bản: yêu mến chân lí, sự chân thành, tôn trọng nhân vị đối với mọi người, ý thức công bằng, chữ tín trong lời nói và việc làm, lòng trắc ẩn thực thụ, tính nhất quán, sự quân bình trong phán đoán và trong cách cư xử (PDV, 43; x. Ph 4,8; 4,9).

    • Khả năng thiết lập tương quan tốt với mọi người và trở nên “con người của hiệp thông”. Điều này đòi hỏi: “linh mục không được tự cao, không được cau có nhưng phải nhã nhặn, niềm nở, chân thành trong lời nói cũng như trong lòng, khôn ngoan và thận trọng, quảng đại và sẵn sàng phục vụ, có khả năng thiết lập với tha nhân và khơi dậy nơi tha nhân những mối quan hệ chân thành và huynh đệ, mau cảm thông, tha thứ và an ủi” (PDV, 43; x. 1Tm 3, 1-5; Tt 1,7-9)

    • Sự trưởng thành về mặt cảm tính (hay cảm xúc = emotional): đây là một yếu tố quan trọng trong đời sống tâm lí mà giáo dục trong chủng viện thường bỏ qua, hoặc để cho các ứng sinh tự lo liệu lấy. Sự trưởng thành này giả thiết là các chủng sinh và các linh mục đã đặt tình yêu vào vị trí trung tâm của cuộc sống con người (x. Redemptor hominis, Deus Caritas Est). Tình yêu ở đây được hiểu là tình yêu toàn diện bao gồm toàn thể ngôi vị con người (gồm những cấu tố thể lí, tâm lí và thiêng liêng) và một tình yêu dâng hiến, “nhờ thân thể con người tự trao hiến mình cho người khác và đón nhận người khác” (PDV, 44). Muốn được như thế cần phải có một nền giáo dục về tính dục thực sự và trọn vẹn thiết thân cho từng cá nhân để có thể yêu mến và quí chuộng đức khiết tịnh. Các ứng sinh phải biết về sự cao cả cũng như những thử thách và cám dỗ của đời sống độc thân. Các ứng sinh phải biết rằng “đặc sủng độc thân vẫn giữ nguyên những nghiêng chiều của cảm tính và những thúc đẩy của bản năng” (PDV, 44). Do đó các ứng sinh phải cần đến môt sự trưởng thành cảm tính để có thể từ khước những gì phương hại đến đời sống độc thân dâng hiến . Họ phải có khả năng thiết lập những tương quan liên vị lành mạnh cả với người nam và người nữ, có khả năng thiết lập tình bạn đích thực.

    • Để có thể đạt tới sự trưởng thành nhân bản và cảm tính cần phải có một nền đào tạo trong suốt và cương nghị nhắm đến tự do. Muốn được như thế ứng sinh phải biết chấp nhận sự thật về con người của mình, tìm ra ý‎ nghĩa cuộc sống của mình và tìm cách “tự thể hiện”. Các linh mục phải có khả năng làm chủ chính mình và phát triển lòng quảng đại phục vụ với mọi người. Nói tóm lại đó là một sự tự do có trách nhiệm, trách nhiệm với chính mình và người khác.

    • Giáo dục về lương tâm luân lí: vâng phục một cách tự do và xác tín trước những đòi buộc luân lí – đáp trả một cách có í thức và tự do. Muốn được như thế các ứng sinh phải tập cho có thói quen lắng nghe tiếng Chúa đang ngỏ lời trong lòng và gắn bó cũng như thực hiện ý của Chúa với tình yêu và lòng cương quyết (PDV, 44).

Trong phần nói về “các chiều kích đa dạng của việc đào tạo trường kì” (thường huấn) Tông huấn PDV đã đặt việc trau dồi chiều kích nhân bản làm đầu. Điều này cũng dễ hiểu vì các chủng sinh được đào tạo trong chủng viện chưa có kinh nghiệm tiếp xúc và làm việc với đủ hạng người trong xã hội. Những năm đầu của đời linh mục có thể sẽ gặp rất nhiều vấp váp trong các tương quan. Trong phần này Tông huấn đặc biệt lưu ý đến vấn đề sau đây:



  • Khả năng thiết lập tương quan với mọi người. Khả năng đối thoại và cảm thông với mọi người nhất là những người đau khổ, kinh nghiệm về các chiều kích nhân sinh và chia sẻ thân phận làm người với người khác.

  • Tính nhạy bén: đây là một điểm đặc biệt của Tông huấn. Có lẽ trong công việc hằng ngày linh mục thường quá bận bịu và thường không dành nhiều thì giờ để có thể lắng nghe những tâm sự cũng như nhu cầu của nhiều người. Họ có thể trở nên lạnh lùng và đôi khi vô cảm vì đã trải qua kinh nghiệm bị lừa dối, bị lợi dụng... Và vì thế họ mất dần tính nhạy bén và trực giác có thể hiểu thấu được lòng người. Chính vì lí do đó, Tông huấn nhắc đi nhắc lại nhiều lần về tính bén nhạy. 1) Bén nhạy đối với môi trường và hoàn cảnh chung quanh: “làm sao để đào tạo các linh mục cho thực sự ngang tầm với hoàn cảnh hiện nay, cho thực sự có khả năng phúc âm hoá thế giới” (PDV, 10). 2) Bén nhạy đối với lời Chúa, đối với truyền thống giáo hội, đối với huấn quyền. 3) Bén nhạy đối với người nghèo: “Không loại trừ một ai trong việc loan báo và ban phát ơn cứu độ, linh mục biết chú tâm tới những người bé nhỏ, tới các tội nhân, tới hết mọi người sống bên lề xã hội...” (PDV, 30) “các linh mục phải giữ mình khỏi mọi thái độ trịch thượng hoặc khỏi việc thi hành quyền bính nào đó mà không luôn luôn hoặc không chỉ có thể biện minh bằng đức ái mục vụ” (PDV, 60). “Linh mục cần phải có khả năng hiểu biết sâu xa lòng trí con người trực giác được những khó khăn và những vấn đề, tạo điều kiện dễ dàng cho sự gặp gỡ và đối thoại, đạt được lòng tin cậy và sự cộng tác, phát biểu được những phán đoán lành mạnh và khách quan” (43). “Linh mục cần phải lớn lên trong việc tiếp xúc thường ngày với người khác và trong việc chia sẻ cuộc sống với họ mỗi ngày... hiểu được những nhu cầu và đón nhận những lời kêu cứu, có thể trực giác những yêu cầu không được phát biểu thành lời... “ (72). 4) bén nhạy đối với GH và những nhu cầu của Giáo hội địa phương và phổ quát (77).

Sau khi nói đến tầm quan trọng của Thường huấn đối với các Linh mục ở mọi nơi, thuộc mọi lứa tuổi, tông huấn nói đến người chịu trách nhiệm về thường huấn. Dĩ nhiên trách nhiệm thuộc về Giáo hội hiệp thông: “chính là toàn thể GH địa phương, dưới sự dẫn dắt của GM, có trách nhiệm thôi thúc và thiết lập những thể loại dị biệt cho việc đào đạo trường kì của các linh mục” (PDV, 78). Nhưng mỗi linh mục phải là chủ thể chính của việc thường huấn cùng làm việc với linh mục đoàn thuộc giáo phận. Không có việc cộng tác tích cực của từng linh mục thì công việc thường huấn khó đem lại kết quả. Tông huấn viết: “Từng LM một phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm về việc đào tạo trường kì của mình trong GH” (79). Đương nhiên các LM có một số vấn đề chung, nhưng mỗi lứa tuổi đều có vấn đề riêng và cũng cần những giải pháp riêng thích hợp. Tông huấn vạch ra những vấn đề của các lứa tuổi như sau:

  • Đối với các linh mục trẻ: tiếp tục công việc đào tạo trong chủng viện, có thể trong chủng viện việc đào tạo mang tính lí thuyết, trí thức. Khi bước vào đời linh mục và gánh những trách nhiệm, họ sẽ phải chập chững một thời gian, đụng chạm đến thực tế mỗi ngày mà sách vở không nói đến. Vì thế họ cần phải được tiếp tục học hỏi và hướng dẫn. – Giải pháp: tạo những nhóm nâng đỡ đặc biệt (special support group) – có những vị giáo sư hướng dẫn và tư vấn, tham gia vào các hoạt động của LM đoàn để học hỏi kinh nghiệm mục vụ - chia sẻ với bạn bè LM cùng tuổi, cùng khoá về những vấn đề của mình (PDV, 76). Các vấn đề thường gặp: thoả mãn với vốn trí thức của mình, bỏ bê việc sách vở nghiên cứu; quá lí tưởng, nóng vội, khẳng định mình quá đáng trong lời nói cũng như việc làm; tự ti hay tự tôn quá đáng; thất vọng vì thực tế không như mình tưởng; thiếu kinh nghiệm trong việc thiết lập các tương quan.

  • Những linh mục thuộc lứa tuổi trung bình - Có thể có những vấn đề sau đây: hoạt động thái quá hoặc thái độ ù lì (PDV, 77), quá tin vào sức và khả năng của mình, thiếu bàn hỏi, độc đoán – các tình trạng bệnh lí có thể có: chán chường, trống rỗng, vỡ tan ảo mộng, cảm xúc không ổn định. Giải pháp: luôn xét duyệt thế quân bình bản thân và hoạt động; thường xuyên nghiên cứu các động lực bên trong. Mục tiêu: duy trì một tinh thần thức tỉnh, thái độ sẵn sàng đáp ứng với những thỉnh nguyện cứu độ (PDV. 77).

  • Các linh mục cao niên: (đối với các giáo hội phương tây đây là số lượng lớn nhất). Các vấn đề có thể có: chán chường, thất vọng, không được người khác công nhận, tình trạng yếu nhược về thể lí hoặc rã rời về mặt tinh thần. Thường huấn sẽ giúp gì? có thái độ tích cực và thanh thản trong tuổi già; tiếp tục phục vụ trong sức lực và khả năng của mình; chia sẻ những kinh nghiệm và khôn ngoan cho thế hệ linh mục trẻ, trở thành “những vị thầy và những nhà đào tạo của các linh mục khác. Làm như thế các linh mục cao niên cảm thấy tự tin, bớt cô đơn, và cảm thấy mình vẫn còn có ích và được tôn trọng kính nể, là gương sáng cho thế hệ trẻ, sống tuổi già một cách thanh thản và tin tưởng.


KHOA TÂM LÍ NGÀY NAY CÓ THỂ GIÚP GÌ TRONG VIỆC THƯỜNG HUẤN LINH MỤC?

Như Sắc lệnh ĐTLM, Tông huấn DVB, Huấn thị XPLTĐK đã gợi ‎ là những khám phá mới của khoa tâm lí lành mạnh có thể giúp các linh mục hiểu biết mình hơn, có một nhân cách trưởng thành, hiểu biết tâm lí của người khác, sống ơn gọi của một cách sung mãn hơn về mọi chiều kích. Tôi xin gợi ý về những khám phá mới của khoa tâm lí học lành mạnh, mong rằng có thể đóng góp chút gì trong việc thường huấn linh mục về khía cạnh nhân bản và tâm lí.



- Tâm lí học nhân cách Khoa tâm lí học nhân cách đã phát triển một bước khá dài kể từ thời của S.Freud. Có rất nhiều trường phái cắt nghĩa sự hình thành và phát triển con người, nhưng chúng ta có thể xếp vào sáu trường phái lớn: phân tâm học, thuyết hành vi - ảnh hưởng môi trường và xã hội, trường phái sinh học (các bác sĩ tâm thần học), Các Nét và Yếu tố, Tâm lí học nhân văn và hiện sinh, Tâm lí học nhận thức (Burger, 1997). Trong các trường phái trên thì trường phái nhân văn và hiện sinh có lẽ gần phải quan điểm Kitô-giáo nhất.

Trong Tông huấn DBV, khi nói về sự trưởng thành nhân bản có nhắc đến từ “tự thể hiện chính mình” “nhân cách quân bình” , “tự do nội tâm”(44). C. Rogers, một nhà tâm lí thuộc trường phái nhân văn và nhân vị đã đưa những ý niệm mới trong thập kỉ 60 thế kỉ trước. Ông dùng các ý niệm như “con người sung mãn”, “con người tự thể hiện mình” (self-actualized person), hay “con người vận hành toàn diện” (fully functioning person) để diễn tả một con người sống trọn vẹn các chiều kích của con người, một người trưởng thành thực sự và quân bình. Theo Rogers thì một người vận hành toàn diện có những đặc điểm sau đây: (a) Mở ra với kinh nghiệm thường ngày. Kinh nghiệm cuộc sống một cách sống động và tròn đầy. Quí trọng những kinh nghiệm của cuộc sống. (b) Mở mắt ra với hiện tại “ở đây và bây giờ”, nghĩa là không bị cột chặt với quá khứ và cũng không viễn vông với tương lai – hay nói theo cách chúng ta là sống giây phút hiện tại một cách tròn đầy và ý thức. (c) Tin vào những cảm nghĩ, cảm xúc của mình – phát triển khả năng sống yêu thương và làm một người đáng tin cậy – sống xây dựng, chấp nhận những cảm xúc của mình – chấp nhận chính mình một cách tự phát, tự nhiên, thoải mái. (d) Ít bị lệ thuộc hoặc nương mình theo các đòi hỏi của xã hội hay người khác – không cứng nhắc trong luật lệ xã hội hoặc phe nhóm – họ có một sự tự do nội tâm rất cao mà vẫn trung thành với luật tự nhiên và luật đạo đức. (e) Không sợ cô đơn nhưng biết sử dụng những giây phút cô tịch để sống với chính mình và khám phá những điều mới lạ. (g) Sống chân thành và chính thực (authentic) với mình và với người khác – chấp nhận mình và chấp nhận người khác như họ là.

Abraham Maslow cũng là một nhà tâm lí nhân văn và đi theo hướng phân tích hiện tượng luận. Sau khi nghiên cứu tiểu sử và cách ứng xử của một số nhân vật mà ông coi là những người trưởng thành nhân bản và tâm lí (như Thomas Jefferson, Albert Einstein, Eleanor Roosevelt, Albert Schweitzer...) đã rút ra được những đặc tính của người trưởng thành tâm lí như sau: (a) Chấp nhận chính mình như mình là – chấp nhận những điểm yếu của mình và vươn lên – không quá mặc cảm tội lỗi về những sai lầm của mình – không quá cầu toàn và chấp nhận những hạn chế của mình. (b) Ít bị hạn chế bởi những qui luật hay định chế xã hội như phần đông người khác. Họ có tự do nội tâm cao – họ rất nhạy cảm với xã hội, nhưng ứng xử một cách tự nhiên, tự phát, không gò bó – họ sống với cá tính riêng của mình hơn là tuân thủ chặt chẽ các qui tắc xã hội về ứng xử. (c) Có óc sáng tạo – có nghĩa là ngay cả làm những công việc bình thường nhưng không theo ước lệ hay thói quen – có những tiếp cận tự nhiên, tự phát và sáng tạo luôn luôn – luôn luôn có cách tiếp cận mới với thế giới chung quanh. (d) Có óc hài hước “triết lí và không thù nghịch” (phân biệt humor và irony) – cười một cách cảm thông với thân phận con người chứ không nhằm châm chọc người nào hay nhóm nào. (e) Tôn trọng kinh nghiệm cuộc sống. (g) Tôn trọng “kinh nghiệm đỉnh” (peak experiences) là những kinh nghiệm siêu việt, vượt trên cuộc sống bình thường – kinh nghiệm đạo đức, kinh nghiệm tôn giáo.

Đầu thế kỉ 21 một trường phái tâm lí mới ra đời – Tâm lí học tích cực (Positive Psychology) – để cân bằng lại tâm lí học cũ chỉ chú trọng đến những khía cạnh tiêu cực bất thường trong tâm lí con người. Các nhà tâm lí học tích cực như Seligman, Diener, Niven chuyên nghiên cứu về các khía cạnh tích cực của tâm lí con người. Các đề tài họ thường nghiên cứu là hạnh phúc, các nét về con người viên mãn, trưởng thành và lành mạnh, các mối tương quan liên vị, ‎ con người đi tìm í nghĩa cuộc sống, các giá trị đạo đức luân lí, khía cạnh tâm linh, tính lạc quan... Chúng ta có thể học hỏi khá nhiều điều từ trào lưu tâm lí học này.

- Trí thông minh cảm xúc: Khi nói về giáo dục nhân bản cũng như trưởng thành nhân bản, Tông huấn PDV nhấn mạnh đến sự trưởng thành về mặt cảm tính. Giáo dục trong chủng viện thường chú trọng đến huấn luỵên tri thức và tu đức mà hay bỏ qua việc huấn luyện cảm xúc hay huấn luyện về cảm tính. Nhiều giáo dân than trách là các linh mục thường hay gắt gỏng, quát tháo, độc đoán, và có vẻ như vô cảm hay dửng dưng, tính khí thay đổi thất thường. Nói chung, đó là những triệu chứng của bất ổn cảm xúc. Các nhà tâm lí hiện đại khám phá ra rằng ngoài trí thông minh trí tuệ (IQ) , con người còn có một trí thông minh khác quan trọng hơn quyết định sự thành công hay thất bại của đời người, đó là trí thông minh cảm xúc hay trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence) (EQ). D. Goleman có lẽ là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ này.Theo Goleman trí tuệ cảm xúc bao gồm các yếu tố sau đây: sự tự chủ, lòng nhiệt thành, kiên nhẫn, khả năng tự kích thích mình hành động, khả năng nhận biết và tôn trọng những cảm xúc của người khác. Qua các cuộc thí nghiệm, các nhà tâm lí học thực nghiệm cho thấy rằng trẻ con mới 3-4 tháng tuổi đã có thể nhận ra được cảm xúc của người khác được diễn tả trên khuôn mặt, và có những phản ứng thích hợp. Điều đó cho thấy rằng trí tuệ cảm xúc phát triển rất sớm và người ta phải đối diện với cảm xúc của mình và người khác trong cuộc sống hằng ngày ngay từ tuổi thiếu thời. Trí tuệ cảm xúc là nguồn gốc của những hành động và những hành vi đạo đức. Goleman giải thích: “Tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc, theo chúng tôi, là ở chỗ những thái độ đạo đức căn bản của cá nhân bắt nguồn từ những năng lực tâm lí tiềm tàng. Thực vậy, các xung lực là phương tiện biểu hiện các xúc cảm; nguồn gốc của mọi xung lực là một xúc cảm tìm cách thể hiện thành hành vi... nguồn gốc của lòng vị tha phải được tìm trong sự đồng cảm với người khác, tức là khả năng đọc được trái tim người khác. Không nhạy cảm với những nhu cầu hay với sự thất vọng của người khác – đó là không biết yêu thương. Và nếu như có hai thái độ đạo đức mà thời đại chúng ta đòi hỏi – thì đó là kiềm chế và đồng cảm” (Goleman, 2002, p. 15). Ở đây chúng ta thấy cảm xúc chịu ảnh hưởng của văn hóa rất nhiều. Có vẻ như nền văn hóa của chúng ta khuyến khích sự đè nén cảm xúc và ít cho chúng bộc lộ. ‎‎Cho nên chúng ta rất dè dặt trong việc biểu lộ cảm xúc, cả tích cực lẫn tiêu cực. Điều đó có thể làm cho một số linh mục trở nên lạnh lùng, khó gần gủi, khó hòa đồng.

Khoa tâm lí học nhân cách cũng có thể giúp chúng ta hiểu biết mình hơn để biết chấp nhận chính mình và người khác. Các trường phái tâm lí học nhân cách giúp chúng ta tìm hiểu nhiều chiều kích cấu tạo nên nhân cách của con người.

- Nhân cách tôn giáo: Về nhân cách tôn giáo, Van Kaam cho chúng ta một cái nhìn toàn diện và sâu sắc về nhân cách của người Kitô hữu và đặc biệt là nhân cách của người linh mục và tu sĩ (xin đọc cuốn Nhân cách tôn giáo của Van Kaam đã được Ngô văn Vững biên dịch và chú thích). Van Kaam đã đưa yếu tố tâm linh vào trong nhân cách con người và yếu tố ấy ảnh hưởng lên toàn bộ cuộc sống và hướng đi của con người. Ngày nay người ta còn nói đến SQ (spiritual Quotient). Donah Zohar và Ivan Marshall đưa ra ý niệm về trí thông minh tâm linh với các yếu tố: (a) Hiểu biết các động cơ sâu xa của mình. (b) Ý thức cao về mình. (c) Đáp ứng những yêu sách của ngã thâm sâu. (d) Khả năng sử dụng và thăng hoa – siêu vượt những khó khăn. (e) Không hoàn toàn theo đám đông – dám chống lại đám dông khi cần. (g) Không gây hại cho mình và cho người khác. (h) Thông minh tâm linh về cái chết. Biết chuẩn bị cho cái chết - Biết chuẩn bị cho cái chết một cách thanh thản. Xem như thế các linh mục cần phải trau dồi cho mình có được trí thông minh tâm linh để giúp cho mình một hướng đi lên.

- Tâm lí học phát triển – tâm lí học lứa tuổi: Trong phần nói về thường huấn, Tông huấn PDV nói đến các khó khăn tâm lí mà các linh mục thường gặp phải trong các lứa tuổi khác nhau. Khoa Tâm lí học phát triển và tâm lí học lứa tuổi có thể giúp cho chúng ta hiểu những khó khăn và khủng hoảng trong những giai đoạn của đời người và tìm những biện pháp khắc phục. Các giai đoạn phát triển của Freud, và nhất là của Erikson, Maslow giúp chúng ta hiểu được chúng ta đang ở giai đoạn nào và dự báo những khó khăn thách thức mà chúng ta phải vượt qua và vươn lên.

- Tâm lí học ứng dụng- Tâm lí học thực tiễn: Tông huấn PDV nhắc đi nhắc lại nhiều lần về khả năng thiết lập tương quan liên vị, khả năng sống và làm việc với đủ hạng người, khả năng chịu đựng những áp lực công việc, những thất bại, khả năng sống cô đơn và buốn chán. Các môn học về truyên thông, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng thiết lập tương, kĩ năng làm việc nhóm, thiết lập các nhóm nâng đỡ, kĩ năng vượt qua stress, trầm cảm, nóng giận, bối rối... có thể giúp các linh mục học hỏi, ứng dụng, và luyện tập các kĩ năng. Khoa Tham vấn Tâm lí có thể giúp ta có được những kĩ năng cần thiết trong việc giúp khám phá và giải quyết các vấn đề tâm lí của chính mình và người khác. Các kĩ năng Tham vấn tâm lí cũng có thể áp dụng vào việc hướng dẫn thiêng liêng, hướng dẫn mục vụ.

Trên đây tôi đã lược qua các điểm nhấn của Tông huấn PDV về vấn đề huấn luyện nhân bản và tăng trương nhân bản cho các LM. Tôi cũng đã trình bầy sơ lược những khám phá mới của khoa tâm lí lành mạnh liên quan đến vấn đề và các khía canh mà Tông huấn đã đưa ra. Ước mong rằng các gợi ý này có thể giúp chúng ta vach ra một chương trình thường huấn lien quan đến vấn đề trưởng thành nhân bản và tâm lí cho các LM.



Các câu hỏi gợi ý để thảo luận.

  1. Dưới con mắt của người giáo dân trong giáo phận chúng ta, LM được đánh giá như thế nào về mặt nhân bản? (Trong cách sống, cách tiếp xúc, cách làm việc).

  2. Đâu là hình ảnh lí tưởng (về mặt nhân bản) của một LM trong bối cảnh văn hóa Việt Nam hiện tại ?

  3. Đâu là những “biểu hiện – hiện tượng tiêu cực” về mặt nhân bản trong hàng LM chúng ta?

  4. Đâu là những nhu cầu huấn luyện nhân bản cho hoàn cảnh hiện tại của chúng ta?

  5. Thử vạch ra một chương trình thường huấn về nhân bản và tâm lí.



tải về 69.28 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương