* Từ năm 1890 đến năm 1895



tải về 115.91 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích115.91 Kb.
#30635






* Từ năm 1890 đến năm 1895

Nguyễn Sinh Cung sống ở làng Hoàng Trù trong tình thương yêu và chăm sóc của bố mẹ và ông bà ngoại.

Ông ngoại là Hoàng Đường, thuộc dòng dõi Nho học, mở trường dạy chữ Hán ngay tại nhà cho một số trẻ em trong làng. Bà  ngoại  là  Nguyễn  Thị  Kép, cũng  là  con một gia đình có truyền thống Nho học, làm ruộng để nuôi gia đình.

Nguyễn Sinh Cung nhỏ tuổi nhất trong nhà nên được mọi người trong gia đình yêu thương và chăm sóc nhiều hơn.

Là một thiếu nhi thông minh, Nguyễn Sinh Cung thích nghe chuyện và hay hỏi những điều mới lạ. Điều gì đã biết thì Nguyễn Sinh Cung nhớ rất lâu, đặc biệt là những chuyện cổ tích, những câu hát phường vải mà bà ngoại và mẹ thường kể.

* Khoảng tháng 6, năm 1894: Nguyễn Sinh Cung đón nhận tin vui: cha đậu cử nhân, khoa thi Giáp Ngọ năm Thành Thái thứ 6 tại trường thi Nghệ An.

* Khoảng năm 1901 – 1902: Nguyễn Tất Thành bước đầu tiếp thu tư tưởng yêu nước của các bậc cha chú thông qua mối quan hệ giữa cha với các sĩ phu trong vùng. Trong tác phẩm Phan Bội Châu niên biểu, Phan Bội Châu kể lại rằng: Nguyễn Tất Thành thường nghe Cụ ngâm hai câu thơ và sau này anh vẫn nhắc lại:

                          "Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch

                           Lập thân tối hạ thị văn chương".

Nghĩa là:

                            "Mỗi bữa (ăn) không quên ghi sử sách

                            Lập thân hèn nhất ấy (là) văn chương".

Nguyễn Tất Thành còn tìm đọc những cuốn sách mà các bậc cha chú thường nhắc tới và được phụ thân dẫn đi thăm các di tích lịch sử và các danh lam thắng cảnh trong vùng. Ngoài việc học tập, Nguyễn Tất Thành thường cùng bạn bè chơi các trò chơi của tuổi thiếu niên như đánh khăng, đánh trận giả, câu cá, bẫy chim, đánh vật… hoặc rủ nhau thăm các thắng cảnh, các di tích văn hoá lịch sử trong vùng như Núi Chung, Đền Thánh Cả, Chùa Đạt, Đền Độc Lôi... Nơi Nguyễn Tất Thành thường lui tới nhiều nhất là lò rèn ông Điền và giếng Cốc ở gần nhà.

Có lần Nguyễn Tất Thành làm chung cùng các bạn trong làng một cái diều sáo. Làm xong đem thả, diều không lên. Sửa mấy cũng không được, các bạn nản chí bàn phá đi làm lại cái khác. Nguyễn Tất Thành không nghe theo các bạn và tiếp tục sửa chữa. Đến khi diều tung gió bay cao, các bạn hỏi về cách sửa chữa, Nguyễn Tất Thành chỉ vẽ cho các bạn và bảo: “Cứ kiên trì chịu khó là được”.

Một lần khác, cùng các bạn câu cá ở cái ao gần nhà bà ngoại ở làng Trùa. Khi một bạn giật mạnh cần câu, lưỡi câu sắc nhọn, mắc vào tai Nguyễn Tất Thành, máu ra nhiều các bạn rất lo sợ. Nhưng Nguyễn Tất Thành nén chịu đau, bình tĩnh rút lưỡi câu ra, nhờ các bạn lấy “lá niệt” rửa sạch, đặt vào chỗ vết thương để cầm máu, và dặn các bạn đừng nói cho bà ngoại biết kẻo bà lo. Vết thương này sau thành sẹo, để dấu ấn ở tai Nguyễn Tất Thành.

* Khoảng tháng 6, tháng 7 năm 1904: Nguyễn Tất Thành được chứng kiến cảnh thực dân Pháp và quan lại bắt phu trong vùng hoàn thành gấp rút đoạn đường từ Cửa Rào (miền Tây Nghệ An) đi Trấn Ninh. “Vì bọn đốc công Pháp tàn bạo, nước độc và lương thực thiếu nên nhiều người đi phu bị chết, những người sống thì đều đau ốm”, nhân dân than thở và oán thán:

"Ai đi đến chốn Cửa Rào

Nhớ mang chiếc chiếu bó vào trải ra".

Bó vào là để chôn, trải ra là để nằm dọc bờ dọc bụi. Ngày lên đường đi phu người ta thường nhớ kỹ để sau này làm giỗ.

* Khoảng đầu tháng 6 năm 1909: Nguyễn Tất Thành theo cha vào huyện Bình Khê thuộc tỉnh Bình Định (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) nhân ông Nguyễn Sinh Sắc được cử nhậm chức tri huyện ở đó. Thời gian ở Bình Khê, Nguyễn Tất Thành thường được phụ thân dẫn đi thăm các sĩ phu trong vùng và thăm di tích lịch sử vùng Tây Sơn, nơi phát tích của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ.

* Năm 1911

- Trước ngày 2-6-1911: Nguyễn Tất Thành bàn với một người bạn thân về chuyện đi ra nước ngoài. Anh nói:“ Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm… Anh muốn đi với tôi không?”.

Khi người bạn hỏi lấy đâu ra tiền mà đi, anh Thành vừa nói vừa giơ hai bàn tay: “Đây, tiền đây... chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”.



- Tháng 6, ngày 2: Nguyễn Tất Thành xin việc làm ở tàu Amiran Latusơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville), một tàu lớn vừa chở hàng vừa chở khách của hãng Năm Sao đang chuẩn bị rời cảng Sài Gòn đi Mácxây (Marseille) Pháp.

- Tháng 6, ngày 3: Nguyễn Tất Thành bắt đầu làm việc ở tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, nhận thẻ nhân viên của tàu với tên mới: Văn Ba. 

- Tháng 6, ngày 5: Nguyễn Tất Thành từ bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) rời Tổ quốc đi sang Pháp.

Người thanh niên 21 tuổi ấy ra đi với mục đích gì? Để kiếm kế sinh nhai, hay để thoả mãn một ước mơ xa lạ nào đó của tuổi trẻ. Điều đó, hơn mười năm sau chính anh đã trả lời một nhà báo Nga rằng: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp TỰ DO, BÌNH ĐẲNG, BÁC ÁI. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”. Một lần khác, trả lời một nhà văn Mỹ, Người nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.



- Tháng 6, sau ngày 5: Sau khi nhận việc ở tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, Nguyễn Tất Thành viết thư về cho thầy giáo Hải, dạy tiếng Pháp ở Trường Dục Thanh báo tin mình đã đi ra nước ngoài.

- Tháng 6, ngày 8: Nguyễn Tất Thành ghé cảng Xingapo (Singapore) theo hành trình của tàu.

- Tháng 6, ngày 14: Nguyễn Tất Thành ghé cảng Côlômbô (Colombo) của Xâylan (Ceylan) nay là Xơri Lanca, theo hành trình của tàu.

 - Tháng 6, ngày 30: Nguyễn Tất Thành ghé cảng Xaít (Sa’id) của Aicập theo hành trình của tàu.



* Trong năm 1912: Nguyễn Tất Thành làm thuê cho một chiếc tàu của hãng Sácgiơ Rêuyni đi vòng quanh châu Phi, đã có dịp dừng lại ở những bến cảng của một số nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angiêri, Tuynidi, Cônggô, Đahômây, Xênêgan, Rêuyniông… Đến đâu anh cũng thấy cảnh khổ cực của người lao động dưới sự áp bức bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị. Một trong những cảnh tượng ấy anh đã trông thấy ở Đaca (Dacar) như sau: "Đến Đaca, bể nổi sóng rất dữ. Tàu không thể vào bờ. Cũng không thể thả canô xuống vì sóng rất to. Để liên lạc với tàu, bọn Pháp trên bờ bắt những người da đen phải bơi ra chiếc tàu. Một, hai, ba, bốn người da đen nhảy xuống nước. Người này đến người kia, họ bị sóng bể cuốn đi”. Cảnh đó làm cho Nguyễn Tất Thành hết sức đau xót, anh khóc. Hỏi tại sao, anh buồn rầu trả lời: “Những người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song những người Pháp thực dân rất hung ác và vô nhân đạo. Ở đâu chúng nó cũng thế. Ở ta, tôi cũng thấy những chuyện như thế xảy ra ở Phan Rang. Bọn Pháp cười sặc sụa trong khi đồng bào ta chết đuối vì chúng nó. Đối với bọn thực dân, tính mạng của người thuộc địa, da vàng hay da đen cũng không đáng một xu”.

* Khoảng giữa năm 1913: Từ nước Anh, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho cụ Phan Châu Trinh ở Pháp. Toàn văn bức thư như sau:

"Hy Mã Nghi Bá đại nhơn,

"Cháu kính chúc bác, em Dật và ông Trạng và các anh em ta ở Pari đều mạnh giỏi. Nay cháu đã tìm nơi để học tiếng.

"Mấy bốn tháng rưỡi nay thì chỉ làm với Tây, nói tiếng Tây luôn luôn. Tuy ở Anh nhưng chẳng khác gì ở Pháp và tháng ngày luống những chỉ lo làm việc khỏi đói, chớ chẳng học được bao nhiêu. Và cháu ước ao rằng bốn, năm tháng nữa, lúc gặp bác thì sẽ nói và hiểu được tiếng Anh nhiều nhiều.

"Bên ta có gì mới không? Và nếu bác dịch mấy hồi sau  xong, xin bác gửi cho cháu.

"Chuyến này bác sẽ đi nghỉ hè ở đâu?

Nay kính

Cuồng điệt: Nguyễn Tất Thành

* Trong năm 1918: Nguyễn Tất Thành lần đầu tiên gặp Misen Decsini (Michele Zecchini) đảng viên Đảng Xã hội Italia, lúc đó là đại diện cho những nhà cách mạng thuộc địa bên cạnh Đảng Xã hội Pháp. Theo lời kể của Misen Decsini, bấy giờ Nguyễn Tất Thành là đại diện được uỷ quyền của Hội Lao động hải ngoại đang náu mình trong một căn phòng cho thuê ở phố Saron (Charonne). Lúc đó các đồng chí trong Đảng Xã hội chưa tìm được cho anh giấy tờ hợp pháp. Misen Decsini đã thu xếp cho anh đến một nơi ở mới, Quận 13, tại nhà một người bạn Tuynidi tên là Mốcta (Moktar).

Lúc này chiến tranh chưa kết thúc, các cuộc vây ráp, bắt bớ lính thuộc địa đào ngũ xảy ra liên miên. Để đảm bảo an toàn anh phải hạn chế đi lại, không được để hàng xóm phát hiện. Khi Mốcta không có nhà, anh không được thắp đèn và đốt lửa. Chiều chiều Mốcta đi làm về, nấu bữa tối cho Tất Thành, để dành lại một phần cho ngày hôm sau, chăm sóc Tất Thành như một người anh em.



* Năm 1919

- Tháng 6, từ ngày 7 đến ngày 11 : Nguyễn Tất Thành ở tại số nhà 10 phố Xtốckhôm (Stokholm), nước Pháp.

- Tháng 6, từ ngày 12: Nguyễn Tất Thành ở tại nhà số 56 phố Mơxiơ Lơ Pranhxơ (Monsieur le Prince).

- Tháng 6, ngày 18: Thay mặt Hội Những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Tất Thành gửi đến Hội nghị Vécxây (Versailles) bản yêu sách của nhân dân An Nam. Dưới bản yêu sách Người ký tên: NGUYỄN ÁI QUỐC. Bản yêu sách gồm tám điểm:

1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;

2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xoá bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;

3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;

4. Tự do lập hội và hội họp;

5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;

6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;

7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;

8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.

Cùng ngày, Nguyễn Tất Thành, ký tên là Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Tổng thống Mỹ. Toàn văn bức thư như sau:



Pari, ngày 18-6-1919

Kính gửi Ngài Tổng thống Cộng hoà Hợp chúng quốc, Đại biểu ở Hội nghị Hoà bình.

Thưa Ngài,

Nhân dịp chiến thắng của Đồng minh, chúng tôi xin mạn phép gửi đến Ngài, kèm theo đây bản ghi các yêu sách của nhân dân An Nam. Tin tưởng ở độ lượng cao cả của Ngài, chúng tôi mong Ngài ủng hộ trước những người có thẩm quyền.

Xin Ngài vui lòng nhận sự biểu thị lòng kính trọng sâu sắc của chúng tôi.

Thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam

Nguyễn Ái Quốc

56, phố Mơxiơ Lơ Pranhxơ, Pari.

Sau khi nhận được thư của Nguyễn Ái Quốc, Đại biện sứ quán Mỹ tại Pari đã có thư trả lời. Toàn văn như sau:



"Đoàn Mỹ tại Hội nghị Hoà bình Pari, ngày 19-6-1919.

Thưa ông Nguyễn Ái Quốc,

Đại tá Haoxơ (Haus) giao cho tôi báo để ông biết là đã nhận được bức thư của ông đề ngày 18-6-1919 và cảm ơn ông đã gửi cho chúng tôi bản Yêu sách của nhân dân An Nam nhân dịp chiến thắng của Đồng minh.

Xin ông nhận cho những tình cảm quý trọng của tôi.

Đại biện sứ quán Mỹ"

Hôm sau Đoàn Mỹ lại gửi tiếp một bức thư khác:



"Đoàn Mỹ tại Hội nghị Hoà bình Pari, ngày 20-6-1919.

Kính gửi ông Nguyễn Ái Quốc,

Tôi lấy làm hân hạnh báo để ông biết chúng tôi đã nhận được thư ông đề ngày 18-6-1919 và xin nói rằng chúng tôi sẽ trình thư đó lên Tổng thống”.

Thư ký riêng của Tổng thống Mỹ (đã ký)

Cùng ngày, bức thư với nội dung trên còn gửi đến Đoàn đại biểu Nicaragoa. Ngày 19-6-1919 Đoàn đại biểu Nicaragoa đã viết thư trả lời. Toàn văn như sau:



Khách sạn  Rúytxi (Russie), số 1 phố Đơ Ruyô (De Ruyo), ngày 19-6-1919.

Thưa ông Nguyễn Ái Quốc,

Tôi hân hạnh báo để ông biết chúng tôi đã nhận được thư của ông cùng với bản Yêu sách của nhân dân An Nam mà ông gửi cho ông Xanvađo Xamôrô, đại biểu Nicaragoa tại Hội nghị Hoà bình.

Ông Xamôrô giao cho tôi chuyển lời cảm ơn ông về bản tài liệu nói trên đã làm cho ông ta hết sức chú ý.

Xin ông nhận ở đây những tình cảm quý trọng của tôi.

Thư ký Đoàn đại biểu Nicaragoa

(đã ký)

- Trong tháng 6- 1919

Bản Yêu sách của nhân dân An Nam được Nguyễn Ái Quốc phổ thành thơ lục bát để phổ biến rộng rãi trong Việt kiều ở Pháp, có đoạn như sau:



... Lòng thành tỏ nỗi sút sa,

Dám xin đại quốc soi qua chút nào.

Một xin tha kẻ đồng bào

Vì chưng chính trị mắc vào tù giam.

Hai xin phép luật sửa sang,

Người Tây người Việt hai phương cùng đồng.

Nhưng toà đặc biệt bất công,

Dám xin bỏ dứt rộng dung dân lành.

Ba xin rộng phép học hành,

Mở mang kỹ nghệ, lập thành công thương.

Bốn xin được phép hội hàng,

Năm xin nghĩ ngợi nói bàn tự do.

Sáu xin được phép lịch du,

Bốn phương mặc sức, năm châu mặc tình.

Bảy xin hiến pháp ban hành,

Trăm điều phải có thần linh pháp quyền.

Tám xin được cử nghị viên,

Qua Tây thay mặt giữ quyền thổ dân.

Tám điều cặn tỏ xa gần,

Chứng nhờ vạn quốc công dân xét tình.

* Trong năm 1920: Với tên gọi Văn Cô, Nguyễn Ái Quốc thường đến nhà ông Pêra (Péra), thợ ảnh, ở số 4 phố Muchiê Ôbécviliê (Moutier Aubervilliers), Pari để sửa ảnh, phóng ảnh. Đôi lúc Nguyễn Ái Quốc ở lại ăn cơm với gia đình Pêra. Nguyễn Ái Quốc thường trò chuyện với ông Pêra; ông là đảng viên Đảng Xã hội Pháp, cựu tù nhân chính trị Italia, là người tán thành Quốc tế Cộng sản 

* Năm 1921

- Tháng 6, ngày 1: Nguyễn Ái Quốc nhận được giấy mời họp vào hồi 14 giờ 30 ngày 5-6 tại 241 phố Laphayét (Lafayette), trụ sở Hội cộng hoà của các cựu chiến binh, để bàn việc thành lập Ban Nghiên cứu thuộc địa và ấn định chương trình làm việc.

- Tháng 6, ngày 2: Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của Ralemônggô (Ralaimongo) hẹn gặp vào 9 giờ sáng hôm sau ở phố Mơxiơ Lơ Pranhxơ.

- Tháng 6, ngày 10: Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của Đexpréx (Despress) cho biết báo L'Humanité mời đến Khách sạn số 2 dành cho người nước ngoài ở phố Raxin (Racine) vào hồi 21 giờ ngày 13-6 để bàn về Tuyên ngôn của Ban nghiên cứu thuộc địa.

- Tháng 6, ngày 13: Buổi tối, Nguyễn Ái Quốc và Phan Châu Trinh đã đến dự buổi họp của Uỷ ban nghiên cứu thuộc địa, tại nhà số 2, đường Raxin, nhà của Ecnex Đêpri (Ernest Đépri). Hai người trở về lúc 20 giờ 50.

- Tháng 6, ngày 20: Nguyễn Ái Quốc, Phan Châu Trinh, Trần Tiến Nam, Võ Văn Toàn, Trần Xuân Hộ họp mặt tại số 6 Vila đê Gôbơlanh lúc 20 giờ nhân Lêông Thuyết từ Mácxây về Pari.

- Tháng 6, ngày 24: Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Hoàng Văn Lục yêu cầu gửi ngay danh sách, địa chỉ những người Việt Nam làm ở các tàu biển bị đuổi việc, và dặn nếu tham gia hội nào thì gửi điều lệ của hội ấy cho Nguyễn Ái Quốc.

- Tháng 6, ngày 26: Nguyễn Ái Quốc họp với một số đồng chí người Angiêri, Marốc, Tuynidi, Mađagátxca... để bàn việc thành lập Hội liên hiệp thuộc địa. Cuộc họp này được tổ chức sau nhiều lần gặp gỡ giữa những nhà hoạt động cách mạng của các nước thuộc địa đang sinh sống ở Pari. Những người dự họp đã bàn về Chương trình, Điều lệ và Ban Chấp hành của hội. Theo dự kiến, Nguyễn Ái Quốc được cử vào Ban Chấp hành và là Uỷ viên Thường trực của Ban Chấp hành.

* Năm 1922

- Tháng 6, ngày 1: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Bình đẳng, đăng trên báo L'Humanité. Tác giả vạch rõ: "Để che đậy sự xấu xa của chế độ bóc lột giết người, chủ nghĩa tư bản thực dân luôn luôn điểm trang cho cái huy chương mục nát của nó bằng những châm ngôn lý tưởng: bác ái, bình đẳng, v.v.".

Bài viết nêu một số dẫn chứng cụ thể vạch trần những thủ đoạn bất bình đẳng, phân biệt đối xử của bọn thực dân đối với người dân thuộc địa. 



- Tháng 6, sau ngày 5, trước ngày 10: Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của ông Xuliê (Soulier) hẹn gặp để trả lời về việc Nguyễn Ái Quốc xin vào Hội Tam điểm (Franc - Maçonnerie).

- Tháng 6, ngày 14: Nguyễn Ái Quốc được chấp nhận vào Hội Tam điểm và đã dự nghi lễ chấp nhận tại Trụ sở của Liên hội Quốc tế, số 94 đại lộ Đơ Xuypphơren (De Suffren), Pari. Nguyễn Ái Quốc vào hội với ý thức muốn tìm hiểu mặt tiến bộ của tổ chức này. Nhưng Nguyễn Ái Quốc không ở lâu trong hội. Cuối tháng 12-1922, Nguyễn Ái Quốc đã rút khỏi Hội Tam điểm. 

- Tháng 6, trước ngày 22: Nguyễn Ái Quốc đến gặp Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Anbe Xarô theo thư mời của ông ta. Trong cuộc đối mặt này, trước thái độ và lời lẽ lúc thì đe dọa, lúc thì dụ dỗ của "con cáo già thuộc địa", tên "đại biểu của chế độ đế quốc thực dân đang đi áp bức bóc lột Việt Nam", kẻ lúc nào cũng có quyền "bắt giải Nguyễn Ái Quốc về Việt Nam, gán cho tội tuyên truyền cộng sản rồi đưa lên máy chém", Nguyễn Ái Quốc luôn giữ thái độ bình tĩnh, ung dung, không hề tỏ ra sợ sệt vì tin rằng mình "là tượng trưng của nhân dân Việt Nam đang bị Pháp đô hộ một cách tàn nhẫn", "dựa vào lực lượng của chính nghĩa và cảm tình của giai cấp công nhân Pháp, nhất là công nhân Pari". Trước khi ra về, Nguyễn Ái Quốc đã nói với Anbe Xarô: Cảm ơn Ngài! Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập...

- Tháng 6, ngày 24: truyện ngắn của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Lời than vãn của bà Trưng Trắc, đăng trên báo L'Humanité, sau ba ngày Khải Định đến Pari.

Qua câu chuyện một giấc mơ của Khải Định gặp Trưng Trắc, tác giả mượn lời của vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc nguyền rủa Khải Định là tên vua "đớn hèn, bất lực và ngu dốt", đã cam tâm làm tôi tớ cho thực dân Pháp, phản lại tổ tiên.



* Năm 1923

- Tháng 6, ngày 6: Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho cô Buđông (Boudon). Bức thư bỏ ở thùng thư số 3 phố Mácsê đê Patơriácsơ, đã bị mật thám sao chép lại, nội dung như sau: "Đồng chí thân mến,

Tôi đã đợi đến 16 giờ. Tôi buộc phải đi đến 19 giờ. Mong đồng chí hẹn cho biết ngày đồng chí quay lại đây. Muộn nhất là thứ bảy.

Mong đồng chí thứ lỗi. Gửi đồng chí lời chào trân trọng.

Nguyễn Ái Quốc".

- Tháng 6, khoảng ngày 8: Nguyễn Ái Quốc báo cho một vài người bạn rằng anh sẽ cùng một số hội viên Câu lạc bộ Phôbua đi du lịch chừng tám ngày ở vùng Xavoa (Savoie) phía nam nước Pháp. Anh còn nói chuyện với bà gác cổng nhà số 6 phố Vila đê Gôbơlanh rằng anh muốn đi Thụy Sĩ, nhưng không muốn hạ mình đi xin hộ chiếu và nếu có xin thì chắc cũng sẽ bị nhà đương cục từ chối.

- Tháng 6, sau ngày 11: Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của cô Buđông, đề ngày 11-6-1923, gửi từ địa chỉ số 29 phố Đuy Tămplơ (Du Temple) báo tin đã nhận được thư của anh, đề nghị anh giữ lại những bức ảnh đã in. Cuối thư, cô viết: “Nếu ông thấy cần thiết tặng ảnh cho tôi thì ngày mai mời ông đến tiệm ăn” .

- Tháng 6, trước ngày 13: Nguyễn Ái Quốc viết thư từ biệt gửi các bạn cùng hoạt động trước khi bí mật rời Pari. Sau những dòng mở đầu:

Các bạn thân mến,

Bao lâu nay chúng ta làm việc với nhau. Mặc dầu chúng ta là những người khác giống, khác nước, khác tôn giáo, chúng ta đã thân yêu nhau như anh em.

Chúng ta cùng chịu chung một nỗi đau khổ: sự bạo ngược của chế độ thực dân. Chúng ta đấu tranh vì một lý tưởng chung: giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta".

Nguyễn Ái Quốc nêu lên câu hỏi: “Chúng ta phải làm gì?” và trả lời: “Chúng ta không thể đặt vấn đề ấy một cách máy móc. Điều đó tuỳ hoàn cảnh của mỗi dân tộc chúng ta". Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập”.

Nói lên tình cảm với các đồng chí của mình, Nguyễn Ái Quốc viết:“Tôi từ giã các bạn. Tôi xa các bạn, nhưng lòng tôi luôn luôn gần các bạn”. Cuối thư, Nguyễn Ái Quốc đã dành những lời thắm thiết nhất cho hai cháu nhỏ: “Chú sẽ luôn luôn nhớ đến các cháu. Các cháu luôn luôn vẫn là cô bé Alítxơ và cậu bé Pôn thân yêu của chú...”. “Các cháu nhỏ thân yêu của chú, chú hôn các cháu rất kêu. Các cháu hôn mẹ hộ chú”.



- Tháng 6, ngày 13: Buổi tối, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Pari đi Liên Xô, đất nước mà Người mơ ước được đặt chân tới. Để đi được trót lọt trong hoàn cảnh bị mật thám Pháp thường xuyên theo dõi, Nguyễn Ái Quốc đã mất một thời gian khá dài để chuẩn bị cho cuộc ra đi này. Người đã làm việc và sinh hoạt thật nền nếp: buổi sáng đi làm, buổi chiều đến thư viện, tối dự mít tinh, khuya về nhà ngủ, để mật thám Pháp quen với “quy luật hoạt động” của Nguyễn Ái Quốc.

Người cũng nắm vững “quy luật hoạt động” của chúng: chúng chỉ theo Người từ nhà trọ đến chỗ làm việc, đến chỗ đọc sách, đến nơi hội họp. Sau đó, tin chắc rằng Nguyễn Ái Quốc chẳng đi đâu mất, chúng ra về.

Tối ngày 13-6, Nguyễn Ái Quốc ung dung lên xe buýt đi tham gia một cuộc mít tinh ở ngoại ô Pari. Độ nửa giờ sau, Người lặng lẽ đi quanh về ga xe lửa. Một đồng chí tin cẩn đã chờ sẵn ở đó, trao cho Người một vé xe lửa hạng nhất (khách loại sang thường ít bị mật thám nghi ngờ) và một vali con.

Sau này, nhắc lại cuộc ra đi ấy, Bác Hồ nói: “Bác cố trấn tĩnh, nhưng đến khi xe lửa qua khỏi biên giới Pháp - Đức, trong ngực mới hết phập phồng”.

Chắc chắn là bọn mật thám phụ trách gác Bác sẽ được quan thượng thư thuộc địa “thưởng” cho một mẻ nên thân! Mà chính quan thượng thư cũng tức mình đến “ung thư phát bối".

- Tháng 6, ngày 16: Trên đất Đức, Nguyễn Ái Quốc được Cơ quan đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết Liên bang Nga tại Béclin cấp cho giấy đi đường số 1829 với tên CHEN VANG.

- Tháng 6, ngày 18: Nguyễn Ái Quốc, dưới bí danh Chen Vang, được Sở cảnh sát Béclin cấp giấy phép tạm trú và đi lại trên lãnh thổ Đức. Giấy này có giá trị từ ngày 18-6-1923 đến ngày 22-6-1923

- Tháng 6, ngày 25: Nguyễn Ái Quốc dưới bí danh Chen Vang nhận giấy thị thực nhập cảnh số 361370.

- Tháng 6, sau ngày 25, trước ngày 30: Nhờ sự giúp đỡ của cơ quan đại diện Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết Liên bang Nga tại Béclin, Nguyễn Ái Quốc lên tàu Các Lípnếch (Karl Liebnek) của Liên Xô khởi hành từ cảng Hămbuốc (Hambourg) đi Pêtơrôgrát.

- Tháng 6, ngày 30: Nguyễn Ái Quốc đến cảng Pêtơrôgrát. Lần đầu tiên Người đặt chân lên mảnh đất của Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết. Người đã xuất trình hộ chiếu mang tên Chen Vang để bộ đội biên phòng đóng dấu thị thực nhập cảnh.

- Trong tháng 6 – 1923: Ba bài viết của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Le Paria, số 15.

Bài thứ nhất: Không phải chuyện đùa. Nhân một “kiến nghị khôi hài” của các ông nghị thỉnh cầu Chính phủ Pháp cho tất cả các trường học các cấp phải dạy rằng “nước Pháp là một nước 100 triệu dân. Không hơn không kém một người”, bài báo bàn về những hậu quả sẽ như thế nào nếu quả thực kiến nghị ấy được chấp nhận đối với các quan chức trong Bộ Thuộc địa, các vị thống soái và những nhà chính trị, v.v.. Còn đối với nhân dân bản xứ, theo tác giả, chắc họ “cũng hết sức hoan nghênh nó”“Một khi chúng tôi là người Pháp, lập tức chúng tôi sẽ gửi một đoàn khai hoá đến khắp nước Pháp… chúng tôi sẽ làm lại ở đây tất cả những gì mà những kẻ nguyên là bề trên của chúng tôi đã làm trên đất nước chúng tôi, cho chúng tôi hoá ra là người Pháp”…

Bài thứ hai: Diễn đàn Đông Dương, tố cáo ông Bôđoanh (Baudoin) giả mạo giấy tờ, ông Đáclơ ăn hối lộ, ông Têa (Théard) tham nhũng, ông Buđinô (Boudineau) nhét túi số tiền lời của một chợ phiên, đòi đút lót khi cấp một giấy phép hay một loại giấy tờ gì đó… nhưng rốt cục, họ vẫn giữ chức quyền không ai làm rầy rà gì họ cả. Tác giả kết luận: “Bao giờ người ta cũng vì uy tín chủng tộc, mà xá tội cho lũ “vô lại khả ố”. Bao giờ người ta cũng nhân danh nhân dân Pháp mà bắt công lý làm đĩ bợm. Văn minh là như thế đó!”.

Bài thứ ba: Trò Méclanh, ký bút danh N., vạch trần một trò hề mà Méclanh đã làm trước khi sang nhậm chức ở Đông Dương.

Bữa đó, “quan lớn” Mácxian Méclanh ra lệnh cho nhóm thanh niên Annammít được trợ cấp, đi theo Ngài đến Vườn Người chết ở Nôgiăng (Nojent) trên sông Mácnơ (Marne) để đọc một bài diễn văn do “quan lớn” cho dàn ý.

Tác giả mỉa mai: “Cố nhiên, bài diễn văn xào nấu trong các thứ nước cốt của quan lớn như vậy, thì hương vị của lòng trung thành và lòng ái mộ bất diệt đối với nước Pháp phải xông lên đến ngạt mũi…



Nếu người chết nói được, như bọn đồng cốt bảo thế, thì những hồn ma An Nam ở Nôgiăng sẽ lên tiếng: “Cảm ơn, ông Toàn quyền! Nhưng xin làm ơn… cút đi cho!”.

- Tháng 6, ngày 13, 1924: Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho đồng chí Pêtơrốp, Tổng Thư ký Ban Phương Đông đề nghị cấp thẻ dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản.

- Tháng 6, ngày 15: Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội lần thứ IV của Quốc tế Cộng sản Thanh niên họp ở Mátxcơva.

Cùng ngày, Nguyễn Ái Quốc cùng với các đại biểu về dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản tham dự cuộc gặp mặt giữa nhân dân Mátxcơva với các đại biểu, tổ chức tại Đồi Lênin, Mátxcơva. Nguyễn Ái Quốc đã gặp và nói chuyện với một thiếu niên Nga tên là V. Mácximốp.



- Tháng 6, ngày 17: Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản với tư cách là đại biểu tư vấn. Đại hội họp tại cung Anđrâyépxki trong Điện Kremli (Mátxcơva) với sự tham gia của 504 đại biểu của 49 Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân thay mặt cho 1.319.000 đảng viên cộng sản trên toàn thế giới và 10 tổ chức quốc tế.

Phiên khai mạc đại hội tổ chức vào buổi tối.

Tại phiên họp này, trước khi V. Côlarốp đọc Nghị quyết và lời kêu gọi nhân dịp đại hội, Nguyễn Ái Quốc nêu câu hỏi: "Tôi muốn biết đại hội có gửi lời kêu gọi đặc biệt đến các nước thuộc địa không?". Sau khi nghe V.Côlarốp giải thích rằng: Trong chương trình của đại hội đã có nêu vấn đề thuộc địa, vấn đề các nước phương Đông, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, tất cả các đại biểu đều có thể phát biểu thêm về vấn đề trên. Nguyễn Ái Quốc đề nghị: "Trước khi biểu quyết thông qua lời kêu gọi, tôi đề nghị bổ sung thêm mấy chữ: "Gửi các dân tộc các nước thuộc địa"". Đề nghị trên của Nguyễn Ái Quốc đã được đại hội chấp nhận.

Cùng ngày, bài viết của Nguyễn Ái Quốc, nhan đề Những cái tốt đẹp của nền văn minh Pháp, đăng trên Tập san Inprekorr, bản tiếng Pháp, số 32. Mở đầu tác giả trích lời ông Pôn Tápponniê phát biểu tại Hạ nghị viện Pháp về vấn đề đại diện của dân bản xứ các thuộc địa tại Quốc hội: "Nước Pháp vốn hào hiệp và đức khoan nhân của nước Pháp được biểu hiện trong mọi trường hợp. Không có gì có thể sánh tầy nền văn minh Pháp". Tác giả đã kể ra những "đức tính bất hủ của nước Pháp - ngoài cái đức tính rất cương quyết khai hoá dân bản xứ bằng đại bác và lưỡi lê". Đó là bắt dân phải lễ phép với người Âu và sẵn sàng ra lệnh bắt những người dân nào "vì mải làm""đã dám không chào ngài".

Đó là buộc người dân phải "rộng lượng" trong các cuộc lạc quyên để mừng sinh nhật các quan lớn, hoặc để tiếp đón một phái viên của nền cộng hoà. Đó là đòi hỏi "các thuộc địa phải đưa tất cả sức lực của mình, tất cả khả năng của mình, tất cả ý chí của mình, tất cả tài nguyên của mình" để tỏ "lòng hào hiệp" của mình góp phần phục hưng kinh tế của nước mẹ. Đó là "bình đẳng" nhưng "Trong lúc người bản xứ bị tù đày vì những duyên cớ vu vơ, thì bọn thực dân và bọn quan cai trị phạm tội giết người, hối lộ, mua bán chức tước, ăn cắp, vẫn nhẹ bước thang mây". Đó là "tự do" giả tạo và "nhân đạo" giả dối...

- Tháng 6, ngày 23: Nguyễn Ái Quốc phát biểu ý kiến tại phiên họp thứ 8 Đại hội lần V Quốc tế Cộng sản, sau bài nói của Branle (Brandler). Người nói: "Tôi đến đây để không ngừng lưu ý Quốc tế Cộng sản đến một sự thật là: thuộc địa vẫn đang tồn tại, và vạch ra để Quốc tế Cộng sản thấy rằng: cách mạng, ngoài vấn đề tương lai của các thuộc địa còn có cả nguy cơ của các thuộc địa. Song, tôi thấy rằng hình như các đồng chí chưa hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng rằng vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa. Vì vậy, tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội có được, gợi ra những vấn đề và nếu cần tôi sẽ thức tỉnh các đồng chí về vấn đề thuộc địa".

Những ý kiến phát biểu tiếp theo của Nguyễn Ái Quốc tập trung làm nổi bật luận điểm không thể đánh chết rắn đằng đuôi, muốn đánh bại chủ nghĩa tư bản thì phải bắt đầu bằng việc tước đoạt các thuộc địa của chúng, vì "hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc. Các thuộc địa cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy; các thuộc địa cung cấp binh lính cho quân đội của chủ nghĩa đế quốc. Các thuộc địa trở thành nền tảng của lực lượng phản cách mạng".

Cuối cùng, Người kết luận: "Bàn về khả năng và các biện pháp thực hiện cách mạng, đề ra kế hoạch của cuộc chiến đấu sắp tới, các đồng chí Anh và Pháp cũng như các đồng chí ở các đảng khác hoàn toàn bỏ qua luận điểm cực kỳ quan trọng có tính chiến lược này. Chính vì thế, tôi hết sức kêu gọi các đồng chí: Hãy chú ý!".

* Năm 1925

- Sau tháng 5: Nguyễn Ái Quốc viết Báo cáo gửi Quốc tế Nông dân về Nghị quyết của Đảng bộ Quốc dân Đảng Quảng Đông về vấn đề nông dân.

Bản báo cáo cho biết Nghị quyết của Đảng bộ Quốc dân Đảng Quảng Đông đã chỉ rõ rằng: "Cuộc cách mạng dân tộc không thể hoàn thành nếu không có sự ủng hộ của quần chúng" . Từ đó bản nghị quyết đã nêu lên những vấn đề sau:



- Xoá bỏ sự độc quyền ruộng đất và các thứ thuế nặng.

- Cấm cho vay nặng lãi, cấm thu hồi ruộng đất.

- Thiết lập ngân hàng và các hợp tác xã nông dân.

- Rút ngắn ngày lao động, tăng lương và đối xử bình đẳng với người làm thuê.

- Xoá bỏ các hội hương dũng, hương vệ...

- Cấp ruộng cho những nông dân không có ruộng.

- Về giáo dục, tổ chức lớp học buổi tối cho người lớn và trường không thu học phí cho trẻ em.

- Tháng 6, ngày 21: Tuần báo Thanh niên, cơ quan trung ương của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên.

- Trong tháng 6- 1925:  Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Mục đích của hội là: "Hy sinh tính mệnh, quyền lợi, tư tưởng để làm cuộc cách mệnh dân tộc (đập tan bọn Pháp và giành lại được độc lập cho xứ sở) rồi sau làm cách mệnh thế giới (lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện chủ nghĩa cộng sản)".

Điều lệ của hội đề cập đến Chương trình hoạt động như kết nạp hội viên; tổ chức các đoàn thể như Công hội, Nông hội, Hội học sinh, Hội phụ nữ..., thành lập Chính phủ nhân dân; áp dụng những nguyên tắc "tân kinh tế chính sách", đoàn kết với những giai cấp vô sản của tất cả các nước và thành lập xã hội cộng sản.

Điều lệ còn quy định cụ thể các vấn đề  điều kiện vào hội, lề lối tổ chức, cơ cấu các cấp trung ương, xứ uỷ, tỉnh uỷ, huyện uỷ, chi bộ, vấn đề tiến hành hội nghị thường kỳ của các cấp và hội nghị toàn quốc. Các vấn đề kỷ luật, nhiệm vụ hội viên... cũng được bản Điều lệ quy định rõ ràng.

Trụ sở của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đặt tại Quảng Châu (Trung Quốc).



* Năm 1926

- Tháng 6, ngày 3: Nguyễn Ái Quốc gửi báo cáo cho Quốc tế Cộng sản (Báo cáo của Đông Dương) về những công việc đã làm cho Đông Dương từ khi Người đến Quảng Châu, như tổ chức được một tổ bí mật, một Hội liên hiệp nông dân của những người Việt Nam sống ở Xiêm, một tổ thiếu nhi, một tổ phụ nữ cách mạng, một trường huấn luyện chính trị, xuất bản tờ báo Thanh niên...

Báo cáo cũng nhắc đến Hội liên hiệp các thuộc địa ở Pari, về hai tờ báo Le Paria (viết bằng tiếng Pháp) và Việt Nam hồn (viết bằng tiếng Việt), và nhờ tổ chức liên lạc giúp với Nguyễn Thế Truyền gửi các báo đó cho Nguyễn Ái Quốc. Ngoài ra, còn nhờ nhắc hiệu sách của Đảng gửi cho Người các báo L'Humanité, La Vie Ouvrière và Tập san Inprekorr bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. 



* Năm 1928

- Đầu tháng 6: Nguyễn Ái Quốc rời nước Đức, bắt đầu cuộc hành trình để về gần Tổ quốc. Từ Đức, Người qua Thuỵ Sĩ rồi sang Italia. Sau này, nhắc lại kỷ niệm về chuyến đi đó, Người kể: “Khi Bác xin cấp phép đi qua nước Ý, cơ quan phát xít hỏi nhiều câu lôi thôi. Đến biên giới, cơ quan biên phòng phát xít giở xem quyểnTừ điển chống cộng quốc tế dày khoảng 2.000 trang, ghi tên tuổi những người cách mạng các nước từ chữ A đến Z. Không thấy có tên mới của Bác trong đó, chúng chào lễ phép và nói: “Mời ông cứ đi!”.

Đến phía Bắc nước Ý, Bác ghé vào xem hội chợ ở Milan (Milano), một thành phố buôn bán phồn thịnh nhất nước Ý… Khi đi xem phong cảnh Thủ đô Rôm, Bác bị hỏi giấy tờ và bị đưa về Sở Công an. Cũng nhờ bị bắt mà Bác hiểu thêm cách thống trị của phát xít. Trên các đường phố, cứ cách độ 100 thước thì có một tên mật thám. Tên mật thám hỏi giấy và bắt Bác hầu như mù chữ. Tại Sở Mật thám, chúng ra vẻ lễ độ. Tên trưởng phòng đứng dậy bắt tay Bác, mời Bác ngồi và mời Bác hút thuốc, rồi hỏi những câu bâng quơ. Những người ít kinh nghiệm thì dễ rơi vào cạm bẫy của chúng…”.

Trong thời gian ở Milan, Nguyễn Ái Quốc thường đến ăn tại quán ăn Tơráttôria Lapôsa (Trattoria Laposa) số 10 đường Pasubiô.

- Cuối tháng 6: Từ cảng Napôli (Napoli), Nguyễn Ái Quốc đáp tàu Nhật Bản đi Xiêm. Trên đường từ Italia về Xiêm, Người dừng lại ở Xâylan (Ceylan) ít ngày. Sau đó Nguyễn Ái Quốc đi tàu khác trở về Xiêm.

- Trong tháng 6 – 1928: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Wang, nhan đề Chế độ thực dân Pháp và xứ Đông Dương, đăng trên Tập san Inprekorr, bản tiếng Pháp, số 49.

Mặc dầu đã phải áp dụng ở xứ thuộc địa rộng nhất và giàu nhất này chính sách ngu dân, chính sách khủng bố và mật thám để bóp nghẹt những quyền tự do tối thiểu của dân chúng, vậy mà chủ nghĩa đế quốc Pháp vẫn phải nơm nớp lo sợ cho nền thống trị của chúng. Chúng sợ cách mạng từ ngoài nhập vào và đã tìm mọi cách đối phó, kể cả trò bịp chính trị hòng trừ khử nguy cơ đó. Song như tác giả nhận định: “Dù bọn xã hội đế quốc chủ nghĩa có đề phòng như thế nào đi nữa, thì nạn nghèo khổ và sự bóc lột vẫn cứ thúc đẩy người dân Đông Dương làm cách mạng, để đạp đổ ách thống trị tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc Pháp”.



* Tháng 6 – 1929: Vở kịch lịch sử do Nguyễn Ái Quốc viết về Hoàng Hoa Thám và hai vở kịch đả kích những tên bán nước Lê Hoan, Hoàng Cao Khải, được Việt kiều ở Sacôn trình diễn nhân dịp kỷ niệm ngày Phạm Hồng Thái hy sinh (ngày 19-6).

(Theo Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử - Tập 1- Nxb CTQG,  năm 2006)

Lê Quang Thới ( tổng hợp)  


tải về 115.91 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương