+ Luật về kiểm toán của Armenia (The Law of the Republic of Armenia on Auditing)



tải về 123.83 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu25.09.2016
Kích123.83 Kb.
#32384







BỘ TÀI CHÍNH




CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM



Độc lập - Tự do - Hạnh phúc










BÁO CÁO TÓM TẮT KINH NGHIỆM CÁC NƯỚC

VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA LUẬT KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP



1. Về tên gọi của Luật điều chỉnh hoạt động kiểm toán độc lập

- Một số nước có Luật quy định riêng về kiểm toán độc lập tương tự như dự thảo Việt Nam gồm:

+ Luật về kiểm toán của Nga (Federal Law No. 119-FZ On Auditing);

+ Luật về kiểm toán của Macedonia (Audit Law);


+ Luật về kiểm toán của Armenia (The Law of the Republic of Armenia on Auditing).


+ Luật về hoạt động kiểm toán của Beralus (Law of the Republic of Belarus On Auditing Activities);

- Một số nước có Luật riêng cho kế toán viên công chứng (CPA) (như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh, Úc (thường gọi là Certified Public Accountnats Act) quy định các vấn đề liên quan đến CPA như tiêu chuẩn trở thành CPA, điều kiện hành nghề, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của CPA, tổ chức nghề nghiệp của CPA,… Còn các vấn đề liên quan đến đơn vị được kiểm toán (quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, chỉ định, bổ nhiệm, thay đổi kiểm toán viên, …) được quy định trong Luật Công ty hoặc Luật doanh nghiệp.

- Có nước có luật riêng về tổ chức nghề nghiệp tự quản của kiểm toán viên
(như Nga);

2. Về tiêu chuẩn của kiểm toán viên

Phần lớn các nước thường quy định: (1) có bằng đại học kinh tế hoặc luật được Nhà nước chính thức công nhận; (2) đạt kỳ thi kiểm toán viên; (3) Có ít nhất 3 năm kinh nghiệm công tác trong kế toán, kiểm toán (hoặc trong ngành kinh tế hoặc luật).

- Macedonia: kiểm toán viên hành nghề phải thỏa mãn các yêu cầu sau:

+ Có trình độ đại học chuyên ngành kinh tế; Người dự thi phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kế toán, tài chính hoặc 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán và kiểm soát.



- Ở Nga: Người nộp đơn xin cấp chứng chỉ hành nghề kiểm toán:

+ Có bằng đại học kinh tế hoặc luật .

+ Có ít nhất ba năm kinh nghiệm công tác trong ngành kinh tế hoặc luật.

- Ở Phillipines:

Tiêu chuẩn đối với người dự thi KTV: phải là công dân Philippines; phải có phẩm chất đạo đức tốt; phải là người có bằng Cử nhân Khoa học Kế toán được cấp bởi trường phổ thông, trường cao đẳng, học viện hoặc viện đã được CHED hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác của chính phủ công nhận và/hoặc kiểm định; chưa bị kết án lần nào về các tội liên quan đến sự suy đồi đạo đức.



- Ở Armenia :

Điều kiện dự thi KTV (không phân biệt công dân của Cộng hoà Armenia, người nước ngoài):

(a) Có bằng đại học chuyên ngành về kinh tế trừ bằng của các trường không chính quy, đã ra trường được 5 năm tính đến ngày nộp đơn xin cấp chứng chỉ, trong đó có ít nhất 3 năm kinh nghiệm về kiểm toán. hoặc

(b) Có bằng đại học trừ bằng của các trường không chính quy, đã ra trường được 7 năm tính đến ngày nộp đơn xin cấp chứng chỉ hành nghề, trong đó có ít nhất 5 năm kinh nghiệm về kiểm toán.



- Ở Belarus:

Các điều kiện bắt buộc đối với người dự thi để nhận được chứng chỉ kiểm toán viên là: Có bằng cử nhân về kinh tế hoặc luật được Nhà nước chính thức công nhận; Có kinh nghiệm làm việc chuyên môn liên quan đến kinh tế hoặc pháp luật không dưới 3 năm.



- Ở Balan : Cá nhân muốn có tên trong danh sách KTV quốc gia phải thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu sau:

(1) Được hưởng đầy đủ quyền công dân và có đầy đủ năng lực để thực hiện theo đúng pháp luật, (2) Có lập trường vững vàng, có đầy đủ phẩm chất tốt để chứng tỏ có thể hành nghề KTV quốc gia; (3) Có bằng cấp do Ba Lan cấp hoặc bằng do nước ngoài cấp đã được Ba Lan công nhận, thành thạo tiếng Ba Lan, cả kỹ năng viết và nói; (4) Có 3 năm hành nghề kiểm toán ở Ba Lan, trong đó có ít nhất 2 năm làm việc có sự giám sát của một KTV, và điều này phải được Uỷ ban thi tuyển xác nhận; (5) Đã thi đỗ các kỳ sát hạch về kiểm toán do Uỷ Ban tổ chức; (7) Đã có bằng KTV quốc gia

(2) Các cá nhân muốn đăng ký vào danh sách KTV quốc gia phải là công dân Ba Lan, hoặc trên nguyên tắc về thừa nhận lẫn nhau, cho dù không phải là công dân Ba Lan nhưng có bằng cấp quốc tế do nước ngoài cấp, được công nhận bởi khối các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) hoặc của Hội tự do mậu dịch của Liên minh Châu Âu (EFTA), là thành viên tham gia Hiệp định về khu vực kinh tế Châu Âu (EEA), sau khi đã thi đỗ kỳ thi luật kinh tế do Ba Lan tổ chức. Kỳ thi này sử dụng ngôn ngữ Ba Lan do UB tổ chức.

3. Về các loại hình doanh nghiệp kiểm toán

- Ở Trung Quốc

Các công ty kiểm toán trong nước được thành lập dưới 2 hình thức:

+ Công ty hợp danh

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn.

Các công ty kiểm toán nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc chỉ được thành lập dưới hình thức hợp đồng hợp tác liên doanh giữa đối tác Trung Quốc và đối tác nước ngoài, chịu trách nhiệm hữu hạn.

- Ở Singapore

Công ty kiểm toán được thành lập dưới các hình thức:

+ Công ty một chủ sở hữu

+ Công ty hợp danh (hợp danh thông thường hoặc hợp danh hữu hạn).

+ Công ty TNHH.

- Ở Malaysia

Các công ty kiểm toán chỉ được thành lập dưới hình thức công ty hợp danh thông thường, không được thành lập dưới loại hình doanh nghiệp khác.



- Ở Hồng Kông

Công ty kiểm toán được thành lập theo 2 hình thức:

+ Công ty hợp danh thông thường

+ Công ty TNHH kiểm toán.



- Ở Thái Lan

Công ty kiểm toán được thành lập theo 3 hình thức:

+ Công ty hợp danh thông thường

+ Công ty hợp danh hữu hạn

+ Công ty TNHH.

- Ở Srilanka

Công ty kiểm toán chỉ được thành lập theo hình thức công ty hợp danh thông thường, không được lựa chọn loại hình doanh nghiệp khác.



- Ở Ba Lan

Công ty kiểm toán được thành lập theo 3 hình thức:

+ Công ty hợp danh dân sự;

+ Công ty hợp danh vô hạn;

+ Công ty hợp danh hữu hạn.

- Ở Hà Lan

Công ty kiểm toán được thành lập theo 2 hình thức:

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn

+ Công ty hợp danh.



4. Về quy định số lượng kiểm toán viên tối thiểu khi thành lập doanh nghiệp kiểm toán

- Ở Nga

Các công ty kiểm toán phải có ít nhất là 5 người có chứng chỉ kiểm toán viên trong đó có giám đốc công ty kiểm toán.



- Ở Nhật Bản

Để thành lập một công ty kiểm toán phải có ít nhất 05 CPA là chủ phần hùn của công ty kiểm toán này.



- Ở Trung Quốc

Công ty kế toán, kiểm toán thành lập theo hình thức hợp danh phải có ít nhất 2 CPA còn công ty kế toán, kiểm toán thành lập theo hình thức trách nhiệm hữu hạn phải có ít nhất 5 CPA.



- Ở Macedonia

Công ty kiểm toán được thành lập phải có ít nhất 2 kiểm toán viên đăng ký hành nghề.



- Ở Armenia

Một tổ chức thương mại được cấp Giấy phép hành nghề dịch vụ kiểm toán khi có ít nhất 2 kiểm toán viên và một trong số họ là người đứng đầu bộ phận quản lý của tổ chức đó và ít nhất một nửa số sáng lập viên (thành viên góp vốn) là kiểm toán viên.



- Ở Belarus

Tổ chức kiểm toán phải có không dưới 3 kiểm toán viên; không dưới 50% nhân viên trong tổ chức kiểm toán phải là công dân Belarus và nếu lãnh đạo tổ chức kiểm toán là người nước ngoài thì số nhân viên là công dân Belarus phải là 75% và chỉ các kiểm toán viên mới có thể làm lãnh đạo trong tổ chức kiểm toán.



5. Về quy định mức vốn tối thiểu khi thành lập doanh nghiệp kiểm toán

- Ở Trung Quốc:

Công ty hợp danh kiểm toán không quy định mức vốn tối thiểu, công ty trách nhiệm hữu hạn kiểm toán phải có mức vốn tối thiểu là 300.000 nhân dân tệ, công ty kiểm toán liên doanh giữa nước ngoài và Trung Quốc phải có mức vốn tối thiểu 300.000 nhân dân tệ khi thành lập.



- Ở Singapore

Mức vốn tối thiểu của doanh nghiệp kiểm toán phải lớn hơn 50.000 đô la Singapore;



- Ở Hàn Quốc

Vốn kinh doanh của một công ty kế toán không được ít hơn 500 triệu Won (khoảng 480.000 USD).



- Ở Nga, Nhật Bản, Macedonia, Armenia, Belarus, Thái Lan:

Không quy định mức vốn tối thiểu khi thành lập doanh nghiệp kiểm toán.



6. Về tiêu chuẩn, điều kiện thành lập doanh nghiệp kiểm toán

- Ở Nga

+ Công ty kiểm toán có thể được thành lập dưới bất kỳ hình thức tổ chức và pháp nhân nào, trừ công ty cổ phần đại chúng và doanh nghiệp tư nhân một thành viên.

+ Tối thiểu 50% tổng số nhân viên công ty kiểm toán phải là công dân Nga nếu giám đốc là công dân Nga và tối thiểu là 75% tổng số nhân viên công ty kiểm toán phải là công dân Nga nếu giám đốc là công dân nước ngoài.

+ Bắt buộc là hội viên của một Hội nghề nghiệp;

+ Có bảo hiểm trách nhiệm dân sự khi kiểm toán;

+ Tối thiểu 51% vốn điều lệ của công ty kiểm toán phải thuộc về các kiểm toán viên;

+ Giám đốc công ty kiểm toán phải có chứng chỉ KTV;

+ Công ty kiểm toán phải có ít nhất là 5 người có chứng chỉ kiểm toán viên.



- Ở Nhật

+ Để thành lập một công ty kiểm toán phải có ít nhất là năm KTVCC là chủ phần hùn của công ty kiểm toán này và phải cùng nhau quy định Điều lệ công ty;

+ Các điều khoản về thành lập công ty phải nêu lên ít nhất những nội dung về mục đích hoạt động; tên của công ty kiểm toán; địa chỉ trụ sở chính; tên và địa chỉ các chủ phần hùn; những vấn đề về góp vốn của các chủ phần hùn và việc hành nghề;

- Ở Trung Quốc

Để thành lập công ty hợp danh kiểm toán cần đáp ứng các điều kiện:

+ Có tối thiểu 2 CPA làm việc toàn bộ thời gian cho công ty kiểm toán.

+ Phải có hợp đồng bằng văn bản, tên gọi công ty và trụ sở cố định.

Điều kiện thành lập công ty kiểm toán trách nhiệm hữu hạn:

+ Có tối thiểu 5 CPA.

+ Có số lượng nhân viên nhất định làm việc toàn thời gian, có vốn đăng ký tối thiểu là 300.000 nhân dân tệ, phải có tên gọi và trụ sở cố định.

Điều kiện thành lập công ty kiểm toán liên doanh giữa nước ngoài và Trung Quốc:

+ Thành viên phía nước ngoài phải có: (1) Công nghệ tiên tiến và danh tiếng tốt; (2) doanh thu hàng năm trên 20 triệu đô la; (3) chuyên viên kiểm toán không dưới 200 người.

+ Thành viên phía Trung Quốc phải có: (1) chuyên môn vững và danh tiếng tốt; (2) độc lập; (3) có giấy phép cung cấp dịch vụ kiểm toán; (4) doanh thu hàng năm hơn 10 triệu nhân dân tệ; (5) chuyên viên kiểm toán không dưới 100 người.

+ Có mức vốn tối thiểu 300.000 nhân dân tệ.



- Ở Macedonia

+ Kiểm toán viên đăng ký hành nghề có thể đứng ra lập công ty kiểm toán.

+ Người sáng lập công ty kiểm toán là một tổ chức thì số vốn của tổ chức trong phần vốn của công ty kiểm toán là dưới 25% tổng vốn đầu tư.

+ Người sáng lập công ty kiểm toán chỉ có thể được thành lập một công ty kiểm toán.

+ Công ty kiểm toán phải có ít nhất là 2 kiểm toán viên đăng ký hành nghề.

- Ở Armenia

Kiểm toán viên có thể đăng ký hành nghề cá nhân hoặc trong một tổ chức kiểm toán trừ những công ty liên doanh mở, đều có quyền xin cấp Giấy phép hành nghề kiểm toán, nếu:

+ Có ít nhất 2 kiểm toán viên và một trong số họ là người đứng đầu bộ phận quản lý của tổ chức đó;

+ Có ít nhất một nửa số sáng lập viên (thành viên góp vốn) là kiểm toán viên và trên 50% vốn pháp định của tổ chức thuộc phần vốn góp của các kiểm toán viên, hoặc ít nhất 75% vốn pháp định của tổ chức là phần vốn góp của các kiểm toán viên và các tổ chức kiểm toán đã đăng ký ở nước ngoài.



- Ở Hàn Quốc

+ Công ty kế toán, kiểm toán không được có ít hơn 10 CPA trong số các giám đốc và nhân viên.

+ Công ty kế toán, kiểm toán phải có ít nhất 3 thành viên trong Ban giám đốc là kế toán viên công chứng (CPA);

+ Ít nhất 3 nhân viên của công ty phải là CPA.

+ Vốn kinh doanh của một công ty kế toán không được ít hơn 500 triệu Won (khoảng 480.000 USD).

- Ở Belarus

+ Tổ chức kiểm toán là một tổ chức thương mại thực hiện hoạt động kiểm toán và cung cấp các dịch vụ liên quan đến kiểm toán.

+ Tổ chức kiểm toán phải có không dưới 3 kiểm toán viên và không dưới 50% nhân viên trong tổ chức kiểm toán phải là công dân Belarus và nếu lãnh đạo tổ chức kiểm toán là người nước ngoài thì số nhân viên là công dân Belarus phải là 75%.

+ Người lãnh đạo của tổ chức kiểm toán phải là kiểm toán viên.



- Ở Thái Lan

+ Công ty kiểm toán phần lớn được người Thái Lan nắm giữ;

+ Giám đốc công ty kiểm toán phải mang quốc tịch Thái Lan và có chứng chỉ kiểm toán viên công chứng;

+ Công ty TNHH kiểm toán phải có tối thiểu 3 thành viên góp vốn và công ty hợp danh phải có ít nhất 2 thành viên góp cổ phần.



- Ở Singapore

+ Vốn góp tối thiểu phải lớn hơn 50.000 đô la Singapore;

+ 2/3 số lượng giám đốc phải là kế toán viên công chứng, nếu công ty có 1 hoặc 2 giám đốc thì giám đốc đó phải là kế toán viên công chứng.

+ Các kiểm toán viên nắm giữ tối thiểu 2/3 vốn doanh nghiệp.


7. Về cơ quan cấp phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp kiểm toán

- Ở Indonesia

Bộ Pháp luật phê duyệt giấy phép thành lập cho doanh nghiệp kiểm toán (như các doanh nghiệp bình thường khác); Để được phép hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán, doanh nghiệp kiểm toán phải được Bộ Tài chính cấp giấy phép. Để được kiểm toán công ty niêm yết phải được cơ quan quản lý thị trường chứng khoán chấp thuận.



- Ở Trung Quốc

Việc thành lập công ty kiểm toán phải có sự chấp thuận của Bộ Tài chính (đối với doanh nghiệp địa phương là Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc TW hoặc Khu tự trị), sau đó Sở báo cáo cho Bộ Tài chính.



- Ở Singapore

Việc cấp phép thành lập doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kiểm toán do Cơ quan quản lý kiểm toán viên và doanh nghiệp (Accounting and Coporate Regulatory Authority – ACRA) thực hiện. ACRA là cơ quan của Nhà nước thuộc Bộ Tài chính. ACRA cũng thực hiện quản lý việc hành nghề của kiểm toán viên dưới sự hỗ trợ của Uỷ ban Giám sát các kế toán viên công chứng (The Public Accountants Oversight Committee - PAOC). PAOC được thành lập theo quy định của Luật Kế toán Singapore.



- Ở Thái Lan

Bộ Thương mại chịu trách nhiệm về cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp kiểm toán. Việc thành lập doanh nghiệp kiểm toán tuân thủ những quy định chung của Bộ Luật thương mại và dân sự Thái Lan. Để được cung cấp dịch vụ kiểm toán, doanh nghiệp sau khi thành lập sẽ đăng ký với Liên đoàn kế toán chuyên nghiệp (FAP) trong vòng 30 ngày kể từ ngày thành lập và giấy phép sẽ có hiệu lực 3 năm.



- Ở Nhật Bản

Công ty kiểm toán phải được đăng ký bởi Ủy ban Dịch vụ Tài chính (thuộc Chính phủ Nhật). Trong vòng 2 tuần kể từ ngày thành lập hoặc thay đổi điều lệ công ty, công ty kiểm toán phải báo cáo cho Thủ tướng về việc thành lập hoặc thay đổi của mình.



- Ở Hà Lan

Cơ quan quản lý thị trường tài chính Hà Lan là nơi cấp giấy phép thực hiện các cuộc kiểm toán theo luật định cho các công ty kiểm toán đủ điều kiện kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng.



- Ở Macedonia

Bộ Tài chính là nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho công ty kiểm toán



- Ở Hàn Quốc

Công ty kế toán, kiểm toán muốn cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán phải nộp hồ sơ đăng ký với Bộ Tài chính và Kinh tế theo các điều kiện quy định trong Nghị định của Tổng thống.



8. Về cấp giấy phép hành nghề kiểm toán cho kiểm toán viên

- Ở Malaysia

Giấy phép kiểm toán do Bộ Tài chính cấp cho từng cá nhân để hành nghề sau khi họ đã đạt yêu cầu của cuộc phỏng vấn của một Ban thuộc Bộ Tài chính. Từng cá nhân phải là thành viên của Viện kế toán Malaysia (MIA) - đây là cơ quan do Nhà nước thành lập có trách nhiệm giám sát chủ phần hùn kiểm toán và hãng kiểm toán.

Tháng 4/2010 Malaysia đã thành lập Cơ quan giám sát kiểm toán (Audit Oversight Board- AOB) theo yêu cầu của Ủy ban chứng khoán và AOB sẽ là cơ quan đăng ký và giám sát các chủ phần hùn kiểm toán và các công ty kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng còn MIA vẫn tiếp tục giám sát các công ty kiểm toán cho các đơn vị tư nhân.

- Ở Belarus

Bộ Tài chính thực hiện quản lý đăng ký hành nghề cấp nhà nước đối với các kiểm toán viên và công ty kiểm toán



- Ở Úc

Đối với các đối tượng phải kiểm toán theo luật doanh nghiệp, Kiểm toán viên chỉ được ký báo cáo kiểm toán sau khi đã đăng ký và có giấy phép hành nghề kiểm toán do cơ quan Nhà nước cấp đó là Cơ quan quản lý chứng khoán và đầu tư của Úc cấp (Australian Securities & Investments-ASIC).



- Ở Đài Loan

Để được cung cấp dịch vụ kiểm toán, người ký báo cáo phải:

(1) Qua kỳ thi CPA;

(2) Đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định như có 2 năm kinh nghiệm làm việc trở lên hoặc đã hoàn thành các chương trình đào tạo cập nhật kiến thức hàng năm;

(3) Thành lập công ty kiểm toán. Công ty có thể là công ty của một cá nhân hoặc hợp doanh liên kết với những người đáp ứng yêu cầu ở mục (1) và (2);

(4) Công ty kiểm toán này phải gia nhập Hiệp hội kế toán viên công chứng (CPA) và tuân thủ các qui định và chỉ dẫn của hiệp hội CPA.

Cơ quan giám sát CPA Đài Loan là "Ủy ban giám sát tài chính, Nội các của Chính phủ" gần giống với UBCKNN của Việt Nam. Trong thời gian hoạt động, hiệp hội CPA giám sát toàn bộ các công ty kiểm toán. Khi công ty kiểm toán phát hành báo cáo kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng thì "Ủy ban giám sát tài chính, Nội các của Chính phủ" sẽ đồng thời giám sát trực tiếp.

- Ở Nhật Bản

Ủy ban dịch vụ tài chính giám sát các công ty kiểm toán trong quá trình hành nghề của các công ty. Ủy ban dịch vụ tài chính là một tổ chức trực thuộc Chính phủ.



9. Về quy định đơn vị kiểm toán bắt buộc

- Ở Anh

Tất cả các công ty đều phải bắt buộc kiểm toán, trừ các công ty sau:

- Công ty được xếp loại là công ty nhỏ;

- Công ty không hoạt động; và

- Công ty hoạt động phi lợi nhuận.

Trong đó:

(1) Công ty nhỏ là công ty thoả mãn các điều kiện sau:

+ Được xếp loại là công ty nhỏ trong năm;

+ Doanh thu trong năm không lớn hơn 5,6 triệu bảng Anh;

+ Tổng tài sản trong năm không lớn hơn 2,8 triệu bảng Anh; và

+ Số lao động ít hơn 50 người.

Công ty được coi là nhỏ trong năm tài chính tiếp theo:

+ Nếu công ty thỏa mãn điều kiện trong năm tài chính đó và năm trước liền kề;

+ Nếu các điều kiện được đáp ứng trong năm tài chính đó và công ty thỏa mãn là nhỏ trong năm tài chính trước liền kề;

+ Nếu các điều kiện được đáp ứng trong năm trước liền kề và công ty thỏa mãn là là công ty nhỏ trong năm tài chính đó.

(2) Công ty không hoạt động là công ty thoả mãn các điều kiện sau:

+ Công ty không hoạt động kể từ khi thành lập; hoặc

+ Công ty không hoạt động từ cuối năm tài chính trước đó.

(3) Các công ty phi lợi nhuận thuộc đối tượng của kiểm toán nhà nước cũng không phải kiểm toán bắt buộc.

- Ở Singapore

Tất cả các công ty đều bắt buộc phải kiểm toán trừ các công ty sau:

- Các công ty không hoạt động sẽ không bắt buộc phải kiểm toán nếu công ty đó không hoạt động kể từ khi thành lập hoặc từ cuối năm tài chính trước đó.

- Các công ty tư nhân sẽ không bắt buộc phải kiểm toán nếu trong năm tài chính công ty có doanh thu thấp hơn một khoản tiền quy định phù hợp với từng thời kỳ.



- Ở Hàn Quốc
Mọi công ty cổ phần có tổng giá trị tài sản bằng hoặc lớn hơn số tiền quy định trong Nghị định của Tổng thống vào cuối năm tài chính trước phải bắt buộc kiểm toán.

10. Các trường hợp không được kiểm toán

- Ở Nga

Các đối tượng sau đây không được thực hiện kiểm toán:

+ Kiểm toán viên là những người thành lập hoặc tham gia thành lập đơn vị được kiểm toán, là người trực tiếp quản lý, điều hành của các đơn vị này, là nhân viên kế toán, và những người chịu trách nhiệm ghi sổ kế toán hoặc lập báo cáo tài chính;

+ Kiểm toán viên là những người có quan hệ họ hàng gần gũi (cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, con cái cũng như anh chị em, cha mẹ và con cái của vợ/chồng) của người thành lập hoặc tham gia thành lập đơn vị được kiểm toán, nhân viên của đơn vị này, nhân viên kế toán và những người chịu trách nhiệm ghi sổ kế toán hoặc lập báo cáo tài chính;

+ Công ty kiểm toán có nhân viên thuộc ban điều hành và các nhân viên khác là những người thành lập hoặc tham gia thành lập đơn vị được kiểm toán, là nhân viên, nhân viên kiểm toán của đơn vị này và những người chịu trách nhiệm ghi sổ kế toán hoặc lập báo cáo tài chính;

+ Công ty kiểm toán có những người có quan hệ họ hàng gần gũi (cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, con cái cũng như anh chị em, cha mẹ và con cái của vợ/chồng) của người thành lập hoặc tham gia thành lập đơn vị được kiểm toán, nhân viên của đơn vị này, nhân viên kế toán và những người chịu trách nhiệm ghi sổ kế toán hoặc lập báo cáo tài chính;

+ Công ty kiểm toán có liên quan đến đơn vị được kiểm toán (người của đơn vị được kiểm toán là người thành lập hoặc có tham gia vào việc thành lập công ty kiểm toán), có liên quan đến các đơn vị được kiểm toán mà họ là sáng lập viên (cổ đông), liên quan đến các công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc liên quan đến các công ty có cùng sáng lập viên (cổ đông ) với các công ty kiểm toán này.

+ Các công ty kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề cá nhân mà trong ba năm trước khi thực hiện kiểm toán đã cung cấp các dịch vụ kế toán và lập báo cáo tài chính cho các cá nhân kinh doanh và tổ chức pháp nhân có liên quan đến các đơn vị đó.



- Ở Nhật

KTVCC không được thực hiện các dịch vụ kiểm toán và các dịch vụ liên quan đến những tài liệu tài chính trong các trường hợp sau:

+ Tài liệu tài chính của những công ty mà KTVCC này hoặc vợ (chồng) của mình hiện hoặc đã công tác tại đó trong một năm, làm công việc liên quan đến tài liệu tài chính này hoặc là cán bộ phụ trách các vấn đề tài chính;

+ Tài liệu tài chính của các công ty mà KTVCC này hoặc vợ (hoặc chồng) của mình hiện hoặc đã là nhân viên trong một năm qua;

+ Ngoài những tài liệu tài chính nêu trên, tài liệu tài chính của các công ty mà KTVCC có lợi ích đáng kể.

KTVCC hoặc vợ (chồng) của mình có quan hệ liên quan đến việc kinh doanh, tài chính... với các đơn vị được kiểm toán;

Người từng là nhân viên chính phủ cấp Trung ương hoặc nhân viên chính phủ cấp địa phương, trong thời gian công tác hoặc trong hai năm sau khi nghỉ hưu liên quan đến tài chính của các công ty thương mại mà người đó có vị trí, chức vụ nắm giữ trong hai năm trước khi nghỉ hưu.

Luật Hàn Quốc

(1) Kế toán viên công chứng không được phép thực hiện dịch vụ kiểm toán hoặc xác nhận báo cáo tài chính cho những trường hợp sau (Điều 24):

- Kế toán viên công chứng có vợ (chồng) giữ chức vụ giám đốc hoặc vị trí tương đương (kể cả vị trí phụ trách công việc liên quan đến những vấn đề về tài chính), hoặc đã giữ chức vụ đó trong năm trước;

- Người thuê các kế toán viên công chứng là vợ (chồng) hoặc đã thuê họ trong năm trước; hoặc

- Kế toán viên công chứng hay vợ (chồng) có những lợi ích liên quan đến đơn vị được kiểm toán.

- Ghi sổ kế toán và tổng hợp báo cáo tài chính; thực hiện kiểm toán nội bộ theo ủy quyền; Thiết kế hoặc vận hành hệ thống thông tin tài chính; và những công việc khác quy định trong Nghị định của Tổng thống khi có mâu thuẫn với công việc về kiểm toán hoặc xác nhận báo cáo tài chính trong thời gian thực hiện hợp đồng.

(2) Công ty kế toán không được thực hiện kiểm toán và xác nhận báo cáo tài chính cho các trường hợp sau (Điều 24):

- Người (kể cả công ty) có cổ phần hoặc có đóng góp vào công ty kế toán;

- Người có quan hệ với thành viên của công ty kế toán; và

- Người có liên quan đến công ty kế toán đó trong năm trước.



- Ở Macedonia:

- Một công ty kiểm toán có sở hữu cổ phần hay đầu tư tài tài chính vào đối tượng kiểm toán thì sẽ không được phép thực hiện kiểm toán hay ngược lại đối tượng kiểm toán có sở hữu tài chính trong công ty kiểm toán (Điều 13)

- Một kiểm toán viên không được thực hiện cuộc kiểm toán trong các trường hợp sau đây:

+ Là cổ đông, hoặc nhà đầu tư vào đơn vị được kiểm toán

+ Là đại diện hợp pháp của đơn vị được kiểm toán

+ Đã từng là nhân viên hoặc đại diện hợp pháp của đơn vị được kiểm toán trong vòng 3 năm trước khi tiến hành kiểm toán.

+ Là thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát hoặc bất cứ một bộ phận nào của đơn vị được kiểm toán

+ Tham gia vào việc ghi sổ kế toán hoặc lập báo cáo tài chính hàng năm cho đơn vị được kiểm toán; và

+ Có vợ hoặc chồng, hoặc có quan hệ họ hàng gần gũi từ 1 đến 4 đời, là người giám hộ tài sản, giám hộ do luật pháp chỉ định, người bảo vệ, là bố mẹ nuôi, hoặc con nuôi, là trụ cột hoặc người sống nhờ, hoặc là đồng sở hữu hoặc đại diện về pháp luật của đơn vị được kiểm toán.

- Ở Armenia

Việc kiểm toán không được thực hiện bởi:

+ Kiểm toán viên hoặc tổ chức kiểm toán thực hiện các dịch vụ làm kế toán hoặc lập báo cáo tài chính cho đơn vị được kiểm toán, các dịch vụ tư vấn cho năm tài chính trong giai đoạn nào đó;

+ Kiểm toán viên là người sáng lập (thành viên góp vốn), nhà bảo hiểm (trừ các loại hình bảo hiểm bắt buộc) của một đơn vị, hoặc là người đứng đầu một đơn vị pháp nhân hay cơ quan, hoặc là kế toán viên hoặc người phụ trách việc lập báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán, cũng như có quan hệ gần gũi (bố mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em chồng hoặc vợ, bố mẹ, con, anh chị em, ông bà nội ngoại, cháu nội/ngoại) của những người đã đề cập;

+ Những người không phải là kiểm toán viên;

+ Tổ chức kiểm toán là công ty bảo hiểm (trừ các loại hình bảo hiểm bắt buộc) của một đơn vị pháp nhân nào đó, hoặc là người sáng lập (thành viên góp vốn) của một đơn vị pháp nhân hoặc cơ quan nào đó;

+ Tổ chức kiểm toán, người đứng đầu hoặc là người sáng lập (thành viên góp vốn), công ty bảo hiểm (trừ các loại hình bảo hiểm bắt buộc) của một đơn vị pháp nhân hay cơ quan nào đó, hoặc kế toán viên hay người phụ trách việc lập báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán, cũng như có quan hệ gần gũi (bố mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em, chồng hoặc vợ của con, bố mẹ, anh chị em, ông bà nội ngoại, cháu nội/ngoại) của những người đã đề cập;

+ Tổ chức kiểm toán có sự tham gia hoặc sáng lập của một đơn vị pháp nhân hoặc chủ sở hữu duy nhất nào đó;

+ Tổ chức kiểm toán có cùng sáng lập viên hoặc cùng do một đơn vị hoặc cơ quan pháp nhân nào đó tham gia sáng lập.

- Ở Mỹ

Một công ty kiểm toán không được kiểm toán cho một công ty cổ phần nếu đã cung cấp bất cứ dịch vụ nào sau đây:

+ Ghi sổ hoặc các dịch vụ liên quan đến sổ sách kế toán hoặc báo cáo tài chính của khách hàng;

+ Thiết kế và triển khai hệ thống thông tin tài chính;

+ Các dịch vụ định giá;

+ Dịch vụ thống kê bảo hiểm;

+ Dịch vụ kiểm toán nội bộ;

+ Quản lý chức năng hoặc nguồn nhân lực;

+ Môi giới, tư vấn đầu tư, dịch vụ đầu tư ngân hàng;

+ Dịch vụ pháp lý và chuyên gia không liên quan đến kiểm toán;

+ Các dịch vụ khác mà Ủy ban xác định là không được phép.

Công ty kiểm toán được cung cấp các dịch vụ trên khi tổng giá trị của các dịch vụ này nhỏ hơn 5% tổng thu nhập mà công ty cổ phần trả cho công ty kiểm toán (tính trên cơ sở thu nhập mà công ty kiểm toán được trả trong cả năm tài chính diễn ra dịch vụ đó).



- Ở Belarus

Cuộc kiểm toán không được thực hiện trong các trường hợp sau:

- Kiểm toán viên là sáng lập viên (thành viên, chủ sở hữu tài sản) của đơn vị được kiểm toán, là lãnh đạo, kế toán và những cương vị khác của đơn vị được kiểm toán chịu trách nhiệm trước tổ chức về kế toán và lập báo cáo tài chính.

- Kiểm toán viên có mối quan hệ gần gũi hoặc thân thuộc với các sáng lập viên (thành viên, chủ sở hữu tài sản) của đơn vị được kiểm toán, nhân viên kế toán và những người khác của đơn vị chịu trách nhiệm trước tổ chức về kế toán và lập báo cáo tài chính.

- Các tổ chức kiểm toán trong đó lãnh đạo, kiểm toán viên và các nhân viên khác của tổ chức kiểm toán là sáng lập viên (thành viên, chủ sở hữu tài sản) của đơn vị được kiểm toán, là lãnh đạo, kế toán và những cương vị khác của đơn vị được kiểm toán chịu trách nhiệm trước tổ chức về kế toán và lập báo cáo tài chính.

- Các tổ chức kiểm toán có quan hệ với đơn vị được kiểm toán, trong đó đơn vị được kiểm toán là sáng lập viên (thành viên, chủ sở hữu tài sản), có quan hệ với đơn vị được kiểm toán mà tổ chức kiểm toán là sáng lập viên (thành viên, chủ sở hữu tài sản), có quan hệ với chi nhánh hoặc các tổ chức phụ thuộc và các liên kết, đại diện của tổ chức kiểm toán như nói trên và có quan hệ với những tổ chức có cùng sáng lập viên (thành viên, chủ sở hữu tài sản) với tổ chức kiểm toán

- Tổ chức kiểm toán và các kiểm toán viên cung cấp cho đơn vị được kiểm toán các dịch vụ về đổi mới và hướng dẫn kế toán.

Yêu cầu thanh toán và trả phí cho tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên để thực hiện cuộc kiểm toán bao gồm phí kiểm toán và phí cung cấp dịch vụ liên quan quy định trong hợp đồng kiểm toán và không phụ thuộc vào ý kiến kết luận của kiểm toán viên.



- Ở Trung Quốc

CPA không được phép:

+ Mua hoặc bán các chứng khoán hoặc các tài sản khác của công ty hoặc cá nhân đang được kiểm toán trong quá trình kiểm toán.

+ Gạ gẫm hoặc nhận thù lao dưới bất kỳ hình thức nào vượt quá giá theo hợp đồng, hoặc lợi dụng vị trì kiểm toán viên của mình để thu được các lợi ích khác.

+ Chấp nhận thực hiện công việc thu nợ cho khách hàng.

+ Cho các bên khác sử dụng tên của mình để thực hiện các hoạt động nghề nghiệp.

+ Làm việc cho nhiều công ty kế toán, kiểm toán.

+ Lôi kéo khách hàng bằng cách quảng cáo hoặc công khai năng lực nghề nghiệp của mình.

+ Các hoạt động trái với quy định của luật pháp.

- Ở Hàn Quốc

Giám đốc hoặc kế toán viên công chứng là thành viên của công ty kiểm toán không được thực hiện các dịch vụ thuộc phạm vi các dịch vụ của công ty kế toán cho bản thân mình hoặc cho một người thứ ba, và không được làm giám đốc hoặc kế toán viên công chứng là thành viên của các công ty kế toán khác.



11. Về chữ ký trên báo cáo kiểm toán

- Ở Armenia: Báo cáo kiểm toán phải có chữ ký của người trực tiếp thực hiện kiểm toán và chữ ký và dấu của thủ trưởng thực hiện kiểm toán.

- Ở Macedonia quy định: Kiểm toán viên có trách nhiệm lập và ký báo cáo kiểm toán nêu lên ý kiến chuyên môn về cuộc kiểm toán; báo cáo kiểm toán đồng thời phải có chữ ký của Giám đốc công ty kiểm toán.

- Ở EU (Điều 28 chỉ thị số 43) : "Khi một công ty kiểm toán thực hiện một cuộc kiểm toán theo luật định, ít nhất phải có chữ ký của kiểm toán viên theo luật định - người thực hiện kiểm toán theo luật định thay mặt cho công ty kiểm toán – trong báo cáo kiểm toán....

- Một số quốc gia khác chỉ yêu cầu 1 chữ ký trên báo cáo kiểm toán (thường là chữ ký của chủ phần hùn đại diện cho công ty).



12. Về kiểm toán báo cáo tài chính của các các đơn vị có lợi ích công chúng

- Ở EU

Chỉ thị 43/2006/EC ngày 17/5/2006 do Nghị viện Châu Âu và Hội đồng ban hành một số quy định kiểm toán đối với các đơn vị có lợi ích công chúng. Theo đó, các nước thuộc Liên minh Châu Âu:

(1) Phải đảm bảo rằng kiểm toán viên và công ty kiểm toán thực hiện kiểm toán theo luật định cho các công ty có lợi ích công chúng phải minh bạch thông tin, công khai trên trang web của mình để công chúng tham gia giám sát. Các thông tin cần công khai gồm:


  • Mô tả về cơ cấu pháp lý và sở hữu của công ty; trong trường hợp công ty kiểm toán thuộc một mạng lưới, cần mô tả về mạng lưới đó và tổ chức cơ cấu và pháp lý trong mạng lưới;

  • Mô tả về cơ cấu quản lý của công ty kiểm toán; mô tả hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ của công ty kiểm toán và báo cáo của bộ phận quản lý hoặc hành chính về hiệu quả thực hiện của hệ thống đó;

  • Biểu thị thời gian thực hiện soát xét đảm bảo chất lượng lần gần nhất; danh sách các công ty có lợi ích công chúng mà công ty kiểm toán đã thực hiện kiểm toán theo luật định trong năm tài chính trước;

  • Báo cáo về việc thực hiện tính độc lập của công ty kiểm toán, điều này cũng xác nhận rằng soát xét nội bộ về việc tuân thủ tính độc lập đã được thực hiện;

  • Báo cáo về chính sách mà công ty kiểm toán áp dụng liên quan đến việc đào tạo liên tục đối với các kiểm toán viên theo luật định;

  • Thông tin tài chính cho thấy tầm quan trọng của công ty kiểm toán như tổng doanh thu được tách ra thành phí từ kiểm toán theo luật định đối với báo cáo kế toán hàng năm và báo cáo tài chính hợp nhất, phí thu được từ các dịch vụ đảm bảo khác, dịch vụ tư vấn thuế và các dịch vụ phi kiểm toán khác;

  • Thông tin về cơ sở tính thù lao cho các chủ phần hùn.

(2) Mỗi đơn vị có lợi ích công chúng phải thành lập Uỷ ban Kiểm toán. Uỷ ban này có nhiệm vụ theo dõi quá trình báo cáo tài chính; theo dõi tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ của công ty, nếu có, và hệ thống quản lý rủi ro; theo dõi kiểm toán theo luật định đối với báo cáo kế toán hàng năm và báo cáo tài chính hợp nhất; soát xét và theo dõi tính độc lập của kiểm toán viên theo luật định hoặc công ty kiểm toán, và đặc biệt việc cung cấp các dịch vụ khác cho đơn vị được kiểm toán.

(3) Khi kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng sẽ có những quy định chặt chẽ hơn đối với kiểm toán viên và công ty kiểm toán để đảm bảo tính độc lập, khách quan của kiểm toán.

(4) Yêu cầu về soát xét chất lượng đối với các công ty kiểm toán kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng sẽ được thực hiện với tần suất dày hơn so với các đơn vị thông thường khác.



- Ở từng nước thành viên EU như Anh, Hà Lan,... đều có những quy định riêng đối với kiểm toán theo luật định và kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng./.

BỘ TÀI CHÍNH



Каталог: DuThao -> Lists -> DT TAILIEU -> Attachments
Attachments -> Luật giao thông đường thủy nội địa sau 8 năm thực hiện
Attachments -> Công ước số 138 Công ước về Tuổi tối thiểu được đi làm việc, 1973
Attachments -> Các đơn vị đặc nhiệm một số quốc gia
Attachments -> KẾt hôn có YẾu tố NƯỚc ngoàI: LÚng túng “ĐUỔI” theo thông tư
Attachments -> Bộ luật Dân sự Việt Nam hiện đại Đỗ Giang Nam
Attachments -> Công ước số 182 Công ước Nghiêm cấm và hành động khẩn cấp xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, 1999
Attachments -> Số 279: Sở hữu đất đai
Attachments -> Tìm hiểu về quân đội vũ trang cách mạng Cu-ba
Attachments -> Lực lượng đặc nhiệm sas (Special Air Service) của Quân đội Hoàng gia Anh
Attachments -> MỘt số GÓP Ý cho dự thảo luật phòNG, chống rửa tiềN

tải về 123.83 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương