ĐỀ: “Hãy hướng về phía Mặt Trời, bóng tối sẽ ngả về phía sau bạn.”



tải về 90.73 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích90.73 Kb.
#26077




NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ LỐI SỐNG ĐẸP

ĐỀ: “Hãy hướng về phía Mặt Trời, bóng tối sẽ ngả về phía sau bạn.”


Gợi ý làm bài

+ Yêu cầu về kĩ năng:

Đáp ứng được yêu cầu của bài văn Nghị luận xã hội.

Bố cục hợp lí lập luận chặt chẽ, chữ viết rõ ràng, không mắc lỗi diễn đạt, lỗi dùng từ hay lỗi ngữ pháp.

+ Yêu cầu về kiến thức:

1/ Giải thích: 

- Mặt trời là ánh sáng rực rỡ, tượng trưng cho vẻ đẹp => Hướng về phía mặt trời là hướng về những gì tốt đẹp.

- Cả câu muốn nói: Khi hướng về những điều tốt đẹp, những gì xấu xa u ám khó khăn (bóng tối) sẽ lùi lại phía sau.

- Đây là lời khuyên về thái độ sống tích cực lạc quan.



- Nghĩa đen: Câu nói đã thể hiện đúng một quy luật của tự nhiên. Theo quy luật của tự nhiên, nếu ta nhìn về phía mặt trời, cái bóng của ta sẽ lùi dần về phía sau. Trong cuộc sống con người cũng vậy.

- Nghĩa ẩn dụ:

+) Mặt trời: Là biểu tượng cho ánh sáng, cho cái thiện, cái đẹp và những gì tốt đẹp, cao cả trong cuộc sống.

Những nhân tố đem lại niềm vui, sự ấm áp, hạnh phúc cho con người. Theo cách hiểu này, hướng về phía mặt trời cũng chính là hành động đi tìm ý nghĩa, giá trị của cuộc sống. 

+) Bóng tối: Là biểu tượng cho cái ác, cái xấu, nguyên nhân gây nên bao nỗi khổ đau cho con người.

=> Trong cuộc sống, nếu ta hướng về ánh sáng, về những gì chân-thiện-mĩ, thì cái ác, cái xấu sẽ bị đẩy lùi, bị tiêu diệt, nhân cách của ta sẽ trở nên đẹp hơn.



2/ Bình luận:

Câu châm ngôn đã mượn một quy luận của tự nhiên để thể hiện lời giáo huấn về đạo đức lối sống, giúp con người hướng thiện, khuyên răn con người tránh xa cái ác, cái xấu và tất cả những gì đen tối để hoàn thiện nhân cách lối sống của mình. Có như thế con người mới thực sự trở thành CON NGƯỜI đúng nghĩa với hai từ này.


- Câu nói cũng là lời khuyên răn, động viên đối với những ai đã từng lầm lỡ, những ai gặp phải cảnh éo le bất hạnh, phải biết đứng dậy và vững vàng, tin tưởng hướng về tương lai tốt đẹp. 

- Câu nói này không còn là tài sản riêng của nhân dân NAM PHI (nơi bắt nguồn câu nói này) Mà nó trở thành tài sản chung của nhân loại



3/ Chứng minh:

- Những điều tốt đẹp: lí tưởng, ước mơ, mục đích, việc làm hướng thiện.

- Khi hướng về những điều tốt đẹp con người có động lực, có mục đích, sự phấn chấn niềm tin...Đó là sức mạnh giúp họ mau đi đến thành công, đẩy lùi những khó khăn, đôi khi là sự sợ hãi, nản lòng tuyệt vọng....

- Liên hệ thực tế để chứng minh.



4/ Khẳng định, đánh giá, bàn bạc, mở rộng, rút ra bài học cho bản thân

- Câu danh ngôn bao hàm một triết lí, một quan niệm nhân sinh tích cực, một lời khuyên đúng đắn; phải lạc quan, luôn tin tưởng ở tương lai, ở mục đích sống tốt đẹp.

- Trong thực tế có người thiếu niềm tin, không dám bước tới để hướng về phía mặt trời - những điều tốt đẹp. Họ dễ bị nhấn chìm trong bóng đêmcủa sự thất vọng sợ hãi trì trệ...

- Cần rèn cho mình ý chí, niềm tin kiến thức...để có thể luôn hướng về phía mặt trời.



Bài văn tham khảo

Bạn sẽ làm gì khi mà khó khăn dường như lấp kín hết cuộc đời bạn, khi mà thần may mắn không còn mỉm cười với bạn nữa, khi mà xung quanh bạn toàn những tai tiếng và nỗi nhục nhã ê chề bủa vây...? Dũng cảm đối mặt với những thử thách đó hay đầu hàng, phó mặc cho số phận đã an bày? Nếu là tôi, chắc chắn tôi sẽ tiếp tục đương đầu với những khó khăn đó vì tôi luôn tin vào câu danh ngôn nổi tiếng của Nam Phi: "Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngã về sau bạn".

Ánh mặt trời rực rỡ chói chang là vẻ đẹp của thiên nhiên, tạo hóa. Một khi chúng ta hướng về phía mặt trời là chúng ta đã hướng về những điều tốt đẹp, đặt niềm tin vào ánh sáng mặt trời là chúng ta đã đẩy lùi lại phía sau những gì xấu xa, u ám, những bóng tối của khó khăn vất vả.

Thật vậy, khó khăn là một phần của cuộc sống. Cuộc sống của chúng ta không phải lúc nào cũng tươi đẹp, êm đềm như nắng ấm ban mai mà nó giống như những cơn gió, có khi mạnh mẽ dữ tợn, có khi chỉ nhẹ nhàng lướt qua. Vì vậy để vượt qua những cơn bão lớn ấy đòi hỏi ở chúng ta một bản lĩnh sống, một phong cách sống có lí tưởng, biết tìm cho mình động lực niềm tin để đứng dậy sau những lần ngã gục. Bởi chẳng có ai sẽ đi hết cuộc đời mà không một lần bị vấp ngã cả. Điều quan trọng là sau những lần vấp ngã ấy chúng ta sẽ đi như thế nào.

Đó là lúc chúng ta cần hướng tới mặt trời.

Mặt trời ấy có thể là sự phấn đấu, nỗ lực trong học tập của mỗi sĩ tử từng bị thất bại trong các kì thi vào cao đẳng đại học, đang ngày đêm ôn luyện chờ đợi một cơ hội mới. Mặt trời ấy có thể là niềm tin, hi vọng về những vụ mùa bội thu, những sản phẩm đạt chất lượng cao hơn của những người nông dân công nhân một đời lam lũ. Mặt trời ấy chính là động lực giúp những em bé tàn tật gạt bỏ đi nỗi đau mất mát của mình để tìm đến những khả năng kì diệu đang ẩn dấu bên trong những cơ thể yếu ớt....Đấy chính là ánh sáng rực rỡ của mặt trời đang đẩy dần những bóng tối u ám ra phía sau để giúp mọi người tự tin hơn vào một cuộc sống tươi đẹp đang chờ ở phía trước.

Hê len Ki lơ (1880-1968) - Người phụ nữ vĩ đại đã dành trọn đời mình cho những người không may mắn bị tàn tật. Tuổi thơ của bà phải sống trong bóng tối đầy vất vả, khó khăn. Chưa đầy hai tuổi, do bị mắc chứng viêm màng não nên bà bị câm điếc mù hoàn toàn. Dù thế Hê len vẫn không nản lòng.

Trong cuộc sông, nếu mỗi người đều biết hướng về ánh sáng, về những gì chân - thiện - mĩ, thì cái ác, cái xấu sẽ bị tiêu diệt, cuộc sống éo le bất hạnh sẽ bị đẩy lùi, sự lầm lỡ sẹ được khắc phục, nhân cách con người được hoàn thiện. Vì thế mà trở nên tốt đẹp và xã hội cũng sẽ phát triển tốt đẹp hơn (dẫn chứng minh họa)



- * Nhân vô thập toàn *, trong mỗi con người và trong xã hội luôn tồn tại các mặt đối lập: Tốt và xấu, thiện và ác..... Nếu con người không có bản lĩnh để chống chọi với mọi cám dỗ của cuộc sống thì rất dễ phạm sai lầm, trở thành người xấu, bị xã hội khinh rẻ (lấy dẫn chứng). Ngược lại, nếu con người có bản lĩnh không để cái ác cái xấu xâm nhập vào nhân cách, lối sống của mình thì sẽ có nhân cách tốt đẹp, được mọi người kính trọng (chứng minh) 

- Trong cuộc sống hiện đại, vấn đề thiện - ác, tốt - xấu có những biến đổi vô cùng tinh vi, không dễ dàng phân biệt rạch ròi. Có thể giữa chúng chỉ là một sợi chỉ nhỏ mong manh, đẽ dứt nếu ai đó vô tình vương phải. Bởi vì thế, mỗi người đặc biệt là thế hệ trẻ, phải trang bị cho mình hành trang vững chắc (trí tuệ, bản lĩnh và trái tim hướng thiện) để đương đầu với cuộc sống

- Hướng về mặt trời, - ánh sáng, niềm vui, hạnh phúc và tất cả những gì tốt đẹp không phải là lời nói suông mà phải bằng hành động cụ thể, từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày. Đó là cả một quá trình bền bỉ, lâu dài, ở mọi lúc

5) Bài học nhận thức và hành động mọi nơi 

- Biết hướng tới cái tốt, cái đẹp và tránh xa bóng tối của những tội ác

- Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để học tập, tu dưỡng trí tuệ và đạo đức

- Sống đoàn kết, gần gũi với mọi người, có tấm lòng nhân hậu, quan tâm, thương yêu, giúp đỡ mọi người 



- Thương xuyên đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác trong bản thân và trong những người xung quanh...

KB: Khẳng định vấn đề.

BÀI LÀM THAM KHẢO

Mỗi con đường đều có thật nhiều ngã rẽ, biết chọn lựa ngã rẽ bằng phẳng dễ đi không phải là điều đơn giản. Vui và buồn là hai yếu tố có thể nói luôn gắn liền với cuộc sống con người. Nó như một quy luật xoay vòng. Điều tất yếu là ta phải biết vượt qua những vất vả ấy hay nỗi buồn của riêng mình để rồi ánh sáng Mặt Trời lại le lói phía cuối con đường chờ đợi sự lạc quan, niềm tin về sự thành công và quên đi những nỗi buồn sâu lắng để đón nhận một niềm vui đang chờ đợi ta.

Tôi đã từng nghe một câu nói rằng: “Hãy hướng về phía Mặt Trời, bóng tối sẽ ngả về phía sau bạn”. Phải chăng con người ta luôn phải biết tự mình quên đi nỗi buồn hay khó khăn để lạc quan bước về phía đằng Đông chiếu sáng đỏ rực ấy? Hãy thử đặt ra cho chính bản thân mình khái niệm của sự lạc quan, niềm tin và hy vọng. Nếu ta sống mà luôn đòi hỏi khó khăn cho người khác hay ép buộc mình phải làm như thế này, như thế kia, mình cứ phải suy nghĩ về một vấn đề nhỏ nhặt rồi tự cho mình kết quả sẽ không tốt thì đó chính là sự bi quan của bản thân. Sống lạc quan phải biết thoải mái, không đắn đo những điều không đáng. Bởi lẽ sự lạc quan ấy sẽ khiến ta không ưu phiền mà mất đi vẻ tươi vui hồn nhiên.Niềm tin và hy vọng luôn là những mục tiêu mà ta cần hướng đến. Có thể nói một cách tổng quát tâm hồn là ý nghĩ và tình cảm, làm thành đời sống nội tâm, thế giới bên trong của con người.Lạc quan là có cách nhìn, thái độ tin tưởng ở tương lai tốt đẹp.Hy vọng đơn thuần là sự tin tưởng và mong chờ.Niềm tin là từ dùng để chỉ từng tâm trạng, trạng thái tình cảm tin tưởng vào tương lai mà con người trải qua.Như vậy sống là phải có ước mơ, hoài bão và khát vọng cho riêng mình để làm mục tiêu tự tin vững vàng hơn. Nỗi buồn có thể sẽ vơi đi khi ta biết hy vọng vào cuộc sống, đặt niềm tin vào chính mình sẽ tạo được niềm vui, nụ cười chứ không phải nét buồn trên gương mặt ấy.

Cuộc sống luôn phức tạp và đầy thử thách vô vàn mà không ai chưa một lần trải qua. Sau những lần như thế ta biết tự xoa dịu mình hơn, sống tốt hơn và có kinh nghiệm thật nhiều, bước gần hơn đến đỉnh điểm của sự quang vinh. Tâm hồn ta từ khi sinh ra đã thật trong sáng nhưng sau bao lần vấp ngã lại trở nên trưởng thành. Nếu ta sống mà không biết nghĩ đến những điều xa hơn mà chỉ biết bi quan, u sầu với nỗi buồn hiện tại thì chắc hẳn rằng cuộc sống bạn không sinh động, không tươi vui như bao người khác. Bạn chỉ biết dậm chân tại chỗ mà không chịu di chuyển về phía trước bằng niềm tin. Thất bại trước một việc gì đó, có thể rằng nó sẽ khiến bạn buồn nhưng hãy chỉ xem đó là bàn đạp để mình chững chạc hơn. Như ông bà ta vẫn thường bảo: “Thất bại là mẹ thành công”.

Mặt khác, sống luôn có niềm tin và mục tiêu hướng về ước mơ sẽ giúp ta có lý tưởng sống cao đẹp. Lần này bạn buồn nhưng lần sau nếu biết hy vọng kết quả sẽ tốt hơn. Sống là không được dừng bước trước sự thất bại hay nỗi buồn mà phải biết hướng đến sự lạc quan, thoải mái, đẩy lùi bóng tối. Thực tế những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh, đáng thương luôn biết đặt ra cho mình niềm tin vào tương lai, mục tiêu sống, vươn lên đẩy dần nỗi buồn, cô đơn, tẻ nhạt của bản thân. Nỗi buồn sẽ không tồn tại mãi mãi và nếu bạn vẫn giữ lối sống bi quan cho mình chỉ đem đến kết quả xấu, rơi sâu vào vực thẳm mà chính ta phải tự biết gượng dậy. Tâm hồn là một hạt giống, không thể nào ta lại cứ để sự khô khan bao trùm mãi được. Hãy biết tưới mát bằng dòng nước của sự lạc quan, niềm tin và hy vọng.

Từ đó, học sinh chúng ta càng thấu hiểu hơn phải biết vững vàng với ý chí của mình và đồng thời phải biết chấp nhận sự thật, luôn kiên trì hướng đến mục tiêu, quên dần đi nỗi buồn dù nhỏ nhoi hay lớn lao. Việc gần gũi nhất, cơ bản nhất là ta phải đặt ra mục tiêu học tập, không để nỗi buồn ảnh hưởng đến những điều khác.Gia đình sẽ là nền tảng và niềm tin để ta chia sẽ nỗi buồn, niềm vui.

Mặt Trời chiếu ánh sáng tươi tắn đến mọi vật, mọi con người giúp ta phấn khởi hơn trước nỗi nhọc nhằn, muộn phiền, sưởi ấm những trái tim đang cần tưới mát, khô khan. Chúng ta hãy dành lời khuyên đến cho những con người ấy, đưa họ ra khỏi sự thất bại, u buồn mà bước chân đến tương lai tươi sáng do chính niềm tin và hy vọng cho bản thân.

Đề 2: Giữa một chùm sỏi đá khô cằn, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở thành những chùm hoa thật đẹp”, hãy nêu suy nghĩ của anh (chị) được gợi ra từ hiện tượng trên.



Tạo hóa đã cho thế giới này nhiều điều kì lạ, tạo nên bao nhiêu cái đẹp, có những cái đẹp đến mức phải ngỡ ngàng. Và có khi nào chúng ta nghĩ để có được cái đẹp ấy đã trải qua những trải nghiệm và thách thức nào không? Có lẽ chỉ là số ít. Vâng, có những thứ đã mọc lên từ nơi sỏi đá khô cằn-nơi mà tưởng chừng như chỉ là sự chết chóc, khô héo và nghèo nàn. Nhưng ở đấy vẫn có những cái đẹp được tạo ra – một cái đẹp rực rỡ đầy kiêu hãnh, đó là những chùm hoa dại tuyệt đẹp trên sỏi đá. Qua đó khẳng định lại rằng “Giữa những vùng đất khô cằn sỏi đá, cây hoa dại vẫn mọc và nở ra những chùm hoa thật đẹp”

Vùng đất khô cằn ư? Nó là gì nhỉ? Vâng, vùng đất khô cằn vốn là nơi vùng đất dường như sự sống không tồn tại, rất khó để tìm thấy một bóng cây hay một dòng sông nhỏ. Vậy mà đó chính là nơi mà những cây cỏ, cây hoa dại bé nhỏ lại có thể vươn mình một cách kiêu hãnh từ những khe đá thiếu đất ấy. Và có lẽ đôi khi, chúng ganh tị với những bông hoa sân vườn, chúng không được chăm sóc, cũng không được nâng niu, chúng chỉ biết tự lực cánh sinh, vì chúng biết chúng là hoa dại... nhưng chính vì vậy đã cho chúng một sự cứng rắn cần thiết, tràn đầy sức sống đâm chồi rồi nảy lộc, đó chính là sự “đánh cược” với cuộc sống. Và thành quả của sự cố gắng không ngừng nghỉ là những chùm hoa, những bông hoa thật đẹp. Quả thật, chúng thực sự xứng đáng với vẻ đẹp của chính mình, sau khi trải qua những thử thách của cuộc đời, trải qua nắng, gió và sự cần mẫn chắt chiu nguồn đất nước, để phát triển. Hiển nhiên đất mẹ đã tạo ra chúng ta và không bao giờ bỏ rơi chúng ta cả, người dạy chúng ta cách sống, cho chúng ta nếm trả vị đắng của cuộc đời để rồi khi chúng ta lớn hơn, trưởng thành hơn sẽ cảm nhận được trọn vẹn hết những cái đẹp, cái diệu kì của cuộc đời này, và chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn trước những thành quả ngọt ngào.

Trong cuộc sống của con người chúng ta cũng vậy, cũng có lúc chúng ta thực sự gục ngã trước những khó khăn, thách thức... tất cả chúng như một đám mây đen mù tịt, khổng lồ che lấp những tia sáng của tương lai, những hy vọng. Làm chúng ta chán nản mệt mỏi và muốn bỏ cuộc. Đây chính là lúc chúng ta nhìn lại bản thân mình, những quyết định sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc đời sau này của chúng ta. Theo tôi, bạn hãy đừng lưỡng lự, cũng hãy đừng suy nghĩ nhiều, hãy dũng cảm, quyết đoán, tất cả sẽ tạo cho bạn một sự thành công nhất định

Thật kì diệu phải không khi có những con người gặp phải khó khăn, thử thách họ trở thành những con người kiên cường và mạnh mẽ đến không ngờ cho dù thất bại, nhưng trong họ vẫn còn đọng lại một món quà vô giá, đó chính là “nghị lực” cố gắng đến bước đường cùng. Họ hiểu khi họ buông xuôi họ sẽ mất tất cả, mất đi những công sức của chính mình. Họ đã biến những nỗi tuổi nhục, đắng cay đau khổ thành sức mạnh của bản thân, đó là một sức mạnh thật phi thường xua tan quầng mây đen, mang lại ánh sáng tia hy vọng cho tương lai.



Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng

Bàn chân cũng thêm đau vì những mũi gai

Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió

Lời hứa ghi trong tim mình

Vẫn bước đi hiên ngang đầu ngẩng cao

Và đến lúc:

Ngày đó, ngày đó sẽ không xa xôi

Và chúng ta là người chiến thắng

Đường đến những ngày vinh quang không còn xa

Nhưng cuộc đời không phải bao giờ cũng đẹp, tạo hỏa không bao giờ là người phóng khoáng cả nên lại cho ra những sản phẩm trái ngược. Điển hình là những người sống trong môi trường tốt đẹp, ví như những loài hoa, loài cây được chăm sóc, che chở trong một mảnh đất màu mỡ mà không bao giờ thấy nở hoa, thậm chí còn héo rũ và có thể chết. Mặt khác lại có những cây sống trong môi trường sống đó nhưng gặp chút khó khăn, vướng bận của cuộc sống là chết rũ, mất sức sống. Thật đáng trách phải không các bạn? Nhưng hãy suy nghĩ thấu đáo, mở lòng mình ra với họ, họ đáng được thương hơn là đáng trách. Vì chắc chắn về sau họ sẽ cảm thấy nuối tiếc  cho những tháng ngày lãng phí, không sống hết mình, mà vứt bỏ hoài bảo, vứt bỏ đi ước mơ để chấp nhận làm một bông hoa héo tàn, heo hắt không tô điểm cho đời.

Vâng chúng ta hãy vượt qua những trắc trở, hay bước qua con đường hoa hồng đầy gai nhọn đến bước sang một con đường vinh quang – một con đường không có dấu chân của kẻ lười biếng. Thân xác ta có thể tả tơi, mệt mỏi nhưng ý chí của ta sẽ là một hạt giống, thời gian trôi qua sẽ làm hạt giống đâm chồi nảy lộc và thành quả sẽ là một chùm hoa đẹp cho đời, và cái đẹp luôn được đánh giá cao.

Cũng như trong các kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, không ít các thủ khoa, á khoa xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phải sớm bươn chải mưu sinh, nhưng thành công vẫn đến với họ một cách xứng đáng. Rồi đến với miền Trung Tổ Quốc, nơi luôn chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của thiên tai, bão lụt và hạn hán… thật hiếm có gia đình nào cho con ăn học đàng hoàng, nhưng lạ thay đây chính là nơi ươm mầm tài năng của đất nước. Điều kiện tự nhiên đã không làm nhục chí của họ mà tạo động lực cho họ sống có ích cho cá nhân, gia đình, quê hương và Tổ Quốc. Và ngay cả trong các cuộc thi sắc đẹp lớn nhất nhì thế giới như Miss Universe năm 2009 vừa rồi, tôi thực sự rất bất ngờ với một cô hoa hậu lọt vào Top 5 đêm chung kết với phần thi ứng xử trước câu hỏi của ban giám khảo “Bạn có tự tin vào nhan sắc của mình?”, cô ấy trả lời: “Vâng, tôi có đủ tự tin với nhan sắc của mình, tôi cũng có một thân hình đẹp, nhưng để có được một vẻ ngoài như ngày hôm nay, các bạn không biết tôi đã tập luyện vất vả và cực khổ đến mức nào đâu” (Trích câu trả lời của Miss Austraylia 2009). Với câu trả lời ấy, đã giúp Miss Autraylia dành ngôi Á Hậu 3 chung cuộc. Xét cho cùng, câu trả lời đã làm thay đổi quan niệm của tôi về vẻ đẹp của các hoa hậu, họ cũng phải nổ lực vượt qua mọi khó khăn, thừ thách để đạt được vẻ đẹp như vậy.

Ai đã từng nói: “Sống là nỗ lực, là chiến đấu và trong trận chiến đó sẽ không có người thắng, kẻ bại, mà chỉ có kẻ mạnh, người yếu. Cũng chính với đề văn này, tôi đã nhìn lại chính mình, để biết chấp nhận những khó khăn, thử thách trước những mảnh đất khô cằn của cuộc đời, giữa cái nắng gắt khô cằn của ngoại cảnh, để trờ thành một điểm chấm phá trên một bức tranh hoang mạc khắc nghiệt. Đó là một phép màu, một điều kì diệu của cuộc sống, đồng thời là một bài học giản dị và quý báo mà tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta. Và các bạn hãy hứa với tôi rằng, đừng dừng lại, hãy tiến lên! Và sẽ đến một lúc nào đó bạn sẽ là một chùm hoa tuyệt đẹp. Nhiều chùm hoa tuyệt đẹp sẽ mang lại cho nước ta một nguyên khí mới – nguyên khí của sức trẻ và nghị lực phi thường, bạn nhé!

Bài 2;

Cuộc sống không phải là một dòng chảy tẻ nhạt! Tất nhiên, đâu đó trong cõi trời đất này vẫn tồn tại những điều tưởng chừng là không thể có. Và chính những cái lạ lẫm đó làm cuộc sống đẹp hơn, cho ta thêm phần khát khao để sống hơn, có ích hơn. Tôi muốn nêu ra đây những cảm nghĩ riêng tư của mình về một cảnh tượng mà bạn hẳn đôi lần thấy đâu đó nhưng chưa chú tâm để ý cho nhiều! 

Cảnh tượng ấy là hình ảnh những cây hoa dại vẫn hiên ngang mọc lên trên cát sỏi khô cằn, nở ra những chùm hoa thật đẹp. 

Bạn hẳn đang tự đặt ra trong đầu muôn vàn những câu hỏi. Cái tôi muốn nói đến là gì ư? Là nỗi thắc mắc mà chính tôi chẳng thể nào biện giải được: nguyên do nào cuốn những cây con lớn dần lên, trên mảnh đất khô cằn kia? Nguyên do nào? Đời tôi đã qua một chặng chưa được dài lắm. Những kiến thức e còn cạn nông, chưa kịp đập dập. Nhưng cái cảnh kia cũng ít nhiều gợi được trong lòng tôi nhiều mối nghĩ suy. Ngay cả giữa chốn hoang vu, nhiệt độ cao, độ ẩm thiếu, vậy mà cũng có những sinh vật chống chọi được. Không những thế, chúng còn đẹp! Có phải tạo hóa cố tình trong chuyện này? Tôi chợt hình dung những bông hoa kia như những con người thực sự. Là có tay, chân, mình mẩy, cảm xúc, lý trí. Nếu ta là cái cây kia liệu bản thân mình có đủ can đảm để sống trong một môi trường khắc nghiệt nhường kia không? Cuộc sống vây lấy chúng ta bằng lưới nhọc nhằn. Cả nước nhọc nhằn. Thập niên 80 thế kỉ trước, chúng ta sống thế nào? Kiến thiết rồi xây dựng, biết bao là khó khăn. Thập niên 90, chúng ta hội nhập, vẫn còn là một cây con! 

Tôi thường rẽ vào những con hẻm nhỏ. Không hẳn là một sự chạy trốn. Mà để tìm lại hình ảnh của những năm 80 ấy. Bây giờ cái xưa cũ đã không còn nữa! Đất nước đổi mới thật rồi. Những chuyến xe hối hả đưa hàng, những anh công nhân cười nụ cười lấm vôi. Và đúng là khi nhìn cảnh ấy, tôi lại nhớ hơn bao giờ về những cây non dại mọc giữa đá sỏi. Chúng ta đã không chịu đầu hàng nghịch cảnh. Và nghịch lý cuộc sống về một loài cây nay trở thành cảnh thực trong xã hội mới. Chính những loài cây kia thực sự dạy cho tôi một bài học. Tôi tin chúng ta không nên buông xuôi, đầu hàng bất kì khốn khó nào. Thơ Mãn Giác xưa còn ấm mực: "…Đêm qua sân trước một cành mai". Thúy Kiều vùi dập thân xác mười lăm năm vẫn cố giữ chút lòng son. Cô gái chèo thuyền sông Hương mà Tố Hữu có lần gợi nhắc cũng gặp gỡ Kiều bằng hai chữ cảnh ngộ. Đời tăm tối vẫn mở bừng ánh sáng cho những kẻ thiếu ý chí, nghị lực hay lầm lỗi vươn lên. Cũng bởi "chỉ sợ ta thiếu một mảnh buồm căng…". 

Loài cây vô thức cũng tiềm ẩn cái bản năng sinh tồn mãnh liệt thế kia, chúng ta chẳng thể kém thua. Nhưng làm sao để vươn dậy đây? Khó cho ta là tập cách thích nghi với hoàn cảnh. Nhớ rằng cái hoài bão trong mỗi người thường lớn lắm nhưng để thực hiện được thì chớ nên ngại ngùng cho hoàn cảnh mình. Dù nó có tồi tệ đến đâu. Sau đó hẵng dựa vào nỗ lực bản thân – quá trình của đào sâu, suy nghĩ, lăn lộn… 

Vậy đấy, chỉ là một cảnh trí bình thường nhưng dường như đó là một câu nói đầy hình ảnh mà tạo hóa đôi lần thì thầm vào tai chúng ta. Mọi điều đều có thể xảy ra trong cuộc sống, xảy ra ngoài cả những định liệu, những toan tính có phần hạn hẹp của loài người… 

Song, mối suy nghĩ của tôi không chi bó hẹp trong cái khả năng sinh tồn kia. Ý tôi muốn nói thêm rằng hình ảnh kia còn làm cho tôi nhớ Chí Phèo hơn bao giờ hết… Tôi tin rằng trong những con tim sỏi đá đâu đó vẫn mọc ra những chồi tươi tốt. Một kẻ tưởng đã mất hết nhân tính vẫn có thể làm ta ngạc nhiên vì những hành động "rất người" của hắn. Có lần, tôi nghĩ về Chí, sâu hơn những lần khác, thấy hắn rạch mặt khác xa khi hắn húp tô cháo hành! Thì ra chỉ là một cái cảnh nho nhỏ cũng khiến con người ta dễ liên tưởng đến nhiều thứ. Tôi lại những dòng trên đây để cho thấy bóng dáng của bông hoa dại không chỉ thấp thoáng ở lao động, ở kiến thiết, ở cuộc mưu sinh dài đằng đẵng mà còn ở trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Nhất thiết đừng nên để nó biến thành sỏi đá… 

Nhưng dòng suy nghĩ của tôi không dừng lại ở đây. Theo cái cách thông thường chúng ta vẫn chấm dấu chấm bé nhỏ cuối một câu đơn. Tôi nghĩ mãi rằng tại sao lại là hoa dại chứ không phải hoa hồng mới có cái năng lực lạ lùng kia? Rồi tôi cũng tìm được câu trả lời thỏa đáng. Hoa hồng kia kiêu sa. Hoa hồng kia mỏng manh. Làm sao có thể chôn vùi thân xác ở một nơi hoang vu? Người cũng vậy thôi. Anh sinh viên sư phạm vừa tốt nghiệp loại ưu được điều về một vùng cao lập tức tìm cách trốn tránh… Ngày tết, lễ lạc, người ta vẫn mua hoa hồng về cắm. Hoa hồng ơi, làm sao hoa hồng hiểu được nỗi khổ của những loài thực vật sống nơi cằn khô? Hoa hồng ra đấy chỉ héo mà chết thôi! Còn hoa dại kia thì nơi nào cũng có thể sống. Tôi hiểu con người hãy tập cách sống khổ một chút đặng khi đủ đầy không quên cái khổ, cái nhọc. Tôi kính trọng những cánh hoa dại ở điểm đấy. 
Chính tôi cũng cố gắng đuổi cho kịp thế giới này. Yêu những trang viết của mình vô hạn, vì trong đó có nhọc nhằn của cha, của mồ hôi của mẹ… Và tôi quyết định đi làm thêm, tự trang trải cho cuộc sống vốn dĩ không bình yên của gia đinh. Tôi chưa đủ già để cầm bút viết hồi kí nhưng thấy tạm bằng lòng với những suy nghĩ bây giờ. Tôi thấy mình hơn những đứa bạn xung quanh ở cách nghĩ suy, những đứa như tôi biết tối nào cũng đua xe ở ngã tư Lê Duẩn mà vở thì nhan nhản những lỗi chính tả không thể tưởng… 

Tất cả trên đây chỉ là những phân tích, suy ngẫm có phần chủ quan. Và sau tất thảy những sự kiện dù nhỏ nhặt hay trọng đại đến với chung ta trong cuộc sống, ta mới hiểu mình cần lắm một lòng tin vào chính mình. Ngay một bông hoa bên đường cũng hiểu cho điều ấy, chúng ta chẳng lẽ lại chịu thua? 

Chỉ sợ không đủ sức để đi tiếp con đường cuộc sống thênh thang phía trước!

ĐỀ 3 Anh, (chị) có suy nghĩ gì về câu nói “Không phải cái gì óng ánh cũng là vàng”

1. Giải thích

Giới thiệu ngạn ngữ Anh "Không phải cái gì óng ánh cũng là vàng".



2. Thân bài

a. Giải thích ý nghĩa câu ngạn ngữ và giá trị của nó trong việc đánh giá một sự vật:

- Vàng là kim loại quý hiếm, có giá trị cao, màu sắc óng ánh bắt mắt. Trên thực tế, có những thứ cũng có màu sắc óng ánh rất đẹp nhưng lại không phải là vàng. Thế nhưng chính cái hình thức bên ngoài ấy lại dễ làm cho người ta nhầm lẫn, thậm chí lóa mắt trước sự rực rỡ của chúng.

- Câu ngạn ngữ như một lời nhắc nhở con người hãy thận trọng khi nhìn nhận, đánh giá một sự vật, một hiện tượng. Vì vậy, để có được một cái nhìn chính xác, khách quan, con người cần phải bỏ thời gian để tìm hiểu, suy xét trên mọi phương diện và nhất thiết là không được để cho hình thức bên ngoài làm ảnh hưởng đến quyết định.

- Con người rất dễ bị cuốn hút bởi những thứ xa hoa, phù phiếm như vậy mà quên đi mất những giá trị đích thực của chính sự vật, sự việc đấy. Chung quy cũng là từ nhu cầu ngày càng nâng cao của con người. Chính vì vậy, yêu cầu về cái đẹp, về thẩm mĩ ngày càng được chú trọng và nâng cao hơn bao giờ hết. Đấy cũng chính là lí do khiến con người dễ dàng bị thu hút bởi vẻ óng ánh, mĩ miều bên ngoài của các sự vật mà quên mất chất lượng thật sự bên trong đó như thế nào.

- Vẻ óng ánh hào nhoáng của những thứ giả tạo ấy khiến con người phải lóa mắt và những tác hại mà nó đem lại khiến con người càng phải đau lòng.

b. Giá trị của câu ngạn ngữ trong việc đánh giá con người:

- Câu ngạn ngữ có giá trị cảnh tỉnh con người phải tỉnh táo trước những giá trị ảo, đừng nhìn vào bề ngoài bóng bẩy, hào nhoáng mà vội đánh giá một con người.

- Người ta hoàn toàn có thể tự tạo cho mình một dáng vẻ bề ngoài bóng bẩy, lôi cuốn bằng một cách ngụy trang khéo léo nào đó nhưng nhân cách và bản tính của chính họ thì dù có được che đậy khéo léo đến đâu cũng không thể nào giấu giếm mãi được.

- Đừng nhìn bề ngoài mà đánh giá một con người chính là thông điệp sâu sắc nhất mà câu ngạn ngữ muốn nhắn nhủ đến tất cả chúng ta.



c. Liên hệ với việc rèn luyện của bản thân:

- Nét đẹp của mỗi con người toát lên từ hình thức bên ngoài và phẩm chất bên trong. Hình thức bên ngoài không hẳn là sắc đẹp. Phẩm chất bên trong mới là điều quan trọng nhất.

- Câu ngạn ngữ đặt ra cho mỗi người nhiệm vụ tìm cho mình một cách sống, cách rèn luyện bản thân để trở thành một thứ vàng thật sự, óng ánh bên ngoài và rạng rỡ bên trong.

3. Kết bài

Khẳng định những giá trị đích thực của cuộc sống không nằm ở sự rực rõ, hào nhoáng bên ngoài mà tiền ẩn ở bên trong. Cho nên, khi nhìn nhận, đánh giá bất kì một sự vật, hiện tượng hay bất kì một ai, chúng ta không nên chỉ quan tâm đến vẻ bề ngoài mà bỏ qua phẩm chất thật sự bên trong.


Đề 3: Lối sống vô cảm của thanh thiếu niên ngày nay


Xã hội nước ta, từ khi bắt đầu thực hiện “Đổi mới” vào năm 1986, đã có những biến chuyển liên tục và thay đổi một cách rõ rệt so với trước đây. Sự thay đổi này mang lại cho xã hội ta những tích cực rất đáng ghi nhận, đó là sự phát triển vượt bực của nền kinh tế, đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân được cải thiện một cách đáng kể,…nhưng đồng thời, sự thay đổi này cũng mang lại cho xã hội ta không ít những tiêu cực, mặt trái của cuộc sống, của nền kinh tế thị trường.

Đặc biệt, đó là sự suy đồi về đạo đức, nhân phẩm của những thế hệ trẻ ngày nay, mà biểu hiện rõ nhất đó chính là thái độ thờ ơ, vô cảm đối với mọi sự vật, sự việc diễn ra xung quanh mình, dù đó là một sự kiện trọng đại của đất nước hay là những câu chuyện bình thường, gần gũi diễn ra xung quanh họ. Thái độ này dường như đang dần lan tỏa trong xã hội ta, không chỉ trong giới trẻ mà đã len lỏi vào khắp mọi giới.

Vậy vô cảm là gì? Đó là không có cảm xúc, hay nói đúng hơn là một trạng thái tinh thần, mà khi ở trong đó, con người không có một tý cảm xúc hay tình cảm mang tính nhân bản nào đối với những sự vật, sự việc diễn ra xung quanh họ, trước mắt họ, miễn là không đụng chạm trực tiếp đến lợi ích cá nhân của họ là được.

Có một thực trạng đáng lo là căn bệnh vô cảm này dường như đang trở nên rất phổ biến và ngày càng nhanh chóng phát triển, nhất là đối với giới trẻ.

Những người sống vô cảm, thường mang trong họ tâm niệm “Đèn nhà ai nấy sáng”, tức là họ không muốn dính dáng đến những rắc rối, phiền toái có thể mang lại cho họ. Tất nhiên, ta không thể phủ nhận mặt tích cực của thái độ vô cảm là sẽ mang lại cho những người sở hữu chúng một sự an toàn nhất định và tránh được những phiền toái lại cho họ. Nhưng song song với đó, những người sống vô cảm tức là đã gián tiếp làm mất đi tính “người” trong bản thân của họ, và họ đã tự tách mình ra khỏi cộng đồng, ra khỏi xã hội mà chui ró vào cái xó chỉ biết có mỗi họ mà thôi.

Hằng ngày, trên các mặt báo hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, ắt hẳn ta thấy không ít những vụ việc đánh nhau của nữ sinh và xung quanh là các bạn học sinh khác nhìn theo cổ vũ và…quay phim, hay đơn giản hơn và cũng dễ dàng bắt gặp hơn là thái độ lạnh lùng, vô cảm của mọi người trên tuyến dường giao thông khi có một người phụ nữ bị ngã xe, thật hiếm để thấy có một ai đó giúp người phụ nữ đứng dậy. Thật khó hiểu, những người đó đang nghĩ gì khi không hề có một hành động mang tính “người” nào khi gặp đồng loại đang gặp khó khăn. “Con người là động vật có tinh thần”, và cái tinh thần đó thể hiện ở tính cộng đồng, tính gắn kết lẫn nhau giữa những con người. Sự thờ ơ, lạnh lùng của những người sống vô cảm phải chăng đã khiến cho tính “người” trong họ đã dần biến mất đi, và thay vào đó là sự lớn dần của phần “con”. Bởi con vật thì làm gì có tình thương với đồng loại, thậm chí chúng có thể ăn thịt lẫn nhau để có thể sinh tồn cơ mà.

Và những người sống vô cảm, họ luôn luôn không quan tâm hoặc thích thú với những hoạt động, những sự kiện trong đại, những vấn đề quan trọng của cộng đồng, của xã hội, của đất nước. Họ đã tự tạo ra một cái hang để chui rúc vào đó, và tách biệt bản thân với xã hội. Tôi biết, có thể ở trong cái hang đó, họ sẽ được sống cho riêng mình, không phải lo âu về những phiền toái của người khác nhưng rồi liệu khi họ cần một sự giúp đỡ nào đó, liệu có ai sẵn sàng chui rúc vào cái hang của riêng họ để giúp đỡ họ hay không, và liệu họ có thể sống cô độc trong cái hang do họ tạo ra suốt cả đời hay không…

Thật đáng lo, nếu như “cơn dịch vô cảm” này lan rộng ra toàn xã hội. Khi đó, một cộng đồng, một xã hội, một đất nước mà những người sống trong đó vô cảm, không gắn kết, không giúp đỡ nhau thì tất yếu cái cộng đồng đó, xã hội đó, đất nước đó sẽ sụp đổ và bị tiêu hủy.

Căn bệnh vô cảm này là sản phẩm từ một nền giáo dục yếu kém, thất bại hoàn toàn. Nền giáo dục nước ta, dường như không chú trọng lắm đến việc đào tạo nên “nhân cách” mà chỉ chú trọng đến việc đào tạo ra “nhân lực”, nó thể hiện qua các chính sách, pháp lệnh cũng như chương trình học nặng nề của nước ta. Các môn quan trọng góp phần hình thành nên “nhân cách” con người là Giáo dục công dân và Ngữ văn dường như từ lâu đã trở thành những môn phụ không đáng quan tâm, thời lượng tiết học vô cùng ít ỏi và nội dung học thì quá nặng nề, giáo điều thì làm sao có thể đào tạo nên những “nhân cách” tốt dc. Sự sai lầm của giáo dục đã kéo theo một thế hệ không hoàn chỉnh, một thế hệ không thể nào miễn nhiễm dc với những căn bệnh như vô cảm dc.

Hiền dữ nào phải do tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”, nếu muốn trị tận gốc những căn bệnh này, giáo dục là phương thuốc duy nhất có thể làm được. Muốn ngăn chặn, tiêu diệt hiện tượng này thì cải cách giáo dục một cách toàn diện từ mục đích, phương pháp cho đến cách thức là điều cực kỳ cần thiết. Chúng ta cần một nền giáo dục không còn những giáo điều, lý thuyết khô khăn, nặng nề, không cần thiết nữa mà thay vào đó những bài học sinh động, thực chất dể phát triển tâm hồn, nhân cách, nhân phẩm của mỗi học sinh. Chỉ có như thế, thì vô cảm mới có thể dc giảm thiểu ở mức thấp nhất.



Hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, đừng để đến khi “cơn đại dịch” này lan rộng ra toàn xã hội thì lúc đó e là ta đã quá trễ, đừng để rồi đến một lúc nào đó, con người tiến hóa thêm một bậc nữa, mà khi đó phần “người” hoàn toàn biến mất trong họ

tải về 90.73 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương