* howard b. Wilder robert p. Ludlum harriett mc. Cune brown



tải về 2.16 Mb.
trang1/33
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.16 Mb.
#9902
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   33
* HOWARD B. WILDER

* ROBERT P. LUDLUM

* HARRIETT Mc.CUNE BROWN

Dịch giả : GS. NGUYỄN MẠNH QUANG

Hiệu đính: KS. NGUYỄN THỊ PHÚC

Thực hiện bản in: TRỊNH NHƯ HOA

LỊCH SỬ HOA KỲ





QUYỂN THƯỢNG


LỊCH SỬ HOA KỲ
Cuốn sách này được dịch từ cuốn "THIS IS AMERICA'S STORY" do Nhà xuất bản Houghten Mifflink Company Boston ấn hành vào năm 1963, và được tái bản nhiều lần vào những năm 1966, 1970 và 1975. Mỗi lần tái bản đều được viết thêm để cập nhật hóa. Sách này được dùng làm sách giáo khoa cho các em học sinh của nhiều trường trung học ở Hoa Kỳ.

Đây là một công trình hợp soạn của :

- Ông Howard B. Wilder : Giáo sư và cũng là trưởng ban Ban Sử Địa và Công dân của Trường Trung học Melrose tại Melrose, Massachusetts. Ông Wilder đồng thời cũng là tác giả của các sách giáo khoa trung học: The Making of Modern America và A History of The United States.

- Ông Robers P. Ludlum : Tiến sĩ, Viện trưởng Viện Đại học Cộng đồng Anne Arundel, Maryland, và nguyên là Giáo sư dạy môn Chính trị tại trường Đại học Hofstra và Đại học Texas. Tiến sĩ Ludlum còn là tác giả cuốn "American Government".

- Bà Harriett Mc.Cune Brown: Giáo sư tại các trường trung học ở Los Angeles, California. Bà Brown còn là tác giả cuốn "America is My Country" và cuốn "Our Latin American Neighbora".

- Ông Howard R. Anderson : Tiến sĩ, đã từng dạy môn sử và công dân tại nhiều trường trung học ở các tiểu bang Michigan, Iowa, và New York. Tiến sĩ Anderson cũng đã dạy tại các trường Đại học Iowa và Đại học Cornell. Ông cũng đã từng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Sử Địa và Công dân toàn quốc.



ĐỌC CUỐN "LỊCH SỬ HOA KỲ"

DO NGUYỄN MẠNH QUANG DỊCH THUẬT
Giáo sư Hà Mai Phương

Nguyên Giảng viên

Đại học Văn Khoa và

Đại học Sư phạm Đà Lạt


Nhằm cung hiến cho các em học sinh và một số đồng bào tỵ nạn ta một số sự kiện về đất nước và dân tộc mà do sự tình cờ của lịch sử chúng ta hiện đang tạm cư tại đây; Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang đã để hết những thì giờ rỗi rãnh của mình, hoàn tất một dịch phẩm khá bổ ích, đó là bộ "LỊCH SỬ HOA KỲ", nguyên tác THIS IS AMERICA'S STORY của các tác giả HOWARD B. WILDER, ROBERT F. LUDLUM, HARRIETT Mc CUNE BROWN. Đây là một công trình hợp soạn của các nhà sư phạm chuyên nghiệp và bộ giáo khoa lịch sử này đã được tái bản nhiều lần, hiện đang được lưu hành tại nhiều trường Trung học ở Hoa Kỳ.

Bản dịch LỊCH SỬ HOA KỲ của Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang dày 578 trang, chia làm 2 quyển : Quyển Thượng gồm 6 Mục, từ trang 1 đến trang 332; Quyển Ha gồm 4 Mục, từ trang 333 đến trang 578. Nội dung tác phẩm giới thiệu sự hình thành của Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ từ khởi thủy cho tới ngày nay. Các sự kiện lịch sử gần đây đã được bổ túc và cập nhật hóa cho tới năm 1974 và Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang đã phiên dịch theo ấn bản phát hành năm 1975.

Vì các tác giả là những nhà sư phạm chuyên môn (xin xem tiểu sử tóm lược của các tác giả nơi trang IV, Lịch sử Hoa Kỳ, quyển Thượng) nên sách đã được viết theo đúng phương pháp sử học. Mỗi đề mục được giới thiệu thật rõ ràng và dễ hiểu: trình bày cho người đọc tất cả những chi tiết cần thiết để đưa tới những biến chuyển lịch sử trọng đại; đồng thời giải đáp tất cả những thắc mắc còn lại của độc giả. Các tác giả đã thành công, khi lôi cuốn được người đọc theo dõi mọi biến chuyển đưa tới sự hình thành tân quốc gia Hoa Kỳ từ 200 năm trước đây.

Bản dịch LỊCH SỬ HOA KỲ gồm 10 đề mục chính là :

I. Châu Âu tìm hải lộ đi Á châu và khám phá ra Tân thế giới ở phía Tây.

II. Các quốc gia Âu châu thiết lập các thuộc địa và giành giật quyền kiểm soát Tân thế giới.

III. Các tân quốc gia được thành lập trong khi Tân thế giới làm rung chuyển các chính quyền Âu châu.

IV. Quốc gia Hoa Kỳ được thiễt lập dựa trên một nền tảng vững chắc.

V. Đời sống Hoa Kỳ thay đổi khi các vùng lãnh thổ được mở mang.

VI. Hoa Kỳ bành trướng lãnh thổ và bị chiến tranh tàn phá.

VII. Nước Hoa Kỳ mới đang hình thành.

VIII. Những hoàn cảnh mới làm thay đổi đời sống Hoa Kỳ.

IX. Hoa Kỳ mở rộng tầm hoạt động.

X. Hoa Kỳ trở thành một cường quốc lãnh đạo thế giới.

Như chúng ta đã rõ, dịch giả Nguyễn Mạnh Quang, một giáo sư sử học nhiều năm trong nghề tại Việt Nam Cộng Hòa, tốt nghiệp Đại học sư phạm Sài Gòn năm 1964 và từng tốt nghiệp Cao học Sử học tại Đại học đường Chio năm 1969. Để cho được công bình, chúng ta phải nhận rằng bản dịch LỊCH SỬ HOA KỲ của Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang là một thành công đáng ca ngợi. Với nhiều năm trong ngành sư phạm, cộng thêm những kiến thức rộng rãi, dịch giả đã nắm vững mọi chủ đề và đã trình bày trung thực những tư tưởng và những dữ kiện lịch sử của bộ THIS IS AMERICA'S STORY. Lời văn bình dị, rõ ràng và dễ hiểu là những yếu tố xuất sắc của dịch phẩm.

Trong tình trạng thiếu thốn sách giáo khoa Việt ngữ hiện nay, tôi nghĩ là bản dịch LỊCH SỬ HOA KỲ của Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang sẽ giúp ích rất nhiều cho các em học sinh và một số đồng bào ta còn yếu kém về Anh ngữ; không những có dịp trau giồi cải tiến thêm cả về Quốc ngữ nữa khi đối chiếu với nguyên bản This is America's Story.

Lịch sử không phải chỉ nhằm kể lại cho chúng ta những chuyện của dĩ vãng hay quá khứ. Đọc lịch sử chúng ta sẽ khám phá ra những hiểu biết rộng rãi hơn về con người và xã hội nơi ta đang sống và chúng ta có thể rút tỉa những kinh nghiệm quý báu, tạo cơ hội định hướng cho tương lai ... Bởi vậy, ngoài việc tìm đọc LỊCH SỬ VIỆT NAM để "ôn cố"; tìm đọc LỊCH SỬ HOA KỲ – bản dịch của Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang – là một dịp để "tri tân", để hiểu biết nhiều hơn về cuộc sống của xã hội hiện tại.

HÀ MAI PHƯƠNG



LỜI NGƯỜI DỊCH
Nhận thấy rằng một số lớn các em học sinh Việt Nam thường gặp khó khăn trong môn Sử.

Lại nhận thấy rằng nhiều bà con trong giới tị nạn còn yếu kém Anh ngữ nhưng lại muốn tìm hiểu về đất nước và dân tộc Hoa Kỳ.

Chúng tôi cho dịch bộ Sử Hoa Kỳ này (không dịch phần bài tập, các bài đọc thêm và phần phụ lục) với hy vọng giúp ích được phần nào cho các em học sinh cũng như những người ham đọc Sử để tìm hiểu về các lục địa ở Tây bán cầu này. Chúng tôi nghĩ rằng đây cũng là một phần nhỏ nhoi, đóng góp vào công cuộc duy trì và nâng cao tiếng Việt của người Việt tha hương.

Trong hoàn cảnh chật vật và thì giờ vô cùng eo hẹp, cho nên dù đã hết sức cố gắng, sách này vẫn còn nhiều thiếu sót. Ước mong nhận được sự thông cảm và chỉ giáo của quý vị.



Sau hết, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các ông : Carl Dellaccio, Richard Wiley; các bà Laura A. Nilson, Alice Wallace, và ông bà Donato, tất cả đều đã tận tìn giúp đỡ phương tiện và thì giờ cũng như khuyến khích chúng tôi trong việc dịch thuật này; bạn Hà Mai Phương, người đã cố gắng vẽ giúp các bản đồ; và đặc biệt nhất là Nguyễn Thị Phúc đã có công kiểm soát và hiệu đính bản sơ dịch.

Tacoma, ngày 10 tháng 1 năm 1978

Nguyễn Mạnh Quang
VÀI HÀNG VỀ NGƯỜI DỊCH
Ông NGUYỄN MẠNH QUANG


  • Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn 1964.

  • Tốt nghiệp Cao học Giáo dục về môn Sử Địa và Tổ chức chính quyền tại Đại học đường Ohio 1969.

  • Giáo sư phụ trách môn Sử Địa và Công dân tại các trường :

    • Trung học Nguyễn Trung Trực, Kiên Giang (1964 – 1966)

    • Trung học bán công Lâm Quang Ky, Rạch Giá (1964 – 1966)

    • Trung học Phó Điều, Rạch Giá (1964 – 1966)

    • Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức, Saigon (1970 – 1975)

    • Trung học Đạt Đức, Gia Định (1970 – 1975).

  • Phụ giảng môn Anh văn, Sử Địa, và Tổ chức Chính quyền tại các trường trung học: Lincoln, Stadium, và Mt. Tahoma (từ 9/1975 đến 6/1978). Trong thời gian này, ông kiêm nhiệm công việc sưu khảo tài liệu và phụ tá đặc trách Chương Trình Song Ngữ tại Tacoma Public Schools.

  • Đặc trách các lớp Sử tiểu bang Washington tại trường trung học Jason Lee, và lịch sử Hoa Kỳ tại trường trung học Woodrow Wilson, Tacoma từ niên khóa 1979 – 1980 và 1980 – 1981.

  • Tác giả cuốn ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN VÀ CHIẾN TRANH LẠNH, do Nhà xuất bản Sáng Tạo xuất bản năm 1972 tại Saigon.

  • Tác giả bộ Việt ngữ TẬP ĐỌC VÀ TẬP VIẾT I, II, III in tại Hoa Kỳ năm 1979 và 1980.

  • Tác giả tuyển tập thơ TỨC TƯỞI gồm các bài thơ gia huấn và ái quốc, xuất bản năm 1980.

  • Dịch giả tiểu truyện THE NIGHTMARE (tức CƠN ÁC MỘNG) của tác giả LESLIE DUNKLING do Alameda County Office of Education, Hayward, California ấn hành.

  • Tác giả cuốn “Vấn Đề Giáo Dục ThanhThiếu Niên Việt Nam Hải Ngoại” (Tacoma Public Schools, 1998)

  • Tác giả cuốn “Việt Nam Đệ Nhất Cộng Hòa Toàn Thư 1954 – 63” (Houston, TX: Văn Hóa, 1998 và 2000)

  • Tác giả cuốn “A Poem For My Children” (Houston, TX: Văn Hóa, 1999)

  • Tác giả bộ sách “Thực Chất Của Giáo Hội La Mã” (tác giả tự xuất bản, 1999)

  • Tác giả cuốn “Nói Chuyện Với Tổ Chức VNCH Foundation (Houston, TX: Đa Nguyên, 2004)

  • Liên tục biên soạn các tập sách sau đây, đa số đã được đăng online trên website www.sachhiem.net:

    • Lịch Sử và Hồ Sơ Tội Ác của Giáo Hội La Mã

    • Khi Nhà Văn Lạm Bàn Lịch Sử

    • Chân Dung Người Việt Quốc Gia.

    • Họ và Chúng Ta.

    • Người Việt Nam Và Đạo Giêsu (Viết chung với Giáo sư Trần Chung Ngọc)

    • Tâm Thư Gửi Nhà Nước Việt Nam.

    • Chủ Đích của L.M. Nguyễn Hữu Lễ trong việc thực hiện cuốn DVD “Sự Thật Về Hồ Chí Minh” (đang soạn thảo).


MỤC LỤC
Mục I - CHÂU ÂU TÌM HẢI LỘ ĐI Á CHÂU VÀ KHÁM PHÁ RA TÂN THẾ GIỚI Ở PHÍA TÂY

1. Cựu thế giới tìm ra Tân thế giới ở ngoài tầm nhận thức.

2. Người Âu châu hiểu biết thêm về Tân thế giới.

Mục II - CÁC QUỐC GIA ÂU CHÂU THIẾT LẬP CÁC THUỘC ĐỊA VÀ GIÀNH GIẬT QUYỀN KIỂM SOÁT TÂN THẾ GIỚI

3. Tây Ban Nha thiết lập đại đế quốc.

4. Người Anh thiết lập các thuộc địa vững mạnh ở Bắc Mỹ

5. Dân chúng sinh sống ở các thuộc địa Anh như thế nào.

6. Nước Pháp thắng rồi lại thất bại và mất luôn cả một đế quốc vĩ đại ở Bắc Mỹ.

Mục III - CÁC TÂN QUỐC GIA ĐƯỢC THÀNH LẬP TRONG KHI TÂN THẾ GIỚI LÀM RUNG CHUYỂN CÁC CHÍNH QUYỀN ÂU CHÂU

7. Người Anh cai trị các thuộc địa Anh như thế nào ?

8. Dân thuộc địa chống lại sự kiểm soát gắt gao của Anh Quốc.

9. Mười ba thuộc địa Anh giành độc lập.

10. Tinh thần độc lập ảnh hưởng đến Trung và Nam Mỹ

Mục IV - QUỐC GIA HOA KỲ ĐƯỢC THIẾT LẬP DỰA TRÊN MỘT NỀN TẢNG VỮNG CHẮC

11. Theo Hiến pháp, mười ba tiểu bang kết hợp thành một quốc gia vững mạnh.

12. Tân chính phủ trung ương khởi sự hoạt động và thành công.

13. Hoa Kỳ được các quốc gia khác kính nể.

Mục V - ĐỜI SỐNG HOA KỲ THAY ĐỔI KHI CÁC VÙNG LÃNH THỔ ĐƯỢC MỞ MANG

14. Miền Đông Bắc trở thành trung tâm kỹ nghệ và thương mại.

15. Miền Nam trở thành Vương quốc bông vải.

16. Chế độ dân chủ cũng được phát triển theo đà mở rộng biên cương phía Tây.

17. Toàn thể đất nước trở nên dân chủ hơn.

Mục VI- HOA KỲ BÀNH TRƯỚNG LÃNH THỔ VÀ BỊ CHIẾN TRANH TÀN PHÁ

18. Lãnh thổ Hoa Kỳ mở rộng đến tận bờ biển Thái Bình Dương

19. Chiến tranh giữa miền Bắc và miền Nam.

20. Hai miền Nam Bắc đánh nhau rồi lại thống nhất.

Mục VII- NƯỚC HOA KỲ MỚI ĐANG HÌNH THÀNH

21. Công việc định cư ở miền biên cương chót tại miền Tây.

22. Hoa Kỳ trở thành đại cường kỹ nghệ.

23. Việc phát triển kỹ nghệ và kinh doanh đưa đến việc phải đương đầu với những vấn đề mới.

Mục VIII- NHỮNG HOÀN CẢNH MỚI LÀM THAY ĐỔI ĐỜI SỐNG HOA KỲ

25. Thời đại máy móc làm thay đổi đời sống thành thị cũng như ở nông thôn.

26. Hoa Kỳ cung cấp nhiều dịp may cho nhiều người.

Mục IX- HOA KỲ MỞ RỘNG TẦM HOẠT ĐỘNG

27. Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đi theo con đường mới.

28. Hoa Kỳ thâu đạt được nhiều đất đai ở hải ngoại.

29. Hoa kỳ giữ một vai trò quan trọng trong các công việc quốc tế.

Mục X- HOA KỲ TRỞ THÀNH MỘT CƯỜNG QUỐC LÃNH ĐẠO THẾ GIỚI

30. Hoa Kỳ đương đầu với những vấn đề tại quốc nội và những mối đe dọa tự do ở quốc ngoại.

31. Hoa Kỳ đối với các quốc gia láng giềng tại Mỹ châu.

32. Người Hoa Kỳ đương đầu với những thử thách của thời đại tân kỳ.
----------------------------------------------


Bộ Sử này được chia ra làm hai quyển :
QUYỂN THƯỢNG : Từ Mục I đến hết Mục VI.

QUYỂN HẠ: Từ Mục VII đến hết Mục X.


MỤC I

ÂU CHÂU

TÌM HẢI LỘ ĐI Á CHÂU VÀ KHÁM PHÁ RA

TÂN THẾ GIỚI Ở PHÍA TÂY
Một buổi sáng vào mùa thu năm 1492, thổ dân trên hòn đảo nhỏ bé gần nơi mà ngày nay gọi là Florida rất đỗi ngạc nhiên khi thấy ba chiếc tàu lạ xuất hiện. Ba chiếc tàu này đối với chúng ta ngày nay hình như là rất nhỏ, nhưng vào lúc bấy giờ thì ba chiếc tàu này lớn hơn bất cứ chiếc xuồng nào của dân bản xứ đang hoạt động ngoài khơi, những chiếc tàu nhỏ này ghé vào bờ, và đoàn người nhảy lên. Trông họ khác hẳn bất kỳ người nào mà dân bản địa đã từng thấy. Họ ngơ ngác nhìn những người lạ lùng này từ màu da trắng, râu ria xồm xoàm cho đến y phục lạ mắt. Cả dân bản địa lẫn những người khách da trắng này đều không ngờ rằng đây là biến cố quan trọng trong lịch sử thế giới. Đây cũng là ngày khởi đầu câu chuyện Mỹ Châu.

Có lẽ các bạn cũng đã đoán ra rằng người dẫn đầu những người da trắng lạ lùng này là ông Kha-Luân-Bố (Columbus). Nhưng tại sao ông lại có ý định đảm nhiệm cuộc hành trình nguy hiểm tới vùng biển xa lạ này ? Và tại sao con tàu của ông lại trở nên một thứ tượng trưng cho sự thích thú đối với người Âu Châu ? Để tìm câu giải đáp cho những câu hỏi trên đây, chúng ta cần phải tìm hiểu những gì đã xảy ra ở Âu Châu thời bấy giờ.

Chương một sẽ cho ta biết tại sao dân Tây Âu thời đó ngày càng chú ý tìm hiểu thêm về những nơi xa lạ trên thế giới. Khi người Âu Châu tham dự những trận chiến ở vùng Thánh địa, họ trở nên biết thưởng thức y phục đẹp, đồ trang sức quy 1gia1 và những món ăn ngon miệng của người Á Châu. Đã nhiều năm, người Âu Châu đã phải mua những sản phẩm này qua những thương gia ở các đô thị của người Ý-Đại-Lợi. Lúc bấy giờ những đô thị này kiểm soát công việc giao thương với Đông phương. Tuy nhiên các vị vua chúa ở các nước Âu Châu lại muốn tìm con đường đi Châu Á và Viễn Đông cho riêng họ. Đó là nguyên nhân tại sao nhiều vua chúa và hoàng hậu Tây Ban Nha đã tài trợ tiền bạc cho ông Columbus với hy vọng ông có thể tới Châu Á bằng cách vượt biển tiến về phía Tây đi vòng quanh địa cầu. Nhờ vậy mà ông đã khám phá ra Tân Thế Giới.

Chương hai sẽ cho các bạn thấy rằng người Âu Châu lúc bấy giờ đã thất vọng vì những miền đất mới lạ do Columbus tìm ra vì nó không phải là phần đất của Á Châu. Các bạn cũng sẽ thấy rằng người Âu Châu tiếp tục cố gắng tìm một con đường ngắn hoặc băng qua hoặc đi vòng quanh Tân Thế Giới để tới Viễn Đông. Muốn thực hiện được ý định này, họ phải tìm hiểu thiêm để biết thêm về Tân Thế Giới, và dần dần chính Tân Thế Giới này đã lôi cuốn họ chú ý nhiều hơn.

"Chúng ta hằng vững tin rằng cứ tiến về phía Tây (phía mặt trời lặn)là sẽ tìm được những gì chúng ta mong muốn". (Cabeza De Vaca)
CHƯƠNG I

CỰU-THẾ-GIỚI ĐÃ TÌM RA TÂN-THẾ-GIỚI

Ở NGOÀI TẦM NHẬN THỨC
Chúng ta có thể so sánh lịch sử Hoa Kỳ với những bước đi trong một cuộc hành trình dài từ quá khứ đến nay. Nhiều người đã tham dự vào tiến trình của lịch sử, và chính chúng ta cũng đang chuyển bước đi đánh dấu ngày hôm nay. Chúng ta không biết rõ những bước đi trong tương lai sẽ ra sao, nhưng nhìn lại những bước đi trong quá khứ và những người đã góp phần xây dựng lịch sử, chúng ta có thể học hỏi ở lịch sử hầu hướng những bước đi của chúng ta trong hiện tại cũng như trong tương lai cho được tốt đẹp hơn.

Tiến trình lịch sử của Hoa Kỳ không phải khởi đầu ở Hoa Kỳ, mà là ở Âu Châu, cho nên trong chương một này chúng ta sẽ quay lại nhìn Âu Châu vào cái thời mà các lâu đài dọc theo bờ biển hướng về đại dương mênh mông. Các bạn sẽ được biết người Âu Châu đã khởi những bước đi đầu tiên trong lịch sử này như thế nào. Họ đã mạo hiểm đi ra biển khơi và khám phá ra Tân Thế Giới như thế nào ? Trong chương này các bạn sẽ tìm ra giải đáp cho những thắc mắc dưới đây :

1. Những biến đổi ở Âu Châu đã đưa đến những khám phá quan trọng về địa lý như thế nào ?

2. Các nhà hàng hải Âu Châu đã đi tìm và đạt được con đường biển đi Á Châu như thế nào ?

3. Tại sao Columbus đã căng buồm vượt biển tiến về phía Tây và đã thực hiện được những gì ?

*

* *



ÂU CHÂU KHÁM PHÁ RA TÂN THẾ GIỚI


Đoàn tàu của Thái tử Henry khởi đi thám hiểm bờ biển Phi Châu


Đệ nhất Thánh chiến



Marco Polo tới Trung Hoa

Columbus khám phá Mỹ Châu





| ' ' ' ' ' ' ' ' ' | ' ' ' ' ' ' ' ' ' | ' ' ' ' ' ' ' ' ' | ' ' ' ' ' ' ' ' ' | ' ' ' ' ' ' ' ' ' | ' ' ' ' ' ' ' ' ' | '

1000 1100 1200 1300 1400 1500 1600



CHƯƠNG MỘT

1050 - 1500
PHẦN MỘT

TẠI SAO NHỮNG BIẾN ĐỔI Ở ÂU CHÂU ĐÃ ĐƯA ĐẾN

NHỮNG KHÁM PHÁ QUAN TRỌNG VỀ ĐỊA LÝ ?
DẪN CHỨNG SỐNG Ở TÂY ÂU VÀO NĂM 1000

Trong khoảng thời gian gọi là Trung cổ, ở Tây Âu vào năm 1000 (thời Trung cổ: 500 – 1400 sau Thiên Chúa) người ta sống riêng rẻ từng chòm xóm. Hầu như các làng mạc là những hòn đảo biệt lập. Dân làng khó có thể biết được những gì xảy ra ở làng bên cách đó vài dặm. Để hiểu rõ đời sống dân chúng Âu Châu thời bấy giờ, chúng ta hãy giả thử rằng chúng ta sống ở Âu Châu vào lúc đó, và đời sống chúng ta sẽ như thế nào ?



- Nhà cửa và đồ đạc rất đơn sơ

Cả gia đình cha mẹ anh em sống trong một căn nhà tranh vách gỗ, nền đất, không có cửa sổ. Mái nhà lợp tôn bằng tranh, nghĩa là bao phủ một lớp dày toàn là rơm, hoặc tranh lá. Lớp đất nén chặt làm nền. Chỉ có một cửa ra vào, và một ống thoát khói trên mái nhà. Nhà cũng không có lò sưởi và cũng không có lò nấu nướng. Mùa hè, các bà mẹ thường nấu ăn ở ngoài trời.

Trong nhà chỉ có một vài đồ đạc thô sơ. Một cái thùng nệm rơm dùng làm giường, bàn thì làm bằng một tấm ván cây đặt trên một cái trụ như cái giá cưa với vài cái ghế đẩu (ba chân) và một cái tủ. Nồi nấu ăn là những lọ bằng sắt. Chén đĩa bằng đất sét nung cho rắn lại. Không có đèn dầu hay đèn cầy. Tuy nhiên điều đó không quan trọng, vì chẳng ai trong gia đình biết đọc cả. Mọi người đều đi ngủ vào lúc mặt trời lặn cho đến khi mặt trời mọc mới dậy.

- Cả quần áo lẫn thức ăn chẳng có gì là thú vị

Thường thì các bà mẹ quay sợi dệt vải may quần áo cho cả gia đình. Hầu hết quần áo đều bằng len hay vải thô. Các bữa ăn thì thật là đạm bạc, bữa nào cũng như bữa ấy, cũng chỉ có một vài thứ; hầu hết là bánh mì, chỉ có chút ít thịt. Rau và trái cây rất ít. Không có trà và cà phê, chỉ có một ít sữa. Gia vị không có gì cả ngoài muối, và không có đường mà xài. Đôi khi thức ăn có vị ngọt là do mật ong hoặc nước trái cây.



- Sống trong thái ấp

Mươi lăm căn nhà lá cất sát bên nhau cạnh con đường đất quanh co. Những gia đình này họp thành làng thuộc về một người quí tộc hay một hiệp sĩ sống trong căn nhà rộng rãi ở gần bên. Làng và những trại ở quanh đó gọi là thái ấp. Những quí tộc chủ nhân ông thái ấp gọi là lãnh chúa. Những quí tộc chủ nhân ông thái ấp gọi là lãnh chúa. Những người còn lại sống trong thái ấp gọi là nông nô. Nông nô phải canh tác nông trại, xây đắp và tu sửa cầu đường và phục dịch các lãnh chúa. Thực ra đời sống nông nô không khác gì đời sống những người nô lệ. Tuy không bị mua đi bán lại như nô lệ, nhưng họ phải ở lại thái ấp như châm ngôn thường nói "nông nô bị buộc vào với đất đai". Nếu một vị tân lãnh chúa đến chiếm hữu thái ấp thì nông nô cũng phải phục dịch ông ta. Nông nô không được hoàn toàn làm chủ đất đai và cũng không được phép đi nơi nào khác để kiếm đất riêng cho họ hay kiếm công việc làm ăn khác. Nói chung, nếu họ không có phép của vị lãnh chúa, họ không được phép đi khỏi thái ấp.

- Thái ấp gần như là một đơn vị kinh tế tự túc

Các bạn đã thấy rõ đời sống của những người sống trong thái ấp như thế nào. Nhưng thái ấp của bạn có sự liên lạc nào với các thái ấp khác không ? Sự thật là người sống trong một thái ấp rất ít liên lạc với những người ở thái ấp khác. Đời sống kinh tế trong thái ấp gần như là tự túc. Có nghĩa là người trong thái ấp sống với nhau mà không mua một sản phẩm nào ở ngoài thái ấp và cũng không sản xuất một loại sản phẩm nào để bán ra ngoài thái ấp. Thực phẩm cần thiết hàng ngày do chính thái ấp sản xuất. Thái ấp có các tiệm thợ rèn và nhà máy xay bột riêng. Thú vật nuôi trong thái ấp được tiêu thụ ngay trong thái ấp. Da thú thì được dùng làm giầy dép và yên ngựa. Các ba nhuộm và dệt lông cừu để làm quần áo. Thợ rèn và thợ sửa chữa bánh xe thì đóng, sửa các thùng xe, bánh xe và sản xuất các nông cụ. Chỉ có một vài thứ như muối, sắt và đá cối xay phải mua từ bên ngoài.

Nhưng không có thị trấn nào sao ? Có, nhưng đó là những thị trấn nhỏ không quan trọng và là nơi buôn bán (ngay cả ngày nay những gia đình nông dân chỉ đi lên tỉnh mua những gì mà chính họ không sản xuất). Tuy nhiên như các bạn đã biết, các thái ấp hầu như là các đơn vị kinh tế tự túc. Hầu hết người dân thời Trung cổ rất ít nhu cầu cần đến thành phố.

Các bạn đã thấy rõ đời sống dân Tây Âu vào năm 1000 như thế nào. Lần lần đời sống này thay đổi theo thời gian.


TẠI SAO ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN Ở TÂY ÂU VÀO THỜI KỲ ĐÓ LẠI BẮT ĐẦU BIẾN ĐỔI ?

Vào thời thượng Trung cổ, Tây Âu rất ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Thật vậy, như các bạn đã biết, mỗi thái ấp hầu như chỉ sống giới hạn trong phạm vi thái ấp. Các vị lãnh chúa cai quản các thái ấp đánh lẫn nhau hay liên kết với nhau dưới một vị lãnh chúa quyền thế mạnh hơn để chống lại kẻ thù chung. Những cuộc chiến tranh như vậy đã khiến cho người Âu Châu có cơ hội hiểu biết những gì xảy ra ở ngoài làng quê nhỏ bé của họ. Sau này người Âu Châu chú ý nhiều đến những nơi xa xôi, nhất là vào thời xảy ra những trận chiến giữa người Âu châu và người Saracens ở các quốc gia miền Đông Nam Âu Châu. Kết quả các trận chiến tranh này là đời sống Âu châu bắt đầu biến đổi. Chúng ta sẽ tìm hiểu sự biến đổi này xảy ra như thế nào.

- Người Saracens đe dọa tràn ngập Âu châu

Vào khoảng năm 600, một tôn giáo mới gọi là Hồi giáo được thành lập và bành trướng ở Ả Rập, nếu Thiên Chúa giáo dựa trên lời dạy của Chúa Giê-su, thì Hồi giáo căn cứ trên lời dạy của đại lãnh tụ tôn giáo này là Mohamed. Người Saracens ở Ả Rập tin rằng tôn giáo do giáo chủ Mohamed sáng lập là một tôn giáo chân chính duy nhất. Người Saracens gửi nhiều đạo quân đi chinh phục các dân tộc khác, và bắt buộc các dân tộc ở các nơi này phải theo Hồi giáo. Không bao lâu, họ chinh phục được cả vùng Bắc Phi và vượt eo biển Gibraltar tiến sang Tây Ban Nha. Trải qua nhiều thế kỷ, người Saracens dồn đẩy dân Thiên Chúa Giáo ở Âu Châu. Bản đồ trang 7 cho ta thấy rõ các vùng đất mà người Saracens đã chiếm được hồi đó. Suy ngẫm về sự bành trướng của người Saracens, người dân Âu Châu tự hỏi nếu quân đội Saracens còn tiến sâu hơn nữa vào Âu Châu thì số phận họ sẽ ra sao?



- Dân Thiên Chúa giáo nổi dậy chống lại người Saracens

Dĩ nhiên là dân Âu Châu không muốn bị bất kỳ ai chinh phục, nhất là họ lại càng không muốn bị người Saracens chinh phục để truyền bá đạo Hồi, vì hầu hết dân Âu Châu là Thiên Chúa Giáo. Ngày nay chúng ta thấy có nhiều hệ phái Thiên Chúa Giáo: Công giáo, Thanh Công Hội (Episcopal), Trưởng lão Hội (Presbyterian), Giám Lý Hội (Methodist), Lute (Lutheran), Tây Lễ Giáo (Baptist), và nhiều Giáo phái khác. Nhưng vào thời Trung cổ ở Tây Âu chỉ có một giáo hội Thiên Chúa Giáo ở La Mã. Dân Thiên Chúa Giáo sẵn sàng phụng sự và chiến đấu cho giáo hội. Vào lúc đó Tây Âu phân hóa thành những vương quốc nhỏ yếu và mỗi vị lãnh chúa cai trị một thái ấp với đầy đủ quyền hành như các vị vua chúa, nhưng nhờ lòng trung thành của họ đối với giáo hội đã khiến cho nhân dân Âu Châu đoàn kết lại được.

Còn một lý do khác nữa khiến cho dân Thiên Chúa Giáo không thích người Saracens. Đó là vì người Sarecens đã chiếm đất Palestine ở tận cùng phía Đông bờ biển Địa Trung Hải. Vì Chúa Giê-su đã sống ở Palestine, nên người Thiên Chúa Giáo gọi nơi này là Thánh địa ... Họ thường thích đi hành hương nơi mà Chúa đã sống khi xưa. Nhưng người Saracens thường can thiệp vào các cuộc hành hương của họ, và đôi khi còn ngăn chặn không cho họ đến hành hương. Dân Thiên Chúa Giáo vững tin rằng Chúa sẽ ban phước lành cho những ai góp phần vào công cuộc tái chiếm Thánh địa.



tải về 2.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   33




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương