Ðỗ Dzũng/Người Việt



tải về 29.16 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích29.16 Kb.
#31439

Ký giả Nguyên Huy và 10 người Việt được vinh danh Cao Niên Tiêu Biểu 2012


Ðỗ Dzũng/Người Việt

 

GARDEN GROVE (NV) - Ký giả kỳ cựu Nguyên Huy của nhật báo Người Việt vừa được Thượng Nghị Sĩ Lou Correa vinh danh Cao Niên Tiêu Biểu năm 2012 cùng với gần 100 người khác trong một buổi điểm tâm do văn phòng vị dân cử này tổ chức tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Ðồng Garden Grove sáng Thứ Sáu.





Thượng Nghị Sĩ Lou Correa (trái) trao bằng tưởng lục cho ký giả Nguyên Huy tại buổi vinh danh Cao Niên Tiêu Biểu 2012. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

“Có thể nói, đây là niềm vui cuối đời đối với tôi,” ký giả Nguyên Huy chia sẻ.

“Vào cái tuổi sắp về hưu mà được vinh danh như vậy thì giống như 'một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp,'” ký giả này nói một cách ví von.

Trong số gần 100 người được vinh danh lần này, có tổng cộng 11 người Việt Nam.

Cùng được Thượng Nghị Sĩ Lou Correa vinh danh lần này còn có ba ký giả cao niên gốc Việt khác: Võ Long Triều, Thanh Huy (Việt Báo) và Thanh Phong (Sài Gòn Nhỏ).

“Tôi hơi bất ngờ,” ký giả Võ Long Triều nói với nhật báo Người Việt. “Nhưng tôi rất vui và hãnh diện vì hôm nay được gặp rất nhiều người.”

Ký giả Thanh Huy nói: “Tôi rất vui hôm nay vì việc mình làm là việc chung và niềm vui hôm nay cũng là niềm vui chung của cộng đồng.”

Ðối với ký giả Thanh Phong, ông “cảm thấy khích lệ tinh thần khi được Thượng Nghị Sĩ Lou Correa lưu tâm tới”.

“Tôi nghĩ mình chưa xứng đáng với lời khen ngợi, nhưng vẫn vui và nhất là thấy ông Lou Correa để tâm đến mọi thành phần trong cộng đồng,” ký giả Thanh Phong nói thêm.

Trong lời phát biểu khai mạc, Thượng Nghị Sĩ Lou Correa nói: “Ðây là những vị cao niên có nhiều đóng góp trong cộng đồng, do quý vị đề cử, chúng tôi không làm gì cả, chúng tôi chỉ vinh danh họ. Họ rất xứng đáng được vinh danh hôm nay.”

“Dù mới chỉ làm bốn năm nay, chúng tôi rất tự hào khi vinh danh các vị cao niên này. Mỗi năm đều đặc biệt, mỗi năm chúng ta thấy sự giúp đỡ của giới cao niên trong cộng đồng gia tăng, nhất là các cựu chiến binh. Chúng ta phải chuẩn bị để đón hàng trăm ngàn chiến binh trở về trong những ngày tới khi chiến tranh chấm dứt,” ông Lou Correa nói.





Từ trái, bốn ký giả được vinh danh, Thanh Huy, Thanh Phong, Nguyên Huy và Võ Long Triều. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Theo tài liệu của văn phòng Thượng Nghị Sĩ Lou Correa, trước năm 1975, ký giả Võ Long Triều từng làm tổng trưởng Bộ Thanh Niên VNCH, chủ nhiệm báo Ðại Dân Tộc, tờ báo có số phát hành lớn nhất miền Nam Việt Nam thời đó. Sau khi đi tù Cộng Sản 11 năm, ông qua Pháp làm việc cho đài RFI, rồi qua Mỹ. Ông viết bài cho nhiều tờ báo và đài truyền hình Việt ngữ, và đang phụ trách mục “Vận Nước Lòng Dân” trên nhật báo Viễn Ðông.

Ký giả Thanh Huy là cựu sĩ quan QLVNCH. Ông cũng là huynh trưởng Hướng Ðạo, nhà thơ, nhà văn, sáng tác liên tục từ trước 1975 cho đến nay. Suốt nhiều năm nay, ông là phóng viên phụ trách tin địa phương cho nhật báo Việt Báo. Ông luôn có mặt và nhiệt tình hỗ trợ các sinh hoạt xã hội, tôn giáo và cộng đồng.

Trước năm 1975, ký giả Thanh Phong là sĩ quan cảnh sát, phục vụ tại Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Quốc Gia Vũng Tàu. Từ khi định cư tại Hoa Kỳ, ông làm phóng viên chuyên về tin tức địa phương cho nhật báo Viễn Ðông trước đây và nhật báo Sài Gòn Nhỏ hiện nay. Ông có mối quan hệ gắn bó với nhiều hội đoàn và cộng đồng người Việt tại Orange County.

 

Người ký giả cộng đồng

 

Có lẽ trong cộng đồng Việt Nam ở miền Nam California, không ai là không biết ký giả Nguyên Huy, nhất là các cựu quân nhân QLVNCH.



Ông luôn có mặt gần như tại tất cả các sự kiện cộng đồng, dù tuổi ngày càng cao, để tường thuật đến độc giả những sinh hoạt của giới cao niên, giới trẻ, cựu quân nhân, văn nghệ sĩ, nói chung là tất cả các giới, cũng như các cuộc biểu tình, cầu nguyện, tưởng niệm, kỷ niệm và ra mắt sách.

Trong gần 10 năm làm việc tại nhật báo Người Việt, ông không bao giờ nghỉ ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, hai ngày cuối tuần có nhiều sinh hoạt cộng đồng nhất, trừ những lần bị bệnh, hoặc bận việc quan trọng trong gia đình.

Có lần, ông theo xe đi lên tận San Francisco làm phóng sự biểu tình trước văn phòng Tổng Lãnh Sự Việt Nam, suốt đêm không ngủ, ngày hôm sau về liền, và bị bệnh mất mấy ngày, làm cả tòa soạn lo lắng. Nhưng ông không bao giờ than vãn, và vẫn lẳng lặng “đi và về với ngày càng nhiều phóng sự nóng bỏng”.

Vậy mà công việc của ông vẫn làm một số người không hài lòng.

Ông chia sẻ với một nụ cười: “Kỷ niệm vui nhất của tôi là dù đi làm phóng sự chống Cộng khắp nơi, đôi khi cũng bị những người biểu tình quá khích chửi bới là làm tay sai cho Việt gian.”




Từ trái, Thượng Nghị Sĩ Lou Correa, Mục Sư David Huỳnh, ký giả Thanh Phong, ký giả Thanh Huy, ký giả Nguyên Huy, ký giả Võ Long Triều và Nghị Viên Tyler Diệp, tại buổi lễ vinh danh. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Dù vậy, ông vẫn miệt mài với công việc, lúc nào cũng chỉ một cái máy chụp hình, một cuốn sổ, lặn lội khắp nơi, và không bao giờ đeo thẻ nhà báo, bởi vì ai trong cộng đồng cũng biết ông cả.

Trên bàn làm việc của ông, lúc nào cũng có dăm ba thư mời do các hội đoàn và cá nhân gởi tới, mời ông đến làm phóng sự về sinh hoạt của họ. Tại nhiều sinh hoạt cộng đồng, trước khi bắt đầu chương trình, ban tổ chức thường hỏi nhau: “Nguyên Huy đến chưa nhỉ?” hoặc “Không biết hôm nay ông Nguyên Huy có đến không?”

Ðiều này cho thấy đồng hương rất ái mộ ông.

 

Nửa thế kỷ làm truyền thông

Trước khi về nhật báo Người Việt, ký giả Nguyên Huy từng làm việc cho đài phát thanh Little Saigon Radio và tuần báo Sài Gòn Nhỏ. Ông cũng từng làm việc với đài truyền hình SBTN và hiện cũng đang cộng tác với đài truyền hình VHN-TV trong vai trò bình luận thời sự. Hình ảnh của ông được khán giả người Việt khắp Hoa Kỳ và một số nơi tại Canada biết đến.

Ngoài ra, ông cũng là chủ bút tập san KBC Hải Ngoại, một tờ báo chuyên viết về cựu quân nhân QLVNCH.

Tuy nhiên, những gì ký giả Nguyên Huy làm tại Mỹ chỉ là một phần rất nhỏ trong cuộc đời làm truyền thông của ông.

Trong lúc cuộc chiến Việt Nam diễn ra khốc liệt, chàng sinh viên luật năm thứ hai Nguyên Huy bị động viên năm 1961, vào khóa 14, trường Võ Khoa Thủ Ðức. Sau khi ra trường, ông về công tác tại ngành tâm lý chiến, rồi được bổ nhiệm làm trưởng đài phát thanh quốc gia ở tỉnh Quảng Ngãi. Sau đó, ông được điều về làm việc tại đài Tiếng Nói Tự Do và đài Gươm Thiêng Ái Quốc của Phòng Tâm Lý Chiến, thuộc Nha Kỹ Thuật Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH.

Năm 1966, ký giả Nguyên Huy được giải ngũ. Hai năm sau, ông tái ngũ và trở lại làm việc ở cơ quan cũ cho đến năm 1975.

Khi cuộc chiến kết thúc, ông bị đưa đi “học tập cải tạo” mất 13 năm, qua các trại tù ở các tỉnh Ðồng Nai, Sơn La, Vĩnh Phú và Thanh Hóa. Năm 1993, ông sang Mỹ định cư theo diện H.O.





Tiết mục múa “Aloha” do các vị cao niên Trung Tâm Acacia trình diễn. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Khi được hỏi điều gì làm ông hài lòng nhất sau hơn nửa thế kỷ trong ngành truyền thông, ký giả Nguyên Huy nói: “Tôi không bao giờ quên thời gian làm việc ở đài Tiếng Nói Tự Do, vì đã góp công sức ngăn làn sóng đỏ. Lúc đó, tôi là người viết chương trình 'Tâm Tư Về Sáng,' do nữ nghệ sĩ Bích Thủy đọc, ảnh hưởng cán binh Cộng Sản rất nhiều.”

“Tài liệu tịch thu được ở mặt trận cho biết Việt Cộng nghe chương trình này rất nhiều, rất nhớ nhà, nên nhiều người hồi chánh. Khi ở tù ngoài Bắc, tôi cũng gặp người dân từng nghe chương trình này, nhưng họ nói rằng 'các ông chỉ mới nói một phần mười sự thật, vì đời sống miền Bắc lúc đó khổ hơn các ông mô tả rất nhiều,'” ông kể tiếp.



Ước mơ

Có thể nói, dù làm việc hơn nửa đời người, ký giả kỳ cựu này vẫn còn những ước mơ, cho thấy tuy tuổi đã cao, nhưng ông vẫn chưa muốn “dừng bước giang hồ”.

Ông chia sẻ: “Tôi ước mơ được đi một vòng nước Mỹ để làm phóng sự về các cộng đồng Việt Nam, để mọi người biết rõ hơn cộng đồng chúng ta. Tuy nhiên, sức khỏe và tài chánh là hai yếu tố có thể làm tôi khó thực hiện được hoài bão này.”

Ngoài chuyện viết báo, ký giả Nguyên Huy còn là tác giả của hai cuốn sách “Giòng Xoáy 1” và “Giòng Xoáy 2,” và ông sắp sửa cho ra mắt tác phẩm “Những Người Ðàn Bà Trong Thành Phố Ðổi Tên” vào cuối năm nay.

“Tâm trạng của tôi gói gọn trong những tác phẩm này,” ký giả Nguyên Huy nói. “'Những Người Ðàn Bà Trong Thành Phố Ðổi Tên' là tác phẩm của thế hệ sau chiến tranh Việt Nam.”

Ông nói thêm: “Tôi muốn nhắn gởi đến thế hệ sau là phải bỏ thêm thời gian để tìm hiểu chế độ Cộng Sản. Thế hệ đi trước có thể chưa hiểu đủ, và như thế không thể truyền đạt cho thế hệ sau biết.”



“Cộng Sản là chế độ tàn ác của nhân loại. Tôi nói không phải vì thù hận sau 13 năm tù. Tôi chỉ không muốn thế hệ sau phải chịu sự tàn ác đó,” ký giả Nguyên Huy nói.

tải về 29.16 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương