ĐỀ CƯƠng tuyên truyềN 70 năm ngày truyền thống phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai ViệtNam



tải về 89.8 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu17.08.2016
Kích89.8 Kb.
#21508


ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

70 năm ngày truyền thống phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai ViệtNam (22/5/1946 – 22/5/2016)

Để thiết thực kỷ niệm 70 năm “Ngày truyền thống phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai Việt Nam”, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có văn bản chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố; Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành tổ chức hoạt động hưởng ứng ngày truyền thống; chỉ đạo các báo, đài địa phương tổ chức tuyên truyền về ý nghĩa ngày truyền thống, thành tựu mà địa phương, ngành mình đã đạt được trong công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai, những công việc cần triển khai để đối phó với thiên tai, bão, lũ, năm 2016; Các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng với nội dung thiết thực và phong phú để cổ vũ, động viên các cấp, các ngành và đồng bào trong cả nước tích cực chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng đối phó với thiên tai; quan tâm đăng tải và đưa tin về công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai cũng như phổ biến kiến thức về phòng tránh thiên tai, góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an hướng dẫn đề cương tuyên truyền ngày truyền thống phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai Việt Nam như sau:



I. Lịch sử ngày truyền thống

Ngay từ ngày xa xưa ông, cha ta đã rất quan tâm đến việc đối phó với thiên tai, bão, lũ để phát triển sản xuất, phát triển đất nước. Nhiều công trình trị thủy, đặc biệt là hệ thống đê điều đã được xây dựng và tu bổ để đối phó với lũ, lụt nhằm bảo vệ sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, cuộc đấu tranh phòng, chống thiên tai đã tạo nên bản lĩnh kiên cường của dân tộc. Kế thừa truyền thống của những thế hệ người đi trước, ngay từ những năm đầu của nước Việt Nam độc lập, ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 70 thành lập Uỷ ban Trung ương hộ đê, tiền thân của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ngày nay.

Để khẳng định tầm quan trọng của công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai ở nước ta; nhằm động viên cán bộ, chiến sỹ và toàn thể nhân dân trong cả nước nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu trong công tác phòng, chống lụt, bão, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; đồng thời để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 21/3/1990 nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Bác, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã quyết định lấy ngày 22/5 hàng năm là “Ngày truyền thống phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai của Việt Nam”

Từ đó đến nay, hàng năm nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống 22/5, Chủ tịch nước đều có thư gửi đồng bào, chiến sỹ cả nước nhằm động viên, khuyến khích và nhắc nhở các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai ở địa phương và ngành mình; Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, các ngành đều tiến hành tổ chức kỷ niệm và mở đợt tuyên truyền sâu rộng nhân ngày truyền thống.



II. Ý nghĩa, truyền thống của công tác phòng chống thiên tai, lụt bão

Ngày 22/5 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai của Việt Nam. Ý nghĩa của ngày này không chỉ là dịp để tôn vinh những người làm công tác phòng, chống thiên tai mà còn để nhắc nhở mọi người hãy chủ động trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. 

Những năm gần đây, công tác phòng, chống lụt bão của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, với phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai, bão, lũ. Chính phủ đã xây dựng chiến lược và đề ra nhiều biện pháp phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, huy động nhiều nguồn lực để phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, bão, lũ gây ra như: Củng cố hệ thống đê điều, xây dựng các hồ chứa nước để điều tiết lũ; tăng cường hệ thống dự báo, cảnh báo và thực hiện việc quy hoạch dân cư, quy hoạch phát triển có sở hạ tầng, chuyển đổi mùa vụ sản xuất để hạn chế thiệt hại; đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về công tác phòng chống và giảm nhẹ thên tai nhằm nâng cao nhận thức và năng lực ứng phó cho cộng đồng …. Mỗi năm, Chính phủ đã dành hàng nghìn tỷ đồng cho việc xây dựng, tu bổ đê điều, khắc phục hậu quả thiên tai. Hầu hết các công trình này đều đã và đang tham gia hiệu quả vào việc phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai cho đất nước. 

Xác định Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong phòng chống thiên tai, luôn là lực lượng đầu tiên có mặt tại các điểm nóng về thiên tai, thảm họa, sự cố, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thực sự coi nhiệm vụ phòng chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu, kịp thời có mặt tại hiện trường cùng lãnh đạo địa phương chỉ huy điều hành xử lý các tình huống; kịp thời tổ chức sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tiếp tế, giúp đỡ nhân dân vùng bị thiên tai, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông … góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cán bộ, chiến sĩ luôn thể hiện rõ phẩm chất “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của người chiến sĩ Công an, khẳng định được vai trò quan trọng, nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân trong phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội

Nhằm đáp ứng tốt hơn các nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và của ngành Công an, công tác tổ chức, chỉ đạo, điều hành lực lượng CAND trong phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai cũng từng bước phát triển cả về quy mô và phạm vi.

Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng Bộ Công an đã có quyết định số 581/2003/QĐ-BCA(V11) ngày 21/8/2003 về việc thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão, tai nạn thương tích và tìm kiếm cứu nạn (PCLB, TNTT &TKCN) Bộ Công an, do đồng chí Thứ trưởng Lê Thế Tiệm - Thành viên Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, làm Trưởng Ban Chỉ đạo, các thành viên gồm đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ; đồng thời chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương thành lập, kiện toàn Ban Chỉ huy PCLB, TNTT &TKCN của đơn vị, địa phương để chỉ đạo công tác PCLB, TNTT &TKCN.

Ngày 13/5/2005 Trưởng Ban Chỉ đạo PCLB, TNTT &TKCN đã có quyết định số 267/2005/QĐ-BCA(C11) về việc bổ sung, thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo. Trong đó giao: Tổng cục Hậu cần (nay là Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật) là cơ quan Thường trực về phòng chống lụt bão và tai nạn thương tích của Bộ có trách nhiệm theo dõi cập nhật tình hình có liên quan PCLB & TNTT đề xuất với Ban Chỉ đạo Bộ những chủ trương, biện pháp chỉ đạo công tác PCLB, TNTT trong toàn lực lượng CAND; Tổng cục Cảnh sát QLHC về trật tự an toàn xã hội (cũ) là cơ quan Thường trực về Tìm kiếm cứu nạn của Bộ.

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Công an trên các lĩnh vực: Ứng phó với biến đổi khí hậu; Phòng chống thiên tai, lụt bão; Cứu hộ, cứu nạn; Tai nạn thương tích và sự thay đổi nhân sự của Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Công an đã có các Quyết định:

(1). Quyết định số 4498/QĐ-BCA-H41, ngày 08 tháng 11 năm 2010 về việc thành lập Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCLB &TKCN Bộ Công an, có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong toàn lực lượng tổ chức thực hiện những nhiện vụ trên. Trong đó, giao Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật nhiệm vụ Thường trực chung, tham mưu giúp Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCLB &TKCN Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao trên cả 4 lĩnh vực: Ứng phó với biến đổi khí hậu; Phòng chống thiên tai, lụt bão; Cứu hộ, cứu nạn và Tai nạn thương tích.

(2). Quyết định số 2118/QĐ-BCA-H41 Ngày 20 tháng 6 năm 2011 về việc thành lập Ban Chỉ đạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu, phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn (ƯPVBĐKH, PCLB &TKCN) Bộ Công an và Quyết định số 4699/QĐ-BCA-H41 Ngày 30 tháng 11 năm 2011 kiện toàn Trưởng Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCLB &TKCN Bộ Công an.

(3). Quyết định số 1873/QĐ-BCA-H41 Ngày 16 tháng 4 năm 2015 về tên gọi và kiện toàn Ban Chỉ đạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPVBĐKH, PCTT &TKCN) Bộ Công an.

(4) Quyết định số 903/QĐ-BCA-H41 Ngày 21 tháng 3 năm 2016 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT &TKCN Bộ Công an.

(5). Ngày 29 tháng 7 năm 2011, Bộ Trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 2844/QĐ-BCA về việc Thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPBĐKH, PCLB &TKCN Bộ Công an (gọi tắt là Văn phòng ƯPT) trực thuộc Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (nay thuộc Cục H46 – Tổng cục IV) nhằm thống nhất các đầu mối về ƯPBĐKH, PCLB, TNTT &TKCN của Bộ Công an trên toàn quốc và giúp Ban Chỉ đạo Bộ Công an chỉ đạo xuyên suốt công tác này từ Bộ tới Công an các đơn vị, địa phương.

Thực hiện Nghị định 106/NĐ-CP, ngày 17/11/2014 của Chính phủ về việc quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, ngày 29/12/2014 Bộ Trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 7833/QĐ-BCA quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuât, Bộ Công an, trong đó giao Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuât chủ trì và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo của Bộ về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, lụt bão, tai nạn thương tích và đảm bảo hậu cần, kỹ thuật cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, lụt bão, tai nạn thương tích và tìm kiếm cứu nạn trong lực lượng Công an nhân dân.

Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Lãnh đạo Bộ để công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của ngành Công an ngày càng được triển khai có tổ chức, xuyên suốt từ Bộ tới Công an các đơn vị, địa phương, ứng phó hiệu quả với thiên tai, lũ, bão theo phương châm 4 tại chỗ, đó là: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”. Hơn nữa, để chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của hiện tượng thời tiết cực đoan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, công tác phòng chống thiên tai, bão, lũ của của lực lượng Công an đã chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng tránh, góp phần tích cực góp phần hạn chế thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và nhân dân.

Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, Ban Chỉ đạo của Bộ đã quán triệt nghiêm túc các quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các UBQG, Ban Chỉ đạo Trung ương; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong toàn lực lượng Công an nhân dân; ban hành Phương án Chi viện lưc lượng, vật tư, phương tiện phục vụ yêu cầu ứng phó với thiên tai, lụt bão nghiêm trọng cho Công an các đơn vị, địa phương, Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão của ngành Công an; đã tổ chức nhiều cuộc diễn tập, mở nhiều lớp tập huấn, huấn luyện nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cho Công an, Cảnh sát PC&CC các đơn vị, địa phương; rà soát, thống kê, đánh giá thực lực vật tư phương tiện PCTT & TKCN trong toàn lực lượng, kịp thời trang cấp và bổ sung kinh phí, vật tư, phương tiện phục vụ yêu cầu “4 tại chỗ” cho Công an các đơn vị, địa phương trước mùa mưa bão; trực tiếp tham gia chỉ đạo tại địa bàn khi xẩy ra thiên tai và các sự cố mang lại hiệu quả tốt, khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng CAND, được cả hệ thống chính trị và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Công tác thông tin, tuyên truyền đã có chuyển biến tích cực; nhận thức, ý thức trách nhiệm của các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy và của lãnh đạo Công an các cấp, của cán bộ chiến sỹ về biến đổi khí hậu, về tình hình, diễn biến phức tạp của thiên tai có chuyển biến tích cực, khả năng chỉ huy, điều hành và thực hiện nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngày càng nâng cao, đảm bảo chủ động, kịp thời hơn, góp phần tích cực làm hạn chế thiệt hại do thiên tai, bão, lũ gây ra.

Công an, Cảnh sát PC&CC các đơn vị, địa phương đã tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác, đồng thời phối hợp có hiệu quả với các ban, nghành và lực lượng Quân đội nhân dân trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, kỹ thuật; xây dựng các phương án, kế hoạch và tổ chức diễn tập, thực tập, huấn luyện nâng cao năng lực ứng phó; bố trí lực lượng trực ban, trực chiến, xử lý thông tin kịp thời phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo với các tình huống thiên tai, tai nạn, sự cố. Luôn giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần tích cực làm giảm tối đa về thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân; góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sỹ CAND.

III. Tình hình thiên tai, lụt bão ở nước ta những năm gần đây

Biến đổi khí hậu mà trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng đang là thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Dưới tác động của biến đổi khí hậu tình hình thời tiết, thủy văn sẽ có diễn biến phức tạp, khó lường, thiên tai trở nên khốc liệt hơn và có thể trở thành thảm hoạ, gây rủi ro lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, có thể xoá đi những thành tựu của nhiều năm phát triển của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan khác đã và đang gia tăng ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiệt độ và mực nước biển trung bình toàn cầu tiếp tục tăng nhanh chưa từng có trong thời gian qua, đang là nỗi quan ngại của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu nên những cơn bão có sức tàn phá lớn xuất hiện ngày càng nhiều, phá huỷ nhiều nhà cửa, công trình, hoa màu, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người.

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của 1 trong 5 “ổ” bão lớn của thế giới, nên diễn biến thời tiết, thủy văn rất phức tạp. Mùa bão trùng với mùa mưa, cộng thêm địa hình núi cao sườn dốc, đồng bằng hẹp, trũng là mối đe dọa thường trực đối với sinh hoạt và sản xuất của người dân. Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu thiên tai, lụt, bão diễn biến hết sức phức tạp, bất thường với quy mô và hậu quả ngày càng nặng nề hơn, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, phá hủy, làm thiệt hại nhiều tài sản; đẩy cuộc sống của nhân dân vùng bão, lũ, thiên tai vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Trong hơn 30 năm qua tại Việt Nam, bình quân mỗi năm, thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, thiệt hại về kinh tế từ 1,0 - 1,5% GDP.

Thiên tai luôn diễn biến khó lường, những trận bão lũ lớn trong lịch sử như: cơn bão Linda (bão số 5) ở miền Nam (1997), trận lũ ở miền Trung (1999) và hai trận lũ lớn năm 2000, 2001 tại các tỉnh ĐBSCL đã làm chết và mất tích gần 4.460 người, thiệt hại vật chất ước tính 17,6 nghìn tỷ đồng. Từ năm 2001 đến năm 2005, thiên tai đã cướp đi sinh mạng của 1.900 người, thiệt hại về vật chất ước tính lên đến 13,5 nghìn tỷ đồng.

Năm 2006, nước ta đã bị ảnh hưởng của 10 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới, điển hình là các cơn bão Chan chu (cơn bão số 1), cơn bão Xangsane (cơn bão số 6), cơn bão Durian (cơn bão số 9) với sức tàn phá lớn gây thiệt hại nghiêm trọng cho các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Nghệ An, Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre… tổng thiệt hại năm 2006 do thiên tai gây ra là hơn 18,5 nghìn tỷ đồng, mức thiệt kinh tế lớn nhất kể từ năm 1971: 339 người chết; 274 người mất tích; 2.065 người bị thương; 75.000 ngôi nhà đổ trôi, 554.000 ngôi nhà khác bị ngập, hư hại… Hậu quả do những trận bão khủng khiếp năm 2006 gây ra đã trở thành bài học xương máu đối với công tác phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai. Sau gần 10 năm không có bão lớn, khiến cơ quan chức năng và người dân có phần chủ quan. Đó chính là nguyên nhân khiến bão Chan chu (cơn bão số 1-2006) với sức gió cấp 12, giật trên cấp 12 đi vào biển Đông vào đầu tháng 5-2006 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản: 13 tàu bị đắm, 5 tàu mất tích kèm theo đó là 266 người chết và mất tích...

Năm 2007, thiên tai lớn như bão, lụt, lũ quét, mưa đá đã dồn dập xảy ra ở nước ta, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Theo ước tính tổng thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong năm 2007 lên tới 11,5 nghìn tỷ đồng. Trong những tháng đầu năm 2008, đợt rét đậm, rét hại kéo dài cũng đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế đất nước, hàng trăm nghìn gia súc bị thiệt hại, hàng vạn người nông dân đã nghèo lại càng nghèo hơn, khó khăn chồng chất khó khăn. Chính phủ cùng với địa phương lại bắt tay vào cuộc để chống lại thiên tai khắc nghiệt, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống cho người dân. 

Trong giai đoạn 1990-2009, trung bình 457 người chết mỗi năm vì thiên tai. Trong 10 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam bị thiệt hại khoảng từ 1,3% -1,5% GDP của cả nước.

Năm 2012, thiên tai ở nước ta có nhiều diễn biến bất thường; bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện sớm hơn bình thường và kết thúc muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Trong năm có 10 cơn bão và 02 ATNĐ hoạt động trên biển Đông, trong đó có 04 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2012 đã làm 258 người chết và mất tích, 408 người bị thương, 6.292 nhà bị đổ, sập, trôi; 101.756 nhà ngập, hư hại, tốc mái; 408.383 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; 3,24 triệu m3 đất đá bị sạt lở .v.v… Ước tính thiệt hại về vật chất khoảng 16 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt cuối tháng 10 đã xẩy ra cơn bão số 8 với cường độ rất mạnh (cấp 13, 14) đường đi phức tạp, không theo quy luật hàng năm, đã gây thiệt hại hơn 11 nghìn tỷ đồng.

Năm 2013 là năm kỷ lục về thiên tai, lụt bão ở Việt Nam trong 50 năm qua: có 15 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới vào Việt Nam, trong đó có siêu bão Haiyan. Thiên tai đã gây thiệt hại lớn nhất về kinh tế từ trước đến nay cho Việt Nam, đặc biệt thiệt hại cho các tỉnh miền Trung do bão số 10.

Năm 2014, tình hình thiên tai, lụt bão ở nước ta giảm về số vụ so với trung bình nhiều năm gần đây, tuy nhiên có nhiều diễn biến bất thường, bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện sớm hơn; mưa lớn, lũ quét xẩy ra nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung. Trong năm, đã có 5 cơn bão, 1 đợt áp thấp hoạt động trên biển Đông; mưa lớn, lũ quét xẩy ra nhiều tại các tỉnh vùng núi phía Bắc và khu vực miền Trung như Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam..... Mưa đá, lốc xoáy tại Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Bình.... gây thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino mạnh và kéo dài đã có tác động rõ rệt đến thời tiết, khí hậu nước ta. Thiên tai xảy ra ít hơn về số lượng, tuy nhiên cường độ tác động một số đợt lại ở mức cao kỷ lục, cụ thể: Có 5 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông (bão số 1 và bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta); nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao kéo dài kỷ lục xảy ra trên diện rộng từ bắc Bộ đến các tỉnh Nam Trung Bộ (trong 60 năm trở lại đây); mưa đặc biệt lớn tại tỉnh Quảng Ninh kéo dài trong 10 ngày (lớn nhất trong 50 năm trở lại đây); sạt lở đất, bờ sông, bờ biển xảy ra ở nhiều nơi; xâm nhập mặn xảy ra sớm hơn và lấn sâu vào đất liền, tình trạng cạn kiệt nguồn nước trên các dòng sông ngày càng phổ biến đã ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Thiên tai, lụt bão đã làm 154 người chết, 127 người bị thương, 1.242 nhà bị đổ sập, trôi; 35.233 nhà bị ngập, hư hại tốc mái; 445.110 ha diện tích lúa hoa màu bị thiệt hại, hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp… thiệt hại ước tính khoảng 8.114 tỷ đồng (trong đó lực lượng Công an thiệt hại khoảng 28 tỷ 566 triệu đồng). Bộ Công an đã kịp thời hỗ trợ kinh phí giúp Công an các đơn vị, địa phương khắc phục hậu quả ổn định công tác, sinh hoạt.

Từ cuối năm 2015 đến nay do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino mạnh và kéo dài đã gây ra tình trạng khô hạn, cạn kiệt nguồn nước, xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và cuộc sống của người dân các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Có 22 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn, trong đó có 18 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn hán. Tính đến nay đã có gần 400.000 ha diện tích bị ảnh hưởng, khoảng 2 triệu người thiếu nước sinh hoạt, 1,1 triệu người cần hỗ trợ về lương thực, 27.500 trẻ em bị suy dinh dưỡng, 39.000 phụ nữ mang thai, cho con bú thiếu vi chất dinh dưỡng và 1,75 triệu người bị mất sinh kế do hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Tại các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng hạn hán và suy giảm mực nước ngầm đã làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử kể từ 90 năm qua. Mặc dù xâm nhập mặn là hiện tượng xảy ra thường niên, năm nay, xâm nhập mặn đã bắt đầu sớm hơn bình thường 2 tháng, với mức độ xâm nhập sâu hơn vào nội địa trung bình từ 20 - 30km.  



IV. Phát huy truyền thống, tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, lụt bão năm 2016

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam tiếp tục là một trong số 10 nước hàng đầu về tần suất bị thiên tai trên thế giới với những loại hình thiên tai phổ biến là bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán. Theo dự báo năm 2016, hiện tượng El Nino có khả năng tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta và duy trì ở cường độ mạnh trong những tháng đầu năm, sau đó giảm dần. Dưới tác động của El Nino nhiều khả năng số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam trong năm 2016 tương đương hoặc ít hơn so với trung bình nhiều năm. Diễn biến có thể theo chiều hướng số lượng ít hơn về đầu mùa và nhiều bão, lũ với cường độ mạnh xảy ra vào nửa cuối năm 2016.

Để chủ động phòng, chống, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, bão lụt gây ra, các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước cần nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm, nghiêm túc xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; tổ chức phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các lực lượng, ứng phó kịp thời, có hiệu quả với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra, 

luôn sẵn sàng, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tài sản và cuộc sống của nhân dân. 

Nhằm chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thiên tai, tai nạn, sự cố trong năm 2016, cần thực hiện tốt phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính”, lực lượng CAND cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tổ chức Tổng kết công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016 ở Bộ và Công an, các đơn vị, địa phương, Cảnh sát PC&CC tỉnh, thành phố; kịp thời bổ sung, kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy, từng đơn vị, địa phương.

2. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ công an, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thành phố về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016; xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016 của đơn vị, địa phương. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả mọi tình huống thiên tai, sự cố, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong mọi tình huống.

3. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, lụt, bão, phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2016, trong đó cần nâng cao nhận thức cho cán bộ chiến sỹ và nhân dân hiểu đúng về tình hình thiên tai của nước ta hiện nay diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, khó dự báo để chủ động ứng phó trong mọi tình huống. Đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động, kết quả, thành tích của lực lượng Công an nhân dân trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông …

Nâng cao chất lượng hoạt động Website của Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Công an, nhằm phục vụ cho việc chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong toàn lực lượng CAND.



4. Kịp thời trang cấp, bổ sung phương tiện, vật tư, kinh phí phục vụ công tác phòng chống thiên tai, lụt, bão, cứu hộ, cứu nạn cho Công an các đơn vị, địa phương, Cảnh sát PC&CC tỉnh, thành phố phù hợp với đặc điểm địa lý, khí hậu của từng địa bàn. Trong đó, cần chủ động khai thác từ nhiều nguồn vốn, đặc biệt nguồn vốn các dự án ODA của nước ngoài để mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ. Tranh thủ sự chỉ đạo và hỗ trợ về nguồn lực của các cấp chính quyền địa phương để tăng cường trang bị vật tư, phương tiện, bổ sung kinh phí nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Công an, Cảnh sát PC&CC các đơn vị, địa phương.

5. Tổ chức hướng dẫn phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Công an, Cảnh sát PC&CC các đơn vị, địa phương, đặc biệt tại những địa bàn thường xuyên bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, lũ. Hướng dẫn Công an, Cảnh sát PC&CC các đơn vị, địa phương làm tốt công tác nắm thực lực và công tác bảo quản, bảo dưỡng vật tư, phương tiện, công tác dự phòng, dự trữ để chủ động ứng phó khi thiên tai, sự cố xảy ra.

6. Xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy. Xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án phòng chống cháy, nổ, sự cố khác nhằm đảm bảo an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa xã hội lớn của đất nước năm 2016.

7. Hoàn thành xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngành Công an đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Xây dựng dự án trang bị phương tiện tìm kiếm cứu nạn cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm theo Đề án Quy hoạch tổng thể ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo Quyết định 1041/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Dự án cung cấp phương tiện, thiết bị chuyên dùng trong công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão, thảm họa thiên tai, chăm sóc y tế và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

8. Xây dựng kế hoạch 5 năm (2016-2020) về phòng chống thiên tai của ngành Công an (thực hiện khoản 1, khoản 5 điều 15 của Luật Phòng chống thiên tai). Rà soát, bổ sung cập nhật số liệu, thông tin mới vào phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão của ngành Công an.

9. Ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Công an giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030. Tổ chức biên soạn và phát hành “Sổ tay ứng phó với biến đổi khí hậu trong Công an nhân dân”.

10. Tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập nhằm nâng cao nhận thức và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ chiến sỹ Công an, Cảnh sát PC&CC các đơn vị, địa phương.

11. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; đảm bảo tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan Đảng, chính quyền, cơ quan Công an, trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác, bảo vệ; đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường; có phương án bảo vệ sản xuất, bảo vệ các công trình, cơ sở hạ tầng, bảo vệ đê, kè, cống, hồ chứa nư­ớc, địa điểm di dời sơ tán dân… không để kẻ địch, tội phạm và các phần tử xấu lợi dụng thiên tai, lụt, bão, sự cố để hoạt động phá hoại, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và của nhân dân hoặc trốn khỏi nơi giam giữ do lực lượng Công an quản lý. Khẩn trương điều tra làm rõ và tham mưu chỉ đạo giải quyết có hiệu quả các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra; các vụ án, vụ việc có dấu hiệu lợi dụng thiên tai, lụt bão, tai nạn để hoạt động phá hoại, vụ lợi, xâm hại an sinh xã hội…

12. Chấp hành nghiêm chế độ thông tin báo cáo, trực ban 24/24h trong ngày, đặc biệt trong mùa mưa bão, khi xảy ra sự cố bất ngờ về thiên tai, thảm họa; đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của thiên tai, lụt bão, tai nạn, sự cố; có phương án cụ thể, hợp lý, đề xuất huy động vật tư, phương tiện để chủ động phòng chống và khắc phục hậu quả kịp thời. Báo cáo, đề xuất với cấp uỷ và Chính quyền địa phương hoặc lãnh đạo Bộ để chỉ đạo giải quyết kịp thời những tình huống phức tạp, chủ động phối hợp chặt chẽ với lực l­ượng Quân đội, chính quyền địa phương, các ban, ngành và Công an các tỉnh lân cận trong công tác ứng phó với các tình huống thiên tai, và các sự cố nghiêm trọng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra. Làm tốt công tác tham mưu cho Cấp ủy, Chính quyền địa phương đề ra các biện pháp và phối hợp tổ chức thực hiện các biện pháp cảnh báo, sơ tán dân khỏi những nơi nguy hiểm, đặc biệt chú ý việc đi lại của học sinh, trẻ em và người cao tuổi, không để xảy ra tai nạn, chết đuối trong mùa mưa bão.

13. Các đơn vị và doanh nghiệp trong toàn lực lượng Công an nhân dân cần nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, xử lý tốt nước thải, khí thải và chất thải trong quá trình sinh hoạt và sản xuất của đơn vị ra môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch… Tùy theo điều kiện của mỗi đơn vị làm công tác dân vận, phát động quần chúng tham gia bảo vệ môi trường cho phù hợp, hiệu quả, góp phần làm hạn chế thiên tai, dịch bệnh.

14. Kịp thời đề xuất lãnh đạo Bộ Công an quyết định hỗ trợ, ủng hộ cho Công an các đơn vị, địa phương, nhân dân và CBCS Công an bị thiệt hại do thiên tai, tai nạn, sự cố. Chủ động phát động CBCS toàn lực lượng quyên góp ủng hộ “Quỹ Nghĩa tình đồng đội Công an nhân dân”; khen thưởng, động viên kịp thời tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ ứng phó với thiên tai, tai nạn, sự cố và tìm kiếm cứu nạn.

Trong công tác khắc phục hậu quả và đầu tư xây dựng cơ bản của Công an các đơn vị, địa phương cần nghiên cứu đưa vào thiết kế xây dựng những kết cấu đảm bảo cho các công trình tại các địa bàn thường xuyên bị thiên tai, bão lũ phù hợp với tiêu chuẩn phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.



15. Công an các đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và đặc điểm địa lý của địa bàn chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch huấn luyện, diễn tập, thực tập hoặc tham gia diễn tập về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, lụt bão, phòng chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ trực tiếp làm công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; bồi dưỡng kỹ năng sử dụng các loại phương tiện khi thực hiện nhiệm vụ, như: Điều khiển, sử dụng ôtô, môtô, canô, tàu, xuồng và sử dụng những trang bị khác; bổ sung hoàn thiện phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão của đơn vị, địa phương mình.

Công an, Cảnh sát PC&CC tỉnh, thành phố có tuyến quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đi qua chủ động xây dựng, thực tập phương án đảm bảo ninh, trật tự, an toàn giao thông trên tuyến giao thông để chủ động ứng phó khi xẩy ra tình huống thiên tai, bão lũ, sự cố nghiêm trọng, đặc biệt tại những khu vực có nguy cơ cao xẩy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở nguy hiểm.



Phát huy truyền thống vẻ vang 70 năm phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai, lực lượng CAND ra sức phấn đấu, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, lụt bão, thảm họa và các sự cố khác gây ra ./.


Каталог: admin -> files -> documents
files -> HIẾn chưƠng hội thánh tin lành việt nam
files -> Số: 4335/bnv-đt v/v báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 1374/QĐ-ttg
files -> ĐÁP Án sử khốI 10
files -> ĐÁP Án thi học kỳ I năm họC 2013-2014 Môn: VẬt lý khốI 11
files -> HƯỚng dẫn môn học lịch sử nhà NƯỚc và pháp luật bình dưƠNG, NĂM 2014
documents -> ĐỀ CƯƠng tuyên truyềN 69 năm ngày truyền thống phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai
files -> Kinh nghiệm: Ứng dụng cntt vào giảng dạy môn Âm nhạc ở bậc thcs. Phần I: ĐẶt vấN ĐỀ
files -> A. MỞ ĐẦu I. ĐẶt vấN ĐỀ. Thực trạng vấn đề
documents -> CÔng ty cổ phần công nghệ thông tin việt tiến mạnh địa chỉ : 35 Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

tải về 89.8 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương