Ủy ban nhân dân tỉnh quảng ninh sở khoa học và CÔng nghệ


PHẦN III THỰC TRẠNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ; ĐIỂM MẠNH, ĐIỂM YẾU VÀ THÁCH THỨC



tải về 1.1 Mb.
trang6/18
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích1.1 Mb.
#18269
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18

PHẦN III
THỰC TRẠNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ;
ĐIỂM MẠNH, ĐIỂM YẾU VÀ THÁCH THỨC

I. Thực trạng KH&CN của Quảng Ninh

1. Nghiên cứu và phát triển


Về khoa học xã hội và nhân văn: tập trung vào nghiên cứu, cung cấp cơ sở khoa học giúp cho các cấp, các ngành trong hoạch định chính sách của tỉnh; tham mưu cho tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý trong quản lý nhà nước về KH&CN, đồng thời thúc đẩy và phát triển hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2006 đến nay, đã ban hành 08 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động KH&CN. Trong giai đoạn 2006–2010, đã thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu về các lễ hội truyền thống, phục dựng lễ hội văn hoá dân gian; bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá cổ truyền các dân tộc trên địa bàn Tỉnh.

Về khoa học tự nhiên: đã tiến hành một số nhiệm vụ điều tra cơ bản và bảo vệ môi trường về các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, về số lượng và quy mô của các nhiệm vụ còn chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển KT–XH.

Về KHKT và công nghệ, khoa học nông nghiệp và khoa học y dược trong giai đoạn 2006 – 2011, tỉnh đã triển khai các hoạt động như sau:

– Triển khai thực hiện 02 dự án cấp Nhà nước thuộc Chương trình NTMN (Kinh phí trung ương: 2.210 triệu đồng; kinh phí địa phương: 480 triệu đồng) và từ năm 2012 đã đăng ký với Bộ KH&CN 03 dự án Chương trình NTMN về xây dựng mô hình sản xuất hoa chất lượng cao; nuôi trồng và chế biến cây dược liệu; sản xuất giống và trồng rừng thâm canh keo tai tượng.

– Đã tổ chức triển khai 101 nhiệm vụ NCKH&PTCN cấp tỉnh, tập trung theo hướng nghiên cứu ứng dụng nhằm đáp ứng các yêu cầu bức thiết của thực tế sản xuất và cuộc sống, góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tổng kinh phí cho các nhiệm vụ cấp tỉnh trong giai đoạn này là 44.955 triệu đồng. Trong đó, năm 2011 triển khai 34 nhiệm vụ, với tổng kinh phí là 13.536 triệu đồng. Các nội dung nghiên cứu đã tập trung vào các vấn đề: nghiên cứu ứng dụng công nghệ định vị vệ tinh phục vụ quản lý tàu thuyền; nghiên cứu về vấn đề môi trường biển, nông thôn, biên giới; nghiên cứu giải pháp đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả SX–KD doanh nghiệp ngoài quốc doanh; nghiên cứu diễn biến tài nguyên rừng, biển bằng tư liệu viễn thám đa thời gian phục vụ quy hoạch rừng, vùng nuôi trồng thuỷ sản; nghiên cứu các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc tỉnh Quảng Ninh,…

2. Ứng dụng KH&CN


Trong giai đoạn 2006–2011, tỉnh đã triển khai các hoạt động ứng dụng KH&CN cụ thể sau:

– Đã triển khai 68 dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN tại 12/14 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ là 4.902,6 triệu đồng (năm 2011 thực hiện 17 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 1.626 triệu đồng). Các dự án được phân bổ chủ yếu trên 4 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thuỷ sản. Hầu hết các mô hình triển khai ở cấp huyện đều cho hiệu quả kinh tế cao; giúp nông dân tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo. Một số sản phẩm được ứng dụng rộng rãi và cho hiệu quả kinh tế cao như: Gà Sao thương phẩm (Cẩm Phả, Yên Hưng), Thanh long ruột đỏ (Hoành Bồ), Khoai lang Nhật Bản (Yên Hưng), sử dụng men vi sinh NNI trong chăn nuôi lợn (Tiên Yên, Đầm Hà),…

– Đã tổ chức 03 Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh. Các giải pháp tham gia Hội thi là các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh và kết quả nghiên cứu, ứng dụng của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tại 3 Hội thi đã có 241 giải pháp dự thi, trong đó 81 giải pháp đạt giải và đã xét chọn 76 giải pháp kỹ thuật của tỉnh đi dự thi Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc và có 5 giải pháp đạt giải; 4 tác giả trẻ của giải pháp này còn được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới –WIPO tặng giải thưởng WIPO cho nhóm tác giả trẻ xuất sắc nhất, 01 giải pháp đạt Huy chương Bạc giải thưởng quốc tế tại ITEX 2010 Malaysia. Quảng Ninh cũng đã gửi 49 công trình tham dự Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong đó 06 công trình đã đạt giải. Quảng Ninh còn tổ chức Hội thi tin học trẻ và Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên Nhi đồng toàn quốc và có từ 5–10 giải pháp tham dự. Từ năm 2006 đến nay, Quảng Ninh có 14 giải pháp đạt giải, trong đó có 2 giải quốc tế.

– Các ngành, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn thuộc các tập đoàn, các tổng công ty đã dành hàng chục tỷ đồng đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong quản lý, điều hành và phục vụ SX–KD, cụ thể là:

+ Ngành than đã tập trung đầu tư đổi mới công nghệ trong công tác khai thác và vận chuyển. Tập đoàn TKV đã nghiên cứu, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, sản xuất sạch hơn ở hầu hết các khâu như: thiết kế mỏ; khai thác hầm lò, khai thác lộ thiên; tuyển, chế biến, vận tải, sử dụng hợp lý tài nguyên than; sản xuất cơ khí, thiết bị điện phục vụ khai thác than; năng lượng mới, vật liệu mới cho khai thác than; quản lý an toàn hoạt động của mỏ; bảo vệ môi trường khai thác than. Hàng loạt ứng dụng công nghệ mới và tiến bộ kỹ thuật được đưa vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng lực công nghệ của TKV, trong đó có nhiều công nghệ từ kết quả nghiên cứu KH&CN trong nước.

+ Ngành đóng tàu đã áp dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất như dây chuyền tự động chế tạo phân đoạn phẳng; dây chuyền làm sạch, sơn tổng đoạn trong đóng vỏ tàu; dây chuyền lắp ráp tự động thân tàu chở hàng; ứng dụng các thiết bị trắc đạc Laser trong chế tạo, lắp ráp và kiểm tra vỏ tàu hệ trục chân vịt, trục lái,… đáp ứng yêu cầu cho việc đóng tàu tải trọng lớn.

+ Ngành vật liệu xây dựng đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới như dây chuyền nghiền thô, đùn dẻo, sấy nung nhanh bằng nhiên liệu khí hoá than nguội; công nghệ khí hoá than nung nóng sản phẩm trong lò Tuynel; đầu tư máy móc, thiết bị cơ giới hoá trong bốc, xếp.

+ Ngành thông tin truyền thông đã phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet theo hướng hiện đại; nâng cấp mạng thông tin, truyền hình, cáp quang, đổi mới hệ thống chuyển mạch; đẩy mạnh công nghệ đa dịch vụ…

+ Các ngành điện, cơ khí chế biến, chế tạo cũng đã có nhiều đổi mới về công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị phục vụ nội địa và xuất khẩu.

3. Dịch vụ KH&CN


Trong giai đoạn 2006 – 2010, các hoạt động dịch vụ KH&CN đã được tỉnh thực hiện, bao gồm:

– Hoạt động SHTT đã được các doanh nghiệp ngày càng nhận thức và quan tâm; đã chủ động xây dựng, xác lập, phát triển và bảo vệ quyền SHTT phục vụ mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh. Một số doanh nghiệp đã xây dựng, phát triển và tiếp tục bảo vệ được các thương hiệu mạnh trên thị trường như: Công ty Cổ phần VIGLACERA Hạ Long, Công ty Xi măng Lam Thạch, Công ty Cổ phần chế tạo máy VINACOMIN, Công ty TNHH một thành viên Thương mại Dịch vụ và Nước giải khát Quảng Ninh, Công ty Nước khoáng Quang Hanh, Công ty Gốm sứ Quang Vinh,… Từ năm 2006–2011, có trên 400 đối tượng SHTT của các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh đã được hỗ trợ xây dựng hồ sơ xác lập quyền SHTT. Đã hướng dẫn các ngành, địa phương trên địa bàn Tỉnh đề xuất các nông sản để xây dựng thương hiệu thuộc Chương trình phát triển thương hiệu cho các nông sản phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế: Hiện đã có 02 sản phẩm là Ba Kích – Ba Chẽ, Hoa – Hoành Bồ được đăng ký “nhãn hiệu” nông sản; đang tiếp tục hướng dẫn nhiều đơn vị trên địa bàn Tỉnh đăng ký thương hiệu sản phẩm như: Chè Hải Hà, Sá sùng Vân Đồn, Gà Tiên Yên,… Năm 2010–2011, Tỉnh đã hỗ trợ xây dựng xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho 34 đối tượng SHCN với tổng kinh phí hỗ trợ là 728 triệu đồng.

– Công tác quản lý TC–ĐL–CL đẩy mạnh đào tạo, phổ biến văn bản pháp quy (1000 lượt doanh nghiệp); hướng dẫn áp dụng 50 TCVN, 75 lượt tiêu chuẩn cơ sở; phổ biến thông tin kịp thời về Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại; hướng dẫn 30 doanh nghiệp tham gia các loại giải thưởng chất lượng Việt Nam và Quốc tế; duy trì hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các Hội chợ Thương hiệu Việt Nam. Nhiều sản phẩm của Quảng Ninh đã đạt danh hiệu Thương hiệu có uy tín với người tiêu dùng và Thương hiệu nổi tiếng Việt nam. Tỉnh đã hỗ trợ 30 doanh nghiệp trong việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000, xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý tiến tiến cho 11 hệ thống quản lý chất lượng. Đến nay, 35/35 cơ quan hành chính cấp tỉnh đang triển khai áp dụng, đảm bảo 100% các cơ quan tỉnh áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008. Năm 2011, tiếp tục tổ chức triển khai Kế hoạch áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng này đến các cơ quan hành chính cấp xã phường và các đơn vị hành chính trực thuộc các Sở, Ban, Ngành (giai đoạn 2011–2013).

– Công tác thông tin, phổ biến kiến thức về KH&CN: đã xuất bản các ấn phẩm, bản tin, trang tin trên báo, đài của tỉnh, định kỳ hàng năm tổ chức các cuộc thi, hội thi nhằm khuyến khích tài năng và tạo phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp của tỉnh tham dự Hội chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) của Trung ương và địa phương tổ chức. Từ năm 2009 đến 2011, Chợ công nghệ và thiết bị tỉnh Quảng Ninh trên mạng Internet đã khai thác hơn 5.400 công nghệ và thiết bị chào bán – tìm mua và tổ chức nhiều đoàn của tỉnh tham gia các Techmart. Năm 2010, tỉnh đã chủ trì tổ chức thành công Techmart Vùng ĐBSH tại Quảng Ninh với hơn 200 gian hàng trong nước và Quốc tế của 180 tổ chức thuộc 19 tỉnh thành trong nước, của Trung Quốc, Ucraina và Israel tham gia, đã có 188 hợp đồng và biên bản ghi nhớ chuyển giao công nghệ được ký kết với tổng giá trị lên tới 457,5 tỷ đồng. Tỉnh đã triển khai thành công dự án “Đưa thông tin KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở khu vực nông thôn bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực về kinh tế và xã hội, dự án cơ bản đã hình thành được “kho” cơ sở dữ liệu về KH&CN của tỉnh, tạo lập được mạng lưới trao đổi thông tin, cung cấp thông tin KH&CN trực tiếp đến người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả, giúp người dân nắm bắt kịp thời các tiến bộ khoa học và kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất và đời sống.

– Thời gian qua, các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý và điều hành, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành và đẩy mạnh cải cách hành chính. Điển hình là tại Văn phòng UBND tỉnh, các công việc được thực hiện 100% trên máy tính đã giúp giảm thiểu thời gian xử lý công việc cho mỗi cán bộ, chuyên viên. Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh đã lắp đặt “Kiốt điện tử” nhằm công khai, minh bạch hoá thêm các thủ tục hành chính. Người dân đến làm các thủ tục có thể vào cây điện tử để tra cứu xem với phần việc mình yêu cầu giải quyết thì cần phải có những thủ tục gì. Khi đã được bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ, người dân cũng có thể vào đó tra cứu xem hồ sơ của mình đã được ai tiếp nhận, ai xử lý và xử lý đến đâu. Đồng thời, Văn phòng UBND tỉnh cũng triển khai lắp đặt bảng điện tử màn hình LED phục vụ các nội dung tuyên truyền, nội dung chỉ đạo điều hành, nội dung chính trị của tỉnh.

4. Quản lý nhà nước về KH&CN


Hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN của Tỉnh ngày càng được hoàn thiện, cụ thể là:

– Đã ban hành 16 văn bản về cơ chế chính sách KH&CN, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động KH&CN. Trong đó có các văn bản quan trọng như: Phê duyệt hình thức quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư phát triển KH&CN trên địa bàn Tỉnh; Phê duyệt Quy hoạch phát triển KH&CN tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2006–2010 và định hướng đến 2020; Kế hoạch xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2000 trong các cơ quan hành chính công; Định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí các đề tài, dự án KH&CN có sử dụng ngân sách của Tỉnh; Quy định một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN; Quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Quy chế quản lý hoạt động SHTT.

– Công tác quản lý hoạt động NC&PT đã có nhiều đổi mới, đã xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm phát triển KH&CN của tỉnh từng thời kỳ nên nội dung nghiên cứu, ứng dụng của các đề tài, dự án đã có tính hệ thống hơn, tăng cường cả nội dung nghiên cứu và kinh phí thực hiện (bình quân khoảng 400 triệu đồng/01 nhiệm vụ, có nhiệm vụ đến hơn 03 tỷ đồng). Việc đăng ký, đề xuất thực hiện nhiệm vụ đã được mở rộng tới các Viện nghiên cứu, Trường đại học; phương thức xác định đơn vị chủ trì thực hiện đề tài, dự án được cải tiến thông qua tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài, dự án. Chất lượng hoạt động tư vấn của các Hội đồng thẩm định, nghiệm thu đề tài, dự án được nâng cao nhờ việc mời các nhà khoa học ở Trung ương tham gia.

– Hệ thống thực thi quyền SHTT của Tỉnh đã thực hiện trên 567 cuộc thanh, kiểm tra chuyên đề có nội dung về sở hữu trí tuệ; phát hiện và xử lý 311 vụ với tổng số tiền phạt trên 752 triệu đồng; tịch thu và xử lý 415.613 sản phẩm hàng hóa giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 819 tấn phân bón giả; 64.475 kg mì chính giả và 303 kg nhãn hiệu giả; tiêu hủy hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với giá trị ước tính trên 4.137.024.300 đồng. Qua việc kiểm tra, xử lý thấy rằng các vụ xâm phạm, làm hàng giả về sở hữu trí tuệ chủ yếu tập trung vào các hàng hóa tiêu dùng như các loại rượu trong và ngoài nước sản xuất; nước giải khát, mỹ phẩm, thuốc lá, bột ngọt, đĩa nhạc, đĩa hình, đồ dùng điện tử,… mang một số nhãn hiệu có uy tín như: xe máy Honda, quần áo, giầy dép Nike, Adidas, máy tính điện tử Casino, bếp ga Rinnai, mũ bảo hiểm Amoro, bột giặt Omo, thuốc lá Vinataba,… Năm 2012, tỉnh đã tiến hành 21 dự án xây dựng và phát triển thương hiệu của tỉnh (32 tỷ đồng), đã làm thủ tục đăng ký 03 sản phẩm nông sản của tỉnh được bình chọn vào TOP 50 đặc sản của Việt Nam (Chả mực Hạ long, gà Tiên Yên, sá sùng Vân Đồn).

– Hàng năm tiến hành kiểm nghiệm, thử nghiệm 1.100–1.200 mẫu vật liệu xây dựng, kiểm định từ 3.000 – 3.100 phương tiện đo các loại. Công tác kiểm tra chất lượng hàng hoá XNK đã được triển khai trung bình 900 lô hàng/năm. Năm 2006–2011, đã hướng dẫn áp dụng 50 lượt TCVN của 250 lượt sản phẩm các loại; hướng dẫn xây dựng và áp dụng 75 lượt TCCS của 480 lượt sản phẩm; tiếp nhận Công bố Tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá cho 294 cơ sở với nhiều sản phẩm phù hợp được đưa vào thị trường. Sở đã tiến hành thanh, kiểm tra Nhà nước tại 250 lượt doanh nghiệp trong việc đảm bảo chất lượng sau công bố; đẩy mạnh việc triển khai rà soát các văn bản pháp quy kỹ thuật về Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại giúp cho các địa phương, doanh nghiệp có thông tin về hoạt động trong hội nhập Quốc tế. Công ty Cổ phần VIGLACERA Hạ Long lần đầu tham dự Giải thưởng chất lượng quốc tế Châu Á – Thái bình dương đã đoạt giải. Trong năm 2012, tỉnh đã tiến hành kiểm định 3.370 phương tiện đo các loại của trên 500 lượt doanh nghiệp, tiếp nhận đăng ký và làm thủ tục kiểm tra 35 lô hàng của trên 10 lượt doanh nghiệp, thử nghiệm 859 mẫu vật liệu xây dựng, hướng dẫn 11 doanh nghiệp công bố áp dụng các tiêu chuẩn, hỗ trợ 04 doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008.

– Công tác Thanh tra KH&CN đã tiến hành gần 270 cuộc thanh theo kế hoạch, khoảng 50 cuộc Thanh tra đột xuất; đã lập biên bản và xử lý vi phạm đối với 48 cơ sở với tổng số tiền phạt là 375,8 triệu đồng. Nổi bật là vụ việc: UBND tỉnh xử lý vi phạm nhãn hiệu hàng hoá của 1 doanh nghiệp với mức phạt 100 triệu đồng. Tỉnh đã chủ động phối hợp với tỉnh Bắc Ninh xử lý dứt điểm vi phạm về nhãn hiệu hàng hoá của 1 doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Năm 2012, tổ chức thanh tra 45 đơn vị có nội dung về SHTT, kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, sản xuất kinh doanh than,… đã tiến hành thanh tra, kiểm tra về đo lường và chất lượng xăng dầu theo chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ.

– Công tác quản lý công nghệ được đẩy mạnh, đã triển khai đánh giá trình độ công nghệ của doanh nghiệp làm cơ sở cho xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Tỉnh đã tích cực triển khai việc hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký hỗ trợ đổi mới công nghệ theo chương trình của Bộ KH&CN. Năm 2012, Tỉnh đã tổ chức 08 đơn vị và doanh nghiệp của tỉnh tham gia Chợ công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam 2012; tổ chức 01 lớp tập huấn về quản lý công nghệ và chuyển giao công nghệ cho 70 doanh nghiệp; đã phê duyệt danh mục 13 dự án ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về các vấn đề như: hội chẩn, tư vấn, khám, chữa bệnh; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; phát triển vùng trồng hoa chất lượng cao; quy hoạch trồng cây thuốc; phát triển giống hoa Mai vàng; ứng dụng công nghệ quản lý khách du lịch. Năm 2012, Sở KH&CN đã thẩm định công nghệ của 03 dự án đầu tư.

– Công tác quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn: Đã hướng dẫn các đơn vị lập và hoàn thiện hồ sơ để thẩm định cấp phép hoạt động cơ sở bức xạ, đảm bảo 100% cơ sở bức xạ đều được kiểm tra đủ điều kiện hoạt động. Trong năm 2012 đã thẩm định, cấp phép mới và gia hạn hoạt động cho 23 cơ sở bức xạ; đã thẩm định cấp phép vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại; cấp phép xả nước thải vào nguồn nước; đánh giá tác động môi trường cho các dự án đầu tư; tổ chức 02 lớp tập huấn về ATBX và đào tạo cấp chứng chỉ ATBX.

– Hoạt động hợp tác Quốc tế về KH&CN, Tỉnh thường xuyên tổ chức đoàn cán bộ đi trao đổi kinh nghiệm, tổ chức ký kết hợp tác quốc tế về KH&CN nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp của mỗi bên có nhiều cơ hội hợp tác. Nổi bật là hợp tác về KH&CN giữa Quảng Ninh và Quảng Tây (Trung Quốc) đã đánh dấu mốc quan trọng của KH&CN Quảng Ninh trong tiến trình hợp tác quốc tế về KH&CN với Trung Quốc. Theo thoả thuận đã ký kết, hai bên sẽ triển khai hợp tác trên một số nội dung về đào tạo nguồn nhân lực, thông tin, thành tựu KH&CN, các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến thông qua việc phối hợp thực hiện các chương trình, đề tài, dự án… Hợp tác về KH&CN giữa Quảng Ninh và Vân Nam (Trung Quốc) bước đầu đã được khởi động, bản Ghi nhớ hợp tác đã được ký kết và chuẩn bị cho việc xúc tiến các thoả thuận cụ thể hợp tác về KH&CN trong thời gian tới.

5. Tiềm lực KH&CN

5.1. Tổ chức KH&CN


Các loại hình tổ chức KH&CN của Tỉnh gồm có:

– Các tổ chức KH&CN thuộc DNNN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh gồm có các tổ chức KH&CN của Tập đoàn than – khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (VINASHIN), Tổng Công ty Xi măng Việt Nam. Riêng TKV có một số đơn vị thực hiện hoạt động KH&CN trên địa bàn như Viện KH&CN Mỏ, Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ; trong giai đoạn 2006–2010, TKV đã triển khai 10 Chương trình KH&CN trọng điểm với trên 1.000 nhiệm vụ và tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó kinh phí chi cho đề tài nghiên cứu chiếm 64%; dự án sản xuất thử nghiệm (SXTN) chiếm 19%; tư vấn chuyển giao công nghệ chiếm 17%. Nguồn vốn cấp cho KH&CN từ ngân sách (Nhà nước, Bộ, Vinacomin) chiếm 18 %, từ các nguồn vốn tự có của các cơ sở nghiên cứu và sản xuất, vốn vay,… chiếm 88%.

– Tỉnh có 07 đơn vị sự nghiệp KH&CN (Trung tâm Khoa học kỹ thuật và sản xuất giống Thủy sản Quảng Ninh, Trung tâm khoa học và sản xuất lâm nông nghiệp Quảng Ninh,…) và một số đơn vị quản lý nhà nước có hoạt động nghiên cứu khoa học (chủ yếu là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các ngành chuyên môn như: Trung tâm, Chi cục), hầu hết đều ở quy mô nhỏ, trực thuộc một số ngành chuyên môn.

– Tỉnh hiện có 03 trường Đại học (ĐH Công nghiệp Quảng Ninh; ĐH Ngoại thương Hà Nội cơ sở II, ĐH Mỏ địa chất phân hiệu Quảng Ninh), 09 trường Cao đẳng và một số các trường Trung cấp, dạy nghề. Tỉnh đã mở rộng và đẩy mạnh hợp tác với các trường trong nước như: ĐH Thái Nguyên, ĐH Hà Nội, ĐH Quốc gia, ĐH Kinh tế Quốc dân,… Các trường đã tích cực tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh; một số trường đã có nhiều cố gắng và tham gia hiệu quả vào hoạt động NC&PT.

– Toàn tỉnh có 27 phòng thử nghiệm, thí nghiệm đạt tiêu chuẩn LAS, VILAS, trong đó có 9 phòng VILAS, 11 phòng LAS do doanh nghiệp đầu tư. Đã quan tâm đầu tư nâng cấp mua sắm trang thiết bị cho 06 phòng thí nghiệm, phòng kiểm định của các tổ chức KH&CN trên địa bàn, một số phòng thí nghiệm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn Quốc tế (Phòng thí nghiệm của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đạt chuẩn Quốc tế IEC 17025; Phòng kiểm nghiệm, kiểm định của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đạt tiêu chuẩn VILAS 185 ISO/IEC 17025:2005; phòng thí nghiệm của Trung tâm KHKT và SX giống Thuỷ sản;…). Các cơ sở này đã đảm bảo đáp ứng nhu cầu kiểm định, kiểm nghiệm cho các tổ chức, cá nhân và phục vụ công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.

– Giai đoạn 2006 – 2010, tỉnh đã triển khai 17 dự án phát triển KH&CN với tổng kinh phí 88 tỷ đồng đầu tư tăng cường cơ sở vật chất và nhân lực cho các tổ chức KH&CN của tỉnh (các trung tâm nghiên cứu, dịch vụ KH&CN).


5.2. Nhân lực KH&CN


Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2010, Quảng Ninh có trên 55.800 cán bộ có trình độ cao đẳng và đại học trở lên, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh, trong đó có 723 thạc sỹ và 40 Tiến sỹ (27 người là cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh). Năm 2011, lao động có trình độ đại học chiếm 4,75%, trên đại học 0,04%, cao đẳng 2,58%, trung cấp chuyên nghiệp 6,02%, công nhân kỹ thuật có bằng hoặc chứng chỉ chiếm 55,5%. Hàng năm đào tạo mới trên 30.000 sinh viên đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật. Hiện tại TKV có số lượng đạt trình độ cao đẳng, đại học khoảng 19.500 người (chiếm hơn 15% lực lượng lao động của ngành), đạt trình độ trên đại học là 135 người, trong đó có hàng chục người có trình độ Tiến sĩ.

Việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực KH&CN đã được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm. Các doanh nghiệp lớn thuộc các tập đoàn, tổng công ty hàng năm đều tổ chức cho cán bộ đi đào tạo, học tập ở nước ngoài nhằm nâng cao trình độ, tiếp cận sớm các tiến bộ kỹ thuật mới, kỹ thuật tiên tiến của các nước phát triển.

Công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý về hoạt động KH&CN của các Sở, Ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh được chú trọng. Hàng năm, Sở KH&CN đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, trường nghiệp vụ của Trung ương tổ chức trên 10 lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và các hội thảo, hội nghị phổ biến kiến thức, phổ biến các văn bản pháp quy về KH&CN cho khoảng trên 1.000 lượt cán bộ về các lĩnh vực: quản lý công nghệ, chuyển giao công nghệ, quản lý ATBX hạt nhân, quản lý SHTT, nghiệp vụ hoạt động NC&PT, quản lý áp dụng ISO,…

5.3. Tài chính cho hoạt động KH&CN


Kinh phí đầu tư cho hoạt động KH&CN của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2007–2011 có xu hướng ngày một tăng, nhưng chủ yếu là ngân sách Tỉnh và đạt khoảng 0,5–0,6%GDP (Bảng 6). Hằng năm, tỉnh đã dành khoảng 50–55% (năm 2011 là 67,6%) kinh phí sự nghiệp KH&CN cho hoạt động NC&PT và đầu tư vào các hoạt động sau:

– Các đề tài, dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ (chiếm 29,3% tổng kinh phí hoạt động NC&PT) tập trung vào nghiên cứu sản xuất các sản phẩm mới nhằm tăng giá trị thương phẩm, nâng cao hiệu quả quản lý, tiết kiệm tài nguyên và thúc đẩy xuất khẩu.

– Các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực Nông– Lâm– Ngư nghiệp (chiếm 16,7% tổng kinh phí hoạt động NC&PT) tiếp tục được tập trung vào nghiên cứu ứng dụng, khảo nghiệm nhằm tuyển chọn các giống cây, con mới nhằm từng bước thực hiện CNH– HĐH nông nghiệp nông thôn.

– Các đề tài, dự án trong lĩnh vực KHXH và NV (chiếm 20,7% tổng kinh phí hoạt động NC&PT) tập trung vào nghiên cứu, cung cấp cơ sở khoa học giúp cho các cấp, các ngành trong hoạch định chinh sách của tỉnh.



– Các đề tài, dự án trong lĩnh vực điều tra cơ bản và bảo vệ môi trường (chiếm 33,3% tổng kinh phí hoạt động NC&PT) đều có tính cấp thiết cao, có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định phát triển bền vững các ngành kinh tế và bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới.

Bảng 6. Kinh phí đầu tư cho KH&CN giai đoạn 2009–2013

Đơn vị tính: Triệu đồng

Thời gian

Đầu tư phát triển

SNKH

Tổng kinh phí

2009

24.531

13.661

38.192

2010

35.000

14.072

49.072

2011

40.000

22.800

62.800

2012

350.000

26.761

376.761

2013

400.000

28.040

428.040

Bảng 7. Phân bổ tài chính cho các hoạt động KH&CN

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Nội dung

Năm
2006


Năm
2007


Năm
2008


Năm
2009


Năm
2010


Năm
2011


Năm
2012


I

Vốn sự nghiệp KH&CN

6.872

8.206

12.181

13.661

14.072

22.800

26.761

1

Hoạt động NCKH–PTCN cấp tỉnh

3.758

3.616

6.946

9.880

7.056

13.779

12.396

2

Hoạt động UD tiến bộ KHKT cấp cơ sở

522

627

839

961

1.211

1.626

4.408

3

Hỗ trợ hoạt động KH&CN cấp huyện

254

246

375

565

600

1.849

760

4

Tăng cường công tác quản lý

740

1.505

1.619

1.560

4.457

2.398

8.709

5

Tăng cường tiềm lực chống xuống cấp

1.268

665

593

180

351

1.194

138

6

Hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp hoạt động KH&CN

330

1.547

1.809

485

397

1.254

350

II

Vốn đầu tư phát triển KH&CN

4.334

8.459

10.000

24.531

35.000

40.000

350.000

– Vốn ngân sách đầu tư cho hoạt động KH&CN được quan tâm tăng mạnh trong những năm gần đây. Kinh phí đầu tư năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên việc hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp hoạt động KH&CN còn yếu (Bảng 7). Tổng kinh phí đầu tư cho hoạt động KH&CN trong giai đoạn 2006–2010 là 137.286 triệu đồng (tăng gấp 5 lần so với giai đoạn 2001–2005); kinh phí đầu tư cho hoạt động KH&CN năm 2011 là 107,1 tỷ đồng (bằng 218% năm 2010), năm 2012 là 376,761 tỷ đồng (bằng 352% năm 2011), trong đó kinh phí đầu tư cho KH&CN là 350 tỷ đồng và bao gồm: Chính phủ điện tử 100 tỷ (do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý); Quỹ phát triển KH&CN tỉnh 50 tỷ; các nhiệm vụ trong chương trình hợp tác với Bộ KH&CN 50 tỷ; chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm 32 tỷ; Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển KT–XH trên địa bàn tỉnh 94,29 tỷ; đầu tư tăng cường tiềm lực KH&CN 23,71 tỷ,… Vốn SNKH năm 2012 là 26.761 tỷ, bao gồm chi NC&PT 9,4 tỷ, chi quản lý nhà nước 8,7 tỷ,…

– Kinh phí đầu tư cho hoạt động KH&CN từ các doanh nghiệp tương đối lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm phục vụ cho đầu tư các công nghệ, dây truyền sản xuất mới, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật… Các doanh nghiệp đã đầu tư và tài trợ nhiều tỷ đồng cho tổ chức Techmart Quảng Ninh năm 2010. Vốn đối ứng của các tổ chức và của dân trong việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển KH&CN, dự án ứng dụng tiến bộ KHKT đã chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Chỉ tính riêng các nhiệm vụ ứng dụng tiến bộ KHKT cấp huyện, người dân đã đầu tư đối ứng khoảng 35% kinh phí thực hiện.


5.4. Cơ sở vật chất kỹ thuật KH&CN


Từ năm 2006, tỉnh Quảng Ninh đã bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển KH&CN nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, năng lực phân tích kiểm nghiệm của các tổ chức trên địa bàn. Giai đoạn 2006–2011, Tỉnh đã triển khai 19 dự án đầu tư phát triển KH&CN trên địa bàn với tổng kinh phí thực hiện là 167.324 triệu đồng. Nhờ vậy, các tổ chức KH&CN đã có bước phát triển mạnh về năng lực NC&PT, năng lực kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước về KH&CN, hỗ trợ có hiệu quả một số ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh. Tác động cụ thể của các dự án này là:

– Tạo ra một số kết quả nghiên cứu được đưa vào ứng dụng và đem lại hiệu quả rõ rệt như: Nghiên cứu môi trường phòng chống dịch, bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản (đã nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu về môi trường nuôi và các bệnh trên tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá biển, cá nước ngọt, nhuyễn thể…); Nghiên cứu ứng dụng sản xuất các giống cây chất lượng cao (cây lâm nghiệp, hoa, củ, quả…); Tuyển chọn các giống vật nuôi, cây trồng ngoại nhập có nhiều ưu thế để phục vụ phát triển sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp (sản xuất hàng năm khoảng 9 triệu cây giống lâm nghiệp có chất lượng cao, sản xuất được giống khoai tây sạch bệnh và nhiều giống hoa, cây ăn quả có giá trị thương phẩm); Nghiên cứu ứng dụng phương pháp enzyme vào cải tiến quy trình sản xuất nước mắm; Nghiên cứu chẩn đoán các bệnh hại trên cây trồng có tác nhân gây bệnh do nấm và côn trùng…

– Với các trang thiết bị hiện đại, đồng bộ được đầu tư thông qua các dự án đầu tư phát triển KH&CN, năng lực kiểm định, kiểm nghiệm của nhiều tổ chức trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường đáng kể; đặc biệt là khả năng kiểm nghiệm, phân tích các mẫu, các phép thử về hoá lý, sinh học đối với sản phẩm hàng hoá (Phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hoá xuất nhập khẩu ngay tại biên giới; kiểm định chất lượng một số sản phẩm mà xã hội quan tâm như: phân bón, vật liệu xây dựng; phục vụ công tác đảm bảo an toàn và vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh…), kiểm định các phương tiện đo (tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm như kiểm soát các thiết bị đo tiêu hao điện năng, công tơ mét trên phương tiện vận tải,…). Cũng thông qua các dự án đầu tư này, lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh đã hình thành và đưa vào hoạt động Tổ chức chứng nhận sự phù hợp hàng hoá, tạo thuận lợi cho phát triển SX–KD trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

– Bên cạnh việc tăng cường cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, các dự án đầu tư đã đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ của các tổ chức KH&CN có khả năng vận hành, khai thác hiệu quả các thiết bị.


6. Trình độ công nghệ công nghiệp


Trình độ công nghệ của một số ngành công nghiệp chủ yếu được nhận xét dựa vào Báo cáo Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và khảo sát thực tế của nhóm nghiên cứu, cụ thể như sau:

6.1. Trình độ công nghệ ngành Than


– Trình độ công nghệ xét theo các thành phần trang thiết bị, con người và tổ chức của tất cả các doanh nghiệp ở mức trung bình, đóng góp công nghệ trong giá trị sản phẩm chưa cao.

– Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp đã có những tiến bộ song chưa mạnh, thiếu các chuyên gia và các phần mềm chuyên dụng.

Trong công nghệ khai thác hầm lò, đã áp dụng công tác cơ giới hoá trong việc đào lò xây dựng cơ bản bằng các tổ hợp thiết bị khoan, sử dụng phương pháp chống giữ các đường lò XDCB bằng vì neo phun bê tông; cơ giới hoá việc chống giữ lò chợ bằng cột chống gỗ bằng cột thủy lực đơn – xà khớp và giá chống thuỷ lực thay cho việc chống bằng gỗ tại một số khoáng sàng; sử dụng máy liên hợp khấu than, liên hợp đào lò vào nhiều mỏ khác.

6.2. Trình độ công nghệ ngành cơ khí


Đặc thù ngành cơ khí Quảng Ninh là phục vụ trực tiếp ngành than, chủ yếu là sản xuất chế tạo, sửa chữa thiết bị máy, phụ tùng cho công nghệ khai thác, vận chuyển và sàng tuyển than.

Ngành công nghiệp cơ khí, luyện kim đã đổi mới công nghệ và thiết bị cho các cơ sở cơ khí chế tạo, đặc biệt là ứng dụng công nghệ CNC trong thiết kế, chế tạo, tạo dựng được một số thương hiệu có uy tín để xuất khẩu và hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.


6.3. Trình độ công nghệ ngành vật liệu xây dựng


Trình độ công nghệ của ngành VLXD Quảng Ninh đạt mức trung bình khá. Đội ngũ cán bộ của một số doanh nghiệp đã được đào tạo đủ khả năng vận hành máy móc thiết bị một cách thành thạo. Tại các doanh nghiệp này, mức độ tự động hóa, ứng dụng công nghệ thông tin ở mức khá. Hầu hết các doanh nghiệp sử dụng máy tính và phần mềm quản lý nghiệp vụ trong công việc.

6.4. Trình độ công nghệ ngành chế biến thực phẩm


Phần lớn các doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm Quảng Ninh vẫn đang sử dụng các dây chuyền chưa được đổi mới. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sử dụng dây chuyền sản xuất tự động hóa khá hiện đại. Đội ngũ cán bộ của các doanh nghiệp nói chung đã được đào tạo, có khả năng vận hành máy móc thiết bị một cách thành thạo.

Ứng dụng công nghệ thông tin mức khá, các doanh nghiệp sử dụng máy tính, có kết nối mạng nội bộ và sử dụng phần mềm trong quản lý.

Hầu hết các đơn vị đang áp dụng Hệ thống Quản lý Chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc tế ISO 9001; bộ máy tổ chức gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả; Trình độ lãnh đạo trong ngành chế biến thực phẩm đều là đại học.

Trình độ công nghệ và nguồn nhân lực của ngành chế biến thủy sản đông lạnh chỉ ở mức trung bình; trình độ tổ chức và lãnh đạo, thông tin được đánh giá ở mức trung bình khá.


6.5. Trình độ công nghệ ngành dệt may – da giày


Ngành dệt may: công nghệ trong lĩnh vực dệt nhuộm chậm đổi mới và ở mức trung bình. Trình độ công nghệ của ngành may mặc tương đối hiện đại.

Ngành da giày: trình độ công nghệ sản xuất giày dép phổ biến ở mức trung bình và trung bình khá.


6.6. Trình độ công nghệ ngành điện


Công nghệ lò hơi đốt than phun được được áp dụng ở Nhiệt điện Uông Bí, Nhiệt điện Quảng Ninh là công nghệ đang phổ biến nhất trên thế giới. Công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn được sử dụng tại Nhiệt điện Cẩm Phả, có thể sử dụng than cấp thấp, hạt to và có độ ẩm cao. Trừ Nhiệt điện Uông Bí do Lilama là chủ thầu EPC trên cơ sở nhập thiết bị chính từ Ucrain và Nga, các dự án nhà máy nhiệt điện khác đều do Trung Quốc thực hiện, các thiết bị còn thiếu đồng bộ, vận hành không thường xuyên và hiệu suất chưa cao (50%).

Đánh giá tổng quát cho thấy, trình độ công nghệ ngành than được đánh giá là thấp so với trên thế giới và khu vực, chưa đáp ứng điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu, địa chất phức tạp; ngành vật liệu xây dựng đã có công nghệ tiên tiến nhưng vẫn còn sử dụng nhiều dây chuyền cũ, lạc hậu; ngành chế biến thủy sản một số đạt mức tiên tiến, còn chủ yếu là trung bình yếu; các ngành dịch vụ vận tải, thương mại, du lịch còn thiếu các công nghệ quản lý kinh doanh, giải pháp kinh tế hiện đại (ứng dụng CNTT, logicstics, kinh tế ngành,…).


7. Về thực hiện “Quy hoạch phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2006–2010 và định hướng đến năm 2020”


Quy hoạch đề ra 7 chương trình KH&CN và 9 nhiệm vụ độc lập với tổng số 134 nhiệm vụ. Đến 2010 đã có 123/134 nhiệm vụ (đạt trên 90%) được tổ chức thực hiện. Trên cơ sở các nhiệm vụ của Quy hoạch, hàng năm Sở KH&CN và các sở, ban, ngành bố trí thành kế hoạch KH&CN và tổ chức thực hiện. Các nguồn vốn thực hiện Quy hoạch gồm các nguồn như: vốn sự nghiệp khoa học, công nghệ thông tin, giáo dục đào tạo…

Kết quả triển khai thực hiện Quy hoạch cho thấy hầu hết các nhiệm vụ được đặt ra trong Quy hoạch đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai. Việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ này đều đảm bảo tiến độ và chất lượng, bám sát các mục tiêu đã đặt ra, tạo tiền đề cho việc thực hiện thành công Quy hoạch trong giai đoạn sau.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu quy hoạch chưa thực hiện, chưa thành lập được trường đại học đa ngành; việc triển khai nhiệm vụ nghiên cứu đánh giá đóng góp của KH&CN trong một số sản phẩm chính của tỉnh Quảng Ninh còn gặp nhiều khó khăn; chưa bố trí được cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về KH&CN ở mỗi huyện, thị xã, thành phố,…

8. Nhận xét, đánh giá về tình hình hoạt động KH&CN

8.1. Nhận xét về phát huy tiềm lực và cơ chế quản lý KH&CN


Hoạt động KH&CN của tỉnh Quảng Ninh đã được Lãnh đạo Tỉnh quan tâm và đã có những đóng góp cụ thể cho phát triển KT–XH. Tuy nhiên so với yêu cầu, KH&CN tỉnh Quảng Ninh còn nhiều bất cập, cụ thể là:

Hằng năm kinh phí đầu tư cho KH&CN của Tỉnh mới chỉ đạt 0,5–0,6% GDP và chủ yếu là từ ngân sách tỉnh, chưa huy động được nguồn vốn của doanh nghiệp vào KH&CN. Việc phân bổ kinh phí chủ yếu cho hoạt động nghiên cứu, chưa chú trọng đến hỗ trợ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp, kinh phí hỗ trợ thấp, chưa mở ra diện rộng nên chưa đủ kích thích nhiều doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và qua đó tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

– Các tổ chức KH&CN của Tỉnh tuy đã được đầu tư và mở rộng một bước nhưng vẫn trong tình trạng thiếu và yếu (chưa có trung tâm, viện nghiên cứu mạnh; các trường đại học không tiến hành nghiên cứu, phổ biến, chuyển giao công nghệ; chưa có nhiều doanh nghiệp có bộ phận NC&PT). Nhân lực KH&CN ít, thiếu cán bộ đủ năng lực làm việc tại các tổ chức KH&CN, thiếu cán bộ có trình độ cao, đủ năng lực làm chủ các công trình nghiên cứu có ý nghĩa cho Tỉnh, năng lực hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết các yếu kém về công nghệ, kỹ thuật chưa phát triển. Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho hoạt động KH&CN đã được tăng cường nhưng vẫn còn yếu và thiếu. Do vậy chưa hỗ trợ được nhiều hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

– Hoạt động của Hội đồng KH&CN cấp tỉnh tuy đã được quan tâm, song hiệu quả chưa cao; hoạt động của Hội đồng KH&CN cấp cơ sở vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa rõ; các doanh nghiệp mới chỉ có Hội đồng xét duyệt sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Số Hội KHKT trong tỉnh còn ít.

– Hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực cũng như hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường công nghệ.

8.2. Nhận xét về tình hình đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp


Qua khảo sát, làm việc tại các cơ quan quản lý ngành của tỉnh và tham khảo tài liệu Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh, có thể nhận thấy tình hình đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp như sau(7):

– Hoạt động đổi mới công nghệ, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất còn yếu, tốc độ đổi mới công nghệ chậm, chưa có nhiều sản phẩm có thương hiệu; việc mua bán công nghệ diễn ra chậm, số lượng ít. Các doanh nghiệp địa phương chưa tận dụng được cơ hội tiếp cận các công nghệ của doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn của tỉnh. Doanh nghiệp hoạt động vẫn chủ yếu dựa vào sức lao động thủ công; sử dụng thiết bị công nghệ không đồng bộ từ lạc hậu, trung bình đến tiên tiến; có năng lực để tiếp nhận công nghệ tiên tiến vẫn là thách thức lớn đối với doanh nghiệp.

– Nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp trong tỉnh cũng ở mức rất thấp (trừ các Tập đoàn, Tổng công ty). Các doanh nghiệp chưa chủ động đầu tư nhằm nâng cao trình độ, năng lực công nghệ của chính bản thân các doanh nghiệp.

– Nhân lực KH&CN làm việc trong doanh nghiệp chiếm tỷ trọng thấp, trình độ chuyên môn chưa cao, nhân lực thực hiện các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, thích nghi, làm chủ công nghệ trong các doanh nghiệp còn ít, do vậy hạn chế đến việc tiếp thu công nghệ tiên tiến từ bên ngoài chuyển giao cho doanh nghiệp và chưa chủ động được việc tìm kiếm công nghệ, tổ chức hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN để giải quyết các vấn đề đổi mới sản phẩm, đổi mới công nghệ do doanh nghiệp đặt ra.

– Một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn đã có phòng, ban kỹ thuật, NC&PT, có phòng LAS, VILAS song chưa tiến hành hoạt động NC&PT. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như không có lực lượng kỹ thuật triển khai hoạt động KH&CN; hoạt động đổi mới công nghệ chưa được các doanh nghiệp quan tâm; chưa coi trọng việc xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ.

– Tỷ trọng đóng góp của KH&CN nói chung (TFP) vào tăng trưởng GDP của Quảng Ninh thời gian 2010 ước đạt khoảng trên 20% (trung bình trong cả nước năm 2010 đạt 19,32%). Thời kỳ 2003–2010, TFP trung bình Việt Nam đạt 19,95%. Đây là tỷ lệ thấp so với các nước xung quang như Ấn độ (31,01%), Trung Quốc (35,99%), Thái Lan (36,14%), Malaysia (36,18%), đặc biệt là so với Hàn Quốc (51,32%) trong cùng thời kỳ 2003–2010. Quảng Ninh cũng như Việt Nam, tỷ trọng đóng góp của vốn và lao động cho tăng trưởng GDP vẫn ở mức rất cao (khoảng 80%).

Tóm lại, hoạt động KH&CN tỉnh Quảng Ninh thời gian qua chưa phát huy được vai trò động lực then chốt của KH&CN, hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ kém phát triển, do vậy đóng góp cho tăng trường kinh tế thấp. Nguyên nhân có thể là do chưa nhận thức rõ được giá trị, vai trò của KH&CN và dẫn đến việc đầu tư và công tác tổ chức, quản lý hoạt động KH&CN của Quảng Ninh còn nhiều hạn chế, chưa theo mô hình KH&CN tiên tiến. Thách thức đặt ra là phải đẩy mạnh được việc tăng cường đầu tư và xúc tiến các hoạt động ứng dụng, đổi mới KH&CN từ phía doanh nghiệp; tạo ra cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp để phát triển mạnh các doanh nghiệp (giai đoạn khởi lập, ươm tạo), đặc biệt các doanh nghiệp thâm dụng công nghệ, doanh nghiệp các ngành nghề mới (công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ); thu hút đầu tư từ nước ngoài (FDI) và quản lý có hiệu quả hoạt động này (nâng cao tỷ lệ giải ngân). Thách thức tiếp theo là việc nhanh chóng thu hút, đào tạo để sớm có đội ngũ nhân lực KH&CN có đủ trình độ, cơ cấu ngành nghề, năng lực thích hợp nhằm nâng cao được năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo ra được bước đi đột phá trong tăng trưởng kinh tế của Tỉnh; kịp thời nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác quản lý KH&CN, đặc biệt là quản trị công nghệ tại các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp của Tỉnh. Trong thời gian tới với quyết tâm chính trị cao, đổi mới tư duy về đầu tư cho KH&CN, giải quyết các thách thức nêu trên và quyết tâm tổ chức lại hệ thống KH&CN hoạt động theo mô hình KH&CN của các nước công nghiệp mới thì kinh tế Quảng Ninh sẽ có bước phát triển tăng tốc.


Каталог: vi-VN -> huyenthi -> HuyenCoTo -> Lists -> Danh%20sch%20cc%20bi%20vit%20thng%20tin%20kinh%20t%20%20x%20hi -> Attachments
Attachments -> Ủy ban nhân dân huyện cô TÔ Số: /bc-ubnd “Dự thảo”
Attachments -> Ủy ban nhân dân huyện cô TÔ Số: /bc-ubnd “Dự thảo”
Attachments -> Ủy ban nhân dân huyện cô TÔ
Attachments -> Ủy ban nhân dân huyện cô TÔ
Attachments -> Ủy ban nhân dân huyện cô TÔ Số: /bc-ubnd “Dự thảo”
Attachments -> Ủy ban nhân dân huyện cô TÔ Số: /bc-ubnd (Dự thảo)
Attachments -> Ủy ban nhân dân huyện cô TÔ Số: /bc-ubnd “Dự thảo”
Attachments -> Ủy ban nhân dân huyện cô TÔ
Attachments -> VIỆn quy hoạch và thiết kế NÔng nghiệp báo cáo thuyết minh tổng hợp quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế XÃ HỘI

tải về 1.1 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương