Ủy ban nhân dân tỉnh quảng bình số: 1904/QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 175.73 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích175.73 Kb.
#12626

ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH QUẢNG BÌNH

Số: 1904/QĐ-UBND



CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Đồng Hới, ngày 06 tháng 8 năm 2008


QUYẾT ĐỊNH

Ban bành Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện

Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển

thành phố Đồng Hới đến năm 2015



ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Bình về xây dựng và phát triển thành phố Đồng Hới đến năm 2015;

Căn cứ Nghị quyêt số 39/2005/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 của tỉnh Quảng Bình;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 665/KHĐT-TH ngày 30 tháng 6 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Bình về xây dựng và phát triển thành phố Đồng Hới đến năm 2015.

Điều 2. Giao cho Ủy ban nhân dân thành phố Đồng Hới và các sở, ban, ngành triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện theo chức năng và nhiệm vụ được phân công, chỉ đạo, điều hành, quản lý và thực hiện có hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra của Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đồng Hới và Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:

- Như điều 2;

- Ban T. vụ Tỉnh ủy; (báo cáo)

- Thường trực HĐND tỉnh;

- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;

- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;

- Ban T. vụ Thành ủy Đồng Hới;

- UBND các huyện, thành phố;

- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;

- Lưu VT, XDCB, CV VPUBND tỉnh.



TM/ ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Phan Lâm Phương

ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH QUẢNG BÌNH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển
thành phố Đồng Hới đến năm 2015


(Ban hành kèm theo Quyết định số 1904/QĐ-UBND ngày 06 tháng 8 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 28 tháng 3 năm 2008 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thành phố Đồng Hới đến năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy với những nội dung chủ yếu sau:



I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tranh thủ thời cơ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố, huy động tốt mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế hiệu quả và bền vững, đi đôi với việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Thực hiện chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp - TTCN, chú trọng phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại. Đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị hành chính thành phố trong sạch, vững mạnh... Phấn đấu đến năm 2015, Đồng Hới trở thành thành phố đô thị loại II; có các ngành dịch vụ, du lịch, công nghiệp - TTCN phát triển mạnh; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh và là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ của khu vực Bắc Trung bộ.



2. Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm: 14 - 15%

- Cơ cấu kinh tế đến năm 2015:

+ Dịch vụ 53%

+ Công nghiệp - xây dựng 41%

+ Nông nghiệp 6%

- Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 23 - 24%/năm

- Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 1.900 - 2.000 USD

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu 20 triệu USD

- 100% trạm y tế xã, phường đạt chuẩn quốc gia

- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 5%

- Phấn đấu đạt 96% gia đình văn hóa, 80% thôn, khu phố văn hóa, 100% cơ quan văn hóa

- Phổ cập THPT trên toàn thành phố

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1% vào năm 2015

- Giải quyết việc làm hàng năm cho 6.000 - 6.500 lao động

- Tỷ lệ lao động không có việc làm còn dưới 2%

- Tỷ lệ dùng nước sạch đến năm 2015 đạt 98%

- Giảm tỷ suất sinh hàng năm 0,2%o - 0,3%o

- Có 100% số trường THPT, THCS và tiểu học đạt chuẩn quốc gia; riêng mầm non đạt 90%

- Có 95% lượng rác thải của thành phố được thu gom, xử lý theo Tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.



II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch

Triển khai xây dựng và hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị thành phố Đồng Hới đến năm 2020 có chất lượng tốt, có tầm nhìn xa và mang tính khả thi cao. Công tác quy hoạch phải được triển khai toàn diện cả quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch phát triển hạ tầng. Liên kết các đô thị như Quán Hàu, Hoàn Lão, thị trấn Nông Trường Việt Trung... để xây dựng các điểm đô thị vệ tinh cho thành phố Đồng Hới. Hình thành các khu hành chính, dân cư, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ, các trung tâm thương mại, công viên, hệ thống bến, bãi... đồng bộ và phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2015 có ít nhất 55% diện tích thành phố được lập quy hoạch chi tiết.

Chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tránh tình trạng quy hoạch "Treo", quy hoạch không khả thi. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị đúng quy hoạch. Thực hiện phân cấp mạnh hơn cho thành phố Đồng Hới trong việc quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị; củng cố công tác quản lý quy hoạch ở cấp phường, xã. Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy hoạch.

Quản lý và sử dụng có hiệu quả các công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình phúc lợi công cộng đô thị. Ban hành và triển khai thực hiện tốt Quy chế quản lý, sử dụng, khai thác các công trình phúc lợi công cộng như: Vỉa hè, công viên, cây xanh, bãi tắm, các danh thắng, di tích lịch sử, văn hóa. Chú trọng bồi dưỡng kiến thức quản lý đô thị cho cán bộ thành phố và các xã, phường.



2. Phát huy tối đa các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao, hiệu quả và bền vững. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

Tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ, phải xác định phát triển dịch vụ là lĩnh vực đột phá của nền kinh tế thành phố. Phát triển mạng lưới thương mại, dịch vụ tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại ở các phường, như: Chợ Đồng Hới - phường Hải Đình, chợ Ga - phường Nam Lý, chợ Cộn - phường Bắc Nghĩa, chợ Lộc Đại, di chuyển chợ Bắc Lý đến địa điểm thích hợp... Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các siêu thị ở các trung tâm kinh tế, khu du lịch phục vụ khách hàng có thu nhập cao và khách du lịch. Thực hiện tốt Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu một số sản phẩm chủ lực của thành phố Đồng Hới, như: Hàng thủy sản, thủ công mỹ nghệ, công nghiệp. Tăng cường công tác quản lý thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; chống buôn lậu, đầu cơ, gian lận thương mại,...đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh. Xây dựng các cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế của tỉnh và thành phố; khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, các ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất.

Tăng cường đầu tư phát triển và khai thác các lợi thế về du lịch. Hình thành, phát triển các tour du lịch Đồng Hới - Phong Nha, Đồng Hới - Suối Bang, Đồng Hới - Vũng Chùa Đảo Yến, Đồng Hới - Núi Thần Đinh..., tham quan nội thành gắn với các di tích lịch sử, chứng tích chiến tranh, di tích cách mạng như Quảng Bình Quan, Thành Đồng Hới, tuyến đường Hồ Chí Minh, chiến khu Thuận Đức, bến đò Mẹ Suốt, nhà thờ Tam Tòa, đài Vọng Hải của cửa Nhật Lệ; xây dựng điểm du lịch Lũy Thầy thành điểm du lịch tâm linh... Kết nối tour, tuyến với các cơ sở du lịch, các đơn vị lữ hành trong và ngoài nước để hình thành, phát triển các tour du lịch với các địa danh nổi tiếng khác trong nước và hướng đến việc phát triển các tour du lịch quốc tế. Phát triển các sản phẩm du lịch gắn với thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng biển. Quản lý và khai thác tốt các bãi tắm Nhật Lệ, Bảo Ninh, Quang Phú; phát huy tối đa khả năng phục vụ của các khu du lịch cao cấp như Sun Spa Resort Mỹ Cảnh - Bảo Ninh, Hồ Thiệu Trị... Tổ chức các tuyến du lịch sinh thái phía Tây như khe Lồ ồ, hồ Phú Vinh và du thuyền trên sông Nhật Lệ.

Ưu tiên đầu tư, nâng cấp và đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố Đồng Hới, chú trọng các công trình trọng điểm như sân bay, đường tránh, đường vào ga Đồng Hới, đường dọc tuyến biển, đường hai bờ sông Nhật Lệ, siêu thị... Khuyến khích đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các khách sạn đạt tiêu chuẩn hạng sao, các khu du lịch, nhà hàng chất lượng cao đạt tiêu chuẩn phục vụ khách trong nước và quốc tế; phát triển nhanh các ngành dịch vụ hỗ trợ du lịch, đặc biệt là sớm mở các tuyến xe buýt phục vụ đi lại của nhân dân nói chung và khách du lịch nói riêng. Đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo của địa phương để phục vụ du khách.

Đẩy mạnh quảng bá du lịch để thu hút du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt chú ý khai thác thị trường khách du lịch vùng Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan... Khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, nhân viên nghiệp vụ du lịch - dịch vụ để nâng cao chất lượng phục vụ. Xây dựng môi trường văn hóa du lịch lành mạnh và thân thiện; có biện pháp giữ gìn môi trường, cảnh quan tự nhiên của thành phố; kiên quyết đẩy lùi các tệ nạn xã hội, hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng ăn xin, chèo kéo, ép khách du lịch...

Khai thác tốt lợi thế cảng hàng không Đồng Hới, ga Đồng Hới và các tuyến giao thông huyết mạch để phát triển dịch vụ vận tải, dịch vụ kho bãi, lưu trú... Tạo điều kiện để phát triển mạnh các ngành dịch vụ: Tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, chuyển giao công nghệ, đào tạo, bảo hiểm, tư vấn, pháp luật, tổ chức hội nghị. Phấn đấu đến 2015 - 2020, Đồng Hới trở thành trung tâm trung chuyển các dịch vụ trong nước và quốc tế và là điểm nhấn quan trọng trong tuyến du lịch Con đường di sản miền Trung, hành lang kinh tế Đông Tây.

Đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển khu công nghiệp Tây - Bắc Đồng Hới và Bắc Đồng Hới, phấn đấu đến 2015 khu CN Tây Bắc Đồng Hới có 90 - 95% diện tích được lấp đầy. Tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các cụm, điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Thuận Đức, Lộc Ninh, Quang Phú, Đức Ninh Đông, Bắc Nghĩa, Bảo Ninh, Phú Hải, Đồng Phú, Đồng Sơn, Đức Ninh, Bắc Lý. Ưu tiên phát triển, nâng cao chất lượng các ngành, sản phẩm công nghiệp - TTCN mà thành phố có lợi thế như: Chế biến nông - lâm - thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, đóng tàu, dịch vụ điện tử, thủ công mỹ nghệ; chú trọng phát triển các mặt hàng phục vụ khách du lịch, xuất khẩu, ngư cụ và vật tư phục vụ nghề cá. Tổ chức công nhận, khôi phục nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, phát triển làng nghề mới. Tập trung đầu tư đổi mới thiết bị, chuyển giao khoa học công nghệ cho các ngành CN - TTCN thành phố; ưu tiên phát triển công nghệ phục vụ cho sản xuất quy mô vừa và nhỏ, công nghệ thu hồi vốn nhanh, không gây ô nhiễm môi trường. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp - TTCN. Tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của địa phương để mở rộng thị trường tiêu thụ và từng bước nâng cao sức cạnh tranh. Phấn đấu đến năm 2015, thành phố Đồng Hới có một số sản phẩm công nghiệp - TTCN có thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế: Nước mắm, mắm tôm, mực khô...

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung và nâng cao hiệu quả kinh tế. Đẩy nhanh ứng dụng các mô hình công nghệ cao trên các vùng sinh thái, cả về trồng trọt, chăn nuôi, chế biến. Phấn đấu để Đồng Hới có nhiều mô hình trình diễn và là nơi thăm quan, học tập của các địa phương trong tỉnh. Tập trung phát triển mạnh chăn nuôi theo hướng công nghiệp, nuôi tập trung theo mô hình kinh tế trang trại tổng hợp có quy mô lớn và vừa ở các phường, xã: Bắc Lý, Đồng Sơn, Thuận Đức, Bắc Nghĩa; phát triển mạnh các đối tượng nuôi theo hướng sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn và gia cầm siêu thịt, siêu trứng. Phát triển các hoạt động thương mại đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi, hình thành các cơ sở giết mổ, gia công chế biến tập trung để chủ động tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2015 đưa tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 50%. Tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản và trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Hình thành các vùng vành đai rau xanh, rau sạch ở các xã phường có điều kiện phục vụ cho đô thị, vùng lúa cao sản ở Đức Ninh, Đức Ninh Đông, Phú Hải; vùng trồng hoa ở Bắc Lý, Nam Lý, Lộc Ninh. Phấn đấu đến năm 2015, năng suất lúa đạt 65 tạ/ha, 50% diện tích gieo trồng có thu nhập 50 triệu đồng/ha trở lên.

Đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng cho dân theo quy hoạch 3 loại rừng đã được phê duyệt để phát triển nhanh kinh tế tổng hợp vùng gò đồi phía Tây Đồng Hới theo hướng kinh tế trang trại, kết hợp trồng cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, cây ăn quả và chăn nuôi. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả vốn rừng hiện có; đẩy mạnh công tác trồng rừng, đặc biệt phát triển các loại cây: Cao su, thông nhựa, keo lá tràm, keo lai vô tính... để tạo vùng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp; chú trọng trồng rừng trên vùng cát ven biển. Đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng tự nhiên của thành phố đến năm 2015 là 65%. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện cả đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ thủy sản. Chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp sản xuất theo hướng phát triển khai thác xa bờ, tổ chức đánh bắt gần bờ hợp lý; nâng cao năng lực các phương tiện đánh bắt, phát triển cỡ tàu từ 45 CV trở lên, được trang bị đồng bộ các phương tiện đánh bắt hiện đại; chú trọng phát triển nghề lưới vây khơi, rê khơi, nghề câu khơi kết hợp với mành chụp, xóa bỏ việc khai thác mang tính hủy diệt như dùng chất nổ, xung điện; tăng nhanh các đội tàu dịch vụ cho nghề khai thác trên biển... Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản với các đối tượng có giá trị kinh tế cao như: Tôm sú, tôm thẻ, cá rô phi đơn tính, điêu hồng, các loại nhuyễn thể. Đầu tư mở rộng diện tích nuôi trồng, đa dạng hóa nghề nuôi theo hướng bền vững và hiệu quả, phát triển mạnh hình thức nuôi cá lúa, tôm lúa; nghiên cứu xây dựng Đề án nuôi cá lồng trên sông Rào Lụy và hồ Rẫy Họ (Nghĩa Ninh). Sử dụng có hiệu quả các cơ sở chế biến thủy sản, đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, tăng cường công tác thu mua, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; chú trọng đầu tư sản xuất các mặt hàng đặc sản như: Mực đông, tôm đông, mực khô, nước mắm, tôm chua, ruốc... phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Mở mang các dịch vụ đóng sửa tàu thuyền, sản xuất đá lạnh... đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển nghề cá của thành phố.



3. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.

Cải tiến phương thức làm việc của bộ máy chính quyền các cấp theo hướng công khai, minh bạch, chống nhũng nhiễu, cửa quyền. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng quản lý điều hành cho đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Chú trọng cải cách các thủ tục hành chính, đặc biệt thực hiện có hiệu quả mô hình "Một cửa liên thông" tại thành phố và triển khai tốt cơ chế "Một cửa" ở tất cả các xã, phường theo hướng công khai, đơn giản, giảm thời gian và thuận tiện. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia các hoạt động kinh tế và xây dựng chính quyền.

Tập trung chỉ đạo thực hiện cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố, như: Xây dựng các chính sách thu hút đầu tư, kêu gọi đầu tư dưới nhiều hình thức và theo các phương thức BOT, BTO, BT; tạo điều kiện thuận lợi về thực hiện các thủ tục thuộc thẩm quyền của thành phố. Quản lý và thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư và xây dựng, thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, xúc tiến đầu tư... để khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thu hút vốn đầu tư phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm của thành phố, như: Du lịch, thủy sản, công nghiệp - TTCN... Phát triển mạnh kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và kinh tế hộ gia đình, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng để các thành phần kinh tế phát triển nhanh và hiệu quả.

4. Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng KT - XH

Phát triển mạnh kết cấu hạ tầng KT - XH, tiến hành cải tạo, chỉnh trang đô thị tạo điều kiện để phát triển các ngành kinh tế, thu hút đầu tư. Tranh thủ các nguồn lực đầu tư để hình thành mạng lưới giao thông đô thị hiện đại, có tầm nhìn xa. Tập trung đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố: Sân bay Đồng Hới, đường tránh thành phố Đồng Hới, đường Nhật Lệ - Quang Phú, đường 36 m nối đường Trần Hưng Đạo - Lê Lợi ...; tiến hành xây dựng các tuyến đường chính khu du lịch Bảo Ninh, kè, đường dọc 2 bờ sông Nhật Lệ, cầu Nhật Lệ 2, phát triển các trục đường chính nối Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, nâng cấp ga Đồng Hới thành một ga hiện đại, hoàn chỉnh; tiếp tục thực hiện việc xây dựng, bê tông, nhựa hóa, cải tạo chỉnh trang các tuyến đường giao thông phường, xã. Phấn đấu đến năm 2015 có 100% tuyến đường chính đã cứng hóa được bó vỉa hè và lót vỉa. Tiến hành nạo vét luồng lạch sông Nhật Lệ đảm bảo cho tàu đánh cá có công suất lớn ra vào thuận tiện, nâng cấp cảng cá Phú Hải trở thành cảng vận chuyển hàng hóa của thành phố.

Hoàn chỉnh mạng lưới phân phối điện có điện áp 22 KV cho toàn thành phố; xây dựng, nâng cấp các phụ tải điện của khu vực thành phố Đồng Hới đảm bảo nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và chiếu sáng công cộng. Cải thiện các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của mạng lưới điện phân phối, như: Tổn thất điện năng, độ tin cậy, chất lượng điện áp, xác suất sự cố... Từng bước thay thế hệ thống điện dây trần bằng cáp ngầm.

Sử dụng hiệu quả các công trình cấp nước thành phố, hoàn chỉnh Nhà máy nước Phú Vinh; cải tạo và thay thế hệ thống cấp nước cũ, đầu tư xây dựng các tuyến ống chính mới đạt tiêu chuẩn đến toàn bộ các khu dân cư thành phố; phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ dân số thành phố được dùng nước sạch đạt 98%. Đẩy nhanh thực hiện Đề án xây dựng 3 công trình hợp vệ sinh (giếng nước, nhà tắm, nhà vệ sinh) cho nhân dân vùng ven thành phố. Hoàn thiện đồng bộ hệ thống thoát nước cho các khu dân cư, khu công nghiệp; thực hiện tốt Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới

Giải quyết tốt vấn đề thủy lợi cho nông nghiệp gắn với phòng chống thiên tai. Đầu tư tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có; cải tạo, khai thông dòng sông Cầu Rào phục vụ cho việc tiêu úng; hoàn thành Chương trình kiên cố hóa kênh mương, chú trọng cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh mương cấp 2 + 3; khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống thủy nông, đảm bảo đến năm 2015 tỷ lệ tưới tiêu đạt 98%.

5. Phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội

5.1. Giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Trong những năm tới phải hết sức chú trọng đẩy mạnh phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề gắn với phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố. Mở rộng quy mô và đa dạng hóa các hình thức giáo dục - đào tạo. Đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học toàn diện ở tất cả các cấp học, bậc học. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có cơ cấu đồng bộ, phù hợp với yêu cầu đào tạo, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện. Củng cố vững chắc phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở. Đến năm 2015 hoàn thành phổ cập trung học trên toàn thành phố, có 90% các trường học đạt chuẩn quốc gia, 80% xã đường có trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả.

Tăng cường công tác đào tạo nghề, nhất là những nghề thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ ứng dụng, công nghiệp - TTCN, dịch vụ - du lịch. Thực hiện mô hình liên doanh, liên kết, hợp đồng đào tạo giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm chuẩn bị được đội ngũ công nhân kỹ thuật phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2015, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50 - 55%. Xây dựng thành phố thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao của tỉnh. Có chính sách ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại thành phố. Coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, quản lý và sử dụng nguồn nhân lực, khuyến khích, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tham gia vào các hoạt động xã hội.

5.2. Y tế và dân số

Phấn đấu để nhân dân thành phố được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, có điều kiện tiếp cận và được phục vụ các dịch vụ y tế chất lượng cao. Phát huy hiệu quả hoạt động của Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới, đến năm 2015 đạt 150 giường bệnh. Phối hợp với Bộ Y tế đầu tư nâng cấp Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới trở thành trung tâm y tế chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, các nhà đầu tư, khách quốc tế cao cấp đến du lịch, nghĩ dưỡng trên địa bàn. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa y tế trên địa bàn để huy động các nguồn lực tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị cho các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là các trạm y tế xã phường; khuyến khích phát triển các bệnh viện, trung tâm khám chữa bệnh ngoài Nhà nước. Tăng cường đội ngũ cán bộ y, bác sỹ với trình độ chuyên môn cao, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt; có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ y tế cơ sở. Đảm bảo cung ứng thuốc thường xuyên, đầy đủ, chất lượng với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh và khám chữa bệnh cho nhân dân thành phố.

Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, huy động hỗ trợ quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo. Thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, Chương trình quốc gia về y dược học cổ truyền, Chương trình tiêm chủng mở rộng chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Triển khai tích cực các chương trình phòng chống các bệnh xã hội. Chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Coi trọng công tác kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong mùa du lịch.

Chú trọng công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, kế hoạch hóa gia đình. Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, thực hiện tốt Chương trình quốc gia về dân số - gia đình, từng bước nâng cao chất lượng dân số...



5.3. Văn hóa và thể dục thể thao

Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho nhân dân thành phố. Phát triển mạnh đời sống văn hóa cơ sở, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng nếp sống lành mạnh, văn minh, hiện đại tại các khu dân cư; nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan văn hóa. Phát triển và quản lý tốt các hoạt động văn hóa, du lịch; ngăn chặn có hiệu quả các loại văn hóa phẩm đồi truỵ, mê tín dị đoan. Khuyến khích xây dựng và phát huy tốt các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong thành phố. Chú trọng bảo tồn, bảo tàng, tôn tạo những di tích cách mạng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, như: Chiến khu Thuận Đức, thành Đồng Hới, Tam Tòa...

Đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động thể dục thể thao như sân chơi, bãi tập. Chú trọng đầu tư các môn thể thao thành tích cao mà thành phố và tỉnh có thế mạnh như: Bơi lội, điền kinh, cờ vua. Tạo điều kiện cho các môn thể thao quần chúng phát triển như: Cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, tennis. Phấn đấu đến năm 2015 có 35 - 40% dân số thành phố tập thể dục thể thao thường xuyên.

5.4. Khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường

Phát triển khoa học công nghệ gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ứng dụng các công nghệ sinh học, sau thu hoạch vào sản xuất nông nghiệp; tích cực xây dựng các mô hình áp dụng các tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng, chế biến hải sản. Ban hành và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, nhất là trong các ngành sản xuất, dịch vụ chủ yếu.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường. Tập trung hoàn thành quy hoạch sử dụng đất các xã, phường trên địa bàn thành phố Đồng Hới. Chấn chỉnh và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm về quản lý, sử dụng đất. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang mục đích khác. Tăng cường bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, giải quyết tốt vấn đề môi trường dân sinh, môi trường công nghiệp, môi trường phục vụ du lịch... Phát huy năng lực hoạt động của Công ty Công trình đô thị, đầu tư phương tiện, trang thiết bị và đa dạng hóa loại hình thu gom, xử lý rác thải. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới để xử lý nước thải, đồng thời tranh thủ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới và các nguồn vốn ODA khác để bổ sung vốn mở rộng dự án đến các xã, phường chưa có dự án. Nâng tỷ lệ nước thải được xử lý đạt 70% vào năm 2015. Chỉ đạo thực hiện tốt Đề án xã hội hóa vệ sinh, môi trường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, kiểm soát và bảo vệ môi trường thành phố.

5.5. Thông tin và Truyền thông

Đẩy mạnh phát triển và tăng cường quản lý để nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ báo chí; bưu chính viễn thông và intemet; công nghệ thông tin điện tử; phát thanh và truyền hình... nhằm đáp ứng nhu cầu của sản xuất, đời sống và hội nhập. Đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, tin học vào quản lý, điều hành kinh tế, xã hội của các cơ quan quản lý hành chính, sự nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp... Xây dựng và thực hiện Đề án phát triển hạ tầng kỹ thuật thông tin và truyền thông theo đúng quy hoạch, kế hoạch định hướng phát triển chung của tỉnh đến năm 2020.



5.6. Đẩy mạnh Chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm

Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm tại chỗ. Tăng cường các hoạt động hợp tác lao động trong và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Tổ chức tốt đào tạo nghề, chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động, đặc biệt quan tâm đến lực lượng lao động không còn đất sản xuất do quá trình đô thị hóa. Phấn đấu mỗi năm giải quyết việc làm cho 6.000 - 6.500 lao động, đến năm 2015 có 75% lao động trong các ngành phi nông nghiệp.

Huy động tối đa mọi nguồn lực các tổ chức chính trị - kinh tế - xã hội, lồng ghép các chương trình dự án trên địa bàn để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương giảm nghèo. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa. Gắn tăng trưởng kinh tế với xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội.

6. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội

Tiếp tục củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, chủ động làm thất bại âm mưu "Diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Xây dựng lực lượng vũ trang thành phố có bản lĩnh chính trị vững vàng, chính quy, từng bước hiện đại, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Kiện toàn, nâng cao năng lực lực lượng dân quân, tự vệ biển cho các xã ven biển, các đội tàu nghề cá, đội tàu vận tải biển.

Phối hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh. Quan tâm nghiên cứu đầu tư các dự án kinh tế kết hợp với quốc phòng - an ninh, nhất là vùng ven biển, vùng phía Tây thành phố. Xây dựng một số tuyến đường tuần tra ven biển, kết hợp dân sinh, kinh tế.

Củng cố, phát triển, nhân rộng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh quyết liệt và có hiệu quả với các loại tội phạm tham nhũng, ma túy và tội phạm có tổ chức, thực hiện tốt các giải pháp làm giảm tai nạn giao thông và các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.



7. Củng cố nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ công chức trong sạch, vững mạnh gắn với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố và các xã, phường. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Thực hiện tốt chức năng quyết định và giám sát việc thực hiện các chủ trương lớn về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Đề cao trách nhiệm và thực hiện tốt vai trò quản lý của các ngành, các cấp, các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân thành phố, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Đánh giá đúng năng lực cán bộ để bố trí vào các công việc hợp lý. Tiếp tục xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là các chi bộ Đảng, các tiểu khu, thôn xóm. Xây dựng và thực hiện tốt Quy chế phối hợp làm việc trong hệ thống chính trị cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc, kịp thời phát hiện và giải quyết những vấn đề vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn. Kiện toàn các cơ quan kiểm tra của Đảng, thanh tra Nhà nước, Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật trong sạch, vững mạnh, làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, làm cơ sở quan trọng cho việc quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ. Tiếp tục thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý; đồng thời coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi trên các lĩnh vực quan trọng của thành phố. Tăng cường công tác quản lý cán bộ, xây dựng chính sách thu hút nhân tài về công tác tại thành phố; thường xuyên bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ công chức, nhất là cán bộ cấp cơ sở các kiến thức về pháp luật, chính sách mới và cập nhật các thông tin liên quan đến hội nhập. Kiện toàn bộ máy chính quyền từ thành phố đến cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Lãnh đạo có hiệu quả việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở; Quy chế "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ công chức, đảng viên ở khu dân cư". Tạo dư luận xã hội và thiết lập các kênh thông tin để thu thập ý kiến đóng góp, tham gia rộng rãi của nhân dân vào cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, phát hiện tố giác hành vi tham nhũng. Duy trì tốt hoạt động gặp gỡ, đối thoại với nhân dân; lắng nghe ý kiến, giải quyết kịp thời các nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên, tổ chức và cá nhân lợi dụng chức quyền để nhũng nhiễu, gây trở ngại khi làm việc với nhân dân; thực sự trân trọng dân trong quá trình thực hiện công vụ. Đồng thời không ngừng đổi mới cơ chế, chính sách quản lý để phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong phát triển các ngành, lĩnh vực ở thành phố.

III. TỔ CHỨC THỰC HIÊN CHƯƠNG TRÌNH

Ủy ban nhân dân tỉnh cử một đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo; mỗi sở, ban, ngành, cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh cử một đồng chí lãnh đạo theo dõi, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Đồng Hới để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.

Các sở: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Công thương, Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên & Môi trường, Giao thông vận tải, Xây dựng, Giáo dục - Đào tạo, Nội vụ, Thông tin & Truyền thông, Y tế, Lao động - Thương binh & Xã hội, Tư pháp; các cơ quan: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Ban Quản lý các khu Công nghiệp tỉnh và Ủy ban nhân dân thành phố Đồng Hới xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và thực hiện các nội dung tại Phụ lục đính kèm (có Phụ lục kèm theo).

Giao trách nhiệm cho Sở Kế hoạch & Đầu tư là cơ quan đầu mối, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của Chương trình này, kịp thời đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung, điều chỉnh các giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế địa phương và các nội dung đã nêu trong chương trình, đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tại các phiên họp 6 tháng đầu năm và hàng năm./.



Phụ lục

NHỮNG NHIỆM VỤ CỤ THỂ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1904/QĐ-UBND ngày 06 tháng 8 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)




TT

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Nội dung

Cấp phê duyệt

Thời gian HT

1

Sở Kế hoạch - Đầu tư

Các sở, ban, ngành liên quan, UBND thành phố Đồng Hới

1. Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng Quy hoạch phát triển KT - XH thành phố Đồng Hới đến năm 2010

UBND tỉnh

2008

2. Lồng ghép các nguồn vốn chương trình mục tiêu, vốn các dự án ODA, vốn XDCB tập trung, quỹ đất... để thực hiện các mục tiêu chủ yếu trên địa bàn

UBND tỉnh

Hàng năm

3. Xây dựng Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư phát triển thành phố

UBND tỉnh

Năm 2008

2

Ban Quản lý các khu Công nghiệp

Các sở: Kế hoạch & Đầu tư, Công thương và thành phố Đồng Hới

1. Kêu gọi các dự án đầu tư vào Khu Công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới

UBND tỉnh

Hàng năm

3

Sở Giao thông Vận tải

Các sở: Kế hoạch & Đầu tư, Xây dựng và thành phố Đồng Hới

1. Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố đến năm 2020. (bao gồm hệ thống đường bộ, đường sông,cảng sông, đường hàng không)

UBND tỉnh

Năm 2008

2. Lập Quy hoạch phát triển tuyến đường vành đai ven biển

UBND tỉnh

Năm 2008

3. Lập Dự án đầu tư xây dựng cầu Nhật Lệ II

UBND tỉnh

2010

4

Sở Công thương

Các sở, ban, ngành liên quan, và thành phố Đồng Hới

1. Hướng dẫn xây dựng các cụm điểm công nghiệp - TTCN, làng nghề truyền thống, hình thành các cơ sở TTCN - ngành nghề nông thôn

UBND thành phố

Năm 2008

2. Hướng dẫn xây dựng các thương hiệu sản phẩm, các cơ sở thương mại, dịch vụ

Sở Công thương

Năm 2008

3. Kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp - TTCN, thương mại, dịch vụ

UBND tỉnh

Năm 2009

4. Hoàn chỉnh hệ thống kinh doanh xăng dầu thành phố

UBND tỉnh

Năm 2008

5. Chỉ đạo lập Đề án xúc tiến thương mại và phát triển xuất khẩu các ngành hàng kinh tế có lợi thế của thành phố

UBND thành phố

Năm 2008

6. Chỉ đạo lập, phê duyệt, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, mạng lưới chợ thành phố Đồng Hới

UBND tỉnh

Năm 2009

5

Sở NN & PTNT

Các sở, ban, ngành liên quan, và UBND thành phố Đồng Hới

1. Chỉ đạo, hướng dẫn phân vùng sản xuất, bố trí cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, phù hợp với tiềm năng của địa phương

UBND thành phố

Năm 2008

2. Lập Dự án đầu tư xây dựng hệ thống đê, kè biển...

UBND tỉnh

Năm 2008

3. Lập Đề án ứng dụng công nghệ sinh học vào nuôi trồng, chế biến thủy sản

UBND thành phố

Năm 2009

6

Sở Tài chính

Các sở, ban, ngành liên quan, và UBND thành phố Đồng Hới

1. Ban hành thực hiện một số cơ chế đặc thù cho thành phố Đồng Hới, như cơ chế tài chính, chính sách ưu đãi

UBND tỉnh

Năm 2008

7

Sở Tài nguyên - Môi trường

Các sở, ban, ngành liên quan, và UBND thành phố Đồng Hới

1. Chỉ đạo hướng dẫn để hoàn thành quy hoạch sử dụng đất cấp xã, phường

UBND tỉnh

Năm 2008

2. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức thực hiện các dự án phát triển KT - XH trên địa bàn TP

UBND thành phố

Hàng năm

8

Sở Khoa học - Công nghệ

Các sở, ban, ngành liên quan, và UBND thành phố Đồng Hới

1. Chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống

UBND tỉnh

Hàng năm

9

Sở xây dựng

Các sở, ban, ngành liên quan, và UBND thành phố Đồng Hới

1. Chỉ đạo lập, phê duyệt, thực hiện các đề án quy hoạch, phát triển các khu đô thị của thành phố

UBND tỉnh

2008 - 2009

2. Chỉ đạo lập, phê duyệt, thực hiện đề án quy hoạch xây dựng các khu, cụm dân cư

UBND tỉnh

Năm 2008

10

Sở Thông tin & Truyền thông

Các sở, ban, ngành liên quan, và UBND thành phố Đồng Hới

1. Chỉ đạo triển khai xây dựng đề án phát triển hạ tầng kỹ thuật đảm bảo thông tin liên lạc, dịch vụ internet trên địa bàn thành phố

Sở Thông tin & Truyền thông

Năm 2008

11

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Các sở, ban, ngành liên quan, và UBND thành phố Đồng Hới

1. Nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách về phát triển dạy nghề, tạo việc làm, an sinh xã hội thành phố Đồng Hới

Sở LĐ, TB&XH

Năm 2008

12

Sở Nội vụ

Các sở, ban, ngành liên quan, và UBND thành phố Đồng Hới

1. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức cấp phường, xã, thành phố.

UBND tỉnh

Năm 2008

2. Thực hiện công tác luân chuyển có thời hạn, tăng cường cán bộ có chất lượng cho thành phố.

UBND tỉnh

Hàng năm

13

Sở Giáo dục và Đào tạo

Các sở, ban, ngành liên quan, và UBND thành phố Đồng Hới

1. Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, mở rộng quy mô và đa dạng hóa các hình thức giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề

UBND tỉnh

Năm 2008

14

Sở Y tế

Các sở, ban, ngành liên quan, và UBND thành phố Đồng Hới

1. Hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện dự án nâng cấp các cơ sở y tế cấp xã phường; đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trạm y tế xã, phường

UBND tỉnh

Năm 2008

2. Tăng cường bổ sung cán bộ chuyên môn y tế, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ y tế cơ sở

Sở Y tế

Năm 2008

15

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh

Các sở, ban, ngành liên quan, và UBND TP

1. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu vực phòng thủ, mục tiêu quân sự thành phố Đồng Hới

Quân khu IV, UBND tỉnh

Năm 2008

16

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Các sở, ban, ngành liên quan, và UBND thành phố Đồng Hới

1. Xây dựng các tuyến đường tuần tra ven biển

UBND tỉnh

Hàng năm

17

Công an tỉnh

Các sở, ban, ngành liên quan, và UBND thành phố Đồng Hới

1. Chỉ đạo xây dựng đề án về quản lý an ninh trật tự trên địa bàn thành phố; đấu tranh kịp thời với các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn

Công an tỉnh

Năm 2008

18

Sở Tư pháp

Các sở, ban, ngành liên quan, và UBND thành phố Đồng Hới

1. Trợ giúp pháp lý, nâng cao trình độ nhận thức pháp luật cho nhân dân thành phố

Sở Tư pháp

Năm 2008

19

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Các sở, ban, ngành liên quan, và UBND thành phố Đồng Hới

1. Tổ chức sưu tầm nghiên cứu các giá trị văn hóa vật thể và văn văn hóa phi vật thể và bảo tồn phát triển các bản sắc văn hóa của thành phố Đồng Hới

UBND tỉnh

Năm 2008

2. Thực hiện xây dựng mạng lưới thiết chế văn hóa thông tin cấp xã, phường, tiểu khu, thôn

UBND tỉnh

Năm 2008

3. Chỉ đạo lập, phê duyệt, thực hiện Đề án quy hoạch phát triển du lịch thành phố Đồng Hới đến năm 2020

UBND tỉnh

Năm 2008

4. Xây dựng các danh mục và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch ở thành phố Đồng Hới

UBND tỉnh

Năm 2008

20

UBND thành phố Đồng Hới

Các sở, ban, ngành liên quan

1. Hoàn thành việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020

UBND thành phố

Năm 2008

2. Tiến hành lập quy hoạch chi tiết các khu đô thị, khu dân cư, công nghiệp - TTCN, du lịch, dịch vụ, trung tâm thương mại...

UBND thành phố

Năm 2008

3. Quy hoạch vùng phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn

UBND thành phố

Năm 2008

4. Thực hiện tốt các chương trình phát triển công nghiệp - TTCN, du lịch của thành phố

UBND thành phố

Năm 2008

5. Xây dựng Đề án xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, y tế

UBND thành phố

Năm 2008

6. Thực hiện tốt Đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố

UBND thành phố

Năm 2008

7. Xây dựng Đề án cải cách hành chính trong việc thực hiện các dịch vụ công...

UBND thành phố

Năm 2008




Каталог: vbpq -> vbpq qb.nsf -> 4b438b320dbf1cda4725719a0012432c
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Số: 49/2003/QĐ-ub đồng Hới, ngày 16 tháng 09 năm 2003
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> UỶ ban nhân dân tỉnh quang bìNH
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân tỉnh quảng bình số: 1021/QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân tỉnh quảng bìNH
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân tỉnh quảng bìNH
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> UỶ ban nhân dân tỉnh quảng bình số: 1051 /QĐ-ub
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> QuyếT ĐỊnh của uỷ ban nhân dân tỉnh v/v quy định điều chỉnh giá tính lệ phí trước bạ đối với
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân tỉnh quảng bìNH
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân tỉnh quảng bìNH
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> UỶ ban nhân dân tỉnh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 175.73 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương