Ủy ban nhân dân tỉnh đỒng nai


IV. MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG



tải về 0.52 Mb.
trang3/5
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích0.52 Mb.
#13741
1   2   3   4   5

IV. MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

1. Mục tiêu cụ thể đến 2015

a) Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trên cạn

- Xây dựng các văn bản, pháp quy trình ban hành nhằm tăng cường công tác giám sát, bảo vệ các hệ sinh thái trên cạn quan trọng mang tính đa dạng sinh học.

- Bồi dưỡng cho các cán bộ các cấp thực thi công tác bảo tồn đa dạng sinh học về Luật Bảo tồn đa dạng sinh học. Truyền thông đến các đối tượng là nhân dân, học sinh về Luật Đa dạng sinh học, bảo tồn đa dạng sinh học.

- Tăng cường kiểm soát, đôn đốc phòng chống cháy rừng trong tình hình thời tiết diễn biến phức tạp. Cụ thể hơn những văn bản pháp quy về phòng chống cháy rừng đối với cả rừng tự nhiên và rừng trồng. Bổ sung phương tiện, phân công trách nhiệm trong công tác phòng chống cháy rừng.

- Chỉ đạo thực thi nghiêm túc Pháp lệnh Bảo vệ rừng. Xử lý nghiêm khắc các trường hợp xâm hại tài nguyên rừng như chặt gỗ; săn bắt, đánh bẫy động vật hoang dã; thu hái dược liệu không phép; xâm lấn đất rừng để sản xuất nông nghiệp và chăn thả gia súc.

- Rà soát, điều tra bổ sung nhằm hoàn thiện tư liệu về hiện trạng đa dạng sinh học đối với những khu vực tiềm ẩn tính đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh mà thông tin về đa dạng sinh học ở những khu vực này còn ít hoặc thiếu sót.

- Lồng ghép quan trắc môi trường, quan trắc sự biến đổi của đa dạng sinh học nhằm ứng phó với diễn biến của đa dạng sinh học, diễn biến của biến đổi khí hậu ở những khu vực trọng tâm, quan trọng.

- Rà soát, phát hiện tiềm năng về đa dạng sinh học trên những địa bàn tiềm ẩn tính đa dạng sinh học.

b) Bảo tồn và phát triển các vùng đất ngập nước

- Ban hành, trình các văn bản phân công trách nhiệm, thi hành, giám sát, bảo vệ các hệ sinh thái thủy vực quan trọng mang tính đa dạng sinh học (sông Đồng Nai, sông Thị Vải, Vùng nước nội địa Trị An - Đồng Nai).

- Bổ sung phương tiện tuần tra, giám sát bảo vệ các thủy vực quan trọng.

- Thực thi nghiêm khắc luật thủy sản nhằm bảo vệ tính đa dạng sinh học đối với các loài thủy sinh vật. Nghiêm cấm tận diệt các loài thủy sinh vật bằng xung điện; nghiêm cấm khai thác cát trên những dòng chảy xung yếu.

- Điều tra bổ sung thông tin tư liệu về đa dạng sinh học đối với những khu vực đất ngập nước, thủy vực quan trọng còn ít hoặc thiếu thông tin.

- Lồng ghép quan trắc môi trường, quan trắc sự biến đổi của đa dạng sinh học nhằm ứng phó với diễn biến của môi trường, diễn biến của đa dạng sinh học, diễn biến của biến đổi khí hậu ở những khu vực trọng tâm, quan trọng như Rừng phòng hộ Long Thành, sông Đồng Nai, sông Thị Vải.

c) Sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật

Định hướng phát triển, sử dụng hợp lý và bền vững các loại tài nguyên thiên nhiên trên cạn như Rừng phòng hộ Tân Phú, Khu Di tích lịch sử Núi Chứa Chan.

d) Tăng cường quản lý Nhà nước ở địa phương về ĐDSH và ATSH

- Kiện toàn các văn bản, pháp quy, trình ban hành các văn bản về bảo tồn đa dạng sinh học và an toàn sinh học. Phổ biến đến các cán bộ địa phương và nhân dân liền kề các khu vực đa dạng sinh học.

- Nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách về an toàn sinh học. Tuyển cử cán bộ chuyên môn học tập, bồi dưỡng trình độ về giám sát sinh vật biến đổi gen, khảo nghiệm các giống loài du nhập phục vụ an toàn sinh học và bảo vệ đa dạng sinh học.

- Chỉ đạo thực hiện các đề án, đề tài phòng chống các loài ngoại lai xâm hại đến tính đa dạng sinh học.

2. Định hướng đến năm 2020

- Hoàn thiện hệ thống pháp quy, các văn bản hướng dẫn thực hiện, xử lý liên quan đến việc bảo tồn đa dạng sinh học và an toàn sinh học.

- Nâng cao trình độ, nhận thức và cách xử lý những vấn đề liên quan đến đa dạng sinh học và an toàn sinh học cho cán bộ phụ trách trực tiếp.

- Nâng cao nhận thức của nhân dân, cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học ở những vùng liền kề với các khu vực đa dạng sinh học.

- Bảo đảm ứng phó với những thách thức thường xuyên do thiên tai và những thách thức từ phía con người nhằm bảo tồn các khu vực đa dạng sinh học quan trọng.

- Hình thành mới các khu vực sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên thiên nhiên.

- Xây dựng chương trình quan trắc về đa dạng sinh học thường xuyên đối với những khu vực trọng yếu có tầm quan trọng có liền kề với khu vực phát triển kinh tế - xã hội.

V. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Đối với đa dạng sinh học trên cạn

- Đầu tư cơ bản, trang thiết bị, phương tiện cho Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai.

- Tái định cư các cư dân thuộc vùng nhạy cảm liền kề Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai.

- Xây dựng quy chế hoạt động cho Khu Dự trữ Sinh quyển.

- Điều tra nghiên cứu khoa học bổ sung những phát sinh về đa dạng sinh học trong quá trình nâng cấp Khu Dự trữ Sinh quyển.

- Hoàn tất việc điều tra cơ bản, điều tra bổ sung các khu vực mang tính đa dạng sinh học còn ít hoặc thiếu thông tin.

- Xây dựng chương trình quan trắc biến đổi đa dạng sinh học ở những vùng trọng điểm.

2. Đối với đa dạng sinh học các vùng đất ngập nước

- Chú trọng xây dựng KBTTN Vùng nước nội địa Trị An - Đồng Nai. Đầu tư cơ bản, trang thiết bị, phương tiện, cơ chế hoạt động.

- Bổ sung tư liệu khoa học hoàn chỉnh về đa dạng sinh học thuộc Rừng phòng hộ Long Thành làm nền cho những đánh giá diễn biến đa dạng sinh học về sau. Nếu có xảy ra sự cố môi trường ở khu vực nhạy cảm đã được lập kế hoạch định hướng phát triển Khu đô thị Nhơn Trạch, Sân bay Long Thành, khu công nghiệp dọc theo sông Thị Vải, các cảng nước sâu thì đảm bảo đủ luận cứ khoa học để giải quyết những phát sinh về môi trường, về đa dạng sinh học.

- Quan trắc môi trường thủy sinh thường xuyên lồng ghép với kế hoạch hành động bảo vệ môi trường để phát hiện sớm những ảnh hưởng nguy hại đến đa dạng sinh học ở sông Thị Vải huyện Long Thành, Đồng Nai.

- Hoàn tất tài liệu điều tra cơ bản về đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sinh vật, xác định loài ngoại lai xâm hại và biện pháp phòng trừ nhằm bảo tồn đa dạng sinh học Vùng nước nội địa Trị An - Đồng Nai.

- Quan trắc môi trường thủy sinh thường xuyên lồng ghép với kế hoạch hành động bảo vệ môi trường để phát hiện sớm những ảnh hưởng nguy hại đến đa dạng sinh học ở sông Đồng Nai và Vùng nước nội địa Trị An - Đồng Nai.

- Hoàn chỉnh các quy trình kỹ thuật tiêu diệt loài cây Mai Dương xâm hại ở Bàu Sấu và Vùng nước nội địa Trị An - Đồng Nai.

- Hoàn thiện điều tra bổ sung về đa dạng thủy sinh vật Rừng phòng hộ Long Thành. Điều tra nguồn lợi thủy sinh vật các dòng chảy thuộc Long Thành và vùng phụ cận.

3. Đối với việc sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật

- Điều tra đánh giá tính đa dạng sinh học và định hướng phát triển du lịch sinh thái vùng Núi Chứa Chan - chùa Gia Lào.

- Điều tra bổ sung, đánh giá tính đa dạng sinh học Rừng phòng hộ Tân Phú. Định hướng mở rộng và phát triển du lịch sinh thái ở Thác Mai Tân Phú.

4. Đối với lĩnh vực quản lý

- Kiện toàn các văn bản, pháp quy và chỉ đạo thực thi nghiêm khắc về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học.

- Nâng cao trình độ, nhận thức của các cán bộ quản lý thông qua các lớp tập huấn về đa dạng sinh học, an toàn sinh học.

- Nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các lớp truyền thông về bảo tồn đa dạng sinh học.

- Ban hành, giám sát thực hiện các chương trình, dự án về bảo tồn đa dạng sinh học.



VI. CÁC GIẢI PHÁP BẢO TỒN ĐA DẠNG VÀ AN TOÀN SINH HỌC

1. Các giải pháp chung

a) Về quản lý Nhà nước

- Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ĐDSH.

- Kiện toàn tổ chức và tăng cường năng lực cho hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước về ĐDSH.

- Cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về quản lý đa dạng sinh học và an toàn sinh học phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

- Thực hiện các chương trình, dự án điều tra, nghiên cứu, ứng dụng và lồng ghép các nội dung về đa dạng sinh học, an toàn sinh học vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát triển bền vững.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc khai thác, vận chuyển, sử dụng tài nguyên sinh vật.

b) Áp dụng giải pháp khoa học công nghệ cho những nhiệm vụ điều tra nghiên cứu

- Nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ để bảo tồn, phát triển và xây dựng bền vững tài nguyên sinh vật, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, xây dựng hệ thống bảo tồn thiên nhiên của tỉnh Đồng Nai để tập hợp, lưu giữ, trưng bày các nguồn gen, hiện vật, tiêu bản các loài đặc hữu, quý hiếm phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, vừa là nơi tham quan, thu hút khách để phát triển kinh tế.

- Điều tra cơ bản về tài nguyên sinh vật trong đó chú trọng đến đặc điểm sinh học, sinh thái của các loài sinh vật đặc hữu, quý hiếm và các hệ sinh thái đặc thù, nhạy cảm của tỉnh.

- Bảo tồn, lưu giữ, trưng bày các nguồn gen, hiện vật, tiêu bản các loài đặc hữu, quý, hiếm phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, vừa là nơi tham quan, thu hút khách du lịch để phát triển kinh tế.

- Phát hiện sinh vật lạ và xác định các nguồn gen quý hiếm, có giá trị kinh tế và đa dạng sinh học cao trên địa bàn tỉnh để bảo tồn và phát triển.

- Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý ĐDSH các cấp.

c) Tăng cường truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH.

- Phát huy nguồn tri thức tại địa phương, xây dựng mô hình quản lý rừng cộng đồng, quản lý bảo vệ và chia sẻ lợi ích từ rừng, từ tài nguyên ĐDSH.

- Xây dựng và tổ chức thường xuyên các chương trình truyền thông, các khóa đào tạo, tập huấn, diễn đàn, các lễ kỷ niệm... về đa dạng sinh học và an toàn sinh học.

- Phát hành các ấn phẩm truyền thông, chuyên ngành về đa dạng sinh học và an toàn sinh học.

d) Về kinh tế

- Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hỗ trợ nhân dân trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc và bảo vệ rừng, phát triển các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu thay thế gỗ.

- Phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên với quyền lợi kinh tế của người dân trên địa bàn.

- Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và tránh xâm hại đến đa dạng sinh học.

e) Tăng cường hợp tác Quốc tế về đa dạng sinh học và an toàn sinh học

- Hợp tác trong nước

+ Tăng cường liên kết với các tỉnh, tăng cường hợp tác với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên, xây dựng các hành lang bảo tồn ĐDSH để đảm bảo sự thống nhất, cùng nhau phát triển, đặc biệt trong triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

+ Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu thực hiện các dự án về đa dạng sinh học và an toàn sinh học nhằm bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học của tỉnh.

- Tăng cường hợp tác Quốc tế

+ Đa dạng hóa các hình thức hợp tác với các tổ chức nước ngoài trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học để học tập, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và tìm kiếm hỗ trợ kỹ thuật, tài chính.

+ Tăng cường hợp tác về nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thu hút chuyên gia, thu hút vốn đầu tư vào các dự án bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.

f) Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, lồng ghép bảo vệ môi trường với bảo vệ đa dạng sinh học

- Bảo đảm nguồn chi ngân sách Nhà nước cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó chú trọng đầu tư trực tiếp cho các hoạt động bảo tồn, phát triển và quản lý đa dạng sinh học. Ngoài ra, cần chú trọng huy động từ đối tượng hưởng lợi nhờ vào tài nguyên sinh vật, vốn của các ngành kinh doanh, các ngành công nghiệp, từ các nhà đầu tư để khai thác khía cạnh kinh tế mà ĐDSH mang lại.

- Đa dạng hóa các biện pháp, cách thức bảo vệ ĐDSH theo hướng huy động cho các đơn vị chức năng của Nhà nước, tạo điều kiện gắn bó người dân với các yếu tố môi trường và tăng nguồn thu cho người dân qua sự chi trả từ ngân sách Nhà nước. Tạo cơ chế thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính phục vụ công tác bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học và an toàn sinh học.

- Lồng ghép các nội dung bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, an toàn sinh học vào các lĩnh vực tài trợ được ưu tiên như xóa đói, giảm nghèo, y tế và phát triển nông thôn.

2. Các giải pháp cụ thể

a) Những giải pháp về đa dạng sinh học đối với các hệ sinh thái trên cạn quan trọng

- Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai: Đối với Khu Dự trữ Sinh quyển này những thách thức đặt ra là thách thức của sự phát triển mở rộng. Do vậy, cần xây dựng và triển khai đồng thời các dự án sau:

+ Lập quy hoạch cho Khu Dự trữ Sinh quyển với 03 vùng lõi có chỉ giới rõ rệt; xác định chức năng của mỗi vùng lõi và vùng đệm.

+ Thực hiện công tác tái định cư đối với các hộ dân sống trong những vùng nhạy cảm.

+ Điều tra về đa dạng sinh học trên 10.000 ha rừng sát nhập vào Khu Dự trữ Sinh quyển.

+ Lưu giữ bảo vệ rừng trên 10.000 ha rừng nghèo kiệt thuộc phần đất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà làm vốn đất cho phát triển Khu Dự trữ Sinh quyển về sau.

+ Điều tra nguồn lợi thủy sản Vùng nước nội địa hồ Trị An - Đồng Nai. Xác định các loài ngoại lai xâm hại, phân vùng xuất hiện của các loài ngoại lai xâm hại và đề xuất giải pháp diệt trừ.

+ Lập mô hình thực nghiệm diệt trừ cây Mai Dương xâm hại ở Bàu Sấu và các dòng chảy trên địa bàn Khu Dự trữ Sinh quyển.

+ Quan trắc về đa dạng sinh học nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng phó với diễn biến của môi trường có ảnh hưởng đến đa dạng sinh học; nhất là môi trường nước.

- Đối với VQG Cát Tiên: Theo chiến lược quản lý bảo tồn VQG Cát Tiên giai đoạn 2010 - 2015, các giải pháp bảo tồn ĐDSH tại VQG Cát Tiên được đề xuất bao gồm:

+ Kiểm soát, săn bắt, buôn bán động vật hoang dã và khai thác lâm sản ngoài gỗ:

* Tăng cường tuần tra kiểm soát ở những khu vực có mật độ cao các loài động vật kinh tế và các nguồn lâm sản phong phú.

* Thường xuyên tìm kiếm phát hiện và phá bỏ các bẫy động vật và các lán trại của thợ săn.

* Kiểm soát các khu vực người dân thường xâm nhập vào rừng, bắt và xử lý thỏa đáng những trường hợp vi phạm.

* Kiểm tra lập danh sách những hộ, cá nhân hay xâm nhập vào rừng để săn bắt động vật và khai thác lâm sản; thường xuyên giám sát để sớm phát hiện sự xâm nhập vào rừng của họ thông qua mạng lưới thông tin từ các thôn bản.

* Thường xuyên thông báo cho chính quyền địa phương về tình trạng vi phạm quy chế quản lý của VQG của địa phương và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực thi các biện pháp ngăn chặn.

* Tăng cường kiểm soát tình trạng kinh doanh sản phẩm động vật hoang dã trong vùng đệm và các thị trấn, thị tứ lân cận. Tuyên truyền vận động ký cam kết không kinh doanh các mặt hàng từ động vật hoang dã.

* Tiếp tục các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư sống bên trong VQG và ở vùng đệm (kể cả các cán bộ đang công tác trên địa bàn) về quy chế quản lý VQG Cát Tiên và các văn bản pháp quy về quản lý bảo vệ rừng và động vật hoang dã. Tiến hành ký cam kết hương ước về quản lý bảo vệ rừng với các thôn bản có tác động mạnh như ở các Khu vực Đa Bông Cua, Đăng Hà, Đắk Lua, Thanh Sơn, Tà Lài, Thôn 5, Tiên Hoàng, Gia Viễn, Phước Cát 2 và Phước Sơn.

+ Kiểm soát xâm lấn đất lâm nghiệp của VQG để canh tác nông nghiệp, hủy hoại và làm suy thoái các sinh cảnh:

* Tiến hành xác định rõ và thống nhất đường ranh giới của VQG trên thực địa.

* Triển khai đóng cột mốc ranh giới ở những khu vực thường xảy ra xâm lấn đất lâm nghiệp của VQG.

* Tăng cường tuần tra kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ bị xâm lấn (gần các khu dân cư,...); bắt và xử lý nghiêm các vụ vi phạm; kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương về các vụ vi phạm và phối hợp giải quyết.

* Tăng cường tuần tra kiểm soát các vùng sinh cảnh quan trọng gần các khu dân cư để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm (phát hiện người xâm nhập, các tác động phá rừng, khai thác lâm sản,..).

* Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương để thường xuyên nhắc nhở người dân ngăn chặn vi phạm.

* Hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của các thôn bản nhằm đảm bảo đủ đất sản xuất cho các hộ; hỗ trợ công tác khuyến nông, khuyến lâm nhằm nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

* Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về tôn trọng ranh giới của VQG, đặc biệt ở các Khu vực Đa Bông Cua, Đăng Hà, Đắk Lua, Thanh Sơn, Tà Lài, Gia Viễn, Phước Cát 2 và Phước Sơn.

+ Ngăn chặn, kiểm soát các hình thức chăn thả gia súc tự do trong VQG:

* Tăng cường tuần tra kiểm soát sự xâm nhập của gia súc (trâu, bò, dê,..) vào VQG, bắt và xử lý nghiêm các vụ vi phạm.

* Tăng cương tuyên truyền vận động người dân ký cam kết không thả gia súc tự do vào VQG.

* Hỗ trợ thôn bản quy hoạch khu chăn thả gia súc phù hợp và xây dựng quy chế chăn nuôi gia súc có kiểm soát.

* Hỗ trợ khuyến nông đưa các loài vật nuôi có năng suất cao thay thế gia súc chăn thả tự do.

* Hỗ trợ khuyến nông gây trồng các loài cây thức ăn cho gia súc để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc thay thế việc thả tự do trong VQG.

+ Kiểm soát xung đột giữa người và động vật hoang dã (voi) của VQG:

* Tạo nguồn thức ăn, nước uống và mỏ khoáng đầy đủ bên trong ranh giới VQG cho quần thể voi ở đây.

* Khuyến cáo người dân không trồng các loài cây lương thực, cây ăn quả,... mà voi và heo rừng ưa thích gần ranh giới VQG, nên trồng các loài cây không phải là thức ăn của voi (cây thuốc lào,...).

* Xây dựng hàng rào điện ngăn cản voi ở những khu vực gần khu dân cư.

* Thường xuyên giám sát vùng hoạt động, sự di chuyển của đàn voi để khuyến cáo cho các khu dân cư gần nơi voi hoạt động để đề phòng và tránh xung đột.

* Hướng dẫn người dân vùng xung đột các biện pháp ngăn ngừa và phòng tránh an toàn cho người dân và cho voi.

* Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức bảo tồn voi và động vật hoang dã cho cộng đồng địa phương.

* Có chính sách đền bù thỏa đáng cho người dân những thiệt hại do voi và động hoang dã khác gây ra.

+ Kiểm soát các loài sinh vật ngoại lai xâm lấn:

* Tiến hành đốn chặt và đốt các trảng cây Mai Dương ở VQG, đặc biệt ở các sinh cảnh đất ướt (Bàu Chim, Bàu Sấu, sông Đồng Nai,...).

* Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện việc đốn, chặt, đốt và kiểm soát sự phát tán của cây Mai Dương ở các khu dân cư và vùng đệm của VQG.

* Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân vùng đệm về tác hại của cây Mai Dương và các loài xâm lấn khác, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn sự phát triển và lan truyền của các loài xâm lấn.

* Tiến hành nghiên cứu cơ bản chu trình phát triển, sinh sản và phát tán của cây Mai Dương và tìm những biện pháp ngăn chặn tận gốc hiệu quả.

* Nghiêm cấm du nhập các loài sinh vật có khả năng gây hại môi trường, đa dạng sinh học trong khu bảo tồn và vùng đệm.

+ Kiểm soát cháy rừng:

* Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị cảnh báo và chống cháy rừng cho các Trạm Kiểm lâm.

* Làm tốt công tác tập huấn về phòng chống cháy rừng cho các cán bộ kiểm lâm của VQG và cộng đồng địa phương vùng đệm.

* Vào mùa khô, tăng cường tuần tra kiểm soát những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, kiểm soát việc đốt nương rẫy của người dân sống trong và ở vùng đệm của VQG.

* Tiến hành đốt có kiểm soát hàng năm ở những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao.

* Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân sống bên trong và ở vùng đệm của VQG về các nguyên nhân gây cháy rừng và các biện pháp ngăn ngừa, phòng tránh.

+ Ô nhiễm nguồn nước do sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp:

* Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân sống trong và ở vùng đệm của VQG về tác hại đối với môi trường và sức khỏe con người của việc sử dụng quá mức các loài phân bón hóa học và thuốc phòng trừ sâu hại, thuốc diệt cỏ.

* Hỗ trợ người dân về sử dụng đúng quy định các loài hóa chất nông nghiệp, việc quản lý bảo vệ và xử lý rác thải hóa chất phòng chống ô nhiễm môi trường.

- Rừng phòng hộ Xuân Lộc

Khu vực này chưa tiến hành điều tra về đa dạng sinh học thật đầy đủ. Vì vậy, khó đánh giá tính đa dạng sinh học và khó biết sự mất mát của nó. Quy chế một rừng phòng hộ thì việc bảo vệ ít chặt chẽ hơn các khu bảo tồn. Đối với những khu vực này cần tiến hành điều tra về đa dạng sinh học đồng thời lồng ghép với phát triển du lịch sinh thái. Cần xây dựng dự án điều tra đánh giá về đa dạng sinh học núi Chứa Chan. Đây là giải pháp quản lý tài nguyên đa dạng sinh học và định hướng phát triển du lịch sinh thái vùng núi.

Núi Chứa Chan tiềm ẩn tính đa dạng sinh học, có tiềm năng về phát triển bền vững, hoạt động du lịch sinh thái ở những nơi đây bước đầu đã được hình thành. Ở Tây Ninh có núi Bà Đen với độ cao tương tự đã được khai thác du lịch chỉ một phần ở chân núi lên đến độ cao 200m. Hàng năm núi Bà Đen đón một lượng khách lớn là hướng phát triển bền vững. Núi Chứa Chan cũng có tiềm năng tương tự và hơn nữa lại có ưu thế về giao thông gần với lượng khách ở TP. Hồ Chí Minh nên tiềm năng và nhu cầu phát triển là rất lớn.

- Rừng phòng hộ Tân Phú

Rừng phòng hộ Tân Phú có đặc điểm là có hồ nước sôi; Thác Mai; cảnh quan rừng tự nhiên tương tự Vườn Quốc gia Cát Tiên. Đối với hoạt động du lịch, từ TP. Hồ Chí Minh đi tìm nguồn nước nóng phải đi đến tận Bình Châu thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu là khá xa. Do vậy, tiềm năng du lịch sinh thái ở Tân Phú là khá lớn. Bên cạnh sự phát triển du lịch sinh thái, đa dạng sinh học ở đây còn khá ít thông tin nên rất cần điều tra nắm bắt tính đa dạng sinh học làm cơ sở cho quy hoạch du lịch sinh thái theo hướng phát triển bền vững.

- Rừng phòng hộ 600

+ Cần điều tra về tính đa dạng sinh học. Qua điều tra cần nêu lên các khu vực nhạy cảm về môi trường. Đề xuất bổ sung trồng rừng trên những vùng đất xung yếu.

+ Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ rừng.

+ Phối hợp với chính quyền địa phương để xây dựng và thực thi tốt các quy chế quản lý.

b) Những giải pháp về đa dạng sinh học đối với các hệ sinh thái thủy vực và đất ngập nước

- Sông Đồng Nai - hồ Trị An

+ Đây là hệ thống thủy vực quan trọng cấp nước sinh hoạt cho đại bộ phận cư dân trong tỉnh và cả Thành phố Hồ Chí Minh. Dọc theo sông không ít những nhà máy, khu công nghiệp đã hình thành. Vấn đề về sự cố môi trường luôn tiềm ẩn. Trên thủy vực là nơi cư trú các loài thủy sinh mà tính đa dạng sinh học của nó còn ít thông tin. Tuy nhiên, yếu tố quý hiếm đã được nhận diện. Bên cạnh đó yếu tố ngoại lai đang đe dọa sinh vật bản địa. Do vậy, cần quan trắc chất lượng môi trường dòng chảy một cách thường xuyên và có những dự án tiêu diệt các loài ngoại lai xâm hại để bảo tồn tính đa dạng sinh học các thủy vực.

+ Khắc phục tình trạng khai thác cát và chống xói lở bờ sông thuộc hệ thống sông Đồng Nai.

+ Kiểm soát thận trọng việc di giống mới vào hồ Trị An, đồng thời quy hoạch lại làng bè cá cho thích hợp với sức chứa của hồ nếu vượt quá ngưỡng sẽ gây ô nhiễm môi trường sinh thái trong lòng hồ và kiểm soát việc nuôi cá ở các eo ngách để không làm ảnh hưởng đến nguồn lợi cá tự nhiên.

+ Tích cực tuyên truyền các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến người dân và có những biện pháp chế tài nghiêm ngặt đối với những hành vi sử dụng ngư cụ đánh bắt cá phá hủy triệt để nguồn lợi thủy sản.

- Sông Thị Vải

Trong quá trình quy hoạch phát triển kinh tế cần chú trọng đến vấn đề môi trường (nước thải, chất thải rắn…). Cần tập trung xây dựng cơ chế phối hợp giữa các địa phương có sông Thị Vải đi qua, nghiên cứu khả năng tự làm sạch, nâng cao năng lực quan trắc. Đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

- Rừng phòng hộ Long Thành

Các quần xã sinh học rất nhạy cảm với sự biến đổi của môi trường sống; sự phát triển hoặc suy thoái của hệ sinh thái Rừng ngập mặn Long Thành là thước đo cho sự đánh giá chất lượng phát triển trên toàn khu vực. Sự phát triển đúng hướng và bền vững sẽ đảm bảo cho sự tồn tại của Rừng ngập mặn, ngược lại khi hành lang bảo vệ của rừng bị suy thoái sẽ kéo theo những hệ lụy đáng tiếc cho toàn khu vực. Để đánh giá sự tồn tại, phát triển của rừng cần có sự đánh giá trong hiện trạng ban đầu làm thước đo cho sự phát triển hoặc suy thoái về sau. Sớm nhận ra điều đó ngày 10/9/2003 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2907/2003/QĐ.CT-UBT giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chủ trì triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về "Điều tra hiện trạng, đề xuất giải pháp bảo vệ và phát triển hệ sinh thái Rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch". Đến nay, đề tài đã được hoàn tất và trở thành luận cứ khoa học nền để đánh giá những biến động về sau xảy ra đối với hệ sinh thái nơi đây. Tuy nhiên, đáng tiếc là khu hệ động vật của Rừng ngập mặn và quan trọng hơn hết là các loài thủy sinh vật thuộc địa phận sông Thị Vải và vùng phụ cận chưa được điều tra nghiên cứu kỹ. Nếu có sự cố môi trường đối với các loài thủy sinh vật thì sẽ thiếu căn cứ để đánh giá và thiếu cơ sở cho những đánh giá về sau để nhận diện sự phát triển hay suy thoái của môi trường. Do vậy, cần thiết có một đề tài bổ khuyết cho tài liệu nền đã thực hiện.

Đề án Bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 là một đề án tốt, có tầm nhìn xa, định hướng đúng đắn. Do vậy, căn cứ vào đề án đã thực hiện và vạch ra một đề án nối tiếp nhằm thực hiện các mục tiêu đến năm 2020 là quyết sách tốt nhất mà tỉnh cần đề ra cụ thể để xem xét phê duyệt. Bên cạnh đó, việc quan trắc môi trường các sông, suối hồ đã thực hiện trên toàn địa bàn tỉnh Đồng Nai cần thiết duy trì dài lâu và liên tục. Các quan trắc này làm chức năng phát hiện ô nhiễm, kiểm soát ô nhiễm và đánh giá diễn biến chất lượng môi trường theo từng thời kỳ song hành với tốc độ phát triển kinh tế, khu công nghiệp, dân cư,... mà không có giải pháp đánh giá khác để thay thế. Quan trắc môi trường thường xuyên và định kỳ cũng là luận cứ chắc chắn để quy kết tác nhân gây hại nếu có xảy ra. Vì vậy, quan trắc môi trường cần thiết và là chương trình lồng ghép giữa bảo vệ môi trường và bảo vệ đa dạng sinh học.

Một số những công trình đã thực hiện nhằm đề xuất giải pháp kiểm soát khống chế ô nhiễm môi trường, các công trình này cung cấp một lượng thông tin nền khá phong phú. Đặc biệt các tác giả cũng đã định hướng cho vấn đề bảo vệ môi trường với tầm nhìn đến năm 2020. Có thể đúc kết các ý kiến này và soạn thảo cho chiến lược bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Các chương trình nhiệm vụ này có thể là mục tiêu lồng ghép với kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học.

Tóm lại, như đã đề cập ở trên để hoàn thiện tài liệu nền cho Rừng phòng hộ Long Thành nhằm có những luận cứ đánh giá về sau khi có sự cố môi trường, cần thực hiện:

+ Điều tra khu hệ động vật Rừng phòng hộ Long Thành và những nguy cơ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của hệ sinh thái, từ đó đề xuất giải pháp phát triển đa dạng sinh học.

+ Điều tra thành phần loài thủy sinh vật Rừng phòng hộ Long Thành và nguy cơ suy giảm nguồn lợi thủy sản, từ đó đề xuất giải pháp phục hồi, phát triển nguồn lợi thủy sản.

+ Tiếp tục thực hiện lồng ghép với mục tiêu bảo vệ môi trường và mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học.

+ Tiến hành các quan trắc môi trường nước, bùn đáy, thủy sinh vật thường xuyên hàng năm tối thiểu là trong hai mùa mưa và khô nhằm phát hiện sớm ô nhiễm và quy kết được tác nhân gây ô nhiễm.

Đây là khu vực đa dạng sinh học dễ bị ảnh hưởng do việc phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng Nai. Sau sự cố Vedan bài học kinh nghiệm cần rút ra là chuẩn bị tốt hơn nữa cơ sở, luận cứ khoa học ứng phó với những sự cố về môi trường. Các tư liệu về môi trường, về đa dạng sinh học cần thiết được bổ sung, cập nhật thường xuyên. Các nguy cơ từ xây dựng đô thị, dân cư cũng không phải ít. Mặt khác, vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu cần được chú trọng bằng cách quan trắc môi trường sinh học, diễn biến của tài nguyên sinh học, nước biển dâng... là những vấn đề trọng yếu để đưa những nguy cơ tiềm ẩn vào tầm kiểm soát.

c) Những giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học đối với các hệ sinh nông nghiệp

- Tiếp tục phát huy, kiểm soát an toàn sinh học và đa dạng sinh học theo quy trình đã thực hiện; chú trọng vấn đề môi trường đối với hệ sinh thái nông nghiệp và phát huy các mô hình tận dụng đất đai, tận dụng tài nguyên rừng, tài nguyên nước trong sản xuất nông nghiệp và bảo đảm tiêu chí về môi trường.

- Sử dụng lượng thuốc trừ sâu khi thật cần thiết đủ để kiểm soát dịch hại, bảo vệ và kích thích sự phát triển của các loài thiên địch của sâu bệnh hại, duy trì cân bằng sinh thái, áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp.



Каталог: Lists -> Vn%20bn -> Attachments
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> Ubnd tỉnh yên báI
Attachments -> Ủy ban nhân dân tỉnh đỒng nai
Attachments -> Ủy ban nhân dân tỉnh đỒng nai
Attachments -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh đỒng nai độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> Phụ lục 1: quyếT ĐỊnh thành lập tổ CÔng tác cai nghiện ma túY
Attachments -> TỈnh đỒng nai số: 2037/QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> TỈnh yên bái số: 115/kh-ubnd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> Ủy ban nhân dân tỉnh đỒng nai
Attachments -> TỈnh yên bái số: 1193/QĐ-ubnd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 0.52 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương