Ủy ban nhân dân tỉnh kon tum



tải về 291.85 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu23.07.2016
Kích291.85 Kb.
#2207
  1   2   3

ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH KON TUM

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 273/BC-UBND

Kon Tum, ngày 28 tháng 11 năm 2014

BÁO CÁO
tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội,
quốc phòng - an ninh năm 2014; phương hướng, nhiệm vụ
kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2015




Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KINH TẾ - XÃ HỘI,

QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2014

Năm 2014, mặc dù kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức; Chính phủ cắt giảm đầu tư công; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm; hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản gặp nhiều khó khăn; dịch bệnh trên người và gia súc xảy ra ở nhiều nơi... Nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2014 của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng.



I. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2014

1. Phát triển kinh tế

1.1 Tăng trưởng kinh tế: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2014 ước đạt 9.907 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 12,78%(1) so với cùng kỳ năm trước(2), trong đó: Nông - Lâm - Thủy sản tăng 6,81%, Công nghiệp - Xây dựng tăng 15,94%, Thương mại - Dịch vụ tăng 16,12%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 25,7 triệu đồng năm 2013 lên 29,8 triệu đồng.

Thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 19/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ(3), Ban chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu kinh tế tỉnh Kon Tum giai đoạn 2013-2020 đã chỉ đạo các ngành tập trung xây dựng Đề án nhằm tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh tỉnh Kon Tum đến năm 2020.



1.2 Phát triển các ngành kinh tế

a) Nông lâm thủy sản

Diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 70.723 ha, bằng 98,9 so với năm 2013, trong đó diện tích lúa tăng 1,53%, mía tăng 1,7%, diện tích sắn, ngô giảm. Sản lượng lương thực ước đạt 111.092 tấn, tăng 0,6% so với năm 2013, trong đó sản lượng lúa 85.042 tấn. Diện tích cây lâu năm ước đạt 88.245 ha, tăng 2,3% so với năm 2013, tăng chủ yếu là diện tích cà phê trồng mới khoảng 570 ha, cao su trồng mới 1.511 ha. Chăn nuôi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh xảy ra ở một số nơi(4), nhưng được phát hiện và điều trị kịp thời, tốc độ phát triển đàn gia súc tăng so với cùng kỳ năm trước(5). Sản lượng thủy sản tăng 15%.

Tính đến 31/12/2013 đã thực hiện công tác giao đất, giao rừng cho hộ gia đình trên địa bàn các huyện, thành phố với tổng diện tích là 25.065,4 ha. Hiện đang tiếp tục triển khai thực hiện giao đất, giao rừng trên địa bàn huyện Đắk Glei do chuyển sang thực hiện giao rừng cộng đồng thôn, làng để thực hiện “Dự án bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng thuộc miền Trung Việt Nam”. Đã thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân khắc phục khó khăn, tiếp tục chăm sóc và giữ vững vườn cây cao su theo phương pháp giảm chi phí đầu tư, giảm chi phí quản lý nhưng vẫn đảm bảo sinh trưởng vườn cây; đồng thời trồng xen cây ngắn ngày phù hợp trong thời kỳ kiến thiết cơ bản để tăng thu nhập.

Triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ tái canh cà phê giai đoạn 2011-2015 và đến năm 2020, Công ty TNHH Neslte Việt Nam (chi nhánh Tây Nguyên) đã hỗ trợ 518.517 cây giống cà phê cho nông dân trên địa bàn tỉnh thực hiện trồng tái canh (hỗ trợ 50% giá giống). Đến nay, đã hoàn thành việc cấp cây giống và qua kiểm tra cho thấy cây cà phê phát triển bình thường, chưa phát hiện sâu bệnh hại rễ.

Tình hình phát triển một số sản phẩm chủ lực:

- Phát triển cao su, cà phê: Tổng diện tích cao su trên địa bàn tỉnh 74.381 ha, trong đó cao su tiểu điền ước đến 31/12/2014 là 29.549,6 ha (biểu số 03), sản lượng mủ đạt 38.690 tấn. Tổng diện tích cà phê đã trồng được 13.864 ha, sản lượng ước đạt 30.500 tấn; hiện nay đã có các cơ sở chế biến sản phẩm cà phê bột như cà phê Đăk Hà, cà phê Da Vàng, cà phê Thanh Hương... sản xuất được trên 110 tấn/năm. Đã chỉ đạo tổ chức sơ kết tình hình triển khai thực hiện Đề án chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền trên địa bàn tỉnh Kon Tum; triển khai kế hoạch thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh tại các huyện Đăk Glei, Kon Plông và Tu Mơ Rông năm 2014.

- Phát triển sâm Ngọc Linh: Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã trồng được khoảng 177,04 ha diện tích sâm Ngọc Linh, trong đó có khoảng 169 ha của doanh nghiệp, 7,84 ha thuộc Dự án bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng và 0,2 ha do người dân tự trồng. Ủy ban nhân dân tỉnh đã đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo tiếp tục phát triển vườn sâm thuộc Dự án bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp khác(6). Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt và khởi công dự án "Đầu tư xây dựng Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển Sâm Ngọc Linh" thuộc Dự án tổng thể "Hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất và phát triển thương hiệu Quốc gia cho Sâm Ngọc Linh".

- Nuôi trồng thuỷ sản: Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh khoảng 1.342 ha, trong đó nuôi trồng ở ao, hồ nhỏ khoảng 542 ha và hồ chứa khoảng 800 ha. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 2.857 tấn, trong đó sản lượng khai thác 1.051 tấn, sản lượng nuôi trồng 1.806 tấn. Hiện có 3 dự án nuôi cá Hồi, cá Tầm thương phẩm gắn với du lịch sinh thái và có 4 hợp tác xã nuôi cá Tầm trên địa bàn huyện Kon Plông (hiện sản lượng cá Tầm thương phẩm đã cung cấp ra thị trường khoảng 15 tấn/năm).

- Phát triển rau, hoa, quả xứ lạnh: Đã tiến hành đầu tư hạ tầng thiết yếu đường giao thông, điện, nước tại vùng dự án; đầu tư vườn thực nghiệm để tiến hành trồng khảo nghiệm và sản xuất cây giống cấy mô các loại rau, hoa xứ lạnh, đang lập thủ tục để đầu tư Phòng thí nghiệm thực vật tại Trại thực nghiệm Kon Plông; triển khai các mô hình sản xuất hoa xứ lạnh, mô hình sản xuất rau an toàn. Hiện đã có một số dự án của các tổ chức, cá nhân đang triển khai đầu tư rau, hoa, quả theo quy hoạch, tính đến 31/8/2014 diện tích rau hoa xứ lạnh đã thực hiện được 26 ha; ước đến 31/12/2014 thực hiện được 40 ha (trong đó có khoảng 3 ha trồng tập trung, còn lại được trồng rải rác trong dân và một số loại cây trồng khác).



b) Công nghiệp – Xây dựng

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt 3.618 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ và vượt 13,3% so với kế hoạch. Nhìn chung, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, sản lượng tinh luyện quặng sắt giảm(7); một số doanh nghiệp sản xuất bàn, ghế chưa tìm được thị trường tiêu thụ. Tính đến nay đã rà soát, loại khỏi quy hoạch 36 vị trí công trình thủy điện hiệu quả kinh tế thấp, ảnh hưởng lớn đến môi trường xã hội, với tổng công suất 121,7 MW. Hiện trên địa bàn tỉnh còn 45 vị trí công trình thuỷ điện vừa và nhỏ trong quy hoạch với tổng công suất 429,4 MW, trong đó có 09 công trình hoàn thành hoà lưới điện quốc gia với tổng công suất 92,8 MW, 14 công trình đang triển khai xây dựng. Đối với 28 thôn làng chưa có điện lưới Quốc gia, đã có 17 thôn được đưa vào dự án KFW (vốn vay ngân hàng tái thiết Đức, do Tổng công ty điện lực Miền Trung làm chủ đầu tư) với tổng vốn đầu tư khoảng 35 tỷ đồng; 11 thôn còn lại sẽ được đầu tư trong Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Kon Tum giai đoạn 2014 – 2020(8). Đã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 18/02/2014 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện.



c) Thương mại - dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ ước đạt 10.590 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2013(9). Đã trích 16 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh hỗ trợ vay vốn không lãi suất cho 04 doanh nghiệp thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá, phục vụ nhu cầu thiết yếu nhân dân. Đã triển khai thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trong chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"(10). Nhằm tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, hạn chế sự tăng giá(11). Chỉ số giá tiêu dùng ước đến tháng 12/2014 tăng khoảng 3,74% so với tháng 12/2013. Giá trị xuất khẩu năm 2014 ước đạt 65 triệu USD, đạt 75,58% so với kế hoạch.



d) Thu chi ngân sách

Thu ngân sách Nhà nước tại địa bàn năm 2014 ước đạt 2.050,426 tỷ đồng, vượt 3,6% dự toán, đạt 113,7% so với năm 2013, trong đó thu từ sản xuất kinh doanh trong nước ước đạt 1.680,92 tỷ đồng, vượt 5,57% dự toán; thu từ thuế xuất nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và VAT hàng nhập khẩu ước đạt 234 tỷ đồng, vượt 116,7% dự toán; thu từ nguồn xổ số kiến thiết quản lý qua ngân sách ước đạt 70 tỷ đồng, vượt 5,98% dự toán và tăng 7,72% so với năm 2013. Chi ngân sách địa phương ước đạt 5.297 tỷ đồng, đạt 110,11% nhiệm vụ chi(12) và tăng 11,64% so với năm 2013.



Tình hình nợ đọng thuế và thu hồi nợ đọng thuế: Tổng số nợ thuế đến thời điểm 30/09/2014 là 291.000 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 18,3% trên dự toán thu, tăng 13.765 triệu đồng (tương ứng 4,96%) so với nợ tại thời điểm 31/12/2013. Trong đó: nợ khó thu 55.050 triệu đồng; nợ chờ xử lý 2.272 triệu đồng; nợ có khả năng thu 233.678 triệu đồng. Đã kiện toàn Ban chỉ đạo chống thất thu và đôn đốc thu hồi nợ đọng NSNN, tăng cường các giải pháp thu hồi nợ đọng. Tình hình thu hồi nợ đọng thuế tuy đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả đạt được vẫn còn thấp do tình hình hoạt động của các đơn vị gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp lớn có số nợ đọng thuế chiếm tỷ trọng cao. Nợ đọng thuế năm 2013 đã thu hồi đến thời điểm 30/9/2014 là 98.785 triệu đồng đạt 35,6% trên tổng số nợ đầu kỳ, 75,9% số nợ đăng ký thu theo lộ trình.

đ) Đầu tư phát triển:

Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ ước thực hiện năm 2014 là 1.789.435(13), trong đó: Vốn cân đối ngân sách địa phương 474.765 triệu đồng; vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và Trung ương bổ sung có mục tiêu 553.741 triệu đồng; các nguồn quản lý qua ngân sách 83.620 triệu đồng và nguồn trái phiếu Chính phủ 677.610 triệu đồng. Đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về xây dựng cơ bản để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn.



Tình hình triển khai các công trình trọng điểm giai đoạn 2011-2015: Có 13/17 công trình do địa phương quản lý được bố trí vốn đầu tư 2.024 tỷ đồng. Ước thực hiện đến 31/12/2014, tổng giá trị giải ngân 1.974 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch. Đã tích cực làm việc với các bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (biểu số 08).

Tích cực chỉ đạo sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ do tỉnh làm chủ đầu tư: Đã tổ chức triển khai 26 km/68 km(14) Quốc lộ 24; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đang triển khai thi công(15) Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Tân Cảnh - Kon Tum (23,7 km); dự kiến hoàn thành trong quý IV/2014(16) Dự án nền, mặt đường Quốc lộ 14C đoạn Km10-Km98 (26 km đoạn Km72-Km98), đoạn qua khu vực Nam Sa Thầy. Dự án Đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh(17) được triển khai tích cực. Dự án Nâng cấp Tỉnh lộ 675: Đoạn Km14+949-Km20+037, đã triển khai thi công hoàn thành đưa vào sử dụng, đoạn Km 26 - Km 32 và cải tạo khôi phục cầu Km33+407 từ nguồn vốn Quỹ bảo trì Trung ương, đã đưa vào khai thác sử dụng(18). Đang triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình đường từ cầu Đăk Ang đến xã Đăk Rơ Nga(19).

Tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản:

Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo rà soát, thống kê, phân loại nợ đọng xây dựng cơ bản, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và lộ trình xử lý nợ đọng, ưu tiên bố trí vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong kế hoạch phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách địa phương. Qua rà soát, tính đến thời điểm 31/12/2013, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án do chủ đầu tư nợ nhà thầu là 308.039 triệu đồng của 79 dự án. Để giải quyết khó khăn, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chủ động tạm ứng từ nguồn nhàn rỗi ngân sách tỉnh 66.562 triệu đồng để xử lý nợ đoj0 ng trong xây dựng cơ bản, như vậy số nợ đọng xây dựng cơ bản còn lại đến cuối năm 2013 là 251.009 triệu đồng(20). Trong năm 2014, ngân sách tỉnh đã bố trí 30.000 triệu đồng từ nguồn tăng thu ngân sách năm 2012; ngân sách huyện đã bố trí 36.249 triệu đồng để thanh toán nợ đọng XDCB.



Phát triển vùng kinh tế động lực: Đối với thành phố Kon Tum, công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ và cơ bản quy hoạch đã được phủ kín(21), đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) khu trung tâm hành chính mới của tỉnh; tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để đến năm 2015 thành phố Kon Tum đạt 70% mức tiêu chuẩn của đô thị loại II (vùng cao, vùng sâu, biên giới). Đối với huyện Ngọc Hồi, đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; thông qua điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Plei Kần đến năm 2030; hoàn thành quy hoạch chi tiết phía Đông và đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo quy hoạch chi tiết phía Bắc thị trấn PleiKần; thông qua Đề án công nhận thị trấn Plei Kần mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV; đồng thời quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để chuẩn bị nhân sự cho việc chia tách phường sau khi thành lập thị xã (chia tách thị trấn Plei Kần thành 05 phường mới). Đối với huyện Kon Plông, để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, thu hút đầu tư theo Quyết định 298/QĐ-TTg ngày 05/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và quy hoạch chung đô thị Kon Plông, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2030, đã triển khai lập Đề án Đầu tư, xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen, hiện nay chuẩn bị tổ chức thẩm định để phê duyệt Đề án.

Công tác chuẩn bị hình thành huyện mới Ia H’Drai được triển khai tích cực, đến nay Quy hoạch chung trung tâm hành chính huyện mới đã được phê duyệt và đang triển khai quy hoạch chi tiết; Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sa Thầy để thành lập huyện mới Ia H’Drai và đã trình Bộ Nội vụ thẩm định, báo cáo Chính phủ và chuẩn bị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đang hoàn chỉnh phương án bố trí dân cư huyện mới Ia H’Drai; phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết Khu trung tâm hành chính - chính trị, văn hóa giáo dục và thể thao; Khu công cộng - dịch vụ. Đã và đang triển khai đầu tư, chuẩn bị đầu tư một số công trình hạ tầng cấp thiết tại khu vực huyện mới, như: cấp nước sinh hoạt; trụ sở xã, trường học mầm non, trạm y tế tại 03 xã mới chia tách (xã Ia Đal, xã Ia Dom, xã Ia Tơi)…

e) Tín dụng - tiền tệ

Đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm nhằm tháo gỡ các khó khăn về vốn cho doanh nghiệp(22), kết hợp với việc triển khai chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Mặc dù lãi suất tiền gửi giảm, nhưng công tác huy động vốn của các tổ chức tín dụng vẫn đạt kết quả khá, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn (không kể tiền gửi KBNN) ước đến 31/12/2014 đạt 7.550 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2013 và vượt 0,7% so với kế hoạch. Lãi suất cho vay đã được điều chỉnh theo sự chỉ đạo của Chính phủ; cơ cấu tín dụng tập trung cho vay phục vụ sản xuất, đặc biệt cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn đến 31/12/2014 ước đạt 13.000 tỷ đồng tăng 14,5% so với năm 2013(23), dự kiến đến 31/12/2014 nợ xấu là 250 tỷ đồng, chiếm 1,92 tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn. Hoạt động thu đổi, mua bán bằng ngoại tệ, kinh doanh vàng trên địa bàn được quản lý chặt chẽ.

Thực hiện các chương trình tín dụng, tín dụng chính sách nhà nước: Ước đến ngày 31/12/2014, dư nợ tín dụng các chương trình, chính sách đạt 1.440 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm(24). Đã thực hiện cho vay theo lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Ước tính đến 31/12/2014, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn (không tính dư nợ cho vay của NHPT) đạt 4.110 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2013 với trên 100 ngàn khách hàng có dư nợ vay vốn. Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ đối với 02 huyện nghèo Kon Plông và Tu Mơ Rông: Ước đến ngày 31/12/2014, dư nợ cho vay đạt 1,6 tỷ đồng, tăng 1,34 tỷ đồng so với đầu năm với trên 100 khách hàng vay vốn. Triển khai thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đến nay dư nợ cho vay đối với thành phần doanh nghiệp trên địa bàn năm 2014 ước đạt 6.320 tỷ đồng, tăng 17,5% so với đầu năm với gần 600 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng.



f) Thu hút đầu tư, hợp tác phát triển

Từ đầu năm đến 15/11/2014, đã chấp thuận chủ trương đầu tư 04 dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư 11 dự án với tổng vốn đăng ký 760,8 tỷ đồng (biểu số 5), cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh 12 dự án, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư 06 dự án. Đã chỉ đạo các ngành tập trung rà soát các dự án đầu tư, tháo gỡ cho nhà đầu tư sớm hoàn tất thủ tục để triển khai dự án. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư vào Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen được đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung. Tiếp nối kết quả Hội thảo xúc tiến đầu tư với các đại diện xúc tiến đầu tư của Việt Nam tại nước ngoài, trong tháng 3/2014, một số doanh nghiệp của Hàn Quốc và Úc đã đến tỉnh làm việc và nghiên cứu cơ hội đầu tư vào một số lĩnh vực tiềm năng(25); đang xúc tiến triển khai dự án trang trại bò sữa của Công ty cổ phần sữa Việt Nam.

Hợp tác phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư có nhiều khởi sắc. Đến nay, Kon Tum có 06 doanh nghiệp đã, đang và chuẩn bị đầu tư tại Lào và Campuchia thông qua 08 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 3.173 tỷ đồng. Tại khu vực ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia và các cửa khẩu, phía tỉnh Attapư đã triển khai đầu tư dự án nâng cấp đường giao thông nối cửa khẩu quốc tế Phu Cưa đến cột mốc biên giới Việt Nam - Lào (cột mốc 790) bằng nguồn vốn ODA của Việt Nam hỗ trợ 37 tỷ đồng(26); đã làm việc với Bộ Ngoại giao để hoàn chỉnh Đề án trình Chính phủ xem xét nâng cấp cửa khẩu phụ Đăk Blô lên cửa khẩu chính. Phía tỉnh Rattanakiri đã báo cáo xin chủ trương Chính phủ Campuchia để mở cửa khẩu KonTuyNeak. Hoạt động trao đổi đào tạo cán bộ, lưu học sinh giữa các tỉnh tiếp tục được thực hiện(27). Giá trị xuất nhập khẩu, chủng loại hàng hóa cũng như số lượt người, phương tiện qua lại cửa khẩu quốc tế Bờ Y ngày càng tăng.

g) Phát triển doanh nghiệp

Tổng số doanh nghiệp đã đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2013 là 2.203 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 11.424,9 tỷ đồng. Số doanh nghiệp thành lập mới đến 31/10/2014 là 114 doanh nghiệp(28), ước thực hiện năm 2014 có 130 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 30% về số doanh nghiệp. Thành phần kinh tế tập thể hoạt động gặp nhiều khó khăn, số đơn vị thành lập mới rất hạn chế, số phải ngừng hoạt động còn nhiều; trong tổng số 99 HTX, có 48 HTX đang hoạt động, 16 HTX hoạt động cầm chừng và 35 HTX ngừng hoạt động; đã tổ chức đại hội Liên minh HTX xã tỉnh lần thứ IV. Đối với doanh nghiệp Nhà nước, hiện đang tiếp tục triển khai sắp xếp, đổi mới theo Phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời đang triển khai xây dựng Phương án sắp xếp các Công ty lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty nông, lâm nghiệp.



2. Đầu tư xây dựng nông thôn mới; bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư; tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Công tác xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đầu năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phát động ra quân đồng loạt xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các huyện, thành phố ngay sau thời nghỉ Tết nguyên đán và đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân, đồng thời đã tạo được phong trào thi đua làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình nông thôn mới: Kết quả đến nay 100% xã điểm hoàn thành Đồ án quy hoạch chung về xây dựng nông thôn mới, 13/22 xã đang triển khai quy hoạch chi tiết; về kết quả đạt tiêu chí nông thôn mới tại 22 xã điểm: Có 01 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, có 12 xã đạt chuẩn từ 11-18 tiêu chí; có 9 xã đạt chuẩn từ 5-10 tiêu chí. Dự kiến đến cuối năm 2014 có 03 xã cơ bản đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới.

Đề án tái định cư giãn dân các làng đồng bào dân tộc thiểu số nội thành thành phố Kon Tum được chỉ đạo triển khai quyết liệt. Đã tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân các làng đồng bào dân tộc thiểu số tại phường Thống Nhất và phường Quang Trung giãn dân, tái định cư tại nơi mới; hoàn thành công tác xét duyệt giao đất sản xuất cho các hộ đủ điều kiện và triển khai lập thủ tục giao đất và triển khai giao đất cho các hộ ngay sau khi hình thành các tuyến đường trong quy hoạch... Tại huyện Kon Plông, đang triển khai thực hiện di dời 40 hộ dân có nguy cơ sạt lở tại thôn Đăk Da, xã Đăk Ring.

Triển khai thực hiện khai hoang, phục hoá để giải quyết đất sản xuất cho nhân dân ở những vùng thiếu đất sản xuất là 57,06 ha, chủ yếu tập trung tại 02 huyện KonPlông và huyện Sa Thầy. Theo kết quả rà soát diện tích đất người dân sản xuất chồng lấn lên diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp do các Công ty Lâm nghiệp, các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng quản lý với tổng diện tích 33.033,6 ha(29), Ủy ban nhân dân tỉnh đã chủ động chỉ đạo xây dựng và triển khai phương án giải quyết đất chồng lấn, đất lấn chiếm nằm trong lâm phần của các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh (trong năm 2014 triển khai thực hiện thí điểm tại hai đơn vị là Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ngọc Hồi và BQL rừng phòng hộ TuMơRông).

Đã củng cố kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão các cấp, các ngành; chỉ đạo xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống lụt bão phù hợp với tình hình của từng đơn vị, địa phương. Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với tình huống thiên tai xảy ra, chủ động di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; ban hành Quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh; danh mục khu vực và kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh năm 2014. Tiến hành kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, vi phạm về môi trường, thực hiện giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với một số cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh...




tải về 291.85 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương