Ủy ban nhân dân tỉnh đIỆn biên cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 0.54 Mb.
trang1/5
Chuyển đổi dữ liệu31.10.2017
Kích0.54 Mb.
#33946
  1   2   3   4   5

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN



CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


QUY HOẠCH

PHÁT TRIỂN THỂ DỤC, THỂ THAO TỈNH ĐIỆN BIÊN

GIAI ĐOẠN 2016-2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

(Kèm theo Quyết định số /QĐ-UBND ngày tháng năm 2016

của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên)


MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THỂ DỤC THỂ THAO TỈNH ĐIỆN BIÊN GIAI ĐOẠN 2016-2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, là tài sản vô cùng quý báu của mỗi quốc gia, dân tộc. Việc chăm sóc sức khoẻ, tăng cường thể chất của người dân đã và đang được các cấp, các ngành hết sức quan tâm đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân cường thì nước thịnh”. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề cập tới vị trí và nhiệm vụ của ngành thể dục thể thao (TDTT): “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ. Đẩy mạnh phát triển TDTT cho mọi người và thể thao thành tích cao, chuyên nghiệp”. Nghị quyết số 08-NQ/TW đã khẳng định “Phát triển TDTT là yêu cầu khách quan của xã hội, nhằm góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế”.



Cùng với sự phát triển của các ngành trong tỉnh, TDTT của Điện Biên cũng có những bước tiến nhất định, phong trào tập luyện TDTT của người dân ngày càng được nâng cao và mở rộng, thể thao thành tích cao đạt được nhiều thành tích mới. Tuy nhiên, do chưa có Quy hoạch tổng thể phát triển TDTT của tỉnh, cho nên việc phát triển phong trào vẫn còn chậm, mức độ hưởng thụ về TDTT của người dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, biên giới vẫn còn khoảng cách khá xa so với các khu trung tâm, đô thị; việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kinh phí, quỹ đất dành cho hoạt động TDTT còn hạn hẹp; thành tích thể thao của tỉnh qua các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc vẫn đang ở mức khiêm tốn, đã phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển chung về TDTT của Điện Biên.

Trong giai đoạn phát triển mới, TDTT Điện Biên có nhiều điều kiện và nhân tố thuận lợi để phát triển. Lợi thế có tính quyết định lâu dài đó là truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân. Điện Biên là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch văn hoá - lịch sử, sinh thái - danh thắng, với 19 dân tộc anh em chung sống, mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng rất đa dạng, điển hình là dân tộc Thái, dân tộc Mông và các dân tộc khác. Đây là lợi thế để phát triển các môn thể thao dân tộc, thể thao giải trí, thể thao mạo hiểm... Những yếu tố chủ quan và khách quan trên, đòi hỏi TDTT của Điện Biên phải có quy hoạch phát triển phù hợp với chiến lược TDTT Việt Nam.

Quy hoạch phát triển TDTT là quy hoạch phát triển ngành trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là yêu cầu tất yếu để tạo nên sự thống nhất quản lí chung về TDTT, đây là cơ sở để đề xuất chủ trương đầu tư phát triển các chương trình, dự án, hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất của TDTT; đồng thời huy động nguồn lực và phát huy tiềm năng, lợi thế hiện có để đầu tư phát triển toàn diện TDTT của tỉnh trong những năm tới.

Vì vậy, Quy hoạch phát triển TDTT tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030 là rất cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển chung về TDTT của tỉnh và cả nước.



II. NHỮNG CĂN CỨ XÂY DỰNG QUY HOẠCH

Việc xây dựng Quy hoạch phát triển TDTT Điện Biên giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030 được căn cứ vào dự báo và xu thế phát triển TDTT quốc tế, quốc gia, sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước trong những năm tới. Đặc biệt là căn cứ vào các nghị quyết, chỉ thị, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác TDTT. Bản quy hoạch này căn cứ vào các văn bản pháp quy chủ yếu sau đây:



1. Căn cứ pháp lý của trung ương

- Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII;

- Luật Thể dục, Thể thao số 77/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 10 và Lệnh số 22/2006/L-CTN ngày 12/12/2006 về việc công bố Luật Thể dục, Thể thao;

- Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ chính trị về tăng cường sự Lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020;

- Nghị định 92/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

- Nghị định 112/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục, Thể thao;



- Nghị định số 04/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/01/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;

- Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường;

- Quyết định 491/2009/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

- Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020;

- Quyết định số 2198/2012/QĐ-TTg ngày 3/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020;

- Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030;

- Quyết Định số 32/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 11/7/2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường, lớp năng khiếu thể dục thể thao trong giáo dục phổ thông;

- Quyết định số 1752/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;

- Quyết định số 2160/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 2164/QĐ-TTg, ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 17/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025;

- Thông tư 01/2012/TT-BKHĐT của Bộ kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

- Thông tư số 11/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Quy định tiêu chí của Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh;

- Thông tư 12/2010/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 22/12/2010 Quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã;

- Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 8/3/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn;

- Thông tư số 05/2014/TT-BVHTTDL ngày 30/5/2014 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã và Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08/3/2011 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà Văn hóa – Khu Thể thao thôn.



2. Căn cứ pháp lý của tỉnh

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020;

- Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 07/6/2013 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) tỉnh Điện Biên;

- Quyết định số 230/2006/QĐ-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên thời kỳ 2006-2020;

- Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 10/01/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên về phát triển thể dục, thể thao đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 721/QĐ-UB ngày 15/5/2000 của UBND tỉnh Lai Châu (cũ) nay là tỉnh Điện Biên phê duyệt Dự án tổng thể đầu tư xây dựng Trung tâm thể dục thể thao giai đoạn 2002 - 2010;

- Quyết định số 1980/QĐ-UBngày 15/11/2002 và quyết định 289/QĐ-UB ngày 17/3/2003 của UBND tỉnh Lai Châu (cũ) nay là tỉnh Điện Biên về việc thu hồi đất tại Phường Him Lam - Thành phố Điện Biên phủ giao cho Sở TDTT xây dựng Trung tâm TDTT Tỉnh Điện Biên;

- Quyết định số 181/QĐ-UBND ngày 23/3/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND ngày 12/6/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định một số chế độ đối với VĐV, HLV thể thao và mức chi đối với các giải thi đấu thể thao trên địa bàn tỉnh Điện Biên;

- Kế hoạch số 899/KH-UBND ngày 16/3/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện “Chiến lược phát triển Thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Điện Biên;

- Quyết định số 460/QĐ-UBND ngày 02/7/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và phát triển văn hóa nông thôn tỉnh Điện Biên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 941/QĐ-UBND ngày 04/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phi quy hoạch phát triển thể dục, thể thao tỉnh Điện Biên giai đoạn 2015-2015 và định hướng đến năm 2030;

- Báo cáo tổng kết công tác TDTT tỉnh Điện Biên (năm 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015);

- Niên giám thống kê tỉnh Điện Biên năm 2015; các Quyết định của UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu 2011-2015 của 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và nhiều tài liệu khác liên quan đến thể dục thể thao.



III. PHẠM VI, GIỚI HẠN NGHIÊN CỨU LẬP QUY HOẠCH

- Địa điểm lập quy hoạch: thực hiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

- Thời gian quy hoach: thực hiện đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

- Phạm vi quy hoạch: lĩnh vực thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh Điện Biên.



IV. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ QUY TRÌNH XÂY DỰNG QUY HOẠCH

1. Mục đích xây dựng Quy hoạch

Quy hoạch phát triển TDTT tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm cung cấp các cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc nâng cao năng lực hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TDTT. Phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, góp phần phát triển TDTT Điện Biên một cách toàn diện về TDTT cho mọi người và thể thao thành tích cao.



2. Yêu cầu chung của Quy hoạch

Trên cơ sở mục đích của việc xây dựng Quy hoạch phát triển TDTT tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030, các yêu cầu được đặt ra trong quá trình xây dựng Quy hoạch là:

- Quy hoạch được xây dựng trên những đặc điểm về truyền thống, tình hình phân bố địa lý, dân số, những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và đặc biệt là những yêu cầu trong thời kỳ đổi mới, nhằm đánh giá thực trạng, những tồn tại, thuận lợi, khó khăn và nguyên nhân.

- Quy hoạch được đồng bộ hóa và khả thi hóa dựa trên việc chọn lựa đúng mục tiêu; thực hiện theo các phương án phân kỳ; xác định rõ trọng điểm và các hình thức hoạt động; các đối tượng tham gia... để phát triển TDTT cho mọi người; xác định môn thể thao mũi nhọn để đào tạo tài năng thể thao; đề xuất cơ chế chính sách, các điều kiện đảm bảo về tổ chức, quản lý, đội ngũ cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, kinh phí; đổi mới và đẩy mạnh xã hội hóa TDTT và phát triển kinh doanh TDTT…



3. Quy trình xây dựng quy hoạch

Quy trình xây dựng Quy hoạch phát triển TDTT tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030 như sau:

- Bước 1: Đánh giá hiện trạng phát triển TDTT tỉnh Điện Biên (giai đoạn 2010-2016), gồm: Tổng kết, đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu; dự báo các yếu tố tác động đến phát triển TDTT trong những năm tới.

- Bước 2: Xây dựng nội dung quy hoạch, gồm: Xác định định hướng phát triển; xây dựng mục tiêu và nội dung phát triển, trong đó có các chỉ tiêu cụ thể về TDTT cho mọi người, thể thao thành tích cao, cơ sở vật chất TDTT, ngân sách sự nghiệp TDTT...

- Bước 3: Xây dựng các chính sách và giải pháp thực hiện, gồm:

Các chính sách: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề TDTT; Đổi mới nâng cao hiệu lực lãnh đạo và quản lý TDTT; tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật và khoa học công nghệ; huy động các nguồn lực tập trung phát triển TDTT.

Các giải pháp: Giải pháp về cơ chế, chính sách đối với HLV, VĐV, tổ chức, cá nhân có thành tích phát triển TDTT; giải pháp tổ chức bộ máy, cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực cho TDTT; giải pháp về ngân sách đầu tư (nhu cầu vốn; phân kỳ nguồn vốn).

- Bước 4: Quản lý và tổ chức thực hiện, gồm: Phân công nhiệm vụ, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành hữu quan.



V. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU LẬP QUY HOẠCH

1. Quan điểm lập quy hoạch

Quy hoạch phát triển TDTT tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030 được xây dựng dựa trên quan điểm phát triển chung của toàn ngành TDTT; trên quan điểm phát triển của tỉnh phù hợp với sự phát triển chung của kinh tế - xã hội tại địa phương.



2. Mục tiêu lập quy hoạch

Quy hoạch phát triển TDTT tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm cụ thể hóa quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phát triển TDTT. Quy hoạch được xây dựng có khả năng thực thi, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và chỉ đạo các hoạt động TDTT, bảo đảm sự phát triển nhanh, vững chắc, khắc phục tình trạng phân tán, chắp vá, lãng phí nguồn lực; đồng thời quy hoạch này là một mắt xích quan trọng trong sự phát triển của tỉnh và được hòa vào mạng quy hoạch thống nhất vĩ mô của toàn quốc, góp phần thực hiện chiến lược con người, ổn định và phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, phục vụ tích cực cho nhiệm vụ đối ngoại và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của đất nước.



Phần thứ nhất

KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI, THỂ DỤC THỂ THAO TỈNH ĐIỆN BIÊN GIAI ĐOẠN NĂM 2010 - 2015

I. MỘT SỐ NÉT CƠ BẢN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH ĐIỆN BIÊN

1. Đặc điểm tự nhiên

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới nằm phía Tây Bắc của Tổ quốc, giáp với các tỉnh Lai Châu  Sơn La của Việt Nam, là tỉnh duy nhất giáp với Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, trong đó đường biên giới với Lào dài 360 km và đường biên giới với Trung Quốc dài 40,86 km, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh. Diện tích tự nhiên 9.562,9 km2, bao gồm 10 đơn vị hành chính là thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Ảng, Điện Biên Đông, Mường Chà, Mường Nhé và Nậm Pồ. Toàn tỉnh có tổng số 130 xã, phường, thị trấn và 1.813 thôn, bản, tổ dân phố.



2. Đặc điểm phát triển kinh tế

Điện Biên có lợi thế rất lớn để phát triển trong thương mại quốc tế, tỉnh có cửa khẩu: Tây Trang, Huổi Puốc, lối mở A Pa Chải ... Đây là cơ hội lớn để Điện Biên phát triển thành địa bàn trung chuyển chính của tuyến đường xuyên Á phía Bắc, nối liền Tây Bắc Việt Nam với Bắc Lào, Tây Nam Trung Quốc và Đông Bắc Myanmar. Là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, có nhiều di tích lịch sử - danh thắng, nổi bật nhất là hệ thống quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ (di tích đặc biệt cấp quốc gia), quần thể di tích này là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch không những của tỉnh Điện Biên, của Tây Bắc mà còn của cả nước.

Với lợi thế về địa lý, kinh tế và văn hóa, cùng với xu thế phát triển chung của cả nước, trong những năm gần đây kinh tế của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực: Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2010 – 2015 đạt 9,11%/năm; Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 23,6 triệu VNĐ (tương đương 1.130 USD), gấp 1,89 lần so với năm 2010; Thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 đạt 750 tỷ đồng; Tổng vốn đầu tư khoảng 33.734 tỷ đồng (vượt 12,5% mục tiêu Nghị quyết Đại hội khóa XII).

3. Đặc điểm văn hoá - xã hội

Điện Biên có tiềm năng văn hóa phi vật thể, với 19 dân tộc anh em chung sống, dân số hơn 54 vạn người, (trong đó dân tộc Thái chiếm 37,9%, dân tộc Mông chiếm 34,8%, dân tộc Kinh chiếm 18,4%, dân tộc Khơ Mú chiếm 3,9%, còn lại là các dân tộc khác). Mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng rất đa dạng, các dân tộc ở Điện Biên có những nét văn hoá đặc trưng của đồng bào khu vực Tây Bắc, với nhiều ngôn ngữ, phong tục tập quán khác nhau.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư, bộ mặt đô thị và nhiều vùng dân cư nông thôn thay đổi; các mặt văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực; chương trình xóa đói giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội thực hiện có hiệu quả; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân cải thiện rõ nét. Chính trị ổn định, khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường; quốc phòng - an ninh đảm bảo; quan hệ đối ngoại mở rộng.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo được quan tâm và có bước phát triển mạnh, hệ thống trường lớp ngày càng hoàn thiện và mở rộng; công tác y tế, dân số, gia đình và trẻ em thực hiện có kết quả; hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao có bước chuyển biến tích cực. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã có những chuyển biến tích cực, đến nay toàn tỉnh có 116/116 xã được phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới (đạt 100%). Tuy nhiên, qua đánh giá, mức độ đạt các tiêu chí theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ còn thấp, có 01/116 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển sâu, rộng trên toàn tỉnh, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở bước đầu được quan tâm đầu tư, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh được chú trọng. Thể thao thành tích cao và phong trào luyện tập TDTT quần chúng có bước phát triển mới, tiến bộ đáng kể.



Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Điện Biên vẫn còn những hạn chế chủ yếu sau:

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, chưa vững chắc; tốc độ tăng trưởng phụ thuộc chủ yếu vào đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa cao và chưa bền vững; phát triển dịch vụ, du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu nhiều cơ sở dịch vụ có chất lượng cao. Còn thiếu quy hoạch một số ngành, tiến độ thực hiện quy hoạch còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Chênh lệch về phát triển, đời sống, thu nhập giữa thành thị và nông thôn có xu hướng ngày càng gia tăng. Thu nhập của người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều khó khăn.

Văn hóa xã hội có mặt chuyển biến chậm. Kết quả xóa đói giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu.



Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế:

Do cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới và suy giảm kinh tế trong nước đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điên Biên là một tỉnh có xuất phát điểm kinh tế thấp, xa các trung tâm kinh tế lớn, địa bàn khó khăn, hiểm trở, nguồn lực đầu tư chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương; điều kiện khai thác tiềm năng, lợi thế và việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ở tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Số ít chính sách chưa đồng bộ, thiếu tính khả thi, còn bất cập, nên khó khăn trong tổ chức triển khai thực hiện.

Một số cơ chế chính sách chưa phù hợp, chậm sửa đổi bổ sung, nên chưa phát huy tối đa nội lực. Công tác quy hoạch, kiểm tra thực hiện và quản lý quy hoạch còn chưa theo kịp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

II. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN TDTT TỈNH ĐIỆN BIÊN GIAI ĐOẠN 2010 - 2015

1. Thực trạng phát triển TDTT cho mọi người

Đánh giá sự phát triển TDTT cho mọi người từ năm 2010-2015 ở các lĩnh vực: Giáo dục thể chất (GDTC) và thể thao trong nhà trường; TDTT quần chúng; TDTT trong lực lượng vũ trang và phát triển, bảo tồn các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian như sau:



1.1. GDTC và thể thao trong nhà trường (phụ lục 2, 3, 4, 5).

Những năm gần đây, công tác GDTC cho học sinh trong nhà trường các cấp được Ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng, bảo đảm các yêu cầu về giảng dạy. Công tác xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học môn thể dục ở các nhà trường cũng được quan tâm tạo điều kiện, khắc phục được tình trạng “dạy chay, học chay” ở một số trường trước đây, nhiều trường trên địa bàn thành phố, thị xã và trung tâm các huyện đã xây dựng nhà tập đa năng phục vụ công tác GDTC cho học sinh.

Hoạt động TDTT ngoại khoá nổi bật nhất là tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng (HKPĐ) các cấp hàng năm, Hội thi thể thao các trường dân tộc nội trú; tham gia các giải thi đấu học sinh toàn quốc. Đoàn vận động viên (VĐV) đội tuyển học sinh của tỉnh tham dự HKPĐ toàn quốc lần thứ VIII năm 2012, giành được 26 HCV, 15 HCB, 16 HCĐ, xếp thứ 3/13 tỉnh tham dự khu vực I và xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố về huy chương, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố về tổng điểm.

Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục thể chất đã được quan tâm, hiện có 24 nhà tập giáo dục thể chất và 319 sân tập phổ thông các loại phục vụ cho rèn luyện thể chất của học sinh, sinh viên. Hoạt động TDTT trường học đã từng bước góp phần tích cực vào việc bảo vệ, rèn luyện nâng cao sức khoẻ của học sinh, tạo điều kiện thuận lợi để chuẩn bị thực hiện chương trình quốc gia nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong thời gian tới.



Tuy nhiên, một số các trường ở vùng sâu, vùng xa công tác GDTC trong nhà trường còn có nhiều khó khăn, bất cập nhất là đội ngũ giáo viên chuyên trách về TDTT các cấp học.

1.2. TDTT quần chúng (phụ lục 6, 7, 8, 9).

- Hoạt động TDTT trong lực lượng cán bộ, công nhân viên chức: Phong trào tập luyện TDTT đã và đang phát triển mạnh mẽ, sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị được đông đảo cán bộ, công nhân viên chức, người lao động nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Số lượng các môn thể thao được duy trì tập luyện hàng ngày và đưa vào thi đấu tại các giải, hội thi thể thao các ngành tổ chức ngày càng phong phú. Hệ thống thi đấu cấp cơ sở là 1 - 2 giải/đơn vị/năm, việc đầu tư cơ sở vật chất, nhà tập TDTT đã được các đơn vị quan tâm đáp ứng một phần nhu cầu tập luyện nâng cao thể chất và đời sống tinh thần cán bộ công nhân viên chức, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh. Các môn TDTT được tổ chức thường xuyên đó là cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cờ tướng, kéo co, đẩy gậy. Hàng năm cán bộ, công nhân viên chức thường xuyên tham gia các cuộc thi đấu thể thao nhân các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn trong năm do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức, các giải thi đấu thể thao đã thực sự trở thành ngày hội văn hoá thể thao của những người lao động.

- Hoạt động TDTT trong lực lượng thanh niên, thiếu niên, nhi đồng: Phát động phong trào “Thanh niên khoẻ”, “Khoẻ để lập nghiệp và giữ nước”. Hàng năm các cấp, các ngành đã phối hợp chỉ đạo, tổ chức thi đấu giải thể thao cấp tỉnh, cấp huyện cho thanh thiếu nhi; đồng thời mở các lớp năng khiếu thể thao hè để thu hút đông đảo các em tham gia tập luyện TDTT. Các câu lạc bộ TDTT luôn là những điểm quy tụ đông đảo thanh niên đến sinh hoạt và hình thành các đội tuyển để tham dự các giải thể thao phong trào của tỉnh và toàn quốc. Thanh niên luôn là lực lượng nòng cốt tham gia các hoạt động TDTT, các kỳ Đại hội TDTT và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Có thể khẳng định trong thời gian qua hoạt động TDTT đã được đông đảo lực lượng thanh thiếu niên các cơ sở Đoàn hưởng ứng tham gia hoạt động, từ đó thúc đẩy phong trào luyện tập và thi đấu TDTT trong thanh thiếu niên và góp phần từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

- Hoạt động TDTT trong đối tượng nông dân, nông thôn, miền núi: Phong trào TDTT đã và đang dần vươn đến với đồng bào ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi thể hiện ở số người tập luyện ngày càng tăng, số môn thể thao hiện đại ngày càng được phổ biến rộng rãi như bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, cầu lông kết hợp với các môn thể thao dân tộc kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, tù lu…. đang được duy trì và phát huy ở các địa phương trong tỉnh. Hệ thống thi đấu dành cho đối tượng nông dân tại cấp huyện là 1-2 giải/năm, cấp tỉnh là từ 2 - 3 giải/năm. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ký kết chương trình phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh để chỉ đạo công tác phát triển TDTT, tạo sức mạnh thúc đẩy phong trào TDTT nông thôn và các dân tộc vùng thiểu số; đồng thời Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tích cực triển khai phong trào xây dựng làng văn hoá, xã văn hoá, khu dân cư văn hoá; trong đó TDTT là một tiêu chí quan trọng trong hương ước làng xã.

- Hoạt động TDTT trong đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Quan tâm đến hoạt động TDTT của người cao tuổi vừa là trách nhiệm vừa là đạo lý của dân tộc của toàn xã hội. Hiện nay phong trào TDTT nâng cao sức khỏe là nhu cầu không thể thiếu đối với người cao tuổi, phong trào tập luyện TDTT của hội viên người cao tuổi các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh ngày càng phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Các hình thức hoạt động rèn luyện sức khỏe như thể dục dưỡng sinh, đi bộ, bóng chuyền hơi, cầu lông, cờ tướng... được duy trì hoạt động thường xuyên, có nề nếp đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Hàng năm trong tỉnh đã tổ chức một số giải thể thao dành cho người cao tuổi như: Giải thể thao mừng Đảng - mừng Xuân, giải thể thao chào mừng ngày quốc tế người cao tuổi 01/10, giải Cầu lông Trung – Cao tuổi Đài Phát thanh và Truyền hình...

Phong trào TDTT của người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Làng trẻ em SOS và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên việc xây dựng phong trào và tổ chức thi đấu thể thao cho người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn chưa được nhiều.



1.3. TDTT trong lực lượng vũ trang (phụ lục 7).

Nhiệm vụ huấn luyện thể lực và luyện tập TDTT trong lực lượng quân đội, công an và biên phòng đã đi vào nền nếp, phát triển rộng khắp ở các đơn vị cơ sở, với các môn thể thao như điền kinh, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, bóng đá, quần vợt, các môn võ. Hàng năm tiến hành kiểm tra thể lực của cán bộ, chiến sĩ theo định kỳ, bảo đảm cho các cán bộ chiến sĩ có thể lực tốt, sẵn sàng lao động và chiến đấu để bảo vệ tổ quốc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Kết quả kiểm tra hàng năm có 82,5% cán bộ chiến sĩ quân đội, công an đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực từ loại khá trở lên. Hệ thống thi đấu cấp cơ sở là 4 giải/năm/đơn vị, cấp ngành từ 1 - 2 giải/năm. Cơ sở vật chất cho các hoạt động TDTT của lực lượng vũ trang ngày càng được tăng cường, hàng năm tổ chức các giải thi đấu thể thao và thành lập các đội thể thao tham dự các Hội thao, giải thi đấu do Quân khu, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức đạt kết quả cao.



1.4. Phát triển, bảo tồn các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian (phụ lục 8).

Tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc có các loại hình trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc khác nhau. Những năm qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong quá trình xây dựng và phát triển luôn ý thức tìm tòi để khôi phục, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian nhằm giữ gìn bản sắc dân tộc, làm phong phú hơn đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế và du lịch của tỉnh.

Những năm gần đây, các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian đã được quan tâm nhiều hơn. Một số môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian đã được tổ chức nghiên cứu phục hồi và có kế hoạch phát triển như: Lân sư rồng, Tó phại (Cờ phại), Tó sáng (Cù thái), Giã bánh dày, Rằng pùa cai (Rùa ấp trứng), … Hàng năm, tại các lễ hội, tết truyền thống đều tổ chức các cuộc thi những môn thể thao dân tộc như Kéo co, Bắn nỏ, Đẩy gậy và các trò chơi dân gian như Chọi gà, Ném pao, Tù lu (Cù Mông), Tung còn, Đánh yến (Cầu lông gà), Tó má lẹ, Đi cà kheo… Các cuộc thi và hội thi luôn thu hút đông đảo quần chúng nhân dân các dân tộc tham gia. Đến nay hệ thống thi đấu các môn thể thao dân tộc đang từng bước được hoàn thiện, các môn Bắn nỏ, Tung còn, Đẩy gậy, Kéo co và Tù lu được đưa vào hệ thống thi đấu Đại hội TDTT các cấp của tỉnh.

Qua thực trạng phân tích hoạt động TDTT cho mọi người như trên, chúng ta thấy đây là bộ phận cơ bản trong hoạt động TDTT của tỉnh Điện Biên. Trong những năm gần đây, TDTT cho mọi người đã phát triển rất rõ rệt về quy mô và chất lượng, biểu hiện tổng quát như:

- Số người tập TDTT thường xuyên năm 2010 đạt 19,6% dân số, đến năm 2015 đạt 24,7%, tăng 5,1% so với năm 2010.

- Số gia đình thể thao năm 2010 đạt 11,6%, đến năm 2015 đạt 15,0%, tăng 3,4% tổng số hộ gia đình tập thể thao thường xuyên so với năm 2010.

- Số câu lạc bộ TDTT năm 2010 có 300 câu lạc bộ, tới năm 2015 có 350 câu lạc bộ.

- Số trường phổ thông thực hiện chương trình giáo dục thể chất nội khoá đạt 100%; Số trường phổ thông tổ chức hoạt động TDTT ngoại khoá 2 lần/tuần đạt 56,5% trường.

- Cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang được kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định đạt 82,5% loại khá, giỏi trở lên.

- Hàng năm số giải thi đấu TDTT cho mọi người từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh là 415 giải, cụ thể: 8 giải cấp tỉnh, 95 giải cấp ngành, cấp huyện, thị xã, thành phố và 312 giải cấp xã, phường, thị trấn, đơn vị cơ sở.

2. Thực trạng phát triển thể thao thành tích cao

2.1. Hệ thống đào tạo thể thao thành tích cao (phụ lục 10).

Trong những năm qua, thể thao thành tích cao của Điện Biên có bước phát triển tốt, trên nền tảng của phong trào thể thao quần chúng rộng lớn, tạo đà cho TDTT của tỉnh ngày càng phát triển đi lên. Giai đoạn 2010 - 2015, Điện Biên có 9 môn thể thao nằm trong hệ thống đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao (trong đó có VĐV tuyến năng khiếu, tuyển trẻ và đội tuyển), bao gồm các môn bóng đá, điền kinh, cầu lông, taekwondo, karatedo, võ cổ truyền, bắn nỏ, cờ vua, đẩy gậy. Tuy nhiên các môn thể thao thành tích cao không được duy trì liên tục mà đào tạo theo từng năm (năm 2010 có 4 môn: điền kinh, cầu lông, bắn nỏ, đẩy gậy; năm 2011 có 4 môn: điền kinh, cầu lông, võ cổ truyền, bóng đá; năm 2012 đào tạo 4 môn: điền kinh, cầu lông, Karatedo, cờ vua; năm 2013 có 5 môn: điền kinh, cầu lông, Karatedo, cờ vua, võ cổ truyền; năm 2014 có 5 môn: điền kinh, cầu lông, Karatedo, võ cổ truyền, taekwondo và năm 2015 có 5 môn: điền kinh, cầu lông, Karatedo, cờ vua, bóng đá). Các môn thể thao trong hệ thống thể thao thành tích cao của Điện Biên được xác định theo xu hướng phát triển thể thao thành tích cao của quốc gia, khu vực và phù hợp với truyền thống, các điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Những năm gần đây, hệ thống đào tạo tài năng thể thao Điện Biên đang củng cố ở một số môn thể thao theo hướng đào tạo có hệ thống. Trình độ thể thao thành tích cao của Điện Biên đã có tiến bộ vượt bậc so với các năm về trước, đạt được nhiều huy chương tại các giải khu vực, quốc gia và quốc tế.

Tuy nhiên, công tác đào tạo VĐV thể thao thành tích cao của tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, lực lượng VĐV mỏng, thành tích thi đấu còn thấp. Trình độ thể thao thành tích cao của Điện Biên đã có những tiến bộ, các vận động viên của tỉnh khi tham gia thi đấu tại các giải quốc gia đã có những thành tích xuất sắc và có một số vận động viên được vào đội tuyển trẻ quốc gia được tham gia thi đấu tại các giải quốc tế. Ngoài ra, tỉnh còn nhiều vận động viên tài năng, năng khiếu ở các môn thể thao khác.

2.2. Thành tích thi đấu tại các giải khu vực, toàn quốc (phụ lục số 11).

Kết quả thành tích thi đấu của Điện Biên tham gia các giải khu vực và toàn quốc giai đoạn 2010-2015:

Năm 2010 tham gia Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI tại Thành phố Đà Nẵng, Điện Biên đứng thứ 33/65 đơn vị tỉnh, thành, ngành trong cả nước với 08 huy chương các loại (06 huy chương vàng, 02 huy chương đồng), xếp trong top 10/19 tỉnh Miền núi và Tây nguyên; tham gia các giải khu vực và toàn quốc đạt 26 huy chương các loại, trong đó 12 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 10 huy chương đồng, có 2 VĐV cấp I.

Năm 2011 tuyển chọn và đào tạo trên 200 lượt VĐV, thành lập 11 đội tuyển năng khiếu, đội tuyển trẻ và đội tuyển tỉnh ở các môn: Cầu lông, điền kinh, bắn nỏ, Taekwondo, võ cổ truyền và tập huấn các đội tuyển tham dự các Hội thi, các giải thi đấu trong khu vực và toàn quốc. Đạt 16 huy chương các loại tại các giải trẻ và giải vô địch quốc gia, trong đó có 5 HCV, 3 HCB, 8 HCĐ; có 4 VĐV cấp I và 1 VĐV kiện tướng, 1 VĐV đội tuyển trẻ quốc gia môn Teakwondo, đã tham dự thi đấu giải trẻ Teakwondo Đông Nam Á và đạt 1 HCB.

Năm 2012 tuyển chọn và đào tạo trên 200 lượt VĐV, thành lập 14 đội tuyển năng khiếu, đội tuyển trẻ và đội tuyển tỉnh ở các môn cầu lông, điền kinh, bắn nỏ, Taekwondo, võ cổ truyền, Karate và tập huấn các đội tuyển tham dự các Hội thi, các giải thi đấu trong khu vực và toàn quốc. Đạt 23 huy chương các loại tại các giải trẻ và giải vô địch quốc gia, trong đó có 9 HCV, 4 HCB, 10 HCĐ; có 1 VĐV cấp I và 1 VĐV kiện tướng.

Năm 2013 tuyển chọn và đào tạo trên 200 lượt VĐV, thành lập 14 đội tuyển năng khiếu, đội tuyển trẻ và đội tuyển tỉnh ở các môn cầu lông, điền kinh, bắn nỏ, Taekwondo, võ cổ truyền, Karate và tập huấn các đội tuyển tham dự các Hội thi, các giải thi đấu trong khu vực và toàn quốc. Đạt 9 huy chương các loại tại các giải trẻ và giải vô địch quốc gia, trong đó có 1 HCV, 1 HCB, 7 HCĐ; có 3 VĐV cấp I.

Năm 2014 tuyển chọn và đào tạo trên 200 lượt VĐV, thành lập 17 đội tuyển năng khiếu, đội tuyển trẻ và đội tuyển tỉnh ở các môn cầu lông, điền kinh, võ cổ truyền, Karate, cờ vua và các môn thể thao dân tộc và tập huấn các đội tuyển tham dự các Hội thi, các giải thi đấu trong khu vực và toàn quốc. Đạt 10 huy chương các loại tại các giải trẻ và giải vô địch quốc gia, trong đó có 1 HCV, 5 HCB, 4 HCĐ; có 3 VĐV cấp I, 1 VĐV trong đội tuyển trẻ quốc gia. Đặc biệt đoàn VĐV của tỉnh Điện Biên tham gia Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII tại Nam Định đạt 1HCB (môn nhảy sào nữ) và 1HCĐ (môn bắn súng hơi đồng đội) xếp 15/19 tỉnh Miền núi và Tây nguyên.

Năm 2015 tuyển chọn và đào tạo trên 200 lượt VĐV, thành lập các đội tuyển năng khiếu, đội tuyển trẻ và đội tuyển tỉnh ở các môn cầu lông, điền kinh, bắn nỏ, Taekwondo, võ cổ truyền, Karate và tập huấn các đội tuyển tham dự các Hội thi, các giải thi đấu trong khu vực và toàn quốc. Đạt 21 huy chương các loại tại các giải trẻ và giải vô địch quốc gia, trong đó có 4 HCV, 4 HCB, 13 HCĐ; có 2 VĐV cấp I.

Tiêu biểu gần đây Điện Biên có 7 vận động viên được được triệu tập vào đội tuyển trẻ quốc gia như Nguyễn Thanh Tuân, Lò Thị Nhung (môn Taekwondo), Quàng Thị Lai, Vũ Thị Thùy Linh (môn Điền kinh), Lò Văn Biển (môn Karatedo), Lường Tuấn Minh, Vũ Hà Trung (môn Cầu lông); các vận động viên đã tham dự các giải vô địch trẻ khu vực Đông Nam Á, giành được tổng số 05 huy chương các loại, trong đó có 01 huy chương vàng, 02 huy chương bạc, 02 huy chương đồng.

3. Bộ máy tổ chức cán bộ và công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ

3.1. Quản lý và cán bộ TDTT.

3.1.1. Cấp tỉnh (phụ lục 13, 14).

Cơ cấu tổ chức bộ máy Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên thực hiện theo Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm có:

- Văn phòng: có 2 biên chế TDTT.

3.1.1.1. Các phòng chuyên môn.

Phòng Nghiệp vụ Thể dục thể thao thực hiện quản lý nhà nước thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch hiện có 09 biên chế TDTT, trong đó có 08 Đại học TDTT, 01 Cao đẳng TDTT.

3.1.1.2. Đơn vị sự nghiệp.

Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT hiện có 40 biên chế, trong đó có 18 huấn luyện viên trình độ đại học; 3 quản lý trong đó 1 thạc sĩ, 2 đại học và 3 cao cấp lý luận chính trị.

Hàng năm cử 1-2 huấn luyện viên đi học bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các liên đoàn thể thao quốc gia tổ chức; cử viên chức tham gia học các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ do tỉnh tổ chức.



3.1.2. Cấp huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là cấp huyện) (phụ lục 15).

Cơ cấu tổ chức bộ máy thực hiện theo Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, gồm có:

- Quản lý nhà nước: Phòng Văn hoá và Thông tin.

Tổng số 10/10 huyện, thị xã, thành phố có 27 cán bộ chuyên trách TDTT. Trong đó, 15 đại học TDTT; 12 cao đẳng; 2 cao cấp và 3 trung cấp lý luận chính trị. Qua khảo sát, tất cả các huyện, thị xã của tỉnh Điện Biên (trừ thành phố Điện Biên Phủ có đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Văn hoá - Thể thao thành phố Điện Biên Phủ) đều không có Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoặc Trung tâm TDTT để làm nền tảng phát triển phong trào TDTT cũng như thể thao thành tích cao của tỉnh.



3.1.3. Cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) (phụ lục 16)

Tổng số 130 xã, phường, thị trấn có 137 cộng tác viên TDTT (hầu hết làm kiêm nhiệm), 100% chưa qua đào tạo sâu về chuyên môn, nghiệp vụ TDTT, chỉ tham gia các lớp tập huấn do tỉnh tổ chức. Số cộng tác viên TDTT thường xuyên biến động, vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến khai thác nguồn lực và phát triển phong trào TDTT cơ sở, đây là thực trạng chung trong cả nước về sự thiếu hụt cán bộ chuyên trách TDTT xã, phường, thị trấn.



3.2. Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ

Để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển TDTT, hàng năm ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức từ 1-2 lớp bồi dưỡng cho đội ngũ huấn luyện viên, hướng dẫn viên, trọng tài thuộc các huyện, thị xã, thành phố và các ngành, cán bộ văn hóa, TDTT xã, phường, thị trấn, các câu lạc bộ TDTT cơ sở; phối hợp với ngành Giáo dục- Đào tạo mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên TDTT trong dịp hè. Cử nhiều lượt cán bộ tham dự các lớp đào tạo, tập huấn về TDTT do Trung ương tổ chức. Qua các lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ TDTT, đội ngũ cán bộ văn hóa, TDTT cơ sở, trọng tài, hướng dẫn viên đã tích cực góp phần thúc đẩy phong trào TDTT cho mọi người phát triển. Số lượng và trình độ đội ngũ huấn luyện viên, trọng tài từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, đa số các huấn luyện viên chưa qua thực tế huấn luyện thể thao thành tích cao, chưa có điều kiện tiếp cận với các phương pháp huấn luyện thể thao tiên tiến, do vậy chất lượng tuyển chọn, đào tạo vận động viên của tỉnh chưa cao.



3.3. Công tác nghiên cứu khoa học

Trong những năm gần đây, ở nước ta việc ứng dụng khoa học công nghệ TDTT có nhiều tiến bộ, đặc biệt trong công tác tuyển chọn, đào tạo và huấn luyện thể thao thành tích cao. Tuy nhiên trong công tác đào tạo, huấn luyện, chữa trị chấn thương cho vận động viên của tỉnh trong quá trình tập luyện và thi đấu hầu như chưa, hoặc rất ít ứng dụng khoa học công nghệ, vì thế thành tích thi đấu của các vận động viên còn hạn chế.



4. Cơ sở vật chất thể dục thể thao.

4.1. Diện tích đất dành cho TDTT (phụ lục 17).

Điện Biên là tỉnh có địa hình chủ yếu là đất đồi núi có địa hình chia cắt, phức tạp, 50% diện tích có độ cao trên 1000m so với mặt biển, 70% diện tích có độ dốc trên 250. Do vậy, đất dành TDTT của tỉnh rất thấp không đảm bảo cho các hoạt động TDTT của quần chúng nhân dân trong tỉnh, diện tích đất TDTT khoảng 141,74 ha. Trong đó:

- Cấp tỉnh: 18,09 ha, trong đó:

+ Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Điện Biên tại phường Mường Thanh có diện tích 2,89 ha.

+ Trung tâm TDTT tỉnh Điện Biên tại phường Him Lam có diện tích 15,2 ha.

- Cấp huyện, thị xã, thành phố: 18,82 ha.

- Cấp xã, phường, thị trấn: 104,83 ha.



4.2. Thực trạng cơ sở vật chất thể dục, thể thao

4.2.1. Hệ thống cơ sở vật chất do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch quản lý (phụ lục 18).

Hiện trạng số lượng và chất lượng các công trình TDTT cấp tỉnh có 1 sân vận động có đường chạy với sức chứa 1,2 vạn; 1 nhà thi đấu đa năng với 2000 chỗ ngồi đủ tiêu chuẩn thi đấu; 1 nhà thập luyện đơn giản. Hiện chưa có bể bơi nên hạn chế việc phát triển phong trào cũng như phát triển thể thao thành tích cao.

Để đảm bảo cho công tác đào tạo VĐV các môn thể thao và phục vụ nhu cầu tập luyện, hưởng thụ TDTT của nhân dân trong tỉnh, cũng như quá trình hội nhập với các tỉnh trong vùng, quốc gia, quốc tế tương xứng với trình độ thể thao hiện tại của tỉnh với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Điện Biên cần phải khẩn trương đầu tư xây dựng các công trình thể thao hiện đại gắn với văn hoá, du lịch - dịch vụ trên địa bàn toàn tỉnh như sân vận động quy mô 20.000 chỗ, bể bơi trong nhà quy mô 1.000 chỗ, trường bắn, nhà quản lý, giảng đường và một số công trình phụ trợ khác.



4.2.2. Hệ thống cơ sở vật chất cấp huyện quản lý (phụ lục 18).

Hệ thống cơ sở vật chất, các công trình TDTT cấp huyện của tỉnh Điện Biên còn rất thiếu thốn, cơ bản chưa đảm bảo quy cách, tiêu chuẩn (sân bóng đá chủ yếu chỉ có mặt sân, nhà tập luyện thì đơn giản...) để tổ chức thi đấu các giải thể thao có quy mô. Sự thiếu hụt về cơ sở vật chất, chất lượng các công trình TDTT lạc hậu đã ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu tập luyện TDTT của quần chúng nhân dân cũng như công tác tổ chức thi đấu và đào tạo VĐV cho huyện, tỉnh. Cụ thể các hạng mục công trình sau:

- Sân vận động có khán đài, chỗ ngồi: 2 sân của huyện Mường Chà và thị xã Mường Lay có mái che phía khán đài A với khoảng 500 - 1000 chỗ ngồi (sân vận động thị xã Mường Lay đang hoàn thiện, dự kiến năm 2016 sẽ đưa vào sử dụng).

- Sân vận động không có khán đài: 4 sân của huyện huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Ảng.

- Nhà tập luyện: 9 nhà, một số nằm trong khuôn viên đất của UBND huyện nhưng do phòng Văn hóa và Thông tin huyện quản lí.

- Sân quần vợt: Có 2 sân đơn giản.



4.2.3. Hệ thống cơ sở vật chất cấp xã quản lý (phụ lục 18).

Mặc dù các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã triển khai quy hoạch đất TDTT (trong chương trình xây dựng nông thôn mới), song tình trạng đất cho TDTT chưa đảm bảo tiêu chuẩn quy định và chưa cụ thể, chưa được thể chế hoá đồng bộ, chưa có các thiết chế cho TDTT, số sân bóng đá rất hạn chế vì do địa hình đồi núi cao, ít bằng phẳng. Một số xã tuy có đất đã được quy hoạch cho TDTT nhưng hiện vẫn là ruộng của dân chưa được đền bù hoặc vẫn là đồi núi chưa được san lấp. Qua đánh giá thực trạng hiện nay cho thấy phong trào hoạt động TDTT của nhân dân trong tỉnh rất cao và đa dạng, mà quỹ đất và các công trình dành cho hoạt động TDTT cho người dân thì rất hạn chế. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến phong trào tập luyện TDTT của người dân không lâu dài và khó bền vững.

Các công trình TDTT cấp xã chủ yếu là các sân tập đơn giản và nhà tập đơn giản. Sân bóng đá mini cỏ tự nhiên có 12 sân; sân bóng chuyền, cầu lông có 135 sân; đặc biệt 1 xã có nhà tập luyện đơn giản (xã Thanh Chăn thuộc huyện Điện Biên là một trong 11 xã điểm toàn quốc về chương trình nông thôn mới); ngoài ra còn khoảng trên 65 sân chơi đơn giản khác.

Tuy nhiên hầu hết các sân kể trên chỉ là tạm thời, chủ yếu là các khuôn viên cơ quan, công sở, các bãi sỏi, bãi ruộng lúc nông nhàn được quần chúng tranh thủ tận dụng làm chỗ tập luyện TDTT.



4.2.4. Công trình TDTT do các ngành, doanh nghiệp, tư nhân quản lý (phụ lục 18).

Những năm qua, số lượng các công trình TDTT, nhà tập, sân tập ở các ngành, các doanh nghiệp tư nhân tăng lên. Công trình TDTT do các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh xây dựng gồm:

- Nhà tập luyện có 58 nhà tập đơn giản; 37 sân bóng đá (trong đó có 2 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo); 10 sân quần vợt và 150 sân đơn giản (cầu lông) thuộc khuôn viên của các cơ quan, doanh nghiệp.

- Xã hội hóa cơ sở, vật chất: 09 bể bơi trong đó có 4 bể bơi thuộc huyện Điện Biên (do công an huyện, khu du lịch Uva, biên phòng...) và 05 bể bơi đơn giản thuộc thành phố Điện Biên Phủ nằm trong các khách sạn địa phương.

Các công trình TDTT này cũng đã đóng góp vào quần thể các công trình TDTT của tỉnh, phục vụ nhân dân tập luyện nâng cao sức khoẻ và tổ chức các cuộc thi đấu TDTT ở cơ sở.

- Cơ sở vật chất TDTT trong trường học: Có 24 Nhà tập luyện thể thao và 319 sân tập thể chất các loại (được bố trí các sân bóng chuyền, cầu lông, thể dục, bóng rổ, bóng ném…) tuy nhiên những sân tập này chủ yếu là tận dụng khuôn viên của trường.

5. Thực trạng ngân sách TDTT (phụ lục 19).

Ngân sách sự nghiệp TDTT ở các cấp của Điện Biên trong những năm qua tuy có tăng xong chỉ đạt mức thấp so với các tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Nguồn kinh phí này không đủ để phát triển phong trào TDTT sâu rộng trong tỉnh, cũng như để đầu tư phát triển thể thao thành tích cao. Đặc biệt, nguồn vốn ngân sách cũng như nguồn xã hội hóa dành để xây dựng, nâng cấp các công trình TDTT còn rất hạn hẹp.



5.1. Cấp tỉnh:

Ngân sách chi thường xuyên cho hoạt động sự nghiệp TDTT của tỉnh Điện Biên còn thấp so với các ngành lĩnh vực khác trong tỉnh, năm 2010 đạt 4,940 tỷ đồng; năm 2011 đạt 4,802 tỷ đồng; năm 2012 đạt 5,855 tỷ đồng; năm 2013 đạt 10,127 tỷ đồng; năm 2014 đạt 9,776 tỷ đồng; năm 2015 đạt 5,759 tỷ đồng.

(Ghi chú: Nguồn ngân sách năm 2013 và năm 2014 có tăng hơn so với những năm trước là để tổ chức Đại hội TDTT cấp tỉnh).



5.2. Cấp huyện:

Ngân sách chi cho hoạt động TDTT cấp huyện trung bình khoảng 470 triệu/huyện. Tuy nhiên, tỷ lệ phân cho các huyện có sự chênh lệch khá cao, năm 2015 huyện cao nhất là 800 triệu đồng (thành phố Điện Biên Phủ), huyện thấp nhất 200 triệu đồng (huyện Nậm Pồ), sự chênh lệch này cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển không đồng đều giữa các huyện về TDTT. Cụ thể: thành phố Điện Biên Phủ 800 triệu đồng; thị xã Mường Lay 350 triệu đồng, huyện Điện Biên 700 triệu đồng, huyện Điện Biên Đông 250 triệu đồng, huyện Tuần Giáo 600 triệu đồng, huyện Tủa Chùa 350 triệu đồng, huyện Mường Ảng 400 triệu đồng, huyện Mường Chà 450 triệu đồng, huyện Mường Nhé 500 triệu đồng, huyện Nậm Pồ 200 triệu đồng.



5.3. Cấp xã:

Kinh phí cho hoạt động TDTT cấp xã thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của các tỉnh trên toàn quốc. Năm 2010 ngân sách chi cho hoạt động TDTT cấp xã toàn tỉnh chỉ có 560 triệu đồng (trung bình mỗi xã có khoảng 5 triệu đồng cho các hoạt động TDTT). Đến năm 2015 ngân sách chi cho hoạt động TDTT cấp xã đã tăng khoảng 10 triệu đồng/năm tuy nhiên vẫn còn rất thấp (hiện nay, kinh phí hoạt động TDTT cấp xã trung bình trên toàn quốc khoảng 30 - 50 triệu đồng/năm).



6. Thực trạng công tác xã hội hoá TDTT

Thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005, Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ, Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tích cực tham mưu cho các cấp uỷ Đảng, chính quyền phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng, động viên sức mạnh toàn xã hội chăm lo công tác TDTT, do đó công tác xã hội hoá TDTT ở Điện Biên đã bước đầu đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả và đạt được một số kết quả.



6.1. Xã hội hoá TDTT trên địa bàn tỉnh.

Hàng năm, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch liên kết với các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh để tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh phong trào TDTT trong các cơ quan, các tổ chức xã hội. Đồng thời, phối hợp cùng với các cấp ngành tổ chức nhiều hoạt động TDTT và tuyên truyền mục đích ý nghĩa làm cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ được lợi ích của việc tập luyện TDTT và vận động mọi người chọn cho mình một môn thể thao thích hợp để tập luyện.



Công tác xã hội hoá phong trào TDTT cho mọi người: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp, ký kết 22 chương trình phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể như: Đảng ủy Dân chính Đảng tỉnh, Giáo dục và Đào tạo; Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Công an, Quân đội, các Trường chuyên nghiệp, Báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh và Truyền hình... nhằm đẩy mạnh phát triển phong trào TDTT cho mọi người. Hàng năm phối hợp tổ chức từ 12-14 giải thể thao cấp tỉnh thu hút hàng ngàn lượt vận động viên tham gia. Hiện nay, toàn tỉnh có 360 câu lạc bộ TDTT cơ sở ở hầu hết các đối tượng theo phương châm xã hội hóa, hoạt động hiệu quả, có chất lượng. Các huyện, thị xã, thành phố cũng đã đẩy mạnh xã hội hoá, vận động được sự ủng hộ, tài trợ kinh phí hàng trăm triệu đồng của các doanh nghiệp, tư nhân để tổ chức các giải thi đấu.

Công tác xã hội hoá thể thao thành tích cao: Công tác xã hội hoá thể thao thành tích cao tại tỉnh Điện Biên còn nhiều hạn chế. Từ cấp cở sở đến cấp tỉnh chưa huy động được các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ, đầu tư cho một số môn thể thao truyền thống, thế mạnh của tỉnh. Các nguồn kinh phí để đào tạo VĐV, tổ chức giải thi đấu thành tích cao phần lớn đều phải dựa vào nguồn ngân sách sự nghiệp TDTT của tỉnh. Trong những năm tới, công tác xã hội hóa thể thao thành tích cao cần có những cơ chế ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, tư nhân đầu tư hoặc tài trợ, hỗ trợ, bảo trợ cho một số môn thể thao có nhiều thành tích xuất sắc tại các giải thi đấu lớn.

Công tác xã hội hoá TDTT đã có tác động mạnh đến sự phát triển TDTT cho mọi người của tỉnh, với các loại hình tổ chức ở cơ sở phong phú và đa dạng. Với việc tổ chức và quản lý các câu lạc bộ cũng đa dạng như việc các cơ quan, tổ chức kinh tế, cá nhân đứng ra thành lập, vận động nhân dân góp vốn tổ chức và quản lý... các câu lạc bộ TDTT do quần chúng và các tổ chức xã hội tự xây dựng đã đáp ứng một phần nhu cầu tập luyện và hưởng thụ TDTT của nhân dân.



6.2. Xã hội hoá về cơ sở vật chất TDTT (phụ lục 18).

Trong tổng số trên 70 nhà tập TDTT thì có trên 50 nhà và trên 200 sân cầu lông do các cơ quan, doanh nghiệp, nhân dân đầu tư xây dựng, gần 200 bộ bàn Billar do nhân dân tự mua sắm. 8/8 bể bơi đơn giản trên toàn tỉnh do các doanh nghiệp, tư nhân đầu tư xây dựng. Nhiều Doanh nghiệp, tư nhân đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng các công trình thể thao như sân quần vợt, sân bóng đá mini cỏ nhân tạo...



7. Đánh giá chung về TDTT tỉnh Điện Biên

7.1. Những thành công cơ bản và nguyên nhân của thành công.

7.1.1. Những thành công cơ bản.

- Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác TDTT đã có bước chuyển biến rõ rệt. Công tác TDTT được quan tâm, chú trọng, trở thành một nội dung quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trong tỉnh.

- Phong trào TDTT cho mọi người phát triển khá toàn diện, hoạt động TDTT đã gắn kết được với phục vụ nhiệm vụ chính trị của Tỉnh và của địa phương, góp phần nâng cao sức khoẻ và nhu cầu hưởng thụ về TDTT trong nhân dân. Giáo dục thể chất và thể thao trong trường học đã có những chuyển biến tích cực, số trường học đảm bảo giáo dục thể chất và hoạt động thể thao ngoại khoá có nền nếp, thường xuyên ngày càng tăng.

- Thể thao thành tích cao có bước phát triển mới, bước đầu thu được kết quả tốt, một số môn thể thao đã đạt trình độ cao và đã đóng góp một số vận động viên xuất sắc cho đội tuyển trẻ quốc gia.



7.1.2. Những nguyên nhân thành công.

- Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về chuyên môn nghiệp vụ.

- Sự chủ động tham mưu của lãnh đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các cấp lãnh đạo về định hướng phát triển TDTT và triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

- Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các ban ngành, đoàn thể, các cấp có liên quan trong tỉnh về liên kết quản lý, chỉ đạo hoạt động TDTT ở các đối tượng đã tạo nên phong trào mạnh mẽ, thúc đẩy việc tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu luyện tập của cán bộ, nhân dân.



7.2. Những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân.

7.2.1. Những hạn chế, yếu kém.

- TDTT cho mọi người phát triển mạnh nhưng chưa đồng đều giữa các vùng, miền trong tỉnh. Một số vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa phong trào TDTT còn yếu, chưa phát triển sâu rộng, chưa bền vững, nội dung thể thao giải trí còn chưa được phát triển nhiều.

- Kết quả thể thao thành tích cao chưa mang tính bền vững, thiếu nguồn tuyển chọn, chất lượng đội ngũ huấn luyện viên còn hạn chế, đặc biệt là số huấn luyện viên giỏi còn ít, thành tích thi đấu của các VĐV ở các giải vô địch còn thấp so với các tỉnh thành trong khu vực và toàn quốc.

- Tổ chức bộ máy, cán bộ TDTT ở các huyện, thị, thành phố; xã, phường, thị trấn còn thiếu, trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là các thiết chế sự nghiệp TDTT ở hầu hết các huyện và xã chưa được thành lập.

- Cơ sở vật chất TDTT từ cấp tỉnh đến xã, phường, thị trấn so với yêu cầu còn thiếu nhiều, đặc biệt ở cấp xã và thôn, bản, chưa đáp ứng được nhu cầu tập luyện, hưởng thụ thành quả TDTT của nhân dân trong tỉnh.

- Tỷ trọng đầu tư của Nhà nước trong những năm qua tuy có xu hướng tăng, song so với nhu cầu phát triển TDTT trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt về nâng cao thành tích thi đấu thể thao giữa các tỉnh, thành trong vùng, cả nước thì mức độ đầu tư hiện nay vẫn chưa thoả đáng.



7.2.2. Nguyên nhân hạn chế, yếu kém.

- Một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng ở cơ sở chưa thực sự coi công tác TDTT là một nhiệm vụ quan trọng trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hàng năm.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và kiến thức hiểu biết về TDTT cho các tầng lớp nhân dân chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú, hiệu quả chưa cao.

- Hầu hết các VĐV đến tuổi học Trung học phổ thông không tiếp tục theo con đường vận động viên.

- Tỉnh chưa có trường đào tạo năng khiếu thể thao. Các vận động viên tham gia thi đấu các giải trẻ cấp quốc gia đều trưởng thành từ phong trào cơ sở, chưa được đào tạo theo hệ thống chuyên sâu về chuyên môn nên chưa tạo được phong trào mạnh, kết quả thi đấu chưa cao.

- Thể thao thành tích cao chưa được đầu tư nhiều đặc biệt đối với một số môn thể thao truyền thống, thế mạnh của tỉnh (số lượng môn và nội dung các môn thể thao đầu tư đào tạo còn ít). Hệ thống đào tạo vận động viên năng khiếu và vận động viên trẻ chưa có khâu đột phá cơ bản, thiếu nguồn kế cận.

- Chưa đầu tư nhiều cho khoa học, công nghệ và y học thể thao; thiếu thiết bị khoa học kỹ thuật và cán bộ khoa học có đủ năng lực trình độ để ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên.

- Do điều kiện địa hình nhiều đồi, núi, mặt bằng ít, cho nên quỹ đất ở vị trí tập trung đông dân cư để xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn gặp nhiều khó khăn. Đời sống thu nhập của nhân dân còn thấp, các doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa cho nên việc huy động các nguồn lực đầu tư cho TDTT còn rất khiêm tốn.



Phần thứ hai

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THỂ DỤC, THỂ THAO

TỈNH ĐIỆN BIÊN GIAI ĐOẠN 2016-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2030


tải về 0.54 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương