Ủy ban đỐi ngoạI



tải về 127.43 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích127.43 Kb.
#31005



QUỐC HỘI KHÓA XIII

ỦY BAN ĐỐI NGOẠI


Số: 5655/BC-UBĐN13




CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc



Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2015



BÁO CÁO

Kết quả hoạt động của Uỷ ban Đối ngoại năm 2015

và phương hướng công tác năm 2016

Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội; thực hiện chương trình công tác năm 2015, Uỷ ban Đối ngoại đã chủ động tích cực thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát và tổ chức thực hiện các hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Ủy ban Đối ngoại trân trọng báo cáo các vị đại biểu Quốc hội về kết quả hoạt động của Ủy ban trong năm 2015 và phương hướng công tác năm 2016 như sau:



A. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG NĂM 2015

I. Công tác xây dựng pháp luật

1. Chủ trì thẩm tra Dự án Luật và Điều ước quốc tế

1.1. Dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi)

Thường trực Ủy ban Đối ngoại đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các chuyên gia, đại diện các Bộ, ngành về Dự án Luật. Ngày 2/10/2015, Ủy ban Đối ngoại đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 12 thẩm tra Dự án Luật để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp lần thứ 42. Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, Ủy ban Đối ngoại đã phối hợp với Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10.

Trước đó, Ủy ban đã tiến hành thẩm tra sơ bộ Tờ trình số 313/TTr-CP ngày 5/9/2014 của Chính phủ kiến nghị UBTVQH giải thích Khoản 14 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 về “điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” và đã đề xuất cụ thể hóa các nội dung này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005.

1.2. Các điều ước quốc tế

Uỷ ban Đối ngoại đã chủ trì thẩm tra 06 điều ước quốc tế gồm:

- Chuẩn bị nội dung phục vụ UBTVQH cho ý kiến đồng ý việc gia nhập Công ước Viên năm 1980 của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo Tờ trình số 173-TTr/CP của Chính phủ ngày 22/4/2015 do Công ước có một số nội dung chưa được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

- Thẩm tra việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) theo Tờ trình số 05/TTr-CTN ngày 22/9/2015 của Chủ tịch nước và Báo cáo số 481/BC-CP ngày 9/10/2015 của Chính phủ. Ủy ban Đối ngoại đánh giá cao tầm quan trọng và cấp thiết của việc tạo thuận lợi thương mại trên phạm vi toàn cầu, WTO đã tiến hành đàm phán Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại (gọi tắt là Hiệp định TF) và Hiệp định này đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng WTO vào tháng 12/2013. Để đưa Hiệp định TF vào hệ thống văn bản pháp luật chính thức của WTO, tháng 11/2014, Đại hội đồng WTO đã thông qua “Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới” để bổ sung Hiệp định TF vào Phụ lục 1A của Hiệp định Thành lập WTO. Hiện nay, hồ sơ của Chính phủ đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 này;

- Thẩm tra việc gia nhập Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại và kiến nghị UBTVQH đề nghị Chính phủ báo cáo Chủ tịch nước quyết định gia nhập Công ước theo quy định tại khoản 6 Điều 88 Hiến pháp do đây là điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, không phải là điều ước quốc tế về quyền con người theo quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp năm 2013;

- Thẩm tra việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam – Lào. Ủy ban Đối ngoại đang tích cực phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp thứ XI;

- Thẩm tra việc đàm phán, ký Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về điều kiện đi lại của công dân hai nước do Hiệp định có một số nội dung chưa được quy định tại Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (Khoản 5 Điều 3 và Điểm d, Khoản 4 Điều 12);

- Thẩm tra việc ký Hiệp định giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa Séc về chuyển giao người bị kết án phạt tù, hiện nay hồ sơ đang trong quá trình hoàn thiện để xin ý kiến UBTVQH.



2. Các dự án Luật phối hợp thẩm tra

Đối với với các dự án Luật được giao nhiệm vụ phối hợp thẩm tra thuộc chương trình chính thức, Ủy ban đã tổ chức các cuộc họp Thường trực Ủy ban mở rộng để thảo luận, xin ý kiến các đại diện một số cơ quan của Chính phủ và tổ chức xã hội có liên quan, cho ý kiến vào một số dự án luật quan trọng, đồng thời đã chủ động phối hợp với các cơ quan chủ trì thẩm tra để thu thập tài liệu, xây dựng ý kiến tham gia thẩm tra bằng văn bản đối với các dự án Luật.



3. Góp ý kiến đối với các dự thảo Thỏa thuận hợp tác

Theo quy định của Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, Ủy ban đã chủ trì xây dựng dự thảo Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Đông Uruguay, đóng góp ý kiến đối với dự thảo Thỏa thuận hợp tác giữa Tòa án nhân dân tối cao với Tòa án Tối cao Bun-ga-ri, Tòa án Tối cao Áo, Tòa án Vương quốc Thái Lan; biên bản ghi nhớ giữa Kiểm toán Nhà nước và Ngân hàng Phát triển Châu Á và đóng góp ý kiến vào dự thảo đề án “Xây dựng Hiệp định hợp tác song phương giữa Việt Nam và Lào giai đoạn 2016-2020”.



4. Xây dựng Dự thảo Quy chế hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan Quốc hội mới

Theo phân công của UBTVQH, Ủy ban Đối ngoại đã chủ trì tổng kết việc thực hiện Quy chế hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan Quốc hội trên cơ sở báo cáo tổng kết thực hiện Quy chế của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của UBTVQH và Văn phòng Quốc hội. Ủy ban đã trình UBTVQH thành lập Ban soạn thảo Quy chế và đang xây dựng dự thảo sửa đổi Quy chế trình UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp cuối năm 2015.



5. Ủy ban đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Bên cạnh đó, Ủy ban cũng cử đại diện tham gia sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

II. Hoạt động giám sát

  1. Tham gia các hoạt động giám sát của UBTVQH

Ủy ban Đối ngoại đã cử đại diện tham gia đoàn giám sát của UBTVQH về “Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO)” theo kế hoạch giám sát ban hành kèm theo Nghị quyết số 822/NQ-UBTVQH13 của UBTVQH; cử đại diện tham gia Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh theo Nghị quyết số 827/NQ-UBTVQH13 của UBTVQH.

2. Giám sát của Ủy ban Đối ngoại

2.1. Tổ chức Phiên giải trình về Cộng đồng ASEAN và sự tham gia của Việt Nam

Mục đích của phiên giải trình nhằm cung cấp tới cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội thông tin cập nhật về tình hình xây dựng Cộng đồng ASEAN, nhận diện những khó khăn, thuận lợi của Việt Nam khi tham gia Cộng đồng và đề xuất những giải pháp để thực hiện có hiệu quả các cam kết khi Cộng đồng ASEAN chính thức được hình thành. Trước đó, để chuẩn bị cho phiên giải trình, Ủy ban Đối ngoại đã tổ chức 3 phiên tọa đàm về 3 cộng đồng; gửi văn bản đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội trong cả nước rà soát các hoạt động tại địa phương; báo cáo về những thuận lợi, khó khăn và triển vọng phát triển của địa phương sau 2015 đồng thời nêu kiến nghị, đề xuất.

Tại phiên giải trình, các đại biểu đã nghe báo cáo của các bộ, ngành hữu quan, thảo luận những vấn đề về xây dựng Cộng đồng ASEAN. Đối với Cộng đồng Chính trị-An ninh, các đại biểu rất quan tâm, băn khoăn về vấn đề Biển Đông và đoàn kết ASEAN; hiệu quả trong hợp tác quân sự, an ninh cũng như việc xử lý các thách thức an ninh khu vực một cách hiệu quả v.v. Đối với Cộng đồng Kinh tế, những vấn đề nổi lên bao gồm cơ cấu tổ chức của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, khả năng hoàn thành các biện pháp đúng thời hạn; hiệu quả của quản lý kinh tế; năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp; kế hoạch tham gia phát triển thị trường vốn ASEAN; cần phải lượng hóa những rủi ro, tổn thất của việc tham gia Cộng đồng ASEAN v.v..

Qua phiên giải trình, Ủy ban Đối ngoại kiến nghị: (1) đẩy mạnh nghiên cứu, chủ động xác định những lĩnh vực trọng tâm trong phát triển Cộng đồng ASEAN sau năm 2015; xây dựng bộ giải pháp tổng thể nhằm đảm bảo phát huy tối đa lợi ích từ việc hình thành Cộng đồng ASEAN; (2) tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành hữu quan; (3) đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước, nâng cao vai trò lập pháp, giám sát của Quốc hội Việt Nam trong tiến trình hội nhập ASEAN; (4) tăng cường kết nối giữa các nền kinh tế trong ASEAN về hạ tầng cơ sở, thương mại và đầu tư cũng như tạo thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực khi tham gia vào các liên kết chuỗi với các doanh nghiệp ASEAN; (5) thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng lao động, tăng cường quản lý lao động sau năm 2015..., tăng cường hợp tác trong ASEAN về du lịch, về chính sách an sinh xã hội; (6) đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tầm quan trọng của ASEAN; (7) thúc đẩy hoạt động hợp tác liên nghị viện trong ASEAN, đảm bảo hỗ trợ việc xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.



2.2. Giám sát chuyên đề việc thực hiện Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài

Chuyên đề giám sát này được thực hiện nhằm phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài năm 2009 theo hướng: phù hợp với các quy định mới của Hiến pháp 2013; bổ sung nội dung về hàm, cấp ngoại giao; hoàn thiện các vấn đề liên quan đến trụ sở, phương tiện, tài chính, nhân sự, chế độ cho cơ quan đại diện.

Để thực hiện chuyên đề giám sát này, Ủy ban Đối ngoại đã tiến hành giám sát tại một số cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Đức, Triều Tiên, Mông Cổ,… Đồng thời, Ủy ban đã đề nghị các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài gửi báo cáo tổng kết thực hiện Luật tại cơ quan đại diện, nêu rõ những bất cập, tồn tại trong quá trình triển khai thi hành Luật và kiến nghị những giải pháp khắc phục; tiến hành tập hợp các văn bản pháp lý liên quan đến Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức họp với một số bộ ngành hữu quan về vấn đề kinh phí theo quy định của Luật cơ quan đại diện. Theo kế hoạch, trong tháng 12/2015, Ủy ban Đối ngoại sẽ hoàn thiện báo cáo chuyên đề này gửi UBTVQH.

2.3. Hoạt động giám sát thường xuyên
Ủy ban Đối ngoại đã thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thế giới, công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước năm 2015.

Ủy ban Đối ngoại đã giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2015 và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2016 của Bộ Ngoại giao. Đây là hoạt động giám sát thường niên của Ủy ban Đối ngoại nhằm đánh giá, xem xét việc thực hiện kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2015 và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2016 của Bộ Ngoại giao. Qua giám sát, Ủy ban Đối ngoại đề nghị Bộ Ngoại giao cần làm việc với các bộ, ngành hữu quan rà soát việc quản lý, phân bổ và sử dụng nguồn kinh phí này cũng như phần kinh phí đặc thù của các bộ, ngành tại cơ quan đại diện. Về kinh phí tạm ứng đưa ngư dân về nước các địa phương còn nợ Quỹ hỗ trợ công dân, Ủy ban Đối ngoại đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất phương án xử lý theo hướng: giải quyết vụ việc ở nước ngoài sớm và tạm ứng kinh phí từ Quỹ Bảo hộ công dân, việc hoàn tạm ứng sẽ do Bộ Tài chính thực hiện khi tiến hành phân bổ ngân sách cho các địa phương. Đồng thời, Ủy ban cũng đề nghị Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án này và báo cáo Ủy ban Đối ngoại.

Giám sát về công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Đối ngoại đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc giải quyết các kiến nghị về bảo hộ công dân ở một số địa bàn nóng đã được nêu trong chuyên đề giám sát năm 2013 của Ủy ban Đối ngoại. Ủy ban tiếp tục kiến nghị Chính phủ đề nghị Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành hữu quan bố trí nguồn lực quan tâm thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân ở một số địa bàn, nhất là Campuchia.

Qua giám sát việc ký kết, thực hiện điều ước quốc tế, tính đến tháng 11 năm 2015, Việt Nam đã ký kết 69 hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương ở cấp cao và 127 văn bản hợp tác ở cấp Bộ, ngành, địa phương; ký kết hai hiệp định thương mại tự do và hoàn tất hai hiệp định thương mại tự do khác trong tổng số 6 hiệp định thương mại tự do quan trọng đang đàm phán.



III. Triển khai hoạt động đối ngoại của Quốc hội

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực năm 2015 có nhiều biến động phức tạp ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam. Về chính trị, các nước lớn (Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga) có sự điều chỉnh chính sách đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương theo hướng ngày một can dự sâu hơn vào tình hình chính trị, an ninh, kinh tế trong khu vực. Tại khu vực Đông Nam Á, các quốc gia ASEAN tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực nhằm đảm bảo mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 với 3 trụ cột về Chính trị- an ninh, Kinh tế và Văn hóa-xã hội; tích cực chuẩn bị cho giai đoạn phát triển sau 2015; tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác, cũng như nỗ lực duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực, thúc đẩy các giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, tình hình phức tạp trong nội bộ một số nước và sự chia rẽ, lôi kéo, phân hóa của nước lớn đã phần nào tác động tới sự đoàn kết và hợp tác nội khối.

Năm 2015, kinh tế thế giới tiếp tục duy trì đà phục hồi của năm 2014, nhưng còn chậm. Liên kết kinh tế tiếp tục phát triển với quy mô và độ gắn kết ngày càng sâu rộng. Các hiệp định kinh tế, thương mại đa phương như Hiệp định TPP, các Hiệp định Thương mại tự do là dấu mốc quan trọng, góp phần thúc đẩy xu thế liên kết đa tầng nấc cũng như duy trì môi trường hòa bình, ổn định và sự phát triển năng động của Việt Nam và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; là yếu tố quan trọng để Việt Nam mở rộng tiềm năng hợp tác và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác hàng đầu thế giới và khu vực.

Đối với tình hình trong nước, năm 2015 có nhiều ngày lễ trọng đại của đất nước như kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, 40 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Cũng trong năm 2015, Việt Nam kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia trên thế giới, tiếp tục đẩy mạnh đưa quan hệ với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, hiệu quả; tăng cường tin cậy; chủ động tích cực trong các cơ chế đa phương. Đối với Quốc hội Việt Nam, năm 2015 là năm Quốc hội ta lần đầu tiên tổ chức đăng cai một kỳ Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới, Đại hội đồng IPU 132 (IPU-132).



1. Kết quả triển khai các hoạt động đối ngoại đa phương

1.1. Một trong các trọng tâm công tác của Ủy ban Đối ngoại năm 2015 là tham mưu, phục vụ Quốc hội tổ chức thành công Đại hội đồng IPU-132 và các hội nghị liên quan từ ngày 28/3-1/4/2015 tại Hà Nội. Đại hội đồng IPU-132 đã thông qua “Tuyên bố Hà Nội” về “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”, góp phần cùng IPU và Liên hợp quốc hình thành Chương trình phát triển bền vững sau 2015. Ủy ban Đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Ban Thư ký IPU tại Giơ-ne-vơ, các bộ, ban, ngành và đơn vị liên quan chuẩn bị các nội dung tham gia tại IPU-132; đặc biệt là đề xuất chủ đề chung của Đại hội đồng IPU-132; đề xuất, dự thảo nội dung và vận động ra Tuyên bố Hà Nội, chủ đề thảo luận chung của IPU-132, ASGP; cùng đồng chủ trì xây dựng dự thảo nghị quyết về vấn đề cơ chế mới trong quản lý nguồn nước, tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm về các dự thảo nghị quyết và nội dung được trao đổi tại IPU-132; tổ chức thông tin tuyên truyền quảng bá đến nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế về IPU & Đại hội đồng IPU-132, vai trò của Quốc hội, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao vị thế, giới thiệu đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Có thể khẳng định sự tham gia tích cực, chủ động, thực chất của Đoàn Việt Nam trong đó nòng cốt là Ủy ban Đối ngoại về mặt nội dung và công tác tổ chức hội nghị đã góp phần quan trọng vào thành công của Đại hội đồng IPU-132.

1.2. Ủy ban Đối ngoại đã chủ trì tổ chức và phục vụ Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu tham dự Hội nghị Thế giới các Chủ tịch Quốc hội lần thứ tư từ ngày 31/8-2/9/2015 theo lời mời của Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới. Ủy ban đã tham mưu chủ trương, xây dựng nội dung làm việc và chủ trì tổ chức chuyến thăm thành công tốt đẹp. Sự tham gia của Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội ta tại Diễn đàn quan trọng này cùng với nhiều hoạt động tiếp xúc bên lề Hội nghị đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam tại Diễn đàn quốc tế đa phương lớn nhất giữa Liên hợp quốc và IPU lần thứ tư.

1.3. Ủy ban đã chủ trì tổ chức và phục vụ các Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội ta tham dự các hoạt động đa phương gồm: (i) Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu thăm chính thức Liên bang Nga và tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á-Âu lần thứ nhất tổ chức tại Xanh Pê-téc-bua từ ngày 24-25/9/2015 với chủ đề “Hướng tới hòa bình, hợp tác và xã hội thịnh vượng”; (ii) Năm 2015 kỷ niệm 20 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh vì sự phát triển của phụ nữ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Hội nghị “Hội đồng Toàn cầu vì Phụ nữ” tại Tokyo (WAW) năm 2015” theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nhật Bản Shinzo Abe từ ngày 24 - 30/8/2015; (iii) Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tham dự Hội nghị Nghị viện Á-Phi với chủ đề “Tăng cường vai trò của nghị viện trong hợp tác Nam - Nam, thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên thế giới” từ ngày 21-24/4/2015 theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Indonesia nhân dịp kỷ niệm 60 năm Hội nghị Băng đung (1955-2015) và tham dự Cuộc gặp Lãnh đạo AIPA-ASEAN tại Malaixia từ ngày 25-27/4/2015; (iv) Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn dẫn đầu tham dự Đại hội đồng AIPA-36 từ ngày 6-12/9/2015 tại Malaixia.

1.4. Các hoạt động đối ngoại đa phương khác

Đoàn ĐBQH do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng làm Trưởng đoàn đã tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 133 (IPU-133) và các Hội nghị liên quan tại Thụy Sỹ từ ngày 14 - 23/10/2015. Việt Nam là một trong hai nghị viện đại diện cho khu vực địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương được bầu tham gia Ban Chấp hành IPU nhiệm kỳ 2015-2019. Từ ngày 12-14/1/2015, Đoàn ĐBQH Việt Nam tham dự diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương APPF-23 tại Ecuador nhằm mục đích thúc đẩy đối thoại giữa các nghị sĩ về nhiều vấn đề, an ninh - chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng chung của khu vực. Trong khuôn khổ Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), Ủy ban Đối ngoại đã chuẩn bị cho Đoàn ĐBQH nước ta tham dự Đại hội đồng lần thứ 41 tại Berne, Thụy Sỹ (tháng 7/2015); cuộc họp Ban chấp hành APF tại Clemont – Ferrand, Pháp (tháng 2/2015); cuộc họp Ủy ban Chính trị APF tại Siem Reap, Campuchia (tháng 3/2015). Ngoài ra, đoàn ĐBQH Việt Nam dự AIFOCOM 12 tại Malaysia, AIPA Caucus tại Campuchia.



1.5. Hợp tác với các tổ chức quốc tế: trong năm 2015, Ủy ban tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế với nhiều diễn đàn và tổ chức quốc tế khác như: Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (MUTRAP); Diễn đàn nước tại Hàn Quốc. Những hoạt động này góp phần tăng cường vị thế và vai trò của Quốc hội nói chung và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội nói riêng trong các hoạt động hợp tác nghị viện.

Nhìn chung, Ủy ban Đối ngoại đã làm tốt vai trò đầu mối tổ chức các đoàn đại biểu Quốc hội nước ta tham dự các diễn đàn liên nghị viện thế giới và khu vực hiệu quả, đảm bảo công tác chuẩn bị nội dung làm việc và chương trình tiếp xúc song phương bên lề các hội nghị để các đoàn công tác của Quốc hội tham dự các diễn đàn đa phương đạt kết quả tốt đẹp.



2. Kết quả triển khai hoạt động đối ngoại song phương

Quốc hội ta cử 22 đoàn ra sử dụng ngân sách nhà nước, 05 đoàn sử dụng ngân sách dự án hoặc được tài trợ, 12 hội thảo, hội nghị quốc tế. Đến nay, cơ bản các hoạt động này đã được triển khai thành công tốt đẹp. Các cơ quan của Quốc hội đã chủ động và tích cực phối hợp với Ủy ban Đối ngoại để triển khai các hoạt động đối ngoại của cơ quan mình hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm, đạt được yêu cầu, mục đích đề ra, đảm bảo thực hiện đúng các quy trình, thủ tục; tiếp tục phát huy vai trò của kênh ngoại giao nghị viện trong quan hệ song phương với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực.

Toàn bộ quá trình triển khai các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại đã phối hợp với các cơ quan của Quốc hội đảm bảo đúng định hướng và phương châm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Song song với việc tổ chức các đoàn ra, Ủy ban Đối ngoại đã tham mưu lãnh đạo Quốc hội đón tiếp nhiều đoàn lãnh đạo Quốc hội các nước sang thăm Việt Nam và chủ trì công tác tổ chức đón tiếp thành công, tạo ấn tượng tốt đẹp cho các vị khách quốc tế đến thăm Việt Nam.

2.1. Tham mưu, tổ chức, phục vụ đoàn thăm, làm việc với Quốc hội các nước

Năm 2015, Ủy ban Đối ngoại đã tham mưu và phối hợp với Bộ Ngoại giao, tổ chức thành công chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ lần đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Chuyến thăm diễn ra từ ngày 3-9/9/2015 theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện John Boehner và Chủ tịch Thường trực danh dự Thượng viện Patrick Leahy, ngay sau “chuyến thăm lịch sử” Hoa Kỳ lần đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng góp phần quan trọng tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước, thu hẹp bất đồng, trao đổi một số biện pháp hợp tác cụ thể, phát huy được vai trò của kênh ngoại giao nghị viện, đặc biệt là đối với Hoa Kỳ là nước mà Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các chính sách đối nội, đối ngoại. Sự thành công tốt đẹp của chuyến thăm đã góp phần cụ thể hóa các cam kết cấp cao giữa lãnh đạo hai nước và thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

Trong năm qua, Ủy ban Đối ngoại đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức thành công tốt đẹp các chuyến thăm cấp cao khác do các đồng chí lãnh đạo Quốc hội dẫn đầu gồm: đoàn Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thăm Nga và Đức (tháng 9/2015); đoàn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Mỹ (chương trình VELD của Bộ Ngoại giao, tháng 4/2015), thăm chính thức Nhật Bản (tháng 8/2015); đoàn Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thăm Triều Tiên và Mông Cổ (tháng 7/2015); đoàn Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thăm Hungary và Bỉ (dự kiến tháng 12/2015).

Nhìn chung, nội dung làm việc và các chương trình tiếp xúc cấp cao của các đoàn đã được bố trí khoa học, đạt được yêu cầu chính trị đối ngoại và mục đích, nội dung làm việc đã đề ra. Quốc hội các nước tổ chức đón tiếp các đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội ta trọng thị, chu đáo. Qua hội đàm và tiếp xúc cấp cao, lãnh đạo và nhân dân các nước đều đánh giá cao vai trò của Việt Nam nói chung, vai trò của Quốc hội Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế; đánh giá cao hoạt động ngoại giao nghị viện của Quốc hội Việt Nam và khẳng định tiếp tục củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác với Quốc hội ta trên cả hai bình diện song phương và đa phương, đồng thời ủng hộ quan điểm và giải pháp của Việt Nam trong việc xử lý một cách hòa bình, tuân thủ pháp luật quốc tế các tranh chấp tại Biển Đông. Bên cạnh đó, Ủy ban Đối ngoại đã thu xếp chương trình để các Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội có các cuộc tiếp xúc với kiều bào Việt Nam tại nước sở tại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con; thông báo về tình hình trong nước và đường lối đối ngoại, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian qua.



2.2. Tham mưu, chủ trì tổ chức đón, tiếp các đoàn nghị viện các nước thăm Việt Nam

- Tính đến tháng 11/2015, Ủy ban đã tham mưu lãnh đạo Quốc hội và chủ trì đón tiếp 09 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội bao gồm: Đoàn Chủ tịch Hạ viện Đông Uruguay, Đoàn Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc, Đoàn Chủ tịch Quốc hội Singapore, Đoàn Chủ tịch Quốc hội Lào, Đoàn Chủ tịch Thượng viện Séc, Đoàn Chủ tịch Quốc hội Hungari, Đoàn Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan, Đoàn Chủ tịch Thượng viện Bỉ, Đoàn Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức đón 05 đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội, hơn 30 đoàn cấp lãnh đạo Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Ban thư ký nghị viện, Nhóm Nghị sĩ hữu nghị (NSHN) các nước thăm làm việc, dự hội nghị tại Việt Nam.

2.3. Tổ chức phục vụ tiếp khách quốc tế

Ủy ban Đối ngoại đã tham mưu và chủ trì tổ chức nhiều cuộc tiếp xã giao, hội kiến của Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội với nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo Quốc hội các nước thăm Việt Nam, Đại sứ các nước mới nhận nhiệm vụ hoặc chào từ biệt; tham mưu và phối hợp chuẩn bị nội dung cho các đồng chí Ủy viên UBTVQH, Lãnh đạo Hội đồng dân tộc và các cơ quan của Quốc hội tiếp khách quốc tế.

Đặc biệt, nhân dịp Đại hội đồng IPU-132, Ủy ban Đối ngoại đã tham mưu và phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên UBTVQH tiếp các Lãnh đạo, các đoàn tham dự Đại hội đồng IPU-132. Tổng cộng trên 100 cuộc làm việc và tiếp xúc song phương diễn ra trong 2 tuần. Các cuộc làm việc đều được chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, qua đó đã giới thiệu được với bạn bè quốc tế về chủ trương, đường lối phát triển đất nước, cũng như quan điểm của ta đối với các vấn đề khu vực và quốc tế; giúp lãnh đạo các nước có cái nhìn chân thực và khách quan về Việt Nam, từ đó góp phần tích cực xây dựng lòng tin cậy, sự hiểu biết với bạn bè quốc tế. Đồng thời, tăng cường quan hệ và củng cố hơn nữa sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội ta với lãnh đạo các nước; thúc đẩy giao lưu giữa các Nhóm NSHN, qua đó góp phần vào thành công chung của Đại hội đồng IPU-132. Nhân dịp này, ta đã tranh thủ vận động các vấn đề mà ta đang quan tâm như Biển Đông, Hiệp định TPP, các FTA, ODA...

Tại kỳ họp thứ 9, Ủy ban Đối ngoại đã tham mưu tổ chức đón Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun đến thăm và phát biểu trước Quốc hội ngày 23/5/2015. Tổng Thư ký Ban Ki-mun khẳng định Việt Nam và Liên hợp quốc là đối tác “tự nhiên” của nhau và bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác này.

Ngoài ra, trong năm 2015, Ủy ban Đối ngoại đã tham mưu lãnh đạo Quốc hội có các cuộc tiếp với lãnh đạo các tổ chức quốc tế quan trọng tại Việt Nam như IMF, World Bank, UNICEF…

IV. Các công tác khác

1. Phối hợp phục vụ hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước

Ủy ban đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đối ngoại của Đảng, Nhà nước nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nói chung, góp phần tích cực trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản biện các luận điệu sai trái về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo. Ủy ban đã đóng góp ý kiến, đề xuất nội dung đối với các Tuyên bố chung, đề án, kế hoạch hành động triển khai quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước (Lào, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Ốt-xtrây-li-a, Mông Cổ, Triều Tiên...); phối hợp phục vụ các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước như cung cấp thông tin cập nhật về quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội các nước, tham mưu nội dung tiếp xúc với Lãnh đạo nghị viện phục vụ các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nga, Belarus; Thủ tướng Chính phủ thăm chính thức Phillippines,...); cập nhật nội dung quan hệ hợp tác nghị viện gửi Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại trung ương, các cơ quan hữu quan khác nhằm phục vụ hoạt động đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước.



  1. Phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Việc UBTVQH phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa XHCN Việt Nam là quy định mới của Hiến pháp năm 2013. Để phục vụ UBTVQH phê chuẩn, Ủy ban Đối ngoại đã tiến hành thẩm tra đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm 17 đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2018 và việc điều chỉnh địa bàn kiêm nhiệm của đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại một số quốc gia. Căn cứ vào Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm 17 đại sứ Việt Nam. Qua quá trình thẩm tra, để làm căn cứ cho việc thực hiện quy trình nhân sự, cũng như việc thẩm tra được thực hiện theo quy định của pháp luật, Ủy ban Đối ngoại kiến nghị Chính phủ sớm quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có tính đến đặc thù của cán bộ ngoại giao, địa bàn bổ nhiệm theo quy định tại Điều 187 khoản 3 Bộ luật Lao động.

3. Công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại

Ủy ban Đối ngoại đã biên soạn Bản tin Ngoại giao Nghị viện, đổi mới về hình thức và nội dung, cập nhật những hoạt động đối ngoại song phương, đa phương của Quốc hội, các bài nghiên cứu về luật pháp quốc tế, những chuyên đề quan hệ quốc tế nhằm phục vụ nhu cầu về thông tin tham khảo, nghiên cứu cho các vị đại biểu Quốc hội.

Công tác thông tin, tuyên truyền ngay trước và trong thời gian IPU-132 đã được triển khai với hiệu quả cao. Được sự đồng ý của Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại đã chủ trì biên soạn và phát hành sách Quốc hội Việt Nam và Liên minh Nghị viện Thế giới IPU; chủ trì biên soạn các nội dung đăng tải lên trang mạng chính thức của Đại hội đồng. Trong thời gian Đại hội đồng IPU-132, Ủy ban Đối ngoại cũng giữ vai trò chủ trì trong việc điều hành Trung tâm báo chí IPU-132, đảm bảo tổ chức tốt các cuộc họp báo quốc tế của IPU-132, Hội nghị ASGP; đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động thông tin cho hơn 407 phóng viên Việt Nam và gần 100 phóng viên nước ngoài và phóng viên thường trú tại Việt Nam; bảo đảm an ninh mạng, an ninh thông tin, an ninh tư tưởng v.v...

4. Công tác nghiên cứu tổng hợp

Ủy ban đã tích cực tham gia, chủ trì và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đối ngoại, trong đó có hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Thúc đẩy quan hệ đối ngoại Quốc hội vì các mục tiêu phát triển bền vững”; “Nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.

Ủy ban đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo: “Quốc hội với việc đàm phán, phê chuẩn và thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới” tại khu vực Bắc, Trung, Nam và đang chuẩn bị soạn thảo cuốn sách giới thiệu về FTA phục vụ đại biểu Quốc hội; phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF tổ chức Hội thảo “Vai trò của Quốc hội trong việc đảm bảo quyền trẻ em và vấn đề dinh dưỡng để phát triển”; phối hợp với Viện FES và KAS tổ chức Hội thảo “Hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện điều ước quốc tế trong các lĩnh vực thương mại và quyền con người”.

5. Công tác của Nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxin

Năm 2015, tiếp tục triển khai chương trình hành động giai đoạn 2010-2019, Nhóm Đối thoại đã tổ chức thăm thực địa tại một số địa phương bị phun rải nặng và có nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Trong các cuộc tiếp xúc với các nghị sĩ, trợ lý nghị sĩ Mỹ và các đối tác Mỹ, Nhóm Đối thoại tiếp tục lồng ghép và đưa nội dung về vấn đề chất độc da cam/dioxin vận động phía Mỹ quan tâm, có tiếng nói tác động tới Quốc hội và Chính quyền để tích cực giải quyết hậu quả của việc sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh tại Việt Nam. Nhóm cũng đã tổng hợp thông tin cập nhật của các tỉnh thành về thực trạng đối với môi trường và con người tại các địa phương hiện nay và các đề xuất hỗ trợ; dịch và chuyển cho phía Mỹ, USAID, Đại sứ quán Nhật Bản, Cơ quan phát triển Quốc tế Nhật Bản (JICA)… để kêu gọi hỗ trợ.

Với nỗ lực mở rộng hợp tác và sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, được sự đồng ý của lãnh đạo Quốc hội, Nhóm Đối thoại đã tổ chức chuyến thăm tại Úc và New Zealand (từ ngày 8-18/10/2015) để vận động Úc và New Zealand tham gia giải quyết vấn đề chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.

6. Điều phối hoạt động của Tổ chức nghị sĩ hữu nghị Việt Nam

Trong năm 2015, Ủy ban Đối ngoại đã tham mưu, tổ chức triển khai thúc đẩy các nhóm NSHN có nhiều hoạt động phong phú, đóng góp thiết thực cho việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Nghị viện các nước. Các Nhóm NSHN đã tổ chức 11 cuộc làm việc với Đoàn đại biểu Nhóm NSHN của các nước tham dự Đại hội đồng IPU - 132 tại Hà Nội đến từ Nga, Ba Lan, Hungary, Bungary, Ucraina, Iran, Nhật Bản, Chi Lê, Mông Cổ, Italia, Belarus.

Năm 2015, Ủy ban Đối ngoại phối hợp với Tổ chức NSHN đã triển khai 02 đoàn NSHN Việt Nam thăm làm việc tại Hàn Quốc và Iran, dự kiến sẽ triển khai thêm 01 đoàn thăm làm việc tại khu vực châu Á.

Nhìn chung, hoạt động của các nhóm NSHN trong năm 2015 rất tích cực và đạt hiệu quả cao, nổi bật là hoạt động của các nhóm NSHN Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Iran.



7. Công tác dân nguyện

Ủy ban đã tiếp xúc, đối thoại với nhiều lượt công dân, kiều bào ta ở nước ngoài trong các chuyến công tác của Ủy ban Đối ngoại và trong các chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội tại trụ sở các cơ quan đại diện ngoại giao hoặc tại các địa bàn có đông đảo người Việt Nam làm ăn sinh sống. Bên cạnh đó, qua các hình thức hoạt động khác như tổ chức các đợt giám sát thi hành luật, Ủy ban Đối ngoại đã ghi nhận nhiều ý kiến, thắc mắc, khiếu kiện của công dân, từ đó trực tiếp đối thoại, đồng thời kiến nghị và kiểm tra đôn đốc thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương.

Tính đến tháng 10/2015, Ủy ban Đối ngoại đã nhận được 30 đơn thư, khiếu nại, tập trung vào các vấn đề như tranh chấp hợp đồng kinh tế có yếu tố nước ngoài, khiếu kiện liên quan đến lao động nước ngoài; khiếu nại về việc xử lý tranh chấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà có liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài; đơn thư về lĩnh vực nhân quyền của các tổ chức quốc tế. Theo thẩm quyền, chức năng và quy trình xử lý đơn thư, Ủy ban Đối ngoại đã tiến hành sàng lọc, nghiên cứu và thu thập hồ sơ, liên lạc và gửi công văn đến các bộ ngành, cơ quan có thẩm quyền đề nghị giải quyết và báo cáo tình hình giải quyết đó.

V. Nhận xét và đánh giá

Năm 2015, Ủy ban Đối ngoại đã hoàn thành tốt nhiệm vụ theo Chương trình công tác của Ủy ban và nhiệm vụ do Quốc hội, UBTVQH phân công. Các kết quả công tác đã được thể hiện qua việc đăng cai tổ chức rất thành công Đại hội đồng IPU-132, việc tham gia của Việt Nam tại Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội tại Hoa Kỳ, thành công tại các hội nghị do các Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu tham dự, thành công của các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Quốc hội, kết quả đón các đoàn cấp cao Quốc hội các nước… Bên cạnh đó, công tác lập pháp - giám sát của Ủy ban đã tập trung vào việc triển khai thi hành Hiến pháp mới về những nội dung và thẩm quyền của Quốc hội, của UBTVQH trong lĩnh vực đối ngoại; trong đó có những nội dung mới như phục vụ phê chuẩn, quyết định gia nhập các điều ước quốc tế, phục vụ phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, hoạt động của Ủy ban Đối ngoại còn gặp một số khó khăn như việc thẩm tra phê chuẩn, quyết định gia nhập một số điều ước quốc tế có nội dung rất phức tạp, liên quan nhiều chuyên ngành khác nhau nhưng diễn ra gấp để đảm bảo thời gian ký kết theo yêu cầu đối ngoại; một số thành viên Ủy ban gặp khó khăn trong nghiên cứu, thu xếp tham gia các phiên họp Ủy ban. Về công tác chủ trì tổ chức và phục vụ UBTVQH điều hòa các hoạt động đối ngoại của Quốc hội còn gặp khó khăn do hoạt động đối ngoại có tính chất đặc thù và hay phát sinh tình huống, nhiều nội dung làm việc, hoạt động có tính nhạy cảm về chính trị, an ninh, quốc phòng nhưng thiếu sự phối hợp kịp thời và điều hành thống nhất.

Để khắc phục những bất cập trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội nói chung cũng như hoạt động của Ủy ban Đối ngoại nói riêng, năm 2015, Ủy ban Đối ngoại đã tiến hành rà soát và tổng kết việc thực hiện Quy chế hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội từ năm 2008 đến nay để tiến hành sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp với tình hình mới. Dự kiến Quy chế sửa đổi sẽ được trình UBTVQH cho ý kiến vào tháng 12/2015.



B. PHƯƠNG HƯỚNG CÔNG TÁC NĂM 2016

Năm 2016 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử đại biểu Quốc hội XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, là năm đầu tiên thành lập Cộng đồng ASEAN, Quốc hội dự kiến phê chuẩn nhiều điều ước quốc tế quan trọng (Hiệp định TPP, Hiệp định thương mại tự do EVFTA…) Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong hoạt động của năm 2015, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, Ủy ban Đối ngoại tập trung vào các công tác trọng tâm trong năm 2016 như sau:



I. Công tác lập pháp – giám sát

1. Tiếp tục chủ trì thẩm tra dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11; chủ trì thẩm tra các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực; tham gia thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, nhất là các dự án luật, pháp lệnh có yếu tố nước ngoài.

2. Tổ chức nghiên cứu, rà soát phục vụ công tác thẩm tra việc phê chuẩn Hiệp định TPP, các Hiệp định thương mại tự do FTA và các điều ước quốc tế khác.

3. Bên cạnh các hoạt động giám sát thường xuyên, tiếp tục tổ chức triển khai chuyên đề giám sát do Ủy ban Đối ngoại chủ trì, tham gia các đoàn giám sát chuyên đề của UBTVQH. Đặc biệt đối với các đoàn công tác nước ngoài có nội dung làm việc với cơ quan đại diện của Việt Nam và tiếp xúc cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Đối ngoại kiến nghị đưa nội dung giám sát việc thực hiện luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo hộ công dân là một nội dung trong chương trình làm việc của các đoàn công tác. Tổ chức các cuộc giám sát, khảo sát việc thực hiện chính sách của Nhà nước đối với người nước ngoài tại Việt Nam, giám sát việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Quốc hội đã phê chuẩn liên quan đến lĩnh vực kinh tế đối ngoại.



II. Công tác triển khai hoạt động đối ngoại của Quốc hội

  1. Dự báo bối cảnh tình hình thế giới và khu vực năm 2016

1.1.Về chính trị và an ninh

Năm 2016, tình hình thế giới và khu vực, nhất là khu vực châu Âu, Trung Đông, Đông Bắc Á, Đông Nam Á diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc đến môi trường, hòa bình, an ninh thế giới và của nước ta. Các nước lớn tiếp tục đóng vai trò chi phối quan hệ quốc tế, mặc dù có những dấu hiệu giảm căng thẳng nhưng cạnh tranh chiến lược vẫn rất quyết liệt. Châu Phi tuy vẫn là châu lục có nhiều khó khăn, bất ổn nhưng tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nước lớn. Châu Á – Thái Bình Dương vừa là động lực tăng trưởng kinh tế thế giới, vừa là trọng điểm cạnh tranh chiến lược của các nước lớn, nhất là quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ. Đối với khu vực, việc Trung Quốc tiến hành cải tạo bất hợp pháp các đảo đá, bãi đá và xây dựng hai ngọn hải đăng tại bãi đá Châu Viên và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, làm tình hình thêm căng thẳng, phức tạp. Mặt khác, việc Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague, Hà Lan phán định rằng họ có có đủ thẩm quyền để xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới Biển Đông. Tòa cũng bác luận điểm của Trung Quốc rằng đây là tranh chấp về chủ quyền và vượt ra ngoài thẩm quyền của Tòa có thể sẽ dẫn ra các hệ quả mới trong việc giải quyết các bất đồng, tranh chấp tại Biển Đông trong thời gian tới. Tình hình Campuchia có nhiều diễn biến phức tạp, Đảng CNRP của Campuchia tiếp tục sử dụng vấn đề biên giới, Việt kiều gây mất ổn định quan hệ hai nước. Với Lào việc tiếp tục xây dựng các công trình thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông có thể gây tác động xấu tới môi trường sinh thái khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng tới đời sống dân sinh trong khu vực này.



1.2. Về kinh tế

Năm 2016, theo dự báo của Ngân hàng thế giới, kinh tế thế giới phục hồi nhẹ với mức 3.0% do hoạt động sản xuất công nghiệp, đầu tư và thương mại toàn cầu chậm lại đáng kể, đồng thời triển vọng tăng trưởng không đồng đều giữa các nước và nhóm nước. IMF nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2016 tiềm ẩn nhiều rủi ro do nguy cơ gây bất ổn thị trường tài chính toàn cầu như tái phát khủng hoảng nợ Hy Lạp, cú sốc kép của việc đồng loạt thu hẹp nới lỏng tiền tệ của EU, Mỹ, Nhật Bản..; rủi ro kinh tế Trung Quốc có nhiều tác động khó lường, căng thẳng leo thang ở các điểm nóng địa – chính trị nếu vượt tầm kiểm soát có thể làm gián đoạn các dòng lưu chuyển thương mại, đầu tư và năng lượng toàn cầu. Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ trong năm 2015 vừa qua đã có những ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến nền kinh tế nước ta, việc này cũng có thể tiếp tục xảy ra trong năm 2016.



  1. Phương hướng triển khai các hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm 2016

Năm 2016 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV ngay sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, vì vậy cần tăng cường thông tin đối ngoại trên kênh ngoại giao nghị viện về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và tình hình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, các hoạt động đối ngoại trên hai bình diện đa phương và song phương cũng cần tiếp tục được triển khai tích cực, đảm bảo tính kế thừa và phát huy các kết quả tốt đẹp đã đạt được trong thời gian qua.

Căn cứ bối cảnh tình hình và các mục tiêu của hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước đã đề ra, phương hướng triển khai các hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm 2016 như sau:



2.1. Các hoạt động song phương

- Tổ chức và phối hợp thực hiện tốt Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2016 của các cơ quan của Quốc hội; tăng cường vai trò tham mưu, điều hòa, phối hợp của Ủy ban Đối ngoại trong việc xây dựng và tổ chức triển khai chương trình hoạt động đối ngoại của Quốc hội theo hướng xác định mục tiêu, đối tượng trọng tâm, trọng điểm, xác định phương thức hoạt động cụ thể, đa dạng, chú trọng vào nội dung, hiệu quả và thiết thực;

- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan của Đảng, Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại chung của Đảng, Nhà nước;

- Do đây là năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội mới, Ủy ban Đối ngoại kiến nghị các đồng chí lãnh đạo Quốc hội đi thăm và chào lãnh đạo Quốc hội các nước trong khối ASEAN, các đối tác quan trọng trong khu vực để thiết lập mối quan hệ, xây dựng lòng tin và sự hiểu biết, thống nhất phương hướng hợp tác với lãnh đạo Quốc hội các nước ASEAN theo thông lệ của khối;

- Tiếp tục củng cố và phát triển các mối quan hệ với các nước đã có ký thỏa thuận hợp tác với Quốc hội Việt Nam, đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung hợp tác đã ký với Quốc hội các nước. Đối với các đối tác quan trọng, có các sự kiện kỷ niệm lớn như thiết lập quan hệ ngoại giao, có các thỏa thuận hợp tác quan trọng... kiến nghị mời 01 đồng chí lãnh đạo Quốc hội đi thăm chính thức;

- Phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tổ chức triển khai các hoạt động đối ngoại của Quốc, các đoàn ra, đón các đoàn vào thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.



2.2. Các hoạt động đa phương

- Ủy ban Đối ngoại tiếp tục chỉ đạo theo dõi và tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các diễn đàn nghị viện đa phương chính như IPU, AIPA, APF, APPF, đề xuất kịp thời về việc tham gia của Quốc hội ta bảo đảm thiết thực và hiệu quả về nội dung, nâng cao vị thế và vai trò của Quốc hội Việt Nam trên diễn đàn liên nghị viện khu vực, đăng cai tổ chức 1-2 hội nghị vùng của các tổ chức liên nghị viện quan trọng thể hiện tích cực vai trò ủy viên chấp hành của IPU.

- Thông qua các diễn đàn liên nghị viện quốc tế để tuyên truyền và bảo vệ các lợi ích của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

2.3. Công tác khác

- Hoàn thiện Quy chế hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội để khắc phục những bất cập trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội nói chung cũng như hoạt động của Ủy ban Đối ngoại nói riêng; đảm bảo thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội theo Hiến pháp mới và theo Luật Tổ chức Quốc hội mới cũng như Quyết định số 272-QĐ/TW ngày 21/01/2015 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại;

- Kiến nghị Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp… về chủ trương, phương châm đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, nhất là phổ biến về cơ hội, thách thức khi Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP và tham gia Cộng đồng ASEAN…;

- Tăng cường các hoạt động của Tổ chức Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam; Đẩy mạnh hoạt động của Nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxin theo hướng hiệu quả, thiết thực;



- Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại về hoạt động của Quốc hội cũng như thành tựu trong lĩnh vực dân chủ và nhân quyền;

- Tiếp tục tham mưu cho Quốc hội, UBTVQH đóng góp vào cuộc đấu tranh chung của cả nước trong vấn đề Biển Đông, một số vấn đề liên quan đến biên giới đất liền, hợp tác khu vực sông Mê Kông, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững thông qua các cuộc gặp song phương và các diễn đàn Nghị viện đa phương khu vực và quốc tế;

- Phối hợp với Ban Công tác đại biểu giới thiệu đại biểu chuyên trách và kiêm nhiệm của Ủy ban Đối ngoại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021).

*

* *

Trên đây là Báo cáo hoạt động của Ủy ban Đối ngoại năm 2015 và phương hướng công tác năm 2016, Ủy ban Đối ngoại trân trọng báo cáo các vị đại biểu Quốc hội.



Nơi nhận:

- Các vị ĐBQH;

- Văn phòng Quốc hội (để phối hợp);

- Lưu HC, ĐN.



Số E-pas: 77960



TM. ỦY BAN ĐỐI NGOẠI

CHỦ NHIỆM

(Đã ký)
Trần Văn Hằng



Каталог: content -> vankien -> Lists -> DanhSachVanKien -> Attachments
Attachments -> KỲ HỌp thứ TÁm quốc hội khoá XII (20/10/2010 26/11/2010)
Attachments -> Đa dạng sinh họC Ở việt nam
Attachments -> PHẦn I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
Attachments -> CHÍnh phủ Số: 62/bc-cp cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc Hà Nội, ngày 5 tháng 5 năm 2008 BÁo cáO
Attachments -> BỘ giao thông vận tảI 1/ Cử tri tỉnh Đắk Lắc kiến nghị
Attachments -> QUỐc hội khóa XI uỷ ban về các vấn đề xã hội
Attachments -> QUỐc hội số: CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> 210/bc-btnmt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> KỲ HỌp thứ TÁm quốc hội khoá XII (20/10/2010 26/11/2010) TẬp hợP Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
Attachments -> Ủy ban thưỜng vụ quốc hội số: 365/bc-ubtvqh12

tải về 127.43 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương