Ủy ban đỐi ngoại số: 3392/bc-ubđN13 CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 111.58 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích111.58 Kb.
#31093


QUỐC HỘI KHÓA XIII

ỦY BAN ĐỐI NGOẠI


Số: 3392/BC-UBĐN13



CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc



Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2013


BÁO CÁO

Kết quả hoạt động của Uỷ ban Đối ngoại năm 2013

và phương hướng công tác năm 2014

Năm 2013, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, cùng với các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã tiếp tục được mở rộng và tăng cường ở nhiều góc độ với phương châm thiết thực, hiệu quả, góp phần tạo thế và lực cho đất nước trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng trên trường quốc tế.

Ủy ban Đối ngoại trân trọng báo cáo các vị đại biểu Quốc hội về kết quả hoạt động của Ủy ban trong năm 2013 và phương hướng công tác năm 2014 như sau:

A. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG NĂM 2013

I. CÔNG TÁC LẬP PHÁP - GIÁM SÁT



1. Công tác xây dựng pháp luật

Triển khai Nghị quyết số 38/2012/QH13 của Quốc hội ngày 23/11/2012 và Kế hoạch số 216/KH-UBDTSĐHP ngày 28/12/2012 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Ủy ban Đối ngoại đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, theo đó đã tổ chức hai Hội nghị lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Hà Nội (ngày 29/1/2013) và tại Tp. Hồ Chí Minh (ngày 31/1/2013). Các ý kiến đóng góp tập trung vào những nội dung liên quan đến lĩnh vực đối ngoại, cũng như đóng góp chung vào toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.



Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Ủy ban Đối ngoại đã tiến hành tổng kết thi hành Luật Tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ đó có những đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số vấn đề cụ thể trong các Luật này. Ủy ban đã tích cực phối hợp với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh theo phân công của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ủy ban đã tổ chức nghiên cứu và đóng góp ý kiến đối với dự thảo Quy chế quy định việc tổ chức chất vấn tại phiên họp UBTVQH, dự thảo Nghị quyết của UBTVQH hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; phối hợp với Bộ Ngoại giao hướng dẫn thực hiện Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế và Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Trước kỳ họp thứ năm, Ủy ban Đối ngoại đã chủ trì thẩm tra việc đàm phán, ký Thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào. Ủy ban đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao tổ chức nhiều cuộc họp với sự tham gia của các cơ quan liên quan của Quốc hội và các Bộ: Công an, Tư pháp, Quốc phòng; phối hợp hoàn thiện Báo cáo của Chính phủ về việc đàm phán, ký Thỏa thuận theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến của Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại đã chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết số 48/2013/NQ-QH13 ngày 20/6/2013 của Quốc hội cho phép Chính phủ Việt Nam ký với Chính phủ Lào Thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào.

Ủy ban Đối ngoại cũng đã tiến hành thẩm tra việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town) và việc gia nhập Công ước chống tra tấn để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội. Thường trực Ủy ban Đối ngoại phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức hai Hội nghị giới thiệu về Công ước và Nghị định thư Cape Town cho các vị đại biểu Quốc hội tại Vĩnh Phúc và Tp. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 8/2013.

Ngoài ra, Ủy ban Đối ngoại đã nghiên cứu và đóng góp ý kiến vào các dự thảo thỏa thuận quốc tế như: Thỏa thuận hợp tác giữa Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam và Tòa phá án Pháp; Thỏa thuận hợp tác giữa Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Việt Nam và Viện kiểm sát nhân dân tối cao Cu Ba, với Tổng Viện kiểm sát tối cao nước Cộng hòa Uzbekistan; Dự thảo Biên bản ghi nhớ giữa KTNN Việt Nam với Cơ quan Tổng Kiểm toán Mi-an-ma, và với Cơ quan Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc…



2. Công tác giám sát

Thực hiện chương trình hoạt động giám sát của Ủy ban Đối ngoại năm 2013, Ủy ban đã tiến hành giám sát 4 nội dung và chuyên đề sau:

- Giám sát việc thực hiện Luật Quốc tịch đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam từ khi Luật Quốc tịch Việt Nam (Luật số 24/2008/QH12, có hiệu lực từ ngày 1/7/2009 đến nay;

- Giám sát việc thực hiện Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và tình hình triển khai các văn bản như: Nghị định thư phân giới cắm mốc năm 2009, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới năm 2009, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc năm 2009, Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc năm 1999 tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh;

- Giám sát tình hình thực hiện các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Quốc hội sau chuyến thăm chính thức một số nước Châu Âu tháng 12/2011 và tháng 3/2013;

- Giám sát thường niên tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước 06 tháng đầu năm 2013 và thuyết minh dự toán thu, chi NSNN năm 2014 của Bộ Ngoại giao;

- Theo kế hoạch, trong tháng 12/2013, Ủy ban Đối ngoại sẽ thực hiện giám sát tình hình triển khai các dự án ODA sử dụng vốn ngân sách của Việt Nam tại Lào .

Đối với nội dung Giám sát việc thực hiện Luật Quốc tịch đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Qua công tác giám sát, bước đầu đã tổng hợp số liệu, rà soát các trình tự thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, rà soát các thủ, báo cáo về vấn đề xác minh quốc tịch; đồng thời đã đưa ra nhiều kiến nghị giải pháp để vừa đảm bảo tính thực thi của Luật, vừa không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Đối với nội dung giám sát việc thực hiện Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc: Ủy ban Đối ngoại đã tiến hành nghiên cứu báo cáo của các Bộ, ban ngành và địa phương có chung đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc và tổ chức đoàn giám sát tại các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn. Đánh giá chung từ sau khi phân giới cắm mốc đến nay, tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc cơ bản là ổn định, hợp tác và phát triển. Việc triển khai nội dung Hiệp ước và 03 văn kiện biên giới trong thời gian qua được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương quán triệt thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Đồng thời qua đợt giám sát này, Ủy ban Đối ngoại đã có những đánh giá và kiến nghị cụ thể về các công việc cần triển khai trong thời gian tới, các vấn đề liên quan đến kinh phí, cơ chế, chính sách, đào tạo, các vấn đề cần làm rõ hơn nhằm góp phần vào việc thực hiện hiệu quả Hiệp ước và ba văn kiện.

Đối với nội dung giám sát tình hình thực hiện các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Quốc hội sau chuyến thăm chính thức một số nước Châu Âu (tháng 12/2011 và tháng 3/2013): đây là một nội dung giám sát mới, được Ủy ban Đối ngoại lần đầu tiên triển khai thông qua cuộc họp giám sát và nghiên cứu báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát. Nhìn chung, các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Quốc hội sau chuyến thăm chính thức các nước Châu Âu đều được các Bộ, ban ngành nghiêm túc thực hiện. Một số kiến nghị đang được gấp rút thực hiện như:

+ Bộ Ngoại giao đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị thời điểm phê chuẩn Hiệp định Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA) trong năm 2013 làm tiền đề để thúc đẩy việc phê chuẩn của 28 nước trong EU, đảm bảo điều kiện để PCA chính thức có hiệu lực.

+ Việc Đàm phán Hiệp định thương mại tự do FTA giữa Việt Nam và EU, giữa Việt Nam và liên minh thuế quan cũng đang được thực hiện đúng tiến độ.

+ Một số dự án hợp tác với Nga, Đức, Ba Lan cũng được Bộ Công thương chủ trì thúc đẩy triển khai…

Đồng thời, thông qua đợt giám sát này, Ủy ban Đối ngoại đã có ý kiến đề nghị các Bộ, ban, ngành thực hiện nhiều giải pháp cụ thể hơn nữa nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, đối tác chiến lược với Cộng hòa Liên bang Đức, đối tác chiến lược với Vương quốc Anh; nâng cấp quan hệ hai nước Việt Nam – Ba Lan lên tầm đối tác chiến lược.

II. TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI

Triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, với mục đích tiếp tục duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước, tăng cường vai trò, vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế, đưa quan hệ của ta với các nước đi vào chiều sâu và hiệu quả, Ủy ban Đối ngoại đã tham mưu, điều phối, chủ trì và phối hợp tổ chức tốt việc triển khai các hoạt động đối ngoại của Quốc hội theo Chương trình hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm 2013 đã được phê duyệt.

1. Hoạt động đối ngoại song phương

Ủy ban Đối ngoại đã tham mưu và tổ chức các Đoàn của Quốc hội ta đi thăm song phương, làm việc tại các nước, trong đó có nhiều đoàn đại biểu cấp cao do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu; chủ trì việc đón tiếp, tổ chức chương trình cho các Đoàn đại biểu từ Nghị viện các nước thuộc nhiều khu vực khác nhau trên thế giới đến thăm và làm việc với Quốc hội nước ta. Các hoạt động đối ngoại trọng tâm của Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã được triển khai chu đáo về mặt nội dung, tổ chức và nghi lễ đáp ứng yêu cầu chính trị, đối ngoại đặt ra. Cụ thể như sau:



1.1. Triển khai các đoàn thăm và làm việc ở nước ngoài

Trên cơ sở điều hòa, phối hợp, tránh trùng lặp nội dung, địa bàn, phát huy tối đa hiệu quả kênh ngoại giao nghị viện, Ủy ban Đối ngoại đã tham mưu, xây dựng, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua Chương trình đối ngoại năm 2013 của Quốc hội; trực tiếp triển khai hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội; triển khai hơn 40 đoàn (tính đến tháng 10/2013) của Quốc hội theo đúng Chương trình đã được duyệt, trên tinh thần hiệu quả, tiết kiệm.

Để tăng cường quan hệ láng giềng, quan hệ hợp tác đối tác với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và với Nga, quan hệ đối tác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Ủy ban Đối ngoại đã chủ trì tổ chức và phục vụ Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức Nga, Đức, Ba Lan (9-17/3/2013) và thăm chính thức Hàn Quốc, Mi-an-ma (21-26/7/2013). Chuyến thăm chính thức các nước nói trên đã thành công, góp phần quan trọng vào việc triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong đó khẳng định ưu tiên phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, đối tác chiến lược với Đức, quan hệ hợp tác truyền thống nhiều mặt với Ba Lan, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với Hàn Quốc, quan hệ truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Mi-an-ma, đưa mối quan hệ hợp tác nghị viện giữa Việt Nam và các nước nói trên tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp vốn có.

Ủy ban Đối ngoại đã tham mưu và trực tiếp chỉ đạo triển khai tổ chức các chuyến thăm của các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội.

Chuyến thăm làm việc tại Lào của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (27-31/3/2013); thăm làm việc và đồng chủ trì hội thảo kinh tế vĩ mô lần đầu tiên với Quốc hội Lào (tháng 8/2013) của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thể hiện sự quan tâm của Quốc hội ta đối với mối quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào và hợp tác giữa hai Quốc hội, góp phần tăng cường quan hệ giữa hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước.

Đoàn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm làm việc tại Ấn Độ, Sri Lanka (2/2013); thăm Peru và kết hợp dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) tại Ecuador (3/2013), thăm Tây Ban Nha và Rumani (2-12/9/2013). Chuyến thăm Ấn Độ và Sri Lanka thành công tốt đẹp với việc Ấn Độ ủng hộ lập trường của ta về Biển Đông, coi Việt Nam là một trong các trụ cột quan trọng trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ; mở ra những tiềm năng hợp tác với Sri Lanka trong các lĩnh vực quốc phòng an ninh, kinh tế thương mại, văn hóa giáo dục, nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản... Chuyến thăm làm việc kết hợp dự Đại hội đồng IPU tại Peru và Ecuador (3/2013) góp phần tăng cường quan hệ của ta với khu vực Nam Mỹ, giành được sự ủng hộ rộng rãi đối với việc Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU 132) năm 2015. Chuyến thăm làm việc tại Tây Ban Nha và Rumani đã củng cố và thắt chặt hơn quan hệ hợp tác nghị viện giữa Việt Nam và hai nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thăm làm việc tại các nước Malaysia, Indonesia, Singapore (22-31/7/2013) khẳng định chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam trong phát triển quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Chuyến thăm Azerbaijan, Hy Lạp và Kazakhstan (25/6-5/7/2013) của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã củng cố và tăng cường hơn nữa với các nước có mối quan hệ truyền thống với Việt Nam tại khu vực Trung Á, Đông Nam Âu, các nước thuộc Liên Xô cũ. Đây là hoạt động trao đổi đoàn lần đầu tiên giữa Quốc hội ta và Quốc hội Azerbaijan; tăng cường hơn nữa hợp tác nghị viện giữa Quốc hội ta và Nghị viện Kazakhstan, Quốc hội Hy Lạp.

Trên cơ sở Chương trình tổng thể hoạt động đối ngoại năm 2013 của Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại đã trực tiếp và phối hợp tổ chức hơn 30 đoàn của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của UBTVQH đi thăm làm việc tại các nước, như: Trưởng ban Công tác Đại biểu, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Thái Lan Nguyễn Thị Nương thăm làm việc kết hợp dự hội thảo tại Thái Lan (3/2013); Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thăm làm việc tại Nghị viện châu Âu (EP) và Vương quốc Bỉ (5/2013), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thăm Trung Quốc (7/2013), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa thăm Pháp, Bỉ (10/2013),...

Cho đến nay hầu hết các đoàn công tác theo chương trình đối ngoại được duyệt đã được triển khai đúng địa bàn, đúng tiến độ; đảm bảo nội dung chương trình, chất lượng và hiệu quả.



1.2. Đón đoàn Quốc hội các nước thăm, làm việc tại Việt Nam

Thực hiện Chương trình đã đề ra, tính đến tháng 10/2013, Ủy ban Đối ngoại đã tổ chức triển khai đón tiếp thành công gần 40 đoàn đại biểu nghị viện các nước thăm Việt Nam, trong đó có 05 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội:

Đoàn Chủ tịch Quốc hội Lào thăm Việt Nam (6-11/1/2013) nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước. Đoàn Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc (13-16/1/2013) thăm ta trong bối cảnh năm 2012, hai nước Việt Nam-Hàn Quốc vừa kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao nhằm duy trì trao đổi đoàn cấp cao, góp phần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa hai Quốc hội trên cơ sở mối quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược” giữa hai nước. Việc Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc đi thăm Việt Nam đầu tiên ngay sau khi kết thúc phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa 18 của Hàn Quốc thể hiện sự coi trọng của Hàn Quốc đối với khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng. Đoàn Chủ tịch Hạ viện Australia thăm Việt Nam (22-24/5/2013) trong bối cảnh hai nước đang tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động chào mừng 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (26/2/1973 - 26/2/2013), ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội Việt Nam - Australia. Ngoài ra, Ủy ban Đối ngoại đã chủ trì và phối hợp tổ chức đón tiếp chu đáo hàng chục đoàn lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan trực thuộc Quốc hội của các nước bạn thăm làm việc tại Việt Nam như các Đoàn Phó Chủ tịch Quốc hội Lào; Đoàn nghị sĩ Australia; Đoàn Ủy ban Kiểm toán Quốc hội Phần Lan; Đoàn Ủy ban Điều hành Quốc hội Hàn Quốc; các Đoàn trợ lý nghị sĩ Ủy ban Tài chính Thượng viện, Đoàn trợ lý nghị sĩ Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Đoàn MECEA Hoa Kỳ1.

Tiếp tục mối quan hệ đặc biệt giữa Quốc hội hai nước Việt Nam - Lào, Ủy ban Đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ và giúp đỡ bạn trong các hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo khu vực và quốc tế tại hai nước; đặc biệt phối hợp tổ chức hội thảo và giao lưu trao đổi kinh nghiệm giữa văn phòng Quốc hội hai nước (tháng 8/2013), đồng thời đã phối hợp thu xếp đón nhiều đoàn Phó Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo các ủy ban Quốc hội Lào sang khám chữa bệnh, thăm nghỉ dưỡng tại Việt Nam.

Ngoài các đoàn Lãnh đạo Quốc hội, ta cũng đã đón, làm việc với nhiều đoàn cấp ủy ban, Nhóm NSHN của Quốc hội các nước thăm và làm việc tại Việt Nam như: các Nhóm Nghị sỹ Anh-Việt của Quốc hội Anh, Nhóm NSHN Thái-Việt của Hạ viện Thái Lan, Nhóm NSHN Nga-Việt của Đuma quốc gia Nga, Nhóm NSHN Pháp-Việt của Thượng viện Pháp,...góp phần tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động nghị viện giữa các cơ quan của Quốc hội ta với các đối tác tiếp xúc.

1.3. Các hoạt động khác:

Bên cạnh việc tham mưu, tổ chức phục vụ các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội, trực tiếp chỉ đạo, điều hòa và triển khai các hoạt động đối ngoại của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan phụ trách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân nhằm nâng cao hơn hiệu quả hoạt động đối ngoại nói chung, đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước, đấu tranh với các luận điệu sai trái về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo; tham gia các hoạt động đối ngoại chung như: cử đại diện tham gia Đoàn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự Diễn đàn Kinh tế tại Myanmar, tham dự tang lễ cựu Quốc vương Campuchia Nô-rô-đôm Xi-ha-núc; phối hợp phục vụ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Thái Lan, Ấn Độ.... Đồng thời, Ủy ban Đối ngoại trực tiếp tham gia ý kiến về những vấn đề đối ngoại cụ thể của Đảng, Nhà nước như đóng góp vào sửa đổi Qui chế 295 của Bộ Chính trị về thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam –Trung Quốc, Tuyên bố chung Việt Nam - Bulgaria, “Chương trình hành động giai đoạn 2014 - 2018 triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Indonesia”, tình hình triển khai Kế hoạch hành động Việt Nam - Anh 6 tháng đầu năm 2013, thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên bang Comores; xây dựng báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội về việc triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài,...



1.4. Tổ chức các cuộc tiếp khách quốc tế

Ủy ban Đối ngoại đã chủ trì và phối hợp tổ chức phục vụ nội dung và công tác lễ tân cho khoảng hơn 30 cuộc tiếp xã giao, hội kiến giữa Chủ tịch Quốc hội ta với lãnh đạo nhà nước, chính phủ, hoàng gia các nước thăm Việt Nam theo đề nghị của bạn và kiến nghị của Bộ Ngoại giao; nhiều cuộc tiếp khách quốc tế của các Phó Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.



2. Hoạt động đối ngoại đa phương

Ủy ban Đối ngoại là đầu mối tham mưu và giúp Lãnh đạo Quốc hội trong việc chỉ đạo, điều hòa sự tham gia của Quốc hội ta tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế. Trong năm 2013, Ủy ban Đối ngoại đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này, tham mưu và chủ trì triển khai các Đoàn đại biểu Quốc hôi nước ta tham dự các diễn đàn liên nghị viện quan trọng, đạt kết quả tốt. Các kiến nghị do Ủy ban chủ trì và phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng phù hợp với nội dung nghị sự của các diễn đàn, bảo vệ hiệu quả các lợi ích quốc gia, hài hòa với lợi ích chung của khu vực và quốc tế. Các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương đã được tổ chức một cách hiệu quả, tiết kiệm, bám sát Chương trình hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm 2013.

Trong khuôn khổ Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Ủy ban đã tham mưu lãnh đạo Quốc hội ta tham dự các hoạt động trong năm 2013 và đạt được những kết quả tích cực.

Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu tham dự Đại hội đồng AIPA lần thứ 34 tại Brunei (9/2013) đã có những đóng góp quan trọng vào các dự thảo Nghị quyết của AIPA-34, thể hiện quan điểm và tiếp tục thúc đẩy nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia và lợi ích chung của khu vực. Sáng kiến của Việt Nam về “Tăng trưởng xanh” đã được AIPA-34 thống nhất thành Nghị quyết chung.

Quốc hội Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AIPA Caucus lần thứ 5 và chủ trì tổ chức Hội nghị AIPA Caucus lần thứ 5 từ 11-14/5/2013 tại Tp. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ủy ban Đối ngoại đã phối hợp các cơ quan Quốc hội tổ chức thành công Hội nghị , đáp ứng các yêu cầu đề ra về nội dung và công tác tổ chức,góp phần củng cố và tăng cường vai trò của Quốc hội Việt Nam trong AIPA; thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nghị viện và nghị sĩ trong khu vực.

Hội nghị Ủy ban Điều tra thực trạng nhằm chống lại hiểm họa ma túy (AIFOCOM-10) tại Brunei do Ủy ban Đối ngoại phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội tham dự vào tháng 5/2013 đã đóng góp vào việc nâng cao hợp tác giữa các nghị viện trong khu vực đấu tranh phòng, chống hiểm họa ma túy

Ủy ban Đối ngoại cũng chủ động phối hợp với Ban Thư ký AIPA trong nhiều hoạt động nhằm tăng cường trao đổi thông tin giữa các nghị viện thành viên AIPA. Trong năm 2013, ta đã cử cán bộ tham dự nhiều Khóa tập huấn, Hội nghị, hội thảo chuyên đề và tham gia đoàn nghiên cứu so sánh tại châu Âu trong khuôn khổ “Chương trình nâng cao năng lực AIPA” hợp tác giữa Ban Thư ký AIPA và Chính phủ Đức.

Với Diễn đàn Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), được sự chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại tiếp tục thúc đẩy đề xuất đăng cai Đại hội đồng IPU-132 tại Việt Nam vào năm 2015. Trong năm 2013, Ủy ban Đối ngoại đã chủ trì đón Tổng Thư ký IPU vào ta để tìm hiểu năng lực tổ chức, cam kết chính trị và khảo sát thực tế điều kiện của Việt Nam. Tháng 3/2013. Ủy ban Đối ngoại đã tham mưu, tổ chức Đoàn do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 128 tại Ecuador nhằm (i) tiếp tục phát huy vai trò tích cực và chủ động của Quốc hội Việt Nam trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương; (ii) vận động các nghị viện thành viên IPU, thúc đẩy Ban Chấp hành và Hội đồng Điều hành của IPU thông qua chủ trương Việt Nam đăng cai Đại Hội đồng IPU-132 năm 2015. Nhờ làm tốt công tác hồ sơ và các cuộc làm việc hiệu quả với Tổng Thư ký IPU trong chuyến thăm Việt Nam tháng 2/2013, cùng với hoạt động vận động nêu trên, tất cả thành viên Nhóm ASEAN+3, Nhóm địa chính trị CÁ-TBD và Ban chấp hành IPU đều thể hiện sự nhất trí cao đối với việc Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU-132 vào đầu năm 2015 tại Hà Nội và Hội đồng điều hành đã thông qua quyết định giao Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức kỳ họp này của Đại hội đồng IPU. Đây là một thành công có ý nghĩa, thể hiện sự coi trọng và đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Tiếp đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã tham dự Đại hội đồng IPU 129 tại Geneva, Thụy Sĩ (10/2013) nhằm đóng góp vào các nội dung nghị sự chuẩn bị cho IPU-130 năm 2014 và vận động các nước cử đoàn cấp cao tham dự IPU-132 tổ chức tại Việt Nam vào năm 2015.



Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Ủy ban Đối ngoại đã tham mưu cho lãnh đạo Quốc hội ta tham dự Hội nghị Thường niên lần thứ 21 của APPF (APPF-21) tại Liên bang Nga (01/2013) và tham gia thảo luận nhiều chủ đề mang tính thời sự của khu vực và thế giới liên quan đến tình hình an ninh - chính trị (Hoà bình và ổn định ở CÁ-TBD, đấu tranh chống khủng bố - ma tuý và tội phạm có tổ chức, tác động từ diễn biến ở Trung Đông - Bắc Phi tới an ninh thế giới, vai trò của ngoại giao nghị viện…), kinh tế - thương mại (an ninh lương thực; vai trò của nghị viện trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại nội khối, phát triển hạ tầng giao thông và hậu cần hiện đại cho khu vực) và hợp tác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (thúc đẩy đối thoại và giao lưu văn hoá, giáo dục và nhân đạo, giải quyết vấn đề đói nghèo và an sinh xã hội, an ninh năng lượng và hợp tác phòng chống thiên tai). Các phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại APPF-21 và các thành viên tham dự đã nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế .

Tại các tổ chức Nghị viện khu vực và quốc tế khác, Ủy ban Đối ngoại đã phối hợp với các cơ quan hữu quan của Quốc hội tham dự các diễn đàn Nghị viện khu vực và các Hội nghị quốc tế như: Phân ban Việt Nam trong Liên mình Nghị viện Pháp ngữ APF đã tham dự cuộc họp Ban Chấp hành APF (02/2013) tại Paris, Pháp; Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ lần thứ 39 (APF-39) tại Abidjan, Côte d’Ivoire (07/2013); đăng cai tổ chức Hội thảo chuyên đề “vai trò của đại biểu Quốc hội trong công việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ” tháng 10/2013 tại Hà Nội và dự kiến tham dự Cuộc họp lần thứ 6 Vùng Châu Á-Thái Bình Dương trong APF (cuối tháng 12) tại Vientiane, Lào. Qua các kỳ họp Ban Chấp hành và Đại hội đồng APF, ngoài các nội dung nghị sự thảo luận, Phân ban đã đề nghị APF và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) quan tâm và giúp đõ đối với việc duy trì quảng bá tiếng Pháp tại khu vực, APF cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam là cầu nối giữa khu vực Đông Nam Á và khối Pháp ngữ. Tại Đại hội đồng lần thứ 39, các Phân ban trong Vùng và Ban Chấp hành APF tiếp tục tín nhiệm bầu đại diện Phân ban Việt Nam giữ cương vị Phó Chủ tịch APF nhiệm kỳ 2013-1015; Hội nghị Nghị sĩ Quốc tế về Hợp tác phát triển Lập pháp trong 4 nước thuộc Tiểu vùng sông Mê-Kông: Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam tổ chức tại Thái Lan, tháng 03/2013; Hội nghị Quốc tế về quản lý ngân sách tại Campuchia (03/2013); Hội nghị Kinh tế Mùa xuân 2013 (Mỹ, 04/2013); Diễn đàn các Nghị sĩ châu Á về Dân số và Phát triển (AFPPD) tại Hàn Quốc (05/2013); Hội nghị Nghị viện về WTO của Quỹ Temasek và Ban thư ký WTO tại Singapore (6/2013);

Tiếp tục thực hiện thỏa thuận hợp tác trong khu vực, Ủy ban Đối ngoại cũng đã tham gia Hội nghị lần thứ 5 Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước Campuchia – Lào – Việt Nam tại Campuchia (04/2013) nhằm trao đổi thông tin và hợp tác trên lĩnh vực đối ngoại của Quốc hội 3 nước, tập trung tìm kiếm giải pháp nhằm hỗ trợ khu vực tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam.



3. Công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại

Thường trực Uỷ ban Đối ngoại tiếp tục tham gia tích cực vào các hoạt động của Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin Đối ngoại. Trên cơ sở Đề án “Thông tin tuyên truyền đối ngoại của Quốc hội, nhiệm kỳ 2012 - 2016” công tác thông tin đối ngoại của Quốc hội năm 2013 tiếp tục được đẩy mạnh thông qua nhiều hoạt động cụ thể là việc phát hành “Bản tin Ngoại giao Nghị viện” theo từng quý để cung cấp thông tin về hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, các nội dung đang thu hút sự chú ý của nghị viện khu vực và quốc tế, kinh nghiệm của Nghị viện các nước trong việc thực hiện chức năng hoạt động của Quốc hội...

Nhằm nâng cao hơn nữa việc cung cấp thông tin cho bạn bè khu vực và quốc tế về hoạt động của Quốc hội ta, Thường trực Ủy ban đã chỉ đạo Vụ Đối ngoại lựa chọn và biên dịch nhiều nội dung thông tin sang tiếng Anh, phối hợp với các bộ phận tuyên truyền của các diễn đàn liên nghị viện như Bản tin AIPA, Bản tin APF để kịp thời đưa tin về các sự kiện nổi bật của Quốc hội ta trong năm 2013. Sự phối hợp thông tin tích cực và có trách nhiệm của ta được Ban thư ký các diễn đàn ghi nhận và đánh giá cao.

Thông qua hoạt động ngoại giao kênh 22 của các Nhóm nghị sĩ hữu nghị, trao đổi cá nhân giữa các nghị sĩ, phối hợp trao đổi thông tin cùng với các cơ quan thông tấn báo chí truyền hình trong nước và ngoài nước, công tác thông tin đối ngoại đã có những chuyển biến tích cực trong năm 2013.



4. Công tác nghiên cứu tổng hợp

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại đang triển khai xây dựng “Một số định hướng đối ngoại của Quốc hội Việt Nam từ nay đến năm 2020” nhằm cụ thể hóa nội dung “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Việc xây dựng Chiến lược nhằm mục tiêu đẩy mạnh công tác ngoại giao của Quốc hội một cách hệ thống với trọng tâm, trọng điểm rõ ràng hơn để đóng góp hiệu quả vào chiến lược ngoại giao toàn diện của Việt Nam.

Ủy ban Đối ngoại tích cực tham gia, chủ trì và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đối ngoại, tăng cường công tác thông tin đối ngoại và hợp tác quốc tế; phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung các cuộc tiếp xã giao của lãnh đạo Quốc hội với các đối tác đa phương quốc tế như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Ngân hàng Thế giới (WB), ... hoặc trao đổi với các đối tác về các nội dung thảo luận tại các diễn đàn đa phương.

5. Hoạt động trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo

Phát huy vai trò là đầu mối của Quốc hội trong Ban chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ, Ủy ban Đối ngoại đã phối hợp tích cực với Thường trực Ban Chỉ đạo trong việc tổng kết, đánh giá việc triển khai công tác này trong thời gian qua. Thường trực Ủy ban đã tham dự một số hoạt động liên quan tới công tác dân chủ, nhân quyền, tôn giáo do Bộ Ngoại giao tổ chức; đóng góp một số kiến nghị với Bộ Ngoại giao để hình thành ý kiến của Việt Nam đối với Báo cáo quốc gia theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc; đóng góp ý kiến cho Bộ Ngoại giao về việc thi hành án tử hình; đóng góp ý kiến cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ cho Đề cương cuốn sách “Thành tựu bảo vệ và phát triển Quyền con người ở Việt Nam”.



6. Công tác của Nhóm đối thoại Việt- Mỹ về chất độc da cam/dioxin

Kể từ năm 2007, Nhóm Đối thoại Việt - Mỹ về vấn đề chất độc da cam/dioxin (do một đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại làm Trưởng nhóm) đã giúp nâng cao nhận thức, đặc biệt là của chính quyền và công chúng Mỹ về vấn đề này, tác động chính quyền Mỹ đối với vấn đề da cam/dioxin. Từ một vấn đề phía Mỹ lảng tránh trước đây nay đã trở thành vấn đề hai bên có thể hợp tác và phía Mỹ đã tham gia vào việc giải quyết vấn đề môi trường (ở Đà Nẵng và sắp tới ở Đồng Nai), đồng thời bắt đầu đề cập đến trách nhiệm nhân đạo, hỗ trợ những người khuyết tật kể cả nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, không phân biệt nguồn gốc như được đề cập trong quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Việt (ký kết ngày 26/7/2013 nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ).

Trong năm 2013, Nhóm Đối thoại đã góp phần hỗ trợ xây dựng và hoàn thành dự án xây dựng hệ thống nước sạch cho làng Kà Đừ, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum (tháng 3/2013); làm việc với chính quyền và người dân sáu tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng để tìm hiểu về tình hình ô nhiễm dioxin tại các tỉnh và vấn đề người khuyết tật tại địa phương. Nhóm đã hỗ trợ tổ chức chương trình chuyến thăm, đón tiếp Đoàn trợ lý các nghị sĩ Mỹ thăm sân bay Biên Hòa và bệnh viện Từ Dũ, giúp cho Đoàn tình hiểu tình hình hình thực tế vấn đề này tại Việt Nam, qua đó có tác động đến các nghị sĩ và chính sách của Quốc hội Mỹ (tháng 3/2013); Nhóm đã tham gia Hội nghị Đối thoại Bàn tròn tại Mỹ làm việc đón đoàn Aspen và Giám đốc chương trình chất độc da cam/dioxin Việt Nam (10/2013) ra Báo cáo năm thứ ba (2013), để trao đổi về phương hướng và các các hoạt động tiếp theo của Nhóm.

Bên cạnh các hoạt động đó, Nhóm cũng đã chủ động liên hệ tiếp xúc với các tổ chức quốc tế như UNICEF, UNDP để tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ, đồng thời cũng tiếp tục tăng cường đối thoại với các cơ quan của Quốc hội, Chính quyền Mỹ, đối thoại với các Nghị sĩ, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ tiếp tục vận động, nâng cao nhận thức của chính giới Mỹ về trách nhiệm cũng như ý nghĩa nhân đạo của vấn đề này, từ đó để phía Mỹ có những hành động cụ thể hơn trong việc khắc phục hậu quả chất độc da cam/điôxin tại Việt Nam.



7. Điều phối hoạt động của Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam

Từ khi thành lập (11/2011) đến nay, hoạt động của các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị (NSHN) dưới sự chủ trì và điều phối của Ủy ban Đối ngoại đã triển khai nhiều hoạt động dưới các hình thức khác nhau như: đón các đoàn nghị sỹ hữu nghị Quốc hội các nước thăm Việt Nam; tổ chức gặp gỡ, trao đổi giữa các Nhóm NSHN Quốc hội ta với Đại sứ các nước tại Hà Nội; tham gia các sự kiện do Đại sứ quán tổ chức, tổ chức một số hoạt động thăm làm việc tại địa phương có sự tham gia của Đại sứ nước có Nhóm NSHN với Việt Nam, cử đại diện tham gia một số hoạt động do Lãnh đạo cấp cao của Nhà nước và Quốc hội chủ trì.

Trong năm 2013, Uỷ ban Đối ngoại đã chủ trì, điều phối, tổ chức một số chương trình hoạt động nổi bật của các Nhóm NSHN như thành lập Nhóm NSHN Việt Nam-Mianma (tháng 6/2013); Nhóm NSHN Việt Nam- Azerbaijan và Nhóm NSHN Việt Nam-Hy Lạp (tháng 10/2013).

Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, Đoàn Nhóm NSHN Việt Nam-Nhật Bản do đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm làm Trưởng đoàn đã thăm làm việc tại Nhật Bản từ ngày 01 - 04/8/2013. Trong chuyến thăm này, đồng chí Tô Huy Rứa đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương hữu nghị cho ông Takebe Tsutomu, nguyên Chủ tịch Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt; tặng phía Nhật Bản giống sen từ 3 miền của Việt Nam để bạn cùng trồng với giống sen cổ của Nhật Bản. Hoạt động này có ý nghĩa biểu tượng văn hóa, hữu nghị rất cao, được phía Nhật Bản rất trân trọng. Tại Hà Nội, đồng chí Tô Huy Rứa, cũng đã có các buổi tiếp Ông Yukio Hatoyama, nguyên Thủ tướng Nhật Bản, nguyên Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Việt Đảng dân chủ Nhật Bản; ông Takebe Tsutomu, Cố vấn đặc biệt của Liên minh NSHN Nhật – Việt .

Lần đầu tiên sau 5 năm, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt - Mỹ Phan Trung Lý thăm làm việc tại Mỹ từ 29/7 - 8/8/2013 (sau chuyến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ) thúc đẩy quan hệ với cơ quan lập pháp Mỹ ở thủ đô và các bang, kết hợp tìm hiểu hệ thống pháp luật của Mỹ.

Trong tháng 9/2013, Ủy ban cũng đã tổ chức đón Đoàn Nhóm nghị sỹ hữu nghị Canada - Việt Nam cùng đoàn doanh nghiệp, Việt kiều tại Canada thăm ta nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ; và chủ trì đón Đoàn Nhóm NSHN Pháp - Việt của Thượng viện Pháp do ông Christian Poncelet, Nguyên Chủ tịch Thượng viện Pháp làm Trưởng Đoàn thăm làm việc tại Việt Nam.

Ngoài ra, các Nhóm NSHN của ta với các nước và của Bạn với ta như Hàn Quốc, Thái Lan, Mianma, Liên bang Nga, Hungary, Israel, Ai Cập, Mông Cổ .... cũng có nhiều hoạt động tích cực trong năm 2013, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước.

8. Công tác dân nguyện

Từ đầu năm 2013 tới nay, Ủy ban Đối ngoại nhận được 55 lượt đơn thư, khiếu nại, trong đó đáng chú ý có tới hơn 50 đơn thư khiếu nại từ nước ngoài gửi về đề nghị giải quyết vấn đề liên quan đến Cù Huy Hà Vũ, đa số được gửi về từ Tổ chức ân xá quốc tế (Amnesty International). Do đây là vụ việc nhạy cảm liên quan đến vấn đề nhân quyền được gửi trực tiếp đến đồng chí Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại đã đề nghị Vụ chuyên môn tập hợp và tiến hành nghiên cứu và chuyển tới cơ quan hữu quan xem xét xử lý, trả lời.

Uỷ ban Đối ngoại cũng đã tiến hành phân loại và xử lý một số đơn thư khác như: đơn thư về nội dung tố cáo Trung Quốc chiếm Hoàng sa của Việt Nam; đơn thư về nội dung yêu liên quan đến bồi thường thiệt hại của ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, đâm chìm; đơn thư của liên quan đến tranh chấp kinh tế, thương mại, đầu tư, đất đai có yếu tố nước ngoài.

Bên cạnh đó, Ủy ban Đối ngoại đã tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết 694/2008/NQ-UBTVQH12 về tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của nhân dân gửi Quốc hội và các Ủy ban từ 2009 đến nay. Ủy ban cũng đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết “Về việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội”.

III. NHẬN XÉT CHUNG

Năm bản lề 2013, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động, Uỷ ban Đối ngoại phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương đã và đang thực hiện các nhiệm vụ theo luật định và sự phân công của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XI đề ra, đặc biệt là việc thể chế hóa chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng. Uỷ ban Đối ngoại cũng đã có những đánh giá sâu sắc về tình hình thế giới và khu vực, nhằm xác định rõ các cơ hội và thách thức đối với đất nước, đề ra phương hướng triển khai các nhiệm vụ đối ngoại trong thời gian tới.

Công tác xây dựng pháp luật, giám sát của Ủy ban Đối ngoại trong năm qua đã được tích cực triển khai, các đoàn giám sát được tổ chức tiết kiệm và hiệu quả. Đối với các dự án Luật có yếu tố nước ngoài, các hiệp định, hiệp ước mà ta có chủ trương tham gia hoặc đàm phán ký kết, Uỷ ban đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, góp phần thể chế hóa chủ trương hội nhấp Quốc tế của Đảng và Nhà nước.

Việc điều hòa, phối hợp hoạt động đối ngoại của Ủy ban Đối ngoại với các cơ quan của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ủy ban Đối ngoại đã làm tốt công tác tham mưu về nội dung; điều hòa các hoạt động đối ngoại của Quốc hội và tổ chức tốt công tác lễ tân đối ngoại một cách chu đáo, đúng với quy định và thông lệ quốc tế. Các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan hữu quan như Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ và các Bộ ngành, các địa phương trong cả nước đã có sự chủ động cao, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Đối ngoại trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động đối ngoại của Quốc hội.

Trên các diễn đàn nghị viện đa phương, Ủy ban Đối ngoại đã có nhiều đóng góp về nội dung mang tính xây dựng và thiết thực, có tầm chiến lược trong tất cả các lĩnh vực và trực tiếp triển khai nhiều hoạt động hợp tác liên nghị viện quốc tế và khu vực, đặc biệt với việc ta đăng cai IPU 132 vào 2015, góp phần khẳng định bước tiến mới quan trọng của ngoại giao nghị viện Việt Nam và quá trình thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước.

Trong thời gian tới, công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, công tác tham mưu, tổng hợp trong lĩnh vực đối ngoại; công tác lễ tân đối ngoại cần được nâng cao và hiệu quả hơn nữa.



B. PHƯƠNG HƯỚNG CÔNG TÁC NĂM 2014

Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong hoạt động của năm 2013, thực hiện chức năng nhiệm vụ theo luật định, trong năm 2014, Ủy ban Đối ngoại sẽ tập trung vào các công tác trọng tâm như sau:

1. Triển khai Kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 của Ủy ban theo sự phân công của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong công tác thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh có liên quan đến yếu tố nước ngoài, các hiệp đinh, hiệp ước thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội.

2. Triển khai Kế hoạch hoạt động giám sát của Ủy ban trong năm 2014 đối với 02 chuyên đề: Giám sát việc thực hiện Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân.

3. Trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và chủ trì triển khai có hiệu quả Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2014 của Quốc hội, đặc biệt là các hoạt động của Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội; tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành và các cơ quan hữu quan thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại chung của Đảng, Nhà nước.

4. Tiếp tục phát huy vai trò, vị thế và uy tín của Quốc hội với việc tham gia tích cực vào các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới như AIPA, IPU, APF, APPF, ASEP…, qua đó thể hiện tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của ta đối với cộng đồng quốc tế cũng như mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế; đồng thời thông tham gia qua các diễn đàn nghị viện đa phương khu vực và quốc tế để xây dựng nội dung và vận động Nghị viện các nước thành viên cử đoàn cấp cao tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU 132) vào tháng 3/2015 sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Sẵn sàng phối hợp với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào tổ chức Đại hội đồng AIPA-35 tại Lào vào tháng 9/2014.

5. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc trả lời đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đối ngoại.

6. Hoàn chỉnh Đề án “Một số định hướng đối ngoại của Quốc hội từ nay đến năm 2020” để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo kế hoạch đề ra.

* * *

*

Trên đây là Báo cáo hoạt động của Ủy ban Đối ngoại năm 2013 và phương hướng công tác năm 2014. Ủy ban Đối ngoại xin trân trọng báo cáo các Đại biểu Quốc hội.




Nơi nhận:

- Các vị ĐBQH;

- Văn phòng Quốc hội (để phối hợp);

- Lưu HC, ĐN.



Số E-pas:



TM. ỦY BAN ĐỐI NGOẠI

CHỦ NHIỆM

(đã ký)

Trần Văn Hằng



1 Đoàn Trợ lý nghị sỹ Hoa Kỳ thăm Việt Nam trong khuôn khổ chương trình trao đổi văn hóa, giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ (MECEA)

2 Ngoại giao kênh 2: Nhóm kênh các học giả, chuyên gia, những công dân có uy tín (ngoại giao không chính thức)


Каталог: content -> vankien -> Lists -> DanhSachVanKien -> Attachments
Attachments -> KỲ HỌp thứ TÁm quốc hội khoá XII (20/10/2010 26/11/2010)
Attachments -> Đa dạng sinh họC Ở việt nam
Attachments -> PHẦn I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
Attachments -> CHÍnh phủ Số: 62/bc-cp cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc Hà Nội, ngày 5 tháng 5 năm 2008 BÁo cáO
Attachments -> BỘ giao thông vận tảI 1/ Cử tri tỉnh Đắk Lắc kiến nghị
Attachments -> QUỐc hội khóa XI uỷ ban về các vấn đề xã hội
Attachments -> QUỐc hội số: CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> 210/bc-btnmt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> KỲ HỌp thứ TÁm quốc hội khoá XII (20/10/2010 26/11/2010) TẬp hợP Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
Attachments -> Ủy ban thưỜng vụ quốc hội số: 365/bc-ubtvqh12

tải về 111.58 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương