Xử lý gia cầm bị bệnh với quy mô lớn tại các trang trại chăn nuôi trong thời gian có dịch: đánh giá và đề xuất một phương pháp mới sử dụng khí trong công ten nơ



tải về 83.5 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu28.11.2017
Kích83.5 Kb.
#34737
Xử lý gia cầm bị bệnh với quy mô lớn tại các trang trại chăn nuôi trong thời gian có dịch: đánh giá và đề xuất một phương pháp mới sử dụng khí trong công ten nơ  

Tóm tắt

            Nhiều hệ thống xử lý gia cầm bệnh sử dụng khí trong công ten nơ đã và đang được sử dụng để loại  bỏ một số lượng lớn gia cầm bị bệnh trong những đợt dịch lớn. Tuy nhiên vẫn chưa có một hệ thống xử lý nào được đánh giá một cách hoàn chỉnh về  tính nhân đạo với gia cầm, sức khỏe và sự an toàn của người vận hành hệ thống cũng như độ an toàn sinh học của toàn bộ quá trình. Thêm vào đó, quy trình kỹ thuật vận hành các hệ thống trên theo tiêu chuẩn vẫn còn thiếu. Xuất phát từ các yêu cầu trên Cục môi trường, thực phẩm và các vấn đề nông thôn của Anh quốc (DEFRA) đã tiến hành dự án nghiên cứu và phát triển với mục đích cơ bản là phát triển một hệ thống xử lý gia cầm một cách nhân đạo tại các trang trại đồng thời đưa ra quy trình xử lý kỹ thuật phù hợp. Một loạt các nghiên cứu đã được thực hiện nhằm đạt được mục tiêu trên và các kết quả cũng như các quy trình vận hành cũng được đề cập tới trong bài báo này.

            Mở đầu

            Tiêu hủy một số lượng lớn gia cầm là việc làm cần thiết ở các trang trại chăn nuôi mỗi khi có các đợt dịch lớn xảy ra. Ví dụ như bệnh Newcastle và bệnh cúm gia cầm (AI), đặc biệt là các chủng  H5 và H7 của virus cúm gia cầm do chúng có thể gây ra các bệnh ở người; đáng chú ý nhất ở đây là chủng H5N1 với khả năng gây bệnh cao. Tiêu hủy số gia cầm bị bệnh là biện pháp cần thiết để dập tắt dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe và sự an toàn cho các gia cầm khác đồng thời bảo đảm sức khỏe con người trong trường hợp bệnh dịch có thể lây lan sang người. Khí cacbon dioxit là loại khí được sử dụng rộng rãi đặc biệt là tại châu Âu, nhằm giết gia cầm tại chuồng nuôi  (WHG) hoặc sử dụng  các loại thùng chứa giống như khi xảy ra dịch cúm gia cầm tại Hà Lan (Gerritzen và Lambooij, 2004; Gerritzen và các cộng sự, 2004). Dưới đây là  một số đặc điểm của các hệ thống đã được sử dụng và những khác biệt so với các hệ thống được nghiên cứu gần đây.

            Các hệ thống sử dụng khí

            Phương pháp xử lý gia cầm tại chỗ (whole house gassing - WHG) có một số ưu và nhược điểm đã được đề cập đến trong một nghiên cứu của Raj và cộng sự thực hiện năm 2006. Tuy nhiên phương pháp WHG không thể thực hiện được trong trường hợp các chuồng trại không phù hợp (gia cầm nuôi thả tự do, nuôi trong các trại nhỏ  và các trại thiết kế kiểu cũ) và với một vài loại gia cầm có khả năng chịu đựng khí CO2 tốt (như vịt và ngỗng, 2 loại này cần nồng độ CO2 cao hơn so với khi xử lý gà). Từ các lý do đó có thể thấy phương pháp sử dụng khí trong các công ten nơ vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng.

            Khi sử dụng các loại công ten nơ có lặp đặt hệ thống khí để tiêu hủy gia cầm,  gia cầm bị bắt ra khỏi chuồng bởi những người bắt gia cầm chuyên nghiệp và ở những lứa gia cầm có số lượng không lớn (dùng tay kéo chân gia cầm ra khỏi chuồng  nuôi -  một tay 3 con) rồi bị bỏ các công ten nơ đã  chứa đầy khí cacbon dioxit.

            Mặc dù việc sử dụng khí CO2 đã được cho phép theo các chỉ thị EC (EC, 1993) và hướng dẫn OIE (OIE, 2005) tuy nhiên người ta vẫn lo lắng đến việc sử dụng chất khí này, đặc biệt là ở nồng độ cao (EFSA, 2004; EFSA, 2005). Ví dụ:



1.      Gia cầm cũng giống như tất cả các động vật có xương sống khác, theo bản năng sinh học (bộ phận thu nhận các tác nhân hóa học trung tâm và ngoại biên) có thể cảm nhận thấy khí CO2, đặc biệt là ở nồng độ cao (EFSA, 2004; ESA, 2005). Trong điều kiện bình thường, chúng luôn chủ động tránh những khu vực có tỷ lệ thể tích khí CO2 trong không khí vượt quá khoảng 24% (McKeegan và cộng sự, 2003).

2.      Trong điều kiện không gia nhiệt cho bình hóa hơi, khí CO2 tạo ra từ các nguồn CO2 lỏng thường có nhiệt độ rất thấp (tới -78oC nếu có thể) và do đó gây ra hiện tượng hạ nhiệt độ hoặc sốc lạnh đối với gia cầm. Mặc dù hiện tượng đó chỉ xảy ra trong một vài giây nhưng không thể bị bỏ qua trong quá trình nghiên cứu.

3.      Cacbon dioxit bay hơi ở nhiệt độ dưới 0oC ngay lập tức có thể làm đóng băng hơi nước trong không khí, làm cho môi trường khí trong công ten nơ  rất khô (độ ẩm 0%) gây đau đớn và gây xuất huyết ở đường hô hấp (xoang mũi, phổi) . Điều này đã được quan sát thấy trên chuột thí nghiệm .

4.      Trong quá trình gia cầm giãy đạp  hoặc vỗ cánh, khí CO2 có thể thoát ra khỏi thùng chứa làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của người vận hành hệ thống đứng ở các vị trí gần đó, đặc biệt là trong một thời gian dài tại các khoảng không gian chật hẹp.

            Chú ý rằng trên đây là các lưu ý đối với việc sử dụng CO2 trong các công ten nơ. Đối với hệ thống WHG các nghiên cứu và thử nghiệm đã chứng minh rằng các vấn đề trên là ít nghiêm trọng hơn.

            Sau khi xem xét đến các vấn đề về tính nhân đạo với gia cầm, sức khỏe của người chăn nuôi và độ an toàn của hệ thống, DEFRA đã cho tiến hành một dự án với mục tiêu đánh giá các hệ thống sử dụng thùng chứa hiện có đồng thời phát triển một hệ thống xử lý mới hiệu quả hơn. Mục đích chính của dự án là loại trừ hoặc làm giảm thiểu những nguy cơ đe dọa các lợi ích của gia cầm cũng như sức khỏe của người vận hành hệ thống. Ví dụ như:



1.      Qúa trình xử lý gia cầm bị bệnh có thể được tiến hành một cách nhân đạo hơn bằng cách sử dụng hỗn hợp khí không hoặc ít làm gia cầm sợ hãi hơn so với khi sử dụng khí CO2 nồng độ cao.

2.      Thả gia cầm vào công ten nơ chứa đầy hỗn hợp khí có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính nhân đạo đối với gia cầm khi ném chúng qua một lỗ nhỏ từng đợt từng đợt một.

3.      Một số cá thể sau khi thả vào trong công ten nơ có thể bị chết vì bị nén ép và ngạt thở do gia cầm liên tục được nhét vào trong thùng và không có thời gian ngừng nghỉ giữa các đợt gia cầm đem tiêu hủy.

4.      Để loại trừ các stress cho gia cầm khi bắt  có thể sử dụng các lồng nhỏ chứa gia cầm ngay sau khi bắt, sau đó đưa các lồng này vào trong công ten nơ. Biện pháp đó cũng làm giảm số lần người vận hành hệ thống phải đến gần công ten nơ và do đó đảm bảo được sức khỏe và an toàn cho con người.

5.      Nâng cao hiệu suất hoạt động của hệ thống phân phối khí đồng thời giám sát liên tục nồng độ khí trong công ten nơ và khu vực xung quanh để làm giảm sự thay đổi nhiệt độ và đảm bảo nồng độ khí.

6.      Hệ thống mới phải đảm bảo hoạt động  được ở nhiều điều kiện khác nhau như khi thay đổi quy mô trang trại, loại gia cầm, các điều kiện thời tiết bất lợi.

            Cơ sở khoa học

            Các nghiên cứu khoa học về việc sử dụng khí hoặc  kiểm soát không khí để làm shock hoặc giết gia cầm trong các quy trình giết thịt gia cầm cho thấy các loại gia cầm (đặc biệt là gà tây) gặp triệu chứng giảm oxy huyết/giảm oxy mô khi thở trong  khí trơ như argon và nito, hoặc trong  hỗn hợp khí chứa CO2 nồng độ thấp (ít hơn 30% về thể tích), và  khí trơ ít gây kích ứng  hơn CO2 nồng độ cao (50% về thể tích hoặc cao hơn) (Raj, 1996; McKeegan và cộng sự, 2003; EFSA, 2004 và 2005). Gần đây, các nghiên cứu thực hiện trên gà cho thấy hỗn hợp khí gồm 80% argon và 20% cacbon dioxit ít gây kích ứng  gia cầm hơn hỗn hợp chứa 50% CO­2 và không khí (Sandilands và cộng sự, 2006). Nhiều tài liệu nghiên cứu cũng cho rằng hỗn hợp khí của argon và CO2 có thể làm cho gia cầm nhanh chóng hôn mê.



Bảng 1: Số lần xuất hiện và thời gian trung bình (giây) của các biểu hiện về sinh lý thần kinh của gia cầm trong bầu không khí  chỉ có chứa 2% thể tích oxy tạo bởi hỗn hợp 30% thể tích CO­2 và 70% thể tích khí argon.

 


Loại biểu hiện

Gà thịt

Gà đẻ

Gà tây

Tài liệu

Raj và cộng sự, 1998a

Raj và cộng sự, 1992a

Raj và Gregory, 1994

Ức chế  EEG 

19 (Số lần =2)

11 (Số lần =2)

16 (Số lần =2)

Mất phản ứng gợi ra cảm giác (SEPs)

24 (Số lần =2)

19 (Số lần =1)

22 (Số lần =2)

Mất tín hiệu điện não đồ

41 (Số lần =2)

50 (Số lần =3)

35 (Số lần =3)

 

SEPs: phản ứng gợi ra cảm giác , EEG: điện não đồ

            Một ví dụ tiêu biểu về sự thay đổi trong điện não đồ của một con gà khi thở trong khí quyển chứa 2% thể tích khí oxy dư tạo bởi hỗn hợp của 20% thể tích khí CO2 và 80% thể tích khí argon được thể hiện ở biểu đồ 1. Trong 10 giây đâu tiên có những tín hiệu điện xuất hiện bột phát, tiếp sau đó là một tín hiệu nhiễu mạnh làm mất hẳn dáng điệu của điện não đồ vào giây thứ 12. Những thay đổi trên điện não đồ của con vật trước khi xảy ra co giật vào giây thứ 17 cho thấy những biểu hiện bệnh lý về não khiến nó mất đi sự tỉnh táo và cảm giác.

            Một điều đáng chú ý ở đây là thời gian trung bình cho quá trình mất đi SEPs của gà đẻ đặt trong khí quyển chứa 30% thể tích CO2, argon và 5% thể tích oxy dư là 17 giây (thay đổi từ 6 đến 28 giây, Raj và cộng sự, 1992b). Sự mất SEPs của não thường được coi  như một dấu hiệu khởi đầu cho sự mất tỉnh táo và cảm giác ở động vật trong quá trình gây choáng do điện . Vì vậy hiện tượng mất SEPs thường là dấu hiệu của việc rối loạn nghiêm trọng chức năng của não hơn là chỉ mất đi tỉnh táo và cảm giác. Thực sự thì hiện tượng mất các phản ứng tri giác  ở 2 bán cầu não thường được sử dụng như một dấu hiệu của hiện tượng chết não ở con người. Một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng chỉ có 1 trong 100 con gà thịt (được nhốt vào 10 lồng, mỗi lồng 10 con) có thể sống sót sau 2 phút thở trong khí quyển chứa 20% thể tích CO2 và argon với 5% thể tích oxy dư (Raj và cộng sự, 1992c). Có thể thấy rằng tỉ lệ thể tích oxy dư ít hơn 5% trong hỗn hợp khí trơ-cacbon dioxit là thích hợp để giết gia cầm một cách nhanh chóng.

            Thời gian trung bình mất SEPs của vịt thở trong khí quyển trên là 60 giây (thấp nhất là 49s và cao nhất là 71s với độ tin cậy 95%) ( Raj, 1998; báo cáo MH0101 dự án MAFF, tài liệu không xuất bản). Cũng trong nghiên cứu đó, người ta thấy rằng nếu đặt lần lượt từng con vịt trong khí quyển chứa tối thiểu 70% thể tích cacbon dioxit thì phải mất 5 phút mới xử lý được con vật. Trái lại trong 1 nghiên cứu khác thực hiện tại một lò giết mổ với quy mô công nghiệp , vịt Aylesbury từ 5 đến 8 tuần tuổi chết trong vòng 3 phút sau khi thở trong khí quyển chứa hỗn hợp khí trơ và cacbon dioxit và 2% thể tích oxy dư (Raj và cộng sự, 1998b). Thông tin từ một nhà sản xuất thiết bị cho biết hỗn hợp khí này cũng được sử dụng trong quy trình  giết mổ gà, vịt và gà tây tại châu Âu.

            Hiện tượng co giật không liên tục đi kèm với vỗ cánh xảy ra đối với tất cả các loài gia cầm trước khi chết. Thời gian bắt đầu và kéo dài co giật thay đổi theo từng loài gia cầm (vịt, gà tây hoặc gà), tuổi (gà lấy trứng và gà thịt) và nồng độ khí CO2 và oxy dư trong hỗn hợp khí. Trong suốt thời gian tiến hành thí nghiệm, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng thời điểm gia cầm bắt đầu vỗ cánh là dấu hiệu của sự mất tỉnh táo và thời điểm ngừng cử động là dấu hiệu của tử vong. Các dấu hiệu trên có thể giúp người vận hành lắng nghe tiếng động phát ra từ công ten nơ để giám sát hiệu suất làm việc của hệ thống tiêu hủy ở một khoảng cách phù hợp. Điều này có thể làm giảm sự cần thiết phải sử dụng những máy phân tích đắt tiền có độ nhạy cao để kiểm tra nồng độ khí.

            Các công ty sản xuất khí gas lớn cho biết hỗn hợp chứa 20% thể tích cacbon dioxit và argon có rất nhiều trong hỗn hợp khí hàn với một mức giá có thể chấp nhận được. Hỗn hợp khí này có thể được sản xuất liên tục với số lượng lớn (không cần chuẩn bị những thiết bị đặc biệt) nên rất phù hợp với yêu cầu xử lý gia cầm với quy mô lớn.

            Dựa vào những xem xét đánh giá và cở sở khoa học về lợi ích của gia cầm, tính khả thi, khả năng cung cấp nguồn khí với số lượng lớn và sự am hiểu mục đích tiêu hủy gia cầm dưới các điều kiện thương mại, nhóm nghiên cứu đã chọn hỗn hợp 20% thể tích cacbon dioxit và 80% thể tích argon cho việc xử lý với quy mô lớn gia cầm bị bệnh trong công ten nơ.

            Nghiên cứu chế tạo công ten nơ

            Tiếp nối những nghiên cứu được thực hiện trước đó trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu gồm những chuyên gia thú y đến từ trường đại học Bristol, Cục thú y  của DEFRA (trước đó là Cục thú y của chính phủ) đã xem xét  các giải pháp và quyết định phát triển một hệ thống sử dụng khí gas mới dựa trên những thùng nhốt   gia cầm tiêu chuẩn. Hầu hết các hệ thống xử lý gia cầm kết hợp ở các nước phát triển sử dụng các thùng  chứa gia cầm  chứ ít khi dùng các lồng lỏng lẻo để vận chuyển gia cầm sống tới các nhà máy chế biến. Trong thực tế các thùng nhốt gia cầm  này thường có sẵn tại các trang trại và do đó các công ten nơ sử dụng trong việc tiêu hủy gia cầm lý tưởng nhất là phải có thể tích phù hợp để chứa các thùng   trên. Việc sử dụng các thùng  để vận chuyển này tại các trang trại (hoặc trong các cơ sở sản xuất) cũng làm giảm nguy cơ phát tán dịch bệnh trong quá trình vận chuyển các công ten nơ, đảm bảo an toàn sinh học. Thêm vào đó, các công ten nơ phải được thiết kế và sản xuất theo các tiêu chí sau đây:

(a)    không rò rỉ khí

(b)    dễ dàng vận chuyển và bảo quản

(c)    đủ bền chắc để hoạt động với cường độ cao và dưới các điều kiện trong thực tế

(d)    dễ dàng xếp  và dỡ các thùng khi sử dụng các xe nâng

(e)    chịu được quá trình tẩy rửa và diệt khuẩn khi cần thiết

(f)      dễ sử dụng và đảm bảo an toàn

(g)    nhân đạo với gia cầm và dễ dàng kiểm soát quá trình xử lý

            Rất nhiều mẫu công ten nơ thử nghiệm đã được thiết kế và chế tạo, tính khả thi của từng mẫu được đánh giá trong phòng thí nghiệm sử dụng các thùng  không chứa gia cầm. Sau khí xem xét tất cả các mẫu, nhóm nghiên cứu đã chọn ra một mẫu công ten nơ bằng thép không rò rỉ khí (dày 3mm) với kích thước 1.5m chiều rộng, 3.0m chiều dài và 1.5m chiều cao, thể tích là 6.75 m3. Chiều dài và chiều rộng tương ứng với kích thước thép tấm  dày 3mm (3.0m dài và 1.5m ngang), theo đó có thể giữ cho giá thành sản xuất là nhỏ nhất, đồng thời có thể chứa được các thùng   nhốt gia cầm  thông thường (thùng  nhốt  gà và gà tây của Anglia Autoflow Easyload có kích thước 2.438m x 1.185m x 1.292m; thùng của Stork có kích thước 2.43m x 1.2m x 1.36m).

            Theo các tài liệu hướng dẫn của tổ chức thú y thế giới (OIE, 2005), gia cầm nên được đưa vào trong công ten nơ đã chứa sẵn hỗn hợp khí theo phương thẳng đứng từ trên xuống. Tuy nhiên kinh nghiệm chỉ ra rằng làm như vậy sẽ xáo trộn hỗn hợp khí (hiệu ứng pittong) và đẩy hết khí ra ngoài (Raj, 1994). Hỗn hợp khí bị đẩy ra này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự an toàn của người đứng hạ các thùng  xuống trong công ten nơ. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu quyết định đưa các thùng  vào trong công ten nơ từ phía bên hoặc phía trước nhằm đảm bảo tính nhân đạo với gia cầm, tiếp đất an toàn, đảm bảo sức khỏe và an toàn của người vận hành hệ thống.

            Đưa các thùng  vào từ phía trước của công ten nơ yêu cầu hỗn hợp khí phải được bơm vào sau nhằm đạt được mức oxy dư hoặc cacbon dioxit cần thiết. Do tỷ lệ CO2 chỉ chiếm 20% thể tích (ít gây kích ứng cho gia cầm nhất) nên đảm bảo tính nhân đạo đối với gia cầm . Thêm vào đó thời gian để cấp khí đến nồng độ cần thiết trong kỹ thuật đưa các thùng  từ trên xuống cũng rất gần với thời gian cần thiết trong kỹ thuật đưa các thùng  vào từ phía bên  đối với các công ten nơ có cùng kích thước. Hỗn hợp khí được đưa vào sử dụng một xy lanh nén khí sử dụng các bộ điều chỉnh  sẵn có trên thị trường.

            Khi bơm hỗn hợp khí nặng hơn không khí này vào trong công ten nơ, không khí sẽ dần dần dịch chuyển từ dưới lên và tỷ lệ oxy dư sẽ giảm đi. Để quá trình trên được thực hiện một cách hiệu quả người ta thiết kế những lỗ thông gió trên nóc của công ten nơ để không khí có thể thoát ra ngoài một cách dễ dàng và an toàn. Tuy nhiên quá trình bơm hỗn hợp khí từ một xy lanh tăng áp  thường gây ra những tiếng ồn lớn làm cho gia cầm hoảng sợ. Do vậy khi thiết kế người ta sẽ lắp thêm những bộ giảm âm khí nén trên đường cấp khí ở phía trong công ten nơ nhằm làm giảm tiếng ồn trong thời gian cấp khí. Các bộ giảm âm này cũng đồng thời giúp hạn chế dòng khí xoáy làm xáo trộn không khí bên trong công ten nơ và hỗn hợp khí. Yêu cầu đối với các bộ giảm âm là phải có số lượng phù hợp, được phân bố đều khắp và đặt sát sàn công ten nơ. Trong điều kiện cấp khí từ từ như vậy, gia cầm từng hàng trong các ngăn của thùng  chứa sẽ được đặt trong cùng một lượng oxy dư như nhau và do đó thời gian chết cũng sẽ bằng nhau hoặc chênh lệch không đáng kể. Hỗn hợp khí do có khối lượng nặng hơn không khí sẽ thay thế dần không khí từ dưới lên trên. Dễ thấy số gia cầm ở hàng trên cùng của thùng  sẽ chết sau cùng. Cùng với đó, thời gian chết của gia cầm ở các hàng khác nhau cũng sẽ khác nhau một chút.  Sự co giật của gia cầm ở các hàng dưới thường không ảnh hưởng đến số gia cầm ở các hàng trên. Kinh nghiệm từ phương pháp WHG cũng cho thấy gia cầm bình thường không phản ứng với sự co giật của các gia cầm khác ở xung quanh chúng.

            Chế tạo công ten nơ

            Một khung thép được chế tạo với kích thước 1.5m rộng x 3.0 m dài x 1.5m cao = 6.75 m3  sau đó các tấm thép có độ dày 3 mm được hàn chặt vào khung. Công ten nơ có một máng thép kết hợp làm bằng sắt góc để các xe nâng có thể di chuyển chúng một cách dễ dàng. Trên nóc của mỗi công ten nơ có 2 lỗ thông hơi (đường kính 50mm) để không khí có thể dịch chuyển ra ngoài. Cửa được gắn vào nhờ 2 bản lề hình cánh bướm, đối diện có 2 then cài nhằm cố định công ten nơ; một lớp đệm làm bằng chất neoprene tự bám dính có thể làm việc ở cường độ cao được gán vào khung hoặc cửa làm cho công ten nơ hoàn toàn kín mỗi khi đóng; 2 then được sử dụng để  khóa công ten nơ khi không dùng đến (đảm bảo sức khỏe và an toàn) (Hình 2).

            Công ten nơ có 2 đường cấp khí giống hệt nhau phòng trường hợp một đường bị hỏng; được hàn vào cạnh công ten nơ. 2 đường cấp khí này nối với một xy lanh hoặc bộ phân phối thông qua một bộ điều chỉnh và một ống dẫn khí cao áp. Bên trong công ten nơ có 2 hệ thống ống dẫn giống hệt nhau và 8 bộ giảm âm hoặc bộ khuếch tán (Bộ giảm âm khí nén bằng nhựa, bộ phận RS, Northamptonshire, Anh quốc) đặt đều nhau cách sàn khoảng 300mm nhằm phân tán hỗn hợp khí; tất cả được buộc vào khung kim loại nhờ dây cáp nhựa (Hình 3b).

            Khi cửa mở, một thùng nhốt gia cầm (ví dụ như thùng chứa gà của Anglia Autoflow Easyload) được đặt vào bên trong công ten nơ bằng xe nâng (Hình 4a). Bên trong công ten nơ có đủ không gian cần thiết để hỗn hợp cacbon dioxit – argon  nặng hơn không khí  có thể đi từ dưới lên khi bơm khí (Hình 4a). Một ống lấy mẫu khí được đạt thấp hơn nóc của công ten nơ khoảng 10cm tại cửa vào, thông qua một lỗ có vị trí cao hơn chiều cao của thùng nhốt gia cầm (Hình 5). Đường ống này được nối với một máy phân tích tỷ lệ oxy (trong khoảng từ 0 – 25% thể tích) để có thể giám sát hoạt động của hệ thống.

            Đánh giá hoạt động của các công ten nơ trong các điều kiện thực tế

            Các giả định ban đầu của nhóm nghiên cứu:

        Mỗi thùng nhốt  chứa 300 gà thịt (hoặc một lượng gia cầm có kích thước tương đương).

        Hỗn hợp khí ở áp suất 5 bar có thể lấp đầy công ten nơ trong vòng 2 phút, cộng thêm 30 giây để giết toàn bộ gia cầm bên trong.

        Với thời gian như vậy 2 công ten nơ kim loại làm việc luân phiên nhau có thể dễ dàng xử lý 600 con gà trong vòng 5 phút.

        Thời gian nâng, hạ và xếp các thùng nhốt gia cầm vào ra công ten nơ là 5 phút, như vậy trong 1 giờ có thể xử lý được 5000 con.

        Đồng thời, một đội bắt gà gồm 4/5 người (có trang bị đầy đủ thiết bị bảo vệ) cũng có thể làm việc với năng suất 5000 con/giờ.

        Như vậy một đội bắt gà có thể cung cấp gà cho 2 công ten nơ ở mỗi trang trại.

            Thử nghiệm trên được thực hiện trong vòng 3 tháng mùa đông, tuân thủ các tiêu chuẩn ở Anh quốc với mục đích chính là đánh giá hiệu quả của kỹ thuật xử lý gia cầm bệnh dùng khí gas công ten nơ. Thử nghiệm được tiến hành trên 4000 con gà mái hết khả năng đẻ chứa trong 14 thùng  và 4000 gà  giống hết khả năng đẻ cũng chứa trong 14 thùng . Mỗi ngăn của một thùng chứa 25 gà mái, 12 gà mái giống hoặc 10 gà trống non. Các bước tiến hành như sau:

(a)    Dùng xe nâng đưa thùng  chứa gà vào trong công ten nơ;

(b)   Đóng cửa công ten nơ;

(c)    Cấp hỗn hợp khí vào công ten nơ cho đến khi lượng oxy dư tại đỉnh của công ten nơ chỉ chiếm 5% về thể tích;

(d)   Chờ cho gà chết hẳn;

(e)    Mở cửa, chờ cho hỗn hợp khí còn lại phân tán ra môi trường;

(f)     Hạ thùng  và chuyển ra ngoài bằng xe nâng;

(g)    Kiểm tra các ngăn xem còn gia cầm nào sống sót không.

            Sau mỗi đợt xử lý, công ten nơ được đặt trên một mặt phẳng (không có các chỗ trũng để khí có thể tích tụ bên trong) với không gian phía trước đủ rộng để mở cửa và để xe nâng có thể di chuyển các công ten nơ một cách dễ dàng. Các xy lanh khí (dung tích 50 lít, áp suất 200 bar) được đặt trên một bệ đỡ cố định ở bên cạnh công ten nơ. Cửa công ten nơ được đóng sau khi xếp modul vào bên trong và được cố định. Sau đó máy cấp khí được khởi động và giữ cho đến khí tỷ lệ thể tích oxy trong công ten nơ bằng hoặc thấp hơn mức 5% (kiểm tra bằng máy phân tích oxy). Gia cầm được giữ ở bên trong công ten nơ cho đến khi không còn nghe thấy tiếng đập cánh. Tiếp theo đó cửa được mở, chờ khoảng 1 phút sau xe nâng nhấc thùng chứa  ra khỏi công ten nơ rồi đặt ra ngoài.

            Từng ngăn của thùng  được kéo ra ngoài để kiểm tra xem còn con gia cầm nào sống sót không (Hình 6). Những con còn sống sót đều bị tiêu diệt ngay lúc đó . Số lượng gia cầm sống sót và vị trí ngăn có gia cầm sống trong modul được ghi lại. Xác gia cầm chết được tiêu hủy  an toàntheo đúng quy định về tiêu hủy sản phẩm phụ của động vật.

            Các kết quả ban đầu của thí nghiệm cho thấy 4 trong số 4000 gà mái sống sót trong 3 thùng chứa  liên tiếp đầu tiên. Nguyên nhân là do nồng độ khí không đủ ở phía cửa công ten nơ. Số bộ khuếch tán vì thế được tăng lên làm 8 bộ so với 6 bộ như khi bắt đầu nhằm tăng khả năng cấp và xâm nhập của khí trong toàn bộ thùng chứa . Từ đó không còn con gia cầm nào sống sót trong 9 thùng  còn lại.

            Hệ thống phân phối khí

            Hệ thống công ten nơ sử dụng hỗn hợp khí sẵn có ở trên được đánh giá là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu tiêu hủy  gia cầm ở các trang trại. Tuy nhiên có một hạn chế ở đây là sự đóng băng của bộ điều chỉnh cấp khí ngoài trời, đặc biệt là trong mùa đông. Thêm vào đó khi hỗn hợp khí di chuyển từ xy lanh vào công ten nơ nó hấp thụ nhiệt từ môi trường để hóa hơi. Do đó càng làm cho quá trình đóng băng bộ điều chỉnh xảy ra nhanh hơn. Việc sử dụng một bộ gia nhiệt bằng  điện để giải quyết vấn đề trên đã được thảo luận tới nhưng sau đó nhóm nghiên cứu kết luận rằng sẽ khó khăn để có thể tìm được một máy phát điện ở các trang trại xa xôi, thêm vào đó có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe và độ an toàn của người vận hành. Việc mua được một thiết bị gia nhiệt dùng điện cho bộ điều chỉnh cấp khí phù hợp với lưu lượng khí làm việc cũng không phải là điều đơn giản.

            Một số giải pháp được đưa ra để giải quyết vấn đề trên:

        Vận chuyển khí ở áp suất thấp (ví dụ 3 bar thay vì 5 hoặc 6 bar) sử dụng một bộ điều chỉnh có lưu lượng lớn, tuy vậy thời gian cấp đầy khí vào công ten nơ sẽ lâu hơn.

        Cấp khí từ 2 bộ điều chỉnh nối với 2 xy lanh với áp suất 3 bar nhằm đáp ứng yêu cầu 6 bar cần thiết và vẫn đảm bảo về thời gian.

        Sử dụng một ống phân phối (thay vì dùng các xy lanh riêng biệt) để thay đổi vận tốc bay hơi của khí theo từng giai đoạn hoạt động của xy lanh.

        Kết hợp 2 ống phân phối với 2 bộ điều chỉnh (Hình7).

            Một thí nghiệm vể gà mái giống đã hết khả năng đẻ, được tiến hành sử dụng 2 công ten nơ làm bằng thép đặt trên một sàn bê tông với không gian xung quanh đủ rộng  để mở cửa, xếp và dỡ các thùng nhốt gia cầm  một cách an toàn. Thí nghiệm được lặp đi lặp lại với gà mái đã hết khả năng đẻ, hỗn hợp khí được cấp qua bộ điều chỉnh cấp khí có lưu lượng lớn. Đánh giá khả năng hoạt động của hệ thống này sau khi xử lý 14 thùng nhốt  gia cầm, cho thấy, do thời tiết lạnh giá của mùa đông, phía bên ngoài của bộ điều chỉnh bị đóng băng và khi tiếp tục sử dụng thì gây ra hiện tượng đóng băng tất cả các đường ống dẫn khí bên ngoài và các bộ khuếch tán khí ở bên trong công ten nơ. Hiện tượng này xảy ra đối với tất cả các bộ điều chỉnh được sử dụng cũng như với các áp suất cấp khí vào thiết bị (3,4 và 5 bar). Tuy nhiên nồng độ khí bên trong công ten nơ vẫn đạt mức cần thiết và gần như toàn bộ số gia cầm trong thùng chứa  đều đã chết, chỉ có duy nhất 1 trong số 4000 con còn sống. Thời gian cấp khí cho tới khi tỷ lệ thể tích oxy dư chỉ còn 5% tại đỉnh công ten nơ ở áp suất 3 bar là 4 phút.

            Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành thử nghiệm thêm một hệ thống cung cấp khí bao gồm 2 ống phân phối nối với 2 xy lanh và một bộ điều chỉnh lưu lượng lớn. Khi hệ thống hoạt động, khí từ 2 xy lanh tới 1 ống phân phối rồi tới công ten nơ, hết 1 chu kỳ thì sử dụng ống phân phối còn lại. Sự thay đổi đó đã làm giảm đáng kể hiện tượng đóng băng ở bộ điều chỉnh.

            Thí nghiệm cũng được tiến hành trên một số lượng nhỏ vịt và ngỗng.  Mỗi một thùng nhốt bao gồm 12 ngăn và kết quả cho thấy hệ thống trên cũng phù hợp để giết các loại thủy cầm này. Tỷ lệ thể tích oxy dư cao nhất trong công ten nơ khi xử lý vịt và ngỗng là 2%.

            Kết luận

            Hệ thống tiêu hủy  gia cầm sử dụng khí gas trong công ten nơ là một lựa chọn có tính khả thi, mặc dù có thể kỹ thuật này còn cần phải được nghiên cứu phát triển thêm trong tương lai. Trong thực tế chưa có một đánh giá toàn diện nào về các hệ thống xử lý gia cầm với quy mô lớn tại các trang trại  (về các khía cạnh kinh tế, tính khả thi, ích lợi, tính nhân đạo đối với gia cầm, sức khỏe của người vận hành, độ an toàn và an toàn sinh học) nên rất khó để có thể đánh giá được hiệu quả của kỹ thuật này so với các kỹ thuật trước đó.

            Dựa trên các kết quả nghiên cứu thực địa, các kỹ thuật vận hành và hướng dẫn đã được soạn thảo và gửi lên cho DEFRA và Ủy ban sức khỏe động vật để xem xét đánh giá. Nhóm nghiên cứu đã đăng ký bằng sáng chế cho kỹ thuật sử dụng khí gas trong công ten nơ (Containerised Gassing Unit - CGU) (bằng sáng chế Anh quốc số 0605679.0), 2 công ten nơ khi được sử dụng tại trang trại sẽ được gọi là một đơn vị kiểm soát dịch bệnh (Disease Control Unit - DCU)

            Lới cảm ơn

             Dự án này được tài trợ bởi DEFRA, Anh quốc. Các tác giả chân thành cảm ơn công ty thực phẩn Deans đã cung cấp 8000 con gà mái, trang trại Charlton, Worcestershire đã cung cấp vịt, ngỗng và các thiết bị;công ty P.D. Hook và trang trại Ash, Norfolk đã cung cấp gà giống và cơ sở vật chất để thực hiện các thí nghiệm trên thực địa. Chúng tôi cũng xin cảm ơn ban phúc lợi cho động vật của DEFRA, ban thu mua và liên lạc, ban sức khỏe động vật, tổ chức sức khỏe và an toàn, các nhà thú y và đội ngũ nhân viên kỹ thuật đã giúp chúng tôi thực hiện các thí nghiệm thực địa và trong quá trình soạn thảo các quy trình kỹ thuật và hướng dẫn.

 

(M. RAJ, M. O’CALLAGHAN, K. THOMPSON, D. BECKETT, I. MORISH, A. LOVE, G. HICKMAN VÀ S. HOWSON.



(Large scale killing of poultry species on farm during outbreaks of diseases: evaluation and development of a humane containerised gas killing system. Tạp chí chăn nuôi gia cầm thế giới, số 64, tháng 6/2008)

 


Người dịch: Nguyễn Quốc Hùng, Phạm Thị Thanh Hoa

tải về 83.5 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương