VĂn phòng quốc hội trung tâm Tin học



tải về 362.23 Kb.
trang1/5
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích362.23 Kb.
#22042
  1   2   3   4   5

VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

Trung tâm Tin học

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

KHÓA XII



BẢN TỔNG HỢP THẢO LUẬN TẠI HỘI TRƯỜNG

(Ghi theo băng ghi âm)

Buổi chiều ngày 20/03/2009

Nội dung:

Tiếp tục chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chủ trì

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chủ trì điều khiển nội dung


Nguyễn Phú Trọng  - Chủ tịch Quốc hội

Sáng nay chúng ta đang tiếp tục chất vấn phần đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng đang trả lời tập trung về vấn đề kích cầu kinh tế. Lúc sáng có một số vị đại biểu Quốc hội giơ tay bây giờ xin mời hỏi tiếp, mời đại biểu Mai Xuân Hùng.


Mai Xuân Hùng  - Hậu Giang 

Kính thưa Chủ tịch Quốc hội.

Kính thưa đồng chí Bộ trưởng.

Thưa các vị đại biểu.

Tôi có một số câu hỏi nhưng thực ra muốn bình luận thêm việc này và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bình luận thêm mặc dù đã có ý kiến về việc này. Ngày 15/1/2009 Chính phủ đã có quyết định sử dụng 17.000 tỷ đồng để hỗ trợ 4% lãi suất cho một số đối tượng doanh nghiệp vay vốn từ Ngân hàng thương mại. Đây được như là một phần trợ cấp trong thời kỳ giảm phát của nền kinh tế. Thực chất gói giải pháp này mới trợ cấp được một số ít trong số hơn 300.000 doanh nghiệp được hỗ trợ. Thực tế con số duyệt cho vay trong thời gian vừa qua tức là sau khoảng hơn 1 tháng theo báo cáo buổi sáng đồng chí Bộ trưởng đã báo cáo khoảng 150.000 tỷ đồng. Nhưng được biết qua thông tin tốc độ tăng tín dụng chỉ đạt chưa đến 1% nếu mà tháng đầu tiên với 93.000 tỷ đồng thì tốc độ tín dụng tăng 0,5%, vốn cho vay nhiều, dư nợ tăng thêm nhưng lãi suất lại nhỏ. Đề nghị Bộ trưởng cho ý kiến về thực tế trên.

Thứ nhất, phải chăng số tiền cho vay trên phần lớn vẫn lưu chuyển trong nội bộ của ngân hàng cho vay tiền kích cầu năm 2009 để các doanh nghiệp trả nợ cũ của năm 2008 cho ngân hàng. Đề nghị Bộ trưởng đánh giá hiệu quả của thực tế trên đối với gói kích cầu này.

Thứ hai, một vấn đề cần bàn thêm là Ngân hàng thương mại đang huy động lãi suất tiết kiệm là 8,5% và thay mặt Chính phủ cho vay kích cầu là 6,5% tức là đã giảm đi 4% gói kích cầu rồi, 10,5% trừ đi 4% còn 6,5%. Trong trường hợp này ngân hàng lỗ ở bút toán này là 2% trên vốn huy động, nhưng thay vào đó Chính phủ lại trả 4%, ngân hàng được lãi 2% và người có tiền cho ngân hàng vay tức là người gửi tiết kiệm đang gửi là 8,5%, thì người này được lãi thêm 2%. Như vậy cuối cùng chỉ có nhà nước rút tiền ngân sách trả cho ngân hàng là 4% trong gói kích cầu 17.000 tỷ.

Đề nghị Bộ trưởng cho biết tổng chi phí tài trợ này dự kiến sẽ là bao nhiêu, theo gói kích cầu này là 17.000 tỷ, nhưng nếu từ nay năm 2009 đến tháng 12/2009 mà mới một tháng rưỡi đã tăng lên 150.000 tỷ. Thâm hụt ngân sách của Nhà nước dự kiến trong năm nay sẽ là bao nhiêu? Trong lúc dự kiến thu ngân sách năm 2009 thâm hụt trên 10%, trái phiếu Chính phủ dự kiến là 47.500 tỷ đồng cả phần huy động thêm 11.500 tỷ đồng so với 29.000 tỷ đồng của năm 2008.

Mặt khác các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì việc các doanh nghiệp hỗ trợ 4% này liệu có bị vi phạm trong cam kết của WTO hay không, cái này cũng phải giải quyết trước. Cũng có ý kiến bàn luận rằng nên chăng việc này chỉ nên để ngân hàng tự cân đối theo giải pháp của Chính phủ, còn tiền kích cầu 1 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực khác thì có ích hơn. Báo cáo đồng chí Bộ trưởng tôi có một số ý kiến như vậy. Xin hết!
Võ Hồng Phúc  - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

Trước hết tôi xin trả lời những vấn đề chung nhất, đó là vấn đề gói kích cầu nên dùng chỗ nào là hợp lý, như sáng nay tôi đã trình bày 17.000 tỷ đồng ban đầu khi trình ra Chính phủ, ba Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thống đốc Ngân hàng có phương án khác. Sau khi thảo luận nhiều lần thấy rằng hiện nay các giải pháp kích cầu khác đã có những nguồn hỗ trợ, chẳng hạn kích cầu đầu tư đã có, hỗ trợ doanh nghiệp đã có các chính sách về thuế và hiện nay căng thẳng nhất đó là vấn đề về vốn lưu động cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu cho nên Chính phủ đã quyết định dùng gói hỗ trợ này cho vốn lưu động hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết vấn đề tiêu thụ hàng hoá và xuất khẩu. Cho nên nếu nói nên dùng vào việc khác có lợi hơn hay không có lợi hơn thì Chính phủ đã phân tích và có phương án như vậy.

Vấn đề thứ hai là vấn đề về thâm hụt ngân sách như thế nào, hiện nay chúng tôi đang tổng hợp lại để xem khả năng thâm hụt ngân sách, ngay Chính phủ họp và xem xét lại toàn bộ tình hình thực hiện kế hoạch năm 2008 và quý I năm 2009, trong đó có vấn đề ngân sách của quý I/2009 và dự báo ngân sách cả năm 2009 hiện nay đang tổng hợp để xem xét. Vấn đề này chắc chắn sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Vấn đề thứ ba là các gói hỗ trợ này có vi phạm cam kết WTO không, Chính phủ cũng đã thảo luận và đã xem xét tất cả các khía cạnh, khẳng định chúng ta không vi phạm WTO. Khoản hỗ trợ về lãi suất này tất cả các nước hiện nay trong tình hình khủng hoảng đều làm, nhiều nước làm, WTO có quy định trong trường hợp khẩn cấp Chính phủ mỗi nước có quyền có biện pháp phòng ngừa cho mình, đó là khi chúng ta cam kết gia nhập WTO cho nên không có vi phạm.

Vấn đề thứ tư là hiệu quả của gói kích cầu này như thế nào, như tôi đã trình bày là gói kích cầu này mới được triển khai. Quyết định 131 của Chính phủ mới được ban hành, sau đó các ngân hàng thương mại đang bắt đầu triển khai. Số vốn huy động tôi báo cáo sáng nay là khoảng 150.000 tỷ, dựa vào con số chính thức ngày 13/3 vừa rồi là 144.300 tỷ đồng, đến thời điểm này thêm một tuần nữa thì thêm khoảng hơn 5.000 tỷ nữa, như vậy vào khoảng 150.000 tỷ, mới thực hiện chừng đấy thôi. Cho nên nói nó tác động như thế nào và có chứng minh được hiệu quả hay không thì con số này cần phải kiểm nghiệm thêm, chắc phải chờ sau một thời gian thi hành chúng ta sẽ có báo cáo đầy đủ. Vấn đề nó tác động như thế nào về kinh tế thời điểm này chúng ta cũng chưa nói được. Nhưng phải nói rằng bằng các chính sách tổng hợp của Chính phủ, tình hình kinh tế của chúng ta trong Quý I tương đối khả quan. Báo cáo Thường vụ Quốc hội, hôm kia có cuộc Hội thảo do Bộ Ngoại giao tổ chức, nhiều nhà kinh tế nói rất khác nhau, thậm chí có người nói chúng ta tăng trưởng âm, nhưng đấy là những con số, những báo cáo, những số liệu không có căn cứ. Số liệu sáng nay chúng tôi vừa thống kê để làm việc, chiều nay chúng tôi còn họp tiếp để sáng mai báo cáo Chính phủ, xin báo cáo Thường vụ Quốc hội có tin mừng là tăng trưởng của chúng ta Quý I năm 2009 đạt 3,1% là dương. Thường Quý I hay thấp hơn cả năm, nhưng Quý I năm nay có đặc biệt là vì Quý I năm 2008 chúng ta tăng trưởng rất cao, tăng trưởng là 7,4. Cho nên gốc của Quý I năm nay so với Quý I năm ngoái, vì mẫu số của nó cao, cho nên của ta tăng trưởng Quý I năm nay là 3,1, rất đáng mừng. Trong điều kiện hiện nay, theo Ngân hàng thế giới thống kê ở hơn 170 nước chỉ có 12 nước tăng trưởng dương, ta là một trong những nước tăng trưởng dương và con số là khá cao 3,1. Chỉ số lạm phát của chúng ta trong tháng 3 năm nay so với tháng 12 năm ngoái là 41,47%. Con số này nếu tính của tháng 1, tháng 2 thì tháng 2 so với tháng 12 năm ngoái là 1,49 và tháng 3 so với tháng 2 thì lại âm 0,17, tháng 3 năm nay so với tháng 12 là 1,47. Căn cứ vào chỉ số giá, chỉ số lạm phát, căn cứ vào chỉ số tăng trưởng trong điều kiện kinh tế thế giới như hiện nay có thể nói rằng kinh tế của chúng ta là khả quan. Kết quả đó có được là do sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và của Chính phủ trong việc điều hành. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với chúng ta. Còn cụ thể như thế nào về gói kích cầu 17 ngàn tỷ này, việc đó chờ một thời gian nữa sẽ phân tích cụ thể và các đồng chí ngân hàng sẽ trả lời với các đồng chí về số liệu cụ thể.

Các đồng chí có băn khoăn về vấn đề có đảo nợ không, vay để trả nợ cũ. Vấn đề đó hiện nay trong nghị quyết của Chính phủ có lưu ý ngân hàng trong vấn đề quản lý, quản lý làm sao bảo đảm hiệu quả, tránh tình trạng đảo nợ. Vấn đề này cụ thể ra sao, có đảo được nợ hay không đảo được nợ thuộc phạm vi quản lý, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Xin hết.


Nguyễn Minh Thuyết  - Lạng Sơn 

Kính thưa các đồng chí.

Tôi có 2 câu hỏi: Câu hỏi thứ nhất, đề nghị Bộ trưởng giải thích ở trang 16 khi trình bày về các giải pháp kích cầu tiêu dùng tôi thấy phần lớn giải pháp chỉ là tăng giá điện, giá than v.v... Tại sao tăng giá lại là kích cầu tiêu dùng? Tôi chưa hiểu và tôi chắc nhân dân cũng không thích kiểu kích cầu này.

Câu hỏi thứ hai, tại trang 22 Bộ trưởng có nêu lên các giải pháp để thực hiện tốt gói kích cầu. Chúng tôi rất mừng ở ngay giải pháp thứ nhất Bộ trưởng đã nói rõ phải có kiểm tra, giám sát chặt chẽ để chống thất thoát, lãng phí, chống tham nhũng. Tôi đề nghị Bộ trưởng nói rõ hơn khi thực hiện gói kích cầu lớn như thế này thì chúng ta có thực hiện biện pháp gì đặc biệt hơn không để đảm bảo không thất thoát, đảm bảo chống tham nhũng.

Câu hỏi này không phải chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng nhưng dù sao nó cũng là sự lưu ý của đại biểu đối với Bộ trưởng. Xin cám ơn.
Võ Hồng Phúc  - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

Về câu hỏi vấn đề ở trang 16 tôi xin đính chính lại như sau: Tôi chưa kịp sửa, trong báo cáo dòng đó có ghi: Các giải pháp kích cầu tiêu dùng, quản lý thị trường và giá cả, đảm bảo hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp chủ chốt. Câu đó thiếu một vế. Trong báo cáo của các đồng chí thì như thế, còn trong báo cáo của tôi có sửa lại rồi. Khi kích cầu tiêu dùng giải pháp luôn luôn đi kèm là phải đảm bảo quản lý thị trường và giá cả, đồng thời phải đảm bảo hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp chủ chốt.

Sáng nay có đồng chí chất vấn về vấn đề tăng giá điện, tăng giá than, tăng xi măng là như thế nào? Tôi có trả lời là trong kích cầu chung một số doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ đạo của Nhà nước chúng ta phải có biện pháp hỗ trợ họ đảm bảo kinh doanh có hiệu quả, biện pháp đó nằm trong gói đó.

Câu hỏi thứ hai là giám sát, đây là vấn đề rất lớn mà Chính phủ khi thảo luận đưa ra gói 17 nghìn tỷ cũng là thảo luận sôi nổi và vấn đề làm sao giám sát được, vì tất cả khi thực hiện vấn đề này là thương mại tư nhân, cả ngân hàng nước ngoài nữa. Đồng chí Thống đốc ngân hàng đã đưa ra các biện pháp và sáng nay đồng chí Thống đốc Ngân hàng đã có trả lời, vấn đề về giám sát thì bắt đầu khi đưa ra những vấn đề này đồng chí Thống đốc Ngân hàng cũng rất ngại nhận trách nhiệm này là trách nhiệm lớn trước Đảng, trước dân cho nên yêu cầu về cơ chế nó rườm rà hơn, nặng nề hơn trong vấn đề quản lý chung, vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như thế nào, vai trò của Bộ Tài chính như thế nào, nhưng Chính phủ thảo luận rằng nếu để như vậy vấp vào một guồng máy hành chính quản lý quá cồng kềnh cho nên giao trách nhiệm trực tiếp cho đồng chí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm việc này và đồng chí sẽ có biện pháp cụ thể, xin hết.


Nguyễn Văn Tiên  - Tiền Giang

Kính thưa đồng chí Chủ tịch Quốc hội,

Kính thưa đồng chí Bộ trưởng,

Thưa các vị đại biểu,

Tôi có hai câu hỏi.

Thứ nhất là thực hiện Nghị quyết của Đảng và các giải pháp kích cầu, Chính phủ đã có giải pháp hỗ trợ cho nông thôn, ví dụ mua lúa, gạo, hỗ trợ người nghèo. Nhưng còn một vấn đề nữa mà hiện nay chủ trương chung của chúng ta là cấm các địa phương huy động dân đóng góp để xây đường làng, ngõ xóm. Trong gói kích cầu này Chính phủ có ý định để đầu tư, hỗ trợ việc xây đường làng, ngõ xóm cho các vùng nông thôn hay không, đây cũng là một trong những giải pháp rất cụ thể để thực hiện Nghị quyết của Đảng về vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Vấn đề thứ hai, liên quan đến gói kích cầu, trái phiếu của Chính phủ đó là trong Nghị quyết 18 của Quốc hội đã nêu là dùng trái phiếu để xây các bệnh viện ung thư, nhi, lao, lây. Tại sao lại loại bệnh viện ung thư của Trung ương ra mà chỉ để bệnh viện ung thư ở cấp tỉnh, cấp tỉnh thì chỉ có hai thành phố có bệnh viện ung thư thôi, đó là Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội mà hai thành phố này chắc cũng không cần. Vậy tại sao không dùng trái phiếu để nâng cấp bệnh viện ung thư ở Trung ương, đây là một dự án rất lớn mà tất cả những người bệnh ung thư chữa bệnh ở đây, dự án này Nhà nước đầu tư mấy nghìn tỷ nhưng 3 năm qua mới được đâu có 70 tỷ, vậy tại sao không sử dụng trái phiếu theo Nghị quyết của Quốc hội, xin hết.
Võ Hồng Phúc  - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Về câu hỏi của đồng chí Tiên tôi xin trả lời như sau, vấn đề hỗ trợ nông dân, nông thôn là vấn đề lớn, Chính phủ đặc biệt quan tâm và thời gian qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Trong gói kích cầu hiện nay khi bàn về vấn đề này có đưa ra một chương trình đó là chương trình phát triển hỗ trợ giao thông nông thôn và hệ thống kênh, kiên cố hóa kênh mương. Vấn đề này Bộ Tài chính đang triển khai, dự kiến của anh Ninh dành khoảng 4.000 tỷ vay với mục đích kiên cố hóa kênh, một phần nào để hỗ trợ cho phần nông thôn. Đó là phần chính trong hỗ trợ nông thôn là như vậy.

Cả một chương trình lớn dành cho nông thôn mà theo ngân sách, vấn đề này chắc là khó khăn, gói hỗ trợ này là vay với lãi suất bằng 0, tức là cho vay ngân sách để làm bằng cách huy động một phần vốn của dân và một phần vốn của Nhà nước để hỗ trợ cùng làm mà nhiều địa phương đã áp dụng có hiệu quả.

Vấn đề thứ hai, chăm sóc y tế, báo cáo các đồng chí bệnh viện ung thư là bệnh viện hiện nay chúng ta đang đầu tư và đang sử dụng thống nhất là những bệnh viện nào dùng một nguồn thì sẽ dùng một nguồn thôi, nếu dùng hai nguồn sẽ khó quản lý. Cho nên khi chúng ta dùng nguồn trái phiếu khác cho các bệnh viện thì nguồn này sẽ dồn cho bệnh viện ung thư. Nguồn này không chỉ có vốn ngân sách Nhà nước mà cả vốn ODA cũng đưa vào đây, vì hiện nay vấn đề ung thư là vấn đề đang được quan tâm nên không phải chỉ là xây nhà mà cái chính là bây giờ chúng ta đang thiếu thiết bị. Xin hết.


Vũ Văn Ninh  - Bộ trưởng Bộ Tài chính

Kính thưa đồng chí Chủ tịch Quốc hội,

Thưa các đồng chí trong Thường vụ và các vị đại biểu,

Liên quan đến câu hỏi của đồng chí Tiên về vấn đề kích cầu đối với nông thôn, thưa các đồng chí kích cầu đối với nông thôn có rất nhiều chương trình, đã có chế độ chính sách thì đang triển khai tiếp tục. Về các chính sách mới thì có mấy chính sách sau.

Thứ nhất là làm nhà cho người nghèo, hiện nay Chính phủ đã ký quyết định hỗ trợ tiền làm nhà cho người nghèo bằng ba nguồn. Nguồn thứ nhất là Nhà nước cho không. Nguồn thứ hai là Nhà nước cho vay không lãi. Nguồn thứ ba là huy động cộng đồng các doanh nghiệp và dân cư đóng góp thêm. Ngoài ra bản thân gia đình, dòng họ có thể góp phần vào đây để làm nhà cho người nghèo. Chương trình này dự kiến sẽ làm khoảng 500 căn nhà, hiện nay đang có con số là 500 hộ nghèo ở nông thôn chưa có nhà. Chủ trương của Thủ tướng và Chính phủ thì ngân sách có thể bố trí trong khoảng 3 năm nhưng tinh thần nếu làm được một năm thì cũng ứng vốn triển khai giải ngân trong một năm, làm 2 năm thì ứng vốn giải ngân trong 2 năm tức là triển khai theo tiến độ.

Vấn đề thứ hai cũng rất lớn là ngoài tăng cường nguồn đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu để giải quyết đường đến trung tâm các cụm xã thì tiếp tục triển khai chương trình ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương vay để xây dựng đường giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương, làm hạ tầng làng nghề và hạ tầng thủy sản, đó là 4 mục tiêu như vậy. Chương trình này tại sao cho vay, vì theo phân cấp hiện hành và Luật Ngân sách thì đầu tư vào đường nông thôn và những đối tượng này thuộc trách nhiệm của ngân sách địa phương. Tuy nhiên ngân sách địa phương hàng năm bố trí không được nhiều cho nên Chính phủ đã tăng nguồn vay này lên và sau đó địa phương sẽ dùng nguồn của mình để hoàn lại trong thời hạn nhất định khoảng 5 năm và vay không lãi. Hiện nay kinh phí bố trí là 4000 tỷ vì hiện nay các địa phương đang làm.

Liên quan đến vấn đề huy động dân thì Thủ tướng đã có chỉ thị rà soát lại các khoản phí, lệ phí, các khoản đóng góp và yêu cầu các địa phương phải hủy bỏ các khoản phí, lệ phí không có trong danh mục pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những khoản đóng góp không được phân bổ cho dân ở các địa phương theo tinh thần tự nguyện nhưng có giao chỉ tiêu thì không được. Bỏ những khoản đóng góp không hợp lý.

Chương trình giao thông nông thôn hiện nay chúng tôi đang hướng dẫn kết hợp với vốn của địa phương, vốn của Trung ương cho vay và làm thế nào tận dụng lao động tại địa phương tham gia vào đây để tăng thêm thu nhập cho người dân. Vốn này đã phân bổ xuống từng địa phương rồi, hiện nay địa phương đang triển khai thực hiện. Xin hết.


Phùng Quốc Hiển  - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, ngân sách

Kính thưa Bộ trưởng,

Tôi xin hỏi một câu hỏi. Thưa Bộ trưởng, kích cầu là một chủ trương hết sức tích cực của Đảng và Nhà nước ta để chúng ta chống suy giảm về mặt kinh tế. Yêu cầu của kích cầu phải đạt được mấy mục tiêu:

Thứ nhất, chúng ta phải hỗ trợ, giúp đỡ cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, chúng ta phải đảm bảo được chính sách an sinh xã hội.

Thứ ba, chúng ta phải đầu tư và kích cầu một cách kịp thời và kích cầu cho đúng.

Dư luận rất quan tâm đến khả năng hấp thụ của nền kinh tế đối với gói kích cầu này. Thứ hai là khả năng giải ngân cũng có biểu hiện chậm. Ví dụ, thứ nhất, đối với gói kích cầu 17 ngàn tỷ để chúng ta hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp. Có thể nói rằng muốn giải ngân được 17 ngàn tỷ chúng ta phải cho vay được ít nhất là 600 ngàn tỷ. Nhưng đến nay chúng ta mới chỉ cho vay được 150 ngàn tỷ. Như vậy khả năng giải ngân 17 ngàn tỷ gặp khó khăn.

Vấn đề thứ hai, giải ngân về trái phiếu Chính phủ, Quốc hội đã cho phép chúng ta dùng nguồn trái phiếu Chính phủ năm 2009 là 36.000 tỷ cộng với 8.500 tỷ nữa của năm 2008 là 43.000 tỷ và dự kiến Chính phủ sẽ xin với Quốc hội bổ sung thêm 11.500 tỷ. Như vậy tổng số nguồn trái phiếu Chính phủ mà chúng ta phải giải ngân được năm nay là 54.000 tỷ. Vậy đến nay chúng ta giải ngân được bao nhiêu như chúng tôi được biết giải ngân này của chúng ta rất chậm. Vậy nguyên nhân nào mà chúng ta giải ngân chậm và có nguyên nhân nào thuộc về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay không? Nếu những nguyên nhân thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì việc giải quyết của Bộ như thế nào? Tôi xin hết ý kiến.


Võ Hồng Phúc  - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

Kính thưa đồng chí Chủ tịch Quốc hội.

Kính thưa các đồng chí.

Tôi xin trả lời câu hỏi của đồng chí Phùng Quốc Hiển.

Thứ nhất, về vấn đề kích cầu, phải nói rằng kích cầu thời gian qua chúng tôi cho rằng đảm bảo đúng chỗ, tính đúng các gói kích cầu đầu tư là đảm bảo các nội dung yêu cầu đúng theo tinh thần nghị quyết của Quốc hội.

Về gói 17.000 tỷ đồng, chúng tôi tính như thế này là thực hiện ở đây chúng ta mới thực hiện hơn một tháng, nhưng đã thực hiện được đến ngày 13/3 vừa rồi là 144.300 tỷ đồng, theo ước tính của tôi đến thời điểm này, thời điểm hôm nay đây là 150.000 tỷ đồng. Nếu so sánh với con số chúng ta dự kiến rằng vốn huy động là 600.000 tỷ đồng thì tôi tin chắc là con số này có thể đảm bảo thực hiện được trong huy động giải ngân được 17 tỷ đồng. Đối với trái phiếu Chính phủ thời gian qua có chậm ở hai lĩnh vực giao thông, thủy lợi không chậm nhiều nhưng giáo dục và y tế là chậm nhiều, đối với hai trường hợp này vừa qua Chính phủ đã có những biện pháp cụ thể để đảm bảo thủ tục giải ngân nhanh, cụ thể là chỉ định thầu đối với các dự án đầu tư ở vùng sâu, vùng xa, các dự án dưới 5 tỷ là chỉ định thầu. Cho nên sau bước giải ngân giải quyết thủ tục này là cũng đã có giải ngân tiến bộ hơn nhiều.

Còn các thủ tục khác mà thủ tục bao trùm hơn nữa về công tác quản lý chung thì như tôi đã trình bày sáng nay, chúng ta có những vấn đề thuộc về thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của Chính phủ thì Chính phủ đã cố gắng làm hết sức để cởi, nhưng có những vấn đề đụng đến luật thì chúng ta phải sửa luật. Cho nên như tôi đã trình bày sáng nay là Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi các điều luật liên quan đến vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản và phối hợp với Chính phủ để sửa luật thì chỉ sửa những điều khoản cấp bách nhất đụng đến công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, còn những vấn đề chung nhưng chưa sửa, chưa ai hiểu gì thì không sửa, cách làm như vậy, xin hết.
Phùng Quốc Hiển  - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách

Kính thưa đồng chí Bộ trưởng, tôi xin được trao đổi và hỏi thêm đồng chí vấn đề nữa. Vừa qua chúng tôi có đi tiếp xúc cử tri và đặc biệt làm việc với một số tỉnh, khi mà bàn đến vấn đề giải ngân nguồn trái phiếu Chính phủ, đặc biệt đối với lại nguồn trái phiếu Chính phủ dùng cho giáo dục thì các địa phương đều rất băn khoăn khi chúng ta đưa ra một cơ chế đối ứng. Các tỉnh kể cả các tỉnh khó khăn thì mức đối ứng thấp nhất cũng phải là 10%, còn lại Chính phủ hỗ trợ cho địa phương 90%, có một số tỉnh mức hỗ trợ thấp hơn số này. Các tỉnh cho rằng phần đối ứng 10% là mức tối thiểu thì hết sức khó khăn, bởi vì khi triển khai các vốn đầu tư xây dựng cơ bản thì đều có kế hoạch cả. Trong khi đó chúng ta thực hiện giải ngân vốn ODA thì cũng cần phải đối ứng, thực hiện trái phiếu cũng cần phải đối ứng cho nên rất nhiều địa phương gặp khó khăn, nguồn đối ứng đó thì tỉnh không có lại dội xuống huyện, huyện không có lại dội xuống xã, xã không có lại dội xuống dân. Như vậy 10% đó rất nhiều địa phương người ta không thể có nguồn.

Vậy theo đồng chí Bộ trưởng chúng ta nên có giải pháp như thế nào để tháo gỡ tình trạng này. Tôi xin nói với đồng chí Bộ trưởng rằng đối với một xã mà làm 6 phòng học, mỗi phòng học khoảng 200 triệu thì 6 phòng là 1 tỷ 2, chúng ta đối ứng 10% tức là 120 triệu, nguồn đó lại giao cho xã để xã lại bổ cho dân, dân thì khó khăn. Tôi cho đấy là điều khó có thể thực hiện được.

Cho nên nguyên nhân giải ngân chậm cũng có nguyên nhân là do chúng ta bố trí nguồn vốn đối ứng mà giao cho địa phương hết sức khó khăn, xin đề nghị đồng chí Bộ trưởng giải thích thêm vấn đề này.


Võ Hồng Phúc  - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Về quan điểm vốn đối ứng thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chúng tôi đã trình Chính phủ và Chính phủ có ý kiến chỉ đạo. Đối với vốn đối ứng ODA chúng tôi không đồng loạt yêu cầu phải có vốn đối ứng, tôi chỉ biết trong văn bản mà Quốc hội giao kế hoạch là chỉ có những nơi nào có nguồn thu điều tiết thì mới yêu cầu bố trí vốn đối ứng, còn đối với các tỉnh Trung ương phải hỗ trợ về thì gần như Trung ương cấp vốn đối ứng ODA 100% là cấp đủ thì tiến hành chỉ đạo của Chính phủ và trong chúng tôi khi làm việc xây dựng kế hoạch cũng như vậy, chỉ trừ một số địa phương.

Đối với công trái giáo dục thì quan điểm chúng tôi cũng như vậy nhưng khi xây dựng kế hoạch vốn thì có một số địa phương họ nhận số phòng học lớn hơn và nói nếu không đủ thì họ xin phần 10% đấy, có vấn đề có một số địa phương muốn nhận số cao hơn thì cách làm của họ vận dụng như vậy, vấn đề đó chúng tôi sẽ xem xét kiểm tra lại, chứ còn đối với các nơi nghèo dứt khoát là 100% và lấy vốn đối ứng ở đâu vì ngay tiền đầu tư xây dựng cơ bản thường xuyên các đồng chí cũng phải lấy từ Trung ương thì lấy vốn đối ứng từ đâu thì có cách như vậy chúng tôi đã xử lý 100% đảm bảo. Còn nếu địa phương nào tình hình còn thiếu, còn khó khăn thì phải có cách xem xét lại để khi nhận của các đồng chí có đúng hay không để mà kiểm lại và bổ sung thêm. Xin báo cáo với các đồng chí như vậy.
Vũ Quang Hải  - Hưng Yên 

Kính thưa đồng chí Chủ tịch Quốc hội.

Thưa đồng chí Bộ trưởng.

Tôi xin đặt vấn đề thêm một chút như thế này, rất tiếc đồng chí Thống đốc Ngân hàng chiều nay không dự bởi vì sáng nay tôi đặt vấn đề về việc vay vốn lưu động trong trường hợp có hợp đồng tín dụng để phục vụ cho sản xuất kinh doanh thì theo Thông tư 02 của Ngân hàng có 8 tháng và được trừ 4% khi thanh toán. Do vậy việc giải ngân chậm là lẽ tất nhiên, cách đặt vấn đề như thế này chúng tôi chỉ xin nêu một vấn đề như vậy thực chất chính sách của chúng ta hỗ trợ 4% vào các doanh nghiệp để tác động vào các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhưng do giải ngân chậm cho nên việc tiếp cận nguồn vốn này cũng chậm, thực chất vào sản xuất kinh doanh bao nhiêu và để hỗ trợ cho các doanh nghiệp này thì đây cũng là vấn đề có thể nói chúng tôi muốn nêu lên để cho vị Thống đốc ngân hàng với chức năng quản lý Nhà nước hết sức chú ý. Bởi vì khi đến đây tôi cũng có trong tay số liệu yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tỉnh báo cáo tôi cũng được biết rằng trong số hơn 4 nghìn các doanh nghiệp và hộ cá nhân của Hưng Yên thì chỉ có một hợp tác xã được tiếp cận với nguồn vốn này.

Vấn đề thứ hai là nhiều doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản, vào chứng khoá, như vậy khi bất động sản và chứng khoán đang có khó khăn thì việc nợ xấu tăng lên là tất nhiên, việc giúp ngân hàng và giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn này cũng là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước. Nhưng chúng tôi xin lưu ý đã là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước để giúp các doanh nghiệp này vượt qua và giúp Ngân hàng thương mại bớt đi nợ xấu, bởi vì được 4% và trong 4% đó có bao nhiêu quyền lợi của ngân hàng thì chắc các đại biểu cũng biết, vấn đề đặt ra là khi nợ xấu và những vấn đề khó khăn thì Đảng và Nhà nước giang tay giúp đỡ tạo điều kiện để các doanh nghiệp và Ngân hàng thương mại phát triển. Nhưng cũng như thế với ngành điện thì việc chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi đối với các đối tượng khác trong xã hội là thế nào. Nếu nói theo luật thì không có luật nào có thể nói quy định Nhà nước bỏ một khoản tiền cho các doanh nghiệp đang làm ăn lúc thì khó khăn, lúc thì kêu lỗ, lúc lãi thì chia nhau, lúc lỗ thì chìa tay cho Nhà nước. Tôi xin hết ý kiến.


Каталог: content -> tintuc -> Lists -> News -> Attachments
Attachments -> TÒA Án nhân dân tối cao
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> PHÒng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng csgt đƯỜng bộ Độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 362.23 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương