VĂn hóa cự thạch trên báN ĐẢo hàn quốc lịch sử khám phá & khảo cứu loại hìnhcăn bảN



tải về 221.3 Kb.
trang3/4
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích221.3 Kb.
#25109
1   2   3   4

Trong “Từ điển Văn hóa Đông Nam Á”, “Cự thạch” cũng được coi như là “thuật ngữ khảo cổ học dùng để chỉ công trình dựng từ những khối đá lớn để nguyên hình dạng tự nhiên hoặc đã qua gia công. Cự thạch gồm các dạng: Dolmen (đá nằm), Menhir (đá đứng) và Cromlech (đá xếp theo một hệ thống), quan tài đá… Cự thạch được phát hiện đầu tiên ở vùng Địa Trung Hải, sau đó được phát hiện ở hầu hết khắp thế giới (trừ Châu Uc) nhưng thường gặp ở vùng duyên hải. Các Cự thạch có niên đại kéo dài từ thời đại Đá mới tới Đồng thau” (Ngô Văn Doanh, 1999). Ngoại trừ chum đá thuộc các cánh đồng “đặc sản” Lào (và một ít tiêu bản ở Sulawesi, hay Cachar thuộc Đông Bắc An), các công trình kiến trúc kiểu Dolmen, mộ Cự thạch và đá dựng dạng Menhir phân bố gần như đan xen nhau ở bình diện Châu lục.

Trên đại thể, mộ đá ghép Á Châu mang hình hài một quan tài đá hình hộp chữ nhật. Chúng cấu trúc bởi 4 phiến đan làm tường cùng 2 tấm làm đáy nền và nắp trên, ở một số công trình hoàn toàn không có tấm đan đáy. Ở trường hợp ngoại lệ khác thì mộ đá có 1 vách tường do nhiều tấm phiến nhỏ ghép lại, hoặc giả có các tảng đá lớn xếp ngăn thành cửa mộ thông với khoang buồng chứa thi hài bên trong. Mộ Cự thạch Á Châu thường nằm chung quần thể di tích với cùng các loại hình Đá lớn khác mà thuật ngữ Phương Tây gọi là “Menhir” (trụ đá dựng) và “Dolmen” (cấu trúc trác thạch với đá xếp tạo thành vòm giống hình chiếc bàn lớn). Các trụ đá Menhir thường chỉ dựng đơn giản trên nền đất, có khi bên dưới được chèn đỡ bằng vài tảng đá khác cho vững. Chúng thường là đối tượng thờ cúng hay thạch vật thiêng liêng trong các vùng đá dựng.

Các cấu trúc vòm dạng Dolmen phức tạp và đa dạng hơn, thường tạo hình nắp đá có 1 hay nhiều chân đỡ cao hoặc thấp, chân đỡ nắp nổi hẳn lên trên hay chìm ngập dưới nền đất. Trong nhiều trường hợp, Dolmen cũng chứa mộ phần dạng “stone-cist” bên dưới, song cũng có nơi chúng chỉ đơn thuần là biểu tượng của tục thờ đá giống Menhir .v.v…

Trong bình diện bao la của Châu lục, các văn hóa có kiến trúc Dolmen, mộ Cự thạch, trụ Menhir dựng đơn lẻ hay thành hàng – dãy được định vị niên biểu thời đại Kim khí mà theo học giả Hàn Quốc Kim Byung–Mo (1982), là “các truyền thống vững chắc” hình thành một vành đai ngoài Trung Nguyên, viền quanh lục địa Trung Quốc từ Bắc (đông nam Siberia, miền Bắc Mông Cổ, miền Đông Bắc Manchuria, các vùng Toàn La Đạo, Nam Sơn Lý, Ninh Viễn Quận, Bình An Đạo – Triều Tiên, miền Đông Bắc Chubu, Bắc Hải Đạo – Nhật Bản, Sơn Đông và Triết Giang – Trung Quốc) đến Nam (Đài Loan, Java và Sumatra – Indonesia, Mã Lai, An Độ, Tây Tạng và Tứ Xuyên – Trung Quốc .v.v…). Nguời ta còn tính cả vào vành đai này các ngôi mộ Cự thạch có tuổi ở khoảng giữa Thiên niên kỷ I BC. khai quật dọc Hắc Long Giang (Hei–Lung– Jiang) và Cát Lâm (Chi–Lin), vùng Martime (Nga); hoặc nhiều ngôi mộ với tường ghép từ các phiến đan lớn thuộc thời đại Đồng trong cùng thiên kỷ này do các học giả Nhật Bản phát hiện ở Xích Phong (Chi–Feng) (Mông Cổ), cùng nhiều tùy táng phẩm như nút áo (buttons), dao đồng và các sưu tập gốm có áo mầu đỏ nhạt.

Các văn hóa có mộ đá ghép hoặc Dolmen mang đặc trưng vùng Đông Bắc Á còn được ghi nhận dọc vùng duyên hải, từ các quần thể mật tập dầy đặc Dolmen ở phần Tây bán đảo Triều Tiên với nhiều hình loại bản địa như chân cao, chân thấp hoặc không có chân; các trung tâm giàu Cự thạch, với các Dolmen đơn giản hơn xuất hiện từ thời hậu kỳ văn hóa Thằng Văn (Jomon) và phổ biến vào thời sơ kỳ văn hóa Di Sinh (Yayoi), hoặc các mộ đá được coi như một dạng cấu trúc “ngầm dưới đất” (underground) của Dolmen trong các di tích hậu kỳ Jomon miền Tây quần đảo như Kyushu, Chukoku và Shikoku.

Ở Trung Quốc, các di tích có mộ Đá lớn hoặc Dolmen được ghi chép từ Sungari, bán đảo Liêu Bằng và vùng Đường Sơn thuộc tỉnh Hồ Bắc, hay thuộc địa phận các tỉnh Sơn Đông và Triết Giang. Trong vùng Tây Tạng – Tứ Xuyên, Trịnh Đức Côn khai quật các mộ đá ghép dọc thượng nguồn Mẫn Giang, hay khảo sát các công trình Dolmen và trụ đá dựng Menhir dọc thượng nguồn Dương Tử Giang. Ở bờ biển Đài Loan, GS Lăng Thuần Thanh miêu tả rất nhiều Dolmen thuộc các thời kỳ tiền sử và lịch sử; GS Tống Văn Huân khai quật không ít mộ đá trong các di chỉ tiền sử ở Tỳ Nam và các khám phá này đã cung cấp một “cầu nối” giữa miền Đông Bắc Á với hải đảo Đông Nam Á và miền Tây Nam Á.

Ở Đông Nam Á hải đảo, bắt đầu từ chuyên khảo của Dr Van der Hoop (1932), rất nhiều Dolmen có chân cao, chân thấp hoặc không chân (hay chân chôn ngầm trong đất) và mộ Cự thạch được khám phá và khai đào từ Đông Nam Sumatra đến Java. Bên cạnh nhiều công trình Cự thạch bản địa như các ghế đá dành cho danh nhân còn sống hoặc linh hồn của họ, các công trình đá xếp thành hàng rào (batu Kantang) với khoảng giữa dường như là nơi sinh hoạt cộng đồng, hội họp và vũ hội, những trụ đá dựng giống cột buộc trâu hay vật tế thần, các tượng đá biểu trưng hình bóng lẩn khuất của tổ tiên, các ngôi mộ Cự thạch có quan tài đá dạng “sarcophagi”; hay hầm mộ có thi hài chôn gập hay duỗi thẳng, có chứa chuỗi thủy tinh và mã não cùng tùy táng phẩm hiếm quý khác, các cấu trúc dạng Dolmen thuộc cả 2 truyền thống gọi là “cổ hơn” và “trẻ hơn”, gồm 1 phiến phẳng dựng trên 1 hay nhiều đá đỡ sử dụng như những bàn thờ tế thần hay thạch đài kỷ niệm, cùng các vết đục lõm rất đặc thù (cup marks) được coi như “những dấu hiệu quan trọng nhất của văn hóa Cự thạch” ghi nhận cùng tục thờ đá như là hiện thực rộng khắp của các sắc dân lưu trú từ tiền sử trong “thế giới các hòn đảo” ở Java, Sumatra, Nias, Sumba, Flores, Sulawesi hay Celebes .v.v….

Ở miền Tây Nam Á, cấu trúc Dolmen trong vùng giàu di tích Cự thạch thường kiến tạo trên mộ đá mà 1 tường mộ có trổ “lỗ cổng” (port–hole) – những trường hợp không thật phổ biến ở Châu Á mà được coi như là đặc điểm của các công trình Dolmen Caucasia trong văn hóa Kim khí Maikop (Sulimirski, T., 1970). Tuy vậy, học giả R.E.M.Wheeler (1947 – 1948) vẫn ủng hộ ý tưởng của C.van Furer–Haimendorf rằng: “Các ngôi mộ Cự thạch ở miền Nam An Độ có quan hệ với các di tích đồng dạng Phương Tây trong thời đại Sắt và những công trình đá tưởng niệm ở vùng trung tâm và Đông Bắc An Độ còn có những quan hệ từ thời Đá mới mà Indonesia và Đông Nam Á là một hướng”.

Trên thế giới hải đảo rộng lớn hơn, nhờ chuyên khảo của A.Riesenfeld (1950) mà chúng ta biết tới nhiều địa điểm khác nhau của Melanesia có những công trình mộ đá ghép, các trụ đá dựng, móng nền đá tảng vẫn gọi là “Cự thạch” phục vụ các nghi lễ tôn giáo và tang ma từ cổ xưa truyền lại đến các thế kỷ gần đây nhất. Ví như, các nghi lễ tiến hành ở 1 Dolmen nhỏ với cấu trúc giống hình hộp ghép từ 4 phiến đan với 1 hông mở để đặt sọ và xương dài của người chết. Ở Arosi, San Christoval, các công trình Dolmen ghép bằng 3 – 5 phiến đan (phiến nắp trên rộng nhất) được gọi là “Đá thiêng” (Hdusuru–exalted Stones). Người ta đặt sọ người chết bên trong “Đá thiêng”, mà 1 tấm đan ở hông thường có “lỗ thủng” đã được Fox và Riesenfeld cho là đặc biệt giống “mắt” (seelenloch) hoặc là “lỗ thoát hồn” của Dolmen Châu Au. Ở Dolmen, đồ phúng lễ thường được đốt.

Đôi khi còn có cả những viên đá tròn gọi là “Đá con” (stone child) bầy trong có ý nghĩa ma thuật trên các đảo Torres, Maevo, Malekula và Epi. Đôi khi, ở trên nắp hoặc ở gần cạnh Dolmen, người ta còn dựng thêm tượng đá, có nhiều tiêu bản còn khắc hình đầu người, hình chim, cá hay bò sát .v.v… với niềm tin rằng các hồn ma chôn trong nghĩa địa sẽ chú ý đến thánh thạch được kiến thiết (Riesenfeld, A., 1950).

Ở làng Tembui (Tân Đảo), các trụ đá nhỏ gọi là “Đá Taro” được gắn quây thành vòng tròn, các tiêu bản cuội lượm dưới lòng sông thường nhỏ như ổ bánh mì, có khi chỉ như trứng ngỗng nhưng có vẽ mầu đỏ biểu tượng cho “máu của linh hồn” đang thờ phụng. Chúng cũng được Kramer và Bannow coi là “ma thuật thờ linh vật” (phallic fertility magic) nhằm chống lại những hồn ác xấu rất phổ biến ở Indonesia. Riêng Riesenfeld đòi hỏi phải gắn chức năng của chúng với các nghi lễ tín ngưỡng Melanesia và văn hóa Papua mới có thể tin cậy được. Dẫu rằng chỉ có ít công trình thực sự là kiến trúc Cự thạch được nhà Khảo cổ học quan tâm nghiên cứu kỹ, nhưng không ít tư liệu hệ thống trong chuyên khảo của Riesenfeld nhiều năm được giới Sử học sử dụng đến.

Theo Dr Peter Bellwood, chỗ đáng tiếc trong quyển sách trên là A.Riesenfeld đã tin rằng tất cả công trình đá thậm chí ở dạng đơn giản nhất là tàn tích vật chất của một nhóm người thống nhất mà ông gọi là “những người thợ đá di cư”. Cũng như nhiều nhà dân tộc học tiền bối, tác giả (Bellwood, P., 1978) cho rằng Melanesia được chiếm lĩnh bởi những làn sóng người di cư gồm chủ nhân nhiều văn hóa khác nhau. Đầu tiên là những người Papua “tiền gốm” và muộn hơn là những người thợ đá nhập cư đến qua phía tây Micronesia và cuối cùng là những người Melanesien da đen – những người có khả năng khai triển hai làn sóng di cư, bao gồm: một dòng người hướng phía đông Melanesia và một dòng người, không có thói quen ăn trầu, đến từ phía tây.

Những người thợ đá nhập cư làm chủ kỹ thuật chế tạo gốm có trang trí hoa văn bện thừng–xoáy ốc, sử dụng cung tên, đội mũ và không biết đến tục “ăn thịt người” (cannibalisme), xây dựng công trình Cự thạch, nuôi lợn, trồng dừa và những cây trồng khác. Họ còn có các quan niệm tôn giáo tín ngưỡng thần bí, bao gồm cả tục “thờ cá mập” (carcharius glaucus) và “thờ cá Bonito”, với những loại cây thiêng liêng và có huyền thoại về những “siêu nhân da trắng”, “rắn sáng tạo”, về những người “trên trời” và về “tình bằng hữu”. Bản thân những người thợ đá nhập cư thuộc chủng tộc Mongoloid đến Melanesia qua ngả Indonesia, Philippines và Micronesia không lâu sau năm 800 AD.

Tác giả cũng phân định một số yếu tố văn hóa Melanesia gắn với những người Nam Đảo sớm như : những công trình và kiến trúc đá, lợn nhà, dừa và kỹ thuật chế tạo gốm bằng bàn đập–xoáy ốc. Sự vắng mặt hoàn toàn những công trình đá ở vùng núi New Guinea nói lên sự liên kết những công trình Cự thạch vào khối người Nam Đảo, nhưng theo P.Bellwood (1978), điều đó không có nghĩa là tất cả những công trình đá như vậy được kiến thiết ở Melanesia đều thuộc các đại diện của khối cư dân nói ngôn ngữ Nam Đảo này. Theo ông, nhìn chung ở Châu Đại Dương các công trình Cự thạch có hệ chức năng khá rộng và về nhiều mặt liên hệ với thế giới tinh thần cổ xưa với sự hiện diện các ngôi mộ Cự thạch, bàn thờ, tượng thờ dường như là bằng chứng về sự gắn bó của nhiều công trình Cự thạch với nghi thức mai táng thủ lĩnh tôn giáo. Đương nhiên, nguồn gốc Cự thạch chỉ có thể tìm hiểu khi đặt trong khung cảnh chức năng văn hóa của chúng. Các nỗ lực tách tất cả Cự thạch Austranesia khỏi một vùng; ví như, từ Trung Quốc – như M.Fleming (1963) đã thử làm, hay gắn chúng với những cuộc viễn du của “Những đứa con của Mặt trời” thần thánh – như W.Perry (1918) giả định, không những có thể sai mà còn không cần thiết (Bellwood, P., 1978).

Về cơ bản, sự phân bố của những công trình Cự thạch Á Châu thường gắn liền với các văn hóa hình thành nơi cận biển và các đảo nằm giữa biển, với những ngoại lệ không kém huy hoàng nằm sâu trong nội địa và trên những sơn nguyên huyền vũ nham cao trình cách mức biển 1.000 – 2.000m. Những công trình và kiến trúc Cự thạch danh tiếng nhất Châu Á chỉ khám phá trong những vùng sinh thái nhiệt đới – cận nhiệt đới. Chính thực tiễn môi sinh rộng nhất này đã gợi mở các lý giải trực tiếp liên hệ với những nền văn hóa bản địa cổ xưa gắn kết với những công trình Đá lớn.

Ví như, tục thờ đá phổ cập trong các xã hội người cộng sinh trên những thảm phủ thực vật nhiệt đới – cận nhiệt đới với những điều kiện kinh tế kiếm sông tương hợp môi sinh hẳn phải gần gũi với nhau. Trong mối quan tâm này, hạt hòa thảo quan trọng nhất cho cuộc sống con người cùng lưu trú miền nhiệt đới – cận nhiệt đới chính là hạt lúa và toàn bộ văn hóa và xã hội của những người phổ biến tục thờ đá và xây dựng Dolmen, mộ đá ghép hay những công trình Cự thạch lớn lao nhất Châu lục thời tiền sử và sơ sử được xem như “những cư dân trồng lúa” (Kim, B.M., 1982).

Trong một công trình tổng hợp gần đây, nhà khảo cổ học Hàn Quốc Byung-mo Kim, Giáo sư Trường Đại học Quốc gia Seoul đã cố gắng phục dựng một hình hài xã hội chung của những người xây dựng Dolmen và Cự thạch cổ từ những bằng chứng khảo cổ học trực tiếp khái quật trong Cự thạch và khai thác các nguồn thư tịch cổ, thần thoại và văn hóa dân gian ở bán đảo Triều Tiên, với hy vọng phổ cập trên bình diện rộng hơn miền Đông Bắc Á. Theo ông, những người thợ làm gốm đơn giàn ở đây là những người đầu tiên “học trồng lúa”. Bằng chứng sớm nhất của nghề trồng lúa ở Triều Tiên phát hiện trong các di chỉ cư trú nằm dọc sông Hàn ở vùng Hân Nham Lý, có niên đại C14 từ các thế kỷ 13 – 7 BC. (SNU. 1978, 8). Niên đại này phù hợp với phổ hệ niên biểu của các văn hóa có Dolmen và những công trình mộ táng kèm theo đồ đựng có đáy phẳng là gốm thô đơn giản, dao đá hình lưỡi liềm; loại đồ đựng gốm đỏ có đáy tròn và dao găm đá chỉ phục vụ cho mai táng người chết với tư cách tùy táng phẩm của họ. Riêng loại dao đá có hình nửa vành trăng chính là kiểu công cụ gặt phổ biến ở vùng Đông Bắc Trung Quốc có thể thích hợp với việc thu hoạch lúa trên các cánh đồng Hàn Quốc, nhưng trong điều kiện khí hậu lạnh hơn vẫn có thể được người xưa sử dụng để gặt hái các loại bông có hạt khác.

Vì một tảng đá nặng nhiều tấn, thậm chí tỷ trọng nhiều chục tấn, có thể khai thác, chế tác và di chuyển đường trường bởi sức người, chúng ta dễ dàng hình dung được công cuộc xây dựng một quần thể kiến trúc Cự thạch với nhiều tấm đan ghép cùng cỡ, nhiều trụ – khối có sức nặng đòi hỏi không ít thời gian lao động và trí lực cộng đồng người xưa, không loại trừ bất cứ chủ nhân của nền văn hóa nào có liên kết với công trình ở Châu lục. Bởi thế, Giáo sư Byung-mo Kim đã đưa ra giả định về một mối “quan hệ chức năng” thể hiện như sau:




ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT

(physical life)



ĐỜI SỐNG TINH THẦN

(spiritual life)



NGHỀ TRỒNG LÚA

(rice cultivating)

CỘNG ĐỒNG ỔN ĐỊNH VỮNG CHẮC ---

(settled community)



------------- LỄ NGHI CỘNG ĐỒNG

(communial rites)

XÂY DỰNG CÁC DOLMEN

(constructing Dolmens)


Theo tác giả, nếu mối “quan hệ chức năng” tạm hình dung như thế được chấp nhận, thì sự biến đổi nền tảng trong đó chính là cây lúa, loài hòa thảo đến với xã hội Triều Tiên cổ qua nhiều tuyến đường khác nhau (từ phía bắc hoặc từ phía đông nam, theo các lý thuyết về nguồn gốc của nghề trồng lúa Châu Á được ông tin tưởng nhất, với khí hậu nhiệt đới như Cận Đông cho lúa mì (wheat) và từ Châu Phi cho lúa mạch (rye); Nhưng dù bằng con đường nào đi chăng nữa, nghề trồng lúa chính được học lại ở Triều Tiên vẫn sẽ là Đông Nam Á, với các cư dân mà nghề trồng trọt vốn có tự lâu đời và trong cuộc sống tinh thần riêng có “tục thờ Đá lớn” (the Magalithic worship) nhiều khả năng là cội nguồn cho các “cảm hứng Triều Tiên cổ” với cuộc sống tinh thần mới gọi là “tục thờ Đá lớn”.

Các ý kiến của GS. Byung-mo Kim hiển nhiên không chỉ dừng ở trạng thái dự cảm. Đã có nhiều các diễn giải nhằm làm sáng tỏ về ý tưởng xưa ẩn chứa trong nhận thức của những người từng xây dựng và sử dụng Cự thạch; Ví như, sự chọn lựa vùng kiến thiết mộ Cự thạch dành mai táng riêng cho thủ lĩnh, hay xếp đặt Dolmen có liên quan đến “nơi thiêng liêng bất khả xâm phạm” (sacred places) dành cho tổ tiên của họ hoặc “thánh địa” và nơi lễ nghi mang tính chất cộng đồng (Seok, Kwang-jun., 1979); hoặc giả mật độ tập trung Cự thạch trong khu vực nhất định có thể biểu thị số lượng của những thị tộc chung sống với nhau trong vùng đó dù ở Triều Tiên (Kim, B.M., 1982) hay ở Thượng Lào (Colani, M., 1935).

Các lý giải “thế giới tinh thần người cổ” còn tiếp diễn theo nhiều hướng khác; Ví như , về cội nguồn và ý nghĩa của phong tục “thờ Đá lớn”, “thờ thần Mặt trời”, “thờ thần Mặt trăng”,thờ các thế lực siêu tự nhiên” .v.v… Người ta còn chú ý nhiều đến “hướng đầu” của thi hài người chết được đặt trong mộ táng, đến “hướng trục” (axis) Dolmen theo hướng mặt trời vận hành thường nhật từ bình minh (đông) đến hoàng hôn (tây) liên quan đến sinh – tử đời người; hoặc giả trục Dolmen dài theo hướng đông tây và bắc nam là uốn lượn theo dòng chảy Đại Tử Giang gợi ý nước sông này là “đối tượng quan trọng” với những người xây dựng Cự thạch không chỉ đơn giản vì nước là nguồn sống cần cho con người và cả nghề trồng lúa trong đời sống kinh tế của họ, mà còn có thể sâu xa hơn trong ý thức hệ tiền sử biểu trưng cho sự thịnh vượng và sự trường thọ (Lee, Y.J., – Kim, B.M., 1982); cũng không khác suy tưởng hướng Cự thạch Indonesia về “núi thiêng” – nơi “thế giới linh hồn tổ tiên” (ancestor spirit world) (Sukendar, H., 1999) .v.v…

Ngoài các “mắt” hoặc “lỗ thoát hồn” xuyên thủng các phiến đan của kiến trúc Cự thạch Á Châu đã nói tới, với các lỗ khoét hình bán cầu phổ biến trên nhiều Dolmen và công trình Đá lớn ở Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan, Java, Sulawesi và xa hơn cũng có nhiều kiến giải khác nhau; Ví như, đó là những lỗ nghiền hạt tượng trưng sản phẩm thu hoạch khi thực hành lễ hội, là kết quả cầu nguyện sự sung túc của cộng đồng, hoặc giả là yếu tố khác của tục thờ đá trong thực tế cầu nguyện của từng vùng – miền văn hóa .v.v…

Người ta còn khảo cứu nhiều nguồn tư liệu cổ, các huyền thoại và truyền thuyết bao quanh “cái lõi lịch sử” của văn hóa – văn minh cổ xưa ở nhiều quần thể mật tập công trình và kiến trúc Cự thạch nguyên thủy. Chẳng hạn, trên bán đảo Triều Tiên nói riêng, người ta quan tâm đến các huyền thoại về “thủ lĩnh” (chiefdom) hay về “nhà nước sơ khởi”(tribal state)– các huyền thoại được coi như có liên quan đến các biến cố lịch sử trọng đại diễn ra trong thời kỳ Đồng thau–Sắt sớm. Ví như, thư tịch viết về lịch sử ba “Vua” (Kingdom) (thế kỷ 1 BC.–thế kỷ 10 AD.) là Tam Quốc Di Sự đã cung cấp thông tin giải thích vì sao tổ tiên các vua sinh ra và các thủ lĩnh già lập nước ở đâu; các thư tịch cổ Trung Hoa Hậu Hán ThưTam Quốc Chí cũng cho nhiều minh họa về xã hội cổ Manchuria và Triều Tiên.

Học giả Byung-mo Kim (1982) đặc biệt chú ý đến hai huyền thoại phổ cập nơi đây là “huyền thoại Thiên tử” (Heavenly Son myths) và “huyền thoại Noãn sinh” (Oviparous myths). Theo ông, truyền thuyết về Thiên tử - tổ tiên của người sáng lập nước phổ biến ở miền Bắc Á trong các cộng đồng người nói tiếng Altaic. Ví như, Thiên tử Hằng Hùng (Huan–Ung), người sáng lập nhà nước huyền thoại cổ Triều Tiên vào khoảng 23 – 24 thế kỷ BC.; Thiên tử Giải Mộ Thức (Hae–Mo–Su), người sáng lập vương quốc Phu Dư hay Đông Phu Dư (Pu–Yeo; Tong Pu–Yeo); còn các tổ tiên của thủ lĩnh Tân La (Silla) vào khoảng thế kỷ 1 BC. là thủ lĩnh của 6 bộ lạc và chính họ cũng là người từ trên trời xuống hạ giới. Trong giới nghiên cứu Khảo cổ học Triều Tiên, truyền thống kiến tạo di tích đá hình “ụ tháp” (cairns) trong thời đại kim khí (Đồng thau–Sắt sớm) phổ biến ở miền Đông Nam Manchuria, ở Cao Câu Lộc (Ko–Gu–Ryo) và Tân La, được người ta tin là có liên hệ với những cấu trúc mộ dạng “kurgans” sớm ở Siberia – nơi nói tiếng Altaic; Và, vì lý do đó, huyền thoại Thiên tử được bén rễ trong niềm tin của những người Triều Tiên nói tiếng Altaic trong thời đại cổ xưa.

Loại “huyền thoại đẻ trứng” phổ biến trong thần thoại cổ Triều Tiên xuất hiện muộn hơn “huyền thoại Thiên tử”. Đây là tín ngưỡng cho rằng tổ tiên hoặc những người sáng lập một vương quốc được sinh ra từ một quả trứng (hay từ cái hộp trong biến thể khác). Huyền thoại “Noãn sinh” phổ cập ở miền Nam bán đảo, là gốc lõi của truyền thuyết về “Phái Hách Cư Thế” (Pak–Hyok–Kosei), vị vua đầu tiên của Tân La (57 – 4 BC.); về “Thạch Thoát Giải” (Sok–Tal–Hae), vị vua thứ tư của Tân La (2 – 8 AD.) đã sinh ra từ quả trứng (hay từ cái hộp); Người sáng lập hoàng gia họ Sinh (Kim) là Sinh Duyệt Trí (Kim–Al–Ji) và vị vua thứ bảy của Tân La cũng bước ra từ cái hộp vàng. Ở vương quốc cổ Gia Da (Ka–Ya) thuộc phần đông nam bán đảo, vị vua thứ sáu theo thứ tự sinh ra từ quả trứng thứ sáu. Vào khoảng thế kỷ 1 BC., người sáng lập vương quốc Cao Câu Lộc là Châu Mông (Chu–Mong) là người con khổng lồ của thiên tử Giải Mộ Thức cũng được sinh ra từ quả trứng của mẹ là con gái thần Hà Bá (Ha–Back).

Theo nhiều học giả, huyền thoại “noãn sinh” xuất hiện từ thời đại đồ Đồng là thứ tín ngưỡng mới được du nhập ở miền Đông Nam bán đảo cùng với sự truyền bá của nghề trồng lúa và phong tục thờ đá. Khác với cuộc sống du cư cùng các đàn gia súc Phương Bắc, những người nông dân định cư hình thành truyền thống văn hóa riêng, cùng với Dolmen, Cự thạch và huyền thoại đẻ trứng ở miền Nam bán đảo. Cả 2 cộng đồng người với 2 mô thức sống khác biệt dần hội nhập bởi hôn nhân ngoại tộc và cuộc tiếp xúc của 2 truyền thống văn hóa lớn ở Triều Tiên diễn ra trong huyền thoại khi lớp con cháu nối dõi Thiên tử Giải Mộ Thức cưới nàng Liễu Hoa (Yu–Hua) nằm trong trứng người con gái của Thượng Đế (hay Hà Bá).

Theo học giả Kim Jai–Bung (1973), huyền thoại Noãn sinh với nhiều biến thể phổ cập khắp Châu lục, từ phương Bắc (Yakuts, Maritime – Nga; truyền thuyết về vua Châu Đan (Shu–En), vùng bờ biển Đông Trung Quốc) về phương Nam (bộ lạc Bái Loan (Bai–Wan) ở Đài Loan, bộ lạc Yueh ở đảo Hải Nam, bộ lạc Munda ở An Độ, các bộ lạc ở Tây Tạng và cả Châu Đại Dương) .v.v… Huyền thoại Noãn sinh cũng là thể loại tín ngưỡng đặc trưng khắp vùng Đông Nam Á, từ Burma (vương quốc Mao), Thái Lan (bộ lạc Thai), Việt Nam đến Philippines, Java, Kalimantan, Sulawesi.v.v…, mà dường như tín ngưỡng cổ kính này lan truyền từ Đông Nam Á theo đường biển Nam Trung Hoa đến bán đảo Triều Tiên và miền Đông Bắc Á.

Ngoại trừ một số quần thể có “mộ Đá” (Stone Cists) vùng Andronovo Minusinsk (Nga); về cơ bản sự phân bố những công trình và kiến trúc Cự thạch nói chung, đặc biệt kiểu Dolmen ở Châu Á – từ miền Đông Bắc Á qua vùng đệm Đông Nam Á đến miền Tây Nam Á – gần như gối đầu lên không gian phẳng của huyền thoại Noãn sinh của Châu Lục, đã được GS. Byung–Mo Kim (1982) minh giải qua đồ bản (fig.1,p.170; fig.5, p.186) (H.1-2) coi như là sự kết hợp “đồng thời” (thời đại Đồng thau – Sắt sớm) và “trùng nhau” (không gian phân bố môi sinh nhiệt đới – cận nhiệt đới) giữa văn minh nông nghiệp trồng lúa (văn hóa vật chất) và huyền thoại noãn sinh trong thế giới tinh thần – tín ngưỡng tiền sử và sơ sử.

Các học giả cũng tin rằng huyền thoại Noãn sinh cũng tương hợp với nền văn hóa – văn minh kim khí Đông Sơn ở Bắc Bộ và miền Bắc Trung Bộ Việt Nam (Kim, J.B., 1973; Kim, B.M., 1982), song còn để trống toàn bộ Đông Nam Á lục địa trong Phác đồ phân bổ Dolmen và mộ Cự thạch ở Châu lục, rất đơn giản chỉ vì họ chưa tiếp xúc các nguồn dẫn liệu Cự thạch Việt Nam, dù cuộc đào đầu tiên ở “Dolmen” Hàng Gòn (Xuân Lộc – Long Khánh, Đồng Nai) và các thông tin về “Hầm mộ Đá lớn” Đồng Phổ (Quảng Ngãi) (Bouchot, J.1927,1929; Parmentier, H.1924, 1929; Hoop, van der, 1932) đã phổ biến trong giới khoa học Quốc tế bằng Pháp ngữ, Anh ngữ và Hà Lan ngữ cách nay đã hơn 7 thập kỷ.

Ở Việt Nam – “khu đệm” giữa ba vành đai Cự thạch dầy đặc nhất Châu lục : Hàn Quốc – An Độ và Nam Dương, trong kho tàng văn hóa dân gian phong phú của nhiều dân tộc, có không ít truyền thuyết nói về nguồn gốc các tộc người tương tự huyền thoại Noãn sinh Á Châu. Ví như, các truyện kể về “Quả bầu mẹ” từ trong đó sinh ra các tộc người, truyện kể về “đôi chim thần đẻ trứng trăm, trứng nghìn”, nở ra người Việt, người Mường, người Xá, người Thái, người Lư .v.v…, truyện kể về “bọc trứng nở trăm trai” của người Việt, với 50 người con theo cha Lạc Long Quân về miền đồng bằng và vùng ven biển lập nghiệp để trở thành người Việt, 50 người con khác theo mẹ Au Cơ lên rừng sinh sống để trở thành nhiều dân tộc thiểu số anh em khác (UBKHXHVN. 1971). Sự hiện diện của các quần thể Cự thạch trên bán đảo Việt có liên hệ gì chăng với huyền thoại sinh động và giàu ấn tượng này của Châu lục? Câu hỏi còn bỏ ngỏ, còn chờ gỡ mối bởi những cuộc khai quật nghiêm túc tại tất cả những quần thể đã lộ diện dưới ánh sáng khoa học đến hôm nay.


Каталог: wp-content -> uploads -> 2013
2013 -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
2013 -> ĐỀ CƯƠng ôn tập bài kiểm tra 15 phút môn hóA 9 LẦN 1 vq1: Nêu
2013 -> Mãng cäc thiÕt diÖn nhá Tiªu chuÈn thi c ng vµ nghiÖm thu Minipile foundation Standard for constrution, check and acceptance
2013 -> Thiết kế nghiên cứU & thống kê y họC
2013 -> BỘ XÂy dựng số : 14/ 2003/ QĐ-bxd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
2013 -> Chương dao đỘng cơ
2013 -> Số Hồ sơ: 101/ /thu cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc phiếu giao nhận hồ SƠ Loại hồ sơ: Đăng ký bhxh, bhyt bắt buộc
2013 -> Số Hồ sơ: 103/ /thu cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam số Hồ sơ: 103/ /thu-đC Độc lập Tự do Hạnh phúc
2013 -> Số Hồ sơ: 107/ /thu cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
2013 -> Niên Lịch Phụ Huynh/Học Sinh

tải về 221.3 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương