Vấn đề Trợ cấp trong Nông nghiệp trong Vòng Doha và Tác động tới Việt nam



tải về 145.29 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu19.01.2018
Kích145.29 Kb.
#36142
Vấn đề Trợ cấp trong Nông nghiệp trong Vòng Doha

và Tác động tới Việt nam

Trợ cấp trong nông nghiệp là vấn đề “nóng bỏng” nhất trong vòng đàm phán Doha và tại Hội nghị Bộ trưởng WTO ở Hồng Công vừa qua. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu các thành viên giải quyết không triệt để vấn đề này thì viễn cảnh đạt được thoả thuận cả gói cho vòng Doha trở nên rất xa vời, gây ảnh hưởng tới uy tín của WTO. Tại sao vấn đề này có vai trò quan trọng như vậy? Tác động của nó như thế nào đối với Việt Nam?



  1. WTO quy định như thế nào về trợ cấp trong nông nghiệp

Trợ cấp được hiểu là “những lợi ích mà chính phủ đem lại cho một đối tượng nhất định và có thể lượng hóa về mặt tài chính. Trong nông nghiệp, WTO phân chia trợ cấp thành hai nhóm chính là hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu. Hỗ trợ trong nước là những lợi ích được chính phủ dành cho một hoặc một số đối tượng mà không trực tiếp gắn với hoạt động hay kết quả xuất khẩu của đối tượng đó. Trợ cấp xuất khẩu có thể hiểu một cách đơn giản là những lợi ích gắn với hoạt động hoặc kết quả xuất khẩu.


Hỗ trợ trong nước gồm những biện pháp, chính sách được chính phủ sử dụng để giúp duy trì giá nông sản mà người sản xuất trong nước nhận được ở mức cao hơn mức giá thông thường phổ biến trên thị trường thế giới; các khoản chi trả trực tiếp cho người sản xuất trong nước, kể cả các khoản chi trả để ngừng sản xuất nông nghiệp; và các biện pháp giảm chi phí tiếp thị, chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.
Hiệp định Nông nghiệp của WTO sử dụng hệ thống các “hộp” với màu sắc phân biệt khác nhau (dựa trên hệ thống đèn giao thông) để thống kê và tập hợp các nhóm biện pháp hỗ trợ trong nước theo phân loại tác động của biện pháp tới sản xuất, thương mại hàng nông sản. Hiệp định không cấm các nước thành viên sử dụng hỗ trợ trong nước (vì thế mà không có đèn đỏ - tức là không có hộp màu đỏ) nhưng quy định không cho phép hỗ trợ trong nước vượt quá mức cam kết cắt giảm theo lộ trình trong Hộp Hổ phách (còn gọi là hộp màu vàng).
Hộp Xanh lá cây (Green Box): gồm các biện pháp hỗ trợ (được coi là) không hoặc hầu như không gây bóp méo thương mại. Do đó các nước được phép duy trì không giới hạn. Đây là những biện pháp hỗ trợ mang tính phổ biến, nằm trong nhóm 13 chương trình mà Hiệp định Nông nghiệp quy định tại Phụ lục 2 và đáp ứng các điều kiện mà Hiệp định đặt ra đối với từng chương trình. Nhìn chung, đặc điểm của các biện pháp hỗ trợ thuộc Hộp Xanh lá cây là do ngân sách chính phủ chi trả và không mang tính chất hỗ trợ giá. Ví dụ các khoản chi trả mà nông dân nhận được từ ngân sách nhà nước căn cứ trên tiêu chí về mức thu nhập hay mức độ sử dụng yếu tố sản xuất nhưng không trực tiếp liên quan tới hay căn cứ vào kết quả sản xuất hay phương thức sản xuất của người nông dân đó (còn gọi là hỗ trợ thu nhập tách rời sản xuất). Việc xếp các biện pháp này vào hộp màu xanh (nghĩa bóng là được phép) dựa trên tinh thần là các nước không phải cam kết cắt giảm các biện pháp này, tức là các hỗ trợ trong nước thuộc dạng này không cần phải cắt giảm hay chấm dứt.
Hộp Xanh lơ (Blue box): gồm các khoản chi trả trực tiếp từ ngân sách nhà nước mà gắn với sản xuất và thuộc các chương trình thu hẹp sản xuất nông nghiệp. Các nước không phải cam kết cắt giảm các biện pháp này, đồng nghĩa với việc các hỗ trợ trong nước thuộc nhóm này cũng không cần phải cắt giảm hay chấm dứt. Mặc dù các biện pháp được xếp vào hộp xanh lơ có gây bóp méo thương mại, nhưng do nằm trong khuôn khổ thu hẹp sản xuất nông nghiệp nên vẫn được phép duy trì (vẫn có màu xanh), tuy nhiên lại phải chịu sự điều chỉnh chặt chẽ hơn thông thường (nên có màu xanh lơ).
Hộp Hổ phách (Amber box): gồm các biện pháp hỗ trợ bị coi là gây bóp méo sản xuất và thương mại và vì thế các nước phải cam kết cắt giảm theo một lộ trình nhất định. Các biện pháp được xếp vào hộp hổ phách có thể là hỗ trợ giá, trợ cấp gắn với sản xuất, tức là tất cả các biện pháp hỗ trợ trong nước mà không nằm trong hộp xanh lá cây và xanh lơ. Tại Vòng đàm phán Uruguay, các nước được yêu cầu lượng hóa cụ thể các biện pháp hỗ trợ trong hộp hổ phách thành một con số chung gọi là Tổng hỗ trợ gộp (Total Aggregate Measurement of Support - Total AMS, tức là tổng hỗ trợ (AMS) cho từng sản phẩm cụ thể gộp với tổng hỗ trợ (AMS) không theo sản phẩm cụ thể) và kê khai trong Biểu cam kết của từng nước để căn cứ vào đó đưa ra cam kết cắt giảm (Theo cơ chế của Hiệp định Nông nghiệp thì cam kết cắt giảm được đưa ra căn cứ trên mức Tổng hỗ trợ gộp, nghĩa là cho phép chuyển đổi hỗ trợ AMS giữa các sản phẩm với nhau, miễn là mức Tổng hỗ trợ gộp cuối cùng tuân thủ mức cam kết đưa ra). Theo quy định của Hiệp định Nông nghiệp, tổng hỗ trợ AMS cho từng sản phẩm cụ thể và tổng hỗ trợ AMS không theo sản phẩm cụ thể không bị tính vào mức Tổng hỗ trợ gộp (Total AMS) nếu dưới ngưỡng hỗ trợ cho phép (de minimis). Ngưỡng hỗ trợ cho phép đối với nước đang phát triển là 10% giá trị sản lượng của sản phẩm nếu là hỗ trợ cho sản phẩm cụ thể và là 10% giá trị sản xuất nông nghiệp cả nước nếu là hỗ trợ không theo sản phẩm cụ thể; còn ngưỡng cho phép đối với nước phát triển là 5%.
Trợ cấp xuất khẩu nông sản bị cấm sử dụng theo Hiệp định Nông nghiệp, trừ trường hợp đã được thông báo trong Biểu cam kết thì phải cắt giảm cả giá trị trợ cấp và khối lượng sản phẩm được trợ cấp theo lộ trình quy định. Lấy mức trợ cấp xuất khẩu của giai đoạn cơ sở là từ năm 1986-1990, các nước thành viên phát triển của WTO được yêu cầu phải cam kết giảm 36% giá trị trợ cấp xuất khẩu và giảm 21% khối lượng hàng xuất khẩu được trợ cấp trong vòng 6 năm. Các nước thành viên đang phát triển phải cam kết cắt giảm 24% giá trị và 14% khối lượng trong vòng 10 năm.
GATT và WTO đã có nhiều cố gắng nhằm giảm bớt quy mô và mức độ ảnh hưởng của trợ cấp xuất khẩu và hỗ trợ trong nước gây bóp méo thương mại đối với các sản phẩm nông sản mà nỗ lực lớn nhất cho đến nay là việc đạt được Hiệp định Nông nghiệp trong gói kết quả tổng thể của Vòng đàm phán Uruguay. Thế nhưng, tuy có một số tiến bộ khiêm tốn song Hiệp định Nông nghiệp sau này đã bị xét lại vì những hạn chế và bất cập mà chỉ khi đi vào quá trình thực hiện mới được phơi bày hết. Chẳng hạn như việc lựa chọn giai đoạn cơ sở 1986-1988 để tiến hành cắt giảm hỗ trợ trong nước tỏ ra không thỏa đáng vì giai đoạn này lại trùng với đúng thời kỳ các nước đang phát triển duy trì mức hỗ trợ rất cao. Hơn thế, để đổi lại được sự ra đời của Hiệp định này, các nước đang phát triển đã phải chấp nhận một số nhượng bộ đáng kể, trong đó phải kể đến việc cho phép các nước trợ cấp lớn nhất thế giới là EU và Hoa Kỳ cơ cấu lại phần lớn các biện pháp hỗ trợ trong nước để chuyển sang các loại hỗ trợ được miễn trừ không phải cam kết cắt giảm hoặc có thể sử dụng không bị giới hạn (hộp xanh lơ hoặc hộp xanh lá cây).

Theo thống kê1, người sản xuất nông nghiệp ở các nước thành viên khối OECD nói riêng đã nhận được vào khoảng 230 tỷ USD trong hai năm 2000-2002, chiếm gần 46% giá trị sản lượng nông nghiệp tính theo giá thế giới, trong đó 63% số tiền hỗ trợ này có được nhờ giá nông sản trong nước cao hơn giá thế giới do tác động của việc bảo hộ bằng thuế nhập khẩu, số 37% còn lại có được nhờ các khoản trợ cấp trực tiếp từ ngân sách chính phủ. Trong khối EU, riêng hỗ trợ cho sản xuất thịt bò đã chiếm tới 84% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn khối. Hay như Nhật bản hỗ trợ cho nông dân trồng lúa với mức tương đương 700% giá trị sản xuất nông nghiệp của nước này tính theo giá thế giới, khiến cho không nước nào có thể xuất khẩu gạo vào Nhật bản. Mức hỗ trợ ước tính mà người sản xuất đường ở các nước OECD nhận được đã tăng từ 5,8 tỷ USD trong giai đoạn 1986-1988 lên tới 7,1 tỷ USD vào năm 2003.


Trợ cấp xuất khẩu của các nước phát triển là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng rớt giá của nông sản trên thị trường thế giới những năm 1980. Vì thế, trong vòng Uruguay, các nước phát triển đã không thể lẩn tránh được yêu cầu phải cắt giảm trợ cấp xuất khẩu trực tiếp. Hoa Kỳ đã chấm dứt chương trình trợ cấp xuất khẩu quy mô lớn đối với lúa mỳ kể từ khi kết thúc vòng Uruguay, tuy nhiên vẫn duy trì mức độ trợ cấp xuất khẩu đáng kể đối với bột sữa gầy. Mặc dù EU đã tuân thủ đầy đủ cam kết cắt giảm trợ cấp xuất khẩu, nhưng khối này vẫn đứng đầu thế giới về giá trị trợ cấp xuất khẩu; không những thế, những biện pháp trợ cấp xuất khẩu trực tiếp trước đây lại được thay thế bằng những hình thức hỗ trợ trong nước thuộc diện miễn trừ.
Trên thực tế, các cam kết tự do hóa thương mại hàng nông sản theo quy định của Hiệp định Nông nghiệp đã không chứng tỏ được ý nghĩa thiết thực và còn tỏ ra có nhiều hạn chế. Thị phần của các nước đang phát triển trong thương mại nông sản toàn cầu tăng không đáng kể trong suốt giai đoạn từ 1990-1999, từ 40,5% tăng lên 43% (WTO, 2004).


  1. Tình hình đàm phán nông nghiệp trong WTO

Chính vì nhận thức được tiến trình cải cách trong lĩnh vực nông nghiệp là một mục tiêu dài hạn, Điều 20 của Hiệp định Nông nghiệp đã dự liệu trước về sự cần thiết của việc ràng buộc các nước thành viên phải tiến hành vòng đàm phán mới về nông nghiệp vào cuối năm 1999 đầu năm 2000. Tuy nhiên, Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Seattle (Hoa Kỳ) tháng 12/1999 đã bế mạc mà không đạt được sự nhất trí về cách thức tiến hành đàm phán, chủ yếu do sự bất bình của các nước đang phát triển về kết quả thực hiện Hiệp định Nông nghiệp và cả một số hiệp định khác đã không như dự kiến trước đó. Chẳng hạn, nếu như khi Hiệp định Nông nghiệp ra đời, các nước đang phát triển tin tưởng rằng với ưu thế về tài nguyên thiên nhiên và nhân công dồi dào với chi phí thấp, họ có thể tận dụng được những lợi thế cạnh tranh sẵn có để cải thiện vị thế trên thị trường thế giới thì đến cuối giai đoạn thực hiện cam kết của các nước phát triển theo quy định của Hiệp định này, các nước đang phát triển đều thấy thất vọng vì viễn cảnh đầy hứa hẹn mà các nước phát triển gợi ra khi đàm phán thực tế lại chỉ là những chiếc bánh vẽ.


Sau thất bại Seattle, các nước thành viên WTO đã quyết định khởi xướng vòng đàm phán thương mại đa phương mới nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Doha, Qatar vào tháng 11/2001, trong đó đàm phán về nông nghiệp được coi là tâm điểm với mục tiêu hướng tới “thiết lập hệ thống thương mại công bằng, theo định hướng thị trường thông qua chương trình cải cách cơ bản bao gồm việc siết chặt các quy định và cam kết cụ thể về hỗ trợ và bảo hộ nhằm khắc phục và ngăn chặn các hạn chế cũng như méo mó trong thị trường nông sản thế giới.” Tuyên bố Doha nêu rõ 3 mục tiêu mà đàm phán nông nghiệp toàn diện cần phải đạt được, đó là: (i) cải thiện hơn nữa khả năng tiếp cận thị trường của nông sản xuất khẩu; (ii) giảm và tiến tới xóa bỏ tất cả các hình thức trợ cấp xuất khẩu nông sản; và (iii) cắt giảm đáng kể các hỗ trợ trong nước gây bóp méo thương mại.”
Chương trình Nghị sự phát triển Doha (Doha Development Agenda – DDA) đặt ra tham vọng lớn về cải cách thương mại nông sản trong tương lai với dự kiến thời hạn đạt được thỏa thuận cả gói mới vào tháng 1/2005. Tuy nhiên, suốt hai năm 2002-2003, tình hình đàm phán nông nghiệp gần như trì trệ khiến cho thời hạn dự kiến đi đến thống nhất về các nguyên tắc đàm phán mà Tuyên bố Doha đưa ra là 31/3/2003 đã không thể trở thành hiện thực. Dự thảo đầu tiên về các nguyên tắc đàm phán do Chủ tịch Uỷ ban Nông nghiệp của WTO, đại sứ Hồng Kông Stuart Harbinson, đưa ra vào tháng 2/2003 (gọi tắt là Dự thảo Harbinson) bị hầu hết các nước liên quan chỉ trích. Trong khi các nước nhóm Cairn cho rằng dự thảo này chưa đủ độ rộng và sâu cần thiết thì các nước phát triển như EU, Nauy, Thụy sỹ và Nhật bản lại cho rằng dự thảo quá tham vọng và không cân đối giữa ba chủ đề chính yếu là mở cửa thị trường, hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu. Nhiều nước thành viên đang phát triển cũng tỏ ra quan ngại về ảnh hưởng của việc tự do hóa thương mại nông sản đối với nhu cầu phát triển khu vực nông thôn và an ninh lương thực.
Hệ quả là Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Cancun (Mexico) tháng 9/2003 tiếp tục rơi vào bế tắc, chủ yếu là do những bất đồng khó hòa giải giữa các nước về chủ đề nông nghiệp quá nhạy cảm. 6 tháng sau đó, các phiên đàm phán đặc biệt của Uỷ ban Nông nghiệp WTO liên tục phải tạm hoãn.
Tuy nhiên, đàm phán nông nghiệp đã bắt đầu đi vào khởi động lại khi có những tín hiệu tích cực từ phía EU và Hoa Kỳ thể hiện quan điểm linh hoạt hơn về vấn đề hỗ trợ và trợ cấp nông nghiệp. Ngày 16/7/2004, dự thảo đầu tiên của cái sau đó gọi là “July Package” đã được đưa lên bàn đàm phán, trong đó Phụ lục A là dự thảo sau cùng về Khuôn khổ đàm phán trong lĩnh vực nông nghiệp. Các cuộc đàm phán rất căng thẳng và gay cấn diễn ra sau đó đã gặt hái được thành công bước đầu với việc Đại hội đồng chính thức thông qua dự thảo lần thứ 3 của văn bản này dưới hình thức Quyết định vào ngày 1/8/2004. Đáng quan tâm nhất trong “July Package” này chính là Khuôn khổ để xây dựng các nguyên tắc đàm phán/thể thức cam kết trong nông nghiệp (Framework for Establishing Modalities in Agriculture) tại Phụ lục A của Quyết định. Điểm nổi bật của Khuôn khổ này là:


  • Lần đầu tiên, các nước thành viên nhất trí sẽ xóa bỏ tất cả các hình thức trợ cấp xuất khẩu nông sản vào một thời điểm cụ thể (vấn đề là thời điểm nào thì sẽ phụ thuộc vào đàm phán);

  • Các nước thành viên nhất trí cắt giảm mạnh các biện pháp hỗ trợ trong nước gây bóp méo thương mại nông sản;

  • Đạt được bước đột phá trong lĩnh vực thương mại về mặt hàng bông, mở ra cơ hội to lớn cho nông dân trồng bông ở Tây Phi và các nước đang phát triển khác

Ý nghĩa của việc thiết lập được Khuôn khổ để xây dựng các nguyên tắc đàm phán trong nông nghiệp thể hiện ở chỗ bước đầu định hình cho các nguyên tắc đàm phán và định hướng cho các nội dung đàm phán trong giai đoạn tiếp theo. Bước ngoặt quan trọng này ghi dấu sự đóng góp và dẫn dắt của Nhóm 5 Bên quan tâm (Five Interested Parties -FIPs) gồm Hoa Kỳ, EU, Brazil, Ấn độ và Úc. Khuôn khổ này đã đưa ra những đặc trưng chủ yếu của các nguyên tắc đàm phán mà không đi quá sâu vào chi tiết, chẳng hạn như không chỉ ra công thức cắt giảm chính xác là như thế nào hay mức độ cắt giảm cụ thể phải thực hiện là bao nhiêu. Khuôn khổ này cũng nhấn mạnh về yêu cầu phải cân đối kết quả đàm phán nông nghiệp trong tổng thể đàm phán chung cũng như phải cân đối giữa các nội dung riêng trong đàm phán nông nghiệp.


Về hỗ trợ trong nước, Khuôn khổ yêu cầu các nước thành viên cắt giảm đáng kể hỗ trợ trong nước gây bóp méo thương mại, bao gồm không chỉ các biện pháp thuộc Hộp Hổ phách mà cả các biện pháp thuộc Hộp Xanh lơ, cũng như các hỗ trợ thuộc ngưỡng cho phép (de minimis). Công thức cắt giảm hỗ trợ trong nước sẽ được tiến hành theo từng lớp tuỳ theo kết quả đàm phán nhằm hài hóa hóa mức cắt giảm giữa các nước phát triển (nghĩa là những nước có mức hỗ trợ “ràng buộc” ban đầu cao, tức là ở lớp cao hơn, thì phải cắt giảm nhiều hơn nước có mức hỗ trợ thấp).
Ngoài ra, các nước được yêu cầu cắt giảm tổng mức hỗ trợ trong nước gây bóp méo thương mại theo công thức nhất định. Tổng mức hỗ trợ bóp méo thương mại bao gồm mức Tổng hỗ trợ gộp cam kết đạt được sau khi kết thúc lộ trình thực hiện theo Hiệp định Nông nghiệp trước đây (Final Bound Total AMS), cộng với các hỗ trợ thuộc ngưỡng cho phép trong Hộp Hổ phách và các hỗ trợ thuộc Hộp Xanh lơ trong giai đoạn cơ sở nhất định được quyết định tuỳ thuộc kết quả đàm phán. Dự kiến năm đầu tiên của giai đoạn thực hiện, các nước sẽ cắt giảm 20% tổng mức hỗ trợ trong nước gây bóp méo thương mại.
Không những thế, các nước phải cam kết cắt giảm riêng với tỷ lệ nhất định: (i) mức Tổng hỗ trợ gộp cam kết đạt được sau khi kết thúc lộ trình thực hiện theo Hiệp định Nông nghiệp trước đây (Final Bound Total AMS) trong Hộp Hổ phách, (ii) riêng các hỗ trợ hiện nay thuộc ngưỡng cho phép của Hộp Hổ phách. Đồng thời các nước chỉ được phép duy trì hỗ trợ thuộc Hộp Xanh lơ bằng hoặc dưới giới hạn cho phép (là 5% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trung bình của giai đoạn cơ sở) thay vì không bị hạn chế như hiện tại. Nếu sau khi kết thúc giai đoạn thực hiện mà tổng mức hỗ trợ còn lại của Hộp Hổ phách, của các hỗ trợ thuộc ngưỡng cho phép và Hộp Xanh lơ vẫn còn cao hơn giới hạn cho phép của tổng mức hỗ trợ trong nước gây bóp méo thương mại thì các nước phải tiếp tục cắt giảm ít nhất là một trong số các Hộp Hổ phách, Xanh lơ và ngưỡng cho phép để đảm bảo tuân thủ mức tối đa cho phép.
Về trợ cấp xuất khẩu, khuôn khổ đề xuất việc xóa bỏ đồng thời tất cả các hình thức trợ cấp xuất khẩu, kể cả các biện pháp xuất khẩu có tác động tương đương như trợ cấp như tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, các hoạt động gây bóp méo thương mại do các doanh nghiệp thương mại nhà nước tiến hành và viện trợ lương thực. Như vậy, khả năng các nước tìm cách lách luật để tránh khỏi các cam kết cắt giảm trợ cấp xuất khẩu nông sản do thiếu những quy định chặt chẽ và cụ thể của Hiệp định Nông nghiệp như hiện nay sẽ hầu như bị kiếm soát và hạn chế.
Không chỉ có vậy, Khuôn khổ còn nêu rõ rằng tất cả các hình thức trợ cấp xuất khẩu sẽ phải bị bãi bỏ không muộn hơn một thời điểm cụ thể nhất định, mặc dù thời điểm này là khi nào thì vẫn còn là một chủ đề của đàm phán. Lộ trình thực hiện việc cắt giảm đi tới xóa bỏ toàn bộ trợ cấp xuất khẩu cũng là một nội dung cần được đàm phán trong thời gian tới, vì Khuôn khổ mới chỉ đề cập tới việc thực hiện các cam kết cắt giảm theo các bước cắt giảm đều nhau từng năm. Liên quan tới tín dụng xuất khẩu, doanh nghiệp thương mại nhà nước và viện trợ lương thực, tuy mới chỉ vạch ra những đường nét rất chung chung cho kế hoạch đàm phán tương lại nhưng ít nhất Khuôn khổ cũng đã xác định được cam kết xóa bỏ các chương trình tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh hoặc bảo hiểm tín dụng xuất khẩu có thời hạn hoàn trả trên 180 ngày không muộn hơn một thời điểm nhất định tuỳ theo kết quả đàm phán. Các nước thành viên đang phát triển được đảm bảo về chế độ đối xử đặc biệt và khác biệt, thể hiện không chỉ ở thời hạn thực hiện dài hơn mà còn liên quan tới hoạt động của các doanh nghiệp thương mại nhà nước, cũng như được phép tiếp tục trợ cấp vận tải và tiếp thị theo Điều 9.4 của Hiệp định Nông nghiệp “trong một thời gian hợp lý tuỳ theo kết quả đàm phán” sau khi các trợ cấp xuất khẩu khác đã được xóa bỏ hết.
Khuôn khổ cũng yêu cầu đàm phán phải thiết kế được những tiêu chí mới để áp cho các chương trình hỗ trợ được phép đưa vào khai báo tại Hộp Xanh lơ và Hộp Xanh lá cây nhằm bảo đảm rằng các hỗ trợ thuộc Hộp Xanh lơ ít mang tính bóp méo thương mại hơn so với các hỗ trợ thuộc Hộp Hổ phách, cũng như các hỗ trợ thuộc Hộp Xanh lá cây phải hầu như không gây bóp méo thương mại hoặc nếu có thì mức độ là tối thiểu. Ngoài ra, Khuôn khổ cũng đề xuất phải giới hạn mức hỗ trợ tối đa được phép cho từng sản phẩm nông nghiệp cụ thể trong Hộp Hổ phách nhằm đối phó với tình trạng chuyển đổi hỗ trợ giữa các sản phẩm. Riêng các nước đang phát triển thì vẫn được ưu đãi với giai đoạn thực hiện dài hơn, tiếp tục được sử dụng trợ cấp đầu tư và hỗ trợ đầu vào trong các chương trình phát triển cũng như hỗ trợ nông dân thay thế cây thuốc phiện, và được duy trì các hỗ trợ thuộc ngưỡng cho phép nếu hỗ trợ này chỉ dành cho nông dân sống chủ yếu dựa vào nghề nông với ít đất canh tác.
Tóm lại, Khuôn khổ để xây dựng các nguyên tắc đàm phán trong nông nghiệp là một bước tiến bộ đáng kể với xuất phát điểm từ tuyên bố Doha, nhưng con đường phía trước vẫn còn rất chông gai khi các nước phải nhất trí được toàn bộ nguyên tắc đàm phán và cuối cùng là hy vọng đi đến thông qua được Hiệp định Nông nghiệp mới.
Thật vậy, mặc dù Khuôn khổ để xây dựng các nguyên tắc đàm phán trong nông nghiệp thể hiện tiếng nói thống nhất bước đầu giữa các nước nhưng kể từ sau tháng 7/2004, đàm phán lại không mấy tiến triển tại WTO. Mãi tận tới ngày 13/9/2005, trong nỗ lực chung để kết thúc Vòng Doha tại Hội nghị Bộ trưởng tại Hồng Kông vào tháng 12/2005, các phiên đàm phán mới được nối lại. Ý tưởng xuyên suốt đàm phán cho tới thời điểm chuẩn bị tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Hồng Công là các nước nhất trí cắt giảm mạnh mẽ hỗ trợ trong nước gây bóp méo thương mại (lộ trình sẽ phụ thuộc vào đàm phán) và xóa bỏ mọi hình thức trợ cấp xuất khẩu (thời hạn xóa bỏ sẽ được đàm phán cụ thể).
Ngày 10/10/2005, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Rob Portman đưa ra một đề xuất mới về trợ cấp nông nghiệp nhằm khai thông những bế tắc trong đàm phán để chuẩn bị cho Hội nghị Hồng Công. Kế hoạch của Hoa Kỳ gồm hai giai đoạn Giai đoạn 1 diễn ra trong 5 năm với việc cắt giảm đáng kể các biện pháp hỗ trợ gây bóp méo thương mại và thuế nhập khẩu, đồng thời bãi bỏ trợ cấp xuất khẩu vào năm 2010. Giai đoạn 2 cũng kéo dài trong 5 năm, tuy nhiên chỉ bắt đầu đúng 5 năm sau khi giai đoạn 1 kết thúc, hướng tới mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ tất cả các biện pháp hỗ trợ trong nước và thuế quan gây bóp méo thương mại còn lại trong lĩnh vực nông nghiệp. Khoảng nghỉ 5 năm giữa hai giai đoạn được thiết kế để có điều kiện rà soát lại các tác động của giai đoạn cải cách ban đầu nhằm có sự điều chỉnh thích hợp cho giai đoạn thực hiện kế tiếp.
Về hỗ trợ trong nước, Hoa Kỳ đề xuất cắt giảm 60% Tổng hỗ trợ gộp (Total AMS) trong Hộp Hổ phách của nước này. Đồng thời, để nhất quán với công thức cắt giảm theo từng lớp của Khuôn khổ để xây dựng các nguyên tắc đàm phán trong nông nghiệp, Hoa Kỳ đưa ra kiến nghị cắt giảm dưới đây trong Hộp Hổ phách nhằm tạo thế cân bằng bình đẳng hơn giữa hai "đại gia" trợ cấp lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và EU (nghĩa là giảm mức độ chênh lệch về tổng hỗ trợ gộp giữa hai bên từ tỷ lệ 4:1 xuống còn 2:1):


Mức AMS ràng buộc cuối cùng sau khi kết thúc giai đoạn thực hiện

theo quy định của Hiệp định Nông nghiệp (tỷ USD)

Tỷ lệ cắt giảm

> $25 (có thể hiểu là đề cập tới EU, Nhật bản)

83%

$12 - $25

60%

$0 - $12

37%

Việc cắt giảm Tổng mức hỗ trợ bóp méo thương mại (bao gồm mức Tổng hỗ trợ gộp cam kết đạt được sau khi kết thúc lộ trình thực hiện theo Hiệp định Nông nghiệp trước đây (Final Bound Total AMS), cộng với các hỗ trợ thuộc ngưỡng cho phép trong Hộp Hổ phách và các hỗ trợ thuộc Hộp Xanh lơ trong giai đoạn cơ sở nhất định) cũng được Hoa Kỳ đề xuất cụ thể như sau:




Tổng mức hỗ trợ bóp méo thương mại (tỷ USD)

Tỷ lệ cắt giảm

> $60 (có thể hiểu là đề cập tới EU)

75%

$10 - $60 (có thể hiểu là đề cập tới Hoa Kỳ, Nhật bản)

53%

$0 - $10

31%

Hoa Kỳ thậm chí còn đi xa hơn mức giới hạn tối đa 5% đối với hỗ trợ trong nước thuộc Hộp Xanh lơ mà Khuôn khổ đã nhất trí bằng việc đề xuất giới hạn trần là 2,5% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đối với hỗ trợ trong nước cho sản phẩm cụ thể lẫn không theo sản phẩm cụ thể thuộc ngưỡng hỗ trợ cho phép (de minimis), Hoa Kỳ kiến nghị cắt giảm 50%. Ngoài ra, giai đoạn 1999-2001 được gợi ý chọn là giai đoạn cơ sở để đưa ra giới hạn tối đa đối với mức tổng hỗ trợ cho sản phẩm cụ thể trong Hộp Hổ phách. Hoa Kỳ cũng tán thành xóa bỏ nhanh chóng trợ cấp xuất khẩu và đặt ra thời hạn hoàn thành cụ thể là năm 2010, đối với một số sản phẩm cụ thể thì thậm chí lộ trình còn có thể phải đẩy nhanh hơn thế. Với các khoản tín dụng xuất khẩu, nước này kiến nghị điều chỉnh các chương trình tín dụng của chính phủ trở về ngang với mặt bằng thị trường để tránh trở thành trợ cấp xuất khẩu.


Tuy nhiên, tất cả các đề xuất nói trên của Hoa Kỳ đều dựa trên điều kiện là các nước khác cũng phải nhất trí cắt giảm đáng kể các biện pháp gây bóp méo thương mại đang áp dụng, riêng các "đại gia" trợ cấp thương mại lớn nhất như EU, Nhật bản phải chấp nhận những mức cắt giảm mạnh hơn so với các nước khác.
Trả lời bản chào này của Hoa Kỳ, ngày 28/10/2005, EU đã tung ra một gói đề xuất mới về nông nghiệp và cả các lĩnh vực khác đang được đàm phán trong khuôn khổ Chương trình nghị sự phát triển Doha để nhóm 5 Bên quan tâm (FIPs) thảo luận. Gọi là gói đề xuất nhưng EU cũng ra "tối hậu thư" về thời hạn chót phải đạt được sự nhất trí chính thức giữa 5 Bên về những vấn đề then chốt trong đàm phán nông nghiệp là ngày 8/11/2005 để tạo tiền đề thúc đẩy đàm phán trên các lĩnh vực khác.
EU đề xuất cắt giảm AMS căn cứ trên 3 cấp độ, trong đó EU chấp nhận vị trí ở cấp độ cao nhất và sẽ phải cắt giảm nhiều nhất, còn Hoa Kỳ sẽ ở cấp độ thứ hai và Nhật bản có thể đứng ở cấp độ thứ nhất hoặc thứ hai, tuỳ theo thảo luận cụ thể. EU cam kết cắt giảm tới 70% mức AMS và chấp nhận rằng Hoa Kỳ sẽ có mức cắt giảm thấp hơn, chỉ 60%, nhưng chỉ với điều kiện là Hoa Kỳ sẽ có những nhượng bộ thích hợp trên những lĩnh vực khác. Đối với những nước ở cấp độ thứ ba, mức cắt giảm AMS dự kiến là 50% nhưng cũng có thể cao hơn nếu AMS của các nước này khá cao so với tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Phương pháp tiếp cận này cũng được đề xuất khi cắt giảm tổng mức hỗ trợ trong nước gây bóp méo thương mại. Các nước phát triển sẽ phải cắt giảm 80% hỗ trợ trong nước thuộc ngưỡng cho phép (de minimis), kể cả hỗ trợ cho sản phẩm cụ thể hay không theo sản phẩm cụ thể, từ mức 5% hiện tại mà Hiệp định Nông nghiệp cho phép. EU cũng bày tỏ sự quan ngại về tương lai của Hộp Xanh lơ vì có thể những chính sách hỗ trợ đặc biệt gây bóp méo thương mại chỉ đơn giản được các nước chuyển vào hộp này mà không hề có sự điều chỉnh hay thay đổi thực chất nào.Về trợ cấp xuất khẩu, EU nhất trí xóa bỏ vào thời điểm sẽ được thống nhất trong đàm phán toàn bộ trợ cấp xuất khẩu, với điều kiện là tất cả các đối tác cũng cam kết và thực thi cam kết tương tự.
Sở dĩ đàm phán nông nghiệp diễn ra rất phức tạp, khó khăn và chậm chạp chủ yếu bởi tính chất nhạy cảm của lĩnh vực này đối với hầu hết tất cả các nền kinh tế liên quan nên quan điểm và lợi ích của các nước có rất nhiều khoảng cách. Tự do hóa hơn nữa thương mại nông sản sẽ có lợi cho những nước có khả năng cạnh tranh bằng chất lượng và giá thành nhưng rõ ràng bất lợi cho những nước vốn duy trì năng lực cạnh tranh dựa vào quy mô của trợ cấp.
Cũng giống như trong Vòng Uruguay, Hoa Kỳ luôn chiếm vị trí chủ đạo trong đàm phán nông nghiệp. Quan điểm đàm phán của nước này là tìm cách mở rộng tối đa mọi cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài cho hàng nông sản xuất khẩu, đồng thời tấn công để loại bỏ vào các chương trình bảo hộ, hỗ trợ của các nước thành viên WTO khác. So với EU, Hoa Kỳ tỏ ra nhanh chân hơn trong việc tìm cách che giấu thành công các chính sách hỗ trợ trong nước dưới tấm lá chắn của Hộp Xanh lá cây và quy định về ngưỡng hỗ trợ cho phép của Hiệp định Nông nghiệp và tăng cường khai thác triệt để những khoảng trống của quy định đa phương về tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh tín dụng xuất khẩu để thúc đẩy xuất khẩu nông sản ra khắp thế giới. Chính vì vậy, điểm khác biệt căn bản giữa Hoa Kỳ và EU liên quan tới hỗ trợ trong nước và xúc tiến xuất khẩu phần nhiều là vấn đề kỹ thuật và tốc độ cải cách hơn là mục tiêu nhắm tới. Thực chất, cả hai “ông lớn” này đều muốn tiếp tục duy trì sự linh hoạt đáng kể mà hệ thống thương mại đa phương của WTO cho phép để hỗ trợ ngành nông nghiệp nội địa cũng như vẫn muốn giữ vững vị trí dẫn đầu trên thị trường nông sản thế giới thông qua cách trợ cấp xuất khẩu.
EU, mặc dù chậm chạp hơn nhưng cũng chung hướng với Hoa Kỳ về mục tiêu duy trì kế hoạch hỗ trợ nông nghiệp theo kiểu "chú Sam". Chương trình cải cách Chính sách Nông nghiệp Chung (Common Agriculture Policy - CAP) đang diễn ra của EU đã tách hầu hết hỗ trợ trong nước của khối này khỏi sản xuất, nghĩa là hỗ trợ được chi trả không phải để nông dân sản xuất hay canh tác, cũng phải để hỗ trợ giá cho các sản phẩm mà nông dân đã sản xuất ra. Với cải cách này, 90% hỗ trợ nông nghiệp của EU đã được chuyển sang Hộp Xanh lá cây. Về trợ cấp xuất khẩu, EU tỏ ra sẵn sàng cải cách sâu rộng hơn nữa sau những bước cắt giảm đáng kể trong những năm qua (tuy rằng giá trị trợ cấp vẫn còn khá lớn trong một số ngành như sản phẩm từ sữa, đường và thịt bò). Để đánh đối lại việc tăng cường thu hẹp trợ cấp xuất khẩu nông sản, EU đưa ra điều kiện phải đàm phán để siết chặt quy định về viện trợ lương thực và về các chương trình xúc tiến xuất khẩu của Hoa Kỳ.
Đối lập với Hoa Kỳ và EU, nhóm CAIRN2 ra đời từ những năm đàm phán Vòng Uruguay với mục tiêu thúc đẩy tự do hóa thương mại nông sản ở tầm đa phương lại ủng hộ cải cách toàn diện và triệt để lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt chú trọng xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu và giảm thiểu những rào cản thương mại đối với hàng nông sản. Mặc dù nhóm này đã đưa ra những đề xuất đầy tham vọng đối với tất cả các chủ đề đàm phán trong nông nghiệp nhưng khối này lại chưa đủ lực để có thể chi phối hay quyết định kết quả cuối cùng. Vì thế, nhóm CAIRN đã tự nguyện trở thành đồng minh không chính thức với Hoa Kỳ để hướng đàm phán đi theo những ưu tiên chung của cả hai bên, đó là trợ cấp xuất khẩu và mở cửa thị trường. Rõ ràng là với nhóm CAIRN, bất kể kết quả đàm phán về hỗ trợ trong nước như thế nào thì việc cải thiện được hơn nữa khả năng tiếp cận thị trường nông sản của các nước khác, đặc biệt là các nước đang phát triển, cũng được tạm coi là một thắng lợi tối thiểu có thể chấp nhận được.
Đứng giữa hai luồng quan điểm trái ngược nhau giữa một bên là nhóm CAIRN và Hoa Kỳ, với một bên là EU và một số nước đồng quan điểm như Thụy sỹ, Nauy, Nhật bản là đông đảo các nước thành viên đang phát triển3. Mục tiêu xuyên suốt tiến trình đàm phán của các nước đang phát triển là khắc phục và giải quyết những bất cân đối và bất cập trong Hiệp định Nông nghiệp hiện tại. Các nước này muốn rằng đàm phán phải đồng thời tiến triển trên tất cả các mặt trận và phải đạt được mục tiêu giảm mạnh hoặc tốt nhất là xóa bỏ hoàn toàn hỗ trợ trong nước gây bóp méo thương mại và trợ cấp xuất khẩu ở các nước OECD trước khi yêu cầu các nước đang phát triển phải tự do hoá thương mại hơn nữa. Quan điểm này thực chất xuất phát từ sự bất mãn của các nước nghèo qua kinh nghiệm thực thi Hiệp định Nông nghiệp. Trong khi những lợi ích mà các nước này hy vọng thu được nhờ vào gia tăng xuất khẩu lại không thể trở thành hiện thực thì mức hỗ trợ nông nghiệp của các nước OECD thực tế lại tăng lên. Không những thế, Hiệp định Nông nghiệp còn làm suy yếu khả năng tự vệ của các nước đang phát triển chống lại nông sản được trợ cấp hoặc được bán phá giá từ các nước phát triển do yêu cầu các nước đang phát triển phải cắt giảm thuế quan vốn là công cụ duy nhất mà các nước nghèo thường có thể sử dụng để bảo vệ nền nông nghiệp trong nước. Như vậy, việc theo đuổi cải cách trong khuôn khổ Hiệp định Nông nghiệp hiện tại sẽ chỉ làm trầm trọng hơn những khó khăn mà các nước đang phát triển phải đối mặt. Chính vì thế, các nước đang phát triển đã đề xuất việc thiết lập một "cơ chế tự vệ cân bằng" (Balancing Mechanism) cho phép họ được đánh thuế bổ sung tương đương với mức độ trợ cấp mà hàng nhập khẩu được hưởng.


  1. Tác động kinh tế của kết quả đàm phán tới Việt Nam

Một trong những mục tiêu quan tâm hàng đầu của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam với tư cách là một ứng cử viên WTO trong tương lai gần, trong chương trình đàm phán nông nghiệp của Vòng Doha là hướng tới một thị trường nông sản toàn cầu mang tính công bằng hơn.


Vì vậy, nếu các cuộc đàm phán về tự do hóa thương mại nông sản trong khuôn khổ Chương trình vòng Doha đạt được kết quả như mong muốn, một trong những lợi ích chủ yếu mà các nước đang phát triển như Việt Nam thu được chính là giá thế giới của các nông sản phẩm sẽ tăng lên4, thúc đẩy thương mại nông sản toàn cầu. Đồng thời, nhiều nông sản mà các nước này có lợi ích xuất khẩu sẽ có điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường của các nước phát triển cũng như nước đang phát triển khác một khi thuế quan mang tính bảo hộ của các nước này được hạ thấp xuống và trợ cấp được cắt giảm hoặc thu hẹp5. Thị phần của các nước đang phát triển trong thương mại nông sản thế giới sẽ được mở rộng với việc hợp lý hóa và dịch chuyển sản xuất sang tập trung ở các nước đang phát triển nhờ môi trường cạnh tranh mới mang tính công bằng hơn và dựa trên lợi thế cạnh tranh tự nhiên hơn là lợi thế cạnh tranh nhân tạo.
Nông nghiệp Việt Nam gần hai thập kỷ qua đã chứng kiến những bước chuyển mình rất ngoạn mục. Nếu như giữa những năm 1980, Việt Nam là một nước nhập khẩu lương thực thuần thì đến nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Thái lan. Việt Nam cũng là nước giữ vị trí hàng đầu trên thế giới về xuất khẩu cà phê robusta, hạt tiêu và hạt điều và thuỷ hải sản. Lực lượng lao động tham gia sản xuất trong khu vực nông nghiệp liên tục giữ ổn định khoảng 24,2 triệu người trong vòng năm năm trở lại đây.6 Đóng góp của nông nghiệp trong cơ cấu tổng sản phẩm trong nước theo giá thực tế tuy có chiều hướng giảm theo mỗi năm, từ 23,03% năm 1995 xuống còn 19,82% năm 2000 và ước tính sơ bộ năm 2004 là 16,58% nhưng tỷ lệ xuất khẩu nông sản so với GDP nông nghiệp lại tăng nhanh từ khoảng 37% năm 1995 lên 41,5% năm 2000 và ước tính sơ bộ năm 2004 lên tới gần 61%.7 Các con số này cho thấy nền nông nghiệp Việt Nam ngày càng hướng về xuất khẩu, thể hiện ở kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng bình quân hàng năm.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (John S. Wilson, 2002), chỉ số về Khả năng thương mại hóa nông sản (Agricultural Tradability Index - AT)8 và chỉ số về Nhập khẩu lương thực (Food Import Bill Index - FIC)9 của Việt Nam năm 2000 tương ứng là 0,42 và 0,07. Các chỉ số này được xây dựng để đánh giá xếp hạng các nền kinh tế theo mức độ mở cửa của thương mại nông sản và theo khả năng nhập khẩu lương thực. Việt Nam được đánh giá là năng động trong xuất khẩu nông sản và có nền nông nghiệp hướng về xuất khẩu nhờ chỉ số Khả năng thương mại hóa nông sản khá cao.
Giá trị xuất khẩu nông sản chia bình quân đầu nhân công trong nông nghiệp ở Việt Nam là khoảng 40 USD. Giá trị này cho biết sản xuất nông sản trong nước hướng tới phục vụ xuất khẩu là chủ yếu hay chỉ để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tỷ lệ lao động tham gia sản xuất nông nghiệp và tỷ lệ dân cư nông thôn ở Việt Nam là tương đương, cho thấy ở Việt Nam sản xuất lương thực đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, nếu so với Thái lan thì có thể thấy sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam tương đối cân bằng giữa hai mục tiêu là phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trong khi sản xuất nông nghiệp ở Thái lan tập trung chủ yếu vào phục vụ xuất khẩu. Bảng dưới đây cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.





Xuất khẩu

(triệu USD)



Tỷ lệ tăng trưởng 1994-1998 (%)

Xuất khẩu tính trên đầu nhân công trong nông nghiệp (USD)

Xuất khẩu nông sản thuần hay nhập khẩu nông sản thuần

Xuất khẩu lương thực thuần hay nhập khẩu lương thực thuần

Mức thu nhập của nền kinh tế

AT

FIC

Thái lan

7951

10,7

380

XK

XK

Trung bình thấp

0,57

0,02

Việt Nam

1089

71,4

40

XK

XK

Thấp

0,42

0.07

Nguồn: John S. Wilson (2002).
Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam tăng đều qua từng năm và đạt kỷ lục là 4,5 tỷ USD ước tính năm 2004, mặc dù tỷ trọng kim ngạch hàng nông sản xuất khẩu trong tổng giá trị xuất khẩu cả nước lại giảm dần qua 10 năm gần. Xu hướng này phù hợp với thực tế về cơ cấu ngành hàng xuất khẩu của nước ta đang từng bước hướng về xuất khẩu hàng công nghiệp nhẹ và sản phẩm đã qua chế biến với hàm lượng giá trị gia tăng ngày một cao, thay vì chỉ xuất khẩu các hàng hóa sơ cấp, sơ chế như nông sản thô. Mặt khác, do tính chất giá cánh kéo của nông sản sơ cấp là những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam thời gian qua, Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với tình trạng lượng xuất khẩu tăng nhưng giá xuất khẩu lại giảm, dẫn đến nguồn thu xuất khẩu bị ảnh hưởng đáng kể.

Nói chung, việc xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu và hỗ trợ trong nước ở các thị trường xuất khẩu sẽ giúp các nước đang phát triển như Việt Nam gia tăng một cách đáng kể lợi thế cạnh tranh so sánh, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt nếu trợ cấp xuất khẩu tập trung ở những nông sản mà Việt Nam hiện đang có thế mạnh hoặc tiềm năng xuất khẩu như gạo, cà phê, điều, hạt tiêu, rau quả, v.v... Tuy nhiên, việc xoá bỏ trợ cấp xuất khẩu và hỗ trợ trong nước tại chính các nước xuất khẩu như Việt Nam cũng có thể làm tác động bất lợi tới xuất khẩu. Bảng dưới đây tóm tắt một số dự báo của John S. Wilson (2002) liên quan đến các chủ đề chính trong thương mại nông sản thế giới.







Nếu cải cách diễn ra ở nước nhập khẩu nông sản thì

Nước có lợi

Nếu cải cách diễn ra ở nước xuất khẩu nông sản thì

Nước có lợi

Cắt giảm thuế quan

Nước XK nông sản thuần [+]

  • Thái lan

  • Việt Nam







Nước NK nông sản thuần [-]




Nước NK nông sản thuần [+]

  • Philipin

  • Bangladesh

Xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu

Nước XK nông sản thuần [+]

  • Thái lan

  • Việt Nam

Nước XK nông sản thuần [-]




Nước NK nông sản thuần [-]










Xóa bỏ hỗ trợ trong nước

Nước XK nông sản thuần [+]

  • Thái lan

  • Việt Nam

Nước XK nông sản thuần [-]




Nước NK nông sản thuần [-]




Nước NK nông sản thuần [+]

  • Philipin

  • Bangladesh

Ghi chú: [+] nghĩa là tác động tích cực, có lợi; [-] nghĩa là tác động tiêu cực, bất lợi.

Nguồn: John S. Wilson (2002).
Để đưa ra những dự báo tương đối cụ thể và chính xác về xuất, nhập khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian 5-10 năm tới sau khi Vòng Doha đi đến thống nhất về cắt giảm hỗ trợ trong nước và chấm dứt trợ cấp xuất khẩu, cần xây dựng nhiều mô hình kinh tế lượng với các giả thuyết kịch bản khác nhau và số liệu thống kê tương đối đồ sộ. Do vậy, bài viết này không có tham vọng sẽ đưa ra được những con số chi tiết về triển vọng thương mại nông sản nước ta do tác động của đàm phán nông nghiệp tại WTO. Thay vào đó, bài viết này chỉ gợi mở ra những hướng tác động tất yếu sẽ diễn ra để các nghiên cứu chuyên ngành tiếp tục khai thác và phân tích kỹ hơn về sau.
Trước hết, có thể thấy nếu đàm phán nông nghiệp trong Vòng Doha thành công với nội dung chủ yếu như đã trình bày tại phần 2 về tiến trình đàm phán, thì những bình diện sau đây trong nông nghiệp Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng như sau:
Về xuất khẩu:
Chắc chắn nông sản Việt Nam sẽ có điều kiện gia tăng khối lượng và mở rộng thị trường hơn nữa vì cánh cửa vào thị trường các nước trước đây gần như đóng kín hay nếu có mở thì lại quá hẹp do các nước duy trì chính sách hỗ trợ nông nghiệp trong nước thì nay sẽ được mở rộng.
Năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam tại thị trường thế giới cũng được cải thiện đáng kể khi các nước cam kết xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu, trả lại cho thương mại nông sản thế giới mặt bằng cạnh tranh bình đẳng chủ yếu dựa trên lợi thế so sánh. Hơn thế, một khi hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu được cắt giảm, hạn chế và đi tới chấm dứt thì giá nông sản thế giới sẽ phản ánh đúng giá thành sản xuất thực tế và sẽ cao hơn trước đây. Nhờ đó, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam cũng sẽ gia tăng tương ứng.
Một nghiên cứu gần đây của UNCTAD (2005) sử dụng mô hình Phân tích Thương mại toàn cầu (Global Trade Analysis Project - GTAP) dự báo nếu các nước OECD cắt giảm hỗ trợ trong nước và xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản thì khối lượng thương mại nông sản toàn cầu sẽ tăng hơn 50%, còn giá thực tế sẽ tăng trung bình khoảng 5%. Cũng theo tài liệu này của UNCTAD, một nghiên cứu khác của Ngân hàng Thế giới cho thấy nếu tất cả các nước thành viên WTO dỡ bỏ thuế nhập khẩu và trợ cấp thì xuất khẩu nông sản của các nước đang phát triển có thể tăng thêm 15% còn nhập khẩu tăng 12%. Giá gạo thế giới theo nghiên cứu này dự kiến có thể tăng thêm tới 16%. Như vậy, nguồn thu hàng năm từ xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ được cải thiện hơn nữa nhờ vào sự thay đổi có lợi của tỷ lệ thương mại (terms-of-trade). Xét về dài hạn, việc cắt giảm hỗ trợ gây bóp méo sản xuất và thương mại sẽ góp phần tạo ra một thị trường nông sản toàn cầu ổn định hơn, ít biến động hơn và ít bị bóp méo hơn.
Tuy nhiên, trước mắt chưa đủ điều kiện xác định hay ước tính dù chỉ sơ bộ mức độ gia tăng cả về lượng và giá trị của nông sản xuất khẩu của Việt Nam vì cần phải thấy rằng không phải tất cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam hiện nay đều là đối tượng hỗ trợ hay trợ cấp phổ biến trong thương mại nông sản thế giới. Hơn nữa, cũng không phải tất cả các đối tác nhập khẩu nông sản chủ yếu của Việt Nam đều là những nước đang sử dụng công cụ hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu, hoặc nếu có sử dụng thì giá trị không lớn nên tác động bóp méo thương mại (nếu có) cũng không quá quan trọng. Chẳng hạn như theo ITC (2004), Indonesia và Philippin mới là hai thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam và hỗ trợ nông nghiệp của các nước này cũng không đáng kể để có thể tạo ra thay đổi lớn trong luồng xuất khẩu từ Việt Nam. Vì vậy, về mặt lý thuyết mặc dù có thể khẳng định xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ tăng nhưng về mặt thực tế, cần phải có những nghiên cứu cụ thể hơn cho từng ngành hàng, từng mặt hàng và từng thị trường xuất khẩu chính.
Mặc dù triển vọng cho xuất khẩu nông sản trong thời gian hậu Doha (khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của WTO) là khá sáng sủa nhưng phương hướng dài hạn trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam cần phải vượt lên các tầng cao hơn, hướng tới những sản phẩm công nghiệp chế biến hoặc có hàm lượng giá trị gia tăng nội địa nhiều hơn để đạt được năng lực cạnh tranh bền vững và giá trị xuất khẩu cao chứ không quá tập trung dựa vào khai thác lợi thế tự nhiên, tiềm năng sẵn có của nông nghiệp, tránh tác động bất lợi do phụ thuộc vào biến động giá cả mang tính thời vụ, chu kỳ. Bản thân đối với sản xuất nông nghiệp trong nước, một mặt tăng cường đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ để tăng sản lượng, năng suất, mặt khác cần đầu tư vào công nghệ chế biến sau thu hoạch để sản phẩm đưa ra thị trường nội địa và xuất khẩu không chỉ là những mặt hàng sơ chế mà đa dạng, phong phú hơn.
Về nhập khẩu:
Do các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp đã ở mức rất cao so với hiện trạng các nước thành viên WTO, thậm chí trong lĩnh vực trợ cấp xuất khẩu ta còn cam kết chấm dứt ngay từ khi gia nhập, tức là còn sớm hơn và ở mức cao hơn kết quả dự kiến của vòng Doha nên tác động của một Hiệp định Nông nghiệp mới đến nền nông nghiệp Việt Nam sẽ không lớn. Giới hạn trần của hỗ trợ trong nước thuộc Hộp Hổ phách vẫn còn khá rộng rãi để ta có thể tiếp tục duy trì trợ cấp, mặc dù có thể không dễ dàng chuyển đổi giá trị hỗ trợ từ sản phẩm này sang sản phẩm khác nếu Vòng Doha phê chuẩn phương pháp tiếp cận của Khuôn khổ về thiết lập các nguyên tắc đàm phán nông nghiệp tháng 7/2004. Tuy nhiên, nhập khẩu nông sản vào Việt Nam có thể sẽ chịu ảnh hưởng do giá tăng (khi các nước xuất khẩu cắt giảm hỗ trợ và trợ cấp) dẫn tới lượng nhập khẩu vào trong nước có thể giảm sút.
Tóm lại, nông sản hiện nay và trong thời gian 10-12 năm tới vẫn là một trong những mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể thâm nhập thị trường các nước, nông sản Việt Nam vẫn đang phải đối đầu với nhiều rào cản mà các nước nhập khẩu dựng lên như thuế cao, leo thang thuế, hỗ trợ trong nước, v.v… và phải cạnh tranh với nông sản được nước khác trợ cấp xuất khẩu. Trong khi đó, do hạn chế về nguồn lực cũng như năng lực tài chính, hỗ trợ trong nước của Việt Nam ở mức rất khiêm tốn và chỉ trong phạm vi một số nông sản hẹp. Việt Nam lại cũng đã cam kết không sử dụng trợ cấp xuất khẩu đối với nông sản, trừ những hình thức mà các nước đang phát triển được WTO cho phép, trong quá trình đàm phán gia nhập WTO. Vì vậy, quan điểm của Việt Nam đối với những chủ đề nông nghiệp đang đàm phán tại WTO là ủng hộ việc sớm chấm dứt toàn bộ trợ cấp xuất khẩu và siết chặt lại các quy định về sử dụng hỗ trợ trong nước và xóa bỏ những hỗ trợ gây bóp méo thương mại, đặc biệt là trợ cấp và hỗ trợ của các nước phát triển. Những lợi ích tiềm năng mà kết quả đàm phán nông nghiệp của vòng Doha mang lại như kể trên sẽ giúp nông dân Việt Nam có cơ hội khai thác tối đa năng lực sản xuất và xuất khẩu dựa trên lợi thế tự nhiên sẵn có, đảm bảo thu nhập ổn định cho dân sống bằng nghề nông.
08/09/2010

Nguồn: Dự án Mutrap III



1 Carlos A. Primo Braga & Kjersti Brokhaug (World Bank) (2005).

2 Hiện nay gồm 18 nước thành viên là Argentina, Australia, Bolivia, Brazil, Canada, Chile, Colombia, Costa Rica, Guatemala, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Paraguay, Philippines, South Africa, Thailand, Uruguay.

3 Góp tiếng nói mạnh mẽ đại diện cho các nước đang phát triển trên bàn đàm phán là Nhóm G-20 dưới sự lĩnh xướng của Brazil, Trung Quốc, Ấn độ và Nam Phi được thành lập để đối phó lại với đề xuất chung của EU và Hoa Kỳ đưa ra năm 2003. Nhóm G-20 theo đuổi mục tiêu tự do hóa mạnh mẽ, quyết liệt thương mại nông sản toàn cầu, đặc biệt chú trọng tới xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu và kiểm soát ngặt nghèo hỗ trợ trong nước. 19 thành viên hiện tại của nhóm G-20 gồm Argentina, Bolivia, Brazil, Chile, China, Cuba, Egypt, India, Indonesia, Mexico, Nigeria, Pakistan, Paraguay, Philippines, South Africa, Thailand, Tanzania, Venezuela, Zimbabwe.


4 Do được hỗ trợ, nông dân các nước giàu thường có xu hướng sản xuất nhiều hơn mức cần thiết, dẫn tới dư thừa trong nước. Nguồn cung dư thừa này tiếp tục được tung ra thị trường thế giới, có thể lại được hưởng thêm trợ cấp xuất khẩu, khiến cho giá thế giới tụt xuống gần bằng hoặc thậm chí còn thấp hơn cả giá thành sản xuất của các nước đang phát triển, khiến cho người sản xuất ở các nước nghèo không những không đủ sức cạnh tranh hay thâm nhập vào thị trường các nước trợ cấp lẫn các nước khác mà thậm chí còn lao đao ngay trên “sân nhà” khi giá nông sản trong nước bị chèn ép xuống quá thấp do sức ép của nông sản nhập khẩu được trợ cấp. Theo UNCTAD (2003 - Handbook of Statistics), giá nông sản thế giới đã sụt giảm khoảng 50% trong vòng 2 thập kỷ vừa qua, và hậu quả là các nước đang phát triển mất đi khoản thu nhập từ xuất khẩu lên tới 60 tỷ USD hàng năm.

5 Mức độ bảo hộ cao thông qua hàng rào thuế quan và hỗ trợ trong nước làm giảm cầu về nông sản nhập khẩu.

6 ADB (2005). Key indicators of developing Asian and Pacific Countries. Viet Nam.

7 Tổng hợp số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, sử dụng tỷ giá ngoại tệ trung bình theo thống kê của ADB.

8 Chỉ số Khả năng thương mại hóa nông sản là tỷ lệ giữa tổng xuất và nhập khẩu nông sản với tổng GDP tạo ra từ khu vực nông nghiệp. Chỉ số này cho biết mức độ mở cửa và thích nghi của nền kinh tế như thế nào đối với những thay đổi về trade patterns.

9 Chỉ số về năng lực nhập khẩu lương thực là tỷ lệ giữa giá trị lương thực nhập khẩu với tổng giá trị xuất khẩu phi lương thực. Chỉ số này đo lường khả năng đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cần thiết của nền kinh tế để nhập khẩu lương thực.



Каталог: sites -> default -> files
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> Mẫu tkn1 CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc ĐĂng ký thất nghiệP
files -> BỘ TÀi chính —— Số: 25/2015/tt-btc cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc TỜ khai của ngưỜi hưỞng trợ CẤP
files -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO –––– Số: 40
files -> BỘ y tế CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
files -> Mẫu số 1: Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2003/tt-blđtbxh ngày 22 tháng 9 năm 2003 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Tên đơn vị Số V/v Đăng ký nội quy lao động CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> CỦa bộ XÂy dựng số 04/2008/QĐ-bxd ngàY 03 tháng 4 NĂM 2008 VỀ việc ban hành “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựNG”

tải về 145.29 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương