VIỆn kiểm sát nhân dân tối cao ­­­­­ TÀi liệu tập huấn bộ luật tố TỤng hình sự NĂM 2015 Hà Nội, tháng 4 năm 2016


Thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân (Chương XXIX)



tải về 0.7 Mb.
trang6/7
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích0.7 Mb.
#16907
1   2   3   4   5   6   7

3. Thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân (Chương XXIX)

3.1. Mục đích, yêu cầu và lý do quy định

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân là một chế định mới, mang tính đột phá của Bộ luật hình sự năm 2015, thể hiện cách tiếp cận mới, tiến bộ về chính sách hình sự của Việt Nam, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn đấu tranh, xử lý những vi phạm pháp luật của pháp nhân thời gian qua, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế và môi trường, tạo lập thể chế đủ mạnh để bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người bị thiệt hại do vi phạm của pháp nhân gây ra, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.



3.2. Một số vấn đề về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân

- Các quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân được quy định tập trung tại Chương XI của Bộ luật hình sự, gồm 16 điều (các điều 74-89) và trong một số điều khoản khác của Bộ luật hình sự.

- Điều 2 của Bộ luật hình sự khẳng định chỉ pháp nhân thương mại mới phải chịu trách nhiệm hình sự và cũng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về 31 tội danh được liệt kê cụ thể tại Điều 76 của Bộ luật hình sự. Về điều kiện để một pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự, bao gồm: (1) hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân; (2) hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân; (3) hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân; (4) chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 75).

- Hệ thống chế tài áp dụng đối với pháp nhân gồm 03 hình phạt chính, 03 hình phạt bổ sung và 05 biện pháp tư pháp, cụ thể: (1) Các hình phạt chính gồm: phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; (2) Các hình phạt bổ sung gồm: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính; (3) Các biện pháp tư pháp gồm: tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra (Điều 33, Điều 46 Bộ luật hình sự). Ngoài ra, Bộ luật hình sự còn có một số quy định về vấn đề quyết định hình phạt, miễn hình phạt, xóa án tích đối với pháp nhân.



3.3. Trình tự, thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân

BLTTHS năm 2015 bổ sung 1 chương mới gồm 16 điều (từ Điều 431 - 446) quy định các vấn đề về trình tự, thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, bao gồm: (1) Thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can; (2) Những vấn đề cần phải chứng minh khi tiến hành tố tụng đối với pháp nhân bị buộc tội; (3) Các biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; (4) Người đại diện của pháp nhân tham gia tố tụng; quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ; (5) Thủ tục triệu tập, lấy lời khai người đại diện của pháp nhân; (6) Thủ tục tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, bị cáo; (7) Thẩm quyền và thủ tục xét xử đối với pháp nhân; (8) Thẩm quyền, thủ tục thi hành án đối với pháp nhân; (9) Thủ tục đương nhiên xóa án tích đối với pháp nhân. Ngoài những quy định này, cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng các quy định khác của BLTTHS không trái với quy định tại Chương này để xử lý vụ án pháp nhân phạm tội.



3.3.1. Thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với pháp nhân (Điều 432 và Điều 433)

Nhìn chung, căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với pháp nhân được thực hiện theo quy định chung, tức là vẫn áp dụng quy định tại các điều 143, 153, 154, 156, 179 và 180 BLTTHS năm 2015.



3.3.2. Những vấn đề cần chứng minh khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân (Điều 441)

Điều 441 quy định 05 vấn đề cần phải được chứng minh khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân bị buộc tội: (1) có hành vi phạm tội xảy ra hay không; thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội thuộc trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định của Bộ luật hình sự; (2) lỗi của pháp nhân và của cá nhân là thành viên của pháp nhân đó; (3) tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội của pháp nhân gây ra; (4) những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự và tình tiết khác liên quan đến miễn hình phạt; (5) nguyên nhân và điều kiện phạm tội.



3.3.3. Người đại diện của pháp nhân tham gia tố tụng, quyền và nghĩa vụ của họ (Điều 434 và Điều 435)

- Điều 434 quy định chỉ có người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự mới có đủ tư cách để đại diện cho pháp nhân đó tham gia các hoạt động tố tụng. Pháp nhân phải cử và bảo đảm cho người đại diện theo pháp luật của mình tham gia đầy đủ các hoạt động tố tụng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; trường hợp người đó không thể tham gia tố tụng được thì phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của mình tham gia tố tụng và phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (tham khảo thêm quy định tại các điều từ 85 – 89 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về người đại diện theo pháp luật của pháp nhân).

+ Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng về thông tin cá nhân của mình (họ tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, giới tính, nghề nghiệp, chức vụ); nếu có sự thay đổi những thông tin này thì phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

+ Trong trường hợp tại thời điểm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà pháp nhân không có người đại diện theo pháp luật hoặc có nhiều người cùng là đại diện theo pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định một người đại diện cho pháp nhân tham gia tố tụng.

- Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự có 14 nhóm quyền tố tụng, trong đó có những quyền được cung cấp thông tin (được thông báo, giải thích; được biết lý do pháp nhân bị khởi tố; được nhận các quyết định…); những quyền tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ vụ án (được đọc, ghi chép bản sao, tài liệu trong hồ sơ; xem biên bản phiên tòa...); những quyền được tham gia vào quá trình tố tụng (đưa ra chứng cứ, tài liệu; trình bày lời khai; đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; tự mình hoặc nhờ người khác bào chữa; tham gia phiên tòa; kháng cáo, khiếu nại) (khoản 1 Điều 435). Nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân khi tham gia tố tụng là: (1) có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải; (2) chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

3.3.4. Thủ tục triệu tập, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân (Điều 440 và Điều 442)

- Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải gửi giấy triệu tập cho chính người được triệu tập hoặc pháp nhân nơi người đó làm việc hoặc chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú. Cơ quan, tổ chức nhận được giấy triệu tập có trách nhiệm chuyển ngay giấy triệu tập cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Giấy triệu tập ghi rõ họ tên, chỗ ở hoặc làm việc của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm có mặt, gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

- Khi nhận giấy triệu tập, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phải ký nhận và ghi rõ ngày, giờ nhận. Người chuyển giấy triệu tập phải chuyển phần giấy triệu tập có ký nhận của người đại diện cho cơ quan đã triệu tập; nếu người đại diện không ký nhận thì phải lập biên bản về việc đó và gửi cho cơ quan triệu tập; nếu người đại diện vắng mặt thì có thể giao giấy triệu tập cho một người đủ 18 tuổi trở lên trong gia đình để ký xác nhận và chuyển cho người đại diện.

- Việc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phải do Điều tra viên, cán bộ điều tra của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại trụ sở của pháp nhân. Việc lấy lời khai tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Trường hợp lấy lời khai tại các địa điểm khác thì chỉ ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi có yêu cầu của người đại diện, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trước khi lấy lời khai, Điều tra viên, cán bộ điều tra phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm lấy lời khai. Khi xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên tham gia việc lấy lời khai. Việc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phải tuân theo những quy định như sau: (1) Trước khi tiến hành lấy lời khai lần đầu, Điều tra viên, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải giải thích cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân biết rõ quyền và nghĩa vụ của họ và phải ghi vào biên bản; (2) Có thể cho người đó tự viết lời khai của mình; (3) Không được lấy lời khai vào ban đêm; (4) Kiểm sát viên lấy lời khai trong những trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân không thừa nhận hành vi phạm tội của pháp nhân, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết; (5) Biên bản lấy lời khai phải được lập theo quy định chung.



3.3.5. Các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân (các điều 437-439)

BLTTHS quy định 04 biện pháp cưỡng chế đới với pháp nhân, với những căn cứ, điều kiện áp dụng chặt chẽ và thời hạn áp dụng không được quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử, cụ thể:

(1) Kê biên tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân (Điều 437)

- Đối tượng, điều kiện áp dụng: Biện pháp này được áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại; chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại;

- Trách nhiệm quản lý tài sản bị kê biên: Tài sản bị kê biên được giao cho người đứng đầu pháp nhân có trách nhiệm bảo quản; nếu để xảy ra việc tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì người này phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật (có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 385 Bộ luật hình sự về tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tài khoản);

- Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng: theo quy định tại Điều 128 BLTTHS và phải có mặt người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; đại diện chính quyền cơ sở nơi pháp nhân có tài sản bị kê biên và người chứng kiến.

(2) Phong tỏa tài khoản liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân (Điều 438)

- Đối tượng, điều kiện và phạm vi về chủ thể bị áp dụng: Biện pháp này được áp dụng pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại và có căn cứ xác định pháp nhân có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc nhà nước; áp dụng không chỉ đối với pháp nhân phạm tội, mà còn đối với tài khoản của cá nhân, tổ chức khác nếu có căn cứ xác định số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; chỉ phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại;

- Trách nhiệm quản lý tài khoản bị phong tỏa: Cơ quan phong tỏa tài khoản phải giao quyết định phong tỏa tài khoản cho đại diện tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc nhà nước đang quản lý tài khoản của pháp nhân hoặc tài khoản của cá nhân, tổ chức khác liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;

- Thẩm quyền, trình tự, thủ tục: Theo quy định tại Điều 129 BLTTHS.

(3) Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân (Điều 439)

- Căn cứ áp dụng: Khi có căn cứ xác định hành vi phạm tội của pháp nhân gây thiệt hại hoặc khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, môi trường hoặc trật tự, an toàn xã hội;

- Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng: Cấp trưởng, cấp phó của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án các cấp và Hội đồng xét xử; quyết định của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng của Cơ quan điều tra phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;

- Thời hạn áp dụng: không quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử; thời hạn tạm đình chỉ đối với pháp nhân bị kết án kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm pháp nhân chấp hành án.

(4) Buộc nộp 1 khoản tiền để bảo đảm thi hành án (Điều 439)

- Đối tượng, điều kiện áp dụng: Biện pháp này được áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại; chỉ buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án tương ứng với mức có thể bị phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại;

- Thẩm quyền, trình tự, thủ tục: tương tự biện pháp tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân; BLTTHS quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền phải nộp để bảo đảm thi hành án; việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp.

3.3.6. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, bị cáo là pháp nhân (Điều 443)

- Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra trong các trường hợp đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả mà đã hết thời hạn điều tra (việc giám định, định giá, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả);

- Quy định 05 trường hợp các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, bị cáo là pháp nhân, gồm: (1) không có sự việc phạm tội; (2) hành vi của pháp nhân không cấu thành tội phạm; (3) hành vi phạm tội của pháp nhân đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; (4) hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được pháp nhân thực hiện tội phạm; (5) hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

3.3.7. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xét xử đối với pháp nhân (Điều 444)

- Thẩm quyền xét xử đối với pháp nhân được thực hiện theo lãnh thổ, nghĩa là Tòa án nơi pháp nhân thực hiện tội phạm; trong trường hợp tội phạm được thực hiện ở nhiều nơi thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi pháp nhân đó có trụ sở chính hoặc nơi có chi nhánh của pháp nhân đó thực hiện tội phạm;

- Về cơ bản, trình tự, thủ tục xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với pháp nhân tương tự như đối với cá nhân; lưu ý là phiên tòa xét xử đối với pháp nhân phải có mặt người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, bị hại hoặc người đại diện của bị hại.

3.3.8. Thẩm quyền, thủ tục thi hành án đối với pháp nhân (Điều 445)

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định hình phạt tiền đối với pháp nhân do cơ quan thi hành án dân sự thi hành theo quy định của Luật thi hành án dân sự;

- Các hình phạt khác gồm: (1) đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; (2) cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; (3) cấm huy động vốn và các biện pháp tư pháp chỉ quy định nguyên tắc chung là “cơ quan nhà nước có thẩm quyền thi hành các hình phạt khác và các biện pháp tư pháp quy định tại Bộ luật hình sự đối với pháp nhân theo quy định của pháp luật” (sẽ được quy định cụ thể trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án hình sự);

- Quy định rõ trường hợp pháp nhân bị kết án thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập thì pháp nhân kế thừa các quyền và nghĩa vụ của pháp nhân bị kết án có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thi hành án phạt tiền, bồi thường thiệt hại.



3.3.9. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục đương nhiên xóa án tích đối với pháp nhân (Điều 446)

Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của pháp nhân được đương nhiên xóa án tích, nếu xét thấy có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 89 Bộ luật hình sự, thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án cấp giấy chứng nhận pháp nhân đã được xóa án tích.



4. Áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (Chương XXX)

Chương XXX gồm 8 điều, từ Điều 447 đến Điều 454, về cơ bản, không có sửa đổi, bổ sung lớn về thủ tục này, ngoại trừ một số vấn đề sau: (1) Sửa đổi theo hướng quy định rõ nội dung trưng cầu giám định theo thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh là giám định pháp y tâm thần (từ Điều 447 đến Điều 454); (2) Bổ sung quy định cụ thể về thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra (Điều 449); (3) Quy định việc giải quyết khiếu nại quyết định của Viện kiểm sát về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được thực hiện theo các quy định về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự (Chương XXXIII), thay vì phải đưa ra xét xử sơ thẩm ở Tòa án cùng cấp như quy định của BLTTHS năm 2003 (Điều 453).



5. Thủ tục rút gọn (Chương XXXI)

5.1. Phạm vi, điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn (Điều 455 và Điều 456)

- Điều 455 quy định theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn trong cả thủ tục xét xử phúc thẩm, thay vì chỉ có ở giai đoạn sơ thẩm như quy định của BLTTHS năm 2003.

- Điểm a khoản 1 Điều 456 quy định bổ sung trường hợp người thực hiện phạm tội tự thú ngoài trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang như quy định hiện hành, theo đó, khi thuộc 1 trong 2 trường hợp vừa nêu, đồng thời thỏa mãn cả 3 điều kiện quy định tại các điểm b, c, d khoản 1 Điều 456 (sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng), thì cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm.

- Khoản 2 Điều 456 quy định điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn xét xử phúc thẩm khi có một trong các điều kiện, đó là: a) vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo hưởng án treo; b) vụ án chưa được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm nhưng có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều này và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo hưởng án treo. Như vậy, trong giai đoạn xét xử phúc thẩm phải có 05 điều kiện để áp dụng thủ tục thủ tục rút gọn, nhiều hơn 1 điều kiện so với giai đoạn xét xử sơ thẩm, đó là điều kiện về kháng cáo, kháng nghị.

- Khoản 1 Điều 457 quy định việc áp dụng thủ tục rút gọn là bắt buộc thay vì tùy nghi như quy định của BLTHS năm 2003, theo đó các cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn khi vụ án có đầy đủ các điều kiện theo luật định.

5.2. Thẩm quyền quyết định, thời điểm áp dụng và hiệu lực của quyết định áp dụng thủ tục rút gọn (Điều 457)

- Mở rộng thẩm quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng thay vì chỉ có Viện kiểm sát là cơ quan duy nhất có thẩm quyền quyết định trong giai đoạn điều tra, truy tố như quy định của BLTTHS năm 2003, nhằm tăng cường tính chủ động và đề cao trách nhiệm của 3 cơ quan tiến hành tố tụng trong từng giai đoạn tố tụng tương ứng.

- Sửa đổi thời điểm áp dụng thủ tục rút gọn là sau 24h kể từ khi vụ án có đủ điều kiện thay vì sau khi khởi tố vụ án như quy định của BLTTHS năm 2003, nhằm bảo đảm phù hợp với quy định mới về thẩm quyền quyết định áp dụng thủ tục này, theo đó: vào bất kỳ thời điểm nào trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, khi vụ án xuất hiện đầy đủ điều kiện thì cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm áp dụng ngay thủ tục này để giải quyết nhanh vụ án.

- Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn được ban hành một lần và có hiệu lực kể từ khi ban hành cho đến giai đoạn xét xử phúc thẩm, trừ trường hợp bị hủy bỏ theo quy định tại Điều 458 BLTTHS; trong thời hạn 24 giờ sau khi ban hành Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, cơ quan đã ban hành phải gửi ngay quyết định cho Viện kiểm sát, bị can, bị cáo, người bào chữa, người đại diện hợp pháp.

- Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát tính có căn cứ và hợp pháp của các quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra và Tòa án. Nếu xét thấy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra không có căn cứ thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định, Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định của Cơ quan điều tra; nếu xét thấy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Tòa án không có căn cứ thì Viện kiểm sát kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định và Chánh án phải xem xét trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kiến nghị.



5.3. Bổ sung quy định về việc hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn (Điều 458)

- Về căn cứ: khi vụ án không còn một trong các điều kiện quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều 456 hoặc vụ án đã được đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc hồ sơ vụ án phải trả lại để điều tra bổ sung.

- Về thẩm quyền: tùy theo giai đoạn tố tụng, cơ quan có thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn sẽ ra quyết định hủy bỏ khi có các căn cứ nêu trên. Ngoài ra, Viện kiểm sát có thẩm quyền hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra theo quy định tại khoản 3 Điều 457.

- Về hệ quả pháp lý: Sau khi hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì thời hạn và trình tự giải quyết được thực hiện theo thủ tục chung, tuy nhiên thời hạn tố tụng của vụ án được tính tiếp theo thủ tục chung kể từ khi có quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

5.4. Về thời hạn tố tụng (các điều 459-464)

BLTTHS năm 2015 sửa đổi các quy định về các thời hạn tố tụng theo thủ tục rút gọn theo hướng tăng thời hạn điều tra, thời hạn truy tố, thời hạn xét xử và thời hạn tạm giam tương ứng, để bảo đảm cho các cơ quan tiến hành tố tụng có đủ thời gian để giải quyết vụ án, khuyến khích các cơ quan tiến hành tố tụng tích cực áp dụng thủ tục này, cụ thể:

- Tổng thời gian điều tra, truy tố và chuẩn bị xét xử sơ thẩm là 35 ngày, tăng 12 ngày so với quy định hiện hành, nhằm bảo đảm việc giải quyết khách quan, chính xác, có căn cứ và đúng pháp luật;

- Thời hạn tạm giữ không quá 3 ngày; thời hạn điều tra và tạm giam để điều tra không quá 20 ngày (tăng 08 ngày); thời hạn truy tố và tạm giam để truy tố không quá 05 ngày (tăng 01 ngày); thời hạn xét xử sơ thẩm và tạm giam để xét xử sơ thẩm không quá 17 ngày (tăng 3 ngày); thời hạn xét xử phúc thẩm và tạm giam để xét xử phúc thẩm không quá 22 ngày (quy định mới); thời hạn giao, gửi quyết định truy tố và chuyển hồ sơ cho Tòa án là 24h.



5.5. Hoạt động điều tra, truy tố theo thủ tục rút gọn (Điều 460 và Điều 461)

- Điều 460 quy định bổ sung quyết định đề nghị truy tố phải có các nội dung là: nêu tóm tắt hành vi phạm tội, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và xử lý vật chứng; đặc điểm nhân thân của bị can, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; lý do và căn cứ đề nghị truy tố; tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự được áp dụng; ghi rõ thời gian, địa điểm, họ tên và chữ ký của người ra quyết định.

- Điều 461 quy định bổ sung cho Viện kiểm sát có thẩm quyền không truy tố bị can và ra quyết định đình chỉ vụ án. Quy định rõ nội dung Quyết định truy tố bao gồm: tóm tắt hành vi phạm tội, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật chứng; đặc điểm nhân thân của bị can, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nêu rõ lý do và căn cứ truy tố; tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự được áp dụng; ghi rõ thời gian, địa điểm, họ tên và chữ ký của người ra quyết định.

5.6. Hoạt động xét xử theo thủ tục rút gọn (các điều 462-465)

- Điểm sửa đổi, bổ sung căn bản nhất là BLTTHS năm 2015 quy định phiên tòa xét xử sơ thẩm, phiên tòa xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn đều do 01 Thẩm phán tiến hành, không có sự tham gia của Hội thẩm và không có phần nghị án;

- Khi ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án phải gửi Quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp; giao cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo; gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ.

- Sau phần thủ tục bắt đầu phiên tòa xét xử sơ thẩm, Kiểm sát viên công bố Quyết định truy tố còn các hoạt động khác được thực hiện theo thủ tục chung.

- Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, sau khi thụ lý vụ án, Tòa án phải chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát, thời hạn nghiên cứu hồ sơ của Viện kiểm sát là 05 ngày và Viện kiểm sát phải trả hồ sơ cho Tòa án. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công xét xử ra một trong 02 quyết định: đưa vụ án ra xét xử hoặc đình chỉ xét xử. Nếu quyết định đưa vụ án ra xét xử thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định, Tòa án cấp phúc thẩm phải mở phiên tòa xét xử vụ án. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa; giao cho bị cáo hoặc người đại diện bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ.



Каталог: images -> documents
documents -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
documents -> CỤC ĐĂng kiểm việt nam
documents -> QuyếT ĐỊnh của thủ TƯỚng chính phủ SỐ 276/2006/QĐ-ttg ngàY 4 tháng 12 NĂM 2006 VỀ giá BÁN ĐIỆn thủ TƯỚng chính phủ
documents -> Nghị ĐỊnh số 47/2010/NĐ-cp ngàY 06 tháng 05 NĂM 2010 CỦa chính phủ quy đỊnh xử phạt hành chính về HÀNH VI VI phạm pháp luật lao đỘNG
documents -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc BÁo cáo hoạT ĐỘng y tế CƠ SỞ
documents -> Số hồ sơ: /vslđ HỒ SƠ VỆ sinh lao đỘNG
documents -> Mẫu (Form) nc13 Ban hành kèm theo Thông tư số 31/2015/tt-bca
documents -> THÔng tư CỦa bộ CÔng thưƠng số 10/2008/tt-bct ngàY 25 tháng 7 NĂM 2008
documents -> BỘ lao đỘng-thưƠng binh và XÃ HỘI
documents -> NghÞ ®Þnh cña ChÝnh phñ Sè 67/2001/N§-cp ngµy 01 th¸ng 10 n¨m 2001 Ban hµnh c¸c danh môc chÊt ma tuý vµ tiÒn chÊt

tải về 0.7 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương