VIỆn kiểm sát nhân dân tối cao ­­­­­ TÀi liệu tập huấn bộ luật tố TỤng hình sự NĂM 2015 Hà Nội, tháng 4 năm 2016


Phần thứ tư: Xét xử vụ án hình sự



tải về 0.7 Mb.
trang3/7
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích0.7 Mb.
#16907
1   2   3   4   5   6   7

Phần thứ tư: Xét xử vụ án hình sự

1. Cách thiết kế phần, chương

- BLTTHS năm 2003: Quy định xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm tại hai phần độc lập (Phần thứ ba và Phần thứ tư)

- BLTTHS năm 2015: Nhập xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm vào một phần (Phần thứ tư)

- Lý do: Để phù hợp với việc phân chia các giai đoạn của tố tụng hình sự (khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử); đồng thời, tránh việc quy định lặp đi lặp lại những vấn đề có cùng nội dung cả ở thủ tục sơ thẩm và thủ tục phúc thẩm.

2. Những quy định chung

2.1. Bổ sung quy định về tạm ngừng phiên tòa (Điều 251)

- BLTTHS năm 2003: Không quy định

- BLTTHS năm 2015: quy định có thể ngừng phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp: (1) Cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa và có thể thực hiện được trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa; (2) Do tình trạng sức khỏe, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa nhưng họ có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa; (3) Vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không quá 05 ngày kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa. Trường hợp không thể tiếp tục xét xử vụ án thì phải hoãn phiên tòa.

- Lý do: Để phù hợp với thực tiễn, bảo đảm đồng bộ với Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính.

2.2. Bổ sung quy định về Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ (Điều 252)

- BLTTHS năm 2003: Không quy định

- BLTTHS năm 2015: Tòa án tiến hành việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bằng các hoạt động: (1) Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp; (2) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án; (3) Xem xét tại chỗ vật chứng không thể đưa đến phiên tòa; (4) Xem xét tại chỗ nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án; (5) Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản ngoài các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, cần định giá tài sản quy định tại Điều 206 và Điều 215 của Bộ luật này; trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định giá lại tài sản; (6) Trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được thì Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án.

- Lý do: Để phù hợp với Luật tổ chức TAND 2014 và tạo cơ sở để Tòa án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

2.3. Bổ sung quy định về tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án (Điều 253)

- BLTTHS năm 2003: Không quy định

- BLTTHS năm 2015: Tòa án tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án khi cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải tiếp nhận.

Ngay sau khi nhận thì Tòa án phải chuyển cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được chứng cứ, tài liệu, đồ vật, Viện kiểm sát phải xem xét và chuyển lại cho Tòa án để đưa vào hồ sơ vụ án.



- Lý do: Đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trước Tòa án.

2.4. Quy định cụ thể các nội dung trong quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, biên bản nghị án, bản án sơ thẩm, phúc thẩm (các điều 255, 259 và 260)

- BLTTHS năm 2003: Quy định nhưng chưa cụ thể

- BLTTHS năm 2015:

+ Đối với nội dung quyết định đưa vụ án ra xét xử: Bổ sung: (1) tên quyết định đưa ra xét xử là phải ghi rõ là sơ thẩm hay phúc thẩm; ngày, tháng, năm ra quyết định; tên Tòa án ra quyết định; điểm của điều khoản mà Viện kiểm sát truy tố; Thư ký Tòa án dự khuyết (nếu có); (2) Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm ghi rõ các nội dung như quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm; tội danh và hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định; họ tên người kháng cáo, người bị kháng cáo, người bị kháng nghị; Viện kiểm sát kháng nghị; họ tên Thẩm phán, Thư ký Tòa án; họ tên Thẩm phán dự khuyết, Thư ký Tòa án dự khuyết (nếu có) (Điều 255).

+ Đối với nội dung biên bản nghị án: Biên bản nghị án của Hội đồng xét xử sơ thẩm phải ghi rõ: giờ, ngày, tháng, năm ra biên bản; tên Tòa án xét xử; họ tên Thẩm phán, Hội thẩm; Vụ án được đưa ra xét xử; kết quả biểu quyết của Hội đồng xét xử. Biên bản nghị án của Hội đồng xét xử phúc thẩm phải ghi rõ: giờ, ngày, tháng, năm ra biên bản; tên Tòa án xét xử; Vụ án được đưa ra xét xử; kết quả biểu quyết của Hội đồng xét xử (Điều 259).

+ Đối với nội dung bản án: Bổ sung: (1) Bản án phải có chữ ký của tất cả thành viên Hội đồng xét xử; (2) Bản án sơ thẩm phải ghi rõ các nội dung như: tên Tòa án xét xử sơ thẩm, số và ngày thụ lý vụ án, số của bản án và ngày tuyên án; họ tên của người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật và những người khác được Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa; số, ngày, tháng, năm của quyết định đưa vụ án ra xét xử; xét xử công khai hay xét xử kín; thời gian, địa điểm xét xử; số, ngày, tháng, năm của bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố; tên Viện kiểm sát truy tố; hành vi của bị cáo theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố; tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự và mức hình phạt, hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà Viện kiểm sát đề nghị áp dụng; xử lý vật chứng; ý kiến của người bào chữa, bị hại, đương sự, người khác tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập; lý do mà Hội đồng xét xử không chấp nhận những chứng cứ, yêu cầu, đề nghị của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự và người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa; quyết định của Hội đồng xét xử về từng vấn đề, về án phí và quyền kháng cáo đối với bản án; (3) Bản án phúc thẩm phải ghi rõ các nội dung như: tên Tòa án xét xử phúc thẩm, số và ngày thụ lý vụ án, số của bản án và ngày tuyên án; họ tên của bị cáo không kháng cáo, không bị kháng cáo, không bị kháng nghị nhưng Tòa án có xem xét; họ tên của người giám định, người phiên dịch và những người khác được Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa; tên Viện kiểm sát có kháng nghị; xét xử công khai hay xét xử kín; thời gian, địa điểm xét xử; nhận định của Hội đồng xét xử phúc thẩm, những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị; điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự và của các văn bản quy phạm pháp luật khác mà Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ để giải quyết vụ án; quyết định của Hội đồng xét xử phúc thẩm về từng vấn đề, về án phí (Điều 260).

- Lý do: bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ.

2.5. Bổ sung quy định về sửa chữa, bổ sung bản án (Điều 261)

- BLTTHS năm 2003: Không quy định

- BLTTHS năm 2015: Chỉ được sửa chữa, bổ sung bản án trong trường hợp phát hiện có lỗi rõ ràng về chính tả, số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai; không được làm thay đổi bản chất vụ án hoặc bất lợi cho bị cáo, những người tham gia tố tụng khác. Việc sửa chữa, bổ sung do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã ra bản án, quyết định thực hiện. Trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không thể thực hiện được thì việc sửa chữa, bổ sung bản án do Chánh án Tòa án đã xét xử vụ án đó thực hiện.

- Lý do: phù hợp với thực tiễn, thống nhất với Bộ luật tố tụng dân sự và luật tố tụng hành chính.

2.6. Bổ sung quy định về phiên dịch tại phiên tòa (Điều 263)

- BLTTHS năm 2003: Không quy định

- BLTTHS năm 2015: Tại phiên tòa người tham gia tố tụng không biết tiếng Việt, là người câm, người điếc thì người phiên dịch phải dịch cho họ nghe, hiểu lời trình bày, các câu hỏi, câu trả lời tại phiên tòa, nội dung quyết định của Hội đồng xét xử và các vấn đề khác có liên quan đến họ. Người phiên dịch phải dịch lời trình bày, câu hỏi, câu trả lời của những người quy định tại khoản 1 Điều này ra tiếng Việt cho Hội đồng xét xử và người khác tham gia phiên tòa cùng nghe.

- Lý do: Để bảo đảm quyền, nghĩa vụ của người phiên dịch tại phiên tòa, làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

2.7. Bổ sung quy định về kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý văn bản pháp luật (Điều 265)

- BLTTHS năm 2003: Không quy định

- BLTTHS năm 2015: Trong quá trình xét xử vụ án hình sự, Tòa án phát hiện và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Lý do: Phù hợp với Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014.

2.8. Bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử (Điều 266 và Điều 267)

- BLTTHS năm 2003: Không quy định

- BLTTHS năm 2015: bổ sung quy định:

+ Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm: (1) Công bố cáo trạng, công bố quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn, quyết định khác về việc buộc tội đối với bị cáo tại phiên tòa; (2) Xét hỏi, xem xét vật chứng, xem xét tại chỗ; (3) Luận tội, tranh luận, rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố; kết luận về tội khác bằng hoặc nhẹ hơn; phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa; (4) Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội; (5) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm theo quy định của Bộ luật này.

Khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn: (1) Trình bày ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị; (2) Bổ sung chứng cứ mới; (3) Bổ sung, thay đổi kháng nghị; rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị; (4) Xét hỏi, xem xét vật chứng, xem xét tại chỗ; (5) Phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa, phiên họp; (6) Tranh luận với bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa; (7) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử phúc thẩm theo quy định của Bộ luật này (Điều 266).

+ Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát xét xử: (1) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử vụ án hình sự của Tòa án; (2) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật; (3) Kiểm sát bản án, quyết định, văn bản tố tụng khác của Tòa án; (4) Yêu cầu Tòa án cùng cấp, cấp dưới chuyển hồ sơ vụ án hình sự để xem xét, quyết định việc kháng nghị; (5) Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật nghiêm trọng về thủ tục tố tụng; (6) Kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này; kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm trong hoạt động tố tụng; (7) Kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý; (8) Thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, nhiệm vụ, quyền hạn khác khi kiểm sát xét xử vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật này (Điều 267).



- Lý do: Phù hợp nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát tại quy định tại Luật tổ chức VKSND năm 2014.

3. Xét xử sơ thẩm

3.1. Quy định cụ thể thầm quyền xét xử của Tòa án (Điều 268)

- BLTTHS năm 2003: Quy định nhưng chưa cụ thể

- BLTTHS năm 2015: Bổ sung trường hợp TAND cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm: (1) Các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (2) Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài; (3) Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.

- Lý do: nhằm tháo gỡ những khó khăn cho Tòa án cấp huyện.

3.2. Bổ sung quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự (Điều 272)

- BLTTHS năm 2003: Không quy định

- BLTTHS năm 2015: Bổ sung thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự: (1) Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân; (2) Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ; (3) Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật.

- Lý do: Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội triển khai thi hành Luật tổ chức TAND năm 2014; bảo đảm những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự là những vụ án liên quan đến quân đội hoặc bí mật quân sự.

3.3. Phân định rõ thẩm quyền xét xử của Tòa án trong trường hợp bị cáo vừa phạm tội thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân, vừa phạm tội thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự (Điều 273)

- BLTTHS năm 2003: Không quy định

- BLTTHS năm 2015: Bổ sung trường hợp vụ án vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAND nếu có thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự; TAND xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAND; trường hợp không thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử toàn bộ vụ án.

- Lý do: Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội triển khai thi hành Luật tổ chức TAND năm 2014.

3.4. Sửa đổi căn bản quy định về trình tự, thủ tục chuyển vụ án trong giai đoạn xét xử (Điều 274)

- BLTTHS năm 2003: Khi thấy vụ án không thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án chuyển vụ án cho Tòa án có thẩm quyền xét xử. Việc chuyển vụ án cho Tòa án ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do TAND cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu quyết định (Điều 174).

- BLTTHS năm 2015: Sửa đổi thành khi vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì Tòa án trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố. Khi xét thấy vụ án vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án đã trả hồ sơ thì Viện kiểm sát chuyển lại hồ sơ vụ án đến Tòa án kèm theo văn bản nêu rõ lý do; nếu Tòa án xét thấy vụ án vẫn không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử thực hiện theo Điều 275 của Bộ luật này. Viện kiểm sát phải thực hiện theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền.

- Lý do: Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng thời gian qua, tránh việc chuyển đi, chuyển lại hồ sơ vụ án khi không thống nhất về thẩm quyền xét xử giữa Viện Kiểm sát và Tòa án cùng cấp.

3.5. Quy định cụ thể hơn về giải quyết việc tranh chấp về thẩm quyền xét xử (Điều 275)

- BLTTHS năm 2003: Việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử do Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp quyết định. Việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa Toà án nhân dân và Tòa án quân sự do Chánh án TAND tối cao quyết định (Điều 175).

- BLTTHS năm 2015: Bổ sung quy định: (1) Việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa các TAND cấp huyện trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, giữa các Tòa án quân sự khu vực trong cùng một quân khu do Chánh án TAND cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu quyết định; (2) Việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa các TAND cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau, giữa các Tòa án quân sự khu vực thuộc các quân khu khác nhau do Chánh án TAND cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu nơi kết thúc việc điều tra quyết định; (3) Việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa các TAND cấp tỉnh, giữa các Tòa án quân sự cấp quân khu do Chánh án TAND tối cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương quyết định.

- Lý do: Nhằm cụ thể hóa các trường hợp tranh chấp, tháo gỡ những vướng mắc thời gian qua do luật quy định mang tính nguyên tắc.

3.6. Bổ sung quy định về nhận hồ sơ vụ án, bản cáo trạng và thụ lý vụ án (Điều 276)

- BLTTHS năm 2003: Không quy định

- BLTTHS năm 2015: Khi Viện kiểm sát giao bản cáo trạng, hồ sơ vụ án và vật chứng kèm theo (nếu có), Tòa án phải kiểm tra và xử lý: nếu đầy đủ thì nhận hồ sơ vụ án; nếu không đầy đủ can thì chưa nhận hồ sơ vụ án và yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, vật chứng. Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng thì Tòa án phải thụ lý vụ án. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án phải phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án.

- Lý do: Khắc phục bất cập trong thực tiễn và phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan tại thời điểm chuyển giao hồ sơ vụ án.

3.7. Bổ sung quy định về giải quyết yêu cầu, đề nghị trước khi mở phiên tòa (Điều 279)

- BLTTHS năm 2003: Không quy định

- BLTTHS năm 2015: Bổ sung trường hợp trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải giải quyết các yêu cầu, đề nghị: (1) Yêu cầu của Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng về việc cung cấp, bổ sung chứng cứ; triệu tập người làm chứng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác đến phiên tòa; về việc thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án; (2) Đề nghị của bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa về việc thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; (3) Đề nghị của Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng về việc xét xử theo thủ tục rút gọn, xét xử công khai hoặc xét xử kín; (4) Đề nghị của người tham gia tố tụng về việc vắng mặt tại phiên tòa. Nếu có căn cứ thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giải quyết theo thẩm quyền hoặc thông báo cho người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật này và thông báo cho người đã yêu cầu, đề nghị biết; nếu không chấp nhận thì thông báo cho họ bằng văn bản nêu rõ lý do.

- Lý do: Nhằm đáp ứng yêu cầu tranh tụng và giải quyết những yêu cầu chính đáng của các chủ thể tố tụng.

3.8. Cụ thể hóa các căn cứ Tòa án trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung (Điều 280)

- BLTTHS năm 2003: Quy định nhưng chưa cụ thể

- BLTTHS năm 2015:

+ Bổ sung trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa trả hổ sơ điều tra bổ sung: (1) Khi thiếu chứng cứ quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà không thể bổ sung tại phiên tòa được; (2) Có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm; (3) Có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

+ Bổ sung Trường hợp Viện kiểm sát phát hiện có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ.



- Lý do: Nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn, đảm bảo tính cụ thể của BLTTHS, pháp điển hóa quy định của Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 27/8/2010.

3.9. Bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án của Tòa án (Điều 281)

- BLTTHS năm 2003: Quy định nhưng chưa đầy đủ

- BLTTHS năm 2015: Bổ sung trường hợp: (1) Không biết rõ bị can, bị cáo đang ở đâu mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử; trường hợp này phải yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị can, bị cáo trước khi tạm đình chỉ vụ án. Việc truy nã bị can, bị cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 231 của Bộ luật này; (2) Chờ kết quả xử lý văn bản pháp luật mà Tòa án kiến nghị.

- Lý do: Khắc phục việc tạm đình chỉ chung chung, bảo đảm phù hợp với Luật tổ chức TAND năm 2014.

3.10. Bổ sung quy định về phục hồi vụ án (Điều 283)

- BLTTHS năm 2003: Không quy định

- BLTTHS năm 2015: Khi có lý do để hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ vụ án hoặc có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì Thẩm phán đã ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án ra quyết định phục hồi vụ án. Trường hợp Thẩm phán đã ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án không thể thực hiện được thì Chánh án ra quyết định phục hồi.

- Lý do: Khắc phục thiếu sót của BLTTHS năm 2003.

3.11. Bổ sung quy định về yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ (Điều 284)

- BLTTHS năm 2003: Không quy định

- BLTTHS năm 2015: Yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ: Khi xét thấy cần bổ sung tài liệu, chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án mà không phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Thẩm phán chủ toạ phiên tòa yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung bằng văn bản và gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra văn bản yêu cầu. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát gửi cho Tòa án tài liệu, chứng cứ được yêu cầu bổ sung. Trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được tài liệu, chứng cứ thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án.

- Lý do: Bảo đảm tính linh hoạt trong thực tiễn, không nhất thiết mọi trường hợp phải trả hồ sơ cho Viện kiểm sát; Tòa án vẫn giữ hồ sơ nhưng vẫn có thể yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ, tài liệu.

3.12. Quy định chặt chẽ sự có mặt của bị cáo, người bào chữa tại phiên tòa (Điều 290 và Điều 291)

- BLTTHS năm 2003: Quy định nhưng chưa bao quát hết

- BLTTHS năm 2015:

+ Bị cáo phải có mặt trong suốt thời gian xét xử vụ án. Bổ sung trường hợp Tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo: (1) Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận; (2) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử (Điều 290).

+ Người bào chữa phải có mặt tại phiên tòa để bảo chữa cho người mà mình đã nhận bào chữa. Trường hợp người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa. Nếu người bào chữa vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan hoặc được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử. Đối với trường hợp chỉ định người bào chữa thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử khi người bào chữa vắng mặt trong trường hợp bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo đồng xét xử vắng mặt người bào chữa (Điều 291)



- Lý do: bảo đảm quyền, nghĩa vụ của bị cáo, nhất là việc tranh tụng tại phiên tòa.

3.13. Bổ sung quy định về sự có mặt của người phiên dịch, người dịch thuật, Điều tra viên và những người khác (Điều 295 và Điều 296)

- BLTTHS năm 2003: Không quy định

- BLTTHS năm 2015: Khi được Tòa án triệu tâp, những người sau đây phải có mặt tại phiên tòa: (1) Người phiên dịch, người dịch thuật; (2) Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án; (3) Những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án.

- Lý do: để giải quyết vụ án chính xác, khách quan, toàn diện.

3.14. Cụ thể hóa các trường hợp hoãn phiên tòa và quy định cụ thể các nội dung của quyết định hoãn phiên tòa (Điều 297)

- BLTTHS năm 2003: Quy định nhưng chưa cụ thể và chưa bao quát hết

- BLTTHS năm 2015: Bổ sung các căn cứ hoãn phiên tòa: (1) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa; (2) Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại; (3) Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản và nội dung cụ thể của quyết định hoãn phiên toà.

- Lý do: phù hợp với thực tiễn, khắc phục việc hoãn phiên tòa tùy tiện, không có căn cứ pháp luật.

3.15. Giới hạn xét xử (Điều 298)

- BLTTHS năm 2003: Tòa án chỉ xét xử bị cáo theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố (Điều 196)

- BLTTHS năm 2015: Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng tội danh mà Viện kiểm sát truy tố sau khi đã trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại nhưng Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố.

- Lý do: Nhằm đảm bảo sự độc lập của Tòa án trong xét xử, bảo đảm phán quyết của Tòa án phải trên cơ sở kết quả xét hỏi, tranh tụng và những chứng cứ đã được kiểm tra công khai tại phiên tòa.

3.16. Bảo đảm quyền của người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định

- BLTTHS năm 2003: Quy định nhưng chưa cụ thể

- BLTTHS năm 2015: Thời hạn chuẩn bị xét xử được tính từ ngày Tòa án thụ lý hồ sơ vụ án thay vì từ ngày phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa như hiện nay (Điều 277). Bổ sung một số thời hạn nhằm bảo đảm mọi hoạt động tố tụng phải bị ràng buộc về thời hạn như thời hạn nghị án là 07 ngày, kể từ ngày kết thúc tranh luận tại phiên tòa (Điều 326). Cụ thể hóa một số thời hạn có tính định tính trong Bộ luật hiện hành bằng các thời hạn cụ thể (là 24 giờ hoặc 03 ngày kể từ khi ra quyết định), tùy thuộc vào loại quyết định và đối tượng được nhận quyết định như: Tòa án gửi quyết định phân công thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa, quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định.

- Lý do: Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về bảo đảm quyền của người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định.

3.17. Đổi mới trình tự và trách nhiệm xét hỏi (Điều 307)

- BLTTHS năm 2003: Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ các tình tiết về từng sự việc và về từng tội của vụ án theo thứ tự xét hỏi hợp lý. Chủ tọa phiên tòa hỏi trước rồi đến các Hội thẩm, sau đó đến Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự (Điều 207).

- BLTTHS năm 2015: Chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý. Chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi. Người định giá tài sản được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc định giá tài sản.

- Lý do: Để thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm; tăng sự chủ động của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.

3.18. Bổ sung cho bị cáo quyền được trực tiếp đặt câu hỏi với các bị cáo khác, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ, người làm chứng nếu được Chủ tọa đồng ý thay vì đề nghị Chủ tọa hỏi (các điều 309, 310 và 311)

- BLTTHS năm 2003: Không quy định

- BLTTHS năm 2015: Bị cáo quyền được trực tiếp đặt câu hỏi với các bị cáo khác, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ, người làm chứng... nếu được Chủ tọa đồng ý thay vì đề nghị Chủ tọa hỏi.

- Lý do: bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử và bảo đảm tốt hơn quyền của người bị buộc tội.

3.19. Bổ sung quy định về nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh (Điều 313)

- BLTTHS năm 2003: Không quy định

- BLTTHS năm 2015: Trường hợp cần kiểm tra chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án hoặc khi có bị cáo tố cáo bị bức cung, dùng nhục hình, Hội đồng xét xử quyết định cho việc nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh liên quan tại phiên tòa.

- Lý do: phù hợp với thực tiễn, thống nhất với cách quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính.

3.20. Quy định cụ thể các nội dung của luận tội (Điều 321)

- BLTTHS năm 2003: Quy định nhưng chưa cụ thể

- BLTTHS năm 2015: (1) Nội dung luận tội phải phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; tội danh, hình phạt, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; mức bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án; (2) Đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung bản cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; đề nghị mức hình phạt chính, hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng; (3) Kiến nghị các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

- Lý do: bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; tăng trách nhiệm của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong việc luận tội.

3.21. Quy định cụ thể hơn, đầy đủ hơn về thủ tục tranh luận tại phiên tòa (Điều 322)

- BLTTHS năm 2003: Quy định nhưng chưa cụ thể

- BLTTHS năm 2015: (1) Những người tham gia tố tụng có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận của mình để đối đáp với Kiểm sát viên về những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, mức hình phạt; trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án; (2) Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp đến cùng từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa; (3) Hội đồng xét xử phải lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tranh luận tại phiên tòa để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật của vụ án. Trường hợp không chấp nhận ý kiến của những người tham gia phiên tòa thì Hội đồng xét xử phải nêu rõ lý do và được ghi trong bản án.

- Lý do: bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.

3.22. Bổ sung các vấn đề của vụ án phải được giải quyết khi nghị án (Điều 326)

- BLTTHS năm 2003: chưa quy định cụ thể từng vấn đề khi nghị án.

- BLTTHS năm 2015: Việc nghị án phải được tiến hành tại phòng nghị án. Chủ tọa phiên tòa chủ trì việc nghị án, từng vấn đề của vụ án phải được đưa ra để Hội đồng xét xử thảo luận, quyết định.

+ Bổ sung Các vấn đề của vụ án phải được giải quyết khi nghị án:

(1) Vụ án có thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc thuộc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay không; (2) Tính hợp pháp của những chứng cứ, tài liệu; (3) Có hay không có căn cứ kết tội bị cáo. Trường hợp đủ căn cứ kết tội thì phải xác định rõ điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự được áp dụng; (4) Hình phạt, biện pháp tư pháp áp dụng đối với bị cáo; trách nhiệm bồi thường thiệt hại; vấn đề dân sự trong vụ án hình sự; (5) Bị cáo có thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hay không; (6) Án phí hình sự, án phí dân sự; xử lý vật chứng; tài sản bị kê biên, tài khoản bị phong tỏa; (7) Tính hợp pháp của hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; (8) Kiến nghị phòng ngừa tội phạm, khắc phục vi phạm.

+ Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp thì Hội đồng xét xử có thể quyết định kéo dài thời gian nghị án nhưng không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc tranh luận tại phiên tòa.

+ Kết thúc việc nghị án, Hội đồng xét xử phải quyết định một trong các vấn đề: (1) Ra bản án và tuyên án; (2) Trở lại việc xét hỏi và tranh luận nếu có tình tiết vụ án chưa được xét hỏi, chưa được làm sáng tỏ; (3) Trả hồ sơ vụ án để Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ; (4) Tạm đình chỉ vụ án.

+ Trường hợp phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm thì Hội đồng xét xử quyết định việc khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 18 và Điều 153 của Bộ luật này.



- Lý do: phù hợp với thực tiễn, bảo đảm việc giải quyết vụ án được chính xác, khách quan, toàn diện.

4. Xét xử phúc thẩm

4.1. Quy định rõ các quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị (Điều 330)

- BLTTHS năm 2003: Quyết định sơ thẩm gồm quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm.

- BLTTHS năm 2015: Quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị là quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo và quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định của Bộ luật này.

- Lý do: bảo đảm sự minh bạch, cụ thể, rõ ràng.
4.2. Quy định rõ trách nhiệm, thủ tục của Ban giám thị trại tạm giam nơi đang giam giữ bị cáo và Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm trong việc nhận, xử lý đơn kháng cáo của bị cáo, bị hại, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác (Điều 332)

- BLTTHS năm 2003: có quy định nhưng chưa cụ thể

- BLTTHS năm 2015: Bổ sung: (1) Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo, nhận đơn kháng cáo và chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo. (2) Người kháng cáo có thể trình bày trực tiếp về việc kháng cáo với Tòa án cấp phúc thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã lập biên bản về việc kháng cáo hoặc nhận được đơn kháng cáo thì phải gửi biên bản hoặc đơn kháng cáo cho Tòa án cấp sơ thẩm để thực hiện theo quy định chung.

- Lý do: Để bảo đảm nguyên tắc hai cấp xét xử, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng,

4.3. Quy định cụ thể nội dung của đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị (Điều 332 và Điều 336)

- BLTTHS năm 2003: Không quy định

- BLTTHS năm 2015:

+ Đơn kháng cáo có các nội dung chính: ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo; họ tên, địa chỉ của người kháng cáo; lý do và yêu cầu của người kháng cáo; chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo (Điều 332).

+ Quyết định kháng nghị có các nội dung chính: ngày, tháng, năm ra quyết định kháng nghị và số của quyết định kháng nghị; tên của Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị; kháng nghị đối với toàn bộ hay một phần bản án, quyết định sơ thẩm; lý do, căn cứ kháng nghị và yêu cầu của Viện kiểm sát; họ tên, chức vụ của người ký quyết định kháng nghị (Điều 336)

- Lý do: bảo đảm tính thống nhất, cụ thể, rõ ràng.

4.4. Xác định rõ hơn thời điểm tính ngày kháng cáo (Điều 333)

- BLTTHS năm 2003: Quy định nhưng chưa cụ thể

- BLTTHS năm 2015: Ngày kháng cáo được xác định như sau: (1) Đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo là ngày theo dấu bưu chính nơi gửi; (2) Đơn kháng cáo gửi qua Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ thì ngày kháng cáo là ngày Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ nhận được đơn. Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải ghi rõ ngày nhận đơn và ký xác nhận vào đơn; (3) Người kháng cáo nộp đơn kháng cáo tại Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án nhận đơn. Trường hợp người kháng cáo trình bày trực tiếp với Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án lập biên bản về việc kháng cáo.

- Lý do: bảo đảm tính thống nhất, cụ thể, rõ ràng.
4.5. Bổ sung quy định về thủ tục tiếp nhận và xử lý kháng cáo (Điều 334)

- BLTTHS năm 2003: Không quy định

- BLTTHS năm 2015: Thủ tục tiếp nhận và xử lý kháng cáo: (1) Sau khi nhận được đơn kháng cáo hoặc biên bản về việc kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm phải vào sổ tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo; (2) Đơn kháng cáo hợp lệ thì Tòa án cấp sơ thẩm thông báo về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 338 của Bộ luật này; (3) Trường hợp đơn kháng cáo hợp lệ nhưng nội dung kháng cáo chưa rõ thì Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay cho người kháng cáo để làm rõ; (4) Trường hợp nội dung đơn kháng cáo đúng quy định của Bộ luật này nhưng quá thời hạn kháng cáo thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trình bày lý do và xuất trình chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có) để chứng minh lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn là chính đáng; (5) Trường hợp người làm đơn kháng cáo không có quyền kháng cáo thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận đơn, Tòa án trả lại đơn và thông báo bằng văn bản cho người làm đơn, Viện kiểm sát cùng cấp.

Việc trả lại đơn có thể bị khiếu nại trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được.



- Lý do: phù hợp với thực tiễn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng.

4.6. Sửa đổi quy định về xử lý đơn kháng cáo quá hạn (Điều 335)

- BLTTHS năm 2003: Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán để xét lý do kháng cáo quá hạn và ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn (Điều 235).

- BLTTHS năm 2015: (1) Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm. (2) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng xem xét kháng cáo quá hạn. (3) Phiên họp xét kháng cáo quá hạn phải có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày trước ngày xét đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp phúc thẩm gửi bản sao đơn kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu kèm theo (nếu có) cho Viện kiểm sát cùng cấp để Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc xét kháng cáo quá hạn.

- Lý do: Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp người tham gia tố tụng, phù hợp với các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính.

4.7. Bổ sung quy định về thụ lý vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát (Điều 341)

- BLTTHS năm 2003: Không quy định

- BLTTHS năm 2015: (1) Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm phải chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn luật định. (2) Khi Tòa án cấp phúc thẩm nhận được chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung trước khi xét xử thì phải chuyển cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung thì Viện kiểm sát phải trả lại cho Tòa án.

- Lý do: Để Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong xét xử phúc thẩm vụ án hình sự.

4.8. Quy định cụ thể hơn về các trường hợp thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị (Điều 342)

- BLTTHS năm 2003: Trước khi bắt đầu hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo hoặc Viện kiểm sát có quyền bổ sung, thay đổi kháng cáo, kháng nghị nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo; rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo, kháng nghị (Điều 238).

- BLTTHS năm 2015: (1) Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa phải lập văn bản và gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm phải thông báo cho Viện kiểm sát, bị cáo và những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị biết về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa được ghi vào biên bản phiên tòa. (2) Trường hợp rút một phần kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định về việc rút một phần kháng cáo, kháng nghị và quyết định đình chỉ xét xử phần kháng cáo, kháng nghị đó trong bản án phúc thẩm.

- Lý do: bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng, phù hợp với thực tiễn.

4.9. Bổ sung quy định về Tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm (Điều 344)

- BLTTHS năm 2003: Không quy định

- BLTTHS năm 2015: (1) Toà án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm những bản án, quyết định của Toà án nhân dân cấp huyện; (2) Toà án nhân dân cấp cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm những bản án, quyết định của Toà án nhân dân cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ; (3) Toà án quân sự quân khu và tương đương có thẩm quyền xét xử phúc thẩm những bản án, quyết định của Toà án quân sự khu vực; (4) Toà án quân sự trung ương có thẩm quyền xét xử phúc thẩm những bản án, quyết định của Toà án quân sự quân khu và tương đương.

- Lý do: Phù hợp với Luật tổ chức TAND năm 2014 trên cơ sở quy định về thẩm quyền của 04 cấp Tòa án.

4.10. Quy định cụ thể hơn về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm (Điều 346)

- BLTTHS năm 2003: TAND cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên toà phúc thẩm trong thời hạn sáu mươi ngày; Tòa phúc thẩm TAND tối cao, Tòa án quân sự trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án. Chậm nhất là mười lăm ngày trước ngày mở phiên toà, Toà án cấp phúc thẩm phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng về thời gian, địa điểm xét xử phúc thẩm vụ án (Điều 242).

- BLTTHS năm 2015:

+ TAND cấp cao mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.

+ Trong thời hạn 45 ngày đối với TAND cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, 75 ngày đối với vụ án TAND cấp cao, Tòa án quân sự trung ương kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ toạ phiên tòa phải ra một trong các quyết định: Đình chỉ xét xử phúc thẩm hoặc đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm.

+ Chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng liên quan đến kháng cáo, kháng nghị.



- Lý do: bảo đảm nguyên tắc xét xử kịp thời, trong thời hạn luật định.

4.11. Bổ sung quy định để xử lý đối với các trường hợp còn thời hạn tạm giam bị cáo mà xét thấy cần phải tiếp tục tạm giam bị cáo hoặc đã hết thời hạn tạm giam bị cáo theo quyết định tạm giam của Tòa án cấp sơ thẩm (Điều 347)

- BLTTHS năm 2003: Không quy định

- BLTTHS năm 2015: Trường hợp còn thời hạn tạm giam bị cáo mà xét thấy cần phải tiếp tục tạm giam bị cáo thì Tòa án cấp phúc thẩm sử dụng thời hạn tạm giam theo quyết định tạm giam của Tòa án cấp sơ thẩm. Trường hợp đã hết thời hạn tạm giam bị cáo theo quyết định tạm giam của Tòa án cấp sơ thẩm thì Chánh án, Phó Chánh án Tòa án ra quyết định tạm giam mới.

- Lý do: bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

4.12. Bổ sung quy định về đình chỉ xét xử phúc thẩm (Điều 348)

- BLTTHS năm 2003: Quy định nhưng chưa cụ thể

- BLTTHS năm 2015: Trường hợp rút một phần kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo, kháng nghị đã rút.

- Lý do: bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

4.13. Bổ sung quy định về sự có mặt của thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, những người tham gia tố tụng tại phiên tòa phúc thẩm (các điều 349, 350 và 351)

- BLTTHS năm 2003: Quy định nhưng chưa cụ thể

- BLTTHS năm 2015:

+ (1) Phiên tòa chỉ được tiến hành khi có đủ thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký Tòa án. Các thành viên Hội đồng xét xử phải xét xử vụ án từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên tòa. (2) Trường hợp có Thẩm phán không tiếp tục tham gia xét xử vụ án nhưng có Thẩm phán dự khuyết tham gia phiên tòa từ đầu thì những người này được thay thế làm thành viên Hội đồng xét xử. Trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không tiếp tục tham gia xét xử được thì Thẩm phán là thành viên Hội đồng xét xử làm chủ toạ phiên tòa và Thẩm phán dự khuyết được bổ sung làm thành viên Hội đồng xét xử. (3) Trường hợp không có Thẩm phán dự khuyết hoặc phải thay đổi chủ tọa phiên tòa mà không có Thẩm phán để thay thế thì phải hoãn phiên tòa. (4) Trường hợp Thư ký Tòa án bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa thì Tòa án vẫn có thể xét xử vụ án nếu có Thư ký Tòa án dự khuyết; nếu không có người thay thế thì tạm ngừng phiên tòa (Điều 349).

+ Đối với vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì có thể có nhiều Kiểm sát viên. Trường hợp Kiểm sát viên không thể có mặt tại phiên tòa thì Kiểm sát viên dự khuyết có mặt tại phiên tòa từ đầu được thay thế để thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Trường hợp Kiểm sát viên bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử mà không có Kiểm sát viên dự khuyết để thay thế thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa (Điều 350).

+ Người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị được triệu tập đến phiên tòa thì phải có mặt tại phiên tòa. Nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử giải quyết: (1) Người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa. Trường hợp người bào chữa vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan hoặc được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử. Trường hợp phải chỉ định người bào chữa theo quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này mà người bào chữa vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa; (2) Người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị là bị hại, đương sự và người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử. Trường hợp những người này vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử có thể tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị hại, đương sự; (3) Bị cáo có kháng cáo hoặc bị kháng cáo, bị kháng nghị nếu vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử có thể vẫn tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án, quyết định không có lợi cho bị cáo. Nếu sự vắng mặt của bị cáo vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan và sự vắng mặt đó không gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử (Điều 351).



- Lý do: khắc phục bất cập của BLTTHS năm 2003, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng.

4.14. Cụ thể hóa các trường hợp hoãn phiên tòa (Điều 352)

- BLTTHS năm 2003: Quy định nhưng chưa cụ thể

- BLTTHS năm 2015: Tòa án cấp phúc thẩm chỉ được hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp: (1) Có một trong những căn cứ quy định tại các điều 52, 53, 349, 350 và 351 của Bộ luật này; (2) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa.

- Lý do: Phù hợp với thực tiễn xét xử phúc thẩm.

4.15. Quy định cụ thể hơn về thủ tục phiên tòa phúc thẩm và phiên họp đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm (Điều 354 và Điều 362)

- BLTTHS năm 2003: Quy định nhưng chưa cụ thể

- BLTTHS năm 2015:

+ Phiên tòa: (1) Chủ tọa phiên tòa hỏi người kháng cáo có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo. (2) Chủ toạ phiên tòa hỏi Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị (Điều 354).

Каталог: images -> documents
documents -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
documents -> CỤC ĐĂng kiểm việt nam
documents -> QuyếT ĐỊnh của thủ TƯỚng chính phủ SỐ 276/2006/QĐ-ttg ngàY 4 tháng 12 NĂM 2006 VỀ giá BÁN ĐIỆn thủ TƯỚng chính phủ
documents -> Nghị ĐỊnh số 47/2010/NĐ-cp ngàY 06 tháng 05 NĂM 2010 CỦa chính phủ quy đỊnh xử phạt hành chính về HÀNH VI VI phạm pháp luật lao đỘNG
documents -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc BÁo cáo hoạT ĐỘng y tế CƠ SỞ
documents -> Số hồ sơ: /vslđ HỒ SƠ VỆ sinh lao đỘNG
documents -> Mẫu (Form) nc13 Ban hành kèm theo Thông tư số 31/2015/tt-bca
documents -> THÔng tư CỦa bộ CÔng thưƠng số 10/2008/tt-bct ngàY 25 tháng 7 NĂM 2008
documents -> BỘ lao đỘng-thưƠng binh và XÃ HỘI
documents -> NghÞ ®Þnh cña ChÝnh phñ Sè 67/2001/N§-cp ngµy 01 th¸ng 10 n¨m 2001 Ban hµnh c¸c danh môc chÊt ma tuý vµ tiÒn chÊt

tải về 0.7 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương