VIỆn kiểm sát nhân dân tối cao ­­­­­ TÀi liệu tập huấn bộ luật tố TỤng hình sự NĂM 2015 Hà Nội, tháng 4 năm 2016


Khởi tố vụ án hình sự (Chương IX)



tải về 0.7 Mb.
trang2/7
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích0.7 Mb.
#16907
1   2   3   4   5   6   7

1. Khởi tố vụ án hình sự (Chương IX)

1.1. Số lượng điều luật

- BLTTHS năm 2003: chỉ có 10 điều luật.

- BLTTHS năm 2015: 20 điều luật.

- Lý do: để bổ sung những quy định còn thiếu như: trình tự, thủ tục tiếp nhận nguồn tin về tội phạm; các biện pháp tố tụng được áp dụng; trách nhiệm thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát...

1.2. Bổ sung và quy định rõ các khái niệm về tố giác tội phạm, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Điều 144)

- BLTTHS năm 2003: chủ yếu căn cứ vào tiêu chí chủ thể để xác định tố giác, tin báo về tội phạm. Theo đó, quy định tố giác là của công dân; tin báo là của cơ quan, tổ chức. Đồng thời, không có sự phân biệt giữa “thông tin về hành vi có dấu hiệu tội phạm” với “thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm”.

- BLTTHS năm 2015: quy định rõ: tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền; Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng; Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm; cơ quan kiến nghị khởi tố phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ liên quan.

- Lý do: nhằm khắc phục những bất cập trong quy định của BLTTHS hiện hành và Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC ngày 02/8/2015.

1.3. Quy định cụ thể trách nhiệm và thủ tục tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (các điều 145, 146 và 147)

- BLTTHS năm 2003: chỉ quy định rất ngắn gọn trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong việc tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến. Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kèm theo các tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

- BLTTHS năm 2015: quy định cụ thể trách nhiệm và thủ tục tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Công an phường, thị trấn, Đồn Công an, Công an xã, Các cơ quan, tổ chức khác. Đồng thời bổ sung quy định “trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận đó cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền”.

- Lý do: tạo thuận lợi trong thực tiễn áp dụng, bảo đảm giải quyết kịp thời, đầy đủ và kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, chống bỏ lọt tội phạm, bảo đảm đồng bộ với Luật tổ chức VKSND, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015.

1.4. Tăng thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Điều 147)

- BLTTHS năm 2003: tối đa là 2 tháng

- BLTTHS năm 2015: tối đa là 4 tháng. Việc gia hạn thời hạn giải quyết phải được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp quyết định.

- Lý do: nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, nhất là đối với những tin giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phức tạp, nhiều đối tượng tham gia, cần phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa phương.

1.5. Bổ sung thời hạn phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Điều 149)

- BLTTHS năm 2003: không quy định.

- BLTTHS năm 2015: tối đa 01 tháng.

- Lý do: bảo đảm thời hạn cho việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phải tạm đình chỉ.

1.6. Bổ sung quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Điều 148)

- BLTTHS năm 2003: không quy định.

- BLTTHS năm 2015: bổ sung quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố nhưng hết thời hạn luật định mà chưa có kết quả.

- Lý do: nhằm khắc phục tình trạng vi phạm thời hạn, tránh việc kéo dài thời gian giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tránh bỏ lọt tội phạm.

1.7. Bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố (các điều 159, 160 và 161)

- BLTTHS năm 2003: chỉ quy định “Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điều tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”.

- BLTTHS năm 2015: bổ sung 03 điều luật để quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố; quy định trách nhiệm của Viện kiểm sát phải giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu nhưng không được khắc phục.

- Lý do: để phù hợp với Luật tổ chức VKSND năm 2014, tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát nhằm chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội.

2. Điều tra vụ án hình sự (từ Chương X đến Chương XVII)

2.1. Quy định chặt chẽ và cụ thể những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp trung ương, Cơ quan điều tra cấp tỉnh (Điều 163)

- BLTTHS năm 2003: quy định “Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp tỉnh hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra cấp dưới nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra”; “Cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra”.

- BLTTHS năm 2015: quy định chặt chẽ những vụ án thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra cấp dưới những Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra chỉ bao gồm: vụ án liên quan đến nhiều huyện; vụ án có yếu tố nước ngoài; phạm tội có tổ chức. Quy định chặt chẽ và cụ thể những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp trung ương. Theo đó, Cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra những vụ án sau: Vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hủy để điều tra lại; Vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.

- Lý do: bảo đảm việc điều tra đúng thẩm quyền, tránh các quy định mang tính định tính dẫn đến tùy tiện điều tra các vụ án thuộc thẩm quyền của cấp dưới.

2.2. Bổ sung và quy định cụ thể một số biện pháp điều tra (các điều 191, 215-222)

- BLTTHS năm 2003: không quy định.

- BLTTHS năm 2015: bổ sung biện pháp nhận biết giọng nói, định giá tài sản và quy định cụ thể thủ tục tiến hành các biện pháp này.

- Lý do: để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn chứng minh tội phạm.

2.3. Quy định cụ thể về giám định (các điều 205-214)

- BLTTHS năm 2003: chỉ có 5 điều luật quy định về giám định, còn thiếu nhiều quy định về thời hạn giám định, giám định lại trong trường hợp đặc biệt...

- BLTTHS năm 2015: xây dựng 10 điều luật điều chỉnh đầy đủ các nội dung liên quan đến giám định; bổ sung đầy đủ những vấn đề cần phải trưng cầu giám định; phân nhóm hợp lý các vấn đề cần trưng cầu và quy định thời hạn giám định cho từng nhóm; bổ sung những người có quyền yêu cầu giám định trên cơ sở giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa trách nhiệm chứng minh trong vụ án hình sự với việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng; xác lập cơ chế nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình trưng cầu và sử dụng kết quả giám định; theo đó, quy định trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định trong thời hạn 24 giờ phải gửi quyết định trưng cầu giám định và kết luận giám định cho Viện kiểm sát, trong thời hạn 7 ngày phải thông báo kết luận giám định cho người tham gia tố tụng; quy định cụ thể thành phần và thủ tục giám định bổ sung và giám định lại; bổ sung cơ chế nhằm giải quyết xung đột giữa các kết luận giám định; theo đó, quy định trong trường hợp đặc biệt, Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao có quyền quyết định giám định lại và kết luận giám định trong trường hợp này có hiệu lực để giải quyết vụ án.

- Lý do: nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác giám định hiện nay như: giám định chậm trễ; giám định không chính xác; xung đột giữa các kết luận giám định.

2.4. Bổ sung các quy định về định giá tài sản (các điều 215-222)

- BLTTHS năm 2003: không quy định.

- BLTTHS năm 2015: bổ sung mới 8 điều luật để quy định các vấn đề cụ thể liên quan đến định giá tài sản trong tố tụng hình sự như yêu cầu định giá tài sản, thời hạn định giá tài sản, tiến hành định giá tài sản, định giá lại tài sản, định giá lại tài sản trong trường hợp tài sản bị thất lạc hoặc không còn, định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt, kết luận định giá tài sản, quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận định giá tài sản.

- Lý do: đáp ứng yêu cầu thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến tài sản phải định giá.

2.5. Lượng hóa cụ thể một số thời hạn tố tụng (Điều 474, Điều 481)

- BLTTHS năm 2003: một số thời hạn còn mang tính định tính như gửi ngay, thông báo ngay.

- BLTTHS năm 2015: lượng hóa cụ thể các loại thời hạn này (Điều 474, thay giải quyết ngay bằng trong thời hạn 24 giờ; Điều 481, thay xem xét, giải quyết ngay bằng trong thời hạn 24 giờ...)

- Lý do: tránh tình trạng kéo dài thời hạn trên thực tiễn, đề cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

2.6. Bổ sung một số trường hợp tạm đình chỉ điều tra (Điều 229)

- BLTTHS năm 2003: chỉ quy định tạm đình chỉ điều tra trong trường hợp bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y; trường hợp đã trưng cầu giám định nhưng chưa có kết quả giám định mà hết thời hạn điều tra.

- BLTTHS năm 2015: bổ sung trường hợp khi yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả mà đã hết thời hạn điều tra.

- Lý do: nhằm phù hợp với thực tiễn giải quyết vụ án hình sự thời gian qua.

2.7. Luật hóa các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (các điều 223-228)

- BLTTHS năm 2003: không quy định, chỉ được đề cập có tính nguyên tắc trong các luật chuyên ngành (Luật an ninh quốc gia, Điều 24; Luật phòng chống ma túy, Điều 13) và giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

- BLTTHS năm 2015: quy định cụ thể các biện pháp được phép áp dụng bao gồm: ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử; quy định chặt chẽ các trường hợp áp dụng chỉ đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền và các tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng; về thẩm quyền áp dụng phải có quyết định của Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh trở lên và được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn; về thời hạn áp dụng không quá 02 tháng, trường hợp đặc biệt có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra; quy định cho phép sử dụng làm chứng cứ đối với những thông tin, tài liệu thu thập từ biện pháp điều tra đặc biệt; đồng thời, quy định nghiêm ngặt việc sử dụng các thông tin, tài liệu nhằm bảo vệ bí mật riêng tư của các cá nhân, tổ chức.

- Lý do: để cụ thể hóa yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật…”, tạo cơ sở pháp lý để thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh chống tội phạm hiện nay, mở rộng nguồn chứng cứ có giá trị trực tiếp chứng minh hành vi phạm tội.

Phần thứ ba: Truy tố



1. Cách thiết kế phần, chương

- BLTTHS năm 2003: đặt chương truy tố trong phần điều tra vụ án hình sự chỉ gồm 04 điều: các điều 166-169.

- BLTTHS năm 2015: xây dựng Phần thứ ba về truy tố, gồm 02 chương: Chương XVIII: Những quy định chung; Chương XIX: Quyết định việc truy tố bị can.

- Lý do: bảo đảm phân định rành mạch các giai đoạn tố tụng và tạo cơ sở để quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn trong giai đoạn truy tố.

2. Những quy định chung

2.1. Bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố và kiểm sát trong giai đoạn truy tố (Điều 236 và Điều 237)

- BLTTHS năm 2003: không quy định.

- BLTTHS năm 2015: bổ sung 2 điều luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố và khi kiểm sát trong giai đoạn truy tố.

- Lý do: để phù hợp với Luật tổ chức VKSND năm 2014, tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát nhằm chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội.

2.2. Bổ sung quy định về giao nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra (Điều 238)

- BLTTHS năm 2003: không quy định.

- BLTTHS năm 2015: quy định cụ thể, khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giao hồ sơ vụ án kèm theo bản kết luận điều tra đề nghị truy tố và vật chứng (nếu có), trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có) đã đầy đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng và bản kết luận điều tra đã được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì Viện kiểm sát nhận hồ sơ vụ án; trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có) không đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng hoặc bản kết luận điều tra chưa được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì chưa nhận hồ sơ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bổ sung tài liệu, vật chứng; yêu cầu giao bản kết luận điều tra cho bị can hoặc người đại diện của bị can.

- Lý do: tạo sự thống nhất trong thực tiễn áp dụng.

2.3. Quy định cụ thể về thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát (Điều 239)

- BLTTHS năm 2003: quy định “Trong trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, Viện kiểm sát ra ngay quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền”.

- BLTTHS năm 2015: quy định cụ thể về thẩm quyền truy tố. Theo đó, Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố là Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn điều tra. Đồng thời, để xác định thẩm quyền truy tố đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát trong giai đoạn điều tra, Bộ luật quy định: Viện kiểm sát cấp trên quyết định việc truy tố. Chậm nhất là 02 tháng trước khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát cấp trên phải thông báo cho Viện kiểm sát cấp dưới cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án để cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án. Ngay sau khi quyết định truy tố, Viện kiểm sát cấp trên ra quyết định phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử; sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng, Viện kiểm sát cấp dưới có thẩm quyền thực hành.

- Lý do: tháo gỡ những vướng mắc thời gian qua liên quan đến việc ủy quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa cho rằng Viện kiểm sát cấp trên không có quyền nhưng lại ủy quyền; đồng thời, bảo đảm để Kiểm sát viên nắm chắc vụ án, thực hiện tranh tụng tại phiên tòa.

2.4. Tăng thời hạn giao bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án (Điều 240)

- BLTTHS năm 2003: 3 ngày.

- BLTTHS năm 2015: bổ sung trường hợp đặc biệt, vì lý do khách quan thì thời hạn giao bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án cho bị can, người đại diện theo pháp luật của bị can có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày.

- Lý do: để tháo gỡ những khó khăn trong những vụ án có đông bị can.

2.5. Bổ sung trách nhiệm của Viện kiểm sát cấp dưới phải gửi các quyết định tố tụng đến Viện kiểm sát cấp trên; bổ sung quy định Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có quyền rút, đình chỉ, hủy bỏ các quyết định này nếu thấy không có căn cứ hoặc trái pháp luật (Điều 240)

- BLTTHS năm 2003: không quy định.

- BLTTHS năm 2015: quy định trách nhiệm của Viện kiểm sát cấp dưới phải gửi các quyết định tố tụng đến Viện kiểm sát cấp trên; quy định Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có quyền rút, đình chỉ, hủy bỏ các quyết định này nếu thấy không có căn cứ hoặc trái pháp luật.

- Lý do: nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong nội bộ; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện thẩm quyền của Viện kiểm sát cấp trên được quy định trong Luật tổ chức VKSND năm 2014 “rút, đình chỉ, hủy bỏ các quyết định tố tụng của cấp dưới”.

2.6. Bổ sung quy định về nhập, tách vụ án trong giai đoạn truy tố (Điều 242)

- BLTTHS năm 2003: không quy định.

- BLTTHS năm 2015: bổ sung điều luật để quy định cụ thể các trường hợp tách, nhập vụ án. Theo đó, bên cạnh việc bảo đảm các yêu cầu chung thì việc tách vụ án chỉ được tiến hành trong 3 trường hợp (Bị can bỏ trốn; Bị can mắc bệnh hiểm nghèo; Bị can bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh); đồng thời, quy định 3 trường hợp có thể nhập vụ án (Bị can phạm nhiều tội; Bị can phạm tội nhiều lần; Nhiều bị can cùng tham gia một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có).

- Lý do: nhằm tháo gỡ những vướng mắc thời gian qua do thiếu quy định này, một số Viện kiểm sát phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra với lý do để điều tra bổ sung, nhưng thực chất là để làm thủ tục nhập hoặc tách vụ án.

3. Quyết định việc truy tố bị can

3.1. Bổ sung quy định về việc chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án (Điều 244)

- BLTTHS năm 2003: chỉ quy định “trong trường hợp truy tố thì trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định truy tố bằng bản cáo trạng, Viện kiểm sát phải gửi hồ sơ và bản cáo trạng đến Tòa án”.

- BLTTHS năm 2015: bổ sung trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày. Trường hợp vụ án có bị can bị tạm giam thì trước khi hết thời hạn tạm giam 7 ngày thì Viện kiểm sát thông báo cho Tòa án biết để xem xét, quyết định việc tạm giam bị can khi nhận hồ sơ vụ án.

- Lý do: nhằm tháo gỡ khó khăn của Viện kiểm sát đối với những vụ án phức tạp, có đông bị can.

3.2. Quy định cụ thể hơn căn cứ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong việc thực hiện các yêu cầu của Viện kiểm sát nêu trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Điều 245)

- BLTTHS năm 2003: quy định căn cứ trả hồ sơ điều tra bổ sung bao gồm: còn thiếu những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được; có căn cứ để khởi tố bị can về một tội phạm khác hoặc có người đồng phạm khác; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

- BLTTHS năm 2015: quy định cụ thể hơn các căn cứ, gồm: còn thiếu chứng cứ để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được; có căn cứ khởi tố bị can về một hay nhiều tội phạm khác; có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Đồng thời bổ sung trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong việc thực hiện đầy đủ yêu cầu nêu trong quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của Viện kiểm sát; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà không thực hiện được thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản. Kết thúc điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra phải có bản kết luận điều tra bổ sung. Bản kết luận điều tra bổ sung phải ghi rõ kết quả điều tra bổ sung, quan điểm giải quyết vụ án. Nếu kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản kết luận điều tra trước đó thì Cơ quan điều tra phải ra bản kết luận điều tra mới thay thế. Việc chuyển hồ sơ vụ án kèm theo kết luận điều tra bổ sung cho Viện kiểm sát; việc giao, nhận, gửi thông báo kết quả điều tra bổ sung được thực hiện theo quy định tại Điều 232 và Điều 238 của BLTTHS.

- Lý do: nhằm bảo đảm việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung được tiến hành chặt chẽ, tránh lạm dụng, kéo dài thời gian tố tụng.

3.3. Bổ sung quy định giải quyết yêu cầu trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án (Điều 246)

- BLTTHS năm 2003: không quy định.

- BLTTHS năm 2015: quy định cụ thể như sau: nếu quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung có căn cứ mà xét thấy không cần phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để bổ sung tài liệu, chứng cứ; trường hợp Viện kiểm sát không thể tự điều tra bổ sung được thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra. Trường hợp kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản nội dung bản cáo trạng trước đó thì Viện kiểm sát phải ra bản cáo trạng mới thay thế và chuyển hồ sơ đến Tòa án. Trường hợp kết quả điều tra bổ sung dẫn đến đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết. Nếu quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không có căn cứ thì Viện kiểm sát có văn bản nêu rõ lý do, giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển lại hồ sơ cho Tòa án.

- Lý do: nhằm bảo đảm tính linh hoạt trọng thực tiễn, có những trường hợp Viện kiểm sát có thể bổ sung chứng cứ, tài liệu, không nhất thiết phải chuyển cho Cơ quan điều tra dẫn đến kéo dài thời hạn giải quyết.

3.4. Bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án của Viện kiểm sát (Điều 247)

- BLTTHS năm 2003: quy định căn cứ tạm đình chỉ vụ án của Viện kiểm sát bao gồm: khi bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác mà có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y; khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu.

- BLTTHS năm 2015: bổ sung thêm căn cứ: khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp mà chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.

- Lý do: tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn thời gian qua khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp.

3.5. Bổ sung quy định về phục hồi vụ án (Điều 249)

- BLTTHS năm 2003: không quy định.

- BLTTHS năm 2015: bổ sung quy định: khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định phục hồi vụ án nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu vụ án bị đình chỉ theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 157 của BLTTHS mà bị can không đồng ý và yêu cầu phục hồi vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định phục hồi vụ án.

- Lý do: khắc phục thiếu sót trong BLTTHS hiện hành.

3.6. Quy định cụ thể các nội dung trong quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án và quyết định phục hồi vụ án (các điều 247, 248 và 249)

- BLTTHS năm 2003: không quy định.

- BLTTHS năm 2015: quy định cụ thể các nội dung trong quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án và quyết định phục hồi vụ án. Theo đó, quyết định tạm đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý do, căn cứ tạm đình chỉ vụ án, các vấn đề khác có liên quan và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của BLTTHS; quyết định đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý do và căn cứ đình chỉ vụ án, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), các vấn đề khác có liên quan và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của BLTTHS; quyết định phục hồi vụ án phải ghi rõ lý do và căn cứ phục hồi vụ án, các vấn đề khác có liên quan và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của BLTTHS.

- Lý do: để tạo sự thống nhất khi cơ quan kiểm sát ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án và quyết định phục hồi vụ án.

Каталог: images -> documents
documents -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
documents -> CỤC ĐĂng kiểm việt nam
documents -> QuyếT ĐỊnh của thủ TƯỚng chính phủ SỐ 276/2006/QĐ-ttg ngàY 4 tháng 12 NĂM 2006 VỀ giá BÁN ĐIỆn thủ TƯỚng chính phủ
documents -> Nghị ĐỊnh số 47/2010/NĐ-cp ngàY 06 tháng 05 NĂM 2010 CỦa chính phủ quy đỊnh xử phạt hành chính về HÀNH VI VI phạm pháp luật lao đỘNG
documents -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc BÁo cáo hoạT ĐỘng y tế CƠ SỞ
documents -> Số hồ sơ: /vslđ HỒ SƠ VỆ sinh lao đỘNG
documents -> Mẫu (Form) nc13 Ban hành kèm theo Thông tư số 31/2015/tt-bca
documents -> THÔng tư CỦa bộ CÔng thưƠng số 10/2008/tt-bct ngàY 25 tháng 7 NĂM 2008
documents -> BỘ lao đỘng-thưƠng binh và XÃ HỘI
documents -> NghÞ ®Þnh cña ChÝnh phñ Sè 67/2001/N§-cp ngµy 01 th¸ng 10 n¨m 2001 Ban hµnh c¸c danh môc chÊt ma tuý vµ tiÒn chÊt

tải về 0.7 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương