Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp



tải về 0.56 Mb.
trang4/8
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích0.56 Mb.
#25200
1   2   3   4   5   6   7   8

3.3. Kết luận

Vấn đề nan giải bấy lâu nay của ngành đường Việt Nam tiếp tục lặp lại trong năm 2006, đó là sự tự phát trong quy hoạch vùng nguyên liệu và thiếu thống nhất hợp tác trong quá trình thu mua mía của các nhà máy đường. Chính điều này đã dẫn tới sự biến động lên xuống thất thường trong giá thu mua mía và giá đường trên thị trường. Cuối cùng không ai khác, nông dân là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Vai trò của các cơ quan chức năng và các nhà máy đường dường như vẫn chưa phát huy được nhiều trong việc ổn định cung cầu, sắp xếp quy hoạch hợp lý các vùng nguyên liệu cũng như đưa ra mức giá thu mua thống nhất cho nông dân. Vì vậy, các cơ quan này cần có sự đổi mới, thống nhất trong cách điều hành sản xuất và thị trường để ổn định giá, giúp nông dân yên tâm sản xuất lâu dài.

Trong cam kết gia nhập WTO, đến năm 2012, Việt Nam sẽ phải cắt giảm 85% mức thuế nhập khẩu đường, cao nhất chỉ còn 6%. Trước mắt, giá đường trong nước sẽ chịu tác động bởi lộ trình giảm thuế của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Tuy nhiên, có một thực tế là, trong khi nhiều nước thành viên WTO vẫn áp dụng chính sách bảo hộ ngành mía đường, thì nông dân và các doanh nghiệp mía đường Việt Nam hầu như vẫn phải tự xoay sở, thiếu sự hỗ trợ của nhà nước và địa phương. Đây là một bất lợi lớn mà ngành mía đường Việt Nam đã và đang trải qua khi gia nhập WTO và hy vọng chúng ta có thể khắc phục được trong tương lai gần.



  1. Ngành hàng Chè

4.1. Tình hình thị trường thế giới:

Năm 2006 là năm đầu tiên sản lượng chè thế giới sút giảm sau 7 năm tăng trưởng liên tục, chủ yếu do ảnh hưởng của đợt hạn hán nặng nề ở các nước Châu phi hồi đầu năm và sự tăng giá của dầu mỏ. Do việc giảm sản lượng, giá chè trung bình trên thế giới năm 2006 tăng cao hơn so với năm trước từ 10 đến hơn 30% tuỳ loại chè.

Trong quý I, giá chè tương đối ổn định. Chỉ có chè của Ấn Độ có tăng cao hơn so với cùng kỳ 2005. Sang đến quý II, giá chè biến động thất thường hơn trên cả hai sàn giao dịch chè lớn tại Kenia và Bangladesh, nhưng đều có xu hướng tăng mạnh vào những tuần cuối quý II, đặc biệt là tại Bangladesh. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng hạn hạn kéo dài trong suốt vài tháng đầu năm 2006 tại Bangladesh và các nước Châu Phi. Tới quý III, do điều kiện thuận lợi, sản lượng chè của các nước xuất khẩu chính đều tăng mạnh. Tuy nhiên, do hậu quả dai dẳng của đợt hạn hán hồi quý I, sản lượng chè toàn cầu trong 8 tháng đầu năm 2006 vẫn chỉ đạt 1050,3 nghìn tấn, thấp hơn so với 1069,3 nghìn tấn cùng kỳ năm 2005. Ngoài ra, việc tăng giá dầu thế giới cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng chè thế giới do giá dầu tăng cao không những làm tăng chi phí nhiên liệu đốt trong quá trình chế biến chè mà còn làm tăng chi phí của phân bón - sản phẩm mà đầu vào chính là dầu mỏ. Hạn hán tại các nước châu Phi, đặc biệt là Kenya, một trong những nước xuất khẩu chè hàng đầu thế giới, đã mang lại cơ hội cho ngành chè của các nước xuất khẩu lớn khác như Ấn Độ và Srilanka. Xét riêng trong quý III, diễn biến giá chè trên một số thị trường đấu giá lớn như Kenya và Bangladesh biến đổi thất thường, phụ thuộc vào nhu cầu mua của khách hàng. Tuy nhiên, có thể thấy sau xu hướng tăng giá trong quý II, đến quý III, giá chè trên cả hai thị trường trên có dao động nhưng không lớn. Sau những diễn biến ổn định trong quý III, sang đến quý IV/2006, nhìn chung giá chè trên thị trường đấu giá Kenya có xu hướng tăng. Khác với diễn biến trên thị trường Kenya, trên thị trường Bangladesh, giá chè các loại (Brokens, Fannings và Dust) đều có xu hướng giảm xuống trong Quý IV/2006.

Tuy trong năm 2006, giá chè thế giới có cải thiện đôi chút so với vài năm trước đó, trên thực tế, sản lượng chè tiếp tục vượt xa so với nhu cầu tiêu thụ. Sản lượng chè đã và đang tăng tương đối vì vậy thị trường chè hiện đang trong tình trạng thiếu ổn định, đặc biệt là những bất ổn về phương diện giá.

Ngày 27/11, trong ngày họp đầu tiên của Hội nghị Kinh doanh Chè Quốc tế (IGG) ở Nairôbi (Kênia), với sự tham gia của 53 quốc gia, trong đó có các nước sản xuất và tiêu thụ chè lớn như Ấn Độ, Kenya, Sri Lanka, Việt Nam, Mỹ, Canada, Ruwanda và Nepal, các chuyên gia trong ngành chè thế giới đã kêu gọi việc đặt ra tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu một cách nghiêm ngặt cho những sản phẩm chè giao dịch trên thị trường, nhằm cải thiện chất lượng chè và giải quyết tình trạng chè chất lượng thấp tràn lan trên thị trường toàn cầu. Trong cuộc họp này, FAO đã đưa ra dự đoán rằng đòi hỏi gần đây về lượng tồn dư hoá chất tối đa (MRLs) của một số thị trường chè lớn, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) dự đoán sẽ làm giảm nguồn cung chè thế giới ít nhất 2,5%. Điều này sẽ giúp tăng giá chè thế giới thêm 4% trong thời gian từ năm 2005 đến 2015. Tác động của việc áp dụng MRLs sẽ là lớn nhất trong 3 năm đầu tiên thực hiện, khi những đòi hỏi ngày càng tăng trong nhu cầu nhập khẩu được đặt ra trong bối cảnh nguồn cung xuất khẩu giảm sút.

Biện pháp khác có thể để đẩy giá chè lên là việc tuân thủ bộ tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu ISO 3720 trong giao dịch chè toàn cầu. Bộ tiêu chuẩn này sẽ giúp loại bỏ chè chất lượng thấp – nguyên nhân gây dư thừa cung ra khỏi thị trường. Theo dự đoán, với bộ tiêu chuẩn này, khối lượng chè giao dịch trên thị trường thế giới sẽ giảm từ 200 – 350 tấn. Theo FAO, chi phí để tuân thủ bộ ISO 3720 – trong đó chi phí chứng chỉ là thành phần chính, là vấn đề chính của các thương nhân nhỏ. Các chuyên gia cho rằng, việc tôn trọng các tiêu chuẩn an toàn chặt chẽ sẽ thúc đẩy lòng tin của người tiêu dùng và tăng nhu cầu thế giới đối với mặt hàng chè.

Cũng trong hội nghị nói trên, các nước sản xuất chè trên thế giới đã nhất trí sử dụng một logo chung, với mục đích bảo vệ giá trị thực của chè cả ở nước sản xuất lẫn nước tiêu dùng. Các nước sản xuất chè cũng sẽ sử dụng logo này trong những chiến dịch quảng cáo nhằm để quảng bá chè. Việc tiêu chuẩn hoá đã được chấp nhận đối với cả nước sản xuất và tiêu thụ chè. IGG đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc thúc đẩy cắt giảm mức tồn dư hoá chất tối đa trong chè.

FAO cũng đã đưa ra một dự đoán về sản lượng chè toàn cầu trong thập kỷ tới. Theo dự đoán trung hạn, sản lượng chè đen của thế giới dự đoán sẽ tăng với tỷ lệ 1,8% trong giai đoạn từ 2005-2016, thời điểm sản lượng chè ước đạt 2.927 triệu kg, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng hàng năm 2,3% trong thập kỷ trước. Sản lượng chè Ấn Độ năm 2016 dự đoán đạt khoảng 1.095 triệu kg, so với 928 triệu kg năm 2005. Tại các quốc gia châu Phi, sản lượng chè hàng năm dự đoán sẽ giảm dần, trong đó Kenya dự đoán sẽ có 395 triệu kg chè vào năm 2016.

Tuy nhiên, theo ông Micheal Bunston - Chủ tịch Uỷ ban chè quốc tế (ITC), các nhà sản xuất chè nên tăng cường nỗ lực thúc đẩy tiêu thụ chè, thay vì quá tập trung vào những kế hoạch đạt được tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu. Ngành chè thế giới cũng nên xúc tiến quảng bá chè như một loại đồ uống có lợi cho sức khoẻ, đồng thời thúc đẩy việc đăng ký chè trồng tại các khu vực cụ thể để có được quyền thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ. Đây cũng là giải pháp để hạn chế lượng cung dư thừa trên thị trường hiện nay. Theo Bunston, không phải dễ dàng để yêu cầu các nước sản xuất chủ yếu là các loại chè chất lượng thấp từ bỏ các thị trường sẵn có, vì vậy điều sống còn là nâng cao nhu cầu tiêu thụ chè

4.2. Tình hình thị trường trong nước:

Tính đến hết tháng 9/2006, chè hiện đang đứng thứ 7 về kim ngạch xuất khẩu trong các mặt hàng nông sản, sau gạo, cao su, cà phê, hạt điều, rau quả và hạt tiêu. Tính đến hết tháng 9/2006, kim ngạch xuất khẩu chè Việt Nam đạt 77,5 triệu đô la Mỹ, chiếm khoảng 2% tổng giá trị nông sản xuất khẩu.

Tính đến hết tháng 9/2006, tổng lượng chè xuất khẩu của Việt Nam đạt 74 nghìn tấn, tương đương với 77,5 triệu USD, tăng 30,7% về lượng và 28,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo năm 2006 sẽ là năm đầu tiên tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam vượt ngưỡng 100 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam có thể được kể tới là Đài Loan, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Irắc, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh.

Tuy nhiên, hiện nay chè của Việt Nam vẫn chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, khâu chế biến lại thiếu tiêu chuẩn, ăn bớt công đoạn nên giá trị xuất khẩu thấp. Ngay cả trên những thị trường truyền thống như Trung Quốc, Đài Loan, Nga, chè Việt Nam vẫn ít được người tiêu dùng biết đến do chủ yếu được nhập khẩu dưới dạng nguyên liệu thô. Thương hiệu chè “Vinatea” của Tổng Công ty chè Việt Nam vẫn chưa thực sự khẳng định được uy tín cho chè đen xuất khẩu.

Tại thị trường Trung Quốc, chè của Việt Nam chưa có được thị phần và thương hiệu, chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu thô nên giá trị xuất khẩu thấp. Về chất lượng thì mặt hàng chè của Việt Nam rất có uy tín, tuy nhiên do mới chỉ xuất khẩu nguyên liệu nên chưa được người tiêu dùng Trung Quốc biết đến nhiều. Các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu nguyên liệu về chế biến và bán với giá cao hơn nhiều.

Hơn nữa, theo nhân đinh của Hiệp hội Chè Việt Nam, hiên nay có quá nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chè sang cùng một thị trường. Đây là một trong những lý do làm giá chè của ta luôn thấp hơn so với các nước khác và chất lượng chè không được ổn định. Hiện bắt đầu có sự mất cân đối về khả năng cung cấp nguyên liệu chè và sự bùng nổ của các nhà máy chế biến chè. Tổng công suất chế biến của tất cả các cơ sở sản xuất đạt gấp hai lần tổng sản lượng nguyên liệu, thậm chí có địa phương nguyên liệu chỉ đáp ứng 30% năng lực chế biến, dẫn đến tình trạng tranh mua nguyên liệu gay gắt.

Xuất khẩu chè của Việt Nam vẫn chỉ tập trung vào một số thị trường truyền thống như Đài Loan, Pakistan, Malaysia, Nga. Điều này có nghĩa là công tác đa dạng hóa thị trường, mở rộng thị trường của ngành chè chưa tiến triển. Một số thị trường từ chối không nhập khẩu chè Việt Nam như Ailen, Bỉ, Campuchia, Đan Mạch, Hàn Quốc, Hồng Kông, Pháp, Thái Lan và Thụy Điển. Số thị trường coi là tiềm năng trong năm nay rất ít ỏi.

Xét về cơ cấu sản phẩm, chè xanh hiện chiếm khoảng 20%, chè đen 79% và 1% là chè các loại khác. Tuy nhiên, giá trị xuât khẩu chè lại tăng chưa tương ứng, một mặt do giá chè chung trên thị trường thế giới giảm, mặt khác do phẩm cấp chè Việt Nam chưa cao, chủ yếu dùng để làm nguyên liệu chế biến chè các loại. Hơn nữa, thị trường chè xuất khẩu của Việt Nam chưa thật sự ổn định. Nguyên nhân hiện nay là sản phẩm chè cấp thấp chiếm tỷ trọng lớn, chất lượng chè không cao, chè được bán dưới dạng nguyên liệu là chính.

Tuy nhiên, xét về mặt giá xuất khẩu, hiện giá chè của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với sản phẩm cùng loại của các nước trên thế giới. Đơn giá xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng 55-70% so với giá của nhiều nước tuỳ theo mặt hàng chè. Giá chè bình quân 9 tháng đầu năm nay đạt 1.051 USD/tấn, giảm so cùng kỳ năm trước khoảng 2%.


    1. Nhận định chuyên gia và đề xuất:

Được biết, ngành chè đặt ra mục tiêu phát triển chung đến năm 2010-2015 sẽ trồng mới và thay thế diện tích chè cũ đạt mức độ ổn định khoảng 150.000ha, năng suất bình quân đạt 8-9 tấn búp/ha, giá trị thu nhập bình quân đạt 35-40 triệu đồng/ha và kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động trên cả nước. Về thị trường sẽ phấn đấu xuất khẩu khoảng 70% tổng sản lượng chè, tiêu thụ nội địa 30%. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu gồm 50% chè đen, 20% sản phẩm chè mới có giá trị cao và 30% chè xanh chất lượng cao.

Tuy nhiên, Hiệp hội chè cho biết, thời gian qua, việc ký hợp đồng mua bán chè của doanh nghiệp với nông dân được triển khai tốt, nhưng việc thực hiện hợp đồng lại có nhiều điều bất cập. Không ít hợp đồng đã bị phá vỡ vì một bên (chủ yếu là do bên bán chè tươi) không thực hiện đúng cam kết. Nguyên nhân chính của tình trạng này là cơ sở chế biến chè quá đông, công suất chế biến vượt xa khả năng cung cấp nguyên liệu. Giá chè khô lên xuống thất thường làm cho giá chè tươi biến động theo. Tình trạng tranh mua nguyên liệu diễn ra gay gắt, đẩy giá chè tươi lên cao hơn nhiều so với giá ghi trong hợp đồng khiến nhiều người sản xuất chè tươi đã chạy theo lợi trước mắt, bán sản phẩm cho người trả giá cao hơn.

Để đảm bảo vùng nguyên liệu chè, người trồng chè không nên chạy theo lợi trước mắt chỉ lo khai thác vườn chè, thậm chí sai quy trình kỹ thuật, làm giảm chất lượng nguyên liệu. Bên cạnh đó, các địa phương cần có biện pháp hạn chế các lò chè mini sản xuất chè kém chất lượng, tranh mua chè của các nhà máy. Một vấn đề khác là giá búp tươi biến động có lợi cho nông dân, song lại xuất hiện tình trạng khai thác quá mức khiến cây chè bị kiệt quệ.

Tháng 10 vừa qua, Hội nghị thâm canh chè an toàn các tỉnh miền núi phía Bắc đã được nhóm họp tại tỉnh Phú Thọ. Tại cuộc họp này, nhiều ý kiến của lãnh đạo Bộ, Ngành các địa phương, doanh nghiệp và người trồng chè đưa ra đều hướng tới mục tiêu của ngành chè trong những năm tới: Mở rộng diện tích chè bằng những giống mới có năng suất chất lượng cao. Trên diện tích chè đang đưa vào kinh doanh, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất bằng các phương pháp kỹ thuật tiên tiến, tưới nước vụ đông, đốn chè, hái dãn lứa 30-45 ngày/lứa thay cho kỹ thuật hái san trật (7-10 ngày) trước đây. Chất lượng chè thấp còn do 70% diện tích chè là giống cũ, giống có chất lượng cao mới chiếm 30%. Kỹ thuật canh tác chè cũng còn nhiều bất cập, mới có 30% diện tích làm đất bằng cơ giới hóa, 2% diện tích được tưới nước, mức đầu tư phân bón thấp, lượng phân hữu cơ, phân vô cơ sử dụng không cân đối, chủ yếu bón đạm để khai thác bóc màu cây chè, nên năng suất chất lượng thấp, nương chè chóng xuống cấp. Việc sử dụng thuốc trừ sâu ở nhiều nơi còn khá tùy tiện, lạm dụng trong sử dụng thuốc, không đảm bảo thời gian cách ly. Hiện trạng này khá phổ biến ở vùng chè và là vấn đề bức xúc trong sản xuất cần phải sớm khắc phục. Một vấn đề rất quan trọng được đưa ra tại hội nghị đó là, trong khi cả nước có chương trình rau an toàn, thực phẩm an toàn, thì chè - một loại thực phẩm đồ uống lại chưa có chương trình này. Bàn về sản xuất an toàn cho cây chè, nhưng lại chưa có những quy định, quy chế về tiêu chuẩn cho vùng sản xuất nguyên liệu sạch. Để giải quyết vấn đề này, Bộ NN - PTNT đã giao cho Vụ Khoa học - công nghệ của Bộ xúc tiến xây dựng ngay những tiêu chuẩn an toàn cho vùng sản xuất chè. Trên cơ sở đó, Cục Trồng trọt và Trung tâm Khuyến nông chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện các tiêu chuẩn này.

Cũng trong tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt logo chính thức và giao cho Hội Nông dân tỉnh đứng tên và quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên sau khi được bảo hộ. Hiện tại, trên thị trường có quá nhiều loại chè không xuất xứ từ Thái Nguyên nhưng vẫn mang nhãn hiệu "Chè Thái Nguyên" làm thiệt hại đến lợi ích của người sản xuất và tiêu dùng. Việc xây dựng thương hiệu chè Thái Nguyên sẽ bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sản xuất, kinh doanh mặt hàng này và làm tăng giá trị kinh tế của sản phẩm chè. Theo Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên, thương hiệu chè Thái Nguyên sẽ được công bố chính thức vào tháng 1 năm 2007.

Một sự kiện không thể không nhắc tới trong quý Quý IV vừa qua là Lễ hội Văn hoá Trà lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Lạt, Lâm Đồng từ 16 đến 24 tháng 12. Lễ hội lần này không chỉ là dịp để quảng bá du lịch, giới thiệu văn hoá trà Việt Nam ra thế giới, mà còn là một dịp để các tác nhân trong chuỗi sản xuất trà Việt Nam có dịp gặp gỡ, trao đổi nhằm tìm ra phương hướng giải quyết cho các vấn đề còn tồn tại của ngành trà. Tại lễ hội Trà, 8 kỷ lục Việt Nam đã được lập và rất nhiều bài tham luận có giá trị đã được đưa ra hội nghị để cùng thảo luận.

Theo dự kiến, đến giai đoạn 2010-2015, diện tích chè được trồng mới và thay thế đạt mức độ ổn định khoảng 140.000 ha, năng suất bình quân đạt 9-10 tấn búp/ha, cho tổng sản lượng 1,2-1,4 triệu tấn búp tươi, tương đương 240.000- 280.000 tấn chè thành phẩm. Trong đó khối lượng xuất khẩu khoảng 200.000 tấn với cơ cấu 50% chè đen, 20% sản phẩm chè mới có giá trị cao và 30% chè xanh chất lượng cao đạt giá trị xấp xỉ 300 triệu USD.

Trong xu thế hội nhập, không chỉ cạnh tranh về năng suất, chất lượng, giá trị xuất khẩu mà đòi hỏi phải an toàn vệ sinh từ vùng sản xuất nguyên liệu tới chế biến, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới. Do đó, ngành Chè Việt Nam phải giải quyết tận gốc của vấn đề - sản xuất, thâm canh, chế biến chè an toàn.



  1. Ngành hàng Cao su

5.1. Tình hình sản xuất trong nước

Năm 2006, năng xuất bình quân đạt kỷ lục 1.83 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 325.9 triệu tấn tăng 7.35% so với năm 2005. Năm 2006 cũng đánh dấu mức kỷ lục về năng xuất cao nhất. Các Công ty vùng Đông Nam Bộ đạt năng xuất 1.96 tấn/ha, trong đó có 7 công ty đạt từ 2-2.38 tấn/ha. Mức năng xuất cao nhất đạt 2.5-2.68 tấn/ha tại 4 nông trường cao su vùng Đông Nam Bộ.

Cơn bão số 9 tháng 12 vừa qua gây ra thiệt hại khá lớn cho các công ty cao su ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Theo Hiệp hội cao su Việt Nam, ước tính khoảng 426800 cây cao su bị gãy đổ, gây thiệt hại khoảng 160 tỷ đồng cho năm 2007. Vì vậy dự đoán sản lượng cao su năm tới có thể bị ảnh hưởng, nhưng với dự án trồng cây cao su tại Lào thì sản lượng cao su năm tới sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, đồng thời các công ty cao su bị ảnh hưởng do bão số 9 cũng đang tiến hành trồng mới lại số cây bị gãy đổ.

Trong định hướng phát triển từ nay đến 2010 của tổng Công ty Cao su Việt Nam, dự án trồng mới 100.000ha ở khu vực Tây Nguyên và vùng duyên hải miền Trung sẽ sớm triển khai. Bên cạnh đó, dự án trồng 100.000ha cao su ở Lào và Campuchia cũng đang được thực hiện. Sau khi hoàn thành các dự án này, sản lượng mủ khai thác của Việt Nam sẽ tăng đáng kể phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng thế giới.

Năm 2006, năng suất bình quân của toàn tổng Công ty Cao su Việt Nam đạt 1,83 tấn/ha, là mức cao nhất từ trước đến nay, đưa sản lượng lên mức 325.900 tấn, vượt hơn năm 2005 à 7.35%. Các công ty Đông Nam Bộ đạt năng suất 1.96 tấn/ha trên diện tích khai thác 143.570 ha, tăng 8% so với năm 2005, trong đó có 7 công ty đạt từ 2-2.38 tấn/ha.

5.2. Tình hình thị trường trong nước và thế giới

Giá cao su trong nước và xuất khẩu

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, trong năm 2006 cao su xuất khẩu đứng vị trí thứ 7 trong số các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và được đánh giá là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất. Xuất khẩu cao su đứng vị trí thứ hai sau gạo trong số các mặt hàng nông sản. Trong năm 2006, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 236.000 tấn cao su với trị giá đạt 419 triệu USD, nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan, Cambodia và Indonesia. Tuy nhiên, phần lớn cao su chỉ tạm nhập khẩu vào Việt Nam rồi tái xuất sang Trung Quốc và theo dự đoán Việt Nam sẽ là điểm giao dịch cao su tạm nhập tái xuất trong tương lai gần khi các vườn trồng cao su tại Lào và Campuchia đi vào thu hoạch.

Năm 2006, giá cao su trong nước đánh dấu sự biến động mạnh mẽ. Năm đạt kỷ lục về giá cao su tăng cao. Các nguyên nhân tác động đến sự tăng giảm giá cao su trong nước bao gồm sự tăng giá dầu thô làm tăng giá cao su tổng hợp, nhu cầu tiêu dùng cao su ngày càng tăng nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất săm lốp ô tô cho thị trường sản xuất ô tô, và một nhân tố quan trọng khác là tình hình biến động của giá vàng trên toàn thế giới. Chuỗi giá cao su nội địa tại thị trường Gia Lai cho thấy, giai đoạn sáu tháng đầu năm đánh dấu sự tăng giá cao su một cách mạnh mẽ đối với cả ba sản phẩm SVR3L, SVR5 và SVR10. giá cao kỷ lục đạt 40 triệu đồng/1 tấn trong tháng 6. Trong sáu tháng cuối năm, giá cao su giảm mạnh và trở lại giá xuất phát điểm như hồi đầu năm. Nguyên nhân chính gây ra sự biến động giá cả trong nước là nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc tăng mạnh giai đoạn đầu năm phục vụ nhu cầu săm lốp ô tô. Bên cạnh đó, thời tiết mưa to làm giảm sản lượng mủ cao su tự nhiên tại Thái Lan và Indonesia. Giai đoạn cuối năm, các kho dự trữ cao su Trung Quốc vẫn đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất trong khi đó các cường quốc cao su lại bước vào chính vụ thu hoạch và thời tiết tốt tạo điều kiện cho việc khai thác cao su được thuận lợi.

(
Nguồn: Trung Tâm Thông Tin - Bộ Thương Mại)

Theo thống kê Vụ kế hoạch - Bộ Nông Nghiệp, cao su xuất khẩu của cả nước tăng trưởng hàng năm cả về lượng và trị giá. Trước năm 2003, cây cao su cho giá trị thu hoạch rất thấp, trước năm 2003, mỗi tấn cao su chỉ cho giá trị khoảng 500 USD. Tuy nhiên từ năm 2004 trở đi, giá trị xuất khẩu của 1 tấn mủ cao su tự nhiên đã tăng nhanh chóng lên hơn 1000USD, thậm chí đạt kỷ lục hơn 2000USD. Năm 2000, lượng cao su xuất khẩu đạt gần 300 nghìn tấn, và tăng hơn 400 nghìn tấn năm 2003, 600 nghìn tấn năm 2005 và đạt hơn 700 nghìn tấn trong năm vừa qua. Giá trị cao su xuất khẩu tăng trưởng đột phá, từ khoảng 200 triệu USD năm 2000, lên 600 triệu USD năm 2004 và đạt 1,3 tỷ USD trong năm 2006. Từ năm 2000 đến năm 2006, lượng cao su xuất khẩu tăng gần 3 lần, trong khi đó giá trị xuất khẩu tăng gần 12 lần (Đồ thị: Tình hình xuất khẩu cao su qua các năm). Có thể nói, ngành cao su Việt Nam đang phát triển vững mạnh, có tiếng vang trên trường quốc tế và đóng góp quan trọng cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước.



(
Nguồn: Vụ kế hoạch - Bộ Nông Nghiệp)


Thị trường gỗ cao su

Có thể nói gỗ cao su đang tăng dần vị thế sử dụng trong sản xuất đồ nội thất phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa ngày càng tăng. Theo thống kê của Hiệp hội Cao su Việt Nam, bên cạnh nguồn gỗ cao su nội địa, năm 2006 Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 315 718 m3 gỗ cao su với đơn giá trung bình là 228 USD/m3, chiếm khoảng 10% tổng khối lượng gỗ nhập vào Việt Nam. Các nguồn xuất khẩu gỗ chủ yếu cho Việt Nam là Campuchia, Malaysia và Thái Lan. Trong tương lai, Việt Nam sẽ là một nguồn cung cấp gỗ cao su với khối lượng lớn, phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao.



Thị trường thế giới

Trong năm 2006, Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vị trí thứ tư về xuất khẩu cao su thiên nhiên trên thị trường quốc tế, sau Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Thị trường cao su thế giới trong năm qua cũng trải qua những diễn biến khá sôi động về giá cả. Trong hai quí đầu năm, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu thô trong khi nhu cầu tiếp tục tăng đã đẩy giá cao su tự nhiên tăng tới mức cao kỷ lục. Theo Bộ thương mại, giá cao su tự nhiên thế giới tăng tới 50% trong 6 tháng đầu năm. Trong 6 tháng cuối năm, giá cao su giảm trên 40% so với thời điểm giá cao nhất.



(Nguồn: Trung tâm thông tin - Bộ Thương Mại)

Dưới đây là biểu đồ miêu tả giá cả của cao su tự nhiên trên các thị trường chính. Nhìn chung, sự biến động về giá cả cao su trên các thị trường có xu thế giống nhau. Giá cao su tại thị trường Singapore cao nhất, cao gấp hai lần giá cao su thấp nhất tại thị trường Trung Quốc. Giá cao su RSS1 Singapore và giá cao su Tokyo có mức độ dao động giá cả đột ngột và thay đổi mạnh hơn rất nhiều so với giá cao su ở các thị trường khác. Giá cao su ở các thị trường Thái Lan và Indonesia cũng biến động với xu hướng tương tự. Trong quí ba của năm, Trung Quốc đã cắt giảm lượng nhập khẩu cao su và có ý ép giá, đồng thời nguồn cung dồi dào nên giá cao su giảm mạnh. Sự kiện này đã gây hoang mang cho các nước sản xuất cao su lớn trên thế giới. Giải pháp được ba quốc gia sản xuất cao su lớn nhất thế giới đưa ra là cắt giảm sản lượng và cắt giảm xuất khẩu cao su tự nhiên tránh tình trạng giảm giá hơn nữa (Trung tâm Thông tin - Bộ Nông nghiệp). Kết quả là giá cao su đã ngừng giảm và có phần hồi phục trong những tháng cuối năm 2006.

T
rong năm 2006, sản lượng của ba quốc gia sản xuất cao su lớn nhất thế giới (Thái Lan, Indonesia và Malaysia) tăng 3.43% so với năm 2005, tuy nhiên lượng cao su xuất khẩu chỉ tăng 0.61%. Tiêu thụ cao su trong nước tại ba quốc gia này cũng chỉ xấp xỉ 1%, trong khi đó sản lượng sản xuất được cao hơn lượng xuất khẩu. Điều này giải thích cho khối lượng cao su nhập khẩu bù đắp lượng cao su tiêu thụ trong nước giảm đáng kể so với năm 2005 (Bảng 1)



Bảng 1: Sản lượng và xuất nhập khẩu cao su của Thái Lan, Indonesia và Malaysia

(Nguồn: Hiệp Hội Cao su Việt Nam)

Mặc dù giá cao su năm 2006 tăng cao tác động chậm lại tốc độ tiêu thụ cao su thế giới nhưng dự báo tiêu thụ sẽ mạnh dần lên trong năm 2007 (Trung Tâm Thông tin Thương Mại - Bộ Thương Mại).



  1. Каталог: images -> 2007
    2007 -> Hồ sơ ngành hàng rau quả
    2007 -> Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998
    2007 -> Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp
    2007 -> QuyếT ĐỊnh số 46/2007/QĐ-bnn, ngày 28 tháng 5 năm 2007 Ban hành Quy định về việc xác định rừng trồng, rừng khoanh nuôi thành rừng
    2007 -> Trung tâm phát triển nông thôN
    2007 -> §å hép rau qu¶ Ph­¬ng ph¸p x¸c ®Þnh hµm l­îng vitamin c (axit ascobic) tcvn 4715 89
    2007 -> Tiªu chuÈn ViÖt nam §å hép rau qu¶ Ph­¬ng ph¸p thö tcvn 4712-89
    2007 -> Iso 9000: 2000 Thuật ngữ và định nghĩa hệ thống quản lý chất lượng Thuật ngữ liên quan đến chất lượng
    2007 -> Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp

    tải về 0.56 Mb.

    Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương