VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014



tải về 1.15 Mb.
trang1/14
Chuyển đổi dữ liệu06.07.2016
Kích1.15 Mb.
#41
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ NÔNG NGHIỆP &PTNT

VIỆN CHĂN NUÔI

TRỊNH HỒNG SƠN

KHẢ NĂNG SẢN XUẤT VÀ GIÁ TRỊ GIỐNG

CỦA DÒNG LỢN ĐỰC VCN03



LUẬN ÁN TIẾN SĨ NÔNG NGHIỆP



HÀ NỘI - 2014





BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ NÔNG NGHIỆP &PTNT

VIỆN CHĂN NUÔI

TRỊNH HỒNG SƠN

KHẢ NĂNG SẢN XUẤT VÀ GIÁ TRỊ GIỐNG

CỦA DÒNG LỢN ĐỰC VCN03

CHUYÊN NGÀNH: Di truyền và Chọn giống vật nuôi

MÃ SỐ: 62.62.01.08



LUẬN ÁN TIẾN SĨ NÔNG NGHIỆP

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:

1. TS. Nguyễn Quế Côi

2. PGS.TS. Đinh Văn Chỉnh

HÀ NỘI - 2014






LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án này là trung thực, chính xác và chưa được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác.

Mọi sự giúp đỡ trong quá trình thực hiện luận án này đã được cảm ơn và các thông tin trích dẫn trong luận án này đã được chỉ rõ nguồn gốc.

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2014

Nghiên cứu sinh




Trịnh Hồng Sơn

LỜI CẢM ƠN



Trước tiên, tôi xin trân trọng cảm ơn TS. Nguyễn Quế Côi và PGS.TS. Đinh Văn Chỉnh là hai thầy hướng dẫn khoa học đã tận tình giúp đỡ, hướng dẫn tôi trong suốt quá trình thực hiện luận án này.

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới tập thể Ban Giám đốc Viện Chăn Nuôi, Phòng Đào tạo và Thông tin, các thầy giáo, cô giáo đã giúp đỡ về mọi mặt, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho tôi hoàn thành luận án.

Đồng thời, tôi xin chân thành cảm ơn Ban lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương, Trạm nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp, Bộ môn Di truyền và chọn giống vật nuôi, Khoa Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã luôn ủng hộ, động viên và tạo điều kiện giúp đỡ tôi về mọi mặt trong quá trình hoàn thành luận án.

Tôi cũng xin chân thành cảm ơn toàn thể gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đã tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ tôi về mọi mặt, động viên khuyến khích tôi hoàn thành luận án này.
Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2014

Nghiên cứu sinh

Trịnh Hồng Sơn
MỤC LỤC

Trang


LỜI CAM ĐOAN ……………………………….…..………………………..i

LỜI CẢM ƠN ……………………………..…..……………………………..ii

MỤC LỤC…………………...…………….…………………………………iii

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT………………………………..……………….ix

DANH MỤC BẢNG………………………………...……..……………...…xi

DANH MỤC ĐỒ THỊ …………………………………………………...…xiv



HÀ NỘI - 2014 i

HÀ NỘI - 2014 i

Thành phần giá trị dinh dưỡng 27

Thành phần các chất dinh dưỡng 47


DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

- A : Hoạt lực tinh trùng (%)

- a* : Giá trị màu đỏ

- b* : Giá trị màu vàng

- BQ24 : Bảo quản sau 24 giờ giết mổ

- C : Nồng độ tinh trùng (triệu/ml)

- CB24 : Chế biến sau 24 giờ giết mổ

- cs  : Cộng sự

- Du (D) : Duroc

- DuPi : Tổ hợp lai đực Duroc x nái Pietrain

- GTG : Giá trị giống

- GTGUT : Giá trị giống ước tính

- h2 : Hệ số di truyền

- HP : Hampshire

- K : Tỉ lệ tinh trùng kì hình (%)

- L* : Giá trị màu sáng

- pH24 : Giá trị pH sau 24 giờ giết mổ

- pH45 : Giá trị pH sau 45 phút giết mổ

- Pi : Pietrain

- PiDu : Tổ hợp lai đực Pietrain x nái Duroc

- PiDu25 : PiDu 25% gen Pietrain và 75% gen Duroc

- PiDu50 : PiDu 50% gen Pietrain và 50% gen Duroc

- PiDu75 : PiDu 75% gen Pietrain và 25% gen Duroc

- PL : Tổ hợp lai đực Pietrain x nái Landrace

- R2 : Hệ số xác định

- r : Độ chính xác

- V : Thể tích tinh dịch (ml)

- VAC : Tổng số tinh trùng tiến thẳng (tỉ/lần)

- Y : Yorkshire

- KLCSC : Khối lượng cai sữa/con

- KLCSO : Khối lượng cai sữa/ổ

- KLSSSC : Khối lượng sơ sinh sống/con

- KLSSSO : Khối lượng sơ sinh sống/ổ

- L  : Landrace

- LP : Tổ hợp lai đực Landrace x nái Pietrain

- LSM : Trung bình bình phương nhỏ nhất

- Lw  : Large white

- Max : Giá trị lớn nhất

- Mean : Số trung bình

- Min : Giá trị nhỏ nhất

- n : Dung lượng mẫu

- MS : Meishan

- SCCSO : Số con cai sữa/ổ

- SCSSSO : Số con sơ sinh sống/ổ

- SD : độ lệch chuẩn

- SE : Sai số tiêu chuẩn

- TĂ : Thức ăn

- TCVN  : Tiêu chuẩn Việt Nam

DANH MỤC BẢNG

Bảng 1: Yếu tố ảnh hưởng đến năng suất sinh sản lợn nái dòng VCN03….. 48

Bảng 2: Năng suất sinh sản của lợn nái dòng VCN03 .................................. 50

Bảng 3: Năng suất sinh sản của lợn nái dòng VCN03 qua các thế hệ ……... 51

Bảng 4: Số con sơ sinh sống/ổ và số con cai sữa/ổ qua các lứa đẻ ............... 55

Bảng 5: Khối lượng sơ sinh sống/ổ, khối lượng sơ sinh sống/con, khối lượng cai sữa/ổ và khối lượng cai sữa/con qua các lứa đẻ ........................ 57

Bảng 6: Số con sơ sinh sống/ổ và số con cai sữa/ổ qua các năm .................. 59

Bảng 7: Khối lượng sơ sinh sống/ổ, khối lượng sinh sống/con, khối lượng cai sữa/ổ và khối lượng cai sữa/con qua các năm ................................. 61

Bảng 8: Mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến phẩm chất tinh dịch lợn đực dòng VCN03 ……………………………………………….…….. 70

Bảng 9: Số lượng và chất lượng tinh dịch của lợn đực dòng VCN03 ........... 71

Bảng 10: Số lượng và chất lượng tinh dịch của lợn đực dòng VCN03 qua các mùa .................................................................................................. 74

Bảng 11: Số lượng và chất lượng tinh dịch của lợn đực dòng VCN03 qua các năm .................................................................................................. 76

Bảng 12: Số lượng và chất lượng tinh dịch của lợn đực dòng VCN03 qua hai thế hệ ……....................................................................................... 77

Bảng 13: Khả năng sinh trưởng và cho thịt của lợn đực dòng VCN03 ........ 86

Bảng 14: Sinh trưởng của lợn đực dòng VCN03 qua hai thế hệ ………....... 90

Bảng 15: Năng suất thân thịt của đực dòng VCN03 qua hai thế hệ ...……... 91

Bảng 16: Chất lượng thịt của lợn đực dòng VCN03 ..................................... 93

Bảng 17: Chất lượng thịt của lợn đực dòng VCN03 qua hai thế hệ ……….. 96

Bảng 18: Phương sai di truyền cộng gộp (), phương sai di truyền theo mẹ (), phương sai ngoại cảnh (), phương sai kiểu hình() hệ số di truyền cộng gộp và hệ số di truyền theo mẹ của các tính trạng năng suất sinh sản ở lợn nái dòng VCN03 ……………....... 105

Bảng 19. Phương sai di truyền (), phương sai ngoại cảnh (), phương sai kiểu hình() và hệ số di truyền của tính trạng khối lượng 60 ngày tuổi, khối lượng kết thúc thí nghiệm, tăng khối lượng theo ngày tuổi, độ dày mỡ lưng, dày cơ thăn và tỉ lệ nạc................................108

Bảng 20. GTGUT về số con sơ sinh sống của các nhóm từ 5% đến 50% cá thể tốt nhất ở đàn lợn nái VCN03 ....................................................... 109

Bảng 21. GTGUT về số con cai sữa của các nhóm từ 5% đến 50% cá thể tốt nhất ở đàn lợn nái dòng VCN03 .................................................... 111

Bảng 22. GTGUT đối với tính trạng khối lượng sơ sinh sống/ổ của các nhóm từ 5% đến 50% cá thể tốt nhất ở đàn lợn nái dòng VCN03 .......... 112

Bảng 23. GTGUT về khối lượng sơ sinh sống/con của các nhóm từ 5% đến 50% cá thể tốt nhất ở đàn lợn nái dòng VCN03 ............................ 113

Bảng 24. GTGUT về khối lượng cai sữa/ổ của các nhóm từ 5% đến 50% cá thể tốt nhất ở đàn lợn nái dòng VCN03 ........................................ 113

Bảng 25. GTGUT về khối lượng cai sữa/con của các nhóm từ 5% đến 50% cá thể tốt nhất ở đàn lợn nái dòng VCN03 ........................................ 115

Bảng 26. GTGUT về khối lượng 60 ngày tuổi của các nhóm từ 1% đến 50% cá thể tốt nhất ở đàn lợn đực dòng VCN03 ................................... 116

Bảng 27. GTGUT về khối lượng kết thúc thí nghiệm của các nhóm từ 1% đến 50% cá thể tốt nhất ở đàn lợn đực dòng VCN03 .......................... 117

Bảng 28. GTGUT về tăng khối lượng theo ngày tuổi của các nhóm từ 1% đến 50% cá thể tốt nhất ở đàn lợn đực dòng VCN03 .......................... 117

Bảng 29. GTGUT về độ dày mỡ lưng của các nhóm từ 1% đến 50% cá thể tốt nhất ở đàn lợn đực dòng VCN03 .................................................. 118

Bảng 30. GTGUT về độ dày cơ thăn của các nhóm từ 1% đến 50% cá thể tốt nhất ở đàn lợn đực dòng VCN03 .................................................. 119

Bảng 31. GTGUT về tỉ lệ nạc của các nhóm từ 1% đến 50% cá thể tốt nhất ở đàn lợn đực dòng VCN03 ............................................................. 120

DANH MỤC ĐỒ THỊ

Đồ thị 1: Số con sơ sinh sống/ổ và số con cai sữa/ổ qua các thế hệ .............. 52

Đồ thị 2: Khối lượng sơ sinh sống/ổ và khối lượng cai sữa/ổ qua các thế hệ.53

Đồ thị 3: Số con sơ sinh sống/ổ và số con cai sữa/ổ qua các lứa đẻ ............. 56

Đồ thị 4: Khối lượng sơ sinh sống/ổ và khối lượng cai sữa/ổ qua các lứa đẻ.57

Đồ thị 5: Khối lượng sơ sinh sống/con và khối lượng cai sữa/con qua các lứa đẻ ..................................................................................................... 58

Đồ thị 6: Số con sơ sinh sống/ổ và số con cai sữa/ổ qua các năm ................ 60

Đồ thị 7: Khối lượng sơ sinh sống/ổ và khối lượng cai sữa/ổ qua các năm....62

Đồ thị 8: Khối lượng sơ sinh sống/con và khối lượng cai sữa/con qua các năm .......................................................................................................... 63

Chương I

MỞ ĐẦU


    1. Tính cấp thiết của đề tài

Trên thế giới việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm trong ngành chăn nuôi lợn thường được thực hiện thông qua 2 phương pháp, đó là chọn lọc nhân thuần và lai tạo. Các thành tựu nghiên cứu đạt được là đã tạo ra nhiều giống, dòng lợn, nhiều tổ hợp lợn lai có năng suất chất lượng cao để đáp ứng cho sản xuất và người tiêu dùng. Trong đó nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến trong công tác giống lợn, công tác nhân giống lợn ở Việt Nam cũng đi theo hướng chọn lọc nhân thuần và lai tạo các tổ hợp lợn lai từ năm 1960 đến nay. Các thành tựu đạt được là cải tạo năng suất chất lượng một số giống lợn nội (tăng sinh trưởng, giảm tiêu tốn thức ăn, tăng tỉ lệ nạc, giảm tuổi xuất chuồng), thích nghi các giống lợn cao sản nhập nội, duy trì và chọn lọc các giống, dòng nhập nội tạo ra nhiều tổ hợp lợn lai kinh tế (nội x ngoại), lai (ngoại x ngoại) có năng suất và chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của sản xuất và tiêu thụ nội địa.

Trong nhiều năm qua công tác chọn lọc giống lợn ở nước ta phần lớn là dựa vào giá trị kiểu hình của cá thể và mặt khác nhiều cơ sở chăn nuôi còn hạn chế về quy mô đàn nên việc ghép phối tập trung trước hết là tránh cận huyết nên hiệu quả chọn lọc và nhân giống còn hạn chế. Bắt đầu từ năm 2001, ở nước ta đã có một số tác giả đã áp dụng công nghệ tiên tiến BLUP của thế giới, sử dụng giá trị giống ước tính (GTGUT) để phục vụ công tác chọn lọc trên một số đàn lợn ở phía Nam, như Kiều Minh Lực (2001) đã xác định giá trị giống cho đàn lợn thuần ở trại lợn Phú Sơn; Nguyễn Ngọc Tuân và Trần Thị Dân (2001) xác định giá trị giống cho tính trạng dày mỡ lưng và số con sơ sinh sống/ổ; Trịnh Công Thành và Dương Nhật Minh (2005) đã đánh giá giá trị giống qua 3 thế hệ chọn lọc và qua từng năm cho đàn lợn thuần tại xí nghiệp lợn giống Đông Á, xí nghiệp chăn nuôi lợn giống Cấp I, Phú Sơn và Trung tâm nghiên cứu và huấn luyện chăn nuôi Bình Thắng. Một số cơ sở chăn nuôi phía Bắc cũng đã sử dụng GTGUT trong công tác chọn lọc, như Ta Thi Bich Duyen và Nguyen Van Duc (2001) đã sử dụng phương pháp BLUP để xác định giá trị giống cho mỗi cá thể lợn về số con sơ sinh sống/ổ; Tạ Thị Bích Duyên và cs. (2007) đã đánh giá giá trị giống của một số tính trạng kinh tế quan trọng của đàn lợn giống nuôi tại Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương; Phạm Thị Kim Dung và Tạ Thị Bích Duyên (2009) đã ước tính giá trị giống về tính trạng số con sơ sinh sống/lứa của 5 dòng lợn cụ kỵ nuôi tại Trạm nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng còn khiêm tốn vì sử dụng phương pháp này đòi hỏi phải có hệ thống công tác giống lợn tương đối hoàn chỉnh, chế độ ghi chép số liệu về kiểm tra năng suất đầy đủ với một quần thể đủ lớn, đồng thời phải có máy tính hiện đại kèm theo phần mềm của các chương trình tính toán thích hợp.

Năm 1997, tập đoàn PIC của Anh đã đưa vào Việt Nam chương trình lai 5 dòng lợn tổng hợp. Đây là 5 dòng lợn cụ kị: Dòng Yorkshire tổng hợp -L11, dòng Landrace tổng hợp - L06, dòng đực Duroc trắng - L19, dòng đực Petrain tổng hợp - L64 và dòng cái tổng hợp - L95 có gen giống lợn Meishan. Hiện nay, 5 dòng lợn cụ kị trên được đổi tên tương ứng là VCN01, VCN02, VCN03, VCN04, VCN05. Dòng lợn đực VCN03 (L19 - Duroc trắng) giữ vai trò then chốt trong chương trình lai tạo của PIC, là dòng đực giống được sử dụng để sản xuất lợn bố mẹ trong hệ thống giống PIC Việt Nam. Hơn 10 năm phát triển dòng lợn đực VCN03 đã ổn định, đến nay đã sản xuất được khoảng 65.000 lợn cái giống bố mẹ phục vụ cho sản xuất ở 32 tỉnh thành. Dòng lợn đực VCN03 đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chương trình nạc hoá đàn lợn ở Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập một cách đầy đủ và hệ thống tới việc xác định các tham số di truyền và xác định giá trị giống ước tính đối với một số tính trạng sản xuất và chất lượng thịt trên dòng lợn đực VCN03.

Để phục vụ cho công tác chọn lọc dòng lợn đực VCN03 đạt được hiệu quả cao hơn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi lợn nói chung, trong hệ thống nhân giống lợn PIC Việt Nam nói riêng, việc nghiên cứu “Khả năng sản xuất và giá trị giống của dòng lợn đực VCN03” tại Trạm nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp là cấp thiết.



    1. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài

      1. Mục tiêu tổng quát

Chọn lọc nhằm ổn định và nâng cao được năng suất và chất lượng dòng lợn đực VCN03 để sản xuất ra lợn nái bố mẹ trong hệ thống nhân giống lợn có nguồn gốc PIC.

      1. Mục tiêu cụ thể

  • Đánh giá được năng suất sinh sản của lợn nái dòng VCN03; số lượng và chất lượng tinh dịch của lợn đực dòng VCN03; khả năng sinh trưởng, năng suất và cho thịt của lợn đực dòng VCN03.

  • Xác định được hệ số di truyền và giá trị giống ước tính về một số chỉ tiêu đặc trưng cho năng suất sinh sản của lợn nái dòng VCN03; khả năng sinh trưởng và cho thịt của lợn đực dòng VCN03.

    1. Tính mới của đề tài

Lần đầu tiên tại Việt Nam công bố công trình khoa học có hệ thống về: năng suất sinh sản của lợn nái dòng VCN03; số lượng và chất lượng tinh dịch của lợn đực dòng VCN03; khả năng sinh trưởng, năng suất và chất lượng thịt của lợn đực dòng VCN03.

Lần đầu tiên dòng lợn đực VCN03 được xác định hệ số di truyền và giá trị giống ước tính về năng suất sinh sản của lợn nái, khả năng sinh trưởng và cho thịt của lợn đực.

Ứng dụng giá trị giống ước tính của một số tính trạng sản xuất vào chọn lọc nâng cao năng suất và chất lượng dòng lợn đực VCN03.


    1. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án

      1. Ý nghĩa khoa học

Luận án cung cấp thêm một số thông tin kỹ thuật khả năng sản xuất, hệ số di truyền và giá trị giống ước tính về một số chỉ tiêu đặc trưng cho năng suất sinh sản của lợn nái, khả năng sinh trưởng và cho thịt của lợn đực dòng VCN03.

      1. Ý nghĩa thực tiễn

Ứng dụng giá trị giống ước tính về một số chỉ tiêu đặc trưng cho năng suất sinh sản của lợn nái, khả năng sinh trưởng và cho thịt của lợn đực dòng VCN03 vào chọn lọc nhằm ổn định và nâng cao năng suất và chất lượng dòng lợn đực VCN03.

Chọn lọc được nhóm lợn nái dòng VCN03 có năng suất sinh sản tốt và nhóm lợn đực có khả năng sinh trưởng và cho thịt cao, tạo ra được lợn đực dòng VCN03 có năng suất và chất lượng cao để sản xuất lợn nái bố mẹ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành chăn nuôi lợn.



Chương II

TỔNG QUAN TÀI LIỆU

    1. Cơ sở khoa học

      1. Năng suất sinh sản của lợn nái và các yếu tố ảnh hưởng

        1. Các chỉ tiêu năng suất sinh sản của lợn nái

Có nhiều chỉ tiêu sinh học đánh giá năng suất sinh sản của lợn cái nhưng các nhà di truyền chọn giống lợn chỉ quan tâm tới một số chỉ tiêu năng suất sinh sản nhất định, đó là các chỉ tiêu có tầm quan trọng quyết định hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi lợn nái.

Trong các chỉ tiêu đánh giá năng suất sinh sản của lợn nái thì chỉ tiêu số lợn con cai sữa do một lợn nái sản xuất trong một năm là chỉ tiêu đánh giá tổng hợp và chính xác nhất. Chỉ tiêu này phản ánh được đầy đủ toàn bộ chu kì sản suất của một lợn nái trong một năm. Số lợn con cai sữa do một nái sản xuất trong một năm là chỉ tiêu cấu thành tổng hợp từ các chỉ tiêu: số con sơ sinh sống, số con để nuôi, tỉ lệ hao hụt của lợn con trong thời gian theo mẹ, tuổi cai sữa, tuổi đẻ lứa đầu và thời gian phối giống có chửa sau cai sữa.

Số lợn con cai sữa do một lợn nái sản xuất trong một năm phụ thuộc vào số trứng rụng, tỉ lệ lợn con sống lúc sơ sinh và tỉ lệ lợn con sống tới lúc cai sữa là các thành phần quan trọng nhất đánh giá năng suất sinh sản của lợn nái (Ducos, 1994). Do vậy, việc nâng cao chỉ tiêu số con sơ sinh sống và số con cai sữa là một vấn đề được quan tâm hàng đầu trong chăn nuôi lợn nái sinh sản. Mabry và cs. (1996) cho rằng, các tính trạng năng suất sinh sản chủ yếu của lợn nái bao gồm: số con sơ sinh sống, số con cai sữa, khối lượng 21 ngày/ổ và số lứa đẻ/nái/năm. Các tính trạng năng suất sinh sản chủ yếu này có tầm quan trọng về mặt kinh tế và ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của người chăn nuôi.


        1. Các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất sinh sản của lợn nái

  1. Các yếu tố di truyền

Các giống lợn khác nhau có khả năng sinh sản khác nhau, đã được nhiều tác giả nghiên cứu và công bố. Dựa vào năng suất sinh sản và sức sản xuất thịt, các giống lợn được chia làm 4 nhóm chính (Legault, 1985). Với mục đích đa dụng, các giống như Large White (LW), Landrace (L), một vài dòng nguyên chủng được xếp vào loại có khả năng sản xuất thịt và sinh sản khá. Các giống chuyên dụng “dòng bố” như Duroc (Du), Pietrain (Pi), Landrace Bỉ, Hampshire (HP) và Poland - China có năng suất sinh sản trung bình nhưng năng suất thịt cao. Các giống “dòng bố” thường có năng suất sinh sản thấp hơn so với các giống đa dụng. Ngoài ra chúng có chiều hướng kém về khả năng nuôi con, điều này được minh chứng là chúng có tỉ lệ lợn con chết trước lúc cai sữa cao hơn so với các giống đa dụng như Landrace và Large White (Blasco và cs., 1995). Các giống chuyên dụng “dòng mẹ”, đặc biệt một số giống nguyên sản của Trung Quốc như Taihu (điển hình là Meishan) có năng suất sinh sản đặc biệt cao nhưng năng suất thịt kém. Cuối cùng là nhóm các giống “nguyên sản” có năng suất sinh sản cũng như năng suất thịt thấp nhưng chúng có khả năng thích nghi tốt với môi trường riêng của chúng.

Lợn thuộc các giống khác nhau thì sự thành thục về tính cũng khác nhau. Sự thành thục về tính ở các giống lợn có tầm vóc, khối lượng nhỏ thường sớm hơn các giống lợn có tầm vóc, khối lượng lớn. Sự thành thục về tính ở lợn cái được định nghĩa là thời điểm rụng trứng lần đầu tiên và xảy ra lúc 3 - 4 tháng tuổi đối với các giống lợn thành thục sớm (các giống lợn nội và một số giống lợn Trung Quốc) và 6 - 7 tháng tuổi đối với hầu hết các giống lợn phổ biến ở các nước phát triển (Rothschild và Bidanel, 1998). Giống lợn Meishan có tuổi thành thục về tính sớm, năng suất sinh sản cao và chức năng làm mẹ tốt. So với giống lợn LW, lợn Meishan (MS) đạt tuổi thành thục về tính sớm hơn khoảng 100 ngày và có số con đẻ ra nhiều hơn 2,4 - 5,2 con/ổ (Despres và cs., 1992).

Dan và Summer (1995) cho biết, cùng trong một cơ sở trại giống nái LW và nái L có số con sơ sinh/lứa lần lượt là 9,6 và 10,4 con; số con sơ sinh sống/lứa là 9,1 và 9,7 tương ứng cho 2 giống. Sự sai khác này có ý nghĩa thống kế (P<0,001).

Một số tác giả nghiên cứu trên đàn lợn L và Yorkshire (Y), nhận thấy yếu tố giống ảnh hưởng đến tất cả các tính trạng số con/lứa (số con đẻ ra, số con sơ sinh sống, số con để nuôi và số con cai sữa), khoảng cách lứa đẻ và khối lượng toàn ổ giai đoạn sơ sinh, cai sữa (Hoque và cs., 2002; Tạ Thị Bích Duyên, 2003; Trần Thị Minh Hoàng và cs., 2006, 2008). Theo Đặng Vũ Bình (1999) khi nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới các tính trạng năng suất sinh sản trong một lứa đẻ của lợn nái ngoại (L và Y) nuôi tại Xí nghiệp lợn giống Mỹ Văn cho thấy giống chỉ ảnh hưởng tới số con để nuôi (P<0,05).

Các chỉ tiêu sinh sản thường có hệ số di truyền thấp, tuổi đẻ lứa đầu với h2 = 0,27 (Rydhmer và cs., 1995); hệ số di truyền cộng gộp đối với tính trạng số con đẻ ra/ổ và số con cai sữa/ổ của một số công bố đều dao động từ 0,03 đến 0,12: số con đẻ ra/lứa với h2 = 0,13 (Nguyễn Văn Thiện, 1995), h2 = 0,12 (Damgaard và cs., 2003), h2 = 0,08 (Smital và cs., 2005), h2 = 0,03 (Imboonta và cs., 2007), h2 = 0,09 (Lundgren và cs., 2010) và h2 = 0,12 (Schneider và cs., 2011); số con cai sữa/ổ với h2 = 0,12 (Nguyễn Văn Thiện, 1995) và h2 = 0,11 (Schneider và cs., 2011). Khối lượng sơ sinh/ổ với h2 = 0,07 (Grandinson và cs., 2005) và h2 = 0,18 (Schneider và cs., 2011); khối lượng sơ sinh/con với h2 = 0,44 (Schneider và cs., 2011); khối lượng cai sữa/ổ với h2 = 0,20 (Grandinson và cs., 2005), h2 = 0,21 (Lundgren và cs., 2010) và h2 = 0,22 (Schneider và cs., 2011); khoảng cách giữ hai lứa đẻ với h2 = 0,08 (Rydhmer và cs., 1995). Các chỉ tiêu sinh sản có hệ số di truyền thấp nên năng suất sinh sản chịu ảnh hưởng lớn bởi tác động của các yếu tố môi trường. Trong chọn lọc nhân thuần, các tính trạng năng suất sinh sản thường đạt tiến bộ di truyền chậm so với nhóm các tính trạng sinh trưởng và chất lượng thịt. Khi nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến ưu thế lai ở lợn, cho đến nay các kết quả nghiên cứu đã khẳng định ở lợn các tính trạng sinh sản có hệ số di truyền thấp thì khi lai tạo đạt ưu thế lai cao.

Đánh giá ảnh hưởng của lai giống đối với năng suất sinh sản, nhiều tác giả cho biết nhờ có ưu thế lai cao mà lai giống có thể cải thiện năng suất sinh sản của lợn. Các lợn nái lai có tuổi thành thục về tính sớm hơn (11,3 ngày), tỉ lệ thụ thai cao hơn (2 - 4%), số trứng rụng nhiều hơn (0,5 trứng), số con đẻ ra/ổ cao hơn (0,6 - 0,7 con) và số con cai sữa/ổ (0,8 con) nhiều hơn so với lợn nái thuần chủng. Tỉ lệ nuôi sống lợn con ở các lợn nái lai cao hơn (5%), khối lượng sơ sinh/ổ (1 kg), khối lượng 21 ngày/ổ (4,2 kg) cao hơn so với lợn nái giống thuần (Gunsett và Robison, 1990). Ngoài ra, năng suất sinh sản của lợn nái cũng chịu ảnh hưởng của cận huyết. Theo Johnson (1990), khi hệ số cận huyết ở lợn nái tăng thêm 10% thì số con đẻ ra sẽ giảm khoảng 0,29 con/ổ.

Người ta đã thống kê được khoảng 6 - 8% lợn con chết khi sơ sinh là thông thường ở các trại nuôi lợn nái. Đây là các trường hợp thai chết ngay trước lúc sinh hoặc trong khi đẻ. Tuy nhiên, lợn nái nhạy cảm stress nhiệt có tỉ lệ chết sơ sinh cao hơn (Evans và cs., 1996). Tỉ lệ lợn con sơ sinh bị dị dạng hay khuyết tật di truyền chiếm 1%. Những dị tật này có thể do các yếu tố môi trường hay di truyền gây ra và hội chứng stress được xem như là một biến dị di truyền ảnh hưởng đến tỉ lệ này.


  1. Các yếu tố ngoại cảnh

Ngoài yếu tố di truyền, các yếu tố ngoại cảnh cũng ảnh hưởng rất rõ ràng và có ý nghĩa đến năng suất sinh sản của lợn nái. Chế độ nuôi dưỡng, bệnh tật, phương thức phối, lứa đẻ, mùa vụ, nhiệt độ, thời gian chiếu sáng... đều có ảnh hưởng tới các chỉ tiêu năng suất sinh sản của lợn nái.

- Chế độ dinh dưỡng

Điều quan trọng đối với cái hậu bị và lợn nái là cần đủ số lượng và chất lượng dinh dưỡng cần thiết để đảm bảo cho khả năng sinh sản tốt. Zimmerman và cs. (1996) cho biết, các mức ăn khác nhau trong giai đoạn từ khi lợn nái cai sữa con đến lúc động dục trở lại và phối giống có ảnh hưởng tới tỉ lệ thụ thai. Cho ăn mức năng lượng cao trong vòng 7 - 10 ngày của chu kỳ động dục trước khi phối giống, số trứng rụng đạt được tối đa. Tuy nhiên, nếu tiếp tục cho ăn với mức năng lượng cao vào đầu giai đoạn có chửa sẽ làm tăng tỉ lệ chết phôi và giảm số lượng lợn con sinh ra trong ổ. Cho lợn ăn quá mức không những làm lãng phí mà còn làm tăng khả năng chết thai (Diehl và cs., 1996). Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng thiếu trầm trọng vitamin, khoáng cũng có thể gây chết toàn bộ phôi.

- Ảnh hưởng của các mức ăn

Ảnh hưởng của mức ăn trong giai đoạn nuôi con và giai đoạn chờ phối sau cai sữa đến năng suất sinh sản của lợn nái đã được nghiên cứu từ rất sớm. Mức ăn cao trong giai đoạn chờ phối sau cai sữa có ảnh hưởng tích cực tới tỷ lệ rụng trứng và số con đẻ ra/ổ của lứa đẻ tiếp theo nhưng mức ăn trong giai đoạn nuôi con không ảnh hưởng tới tỷ lệ rụng trứng, số con trong mỗi lứa đẻ tiếp theo và tỷ lệ hao hụt của lợn con (King và Williams, 1984). Cũng theo tác giả này thì trong giai đoạn nuôi con, tốc độ sinh trưởng của lợn con tăng lên khi lượng thức ăn ăn vào tăng lên và các ảnh hưởng này chủ yếu xảy ra trong tuần cuối cùng trước khi cai sữa (King, 1986). Khối lượng trung bình của lợn con 21 ngày tuổi không bị ảnh hưởng bởi mức cho ăn, nhưng những con nái được cho ăn với mức ăn thấp có tỷ lệ hao mòn cơ thể lớn hơn những con nái được cho ăn mức ăn cao trong giai đoạn nuôi con, đặc biệt là tuần cuối trước khi cai sữa. Để đáp ứng đủ cho nhu cầu tiết sữa, những con nái được cho ăn mức ăn thấp phải huy động lượng mỡ dự trữ trong cơ thể, nên tỷ lệ hao mòn của những con nái này tăng lên (Johnston và cs., 1986). Trong thực tế sản xuất, các dữ liệu thu thập theo từng cá thể hay nhóm cá thể về mức ăn hầu như rất khó thực hiện, do vậy các ảnh hưởng này thường được quy chung về phương thức cho ăn, chăm sóc nuôi dưỡng khi thiết lập các nhóm tương đồng trong đánh giá di truyền.

- Mùa vụ, nhiệt độ và chế độ chiếu sáng

Các biểu hiện sinh sản bị ảnh hưởng theo mùa vụ có thể dễ nhận biết như lợn nái chậm thành thục về tính, thời gian chờ phối sau cai sữa kéo dài, tỷ lệ chết thai cao hơn và tỷ lệ xảy thai tăng lên cũng như số con đẻ ra/ổ giảm. Tuy vậy, ảnh hưởng quan trọng nhất của mùa vụ là giảm tỷ lệ phối giống đậu thai và tỷ lệ đẻ trong đàn nái (Love và cs., 1993). Nhiều nghiên cứu đã chia các ảnh hưởng này thành hai nhóm, bao gồm các ảnh hưởng của quang kỳ và các ảnh hưởng của nhiệt độ. Paterson và cs. (1978) đã cho biết nhiệt độ cao trên 320C vào những tháng mùa hè ở Úc đã làm tăng tỷ lệ không đậu thai của lợn nái lên 19,7% trong khi các mùa khác là 12,7%. Điều này đã được tác giả giải thích rằng chính các stress nhiệt vào thời điểm phối giống có thể ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và làm mất cân bằng nội tiết của các lợn nái. Ngoài ra, stress nhiệt còn ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa của lợn nái trong giai đoạn nuôi con (Black và cs., 1993). Các gia súc tiết sữa có những cơ chế đặc biệt điều tiết giảm tiết sữa khi phải chịu đựng các bức xạ nhiệt từ môi trường nhiệt độ cao. Nghiên cứu của Gourdine và cs. (2006) đã chỉ ra rằng ảnh hưởng của mùa vụ đến lượng thức ăn tiêu thụ của lợn nái trong giai đoạn tiết sữa là rất rõ rệt ở giống Yorkshire so với giống địa phương ở vùng Caribbean.

Koketsu và cs. (1997), khi phân tích các nhân tố ảnh hưởng cho thấy, nái đẻ vào mùa hè và mùa xuân có thời gian từ cai sữa đến phối có chửa lứa tiếp theo là dài nhất, trong đó nái đẻ vào mùa hè có khối lượng cai sữa/lứa thấp hơn nái đẻ vào mùa xuân. Lorvelec và cs. (1998) nghiên cứu về ảnh hưởng của mùa vụ đến khả năng sinh sản của lợn nái Large White đã đưa ra kết luận số con sơ sinh/lứa của lợn nái đẻ ra trong mùa khô, mát cao hơn 25% so với mùa lạnh, ẩm ướt. Vázquez và cs. (1998) nghiên cứu trên 524 lứa đẻ từ năm 1987 - 1989 của 171 lợn nái đã nhận thấy yếu tố mùa vụ ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê đến 4 tính trạng: số con sơ sinh/lứa, số con sơ sinh sống/lứa, khối lượng toàn ổ ở các thời điểm 21 và 56 ngày tuổi. Ngược lại, Samanta và cs. (1998) lại cho rằng mùa đẻ ảnh hưởng không có ý nghĩa thống kê đến các tính trạng số con đẻ ra/ổ và số con cai sữa/ổ.

Đặng Vũ Bình (1999) phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến các tính trạng năng suất sinh sản trong một lứa đẻ của lợn nái ngoại đã kết luận yếu tố mùa vụ ảnh hưởng đến hầu hết các tính trạng (trừ tính trạng số con 35 ngày tuổi, khối lượng toàn ổ giai đoạn sơ sinh và 21 ngày tuổi). Khối lượng toàn ổ sơ sinh ở mùa đông cao hơn mùa thu (P<0,01). Trần Thị Minh Hoàng và cs. (2008); Phạm Thị Kim Dung và Trần Thị Minh Hoàng (2009) cũng cho biết yếu tố mùa vụ ảnh hưởng đến tất cả các tính trạng sinh sản mà các tác giả đã nghiên cứu.

- Ảnh hưởng của lợn đực phối và phương thức phối giống

Trong phối giống trực tiếp, việc lựa chọn lợn đực giống phù hợp để giao phối với lợn nái là rất quan trọng, ảnh hưởng của cá thể đực giống đối với tỉ lệ thụ thai là rất rõ rệt. Sử dụng đực giống quá già cũng sẽ làm giảm số con trong một lứa đẻ. Có thể tăng thêm tỉ lệ thụ thai và số con sinh ra trong ổ bằng cách sử dụng hơn một đực cho một lợn nái (phối kép). Điều này tạo cơ hội để sử dụng tối đa lợn đực có khả năng thụ tinh và khả năng phù hợp trên lợn cái (Diehl và cs., 1996). Vì vậy, lợn đực phối có ảnh hưởng đến năng suất sinh sản của lợn nái.

- Chế độ nuôi nhốt

Nuôi nhốt lợn cái hậu bị hoàn toàn ảnh hưởng đến quá trình sinh lý và gây trở ngại cho phối giống, chủ yếu là gây hiện tượng lợn cái không hoặc chậm động dục. Các nhà chăn nuôi khuyến cáo khắc phục vấn đề này bằng cách không nhốt lợn cái hậu bị mà thả chúng ra bên ngoài trước thời kỳ phối giống (Zimmerman và cs., 1996). Việc nuôi nhốt cá thể hoặc nuôi riêng biệt từng lợn cái hậu bị cũng sẽ làm chậm thành thục về tính so với những cái hậu bị được nuôi theo nhóm. Do vậy, nhiều nhà nghiên cứu khuyến cáo không nên nuôi lợn cái giai đoạn hậu bị tách biệt đàn. Mật độ nuôi hậu bị không phù hợp cũng làm chậm tuổi động dục của lợn cái hậu bị.

- Ảnh hưởng của yếu tố lứa đẻ

Khi tổng kết về ảnh hưởng của lứa đẻ đến số con đẻ ra/ổ, một số tác giả đã cho biết số con đẻ ra/ổ thấp nhất ở lứa thứ nhất, tăng dần và đạt tối đa ở lứa thứ ba, lứa thứ tư và lứa thứ năm, sau đó ổn định và giảm dần ở các lứa tiếp theo (Yen và cs., 1987). Tuy nhiên, các tác giả này cũng lưu ý rằng trong mỗi lứa đẻ, các yếu tố ảnh hưởng đến số con đẻ ra/ổ cũng cần được xác định nhằm tránh lẫn lộn các ảnh hưởng của lứa đẻ với các yếu tố này.

Khi nghiên cứu ảnh hưởng của yếu tố lứa đẻ đến các tính trạng sinh sản trên đàn lợn Landrace, Yorkshire nuôi tại An Khánh, Mỹ Văn và Tam Đảo, Trần Thị Minh Hoàng và cs. (2006) cho biết yếu tố lứa đẻ ảnh hưởng đến hầu hết các tính trạng (trừ tính trạng số con để nuôi). Trên đàn lợn Landrace và Yorkshire nuôi tại Mỹ Văn, Trạm nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Thụy Phương và Trạm nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp, tác giả Trần Thị Minh Hoàng và cs. (2008) cho biết yếu tố lứa đẻ ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê rõ rệt đến tất cả các tính trạng năng suất sinh sản. Phạm Thị Kim Dung và Trần Thị Minh Hoàng (2009) cũng có kết luận tương tự.

Về khả năng tiết sữa, nhiều tác giả đã chỉ ra rằng sản lượng sữa của những lợn nái kiểm định (lứa thứ nhất) thấp hơn khoảng 20% so với những lợn nái đẻ từ lứa hai trở lên. Sự khác biệt này có thể do lượng thức ăn tiêu thụ thấp hơn và nhu cầu đáp ứng cho tăng trưởng tiếp tục của lợn nái kiểm định. Thông thường, khả năng tiết sữa và nuôi con của lợn nái được đánh giá thông qua khối lượng lợn con 21 ngày tuổi/ổ. Chỉ tiêu năng suất này đạt cao nhất ở lứa thứ hai, rồi giảm dần trong các lứa tiếp theo (Rodigruez và cs., 1994; Rydhmer và cs., 1989). Như vậy, khi đánh giá di truyền trên các tính trạng số con sơ sinh sống/ổ và khối lượng 21 ngày tuổi/ổ, các yếu tố ảnh hưởng như tuổi phối giống lần đầu hay lứa đẻ của lợn nái nhất thiết phải được theo dõi ghi chép chính xác, đầy đủ.


      1. Số lượng, chất lượng tinh dịch của lợn đực và các yếu tố ảnh hưởng

        1. Các chỉ tiêu về số lượng và chất lượng tinh dịch của lợn đực

Để đánh giá số lượng và chất lượng tinh dịch của lợn đực, các chỉ tiêu thể tích tinh dịch (V), nồng độ tinh trùng (C), hoạt lực tinh trùng (A), tỉ lệ tinh trùng kỳ hình (K), sức kháng tinh trùng (R), tổng số tinh trùng tiến thẳng một lần xuất tinh (VAC) và giá trị pH tinh dịch thường được sử dụng.

        1. Các yếu tố ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng tinh dịch của lợn đực giống

  1. Yếu tố di truyền

Các giống lợn đực khác nhau có số lượng và chất lượng tinh dịch khác nhau. Sự sinh tinh ở lợn đực đối với hầu hết các giống lợn bắt đầu lúc 4 - 6 tháng tuổi, tuy nhiên nó cũng có giống lợn thành thục sớm hơn như Meishan thành thục trước 100 ngày tuổi. Số lượng và chất lượng tinh dịch sau đó dần dần được tăng lên cùng với sự phát triển của cơ quan sinh tinh. Tuy nhiên, cho đến 6 - 8 tháng tuổi lợn mới xuất hiện sự thành thục về khả năng sinh tinh và lúc đó nó sản xuất một khối lượng tinh thấp hơn nhiều so với mức khi trưởng thành về khối lượng cơ thể. Theo Rothschild và Bidanel (1998) thể tích tinh dịch của một lần xuất tinh đối với lợn đực trưởng thành khoảng 300 ml và số lượng tinh trùng khoảng 80 - 120 tỉ (nếu một tuần khai thác tinh một lần). Nói chung, những giống lợn màu trắng (Yorkshire, Large White) hăng về tính dục hơn và lúc còn non tỏ ra thành thạo hơn về phản xạ sinh dục so với một số giống lợn sẫm màu như Hampshire và Duroc (Zimmerman và cs., 1996).

Lợn đực lai phát triển tính dục sớm hơn so với lợn đực thuần chủng. Những đực lai non (7,5 tháng tuổi) cũng hăng hơn, là những đực giống thành thạo hơn về phản xạ sinh dục, cho tỉ lệ thụ thai ở lần phối đầu tiên cũng như trong suốt quá trình sử dụng cao hơn (5 - 9%) so với các đực giống thuần (Neely và Robinson, 1983; Czarnecki và cs., 2000).

Các kết quả nghiên cứu cho thấy số lượng và chất lượng tinh dịch của lợn nội thấp hơn so với lợn ngoại. Tổng số tinh trùng/1 lần xuất tinh/1 kg thể trọng của các giống lợn nội là 100 - 300 triệu trong khi đó của lợn ngoại là 200 - 400 triệu.


  1. Các yếu tố ngoại cảnh

Song song với các yếu tố di truyền, nhiều yếu tố ngoại cảnh cũng ảnh hưởng rõ ràng đến số lượng và chất lượng tinh dịch của lợn đực.

  • Chế độ dinh dưỡng

Theo Trekaxova (1978) (dẫn theo Lê Xuân Cương, 1986) thì lợn đực ăn không đủ tiêu chuẩn dinh dưỡng sẽ có hiện tượng phối giống miễn cưỡng, tinh dịch không có tinh trùng hoặc tỉ lệ tinh trùng kỳ hình cao. Khẩu phần ăn có 120 - 130 g protein/đơn vị thức ăn, với protein có nguồn gốc thực vật (đậu tương) thì nồng độ tinh trùng tăng 24,7%, với protein có nguồn gốc động vật (bột cá) thì nồng độ tinh trùng tăng 37,9%. Nếu tỉ lệ protein dưới 100 g/đơn vị thức ăn thì lượng xuất tinh ít (50 - 60 ml). Thiếu các chất khoáng (Ca, P, Na), các vitamin A, E đều làm tăng tỉ lệ tinh trùng kỳ hình, tuyến sinh dục bị teo và lợn đực mất phản xạ sinh dục. Trái lại, nếu cho ăn quá mức dinh dưỡng, nhất là quá thừa năng lượng thì lợn đực trở nên quá béo, uể oải, nằm lì giảm tính hăng và dẫn đến khả năng sản xuất tinh dịch sẽ bị giảm.

  • Mùa vụ, nhiệt độ và chế độ chiếu sáng

Các ảnh hưởng của mùa vụ đến các hoạt động sinh sản của lợn đã được quan tâm nghiên cứu. Ở những con lợn đực hoang dã, giai đoạn ngừng trệ các hoạt động giao phối thường xảy ra vào những tháng mùa hè và mùa thu (Mauget, 1982). Trong hệ thống chăn nuôi lợn công nghiệp, mặc dù các ảnh hưởng của mùa vụ đến các hoạt động sinh sản không phải là thường xuyên, song các yếu tố mùa vụ vẫn tồn và có ảnh hưởng nhất định đến năng suất sinh sản của chúng.

Thời tiết khí hậu và các điều kiện nhiệt độ ánh sáng có ảnh hưởng rõ rệt tới số lượng và chất lượng tinh dịch. Tác hại của nhiệt độ cao của môi trường (31 - 350C) đến số lượng và chất lượng tinh dịch (làm giảm số lượng tinh trùng trong một lần xuất tinh và hoạt lực tinh trùng) và còn kéo dài thêm khoảng 6 tuần sau khi kết thúc stress nhiệt. Do vậy, thời kỳ stress nhiệt đối với lợn đực không được để kéo dài quá 72 giờ (thời gian đủ để tác hại tới số và chất lượng tinh dịch, đến khả năng thụ thai trong vòng 2 - 6 tuần sau stress nhiệt). Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, lợn đực được chiếu sáng 10 - 12 giờ/ngày thì khả năng sinh tinh là tốt nhất, bên cạnh đó người ta cũng nhận thấy mùa vụ cũng có ảnh hưởng đến tỉ lệ thụ thai và tỉ lệ đẻ. Theo Zimmerman và cs. (1996) cho phối vào các tháng nóng trong mùa hè sẽ cho năng suất sinh sản kém nhất. Đánh giá khả năng thụ thai của lợn đực và lợn cái trong mùa hè cho thấy cả hai giới tính đều chịu ảnh hưởng xấu của điều kiện nhiệt độ cao.



Ngoài ra, tần suất khai thác tinh trong thụ tinh nhân tạo (hoặc phối giống) cũng ảnh hưởng lớn đến phẩm chất tinh dịch. Số lượng tinh trùng trong một lần xuất tinh giảm đi đều đặn nếu lợn đực được sử dụng hoặc khai thác nhiều hơn 1 lần trong 1 tuần, mặc dù thể tích tinh dịch có tăng một ít khi tăng tần suất khai thác tinh (Rothschild và Bidanel, 1998). Hơn nữa, đực sử dụng quá mức (hơn 7 lần phối mỗi tuần) có thể làm giảm khả năng sinh sản. Tuy nhiên, phối kép làm tăng tỉ lệ thụ thai khoảng 10 - 30% (Evans và cs., 1996).

      1. Khả năng sinh trưởng, năng suất và chất lượng thịt của lợn, các yếu tố ảnh hưởng

        1. Các chỉ tiêu đánh giá khả năng sinh trưởng, năng suất và chất lượng thịt lợn

Để đánh giá khả năng sinh trưởng, năng suất và chất lượng thịt lợn người ta sử dụng các nhóm chỉ tiêu nuôi vỗ béo, thân thịt và chất lượng thịt. Theo Clutter và Brascamp (1998) các chỉ tiêu quan trọng về khả năng nuôi vỗ béo bao gồm: tăng khối lượng ngày đêm, tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng, thu nhận thức ăn/ngày và tuổi đạt khối lượng giết thịt. Sellier (1998) cho biết các chỉ tiêu thân thịt quan trọng bao gồm tỉ lệ móc hàm, tỉ lệ thịt xẻ, chiều dài thân thịt, tỉ lệ nạc hoặc tỉ lệ thịt nạc/thịt xẻ, độ dày mỡ lưng và diện tích cơ thăn. Các chỉ tiêu chất lượng thịt bao gồm khả năng giữ nước (tỉ lệ mất nước), màu sắc thịt, cấu trúc cơ, mỡ giắt, thành phần hoá học của cơ, pH cơ thăn 45 phút (pH45) và 24 giờ (pH24) sau giết thịt (Reichart và cs., 2001).

        1. Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, năng suất và chất lượng thịt

    1. Yếu tố di truyền

Ở giai đoạn trưởng thành, các chỉ tiêu nuôi vỗ béo như tăng khối lượng/ngày đêm, tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng, thu nhận thức ăn/ngày có hệ số di truyền ở mức trung bình (h2 = 0,31) (Clutter và Brascamp, 1998), các chỉ tiêu thân thịt như tỉ lệ móc hàm, chiều dài thân thịt, tỉ lệ nạc hoặc tỉ lệ thịt nạc/thịt xẻ, độ dày mỡ lưng, diện tích cơ thăn có hệ số di truyền cao (h2 = 0,3 - 0,6) (Sellier, 1998). Theo Ducos (1994), trong số các chỉ tiêu thân thịt thì hệ số di truyền của tỉ lệ móc hàm là thấp nhất (h2 = 0,3 - 0,35) và chiều dài thân thịt là cao nhất (h2 = 0,56 - 0,57). Các tính trạng thuộc chất lượng thịt như khả năng giữ nước (tỉ lệ mất nước), màu sắc thịt, cấu trúc cơ, thành phần hoá học của cơ, pH45 và pH24 sau khi giết thịt có hệ số di truyền ở mức h2 = 0,1 - 0,3 (Sellier, 1998). Bên cạnh hệ số di truyền, mối tương quan giữa các tính trạng cũng cần được xem xét. Tương quan di truyền giữa một số cặp tính trạng là thuận và chặt chẽ như giữa tăng khối lượng và thu nhận thức ăn (r = 0,65) (Clutter và Brascamp, 1998), tỉ lệ nạc với diện tích cơ thăn (r = 0,65), bên cạnh đó là các tương quan nghịch và chặt như giữa tỉ lệ nạc với độ dày mỡ lưng (r = - 0,87) (Stewart và Schinckel, 1989), tỉ lệ mất nước với pH24 (r = - 0,71). Các chỉ tiêu thân thịt như tỉ lệ móc hàm, tỉ lệ nạc, độ dày mỡ lưng, chiều dài thân thịt và diện tích cơ thăn là khác nhau ở các giống lợn khác nhau. Cụ thể: lợn Landrace có chiều dài thân thịt dài hơn so với lợn Large White khoảng 1,5 cm, ngược lại tỉ lệ móc hàm ở Large White lại cao hơn so với Landrace (Sather và cs., 1991; Hammell và cs., 1993); lợn Hampshire có thân thịt nhiều nạc hơn nhưng thường ngắn hơn và có khối lượng lớn hơn so với lợn Large White (Smith và cs., 1990; Berger và cs., 1994).

    1. Các yếu tố ngoại cảnh

  • Ảnh hưởng của dinh dưỡng

Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng nhất trong số các yếu tố ngoại cảnh chi phối sinh trưởng và khả năng cho thịt của gia súc. Mối quan hệ giữa năng lượng và protein trong khẩu phần thức ăn là yếu tố quan trọng giúp cho việc điều khiển tốc độ tăng trọng, tỉ lệ nạc mỡ và tiêu tốn thức ăn của lợn thịt. Tốc độ tăng khối lượng, chất lượng thịt cũng thay đổi tuỳ thuộc vào mối quan hệ giữa các vitamin với nhau và giữa vitamin với protein và khoáng. Việc bổ sung các axit amin giới hạn vào khẩu phần lợn thịt giúp tăng trọng tăng, tiết kiệm được thức ăn và protein. Chẳng hạn, bổ sung lysin đủ nhu cầu vào khẩu phần cho lợn sẽ làm cơ bắp phát triển nâng cao tỉ lệ nạc.

  • Ảnh hưởng của mùa vụ

Lợn điều chỉnh thân nhiệt của chúng bằng cách cân bằng nhiệt lượng mất đi với nhiệt tạo ra qua trao đổi chất và lượng nhiệt hấp thụ được. Khi sự khác nhau giữa thân nhiệt và nhiệt độ môi trường trở nên lớn thì tỉ lệ thoát nhiệt sẽ tăng lên. Về mùa lạnh nhiệt độ môi trường xuống thấp dưới nhiệt độ hữu hiệu thì tăng thêm chi phí thức ăn để tăng nhiệt lượng trao đổi chất để vật nuôi tự nó tạo ra nhiệt lượng để giữ ấm cho cơ thể.

Theo Stanley E. Cursti (1996), khi nhiệt độ thấp hơn 100C so với nhiệt độ tối ưu thì nhu cầu thức ăn/1 lợn nái/ngày đêm tăng 0,68 kg; với lợn choai có khối lượng trung bình 36 kg khi nhiệt độ giảm 70C so với nhiệt độ tối ưu thì nhu cầu thức ăn tăng 0,11 kg/con/ngày.



Ảnh hưởng của mùa vụ đến lượng thức ăn tiêu thụ của lợn trong giai đoạn sinh trưởng là rất rõ rệt. Theo Gourdine và cs. (2006), trong suốt giai đoạn mùa hè, lượng thức ăn tiêu thụ hàng ngày giảm 20% ở giống lợn Yorkshire và 14% ở giống lợn địa phương, do có sức chịu đựng khí hậu nóng giống của lợn Yorkshire kém hơn giống lợn địa phương. Khi lượng thức ăn tiêu thụ giảm đã dẫn tới sinh trưởng giảm.

  • Ảnh hưởng của thời gian nuôi

Thời gian nuôi ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng thịt. Sự thay đổi thành phần hoá học của mô cơ, mô mỡ lợn chủ yếu xảy ra trong giai đoạn trước 4 tháng tuổi. Dựa vào quy luật sinh trưởng tích lũy chất dinh dưỡng trong cơ thể lợn người ta đề ra hai phương thức nuôi: nuôi lấy nạc đòi hỏi thời gian nuôi ngắn, khối lượng giết thịt nhỏ hơn phương thức nuôi lấy thịt - mỡ, còn phương thức nuôi lấy mỡ cần thời gian nuôi dài, khối lượng giết thịt lớn hơn.

  • Ảnh hưởng của chăm sóc nuôi dưỡng

Nhiệt độ chuồng nuôi thấp hoặc cao hơn nhiệt độ giới hạn thích ứng cho phép đều là các yếu tố bất lợi đối với sinh trưởng của lợn thịt. Các nhân tố stress trong thời gian chăn nuôi cũng ảnh hưởng xấu tới quá trình trao đổi chất, sức sản suất và chất lượng thịt của lợn. Theo Stanley E. Curstis (1996), khi nhiệt độ chuồng nuôi tăng trên mức tối ưu thì lợn thịt giảm tăng khối lượng và tăng chi phí thức ăn.

  • Ảnh hưởng của việc nhịn ăn

Ở một số nước, lợn được nhịn ăn 12 - 15 tiếng trước khi giết mổ là một thực tế phổ biến để làm giảm nguy cơ nhiễm vi sinh vật trong quá trình giết mổ (Bager và cs., 1995). Trước khi vận chuyển lợn thì không nên cho ăn, vì khi cho lợn ăn no dẫn đến tỉ lệ tử vong cao hơn trong quá trình vận chuyển (Warriss, 1994). Nhịn ăn còn làm giảm lượng glycogen cơ bắp ở lợn tại thời điểm giết mổ, tăng độ pH24, cải thiện WHC và màu sắc của thịt. Nhịn ăn trên 24 giờ là cần thiết để theo dõi sự khác biệt quan trọng của chất lượng thịt (Eikelenboom và cs., 1991; Fischer và cs., 1988; Warriss, 1982; Wittmann và cs., 1994).

  • Ảnh hưởng điều kiện giết mổ

Điều kiện giết mổ cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng thịt, mà chủ yếu là liên quan đến thịt PSE (thịt có mầu trắng bệch, mềm nhão, rỉ nước do mất nhiều dịch thể, tỉ lệ mất nước ở cơ thăn sau 24 giờ bảo quản > 5%). Giảm các stress và tăng thời gian nhịn đói trước khi giết thịt cũng có chiều hướng làm giảm sự xuất hiện thịt PSE ở các cụ thể lợn có phản ứng halothan dương tính (Murray và cs., 1989; Mcphee và Trout, 1995). Nếu điều kiện trước và trong khi giết thịt đảm bảo tốt, hình thái cơ thịt của lợn có hội chứng stress vẫn có thể bình thường.

      1. Giá trị giống ước tính và ứng dụng trong chọn lọc

        1. Hệ số di truyền

Hệ số di truyền khó có thể xác định chính xác được. Hệ số di truyền phản ánh sự khác nhau về di truyền giữa các quần thể trong điều kiện môi trường khác nhau. Độ lớn của hệ số di truyền được biểu thị bằng số thập phân từ 0 đến 1 hoặc tỉ lệ phần trăm từ 0% đến 100%. Thường người ta phân chia hệ số di truyền ra làm 3 mức độ khác nhau. Những giá trị tính được của hệ số di truyền: < 0,2 là hệ số di truyền thấp; từ 0,2 đến 0,4 là hệ số di truyền trung bình và > 0,4 là hệ số di truyền cao. Những tính trạng có hệ số di truyền thấp là những tính trạng chịu tác động lớn của môi trường. Hầu hết các tính trạng liên quan đến sinh sản thường có hệ số di truyền thấp, liên quan đến sinh trưởng thường có hệ số di truyền trung bình và liên quan tới chất lượng sản phẩm thường có hệ số di truyền cao.

Hệ số di truyền được xác định qua mức độ giống nhau của các thân thuộc. Quan hệ thân thuộc càng gần thì hệ số di truyền được xác định càng chính xác hơn về mặt thống kê. Tương quan giữa anh - chị - em cùng bố khác mẹ hoặc cùng mẹ khác bố và hồi qui của đời con với bố (con đực) là ít có sai lệch hơn cả.

Giá trị kiểu hình của bất kỳ một tính trạng số lượng nào đều được biểu thị thông qua giá trị kiểu gen và sai lệch môi trường:

P = G + E



Trong đó:

P: giá trị kiểu hình

G: giá trị di truyền. Giá trị di truyền do toàn bộ các gen mà cá thể có gây nên.

E: sai lệch do môi trường. Sai lệch do môi trường là do tất cả các yếu tố không phải di truyền gây nên sự sai khác giữa giá trị di truyền và giá trị kiểu hình.

G = A + D + I



Trong đó:

A: giá trị di truyền cộng gộp do tác động riêng rẽ của nhiều gen và mỗi gen chỉ có một ảnh hưởng nhỏ gây nên.

D: sai lệch trội do tác động phối hợp của 2 gen cùng locus gây nên.

I: sai lệch tương tác do tác động phối hợp của 2 hay nhiều gen ở các locus khác nhau gây nên.

Từ các thành phần phương sai, người ta xây dựng hệ số di truyền. Hệ số di truyền (ký hiệu là h2) có thể được trình bày theo hai kiểu khác nhau, đó là: hệ số di truyền theo nghĩa rộng và hệ số di truyền theo nghĩa hẹp.



Hệ số di truyền theo nghĩa rộng

Hệ số di truyền theo nghĩa rộng biểu thị bằng tỉ lệ giữa phương sai của giá trị kiểu gen và phương sai của giá trị kiểu hình. Hệ số di truyền theo nghĩa rộng còn được gọi là mức độ quyết định di truyền (được ký hiệu là h2G) và được biểu diễn bằng công thức sau:

VG VA + VD + VI

h2G = =

VP VP



Trong đó:

- h2G là hệ số di truyền theo nghĩa rộng

- VG là phương sai giá trị kiểu gen

- VP là phương sai giá trị kiểu hình

- VA là phương sai giá trị kiểu gen cộng gộp (giá trị giống)

- VD là phương sai của sai lệch trội

- VI là phương sai của sai lệch át gen

Hệ số di truyền theo nghĩa hẹp

Hệ số di truyền theo nghĩa hẹp biểu thị phần kiểu hình được quyết định bởi các gen cộng gộp truyền từ đời cha - mẹ đến đời con. Nói một cách khác, hệ số di truyền theo nghĩa hẹp là tỉ lệ giữa phương sai giá trị giống và phương sai giá trị kiểu hình (VA/VP), đó là tỉ lệ giữa phần biến dị do gen cộng gộp và toàn bộ sự biến dị do các nguyên nhân di truyền và không di truyền (Falconer, 1996). Hệ số di truyền theo nghĩa hẹp được ký hiệu là h2A và được biểu diễn bằng công thức sau:

VA

h2A =

VP



Trong đó:

- h2A là hệ số di truyền theo nghĩa hẹp

- VA là phương sai giá trị kiểu gen cộng gộp (giá trị giống)

- VP là phương sai giá trị kiểu hình

        1. Giá trị giống ước tính

Giá trị giống (GTG) của một cá thể là một đại lượng biểu thị khả năng truyền đạt các gen từ bố mẹ cho đời con. Giá trị kiểu gen về một tính trạng nào đó của một con vật bao gồm giá trị cộng gộp các sai lệch trội và sai lệch tương tác của các gen chi phối tính trạng đó. Giá trị cộng gộp do tác động cộng chung lại của nhiều gen, mỗi gen lại có tác động độc lập gây nên. Bố và mẹ sẽ truyền cho đời con các gen này, do đó bố và mẹ sẽ truyền cho đời con 1/2 giá trị cộng gộp của chính bản thân mình. Trong khi đó, ở đời con do có sự kết hợp hai bộ gen gồm của bố và mẹ nên sẽ hình thành các tác động trội và tương tác mới khác với bố hoặc mẹ. Như vậy, giá trị cộng gộp được truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau theo nguyên tắc: con nhận được 1/2 của bố và 1/2 của mẹ. Do vậy, người ta cũng gọi giá trị cộng gộp là giá trị giống. Giá trị giống của một cá thể là giá trị kiểu gen tác động cộng gộp mà cá thể đó đóng góp cho thế hệ sau.

Chúng ta không thể đánh giá trực tiếp được giá trị giống của con vật cho tới nay cũng như trong một thời gian dài nữa chúng ta vẫn chưa biết được ảnh hưởng của rất nhiều các gen đóng góp tác động cộng gộp. Do đó chúng ta chỉ có thể ước tính được giá trị giống. Phương pháp duy nhất để ước tính giá trị giống của một con vật nuôi về một tính trạng nào đó là dựa vào giá trị kiểu hình của tính trạng này ở chính bản thân con vật, hoặc dựa vào giá trị kiểu hình của tính trạng này ở các con vật họ hàng với con vật mà ta cần ước tính giá trị giống, hoặc phối hợp cả hai loại giá trị kiểu hình này. Cách ước tính giá trị giống của một vật nuôi đối với nhiều tính trạng cũng sẽ tương tự như vậy. Giá trị kiểu hình của một con vật mà ta sử dụng để ước tính giá trị giống được gọi là nguồn thông tin giúp cho việc đánh giá giá trị giống.

Trong thực tế người ta chỉ có thể xác định được giá trị giống gần đúng của chúng từ các nguồn thông tin khác nhau, tức là giá trị giống ước lượng. Giá trị giống ước lượng này còn được gọi là giá trị giống dự đoán hoặc giá trị giống mong đợi. Trong các nguồn thông tin để xác định giá trị giống ước lượng thì nguồn thông tin về đời con của một cá thể là quan trọng nhất. Do đó giá trị trung bình của đời con của một cá thể chính là định nghĩa thực hành về giá trị giống của nó.

Phương pháp chung ước lượng giá trị giống

Dạng tổng quát cho ước lượng giá trị giống:

GTG = bA.P*(P* - Pherd) (1)

Hệ số hồi quy bA.P* được tính toán theo công thức:









h2. n.R

bA.P*

=










1 + (n-1)rp*

Trong đó:

P* - là nguồn thông tin, ví dụ nguồn thông tin cá thể gồm giá trị kiểu hình của bản thân con vật, trung bình giá trị kiểu hình của cả đời, hoặc trung bình giá trị kiểu hình của anh chị em hoặc các cá thể con

Pherd - là trung bình toàn đàn của tính trạng đó

bA.P* - là hồi quy giá trị giống theo giá trị kiểu hình

h2 - là hệ số di truyền của tính trạng xem xét

n - là số lượng số liệu có trong P*

R - là quan hệ di truyền cộng gộp tích lũy giữa cá thể được ước lượng giá trị giống với các cá thể trong P (R = 1/2 nếu là anh chị em cùng cha cùng mẹ, …)

rp* - là tương quan giữa các số liệu trong nguồn thông tin

Độ chính xác của ước lượng giá trị giống

Độ chính xác của ước lượng giá trị giống là tương quan giữa giá trị giống của cá thể với nguồn thông tin dùng để ước lượng giá trị giống đó. Điều này cho ta biết khả năng ước lượng giá trị giống A từ giá trị kiểu hình P.

rA.P = [bA.P R]1/2

Nếu số quan trắc trên một cá thể là 1 (n=1). Tương quan di truyền của có thể với chính nó là 1. Giá trị giống của một tính trạng X có thể được tính như sau:









h2(1)(1)

GTGX

=

(PX –P) = h2X (PX – Pherd) (2)







1 + (n-1)1

Độ chính xác của ước lượng là : rA.P = [h2.1]1/2 = h

Trong đó:

- PX là kiểu hình của cá thể này đối với tính trạng X

- Pherd là giá trị kiểu hình trung bình của đàn đối với tính trạng

rA.P = h trong trường hợp chọn lọc/ước tính dựa vào giá trị P của cá thể và chỉ có 01 giá trị P



        1. Ứng dụng trong chọn lọc

Công tác chọn lọc giống lợn hiện nay tồn tại 2 loại chỉ số chọn lọc: Chỉ số chọn lọc theo giá trị kiểu hình và chỉ số chọn lọc theo giá trị giống.

Việc sử dụng chỉ số chọn lọc theo giá trị giống cho độ chính xác cao hơn, mang lại hiệu quả nhanh hơn. Nhưng đòi hỏi phải có hệ thống công tác giống tương đối hoàn chỉnh, chế độ ghi chép kiểm tra năng suất đầy đủ, đồng thời phải có máy vi tính kèm theo phần mềm của các chương trình tính toán.

Chỉ số chọn lọc theo giá trị giống

Index = b1GTG1 + b2GTG2 + ... + bnGTGn



Trong đó:

- Index : Giá trị chỉ số chọn lọc theo giá trị giống của cá thể

- b1GTG1: Giá trị kinh tế và giá trị giống của tính trạng thứ 1,

- b2GTG2 : Giá trị kinh tế và giá trị giống của tính trạng thứ 2,

- b3GTG3: Giá trị kinh tế và giá trị giống của tính trạng thứ 3.

- bnGTGn: Giá trị kinh tế và giá trị giống của tính trạng thứ n.

Các hệ số b ở trên thu được từ phân tích BLUP dựa vào các đầu vào về trung bình giá thị trường, chi phí, giá thành, năng suất của các tính trạng do từng cơ sở giống tính toán cho đơn vị mình.

Chỉ số kinh tế khi kết hợp các tính trạng được chọn lọc trong chương trình PIGBLUP được tính toán theo 2 cách:

- Tính theo phương pháp tính chỉ số VND chung (VNDIndex): Bằng phương pháp hồi quy bội của các phân tích giá trị giống và ma trận hiệp phương sai di truyền với giá trị kinh tế của tính trạng đưa vào phân tích do cơ sở giống cung cấp (giá trị trung bình tại thời điểm xác định giá trị giống).

- Tính theo chỉ số người sử dụng (uIndex): Sử dụng tỷ trọng do người làm công tác giống đưa ra và sử dụng nó như là một hệ số nhân với giá trị giống của mỗi tính trạng. Tỷ trọng này của mỗi cơ sở giống có khác nhau tuỳ theo mục đích giống khác nhau và giá trị kinh tế của mỗi tính trạng tại mỗi cơ sở.

Trong di truyền chọn giống vật nuôi, giá trị kinh tế của một tính trạng được định nghĩa là phần lợi nhuận gia tăng trên 1 đơn vị thay đổi di truyền của tính trạng đó và ảnh hưởng lớn đến mức độ ưu tiên giữa các tính trạng trên một con vật. Thông thường giá trị kinh tế được tính toán dựa trên các yếu tố năng suất và giá cả trong một hệ thống sản xuất và phân phối nhất định.

- Đối với tính trạng tăng khối lượng/ngày là phần lợi nhuận gia tăng khi tính trạng này được cải thiện tăng thêm 1 gam. Các tham số kinh tế đưa vào tính toán bao gồm: giá lợn con giống lúc 2 tháng tuổi, tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng, giá thức ăn và các ước lượng chi phí khác ngoài thức ăn, giá bán sản phẩm xuất chuồng ở 90 kg.

- Đối với tính trạng dày mỡ lưng là phần lợi nhuận gia tăng khi thay đổi 1 mm độ dày mỡ lưng ở lợn xuất chuồng có khối lượng xuất chuồng 90 kg. Việc tính toán giá trị kinh tế của tính trạng này dựa vào dày mỡ lưng đo được lúc lợn đạt 90 kg và tương quan hồi quy bội giữa dày mỡ lưng và giá thành lúc bán lợn ở 90 kg.

- Đối với tính trạng số con sơ sinh/lứa là phần lợi nhuận được tăng thêm khi tính trạng này được cải thiện thêm 1 con/ổ. Toàn bộ chi phí mua nái hậu bị, thức ăn, thụ tinh nhân tạo, và chi phí khác cho lợn mẹ trong suốt giai đoạn hậu bị, mang thai, nuôi con và chờ phối trở lại sau cai sữa đã được sử dụng để tính toán giá thành của một lợn con sơ sinh sống/lứa, với giả định số lứa đẻ tối đa 8 lứa/nái. Đồng thời, tổng chi phí này cũng đã được điều chỉnh bằng việc khấu trừ phần thu do bán nái loại. Mặt khác, để trở thành sản phẩm có thể mua bán được trên thị trường, các lợn con sơ sinh phải được nuôi đến giai đoạn chuyển đàn (60 ngày tuổi).

Ở các quốc gia phát triển, chỉ số chọn lọc dựa trên giá trị giống ước tính của các tính trạng bắt đầu trở nên phổ biến trong các chương trình giống lợn từ khi phương pháp BLUP được phát triển. Bằng phương pháp này, tiến bộ di truyền của các tính trạng sản xuất ở đàn lợn giống đã tăng 0,04 - 0,5 con/ổ/năm với tính trạng sinh sản và giảm 0,4 - 9,5 ngày/năm với tuổi đạt khối lượng 100kg (SIP, 2002). Ở Việt Nam, từ sau năm 2000, một số cơ sở giống lợn đã ứng dụng chỉ số chọn lọc dựa trên giá trị giống của các tính trạng và bước đầu đem lại hiệu quả khá cao: tăng số con sơ sinh sống 0,045 - 0,2 con/ổ/năm và giảm mỡ lưng 0,3 - 0,4 mm/năm (Nguyễn Quế Côi và Võ Hồng Hạnh, 2000; Trịnh Công Thành, 2002; Đoàn Văn Giải và Vũ Đình Tường, 2004; Kieu Minh Luc, 2008).



    1. Каталог: uploads -> files
      files -> Btl bộ ĐỘi biên phòng phòng tài chíNH
      files -> Bch đOÀn tỉnh đIỆn biên số: 60 -hd/TĐtn-tg đOÀn tncs hồ chí minh
      files -> BỘ NÔng nghiệP
      files -> PHỤ LỤC 13 MẪU ĐƠN ĐỀ nghị HỌC, SÁt hạch đỂ CẤp giấy phép lái xe (Ban hành kèm theo Thông tư số 46/2012/tt-bgtvt ngày 07 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ gtvt) CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
      files -> TRƯỜng cao đẲng kinh tế KỸ thuật phú LÂm cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
      files -> CHƯƠng trình hoạT ĐỘng lễ HỘi trưỜng yên năM 2016 Từ ngày 14 17/04/2016
      files -> Nghị định số 79/2006/NĐ-cp, ngày 09/8/2006 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược
      files -> MỤc lục mở ĐẦU 1 phần I. ĐIỀu kiện tự nhiêN, kinh tế, XÃ HỘI 5
      files -> LỜi cam đoan tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nghiên cứu nêu trong luận án này là trung thực, khách quan và chưa được ai bảo vệ ở bất kỳ học vị nào
      files -> BẢng tóm tắt quyền lợI, phạm VI, CÁC ĐIỂm loại trừ VÀ HƯỚng dẫn thanh toán bảo hiểm của hợP ĐỒng nguyên tắc tập thể ngưỜi thân cbcnv vsp

      tải về 1.15 Mb.

      Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương