VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014



tải về 1.15 Mb.
trang12/14
Chuyển đổi dữ liệu06.07.2016
Kích1.15 Mb.
#41
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   14

Chương V

THẢO LUẬN CHUNG

    1. Khả năng sản xuất của dòng lợn đực VCN03

      1. Khả năng sinh sản của lợn nái dòng VCN03.

Khả năng sinh sản của lợn nái dòng VCN03, được nghiên cứu từ năm 2002 đến năm 2013, qua 4 thế hệ gồm có 362 nái với tổng 1129 ổ đẻ, theo dõi từ 1 đến 6 và các lứa trên lứa 6. Thế hệ 1 là đàn nái gốc tại thời điểm Việt Nam tiếp nhận của tập đoàn PIC, căn cứ vào hệ phả huyết thống để xác định thế hệ 2, 3 và 4. Số liệu từ năm 2002 đến tháng 6/2010 thu thập từ cơ sở, từ tháng 7/2010 đến tháng 4/2013 theo dõi. Kết quả phân tích cho thấy:

Yếu tố thế hệ không ảnh hưởng tới các chỉ tiêu nghiên cứu về năng suất sinh sản của lợn nái dòng VCN03. Yếu tố lứa đẻ chỉ ảnh hưởng rõ rệt đến số con sơ sinh sống/ổ và khối lượng cai sữa/con (P<0,01). Yếu tố năm ảnh hưởng rất rõ rệt đến khối lượng sơ sinh/con, khối lượng cai sữa/con, khối lượng cai sữa/ổ và số con cai sữa/ổ (P<0,001).

Lợn nái dòng VCN03 thuộc nhóm các giống chuyên dụng “dòng bố’’ có năng suất sinh sản thấp. Cụ thể: số con sơ sinh sống/ổ và số con cai sữa/ổ tương ứng là 8,85 và 8,15 con/ổ. Lợn nái dòng VCN03 có năng suất sinh sản thấp hơn so với các giống đa dụng như Landrace và Yorkshire, lợn Landrace ở Thái Lan có số con sơ sinh sống/ổ là 10,03 con/ổ (Imboonta và cs. (2007); lợn Landrace và Yorkshire ở các tỉnh phía Nam giai đoạn từ năm 1995 đến 2005 có số con sơ sinh sống/ổ lần lượt là 9,60 và 9,57 con/ổ, giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2007 có số con sơ sinh sống/ổ tương tự là 9,70 và 9,80 con/ổ (Nguyễn Hữu Tỉnh, 2009). Số con sơ sinh sống/ổ của Landrace từ 9,38 đến 9,90 con/ổ; của Yorkshire từ 10,52 đến 11,00 con/ổ (Phùng Thị Vân và cs., 2001). Năng suất sinh sản của lợn nái dòng VCN03 thấp hơn so với các giống đa dụng như Landrace và Yorkshire đang nuôi ở Việt Nam, điều này là phù hợp với hướng sử dụng làm giống “dòng bố’’ để sản xuất lợn giống bố mẹ.

Tính trạng số con sơ sinh sống/ổ và số con cai sữa/ổ đều có xu hướng chung là giảm dần từ thế hệ 1 đến thế hệ 4. Điều này chứng tỏ có mối tương quan thuận giữa hai tính trạng này và khi nâng cao số con sơ sinh sống/ổ sẽ làm tăng số con cai sữa/ổ. Hai tính trạng số con sơ sinh sống/ổ và số con cai sữa/ổ giảm dần qua thế hệ nhưng sự sai khác này không có ý nghĩa thống kê, chứng tỏ năng suất đàn nái dòng VCN03 vẫn được giữ tương đối ổn định. Tuy nhiên, việc chọn lọc trong những năm qua chưa đem lại hiệu quả cao. Vì vây, việc xác định hệ số di truyền đối với một số tính trạng về sinh sản ở lợn nái là cần thiết và dựa trên hệ số di truyền để ước tính giá trị giống là phương pháp chọn lọc phù hợp nhằm nâng cao sức sản xuất của đàn lợn nái dòng VCN03.

Các chỉ tiêu sinh sản ở lợn nái biến động nhiều qua các năm. Một phần là nhờ việc làm tươi máu đàn lợn và năm 2005 và 2007 nên chỉ tiêu số con sơ sinh sống/ổ và số con cai sữa/ổ giai đoạn 2007 - 2012 đã được nâng lên so với giai đoạn 2002 - 2006 (từ sau khi tiếp quản trại giống từ PIC Việt Nam mà chưa tiến hành cải tiến di truyền.

Các chỉ tiêu sinh sản biến động đáng kể qua các năm, sự biến động của chúng qua các lứa đẻ không tuân theo tính quy luật phổ biến, chứng tỏ tính trạng sinh sản bị tác động lớn của các yếu tố ngoại cảnh.

Nhìn chung, năng suất sinh sản của lợn nái dòng VCN03 có sự biến động qua các lứa đẻ, qua các năm và có xu hướng đi xuống qua các thế hệ. Điều này phản ánh công tác chọn lọc trên tính trạng này trong nhiều năm qua chưa mang lại hiệu quả. Do dòng lợn đực VCN03 tại Việt Nam chỉ duy nhất Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương thuộc Viện Chăn nuôi có, việc nuôi giữ một quần thể nhỏ để duy trì và nâng cao năng suất gặp rất nhiều khó khăn. Những năm gần đây để tăng giá trị di truyền, cải thiện năng suất và chất lượng, Trung tâm đã nhập nguồn gen mới từ nước ngoài.


      1. Số lượng và chất lượng tinh dịch của lợn đực dòng VCN03.

Nghiên cứu này được thực hiện tại Trạm nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp thuộc Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương, Viện Chăn nuôi từ năm 2006 đến năm 2013 nhằm đánh giá số lượng và chất lượng tinh dịch của lợn đực dòng VCN03 qua hai thế hệ (thế hệ 0: thế hệ xuất phát và thế hệ 1: thế hệ đã được chọn lọc) và các yếu tố ảnh hưởng. Đánh giá số lượng và chất lượng tinh dịch được tiến hành trên 22 lợn đực (thế hệ 0: 11 con, thế hệ 1: 11 con), tổng số lần khai thác tinh dịch 3260 lần (thế hệ 0: 1720 lần, thế hệ 1: 1540 lần).

Lợn đực dòng VCN03 với 3260 lần khai thác các chỉ tiêu đạt trung bình như sau: thể tích tinh dịch đạt 266,49 ml, hoạt lực tinh trùng đạt 84,11%, nồng độ tinh trùng đạt 282,05 triệu/ml, tỉ lệ kì hình chiếm 6,28%, chỉ tiêu tổng hợp VAC là 63,72 tỷ/lần khai thác. Các yếu tố như tuổi khai thác đực, giữa các thế hệ, các cá thể đực giống khác nhau, khoảng cách giữa hai lần khai thác tinh, mùa vụ và năm ảnh hưởng rõ rệt đến số lượng và chất lượng tinh dịch lợn. Số lượng và chất lượng tinh dịch ở thế hệ 1 đã được chọn lọc so với thế hệ 0 xuất phát đều được cải thiện rõ rệt (P<0,0001).

So với lợn đực giống L, Y, Du, Pi kiểu gen halothan CC và các tổ hợp đực lai PiDu (25, 50 và 75% máu Pietrain) nuôi tại Việt Nam thì lợn đực dòng VCN03 có xu hướng đạt cao hơn về các chỉ tiêu V, A, C, VAC nhưng tỉ lệ tinh trùng kì hình lại cao hơn. So với lợn đực Pietrain nuôi tại Việt Nam (Hà Xuân Bộ và cs., 2011) thì lợn đực dòng VCN03 có các chỉ tiêu số lượng và chất lượng tinh dịch thấp hơn.

Số lượng và chất lượng tinh dịch của lợn đực dòng VCN03 đạt tiêu chuẩn theo Quyết định tạm thời các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đối với giống vật nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 67/2002/QĐ-BNN quy định đối với lợn đực ngoại sử dụng trong thụ tinh nhân tạo và Quyết định 657/QĐ-BNN-CN của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (2014) về việc phê duyệt các chỉ tiêu định mức kinh tế kỹ thuật cho các đàn vật nuôi giống gốc.

Số lượng và chất lượng tinh dịch lợn đực dòng VCN03 sau một thế hệ chọn lọc đều đã được cải thiện (P<0,0001). Điều này chứng tỏ việc chọn lọc đã đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, sự biến động của các chỉ tiêu còn lớn và ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố mùa vụ, năm. Vì vậy, để ổn định và nâng cao năng suất và chất lượng tinh dịch lợn đực dòng VCN03, song song với việc chọn lọc là cải thiện điều kiện ngoại cảnh.


      1. Khả năng sinh trưởng, năng suất và chất lượng thịt của lợn đực dòng VCN03.

Nghiên cứu này được thực hiện tại Trạm nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp thuộc Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương, Viện Chăn nuôi từ năm 2009 đến năm 2013 nhằm so sánh khả năng sinh trưởng, năng suất và chất lượng thịt của lợn đực dòng VCN03 qua hai thế hệ (thế hệ 0: thế hệ xuất phát và thế hệ 1: thế hệ đã được chọn lọc). Đánh giá khả năng sinh trưởng, năng suất và chất lượng thịt được tiến hành trên 205 lợn đực (thế hệ 0: 114 con, thế hệ 1: 91 con), thân thịt được tiến hành trên 40 lợn đực (thế hệ 0: 20 con, thế hệ 1: 20 con), chất lượng thịt đánh giá trên 36 lợn đực (thế hệ 0: 17 con, thế hệ 1: 19 con). Lợn đực dòng VCN03 có đặc trưng năng suất chính như sau:

Lợn đực dòng VCN03 có khả năng tăng khối lượng vượt trội so với một số dòng, giống lợn khác, tăng khối lượng bình quân/ngày giai đoạn kiểm tra năng suất (20 - 100 kg) là 796,18 gam. Kết quả này cao hơn so với lợn Pietrain có kiểu gen halothan CC và CT là 507,00 và 585,97 g/ngày (Đỗ Đức Lực và cs., 2008), là 559,57 và 546,31 g/ngày (Hà Xuân Bộ và cs., 2013a); cao hơn so với lợn Landrace và Yorkshire là 551,40 và 640,30 g/ngày (Phùng Thị Vân và cs., 2001), là 646,00 và 619,74 g/ngày (Phan Xuân Hảo, 2002) nuôi tại Việt Nam.

Tỉ lệ móc hàm của lợn đực dòng VCN03 cao hơn so với lợn Landrace, Yorkshire, Duroc, Pietrain và PiDu. Theo nghiên cứu của Werner và cs. (2013) cho biết Duroc, Pietrain và PiDu có tỉ lệ móc hàm lần lượt là 76,10; 77,90 và 76,60%. Phan Xuân Hảo (2007) công bố lợn Landrace và Yorkshire có tỉ lệ móc hàm tương ứng là 78,50 và 77,72%.

Tỉ lệ nạc đạt trung bình 60,37% cao hơn so với Pietrain nuôi tại Việt Nam là 58,75% (Nguyễn Văn Đức và cs., 2010) và đạt tương đương với lợn Pietrain theo công bố của một số tác giả nước ngoài, theo Bidanel và cs. (1991) cho biết lợn Pietrain nuôi tại Pháp có tỉ lệ nạc từ 60,7 đến 63,7%, lợn Pietrain nuôi tại Hà Lan có tỉ lệ nạc trung bình 60,2% (Marinus và cs., 2010), lợn Pietrain nuôi tại Đức có tỉ lệ nạc là 61,1% (Werner và cs., 2010).

Giá trị pH45 cơ thăn (6,15), giá trị pH24 cơ thăn (5,50) là phù hợp với kết quả nghiên cứu trên L, Y, F1(LY), Pi(LY), D(LY) đi công bố trong nước và cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu trên Du, Pi x F1(DL), Du x F1(Lw x L), Pi x F1(Lw x L) theo công bố của một số tác giả ngoài nước.

Màu sắc thịt đánh giá thông qua (L* = 54,06), (a* = 15,02), (b* = 7,11) đều nằm trong phạm vi tiêu chuẩn đạt chất lượng thịt tốt. Tuy nhiên chỉ số (a) cao hơn so với chỉ số (a) trên lợn L và Y nuôi tại Việt Nam.

Tỉ lệ mất nước bảo quản sau 24 giờ và tỉ lệ mất nước chế biến sau 24 giờ của thịt lợn đực dòng VCN03 tương ứng 1,86% và 29,11% là thấp hơn so với thịt lợn giống Landrace và Yorkshire, Phan Xuân Hảo (2007) cho biết chỉ tiêu này trên hai giống Landrace và Yorkshire lần lượt là 3,61 và 3,14%.

Phân loại chất lượng thịt được dựa vào tỉ lệ mất nước 24 giờ bảo quản, màu sáng thịt (L), giá trị pH45 và pH24 ở cơ thăn theo tiêu chuẩn phân loại của Warner và cs. (1997), Joo và cs. (1999), Van Laak và Kauffmanf (1999) thì chất lượng thịt đạt kết quả tốt.

Tăng khối lượng trung bình/ngày tuổi và /ngày nuôi, tỷ lệ nạc của lợn đực dòng VCN03 ở thế hệ 1 cao hơn thế hệ 0 (P<0,001 - P<0,0001). Tăng khối lượng trung bình/ngày nuôi, độ dày mỡ lưng, độ dày cơ thăn và tỉ lệ nạc ở thế hệ 0 và 1 lần lượt là 769,51 và 829,60 gam/ngày; 10,27 và 9,38 mm; 46,84 và 48,80 mm; 59,74 và 61,14%. Tỉ lệ móc hàm và tỉ lệ thịt xẻ ổn định qua hai thế hệ. Tỉ lệ móc hàm và tỉ lệ thịt xẻ ở thế hệ 0 và 1 lần lượt là 80,68 và 81,26%; 72,01 và 72,30%. Lợn đực dòng VCN03 đạt tiêu chuẩn chất lượng thịt tốt và được thể hiện thông qua các chỉ tiêu như giá trị pH45, pH24, màu sắc thịt (L*), tỉ lệ mất nước bảo quản và tỉ lệ mất nước chế biến. Giá trị pH45, pH24 và L*24 ở thế hệ 0 và 1 lần lượt là 6,01 và 6,28; 5,57 và 5,45; 54,39 và 53,76. Lợn đực dòng VCN03 sau 1 thế hệ chọn lọc bước đầu đã cải thiện được các chỉ tiêu tăng khối lượng trung bình/ngày, tăng tỉ lệ nạc nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng thân thịt và chất lượng thịt.

Lợn đực dòng VCN03 có khả năng tăng khối lượng tốt hơn Pietrain có kiểu gen CC và CT, lợn Landrace và Yorkshire nuôi tại Việt Nam. Lợn đực dòng VCN03 có tỉ lệ nạc cao hơn Pietrain kiểu gen CC và CT, lợn Landrace và Yorkshire nuôi tại Việt Nam tương đương với lợn Pietrain nuôi tại Pháp, Hà Lan và Đức.



    1. Hệ số di truyền và giá trị giống ước tính.

      1. Hệ số di truyền và giá trị giống ước tính về một số chỉ tiêu đặc trưng cho năng suất sinh sản của lợn nái dòng VCN03.

Trong những năm qua, việc chọn giống trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng chủ yếu tiến hành theo phương pháp chọn lọc dựa vào giá trị kiểu hình của các tính trạng và ghép đôi giao phối tránh cận huyết do vậy mà tiến bộ di truyền đạt được không cao. Việc sử dụng giá trị giống ước tính vào công tác giống để đem lại hiệu quả chọn lọc cao hơn, giúp nâng cao năng suất, chất lượng đàn nái là cần thiết.

Hệ số di truyền và giá trị giống ước tính về một số chỉ tiêu đặc trưng cho năng suất sinh sản của lợn nái dòng VCN03 được nghiên cứu tại Trạm nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp thuộc Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương, Viện Chăn nuôi từ năm 2009 đến năm 2013 trên đàn nái dòng VCN03 qua 4 thế hệ với 362 nái gồm 1129 ổ đẻ, theo dõi từ 1 đến 6 và các lứa trên lứa 6.

Sử dụng phương pháp REML (Restricted Maximum Likelihood), phần mềm MTDFREML để xác định hệ số di truyền và giá trị giống ước tính, hệ số di truyền của các tính trạng sinh sản đều ở mức thấp (0,19; 0,11; 0,10; 0,12 và 0,11), ngoại trừ khối lượng cai sữa/ổ ở mức trung bình (0,24). Hệ số di truyền của các chỉ tiêu sinh sản ở mức thấp từ 0,10 đến 0,19. Điều này, hoàn toàn lôgic với kết quả ở trên là các chỉ tiêu sinh sản ảnh hưởng rõ rệt bởi các yếu tố môi trường mà cụ thể là yếu tố năm. Vì vậy hiệu quả chọn giống sẽ thấp, cải thiện môi trường ngoại cảnh sẽ góp phần nâng cao năng suất sinh sản ở lợn nái. Kết quả minh chứng cho phương pháp chọn lọc trong những năm qua là chưa phù hợp (chọn lọc theo năng suất cá thể khi giá trị h2 thấp) nên không mang lại hiệu quả. Hơn nữa khi quần thể có số lượng không đủ lớn mà việc cải tiến di truyền đàn giống chưa được tiến hành thường xuyên.

Tìm ra được những cá thể có GTGUT cao nhất, GTGUT của 5% cá thể tốt nhất đối với các tính trạng nghiên cứu như sau: số con sơ sinh sống/ổ gồm 18 nái có GTGUT trung bình nhóm là 0,987 với độ chính xác trung bình nhóm là 0,599; số con cai sữa/ổ gồm 18 nái có GTGUT trung bình nhóm là 0,550 với độ chính xác trung bình nhóm là 0,652; khối lượng sơ sinh sống/ổ gồm 18 nái có GTGUT trung bình nhóm là 0,227 với độ chính xác trung bình nhóm là 0,535; khối lượng sơ sinh sống/con gồm 18 nái có GTGUT trung bình nhóm là 0,036 với độ chính xác trung bình nhóm là 0,477; khối lượng cai sữa/ổ gồm 18 nái có GTGUT trung bình nhóm là 3,930 với độ chính xác trung bình nhóm là 67,8%; khối lượng cai sữa/con gồm 18 nái có GTGUT trung bình nhóm là 0,219 với độ chính xác trung bình nhóm là 0,457. Nghiên cứu đã chọn lọc được 5% nái có GTGUT tốt nhất của từng tính trạng sinh sản đã nghiên cứu đưa vào đàn hạt nhân để làm nguồn nguyên liệu di truyền nâng cao năng suất chất lượng đàn nái.

Khi tiến hành chọn lọc nhằm nâng cao năng suất và chất lượng đàn lợn nái dòng VCN03 chỉ tập trung chọn lọc các chỉ tiêu đặc trưng năng suất sinh sản như: số con sơ sinh sống/ổ, số con cai sữa/ổ và khối lượng cai sữa/ổ thì hiệu quả chọn lọc sẽ cao hơn.

Vì vậy phải lựa chọn phương pháp chọn lọc phù hợp với đặc điểm di truyền về sinh sản của đàn lợn nái (h2 sinh sản thấp). Từ các kết quả trên chúng ta có thể luận rằng để năng cao năng suất sinh sản của đàn lợn nái dòng VCN03 tại Trạm nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp, trên cơ sở xác định được đặc điểm di truyền của một số tính trạng sinh sản chủ yếu, đó là phải thay thế phương pháp chọn lọc kiểu hình (trước đến nay) bằng phương pháp chọn lọc kiểu gen (giá trị giống). Kết hợp thường xuyên cải tiến di truyền bằng con đường làm tươi máu và cải thiện điều kiện ngoại cảnh.



      1. Hệ số di truyền và giá trị giống ước tính về một số chỉ tiêu đặc trưng cho khả năng sinh trưởng và cho thịt của lợn đực dòng VCN03.

Hệ số di truyền và giá trị giống ước tính về một số chỉ tiêu đặc trưng cho năng suất sinh sản của lợn nái dòng VCN03 được nghiên cứu tại Trạm nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp thuộc Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương, Viện Chăn nuôi từ năm 2009 đến năm 2013 trên đàn lợn đực dòng VCN03 không thiến qua hai thế hệ (thế hệ 0: thế hệ xuất phát và thế hệ 1: thế hệ đã được chọn lọc) với 205 lợn đực (thế hệ 0: 114 con, thế hệ 1: 91 con).

Hệ số di truyền của các tính trạng sinh trưởng và cho thịt cao hơn so với hệ số di truyền của các tính trạng sinh sản, chúng thường tương ứng mức trung bình và cao. Vì vậy, việc áp dụng giá trị giống ước tính vào công tác chọn lọc sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Hệ số di truyền và giá trị giống ước tính về khả năng sinh trưởng và cho thịt được tính bằng phương pháp REML (Restricted Maximum Likelihood), phần mềm MTDFREML. Hệ số di truyền của tính trạng độ dày cơ thăn và tỉ lệ nạc ở mức cao (0,58 và 0,56), tính trạng tăng khối lượng, độ dày mỡ lưng và khối lượng kết thúc thí nghiệm đạt ở mức trung bình (0,34; 0,34 và 0,22), tính trạng khối lượng 60 ngày tuổi ở mức thấp (0,17). Các kết quả này nhìn chung là phù hợp với một số công bố trên lợn thuần Pietrain, Landrace và Yorkshire.

Hầu hết các công bố trong và ngoài nước đều cho biết hệ số di truyền về chỉ tiêu tăng khối lượng trung bình/ngày đều ở mức trung bình (0,20 - 0,40) như Gu và cs. (1989); Trần Thị Minh Hoàng và cs. (2008a); Kiszlinger và cs. (2011); Saintilan và cs. (2011). Tuy nhiên có một số ít công bố hệ số di truyền về tăng khối lượng trung bình/ngày ở mức thấp (0,07 - 0,11) như Szyndler-Nedza và cs. (2010); Radović và cs. (2013).

Sellier (1998) công bố, các chỉ tiêu thân thịt như tỉ lệ móc hàm, chiều dài thân thịt, tỉ lệ nạc, độ dày mỡ lưng, diện tích cơ thăn có hệ số di truyền cao (h2 = 0,3 - 0,6). Hệ số di truyền trong nghiên cứu của chúng tôi đối với tính trạng độ dày mỡ lưng thấp hơn kết quả công bố một số tác giả khác, Trần Thị Minh Hoàng và cs. (2008a) cho biết độ dày mỡ lưng của giống lợn Yorkshire và Landrace có hệ số di truyền là 0,45; Nguyễn Hữu Tỉnh (2009) cho biết độ dày mỡ lưng của giống lợn Yorkshire và Landrace tại thời điểm 90 kg có hệ số di truyền là 0,47 và 0,60.

Đã chọn được những cá thể có giá trị giống ước tính (GTGUT) tốt nhất, nhóm 1% cá thể có GTGUT tốt nhất đối với các tính trạng nghiên cứu như: tăng khối lượng gồm 2 đực giống Y234 và Y232 với GTGUT là +43,759 và +37,294; độ dày cơ thăn gồm 2 đực Y234 và Y240 với GTGUT là +10,368 và +8,553; độ dày mỡ lưng gồm 2 đực Y149 và Y147 với GTGUT là -1,331 và -1,270; tỉ lệ nạc gồm 2 đực Y238 và Y151 với GTGUT là +2,817 và +2,605; khối lượng 60 ngày tuổi gồm 2 đực Y259 và Y232 với GTGUT là +0,774 và +0,747; khối lượng kết thúc thí nghiệm gồm 2 đực Y234 và Y277 với GTGUT là +5,096 và +3,457.

Trung bình độ chính xác GTGUT đối với các tính trạng nghiên cứu đều đạt ở mức cao và trung bình. Nhóm 1% cá thể tốt nhất đối với các tính trạng trên có độ chính xác cao từ 0,45 đến 0,79. Các đực giống này là những đực giống tiềm năng, là nguồn nguyên liệu di truyền tốt để phục vụ cho công tác nâng cao chất lượng dòng lợn đực dòng VCN03.

Kết quả chọn lọc sau một thế hệ đã cải thiện khả năng tăng khối lượng, độ dày mỡ lưng, độ dày cơ thăn, tỉ lệ nạc (P<0,001 - 0,0001). Tuy kết quả khảo sát trên số mẫu còn hạn chế nhưng kết quả bước đầu cho thấy hiệu quả chọn lọc trên các tính trạng sinh trưởng và cho thịt có hệ số di truyền ở mức trung bình và cao khi áp dụng phương pháp chọn lọc theo giá trị giống. Để chọn lọc nhằm tăng khả năng sinh trưởng và cho thịt của lợn đực dòng VCN03 thì trước tiên tập trung chọn lọc tính trạng tăng khối lượng theo ngày tuổi và tỉ lệ nạc.

CHƯƠNG VI

KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ


    1. Kết luận

Lợn nái dòng VCN03 có năng suất sinh sản thấp. Số con sơ sinh sống/ổ, số con cai sữa/ổ và khối lượng cai sữa/ổ tương ứng là 8,85 con/ổ; 8,15 con/ổ và 58,56 kg/ổ.

Lợn đực dòng VCN03 có chất lượng tinh dịch tốt đạt theo Quyết định tạm thời các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đối với giống vật nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 67/2002/QĐ-BNN, số 1712/QĐ-BNN (2008) quy định đối với lợn đực ngoại sử dụng trong thụ tinh nhân tạo và Quyết định 657/QĐ-BNN-CN của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (2014) về việc phê duyệt các chỉ tiêu định mức kinh tế kỹ thuật cho các đàn vật nuôi giống gốc.

Lợn đực dòng VCN03 có khả năng sinh trưởng tốt, tỉ lệ nạc cao, dầy mỡ lưng thấp. Cụ thể, tăng trọng trung bình g/ngày kiểm tra là 796,18 g, tỉ lệ nạc ước tính 60,37%, dầy mỡ lưng 9,88 mm. Thịt lợn đực dòng VCN03 đạt chất lượng bình thường.

Hệ số di truyền về các chỉ tiêu sinh sản của lợn nái dòng VCN03 ở mức thấp (0,10 đến 0,19), ngoại trừ khối lượng cai sữa/ổ ở mức trung bình (0,24). Các chỉ tiêu về năng suất sinh sản chịu tác động lớn của yếu tố ngoại cảnh nên chọn lọc theo kiểu hình chưa đem lại hiệu quả. Đối với đàn lợn nái dòng VCN03 việc kết hợp giữa chọn lọc dựa vào GTGUT và cải thiện điều kiện ngoại cảnh sẽ là hướng đi đúng đắn trong việc nâng cao khả năng sinh sản.

Hệ số di truyền về khả năng sinh trưởng và cho thịt ở lợn đực dòng VCN03 ở mức trung bình, cụ thể: h2 = 0,34 ở cả 2 tính trạng tăng khối lượng/ngày và độ dầy mỡ lưng; h2 ở mức cao ở 2 tính trạng độ dày cơ thăn và tỉ lệ nạc, tương ứng là 0,58 và 0,56. Việc chọn lọc ứng dụng GTGUT đã tăng khả năng tăng trọng 60,09 g/ngày, dầy mỡ lưng 0,89 mm, dầy cơ thăn 1,96 mm, tỉ lệ nạc tăng 1,4% sau 1 thế hệ chọn lọc. Điều này, chứng tỏ chọn lọc dựa vào GTGUT có thể sẽ đem lại hiệu quả chọn lọc cao.

Sử dụng phương pháp REML và phần mềm MTDFREML đã lựa chọn được 5% nái có GTGUT cao nhất trên mỗi tính trạng chọn lọc (18 con) và 1% cá thể đực chọn lọc có GTGUT cao nhất trên mỗi tính trạng chọn lọc (tổng 9 con). Các cá thể giống này là nguồn nguyên liệu di truyền tốt (đàn hạt nhân) làm cơ sở cho việc cải tiến di truyền nâng cao chất lượng toàn bộ đàn VCN03 tại Trạm nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp.



    1. Đề nghị

  • Tăng quần thể đàn dòng lợn đực VCN03 để đủ số lượng tránh cận huyết và đảm bảo cho việc chọn lọc nhân thuần nâng cao năng suất và chất lượng.

  • Xây dựng chỉ số chọn lọc kết hợp giá trị giống phục vụ cho chọn lọc nâng cao năng suất sinh sản, khả năng sinh trưởng và cho thịt ở dòng lợn đực VCN03.

  • Ứng dụng giá trị giống ước tính vào công tác chọn lọc nhân thuần nâng cao năng suất và chất lượng dòng lợn đực VCN03 và các dòng, giống khác tại Việt Nam.

  • Định kỳ cần nhập nguồn gen mới của dòng lợn đực VCN03 từ nước ngoài về để cải thiện nguồn gen, tránh khả năng cận huyết và nâng cao năng suất, chất lượng.

  • Cải thiện các yếu tố ngoại cảnh như hoàn thiện quy trình nuôi dưỡng chăm sóc, cải thiện chất lượng chuồng nuôi, hoàn thiện khẩu phần ăn, cải tạo môi trường chăn nuôi tốt, ... giảm thiểu các yếu tố ngoại cảnh tác động bất lợi cho đàn lợn.

Каталог: uploads -> files
files -> Btl bộ ĐỘi biên phòng phòng tài chíNH
files -> Bch đOÀn tỉnh đIỆn biên số: 60 -hd/TĐtn-tg đOÀn tncs hồ chí minh
files -> BỘ NÔng nghiệP
files -> PHỤ LỤC 13 MẪU ĐƠN ĐỀ nghị HỌC, SÁt hạch đỂ CẤp giấy phép lái xe (Ban hành kèm theo Thông tư số 46/2012/tt-bgtvt ngày 07 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ gtvt) CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> TRƯỜng cao đẲng kinh tế KỸ thuật phú LÂm cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> CHƯƠng trình hoạT ĐỘng lễ HỘi trưỜng yên năM 2016 Từ ngày 14 17/04/2016
files -> Nghị định số 79/2006/NĐ-cp, ngày 09/8/2006 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược
files -> MỤc lục mở ĐẦU 1 phần I. ĐIỀu kiện tự nhiêN, kinh tế, XÃ HỘI 5
files -> LỜi cam đoan tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nghiên cứu nêu trong luận án này là trung thực, khách quan và chưa được ai bảo vệ ở bất kỳ học vị nào
files -> BẢng tóm tắt quyền lợI, phạm VI, CÁC ĐIỂm loại trừ VÀ HƯỚng dẫn thanh toán bảo hiểm của hợP ĐỒng nguyên tắc tập thể ngưỜi thân cbcnv vsp

tải về 1.15 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương