Vai trò CỦa viện trợ phát triển chính thứC (oda) CỦa hàn quốc với khu vựC ĐÔng nam á ncs, ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền



tải về 139.48 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu23.07.2016
Kích139.48 Kb.
#2192
VAI TRÒ CỦA VIỆN TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC (ODA) CỦA HÀN QUỐC VỚI KHU VỰC ĐÔNG NAM Á
NCS, ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền

Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình


Bắt đầu từ những thập niên 1990, Đông Nam Á là khu vực nhận được nhiều nhất viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Hàn Quốc. Cùng với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ODA của Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo của các nước Đông Nam Á (ASEAN). Bài viết này nhấn mạnh đến chính sách ODA của Hàn Quốc với các nước Đông Nam Á trong những năm gần đây, đồng thời phân tích, đánh giá những động lực chủ yếu của chính sách ODA của Hàn Quốc và đưa ra những cơ hội hợp tác phát triển cho tương lai.

1. Hàn Quốc - từ nước nhận viện trợ đến nước viện trợ

Sau khi giành được độc lập năm 1945, Hàn Quốc bắt tay vào việc khôi phục và xây dựng đất nước. Quá trình công nghiệp hóa của Hàn Quốc được tiến hành từ năm 1961 đến năm 1991. Trong ba thập kỷ đó, Hàn Quốc từ một nước nghèo nàn, lại bị tàn phá trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, trở thành một trong những nước công nghiệp mới NIC (Newly Industrialized Countries) hùng mạnh về kinh tế của "thế giới thứ ba" với bước nhảy vọt từ "100 USD đầu người những năm 1960 tới 10.000 USD đầu người vào năm 1995, năm 2006 là 21.100 USD và đến 2010 đã vượt quá 30.000 USD" 1. Sự phát triển nhanh và ngoạn mục của Hàn Quốc trong suốt bốn thập kỷ qua là hội tụ của nhiều nhân tố, trước hết là kết quả của sự kết hợp một cách hữu hiệu các nhân tố kinh tế với các nhân tố xã hội trong điều kiện thuận lợi của hoàn cảnh quốc tế: Sự hợp tác chặt chẽ của khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, chính sách hợp lý và kiên quyết của chính phủ những năm 1960-1970 nhằm vào các ngành công nghiệp cần nhiều lao động và ưu tiên xuất khẩu, tính linh hoạt rất cao trong quản lý và thái độ sẵn sàng ứng phó trước những tín hiệu phát sinh từ nền kinh tế, sự cần cù của người dân, đặc biệt là những lợi thế được hưởng từ dòng chu chuyển vốn quốc tế, trật tự thương mại quốc tế nửa cuối thế kỷ XX, sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế và những ưu tiên của Mỹ thời chiến tranh lạnh... đó chắc chắc là những nhân tố đã làm cho Hàn Quốc hóa rồng và tiếp tục phát triển.

Tính từ năm 1945 đến đầu những năm 1990, "Hàn Quốc nhận tổng cộng 12,69 tỷ USD từ cộng đồng quốc tế" 2. Việc sử dụng có hiệu quả nguồn viện trợ nước ngoài to lớn này thực sự cần thiết cho phát triển kinh tế bền vững của Hàn Quốc. Nói một cách khác, Hàn Quốc mang ơn nhiều sự giúp đỡ và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho thành quả phát triển kinh tế suốt bốn thập kỷ qua. Là một nước trong một thời gian khá dài đã nhận viện trợ từ các quốc gia phát triển khác, vì vậy, giờ đây khi trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới, Hàn Quốc hiểu rằng nỗ lực trong hỗ trợ ODA là đổi lại những gì mà Hàn Quốc đã nhận được từ cộng đồng quốc tế trước đây và nhận thấy mình cần có trách nhiệm mở rộng sự hỗ trợ tới những quốc gia kém phát triển khác.

Hàn Quốc cam kết trở thành một quốc gia tài trợ trong lĩnh vực phát triển quốc tế. Đặc biệt, Hàn Quốc đang phấn đấu để đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ do Liên Hợp Quốc đề ra và để đạt được điều này, Hàn Quốc lên kế hoạch từng bước mở rộng vốn ODA. Hiện Hàn Quốc đang lên kế hoạch mở rộng khoản tài chính này và cam kết tăng ODA bằng cách đưa tỷ lệ cụ thể ODA/GNI (GNI-tổng thu nhập quốc dân) lên 0,15% vào năm 2012 và 0,25% vào năm 2015, có nghĩa rằng Hàn Quốc phải tăng gấp 3 lần tỷ lệ ODA/GNI từ 0,09% năm 2008 lên 0,25% đến năm 2015 mặc dù có những khó khăn, thách thức từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.



2. Vị thế của ODA Hàn Quốc hiện nay đối với thế giới nói chung và Đông Nam Á nói riêng

2.1. Khái quát về lịch sử ODA của Hàn Quốc

Từ khi trở thành nền kinh tế công nghiệp mới cuối những năm 1980, Hàn Quốc bắt đầu xem xét hoạt động cung cấp ODA cho các nước đang và kém phát triển trên thế giới. Việc thành lập Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) năm 1987 nhằm cung cấp vốn vay ưu đãi cho các nước đang phát triển dưới sự trợ giúp, quản lý của Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc và Tổ chức hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tháng 4 năm 1991 trực thuộc quản lý của Bộ Ngoại giao để cung cấp viện trợ và các chương trình hợp tác kỹ thuật cho các nước đang phát triển đánh dấu thời kỳ chính thức hóa cung cấp ODA của Hàn Quốc. Với việc thành lập EDCF và KOICA, chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập được một hệ thống trợ giúp thường xuyên có hiệu quả của nguồn ODA. Hiện hầu hết các chương trình hỗ trợ phát triển của Hàn Quốc được quản lý bởi hai cơ quan này.

Hệ thống hỗ trợ vốn ODA của Hàn Quốc bao gồm cả hỗ trợ song phương, cho vay song phương và hỗ trợ đa phương. Hỗ trợ song phương được chia thành tài trợ và các khoản vay ưu đãi. Tổng viện trợ ODA của Hàn Quốc từ năm 1987 đến 2008 là 5,7 tỷ USD. Hỗ trợ phát triển của Hàn Quốc không ngừng tăng nhanh và giữ mức kỷ lục 423,3 triệu USD vào năm 2004 (nhảy từ 100 triệu vào đầu những năm 1990). Năm 2005, ODA của Hàn Quốc tăng 212% so với năm 2004, đạt 752,3 triệu USD, năm 2008 đạt 802,34 triệu USD, chiếm 0,09% tổng thu nhập quốc gia và tăng 14,8% so với năm 2007 3. Tuy nhiên, Hàn Quốc luôn ưu tiên cung cấp các khoản hỗ trợ song phương hơn là các khoản hỗ trợ đa phương với tỷ lệ vốn hỗ trợ song phương trên tổng vốn hỗ trợ trung bình chiếm hơn 70%. Hỗ trợ song phương của Hàn Quốc bắt đầu gia tăng từ vài chục triệu USD năm 1996 lên mức 463,3 triệu USD năm 2005. Năm 2006, 60,5% ODA song phương của Hàn Quốc dành cho châu Á và 24,2% viện trợ song phương dành cho Đông Nam Á. "Năm 2008, hỗ trợ song phương chiếm 67,2% của ODA, đạt 539,2 triệu USD. Tỷ lệ nguồn viện trợ từ 30% trong thời kỳ 1995-2000 tăng nhanh lên 60% năm 2004. Chương trình cho vay song phương của EDCF đạt mức 170,6 triệu USD vào năm 2008" 4 đã hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của các nước đang phát triển và thảm họa thiên tai ở Đông Nam Á Trong khi đó, vốn hỗ trợ đa phương của Hàn Quốc duy trì ổn định trong một thời gian tương đối dài (2000-2005). Đặc biệt, "từ khi Hàn Quốc tham gia vào Ngân hàng phát triển liên quốc gia (IDB), tham gia vào Ủy ban hỗ trợ phát triển (DAC) và gia tăng đóng góp cho Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) năm 2005, số vốn hỗ trợ đa phương đã tăng rõ rệt, lên tới 289 triệu USD, sau đó giảm xuống còn 79,2 triệu USD năm 2006, tương đương mức giảm 72,6% trước khi tăng trở lại ở mức 206 triệu USD (2007) và 263 triệu USD (2008)"5.

Sở dĩ có sự tập trung viện trợ như vậy là do yếu tố gần gũi về địa lý, văn hóa giữa Hàn Quốc với khu vực này. Đặc biệt, Hàn Quốc đã trở thành một đối tác kinh tế mật thiết và có quan hệ ngoại giao gần gũi với các quốc gia ASEAN kể từ sau khi thiết lập quan hệ đối ngoại bộ phận năm 1989, đến năm 1991 Hàn Quốc thiết lập quan hệ đối thoại toàn diện với ASEAN. ASEAN đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 1 năm 1997 và ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN - Hàn Quốc năm 2005. Năm 2006 và 2007, Hiệp định FTA về hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc lần lượt được ký kết. Bên cạnh đó, vào tháng 3/2009, Hàn Quốc thành lập Trung tâm Hàn Quốc - ASEAN nhằm mục tiêu nỗ lực không ngừng, thúc đẩy giao dịch thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa và du lịch một cách chính thức giữa Hàn Quốc và ASEAN.



2.2. Khối lượng và phân bổ ODA của Hàn Quốc đối với khu vực Đông Nam Á

Theo thống kê, hiện có khoảng 130 nước nhận hỗ trợ ODA từ chính phủ Hàn Quốc hàng năm. Năm 2006, phần lớn hỗ trợ song phương đổ vào châu Á (61,6%) bao gồm cả các nước Đông Nam Á, tiếp theo là châu Phi (12,8%) và châu Mỹ La tinh (6,6%).



Về mức độ quốc gia: Nhìn nhận thực tế sự nổi lên của các nước Đông Nam Á như là đối tác thương mại lớn nhất của mình, một phần lớn viện trợ ODA của Hàn Quốc đã được triển khai trực tiếp vào các nước ASEAN theo chính sách ưu tiên thúc đẩy quan hệ giữa Hàn Quốc với khu vực này. Để hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế và cải thiện phúc lợi xã hội của các nước đang phát triển, Hàn Quốc bắt đầu tăng số lượng ODA thường xuyên hơn. Nguồn vốn ODA của Hàn Quốc vào khu vực Đông Nam Á được đầu tư cho nhiều lĩnh vực đa dạng như: xóa đói, giảm nghèo, phát triển y tế, cải thiện môi trường, phát triển công nghệ số, năng lượng và hội nhập khu vực. Các số liệu thống kê cho thấy, viện trợ ODA của Chính phủ Hàn Quốc cho các nước đang phát triển trong năm 2005 đạt 745 triệu USD, tăng 75,7% so với năm 2004. Riêng trong năm 2007, 25,8% tổng viện trợ ODA của chính phủ Hàn Quốc đã được rót vào khu vực ASEAN. Hàn Quốc cũng đẩy mạnh cung cấp các khoản cho vay thông qua EDCF. Các nước như Indonesia, Việt Nam, Philippines, Campuchia nằm trong nhóm 7 nước nhận được nhiều vốn vay từ EDCF nhất, Mianma và Lào cũng nằm trong tốp 10 bảng xếp hạng các quốc gia nhận được EDCF. Việc tạo ra khung thỏa thuận với những nước nhận hỗ trợ ban đầu này sẽ đơn giản hóa quy trình và rút ngắn thời gian cung cấp các khoản hỗ trợ của Hàn Quốc.

Bảng 1: EDCF tới các nước ASEAN tính đến năm 2006 (Đơn vị: triệu USD)


Thứ tự xếp hạng

Quốc gia

Số dự án

Số vốn

Thị phần (%)

1

Indonesia

13

271,70

9,8

3

Việt Nam

10

227,96

8,1

6

Campuchia

6

159,29

6,4

7

Philippines

8

130,78

4,6

12

Myanmar

6

84,70

2,9

28

Lào

1

22,70

0,9

Tổng ASEAN

44

897,13

32,7

Ghi chú: Thứ tự và thị phần tính trên tổng EDCF của Hàn Quốc

Nguồn: Số liệu từ Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc

Ngoài ra, Đông Nam Á cũng là khu vực nhận được phần lớn các khoản trợ cấp song phương, chiếm 1/4 tổng vốn trợ cấp của Hàn Quốc. Hỗ trợ song phương dành cho các nước có tổng thu nhập bình quân đầu người thấp hơn 825 USD chiếm 38,5%. Đặc biệt, các nước chậm phát triển nhận được 24,5% tổng hỗ trợ song phương và hỗ trợ cho các nước có thu nhập trung bình thấp so với thu nhập bình quân đầu người dưới 3.255 USD là 49,9% năm 2006. Hàn Quốc luôn cố gắng duy trì nguồn vốn trợ cấp cho các nước ASEAN ngay cả khi kinh tế Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2007-2008, "Hàn Quốc trợ cấp hơn 60 triệu USD cho ASEAN năm 2009, tăng khoảng 13% so với năm 2008" 6.

Hàng loạt các dự án hợp tác phát triển ASEAN- Hàn Quốc cũng đã được triển khai và được Quỹ hợp tác đặc biệt ASEAN- Hàn Quốc (SCF) và Quỹ dự án hợp tác hướng tới tương lai (FOCP) hỗ trợ. Từ năm 2000 đến 2004, 51 dự án đã được hoàn hành, 11 dự án đang triển khai và 21 dự án đang chuẩn bị.

Đối với viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc cho các nước thành viên ASEAN: KOICA chịu trách nhiệm điều hành viện trợ của Chính phủ và chương trình hợp tác kỹ thuật của Hàn Quốc. Để thiết kế và triển khai có hiệu quả các chương trình viện trợ, KOICA đã không ngừng nỗ lực để làm rõ những nhu cầu của các đối tác Đông Nam Á bằng cách thường xuyên trao đổi với các nước và triển khai các cuộc khảo sát thông qua Đại sứ quán Hàn Quốc và 6 cơ quan quốc tế làm việc tại Campuchia, Lào, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.



Bảng 2: Các khoản trợ cấp không hoàn lại của KOICA cho các nước ASEAN giai đoạn 1999-2009 (Đơn vị: triệu won)

Quốc gia

1999

2000

2001

2002

2003

2004

2005

2006

2007

2008

Brunei

19

56

13

21

32

24

20

0

4

5

Indonesia

2,263

2,243

2,503

3,465

3,115

7,492

9,531

16,865

10,893

10,518

Malaysia

122

293

165

107

165

138

125

39

24

56

Philippines

642

2,514

3,922

2,266

7,108

7,286

5,182

6,348

5,358

9,939

Singapore

5

0

0

0

0

0

0

0

6

3

Thái Lan

450

736

773

1,016

1,077

2,278

3,227

1,289

1,225

1,180

Campuchia

353

738

1,363

2,208

2,790

3,824

5,955

6,047

8,075

14,558

Lào

353

711

878

1,775

2,418

3,868

2,170

4,054

6,567

9,393

Myanmar

554

826

841

1,970

1,741

2,341

3,490

2,670

1,489

6,800

Việt Nam

7,367

5,499

6,214

5,888

4,189

11,205

9,515

7,523

11,060

11,061

Tổng ASEAN

12,128

13,616

16,672

18,716

22,635

38,456

39,215

44,835

44,701

63,513

(%)

26.88

26.55

23.91

24.09

15.30

18.90

18.22

24.25

17.80

20.78

Ghi chú: *Tỷ lệ phần trăm ngân sách viện trợ của KOICA Grant

Nguồn: htttp://www.koica.go.kr/devaid/statistics/1217374 - 1727.html

Khu vực Đông Nam Á bao gồm các thành viên ASEAN có sự khác biệt lớn về mức độ phát triển. Chính vì vậy, Hàn Quốc có chủ trương tập trung thúc đẩy hợp tác phát triển giữa những quốc gia chậm phát triển hơn trong ASEAN gồm Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực. Mặt khác, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Mianma, Campuchia và Lào được chọn làm các đối tác chiến lược trong trung hạn của Hàn Quốc và hiện nằm trong tốp 15 quốc gia nhận được nhiều nhất trợ cấp từ Hàn Quốc. "Năm 2009, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Campuchia, Lào lần lượt nhận được 13,25 triệu USD, 18,26 triệu USD, 9,8 triệu USD, 8,6 triệu USD và 7,07 triệu USD" 7. Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam đứng đầu về nhận viện trợ ODA của Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế với 17 dự án, tổng vốn đầu tư 450,8 triệu USD.



Bảng 3: Hỗ trợ ODA của Hàn Quốc cho các nước ASEAN từ 2000-2006

(Đơn vị: Ngàn USD)

Nước

2000

2001

2002

2003

2004

2005

2006

Brunei

49

10

18.0

26

21

19

-

Indonesia

1,984

1,939

2,544

2,613

6,545

9,305

17,650

Malaysia

259

128

83

139

120

122

40

Philippines

2,224

3,038

1,729

5,964

6,366

5,059

6,644

Singgapore

-

-

-

-

-

0.2

-

Thái Lan

651

599

869

904

1,990

3,150

1,349

Campuchia

637

1,057

1,467

2,341

3,341

5,813

6,328

Lào

629

681

1,262

2,048

3,379

2,119

4,243

Myanmar

730

651

1,406

1,460

2,045

3,407

2,794

Việt Nam

4,880

4,814

4,700

3,515

9,789

9,290

7,873

Tổng ASEAN

12,043

12,917

14,078

19,010

33,596

38,284

46,921

ASEAN/Thế giới (%)

31.4

27.5

23.0

15.3

18.9

18.2

24.2

Nguồn: Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc

3. Một vài nhận xét về vai trò của viện trợ phát triển chính thức của Hàn Quốc với khu vực Đông Nam Á

Thứ nhất, Chính sách ODA của Hàn Quốc tới ASEAN nhằm tăng cường quan hệ hợp tác phát triển kinh tế giữa đôi bên. Hàn Quốc luôn duy trì ổn định vốn viện trợ cho khu vực Đông Nam Á bất chấp những khó khăn kinh tế từ trong nước và quốc tế. Số lượng lớn viện trợ của Hàn Quốc chuyển trực tiếp đến các nước thành viên ASEAN. Điều này xuất phát từ một phần chính sách mở rộng ảnh hưởng hơn nữa ra khu vực và trên thế giới mà Hàn Quốc đang theo đuổi, phần khác là do sự gần gũi về địa lý và tương đồng văn hóa giữa Hàn Quốc và các nước khác trong khu vực.

Thứ hai, ODA của Hàn Quốc góp phần giảm tỷ lệ nghèo đói ở khu vực Đông Nam Á. Bởi Hàn Quốc là một minh chứng tiêu biểu của một quốc gia thành công trong việc sử dụng hiệu quả ODA từ các nước phát triển trên thế giới để đưa đất nước vượt qua nghèo đói và phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay. Kinh nghiệm huy động và sử dụng ODA của Hàn Quốc sẽ giúp ích rất nhiều cho các nước ASEAN vốn có hoàn cảnh tương tự như Hàn Quốc những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Nhằm trợ giúp các quốc gia Đông Nam Á trong quá trình phát triển, viện trợ ODA của Hàn Quốc đã được hỗ trợ cho các lĩnh vực phát triển chính sách kinh tế, xây dựng thể chế pháp lý, đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Hàn Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ xây dựng nguồn nhân lực cho sự phát triển của các quốc gia này. ODA của Hàn Quốc trong lĩnh vực hợp tác về hỗ trợ và chuyển giao công nghệ cho các nước trong khối ASEAN như Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam đã giúp cho các nước này tiếp cận công nghệ hiện đại, rút ngắn thời gian và khoảng cách phát triển, trong đó Việt Nam là một ví dụ thành công trong sự hợp tác này với sự phát triển rất nhanh của ngành công nghệ thông tin. Ngoài ra, hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực giữa Hàn Quốc với các nước ASEAN cũng đạt được nhiều thành tựu đáng kể với các dự án xây dựng cơ sở giáo dục, cung cấp hàng hóa, thiết bị, vốn, học bổng. Đặc biệt, với nền công nghiệp IT phát triển, Hàn Quốc thời gian gần đây đang tham gia tích cực vào những nỗ lực của khu vực nhằm giảm thiểu khoảng cách về công nghệ số giữa các quốc gia thành viên ASEAN thông qua việc chuyển giao công nghệ, xây dựng các trung tâm IT, tư vấn chinh sách phát triển công nghệ và các lĩnh vực liên quan.

Thứ ba, trong cơ cấu ODA của Hàn Quốc, khoản hỗ trợ song phương (chủ yếu là vốn cho vay) vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong khi tỷ lệ khoản trợ cấp ở mức khá thấp. Vốn trợ cấp nhỏ hơn nhiều vốn cho vay làm giảm đi ý nghĩa thực sự mà chính sách ODA của Hàn Quốc hướng đến, bởi lẽ tuy các khoản cho vay sẽ tạo điều kiện về vốn cho những nước nhận viện trợ đầu tư, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh nhưng đồng thời nó cũng tạo ra sức ép cho nợ của quốc gia. Đây là thực tế mà Hàn Quốc cần phải sớm cải thiện để hỗ trợ khả năng tài chính chung của cộng đồng quốc tế.

4. Kết luận

Tóm lại, kể từ sau năm 1945 Hàn Quốc đã thành công trong việc chuyển từ một nước nghèo, phụ thuộc vào viện trợ để trở thành một thành viên của OECD - nhóm các nước phát triển. Với mục đích đóng góp nhiều hơn nữa cho giảm nghèo toàn cầu và xúc tiến chính sách viện trợ hài hòa hơn với các nước tài trợ khác, Hàn Quốc đã gia nhập OECD-DAC năm 2010. Hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét lại chính sách và thực tiễn ODA của mình để có những bước đi nhằm cải thiện nhanh khả năng cung cấp ODA cho các nước đang và kém phát triển trên phạm vi toàn cầu, trong đó trọng tâm là khu vực Đông Nam Á. Và theo chính sách mới này, ODA của Hàn Quốc sẽ được thiết lập cho từng nước ASEAN theo những đặc điểm phát triển riêng. Trong đó có sự tập trung nhằm giúp bốn nước: Việt Nam, Indonesia, Philippines và Campuchia trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và tăng năng lực quản lý, cạnh tranh của các nền kinh tế.


Tài liệu tham khảo:

1. Trương Quang Hoàn (2012), "Vốn hỗ trợ phát triển chính thức của Hàn Quốc tới các nước CLMV”, Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 1(131), tr.13-20.

2. Nguyễn Hoàng Giáp (2009), Hàn Quốc với khu vực Đông Á sau Chiến tranh lạnh và quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

3. Hoàng Văn Hiển (2008), Quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Hàn Quốc (1961 – 1993) và kinh nghiệm đối với Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

4. Dương Phú Hiệp, Ngô Xuân Bình (1991), Hàn Quốc trước thềm thế kỷ XXI, Nxb Thống kê, Hà Nội.

5. An Châu - Trung Vinh (2007), Đất nước Hàn Quốc, NXB Từ điển Bách Khoa, Hà Nội.

6. Myeon Hoei Kim (2011), Hankul University of Foreign Studies, Korea's ODA and Southeast Asia.

7. Kwon Yul (2010), Korea-ASEAN Development Cooperation: Performances and Challenges.

8. Todaro, Michael P (1998), Kinh tế học cho thế giới thứ ba, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

9. KOICA, Korea's Bilateral ODA to Cambodia, 2001-2004.

10. International Solidarity Committee, Reality of Aid 2008 country report: Republic of Korea.

11. Tài liệu tác giả tham khảo và biên tập trên các trang web:

http://www.odakorea.go.kr

http://www.koica.go.kr/english/koica/oda/volume/index.html

http://www.mofat.go.kr/stare/multiplediplomacy/achievement/index.jsp



1 Xem: Michael P.Todaro (1998), Kinh tế học cho thế giới thứ ba, Nxb Giáo dục, Hà Nội, trang 165.

2 http://www.odakorea.go.kr

3 Myeon Hoei Kim, 2010, Korea's ODA and Southeast Asia

4 MOFE (2009) http://www.koica.go.kr/english/koica/oda/volume/index.html

5 Số liệu lấy từ Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc (MOFE, 2010)

6 Dẫn theo số liệu của Trương Quang Hoàn, "Vốn hỗ trợ phát triển chính thức của Hàn Quốc tới các nước CLMV", Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 1(131) - 2012, trang 16.

7 Bộ kinh tế và Tài chính Hàn Quốc (2010), tác giả biên tập trên cơ sở các số liệu của từng quốc gia.


tải về 139.48 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương