Vụ thảm sát Giồng Sắn



tải về 19.53 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích19.53 Kb.
#13262
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
nhân 50 năm “Vụ thảm sát Giồng Sắn” huyện Nhơn Trạch

(27/9/1964 - 27/9/2014)

Để tưởng nhớ đến hơn năm trăm đồng bào ta vô tội đã bị giặc Mỹ sát hại tại ngã ba Giồng Sắn, xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai) vào ngày 27/9/1964 và hướng tới Kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng sân bay Biên Hòa (31/10/1964 - 31/10/2014) của quân dân Biên Hòa; Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nhơn Trạch giới thiệu Đề cương tuyên truyền nhân tưởng niệm 50 năm xảy ra “Vụ thảm sát Giồng Sắn” huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.



1. Kế hoạch của đế quốc Mỹ ở chiến trường miền Nam giai đoạn 1964 - 1965

Trước những thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam của Mỹ và chính quyền bù nhìn tay sai ngụy quyền; Kế hoạch Staley - Taylo hoàn toàn bị phá sản, chế độ ngụy quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ. Để cứu vãn tình thế, tháng 3 năm 1964, Tổng thống Mỹ Giônxơn đưa ra kế hoạch chiến lược mới: “Kế hoạch Giônxơn - Mắc Namara” với âm mưu “Bình định” miền Nam trong vòng 02 năm (1964 - 1965). Tỉnh Biên Hòa là một trong những tỉnh nằm trong vùng trọng điểm “Bình định” của địch.

Để thực hiện kế hoạch, chúng đã tổ chức nhiều cuộc hành quân, càn quét, đánh phá sâu vào vùng căn cứ cách mạng của ta, lấn chiếm vùng giải phóng mà ta đã giành được trước đây. Ở phía Đông Bắc và Đông Nam Sài Gòn, địch tập trung lực lượng mở nhiều cuộc hành quân càn quét vào căn cứ Chiến khu Đ và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu,.. hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng của ta.

2. Ngày đau thương xảy ra tại ngã ba Giồng Sắn

Ngày 27/9/1964, đồng bào ở các xã Phú Hữu (Giồng Ông Đông), Đại Phước, Vĩnh Thanh, Phước Khánh là những xã ven Rừng Sác - huyện Nhơn Trạch đang hái củi, giăng câu về. Khoảng 16 giờ 00, ghe thuyền tập trung tại bến ngã ba Giồng Sắn, nơi nối với sông Ông Kèo thuộc xã Phú Hữu chuẩn bị đưa cá, tôm, củi lên bờ thì đột nhiên máy bay địch xuất hiện hàng chục đợt (mỗi đợt 03 chiếc) thi nhau thả bom xuống chỗ ghe thuyền đậu đông nhất của ngư dân. Hàng loạt tiếng nổ khủng khiếp liên tiếp nhau, những cột khói cuồn cuộn bốc lên phủ kín toàn bộ khu vực ngã 3 sông. Cả vùng trời xã Phú Hữu mịt mù khói lửa. Những cột nước dâng lên cao hàng chục mét rồi đổ ập xuống làm nhiều ghe thuyền mất thăng bằng lật úp. Nhiều ghe thuyền bị vỡ ra từng mảng, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Tiếng kêu, tiếng thét của phụ nữ và trẻ em cất lên thảm thiết, máu nhuộm đỏ cả một khúc sông. Trong lúc đó, máy bay địch vẫn từng tốp gầm rú, đuổi theo trút từng đợt bom xuống những đoàn người trong tay không một tấc sắt đang cố sức lê lết, dìu dắt nhau chạy trốn vô vọng dưới làn bom đạn tàn ác của kẻ thù.

Sau cuộc oanh kích của địch, ngã 3 Giồng Sắn chỉ còn lại một cảnh hoang tàn, tang tóc: Gần 50 ghe thuyền của ngư dân bị bom đạn phá tan tành, 536 người dân vô tội bị chết và hàng trăm người bị thương. Người chết trên cạn, người chết dưới nước, xác người chồng chất lên nhau. Nhiều xác người bị bom hất tung lên rớt xuống, kẹt chặt vào một tàu dừa,. nhiều xác tan tành mỗi nơi một mảnh. Một bà mẹ bị mảnh bom làm vỡ mảnh đầu chết ngồi, lưng dựa vào một thân cây dừa, trong lòng vẫn còn ôm chặt đứa con trai khoảng sáu tuổi. Đứa trẻ trong tay người mẹ cũng bị chết vì một mảnh bom văng trúng bụng, em chết mà tay vẫn còn ôm chặt cổ mẹ, mặt sợ hãi tột cùng. Nhiều xác bị văng ra xa đến ba, bốn ngày sau mới tìm thấy thì đã thối rữa.

3. Đảng bộ và nhân dân huyện Nhơn Trạch đấu tranh, phản đối và tố cáo tội ác của giặc Mỹ

Trước sự kiện tàn ác của kẻ thù, ngay ngày hôm sau Huyện ủy Nhơn Trạch đã tổ chức Hội nghị cán bộ và đề ra các chủ trương:

- Phát động trong toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân trên địa bàn huyện liên tục tố cáo tội ác của kẻ địch gắn với tổ chức các hành động tấn công kẻ địch và giải quyết hậu quả sau vụ thảm sát của giặc Mỹ gây ra.

- Tập trung lực lượng chính trị đấu tranh trực diện với tên Quận trưởng Nhơn Trạch và Quốc hội ngụy ở Sài Gòn, đòi chúng phải bồi thường sinh mạng và tài sản bị thiệt hại của hơn năm trăm đồng bào vô tội đã bị chúng sát hại vào ngày 27/9/1964.

- Các lực lượng vũ trang trong toàn huyện biến đau thương, thành hành động, tổ chức tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch; phối hợp với các lực lượng cách mạng mở các đợt phá ấp chiến lược; động viên sức người, sức của phục vụ tiền tuyến.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy Nhơn Trạch, đoàn biểu tình của nhân dân huyện Nhơn Trạch có hơn 1.000 đồng bào được chia ra làm 03 đoàn nhỏ, tay cầm băng rôn, biểu ngữ mang dòng chữ “Phản đối hành động giết hại dân lành hàng loạt của Mỹ - ngụy” kéo về quận lỵ Nhơn Trạch, tỉnh lỵ Biên Hòa và Sài Gòn. Cuộc đấu tranh nổ ra ở 03 nơi, dư luận xôn xao từ Biên Hòa, Sài Gòn và nhanh chóng lan rộng khắp nơi trong cả nước.

Sau đó, đoàn nhà báo một số nước (trong đó có cả nhà báo Mỹ) đã đến hiện trường chụp ảnh, đưa tin. Đài Tiếng nói Việt Nam cực lực tố cáo tội ác của Mỹ ngụy ở Giồng Sắn ra phạm vi toàn thế giới. Tiếp sau đó, đài Manila, đài BBC cũng đưa tin về vụ thảm sát do Mỹ ngụy gây ra ở Giồng Sắn.

Huyện ủy 02 huyện Nhơn Trạch và Long Thành đã tổ chức lễ truy điệu những người dân bị địch giết hại tại Giồng Sắn; đồng thời kêu gọi nhân dân 02 huyện giúp đỡ những gia đình bị nạn. Một phong trào sục sôi căm thù được phát động, không chỉ riêng 02 huyện Nhơn Trạch, Long Thành mà lan rộng trong toàn tỉnh Biên Hòa và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Tiêu biểu là trận pháo kích vào sân bay Biên Hòa ngày 31/10/1964, ta đã phá hủy 59 máy bay, trong đó có 21 máy bay B57, loại máy bay tối tân của Mỹ lúc bấy giờ mới đưa từ Philippin sang chuẩn bị gây tội ác ở miền Bắc, 11 máy bay AD 6, 01 máy bay do thám (U2), diệt và làm bị thương 293 tên địch, thiêu hủy và làm nổ tung hoàn toàn 02 kho đạn lớn, 01 kho xăng, 01 đài quan sát và 18 căn trại lính.

Thời gian trôi qua, miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. 50 năm sau sự kiện “Vụ thảm sát Giồng Sắn” nhưng nỗi đau của những gia đình có người thân chết trong vụ thảm sát do Mỹ - ngụy gây ra tại ngã ba Giồng Sắn vào ngày 27/9/1964 vẫn còn day dứt khôn nguôi. Mỗi khi nhắc lại cái ngày hãi hùng đó, không một người dân nào ở xã Phú Hữu và xã Phú Đông cầm được nước mắt. Những đau thương, mất mát của người dân Phú Hữu cùng tội ác man rợ của Mỹ - ngụy, chúng ta không được phép lãng quên. Phải nhắc nhở các thế hệ trẻ và những người đang sống về nỗi đau ấy. Để có được hạnh phúc, hòa bình ngày hôm nay đã phải trả giá bằng biết bao xương máu của đồng bào, chiến sĩ.

Chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ thành quả cách mạng, phát huy tinh thần bất khuất của dân tộc, ra sức thi đua xây dựng thành công Thành phố Nhơn Trạch theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa IX), góp phần xây dựng Đồng Nai ngày càng giàu đẹp, văn minh.


BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY NHƠN TRẠCH





tải về 19.53 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương