Vũ Thị Thành Lý Thị Quỳnh Trang



tải về 50.07 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích50.07 Kb.
#29677
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HOÁ BIỂN ĐẢO HUYỆN CÁT HẢI

Vũ Thị Thành

Lý Thị Quỳnh Trang

Cát Hải là một huyện đảo của thành phố Hải Phòng. Nơi đây đã hội tụ đầy đủ, các giá trị di sản văn hóa. Có thể nói di sản văn hoá huyện Cát Hải độc đáo về loại hình, có giá trị đặc biệt về văn hóa, du lịch. Trong tiến trình hội nhập, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cát Hải nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung.



1. Thực trạng di sản văn hoá và vấn đề bảo tồn ở huyện Cát Hải

Theo số liệu của phòng Văn hoá thể thao và du lịch huyện Cát Hải có 178 di tích, trong đó 15 di tích được xếp hạng. Nhiều di tích nổi tiếng, có giá trị về mặt lịch sử và khoa học tiêu biểu là các di chỉ: - Di chỉ cái Bèo thuộc thị trấn Cát Bà đã khai quật được hơn 479 công cụ bằng đá cuội, đồ gốm thô cứng làm từ đất sét, cát hạt khô và xương răng động vật. Những hiện vật này có niên đại khác nhau từ 4000- 7000 năm.

- Di chỉ Bãi Bến xã Hiền Hào đảo Cát Bà qua 3 lần khai quật có trên 500 hiện vật, điển hình là đồ đá và đồ gốm. Đây là dấu hiệu chứng tỏ có sự tụ cư ổn định, biết tìm địa thế thuận lợi gần hang động, nguồn nước ngọt, biết săn bắn hái lượm, bắt sò điệp và tìm ra lửa, chế tác vật dụng của người Việt cổ.

- Di chỉ Cát Đồn xã Xuân Đám khai quật được các hiện vật thuộc đồ đá và gốm như: bàn mài rãnh, bàn mài nhẵn, hòn kê, đồ gốm hoa văn đơn giản. Qua nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy các hiện vật này có niên đại vào khoảng 3.500 đến 3.700 năm. Hiện các hiện vật được lưu trữ tại Bảo tàng Hải Phòng và Viện Khảo cổ học Việt Nam.     

Bên cạnh các di chỉ khảo cổ ở Cát Hải còn có hệ thống các di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh phong phú, đa đạng. Năm 2004 Vườn Quốc gia Cát Bà được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Cát Bà có nhiều bãi tắm đẹp như: Cát Cò 1(Cát Tiên), Cát Cò 2 (Cát Đá Bằng), Cát Cò 3 (Cát Cò); Vịnh Lan Hạ; bãi tắm Tùng Thu, thu hút một lượng khách du lịch lớn hàng năm. Riêng năm 2012 khách du lịch đến Cát Bà đạt 1,3 triệu lượt trong đó khách quốc tế đạt 274.000 người.

Sinh hoạt văn hoá của cư dân vùng biển diễn ra khá đặc sắc được thể hiện qua lễ hội. Lễ hội được tổ chức hàng năm nhằm cầu an, cầu phúc với tín ngưỡng dân gian thờ thần, thờ thành hoàng, thờ đức thánh Đông Hải (những người có công khai dân lập ấp, anh hùng chống giặc ngoại xâm, giúp dân trị thuỷ, những vị thần tiên hiển linh). Lễ hội 21 tháng Giêng của thị trấn Cát Hải , lễ hội Làng Cá Cát Bà (lễ hội cầu ngư), lễ hội Xa Mã Hoàng Châu, lễ hội cầu lộc cầu tài đầu xuân đền Hiền Hào… với phần lễ mang mầu sắc huyền bí, gắn với truyền thống người Việt “uống nước nhớ nguồn”, ước vọng về sự an bình, khát vọng mùa màng bội thu. Song song với lễ hội là hoạt động trò chơi dân gian như đua thuyền trên biển, trò chơi chọi gà, đấu vật… thể hiện tinh thần thượng võ, lao động cần cù, yêu nước yêu quê hương của người dân vùng biển.

Về di tích lịch sử, huyện Cát Hải có một số di tích tiêu biểu như: cụm đình chùa Gia Lộc, đình Phù Long, đình chùa Hoàng Châu, đình Nghĩa Lộ. Đình chùa là nơi thể hiện tâm linh, tín ngưỡng của người dân Cát Hải. Tuy nhiên theo thời gian một số di tích đã bị xuống cấp như: tường bao của chùa Hoà Hy bị đổ, sàn chùa Gia Lộc bị ngập gây hư hại. Đồng thời, cổ vật, di vật tại một số di tích do bảo quản thiếu chặt chẽ dẫn đến tình trạng thất lạc, xuống cấp, mối mọt. Trước sự xuống cấp của một số di tích, Sở Văn hoá Thể thao và Du Lịch phối hợp với các cấp, các ngành trong huyện trên cơ sở kinh phí của Nhà nước và nhân dân đóng góp ủng hộ, đã tiến hành trùng tu, sửa chữa các di tích như: cụm đình chùa Gia Lộc, đình Phù Long, đình chùa Hoàng Châu, đình Nghĩa Lộ. Có một thực trạng cần quan tâm là sự sửa chữa phục dựng, tu bổ di tích tự phát, chắp vá làm mất mỹ quan và giá trị nguyên gốc của di tích.

Ngày nay, trong thời kỳ hội nhập vấn đề phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc càng trở nên cần thiết. Một trong những biểu hiện của việc phát huy bản sắc văn hoá dân tộc là yêu cầu bảo vệ, giữ gìn, phát huy, tôn tạo các di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 09/CP của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa; Nghị định số 73/1999/NĐ - CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao; các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở Cát Hải đã xác định việc giữ gìn bảo tồn di sản văn hóa là một nội dung quan trọng.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá biển đảo, huyện Cát Hải tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ về vai trò của di sản văn hoá trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó giúp người dân nâng cao ý thức, tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học của quần đảo Cát Bà.

Bên cạnh kết quả đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá huyện Cát Hải, vẫn còn một số hạn chế sau:



- Thứ nhất, nhận thức của các cấp, các ngành, toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của di tích đã được nâng cao nhưng chưa sâu sắc, toàn diện và chưa được cụ thể hóa bằng các biện pháp, kế hoạch, chương trình.

  - Thứ hai, lúng túng trong việc xử lý một cách hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong quá trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Cá biệt, có nơi vẫn tồn tại xu thế thương mại hóa di tích, đặt các mục tiêu, dự án phát triển kinh tế cao hơn mục tiêu bảo vệ di tích như: ở di chỉ khảo cổ học Cái Bèo, Bãi Bến, Cát Đồn.

  - Thứ ba, công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn thiếu định hướng, thiếu những chính sách, chế tài cụ thể để khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Các nguồn lực do dân đóng góp chưa được qui tụ dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước một cách chặt chẽ nên không được định hướng để sử dụng một cách có hiệu quả nhất.

  - Thứ tư, công tác tuyên truyền về di tích chưa được chú trọng, thông tin về di tích còn hạn chế. Hoạt động tổ chức giới thiệu tại di tích chưa được làm một cách khoa học, bài bản, chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong tổ chức khai thác du lịch và dịch vụ tại di tích. Một số di tích còn có hiện tượng sử dụng các “hướng dẫn viên không chuyên”, tranh giành giới thiệu di tích để áp đặt thù lao bất hợp lý, gây mất thiện cảm của du khách, ảnh hưởng tới hoạt động du lịch.

  - Thứ năm, năng lực tham mưu công tác của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở đã có những chuyển biến rõ rệt, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá huyện Cát Hải. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiêù hạn chế như: trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa cao, khả năng vận động quần chúng tham gia vào các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa chưa thực sự hiệu quả.

- Thứ sáu, Vườn quốc gia Cát Bà cũng có những khó khăn riêng: do đời sống khó khăn, thiếu đất canh tác nên người dân tại các khu vùng đệm khai thác trái phép gỗ và các lâm sản quý. Việc nuôi trồng thủy hải sản thiếu quy hoạch gây ô nhiễm môi trường biển. Bên cạnh đó, phương tiện hoạt động, nhiên liệu, trang thiết bị, kinh phí cũng là những nguyên nhân gây khó khăn cho việc bảo vệ Vườn quốc gia Cát Bà.

Xuất phát từ những thực trạng trên, để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá huyện Cát Hải thành những lợi thế, động lực phát triển kinh tế xã hội đòi hỏi phải có những giải pháp thiết thực và hiệu quả.



2. Một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá biển đảo huyện Cát Hải

Tăng cường và nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa huyện Cát Hải.

Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa có hiệu quả cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Cát Hải cần:

- Thực hiện hiệu quả Luật Di sản văn hóa, vận dụng linh hoạt các Nghị định của Chính phủ, Thành phố cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá địa phương.

- Phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn hyện như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... triển khai nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. Gắn công tác thi đua với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tới từng các cán bộ đảng viên, thị trấn, xã, khu dân cư nơi có di sản văn hóa.

- Mở các lớp tuyên truyền, tập huấn cho nhân dân để người dân thấy được họ vừa là người bảo vệ vừa là người được hưởng lợi từ việc bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa. Từ đó, người dân có ý thức và những hành động thiết thực nhất trong việc giữ gìn các di sản văn hóa.

- Trong công tác tuyên truyền cần chú trọng tới đối tượng thanh thiếu niên. Trước tiên, cần triển khai hiệu quả hai khẩu hiệu: "Di sản nằm trong tay thế hệ trẻ" của UNESCO và "Một chương trình thông tin đại cương" cho mọi người, bắt đầu từ trẻ em đến trường của Hội đồng quốc tế các di tích và di chỉ (ICOMOS). Thông qua những hoạt động ngoại khóa, những chương trình lồng ghép trong các môn học, dần dần đưa những giá trị cốt lõi, hồn dân tộc của các di sản văn hóa đến từng học sinh.

- Chủ động phối hợp với ban ngành liên quan, cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình trong huyện, thành phố thực hiện các chương trình về bảo vệ, phát huy di sản văn hóa huyện Cát Hải. Chính quyền địa phương chọn một ngày để tổ chức "Ngày di sản văn hóa huyện Cát Hải", phát động chiến dịch "Tôn trọng di sản văn hóa - môi trường". Dán băng rôn, khẩu hiệu ủng hộ chiến dịch ở những nơi công cộng trên địa bàn huyện thu hút sự chú ý của mọi người. Bằng những phương thức trên, vừa giới thiệu vừa tôn vinh di sản văn hóa huyện Cát Hải. Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân, khách du lịch vào việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa biển đảo Cát Hải.

Xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển kinh tế xã hội huyện Cát Hải

Để bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa đúng đắn, tạo nên một định hướng khoa học thì vấn đề quy hoạch luôn phải đi trước một bước. Trong công tác quy hoạch cần chú ý:



- Thứ nhất, phải khảo sát, kiểm kê, nghiên cứu lại toàn bộ các loại hình di sản văn hóa nhằm nhận diện, xác định giá trị, sức sống của các di sản văn hóa từ đó đề xuất hướng bảo tồn và phát huy.

- Thứ hai, chú ý quy hoạch di sản văn hóa trọng điểm và di sản văn hóa gắn với du lịch. Các di sản văn hoá trọng điểm là những di sản văn hoá đang xuống cấp, đang có nguy cơ mai một hay biến mất cần có kế hoạch lưu giữ, bảo vệ ngay. Đối với quy hoạch di sản văn hoá gắn với du lịch nên có sự tính toán, đề ra kế hoạch theo mốc thời gian cụ thể, với tầm nhìn chiến lược. Tuy nhiên, hoạt động du lịch nếu chỉ khai thác các di sản văn hóa một cách đơn lẻ thì hiệu quả mang lại không cao. Vì vậy, cần có sự gắn kết văn hóa - lịch sử - tâm linh, tài nguyên - nghỉ dưỡng, các công trình dịch vụ thể thao và giải trí biển, công trình phục vụ sự kiện du lịch, ẩm thực, các loại hình giải trí đa dạng trong môi trường biển tạo nên một tổng thể. Đi kèm với nó cần có một hệ thống dịch vụ tài chính, thương mại, thông tin viễn thông...

- Thứ ba, tổ chức những cuộc hội thảo, trưng cầu ý kiến của các chuyên gia, các cấp, các ngành liên quan đang hoạt động trong khu vực có di sản để góp ý cho bản quy hoạch. Ngoài ra, chú ý đến vai trò phản biện của người dân địa phương.

Đẩy mạnh công tác quản lí, giám sát và định hướng hoạt động bảo tồn, khai thác các di sản văn hóa

Về hoạt động quản lí, giám sát, kiểm tra xử lý

- Huyện Cát Hải cần triển khai có hiệu quả phân cấp về quản lí di sản văn hóa trên địa bàn huyện. Phòng Văn hoá Thông tin - Thể thao và Du lịch huyện Cát Hải trực tiếp quản lí hồ sơ của tất cả các di sản văn hoá; phân công chuyên viên quản, giám sát hoạt động bảo tồn, khai thác di sản văn hoá.

- Ban hành chính sách quản lí, sử dụng các nguồn tài chính của các di tích như tiền công đức, tiền bán vé, tiền tài trợ... theo định hướng ưu tiên sử dụng các nguồn thu của di tích cho việc tu bổ, tôn tạo di tích.

- Công tác quản lí di sản văn hoá vật thể nên có cơ chế quản lí mang tính chuyên biệt trên sơ sở tuân thủ nghiêm túc các quy định của Luật di sản văn hóa, Quy chế Bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh của bộ Văn hoá - thông tin.

- Việc bảo vệ chỉ giới cho các khu di tích, Vườn quốc gia Cát Bà cần được thực hiện nghiêm túc bằng cách: chuyển những hộ dân sinh sống trong chỉ giới bảo vệ di tích ra ngoài, giải toả họp chợ, kinh doanh buôn bán trái phép tại các khu di tích để trả lại cảnh quan, môi trường vốn có.

Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn liền với việc duy trì, phát triển loại hình văn hóa lành mạnh như lễ hội, cưới hỏi, tang ma.

Nhìn chung các loại hình văn hóa này của người dân huyện Cát Hải có sự kết hợp hài hòa giữa phong tục tập quán của người Việt Nam nói chung và mang những nét độc đáo riêng của người miền biển. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần đưa ra quy ước thực hiện nếp sống văn hóa mới để giữ lại được những nét sinh hoạt văn hóa quý giá đồng thời loại bỏ những yếu tố lạc hậu, phiền nhiễu không đáng có.



Khai thác các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể vào hoạt động du lịch mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khai thác, phát huy giá trị quý giá của các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể vào hoạt động phát triển du lịch là việc làm cần thiết. Hiện nay, du lịch cộng đồng đang trở thành một xu hướng. Tại các xã Xuân Đám, Trân Châu, Hiền Hào của huyện Cát Hải hoạt động du lịch cộng đồng đã được triển khai thí điểm tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa cao. Vì vậy, cần tập huấn nhân dân tham gia chương trình du lịch đưa đến cho họ những kiến thức cơ bản về hoạt động và triển khai du lịch cộng đồng. Chính quyền, người dân và doanh nghiệp khai thác du lịch cần phối hợp xây dựng chương trình du lịch cụ thể, phong phú; xây dựng cơ chế phân chia lợi ích trên nguyên tắc các bên cùng có trách nhiệm, lợi ích trong sự nghiệp phát triển du lịch bền vững.



Giải pháp xã hội hoá công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá.

Ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sức mạnh của cộng đồng dân cư nhất là nhân dân địa phương. Để làm tốt điều này cần:

- Ban hành những chính sách thu hút và tập hợp quần chúng vì sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa. Hình thành quỹ "Bảo tồn di sản văn hóa Cát Hải". Đồng thời, có hình thức khen thưởng thích đáng những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp trực tiếp cho công tác giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa.

- Chính quyền địa phương vận động các doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp trên địa bàn huyện kí kết các chương trình hỗ trợ thực hiện bảo tồn di sản văn hoá.



Chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lí, cán bộ chuyên môn làm công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá.

- Đối với cán bộ quản lí văn hoá: Tạo điều kiện cho cán bộ quản lí văn hóa học tập kinh nghiệm quản lí và khai thác tài nguyên văn hoá tại các tỉnh thành khác trong nước .

- Đối với cán bộ thực hiện công việc bảo tồn di sản văn hóa: chú trọng đào tạo cán bộ, thợ lành nghề có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu thực thi nghiệp vụ bảo quản, tu bổ, tôn tạo đối với các di sản văn hóa vật thể; đủ năng lực để nghiên cứu lập hồ sơ lưu trữ và hoạt động bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa.

- Đối với cán bộ văn hoá cơ sở: tạo điều kiện để cán bộ văn hoá cơ sở tham gia các lớp tập huấn về bảo tồn và phát huy di sản do huyện, thành phố hay trung ương tổ chức. Cung cấp cho họ những tài liệu hướng dẫn về di sản văn hoá để họ được tiếp cận, nghiên cứu vận dụng phù hợp với địa phương.



Tăng cường hội nhập, giao lưu giới thiệu văn hoá, con người Cát Hải

Đối với một đất nước, một dân tộc thì giao lưu văn hoá không chỉ là quy luật mà trở thành chiến lược phát triển quốc gia. Không nằm ngoài xu hướng trên, văn hoá biển đảo huyện Cát Hải muốn tồn tại và phát triển bền vững cần có sự giao lưu, hội nhập về con người, văn hoá. Do đó chính quyền, phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch huyện Cát Hải phải chủ động tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhất là khu vực miền Bắc, khu vực đồng bằng Sông Hồng để phát triển nguồn lực văn hóa biển đảo cho phát triển du lịch.



Trên cơ sở thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá huyện đảo Cát Hải, tác giả đã đưa ra sáu nhóm giải pháp cơ bản. Để các giải pháp này đạt được hiệu quả cao nhất thì chúng phải được thực hiện đồng bộ và kết hợp chặt chẽ với nhau. Điều này phụ thuộc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở, sự đồng lòng chung sức của nhân dân nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá một cách tốt nhất, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân huyện Cát Hải nói riêng, thành phố Hải Phòng nói chung.
Каталог: PortalFolders -> ImageUploads -> ttkhxhvnv -> 2026
ImageUploads -> Nghị định của Chính phủ số 107/2004/NĐ-cp ngày 01 tháng 4 năm 2004 quy định số lượng Phó Chủ tịch và cơ cấu thành viên Uỷ ban nhân dân các cấp
ImageUploads -> BỘ XÂy dựng
ImageUploads -> Nghị ĐỊnh của chính phủ SỐ 75/2006/NĐ-cp ngàY 02 tháng 8 NĂM 2006 quy đỊnh chi tiết và HƯỚng dẫn thi hành một số ĐIỀu của luật giáo dụC
ImageUploads -> HỘI ĐỒng nhân dân quận kiến an số: 25 /2006/nq – HĐND­3
2026 -> BẪy thu nhập trung bình và Ứng phó CỦa viỆt nam ts. Nguyễn Trần Minh Trí
2026 -> Du lịch vùng đỒng bằng sông hồNG: SẢn phẩm sinh thái nhân văn là DÒng chủ LƯU
2026 -> BÌnh luận về miễn trách nhiệm do VI phạm hợP ĐỒng tạI ĐIỀU 294 luật thưƠng mạI 2005 ThS. Bùi Hưng Nguyên
2026 -> THÀnh phố hoa phưỢng đỎ
2026 -> TÁC ĐỘng của tpp vớI ĐỊnh hưỚng phát triển công nghiệp của hải phòng ts. Nguyễn Xuân Quang

tải về 50.07 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương