VỤ phát triển khoa học và CÔng nghệ ĐỊa phưƠNG



tải về 121.7 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích121.7 Kb.
#16227

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VỤ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC

VÀ CÔNG NGHỆ ĐỊA PHƯƠNG


Số: 35 / BC-ĐP



CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập- Tự do- Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 02 tháng 3 năm 2015

BÁO CÁO


KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ VÙNG ĐÔNG NAM BỘ GIAI ĐOẠN 2011- 2015


Giai đoạn 2011 - 2015, cùng với các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ngành KH&CN các tỉnh, thành phố đã nỗ lực thực hiện Quyết định số 1244/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 2011 - 2015; Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020; Quyết định số 809/QĐ-BKHCN, ngày 25/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Kh&CN về việc ban hành Chương trình hành động về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KTXH 2011-2020. Đặc biệt, triển khai thực hiện Luật KH&CN sửa đổi (2013); xây dựng và triển khai công tác theo Nghị quyết số 46/NQ- CP, ngày 29/3/2013 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20 - NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI về “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Năm 2014, là năm đầu tiên tổ chức Ngày KH&CN Việt Nam (18/5) và cũng là năm ngành khoa học & công nghệ Việt Nam tròn 55 năm ngày thành lập (1959 - 2014).

Với mục tiêu: Đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH&CN; đặc biệt, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá, giai đoạn 2011 - 2015, hoạt động KH&CN các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ đã đạt được những kết quả như sau:

I. Công tác tham mưu, tổ chức bộ máy và phát triển tiềm lực KH&CN

1. Công tác tham mưu cụ thể hóa văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN

Với tinh thần đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KH&CN trong tình hình mới, Sở KH&CN các tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh ban hành 46 văn bản quản lý nhà nước nhằm cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN của Đảng và Nhà nước sát với tình hình thực tiễn hoạt động ở các địa phương.

Trong đó có những văn bản thể hiện tính chủ động, kịp thời của các địa phương trong công tác quản lý, thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được giao1.

2. Về xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy và phát triển tiềm lực KH&CN

2.1 Hệ thống tổ chức bộ máy

Theo số liệu báo cáo, đến nay tổng số cán bộ công chức, viên chức, hợp đồng lao động của các Sở trong vùng là 3897 người, trong đó trình độ thạc sĩ trở lên có 587 người (chiếm tỷ lệ 15,1 %). Có 3623 người có trình độ quản lý nhà nước từ ngạch chuyên viên trở lên, trong đó có 21 người là CVCC hoặc tương đương (chiếm 0,06%) và 117 người là CVC (chiếm 3,2%) (Bảng 2. Phụ lục).

- Tổ chức bộ máy của các Sở KH&CN được kiện toàn theo Thông tư liên tịch số 05/2008/TTLT-BKHCN-BNV ngày 18/6/2008 của Bộ KH&CN và Bộ Nội Vụ về việc Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về KH&CN thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ngày càng được củng cố và phát huy có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước. Nhân lực KH&CN của các Sở được củng cố và phát triển về chất lượng và số lượng2.

- Tăng cường công tác đào tạo nghiệp vụ quản lý KH&CN, trang bị cơ sở vật chất và thực hiện tốt các chế độ, chính sách về tài chính, hoạt động KH&CN cấp huyện/thị ngày càng được nâng lên. Mô hình cử cán bộ chuyên trách về KH&CN tại các huyện/thị ở một số Sở (Đồng Nai, Bình Thuận) cũng đã thúc đẩy và đem lại hiệu quả cho hoạt động KH&CN tại địa bàn cơ sở.

- Thông qua việc chuyển đổi hoạt động theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập, các đơn vị sự nghiệp sau khi chuyển đổi đã phát huy được thế mạnh và từng bước ổn định tổ chức bộ máy và nhân sự, thu nhập ngày càng tăng lên, chủ động hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi cũng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc: Tổ chức KH&CN vừa chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp vừa chịu sự điều chỉnh của Luật KH&CN nên gặp một số khó khăn về tài chính, thuế, bổ nhiệm cán bộ; văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ về việc thực hiện các quyền tự chủ của tổ chức KH&CN nên dẫn đến các thủ trưởng tổ chức KH&CN chưa phát huy hết một số quyền tự chủ theo quy định của Nghị định 115/2005/NĐ-CP.

2.2. Phát triển tiềm lực KH&CN

Qua bảng tổng hợp kinh phí hoạt động KH&CN giai đoạn 2011 - 2015 ((Bảng 4a và 4b - Phụ lục) cho thấy:

- Tổng kinh phí sự nghiệp KH&CN cân đối qua ngân sách địa phương cho 7 tỉnh/thành phố trong Vùng là: 2.520.421 triệu đồng; kinh phí được UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt là 2.476.309 triệu đồng (đạt 98,2%); kinh phí thực hiện được 2.294.666 triệu đồng (đạt 92,7 % so với UBND phê duyệt).

- Tổng kinh phí chi đầu tư phát triển KH&CN cho các tỉnh/thành phố trong vùng là 4.266.000 triệu đồng, kinh phí được UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt là 3.383.932 triệu đồng (đạt 79,3%); kinh phí thực hiện được 3.697.190 triệu đồng (đạt 109,2%).

- Tổng kinh phí xã hội hóa: 53.691.000 triệu đồng (trong đó Bình Thuận: 25.589 triệu đồng; Đồng Nai: 24.915 triệu đồng và TP. Hồ Chí Minh: 3.187 triệu đồng)

Nhìn chung nguồn kinh phí đầu tư phát triển cho KH&CN trung ương cân đối cho các địa phương trong 5 năm qua đã được các địa phương sử dụng đúng cho mục đích/ đối tượng phát triển tiềm lực KH&CN như: tăng cường tiềm lực cho công tác đo lường, kiểm định, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho các đơn vị sự nghiệp của các sở KH&CN đang trên lộ trình chuyển đổi theo nghị định 115/NĐ- CP, xây dựng các phòng thí nghiệm, thử nghiệm của các tổ chức KH&CN thuộc các sở ban ngành, các điểm truy cập thông tin, các trung tâm thông tin...

Tuy nhiên vẫn có một vài địa phương bố trí sử dụng cho những lĩnh vực khác như: làm đường giao thông; xây đập, lập mạng lưới quan trắc tài nguyên3...

II. Kết quả hoạt động KH&CN trên các lĩnh vực

1. Hoạt động nghiên cứu triển khai

Theo báo cáo của các tỉnh/thành phố, giai đoạn 2011 - 2015, đã có 1156 nhiệm vụ KH&CN được triển khai.

Với chủ trương hoạt động nghiên cứu triển khai ở địa phương phải tập trung theo hướng nghiên cứu ứng dụng nên phần lớn kết quả nghiên cứu từ các đề tài/ dự án đã được ứng dụng ngay vào thực tế sản xuất và đời sống của địa phương.

Các địa phương đã chú trọng đến hoạt động nghiên cứu để nâng cao giá trị sản phẩm, năng suất, chất lượng hàng hóa, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh/thành phố. Ngoài ra, yếu tố Vùng - Miền, thế mạnh, sản phẩm chủ lực của từng địa phương cũng được thể hiện rất rõ trong việc xác định, triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN (Xem số liệu tại Bảng 6 và 7 Phụ lục kèm theo) được chia theo tỷ lệ:

- Khoa học nông nghiệp chiếm 28,5 %.

- Khoa học kỹ thuật và công nghệ chiếm 24,1 %.

- Khoa học xã hội và nhân văn chiếm 27,7%.

- Các lĩnh vực y - dược, khoa học tự nhiên chiếm 19,6 %.



a. Lĩnh vực khoa học nông nghiệp

Tập trung nghiên cứu, phát triển một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn của Vùng như: Thủy - Hải sản; Khảo nghiệm các loại giống cây, con mới cho năng suất, chất lượng cao; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cơ khí, tự động hoá, công nghệ sinh học vào bảo quản, chế biến, chăn nuôi, trồng trọt theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, quy mô công nghiệp và trang trại, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tỉnh Đồng Nai còn ban hành Chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2011-2015.4

Ngoài ra, nhiều kết quả nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng và bảo vệ môi trường sinh thái đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để xuất khẩu. (Bình Thuận: Hoàn thiện kỹ thuật canh tác kiểm soát sâu bệnh bảo đảm cho sản phẩm Thanh Long xuất khẩu; Đồng Nai:Xây dựng và phát triển mô hình cây thanh long ruột đỏ có hiệu quả cao tại huyện Trảng Bom tỉnh Đồng Nai - Trước đây huyện Trảng Bom chưa trồng cây thanh long ruột đỏ, sau khi thực hiện dự án đã mang lai hiệu quả kinh tế 150.000.000 đ/ha/năm lợi nhuận sau khi trừ chi phí. Sau gần 3 năm triển khai đã có doanh thu là 30 tỷ đồng trong khi chi phí cấp cho dự án ban đầu chỉ 2,3 tỷ đồng)5.



b. Lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

Tập trung việc nghiên cứu hoàn thiện các sản phẩm chính của các doanh nghiệp, phát triển các sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường. Tập trung đầu tư đổi mới công nghệ cho những khâu cơ bản, quyết định chất lượng sản phẩm. Nghiên cứu, chế tạo ra một số dây chuyền công nghệ thiết bị đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và sản xuất hàng tiêu dùng, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá 6.



c. Khoa học Y - Dược

Với mục tiêu làm chủ và phát triển y tế kỹ thuật cao kết hợp sử dụng vốn quý của nền y học cổ truyền Việt Nam, tạo ra tiềm lực KHCN trong lĩnh vực y tế tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế. Các đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực Y - Dược đã được quan tâm đầu tư tập trung vào nghiên cứu, đề xuất giải pháp chuyển giao các kỹ thuật công nghệ, giải pháp phòng và điều trị các bệnh trong y tế cộng đồng như: “Thiết lập quy trình kỹ thuật trong chẩn đoán di truyền tiền làm tổ các phôi thụ tinh trong ống nghiệm”, nghiên cứu là tiền đề cho nhiều nghiên cứu thực nghiệm khác trong điều trị hiếm muộn. Đây là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam và là mô hình trong việc phối hợp nhiều nguồn lực trong xã hội cho hoạt động nghiên cứu triển khai và hợp tác quốc tế. Đã triển khai áp dụng tại khoa Hiếm muộn, Bệnh Viện Vạn Hạnh và đơn vị xét nghiệm phòng khám đa khoa An Phúc; Nghiên cứu chẩn đoán bệnh Tay chân miệng, hỗ trợ điều trị tốt hơn cho trẻ hạn chế các biến chứng xảy ra và hiện nay vẫn đang được áp dụng “Nghiên cứu bệnh tay chân miệng ở trẻ em bằng áp dụng kỹ thuật real - time RT-PCR” (TP. Hồ Chí Minh). “Nghiên cứu, áp dụng phương pháp GINA-2002 trong điều trị bệnh hen phế quản ở Tây Ninh ». Sau khi nghiệm thu, đề tài đã được báo cáo kinh nghiệm cho nhiều cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh được đội ngũ y, bác sĩ đánh giá cao về giá trị ứng dụng và triển khai hiệu quả. Ngoài ra còn được Bằng khen của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; đạt giải Nhì trong Hội thi Sáng tạo khoa học và công nghệ năm 2010-2011; Bằng khen của LĐLĐ tỉnh Tây Ninh; Bằng lao động sáng tạo do BCH TLĐLĐ Việt Nam và Hội đồng Qũy tài năng sáng tạo nữ. Giải thưởng tài năng sáng tạo nữ năm 2011, 2012...



d. Lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn

Các đề tài/dự án thuộc lĩnh vực này được triển khai khá toàn diện về các mặt đời sống, xã hội, con người là cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng mô hình nông thôn mới dựa vào cộng đồng; bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc, tuyên truyền, giới thiệu những giá trị văn hoá truyền thống của từng địa phương. Một số đề tài tiêu biểu: "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em" của tỉnh Bình Phước; "Sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị truyện cổ dân gian Chăm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận"; "Giá trị trường ca viết về Bình Thuận trong thời kỳ chống Mỹ sau năm 1975"; "Thành lập công đoàn cơ sở, tổ chức hoạt động và phát triển đoàn viên ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài" của tỉnh Tây Ninh; "Nghiên cứu xây dựng mô hình xã hội học tập cấp xã (phường, thị trấn), huyện (thành phố, thị xã) và cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai"; "Giải pháp nâng cao hiệu quả kết hợp sử dụng giữa hệ thống thông tin quân sự và thông tin dân sự bảo đảm tác chiến khu vực phòng thủ tỉnh Đồng Nai trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc"; "Văn hóa ứng xử trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Đồng Nai" ; "Thực trạng và một số giải pháp xây dựng đời sống văn hóa nông thôn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2013 - 2020, định hướng 2030 ; Sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị loại hình hát ngâm "hari" của tộc người Raglai ở tỉnh Bình Thuận" ; "Xây dựng quy trình công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng ở Đảng bộ tỉnh Tây Ninh"… 

 e. Khoa học Tự nhiên

Theo báo cáo của các địa phương, các kết quả điều tra cơ bản và nghiên cứu về điều kiện tự nhiên đã tạo luận cứ khoa học cho các phương án phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của từng địa phương, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phòng chống thiên tai. Một số kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong thực tiễn như: Đề tài Xây dựng cơ sở dữ liệu và biên hội loạt bản đồ địa chất công trình tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”; "Điều tra chỉnh lý bản đồ đất, xây dựng bản đồ đánh giá đất đai 1/50.000, đề xuất định hướng sử dụng tài nguyên đất tỉnh Bình Dương"; “Điều tra tổng thể đa dạng sinh học Vườn quốc gia Bù Gia Mập” của tỉnh Bình Phước



3- Hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bảng 11- Phụ lục)

Theo báo cáo, công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã tổ chức kiểm định được 1.120.640 lượt các phương tiện đo; tiến hành thử nghiệm 39.686 mẫu thử nghiệm; 1.298 đơn vị được cấp chứng chỉ áp dụng hệ thống ISO; 1.710 tiêu chuẩn kỹ thuật mới được ban hành.

Hoạt động TCĐLCL của các địa phương đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chống gian lận thương mại, bảo vệ quyền, lợi ích của người tiêu dùng và trật tự trong sản xuất kinh doanh.

4- Hoạt động quản lý công nghệ và an toàn bức xạ hạt nhân

4.1. Quản lý công nghệ (Bảng 8-Phụ lục)

Các Sở KH&CN trong Vùng đã đẩy mạnh công tác quản lý công nghệ, tổ chức và tham gia thẩm định công nghệ các dự án đầu tư, thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ, góp ý và tư vấn về công nghệ, kiểm tra hoạt động chuyển giao công nghệ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải, y tế, sản xuất công nghiệp, quy hoạch đô thị, góp phần ngăn chặn công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường thâm nhập vào địa phương.

Trong 5 năm qua (2011- 2/2015), toàn Vùng đã thẩm định 133 dự án đầu tư; thẩm định 72 hợp đồng chuyển giao công nghệ; tổ chức nhiều cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm, mô hình tổ chức công tác QLNN về công nghệ.

Đặc biệt, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai là một trong số ít địa phương trong cả nước đã chủ động điều tra hiện trạng công nghệ hàng năm để kịp thời tham mưu UBND và cung cấp số liệu cho các Sở, ban, ngành hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh7...



4.2 Quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân (Bảng 9-Phụ lục)

Các Sở KH&CN trong Vùng đã hướng dẫn hồ sơ cấp phép cho gần 1.367 cơ sở; thẩm định, cấp phép, gia hạn cho 1.400 cơ sở đủ tiêu chuẩn về an toàn bức xạ; thường xuyên kiểm tra an toàn và kiểm soát bức xạ hạt nhân tại các cơ quan, đơn vị có sử dụng nguồn phóng xạ.

Đặc biệt năm 2014, với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, Sở KH&CN Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ và Thành phố nhanh chóng tìm được thiết bị chứa nguồn phóng xạ hạt nhân của Công ty TNHH Apave Châu Á - Thái Bình Dương - chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh bị mất cắp. Đó cũng là tiền đề để Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố hạt nhân trên địa bàn thành phố, để có quy trình xử ly tốt nhất khi các sự cố không mong muốn xảy ra; phân cấp cho các tỉnh thành đặc biệt là thành phố lớn như TP HCM quản lý tốt các thiết bị, nguồn phóng xạ ứng dụng trong công nghiệp, y học và các ngành dịch vụ khác.

5- Hoạt động sở hữu trí tuệ (Bảng 10 - Phụ lục)

Các địa phương đã tập trung tuyên truyền phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn như: tổ chức các sự kiện nhân ngày Sở hữu trí tuệ thế giới, thiết kế, in các ấn phẩm tuyên truyền và phát trên Đài phát thanh và truyền hình địa phương. Từ năm 2011 - 2014, đã có 45.379 đơn đăng ký về sở hữu trí tuệ; 32.205 văn bằng chứng chỉ bảo hộ đã được cấp. Hình thành nguồn dữ liệu và xây dựng hồ sơ dự án tham gia chương trình phát triển tài sản trí tuệ theo Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 6 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đến 2020. Rất nhiều sản phẩm đã được công nhận thương hiệu mang lại giá trị kinh tế, mở rộng vùng sản xuất và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.



6- Về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ (Bảng 10 - Phụ lục)

Các địa phương đã phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình, báo chí ở địa phương để tuyên truyền về KH&CN; tổ chức phát hành nhiều ấn phẩm thông tin như tạp chí, bản tin điện tử, phim tư liệu... Đến nay, 7/7 địa phương trong Vùng đã thiết lập Websites và sử dụng Internet để trao đổi thông tin. Tham gia sử dụng, tổ chức hội nghị trực tuyến và khai thác thông tin hiệu quả.



7- Hoạt động thanh tra khoa học và công nghệ (Bảng 12 - Phụ lục)

Nhận thức rõ vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công tác quản lý nhà nước, trong thời gian qua, các địa phương đã chủ động tham mưu cho các cấp quản lý xây dựng kế hoạch và tổ chức các đợt thanh tra định kỳ, thanh tra chuyên đề, thanh tra, kiểm tra đột xuất các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Theo báo cáo của các Sở KH&CN, từ năm 2011 - 2014, các địa phương đã tổ chức 1.399 cuộc thanh tra, kiểm tra; đã có 4.324 lượt tổ chức, cá nhân được thanh tra, kiểm tra; phát hiện và xử lý 529 vụ vi phạm; tổng số tiền xử phạt là 5.833.854.906 đồng.



8- Hoạt động khoa học và công nghệ cấp huyện

Hiện nay hoạt động KH&CN cấp huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Một số lớn các địa phương đã ban hành văn bản quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về KH&CN thuộc UBND cấp huyện. Nhiều địa phương đã tiến hành hướng dẫn, bố trí nhân sự, kinh phí và nhiệm vụ cho cấp huyện hoạt động. Hoạt động KH&CN cấp huyện, thực hiện theo tinh thần Thông tư 05/2008/TTLT-BKHCN-BNV ngày 18/6/2008 của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nội vụ về Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về KH&CN thuộc UBND cấp tỉnh, huyện. Hoạt động KH&CN cấp huyện chủ yếu là chuyển giao, nhân rộng mô hình sản xuất nông lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái8.

9. Kết quả hỗ trợ doanh nghiệp

Cùng với việc đẩy mạnh công tác quản lý công nghệ, tổ chức và tham gia thẩm định công nghệ các dự án đầu tư, thực hiện thông báo kết luận giao ban KH&CN các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ lần thứ XII tại tỉnh Tây Ninh, các Sở KH&CN trong vùng đã quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) đổi mới công nghệ, cải tiến sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu... để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

- TP. Hồ Chí Minh: Từ những kết quả thành công của chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa với chi phí thấp, tạo ưu thế cạnh tranh tổng hợp và đẩy mạnh xuất khẩu” giai đoạn năm 2000 – 2010, đã tổ chức triển khai chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế chế tạo thiết bị, sản phẩm thay thế nhập khẩu” giai đọan 2011 – 2015 nhằm phát huy nguồn lực của các doanh nghiệp và tập trung nguồn lực khoa học-công nghệ trên địa bàn thành phố (10 doanh nghiệp được hỗ trợ 83 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành sản phẩm 20-60%); Chương trình tiết kiệm năng lượng trong 10 năm đã hỗ trợ 500 doanh nghiệp kiểm toán năng lượng, 100 doanh nghiệp phát triển hệ thống chất lượng; trong Chương trình tái cấu trúc doanh nghiệp, KH&CN đã hỗ trợ 11 tổng công ty, 26 doanh nghiệp một thành viên xây dựng đề án tái cấu trúc... Có 38 đề tài, dự án được hỗ trợ trong giai đoạn 2011 – 2015, trong đó kinh phí ngân sách duyệt đầu tư hỗ trợ một phần là 26,14 tỷ đồng (khoảng 42,5%), ước tính tổng doanh thu từ sản phẩm của các đề tài, dự án mang lại là 325,13 tỷ đồng9.

Ngoài ra, còn hỗ trợ đào tạo, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp; Hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn đầu tư đổi mới công nghệ thông qua Quỹ phát triển khoa học và công nghệ thành phố, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và Chương trình kích cầu; Triển khai Chương trình ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.

- Đồng Nai: Thông qua Chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập giai đoạn 2011-2015 (được ban hành theo Quyết định số 1852/QĐ-UBND ngày 26/7/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai). Sở KH&CN Đồng Nai đã hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, tiết kiệm năng lượng; nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, chế tạo nguyên vật liệu mới hoặc sử dụng các nguyên vật liệu trong nước thay cho nhập khẩu; các dự án sản xuất sạch. Hỗ trợ các đơn vị xây dựng và áp dụng các hệ thống ISO trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (49 doanh nghiệp); tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ (114 doanh nghiệp)... Đến nay đã có 02 doanh nghiệp trên địa bàn báo cáo thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ doanh nghiệp (Tổng Công ty cao su Đồng Nai và Công ty Sonadezi Đồng Nai) với tổng số vốn là 9,445 tỷ đồng.

- Bình Dương: Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 đến 31/12/2014 đã hỗ trợ cho 162 tổ chức, cá nhân với 262 đơn (12 sáng chế, 27 kiểu dáng công nghiệp, 04 nhãn hiệu tập thể, 219 nhãn hiệu). Tổng số tiền hỗ trợ đến nay là 524,738 triệu đồng. Năm 2013 UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt đề án “Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương đến năm 2015 định hướng đến năm 2020”, trong đó chỉ đạo xây dựng sản phẩm du lịch phải gắn xây dựng thương hiệu của sản phẩm.

- Tây Ninh: Chương trình hỗ trợ PTTSTT giai đoạn 2012 - 2015 đã cấp kinh phí hỗ trợ theo quy định cho 03 cơ sở, doanh nghiệp. Dự án nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa: Hỗ trợ 03 doanh nghiệp áp dụng HTQL và 1 doanh nghiệp áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh”: trong năm 2013, 2014 hướng dẫn 12 hồ sơ; xét duyệt 01 hồ sơ được hỗ trợ kinh phí theo quy định, tuy nhiên doanh nghiệp không cung cấp đáp ứng yêu cầu chứng từ theo quy định để được hỗ trợ kinh phí cụ thể.

- Bình Phước: Từ năm 2011 - 2013, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ được 07 doanh nghiệp đổi mới công nghệ với kinh phí hỗ trợ hơn 2,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp trong tỉnh, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ đã xét chọn cho 04 đơn vị được vay vốn đổi mới công nghệ với lãi suất ưu đãi là 0 %; kinh phí hỗ trợ vay vốn gần 8 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2015 đã xét chọn 03 dự án đổi mới công nghệ với kinh phí hỗ trợ là 430,8 triệu đồng.



- Bình Thuận: Hỗ trợ dự án Đầu tư trang thiết bị và chuyển giao công nghệ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chế biến từ quả thanh long”. Các sản phẩm chế biến từ thanh long đều là các sản phẩm mới chưa từng có trước đó. Sản phẩm tạo ra đã được lưu thông trên thị trường, được cơ quan chức năng chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và được phép kinh doanh trên thị trường. Hỗ trợ 02 doanh nghiệp của tỉnh vay vốn ưu đãi của Quỹ phát triển KHCN để phát triển giống lúa xác nhận và giống mè đen tại địa phương với tổng vốn vay là 980 triệu đồng, với lãi suất 6% năm và 4% năm.

Ngoài ra hỗ trợ cho các doanh nghiệp đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm, tham gia các giải thưởng, hệ thống quản lý chất lượng ISO.

- Bà Rịa - Vũng Tàu: Đến hết năm 2014, chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” đã hỗ trợ cho 35 lượt doanh nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ là 2.965 triệu đồng; dự kiến trong năm 2015 có khoảng 50 doanh nghiệp được hỗ trợ với tổng kinh phí ước tính 6.100 triệu đồng.

III. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu Chiến lược KH&CN

- Qua tổng hợp báo cáo của các tỉnh, thành phố, có thể thấy rằng việc đánh giá giá trị TFP của các địa phương đang là một bài toán khó vì chưa có dữ liệu và phương pháp tính toán thống nhất (trừ 3 tỉnh, thành phố là Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh)10. (Bảng 3 - Phụ lục)

- Về tỷ lệ % sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong giá trị sản xuất công nghiệp: Chưa có tỉnh, thành phố nào trong Vùng có phương pháp tính toán. Đến như TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai đã phân loại rõ nhóm ngành công nghiệp có công nghệ tiên tiến nhưng cũng không thể tính toán cụ thể.

Nguyên nhân: Bản thân các chỉ tiêu xác định sản phẩm công nghệ cao không giúp phân định được giá trị đóng góp của công nghệ cao của doanh nghiệp nước ngoài và của doanh nghiệp nội địa. Ví dụ như năm 2011, giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao của riêng Công ty Samsung Việt Nam đã đạt 5 tỷ USD, song giá trị gia tăng nội địa ước tính chỉ đạt 5-10% vì hầu hết nguyên phụ liệu phải nhập khẩu và chủ yếu chỉ thực hiện lắp ráp. Tình trạng này cũng tương tự ở hầu hết các doanh nghiệp lắp ráp hàng điện tử gia dụng khác ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Hơn nữa, hàm lượng công nghệ cao trong các ngành công nghiệp sản xuất hoàn toàn không phụ thuộc vào đóng góp giá trị kinh tế của ngành

- Về tốc độ đổi mới công nghệ và phát triển thị trường KH&CN

+ TP. HCM và Đồng Nai là 02 địa phương có tốc độ đổi mới công nghệ và phát triển thị trường KH&CN tốt nhất trong cả Vùng. Nếu như ở TP. Hồ Chí Minh đang từng bước thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu11 thì ở Đồng Nai Nai đã phát triển mô hình tổ chức Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) nông thôn trên địa bàn các huyện thành ngày hội ruộng đồng hàng năm. Đây là một mô hình đặc trưng và có hiệu quả nhằm giới thiệu, phổ biến rộng rãi các thành tựu khoa học và công nghệ, các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống phục vụ phát triển kinh tế-xã hội các vùng nông thôn. Người dân có thể trực tiếp trao đổi với các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà cung cấp về các vấn đề liên quan trong thực tế sản xuất và đời sống.12

- Đến nay, toàn vùng đã có 23 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN. Một con số quá nhỏ so với số lượng doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

IV. Đánh giá khái quát những thành tựu và hạn chế trong hoạt động KH&CN của vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2011- 2015

1. Thành tựu

- Đã cụ thể hóa và ban hành khá đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về chủ trương, chính sách phát triển KH&CN phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động của các địa phương.

- Đã có sự quan tâm, sát cánh hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện đại; thiết lập cơ chế ươm tạo công nghệ, phát triển doanh nghiệp KH&CN; chú trọng đến ưu tiên, sử dụng, trọng dụng, phát triển nguồn nhân lực KH&CN.

- Hoạt động nghiên cứu - triển khai đã đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng các ngành kinh tế của các địa phương, có tác động to lớn trong việc phát triển các ngành sản xuất, đạt được nhiều thành tựu trên một số lĩnh vực như: nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng, y tế... Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng thành công, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống (Bảng 13-Phụ lục).

- Các nhiệm vụ KH&CN đã bám sát nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, các nhiệm vụ có địa chỉ ứng dụng cụ thể, thậm chí thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.

- Bước đầu xác định các sản phẩm ưu tiên, mũi nhọn, có tiềm năng để đầu tư nghiên cứu.

- Thông qua truyền thông và các hoạt động liên quan (Techmart, Ngày hội ruộng đồng, sàn giao dịch…) tạo sự chuyển biến nhận thức của nhân dân về vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội; huy động các lực lượng xã hội (xã hội hóa) đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

- Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã hướng tới doanh nghiệp, xác định doanh nghiệp là trọng tâm đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá.



2. Hạn chế

- Nguồn kinh phí chi cho KH&CN chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, các nguồn xã hội hóa khác còn rất thấp. Đặc biệt đầu tư của các doanh nghiệp cho KH&CN chưa được quan tâm nhiều và chưa có cơ chế chính sách bắt buộc các doanh nghiệp phải trích lợi nhuận trước thuế để đầu tư, mà trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ khuyến khích doanh nghiệp trích 10% lợi nhuận trước thuế để thành lập quỹ đầu tư KH&CN.

- Chưa có phương pháp tính toán hợp lý để định lượng và đánh giá được mức đóng góp cụ thể của KH&CN trong quá trình phát triển kinh tế -xã hội của các địa phương (giá trị TFP; tỷ lệ % giá trị sản phẩm công nghệ cao; Tỷ lệ % đổi mới công nghệ hang năm…).

- Hoạt động KH&CN vẫn còn bị dàn trải, khả năng huy động vốn ngoài xã hội đầu tư cho hoạt động chưa nhiều, chưa thống kê được giá trị cụ thể.

- Chưa tạo ra được những nhóm nghiên cứu, tập thể nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản (tại các trường đại học, viện nghiên cứu) cũng như đội ngũ (cả hệ thống tổ chức và con người) chuyên nghiệp trong việc chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu và sản xuất.

- Hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu còn ở giai đoạn khởi xướng, một số kết quả nghiên cứu chưa thực sự hiệu quả do thời gian nghiên cứu kéo dài không đáp ứng được tính cấp thiết.

- Thủ tục hành chính liên quan đến công tác nghiên cứu khoa học chậm cải tiến13; quy trình quản lý, tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học còn nặng nề, hình thức; chưa quyết liệt trong xử lý một số đề tài, dự án thực hiện kéo dài nhiều năm, chậm trễ so với thời hạn qui định và thu hồi một phần kinh phí dự án theo qui định nhà nước.

- Quá trình đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn rất chậm. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp chủ yếu là trung bình và thấp dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước chưa cao; Việc nghiên cứu giải mã và nội địa hóa công nghệ nước ngoài đã được thực hiện nhưng chưa nhiều và chưa góp phần tích cực vào việc nâng cao trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn.

- Mối liên kết giữa nhà khoa học - nhà quản lý - doanh nghiệp chưa thật sự chặt chẽ. Sản phẩm nghiên cứu chưa thực sự bám sát với nhu cầu doanh nghiệp. Nhiều đề tài nghiên cứu còn ở quy mô nhỏ và tính phổ biến ứng dụng còn hạn chế. Việc đầu tư cho nghiên cứu chưa tập trung giải quyết được những vấn đề lớn, cấp thiết của Vùng.

- Sở KH&CN ở các địa phương chưa thực hiện tốt chức năng tham mưu cho lãnh đạo địa phương trong việc lựa chọn sản phẩm có lợi thế và tiềm năng phát triển và đề xuất giải pháp nhất là về cơ chế chính sách để phát triển các sản phẩm này.

- Hoạt động liên kết vùng trong hình thành chuỗi phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế chưa được quan tâm nhiều, nhất là việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, các công nghệ tiên tiến phù hợp với sản suất và chế biến sản phẩm của Vùng.

- Chưa thực sự có cơ chế thật sự phù hợp để chính sách của nhà nước và doanh nghiệp gắn kết, hỗ trợ được lẫn nhau phát triển KH&CN.



3. Nguyên nhân

Nhận thức của các địa phương về vai trò của KH&CN tuy có chuyển mạnh song vẫn còn thiếu các giải pháp cụ thể; các doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong đầu tư vào KH&CN.

- Chưa có sự đồng bộ về các cơ chế, chính sách: cơ chế phối hợp nghiên cứu giữa nhà nước và doanh nghiệp; vấn đề sở hữu kết quả nghiên cứu, phân chia lợi ích, quyền lợi…

- Việc bố trí ngân sách cho KH&CN chưa đạt được theo yêu cầu của Quốc hội.



4. Giải pháp

- Tạo sự đồng bộ về cơ chế chính sách và đơn giản, thuận lợi trong thủ tục hành chính để mọi tổ chức cá nhân dễ dàng tiếp cận và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.

- Đề xuất phương án: Tính toán tỷ lệ ngân sách cân đối cho các địa phương chỉ tập trung dành cho hoạt động quản lý, tăng cường tiềm lực và triển khai các nhiệm vụ quốc gia trên địa bàn. Các địa phương có trách nhiệm cân đối bổ sung ngân sách từ địa phương để đảm bảo tối thiểu đạt 2% tổng chi ngân sách địa phương cho KH&CN. Theo đó, Bộ KH&CN sẽ tập trung nguồn lực để triển khai các Chương trình trọng điểm quốc gia; tập trung hình thành một số Viện, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng cấp Vùng, bảo đảm giải quyết các vấn đề lớn đáp ứng yêu cầu của từng vùng sản xuất.

- Cần có cơ chế, chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN.

- Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN cân đối, ra soát lại biên chế của các địa phương để có phương án trình Quốc hội phê chuẩn tổng biên chế về KH&CN nói chung, biên chế KH&CN các địa phương nói riêng, nhất là biên chế cấp Huyện.

- Lựa chọn một số nội dung trọng tâm trong chiến lược như: Công nghệ sinh học trong nông nghiệp, phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông tin và tập trung nguồn lực tài chính cùng với các cơ chế (như cơ chế khoán, cơ chế đầu tư đặc biệt…) để có đóng góp thực sự cho sản xuất kinh doanh.



- Xây dựng các Chương trình liên kết giữa các Sở trong việc hình thành và phát triển sản xuất một số sản phẩm của Vùng, xác định vai trò, vị thế của KH&CN trong từng công đoạn sản phẩm; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong việc: nhận dạng nhu cầu phát triển công nghệ của doanh nghiệp thông qua hình thức Nhà nước hỗ trợ chuyên gia, vốn, chuyển giao công nghệ, xây dựng và phát triển các tài sản sở hữu trí tuệ./.


VỤ PHÁT TRIỂN KH&CN ĐỊA PHƯƠNG

1 Quyết chế thực hiện thí điểm một số chính sách đãi ngộ, thu hút chuyên gia KH&CN…(TP. Hồ Chí Minh); Quy định về chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của Bình Thuận; Đề án tổng thể điều tra và xây dựng cơ sở dữ liệu về đánh giá trình độ sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; QĐ Chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa (BR-VT)…

2 Năm 2011: Tổng số CB,CC,VC: 1.162 người thì có 120 người có trình độ từ Thạc sĩ trở lên (chiếm 10,3%). Đến 2015: Tổng số CB,CC,VC: 1.250 người thì có 205 người có trình độ từ Thạc sĩ trở lên (chiếm 16,4%).

3 Xây dựng mới đường dây trung thế ngầm và Trạm biến áp cấp điện cho Trung tâm thiết kế chế tạo thiết bị mới (TP. HCM); Tiểu dự án đường kết nối vảo Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học (Đồng Nai)…


4 Cây chủ lực (cây công nghiệp, cây ăn trái); Vật nuôi: hỗ trợ nuôi giữ đàn giống gốc (heo, gà); Xây dựng thương hiệu cho 17 sản phảm nông nghiệp trong đó có 03 thương hiệu đạt tiêu chuẩn GlobalGap.

5 “Nghiên cứu tận dụng nước thải sau chưng cất cồn để sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản” (TP.HCM); Xây dựng Kit phát hiện vi rút PRRS (hội chứng rối loại sinh sản và hô hấp) vi rút và vi khuẩn trong bệnh tiêu chảy cấp trên heo nuôi bằng phương pháp PCR (Đồng Nai); "Nghiên cứu ứng dụng các biện pháp tiến bộ kỹ thuật mới để phát triển cây cà phê bền vững theo hướng GAP" của tỉnh Bình Phước; "Nghiên cứu chế tạo thuốc bảo vệ thực vật xử lý bệnh nấm hồng trên cây cao su ở tỉnh Đồng Nai bằng công nghệ Nano"; "Sưu tầm và phân lập giống Thanh long ruột trắng hiện đang trồng tại tỉnh Bình Thuận"; "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng và phát triển mô hình sản xuất rau trên đất cát nhằm góp phần giải quyết tình trạng thiếu rau của huyện đảo Phú Quý" của tỉnh Bình Thuận; "Quy trình Nuôi cua nhân tạo bằng thức ăn tổng hợp" của thành phố Hồ Chí Minh…

6 "Ứng dụng CNTT trong xây dựng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh phục vụ chẩn đoán và tra cứu (PACs) tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương"; "Ứng dụng công nghệ GIS vào quản lý khai thác công trình thủy lợi, thủy điện" của tỉnh Bình Phước...

7 Đồng Nai: Tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Đề án “Tổng điều tra và xây dựng cơ sở dữ liệu về đánh giá trình độ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2015” tại Quyết định số 3483/QĐ-UBND ngày 30/10/2014, để kịp thời xây dựng lại ngân hàng dữ liệu về hiện trạng công nghệ của các doanh nghiệp phục vụ cho công tác quản lý, nghiên cứu hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai, đồng thời tạo nền tảng cho việc phân tích, đề xuất phương hướng hướng đầu tư, phát triển công nghệ tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015-2020.

- TP. HCM: Triển khai Đề án Sàn Giao dịch Công nghệ thử nghiệm của thành phố. Đến nay, đã có 65 dự án giao dịch, trong đó tổ chức tư vấn kết nối thành công 13 dự án với giá trị giao dịch khoảng 5-7 tỷ đồng (chiếm 15%) thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến, vật liệu xây dựng,...; Tỷ lệ gia tăng giá trị giao dịch thành công trên thị trường khoa học và công nghệ trung bình khoảng 15%. Thiết lập mạng lưới hợp tác với 21 cơ quan đơn vị tại địa phương và một số tỉnh phía Nam; Xây dựng cơ sở dữ liệu với hơn 700 công nghệ-thiết bị, 250 nhà cung cấp và 60 khách hàng.



Với mục tiêu phát triển và thương mại hoá các ý tưởng công nghệ thành các Doanh nghiệp lớn mạnh Sở KH&CN tiếp tục hỗ trợ phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ theo hình thức công - tư hợp tác. Tổng đầu tư của nhà nước cho hoạt động của 3 Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp tính đến tháng 10 năm 2014 là 7.586 tỷ đồng

8 Điển hình như Đồng Nai: triển khai mô hình đưa cán bộ Sở KH&CN về làm việc tại huyện và áp dụng cơ chế hỗ trợ 70/30 đối với các đề tài thuộc ngành y tế, giáo dục, lực lượng vũ trang và 50/50 đối với các ngành khác và địa phương, đã mang lại kết quả rất khả quan

9 Một số kết quả nổi bật: Máy ép viên nhiên liệu loại 90mm chất lượng tương đương máy do Ấn Độ sản xuất. Sản phẩm vừa hiệu quả về kinh tế và đảm bảo kỹ thuật, trên 20 máy đã được chuyển giao, tiết kiệm ngân sách gần 10 tỷ đồng; Hệ thống ép rung gạch không nung block công suất 6.000 viên/ca 8 giờ, chất lượng tương đương máy nhập từ Hàn Quốc, giá bán sản phẩm dự án bằng 70% giá sản phẩm nhập, đã chuyển giao trên 20 hệ thống với nhiều đơn vị ứng dụng trên khắp cả nước.

10 Chỉ số TFP năm 2011: 29,1; năm 2012: 30,1; năm 2013: 33,4; ước năm 2014: 35,0; ước năm 2015: 36,5 (TP.HCM); : năm 2011 đạt 26,36 ; năm 2012 đạt 27,93; năm 2013 đạt 29,55; dự ước năm 2014 đạt 30,62 (Đồng Nai); Năm 2011: 18,95; Năm 2012: 29,90; Năm 2013: 32,16; Năm 2014: 35,49 (Bình Dương).

11 Sở KH&CN đã tổng hợp danh mục gồm 66 sản phẩm nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa cao trình Uỷ ban nhân dân Thành phố xem xét hỗ trợ kinh phí và lập kế hoạch để hoàn thiện công nghệ, chuyển giao cho các doanh nghiệp sản xuất.

12 Đến năm 2015, số doanh nghiệp thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ đạt 21,21%, đạt 35,35% (chỉ tiêu 60%); với mức đầu tư chiếm 8% lợi nhuận trước thuế, đạt 160% (chỉ tiêu 5%) (TP. Hồ Chí Minh); Ước đến cuối năm 2014, cơ cấu GTSXCN của nhóm ngành công nghiệp có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao chiếm khoảng 40,09% trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, tăng 4,29% so với năm 2010 (Đồng Nai).

13 Thủ tục thanh quyết toán, thủ tục cấp kinh phí nghiên cứu khoa học, định mức chi cho công tác nghiên cứu đã lạc hậu, không đủ để thực hiện nếu bám sát theo các thông tư hướng dẫn




Каталог: Download.aspx
Download.aspx -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Download.aspx -> Ex: She has said, “ I’m very tired” → She has said that she is very tired. Một số thay đổi khi đổi sang lời nói gián tiếp như sau
Download.aspx -> BỘ khoa học và CÔng nghệ
Download.aspx -> BỘ thông tin và truyềN thông cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Download.aspx -> LUẬt năng lưỢng nguyên tử CỦa quốc hội khóa XII, KỲ HỌp thứ 3, SỐ 18/2008/QH12 ngàY 03 tháng 06 NĂM 2008
Download.aspx -> Thanh tra chính phủ BỘ NỘi vụ
Download.aspx -> THÔng tư CỦa bộ KẾ hoạch và ĐẦu tư SỐ 03/2006/tt-bkh ngàY 19 tháng 10 NĂM 2006
Download.aspx -> BIỂu thống kê tthc tên thủ tục hành chính
Download.aspx -> BỘ khoa học và CÔng nghệ
Download.aspx -> BỘ khoa học và CÔng nghệ

tải về 121.7 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương