Ubnd tỉnh vĩnh phúc sở TÀi nguyên và MÔi trưỜNG



tải về 200.75 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích200.75 Kb.
#13041

UBND TỈNH VĨNH PHÚC

SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 1943/STNMT- CCQLĐĐ

V/v giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai cho hộ gia đình, cá nhân



Vĩnh Phúc, ngày 09 tháng 11 năm 2015




Kính gửi:

- Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh;

- Văn phòng đăng ký đất đai các chi nhánh.


Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập và đi vào hoạt động theo Quyết định số 46/2014/QĐ-UBND ngày 20/10/2014 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Trong quá trình hoạt động đã có nhiều văn bản hướng dẫn, thống nhất giải quyết những khó khăn vướng mắc trong công tác đăng ký đất đai như: Văn bản số 394/TCQLĐĐ-CĐKĐĐ ngày 19/3/2015 và văn bản số 918/TCQLĐĐ-CĐKĐĐ ngày 02/7/2015 của Tổng cục Quản lý đất đai; Văn bản số 58/STNMT-CCQLĐĐ ngày 14/01/2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường;

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập, nhất là tồn đọng nhiều hồ sơ chưa giải quyết kịp thời theo thủ tục hành chính gây ảnh hưởng tới tiến độ công việc cũng như bức xúc cho người sử dụng đất.

Nhằm phát hiện kịp thời những tồn tại, vướng mắc; nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân và để thống nhất trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai theo quy định của Luật Đất đai 2013, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ và các Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 1238/STNMT-CCQLĐĐ ngày 29/7/2015 đề nghị UBND các huyện, thị và thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn; Văn phòng Đăng ký đất đai (tỉnh và các chi nhánh) báo cáo kết quả thực hiện các TTHC liên quan đến công tác kê khai đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt chung là Giấy chứng nhận) cho hộ gia đình, cá nhân trong thời gian từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/7/2015 trên địa bàn.

Đồng thời, Sở đã thành lập Đoàn thanh, kiểm tra kết quả thực hiện cụ thể tại 05 huyện (Yên Lạc, Bình Xuyên, Tam Đảo, Tam Dương và Vĩnh Yên) và mỗi huyện kiểm tra điểm tại 02 đơn vị cấp xã (từ ngày 17 đến ngày 25/8/2015).

Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá kết quả kiểm tra và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cụ thể như sau:

1. Kết quả thực hiện TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai tại các đơn vị được kiểm tra

(có biểu tổng hợp chi tiết kèm theo):

a) Tại huyện Yên Lạc: Tổng số hồ sơ giải quyết đúng hạn là 554 hồ sơ chiếm 61,76% số hồ sơ đã giải quyết xong. Số hồ sơ chậm hạn là 343 hồ sơ chiếm 38,24% số hồ sơ đã giải quyết xong.

Số hồ sơ giải quyết chậm hạn còn chiếm tỷ lệ cao.

b) Tại huyện Tam Dương: Tổng số hồ sơ giải quyết đúng hạn là 483 hồ sơ chiếm tỷ lệ 76,67%; số hồ sơ chậm hạn là 147 hồ sơ chiếm tỷ lệ 30,43%. Nguyên nhân chậm hạn là do: thửa đất chưa xác định rõ nguồn gốc, UBND xã không xác nhận (đối với hồ sơ cấp đổi)…

c) Tại huyện Tam Đảo: Tổng số hồ sơ giải quyết đúng hạn là 386 hồ sơ chiếm 77,35% tổng số hồ sơ đã giải quyết xong; số hồ sơ chậm hạn là 113 hồ sơ, chiếm 22,64% tổng số hồ sơ đã giải quyết xong.

d) Tại thành phố Vĩnh Yên: Tổng số hồ sơ giải quyết xong đúng và trước hạn là 1010 hồ sơ chiếm 59,95%; số hồ sơ chậm hạn là 675 hồ sơ chiếm 40,05%. Nguyên nhân chậm khối lượng công việc nhiều, nhân lực ít, cơ sở vật chất không đáp ứng đủ cho yêu cầu công việc. Hồ sơ phức tạp mất nhiều thời gian để giải quyết.

e) Tại huyện Bình Xuyên: Tổng số hồ sơ giải quyết đúng hạn là 429 hồ sơ chiếm tỷ lệ 84,78% tổng số hồ sơ đã giải quyết xong; số hồ sơ chậm hạn là 77 hồ sơ chiếm 15,22%. Nguyên nhân chậm chủ yếu là do người dân nộp thuế chậm, phối hợp giữa các phòng ban trong giải quyết TTHC chưa nhịp nhàng..

2. Một số khó khăn chung.

a. Về nhân lực:

Hiện nay, các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cán bộ còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu đòi hỏi so với nhiệm vụ được giao. Phần lớn cán bộ tại Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh các huyện, thành, thị là lao động hợp đồng. Trong khi đó, khối lượng công việc nhiều, tính chất công việc tương đối phức tạp, trình độ chuyên môn không đồng đều, đa phần cán bộ cò trẻ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, nghiên cứu pháp luật còn hạn chế, hiệu quả công việc chưa cao.



b. Về đời sống cán bộ:

Nguồn để trả lương cho lao động hợp đồng chủ yếu là thu từ phí, lệ phí đăng ký thế chấp và tiền hỗ trợ từ cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình cá nhân do UBND tỉnh cấp hàng năm. Vì vậy, đời sống cán bộ còn gặp nhiều khó khăn.



c. Về trang thiết bị làm việc:

Máy móc, trang thiết bị tối thiểu không đủ để thực hiện nhiệm vụ như máy tính, máy đo đạc, phô tô...


d. Văn bản pháp luật:

Văn bản pháp luật liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận thường xuyên sửa đổi, bổ sung và thay thế. Có nhiều trường hợp thực tiễn xảy ra nhưng các văn bản pháp luật chưa có quy định nên khó khăn trong việc áp dụng.

Từ khi Nghị định số 120/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ có hiệu lực đến nay các trường hợp đang sử dụng đất có nguồn gốc được giao đất trái thẩm quyền trước ngày 15/10/1993, nếu không cung cấp được các giấy tờ chứng minh đã nộp tiền sử dụng đất nay muốn được cấp Giấy chứng nhận phải thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Những trường hợp này bị thiệt thòi so với các trường hợp tương tự đã được cấp Giấy chúng nhận trước đây nhưng không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính hay các trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất đã sử dụng từ trước ngày 15/10/1993 nay được cấp Giấy chứng nhận không phải nộp tiền sử dụng đất trong hạn mức công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của UBND tỉnh.



đ. Về hồ sơ địa chính:

Cơ bản vẫn là bản giấy thực hiện theo bản đồ 299, đến nay diện tích, chủ sử dụng đất… đã biến động nhiều. Trên địa bàn tỉnh tính đến nay đã được đầu tư đo đạc bản đồ địa chỉnh dạng số cho 8/9 huyện thị (huyện Sông Lô bước đầu đã triển khai một số xã), nhưng việc xây dựng cơ sở dữ liệu, hồ sơ địa chính và cấp Giấy chứng nhận theo bản đồ địa chính mới đo chưa được thực hiện một cách đồng bộ, một số địa phương bước đầu đã triển khai cấp Giấy chứng nhận theo bản đồ mới, nhưng các loại sổ (Sổ địa chính, sổ đăng ký biến động, sổ mục kê, …) chưa được lập đầy đủ theo quy định. Một số xã đã triển khai dự án kê khai đăng ký, cấp Giấy chứng nhận theo bản đồ mới đo, nhưng kết quả đạt chưa cao.



e. Về chỉnh lý hồ sơ địa chính, Giấy chứng nhận:

Khi cấp Giấy chứng nhận trước ngày 01/11/2014 (ngày Quyết định 46/2014/QĐ-UBND ngày 20/10/2014 về thành lập Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh của UBND tỉnh Vĩnh Phúc có hiệu lực) cơ bản không được cập nhật, chỉnh lý biến động thường xuyên dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý đất đai, như: Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án đã hoàn thành việc thu hồi bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện dự án; các xã đã thực hiện dồn ghép ruộng đất theo chủ trương của tỉnh; nhiều hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện chuyển quyền một phần thửa đất hay một số thửa đất trên Giấy chứng nhận đã cấp cho nhiều thửa nhưng chưa kê khai đăng ký biến động, chưa cập nhật chỉnh lý biến động vào hồ sơ địa chính, chưa ghi nội dung đăng ký biến động trên Giấy chứng nhận đã cấp, dẫn đến tình trạng người sử dụng đất vẫn đem Giấy chứng nhận đã có biến động đi thế chấp vay vốn…



g. Công tác phối hợp:

Sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong việc cấp Giấy chứng nhận chưa đảm bảo chặt chẽ, đặc biệt là cấp xã, một số cán bộ địa chính chưa thực sự chú trọng và coi công tác cấp Giấy chứng nhận là nhiệm vụ quan trọng.



3. Đề nghị VPĐK đất đai (tỉnh và các chi nhánh cấp huyện) thống nhất thực hiện tốt một số nội dung sau:

a. Lồng ghép các TTHC có liên quan nhằm đơn giản hóa TTHC để sớm giải quyết yêu cầu của người sử dụng đất đúng hoặc trước hạn trả kết quả theo quy định, tránh gây phiền hà cho người dân.

- Thành phần hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại các Điều 8, 9 và 10 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 và Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT ngày 27/01/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Quyết định số 1830/QĐ-CT ngày 06/7/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc về Công bố thủ tục hành chính mới ban hành về lĩnh vực đất đai thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại UBND cấp huyện, cấp xã.

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp thêm các giấy tờ khác ngoài các thành phần hồ sơ đã quy định (quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014).

- Ngoài ra để tránh cho người sử dụng đất phải đi lại, hướng dẫn nhiều lần thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải hướng dẫn, cung cấp các mẫu đơn, tờ khai xác định nghĩa vụ tài chính cho người sử dụng đất ghi đầy đủ các thông tin trong đơn và tờ khai để đảm bảo việc thẩm tra hồ sơ, xác định được nghĩa vụ tài chính.

b. Bố trí cán bộ có trình độ, năng lực, kinh nghiệm và kỹ năng giao tiếp trực ở bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả (một cửa) để hướng dẫn và nhận hồ sơ đảm bảo thành phần, chất lượng hồ sơ theo quy định, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Những hồ sơ không đảm bảo đầy đủ theo quy định cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, có căn cứ pháp luật để người sử dụng đất hoàn thiện theo quy định của pháp luật.

c. Trường hợp thành phần hồ sơ đã nộp đúng theo quy định, nhưng hồ sơ không rõ ràng, thiếu thông tin, chưa đảm bảo chính xác thì Chi nhánh VPĐK đất đai phải chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các bên liên quan kiểm tra xác minh, lập biên bản xử lý theo hướng vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật, ưu tiên sự đồng thuận, hiện trạng sử dụng đất phù hợp với quy định của pháp luật, tránh tranh chấp, khiếu kiện, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân và ách tắc thủ tục hành chính. Tăng cường việc niêm yết công khai việc cấp Giấy chứng nhận tại trụ sở UBND cấp xã và khu dân cư để tiếp thu và phản hồi các ý kiến tham gia của nhân dân, đặc biệt đối với những trường hợp hồ sơ có sự sai khác, không chắc chắn chính xác

Do pháp luật không thể nêu hết các tình huống cụ thể do vậy cán bộ chuyên môn phải nghiên cứu áp dụng linh hoạt, xử lý tương đương hoặc không trái pháp luật đã quy định.

d. Việc thu phí, lệ phí trong quá trình thực hiện TTHC phải đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, được quy định tại Thông tư số 02/2014/TT-BTC ngày 02/01/2014 của Bộ Tài chính; Nghị quyết số 158/2014/NQ-HĐND ngày 22/12/2014 của HĐND tỉnh và Kế hoạch số 1499/KH-UBND ngày 19/3/2015 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 158/2014/NQ-HĐND ngày 22/12/2014 của HĐND tỉnh. Nghiêm cấm thu các khoản phí và lệ phí của người sử dụng đất nằm ngoài quy định của pháp luật.

đ. Việc xác định nghĩa vụ tài chính (tiền sử dụng đất, các loại thuế liên quan đến đất đai và lệ phí trước bạ) khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai do cơ quan Thuế xác định, giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính do Sở Tài nguyên và Môi trường xác định theo Khoản 1 Điều 63 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014. Do vậy, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh và các chi nhánh phải có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan xác định thông tin thửa đất và lập phiếu chuyển thông tin theo mẫu quy định cho cơ quan Thuế.

e. Văn phòng đăng ký đất đai (tỉnh và các chi nhánh) phải có trách nhiệm thực hiện cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính thường xuyên và cung cấp bảo sao hồ sơ địa chính (dạng số và dạng giấy) cho UBND cấp xã theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tu 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014;

g. Yêu cầu cán bộ thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính phải tự nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu là Luật Đất đai, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, Thông tư số 23, 24, 25/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 và Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT để xử lý, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất đảm bảo đúng, chính xác theo quy định của pháp luật;



4. Một số vướng mắc trong công tác đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân Sở Tài nguyên và Môi trường thống nhất hướng dẫn, giải quyết như sau:

4.1. Những vướng mắc chung trên địa bàn tỉnh.

(1). Nguyên tắc cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận sau đo đạc bản đồ địa chính.

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, khi đo đạc bản đồ địa chính xác định lại diện tích có sự chênh lệch giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp, được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) được xem xét cấp Giấy chứng nhận theo quy định, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh và các chi nhánh không được tự ý cắt lại một phần diện tích không cấp Giấy chứng nhận (quy định tại Khoản 5 Điều 98 Luật Đất đai 2013).

(2). Thẩm quyền cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận do thực hiện dồn điền, đổi thửa hoặc sau đo đạc bản đồ địa chính.

Thửa đất của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng ổn định đã được cấp Giấy chứng nhận, do thực hiện dồn điền, đổi thửa, đo đạc xác định lại diện tích, kích thước thửa đất có sự chênh lệch giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp, thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) không hình thành thửa đất mới mà vẫn nằm trong thửa đất đã cấp Giấy chứng nhận. Khi thực hiện cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận thẩm quyền ký Giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường (quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 37; Điểm c Khoản 1 Điều 76 và Khoản 3 Điều 77 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ).

(3). Xác định diện tích đất ở đối với thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở khi cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận theo đề nghị của người sử dụng đất hoặc sau đo đạc bản đồ địa chính mà diện tích thửa đất có sự chênh tăng giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp.

- Diện tích đất ở được xác định là diện tích ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp, phần diện tích còn lại được xác định theo hiện trạng sử dụng đất (quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 24 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ);

- Trường hợp tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận trước đây mà người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai 2013, Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ và Điều 15 Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT ngày 27/01/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì diện tích đất ở được xác định lại theo quy định tại Điều 103 của Luật Đất đai 2013 và Điểm b Khoản 5 Điều 24 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ;

- Trường hợp tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận trước đây mà người sử dụng đất không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai, Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ và Điều 15 Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT ngày 27/01/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng diện tích đất ở được xác định nhỏ hơn hạn mức công nhận quyền sử dụng đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận, nay người sử dụng đất có nhu cầu xác định lại thì diện tích đất ở được xác định bằng hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận trước đây, người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất ở tăng do xác định lại, phần diện tích còn lại xác định theo hiện trạng sử dụng đất nếu người sử dụng đất có nhu cầu sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì phải làm thủ tục chuyển mục đích và nộp tiền sử dụng đất theo quy định (vận dụng Điểm b Khoản 5 Điều 24 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014);

(4). Xác định lại diện tích đất ở khi cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận hoặc cấp mới Giấy chứng nhận do nhận chuyển quyền toàn bộ thửa đất sau đo đạc bản đồ địa chính đối với thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận, mà toàn bộ diện tích thửa đất đã được xác định là đất ở:

- Khi đo đạc, xác định lại diện tích mà diện tích thửa đất nhỏ hơn diện tích ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp thì diện tích đất ở được xác định lại theo kết quả đo đạc thực tế (quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014);

- Khi đo đạc, xác định lại diện tích mà diện tích thửa đất lớn hơn diện tích ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp, nhưng ranh giới sử dụng đất ổn định không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận. Phần diện tích tăng lên là do sai số đo đạc, không do lấn chiếm, cơ nới thì toàn bộ diện tích thửa đất được xác định là đất ở và người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất (theo quy định tại Khoản 5 Điều 98 Luật Đất đai 2013); trường hợp diện tích tăng lên là do lấn chiếm, cơ nới, khai hoang thì diện tích đất ở được xác định theo Giấy chứng nhận đã cấp, phần diện tích tăng lên được xác định theo hiện trạng sử dụng đất và người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định (theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014);

- Trường hợp tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận trước đây, người sử dụng đất chỉ kê khai và đề nghị cấp một phần diện tích thửa đất bằng hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận, nay người sử dụng đất đề nghị cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận thì được xác định lại theo diện tích đo đạc thực tế, diện tích đất ở được xác định theo Giấy chứng nhận đã cấp, diện tích còn lại xác đinh theo hiện trạng đang sử dụng, người sử dụng đất có nhu cầu chuyển mục đích sang đất phi nông nghiệp thì phải làm thủ tục chuyển mục đích và nộp tiền sử dụng đất theo quy định (theo quy định tại Khoản 5 Điều 24 và Điều 20 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014);

(5). Cấp đổi Giấy chứng nhận đối với thửa đất có phần diện tích tăng do nhận chuyển quyền của nhiều người nhưng chưa làm thủ tục kê khai đăng ký biến động theo quy định.

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, khi thực hiện thủ tục cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận theo bản đồ địa chính mới đo, xác định lại diện tích thửa đất có sự chênh tăng giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp, phần diện tích chênh tăng do nhận chuyển quyền của nhiều người nhưng chưa làm thủ tục chuyển quyền, nếu được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt thì được xem xét cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 82 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, không yêu cầu người sử dụng đất phải làm lại thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định.

Văn phòng đăng ký đất đai các chi nhánh phải phối hợp với Chính quyền địa phương kiểm tra thực tế, lập biên bản để thống nhất xử lý cấp Giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng theo quy định; đồng thời cập nhật chỉnh lý biến động trên Giấy chứng nhận của người chuyển quyền trong trường hợp chuyển quyền một phần diện tích, thu hồi Giấy chứng nhận của người chuyển quyền trong trường hợp chuyển quyền toàn bộ diện tích hoặc hủy Giấy chứng nhận của người chuyển quyền trong trường hợp người chuyển quyền không giao nộp.

Trường hợp có vi phạm trong việc sử dụng đất, đăng ký đất đai hoặc có tranh chấp trong hồ sơ chuyển quyền thì thông báo, chuyển hồ sơ cho cơ quan Thanh tra xem xét, xử lý.

(6). Xác định nghĩa vụ tài chính khi cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận đối với trường hợp đất có nguồn gốc được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất (kể cả trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất) mà các hộ gia đình, cá nhân đã xây dựng nhà ở ổn định, không tranh chấp nhưng diện tích hiện trạng thực tế đang sử dụng lớn hơn diện tích được giao (diện tích đã thực hiện nghĩa vụ tài chính) như: qui hoạch là 5m x 20m, khi đo đạc bản đồ VN 2000 tăng lên 5,5m x 20m hoặc 5 m x 20,5 m ....

Việc xác định nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp nêu trên thuộc trách nhiệm của cơ quan thuế theo quy định tại Khoản 1 Điều 63 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014. Do vậy, Văn phòng đăng ký đất đai (tỉnh và các chi nhánh) phải có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan xác định rõ thông tin thửa đất: nguyên nhân tăng giảm, phần diện tích sử dụng phù hợp quy hoạch, phần diện tích sử dụng không phù hợp quy hoạch … lập biên bản và phiếu chuyển thông tin theo mẫu quy định cho cơ quan Thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có) hoặc niêm yết công khai việc cấp Giấy chứng nhận.

(7). Xác định lại thông tin pháp nhân.

Trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trước đây không ghi rõ thông tin về người sử dụng đất như: đối với cá nhân (ông hay bà), đối với hộ gia đình (hộ ông hay hộ bà), thì phải đề nghị người sử dụng đất cung cấp các giấy tờ pháp nhân (hộ khẩu, chứng minh nhân dân, chứng minh quân nhân …), đồng thời hướng dẫn và thực hiện thủ tục đính chính nếu trường hợp có sai sót khi cấp Giấy chứng nhận (theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 19 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT), xác nhận thay đổi thông tin trên Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp thay đổi thông tin pháp nhân về người sử dụng đất (theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 19 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT) hoặc thực hiện thủ tục cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật đối với nơi đã đo đạc lại bản đồ địa chính.

(8). Đăng ký cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013, Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và Điều 15 Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT ngày 27/01/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất là việc Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu đối với thửa đất xác định (theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật Đất đai 2013), trình tự, thủ tục thực hiện cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 101 Luật Đất đai 2013, Điều 20 đến 24 và Điều 70 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 đều không quy định phải ban hành quyết định công nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 6, 7, 8 và 9 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 thì căn cứ để thu tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất lại căn cứ vào tại thời điểm có quyết định công nhận quyền sử dụng đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyền”. Về nội dung này, tại Điều 8 dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều trong lĩnh vực đất đai theo Luật Đất đai 2013, đã đưa ra 02 phương án lựa chọn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lựa chọn phương án ban hành quyết định công nhận quyền sử dụng đất.

Do vây, trong thời gian Nghị định sửa đổi bổ sung chưa được ban hành để thống nhất giải quyết hồ sơ cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai các chi nhánh phải phối hợp với UBND cấp xã, phòng TNMT kiểm tra thực tế, xác định rõ các nội dung liên quan như: nguồn gốc sử dụng đất, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, sự phù hợp hay không phù hợp quy hoạch, nghĩa vụ tài chính .... để thống nhất ký biên bản đưa vào hồ sơ, thực hiện niêm yết công khai các trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận tại trụ sở UBND cấp xã nơi có đất 15 ngày theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Điều 70 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014. Trường hợp khi công nhận quyền sử dụng đất người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dung đất như công nhận quyền sử dụng đất ở trước ngày 15/10/1993, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp thì trình cơ quan có thẩm quyền ký Giấy chứng nhận, không cần ban hành quyết định công nhận quyền sử dụng đất; Trường hợp khi công nhận quyền sử dụng đất người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định thì nên ban hành quyết định công nhận quyền sử dụng đất để người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ký Giấy chứng nhận.

(9). Xác định tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở.

Việc xác định tiền sử dụng đất khi hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở do cơ quan Thuế xác định, giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính do Sở Tài nguyên và Môi trường xác định theo Khoản 1 Điều 63 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014. Văn phòng đăng ký đất đai các chi nhánh có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan xác định thông tin thửa đất và lập phiếu chuyển thông tin theo mẫu quy định cho cơ quan Thuế.

Việc xác định tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở đối với thửa đất chỉ có đất nông nghiệp căn cứ vào nguồn gốc sử dụng đất chứ không căn cứ vào chuyển mục đích lần 1 hay lần 2. Trường hợp thửa đất có nguồn gốc là đất vườn, ao gắn liền nhà ở nhưng người sử dụng đất tách thửa để chuyển quyền hoặc do đơn vị đo đạc khi đo vẽ bản đồ địa chính từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 đã tự đo đạc tách thành các thửa đất riêng, nay có nhu cầu chuyển mục đích sang đất ở thì phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và Điểm a Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 76/2014/TT- BTC ngày 16/6/2014; Trường hợp thửa đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và Điểm b Khoản 2 Điều 5 Thông tư 76/2014/TT- BTC ngày 16/6/2014.

(10) Cấp lại trang bổ sung Giấy chứng nhận bị mất.

Trường hợp Trang bổ sung của Giấy chứng nhận bị mất mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu cấp lại thì thực hiện cấp lại theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT ngày 27/01/2015 và Điều 77 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014. Nội dung trang bổ sung cấp lại được ghi theo đúng nội dung trang bổ sung đã mất và theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014.

(11) Việc người dân có hóa đơn nộp tiền song chưa được giao đất, chưa có đất hoặc đất được tạm giao ở khu vực khác.

Hiện nay ở một số huyện (VD huyện Bình Xuyên) tồn tại nhiều trường hợp người dân đã nộp tiền để được sử dụng đất (có hóa đơn chứng từ) song chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất do chưa có đất để giao hoặc được giao đất nhưng là tạm giao ở khu vực khác (không phải khu vực đã nộp tiền). Nội dung tồn tại này thuộc trách nhiệm của UBND cấp huyện và UBND cấp xã nơi có đất, đề nghị UBND cấp huyện và UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh rà soát toàn bộ các trường hợp như đã nêu trên địa bàn quản lý tổng hợp, xem xét giải quyết dứt điểm. Trường hợp có vướng mắc khó khăn, báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo.

(12). Nhiều khu đất quy hoạch, biến động chưa được cập nhật chỉnh lý trên hồ sơ địa chính, chưa thể hiện trên bản đồ địa chính mới đo (bản đồ VN 2000).

Theo quy định thì bản đồ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phải theo hệ tọa độ VN 2000; đồng thời theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2015 thì việc cập nhật chỉnh lý biến động vào hồ sơ địa chính là trách nhiệm của Văn phòng đăng ký đất đai. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan trình tự, thủ tục giao đất trước đây chưa đúng, chưa theo bản đồ địa chính hệ tọa độ VN 2000, hồ sơ địa chính không được cập nhật chỉnh lý biến động thường xuyên, quá trình đo đạc bản đồ địa chính đơn vị đo đạc không đo đạc chi tiết khu quy hoạch. Trước mắt đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai các chi nhánh phải khắc phục, tận dụng bản đồ quy hoạch bản đồ giao đất (dạng giấy và dạng số) vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật (Điều 6 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 và Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014) để xử lý giải quyết hồ sơ cho người dân, tránh ách tắc, ùn đọng đồng thời tổng hợp, xây dựng kế hoạch, đề xuất phương án cập nhật chỉnh lý biến động các trường hợp như đã nêu.

(13). Người sử dụng đất không đồng ý cấp đổi Giấy chứng nhận theo bản đồ địa chính VN 2000 do đang có nhu cầu đăng ký thế chấp.

Khi chưa cấp đổi Giấy chứng nhận theo bản đồ địa chính VN 2000 thì hộ gia đình, cá nhân vẫn có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai đối với Giấy chứng nhận đã cấp. Trường hợp, người sử dụng đất có nhu cầu đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất để vay vốn của tổ chức tín dụng thì Văn phòng đăng ký đất đai các chi nhánh xác định giá trị pháp lý thông tin về thửa đất theo quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 7, Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014, đồng thời hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 4, 5 Điều 76 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014; thành phần hồ sơ khi thực hiện cấp đổi Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT

(14). Trường hợp một số hộ gia đình, cá nhân đã có Quyết định cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận (cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa ký Giấy chứng nhận).

Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định việc cấp Giấy chứng nhận phải ban hành Quyết định cấp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất và để người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình (quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013). Do vậy, Quyết định cấp Giấy chứng nhận trước đây không có hiệu lực pháp luật, nhưng là một căn cứ để xác định thời điểm sử dụng đất ổn định của người sử dụng đất. Việc cấp Giấy chứng nhận cho các trường hợp nêu trên phải được xem xét cụ thể từng trường hợp và thực hiện như đối với trường hợp cấp Giấy chứng nhận lần đầu tại thời điểm cấp Giấy chứng nhân.

(15). Trường hợp người đứng tên trên Giấy chứng nhận đã chết, khi thực hiện thủ tục thừa kế quyền sử dụng đất kiểm tra đo đạc lại thì diện tích thực tế đang sử dụng có sự thay đổi (chênh tăng hoặc chênh giảm) so với diện tích ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp.

Người đứng tên trên Giấy chứng nhận đã chết thì quyền sử dụng đất của người đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Khi kiểm tra hiện trang sử dụng đất đo đạc xác định lại diện tích có sự thay đổi (chênh tăng hoặc chênh giảm) so với diện tích ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp thì trong văn bản phân chia quyền sử dụng đất phải có sự thỏa thuận thống nhất của những người có quyền thừa kế theo quy định và thể hiện rõ diện tích được thừa kế theo Giấy chứng nhận đã cấp, diện tích được thừa kế theo hiện trang đang sử dụng (tăng hoặc giảm so với Giấy chứng nhận đã cấp). Văn phòng đăng ký đất đai các chi nhánh căn cứ vào các quy định của pháp luật cần kiểm tra xem xét cụ thể từng trường hợp để cấp Giấy chứng nhận cho người được thừa kế theo hướng dẫn của Tổng cục QLĐĐ tại Văn bản số 394/TCQLĐĐ-CĐKĐĐ ngày 19/3/2015 và Khoản 5 Điều 98 Luật Đất đai, theo hướng:

- Trường hợp diện tích thực tế đang sử dụng nhỏ hơn diện tích được thừa kế theo Giấy chứng nhận đã cấp, thì cấp Giấy chứng nhận theo diện tích thực tế;

- Trường hợp diện tích thực tế đang sử dụng lớn hơn diện tích được thừa kế theo Giấy chứng nhận đã cấp, phần diện tích chênh lệch nhiều hơn được các thành viên thừa kế thống nhất chuyển cho người nhận thừa kế và sử dụng ổn định, không tranh chấp, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt thì được xem xét cấp Giấy chứng nhận theo quy định.

(16). Một số mẫu hồ sơ, trình tự thủ tục được quy định theo Luật Đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhưng chưa được điều chỉnh và hướng dẫn thay thế theo quy định của Luật Đất đai 2013 như: quy định luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính theo Thông tư liên tịch số 30/2005/TTLT-BTC-BTNMT ngày 18/4/2005, mẫu văn bản hợp đồng theo thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006.

Việc điều chỉnh hay bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên thuộc thẩm quyền của các Bộ, khi chưa bãi bỏ hoặc điều chỉnh thay thế thì các quy định trên vẫn có hiệu lực pháp luật. Đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai các chi nhánh thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cho đến khi được điều chỉnh bổ sung hoặc thay thế. Nguyên tắc áp dụng pháp luật được quy định ưu tiên thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới hơn, văn bản có giá trị pháp lý cao hơn.

(17). Hiện nay tồn tại nhiều trường hợp đã có Quyết định hủy Giấy chứng nhận, Quyết định thu hồi đất để thực hiện các Dự án phát triển kinh tế xã hội hoặc thực hiện chuyển đổi, dồn ghép ruộng đất theo chủ trương của UBND tỉnh nhưng Giấy chứng nhận người dân vẫn lưu giữ quản lý, chưa được cập nhật chỉnh lý biến động trên hồ sơ địa chính, xác nhận thay đổi trên Giấy chứng nhận đã cấp hay cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận theo quy định.

- Việc ban hành quyết định hủy Giấy chứng nhận là do khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai phải thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp, nhưng người đang chiếm giữ Giấy chứng nhận không giao nộp. Khi ban hành Quyết định hủy Giấy chứng nhận phải công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và Giấy chứng nhận đó không còn giá trị pháp lý nên không có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đất đai, nên vận động người chiếm giữ nộp lại Giấy chứng nhận cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất thu, giữ, vào sổ sách theo quy định;

- Khi phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót thì Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thông báo cho người sử dụng đất biết và yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp để thực hiện đính chính theo quy định tại khoản 1 Điều 106 Luật Đất đai 2013, Điều 86 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, Khoản 3 Điều 10 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT;

- Đối với trường hợp đất đã bị thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa thực hiện thủ tục đăng ký biến động, chỉnh lý hay thu hồi Giấy chứng nhận là trách nhiệm của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện (trước đây) nay là Văn phòng đăng ký đất đai các chi nhánh. Đề nghị, Văn phòng đăng ký đất đai các chi nhánh phối hợp với UBND cấp huyện và UBND cấp xã nơi có đất rà soát tổng hợp các trường hợp nêu trên xây dựng kế hoạch đề xuất phương án thực hiện. Đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục đăng ký biến động trên Giấy chứng nhận đã cấp trong trường hợp thu hồi một phần diện tích hoặc thu hồi Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai 2013, Điều 87 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 trong trường hợp thu hồi toàn bộ diện tích đất trên Giấy chứng nhận đã cấp, nếu người dân không giao nộp để thu hồi thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền để ban hành quyết định hủy Giấy chứng nhận.

(18). Một số thửa đất nằm trong Giấy chứng nhận đã cấp chung cho nhiều thửa đất (theo bản đồ 299) thuộc vùng trũng thường xuyên ngập úng quanh năm không thể cấy lúa, khi đo đạc bản đồ địa chính theo hệ tọa độ VN 2000 được đo gộp vào 01 thửa, hiện nay người dân muốn chuyển quyền sử dụng đất, nhưng không xác định được ranh giới mốc giới tại thực địa để thực hiện trích đo, trích lục thửa đất theo quy định, khó khăn trong quá trình thể hiện thông tin khi cấp Giấy chứng nhận.

Theo Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, thì hiện nay chưa quy định cụ thể đối với trường hợp nêu trên. Đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai các chi nhánh vận dụng theo quy định tại Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 và Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với UBND cấp xã kiểm tra hiện trạng sử dụng đất và thống nhất thực hiện cấp Giấy chứng nhân cho các hộ gia đình theo hướng sau:

- Trường hợp hộ gia đình cá nhân xác định được ranh giới, mốc giới sử dụng đất thì thực hiện trích đo, chỉnh lý bổ sung để thực hiện việc chuyển quyền, cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận theo quy định;

- Trường hợp xác định được diện tích đất của từng hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất đối với thửa đất đo gộp và các hộ đồng tình làm thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận theo quy định thì Giấy chứng nhận được cấp cho từng người và thể hiện thông tin theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 và Khoản 5,6 Điều 6 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014;

- Trường hợp không xác định được ranh giới, mốc giới sử dụng đất, diện tích của từng hộ và các hộ cùng sử dụng dụng đất chưa nhất trí cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận theo quy định thì thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho người có nhu cầu như sau:

+ Thông tin về người sử dụng đất thể hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014;

+ Thông tin về thửa đất lấy theo thông tin trên bản đồ địa chính mới đo, phần hình thức sử sử dụng riêng ghi diện tích theo Giấy chứng nhận cũ đã cấp và ghi 0 (không) vào sử dụng chung;

+ Sơ đồ thửa đất thể hiện theo quy định là toàn bộ thửa đất được đo gộp;

+ Phần ghi chú: “phần diện tích sử dụng riêng được cấp Giấy chứng nhận chưa xác định được ranh giới, mốc giới ngoài thực địa và trên bản đồ địa chính”.



4.2. Một số vướng mắc cụ thể tại các huyện, thành phố, thị xã.

a. Huyện Tam Dương:

Hiện nay Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Tam Dương có nhận được một số hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất của các hộ tại xã Hợp Thịnh có tên trong 123 thửa đất được xét duyệt, cấp đất giãn dân năm 2003 không đúng quy trình, thủ tục; Một số trường hợp không đúng đối tượng theo thông báo số 05-TB/KT-HU ngày 25/9/2007 của Uỷ ban kiểm tra - Huyện ủy Tam Dương về việc giải quyết đơn tố cáo đối với xã Hợp Thịnh trong việc thực hiện quy hoạch, xét duyệt, cấp đất giãn dân không đúng đối tượng. Việc thu và sử dụng lệ phí đất giãn dân không đúng quy định của Nhà nước và giải quyết tố cáo đối với 4 đồng chí cán bộ xã: Phạm Văn Đốm, Phạm Văn Thành, Phùng Quang Huân và Nguyễn Thị Tuất đã tham nhũng đất đai trong đợt cấp đất năm 2003. Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Tam Dương đã có công văn đề nghị UBND huyện Tam Dương có kết luận cụ thể đối với các trường hợp nêu trên, nhưng chưa có ý kiến phải hồi.



Xử lý, giải quyết: Những trường hợp giao đất nêu trên được coi là một trong những hành vi vi phạm pháp luật đất đai về giao đất quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 97 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014. Để xử lý giải quyết những trường hợp này cần phải có kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra. Đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Tam Dương tiếp tục báo cáo và đề nghị UBND huyện Tam Dương có kết luận cụ thể đối với các trường hợp nêu trên, sau khi có kết luận thì căn cứ vào các quy định của pháp luật để hoàn thiện hồ sơ cấp Giấy chứng nhận theo quy định, đối với trường hợp chuyển quyền sử dụng đất khi chưa được cấp Giấy chứng nhận thì căn cứ vào Điều 82 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 để xem xét, hoàn thiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người dân theo quy định.

b. Thị xã Phúc Yên:

Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận lần đầu của các hộ gia đình, cá nhân tại phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên sử dụng ổn định trước ngày 18/12/1980, đã nhận hồ sơ từ năm 2013 và hoàn thiện theo quy định của Luật Đất đai 2003, các văn bản hướng dẫn thi hành và theo Quyết định số 44/2012/QĐ-UBND ngày 02/11/2012 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nay phòng TNMT thị xã Phúc Yên có văn bản trả lại yêu cầu hoàn thiện hồ sơ theo quy định của Luật Đất đai 2013 và xác định lại diện tích đất ở được công nhận theo quy định tại Quyết định số 42/2014/QĐ-UBND ngày 15/9/2014 của UBND tỉnh.



Xử lý, giải quyết:

Theo quy định tại Quyết định số 3306/QĐ-CT ngày 03/12/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh thì tổng thời hạn thực hiện cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân không quá 40 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (trong đó: cấp xã không quá 10 ngày, cấp huyện không quá 23 ngày và thực hiện trích đo địa chính không quá 7 ngày). Tuy nhiên, phòng TNMT thị xã Phúc Yên đã nhận hồ sơ từ năm 2013 đến nay tồn đọng chưa được giải quyết. Đề nghị UBND thị xã Phúc Yên chỉ đạo các phòng chức năng thực hiện một số nội dung sau:

- Cần làm rõ trách nhiệm và xử lý các tập thể, cá nhân chưa thực hiện hết chức trách nhiệm vụ được giao đã để hồ sơ tồn đọng từ năm 2013 đến nay chưa giải quyết;

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng thống nhất giải quyết dứt điểm các trường hợp tồn đọng. Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận thì trình lãnh đạo ký Giấy chứng nhận theo quy định; trường hợp chưa đủ điều kiện phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do, để Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Phúc Yên có cơ sở thông báo cho người dân hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Trên đây là một số tồn tại, vướng mắc đang gặp phải trong kê khai, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình cá nhân và thống nhất, xử lý một số trường hợp cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai triển khai, tổ chức thực hiện trên toàn tỉnh. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh phải khẩn trương báo cáo về Sở để tiếp tục xem xét, giải quyết./.

Nơi nhận:

- Như trên (t/h);

- UBND tỉnh (B/c);

- Các Sở: Nội vụ, Tư Pháp (p/h);

- UBND các huyện, thành phố, thị xã;

- Lãnh đạo Sở;

- Phòng Pháp Chế, Thanh tra Sở;

- Lưu: VT,CCQL ĐĐ.



(Đ-30b)

KT.GIÁM ĐỐC

PHÓ GIÁM ĐỐC

(Đã ký)

Chu Quốc Hải


TỔNG HỢP KẾT QUẢ TIẾP NHẬN VÀ GIẢI QUYẾT HỒ SƠ TỪ NGÀY 01/01/2015 ĐẾN NGÀY 31/7/2015

trên địa bàn 05 đơn vị: Yên Lạc, Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Yên và Bình Xuyên

(Ban hành kèm theo Văn bản số /STNMT- CCQLĐĐ ngày /11/2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường)

STT

Phân loại nguồn nhận hồ sơ

Tổng số hồ sơ cấp GCN đã nhận

Số hồ sơ đã giải quyết xong

Số hồ sơ đã nhận nhưng chưa giải quyết xong

Tổng

Giải quyết trước, đúng thời hạn

Quá thời hạn

Tổng

Đủ điều kiện cấp GCN nhưng chưa thực hiện

Không đủ điều kiện cấp GCN

Huyện Yên Lạc

Cấp lần đầu

283

283

283

0

0

0

0

Cấp mới do chuyển quyền SDĐ

612

440

168

272

172

172

0

Cấp lại, cấp đổi

1347

174

103

71

1173

1121

52

Tổng

2242

897

554

343

1345

1293

52

Huyện Tam Dương

Cấp lần đầu

175

173

156

17

2

0

2

Cấp mới do chuyển quyền SDĐ

426

424

296

128

2

0

2

Cấp lại, cấp đổi

33

33

31

2

0

0

0

Tổng

634

630

483

147

4

0

4

Huyện Tam Đảo

Cấp lần đầu

147

27

2

25

120

29

91

Cấp mới do chuyển quyền SDĐ

510

389

338

51

121

28

93

Cấp lại, cấp đổi

95

83

46

37

12

9

3

Tổng

752

499

386

113

253

66

210

TP. Vĩnh Yên

Cấp lần đầu

516

334

200

134

182

178

4

Cấp mới do chuyển quyền SDĐ

1,445

1,273

763

510

172

172

0

Cấp lại, cấp đổi

169

78

47

31

91

71

20

Tổng

2,130

1,685

1,010

675










445

421

24

Huyện Bình Xuyên

Cấp lần đầu

77

77

66

11










Cấp mới do chuyển quyền SDĐ

396

373

343

30

23

23

0

Cấp lại, cấp đổi

94

56

20

36

38

38

0

Tổng

576

506

429

77

61

61

0

Tổng cộng 05 đơn vị

Cấp lần đầu

1198

894

707

187

304

207

97

Cấp mới do chuyển quyền SDĐ

3,389

2,899

1,908

991

490

395

95

Cấp lại, cấp đổi

1738

424

247

177

1314

1239

75

Tổng

6,325

4,217

2,862

1,355

2,108

1,841

267



TỔNG HỢP KẾT QUẢ TIẾP NHẬN VÀ GIẢI QUYẾT HỒ SƠ TỪ NGÀY 01/01/2015 ĐẾN NGÀY 31/7/2015

trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

(Ban hành kèm theo Văn bản số /STNMT- CCQLĐĐ ngày /11/2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường)


STT

Phân loại nguồn nhận hồ sơ

Tổng số hồ sơ cấp GCN đã nhận

Số hồ sơ đã giải quyết xong

Số hồ sơ đã nhận nhưng chưa giải quyết xong

Tổng

Giải quyết trước, đúng thời hạn

Quá thời hạn

Tổng

Đủ điều kiện cấp GCN nhưng chưa thực hiện

Không đủ điều kiện cấp GCN

1

Cấp lần đầu

1612

1151

833

318

461

356

105

2

Cấp mới do chuyển quyền SDĐ

5,550

4,838

3,840

998

712

617

95

3

Cấp lại, cấp đổi

2,714

1,333

1,149

184

1,381

1,303

78

 

Tổng

9,876

7322

5822

1500

2,554

2,276

301







Каталог: uploads -> laws
laws -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
laws -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôN
laws -> QUỐc hội cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
laws -> QUỐc hội cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
laws -> QUỐc hội cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
laws -> 1. Mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia bhtn
laws -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜNG
laws -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
laws -> TỈnh lạng sơn số: 89 /QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
laws -> THỦ TƯỚng chính phủ Số: 152/2008/QĐ-ttg CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 200.75 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương