UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII


Cử tri thành phố Đà Nẵng kiến nghị



tải về 3.4 Mb.
trang41/43
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích3.4 Mb.
#1536
1   ...   35   36   37   38   39   40   41   42   43

3. Cử tri thành phố Đà Nẵng kiến nghị:

Đề nghị Đài THVN chỉ đạo các Đài TH khu vực lưu ý khi dùng cụm từ “Quần đảo Hoàng Sa”trong chương trình dự báo thời tiết và đề nghị thay bằng cụm từ “Huyện đảo Trường Sa’’ cho chính xác.

Trả lời: (tại Công văn số 1039/THVN-VP ngày 03/9/2009)

Trước hết Đài THVN xin cảm ơn sự góp ý chân thành của cử tri TP Đà Nẵng, Đài THVN xin tiếp thu và nghiên cứu cách sử dụng từ một cách thích hợp nhất.



4. Cử tri tỉnh Điện Biên kiến nghị:

Công tác phát thanh- Truyền hình có tác dụng rất sâu rộng tới việc phát triển kinh tế -xã hội đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Đề nghị Chính phủ đầu tư nâng cao chất lượng phủ sóng, tăng thời lượng phát sóng truyền hình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Trả lời: (tại Công văn số 1039/THVN-VP ngày 03/9/2009)

Trong những năm qua, Đài THVN đã dành nguồn kinh phí đáng kể để đầu tư mở rộng và hoàn thiện hệ thống truyền dẫn truyền hình quốc gia (phát sóng mặt đất). Đến nay, mạng truyền dẫn quốc gia của Đài THVN có hơn 100 đài phát sóng với tỷ lệ gần 90% số hộ gia đình có thể thu xem các chương trình truyền hình bằng thiết bị thu sóng truyền hình mặt đất. Từ năm 2004, Đài THVN chính thức phát sóng truyền hình số vệ tinh (DTH) phủ sóng toàn quốc. Do đó, diện phủ sóng đã đạt 100% diện tích lãnh thổ, cho phép khán giả ở bất cứ địa điểm nào trên toàn quốc cũng có thể thu được tín hiệu truyền hình quốc gia.

Đối với địa bàn các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa (như Điện Biên và các tỉnh miền núi khác) do địa hình phức tạp, dân cư không tập trung nên việc đầu tư máy phát sóng mặt đất rất khó khăn, tốn kém và hiệu quả không cao. Vì vậy, để giải quyết căn bản việc phủ sóng cho các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cần sử dụng kết hợp giữa phủ sóng mặt đất và sử dụng thiết bị thu sóng vệ tinh DTH, đồng thời có sự hỗ trợ của Nhà nước về thiết bị thu xem đối với các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Hiện nay, Đài THVN đang triển khai một số dự án liên quan đến mở rộng phủ sóng tại các tỉnh mới thành lập và các tỉnh có địa bàn vùng sâu, vùng xa như Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn, Lào Cai... với mục tiêu tiếp tục hoàn thiện mạng phát sóng truyền hình quốc gia đến năm 2010 đảm bảo 95% số hộ trong cả nước được xem các chương trình của Đài THVN. Ngoài ra, để mở rộng phạm vi phủ sóng tại Điện Biên, Đài THVN đã tiến hành ký hợp đồng tiếp phát sóng các kênh VTV1,VTV2,VTV3,VTV6 với Đài PTTH tỉnh Điện Biên.



5. Cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị:

Vừa qua, kênh VTV3, Đài THVN chiếu phim “Ván bài đen tối” không phù hợp với phong tục, tập quán, không có giá trị văn hóa, giáo dục, gây ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng, hành vi lớp trẻ, đề nghị chỉ đạo chấn chỉnh”.

Trả lời: (tại Công văn số 1039/THVN-VP ngày 03/9/2009)

Bộ phim “Ván bài đen tối” là một bộ phim truyền hình do Singapore sản xuất gồm 60 tập, được Đài THVN khai thác phát sóng trên kênh VTV3 vào 18h00 các ngày trong tuần (từ 26/9/2008 đến 25/11/2008).

Trong khi bộ phim này đang được phát sóng, Đài THVN cũng nhận được nhiều ý kiến của khán giả góp ý. Đài THVN đã tiếp thu và kịp thời chỉ đạo các bộ phận liên quan xem xét, cắt sửa những cảnh có nội dung không phù hợp ở các tập phát sóng tiếp theo, đồng thời chỉ đạo các bộ phận liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc biên tập và chọn mua phim... Đài THVN chân thành cảm ơn và tiếp thu ý kiến của cử tri trong việc lựa chọn chương trình phát sóng.

Đài THVN xin chân thành cảm ơn ý kiến đóng góp của cử tri cả nước. Đài rất mong nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, góp ý để sự nghiệp truyền hình ngày càng phát triển, hoàn thiện, phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu hưởng thụ văn hoá, tinh thần của nhân dân, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển đất nước./.


BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
1. Cử tri tỉnh Đắk Lắk kiến nghị:

Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm cho chủ trương thành lập Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Tây Nguyên, nhằm hỗ trợ kịp thời về nghiệp vụ đo lường chất lượng cho các tỉnh Tây Nguyên”.



Trả lời: (Tại Công văn số 2225/BKHCN-VP ngày 07/9/2009).

Bộ Khoa học và Công nghệ đã có chủ trương thành lập Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng Tây Nguyên và xem đây là một đề án quan trọng. Tuy nhiên, để Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng Tây Nguyên có thể đáp ứng được các yêu cầu, nhu cầu đặt ra đối với toàn bộ khu vực Tây Nguyên cần thiết phải có khảo sát, nghiên cứu và đặc biệt là đạt được sự đồng thuận của các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên cũng như là từ phía lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk.

Trong những năm vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường – Chất lượng hỗ trợ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk và các Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh khu vực Tây Nguyên xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng Tây Nguyên. Sau khi thẩm định nội dung Đề án, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tạo điều kiện bố trí diện tích đất tại thành phố Buôn Ma Thuật để xây dựng trụ sở Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng vùng Tây Nguyên (Công văn số 1238/BKHCN-TĐC ngày 25 tháng 5 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ).

Để đáp ứng đề nghị trên của Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có Công văn số 2361/UBND-CN ngày 01/6/2009 giao cho Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuật, Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ngành có liên quan rà soát quỹ đất trên địa bàn thành phố, phù hợp với quy hoạch, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí cho Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng công trình nói trên.

Đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ được biết, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk theo Công văn số 2361/UBND-CN ngày 01/6/2009, Sở Xây dựng tỉnh đã có Công văn số 656/SXD-QH ngày 08/7/2009 về việc lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuật, Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk, Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng Đắk Lắk về địa điểm xây dựng trụ sở Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng Tây Nguyên trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk xem xét quyết định. Trên cơ sở quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí ngân sách để đầu tư xây dựng trung tâm.

2. Cử tri tỉnh Sơn La kiến nghị:

Đề nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể và cho phép tăng thời gian chuyển đổi của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học ở các tỉnh miền núi từ năm 2010 đến 2015 theo mục 2, Điều 4 Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Nguyên nhân do điều kiện kinh tế – xã hội ở các tỉnh miền núi còn khó khăn, hiện nay hoạt động mới đi vào ổn định, tiềm lực về vốn nhân sự còn hạn chế, kinh nghiệm và năng lực thực hiện còn yếu, đầu tư của nhà nước còn ít ”.



Trả lời: (Tại Công văn số 2224/BKHCN-VP ngày 07/9/2009).

1. Về quy định tại khoản 2, Điều 4, Nghị định 115/2005/NĐ-CP

Tại khoản 2, Điều 4, Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập (gọi tắt là Nghị định 115) quy định: “Tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ chưa tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên thì chậm nhất đến tháng 12 năm 2009 phải chuyển đổi tổ chức và hoạt động theo một trong hai hình thức quy định tại khoản 1 Điều này hoặc sát nhập, giải thể”. Như vậy, đối tượng quy định tại khoản này là: “tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ” không phải là “doanh nghiệp”như trong kiến nghị trên.



2. Về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP.

Sau khi Nghị định số 115 có hiệu lực thi hành, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức hướng dẫn, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản để triển khai thực hiện, tạo hành lang pháp lý tương đối rõ ràng, đầy đủ trong việc áp dụng Nghị định này. Cụ thể:

+ Thông tư liên tịch số 12/2006/TTLT/BKHCN-BTC-BNV ngày 05/6/2006 của liên Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP;

+ Thông tư liên tịch số 11/2007/TTLT/BCA-BKHCN ngày 27/7/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an hướng dẫn tổ chức khoa học và công nghệ công lập mời chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài vào Việt Nam và cử cán bộ ra nước ngoài hoạt động khoa học và công nghệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức khoa học và công nghệ trong hợp tác quốc tế.

+ Quyết định số 08/2007/QĐ-BKHCN ngày 06/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành Quy định về tiêu chí xác định tổ chức khoc học và công nghệ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách phục vụ quản lý nhà nước.

+ Công văn số 2855/BKHCN-TCCB ngày 02/11/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hỗ trợ các tổ chức khoa học và công nghệ ở địa phương thực hiện theo quy định của Nghị định 115/2005/NĐ-CP;

+ Công văn số 3831/BKH-PTDN ngày 4/6/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đăng ký kinh doanh đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập;

+ Công văn số 460/BKHCN-TCCB ngày 04/3/2008 của Bộ Khoa học và Công nghệ và Công văn số 500/CV-LS-XNC ngày 04/3/2008 của Cực Lãnh sự, Bộ Ngoại giao về việc cấp Hộ chiếu công vụ cho cán bộ của các tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phát hành “Sách hỏi đáp về Nghị định 115” và gửi đến các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức khoa học và công nghệ để góp phần giải đáp những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 115.

3. Về việc cho phép kéo dài thời gian chuyển đổi tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Xuất phát từ thực tiễn triển khai thực hiện và tổng hợp số liệu, ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận thấy tiềm lực của các tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Ủy ban nhân dân các địa phương còn yếu, đúng như ý kiến nhận xét của cử tri tỉnh Sơn La đã nêu. Để giải quyết vấn đề này, hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành có liên quan tiến hành xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115. Trong Dự thảo, khoản 2, Điều 4 Nghị định 115 được đề xuất sửa đổi theo hướng: kéo dài thời gian chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến hết năm 2013. Đồng thời, trong Dự thảo có bổ sung nội dung yêu cầu ỦY ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển cho các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc để các tổ chức này có đủ tiềm lực chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ của Nghị định 115. Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 115 sẽ sớm trình Chính phủ trong thời gian tới sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.



3. Cử tri tỉnh Ninh Bình kiến nghị:

Đề nghị nhà nước tăng cường đầu tư ngân sách cho công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tạo bước đột phá để hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông thôn, xây dựng chính sách đãi ngộ thỏa đáng, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia công tác này”.



Trả lời: (Tại Công văn số 2227/BKHCN-VP ngày 07/9/2009).

1. Về đầu tư cho công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Trong những năm qua, Nhà nước luôn quan tâm và ưu tiên đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Việc đầu tư ngân sách khoa học và công nghệ cho mục tiêu này ngày càng tăng và được thực hiện thông qua các hình thức dưới đây:

1) Cân đối trực tiếp qua ngân sách địa phương cho hoạt động khoa học và công nghệ của các tỉnh, thành phố với tỷ trọng đạt 30 – 31% tổng đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ hàng năm của cả nước (bao gồm kinh phí đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp khoa học), trong đó nhiều địa phương đã dành tỷ lệ đầu tư cao cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn.

2) Cân đối qua kinh phí hoạt động khoa học và công nghệ của nhiều Bộ, ngành Trung ương và mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, ví dụ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam,… khoảng 1000 tỷ đồng mỗi năm.

3) Đầu tư kinh phí từ ngân sách và ngoài ngân sách cho các chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước với các nhiệm vụ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Cụ thể, trong các năm 2006 – 2009 Nhà nước đã đầu tư hàng năm vài trăm tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc các chương trình cấp Nhà nước theo yêu cầu đặt hàng của các địa phương. Ví dụ như: Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn” (Chương trình khoa học và công nghệ KC.07); Chương trình “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chủ lực” (Chương trình khoa học và công nghệ KC.06 phục vụ nông thôn, miền núi); Chương trình “Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học” (Chương trình khoa học và công nghệ KC.04 phục vụ nông thôn, miền núi); Chương trình trọng điểm “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”; Đề án “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020”;…

Ngoài ra, mỗi năm Nhà nước còn dành hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách khoa học và công nghệ Trung ương để triển khai trên địa bàn các tỉnh, thành phố các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Nhà nước nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu cấp bách của các tỉnh, thành, ví dụ như các Dự án thuộc Chương trình: “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội Nông thôn và Miền núi đến năm 2010” (Chương trình Nông thôn và Miền núi).

Sự tăng cường và tập trung đầu tư từ ngân sách nhà nước cho nông nghiệp và nông thôn trong thời gian qua đã tạo được những bước đột phá quan trọng:

- Tuyển chọn, lai tạo và nhân nhanh bằng công nghệ cao các giống cây trồng, giống vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt;

- Áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, góp phần hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản Việt Nam;

- Nghiên cứu và áp dụng có hiệu quả các giải pháp và công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, đặc biệt là các giải pháp chống tổn thất sau thu hoạch đối với lúa ở đồng bằng sông Cửu Long và cây ăn quả;

- Chuyển dịnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển dịch vụ nông thôn, khôi phục và phát triển nhiều làng nghề và ngành nghề truyền thống ở nông thôn;

- Tạo lập căn cứ để hình thành nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nông nghiệp và nông thôn (chế biến lâm sản và thủy, hải sản), tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nông dân;…

Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng cường đầu tư ngân sách , Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng rất cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các hiệp hội và người dân để tăng cường hiệu quả đầu tư, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

2. Về xây dựng chính sách, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Bên cạnh việc tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành các cơ chế, chính sách sau:

- Nhóm các giải pháp hỗ trợ khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và hoạt động khoa học và công nghệ như miễn, giảm thuế đối với các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và các dự án đầu tư vào hoạt động khoa học, đổi mới công nghệ; hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp nghiên cứu khoa học; hỗ trợ doanh nghiệp và các địa phương khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ…

- Hỗ trợ đầu tư huy động tối đa lực lượng cán bộ khoa học công nghệ thuộc các tổ chức khoa học và công nghệ về phục vụ địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

- Tăng cường đầu tư cho công tác tuyên truyền, quảng bá các thành tựu khoa học và công nghệ ; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và triển khai ứng dụng trong thực tiễn cho cán bộ khoa học và quản lý tại địa phương; tập huấn kỹ thuật, nâng cao hiểu biết của nông dân và trình độ của cán bộ cơ sở về khoa học và công nghệ, hình thành mối liên hệ giữa 4 nhà “Nhà nước – nhà khoa học – nhà nông – nhà doanh nghiệp;…”.

- Đãi ngộ ngày càng thỏa đáng hơn đối với các cán bộ khoa học (như nâng định mức trả công lao động sáng tạo trong các nhiệm vụ khoa học và công nghệ , bảo đảm các điều kiện cần thiết về tài lực, vật lực, hợp tác quốc tế để triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ;…).



THANH TRA CHÍNH PHỦ
1. Cử tri tỉnh Quảng Bình kiến nghị:

Đề nghị nhà nước cần có chế tài quy định trình tự thủ tục cụ thể về xử lý nghiêm những đối tượng tố cáo sai sự thật, vu khống người khác.

Trả lời: (tại Công văn số 2365/TTCP ngày 25/9/2009)

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiến hành tổng kết toàn diện việc thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan quy định về khiếu nại, tố cáo; nghiên cứu những vấn đề quy định trong Luật Khiếu nại, tố cáo nhưng chưa được hướng dẫn thi hành đầy đủ (trong đó có các quy định xử lý vi phạm về khiếu nại, tố cáo). Qua tổng kết, kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo, làm cơ sở cho việc xây dựng các dự án Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Đề án Tài phán Hành chính (đang triển khai).



2. Cử tri tỉnh Trà Vinh, Long An kiến nghị:

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp lớn. Mặt khác cần phát hiện xử lý cán bộ thanh kiểm tra, kiểm toán tiêu cực, làm sai nguyên tắc chẳng hạn như sai phạm trong kiểm toán tại Công ty Bông Bạch tuyết vừa qua.

Trả lời: (tại Công văn số 2365/TTCP ngày 25/9/2009)

Trong năm 2009, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Tập đoàn Điện lực, Công ty Cổ phần du lịch Việt Nam tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam…Dự kiến trong chương trình, kế hoạch thanh tra năm 2010, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tăng cường hơn nữa số cuộc thanh tra đối với các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp lớn nhằm phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những vi phạm tại các đơn vị tiến hành thanh tra.

Đối với việc phát hiện, xử lý cán bộ thanh, kiểm tra, kiểm toán tiêu cực làm sai nguyên tắc, Thanh tra Chính phủ xin tiếp thu. Vừa qua Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quy chế Giám sát, kiểm tra hoạt động Đoàn thanh tra nhằm hạn chế, khắc phục kịp thời những thiếu sót, bất cập trong thực hiện công tác thanh tra, đồng thời thực hiện chấn chỉnh, xử lý các vi phạm làm sai nguyên tắc trong quá trình thanh tra.

Riêng về sai phạm trong kiểm toán tại Công ty Cổ phần Bông Bạch tuyết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo thanh tra làm rõ và xử lý theo quy định. Thanh tra Thành phố đã thành lập Đoàn thanh tra nhưng hiện đang tạm dừng thanh tra do có sự tranh chấp về pháp nhân của doanh nghiệp chờ phán quyết của Toà án; dự kiến tháng 10/2009 Đoàn sẽ làm việc trở lại.



3. Cử tri thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Cần Thơ kiến nghị:

Cử tri nêu nhiều ý kiến về tình hình khiếu kiện vượt cấp, đông người kéo dài vẫn diễn biến phức tạp; công dân ở các tỉnh vẫn thường kéo về thành phố Hồ Chí Minh để khiếu kiện đông người; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chức năng, trong đó có địa phương trong việc để xẩy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện phức tạp. Đề nghị có biện pháp xử lý đối với cơ quan có thẩm quyền khi giải quyết đơn không đúng quy định Luật Khiếu nại, tố cáo để đảm bảo giữ vững trật tự kỷ cương. Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng khiếu kiện để kích động, gây rối vì mục đích cá nhân.

Trả lời: (tại Công văn số 2365/TTCP ngày 25/9/2009)

Đối với tình hình khiếu kiện đông người, vượt cấp diễn biến phức tạp trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp: Báo cáo Bộ Chính trị để thống nhất chủ trương; tăng cường chỉ đạo các ngành, các cấp nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và cơ quan tham mưu trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; chấn chỉnh công tác tiếp dân, xử lý đơn thư; tập trung kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc bức xúc, kéo dài; giải quyết kịp thời các vụ việc mới phát sinh; tăng cường hoà giải ở cơ sở; nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời các tình huống phức tạp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để gây rối.

Trước tình hình khiếu kiện phức tạp, đông người tại thành phố Hồ Chí Minh (tháng 4, 5/2009), Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam để bàn biện pháp giải quyết; chỉ đạo lực lượng an ninh xử lý một số kẻ chủ mưu lợi dụng kích động, lôi kéo, hỗ trợ những người đi khiếu kiện để thực hiện âm mưu chống phá Nhà nước.


Каталог: UserControls -> ckfinder -> userfiles -> files
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> Phụ lục số 1 danh mục các văn bản hưỚng dẫn thi hành pháp luật về giao thôNG
files -> PHỤ LỤC 1 KẾt quả XỬ LÝ ĐƠN, thư CỦa uỷ ban tư pháp từ sau kỳ HỌp thứ SÁU ĐẾn truớc kỳ HỌp thứ BẢy quốc hội khóa XII
files -> Phần I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
files -> II. Các kiến nghị về chính sách đối với giáo viên
files -> BÁo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo trong giáo dục đại học
files -> ĐỀ ÁN ĐỔi mới cơ chế TÀi chính giáo dục giai đOẠN 2009-2014

tải về 3.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   35   36   37   38   39   40   41   42   43




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương