UỶ ban nhân dân tỉnh quảng trị


II. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH QUẢNG TRỊ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG CHO CÁC NĂM TIẾP THEO



tải về 3.28 Mb.
trang12/26
Chuyển đổi dữ liệu17.08.2016
Kích3.28 Mb.
#21656
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   26

II. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH QUẢNG TRỊ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG CHO CÁC NĂM TIẾP THEO

Xuất phát từ các nội dung đã nêu trong các phần trên đây, đặc biệt là từ những quan điểm, định hướng phát triển thương mại tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, quy hoạch thương mại tỉnh Quảng Trị được xác định trên một số nội dung cụ thể sau:



1. Quy hoạch phát triển thương mại theo không gian thị trường

* Thành phố Đông Hà - cấp trung tâm thương mại tỉnh và vùng:

Thành phố Đông Hà là trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội, đồng thời là một đô thị trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây và là một trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch của tỉnh và vùng Bắc Trung bộ, nơi có trình độ dân trí tương đối cao, có điều kiện khá về cơ sở hạ tầng. Đến trước năm 2020 được nâng lên đô thị loại II. Qui mô dân số dự kiến đến năm 2020 có khoảng 200.000 - 250.000 người.

Trên địa bàn thành phố có KCN tập trung Nam Đông Hà – 99 ha, khu công nghiệp Đường 9 – qui mô khoảng 80 - 100 ha (phía tây thành phố Đông Hà), ngoài ra còn có cụm công nghiệp Đông Lễ và định hướng qui hoạch hình thành 9 cụm công nghiệp - TTCN trên địa bàn các phường, dự kiến bố trí các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế như sản xuất vật liệu trang trí nội thất, chế biến gỗ, đồ gỗ cao cấp, giấy, luyện cán thép, cơ khí, may xuất khẩu, dệt, da giày, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông sản, thực phẩm, đồ uống...và các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Về phát triển nông nghiệp, thành phố Đông Hà định hướng qui hoạch phát triển một số vùng chuyên canh sản xuất bao gồm (1) vùng sản xuất lương thực, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, qui mô 1.000 – 1.100 ha tại các phường Đông Lương, Đông Lễ, Đông Giang, Đông Thanh; (2) vùng cây thực phẩm, qui mô 350 – 500 ha ở các phường Đông Giang, phường 2, 3, Đông Thanh và Đông Lễ. (3) vùng sinh thái nông lâm kết hợp trồng cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc, qui mô khoảng 300 ha ở khu vực Khe Lấp, HTX Tân Vĩnh, phường 4.

- Về điều kiện phát triển khu vực thành phố Đông Hà là:

+ Là đô thị trung tâm cấp tỉnh, tập trung các cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh Quảng Trị.

+ Nằm trên giao lộ của QL1A và QL9, là một phần của hành lang kinh tế Đông - Tây chạy qua.

+ Là trung tâm du lịch của tỉnh và của vùng.

+ Là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp, khoa học kỹ thuật với trình độ cao hơn so với các khu vực khác trong tỉnh.

+ Khu vực tập trung dân cư với mật độ cao, có thu nhập và trình độ tiêu dùng cao hơn các khu vực khác.

+ Đầu mối giao thông của tỉnh: có đầy đủ hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ (quốc lộ, tỉnh lộ và đường cao tốc) và đường thuỷ (có hệ thống cảng sông).

- Về tính chất, khu trung tâm thương mại tại thành phố Đông Hà vừa là trung tâm bán lẻ hàng hoá phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong khu vực, trung tâm thu hút, phát luồng hàng hoá trong và ngoài tỉnh, vừa là trung tâm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, văn hoá thể thao của dân cư trong tỉnh và sự giao lưu của các đối tượng dân cư từ ngoài tỉnh. Tại đây sẽ cung cấp các dịch vụ đa dạng với chất lượng cao như dịch vụ tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán; dịch vụ vận tải, kho bãi...



* Thị xã Quảng Trị: cấp trung tâm thương mại tỉnh

Thị xã Quảng Trị là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội, thương mại - dịch vụ khu vực phía Nam của tỉnh, là nơi có trình độ dân trí tương đối cao, có điều kiện khá về cơ sở hạ tầng. Đến sau năm 2015, dự kiến thị xã Quảng Trị hiện nay sẽ phát triển thành đô thị loại III. Qui mô dân số dự kiến đến 2020 có 25.000 - 30.000 người. Về phát triển đô thị, trên địa bàn đến cuối năm 2011 sẽ có dự án tái định cư Cây Trâm tại xã Hải Lệ qui mô 27 ha và đến năm 2015 sẽ có khu đô thị Bắc Thành cổ tại phường An Đôn qui mô 44 ha.

Trên địa bàn thị xã có cụm công nghiệp Cầu Lòn – Bàu De, diện tích 4,36 ha, sẽ hình thành cụm công nghiệp Hải Lệ với diện tích 48,98 ha, dự kiến bố trí các ngành nghề như chế biến nông - lâm sản, cơ khí nhỏ, sửa chữa xe máy, công nghiệp vật liệu xây dựng, sản xuất bao bì.

- Về điều kiện phát triển khu vực thị xã Quảng Trị là:

+ Có QL1A và đường HCM nhánh Đông (đoạn Cam Lộ - Túy Loan) chạy qua, nên rất thuận lợi về giao thông.

+ Hạ tầng cơ sở tương đối tốt.

+ Là khu trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, .

+ Khu vực tập trung dân cư với mật độ tương đối cao, có thu nhập và trình độ tiêu dùng cao hơn các khu vực khác.

- Về tính chất, khu trung tâm thương mại tại thị xã Quảng Trị vừa là trung tâm bán lẻ hàng hoá phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong khu vực, trung tâm thu hút, phát luồng hàng hoá trong tỉnh, vừa là trung tâm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, văn hoá thể thao của dân cư trong tỉnh và sự giao lưu của các đối tượng dân cư từ ngoài tỉnh.

* Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo - cấp trung tâm thương mại tỉnh và vùng:

Là khu vực có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế; là điểm đầu của Việt Nam trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông –Tây, có trục đường bộ Xuyên Á nối liến các nước Mianma - Thái Lan - Lào và Việt Nam qua cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo.

Những chính sách ưu đãi đặc biệt mà Chính phủ dành cho Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động SXKD và thu hút đầu tư tại khu vực. Các hạng mục thiết yếu đã được đầu tư bao gồm: Quốc lộ 9 được nâng cấp giai đoạn II hoàn thành vào cuối năm 2006. Đây là tuyến đường xuyên Á nối liền các nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Mianma,... gắn liền với Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt xuyên Việt. Hệ thống giao thông nội thị, liên xã đã được đầu tư xây dựng.

* Huyện Hải Lăng:

Là huyện có thế mạnh về tổng hợp kinh tế biển, có khu Đông Nam tỉnh Quảng Trị là trọng điểm kinh tế của tỉnh. Về giao thông, Hải Lăng có trục giao thông Quốc lộ 1A chạy qua và tuyến đường sắt Bắc – Nam. Thị trấn Hải Lăng – Thị tứ Mỹ Chánh – Khu Đông Nam Quảng Trị đóng vai trò là tam giác đô thị, trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ phía Nam của tỉnh.

Trên địa bàn huyện đã và tiếp tục hình thành các cụm công nghiệp – làng nghề Diên Sanh với qui mô 70 ha, sau này sẽ đầu tư mở rộng thành khu công nghiệp Hải Lăng với qui mô 150 ha; cụm công nghiệp – thương mại, dịch vụ Hải Phú, Hải Thượng, Hải Lâm, Hải Trường, Hải Sơn, Hải Chánh, Phương Lang, Mỹ Chánh, Hội Yên, Mỹ Thủy có quy mô trên 15 ha/cụm. Dự kiến bố trí các ngành nghề như khai thác khoáng sản như cát thủy tinh, titan, phụ gia xi măng, sét gạch ngói...; chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống, chế biến gỗ, lâm sản, hóa chất, cao su, nhựa, giấy, may mặc và tiểu thủ công nghiệp.

Về nông nghiệp, thế mạnh là trồng trọt với các vùng chuyên canh tập trung như vùng lúa chất lượng cao ở các xã Hải Qui, Hải Xuân, Hải Vĩnh, Hải Thiện, Hải Thành, Hải Tân, Hải Phú; vùng sắn nguyên liệu với diện tích khoảng 1.500 ha; vùng rau đậu thực phẩm và vùng trồng thử nghiệm cây cao su ở các xã với diện tích khoảng 500 ha.



* Huyện Triệu Phong:

Là huyện phía Nam của tỉnh, có qui mô dân số lớn, có vị trí thuận lợi trong việc giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa các vùng trong và ngoài tỉnh, bởi đây là nơi giao lưu giữa hai đầu mối đô thị quan trọng là TP. Đông Hà và thị xã Quảng Trị. Đặc biệt Triệu Phong còn nằm trên các trục giao thông thiết yếu như QL 1A, nối liền với đường xuyên Á đến Lào, Đông Bắc Thái Lan, đường sắt Bắc Nam và hệ thống đường thủy, Từ Triệu Phong có thể tiếp cận dễ dàng với các đô thị lớn của vùng như TP. Huế, TP. Đồng Hới và cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo.

Triệu Phong có thế mạnh về kinh tế nông – lâm nghiệp và thủy sản, trong đó cây lúa là cây trồng chủ chốt và các loại cây lương thực khác, ngoài ra Triệu Phong còn có thế mạnh về du lịch và kết nối du lịch.

Trên địa bàn huyện đã và tiếp tục hình thành các cụm công nghiệp – làng nghề tại thị trấn Ái Tử, với qui mô 35 ha; cụm công nghiệp Nam Cửa Việt dọc theo các xã Triệu An, Triệu Vân và Triệu Lăng; cụm công nghiệp Tây Triệu Phong (khu vực xã Triệu Ái). Dự kiến bố trí tại các cụm công nghiệp này các ngành nghề như khai thác, chế biến khoáng sản và thủy hải sản, thức ăn chăn nuôi, lâm sản và thủ công mỹ nghệ, giấy, bột giấy, vật liệu xây dựng, dệt may.



* Huyện Đakrông:

Là huyện miền núi, có kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp với cây công nghiệp lâu năm như hồ tiêu, cao su, các cây lương thực như lúa nước, ngô, cây ngắn ngày như lạc, đậu đỗ và chăn nuôi đại gia súc, có nhiều khoáng sản quan trọng như vàng, granit, ngoài ra còn có các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp và du lịch.

Trên địa bàn huyện có cụm công nghiệp - làng nghề thị trấn Krông Klang, qui mô 16 ha; qui hoạch cụm công nghiệp Tà Rụt, qui mô 10-15 ha với các ngành nghề như chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, điện máy, mây tre đan, đồ gỗ, may mặc.

Trong tương lai, thị trấn Krông Klang đến năm 2020 sẽ có qui mô dân số khoảng 10-12 nghìn người, là hạt nhân kinh tế - xã hội của huyện. Ngoài ra hình thành thị trấn Tà Rụt trước năm 2015 và các thị tứ mới như Đakrông, Ba Lòng, Tà Long

Đakrông được xác định phát triển theo 3 vùng động lực theo thứ tự ưu tiên gồm (1) vùng hành lang kinh tế QL 9; (2) vùng chiến khu Ba Lòng và (3) vùng xã Tà Rụt, A Ngo, A Bung, khu kinh tế cửa khẩu quốc gia La Lay.

* Huyện Gio Linh:

Địa hình Gio Linh được phân thành 3 vùng rõ rệt: vùng gò đồi và miền núi, vùng đồng bằng, miền biển và vùng cát. Gio Linh có kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp và thủy sản. Các sản phẩm của Gio Linh chủ yếu là từ các loại cây công nghiệp, cây lương thực, thủy sản và tiểu thủ công nghiệp, xây dựng.

Thế mạnh của Gio Linh là huyện nằm ở vị trí quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, nối Myanma, Thái Lan, Lào qua tuyến QL 9. Gio Linh còn có lợi thế về giao thông cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và có cảng biển – đây là điều kiện tốt cho việc thông thương hàng hóa, phát triển giao lưu thương mại, dịch vụ và du lịch.

Trên địa bàn huyện đã hình thành khu công nghiệp Quán Ngang và định hướng phát triển cụm công nghiệp tại thị trấn Gio Linh, các cụm dịch vụ ở khu di tích căn cứ quân sự Dốc Miếu, các làng nghề Lan Đình, xã Gio Phong với các mặt hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch. Vùng biển của Gio Linh gồm các xã Trung Giang, Gio Hải, Gio Việt và thị trấn Cửa Việt – đây là vùng nằm trong qui hoạch của tỉnh về phát triển Khu du lịch dịch vụ Cửa Việt – Cửa Tùng có tuyến đường cơ động Cửa Tùng – Cửa Việt đi qua.



* Huyện Vĩnh Linh:

Là huyện có thế mạnh về nông, ngư nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch. Các sản phẩm chủ yếu của Vĩnh Linh bao gồm cao su, hồ tiêu và lâm sản. Vĩnh Linh có tuyến QL1A đi qua thị trấn Hồ Xá là trung tâm huyện lỵ, có tuyến đường HCM nhánh Đông đi qua thị trấn Bến Quan, có tuyến đường sắt Bắc – Nam. Đây là những tuyến giao thông huyết mạch và mang tính chiến lược, có nhiệm vụ kết nối các vùng miền theo chiều Bắc – Nam trong giao lưu trao đổi thương mại. Ngoài ra hệ thống giao thông thủy nối thị trấn Cửa Tùng với các xã, thị trấn dọc sông Bến Hải, sông Sa Lung và sông Hồ Xá nên có vai trò quan trọng vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng và các sản phẩm khác đến các tụ điểm thương mại tập trung.

Trên địa bàn huyện đã hình thành khu công nghiệp Bắc Hồ Xá với qui mô 294 ha và định hướng phát triển cụm công nghiệp tại Cửa Tùng và thị trấn Bến Quan, bố trí các ngành nghề như chế biến nông – lâm sản, sửa chữa máy móc, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm.

Thị trấn Hồ Xá là đô thị trung tâm của toàn huyện với hệ thống các công trình dịch vụ đô thị, các khu dân cư tập trung. Các đô thị vệ tinh bao gồm thị trấn Bến Quan và thị trấn Cửa Tùng và các trung tâm cụm xã được hình thành trên địa bàn huyện.


* Huyện Cam Lộ:

Là huyện nông nghiệp của tỉnh, có ảnh hưởng lớn từ tốc độ phát triển, đô thị hóa của Đông Hà, góp phần tạo cơ sở, điều kiện cho huyện phát triển thương mại, dịch vụ. Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của Cam Lộ bao gồm lạc, cây ăn quả và sản phẩm từ các loại cây công nghiệp lâu năm như cao su và hồ tiêu (tập trung nhiều tại các xã Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Chính).

Cam Lộ có các đầu mối giao thông quan trọng như QL1A, đường HCM và QL9 – điểm đầu cầu trên hành lang kinh tế Đông – Tây, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn của Cam Lộ. Theo định hướng qui hoạch, trên địa bàn huyện sẽ hình thành các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – thương mại, dịch vụ. Các ngành công nghiệp thế mạnh của Cam Lộ bao gồm công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, khai thác chế biến khoáng sản, gia công cơ khí, sửa chữa cơ khí phục vụ nông nghiệp.

Đến năm 2020, trên địa bàn Cam Lộ sẽ hình thành các khu, cụm công nghiệp – TTCN như cụm CN – làng nghề Tân Định tại xã Cam Thành, qui mô 10,5 ha; cụm CN - dịch vụ Tân Trang tại xã Cam Thành, qui mô 15 ha; cụm CN - TTCN - dịch vụ đường 9D tại xã Cam Hiếu, qui mô 70 ha; cụm CN - TTCN - dịch vụ đường HCM tại xã Cam Tuyền, qui mô 50 ha; cụm TM - dịch vụ Ngã Tư Sòng tại xã Cam An và Cam Thanh, qui mô 15,5 ha và cụm CN đang được nghiên cứu hình thành tại khu vực đường Cam Lộ - Túy Loan, qui mô ban đầu khoảng 20 ha. Các cụm CN – Thương mại này sẽ là hạt nhân, là động lực hình thành và phát triển các trung tâm thị trấn, thị tứ và thúc đẩy thương mại tại các khu vực này.



* Huyện Hướng Hóa:

Là huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Trị với trung tâm huyện lỵ là thị trấn Khe Sanh có thế mạnh về các sản phẩm lâm nghiệp và thích hợp phát triển các sản phẩm cây lâu năm với qui mô tập trung lớn. Vùng cà phê của Hướng Hóa có diện tích và sản lượng khá lớn, ngoài ra còn có hồ tiêu, chuối và quả bơ.bên cạnh đó còn có lợi thế về phát triển du lịch sinh thái.

Hướng Hóa nằm trên QL9 thuộc tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây và đường HCM nhánh Tây cùng với hệ thống giao thông nội huyện đến trung tâm của các xã, rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của dân cư và khách du lịch.

Đến năm 2020, trên địa bàn Hướng Hóa sẽ hình thành các cụm công nghiệp Tân Thành, Tây Bắc Lao Bảo, Khe Sanh và Hướng Tân. Thế mạnh của Hướng Hóa là có nguồn khoáng sản nguyên liệu dồi dào cho sản xuất vật liệu xây dựng, cho sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, dược phẩm, tạo ra các loại hàng hóa có giá trị trong tiêu dùng và xuất khẩu.

Ngoài những tiềm năng về vị trí địa lý, tài nguyên, tiềm năng về du lịch, Hướng Hóa còn có lợi thế là huyện biên giới có cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, có khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, là nơi trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đồng thời là điểm du lịch tham quan và mua sắm nhộn nhịp.

* Huyện Đảo Cồn Cỏ:

Là huyện đảo độc lập giữa biển, qui mô diện tích và dân số ít, giao thông giữa đảo và đất liền chủ yếu bằng đường biển, chưa có tàu vận tải lớn nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa rất hạn chế. Phần lớn diện tích đất trên đảo là rừng, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là trồng các loại cây thực phẩm đáp ứng một phần nhu cầu trên đảo, không có giá trị sản xuất hàng hóa, hoạt động thương mại trên địa bàn đảo chưa phát triển. Tuy nhiên, thế mạnh của huyện là nằm trong khu vực biển có hệ tài nguyên đa dạng và phong phú, có tiềm năng phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Cồn Cỏ thuộc ngư trường được đánh giá có sản lượng cá khá lớn với nhiều loại hải sản đa dạng. Do vậy, trong tương lai, qui hoạch thương mại trên địa bàn đảo cần được tính đến với định hướng chủ yếu tập trung phát triển phục vụ du lịch, đánh bắt, thu gom nguồn hải sản, cung ứng dịch vụ hầu cần nghề cá phục vụ không chỉ cho các tàu thuyền của tỉnh mà cho cả các tàu thuyền qua lại trên vùng biển Quảng Trị và cung ứng các dịch vụ khác.



Tóm lại:

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, bên cạnh các đô thị hiện hữu và đô thị mới, các khu cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ được xây dựng trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn đến năm 2020, sẽ hình thành các thị tứ, trung tâm cụm xã ở khu vực nông thôn tại các huyện. Các khu, cụm dân cư nông thôn cũng sẽ là yếu tố quan trọng trong việc bố trí các cơ sở hạ tầng thương mại trong kỳ qui hoạch.

Với qui hoạch các địa bàn huyện, thị, thành phố của tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 như trên, việc bố trí qui hoạch không gian thương mại một phần dựa trên hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn hiện nay, còn lại phần lớn sẽ chủ yếu dựa trên qui hoạch đô thị và nông thôn đến năm 2020. Về nguyên tắc, việc bố trí quy hoạch theo không gian thương mại tỉnh phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản: một là, vừa đảm bảo tính tập trung, vừa đảm bảo tính phân bố đều trên phạm vi lãnh thổ tỉnh Quảng Trị; hai là, tạo nên không gian thương mại phát triển mở rộng ngay từ các trung tâm, vùng, các chợ đầu mối. Có thể bố trí quy hoạch phát triển thương mại trong phạm vi không gian lãnh thổ tỉnh Quảng Trị theo ba cấp:

- Cấp cơ sở: lấy các chợ xã làm hạt nhân phát triển kết hợp với các cửa hàng, điểm bán (của mọi thành phần kinh tế) tạo thành tổ hợp thương mại phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của các tầng lớp dân cư trong khu vực xã, phường, các thị tứ ...

- Cấp trung tâm vùng hay cụm thương mại - dịch vụ huyện: được xây dựng tại các trung tâm của tiểu vùng.

Theo điều kiện đặc điểm địa hình, theo phân vùng của qui hoạch tổng thể kinh tế xã hội Quảng Trị và phát huy tiềm năng phát triển kinh tế và khả năng liên kết giữa các tiểu vùng, có thể bố trí như sau:

+ Đối với vùng miền núi: khu kinh tế đặc biệt Lao Bảo, các thị trấn trung tâm huyện và khu kinh tế cửa khẩu La Lay được hình thành trong tương lai sẽ là các trung tâm của tiểu vùng và là những hạt nhân phát triển.

+ Đối với vùng đồng bằng: tại đây, thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị, thị trấn Hồ Xá, thị trấn Hải Lăng và các thị trấn các huyện là các trung tâm và là các hạt nhân phát triển của tiểu vùng.

+ Đối với vùng ven biển và đảo Cồn Cỏ: các thị trấn Cửa Việt và Cửa Tùng, Bồ Bản, Mỹ Thủy được hình thành trong tương lai sẽ là hạt nhân phát triển của tiểu vùng này.

Gắn liền với các vùng kinh tế là các vùng động lực phát triển kinh tế, trong đó các trục giao thông lớn, dọc và ngang chính là các trục động lực phát triển:



Hệ thống giao thông đường bộ bao gồm 4 trục dọc:

(1) Đường ven biển: theo Nghị quyết 27/2007/NQ-CP ngày 30/5/2007 của Chính phủ, tuyến đường bộ ven biển của Quảng Trị được xây dựng để phát triển kinh tế hàng hải, phục vụ du lịch và đảm bảo an ninh quốc phòng. Tuyến đường bộ ven biển của Quảng Trị được hình thành với điểm đầu nối với đường bộ ven biển tỉnh Quảng Bình, đi qua thôn Mạch Nước, xã Vĩnh Thái và điểm cuối kết thúc ở thôn Thâm Khê, xã Hải An nối vào đường ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế - tổng chiều dài 73 km.

(2) Quốc lộ 1A: chạy dọc tỉnh theo hướng Bắc – Nam. Quốc lộ 1 qua địa phận Quảng Trị từ Vĩnh Chấp km 717 đến thôn Câu Nhi Hải Chánh km 791A+500, dài 75,5 km.

(3) Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông: theo Quyết định 242/QĐ-TTg ngày 15/2/2007 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục xây dựng đường HCM đoạn Cam Lộ - Túy Loan từ thị trấn Cam Lộ (giao với quốc lộ 9) song song với quốc lộ 1A, nối vào tuyến tránh Huế kéo vào đến Túy Loan dài 205 km, đoạn qua địa phận Quảng Trị dài 35 km.

(4) Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây: đoạn trong địa phận Quảng Trị dài 139 km, từ Quảng Bình đến ngã ba Tà Cơn (huyện Hướng Hóa) giao với Quốc lộ 9 dài 65 km và từ Cầu Treo (ĐaKrông) giao với QL 9 đến ranh giới Thừa Thiên - Huế dài 72 km.

2 trục ngang:



(1) ĐT 571 (ĐT 7 cũ): hình thành trục ngang từ đường ven biển tại xã Vĩnh Thái theo hướng Tây nối tiếp ĐT 571 tại xã Vĩnh Long (km 723 + 100 – QL 1A) qua đường HCM nhánh Đông nối vào đường HCM nhánh Tây, tổng chiều dài 70 km.

(2) Quốc lộ 9: là trục ngang quan trọng năm trong hành lang kinh tế Đông – Tây nối Việt Nam với Lào – Campuchia – Thái Lan – Myanma. QL9 từ thị xã Đông Hà đến cửa khẩu quốc tế Lao Bảo dài 84 km đã được đầu tư nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III.

Theo qui hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam sẽ nâng cấp đoạn Cam Lộ - Lao Bảo dài 70 km đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe. Đến năm 2020, Quảng Trị sẽ có 6 tuyến quốc lộ chạy qua với chiều dài 557,7 km.

Ngoài ra còn có các tuyến đường tỉnh được qui hoạch: đến năm 2020, hệ thống đường tỉnh sẽ có 19 tuyến với tổng chiều dài 359,5 km, bao gồm các tuyến: ĐT 572 (Hồ Xá – Cạp Lài); ĐT 573 (nhánh Lâm Thủy cũ); ĐT 574 (ĐT 70 cũ); ĐT 575 (ĐT 75 Đông và Tây); ĐT 576; ĐT 577; ĐT 578; ĐT 579 (ĐT Ái Tử - Trừ Lấu cũ); ĐT 580 (ĐT 64 cũ); ĐT 581 (ĐT 68 cũ); ĐT 582 (ĐT 8 cũ); ĐT 584 (ĐT Hải Thượng –Hải Sơn); ĐT 585 (ĐT 11 cũ); ĐT 586 (ĐT Tân Long – A Túc – Pa Tầng); ĐT 587 (ĐT Khe Sanh – Sa Trầm cũ); ĐT 588 (ĐT Tà Rụt – La Lay cũ); ĐT 588a (nối thị trấn Krôngklang đến xã Ba Lòng và xã Hải Phúc) và ĐT 576b (đường cơ động ven biển Cửa Tùng - Cửa Việt).

Ngoài ra, còn có các tuyến đường đô thị tại thành phố Đông Hà và Quảng Trị (24 tuyến), các tuyến đường huyện, liên huyện, thị, tổng số là 106 tuyến.



Hệ thống giao thông đường sông, biển: trong tương lai Quảng Trị sẽ có 6 tuyến vận tải đường sông với hệ thống bến, cảng sông gồm: cảng Đông Hà và các bến sông. Các cảng biển gồm: cảng Cửa Việt và cảng nước sâu Mỹ Thủy.

Hệ thống giao thông đường sắt: gồm có tuyến đường sắt Thống Nhất và tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam; tuyến nối cảng Cửa Việt – ga Ngã Tư Sòng nối vào tuyến đường sắt chuyên dùng phục vụ cho nhà máy xi măng ở An Thái – Cam Tuyền, Cam Lộ; tuyến nối cảng Mỹ Thủy với ga Diên Sanh phục vụ cho cảng khi hàng hóa thông qua cảng tăng lên; tuyến đường sắt Đông Hà – Lao Bảo nối vào tuyến đường sắt của Lào và các nước ASEAN bổ sung vào mạng lưới đường sắt quốc gia.

Mạng lưới giao thông Quảng Trị tạo ra những vị thế thương mại thuận lợi cho tỉnh; do yêu cầu phát triển các mối liên kết thương mại giữa tỉnh Quảng Trị với các tỉnh thuộc vùng DHMT; do yêu cầu tổ chức không gian thương mại có hiệu quả, cho nên các tuyến giao thông đường bộ của tỉnh Quảng Trị hết sức quan trọng với việc phát triển thương mại.

Bên cạnh đó, các không gian phát triển thương mại cũng có thể được bố trí tại các thị trấn huyện lỵ theo mô hình vừa kết hợp với các khu vực buôn bán và dịch vụ để tạo thành các trung tâm thương mại hạng III, các khu thương mại - dịch vụ tổng hợp hoặc các siêu thị hạng II, III vừa phục vụ nhu cầu mua bán của dân cư trong địa bàn huyện, vừa có sức thu hút và phát luồng hàng hoá trong khu vực liên xã, liên huyện với thị trường các tỉnh lân cận; đồng thời tuỳ theo loại sản phẩm hàng hoá được sản xuất ra trên địa bàn, năng lực tổ chức thực hiện kinh doanh của các chủ thể kinh doanh và các điều kiện, cơ hội liên kết với các thị trường ngoài tỉnh…Các trung tâm vùng hay cụm thương mại - dịch vụ huyện có các điều kiện phát triển như:

+ Là khu vực có nhiều hộ kinh doanh, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp cao và cơ cấu ngành nghề tương đối đa dạng;

+ Nằm ở vị trí trung tâm của một huyện, một khu vực sản xuất, có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối phát triển;

+ Mật độ dân cư khá tập trung và nhu cầu mua khá lớn.



- Cấp trung tâm thương mại tỉnh: được xây dựng tại trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh là thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị, phù hợp với định hướng phát triển các trục đô thị hoá được ưu tiên phát triển trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2020.

Cụ thể, với không gian thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị sẽ hình thành khu thương mại trung tâm bao gồm những loại hình tổ chức thương mại như sau:

- Trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm.

- Khu thương mại - dịch vụ tổng hợp.

- Siêu thị.

- Trung tâm bán buôn.

Đây là các loại hình tổ chức thương mại trung tâm có quy mô lớn, có vai trò chủ đạo trong các hoạt động thương mại của tỉnh Quảng Trị, không chỉ đối với các huyện trong tỉnh, mà còn đối với ngoài tỉnh. Khu thương mại trung tâm này có các điều kiện phát triển như: nơi tập trung các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh Quảng Trị; trung tâm du lịch của tỉnh; trung tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ với dự kiến xây dựng các cụm công nghiệp xung quanh thị xã, khu vực tập trung dân cư với mật độ cao, có thu nhập và trình độ tiêu dùng khá phát triển hơn so với các địa bàn khác trong tỉnh; là đầu mối giao thông của tỉnh và đặc biệt có vị trí giao lưu quan trọng với thị trường các tỉnh DHMT và các thị trường nước ngoài khác; có vị trí tương đối thuận lợi để kết nối các vùng sản xuất nông nghiệp của các huyện; là khu vực có tiềm năng sản xuất, chế biến, kinh doanh hàng xuất khẩu; gắn với quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp tập trung của tỉnh. Riêng thành phố Đông Hà và Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo xây dựng trở thành trung tâm thương mại của vùng Bắc Trung bộ.

Ba cấp độ thương mại này không tách rời nhau mà đan xen vào nhau nhờ khả năng tổ chức thu hút nguồn hàng hay phát luồng hàng hoá tiêu dùng từ các trung tâm, cụm thương mại đối với các xã, các khu vực trong huyện, trong tỉnh. Đồng thời, cấp trung tâm, cụm thương mại trong tỉnh vừa có sự liên kết với nhau trong việc tổ chức nguồn hàng và tiêu thụ hàng hoá, vừa có sự độc lập với nhau trong việc khai thác các thị trường ngoài tỉnh, đặc biệt là thị trường các tỉnh, thành phố lớn.

Như vậy, việc bố trí cơ cấu ngành thương mại tỉnh Quảng Trị theo không gian nhằm phát huy năng lực nội sinh của nền kinh tế tỉnh và từng bước định hướng các hoạt động kinh tế đến thị trường ngoài tỉnh, ngoài nước. Trong đó, không gian thương mại vừa bám theo sự phát triển của sản xuất, tiêu dùng trong tỉnh, theo quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh đến năm 2020 và có thể phát huy được ảnh hưởng của nó đối với hoạt động kinh tế của tỉnh Quảng Trị, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp và khu vực nông thôn và một số trung tâm sẽ được xây dựng trong giai đoạn 2006 – 2010 và phát triển mạnh từ sau năm 2010.

Tiến trình thực hiện qui hoạch: việc xây dựng các không gian thương mại theo bố trí qui hoạch trên đây sẽ được thực hiện trong suốt giai đoạn từ nay đến năm 2020, trong đó:

- Giai đoạn 2011 - 2015: tập trung phát triển khu thương mại trung tâm, các trung tâm thương mại - dịch vụ tổng hợp, siêu thị và chợ thuộc thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và các chợ ở các thị xã, thị trấn. Đồng thời, từng bước chuẩn bị các điều kiện cơ sở hạ tầng và một phần cơ sở hạ tầng thương mại cho các khu thương mại, khu thương mại - dịch vụ tổng hợp tại các huyện trong tỉnh.

- Giai đoạn 2016 - 2020: cần tập trung phát triển để xây dựng và hoàn thiện các khu thương mại trong tỉnh, nhất là đối với hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật thương mại tại các khu thương mại – dịch vụ tổng hợp tại các huyện và các cơ sở liên kết, nối mạng của nó. Từ năm 2011, không gian phát triển thương mại của tỉnh Quảng Trị sẽ được mở ra ngay từ các tuyến huyện, thị trấn với phạm vi ngày càng rộng hơn và chứa đựng các hoạt động thương mại đa dạng hơn.



tải về 3.28 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   26




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương