UỶ ban nhân dân tỉnh quảng trị


Định hướng phát triển thương mại tỉnh Quảng Trị



tải về 3.28 Mb.
trang10/26
Chuyển đổi dữ liệu17.08.2016
Kích3.28 Mb.
#21656
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   26

3. Định hướng phát triển thương mại tỉnh Quảng Trị

3.1. Định hướng phát triển cấu trúc các hệ thống thị trường hàng hoá của tỉnh Quảng Trị

Quá trình hình thành và phát triển của sự giao lưu hàng hoá hay sự vận động của các hệ thống phân phối hàng hoá trong phạm vi rộng hay hẹp là quá trình khách quan trên cơ sở của quá trình phát triển sản xuất và tiêu dùng với những đặc thù riêng có của mỗi vùng, địa phương, khu vực; của sự phân công và hợp tác lao động trong vùng; của quá trình phát triển hệ thống giao thông và những điều kiện cơ sở hạ tầng khác.

Đối với Quảng Trị, việc hình thành cấu trúc thị trường nội tỉnh dựa trên khả năng tiêu thụ cũng như phát luồng hàng hoá, nhu cầu tiêu dùng và thế mạnh của các ngành sản xuất như: tư liệu sản xuất công nghiệp, hàng hoá nông, lâm sản (thuỷ sản sẽ được chú trọng phát triển mạnh trong tương lai) và hệ thống các thị trường chung nhằm phát huy tối đa hiệu quả của các hệ thống thị trường. Trên cơ sở đó và căn cứ vào qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị trong thời kỳ đến 2020, xác định phương hướng cụ thể phát triển các hệ thống thị trường hàng hoá trên địa bàn tỉnh, như sau:

Hệ thống thị trường hàng tiêu dùng:

- Ở thành thị:

* Hình thành cấu trúc cân đối, hợp lý giữa các khu thương mại - dịch vụ tổng hợp ở các khu đô thị, các khu dân cư và khu du lịch để hình thành mạng lưới các khu thương mại - dịch vụ tổng hợp của tỉnh.

* Lựa chọn phát triển các siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi hoặc điểm bán lẻ ở các khu, điểm du lịch phù hợp với qui mô nhu cầu của khách du lịch, có thể kết hợp các loại hình bán lẻ hàng hoá và các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nghỉ dưỡng, danh lam thắng cảnh.

* Quy hoạch phát triển các hình thức bán lẻ mới như trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị tổng hợp và siêu thị chuyên doanh (như siêu thị thực phẩm, điện máy, dụng cụ gia đình …) cũng như siêu thị dạng kho hàng và có chính sách, biện pháp khuyến khích đầu tư vào những hình thức này. Đồng thời cũng chú trọng phát triển mạng lưới các cửa hàng tiện lợi gần kề ở các khu dân cư; cho phép và khuyến khích, giúp đỡ những cửa hàng, quầy hàng, tiệm tạp hoá thành lập những liên minh kinh doanh, thống nhất trong mua và bán với mục tiêu đảm bảo cung ứng hàng rẻ, chất lượng tốt và tiện lợi cho dân cư. Cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp quy mô lớn mua hoặc sáp nhập những cửa hàng hoặc siêu thị nhỏ để phát triển mạng lưới các siêu thị tiện lợi.

Với vị trí địa - kinh tế của mình, nằm trên tuyến hành lang kinh tế, Quảng Trị được định hướng phát triển thành một trung tâm của vùng BTB&DHMT, là cầu nối các thị trường phía Bắc và duyên hải miền Trung, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và trực tiếp hoặc gián tiếp giao lưu, trao đổi với thị trường nước ngoài thông qua tuyến hành lang Đông - Tây. Do vậy, trong thời kỳ qui hoạch, trên địa bàn Quảng Trị có thể vừa phát triển trung tâm thương mại có đầy đủ các chức năng tuân thủ theo quy chế, vừa có các trung tâm thương mại được chuyên biệt hoá, như trung tâm mua sắm (phục vụ cho bán lẻ hàng hoá); trung tâm bán buôn (phục vụ cho bán buôn)… Tuỳ thuộc vào từng loại hình mà có các chức năng dịch vụ phù hợp.

Theo Qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị thì thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo được xác định là ba trung tâm kinh tế lớn của tỉnh, là những địa bàn trọng điểm của tỉnh về hoạt động thương mại và cũng là điểm đến của khách du lịch, được ưu tiên phát triển.

Do vậy, định hướng hình thành chủ yếu mạng lưới trung tâm thương mại tại các khu vực này để cung ứng cho hệ thống thị trường hàng tiêu dùng nội tỉnh và các khu vực lân cận của vùng. Mạng lưới trung tâm thương mại sẽ là hạt nhân để hình thành một trục thương mại kết nối các khu vực đô thị trung tâm với các loại hình tổ chức thương mại được đầu tư hiện đại, có đầy đủ các chức năng dịch vụ để trở thành không gian thương mại chính của tỉnh.

Song song với việc phát triển các trung tâm thương mại, hình thành các trung tâm mua sắm tại các thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và các thị trấn huyện lỵ. Các trung tâm mua sắm kết hợp cùng với các loại hình thương mại khác (cửa hàng, chợ), để tạo thành một không gian mua sắm phong phú, đa dạng cho khách du lịch.

Ngoài ra, để hình thành đầy đủ hệ thống thị trường hàng tiêu dùng và phát huy nhu cầu tiêu dùng nội lực, trong giai đoạn đầu của kỳ qui hoạch, xây dựng các siêu thị qui mô lớn và vừa tại các khu vực thương mại trung tâm của tỉnh là thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị và một số các thị trấn huyện lỵ (các siêu thị qui mô hạng I, II, III ở các khu đô thị). Trong giai đoạn tiếp theo (2016-2020), phát triển các siêu thị ở các khu đô thị mới, các khu du lịch được dự kiến phát triển trong giai đoạn này trên toàn bộ địa bàn tỉnh.

* Phát triển mạng lưới các khu logistics tập trung để cung cấp đồng bộ các dịch vụ hậu cần phân phối. Điều chỉnh, sắp xếp và nâng cấp thương nghiệp truyền thống, như hạn chế sự phát triển tràn lan của các quầy, tiệm tạp hoá ở khắp nơi hiện nay thông qua khống chế quy mô và số lượng của loại hình này ở từng khu vực, khuyến khích và hỗ trợ các cửa hàng bách hoá lớn sáp nhập những tiệm tạp hoá nhỏ để thành doanh nghiệp lớn có thương hiệu, khuyến khích các cửa hàng chuyển đổi thành các siêu thị chuyên doanh, các quầy, tiệm tạp hoá nhỏ gia nhập các liên minh mua bán hàng hoá.

* Cải tạo đường phố thương mại để trở thành hạt nhân ở các khu trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp đảm bảo các yêu cầu hiện đại và mang bản sắc văn hoá kinh doanh truyền thống, khắc phục được tình trạng phát triển trùng lặp ở các cửa hàng, cửa hiệu mặt phố.

* Phát triển mạng lưới kinh doanh hàng vật liệu xây dựng, ô tô, đồ dùng gia đình, đồ điện gia dụng theo hướng phát triển kinh doanh chuỗi có quy mô lớn và tổng hợp.

* Phát triển phương thức hiện đại bán hàng tiêu dùng theo hướng khuyến khích bán hàng qua các tổng đại lý hoặc nhượng quyền thương mại, bao gồm cả các chức năng chế biến, gia công, lắp đặt, dự trữ và áp dụng thương mại điện tử. Khuyến khích phát triển phương thức kinh doanh chuỗi trên cơ sở liên kết và liên doanh của những nhà kinh doanh nhỏ.

* Hiện đại hoá các chợ bán buôn, bán lẻ qui mô lớn ở các đô thị, phát huy chức năng phát luồng bán buôn cho các chợ dân sinh ở các khu dân cư, cung ứng hàng hoá tiêu dùng cho dân cư và khách du lịch, phát triển các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh trong chợ. Phát triển đa dạng các loại hình chợ phục vụ khách du lịch như chợ đêm, chợ ẩm thực, chợ du lịch. Hạn chế phát triển chợ dân sinh qui mô nhỏ tại các khu vực đô thị.

+ Ở nông thôn:

* Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại phát triển mạng lưới cửa hàng và trở thành kênh phân phối chủ yếu hàng tiêu dùng ở thị trường nông thôn; Nâng cấp mạng lưới chợ bán lẻ ở địa bàn các xã, khuyến khích các thương nhân hoạt động trong chợ thành lập các liên minh mua bán hàng hoá.

Hệ thống thị trường tư liệu sản xuất:

+ Phát triển đa dạng các hình thức bán buôn theo hướng khuyến khích đấu thầu mua sắm với sản phẩm chủ yếu, khối lượng lớn và cung ứng hàng hoá trực tiếp để giảm chi phí.

+ Khuyến khích và hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp bán buôn quy mô lớn của tư nhân.

+ Phát triển các trung tâm giao dịch nguyên, phụ liệu cho từng ngành sản phẩm.

+ Khuyến khích và hỗ trợ giao dịch giữa các hệ thống theo mạng trên cơ sở thành lập sàn giao dịch điện tử.

Hệ thống thị trường nông sản, thuỷ sản:

+ Hiện đại hoá các khu chợ bán hàng nông sản, thuỷ sản tại chợ trung tâm của các thị trấn. Nâng cấp, cải tạo các khu chợ chuyên doanh nông sản trong các chợ nông thôn để nông dân trực tiếp tiêu thụ sản phẩm nhỏ lẻ, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến khu chợ kinh doanh thuỷ sản tươi sống.

+ Khuyến khích phát triển một số các chợ bán buôn, bán lẻ truyền thống thành các siêu thị tổng hợp, cửa hàng nông sản, thuỷ sản.

+ Khuyến khích và hỗ trợ các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm ở thị xã mua hàng trực tiếp ở nông thôn và khuyến khích, hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà cung ứng bán nông sản vào các siêu thị, cửa hàng ở thị xã.

+ Khuyến khích phát triển các hệ thống hợp đồng mua nông sản với nông dân.

+ Phát triển mạng lưới các chợ bán buôn nông sản chuyên doanh và tổng hợp hiện đại theo hướng mua bán chuyên nghiệp và đấu giá, thanh toán qua hệ thống điện tử để gắn kết doanh nghiệp với các nhà sản xuất nông sản.

+ Hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại, các nhà sản xuất tham gia thị trường giao dịch kỳ hạn.

Để phục vụ cho hệ thống các thị trường tư liệu sản xuất và thị trường nông sản, thủy sản, cần đẩy mạnh xây dựng các trung tâm bán buôn lớn trên địa bàn tỉnh. Xác định quy mô của trung tâm bán buôn cần căn cứ vào tổng mức lưu chuyển bán buôn hàng hóa của các doanh nghiệp kinh doanh và của các nhà sản xuất... Trọng tâm phát triển kinh tế của Quảng Trị là các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch nên việc hình thành trung tâm bán buôn hàng công nghiệp tiêu dùng cũng như hàng tư liệu sản xuất, nông sản để phát luồng hàng hóa phục vụ cho các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch tại các khu vực thị trường trên địa bàn tỉnh và ra ngoài tỉnh là rất cần thiết.

Định hướng vị trí: hình thành trung tâm bán buôn ở khu vực thành phố Đông Hà và ở thị xã Quảng Trị cung ứng hàng hóa cho các thị trường đô thị trung tâm và phát luồng hàng hóa ra ngoài tỉnh.

Phát triển các hệ thống thị trường chung:

+ Hội chợ;

+ Triển lãm, triển lãm- bán hàng;

+ Chợ tổng hợp quy mô lớn;

+ Chợ chuyên doanh;

+ Trưng bày hàng mẫu và đặt hàng;

+ Sở giao dịch hàng hóa;

+ Sàn đấu giá

3.2. Định hướng phát triển các hệ thống phân phối hàng hoá hiện đại và truyền thống

Hiện nay trên địa bàn Quảng Trị, các loại hình thương mại chủ yếu là truyền thống, các loại hình thương mại hiện đại rất ít hoặc phát triển chưa rõ nét. Trong thời gian tới, trước những thuận lợi về vị trí địa – kinh tế là trung tâm của vùng BTB&DHMT, giao thông có thể kết nối dễ dàng với các địa bàn khác trong vùng thì một mặt vẫn tiếp tục duy trì nhưng sẽ thu hẹp dần và sẽ được tổ chức lại thương mại truyền thống. Trong khi đó, các loại hình thương mại hiện đại sẽ phát triển với tốc độ nhanh hơn nhằm thiết lập hệ thống phân phối hàng hoá hiện đại trên địa bàn tỉnh, không những phục vụ tiêu dùng nội tỉnh mà còn thu hút tiêu thụ từ các tỉnh khác trong vùng, trên cơ sở đó phát triển các dịch vụ của ngành thương mại theo hướng hiện đại hoá, chuyên nghiệp hoá:

- Tập trung đầu tư xây dựng các loại hình tổ chức thương mại hiện đại, chất lượng cao, trước hết ở các đô thị trung tâm, khu đô thị mới, các khu dân cư, khu du lịch của tỉnh, thúc đẩy sự hình thành phương thức kinh doanh chuỗi của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh...

Các loại hình thương mại hiện đại bao gồm các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị tổng hợp, chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi, trung tâm bán buôn... được phát triển ở các khu vực thương mại trung tâm của tỉnh tại thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị, các thị trấn huyện lỵ, các khu đô thị mới và các khu du lịch được dự kiến qui hoạch.

- Cải tạo các loại hình thương mại truyền thống thành các loại hình thương mại hiện đại như cửa hàng tiện lợi, cửa hàng, siêu thị chuyên doanh, cửa hàng bán hàng thương hiệu, có chính sách hỗ trợ các cửa hàng truyền thống nhỏ lẻ liên kết (thành lập các liên minh mua bán), hợp nhất hoặc sáp nhập và chuyển đổi sang các hình thức phân phối hiện đại. Xây dựng mô hình tổ chức và quản lý đường phố thương mại.

- Chỉ phát triển mới các chợ truyền thống phục vụ dân cư nông thôn, chú trọng đến kiến trúc, phân khu chức năng, trưng bày hàng hoá... đảm bảo tính thẩm mỹ, vệ sinh và văn minh thương mại.

- Khuyến khích việc áp dựng công nghệ thông tin trong giao dịch thương mại, kết hợp hài hoà giữa bán hàng trực tiếp và thương mại điện tử.

- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại áp dụng những phương thức, công nghệ, thiết bị bán hàng tiên tiến và ISO 9001- Tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng dịch vụ phân phối;



3.3. Định hướng phát triển doanh nghiệp thương mại của các thành phần kinh tế

Định hướng phát triển các doanh nghiệp thương mại của các thành phần kinh tế của Quảng Trị trên cơ sở khuyến khích phát triển hài hòa các doanh nghiệp kinh doanh bán buôn và bán lẻ của tỉnh theo các loại hình, bán buôn kích thích cho bán lẻ và bán lẻ là cơ sở để hình thành bán buôn trên địa bàn.

Đối với Quảng Trị, thế mạnh của tỉnh trong phát luồng hàng ra là lạc, cà phê, cao su, thủy sản nuôi trồng và gia súc, gia cầm các loại. do vậy cần xác định bán buôn sẽ là thành phần chủ yếu để phát luồng hàng hóa, gia tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa của tỉnh và kích thích sản xuất công, nông nghiệp của tỉnh phát triển.

- Phát triển các doanh nghiệp thương mại bán lẻ của các thành phần kinh tế theo những hình thái:

+ Phát triển mạng lưới Siêu thị, Trung tâm thương mại: về quy mô theo Quyết định 1371/2004/QĐ – BTM ngày 24/9/2004 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương).

+ Trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp: khu vực gồm nhiều doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ phụ thuộc vào nhau được quy hoạch thành một thể thống nhất ở một khu vực nội và ngoại thành. Khi mở rộng các khu dân cư, trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp sẽ là bộ phận của dự án chung. Trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp được quy hoạch thành một thể thống nhất trong một khu vực ở nội thành có thể là một khối nhà lớn có chung mái hoặc các dãy cửa hàng; ở ngoại thành là sự kết hợp giữa các doanh nghiệp bán lẻ với dịch vụ (nhà hàng, tín dụng, văn phòng du lịch, giải trí...) phục vụ chủ yếu cho khách hàng có xe máy, ô tô, hạt nhân là cửa hàng bách hoá tổng hợp, cửa hàng bách hoá hoặc cửa hàng bách hoá tổng hợp tự phục vụ, các cửa hàng chuyên doanh lớn, chợ chuyên doanh. Người sở hữu và quản lý các trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp được quy hoạch sẽ thành lập bộ máy quản lý trung tâm để tạo hình ảnh công ty và chiến lược kinh doanh, gồm các nhiệm vụ như: lựa chọn các doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ cho trung tâm, xác định địa điểm cho các doanh nghiệp, xác định các biện pháp marketing cho toàn bộ trung tâm và quảng cáo chung, phối hợp các nhiệm vụ chung và thực hiện các cuộc triển lãm chung ở trung tâm, tạo thuận lợi cho giao thông trong trung tâm (hệ thống đỗ xe, vị trí đỗ xe tạm thời, hợp lý hoá việc vận chuyển hàng hoá trên các con đường của trung tâm...).

+ Trung tâm mua sắm (shopping mall): là một khu tập trung các hoạt động thương mại, có nhiều cửa hàng bán lẻ và dịch vụ tập trung tại một khu vực kiến trúc hoặc một khu vực do doanh nghiệp quản lý kinh doanh, phát triển có kế hoạch, bộ máy quản lí chuyên nghiệp. cung cấp dịch vụ mang tính tổng hợp cho người tiêu dùng. Địa điểm kinh doanh: ở nơi giao thông thuận lợi, tại khu trung tâm thương mại, nơi giao thoa giữa thành thị và nông thôn.

Cơ cấu trung tâm bao gồm các hạt nhân là siêu thị và các cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng đồ hiệu, cửa hàng ăn nhanh... và các dãy cửa hàng. Trung tâm mua sắm bên ngoài được thiết kế đẹp đẽ, cuốn hút khách hàng, bên trong sang trọng, thanh nhã, áp dụng cho thuê hoặc bán gian hàng, cửa hàng hạt nhân không vượt quá 80% diện tích của trung tâm, có các dịch vụ phụ trợ cho bán lẻ, ăn nhanh, giải trí..., được bố trí tập trung; bãi đỗ xe.

+ Các loại cửa hàng: cửa hàng bách hóa, cửa hàng bách hoá tự phục vụ, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng các loại thương hiệu, cửa hàng thời trang, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng miễn thuế, cửa hàng giảm giá, cửa hàng chiết khấu, của hàng trưng bày và giới thiệu hàng, cửa hàng đồ cũ, cửa hàng tạp hóa.

+ Chợ tổng hợp, chợ chuyên doanh.

+ Chi nhánh bán lẻ của nhà sản xuất.



+ Mạng lưới bán hàng lưu động (không gắn với một địa điểm cố định, một cửa hàng nhất định) như những người bán hàng tại nhà, những người đến tận hộ gia đình để giới thiệu và bán hàng, xe bán hàng lưu động tại khu dân cư, xe bán hàng ngoài đường, chợ sớm, chợ đêm, chợ tuần, chợ tết…; Bán hàng qua ti vi, bán hàng qua mạng, bán hàng qua bưu điện, máy bán hàng…

- Phát triển các doanh nghiệp thương mại bán buôn của các thành phần kinh tế theo các hình thái như:

+ Công ty bán buôn tổng hợp.

+ Công ty bán buôn chuyên doanh.

+ Công ty- hợp tác xã thương mại thu mua (thu gom hàng hoá, phân loại và đóng gói).

+ Công ty thương mại bán buôn tự phục vụ.

+ Công ty thương mại bán buôn bày hàng (có diện tích bán hàng hoặc diện tích đặt giá bày hàng ở các trung tâm thương mại, các khu thương mại, trung tâm bán buôn...).

+ Công ty cổ phần - hợp tác xã bán buôn của các nhóm liên kết (nhóm liên kết của khách hàng mua buôn hoặc nhóm liên kết tự nguyện của các hộ kinh doanh).

+ Trung tâm thương mại bán buôn (quần tụ tại một địa điểm bao gồm nhiều doanh nghiệp bán buôn, các nhà môi giới thương mại, kho của nhà sản xuất, tổng kho của các nhà bán buôn và bán lẻ, các doanh nghiệp hỗ trợ khác...).

+ Trung tâm phân phối bán buôn (trong đó các nhà sản xuất, đại diện thương mại, công ty bán buôn... thường xuyên trưng bày hàng mẫu, triển lãm bán hàng và giới thiệu hàng hoá).

+ Trung tâm kho vận và trung chuyển (phục vụ chung cho các hoạt động thương mại bán buôn, như sử dụng diện tích nhà kho, kỹ thuật bảo quản, chuyên chở, thiết bị ... để nâng cao năng suất giao nhận- vận chuyển hàng hoá).

+ Trung tâm đại diện thương mại (quần tụ tại một địa điểm nhiều doanh nghiệp đại diện thương mại gắn liền với trưng bày hàng mẫu, sử dụng chung các diện tích văn phòng, diện tích kho, bãi để hàng, thiết bị thông tin hay bãi đỗ xe...).

+ Công ty chợ bán buôn nông sản: đảm bảo được các chức năng của thị trường bán buôn nông sản (tập hợp và phân phối nông sản, giao lưu thông tin, hình thành giá cả, nhà nước điều tiết thị trường...) thông qua áp dụng các phương thức giao dịch hiện đại (đấu giá, thanh toán điện tử, mạng thông tin...); kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; cung cấp các dịch vụ phụ trợ phân phối hàng hoá và các dịch vụ chuyên nghiệp khác.

- Phát triển các đại lý uỷ quyền theo hướng: Chức năng và vai trò của các đại lý thay đổi từ chức năng bán buôn đơn thuần sang cung cấp dịch vụ là chính. Các nhà bán buôn, đại lý sẽ chuyển trọng tâm từ mua bán, giao dịch, lợi nhuận ngắn hạn chuyển sang xây dựng thương hiệu dịch vụ phân phối hàng hóa. Nguồn lợi nhuận chính của các nhà đại lý sẽ từ chênh lệnh giá mua bán hàng hóa chuyển sang giá trị dịch vụ gia tăng. Tăng mức độ chuyên nghiệp hoá trong hệ thống đại lý, như đại lý nghiệp vụ bán lẻ; đại lý nghiệp vụ của trung tâm thương mại và chuỗi siêu thị, cửa hàng; đại lý nghiệp vụ mua hàng tập thể; đại lý nghiệp vụ chợ đêm; đại lý kênh phân phối hàng đặc chủng; đại lý nghiệp vụ thương mại bất động sản; đại lý mua hàng qua bưu điện; đại lý mua hàng qua mạng; đại lý mua hàng qua ti vi…; tổng đại lý khu vực xây dựng đội ngũ quản lý để khai thác, phát triển một cách chuyên nghiệp hoá theo từng loại hình kênh phân phối.

- Phát triển các doanh nghiệp nhượng quyền và nhận quyền kinh doanh thương hiệu hoặc kinh doanh cửa hàng bán lẻ, dịch vụ; Thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu dịch vụ nhượng quyền ra nước ngoài.

- Phát triển các mô hình tổ chức kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại theo các loại hình sau:

+ Cửa hàng bán lẻ.

+ Công ty, chi nhánh – văn phòng đại diện.

+ Tổng đại lý khu vực và đại lý.

+ Bán hàng trực tiếp từ kho chứa.

+ Kinh doanh theo hợp đồng nhượng quyền thương mại.

+ Doanh nghiệp bán lẻ lớn.

+ Tập đoàn - Công ty mẹ và các công ty con.



- Thúc đẩy sự hình thành và nâng cao vai trò của Hiệp hội các doanh nghiệp thương mại Quảng Trị trong quá trình liên kết hình thành các chuỗi cung ứng hàng hoá, đảm bảo được sức cạnh tranh bền vững cho các thành viên.

3.4. Định hướng phát triển dịch vụ phụ trợ liên quan đến phân phối hàng hoá

Quảng Trị có lợi thế về mạng lưới giao thông đường thuỷ, bộ, hệ thống cảng được hình thành dọc theo các sông, bên cạnh đó còn là địa bàn trung tâm vùng, giao thông đường bộ thuận lợi, là nơi giao lưu và trung chuyển hàng hoá với các địa phương khác trong và ngoài nước. Mạng lưới cung ứng dịch vụ phụ trợ trên địa bàn Quảng Trị sẽ chủ yếu được bố trí tại các khu vực trung tâm tỉnh là thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và tại các điểm đầu mối của vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn liền với các loại hình thương mại lớn, hiện đại như kho bán buôn, trung tâm bán buôn, trạm thu mua ... Trên cơ sở đó, định hướng phát triển dịch vụ phụ trợ theo hướng sau:

- Phát triển đa dạng các dịch vụ phụ trợ liên quan đến quá trình phân phối hàng hoá như: bảo quản, lưu kho hàng hoá; lắp ráp, sắp xếp và phân loại hàng hoá có khối lượng lớn, bốc dỡ và phân phối lại đối với hàng hoá khối lượng nhỏ; dịch vụ giao hàng; dịch vụ bảo quản lạnh; các dịch vụ khuyến mãi do những người bán buôn thực hiện; các dịch vụ liên quan đến việc kinh doanh của người bán lẻ (chế biến phục vụ cho bán hàng...); dịch vụ kho hàng và bãi đỗ xe.

- Hình thành các khu dịch vụ tổng hợp theo hướng chuyên nghiệp hoá đảm bảo cung ứng dịch vụ đầy đủ và thuận lợi, chi phí thấp cho các nhà phân phối.

- Tổ chức các dịch vụ phụ trợ ở các khu thương mại bán buôn, chợ đầu mối bán buôn, trung tâm kho - vận, các trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp...

- Khuyến khích và hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ phụ trợ áp dụng các phương thức, thiết bị, công nghệ tiên tiến.

- Thu hút các nguồn lực theo hướng xã hội hoá vào phát triển các dịch vụ phụ trợ của ngành thương mại.

3.5. Định hướng phân bố cơ cấu bán buôn và bán lẻ của ngành thương mại trên địa bàn tỉnh

Nguyên tắc phân bố:

- Mạng lưới cơ cấu bán buôn và bán lẻ của ngành được phân bố dựa trên nhiều tiêu thức, như bán kính thị trường, mật độ cư dân, thu nhập và sức mua, địa điểm, quy mô, dòng lưu thông hàng hoá, cơ cấu hàng hoá, phương thức kinh doanh, mục tiêu của người tiêu dùng, chức năng dịch vụ...

- Mạng lưới thương mại vừa phải trải rộng đến từng loại khách hàng tiêu dùng, vừa phải đảm bảo quy mô phân phối lớn để giảm chi phí lưu thông, tạo giá trị tăng thêm cao. Do vậy trong quy hoạch không thể phân bố cứng cho tất cả mạng lưới của các loại hình thương mại, chỉ có thể phân bố mạng lưới các loại hình thương mại có quy mô phân phối lớn, các thị trường tiêu thụ trung tâm, các khu dịch vụ phụ trợ của ngành.

- Phân bố cơ cấu ngành thương mại tỉnh theo hướng phát triển các trung tâm mua bán hàng hoá và tổ chức các loại hình thương mại theo các không gian đó, gắn với các khu vực thị trường trên địa bàn tỉnh.

Định hướng phân bố trên địa bàn Quảng Trị:

- Theo Qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Quảng Trị, phân vùng kinh tế - địa lý bao gồm các tiểu vùng chính:

+ Vùng miền núi: bao gồm 47/141 xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn các huyện Hướng hoá, Đakrông và một số xã ở phía tây các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ. Diện tích tự nhiên 313.402 ha, dân số 141,4 nghìn người, chiếm 65% diện tích và 22% dân số toàn tỉnh. Đây là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển: có cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo và Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo là đầu mối quan trọng trên hành lang kinh tế Đông - Tây; có tiềm năng, thế mạnh trồng cây công nghiệp lâu năm như: cà phê, cao su, hồ tiêu, chăn nuôi đại gia súc; có 2 nhánh đường Hồ Chí Minh chạy qua. Trong vùng còn có cửa khẩu Quốc gia La Lay hướng đến sẽ hình thành Khu kinh tế cửa khẩu La Lay và các cặp cửa khẩu phụ: Thanh, Cheng, Tà Rùng, Cóc; các công trình thủy điện – thủy lợi, hồ Rào Quán. Vùng miền núi Quảng Trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là động lực để phát triển kinh tế - xã hội miền Tây, bảo vệ môi trường sinh thái, quốc phòng an ninh của tỉnh. Định hướng phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp phải gắn với phát triển các khu kinh tế và cửa khẩu.



+ Vùng đồng bằng: bao gồm địa bàn lãnh thổ tỉnh dọc theo Quốc lộ 1A và các xã đồng bằng thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ. Đây là vùng có hệ thống đô thị phát triển như Đông Hà, Quảng Trị, Hồ Xá; phân bố các khu công nghiệp quan trọng của tỉnh như: Nam Đông Hà, Quán Ngang, Đường 9, Bắc Hồ Xá, Hải Lăng; có các trung tâm thương mại, dịch vụ phát triển.

+ Vùng ven biển và đảo Cồn Cỏ: bao gồm các xã ven biển thuộc huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và đảo Cồn Cỏ chiếm khoảng 11% về diện tích và 19% dân số của tỉnh. Đây là vùng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, du lịch, dịch vụ.

- Theo định hướng phát triển đô thị đến năm 2020, hình thành nên 04 trục đô thị gồm:



+ Trục đô thị quốc lộ 1A: bao gồm Hồ Xá, thị trấn Gio Linh, thành phố Đông Hà, thị trấn Ái Tử, thị xã Quảng Trị, thị trấn Hải Lăng.

+ Trục đô thị quốc lộ 9: bao gồm thị trấn Cửa Việt, thành phố Đông Hà, thị trấn Cam Lộ, thị trấn Krông Klang, Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo.

+ Trục đô thị đường Hồ Chí Minh và ven biên giới: bao gồm thị trấn Hướng Phùng, khu KTTM đặc biệt Lao Bảo, thị trấn Tà Rụt (nhánh Tây); thị trấn Bến Quan, thị trấn Cam Lộ (nhánh Đông) và thị trấn biên giới A Túc.

+ Trục đô thị ven biển: bao gồm thị trấn Cửa Tùng, thị trấn Cửa Việt, thị trấn Bồ Bản và thị trấn Mỹ Thủy.


tải về 3.28 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   26




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương